Trung Quốc bỏ của chạy lấy người khỏi Venezuela
Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa,
RFA
2016-09-14
2016-09-14
Tình hình kinh tế bế tắc và xã hội
bất trắc tại xứ Venezuela khiến lãnh đạo Bắc Kinh lúng túng không ít. Họ vừa lo
mất tiền cho vay lên tới 60 tỷ đô la, lại sợ kiều dân của họ bị sát hại trong một
xứ mà tỷ lệ tội ác và lạm phát đang dẫn đầu thế giới. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu
về cuộc phiêu lưu thất bại của Trung Quốc tại một quốc gia thuộc loại giàu nhất
lục địa Nam Mỹ nay sắp vỡ nợ vì chủ trương xã hội chủ nghĩa với màu sắc cộng
sản….
Vì đâu nên nỗi?
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin chào chuyên
gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, nền Cộng hòa Bolivar Venezuela đang bị
khủng hoảng muôn mặt mà chưa thấy lối ra sau 16 năm theo đuổi con đường xã hội
chủ nghĩa do cố Tổng thống Hugo Chávez đề xướng từ năm 1999. Là quốc gia giàu
tài nguyên nhất lục địa Nam Mỹ, ngày nay Venezuela lại dẫn đầu thế giới về suy
thoái kinh tế với đà tăng trưởng có thể sụt 10%, về mức lạm phát lên tới 100%,
về nạn khan hiếm lương thực khiến người ta cướp thức ăn trong trường học, và
nhất là về tỷ lệ tội ác tính theo đầu người. Trong khung cảnh đó, thế giới mới
nói tới sự lúng túng của lãnh đạo Bắc Kinh vì họ đã đầu tư nhiều nhất vào xứ
này, nay kiều dân của họ có thể bị sát hại nên đã lánh nạn qua hai nước lân
bang là Colombia và Panama. Thưa ông , thính giả của chúng ta có thể tò mò tự
hỏi là “vì đâu mà nên nỗi như vậy?”
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng câu trả lời sẽ gồm có hai phần. Thứ nhất, vì
đâu mà một quốc gia giàu có lại đến nỗi phá sản và tan hoang như vậy? Thứ hai,
vì sao Trung Quốc trút tiền và người vào xứ này và nay chưa biết làm sao thu
hồi lại vốn và bảo vệ mạng sống cho kiều dân của họ?
Về phần nhất, trên diễn đàn này từ
hơn ba năm trước, khi ông Hugo Chávez tạ thế, chúng ta cũng đã đề cập và tiên
báo các vấn đề ngày nay của Venezuela. Tôi xin được cập nhật lại các chi tiết
mới. Số là sau khi giành được nền độc lập từ Đế quốc Tây Ban Nha vào đầu thế kỷ
19 nhờ ông Simon Bolivar, thì Venezuela có hai đặc sản là nạn độc tài và tài vỡ
nợ. Trong phạm vi của chương trình kinh tế, ta hãy nói đến nạn vỡ nợ. Tính bình
quân thì từ năm 1825 đến 1900, cứ 12 năm rưỡi lại vỡ nợ một lần. Trong ba chục
năm gần đây thì bốn lần vỡ nợ, bình quân là bảy năm một lần, mới nhất là vào
năm 2004 và nay sắp là lần thứ năm với 100 tỷ đô la trái phiếu sẽ đáo hạn.
Nguyên Lam: Nhưng thưa ông, vì sao trước đây người ta vẫn tin rằng
xứ này giàu tài nguyên và thuộc loại trù phú của lục địa Nam Mỹ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Câu trả lời ngắn gọn là sự hồ hởi sảng vì tài nguyên quan
trọng là bộ não trên đầu, không là quặng mỏ dưới đất! Tìm hiểu kỹ thì ta thấy
nạn lạc quan tếu vì tài nguyên phong phú khiến giới đầu tư vay tiền và thổi
bong bóng chả khác gì hiện tượng bể bọt trên sóng tại vùng biển Nam Mỹ nổi
tiếng của Đế quốc Anh vào thế kỷ 18, gọi là "South Sea Bubble". Qua
thế kỷ 20, người ta lại hồ hởi nữa khi tìm ra dầu mỏ tại Venezuela từ năm 1922.
Xứ này có trữ lượng khoảng 300 tỷ thùng dầu thô, hàng thứ nhì thế giới, và
thành cột trụ của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa OPEC mà cũng bị hoạn nạn
chính là vì nguồn tài nguyên đó.
Hơn 30 năm trước, Venezuela đã có
dân chủ và tương đối thịnh vượng nhờ kho dầu. Nhưng bất ổn kinh tế vì dầu thô
sụt giá và nạn tham ô đã gây bất mãn. Sau khi đảo chánh không thành, Hugo
Chavez bèn bơi trên làn sóng phẫn nộ của quần chúng mà tham gia bầu cử và thắng
lớn. Ông lập ra một chế độ quyến rũ là "độc tài mị dân". Mị dân nghèo
để tập trung quyền lực vào phe đảng của mình, trên cùng là bản thân, tới khi
gần chết mới buông. Có tài hùng biện và khẩu hiệu cách mạng của anh hùng
Bolívar, tinh thần độc lập chống Hoa Kỳ và chủ trương xây dựng xã hội chủ nghĩa
cho dân nghèo, v.v... Chavez đã thắng và cầm quyền trong 14 năm nhờ đảng Xã hội
Chủ nghĩa Thống nhất Venezuela và lực lượng dân quân có 125 ngàn tay súng, nằm
ngoài quân đội mà trong hệ thống quyền lực của mình. Ông Chavez cũng lập ra
mạng lưới liên hội cộng đồng có cái vỏ của "dân chủ từ cơ sở" mà thực
chất là thu vén quyền hành và quyền lợi của các địa phương vào tay những kẻ
thân tín của lãnh tụ.
Nguyên Lam: Còn về chính sách kinh tế thì người sáng lập ra chế độ xã
hội chủ nghĩa này đã làm những gì, thưa ông?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Vì ỷ vào dầu khí là nguồn thu chính, chế độ Chávez quốc hữu
hóa khu vực năng lượng mà không phát triển các khu vực sản xuất khác cho nên
kinh tế bị mất cân đối, phải nhập khẩu lương thực, bị lạm phát mà công nghiệp
dầu khí lại tụt hậu và mắc nợ vì nạn bao cấp nên mới càng lệ thuộc vào Trung
Quốc. Nói chung, Venezuela nay đã cạn tiền và thành phần nghèo khổ bắt đầu thất
vọng nhưng chế độ dân chủ nửa vời của Hugo Chavez đã tiêu diệt mọi lực lượng và
giải pháp khác nên giờ này các đảng phái đối lập mới chật vật đối phó.
Vì sao Trung Quốc sa lầy?
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin bước qua phần hai là vì đâu mà Trung Quốc
lại lâm vào tình trạng khó khăn ngày nay tại Venezuela? Thưa ông, chẳng lẽ Bắc
Kinh không học được bài học về nạn bể bọt đầu tư đã từng xảy ra tại Venezuela
và nhiều xứ Nam Mỹ khác hay sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thật ra họ đã tiếp thu kinh nghiệm quốc tế và có bản lĩnh
chứ không mơ hồ. Chuyện này có đầy khúc mắc nên tôi xin từng bước giải thích.
Về đại thể, Trung Quốc là xứ đói ăn
khát dầu nên cần bảo đảm nguồn cung cấp nguyên nhiên vật liệu và lương thực về
lâu dài, nếu không thì bị loạn. Ưu tiên thứ hai là khi tiến hành việc đó, lãnh
đạo Bắc Kinh quan tâm đến yêu cầu phát triển thế lực ngoại giao với các nước,
bất kể bản chất của chế độ sở tại. Sở dĩ họ thi hành được là nhờ hệ thống tư
bản nhà nước với sức huy động và phối hợp phương tiện mà các nền kinh tế tự do
khó cạnh tranh nổi. Từ đó, Bắc Kinh bành trướng ảnh hưởng đến Á Châu, Phi Châu
và Nam Mỹ qua hai mũi công là Ngân hàng Phát triển Quốc gia, được gọi tắt theo
Anh ngữ là CDB, và các tập đòan nghiệp nhà nước. Ngắn gọn thì ngân hàng CDB cho
các nước có tài nguyên vay tiền để thực hiện dự án do doanh nghiệp nhà
nước Trung Quốc tiến hành hầu bảo đảm nguồn tiếp vận tài nguyên và qua đó củng
cố thế lực ngoại giao của Bắc Kinh với các nước đang phát triển, kể cả các nước
độc tài, và nhất là các nước độc tài.
Bắc Kinh đã xây dựng quan hệ với chế
độ Chávez tại Caracas từ lâu nhưng bàn trướng mạnh là từ sau năm 2008. Một phần
ba các khoản tín dụng của ngân hàng CDB ra hải ngoại là trút vào Venezuela, nay
lên tới hơn 60 tỷ đô la. Song song, doanh nghiệp nhà nước Bắc Kinh cũng được
ngân hàng này cho vay để thực hiện các dự án gọi là "thuộc diện chính
sách", trong đó nhiều dự án được hoàn thành tại xứ Venezuela. Nhờ tín dụng
của ngân hàng CDB, tập đoàn quốc doanh Venezuela còn đầu tư ngược vào Trung
Quốc làm người dân càng tin vào uy thế của Chávez trên con đường xây dựng xã
hội chủ nghĩa gọi là Chavismo của ông ta.
Năm 2007, sau khi quốc hữu hóa khu
vực năng lượng và đuổi doanh nghiệp Âu Mỹ ra ngoài, ông Chavez tuyên bố rằng
tài nguyên của Venezuela là tài sản của toàn dân. Thật ra tài nguyên ấy vẫn do
nhà nước Trung Quốc thống nhất quản lý nhờ vai trò của ngân hàng CDB và doanh
nghiệp Bắc Kinh. Đây là điều mỉa mai mà truyền thông Venezuela hay quốc tế khó
phanh phui vì ngần ấy nghiệp vụ là bí mật về an ninh của Trung Quốc! Tới khi
Venezuela lâm khủng hoảng thì Bắc Kinh sợ mất cả chì lẫn chài nên đang cố mồi
chài giải pháp khác!
Nguyên Lam: Có lẽ vì vậy mà quốc tế mới loan tin Bắc Kinh đã tiếp
xúc với các nhân vật đối lập và doanh gia Venezuela để chuẩn bị giải pháp thay
thế chế độ hiện hành của Tổng thống Nicolás Maduro và nhất quyết không cho chế
độ này vay thêm một đồng nào nữa. Thưa ông, liệu Bắc Kinh có hy vọng thành công
hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ta không quên là sinh thời, Hugo Chávez rất phục Mao Trạch
Đông và sau khi ông mất ngày năm Tháng Ba năm 2013, chính quyền kế nhiệm của
Phó Tổng thống Nicolás Maduro quyết định cho ướp xác Hugo Chavez để toàn dân
chiêm bái ông ta. Đâm ra ngày nay có năm lãnh tụ độc tài là những xác chết chưa
chôn, là Lenin bên Nga, Mao bên Tầu, hai cha con Kim Nhật Thành và Kim Chính
Nhật tại Bắc Hàn và ông Hồ tại Việt Nam. Tôi còn nhớ khi ấy tuần báo The
Economist tại Anh có một chữ rất ác, là “Dân Mỹ Châu La Tinh đi vào mùa tử dâm”
dịch từ "necrophiliac streak". Tôi xin lỗi quý thính giả, khoa thần
kinh tâm lý học nói đến một bệnh lạ là "necrophilia", ham muốn tình
dục với xác chết. Có thể dịch là "ái tử thi", "lạc thi
bệnh" hoặc đơn giản mà cũng hiểu được là "thi dâm" hay "tử
dâm".
Nghĩ vậy thì lời phê của tờ báo là
quá nặng, mà chưa đủ vì ngày nay thế giới bên ngoài còn nhiều người mắc bệnh
sùng bái Chavez khi ca tụng di sản của ông ta là chế độ cho dân nghèo. Chỉ vì
thiếu am hiểu kinh tế nhập môn họ không hiểu dân nghèo mới là nạn nhân và hậu
qủa là đầu tháng này, ông Maduro bị cư dân trong khu vực được coi như thành lũy
của chủ nghĩa Chavismo rượt đuổi. Cho nên chưa chắc là họ đã ưa thích gì chủ nợ
của Venezuela là chính quyền Bắc Kinh. Vì vậy mà Hoa kiều tại Venezuela mới bị bắt
cóc và sát hại hàng loạt.
Nguyên Lam: Thưa ông, nếu có thay đổi chính trị tại Venezuela thì liệu
Bắc Kinh có thu lại được các món nợ của mình không? Tính ra thì 60 tỷ đô la
cũng là nhiều lắm!
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin giải thích thêm vài chi tiết chuyên môn để ta hiểu
ra tương lai.
Thứ nhất, khi cho vay, Bắc Kinh vẫn có thể nắm dao đằng chuôi. Trong quan hệ với các nước giàu tài nguyên, họ nhấn mạnh đến khẩu hiệu họ gọi là "song doanh" theo lối nói "win-win" của giới kinh tế, tức là đôi bên cùng có lợi. Thật ra, Bắc Kinh lời gấp đôi vì vừa nắm nguồn cung cấp vừa tìm ra nhiều hợp đồng cho doanh nghiệp của mình. Venezuela đi vay mà trả bằng dầu, mỗi ngày trả 430 ngàn thùng thì mới đủ. Nguồn dầu ấy lại do các tập đoàn dầu khí Trung Quốc như Sinopec hay CNPC khai thác để xuất khẩu ra ngoài. Chi tiết ly kỳ là sự sai biệt giữa lượng dầu chở từ Venezuela để trả nợ so với số dầu nhập khẩu vào Trung Quốc, vốn là những số liệu được đôi bên giữ kín. Các chuyên gia quốc tế tìm mãi mới hiểu khúc mắc bên trong.
Thứ nhất, khi cho vay, Bắc Kinh vẫn có thể nắm dao đằng chuôi. Trong quan hệ với các nước giàu tài nguyên, họ nhấn mạnh đến khẩu hiệu họ gọi là "song doanh" theo lối nói "win-win" của giới kinh tế, tức là đôi bên cùng có lợi. Thật ra, Bắc Kinh lời gấp đôi vì vừa nắm nguồn cung cấp vừa tìm ra nhiều hợp đồng cho doanh nghiệp của mình. Venezuela đi vay mà trả bằng dầu, mỗi ngày trả 430 ngàn thùng thì mới đủ. Nguồn dầu ấy lại do các tập đoàn dầu khí Trung Quốc như Sinopec hay CNPC khai thác để xuất khẩu ra ngoài. Chi tiết ly kỳ là sự sai biệt giữa lượng dầu chở từ Venezuela để trả nợ so với số dầu nhập khẩu vào Trung Quốc, vốn là những số liệu được đôi bên giữ kín. Các chuyên gia quốc tế tìm mãi mới hiểu khúc mắc bên trong.
Do đặc tính địa chất, dầu Venezuela
thuộc loại "nặng" và "chua" chứ không "nhẹ" và
"ngọt" như dầu của Á Rập Saudi, nên khó lọc thành xăng vì cần loại kỹ
thuật Trung Quốc chưa có. Thứ hai, dù mua với giá rẻ thì việc chuyển vận từ
Venezuela về Trung Quốc cũng tốn kém. Vì vậy, doanh nghiệp Trung Quốc lặng lẽ
đem dầu Venezuela bán cho các xưởng lọc dầu Châu Mỹ để kiếm lời ở giữa. Điều ấy
mới giải thích vì sao thống kê Hải quan về số dầu nhập vào Trung Quốc lại thấp
hơn số dầu xuất khẩu từ Venezuela. Tức là nhờ Chávez, Trung Quốc trở thành tay
buôn dầu đáng kể trên các thị trường Bắc Mỹ khi giá dầu còn cao! Nay họ than là
đã cho Venezuela vay 60 tỷ đô la thì ta nên tính lại. Và chế độ Venezuela sau
này sẽ đòi tính lại.
Nguyên Lam: Tức là ông cho rằng Bắc Kinh cũng có thể bị rủi ro mất
nợ tại Venezuela?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Venezuela có truyền thống bốc đồng vì dầu và nhờ dầu mà xây
dựng hệ thống chia chác quyền lợi nên mới gặp bất ổn chính trị. Đấy là một rủi
ro cho Trung Quốc ở bên ngoài. Trường hợp ấy từng xảy ra tại các nước được Bắc
Kinh viện trợ mà bị động loạn và nội chiến nên càng dễ xảy ra tại Venezuela. Vả
lại, dân bản xứ không tin vào thiện chí của Bắc Kinh và lề lối giao tế trịch
thượng của các doanh nghiệp Trung Quốc. Nếu Venezuela thay đổi thì sẽ có ngày
dân chúng xứ này nêu vấn đề về các "món nợ đáng tởm", là điều mà dân
Việt Nam chúng ta nên biết. Số là trên thế giới có nhiều trường hợp mà quần
chúng, phe đối lập hay chế độ mới đòi điều tra và hủy bỏ các món nợ do chế độ
cũ cam kết với xứ khác. Người ta gọi đó là "món nợ đáng tởm" hay
"odious debts" vì chế độ cũ nhân danh quốc gia đi vay nước khác để
trục lợi riêng cho tay chân hay thân tộc rồi lại bắt người dân phải trả. Chúng
ta còn theo dõi chuyện ấy trong nhiều năm tới.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ
chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.