Những chỉ dấu khủng hoảng trước mắt
Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa,
RFA
2016-09-21
2016-09-21
Thế giới đang có quá nhiều chỉ dất
bất ổn, trong đó là nguy cơ khủng hoảng tài chính sắp tới tại Trung Quốc. Diễn
đàn Kinh tế sẽ cùng chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa tìm hiểu xem người ta đã thấy
những gì mà có kết luận u ám này…
Kinh
tế Trung Quốc và Âu Châu đáng ngại nhất
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á châu Tự do cùng Nguyên Lam xin kính
chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, trong mấy ngày qua, các thị
trường tài chính đều chờ đợi xem Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ quyết định thế nào
về lãi suất trong hai ngày họp định kỳ vào Thứ Ba và Thứ Tư của một ủy ban
chuyên môn về chính sách tiền tệ và tín dụng. Nhưng trong khi đó, thế giới bên
ngoài lại có nhiều dấu hiệu đáng ngại hơn là một vụ tăng lãi suất tại Mỹ.
Nguyên Lam xin đề nghị ông trình bày cho bức tranh toàn cảnh về các dấu hiệu
đáng ngại này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nhìn riêng trường hợp Hoa Kỳ, bản thân tôi thì mong là Ngân
hàng Trung ương Mỹ sớm ra khỏi tình trạng quá bất thường và bất lợi khi duy trì
lãi suất mấp mé ở số không. Nhưng định chế này phải đắn do cân nhắc nhiều khía
cạnh khác nhau nên chắc là chưa tăng lãi suất ngắn hạn kỳ này, và người ta còn
phải nghe ngóng tình hình và quyết định về lãi suất vào kỳ sau, trong sáu tuần
nữa. Nhưng như cô vừa nêu ra, thế giới bên ngoài có nhiều dấu hiệu kinh tế đáng
ngại và tôi cho rằng đáng ngại nhất là tình hình kinh tế Trung Quốc và Âu Châu
ở hai đầu Đông Tây của cả đại lục Âu-Á. Kỳ này ta sẽ tập trung vào hai nơi đó.
Nguyên Lam: Như vậy, xin nhờ ông mở đầu và nói về những dấu hiệu
này.
Thế giới bên ngoài có nhiều dấu hiệu kinh tế đáng ngại và
tôi cho rằng đáng ngại nhất là tình hình kinh tế Trung Quốc và Âu Châu ở hai
đầu Đông Tây của cả đại lục Âu-Á.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tại Hoa Kỳ, người ta tưởng niệm vụ khủng bố 9-11 ngày 11
Tháng Chín năm 2001 với hậu quả là 15 năm sau vẫn còn lan rộng ra toàn cầu
nhưng đa số lại đã quên vụ khủng hoảng tài chính năm 2008 với sự sụp đổ của tập
đoàn đầu tư Leman Brothers vào ngày 15 Tháng Chín. Về kinh tế, ta không nên
quên biến cố đó vì hậu quả vẫn kéo dài cho đến nay chưa dứt. Hôm 15 vừa qua,
một thống kê u ám từ Âu Châu cho thấy hậu quả đó, qua ngày 18, vụ bầu cử tại
thành phố Berlin của Đức càng xác nhận chuyện này. Sau đó thì ta mới nhìn vào
Trung Quốc, là nơi sẽ xảy ra một biến cố còn nguy ngập hơn vụ Lehman Bros. tại
Mỹ.
Nguyên Lam: Nguyên Lam hiểu là ông nhìn trên toàn cảnh và chấm vào
hai nơi có thể có nhiều biến động kinh tế nhất trong thời gian tới. Xin đề nghị
ông giải thích cho chuyện đó.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thứ nhất, thống kê ngoại thương tại Âu Châu cho thấy xuất
khẩu của Đức bị giảm 10% trong Tháng Bảy so với năm ngoái. Với sản lượng kinh
tế đứng hạng thứ tư thế giới, Đức là một trụ cột của khối Âu Châu vì có nến
kinh tế mạnh nhất, nhưng nhược điểm sinh tử của Đức là quá lệ thuộc vào xuất
khẩu, với xuất khẩu chiếm 46% tức là gần 50% của Tổng sản lượng. Nếu hàng hóa
dịch vụ bán ra ngoài mà sụt thì sản lượng kinh tế Đức có thể giảm 5% và nạn suy
trầm tại Đức sẽ gây khó khăn cho Âu Châu. Thật ra Âu Châu đã bị nguy ngập từ
năm 2008 và khối Euro bị khủng hoảng từ năm 2010 tới nay chưa dứt.
Vì vậy, Đức mới tìm cách bán hàng
nhiều hơn qua Mỹ và qua Tầu. Khi ấy, và nhìn vào quan hệ tay ba Mỹ, Tầu, Đức,
nếu Hoa Kỳ mua của Trung Quốc ít hơn thì xuất khẩu của Đức qua Tầu để bán cho
Mỹ cũng sụt. Nếu Hoa Kỳ lại mua của Đức ít hơn thì hậu quả còn tai hại gấp bội.
Kinh tế Mỹ lệ thuộc rất ít vào xuất khẩu trong khi khả năng nhập cảng của một thị
trường tiêu thụ quá lớn lại là nguồn sống cho các nước xuất khẩu như Đức và
Tầu. Mà từ vài năm nay, cơ cấu kinh tế Hoa Kỳ đang chuyển theo hướng tự sản
xuất nhiều hơn, nếu Hoa Kỳ mua hàng ngoại ít hơn thì hai nước kia sẽ bị tai họa
lớn. Bây giờ ta mới nói qua chính trị và bầu cử.
Nguyên Lam: Nghe chuyên gia kinh tế trình bày quan hệ mua bán giữa
các nước thì thính giả của chúng ta mới hiểu vì sao khi kinh tế toàn cầu còn
suy yếu sau vụ khủng hoảng tài chính năm 2008, xứ nào càng lệ thuộc vào xuất
khẩu thì càng bị rủi ro suy thoái kinh tế, đứng đầu có lẽ là nước Đức và Trung
Quốc ở hai đầu của đại lục. Bây giờ ta mới nói tới chuyện chính trị của nước
Đức trước khi ngó qua Trung Quốc. Thưa ông, chuyện ấy là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Người ta thấy là qua các cuộc bầu cử hội đồng hàng tỉnh tại
Đức từ mấy tuần qua, gần đây nhất là hôm 18 tại Berlin, đảng Dân Chủ Thiên Chúa
Giáo theo xu hướng trung hữu của Thủ tướng Angela Merkel bị thua nặng. Bên cạnh
đó, đảng Dân Chủ Xã Hội theo xu hướng trung tả cũng mất phiếu. Hai đảng truyền
thống này mà gom lại cũng chưa đạt 30%. Trong khi đó, các đảng nhỏ ở ngoài lề,
từ cực tả đến cực hữu đều thắng lớn. Năm tới, Đức lại có tổng tuyển cử, và nếu
chiều hướng phân rã tiếp tục, với sáu đảng mỗi đảng chỉ có chừng 15% số phiếu
thì bất ổn chính trị tại Đức ở trung tâm Âu Châu sẽ là bất ổn lớn cho cả khối.
Kinh tế suy trầm và chính trị tanh bành là một rủi ro lớn cho Liên Âu, giữa vụ
khủng hoảng về di dân và nạn khủng bố. Đấy là lúc ta quan tâm đến báo cáo mới
nhất của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế BIS cũng vừa công bố hôm 18. Đây mới là
chuyện đáng lo nhất.
Nạn
vay mượn quá nhiều
Nguyên Lam: Dường như ông trình bày bối cảnh chung rồi mới đi vào
báo cáo đáng lo ngại này. Thưa ông, Ngân hàng BIS là gì và vừa báo cáo những gì
mà ông cho là đáng lo nhất?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thế giới có Ngân hàng Thanh toán Quốc tế gọi tắt là BIS (Bank
of International Settlement), là “ngân hàng trung ương của các ngân hàng
trung ương”, do các ngân hàng trung ương Âu-Mỹ thành lập từ năm 1930 với chức
năng yểm trợ luồng trao đổi tư bản cho thông thoáng và ổn định. Nhưng BIS còn
có trách nhiệm quan trọng hơn nữa, là theo dõi tình hình tài chánh toàn cầu để
gióng chuông cảnh báo. Các phúc trình kinh tế của họ cho từng quý có giá trị
chuyên môn rất cao nên được người ta đặc biệt chú ý.
Báo cáo mới nhất của họ nêu ra một
rủi ro tài chánh lớn cho hệ thống ngân hàng trên thế giới. Dựa trên một số tiêu
chuẩn chuyên môn khi so sánh lãi suất với hối suất tức là tỷ giá ngoại tệ, Ngân
hàng BIS cho rằng các thị trường tài chính đã có sự lệch lạc tiên báo một vụ
khủng hoảng và lần này có thể còn nghiêm trọng hơn vụ Lehman Brothers năm 2008.
Khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự báo
một rủi ro suy trầm toàn cầu, với đà tăng trưởng bình quân chỉ ở khoảng 2-3%,
thì một vụ khủng hoảng tài chính sẽ là tai họa đáng sợ cho năm tới. Đáng chú ý
hơn vậy là việc Ngân hàng BIS cảnh báo rằng chính Trung Quốc lại có thể bị
khủng hoảng tài chính trong vòng ba năm tới đây vì nạn vay mượn quá nhiều.
Nguyên Lam: Bây giờ ta mới đi vào trọng tâm của vấn đề là khủng
hoảng tài chính bên Trung Quốc. Thưa ông, Ngân hàng BIS nhận định thế nào về
Trung Quốc?
Vụ khủng hoảng do Ngân hàng BIS cảnh báo càng dễ xảy ra nay
mai. Và triệu chứng tiên báo sẽ là hàng loạt doanh nghiệp vỡ nợ. Vụ khủng hoảng
sắp tới tại Trung Quốc sẽ là một chấn động toàn cầu, còn kinh hãi hơn vụ tập
đoàn Lehman Bros. sụp đổ…
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin vắn tắt thế này: các chuyên gia kinh tế tài chính
thường theo dõi tình hình từng nước và so sánh đà tăng trưởng của tín dụng với
đà tăng trưởng của sản lượng kinh tế. Họ đề ra một cái ngưỡng đáng quan tâm là
khi tín dụng cao gấp 10 sản lượng thì đấy là chỉ dấu tiên báo quốc gia này có
thể bị khủng hoảng tài chánh, là trường hợp xảy ra cho Hoa Kỳ năm 2007 khi thị
trường gia cư bị bể và dẫn tới vụ khủng hoảng năm 2008. Khi hệ số này lại có
chiều hướng tăng tốc thì tình hình dễ thành nguy ngập.
Ngân hàng BIS theo dõi tình hình
Trung Quốc từ nhiều năm và thấy đà gia tăng ngày càng mạnh. Từ hệ số 6,7 vào
năm 2011 đã vọt lên 22,1 vào năm 2014. Năm ngoái thì hệ số này lên tới 24,5 và
vừa qua thì đã là 30,1! Nói cho gọn thì mức rủi ro này đã vượt các nước Đông Á
trong vụ khủng hoảng tài chánh bùng nổ ngày hai Tháng Bảy năm 1997 và bỏ xa hệ
số 10,6 của Mỹ trước vụ Lehman Bros. Tôi xin nhắc lại là Tháng Sáu vừa qua, Quỹ
Tiền tệ Quốc tế định chế IMF đã khuyến cáo Bắc Kinh là phải giải quyết chuyện
này càng sớm càng hay, nhưng mãi tới nay, chưa thấy ai nhúc nhích vì họ không
thể làm khác được là cứ phải theo lao.
Nguyên Lam: Vì chuyện này hơi chuyên môn nên Nguyên Lam xin đề nghị ông
giải thích thêm cho thính giả của chúng ta hiểu vì sao mà sự cách biệt gia tăng
giữa tín dụng và sản lượng lại là dấu hiệu của khủng hoảng.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thông thường, người ta đi vay với hy vọng dùng tiền đó tạo
thêm tài sản cho tương lai và tài sản ấy phải cao hơn số tiền đi vay gồm cả vốn
lẫn lời thì mới có lợi. Đấy là chức năng của tín dụng, đối chiếu với kết quả đo
lường ở sản lượng. Nếu nghĩ rằng tài sản trong tương lai còn tăng giá mạnh thì
người ta càng có khuynh hướng đi vay nhiều hơn và lấy rủi ro lớn hơn. Khi ấy,
người ta có tinh thần đầu cơ, tức là đầu tư để kiếm lời nhiều và nhanh, nhưng
cũng gặp nhiều rủi ro hơn nữa. Đây là trường hợp mà người ta gọi là bong bóng
đầu cơ. Bước thứ ba còn nguy hơn vậy, là người ta vẫn có thể đi vay rất nhiều
mà chưa chắc đã có khả năng thanh toán trong tương lai. Thực chất thì đấy là sự
lường gạt, rất dễ xảy ra trong một hệ thống tài chính lỏng lẻo về kiểm soát và
lệch lạc về chính sách. Trung Quốc đã bị nạn bong bóng đầu cơ và đang bị thêm
nạn lường gạt tín dụng hay vỡ nợ vì chính sách.
Nguyên Lam: Ông vừa trình bày ba cấp tín dụng đo lường ở ba cấp rủi
ro và giải thích ở chính sách của Trung Quốc. Tức là ông cho là vụ khủng hoảng
tài chính sắp tới tại Trung Quốc lại xuất phát từ chính sách của nhà cầm quyền,
thưa ông tại sao như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Xưa nay, Trung Quốc dùng đầu tư làm đòn bẩy, là sức bật cho
sản xuất và sản xuất thừa thì xuất khẩu. Từ vụ khủng hoảng tài chính rồi Tổng
suy trầm 2008-2009, số nhập khẩu của các nước có giảm và xuất khẩu của Trung
Quốc cũng vậy như chúng ta vừa nói. Nhưng vì chưa thể cải cách cơ chế để lấy
tiêu thụ nội địa làm đầu máy tăng trưởng, lãnh đạo Bắc Kinh vẫn thúc đẩy đầu
tư, chủ yếu là để tạo ra việc làm hầu tránh nạn thất nghiệp và họ tài trợ đầu
tư bằng tín dụng. Vì tín dụng là từ các ngân hàng của nhà nước, và tài trợ cho
các cơ sở sản xuất chủ yếu cũng của nhà nước, các khách nợ thuộc loại quốc
doanh này bất kể tới rủi ro và thấy nhà nước bơm tiền thì dùng đồng tiền đó vào
việc đầu cơ. Đây là lý do khiến cho lượng tín dụng tăng vọt từ mấy năm nay vì
các doanh nghiệp đi vay còn nhiều hơn trước. Và mặc dù sản xuất ra hàng không
bán được, hoặc trút tiền vào các dự án xây dựng có tính chất đầu cơ, tức là
thổi lên bong bóng, người ta vẫn cứ đi vay, trong tinh thần lường gạt chủ nợ là
nhà nước. Vì vậy, vụ khủng hoảng do Ngân hàng BIS cảnh báo càng dễ xảy ra nay
mai. Và triệu chứng tiên báo sẽ là hàng loạt doanh nghiệp vỡ nợ. Vụ khủng hoảng
sắp tới tại Trung Quốc sẽ là một chấn động toàn cầu, còn kinh hãi hơn vụ tập
đoàn Lehman Bros. sụp đổ…
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế
Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.
No comments:
Post a Comment