Thursday, November 1, 2018

Xây nhà hát, xây tượng Fidel, hay mang hài cốt liệt sĩ về nhà? - Trân Văn


Xây nhà hát, xây tượng Fidel, hay mang hài cốt liệt sĩ về nhà?
30/10/2018

Hôm qua, 29 tháng 10, khi thảo luận về tình hình ngân sách quốc gia, hai Đại biểu Quốc hội: Ông Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Đại biểu của tỉnh Bến Tre, đồng thời là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội) và bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn Đại biểu TP.HCM) tranh luận sôi nổi về quyết định xây Nhà hát Thủ Thiêm (1).
Trong bối cảnh công khố thì rỗng nhưng chi tiêu vẫn tăng không ngừng, phải vay để có tiền xài, ông Nhưỡng đề nghị chính phủ phải hành xử quyết liệt đối với những dự án xây dựng trung tâm hội nghị, công trình văn hóa, kiểu như Nhà hát Thủ Thiêm chứ không thể dĩ hòa vi quý như trước nay được nữa.
Bà Tâm phản bác ngay lập tức. Theo bà, 1.500 tỉ xây dựng Nhà hát Thủ Thiêm không liên quan gì đến thu – chi ngân sách hiện nay vì chính quyền TP.HCM đã bán xong một công thự, tiền đã sẵn, giờ chỉ có xây. Bà Tâm lập lại những thông tin mà một số viên chức hữu trách ở TP.HCM đã nói nhiều lần: Dự án Nhà hát Thủ Thiêm đã được chính phủ phê duyệt từ lâu, bây giờ mới làm. Phải làm vì không thể không đầu tư cho văn hóa.
Tuy tranh luận giữa ông Nhưỡng và bà Tâm được mô tả là “gay gắt” nhưng chỉ diễn ra trong ít phút và cũng chẳng đến đâu. Hơn 400 đại biểu khác của dân chúng Việt Nam tại Quốc hội ngậm tăm. Nói cho chính xác thì ông Nhưỡng và một đại biểu khác có đề nghị nói lại, nói thêm nhưng ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội, người điều hành cuộc thảo luận không cho vì không có thời gian.
Trước giờ, tranh luận tại Diễn đàn Quốc hội Việt Nam là chuyện hiếm, tranh luận trực tiếp giữa đại biểu các địa phương với nhau về những dự án đầu tư bằng công quỹ còn hiếm hơn. Hình như vì những thắc mắc về hiệu quả kinh tế - xã hội của các dự án, ngay cả cảnh báo về nhân tâm đều không… thức thời. Nếu địa phương nào lách ra, vượt lên, thành công với loại dự án nào đó, đó chính là cơ hội cho các địa phương khác mè nheo với lý do không có là thiếu công bằng, là thua thiệt. Theo con đường ấy, quảng trường – tượng đài Hồ Chí Minh mới mọc lên như nấm trên khắp Việt Nam!
***
Hôm qua, đọc xong tường thuật của báo giới Việt Nam về cuộc thảo luận của Quốc hội Việt Nam đối với ngân sách quốc gia, kẻ viết bài này tình cờ xem một video clip đang được nhiều người sử dụng mạng xã hội tại Mỹ chia sẻ với nhau. Clip chỉ có 3 phút 37 giây do Claudia Primos thực hiện và đưa lên trang facebook của cô.
Cô Primos là con một trung úy của quân đội Mỹ hồi Thế chiến thứ hai. Ông vừa mới qua đời tại một bệnh viện dành cho cựu chiến binh. Cô Primos không cho biết cha cô tên gì, bao nhiêu tuổi. Cô ghi lại cảnh người ta chuyển thi hài cha cô được phủ quốc kỳ từ bên trong bệnh viện ra xe để mang đến nhà quàn… rồi đưa lên trang facebook của cô vì muốn anh chị em của cô dẫu chưa kịp về cũng có thể biết...
Chừng 82.000 người được xem ké cảnh một nhân viên đẩy băng ca mang thi thể ông Primos ra ngoài trong tiếng nhạc – chuyên dùng để tiễn biệt tử sĩ – được bệnh viên phát qua hệ thống loa,… và không chỉ có nhân viên bệnh viện xếp hàng, đứng nghiêm tiễn biệt mà những bệnh nhân khác – toàn là người già – ngồi trên những chiếc xe lăn dọc một vài đoạn hành lang, nếu không ráng đứng dậy thì cũng nghiêng mình, giơ tay chào… đã lên tiếng chia buồn với gia đình cô Primos, cám ơn cụ ông Primos đã phục vụ quốc gia, dân tộc (2).
Ngoài 82.000 người ấy, video clip của cô Primos còn được 350.000 người khác share cho bạn bè xem dù rằng ở Mỹ, những cảnh như thế là bình thường, có thể thấy ở khắp nơi. Ở Mỹ, từng khoác quân phục và giải ngũ trong danh dự (không bị loại ngũ vì vi phạm kỷ luật), bất kể đã phục vụ quân đội bao lâu đồng nghĩa với việc được chăm sóc miễn phí tại các cơ sở y tế của Bộ Cựu chiến binh đến hết đời. Cựu chiến binh, bất kể cấp bậc, còn có quyền yêu cầu được tổ chức tang lễ theo nghi thức danh dự, an táng ở những nghĩa trang quốc gia. Đó là lúc chết, còn khi sống, cựu chiến binh được ưu tiên tuyển vào làm việc trong hệ thống công quyền từ liên bang tới địa phương nếu hội đủ yêu cầu tối thiểu của vị trí đó. Ưu tiên này chỉ thấp hơn ưu tiên dành cho cha mẹ, vợ của những tử sĩ và những thương binh.
Cũng ở Mỹ, bởi đưa lính Mỹ đi khắp nơi, chính phủ có trách nhiệm đưa tất cả lính Mỹ về nhà. Việc tìm kiếm những quân nhân Mỹ mất tích từ Thế chiến thứ nhất đến giờ vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu. Đối thủ của nước Mỹ khai thác tối đa điều đó và thường thì chính phủ Mỹ luôn luôn tương nhượng để các tù binh Mỹ được phóng thích và để được nhận lại hài cốt của các quân nhân Mỹ.
Năm 2014, Tổng thống Obama từng bị chỉ trích kịch liệt khi đồng ý đem năm kẻ khủng bố được xem là đặc biệt nguy hiểm, đang bị biệt giam ở Guantanamo đổi lấy Bowe Bergdal – một binh nhất vô kỷ luật, tự ý rời khỏi doanh trại rồi bị Taliban bắt làm tù binh hồi 2009 (3). Giữa năm nay, Bắc Hàn tiếp tục thành công khi sử dụng hài cốt lính Mỹ tử trận trong cuộc chiến Nam – Bắc Triều Tiên như một trong những công cụ lợi hại để kéo chính phủ Mỹ quay lại, ngồi vào bàn đàm phán về giải giới vũ khí hạt nhân – bỏ cấm vận.
***
Tranh luận giữa ông Nhưỡng, bà Tâm về sử dụng ngân sách cho Nhà hát Thủ Thiêm – một công trình “văn hóa” và video clip mà cô Claudia Primos thực hiện rồi đưa lên trang facebook của cô về cách mà người Mỹ đối xử với cha cô – một cựu chiến binh, làm kẻ viết bài này liên tưởng đến chuyện một đại biểu Quốc hội khác - Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Phó Tư lệnh Quân khu 2 – từng xới lên hồi tháng 11 năm ngoái, cũng liên quan tới ngân sách.
Lúc đó, ông tướng đồng thời là đại biểu của tỉnh Hà Giang tại Quốc hội khóa 14, bảo với các đồng viện là còn khoảng 2.500 hài cốt liệt sĩ đang phơi mưa nắng tại các cao điểm 1.800A, 1.800B, 1.722, 1.220, 1.030,… Tuy tướng Cò không cung cấp chi tiết nhưng dựa vào diễn biến xung đột vũ trang tại biên giới Việt – Trung, người ta tin rằng những liệt sĩ ấy đã đền nợ nước trong các đợt phản công - tái chiếm, phòng vệ lãnh thổ giai đoạn từ giữa năm 1980 đến đầu năm 1987 ở Hà Giang. Tướng Cò khẳng định với các đồng viện rằng, chỉ cần cấp tiền cho Bộ Quốc phòng và Quân khu 2 một lần thì trong hai năm 2018 và 2019, quân đội sẽ đưa hết toàn bộ hài cốt các liệt sĩ về với thân nhân của họ (5).
Tuy nhiên theo tường thuật của báo giới Việt Nam thì chẳng có đại biểu nào ở Quốc hội bận tâm góp cho vài lời. Sắp tròn một năm nhưng vẫn chưa thấy thông tin nào liên quan đến chuyện lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo Bộ Quốc phòng sẽ làm gì đó để tìm kiếm, mang hài cốt của khoảng 2.500 liệt sĩ về nhà. Sau hơn 30 năm phơi mưa nắng trên những dãy núi đá ở Hà Giang, có bao nhiêu trong số 2.500 hài cốt này còn nguyên vẹn và có thể xác định được danh tính?
Rồi ngoài Hà Giang với 2.500 hài cốt đang phơi mưa nắng, bao giờ thì hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam tính đến chuyện tìm kiếm, an táng hài cốt những liệt sĩ tử trận ở Cao Bằng, Lạng Sơn trong giai đoạn 1979 - 1981? Đó là chưa kể hài cốt của hàng chục ngàn liệt sĩ đã thiệt mạng trong các cuộc chiến từ 1945 – 1954, 1954 – 1975, 1979 – 1985 ở Campuchia,… vẫn còn vất vưởng, vương vãi đâu đó!
Dân vốn chẳng là gì? Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam xem trường học, bệnh viện, công trình công cộng phục vụ dân sinh không bằng cổng chào, tượng đài, quảng trường, bảo tàng, nhà hát, trung tâm triển lãm,… thì cũng đành ráng mà chịu. Song chẳng lẽ những người đã hiến máu, tặng xương, góp mồ hôi để gầy dựng Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng không là gì?
Nhà hát Thủ Thiêm – một trong những công trình có tính biểu tượng cho “văn hóa” của những “con người mới xã hội chủ nghĩa” dường như khác với văn hóa, văn minh chung của nhân loại. “Nghĩa tình” của những “con người mới xã hội chủ nghĩa” cũng khác với tình nghĩa theo nhận thức chung của loài người.
“Nghĩa tình” kiểu đó thúc đẩy chính phủ phê duyệt dự án Nhà hát Thủ Thiêm, cho phép chính quyền TP.HCM “tự cân đối” bằng bán công thự. Đem khoản “tự cân đối” ấy so với chuyện không có tiền thu thập khoảng 2.500 hài cốt liệt sĩ đang phơi mưa nắng ở Hà Giang sẽ bị phê phán là… khập khiễng.
“Nghĩa tình” kiểu đó tuy là lý do để Ban Bí thư Ban Chấp hành trung ương Đảng CSVN gật đầu, cho phép chính quyền tỉnh Quảng Trị “tự cân đối” bằng cách bán công thổ để xây dựng Công viên Fidel Castro nhưng tri ân Fidel Castro cụ thể hơn tri ân những người đem tính mạng để đặt quyền lực vào tay các thành viên Ban Bí thư thì có gì là không chính đáng?..
***
Còn lựa chọn – quy hoạch nhân sự lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương, còn con lãnh đạo làm lãnh đạo, còn những người như bà Tâm, xem thiết chế kiểu đó là “phúc” của dân tộc. Bà Tâm nói thế là còn kiềm chế. Lựa chọn – quy hoạch nhân sự lãnh đạo là “đại phúc” chứ không phải thứ phúc ấm bình thường. “Đại phúc” ấy không thời nào có, chẳng nơi nào bằng!
Chú thích



No comments:

Post a Comment