Friday, May 15, 2015

Thảm họa từ nền giáo dục chết người



Thảm họa từ nền giáo dục chết người
13.05.2015
Trời Sài Gòn những ngày vào hè nóng bức và khói bụi đến khó thở, ngay cả khi vào sáng tinh mơ. Tôi mắt nhắm mắt mở chạy vội đến công ty lúc 6 giờ sáng vì lo kẹt xe sẽ không kịp dự cuộc họp quan trọng lúc 7 giờ. Đi làm nhiều năm, nhưng cảnh từng đoàn xe đâm ngược đâm xuôi, leo lên cả lề mà vẫn không đủ đất khiến tôi nhiều khi phát cáu với… ông trời. Những ngày công tác ở châu Âu về, nhiều người Sài Gòn càng dễ làm tôi bực mình vì những thứ lễ nghi vốn đã được dạy từ mẫu giáo – không vượt đèn đỏ, qua đường nhường nhịn nhau, không lái xe ẩu tả, hay đơn giản nhất là đừng hở chút là bóp còi inh ỏi khiến người đi gần đau óc mệt tai – nhưng chẳng ai nghe, dù “giải phóng 40 năm rồi chứ đâu phải ít”. Bạn bè tôi hay kể chuyện vui, khi sang châu Âu mà thấy ai bóp còi inh ỏi dù đường vắng teo, thì hãy quay lại chào người đó bằng… tiếng Việt (vì 99% họ là người Việt). Một đứa khác cắt lời “Tao đi Lào, Campuchia cũng thấy người ta bóp còi inh ỏi, dù dân họ nổi tiếng hiền lành và đường phố cũng không đông như Việt Nam. Ai dè, thằng lái xe là…du học sinh từ Việt Nam về. Bó tay”. Cả bọn cười thấm thía, xót xa, và rồi mau chóng chuyển sang đề tài khác vì càng nói lại càng đau.
Con đường tôi đến công ty ngang qua nhiều trường học, và rồi khi đầu óc mơ màng vì những giấc ngủ chưa tròn vì lo chuyện áo cơm, bất giác tôi thấy một cậu bé tầm lớp 8 hay 9 gì đó, vai khăn quàng đỏ, ôm người đàn ông (chắc là cha) ngủ ngon lành. Sáu giờ sÁng tại Sài Gòn, với sự ồn ào đủ để người ta phải hét lên vì mất ngủ nếu gần các khu dân cư, đường lớn. Nhưng cu cậu vẫn ngủ vắt vẻo trên lưng người cầm lái. Kỷ niệm xưa, vào hơn chục năm trước, cứ như ngày hôm qua ùa về một cách vô thức.
Ở cái tuổi của cậu bé, chúng tôi còn “nướng” đến 6 giờ 45, rồi chỉ kịp gặm bánh mì và vào lớp. Ngày chỉ học một buổi, buổi còn lại đá bóng, thả diều, bắt cá, đi bơi, làm đồ chơi, bắn culi, bắt dế… Ôi thôi nhiều vô số kể. Ở cái tuổi của cậu, chúng tôi được thầy cô dạy hết những gì cần học trên lớp, để rồi về nhà tự học thêm một ít, làm một ít bài tập rồi… chơi là chính. Chúng tôi biết phụ ba mẹ làm rẫy, nấu cơm, dọn nhà và xem đó là một niềm vui. Những đêm sáng trăng cả bọn trong xóm tranh thủ làm bài tập sớm rồi rủ nhau đốt lửa nướng bắp, nướng khoai, rồi ngồi kể chuyện ma cười rôm rả cả xóm cả làng, để rồi ba mẹ xách đèn pin đi tìm và tiện tay phết vào mông vài roi vì tội đi chơi khuya không chịu về nhà.
Để rồi tuổi thơ qua đi theo những trang sách với những nét chữ mà thầy cô, ba mẹ uốn nắn từng chút một. Để rồi chúng tôi biết thương yêu bạn bè, hàng xóm, và tất nhiên là cả gia đình. Chúng tôi biết tự mình làm đồ chơi và trân trọng chúng; biết đọc những câu thơ dân gian mà khối đứa Sài Gòn phải trầm trồ; biết nấu cơm, dọn nhà nơi Sài Thành hoa lệ, rực rỡ nhưng cuộc sống khắc nghiệt với những đứa sinh viên nghèo. Có đứa đạp xe hơn chục cây số để dạy thêm, bồi bàn, hát phòng trà, hay bán sách… để nung nấu biết bao ước mơ phía trước.
Ấy vậy mà trẻ Sài Gòn sao khác lạ. Có đứa học lớp sáu vẫn còn chờ mẹ lấy cho cây tăm xỉa răng, chờ cha đón đưa đưa đón mà vẫn cứ lười trốn học. Chúng hào hứng với những món đồ chơi đắt tiền, để rồi quăng đi không thương tiếc dù ba mẹ mất cả ngày công. Nhưng tôi hiểu, cũng như cậu bé vừa đi vừa ngủ kia, những đứa trẻ Sài Gòn và những chốn thị thành sớm trở thành nạn nhân của một nền giáo dục quá nặng chữ nghĩa, máy móc và mất ổn định.
Trẻ con ngày nay phải học từ sáng đến tận khuya, và học tất cả các ngày trong tuần. Nào là thầy Toán, thầy Lý, cô Sinh, cô Văn hay cả những môn mà bọn tôi gọi là năng khiếu, sở thích cũng bị ép học thêm. Không học sao được khi hệ thống giáo dục vốn đã quá nhiều câu chữ ngôn từ, lấy điểm số làm thang đo con người và rồi khối lượng của chiếc cặp vẫn tiếp tục gia tăng, đè nặng lên đôi vai của trẻ nhỏ. Chúng không có thời gian được ba mẹ dẫn đi xem phim, đi thả diều ngoài công viên, đi câu cá, hay thậm chí là những trò mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng cần biết. Chúng không có thời gian và cũng chẳng được thực hành việc “giúp cha lau nhà, giúp mẹ rửa chén, giúp em học hành” như những bài học mà chúng được thầy cô vội vàng truyền đạt nửa úp nửa mở trên lớp để còn kịp về nhà… dạy thêm. Và đến “cái quyền” cơ bản nhất là được “ăn ngủ” – thư giãn, giải trí…- chúng cũng bị cái xã hội “giàu thành tích” này cướp mất.
Tôi hỏi đứa học trò vừa vào lớp 8 của mình: “Em học để làm gì?” Ngày xưa khi cô tôi hỏi, tôi bảo “con muốn làm bác sĩ”. Ừ thì tôi không làm bác sĩ, nhưng ít nhất khi ấy, tôi ý thức chuyện tôi thích gì và làm gì. Còn đứa học trò của tôi ngọng nghịu nửa tiếng Việt, nửa tiếng Anh bảo: “Em cũng không biết”. “Thế sao em học? Học xong em làm gì?” – Tôi ngạc nhiên. “Học xong lớp chín ba mẹ cho em đi châu Âu và mua cho em một cái Ipad mới” – cu cậu phấn khởi. Cu cậu ngày chỉ ngủ 4 tiếng, chủ yếu là học, còn lại lén ba mẹ chơi Games. Đến nỗi một tờ giấy nháp gấp chiếc máy bay mà cu cậu loay hoay hoài vẫn không ra hình ra dáng, nói chi là đến ước mơ. Giáo dục Việt không dạy cho trẻ ước mơ, thậm chí còn chê cười vào những ước mơ ngây ngô có phần cảm tính của trẻ. Giáo dục nhà mình bơm vào trẻ một nỗi sợ “rớt hạng”, rớt danh sách học sinh giỏi, ở lại lớp… Như khi tôi khuyên học trò mình nên bớt học thêm, em lắc đầu nguầy nguậy: “không học thêm, thầy ra đề không làm bài được”. Rồi cu cậu cho tôi xem thành tích thuộc lòng hàng loạt bài toán, câu thơ đi học thêm mà đa phần chúng được thầy cô bộ môn “copy” y nguyên vào bộ đề kiểm tra trên lớp. Người mẹ của cậu nhóc cũng bức xúc biết là con cái mệt, nhưng nó không học thêm thì ba mẹ nó mệt hơn vì thầy cô cứ réo nó thi rớt, ba mẹ cũng chẳng an tâm mà làm ăn được. Thôi cứ cho đến nhà tuần vài buổi, khỏi phải lo. Mấy ông nhà nước cứ cấm dạy thêm, nhưng dạy thì vẫn dạy, không bằng cách này thì cách khác, không nơi này thì nơi khác, chả thấy ai sợ gì.
Mấy đời bộ trưởng giáo dục hô hào cải cách, ngay như sách giáo khoa, cũng chẳng ra gì ngoài chuyện moi ví người dân. Bộ sách lũ trẻ học đến giờ vẫn đầy tính máy móc, lý thuyết, thiếu tính ứng dụng đến…bất ngờ. Các chuyên gia nước ngoài hễ cứ nhắc đến các em Olympic thì nhớ đến Việt Nam, nhưng rồi lắc đầu tặc lưỡi vì các em có tài năng cũng dần mai một và chết yểu trong một nền giáo dục không thể phát huy một cách triệt để năng lực. Nhiều phụ huynh kháo tai nhau “cho con tỵ nạn giáo dục”, cứ bay qua trời Âu, trời Mỹ mà học cho thành tài. Chả là vì thế mà không ít lần, báo chí Việt “nhận bà con” với giáo sư này, tiến sỹ nọ tài giỏi tầm quốc tế có…gốc Việt Nam.
Cầm tờ báo trên tay, nụ cười các em thi Olympic, hay Olympia và các cuộc thi tài năng tươi roi rói. Rồi đến khi vài ba năm sau, họ chẳng còn ở Việt Nam. Họ yêu cái dãy đất hình chữ S, yêu cả lũy tre, ao làng hay cây đa đầu ngõ. Nhưng họ nhận ra rằng họ chỉ có thể làm được điều họ mơ ước khi ở trời tây. Bao cánh chim đầu đàn cứ bay đi rồi chẳng thiết quay về, khi nền giáo dục vẫn như rào cản cho nguồn năng lượng và những ý tưởng phơi phới của họ. Để rồi chất xám chảy về chỗ trũng, nơi tài năng và công sức của họ được đáp đền một cách xứng đáng chứ không chỉ là những con điểm tròn trĩnh không hồn, hay những chiêu trò ganh tỵ, mưu mô của những kẻ vốn bị thành tích làm lu mờ lý trí.
Như câu chuyện của cậu bé ngủ gật trên xe kia, cuộc đời em không chừng rồi cũng sẽ vật vờ như chính em bây giờ vậy. Mở mắt ra, em sẽ thấy bài kiểm tra mà em đã thức cả đêm để cố học thuộc lòng. Sẽ phải chạy cho kịp “ca học” sáng trưa chiều tối. Sẽ phải làm nhiều thứ để thầy cô, ba mẹ hài lòng hơn là cho chính em cảm thấy được niềm vui. Người ta bảo, đó là “chết” vì một nền giáo dục quá lạc hậu; còn tôi lại cho rằng em đang bị nền giáo dục này đẩy vào tình thế sống cuộc đời của những người mà bản thân em chẳng ý thức được em sẽ là ai. “Sống” vậy hay “chết” vậy cũng một nghĩa mà thôi.
Nguồn: http://www.voatiengviet.com/content/chh-tham-hoa-tu-nen-giao-duc-chet-nguoi/2765982.html

Những nét son đầy hứng khởi



Những nét son đầy hứng khởi
12.05.2015
Dịp kỷ niệm 40 năm 30/4 kết thúc chiến tranh năm nay mang lại nhiều niềm vui khác hẳn những năm trước. Nhiều bài bình luận trên các mạng có chất lượng, phơi bày sự thật, nói trắng ra sự thật, chỉ rõ nguyên nhân chính xác dẫn đến ngày 30/4/1975 là ý đồ xâm chiếm, thôn tính miền Nam bằng vũ lực của Đảng CS cầm quyền trên miền Bắc, ngang nhiên vi phạm Hiệp định Paris năm 1973, cố tình chà đạp các điều khoản «tôn trọng quyền tự quyết của mỗi miền được lựa chọn chế độ chính trị của mình», «tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam VN», «cam kết không đe dọa dùng vũ lực và không dùng vũ lực», «không bên nào thôn tính lấn chiếm bên nào».
Ngày 30/4 năm nay đông đảo nhân dân Việt Namnhìn rõ thêm rằng nền cai trị của Đảng CS đã mang lại tai họa cho đất nước và nhân dân, dẫn đến tình trạng lạc hậu thê thảm so với các nước láng giềng, là nguyên nhân cơ bản của tình trạng bất công xã hội, tham nhũng tràn lan, giáo dục trì trệ, y tế bệ rạc, văn hóa suy đồi. Cả một tầng lớp trí thức dân tộc cùng một số đảng viên CS có công tâm lên tiếng công khai đòi đảng phải thay đổi cả hệ thống cai trị từ độc đảng toàn trị cổ hủ sang dân chủ đa nguyên, có bầu cử tự do, có tự do lập hội, tự do ngôn luân, tự do tôn giáo.
Điều rất đáng phấn khởi là gần đây nhân dân thủ đô đã xuống đường liên tiếp bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường, buộc chính quyền Hà Nội phải ngưng việc tàn sát cây cổ thụ, hứa xử trí nghiêm ngưòi phạm tội. Chính quyền Hà Nội cũng công khai phủ nhận không cử người của ngành công an hay ngành tuyên huấn phá đám các cuộc biểu tình trước đây ở quanh Bờ Hồ Hoàn Kiếm, còn công nhận những công dân thủ đô từng xuống đường chống bành trướng là những người yêu nước. Đây là một điểm son thắng lợi đầu Xuân, có nhiều ý nghĩa của bà con thủ đô ngày càng tự tin khi xuống đường.
Trong khi đó cuộc đấu tranh của 70.000 lao động thuộc công ty Nam Triều Tiên Pou Yuen - Sài Gòn đòi chủ hãng và đặc biệt là đòi chính quyền trung ương phải thay đổi các điều sai lầm trong Luật về bảo hiểm xã hội bất lợi cho người lao động. Quốc hội đã phải lập tức ghi nhận yêu sách quan trọng này và hứa giải quyết. Thắng lợi bước đầu này là một nét son mới của phong trào lao động ở nước ta, một cuộc tập dượt lớn về bãi công quy mô rộng với bài học kinh nghiệm quý về thắng lợi rõ ràng.
Đi cùng với những thắng lợi trên, đông đảo bà con ở huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận đã kéo nhau ra Quốc lộ A1, làm nghẽn đường, kẹt xe suốt 50 kilômét trong đêm 14 và ngày 15/4, vì không chịu nổi cảnh bụi than từ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 do phía Trung Quốc nhận thầu xây dựng thải ra làm ô nhiễm cả một vùng đất và vùng biển rộng lớn. Công an được huy động hòng dẹp cuộc đấu tranh quyết liệt này, bị đồng bào giáng trả bằng bom xăng tự chế, cuối cùng theo báo Lao động (ngày 20/4) Phó Thủ tưóng Hoàng Trung Hải phải vào tại chỗ xoa dịu, đôn đốc việc làm cống dẫn nước giảm bụi từ bãi xỉ than, còn công khai xin lỗi nhân dân Tuy Phong về tai họa này. Đây cũng là một nét son nữa của cuộc đấu tranh tự phát của nhân dân, mang lại tự tin cho đông đảo công dân bật dậy dũng cảm bảo vệ cuộc sống của mình, buộc chính quyền phải lùi bước.
Bài học quý giá từ các nét son thắng lợi trên đây là chiếu theo Hiến pháp hiện hành, người dân có quyền tụ họp, biểu tình, xuống đường tuần hành có trật tự, không có ai, kể cả chính quyền như cơ quan hành chính, tuyên huấn, công an có thể hạn chế, cấm cản.
Theo quy định của mọi thể chế dân chủ chân chính, hiến pháp là đạo luật cơ bản của đất nước, là đạo luật gốc, bất khả xâm phạm, không có một đạo luật nào, sắc lệnh, nghị định nào của bất cứ cơ quan chính quyền nào có thể hạn chế, ngăn cản hay xuyên tạc một cách tùy tiện. Nhiều nước đặt ra Viện Bảo hiến hoặc Hội đồng Bảo hiến, có nghĩa vụ bảo vệ triệt để hiến pháp, hủy bỏ những văn kiện, sắc lệnh, nghị định, thông tư, tài liệu nào vi phạm bất cứ điều khoản nào của hiến pháp.
Ủy ban Hành chính quận Hoàn Kiếm cấm nhân dân biểu tình quanh bờ Hồ Hoàn Kiếm là một quyết định vi hiến khi cuộc biểu tình diễn ra có trật tự và có mục đích chính đáng.
UBHC còn có nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho những người biểu tình ôn hòa, chứ không có quyền ngăn cấm hay cho tay chân phá đám.
Thủ tướng cấm báo chí tư nhân hoạt động cũng là một quyết định vi hiến rõ ràng, cho nên là một sai lầm lớn, đi ngược lại điều khoản của Hiến pháp khẳng định quyền tư do ngôn luận và tư do lập hội của mọi công dân. Quyết định này mọi công dân có quyền bác bỏ, coi như vô giá trị. Do đó, Văn đoàn độc lập và Hội Nhà báo độc lập VN cũng như những tổ chức xã hội dân sự khác như Hội Phụ nữ Nhân quyền, Hội Bầu Bí tương thân, Khối 8406, Hiệp hội Dân oan.… tuy không được phép chính thức, vẫn là những tổ chức hợp hiến, chính đáng, đàng hoàng, được xã hội quý trọng. Cũng do đó mà hàng loạt cơ quan báo chí, thông tin, mạng lưới ngoài luồng chính thống, thường gọi là lề trái, «tự do», ngày càng được xã hội tín nhiệm, tìm đọc đông đảo, vượt qua đầu rất xa hàng trăm tờ báo và mấy chục đài phát thanh nhà nước, hàng trăm «dư luận viên» của đảng trâng tráo, đuối lý, mất dần tự tin vì bị công luận chê cười.
Một khi chính quyền mang tên «nhân dân», thực thi những chủ trương quá đáng, như dùng công an để bán bãi, bán tàu thuyền ọp ẹp cho hàng vạn người di tản thành «thuyền nhân» để thu hàng chục vạn lạng vàng chia nhau và nộp quỹ của đảng, hay dùng công an tra tấn người yêu nước chống bành trướng đến chết trong đồn công an, hoặc cướp đất của dân với đền bù rẻ mạt, nhân dân có quyền xuống đường để đấu tranh ôn hòa nhưng quyết liệt cho đến thắng lợi, hoặc nhân dân có thể chung lòng thực hiện «bất tuân dân sự» một cách hòa bình, tuần hành đông đảo với những biểu ngữ thích hợp, bãi công, bãi thị, bãi khóa, đều là chính đáng, vì lòng dân là ý Trời, quyền sống an lành trong nhân phẩm của toàn dân là thiêng liêng nhất.
Một nét son tươi rói đầy hứng khởi nữa là nhà báo Điếu Cày kiên cường từng bị kết án 12 năm tù giam ra tù trước thời hạn được Tổng thống Barack Obama tiếp đón thân mật trong Nhà Trắng cùng 2 nhà báo nữ của Ethiopia và nước Nga đúng vào dịp Ngày Tự do Báo chí Thế giới 3/5, trước khi tiếp ông Nguyễn Phú Trọng cũng vào tháng 5 này. Đây là sự kiện nhiều ý nghĩa, là dịp nắn gân xem ông Trọng sẽ xoay sở ra sao trên đất Hoa Kỳ, khi Tổng thống Obama tại cuộc gặp trên đây công khai tuyên bố rằng ông coi tự do báo chí là mối quan tâm ưu tiên trọng chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
Quả là đầu năm 2015 mang lại nhiều niềm vui, niềm hứng khởi cho mọi người dấn thân cho sự nghiệp dân chủ hóa đất nước chống ách thống trị của chế độ độc đoán toàn trị cộng sản cuối mùa. Những nét son trong đấu tranh cổ vũ mọi người tự tin dấn tới với sức lực thu hút mới, những sáng kiến mới trong khi chính quyền độc đảng đang tiến lui đều khó.
Nguồn: http://www.voatiengviet.com/content/bt-nhung-net-son-day-hung-khoi/2763211.html

Thượng nghị sĩ bang California lên tiếng về trường hợp Nguyễn Chí Tuyến



Thượng nghị sĩ bang California lên tiếng về trường hợp Nguyễn Chí Tuyến
Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
2015-05-14

NGHE:
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/state-sena-janet-tlk-nc-tuyen-05142015074911.html/05142015-state-sena-janet-tlk-nc-tuyen.mp3

ĐỌC:
Sáng hôm nay tại Hà Nội hàng trăm người dân tập trung biểu tình chống lại việc một nhóm người tấn công gây thương tích nặng cho anh Nguyễn Chí Tuyến, trước đó một hôm tại Hoa Kỳ Thượng Nghị Sĩ tiểu bang California là bà Janet Nguyễn viết thư yêu cầu Tòa Đại Sứ Mỹ và Human Rights Watch điều tra làm rõ sự việc này.
Bà Janet Nguyễn: Xin cám ơn anh và xin chào quý vị. Ở Việt Nam công an đánh người dân như vậy là không được. Ở nước tự do như Hoa Kỳ thì việc đó không thể làm được, nó chống lại tự do dân chủ nhân quyền của một người dân. Anh Chí Tuyến là một người tranh đấu cho nhân quyền và tự do cho nước Việt Nam thì đó là quyền của ảnh. Công an ra ngoài đường đánh người dân là không được.
Hôm qua mình gửi một lá thư cho ông Đại sứ Mỹ tại Việt Nam xin ổng đề nghị Việt Nam phải điều tra cái vụ này, tại sao công an lại đánh anh Chí? Và mình cũng xin Human Rights Watch xem tại sao lại có vụ này xảy ra tại Việt Nam. Mình phải tiếp tục tranh đấu cho đồng bào ở Việt Nam. Chính phủ Việt Nam bây giờ áp dụng đòn đánh người dân, đánh ai cũng được ở ngoài đường. Họ muốn giết người luôn và bắt người vô tù mà người bị bắt không biết tại sao. Họ muốn bắt là cứ bắt. Như vậy là không thể được vì điều này không tốt cho bất cứ chính phủ nào.
Mặc Lâm: Thưa bà trong vai trò một Thượng nghị sĩ của Tiểu bang bà nghĩ rằng yêu cầu của bà sẽ được đại sứ Ted Osius nhanh chóng thực hiện và phản hồi cho bà trong thời gian ngắn nhất hay không?
Bà Janet Nguyễn: Mình mong ổng nhận được lá thư và hồi đáp nhưng mình biết là đại sứ rất bận rộn nên viết thư cũng chậm. Mình mong ông trả lời nhanh và sẽ giúp ông Tuyến ở Việt Nam. Nếu mình nhận được hồi báo thì mình sẽ gửi cho cộng đồng biết ngay.
Mặc Lâm: Trong vai trò một Thượng Nghị Sĩ gốc Việt bà thấy cộng đồng người Việt có quan tâm đến vấn đề dân chủ nhân quyền trong nước hay không?
Bà Janet Nguyễn: Ồ, tuyệt đối! Người Việt ở Cali hay ở Hoa Kỳ mỗi ngày nếu có dịp họ đều giúp cho đồng bào ở Việt Nam thì họ làm ngay. Họ muốn nước Việt Nam tự do và dân chủ. Đó là điều đã xảy ra hơn 40 năm rồi.
Mình phải tiếp tục tranh đấu cho đồng bào ở Việt Nam. Chính phủ Việt Nam bây giờ áp dụng đòn đánh người dân, đánh ai cũng được ở ngoài đường. Họ muốn giết người luôn và bắt người vô tù mà người bị bắt không biết tại sao. Họ muốn bắt là cứ bắt
Bà Janet Nguyễn
Quý vị ở Việt Nam đừng nghĩ ở bên đây quên quý vị. Ở Mỹ chúng tôi và rất nhiều đồng bào tiếp tục tranh đấu và tiếp tục lên tiếng nói mạnh mẽ để cho cộng sản Việt Nam biết rằng mình không chấp nhận sự đàn áp của họ đối với người dân. Phải có nhân quyền và tự do ở Việt Nam
Mặc Lâm: Trong tình hình mà Việt Nam chưa tôn trọng nhân quyền thì bà có ủng hộ cho họ vào TPP đang tranh cãi tại Quốc hội Mỹ cũng như của Tổng thống Obama hay không?
Anh Nguyễn Chí Tuyến (tức Facebooker Anh Chí) đã bị 5 tên côn đồ dùng tuýp sắt vây đánh dã man, gây thương tích nặng nề, trên đường Ngọc Thụy (quận Long Biên, Hà Nội) ngày 11/5/2015

Bà Janet Nguyễn: Tuyệt đối là không. Việt Nam phải có tự do và dân chủ và không được bắt bớ người dân bỏ vào tù. Nước Mỹ là nước tự do dân chủ nên mình phải buộc Việt Nam phải có tự do dân chủ, nều không thì không nhận được những cái tốt đẹp từ nước Mỹ.
Mặc Lâm: Vâng, nhưng theo Tổng thống Obama thì Việt Nam khi vào TPP vì nguồn lợi kinh tế buộc họ phải đối xử với nhân quyền tốt hơn. Bà có đồng ý với lập luận của Tổng thống Obama hay không?
Quý vị ở Việt Nam đừng nghĩ ở bên đây quên quý vị. Ở Mỹ chúng tôi và rất nhiều đồng bào tiếp tục tranh đấu và tiếp tục lên tiếng nói mạnh mẽ để cho cộng sản VN biết rằng mình không chấp nhận sự đàn áp của họ đối với người dân. Phải có nhân quyền và tự do ở VN
Bà Janet Nguyễn: Dạ không, tại vì nước Việt Nam đã có trong danh sách các nước cần quan tâm (CPC) cũng lâu rồi, càng ngày họ bỏ nhiều người vô tù càng nhiều hơn. Những người không đồng ý với chính phủ đều bị bỏ vô tù vì vậy làm sao mình tin tưởng họ được?
Mặc Lâm: Trong hoàn cảnh hiện nay, bà có thông điệp gì nhắn tới đống bào trong nước, những blogger những người đang tranh đấu cho tự do dân chủ nhân quyền như anh Nguyễn Chí Tuyến?
Bà Janet Nguyễn: Chúng tôi muốn cho quý vị ở trong nước biết chúng tôi là một Thượng Nghị sĩ người Mỹ gốc Việt, sinh ở Việt Nam và chưa về Việt Nam nhưng mình không quên quý vị, không quên tranh đấu cho nhân quyền, tự do dân chủ. Xin quý vị tiếp tục tranh đấu cho nước Việt Nam, cho đồng bào chúng ta. Chúng tôi ở đây sẽ làm hết mình để ủng hộ cho quý vị.
Quý vị không phải chỉ có Janet Nguyễn mà rất nhiều người trong cộng đồng Mỹ gốc Việt chúng ta ở đây tiếp tục tranh đấu và ủng hộ quý vị ở Việt Nam. Mình cần rất nhiều người như quý vị tranh dấu cho nước Việt Nam mà một ngày tới đây chúng ta sẽ có một nước tự do và dân chủ.
Mặc Lâm: Xin cảm ơn bà.
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/state-sena-janet-tlk-nc-tuyen-05142015074911.html

'VN cần điều tra vụ hành hung blogger'



'VN cần điều tra vụ hành hung blogger'
Giới blogger trong nước cáo buộc những người tấn công ông Nguyễn Chí Tuyến là 'công an chìm'
Một dân biểu Mỹ vừa viết thư yêu cầu chính quyền Việt Nam mở cuộc điều tra vụ hành hung một blogger trong nước.
Thư do dân biểu Liên bang Alan Lowenthal viết hôm 13/5, được gửi đến Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, kêu gọi lên án và mở cuộc điều tra việc nhà hoạt động dân chủ và là blogger Nguyễn Chí Tuyến, tức Anh Chí, bị hành hung tại Hà Nội vừa qua.
Ông Alan Lowenthal đã trao tận tay lá thư cho Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Phạm Quang Vinh, để yêu cầu chuyển đến chính quyền Việt Nam, theo thông cáo từ văn phòng của ông gửi cho BBC.
Trước đó, hôm 11/5, ông Tuyến đã 'bị một đám côn đồ chặn đánh' trên đường đưa con đi học, nguồn tin từ giới blogger trong nước cho biết, đồng thời cáo buộc những kẻ tấn công là 'công an chìm'.
Nhiều hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội cho thấy ông Tuyến bị nhiều thương tích trên mặt và trên đầu.
Giới hoạt động dân chủ và blogger trong nước đã nhiều lần bị hành hung trong quá khứ.
“Cá nhân tôi, và rất nhiều người Mỹ gốc Việt trong cộng đồng, đã rất phẫn nộ khi thấy những hình ảnh đẫm máu của blogger Nguyễn Chí Tuyến bị đánh đập tàn bạo chỉ vì ông đã thực thi quyền tự do ngôn luận của mình và tranh đấu cho những quyền căn bản của con người trong xã hội Việt Nam,” thư viết.
“Tôi đã gặp Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ và đã bày tỏ tới ông mối quan tâm của tôi trước sự đàn áp mới xảy ra cũng như tình trạng tiếp tục vi phạm nhân quyền đối với các nhà hoạt động tại Việt Nam nói chung".
Tôi muốn nói vụ việc của Anh Chí là một vấn đề cả từ giác độ nhân quyền lẫn chính trị: Thật là một việc làm vô cùng ngu dốt khi mà nó xảy ra đúng vào thời điểm quốc tế đang rất chú ý đến nhân quyền ở Việt Nam.Trưởng phái đoàn Mỹ tham gia Đối thoại Nhân quyền Mỹ-Việt lần thứ 19
"Tôi đã trao cho ông Đại sứ Việt Nam một lá thư gửi đến Chủ tịch nước và Thủ tướng Việt Nam kêu gọi chính quyền Việt Nam lên án và mở cuộc điều tra về hành vi khủng bố và đàn áp bạo lực này đối với blogger Nguyễn Chí Tuyến.”
“Tôi cũng đã nói với ông Đại sứ Việt Nam, như lời tôi viết trong thư, là tôi tin rằng nếu chính quyền Việt Nam muốn có quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ, thì họ phải có những hành động cụ thể nhằm cải thiện hồ sơ nhân quyền của Việt Nam hiện nay.”
Bản sao lá thư dân biểu Alan Lowenthal gửi chính quyền Việt Nam cũng được gửi đến Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã cho ông Lowenthal biết rằng Đại sứ Osius sẽ đến thăm nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến để tìm hiểu thêm về sự kiện đàn áp này.
Hôm 14/5, Nhà báo tự do Đoan Trang đăng tải trên trang blog cá nhân bài phỏng vấn mà chị mô tả là "độc quyền" với Trưởng phái đoàn Mỹ tham gia Đối thoại Nhân quyền Mỹ-Việt lần thứ 19.
Ông Tom Malinowski được dẫn lời nói: "Chúng tôi biết là vẫn còn rất nhiều nhà hoạt động bị sách nhiễu trên diện rộng".
Hiện nay, vẫn còn rất nhiều người bị đàn áp, bị đe dọa, thậm chí bị tấn công bằng vũ lực, như chúng tôi vừa thấy sáng nay là trường hợp blogger Anh Chí (ông Nguyễn Chí Tuyến).
"Tôi muốn nói vụ việc của Anh Chí là một vấn đề cả từ giác độ nhân quyền lẫn chính trị: Thật là một việc làm vô cùng ngu dốt khi mà nó xảy ra đúng vào thời điểm quốc tế đang rất chú ý đến nhân quyền ở Việt Nam."
Hôm 12/5, Tham tán chính trị của Đại sứ quán Đức, ông Felix Schwarz, cũng đã đến tư gia thăm ông Nguyễn Chí Tuyến.
Nguồn: www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2015/05/150515_blogger_attack_investigation_call