Vũ Linh 144: Cuộc Chiến Tối Cao Pháp Viện
Saturday, Sep.26, 2020
https://diendantraichieu.blogspot.com/2020/09/bai-144-cuoc-chien-toi-cao-phap-vien.html#morehttps://diendantraichieu.blogspot.com/2020/09/bai-144-cuoc-chien-toi-cao-phap-vien.html#more
Cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc cho đến cách đây hơn một tuần
tưởng như sẽ là cuộc chạy đua rắc rối nhất, khó tiên đoán nhất, vì có nhiều yếu
tố chẳng dính dáng gì đến chuyện vận động tranh cử, nhưng lại chi phối hoàn
toàn kết quả bầu cử. Đại khái là có những yếu tố mới lạ hết sức quái lạ như
dịch COVID, bạo loạn Bờ Lờ Mờ, bỏ phiếu bằng thư, chưa kể vai trò của cá nhân
ông thần Trump với cá tính quá độc đáo khiến cả triệu người mê và cả triệu
người ghét, vứt bỏ hết những chuyện sách lược, ý thức hệ,…
Các chuyên gia tối tăm mặt mũi không biết tiên
đoán làm sao.
Ấy vậy mà tuần qua lại xẩy ra một biến cố kinh
thiên động địa khiến cuộc chạy đua này còn rối rắm thêm gấp vạn lần.
Bây giờ thì các thầy bói mù đều… mù thật hết.
Biến cố đổi đời đó chính là việc bà thẩm phán
Ruth Bader Ginsburg của Tối Cao Pháp Viện (TCPV) qua đời.
Chẳng ai biết chuyện gì sẽ xẩy ra trong sáu
tuần tới. Chỉ biết tình hình sẽ rối loạn hơn nhiều. Ngày Thứ Hai đầu tuần, ngày
đầu tiên thị trường mở cửa sau tin bà Ginsburg qua đời, chỉ số chứng khoán Dow
Jones rớt ngay 1.000 điểm tuy sau đó có phục hồi, tới cuối ngày chỉ rớt có 500
điểm. Tiếp tục rớt cả tuần qua.
Chính trị Mỹ biến chuyển không ai lường được.
Cách đây chừng năm ba năm, trong đám dân ngu khu đen, chẳng ai biết TCPV là cái
cơ chế gì, làm cái trò trống gì. Nhìn vào đó, thiên hạ chỉ thấy một nhúm chưa
tới một chục ông bà quan tòa. Thì quan tòa là quan tòa, xử các vụ tranh tụng,
có gì ghê gớm?
Thế nhưng bây giờ, một bà quan tòa TCPV qua
đời, thế giới chính trị Mỹ tưởng chừng như tsunami đã dâng lên tới cột cờ trên
nóc Tòa Bạch Ốc rồi. Vì sự kiện này đã đảo lộn tiến trình tranh cử tổng thống,
mang đến một yếu tố có thể nói quyết định cho cuộc tranh cử, mà chẳng ai biết
theo chiều hướng nào, thuận lợi cho đảng nào, ứng cử viên nào, cho dù các bình
loạn gia của cả hai phe đều ồn ào tiên đoán sẽ có lợi cho phe ta, phe địch lung
tung.
TCPV đã hiện diện trong thể chế chính trị Mỹ từ
những ngày đầu khai quốc chứ không phải vừa được thành lập vài ba năm trước.
Vai trò của TCPV tương đối cũng giới hạn, trong phạm vi diễn giải Hiến Pháp và
bảo đảm các quyết định của hành pháp cũng như của lập pháp hoàn toàn tuân thủ
theo Hiến Pháp, không sai trật một ly. Trong những năm đầu khai quốc, TCPV chỉ
có 6 người, có quyết định huề 3-3 cũng chẳng ai khiếu nại.
Cho đến cách đây vài năm, Hiến Pháp vẫn còn
được coi như một thứ mỏ neo cột chặt chính trị Mỹ vào vài nguyên tắc căn bản,
bất di bất dịch, chỉ có thể tu chính một cách hết sức khó khăn và nhiêu khê
(2/3 Hạ Viện liên bang, 2/3 Thượng Viện liên bang, và 2/3 các tiểu bang). Trong
cả hơn 200 năm qua, hành pháp cũng như lập pháp, đảng này đảng nọ, tất cả đều
răm rắp tuân thủ, không ai dám hó hé gì.
Thế rồi chính trị biến đổi, manh nha từ những
chuyển động của thập niên 1960, bộc phát mạnh từ thời TT Clinton nhưng nổ bùng
dưới thời TT Obama và nhất là trong ba năm qua, khi phong trào cấp tiến bắt đầu
chuyển hướng kiểu ‘xét lại’, xét lại toàn bộ văn hóa chính trị Mỹ, chất vấn giá
trị của Hiến Pháp, đưa đến cái phong trào thời thượng hiện nay gọi là ‘văn hoá
xóa bỏ’, cancel culture.
Cái khuynh hướng gọi là ‘tân cấp tiến’ hay
neo-liberal cho rằng Hiến Pháp là một tài liệu được viết ra cách đây gần 300
năm khi nước Mỹ còn là thuộc địa của Đế Quốc Anh mới dành được độc lập, còn đi
xe ngựa chưa biết xe hơi, máy bay, hỏa tiễn là gì. Chủ nghĩa CS chưa ai biết là
gì. [Việt Nam ta khi đó còn chìm đắm trong chiến tranh Trịnh Nguyễn, chưa có
Nguyễn Huệ nữa.] Do đó, là một tài liệu tuyệt đối lỗi thời, vô giá trị. Các
chính trị gia và các quan tòa cần phải biết du di, một mặt vẫn cần tôn trọng
Hiến Pháp coi đó như nền tảng không có thì tất cả đều trôi sông lạc chợ, mặt
khác, cũng phải đủ uyển chuyển để diễn giải Hiến Pháp theo chiều hướng phát
triển của văn minh, văn hoá Mỹ, theo bánh xe tiến hóa của nhân loại.
Cái khuynh hướng đó dĩ nhiên bị khối bảo thủ
chống đối, vẫn kiên trì dùng Hiến Pháp làm cái mốc không thay đổi được, và việc
thực thi chẳng những phải hoàn toàn dựa trên việc diễn dịch ra tiếng ‘quốc ngữ’
văn bản của Hiến Pháp, mà còn phải cố gắng tìm hiểu ý muốn của các Cha Già Khai
Quốc, xem họ muốn gì qua lời văn họ viết trong Hiến Pháp.
Trên nguyên tắc, việc thi hành cứng ngắc Hiến
Pháp nghe vô lý nhưng sự thật lại hợp lý. Hợp lý ở chỗ tuy ‘lỗi thời’ nhưng vẫn
có thể tu chính được. Nghĩa là muốn thay đổi bất cứ điều gì thì cứ tu chính đi.
Nếu không tu chính được thì có nghĩa là đa số dân và đa số các tiểu bang không
muốn thay đổi. Và nếu không tu chính, không thay đổi thì cái gì đang có vẫn còn
giá trị và vẫn phải tuân thủ theo thôi. Không thể tự ý diễn giải theo ý kiến cá
nhân của mỗi người, kể cả các ông quan tòa. Nếu các ông bà quan tòa có quyền
diễn giải Hiến Pháp theo ý mình, thì các chính khách, các quan chức, và cả dân thường
như quý vị và tôi, cũng có thể diễn giải theo ý mình được luôn. Trong xã hội
dân chủ Mỹ, quan làm được gì thì dân cũng làm được việc đó. Thế thì luật lệ còn
gì nữa? Ai tôn trọng?
Nhìn dưới khía cạnh này thì hiểu rõ được vai
trò của TCPV quan trọng như thế nào, vì đó là cơ quan duy nhất và tối hậu có
quyền quyết định việc nào vẫn còn trong giới hạn cho phép của Hiến Pháp và việc
nào đi quá xa không chấp nhận được. Và tiếng nói quyết định của TCPV nằm trong
tay 9 vị thẩm phán.
Tiếng nói tối hậu cao nhất này cực kỳ quan
trọng vì trong một hai chục năm qua, cuộc chiến ý thức hệ giữa hai khối cấp
tiến và bảo thủ ở Mỹ đã leo thang rất mạnh, được thể hiện qua các chính sách,
các bổ nhiệm nhân sự, nhất là nhân sự trong ngành Tư Pháp.
Ai cũng biết nước Mỹ này là nước thượng tôn
luật pháp, tất cả chuyện lớn nhỏ gì cũng có thể thưa kiện được, đưa đến tình
trạng số luật sư ở Mỹ đúng là vô địch không có xứ nào nhiều bằng. Nghĩa là bất
cứ chuyện gì thì cuối cùng cũng phải mang nhau ra tòa nhờ ông bà quan tòa giải
quyết. Đưa đến tình trạng từ thời TT Clinton, các tổng thống ý thức ngày một rõ
họ có thể xoay chuyển hướng đi của chính trị và xã hội Mỹ qua ngã Tư Pháp, bằng
cách bổ nhiệm các quan tòa. Các TT cấp tiến Clinton và Obama do đó lo bổ nhiệm
quan tòa cấp tiến, các TT Bush con và Trump lo bổ nhiệm quan tòa bảo thủ.
Phải nói ngay cho rõ, trong ngành Tư Pháp, bảo
thủ có nghĩa là tôn trọng tuyệt đối Hiến Pháp và các luật hiện hành, trong khi
cấp tiến là du di diễn giải luật theo nhu cầu thay đổi của thời cuộc, theo quan
điểm cá nhân của quan tòa.
Cần ghi nhận TCPV không thụ lý những vụ án
không có liên quan đến Hiến Pháp, nhưng các luật sư mánh mung luôn tìm cách cài
Hiến Pháp vào bất cứ vụ án nào để có thể lên tới TCPV. Lấy ví dụ cụ thể, một
quan tòa cấp tiến ủng hộ phá thai sẽ nói Hiến Pháp Liên Bang trên căn bản tôn
trọng quyền tự do cá nhân, do đó, phá thai là một quyết định cá nhân, phải được
tôn trọng theo đúng Hiến Pháp. Ngược lại, một quan tòa bảo thủ không chấp nhận
phá thai sẽ nói trong Hiến Pháp Liên Bang không có chữ nào nói về phá thai hết,
do đó phá thai là chuyện nội bộ của các tiểu bang, và liên bang không có quyền
ra luật chấp nhận hay cấm đoán gì hết.
Như vậy, ta thấy rõ vai trò cực kỳ quan trọng
của các quan tòa, đặc biệt là quan tòa TCPV. Nhất là trong tình trạng chính trị
hiện nay khi nước Mỹ chưa bao giờ phân hoá nặng như bây giờ, chưa bao giờ hố
ngăn cách ý thức hệ bảo thủ / cấp tiến sâu đậm như bây giờ.
Đã vậy, tình trạng lại tồi tệ hơn nữa trong vài
năm qua khi mà phe đối lập DC nhất quyết chống TT Trump đến cùng, bất cứ quyết
định nào của TT Trump cũng đều bị thưa kiện, trong khi TT Trump cũng nhất định
không bao giờ chịu thua, đi đến tình trạng đã có cả mấy chục vụ kiện, mà hầu
hết đều phải lên tới TCPV để có quyết định tối hậu.
Mà cán cân bảo thủ / cấp tiến trong TCPV hiện
nay lại mong manh hơn bao giờ hết.
Trước khi bà Ginsburg qua đời thì cán cân đó
trên nguyên tắc thiên về bảo thủ với tỷ lệ 5-4, nhưng trên thực tế có vẻ
là 4-1-4, với ông Chánh Án John Roberts là lá phiếu đứng giữa, rất khó lường,
khi nghiêng bên bảo thủ, khi ngả qua cấp tiến. Nhưng dù sao thì phần lớn khối
bảo thủ vẫn thắng, bằng chứng là hầu hết các phán quyết cấp tiến của các tòa
dưới thường bị TCPV bác bỏ.
Ở đây phải nói thêm để hiểu ông Roberts cho rõ.
Ông này trên căn bản là bảo thủ, nhưng ông hiểu trong vai trò chánh thẩm phán,
ông có trách nhiệm bảo vệ uy tín của TCPV và ông cố tránh không để TCPV luôn
luôn biểu quyết một chiều theo khối bảo thủ, mà sẵn sàng thỉnh thoảng phải ‘hy
sinh’, biểu quyết theo phe cấp tiến. Nhiều người bảo thủ suy nghĩ đơn giản
không hiểu những tính toán sâu xa của ông Roberts nên nhiều khi hấp tấp công
kích ông quá đáng.
Với sự ra đi của bà Ginsburg thì cán cân trở
thành 4-1-3, với phe bảo thủ vẫn nắm lợi thế, cùng lắm là huề nếu phe cấp tiến
lôi kéo được ông Roberts, chứ không thua.
Trong câu chuyện này, có một anh tỵ nạn Mỹ con
viết “Có huề 4-4 cũng chẳng sao vì muốn thắng tại TCPV, trước sau gì cũng phải
cần 5 phiếu, bất kể TCPV có 9 hay 8 thẩm phán… Huề thì cứ theo phán quyết của
tòa dưới thôi”. Đây là lập luận tiêu biểu của trí thức văn phòng vừa đọc sách
xong, không hiểu biết gì về thực tế ngoài thư viện. Thực tế, TCPV có tiếng nói
tối hậu trong những vấn đề có những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, không phải là
chuyện đổ xí ngầu, thua lần này, đổ lại thắng lần sau. Những vấn đề mà TCPV sẽ
phải thụ lý là trước tiên, rất có thể là kết quả bầu cử, nếu huề 4-4 thì sao
đây? Đánh tù tì giữa ông Trump và cụ Biden sao?
Sau đó là những chuyện có những hậu quả vĩ đại
trong ít nhất vài ba chục năm tới, như Obamacare, di dân, phá thai, thuế má,…
Quan trọng đến mức nhiều người đã cho rằng cho dù TT Trump bị đe dọa thất cử,
ông vẫn phải bổ nhiệm một thẩm phán bảo thủ vì tương lai lâu dài của xã hội Mỹ.
TT Trump cùng lắm là ngồi thêm 4 năm nữa, một thẩm phán bảo thủ có thể ngồi đó
tới 40 năm.
Hơn nữa, cũng phải hiểu khi huề tại TCPV thì
phán quyết của tòa dưới giữ giá trị, mà tòa dưới, tức là tòa cấp kháng án liên
bang thì lại do các quan tòa cấp tiến được các TT Clinton và Obama bổ nhiệm
thống trị gần như hoàn toàn. Nôm na ra, với sự ra đi của bà Ginsburg, phe bảo
thủ lâm nguy nếu không có ông Roberts ủng hộ. Chắc ăn nhất cho khối bảo thủ là
chiếm đa số 6-3. Ngược lại, chắc chết nhất cho khối cấp tiến là để chuyện này
xẩy ra. Đây là cuộc chiến sinh tử của cả hai khối. Tuyệt đối không có chuyện
huề cả làng cho vui.
Những diễn giải dài dòng trên cần thiết để hiểu
tại sao việc thay thế bà Ginsburg là việc cực kỳ quan trọng, chẳng những chuyện
thay thế bằng ai mà ngay cả thay thế khi nào cũng đã trở thành những yếu tố sinh
tử cho cả hai khối bảo thủ và cấp tiến, vì nó sẽ định đoạt hướng đi tương lai
lâu dài của cả nước Mỹ.
Thay thế bằng ai dĩ nhiên là yếu tố then chốt
quan trọng nhất.
Đây là cơ hội ngàn năm một thủa để phe bảo thủ
CH có thể củng cố tư thế bảo thủ trong TCPV. Bổ nhiệm một thẩm phán bảo thủ thì
cán cân sẽ là 6-3 hay 5-1-3, nghĩa là cho dù chánh án Roberts nghiêng qua bên
cấp tiến cũng chẳng sao, phe bảo thủ vẫn thắng và phe cấp tiến từ bị thương đến
chết.
Tất nhiên cả hai phe đều phải sống chết đánh
nhau, bên bảo thủ CH để chiếm lợi thế qua một cơ hội cực kỳ hiếm hoi, bên cấp
tiến DC để khỏi bị chôn vùi vĩnh viễn.
Phải nói ngay, cả hai bên đều bị áp lực chính
trị hết sức nặng nề. Ví dụ TT Trump tuyên bố “Sắp tới bầu cử rồi, tôi sẽ không
bổ nhiệm ai hết mà sẽ để tổng thống nào được bầu lấy quyết định”. Đó sẽ là bản
án tử hình chính trị mà ông tự kết cho mình. Hàng triệu cử tri bảo thủ sẽ bất
mãn, coi như ông đã phản bội trách nhiệm họ trao cho ông khi bầu ông làm tổng
thống, sẽ không thèm đi bầu cho ông và ông sẽ thua 100%. Nôm na ra, TT Trump
không có lựa chọn nào khác là phải bổ nhiệm một thẩm phán bảo thủ thay thế bà
Ginsburg ngay bây giờ, trước bầu cử.
Ngược lại, các chính khách DC mà tuyên bố sẵn
sàng chấp nhận cho TT Trump bổ nhiệm người thay thế thì cũng có quyền chuẩn bị
đi mua cần câu cho những ngày về hưu cận kề.
Bây giờ có phải là lúc bổ nhiệm hay không khi
chỉ còn có sáu tuần nữa là tới ngày bầu?
Đây là vấn đề then chốt đang được tranh cãi.
Trước hết phải nhắc lại một tiền lệ mới xẩy ra.
Năm 2016, 9 tháng trước khi có bầu cử tổng thống tìm người thay thế TT Obama
mãn nhiệm, thẩm phán Antonin Scalia bất ngờ đột tử. TT Obama mau mắn bổ nhiệm
một quan tòa cấp tiến, ông Merrick Garland thay thế. Phe CH nắm đa số tại Thượng
Viện khi đó, từ chối không mang vấn đề ra thảo luận để phê chuẩn hay không. Sau
đó, ông CH Trump đắc cử, bổ nhiệm quan tòa bảo thủ Neil Gorsuch và ông này mau
mắn được thượng viện phê chuẩn.
Khi đó dĩ nhiên bên CH đưa ra cả vạn lý do để
không phê chuẩn ông Garland, căn bản là gần ngày bầu cử, cần phải để dân Mỹ
quyết định qua việc bầu tổng thống, rồi tân tổng thống bổ nhiệm, chứ một tổng
thống sắp sửa về hưu không thể lấy quyết định quan trọng như vậy được. Phe DC
cãi lại, trách nhiệm của tổng thống và thượng viện vẫn còn đó cho tới ngày mãn
nhiệm, không có lý do gì không bổ nhiệm và phê chuẩn.
TNS McConnell hiện nay đang bị tố cáo là “tráo
trở“. Đây chỉ là tố cáo một chiều phe đảng. Trên căn bản, có thể nói cả hai bên
đều vỏ quýt dầy, móng tay nhọn, đều “tráo trở” như nhau.
Những độc giả nào theo dõi tin thời sự đã thấy
rõ cái giả dối gian trá của các chính khách của cả hai chính đảng. Năm 2016,
phe DC một hai đòi phê chuẩn, CH chống phê chuẩn. Bây giờ, tình hình đổi ngược,
CH đòi phê chuẩn, DC chống. Cả hai bên đều uốn lưỡi nói ngược lại hết. Phe DC
bây giờ lôi những lập luận của phe CH năm 2016 để chống việc bổ nhiệm, trong
khi phe CH lôi những lập luận của phe DC ra để đòi bổ nhiệm.
TNS McConnell nói ngược, không sai. Nhưng DĐTC
xin đưa ra dưới đây vài câu tuyên bố của các chính khách DC năm 2016 để
quý độc giả đọc … cho vui!
- Bà TNS Amy Klobuchar:
“Hiến Pháp rất rõ ràng. Thượng Viện có bổn phận phải thảo luận đề cử của tổng
thống, và quyết định biểu quyết thuận hay không. Chúng ta -thượng viện- có bổn
phận phải chu toàn trách nhiệm, thảo luận và biểu quyết”.
- Bà TNS Hillary: “Theo
Hiến Pháp, tổng thống có trách nhiệm đề cử thẩm phán TCPV với sự chấp nhận của
thượng viện... Hiến Pháp không hề ghi những trách nhiệm này không còn nữa trong
năm có bầu cử”.
- Bà TP Ginsburg:
“Trong Hiến Pháp, không có điều khoản nào ghi tổng thống hết còn là tổng thống
trong năm có bầu cử… Việc phê chuẩn tân thẩm phán là job của thượng viện phải
làm khi còn tại vị”.
https://www.foxnews.com/politics/flashback-in-2016-ginsburg-senate-election-year-vacancy
- Cụ Biden: Trường hợp
cụ Biden hết sức bí hiểm vì cụ thay áo đổi mũ nhanh hơn các tay kịch sĩ trong
hậu trường tuồng hát bộ. Năm 1992, cụ cảnh cáo TT Bush cha không được đề cử tân
thẩm phán trong năm bầu cử nếu tổng thống và thượng viện thuộc hai đảng khác biệt.
Đó chính là trường hợp của TT Obama năm 2016, nhưng khi đó cụ Biden đổi giọng,
nhấn mạnh tổng thống có quyền đề cử và thượng viện có bổn phận phê chuẩn bất cứ
trong trường hợp nào. Bây giờ, cụ phán TT Trump không có quyền đề cử và thượng
viện không có quyền phê chuẩn tân thẩm phán trong năm bầu cử. Nôm na ra, theo
cụ Biden, tất cả tùy thuộc đảng nào quyết định, đảng DC phe ta thì tất cả đều
ô-kê, đảng thủ nghịch CH thì tất cả đều không được.
Nói chung, năm 2016, tất cả các chính khách DC
đều đòi hỏi thẩm phán phải được đề cử ngay vì đó là trách nhiệm của tổng thống
và thượng viện. Xin mời quý độc giả coi đây:
Đi sâu vào lý luận thì ông McConnell không phải
là không có lý. Ông này nói không thể so sánh tình trạng năm 2016 với tình
trạng năm 2020. Năm 2016, tổng thống thuộc đảng DC, thượng viện được dân trao
đa số cho đảng CH năm 2012 để kềm chế hay lịch sự hơn, cân bằng quyền hạn của
tổng thống theo đúng nguyên tắc tam quyền phân lập. Trong tình trạng phân hóa
đó, với ngày bầu cử cận kề, cần để cho dân Mỹ quyết định qua việc họ sẽ bầu tân
tổng thống và tân thượng viện, đúng như cụ Biden đã từng nói năm 1992. Năm nay,
không có sự phân hoá đó khi mà tổng thống và thượng viện đều cùng một đảng, tức
là người dân cho phép đảng CH quyết định, thì đảng CH phải chu toàn trách
nhiệm, lấy quyết định, cho đến khi mãn nhiệm. Cả tổng thống lẫn thượng viện
hiện nay vẫn còn tại chức, vẫn còn trách nhiệm, chưa thể cuốn gói về vui thú
điền viên cả ba bốn tháng trước trong khi vẫn còn ăn lương.
Tóm lại, lá bùa hộ mạng của TT Trump bây giờ
chính là ông McConnell, mà nhiều người nông cạn trước đây đã lớn tiếng chỉ
trích là không hậu thuẫn TT Trump hết mình. Không khác gì trường hợp ông Roberts
ở TCPV. Trò chơi chính trị ở cấp thượng đỉnh cao hơn xa những nhận định tầm
thường phiến diện.
Thực tế chính trị Mỹ là cả hai đảng, chẳng đảng
nào bỏ qua cơ hội để chiếm ưu thế, chửi qua chửi lại chỉ là tùy mình đứng ở đâu
thôi, hoán chuyển lập luận là chuyện cơm bữa. Chỉ những người ngây thơ nhất mới
tin lời các chính trị gia.
Bỏ qua những tranh cãi lý lẽ phe đảng, thực tế
lịch sử như thế nào?
§ Trong
lịch sử Mỹ cũng đã có 25 thẩm phán được đề cử vào TCPV trong năm bầu cử, thượng
viện đã phê chuẩn 21 vị. Chẳng ai thắc mắc chuyện ‘vịt què’, hết thời, ngồi chờ
ngày bàn giao.
§ Tuy
nhiên từ năm 1880 tới nay, chưa có một vị nào được bổ nhiệm trong năm cuối khi
tổng thống và thượng viện khác đảng (là chuyện TT Obama đòi hỏi năm 2016).
§ Năm
1980, có cuộc bầu tổng thống. Đương kim TT Carter bị thảm bại dưới tay thống
đốc Reagan. Một tuần sau khi kết quả bầu cử chính thức xác nhận TT Carter là
‘lame duck’, tức là ‘vịt què’, ông đề cử ông Steven Breyer làm thẩm phán liên
bang. Ít ngày sau, thượng viện lame duck vẫn thảo luận và phê chuẩn ông Breyer,
chẳng ai thắc mắc chuyện tổng thống hay thượng viện ‘vịt què’ gì hết. Lót đường
cho ông Breyer sau đó được TT Clinton bổ nhiệm vào TCPV cho tới ngày nay.
Tình trạng hiện nay là TT Trump cuối tuần này
sẽ đề cử và sau đó thượng viện sẽ thảo luận, chưa biết có kịp trước ngày bầu cử
hay không, nhưng chắc chắn là sẽ có biểu quyết trước 31/12/2020 là ngày thượng
viện khóa này mãn nhiệm.
Phe DC chống đối, cho là quá cận ngày, chỉ còn
trên dưới 40 ngày, không kịp sưu tra người được TT Trump đề cử. Họ chỉ quên mất
trong trường hợp của chính bà Ginsburg, từ ngày TT Clinton đề cử tới lúc phê
chuẩn, chỉ có 42 ngày.
Phe DC đe dọa nếu họ thua vụ bổ nhiệm thẩm phán
TCPV lần này, thì nếu họ chiếm được thượng viện qua cuộc bầu cử, họ sẽ đổi
luật, tăng số thẩm phán TCPV lên 13 hay 15 và bổ nhiệm ngay một loạt thẩm phán
cấp tiến để áp đảo phe bảo thủ. Nghĩa là phe DC lại hăm dọa thay đổi luật chơi
khi thua. Cũng như năm 2016 họ đòi bỏ cử tri đoàn bầu tổng thống.
Dù sao thì chuyện này nói dễ nhưng làm hơi khó.
Trước hết, họ phải chiếm được đa số ít nhất 51
ghế tại thượng viện, là điều không có gì chắc chắn. Hơn nữa, cho dù phe DC
chiếm 51 ghế, cũng chưa chắc tất cả sẽ đồng ý thay đổi số thẩm phán TCPV. Sau
đó, cụ Biden cũng phải thắng cử chứ TT Trump tái đắc cử sẽ không bao giờ ký
luật mới đó. Cụ Biden trước đây cũng đã tuyên bố ông không muốn thay đổi số
thẩm phán, nhưng cụ này theo chủ nghĩa thời cơ, đổi áo như chong chóng. Ngoài
ra, còn phải coi dư luận quần chúng. Năm xưa, TT Roosevelt bất mãn vì bị TCPV
bác luật mới của ông, đã muốn tăng thẩm phán lên 13 vị, nhưng bị cả nước chống,
vì dân Mỹ muốn duy trì tính độc lập của TCPV, không muốn TCPV trở thành vũ khí
chính trị hay con rối của bất cứ đảng nào, nên TT Roosevelt phải bỏ ý định.
Cuối cùng đó là con dao hai lưỡi vì làm vậy, đến khi CH chiếm được thượng viện
và Tòa Bạch Ốc, họ vẫn có thể đổi luật, trở về 9 vị hay tăng lên 21 vị, ai biết
được sẽ đi đến đâu?
Hậu quả việc thay thế bà Ginsburg sẽ như thế
nào trên cuộc bầu cử. Khó ai biết chắc, khối cử tri bảo thủ có thể thấy tầm
quan trọng của việc khối bảo thủ cần dành cơ hội hiếm có, chiếm đa số tại TCPV,
và sẽ hăng say đi bầu, chẳng những cho TT Trump, mà còn cả cho các nghị sĩ CH
đang tranh cử nữa. Theo CNN, trong chuyện này, đảng CH có lợi thế hơn.
Ngược lại, cũng có thể cử tri DC sẽ lo sợ xanh
mặt, và sẽ hăng hái bảo vệ quyền lợi của họ mạnh hơn, có thể hăng hái đi bầu
cho cụ Biden hơn, cụ thể là một ngày sau khi bà Ginsburg qua đời, đảng DC đã
khai thác tối đa, gióng chuông báo động để gây quỹ và đã thu được 100 triệu đô
trong một ngày.
Ở đây, có chuyện tiếu lâm: một cụ bà cuồng
chống Trump tuốt bên trời Âu la hét “Bà Ginsburg vừa mới mất còn chưa chôn
là Tr ta đã hí hửng đòi bầu ngay người khác thay thế, hành động ấy cho thấy rõ
con người bất nhân của Tr!”. Hình như bà này không biết là bên xứ Mỹ này,
cá nhân tới rồi đi, guồng máy chính trị vẫn chạy đều. Năm xưa, TT Kennedy bị ám
sát chết, PTT Johnson tuyên thệ nhậm chức ngay, trước mặt bà Jacqueline
Kennedy, còn mặc cái áo đẫm máu của ông chồng.
Hình như bà Tây giấy này cũng không biết phe DC
khai thác cái chết của bà Ginsburg ngay vài phút sau khi tin bà chết được loan
ra để đi moi tiền thiên hạ (gây quỹ được 100 triệu đô trong đúng một ngày sau).
Chắc tại cụ bên trời Âu chỉ biết một nửa tin tức, giống như với tất cả mọi
chuyện xẩy ra bên Mỹ, không biết gì về chuyện gây qũy. Thây kệ, chỉ cần biết
một nửa sự thật là đã đủ lý do để chửi rồi mà, phải không? Ai cần biết hết sự
thật?
Tóm lại, hậu quả ra sao, 6 tuần nữa, ta sẽ có
câu trả lời.
ĐỌC BÁO MỸ:
CH Không Có Lý Do Gì Không Phê Chuẩn – National
Review:
Lợi Thế Của Đảng CH – CNN:
https://www.cnn.com/2020/09/19/politics/republican-majority-strategy-vulnerable-senators/index.html
https://www.wsj.com/articles/why-the-biden-rule-doesnt-apply-in-2020-11600545795