Thursday, November 22, 2018

Không ai bỏ phiếu chống lại chính mình - Mặc Lâm


Không ai bỏ phiếu chống lại chính mình
21/11/2018
·         Mặc Lâm

 “Tài sản bất minh” là tài sản thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc; và cơ quan có thẩm quyền không chứng minh được tài sản, thu nhập do vi phạm pháp luật mà có.
Sau 3 kỳ thảo luận, các đại biểu Quốc hội vẫn chưa đồng thuận việc tịch thu hay đánh thuế, hay đưa ra tòa với các tài sản không chứng minh được nguồn gốc. Chỉ có 32% số đại biểu quốc hội tán thành, tức là 68% hay hơn 400 đại biểu Quốc hội không tán thành phương án đưa tài sản không chứng minh được nguồn gốc ra xử lý tại tòa án trong cuộc bỏ phiếu mới đây.
Duy nhất một đại biểu tán thành tịch thu tài sản được xem là bất minh.
Tài sản bất minh rõ ràng là tài sản không kiếm được từ thu nhập một cách chính đáng và hợp pháp. Chúng đến từ móc ngoặc, tham ô, hay biển thủ công quỹ. Tài sản bất minh chính cái tên của nó đã định nghĩa một cách rõ ràng là bất hợp pháp và việc chế tài người nào có tài sản bất minh không thể nào khó khăn đến nỗi cả ba kỳ họp của Quốc hội vẫn không đồng thuận cho một biện pháp chế tài.
Nhưng nếu nhìn kỹ vào cơ cấu Quốc hội người ta sẽ không ngạc nhiên vì cái rào cản vô hình khiến cho việc giải quyết tài sản bất minh cứ đứng yên giữa nghị trường, mặc sức cho tiếng búa của bà Chủ tịch Quốc hội kêu vang trên bàn chủ tọa.
Theo số liệu chính thức từ văn phòng Quốc hội thì khóa XIV có 100 Ủy viên trung ương đảng, toàn bộ Ủy viên Bộ chính trị, 3 Phó Thủ tướng, 13 Bộ trưởng. Gần 96% ĐBQH là đảng viên.
Gần 96% đảng viên có số má trong hệ thống cầm quyền lại kiêm nhiệm thêm vai trò của đại biểu Quốc hội bảo sao họ không tán thành việc tịch thu tài sản bất minh, ngay cả biện pháp đánh thuế là một biện pháp giơ cao đánh khẽ, cũng không được họ tán thành, bởi nếu tán thành thì chính họ bỏ phiếu chống lại mình hay sao?
Vì có đảng viên nào đáng được gọi là trong sạch để không dính vào tài sản bất minh?
Vài tháng trước Thanh tra Chính phủ cho biết hơn 1,1 triệu quan chức kê khai tài sản, chỉ 6 người sai phạm. Con số lý tưởng này thật ra chỉ là một vở diễn của cái được gọi là kiểm kê tài sản quan chức nhà nước do TBT Nguyễn Phú Trọng chủ trương. Kết quả “đẹp đến thế là cùng” này chắc sẽ làm cho nhiều người bất mãn vì con số không thể thuyết phục trong hoàn cảnh cán bộ viên chức cao cấp phục vụ trong guồng máy nhà nước có thu nhập từ nguồn thứ hai ngoài lương mới là chính.
Nguồn thu nhập thứ hai đến từ hàng ngàn “đầu mối”. Từ vẽ ra dự án đến tổ chức đấu thầu, từ phê duyệt kinh phí đến móc ruột ngân sách....tất cả được thu vén và vận hành song song với cỗ máy nhà nước. Tài sản bất minh nếu bị khai quật lên, có lẽ không còn ai trong Quốc hội nữa đơn giản chỉ vì các đại biểu đang vò đầu bức tai tìm cách nào hay nhất đễ khai báo “tài sản bất minh” mà họ có được ở một nơi khác, nơi mà họ đang là Chủ tịch này, Bí thư kia.
Ngay cả khi quan chức về hưu rồi Quốc hội cũng tìm cách bao che cho những hành vi mà họ đã làm khi còn tại chức. Những hành vi ấy đối với người dân thì ngay lập tức sẽ bị khởi tố và vào tù, nhưng với quan chức nhà nước thì dù họ có vi phạm một cách trắng trợn nhất cũng có lá bùa của Quốc hội mà được miễn truy cứu.
Thảo luận về dự thảo Luật Tố cáo sửa đổi sáng 8/11, đại biểu Ngô Tuấn Nghĩa thuộc đơn vị tp Hồ Chí Minh cho rằng, không nên xem xét đơn thư tố cáo với cán bộ nghỉ hưu vì sẽ khiến tình hình phức tạp. “Tôi nghĩ cán bộ đã trải qua nhiều đơn vị, nhiều chức vụ, có những vụ việc thời điểm đó là đúng nhưng sau này chưa phù hợp, do đó nếu cho phép sẽ ảnh hưởng đến cán bộ nghỉ hưu”-
“Phức tạp” là cách nhìn của ông Nghĩa, nó sẽ làm các quan to trước khi về hưu không dám ký bừa bãi cho những “mối” béo bở vào những nơi kiếm tiền dễ như đi gom lá mùa thu. Phức tạp vì người dân sẽ được quyền tố cáo những “tạp quan” mà họ biết để rồi từ những tố cáo ấy đảng và nhà nước sẽ trở thành tấm bia cho người dân ném mọi giận dữ vào.
Quốc hội Việt Nam thật ra rất có quyết tâm vào những chuyện khác miễn là đừng dính gì tới tham nhũng, biển Đông, hay dân chủ nhân quyền. Vì vậy đừng kỳ vọng vào lá phiếu chống lại chính họ khi vùng cấm của đại biểu quốc hội bị xâm phạm.




Làm Vệ Sinh Bộ Não - Vien Huynh


Làm V Sinh B Nã
Vien Huynh

Tôi không hiểu một số người có ăn có học đàng hoàng nhưng lại bênh vực tư tưởng Nho giáo một cách ngu xuẩn. Vừa rồi mới tranh luận với một ông anh lớn hơn mình độ mười tuổi, ông bảo rằng nếu Nho giáo sai lầm thì tại sao Việt Nam lại xem nó là nền tảng văn hóa đạo đức suốt mấy ngàn năm nay. Mình buồn cười bảo, nói thật là tại vì người Việt Nam mình quá ngu (xin lỗi, đó là sự thật) nên mới tôn thờ cái thứ triết lý phản khoa học này. Ổng điên lên và block mình luôn, nói là mình là thầy giáo mà ăn nói hàm hồ, không biết nguồn cội. Nếu ông chịu nhìn ra xung quanh thì các nước xung quanh vốn bị Nho giáo kìm hãm đã bứt xích vươn lên từ lâu, chỉ còn Việt Nam lẹt đẹt mãi. Ngay cả Lỗ Tấn còn gọi “Nho giáo là thuốc độc của tinh thần” thì không hiểu sao nhiều người Việt Nam vẫn tôn thờ nó.
Triết lý Nho giáo đầy những mâu thuẫn tự phủ định bản thân. Trong khi một mặt khuyên “nam nhi chí tại tứ phương”, mặc khác lại ràng buộc “phụ mẫu tồn bất khả viễn du” (cha mẹ còn sống thì không được đi xa). Ngày xưa còn có cả việc cha mẹ mất phải bỏ hết việc về nhà dựng lều bên mồ ba năm thủ tang. Nam nhi chí tại bốn phương thế nào khi mục đích học là chỉ để đạt chút công danh về lo vun đắp cho dòng họ gia đình? Chí tại bốn phương thế nào khi phải lấy vợ sinh bằng được con trai, không thì cứ phải đẻ mãi cho khi có thằng cu để sau này nó để tang cho? Đàn ông mà chỉ chăm chăm vào những chuyện đấy thì chí làm sao lớn nổi?
Nho giáo dạy “thượng bất chính, hạ tất loạn” nhưng lại kèm theo câu “quân xử thần từ, thần bất tử bất trung” là thế nào? Mồm thì bảo thằng trên không ra gì thì đừng trách thằng ở dưới nhưng lại cho quyền thằng ở trên lạm sát thằng dưới và thằng dưới phải chịu chết để khỏi mang tiếng bất trung. Bảo “quân dĩ dân vi bản” (vua lấy dân làm gốc) nhưng đồng thời dạy “tấc đất ngọn rau đều nhờ ơn vua”. Dạy “phụ bất từ thì tử bất hiếu” nhưng lại dạy “phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu”. Cha mẹ giết con mình thì có thể gọi là “từ phụ” không? Con muốn sống thì lại cho là bất hiếu thì là đạo lý quái gở gì?
Nho giáo dạy “phu thê tương kính như tân” (vợ chồng kính nhau như khách) nhưng lại bắt người phụ nữ “xuất giá tòng phu” (lấy chồng thì phải phụ thuộc vào chồng). Thử hỏi nếu đã kính trọng lẫn nhau như khách thì sao lại có chuyện “tòng phu”? Đã tôn trọng nhau thì sao lại cho quyền “nam hữu tam thê tứ thiếp” còn “gái chính chuyên chỉ thờ một chồng”?
Trong cuộc sống hàng ngày, Nho giáo cổ súy cho bất công và coi thường con người. Tại sao cũng là con rứt ruột đẻ ra mà “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một đứa con trai thì coi là có, mười đứa con gái cũng coi là không) hay “nữ sinh ngoại tộc” (con gái sinh ra là con nhà người ta)? Vợ chồng sống với nhau suốt đời, đồng cam cộng khổ, cùng nhau nuôi dạy con cái nên người thì dạy là “phu thê như y phục” còn anh em tuy cùng một mẹ một cha nhưng khi lớn lên mỗi người một cuộc đời riêng thì lại dạy “huynh đệ như thủ túc”. Đó là chưa kể chuyện mấy bố nghĩa khí rởm sĩ diện hão ra ngoài kết nghĩa với những thứ “anh em” giang hồ vớ vẩn bị người ngoài lợi dụng trong khi vợ con ốm đau gần chết cũng chẳng nhờ được mồm vẫn leo lẻo “huynh đệ như thủ túc, phu thê như y phục”.
Nho giáo dạy người đi học tôn sùng và lệ thuộc quá mức vào vai trò của người thầy (nhất tự vi sư, bán tự vi sư) và những thứ gọi là “sách thánh hiền” nhưng không khuyến khích tự suy nghĩ phản biện, không tự tìm tòi học hỏi ngoài những gì thầy dạy. Mục đích của việc học là giải phóng tư tưởng và mở mang kiến thức trong khi mục đích học của Nho giáo là làm nô lệ cho tư tưởng và kiến thức. Nho giáo không cổ súy cho sự thượng tôn pháp luật mà cổ súy cho việc sùng bái cá nhân (quan thanh liêm, vua hiền biết thương dân) nên người dân mặc nhiên nghĩ rằng việc bị những kẻ có quyền bóc lột hoặc đè đầu cưỡi cổ là chuyện bình thường, còn lâu lâu được ban tí ơn mưa móc thì coi đó là phước đức phải mang ơn suốt đời. Chính vì vậy có bị chèn ép bất công tới đâu, họ cũng cố cắn răng chịu và mong chờ một minh quân hoặc liêm quan xuất hiện. 
Ở thế kỷ 21 mà vẫn còn có nhiều người coi Nho giáo là chuẩn mực đạo đức và truyền thống văn hóa dân tộc thì tôi nói thẳng là tiền đồ dân tộc Việt Nam còn tăm tối dài dài.

Đối lập đòi Duterte công khai kế hoạch hợp tác với TC


Đối lập đòi Duterte công khai kế hoạch hợp tác với TC

Ông Duterte bị đòi công khai kế hoạch khai thác chung với Trung Quốc
21/11/2018

Các thượng nghị sỹ đối lập ở Philippines yêu cầu Tổng thống Rodrigo Duterte công bố các chi tiết của các kế hoạch cùng khai thác năng lượng với Trung Quốc và cảnh báo rằng một thỏa thuận như vậy có nguy cơ khẳng định tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc vốn không được luật pháp quốc tế công nhận.
Hồi đầu năm, hai nước đã thiết lập một ủy ban chung để xác định phương cách khai thác dầu khí ngoài khơi ở những vùng nước mà cả hai đều tuyên bố có chủ quyền.
“Ký thỏa thuận với Trung Quốc sẽ khiến Philippines công nhận ‘quyền đồng sở hữu’ bất hợp pháp với Trung Quốc,” các thượng nghị sỹ thuộc nhóm thiểu số cho biết trong một nghị quyết vào đêm trước chuyến thăm Manila của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Philippines, vốn phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu năng lượng, đang chạy đua với thời gian để khai thác trữ lượng dầu mỏ trên Biển Đông. Nhưng quốc gia này cần sự giúp đỡ của nước ngoài và Trung Quốc đã đề nghị giúp đỡ.
Mặc dù hai nước dự định tiến hành khai thác ở những vùng biển không có tuyên bố chủ quyền chồng lấn, nhưng các luật sư và các nhà ngoại giao Philippine vẫn có lo ngại về việc hai nước hợp tác ở những vùng biển mà cả hai nước đều nói thuộc sở hữu của mình, đặc biệt là Bãi Cỏ Rong vốn nằm cách Đảo Palawan khoảng 167 km.
Trong vụ kiện do Manila đưa ra, Tòa Trọng tài Thường trực PCA đã ra phán quyết rằng Philippines có quyền chủ quyền để khai thác năng lượng tại Bãi Cỏ Rong.
Họ cũng tuyên bố vô hiệu đường chín đoạn của Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông. Bắc Kinh không chịu công nhận phán quyết của tòa án ở The Hague này.
Ý tưởng hợp tác cùng khai thác lần đầu tiên được ấp ủ vào năm 1986 nhưng các cuộc tranh chấp và tính phức tạp của vấn đề chủ quyền đã khiến nó bị trì hoãn.
Các thượng nghị sỹ này nói rằng bất cứ thỏa thuận nào với Trung Quốc sẽ là vi phạm Hiến pháp Philippines và có thể bị luận tội.
Phát ngôn nhân Tổng thống, ông Salvador Panelo, nói rằng bất kỳ thỏa thuận khai thác chung nào cũng hợp hiến và rằng hiện vẫn còn quá sớm để tính tới sự giám sát của Thượng viện.
“Bất cứ yêu cầu nào đòi phải công bố hồ sơ… là vẫn còn quá sớm và làm tổn hại đến lợi ích đất nước chúng ta do hai phía cho đến nay vẫn chưa ký thỏa thuận nào,” ông nói.


VN tạo cơ hội để Ấn Độ cứng rắn hơn với TQ ở trên biển


VN tạo cơ hội để Ấn Độ cứng rắn hơn với TQ ở trên biển
20/11/2018
Những bước tiến trong quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ sẽ giúp cả hai nước chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở châu Á, trong đó có cả Biển Đông đang trong vòng tranh chấp, theo các học giả châu Á.
Quan hệ Ấn Độ-Việt Nam lại phát triển thêm trong tuần này khi Tổng thống Ấn Độ Shri Ram Nath Kovind thăm Việt Nam từ ngày 17-20/11. Ông đã gặp và hội đàm kín với Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hôm 20/11.
Chuyến thăm này thúc đẩy tình hữu lâu đời và cải thiện nhanh chóng, bắt đầu vào những năm 1970 và có bước nhảy vọt vào năm 2016 khi hai bên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Hiện nay, cả hai nước đều quan ngại về Trung Quốc.
Ông Sameer Lalwani, Phó Giám đốc của Chương trình Nam Á thuộc Trung tâm Stimson ở Mỹ, nói: “Trong bối cảnh hai bên cùng lo ngại về sự quyết đoán của Trung Quốc, New Delhi tìm cách tăng cường các năng lực của Hà Nội để kìm chân Trung Quốc, trong khi mở rộng ảnh hưởng của Ấn Độ ở Nam Á”.
Tranh chấp Biển Đông
Việt Nam và bốn chính phủ khác phản đối toàn bộ hoặc một phần tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với khoảng 90% diện tích Biển Đông.
Cùng lúc, Ấn Độ gần đây đã trở nên nhiệt tình hơn trong việc giúp Australia, Nhật Bản và Hoa Kỳ tuần tra các vùng biển châu Á, nơi Trung Quốc đã gây ra báo động đối với các nước khác với việc Trung Quốc bồi đắp các đảo nhỏ, trong đó một số đảo đã được sử dụng cho mục đích quân sự.
Những quốc gia này muốn Biển Đông rộng 3,5 triệu kilomet vuông hoàn toàn mở cửa cho quốc tế thay vì ngày càng nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc.
"Tôi nghĩ Việt Nam muốn Ấn Độ đóng vai trò tích cực hơn trong khu vực Nam Á vì Việt Nam thấy Ấn Độ không được tích cực lắm trong nhóm bộ tứ, gồm Mỹ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản", ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, nói.
Ấn Độ và Việt Nam đã tổ chức cuộc tập trận chung đầu tiên ở Vịnh Bengal vào tháng 10 để tăng cường quan hệ "ở cấp độ làm việc", Press Trust of India đưa tin. Ấn Độ cũng đã dành cho Việt Nam khoản tín dụng 500 triệu đô la để mua vũ khí, và đề nghị lập một hệ thống cảnh báo Biển Đông có thể gửi dữ liệu về sóng thần cho Việt Nam.
Thăm dò dầu khí
Các nhà phân tích dự báo rằng Việt Nam và Ấn Độ sẽ sử dụng việc thăm dò nhiên liệu để củng cố vị thế của họ ở Biển Đông, kèm theo là lợi nhuận tiềm tàng.
Ấn Độ và Việt Nam vốn đã có quan hệ thương mại mạnh mẽ, trị giá 12,8 tỷ đô la trong giai đoạn 2017-2018, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết. Thương mại song phương sẽ đạt 15 tỷ đô la vào năm 2020, phó chủ tịch Phòng Thương mại Ấn Độ tại Việt Nam nói hồi năm ngoái. Đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam khi đó là 2 tỷ đô la.
Trong bốn năm qua, các chi nhánh nước ngoài của hãng ONGC thuộc chính phủ Ấn Độ đã làm việc với Tập đoàn Thăm dò Khai thác Dầu khí PetroVietnam để tìm kiếm dầu khí ở Biển Đông. Trung Quốc có lẽ đang theo dõi một cách thận trọng, các chuyên gia nói.
"Vấn đề dầu mỏ có lẽ là một trong những chuyện chính trị hóc búa", ông Maxfield Brown, cộng sự cao cấp của công ty tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates tại thành phố Hồ Chí Minh nhận xét. Ông nói tiếp: "Tôi chắc chắn rằng Việt Nam muốn tìm các nước sẵn sàng đầu tư vào khai thác tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam mà cũng không sợ hãi về lời hăm dọa là hải quân Trung Quốc sẽ ra tay ngăn cản".
Hãng khoan dầu Repsol của Tây Ban Nha đã bỏ một dự án được Việt Nam phê duyệt tại Biển Đông hồi tháng 3, dường như do bị áp lực từ Trung Quốc. Việt Nam hiện đang xem xét một dự án thăm dò khí đốt trị giá 4,6 tỷ đô la với ExxonMobil, đối tác trong nước là Công ty Cổ phần CNG Vietnam cho biết. Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền về lô dầu khí này.
Ông Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales ở Úc, nói: “Việt Nam luôn cố gắng làm cho các công ty thăm dò nhiều hơn, còn Ấn Độ đã ngần ngại với việc tiếp tục nắm các lô không hiệu quả hoặc nhận các lô ở các khu vực nhạy cảm liên quan đến Trung Quốc”.
Trong khi đó, ông Mohan Malik, giáo sư về an ninh châu Á, thuộc Trung tâm Daniel K. Inouye về Nghiên cứu An ninh châu Á Thái Bình Dương ở Hoa Kỳ, cho rằng Ấn Độ không tỏ ra sợ hãi tính đến nay.
"Bắc Kinh đã phản đối các hoạt động thăm dò dầu mỏ chung của Việt Nam và Ấn Độ tại Biển Đông trong gần một thập kỷ, nhưng New Delhi đã không hề suy suyển", ông Malik nói. "Thông qua các cuộc tập trận hải quân chung và các cuộc ghé thăm các cảng Việt Nam, New Delhi đang báo hiệu cho Bắc Kinh rằng việc bành trướng về hải quân đang gia tăng của Trung Quốc sẽ bị chống lại bằng hoạt động hải quân của Ấn Độ ở Biển Đông", ông nói thêm.



Việt nam giữa thương chiến - Nguyễn Xuân Nghĩa


Việt nam giữa thương chiến
Nguyễn Xuân Nghĩa
2018-11-20
Trong trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện nay, kinh tế Việt Nam bơi giữa dòng vì có được một số lợi thế mà cũng gặp nhiều trở ngại bất ngờ. Nhưng người ta không nên quên một cường quốc kinh tế đứng hàng thứ ba là Nhật Bản. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về hoàn cảnh kỳ lạ đó….
Vị trí và chọn lựa của Việt nam
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc - mà ông thường gọi tắt là thương chiến Mỹ-Hoa - sẽ tăng cường độ và kéo dài. Trong hoàn cảnh đó, Việt Nam sẽ được lợi thế vì nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẽ đầu tư vào Việt Nam như thị trường thay thế, nhưng cũng có thể gặp vấn đề nếu đấy là doanh nghiệp xuất phát từ Trung Quốc. Đã vậy, dường như là tình hình không chỉ có mâu thuẫn giữa hai nền kinh tế lớn nhất từ hai bờ Thái Bình Dương mà còn có vai trò của Nhật Bản, với sản lượng đứng hàng thứ ba thế giới. Vì vậy, Nguyên Lam xin ông phân tích cục diện này cho thính giả của chúng ta.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin đề nghị là chúng ta cùng nhìn sự thể trong bối cảnh trường kỳ và toàn diện. Việt Nam vừa phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là CPTPP, với 10 quốc gia trong đó có Nhật Bản, Úc, Canada và Malaysia… Việt Nam cũng sẽ hoàn tất Hiệp định Tự do Thương mại với Liên hiệp Âu châu. Vấn đề chính là sau khi ký kết và phê chuẩn thì phải cải cách cơ chế để thực thi các cam kết vì điều ấy thật ra có lợi cho Việt Nam. Chuyện thứ hai, người ta không thể quên vai trò trọng yếu của Nhật Bản trong Hiệp định Đối tác CPTPP và trong những mâu thuẫn muôn mặt với Bắc Kinh. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu các chuyện đó mà tôi gọi tắt là “thương chiến Hoa-Mỹ-Nhật” chứ không chí có Mỹ-Hoa.
Nguyên Lam: Trước hết là vị trí và chọn lựa của Việt Nam trong trận “thương chiến Mỹ-Hoa”, thưa ông, đâu là lợi thế và đâu là những trở ngại cho Việt Nam?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Từ nhiều năm trước rồi, Trung Quốc hết còn lợi thế là “công xưởng toàn cầu” với nhân công nhiều và rẻ vì mức lương gia tăng và số lao động không còn dồi dào như trước. Vì vậy, giới đầu tư quốc tế đã phải tìm các thị trường khác và đấy là một lợi thế cho Việt Nam nếu biết nhìn xa hơn mức lương thấp của mình mà chú ý tới tay nghề và năng suất của lực lượng lao động.
- Chuyện thứ hai và nhìn trong trường kỳ, vì Trung Quốc muốn bước lên trình độ sản xuất cao hơn với giá trị gia tăng lớn hơn nhờ các loại công nghệ tiên tiến, Việt Nam cũng phải sớm nghĩ như vậy, chứ không thể đi sau để tìm cơm thừa canh cặn của xứ láng giềng. Việc các doanh nghiệp quốc tế như Intel hay Samsung đầu tư rất mạnh vào Việt Nam là một cơ hội chuyển giao công nghệ cho kinh tế Việt Nam nếu Hà Nội nhìn ra và nhìn xa hơn lợi thế trước mắt là lương thấp.
- Bây giờ, khi thương chiến Mỹ-Hoa bùng nổ - và bùng nổ không chỉ vì hồ sơ thuế khóa hay hạn ngạch – Việt Nam có thể là giải pháp cho giới đầu tư nếu thay cho thị trường Trung Quốc ở các khu vực chế biến. Nhưng Việt Nam sẽ chỉ có lợi nếu có trị giá gia tăng cao hơn và đóng góp vào chu trình cung cấp, cho nên lãnh đạo Việt Nam nên suy nghĩ lại về chiến lược công nghiệp hóa của mình. Ngược lại, nếu tiếp nhận đầu tư của Trung Quốc để sản xuất và xuất khẩu loại hàng rẻ tiền thì kinh tế Việt Nam tiếp tục là vệ tinh của xứ láng giềng để bán nguyên vật liệu của Tầu dưới nhãn Việt Nam cho các thị trường Âu-Mỹ-Nhật.
Nguyên Lam: Ông vừa nêu ra hai vấn đề là, thứ nhất, lãnh đạo Việt Nam nên suy nghĩ lại về chiến lược công nghiệp hóa của mình và thứ hai, kinh tế Việt Nam có thể chỉ là vệ tinh của Trung Quốc để bán hàng của Tầu dưới nhãn hiệu Việt Nam. Nguyên Lam xin đề nghị ông khai triển cho hai ý đó.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thứ nhất, chiến lược hay chính sách công nghiệp hoá của Việt Nam phải tận dụng trí tuệ và năng suất hơn nhân công rẻ, và từng bước phải đem lại khả năng đóng góp cao hơn cho người Việt Nam, cho cơ sở sản xuất của Việt Nam thay vì chỉ trông cậy và phục vụ giới đầu tư ngoại quốc. Đấy là chuyện của cả chục năm tới, y như bài toán Hàn Quốc cách nay 50 năm.
- Thứ hai, khi doanh nghiệp Trung Quốc gặp khó khăn trong trận thương chiến với Mỹ mà chuyển đầu tư của họ vào Việt Nam thì họ gây ra nhiều vấn đề. Một là sẽ trả lương cao để thu vét nhân lực sản xuất làm các doanh nghiệp Việt Nam bị chật vật. Hai là họ ngụy trang hàng Tầu dưới nhãn Việt để bán cho xứ khác thì chính Việt Nam sẽ bị trừng phạt vì chỉ là chi nhánh sản xuất của Trung Quốc. Ba là nếu có viễn ảnh sâu xa, lãnh đạo Việt Nam nên nhân cơ hội mà nhìn ra sự khác biệt giữa hai thứ sản phẩm. Hàng hóa cao cấp như điện tử hay phụ tùng ráp chế xuất phát từ Hoa Kỳ, Nam Hàn hay Nhật sẽ có triển vọng lâu dài và giúp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng. Còn các loại hàng dệt may, đồ gỗ hay đồ da chỉ đẩy Việt Nam vào vị trí vệ tinh của Tầu vì mua nguyên liệu Trung Quốc và tái chế với trị giá gia tăng thấp để bán hàng cho Tầu.
Vai trò của Nhật Bản
Nguyên Lam: Chúng ta bước qua phần hai, khi ông nói tới vai trò của Nhật Bản. Vì sao ông đề cập tới chuyện này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Vẫn trong tinh thần là nên nhìn vào bài toán kinh tế một cách toàn diện thay vì cục bộ, và theo viễn ảnh trường kỳ thay vì ngắn hạn thì chúng ta thấy Trung Quốc cần giải quyết các vấn đề an ninh và kinh tế của họ qua hàng loạt sáng kiến, mà điển hình là Con Đường Tơ Lụa Mới hay Nhất Đới Nhất Lộ. Năm năm sau, nhiều quốc gia đã thấy ra dụng tâm đó và nghi ngờ. Các cường quốc kinh tế như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc thì không chỉ nghi ngờ mà đã có phản ứng. Nhật Bản là xứ nhạy bén nhất trong phản ứng đó….
- Nhật không muốn có chiến tranh với Trung Quốc mà vẫn phải canh chừng vì nằm ngay tuyến đầu của mâu thuẫn về an ninh với Bắc Kinh. Sau Thế Chiến II, Nhật Bản từ bỏ chủ trương bành trướng quân sự để bảo vệ và phát triển ảnh hưởng kinh tế của một quốc gia thiếu tài nguyên nên trở thành chủ nợ và chủ đầu tư lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Ngày nay, Bắc Kinh lại bành trướng quân sự chẳng khác gì Đế quốc Nhật khi xưa, nên vấn đề không chỉ có quan hệ căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mà còn có Nhật Bản, và nơi mà Thủ tướng Nhật Shinzo Abe thăm viếng đầu tiên sau khi tái nhậm chức vào năm 2012 chính là Việt Nam.
Nguyên Lam: Nguyên Lam thấy ông đang dẫn về đề tài chính của kỳ này là dường như không chỉ có trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mà còn có nước Nhật nữa, xin ông giải thích chuyện này cho thính giả của chúng ta.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trung Quốc có sáng kiến Nhất Đới Nhất Lộ với sáu tẩu lang kinh tế trên đất liền và các dòng giao lưu và hải cảng ở ngoài biển như một thể hiện của quyền lực mềm ở ngoài với chủ trương quân sự cứng rắn bên trong. Sáng kiến đó gây ưu lo cho lãnh đạo Nhật Bản về cả an ninh lẫn kinh tế, nhưng thay vì tìm cách ngăn cản hay triệt phá, Nhật lại bọc xuôi và tìm cách hợp tác với các dự án của Bắc Kinh từ bên trong. Khi thăm viếng Trung Quốc vào tháng trước, Thủ tướng Shinzo Abe chào mừng 40 năm tái thiết bang giao với Bắc Kinh, nhắc tới việc Nhật đã viện trợ cho Trung Quốc cho tới gần đây và bày tỏ thiện chí hợp tác với kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ của Bắc Kinh.
Nguyên Lam: Thưa ông, tại vì Nhật Bản là một bạn hàng của Trung Quốc hay vì lý do gì khác nữa?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ là vì khá nhiều lý do. Thứ nhất, dù chẳng nói ra, Bắc Kinh cũng thấy hụt hơi vì tốn kém kinh tế, tài chính và ngoại giao cho sáng kiến Nhất Đới Nhất Lộ của mình. Thứ hai, Nhật Bản kê vai tham dự sáng kiến đó vì có khả năng kỹ thuật và tài chính để nắm vững sự việc từ trong chử không còn đứng ngoài tìm cách ngăn chặn. Thứ ba, Nhật cũng muốn nhân cơ hội này mà tranh thủ các đồng minh nhưng không gây e ngại cho họ như Bắc Kinh.
- Khi đó, ta cũng nên chú ý đến một sự việc bất ngờ là Nhật Bản và Trung Quốc đều cùng tranh thủ các nước Đông Nam Á khi tài trợ các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở trong khu vực. Và ngoại trừ trường hợp Malaysia hay Thái Lan, Nhật mới tài trợ nhiều hơn Trung Quốc cho dự án hạ tầng trong khu vực và nhiều nhất là tại Việt Nam với khoảng 100 tỷ đô la, tính tới đầu năm nay. Trung Quốc thì chỉ tài trợ có chừng 30 tỷ đô la cho Việt Nam mà thôi, vì họ nhắm vào việc khác.
Nguyên Lam: Thính giả của chúng ta có thể ngạc nhiên khi ông nói Nhật Bản đã từng viện trợ cho Trung Quốc và cho các nước Đông Nam Á thì tài trợ nhiều nhất cho các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở tại Việt Nam. Ông giải thích thế nào về chuyện này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách đúng 40 năm thì Nhật Bản đã viện trợ cho Trung Quốc vẫn còn lạc hậu và sau 30 năm thì mới giới hạn dần loại viện trợ chính thức gọi là ODA, tính ra thì cũng hơn 34 tỷ đô la trong giai đoạn khốn khó của Trung Quốc. Nhật Bản mong là xứ này sẽ trở thành một đối tác có trách nhiệm thay vì là một cừu thù. Nhưng năm 2010 thì sản lượng kinh tế Trung Quốc đã vượt Nhật Bản nhờ dân số đông gấp chục lần nay đã được giải phóng khỏi chế độ tập trung quản lý kinh tế.
- Về phần Việt Nam, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên vượt ải cấm vận kinh tế của Hoa Kỳ từ năm 1992 và từ đó viện trợ các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở cho Việt Nam. Vì yếu tố ý thức hệ, lãnh đạo Việt Nam không muốn công nhận chuyện đó. Bây giờ, tình hình lại đang đổi khác, về cả an ninh lẫn kinh tế, khi Hoa Kỳ và Nhật Bản công khai nói đến việc yểm trợ dự án hạ tầng của các nước trong khu vực Đông Nam Á. Cái khác với kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ của Bắc Kinh là họ phát huy vai trò của tư doanh trong các dự án này. Và ta nên nhìn vào chuyện đó như một lon xăng để khởi động bộ máy tư doanh sau này sẽ tự động vận hành.
Nguyên Lam: Khi đó, thưa ông, chúng ta trở lại bài toán của Việt Nam giữa trận thương chiến. Ông kết luận như thế nào về chuyện này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ đây là cơ hội cho Việt Nam thoát khỏi cái không gian chỉ có hai chiều Nam-Bắc, là Việt Nam và Trung Quốc, mà nhìn ra mục tiêu và chiến lược của các quốc gia khác, trong khi đối chiếu với nhiều khó khăn của nội tình Trung Quốc. Giải pháp kinh tế cho Việt Nam xuất phát từ đó.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này, và xin hẹn quý thính giả vào tuần sau.


Trump nộp bản hồi đáp chất vấn của ông Mueller



Trump nộp bản hồi đáp chất vấn của ông Mueller
21/11/2018
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trình câu trả lời bằng văn bản cho các câu hỏi của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller trong cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, ông Rudy Giuliani, luật sư của ông Trump hôm 20/11 cho biết.
Trong một thông cáo, ông Giuliani nói rằng ‘phần lớn những điều được hỏi đặt ra những vấn đề Hiến pháp quan trọng và vượt quá quy mô của một cuộc điều tra hợp pháp’.
Tuy nhiên ông cũng nói rằng Tổng thống Trump sẽ ‘hợp tác ở mức độ chưa từng thấy’ và ‘đã đến lúc chấm dứt cuộc điều tra này’.
Ông Trump sẽ trả lời những câu hỏi về việc ban vận động tranh cử của ông có thông đồng với Nga hay không, ông Giuliani cho biết trước đó, chứ không phải những câu hỏi về việc ông có tìm cách cản trở công lý khi đang tại chức hay không – một nội dung mà ông Mueller cũng đang điều tra.
Trong số những câu hỏi mà ông Trump trả lời có cuộc gặp hồi tháng 6 năm 2016 giữa con trai ông là Donald Trump Jr., các thành viên khác trong ban vận động tranh cử của ông Trump và một nhóm những người Nga, một nguồn tin hồi tuần trước cho biết.
Hồi mùa hè năm ngoái, ông Trump đã phủ nhận có biết về cuộc gặp diễn ra ở tháp Trump này. Tại cuộc gặp đó, phía Nga đã hứa hẹn sẽ đưa ra những thông tin mang tính hủy hoại cho đối thủ của ông bên Đảng Dân chủ là bà Hillary Clinton.
Các cơ quan tình báo Mỹ đã kết luận rằng Nga có can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trong nỗ lực chuyển hướng nó về phía có lợi cho ông Trump bằng cách phá hoại bà Clinton. Moscow đã phủ nhận cáo buộc và ông Trump cũng nói ông không có bất kỳ sự thông đồng nào.
Ông Mueller đã tống đạt cáo trạng đối với một số cựu trợ lý của ông Trump, trong đó có cựu chiến dịch vận động tranh cử của ông và cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông cùng với một số cá nhân và tổ chức của Nga.


Hoa Kỳ chặn mạng lưới tài trợ cho Hamas và Hezbollah ở Syria


Hoa Kỳ chặn mạng lưới tài trợ cho Hamas và Hezbollah ở Syria
21/11/2018
Hoa Kỳ đã phá vỡ một mạng lưới liên kết giữa Iran-Nga được tin là đã chuyển hàng triệu thùng dầu tới Syria và hàng trăm triệu đôla để gián tiếp tài trợ cho các nhóm chủ chiến Hamas và Hezbollah, vốn bị Washington liệt vào danh sách khủng bố.
Hãng tin Reuters trích một tuyên bố của Bộ Tài Chính Hoa Kỳ hôm 20/11 nói rằng mạng lưới phức tạp này có liên quan đến một công dân Syria bị cáo buộc đã dùng một công ty của ông có trụ sở tại Nga để vận chuyển dầu từ Iran sang Syria với sự tiếp tay của một công ty thuộc quyền sở hữu của nhà nước Nga.
Syria sau đó đã giúp chuyển hàng trăm triệu đôla tiền mặt cho nhóm dân quân Hezbollah hoạt động như một đảng chính trị trong chính quyền Li băng, và cũng là một lực lượng dân quân.
Đồng thời, Syria cũng chuyển tiền để tài trợ cho nhóm Hamas của người Palestine đang thống lĩnh Dải Gaza.
Bộ Tài Chính Mỹ tố cáo rằng kể từ năm 2014, các tàu chở dầu của Iran đã tắt bộ thu phát tín hiệu để che giấu việc giao hàng cho Syria.
Bộ Tài Chính, Bộ Ngoại giao và Lực lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ đã ban hành cảnh báo cho cộng đồng hàng hải về những rủi ro phát sinh từ lệnh trừng phạt vận chuyển dầu đối với chính phủ Syria.
Thông tấn Nga RIA trích lời ông Oleg Morozov, một thành viên của Hội đồng Liên bang Nga, cho biết vào cuối ngày 20/11 rằng Nga sẽ tiếp tục cung cấp dầu cho Syria theo thỏa thuận với Damascus bất chấp áp lực từ Hoa Kỳ.
Ông Morozov nói Nga đang hành động và sẽ hành động một cách “hoàn toàn hợp pháp.”
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran nói những lệnh trừng phạt của Mỹ là “vô bổ, bất hợp lý, và không hiệu quả.”



Mỹ điều tàu sân bay tới Biển Đông


Mỹ điều tàu sân bay tới Biển Đông
RFA
2018-11-20
Hôm 20/11 hãng tin AP cho biết Hoa Kỳ vừa điều hai tàu sân bay chuẩn bị đến Biển Đông là tàu USS Ronald Reagan và tàu USS John C. Stennis.
Tờ Liberty Times của Đài Loan trích thông báo của quân đội Mỹ cho biết tàu sân bay USS Ronald Reagan đã nhập cùng với các tàu khu trục US Antietam và USS Milius là những tàu vừa đi qua eo biển Đài Loan gần đây để chuẩn bị vào Biển Đông.
Trong khi đó, tàu sân bay USS John C. Stennis hiện vẫn ở gần Philippines. Tàu này sau đó cũng sẽ đến Biển Đông.
Trước đó, tại thượng đỉnh APEC hồi cuối tuần qua ở Papua New Guinea, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã lên tiếng cảnh báo Trung Quốc rằng Biển Đông không thuộc về bất kỳ ai và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho máy bay và tàu chiến đi qua khu vực này nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hai và hàng không trong khu vực.
Theo AP, Trung Quốc mới đây đã đồng ý cho tàu USS Ronald Reagan cùng ba tàu khác của Hải quân Mỹ đến Hong Kong. Ba tàu khác được cho biết là các tàu Curtis Wilbur, Chancellorsville và Benford. AP trích thông tin từ cơ quan chức năng cảng Hong Kong cho biết những tàu này sẽ đến Hong Kong vào ngày 21/11. Trước đó, vào tháng 9, Trung Quốc đã từ chối không cho tàu sân bay Mỹ đến Hong Kong giữa lúc có những căng thẳng trong quan hệ hai nước.
Chuyến thăm Hong Kong của tàu sân bay Mỹ lần này diễn ra vào ngay trước thượng đỉnh Mỹ Trung nhân hội nghị các nước G 20 ở Argentina vào 2 tuần tới.


TQ gia tăng tấn công tin tặc trước cuộc họp Trump-Tập


TQ gia tăng tấn công tin tặc trước cuộc họp Trump-Tập
21/11/2018
Một báo cáo của chính phủ Mỹ tố cáo Trung Quốc đã tăng cường tấn công tin tặc nhằm đánh cắp công nghệ của các doanh nghiệp Mỹ trước cuộc họp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến diễn ra vào cuối tháng này.
Hãng tin AP trích dẫn một báo cáo của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Robert Lighthizer công bố hôm 20/11, cho biết các nỗ lực tấn công của Trung Quốc nhằm đánh cắp công nghệ và bí mật thương mại của Mỹ đã “tăng tần suất và ngày càng tinh vi hơn” trong năm nay.
Khi được hỏi phản ứng về báo cáo này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói quan hệ thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc là “cùng có lợi” và “đương nhiên là có những mâu thuẫn thương mại.”
Ông Sảng nói: “Điều quan trọng là phải tham gia đối thoại và tham vấn về vấn đề dựa trên sự tôn trọng, bình đẳng, và tin tưởng lẫn nhau.”
Các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã thảo luận để chuẩn bị cho cuộc họp Trump-Tập và các nguồn tin cho biết Bắc Kinh đã gửi các đề xuất bằng văn bản, nhưng không công bố chi tiết.
“Trung Quốc về cơ bản không thay đổi" chính sách công nghệ của mình” và hình như đã tăng cường các hành động phi pháp,” báo cáo của ông Lighthizer viết.
Báo cáo cho biết các cuộc tấn công có thể xuất phát từ “các thực thể Trung Quốc được nhà nước bảo trợ,” nhắm vào các công ty điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khác, đã tăng từ giữa năm 2017.
Trong đợt tấn công đó phải kể đến sự “tăng vọt”của các hoạt động tin tặc nhắm vào các nhà chế tạo sản xuất Mỹ trong thời gian 3 tháng, kết thúc vào tháng 9 – mà theo ông Lighthizer là “một hình thức tấn công thường được gắn liền với hoạt động gián điệp kinh tế của Trung Quốc”.



Tuesday, November 20, 2018

Cây phong tố cáo tội ác không để lại dấu vết của chủ trang trại


Cây phong tố cáo tội ác không để lại dấu vết của chủ trang trại
Giải mã sự chậm phát triển của cây phong, cảnh sát Mỹ phát hiện vụ án giết vợ, thiêu xác dưới gốc cây này.
Marshall Illinois là cộng đồng các trang trại nhỏ nằm dọc theo dòng sông Wabash tại thành phố Terre Haute, Idiana, Mỹ. Những năm 1970-1980, chủ trang trại lớn nhất trong thị trấn là vợ chồng Fred Grabbe và Charlotte. 
Cuộc hôn nhân của Fred và Charlotte không êm đẹp. Khi vừa kết hôn, Fred phải lòng một cô gái trẻ và ly dị. Nhưng sau đó, họ đã hòa giải và cưới lại. Đến năm 1981, Charlotte một lần nữa yêu cầu ly dị vì Fred có quan hệ với cô bồi bàn 24 tuổi Vickie McCalister. Vì chuyện này, Fred phải chuyển ra một cabin nhỏ trong khuôn viên trang trại để ở.
Ngày 24/7/1981, Charlotte rời khỏi nhà ra cánh đồng để thu hoạch đậu nành. Tuy nhiên, cô đã không quay về nữa.
Fred khai báo với cảnh sát rằng hôm đó cãi nhau với Charlotte gần kho của trang trại. Charlotte lái xe bỏ đi, Fred đuổi theo không kịp và lần cuối anh ta nhìn thấy Charlotte là ở biên giới bang. Trong kho tại nhà, cảnh sát tìm thấy các giấy tờ tùy thân, bảo hiểm y tế và bằng lái xe của Charlotte.
Một người hàng xóm khai báo với cảnh sát rằng nhìn thấy xe của Charlotte và Fred đi ngang qua vào hôm đó, tuy nhiên người lái xe dường như không phải là cô này. Charlotte có tóc ngắn tối màu, còn tài xế lại tóc vàng.
Vài ngày sau, xe của Charlotte được tìm thấy bên ngoài quán bar thuộc thành phố Terre Haute. Kiểm tra xe, cảnh sát không thấy máu hay dấu hiệu xô xát song dưới ghế xe là khẩu súng ngắn nạp đầy đạn.
Nhà chức trách phát hiện, 10 ngày trước khi mất tích, Charlotte để lại một số thư ngắn trong hộp an toàn lưu tại ngân hàng địa phương. Trong bức thư, Charlotte tố cáo Fred đã ăn trộm một số máy móc của trang trại và bày tỏ sự lo lắng sẽ không sống sót cho đến khi cuộc ly dị diễn ra. Cô viết rằng cô cảm thấy sợ Fred và Dale Kessler – bạn làm ăn của Fred.
Khi cảnh sát thẩm vấn Dale Kessler, anh ta khai rằng ở nhà với Fred vào ngày Charlotte biến mất. Không có thêm bất kỳ bằng chứng gì, vụ mất tích của Charlotte đi vào bế tắc.
Các con của Charlotte treo thưởng 25.000 USD cho người cung cấp thông tin hữu ích giúp tìm ra mẹ. Tuy vậy, ba năm trôi qua, vụ việc vẫn chưa có "lời đáp".
Năm 1984, sau nhiều nỗ lực bất thành của cảnh sát địa phương, con gái Charlotte tự thuê thám tử tư Charles Pearson. Trong quá trình điều tra, Pearson phát hiện ra Fred vừa chia tay người bạn gái lâu năm Vickie McCalister. Anh theo dõi cô này và dùng mọi thủ thuật khiến Vickie phải kể lại những gì đã biết về vụ mất tích của Charlotte. Thật không ngờ, Vickie tiết lộ câu chuyện khủng khiếp.
Theo lời kể của Vickie, chiều hôm đó, cô đến mượn chiếc thùng thiếc trong kho của Fred. Khi đang trong kho, nghe thấy tiếng xe của Charlotte, Fred ra lệnh cho Vickie trốn phía sau đống đồ. Ngay khi bước vào, Charlotte và Fred đã cãi nhau to và xảy ra xô xát. Fred bóp cổ Charlotte.
Fred cho xác của Charlotte vào cái thùng lớn, đe dọa và yêu cầu Vickie phải hỗ trợ... Đến một nơi xa, người chồng đã thiêu xác vợ và phi tang tất cả xuống sông. Sự việc diễn ra dưới gốc một cây phong ven bờ sông Wabash. 
Vickie dẫn cảnh sát đến nơi cô khai xảy ra vụ án, Tuy nhiên đã ba năm trôi qua nên cảnh sát không tìm thấy dấu vết gì còn lại tại hiện trường. "Nhân chứng" duy nhất là cây phong xanh tốt.
Fred Grabbe và người vợ bị sát hại. 
Cảnh sát nhờ đến sự giúp đỡ của Russ Carlson – một nhà thực vật học. Ông đã cắt nhánh cây phong tại hiện trường về để nghiên cứu. Trong thực vật học, mỗi bề mặt cắt ngang của nhánh cây gỗ sẽ có các “vòng sinh trưởng”. Mỗi vòng sinh trưởng thể hiện sự phát triển của cây trong vòng một năm. Vì vậy người ta có thể ước chừng số tuổi của cây bằng cách đếm số vòng sinh trưởng đó.
Khi quan sát dưới kính hiển vi mẫu các nhánh của cây phong thu thập được, Russ thấy vòng sinh trưởng trong năm 1981 mỏng bất thường so với các vòng sinh trưởng của các năm trước và sau đó. Họ nghi ngờ xăng ngấm vào rễ cây đã làm hạn chế sự phát triển của cây phong và gây nên hiện tượng này.
Họ nghiền nhỏ các nhánh cây và gửi mẫu đến chuyên gia hóa hữu cơ và kết quả tìm ra vết của các hợp chất hydrocarbon có trong xăng dầu. Đặc biệt hơn, vết xăng chỉ xuất hiện trong mẫu hai nhánh cây nằm bên mặt mà xác Charlotte bị thiêu hủy, theo lời khai của Vicki. Các nhánh nằm phía bên kia âm tính với vết xăng... Cách tiếp cận độc đáo đã đưa ra những chứng cứ rất trùng khớp với câu chuyện của Vickie.
Với những chứng cứ này, Fred bị cáo buộc tội giết người cấp độ 1, phải chịu án tù chung thân và không được phép ân xá.
Vài ngày sau, Barbara Gramham – người yêu hiện tại của Fred đã xuất hiện ở sở cảnh sát, bắn năm phát đạn trong đó có một phát trúng chân viên cảnh sát đang trong phiên trực nhằm cứu Fred thoát ra khỏi tù. Cô ta bị bắt và lĩnh án 16 năm.
Một tháng trước phiên xử án thứ hai, Jeff Grabbe – con trai của Fred bị bắn chết với ba vết đạn vào ngực tại California. Anh là nhân chứng chống lại Fred tại phiên xử án thứ nhất. Nhiều người tin rằng Fred có liên quan vụ việc, tuy vậy tòa án không thể chứng minh. 
Tại phiên tòa thứ hai, bản án của Fred giảm còn 75 năm tù. Cho đến nay, nhà chức trách vẫn chưa tìm ra hung thủ gây ra cái chết của Jeff Grabbe.
Đặng Hương (theo Chicagotribune)