Friday, May 1, 2015

Bắc Hàn và vũ khí 'máy bay giật lùi'



Bắc Hàn và vũ khí 'máy bay giật lùi'
Stephen Dowling
  • 29 tháng 4 2015
Báo chí Bắc Hàn giật tít máy bay từ thời Liên Xô – Antonov An2, có thể bay theo kiểu “bất khả thi”, theo Stephen Dowling.
Đầu tháng Tư, truyền thông Bắc Triều Tiên công bố chương trình ngụy trang mới cho một trong những chiếc máy bay quân sự quan trọng nhất của mình.
Trên một đoạn phim truyền hình, lãnh đạo tối cao Kim Jong-Un, như mọi lần, được “lên hình”, đang điều khiển máy bay. Nhưng lần này không phải là máy bay phản lực trông hầm hố và mạnh mẽ mà lại là một máy bay bà già cánh kép từ thời 1940, trông như một chiếc máy kéo lắp cánh.
Những chiếc An-2 của Bắc Triều Tiên có thể bay thấp và chậm qua biên giới Nam Hàn để thả đặc nhiệm. Nó bay chậm tới mức khó hiển thị trên màn hình radar.
Antonov An-2, niềm tự hào của quân đội Bắc Triều Tiên, nay được sơn màu xanh lá cây ở thân trên và xanh da trời ở phần dưới để dễ nguỵ trang dù từ dưới đất nhìn lên hay từ trên cao nhìn xuống.
Nhưng lý do gì khiến năm 2015 rồi mà Bắc Hàn còn dùng cái máy bay cứ như để đóng phim Indiana Jones cho các phi vụ ngoài mặt trận?
Antonov An-2 lần đầu cất cánh năm 1947, khi Liên Xô được xây dựng lại từ đống đổ nát sau Đệ nhị Thế chiến.
Ngay từ thời xuân sắc hồi ấy, trông nó đã cổ lỗ rồi, khi mà hàng không thời hậu chiến đã bắt đầu chuyển sang công nghệ phản lực.
Nhưng An-2 có thiết kế vô cùng ấn tượng, được sản xuất hàng ngàn chiếc, xuất khẩu ra toàn cầu, và “nó vẫn cứ chạy như thường” sau hàng bảy chục năm kể từ ngày ra mắt.
Và “máy bay bà già” này có một tính năng phi thường: ngoài việc nó chỉ cần một đường băng rất ngắn để cất cánh hay hạ cánh, nó có thể bay giật lùi.
An-2 được thiết kế, phục vụ công tác của Bộ Lâm nghiệp Liên Xô, để gieo hạt và chuyên chở nông cụ.
Oleg Antonov đã thiết kế một máy bay lớn hai tầng cánh và chỉ có một động cơ, với buồng lái và khoang hành khách có thể chở đến 12 người hoặc hơn một tấn hàng hóa.
An-2 phải dùng được ở những “sân bay” thô sơ - không được trải nhựa, đường băng cỏ, những con đường đất và hoặc đơn giản chỉ dọn một đám cây giữa rừng thành một khoảng trống ở giữa chốn bạt ngàn rừng rú, hoang vắng và thưa người của nước Nga.
Như vậy, cần có một loại máy bay đơn giản, chịu được những điều kiện khắc nghiệt, cất cánh hạ cánh dễ dàng với đường băng ngắn, máy bay đó cũng phải dễ bảo trì bảo dưỡng so với máy bay trực thăng có hệ thống cơ khí phức tạp.
Có tới hơn 19.000 máy bay loại này đã được chế ra ở Liên Xô, và sau đó là Ba Lan. Và hàng ngàn chiếc nữa ở Trung Quốc theo giấy phép nhượng quyền, thậm chí đến tận bây giờ vẫn còn được sản xuất.
"Lý do An-2 vẫn bay là vì thực sự chẳng có chiếc nào như nó", Bernie Leighton, cây bút chuyên viết về hàng không, người đã cưỡi trên một chiếc An-2 ở Belarus nói.
"Nếu bạn cần một chiếc máy bay có thể chở 10 binh sĩ, người hoặc dê, có thể cất cánh và hạ cánh ở bất cứ nơi nào thì chính là nó hoặc một máy bay trực thăng.”
"Bay trên một An-2 chẳng giống như bất kỳ máy bay nào thời nay. Đầu tiên, đó là dạng thiết kế “Taildragger” (thiết kế máy bay trên một bộ khung có bánh xe ở dưới), vì vậy một khi bạn trèo lên khoang, mọi thứ cứ ngửa hết về sau. Và nó cũng rất “cứng cáp”, đến nỗi bạn sẽ cảm thấy mỗi cú xóc, mỗi lần điều khiển. Phải nhớ là "chiếc máy bay này không thiết kế cho sự tiện nghi của hành khách" Leighton nói.
“Nó có ầm ĩ không? Đương nhiên, nhất là với máy bay một động cơ. Và nó cũng nóng cực mà chỉ có mấy cửa sổ bé tẹo – rõ rồi. Còn nữa, bạn lại còn cảm thấy có hơi thổi ra khi nó đang bay nữa chứ!”
Thiết kế kiểu cổ của An-2 thật ra có mục tiêu rất rõ: hai tầng cánh sẽ tạo sức nâng mạnh hơn, nên nó có thể cất cánh trong một đường băng ngắn.
Sức nâng mạnh mẽ của cánh kép khiến An2 có thể giữ được tốc độ bay thấp nhất khá chậm.
Phi công có thể lái ngon lành ở tốc độ 40km/giờ. Thậm chí là hướng dẫn bay của nó cũng chẳng có một tốc độ quy định nào. Để dễ hình dung, ta nên biết là một chiếc Cessna nếu bay ở tốc độ dưới 80km/giờ thì máy bay có thể rớt.
Tốc độ thấp khiến An-2 được dùng khá phổ biến ở các trường đào tạo nhảy dù và nhảy skydiving. Trong các cuộc triển lãm hàng không, phi công cũng thích chơi trò bay lơ lửng bằng máy bay này.
Để làm như vậy, phi công bay ngược chiều gió và khi gió đủ mạnh, nó có thể từ từ thổi chiếc máy bay bay giật lùi mà phi công vẫn có thể điều khiển được.
Nghe hoang đường? Vậy hãy xem Bill Leary, đội trưởng câu lạc bộ An2 của Anh An-2 Club, thường bay ở sân bay Popham, Basingstoke. Ông đã bay với một chiếc An2 xuất sang Hungary trong 14 năm qua.
Điểm mấu chốt để máy bay có thể bay lơ lửng - và thậm chí bay lùi trong các điều kiện thích hợp - nằm trong “mặt cánh tạo thăng bằng” trên cánh máy bay.
Ở phía trước là những tấm linh hoạt gọi là gờ trước cánh. Chúng thường được sử dụng khi hạ cánh, làm tăng sức cản của gió và giảm tốc độ của máy bay.
Tương tự, các cánh tà sau được sử dụng để giảm tốc độ của máy bay hoặc tăng lực nâng bằng cách thay đổi hình dạng của cánh.
Trên An-2, cánh tà sau chạy dài trên toàn bộ chiều dài của mặt sau cánh dưới, và ở cánh trên còn dài hơn, do vậy tạo ra lực nâng rất mạnh, khiến máy bay có thể bay với tốc độ chậm một cách “kinh dị”.
“Nếu gió đủ mạnh, cỡ 15-20 knot (7-10 mét/giây), bạn có thể giữ cho máy bay lơ lửng," Leary nói. "Hãy hạ hết cánh tà sau xuống và dựng gờ trước cánh lên, sau đó bay ngược gió ở một góc 40 độ và giữ động cơ hoạt động đủ mạnh, khi đó máy bay sẽ lơ lửng tại chỗ."
Leary cho rằng bay An-2 rất thú, nhưng cũng phải cẩn thận. Cần lái khá nhạy, và “nàng” thì rất “khoái bay”, nên tự dưng là cứ bay vù lên rồi. Nhưng điều khiển “nàng” đòi hỏi bạn phải “vận công”. An-2 không có hệ thống máy tính để điều khiển các cánh như máy bay Boeing hay Airbus hiện đại, thậm chí cũng chả có hệ thống thuỷ lực cho đỡ tốn sức. "Nó chỉ toàn thanh kéo và cáp cùng với sức của bạn," Leary nói.
“Lái An-2 rất chiến! Bạn phải có cơ bắp của một 'người sắt'!"
Giá mà An-2 được thiết kế và chế tạo ở phương Tây, thiết kế độc đáo của nó có thể đã làm cho nó nổi tiếng hơn hiện tại.
"An-2 chỉ có thể rơi bạn nếu bạn làm điều gì đó ngu ngốc khi lái," Leighton nói.
"Nó gần như quá đơn giản nên hệ thống cơ khí rất khó mà hỏng hóc. Nếu đang bay mà động cơ chết máy, bạn cũng chả phải lo vì nó có thể hạ cánh xuống bất kỳ chỗ nào. Bay với An-2 thì không tiện nghi lắm, nhưng lại cực kỳ an toàn. Và đương nhiên là khả năng bay giật lùi của chiếc máy bay này đã cho nó một đẳng cấp riêng biệt so với máy bay khác”.
Bản gốc tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Future.
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture_social/2015/04/150429_the-plane-that-can-fly-backwards_vert_fut


Vì sao lãnh tụ Bắc Triều Tiên hủy chuyến thăm Nga?



Vì sao lãnh tụ Bắc Triều Tiên hủy chuyến thăm Nga?
01.05.2015
Việc lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un bất thần bãi bỏ chuyến đi thăm Moscow đã châm ngòi cho một loạt những lời đồn đại về những gì đang xảy ra bên trong chế độ bí mật này. 
Vì sao lãnh tụ tối cao của Bắc Triều Tiên bỗng nhiên bải bỏ chuyến thăm theo hoạch định đến Moscow vào tuần tới để làm lễ kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến thứ hai ở châu Âu, là một bí ẩn.
Không có lời giải thích nào được đưa ra từ phía giới hữu trách ở Bình Nhưỡng, cũng như từ phía thông tấn xã chính thức. Các giới chức Nga nói quyết định “có liên quan đến các vấn đề nội bộ của Triều Tiên.”
Ông Kim Yong-hyun, một giáo sư nghiên cứu về Bắc Triều Tiên tại trường Đại học Dongguk nghĩ rằng ông Kim Jong Un không muốn làm phật lòng những nhà bảo trợ kinh tế ở Trung Quốc khi thực hiện chuyến công du quốc tế đầu tiên đến Nga.
Ông nói dường như nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên quyết định không đi Nga bởi vì ông ta có thể cảm thấy không thoải mái nếu giáp mặt với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Moscow.
Thông qua viện trợ và thương mại, Trung Quốc là nước chủ yếu cung cấp thực phẩm và năng lượng cho Bắc Triều Tiên. Vì thế cũng là điều hợp lý khi lãnh tụ trẻ tuổi Bắc Triều Tiên muốn lấy Bắc Kinh làm nơi đến cho chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông ta.
Tuy nhiên có các dấu hiệu căng thẳng. Tuần này Trung Quốc cho hay đang điều tra những vụ sát hại 3 dân làng ở một thị trấn biên giới, nơi lính biên phòng Bắc Triều Tiên bị cáo buộc là băng qua biên giới để ăn cắp và tấn công. Cũng đã có các dấu hiệu về sự quan ngại gia tăng về phía các giới chức Trung Quốc có liên quan đến tầm cỡ kho vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Tháng trước, các chuyên gia hạt nhân Trung Quốc nói với các giới chức Hoa Kỳ rằng Bình Nhưỡng có thể đã có 20 đầu đạn, cao hơn con số từ 10 đến 16 quả bom mà các chuyên gia Hoa Kỳ đã ước tính. Bắc Kinh còn tin là Bình Nhưỡng có khả năng tăng gấp đôi kho vũ khí của họ vào năm tới.
Tuần này, cơ quan gián điệp Nam Triều Tiên cho biết cơ quan tin là ông Kim Jong Un đã ra lệnh hành quyết 15 giới chức cấp cao bị cho là không trung thành. Việc đó dẫn tới tin đồn về tình trạng bất ổn trong giới thượng lưu cầm quyền.
Chuyên gia phân tích thời cuộc Bắc Triều Tiên, ông Daniel Pinkston thuộc tổ chức Khủng hoảng Quốc tế bác bỏ các giả thuyết cho rằng các diễn biến mới đây cho thấy tình trạng bất ổn trong chế độ, hoặc bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy ông Kim Jong Un đang bị lỏng tay cương.
Ông Pinkston nói việc bãi bỏ chuyến đi vào phút chót không phải là điều bất thường, xét về cách thức vận hành nghi thức an ninh của Bắc Triều Tiên.
Ông nói: “Nói chuyện với những người đã gặp ông Kim Jong Un rằng dĩ nhiên nghi thức an ninh rất chặt chẽ và cách thức vận hành ở Bắc Triều Tiên, ban chỉ huy phòng vệ chịu trách nhiệm về an ninh cho ông ta, thì họ chỉ xác nhận mọi việc vào phút chót.”
Ông Pinkston và các chuyên gia phân tích khác phỏng đoán rằng các cuộc thương nghị với Nga đã tan vỡ hoặc về nghi thức hoặc vì những yêu cầu phía này tìm cách áp đặt đối với phía kia.
Bắc Triều Tiên vốn có tiền sử là tìm cách đòi những nhượng bộ trước khi đồng ý giao tiếp trong đối thoại quốc tế về việc hạn chế chương trình hạt nhân của họ. Cựu tổng thống Nam Triều Tiên Lee Myung-bak mới đây đã tiết lộ rằng vào năm 2009, ông Kim Jong Il đã đòi 10 tỷ đôla tiền mặt và nửa tấn thực phẩm như một điều kiện tiên quyết để mở cuộc họp thượng đỉnh với miền Nam.
Các chuyên gia phân tích này nói rất có thể Bình Nhưỡng đã bỏ cuộc sau khi Moscow từ chối không cung cấp đầu tư nước ngoài hay kỹ thuật quân sự đáng kể. Hoặc có thể là điều ngược lại. Có thể chính Nga đã đòi Bắc Triều Tiên quá nhiều, phải nhượng bộ để tái tục các cuộc đàm phán quốc tế về chương trình hạt nhân hay tự chế trước các cuộc thử nghiệm phi đạn trong tương lai.
Một tình huống khác có thể là ông Kim Jong Un đã bãi bỏ kế hoạch sau khi ông nhận ra rằng ông sẽ không đóng một vai trò nổi bật trong lễ kỷ niệm ở Moscow. Có thể có sự lo ngại rằng phần tường thuật qua truyền hình được chiếu lại ở Bắc Triều Tiên sẽ làm phương hại đến hình ảnh được tôn sùng của lãnh tụ tối cao như một nhân vật gần như là thần thánh.
Bởi vì sự kiểm soát thông tin chặt chẽ của miền Bắc, ông Pinkston nói phần lớn việc phân tích về những vận hành nội bộ của chính phủ ở Bình Nhưỡng chỉ là phỏng đoán chứ không phải là tường thuật được kiểm chứng.
Ông nói: “Đôi khi ta phải chấp nhận một số giả thuyết và thông cảm về cách thức vận hành chính sự độc tài và kinh nghiệm ở Bắc Triều Tiên, di sản của chế độ gia đình trị họ Kim, bối cảnh cơ chế và tất cả những điều đó.”
Ông Pinkston cho rằng điều quan trọng là chớ nên phỏng đoán quá nhiều về một sự kiện hay quyết định, nhất là trong khi động cơ quyền lực ở bán đảo Triều Tiên đã trở nên bình ổn với thời gian bất chấp thỉnh thoảng xảy ra những vụ bột phát.
Nguồn: http://www.voatiengviet.com/content/nhieu-doan-doan-sau-khi-lanh-tu-bac-trieu-tien-huy-chuyen-tham-nga/2744344.html

Người Hà Nội trước 30 tháng 4 năm 1975




Người Hà Nội trước 30 tháng 4 năm 1975
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
2015-04-28

 Với người Sài Gòn, biến cố 30 tháng 4 năm 1975 là một sự chia lìa, một nỗi mất mát và là vết thương khó phai… thì với người Hà Nội, ở một thành phố từng được tuyên truyền bằng mọi giá phải vào giải phóng miền Nam, mở cửa vĩ tuyến 17 để mang ánh sáng tự do và văn minh đến cho đồng bào miền Nam, biến cố 30 tháng 4 là một sự ngỡ ngàng, bàng hoàng và nuối tiếc về một điều gì đó rất mơ hồ. Những người từng tham chiến trong công cuộc “giải phóng miền Nam” chia sẻ kinh nghiệm của họ sẽ cho thấy điều đó.
Tiếc nuối và ngỡ ngàng
Một người lính buồn bã nói: “Đầu tiên mình phải xác định kỹ, kiểu như hai anh em con bố mẹ đã chia nhà, có sổ đỏ riêng, vậy thì người ta chơi với ai, lấy ai là việc của người ta, thì đừng can thiệp vào, đó là chuyện của người ta, cớ gì mà anh bảo người ta chơi với người này người nọ. Như Bắc với Nam đã chia nhau qua vĩ tuyến sau hiệp định Geneve, đã là hai quốc gia, theo quốc tế vậy thì cớ gì anh. Như cuốn truyện viết ra thì được làm phim. Mãi sau này vẫn bị cắt nhiều chữ như truyện gọi người lính phía Nam là quân lực Việt Nam Cộng Hòa, sau này, họ cắt sạch và làm phim, phim trình chiếu hai buổi thì bị cấm...”
Theo nhà văn không muốn nêu tên này, câu chuyện chiến tranh những tưởng đã khép lại sau mốc 30 tháng 4 nhưng trên thực tế, nó chỉ bắt đầu hé lộ và càng về sau, nó càng lộ diện kể từ 30 tháng 4 năm 1975. Và ông cảm thấy xót thương, tiếc nuối cho hàng núi máu xương của thế hệ ông và nhiều thế hệ khác, ông cảm thấy tiếc nuối cho hàng triệu dự án còn đang dở dang và hàng trăm ngàn công trình bị chiến tranh thiêu rụi một cách vô lý.
Và đáng sợ nhất là chiến tranh súng đạn đã kết thúc cách đây 40 năm nhưng chiến tranh tâm hồn vẫn còn dai dẵng mãi cho tới hôm nay và chưa biết bao giờ sẽ ngừng lặng. Vết thương chiến tranh tâm hồn ngày càng toang hoác, tấy mủ và người ta không ngừng nghỉ dày xéo lên nó như một nỗi kiêu hãnh đầy tính bản năng giết tróc.
Ngay ở tuổi thơ và tuổi trẻ của ông, ông hãnh diện mình là một người lính, ông được học trong môi trường chiến tranh và được dạy cho những bài học về lòng hận thù, những bài thơ của Tố Hữu hay những ca khúc của Lưu Hữu Phước, Phạm Tuyên, Trần Hoàn một thời làm sôi sục dòng máu tuổi trẻ của ông, thúc giục đôi chân ông lên đường để thực hiện giấc mơ cứu nước.
Khi vào đến Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn, ông thật sự bị sốc vì miền Nam quá hiện đại, mọi thứ nghèo khổ mà ông từng học, từng nghe nói đều không thấy, chỉ thấy sự giàu có, hoa lệ và hiện đại. Liền lúc đó, không ít người mau chóng chuyển hóa sự hụt hẫng của một anh hùng giải phóng
Dường như thế hệ của ông, chừng mười ba tuổi đã được đào tạo tất cả mọi kĩ năng của một người lính trưởng thành mặc dù có người đứng còn thấp hơn mũi súng. Nhưng khi cần thiết, họ sẵn sàng mang súng ra chiến trường và cứ như vậy mà bóp cò, thẳng tiến. Bởi lý tưởng tuổi trẻ bao giờ cũng cao đẹp, trong sáng, thấy bất bình là không chịu nổi. Trong khi đó, từ giáo dục đến tuyên truyền miền Bắc lúc bấy giờ đều nói rằng Việt Nam Cộng Hòa xấu xa, người dân miền Nam nghèo đói, mất tự do và cần những người như ông đến cứu giúp.
Và tuổi trẻ của ông cùng nhiều thế hệ thanh niên miền Bắc đã gửi trọn vào chiến trường miền Nam, đánh miền Nam như một niềm tự hào lớn để thực hiện lý tưởng của tuổi trẻ. Nhưng khi vào đến Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn, ông thật sự bị sốc vì miền Nam quá hiện đại, mọi thứ nghèo khổ mà ông từng học, từng nghe nói đều không thấy, chỉ thấy sự giàu có, hoa lệ và hiện đại. Liền lúc đó, không ít người mau chóng chuyển hóa sự hụt hẫng của một anh hùng giải phóng sang reo vui cướp chiến lợi phẩm của kẻ thắng cuộc.
Và cũng chính vì trải qua quá lâu trong khói lửa chiến tranh, mệt mỏi, thù hận và lý tưởng cháy bỏng, khi chiến thắng, hiện thực đời sống miền Nam phơi bày, nhiều người đã thất vọng, chuyển sang đập phá, hung hãn. Tất cả những biểu hiện này như một sự trả thù chiến tranh phi lý. Và với ông, với tư cách một người cầm bút, ông đã nhiều lần xót xa, tiếc nuối cho hàng tấn sách quí đã bị thiêu rụi trong công cuộc cải cách miền Nam.
Vẫn chưa hết sự phân biệt đối đãi
Một người đàn ông khác, không muốn nêu tên, là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc sau hiệp định Geneve và trở về miền Nam trong tháng 3 năm 1975, chia sẻ: “Hàng năm, nhà nước chọn và chiếu những phim nói về giải phóng miền Nam và cho chiếu những con người gọi là nhân chứng lịch sử nói về ngày đó. Cho đến bây giờ tôi thấy chẳng tin nữa và cá nhân tôi chưa bao giờ thấy có chuyện giải phóng 30 tháng 4, chẳng có chuyện ấy dâu, nó chỉ là cuộc xâm chiếm. Sự phân biệt đối xử vẫn còn nặng nề…”.
Theo vị này, sai lầm lớn nhất của một dân tộc chính là sự phân biệt đối đãi, xét nhân cách theo lý lịch gia đình và phân bổ công việc theo thành tích chiến tranh. Nhưng ngay cả việc phân bổ công việc theo thành tích chiến tranh cũng có lắm chuyện cười ra nước mắt, một ông bán tiết canh lòng lợn không có chữ nghĩa cũng có thể lên làm chủ tịch xã, thậm chí chủ tịch huyện, một anh học chưa hết phổ thông trung học nắm quyền chủ tịch tỉnh, một anh chưa bao giờ biết trường đại học dài ngắn vuông tròn ra sao lại có thể lên làm nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo đất nước.
Hàng năm, nhà nước chọn và chiếu những phim nói về GPMN và cho chiếu những con người gọi là nhân chứng lịch sử nói về ngày đó. Cho đến bây giờ tôi thấy chẳng tin nữa và cá nhân tôi chưa bao giờ thấy có chuyện giải phóng 30 tháng 4, chẳng có chuyện ấy dâu, nó chỉ là cuộc xâm chiếm. Sự phân biệt đối xử vẫn còn nặng nề

Tất cả chủ trương xét việc, xét người dựa trên thành tích chiến tranh đã làm cho đất nước vốn nghèo đói sau chiến tranh trở nên rệu rã và toang hoác. Những gì cần giữ lại, người ta không đủ văn hóa để hiểu biết giá trị của nó nên đã cho đập phá, những gì không có giá trị thì lại được phong thánh, lại xem như chân lý. Chính sự sai lầm mang tính khủng hoảng chất xám này đã nhanh chóng đẩy đất nước xuống vực nghèo đói, lạc hậu.
Và sự phân biệt đối đãi theo lý lịch này vẫn còn một vệt nối dài cho đến hôm nay. Hàng triệu thanh niên tài năng đã phải vượt biển, hàng triệu thanh niên tài năng khác không thoát thân được đã cam chịu thân phận cần lao để tồn tại bởi lý lịch của họ không đỏ. Cái chính sách “vừa hồng vừa chuyên” đã giết chết tương lai Việt Nam. Và cũng như bao người lính Cộng sản khác từng ôm lý tưởng giải phóng đất nước, từng chịu cực khổ nơi miền Bắc xa xôi và chịu cảnh vợ trước vợ sau theo chủ trương của đảng, nhà nước, ông cảm thấy gia đình là một hệ lụy của chiến tranh.
Nghĩa là bất kì người lính Cộng sản miền Nam nào tập kết ra Bắc đều được đảng sắp xếp cho cưới một cô vợ người Bắc để tiếp tục sinh ra những người lính Cộng sản khác và xem miền Bắc là quê hương thứ hai. Và ông cũng không thoát khỏi chủ trương này, mặc dù đã có vợ và ba người con ở miền Nam, ông vẫn phải lấy vợ và đẻ tiếp hai người con nữa trên đất Bắc.
Và ngay trên đất Bắc, lý lịch con nhà phong kiến của ông cũng làm khó ông trăm bề, nhiều lúc ông chỉ muốn chết cho xong chuyện.
Khi hai miền nối liền, trở ngại đầu tiên của ông chính là sự chênh lệch thân phận và kiến thức giữa con đời trước và con đời sau. Những người con đời trước tại miền Nam có người là sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nhưng các con sau lại là những người lính Cộng sản trung thành. Quan niệm và tư tưởng của hai bên khác nhau, quyền lợi và rủi ro cũng đối lập nhau. Ông trở thành tấm khiêng chịu đòn.
Ông lấy làm tiếc nuối cho một thời tuổi trẻ, thay vì học hành mở rộng tầm mắt, ông đã dán mắt vào chiến tranh. Và dư âm của nó lại ùa về, che kín tâm hồn ông mỗi khi được mời dự lễ ăn mừng chiến thắng. Với ông, đó là nỗi buồn và là vết thương. Nếu như ai đó reo hò thì ông chỉ thấy âm ỉ một nỗi đau về một thời tuổi trẻ đã tự trầm, trôi hun hút!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/hanoi-peop-n-april-anni-04282015131040.html

Thursday, April 30, 2015

Tàu Khựa Là Như Thế!




Người Tàu
Nguyễn Hưng Quốc Blog
Trước đây, trong bài viết về chuyến đi Hàn Quốc vào cuối tháng 9 năm 2011, tôi có nêu nhận xét về tính cách của người Hàn Quốc qua hiện tượng lặng lẽ xếp hàng cả tiếng đồng hồ trước giờ lên máy bay.  Vừa rồi, trong chuyến bay từ Bangkok đến Bắc Kinh, tôi thấy một hiện tượng khác hẳn. Khi đến phòng đợi, tôi đã thấy rất đông người ngồi la liệt trên ghế hoặc dưới đất nói chuyện ồn ã hoặc ăn uống nhồm nhoàm. Hầu hết là người Trung Quốc. Nét nổi bật nhất là cường độ âm thanh trong giọng nói của họ. Hiếm khi tôi thấy cảnh nào ồn ào đến như vậy. Tôi muốn mở laptop ra để đọc hay viết một cái gì đó nhưng không có cách gì tập trung được.
Khi nhân viên báo tin đã đến giờ lên máy bay, tất cả mọi người đều đứng bật dậy và hối hả chạy ra giành chỗ vào cửa. Họ chen lấn nhau, xô đẩy nhau, thậm chí, la hét chửi bới nhau. Cuối cùng, mọi người cũng lên được máy bay. Trên máy bay lại diễn ra cảnh giành giật các chỗ để hành lý. Thường, máy bay nào cũng hạn chế số lượng và kích thước hành lý cầm tay. Thế nhưng không hiểu sao người ta lại có thể mang hành lý nhiều và cồng kềnh đến như vậy. Công việc cất hành lý đáng lẽ chỉ diễn ra trong vài phút, đằng này, nó kéo dài khá lâu, làm không khí trên máy bay nhốn nháo hẳn lên.
Khi đã ngồi vào ghế, người ta bắt đầu mở miệng hoặc để chuyện trò hoặc để cãi cọ. Như một cái chợ. Đến độ tôi hoàn toàn không nghe được lời chào hoặc thông báo gì đó của phi hành đoàn. Tuyệt đối không nghe. Mãi đến cả một, hai tiếng sau, có lẽ do thấm mệt, âm thanh trong máy bay mới bắt đầu giảm để đến lúc máy bay hạ cánh lại diễn ra cảnh giành nhau lấy hành lý. Lại cãi cọ. Lại ồn ào.
Trên máy bay, tôi mở laptop ra định viết bài cho blog. Đang viết, nhìn vào màn ảnh trên laptop, thấy thấp thoáng có mặt người. Tôi quay lại, bắt quả tang một anh Tàu ngồi hàng ghế sau đang nhoài đầu ra phía trước nhìn vào màn ảnh laptop của tôi. Anh bẽn lẽn ngả người ra sau. Tôi quay lại tiếp tục viết. Nhưng lại thấy khuôn mặt của anh phản chiếu trên màn ảnh. Tôi quay lại nhìn. Anh ta lại ngả người ra sau, ngó ra ngoài cửa, nhưng không còn lộ vẻ gì bẽn lẽn nữa. Cứ thế, mỗi lần tôi viết, anh ta lại nhoài người lên dòm. Tôi không nghĩ anh ta là công an. Làm công an, được huấn luyện để theo dõi người khác, không ai lại vụng về đến như vậy. Tôi chỉ nghĩ có lẽ anh ta là một người tò mò một cách thô bỉ vậy thôi. Nhưng không thể kiềm được sự khó chịu, tôi tắt laptop. Cả gần bốn giờ bay, do đó, chỉ ngồi thừ người nghĩ ngợi bâng quơ. Chả làm được gì cả.
Suốt 10 ngày ở Trung Quốc, ở đâu tôi cũng gặp hai nét tính cách ấy: chen lấn và sẵn sang xâm phạm vào sự riêng tư của người khác. Có thể nói ở Trung Quốc, ở chỗ nào có đông người chỗ ấy có chen lấn. Mà hình như ở Trung Quốc không nơi nào không đông người nên cảnh chen lấn dường như xuất hiện ở khắp nơi. Ngay ở các địa điểm du lịch, nơi đáng lẽ người ta cần sự thảnh thơi thoải mái và nhàn nhã, người Trung Quốc cũng chen lấn nhau. Đi dọc theo bờ Hồ Tây ở Hàng Châu, bên cạnh cảnh sông nước và cây cối tuyệt đẹp và đầy thơ mộng, mỗi vật đều gợi nhớ đến lịch sử và văn chương vốn được mọi người ngưỡng mộ cả hàng ngàn năm, họ cũng chen lấn. Ở khu phố cổ ở Thượng Hải (Miếu Thành Hoàng), nơi đáng lẽ cần sự yên tĩnh để ngắm nghía phong cách kiến trúc độc đáo truyền thống, người ta cũng chen lấn xô đẩy nhau kịch liệt. Tôi quan sát, thấy, khi đi bộ, người ta thường không bao giờ chú ý đến người khác. Họ cứ đi thẳng. Ai nhường đường, mặc, họ không một lời cám ơn. Không nhường đường thì bị họ dùng vai đẩy dạt ra. Dĩ nhiên cũng không một lời xin lỗi. Trên chiếc thuyền chở du khách chạy dọc sông Hoàng Phố (黄浦江) ở Thượng Hải, nhóm chúng tôi an phận ngồi trên một dãy ghế ở tầng hầm, nơi tầm nhìn bị hạn chế rất nhiều. Nhưng cũng không yên. Một lúc nào đó, hình như ở tầng trên quá lạnh, nhiều người lại ào ào chạy xuống tầng hầm và giành ghế của người khác. Chỉ cần đứng dậy là có người chĩa đít vào giành ngay ghế của mình. Bạn nói đó là ghế bạn đang ngồi ư? Họ mặc kệ, ngó đi chỗ khác và tiếp tục ngồi. Nhóm chúng tôi gồm 10 người bị cướp mất năm hay sáu ghế. Cuối cùng, mọi người đành đứng.
Ở Trung Quốc, sự riêng tư không bao giờ là một giá trị. Về chính trị, nhà cầm quyền trố mắt theo dõi mọi người ở mọi nơi và mọi lúc. Trong xã hội, ở đâu người ta cũng lom lom dòm vào người khác. Bạn đứng chụp hình ư? Rất có khả năng một người nào đó dí mắt nhìn vào màn ảnh của bạn. Không phải bạn chụp hình ở nơi nào trọng yếu hay có ý nghĩa quân sự gì đâu. Ngay cả khi bạn đứng trên chiếc du thuyền chạy dọc theo bờ sông và chỉ chụp cảnh phố xá hai bên, người ta cũng nhìn. Có lẽ chỉ vì tò mò thôi.
Đến Bắc Kinh, tôi tham gia vào một tour du lịch khá đông, khoảng 60 người. Hầu hết là người Hoa sinh sống ở nước ngoài, nhiều nhất là ở Mỹ, Canada và Úc. Có người đi từ Trung Quốc, từ Hong Kong và cũng có một số người đi từ Việt Nam, đặc biệt từ Móng Cái, vùng giáp biên giới Việt-Trung, trong những năm 1978-79. Điều đặc biệt nhất là tất cả, kể cả thanh niên sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, đều nói tiếng Quảng Đông rất giỏi. Suốt cuộc hành trình, nói chuyện với nhau, tất cả đều dùng tiếng Quảng Đông. Nhóm của tôi có mấy thanh niên khoảng 30 tuổi, sinh ở Móng Cái, đến Mỹ lúc mới 2 hay 3 tuổi, hoàn toàn quên tiếng Việt, nhưng lại nói tiếng Quảng Đông rất trôi chảy. Và có vẻ rất thích nói tiếng Quảng Đông với bạn bè trong nhóm. Dường như người ta có chút tự hào khi nói tiếng Tàu. Đó là điều tôi ít thấy trong cộng đồng người Việt. Trẻ em Việt Nam ở hải ngoại, ngay cả khi có thể nói tiếng Việt lưu loát, vẫn có khuynh hướng dùng tiếng Anh hơn tiếng Việt.
Tuy nhiên ngay cả người Hoa ở ngoại quốc về cũng bị kỳ thị. Khi đoàn du lịch đến ở khách sạn, hầu hết là khách sạn thật sang, thuộc loại 5 sao, tôi để ý thấy tất cả các tủ lạnh trong phòng đều bị khoá chặt. Hỏi, người ta đáp: Sợ bị ăn trộm. Buổi sáng, theo kế hoạch, đoàn thường lên đường vào lúc 7 giờ. Khách sạn đòi mọi người phải trả chìa khoá trễ nhất là lúc 6 giờ. Lý do: khách sạn cần khoảng một tiếng để kiểm tra phòng xem có bị mất trộm gì không. Nhiều người kể, ở khách sạn, hở cái gì là mất ngay cái ấy. Rượu bia để trong tủ lạnh: mất. Đồng hồ báo thức để trên đầu giường: mất. Có khi cả điện thoại cũng bị mất. Khách sạn đành áp dụng chiến thuật cẩn tắc vô áy náy: Khoá tủ lạnh và đuổi khách ra khỏi phòng một tiếng để kiểm tra trước khi để họ rời khỏi khách sạn.
Thú thực tôi không có số liệu về nạn trộm cắp ở Trung Quốc. Có điều, trong suốt chuyến du lịch, điều hướng dẫn viên dặn dò nhiều nhất, dặn đi dặn lại, là phải coi chừng bị mất trộm. Túi xách của phụ nữ phải đeo trước bụng, không được kè kè bên hông. Giấy tờ và ví tiền phải để chỗ kín đáo, không được để túi quần sau, rất dễ bị móc.
Trong các nhà vệ sinh công cộng, người ta không dám để giấy vì sợ trộm, đã đành. Trong hầu hết các nhà hàng, ngay cả những nhà hàng có vẻ rất sang trọng và nghe nói rất nổi tiếng, cũng không có khăn giấy trên bàn. Khi dọn thức ăn, người ta mới phát cho mỗi người một cái khăn giấy nhỏ xíu và mỏng lét. Có nơi còn đòi tiền: một miếng khăn giấy là một đồng nhân dân tệ.
Không phải tại khăn giấy khan hiếm. Chỉ tại người ta sợ ăn cắp: để ra bao nhiêu là mất bấy nhiêu.
Nói đến người Tàu, tự nhiên tôi sực nhớ một đồng nghiệp cũ. Chị có bằng tiến sĩ, dạy đại học, nghe nói dạy khá giỏi, nhưng tính nết thì rất quái gở: Lúc nào chị cũng nghi ngờ người khác. Chị thường xuyên khiếu nại hay than phiền là có ai đó lén vào phòng chị, lục lọi computer của chị. Có lần, tôi muốn vào phòng chị để bàn bạc một số công việc trong Khoa. Tôi gõ cửa. Có tiếng mở cửa lách tách, tôi biết là chị khoá bên trong. Tôi vừa bước vào, chưa kịp ngồi xuống ghế, đã thấy chị nhoài người ra ngoài, nhìn quanh, rồi khoá hẳn cửa lại. Tôi hơi giật mình. Thường, ở đại học, không ai khoá cửa kiểu như vậy. Ngay cả việc khép cửa cũng hoạ hoằn. Sau đó, tôi kể cho một số đồng nghiệp nghe. Mọi người cười ầm: Họ cũng từng có kinh nghiệm y như vậy. Và người ta cố tìm lời giải thích: có lẽ là do ảnh hưởng từ thời cách mạng văn hoá, lúc mọi người tìm cách hãm hại nhau. Và không ai tin ai cả.
Kể những điều trên, tôi không có hàm ý miệt thị người Tàu. Không. Tôi biết trong lịch sử có vô số người Tàu vĩ đại. Vĩ đại về trí tuệ. Vĩ đại về tài năng. Và vĩ đại về tính cách. Hiện nay, chắc chắn cũng có vô số người Tàu ưu tú và khả kính, tạo thành một tầng lớp tinh hoa không thua kém ở bất cứ đâu khác. Những nhận xét ở trên, thật ra, chỉ giới hạn trong tầng lớp những người bình thường mà ai cũg có thể gặp gỡ hang ngày. Ở mọi nơi.
Họ chỉ là đám bình dân. Có điều, bình dân bao giờ cũng đông đảo. Chính họ tạo nên diện mạo của một xã hội.
Để trở thành một siêu cường thực sự, điều Trung Quốc cần làm đầu tiên và cũng mất nhiều thời gian nhất chính là cải tạo cái khối bình dân đông đảo ấy. Có lẽ chính quyền Trung Quốc cũng ý thức được điều ấy. Ở đâu tôi cũng thấy bảng hiệu nhắc nhở người ta làm người văn minh và có văn hoá.
Nhưng nói là một chuyện. Làm được hay không lại là chuyện khác.
Cũng như ở Việt Nam vậy thôi.
Nguồn: Email