Friday, June 7, 2019

Cắp ô đi về - Đặng Quỳnh GiangLuật sư


Cắp ô đi về
Thứ tư, 29/5/2019, 01:41 (GMT+7)  103 Lưu
Thứ Bảy tuần trước, cơ quan vợ tôi - một chi cục lớn thuộc sở Lao động tỉnh phía Nam -  tổ chức hội thảo với chủ đề “Cán bộ cơ quan và cách mạng công nghiệp 4.0”. Tôi được vợ rủ đi cùng.
Đây là chủ trương của lãnh đạo nhằm nâng cao nhận thức và tính sẵn sàng của cán bộ cơ quan mình với cách mạng 4.0. Nhằm tạo sức hút và thể hiện tính chất quan trọng của sự kiện, hội trường được trang trí trang trọng, bắt mắt. Băng rôn, biểu ngữ cũng được giăng rộn ràng từ ngoài cổng.
Dù hội thảo bắt đầu khá trễ so với dự kiến, vì đợi nhiều người đến không đúng giờ, nhưng nội dung đã cung cấp rất nhiều thông tin quan trọng, hữu ích về cách mạng lần thứ 4; về chức năng, vai trò và những đòi hỏi để người công chức thích nghi với hình thái công việc mới trong luồng thác cách mạng khoa học kỹ thuật.
Tôi nhìn quanh, trong hội trường, rất ít người để ý đến lời thuyết trình của chuyên gia do cơ quan tốn khá nhiều tiền mời về. Họ đọc báo, nhắn tin trên điện thoại, nói chuyện với nhau và tranh thủ chạy ra chạy vào chuẩn bị cho buổi tiệc toàn cơ quan sẽ diễn ra trưa hôm đó, sau hội thảo. Dường như cách mạng 4.0 chẳng liên quan đến công việc hàng ngày của họ.
Cùng lúc đó, ở tầng dưới hội trường hội thảo, anh trưởng phòng lớn nhất chi cục và là đầu mối, cửa ngõ của cơ quan này với người dân đang hì hục, hí hoáy, sau đó nhờ nhân viên chỉ hộ một số cách thức gõ, canh chỉnh văn bản Microsoft Word. Số là anh mới biết sử dụng máy vi tính và bập bõm đánh máy gần đây.
Đó là cái đơn anh đang gõ để gửi lên phường xin sửa nhà. Việc riêng nên anh phải tự làm chứ bình thường đã có nhân viên. Anh bảo "rất ngại" thao tác công việc liên quan đến máy tính. Hàng ngày anh đến cơ quan, ngồi vào bàn, có ai đưa gì thì ký thôi.
Cũng trong phòng anh, một nhóm nhân viên sử dụng chung một email của cơ quan để trao đổi thông tin, dữ liệu qua lại với các doanh nghiệp mà họ đang phụ trách quản lý. Nhiều người vào email nhưng không biết "thoát" ra ngoài khi đã xong, cứ để đó, nên có khi người khác phải đến "thoát" giùm vì không muốn các dữ liệu, thông tin cần bảo mật cứ bày ra màn hình máy tính chung. Vợ tôi bảo, trong cơ quan, phòng nào báo lên phòng hành chính là máy tính trục trặc, cách xử lý, hướng dẫn đầu tiên sẽ luôn là "tắt máy rồi khởi động lại", sau đó mới tính đến phương án khác.
Tháng trước, cũng cơ quan này vừa chuyển đến trụ sở mới, khang trang và rộng rãi hơn. Sau khi chuyển đồ, dọn dẹp xong, mọi người mới tá hỏa vì văn phòng mới chưa được lắp điện thoại, chưa kết nối mạng internet. Gần cả tháng trời sau đó, công nhân viên đến cơ quan không có phương tiện làm việc, đành ngồi tán gẫu hay làm mấy việc linh tinh rồi về, vài người khác thì ở nhà chờ đến khi cơ quan có điện thoại, có mạng đầy đủ mới đến làm việc.
Trong tình cảnh ấy, trước đây, một số công việc các doanh nghiệp có thể trao đổi qua email thì giờ phải cử người lên làm việc trực tiếp. Còn những việc nhất thiết phải thao tác trên hệ thống, đòi hỏi có kết nối mạng thì đành phải chờ.
Nhiều người dân, doanh nghiệp ở địa phương đã quen với việc chờ đợi, thậm chí coi đó là thông lệ, bởi chẳng có quy trình, quy định nào về hạn định họ sẽ được cơ quan công quyền kia trả lời. Nhanh hay chậm tùy thuộc vào thói quen, tâm trạng, tính cách người phụ trách.
Tuy không dám vơ đũa cả nắm, nhưng tôi cũng có cơ hội chứng kiến tình trạng này ở khá nhiều cơ quan. Người giữ vị trí quản lý trong cơ quan nhà nước giữa một thành phố lớn nhất nhì nước mà còn lạ lẫm với ngay cả với những công cụ, phương tiện làm việc phổ cập, thiết yếu nhất hiện nay là máy vi tính thì thật sự không bình thường.
Mặc dù quyết tâm xây dựng nền hành chính kiến tạo của Chính phủ mà việc đầu tiên là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cán bộ đã có từ nhiều năm nay; nhiều văn bản đã được ban hành; nhiều chiến dịch được thực thi nhưng tình trạng "trên nóng dưới lạnh", bình chân như vại của các địa phương vẫn có thể gặp ở bất cứ nơi nào. Đó là nền hành chính giấy tờ, cồng kềnh, trì trệ với trình độ cán bộ công chức năng lực thấp, thái độ quan liêu cùng sức ì khá đặc trưng.
Theo báo cáo của 19 bộ và 45 địa phương năm 2018, cả nước có gần 1,4 triệu công nhân viên chức. Trong đó có khoảng 12.000 nằm trong nhóm được đánh giá là "hoàn thành nhiệm vụ nhưng hạn chế về năng lực", hoặc "không hoàn thành nhiệm vụ". Chưa kể một số lượng đáng kể "sáng cắp ô đi chiều cắp ô về" như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Đây có lẽ vẫn là một thống kê còn ưu ái. Cách đánh giá, xếp hạng năng lực cán bộ và hiệu quả công việc trong cơ quan nhà nước vẫn còn cảm tính, nặng về thành tích nên phần đông vẫn thuộc hạng "tiên tiến" hay "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" vào cuối năm. Vì vậy, dữ liệu trên có thể chưa phản ánh hết số lượng và tình trạng công chức yếu kém về năng lực chuyên môn, kỹ năng, kiến thức, nhưng 12.000 vẫn là một con số quá lớn. Nhất là nếu những con người đó làm việc ở các vị trí chủ chốt, quan trọng, thường xuyên tiếp xúc, làm việc và nắm trong tay quyền sinh sát với doanh nghiệp, người dân.
Chúng ta chưa cần làm "cách mạng" hay phải thể hiện sự quan tâm thái quá về 4.0 bằng những khẩu hiệu vẫn được hô vang mỗi ngày. Chỉ cần mỗi cán bộ hàng ngày không ngừng cầu thị, học hỏi, nâng cao kỹ năng và kiến thức - vốn đã có sẵn ngay trong điện thoại thông minh họ cầm trên tay - sẵn sàng ứng dụng công cụ làm việc, tiếp nhận công nghệ đã được phổ cập để công việc thuận lợi hơn, hiệu quả hơn, phục vụ người dân tốt hơn.
Đó thực sự là ước mơ cháy bỏng  của người dân, doanh nghiệp.
Đặng Quỳnh Giang


Ý Kiến Bạn Đọc
https://vcdn-a.vnecdn.net/avatar/c60x60/a/09/3/2277755596_1420086102.pngThuc vo thanh - 19:43 29/05
Có lần ngồi xem tivi cái phóng sự của 1 cơ quan công quyền cấp tỉnh. Rất bài bản và ngăn nắp, trang bị máy tính cho từng nhân viên, mọi người ai nấy cắm cúi làm việc. Người gõ bàn phím, người di di chuột... có vẻ rất chuyên nghiệp. Đến đó thôi tôi đã nghĩ cơ quan này chắc chắn phục vụ người dân rất tốt. Tiếc thay, khi camera quay vào những cái mìn hình thì toàn bộ là cái hình nền huyền thoại window. Không có bất kỳ cái máy tính nào đang làm việc cả. Tôi sụp đổ hoàn toàn và tự hỏi: Vậy họ gõ bàn phím và di nhấp chuột nhoay nhoáy với mục đích gì? Vì có gì trên cái màn hình máy tính đâu.



Thursday, June 6, 2019

Cầu sập sau khi vừa dừng thu phí BOT


Cầu sập sau khi vừa dừng thu phí BOT
RFA
2019-05-31
Một chiếc cầu ở xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp vừa bị sập vào đầu giờ chiều ngày 31/5, chỉ vài tháng sau khi chấm dứt thu phí BOT vào tháng 2 vừa qua. Truyền thông trong nước trích nguồn tin từ Ủy ban Nhân dân xã Tân Nghĩa và loan tin này hôm 31/5.
Cây cầu Tân Nghĩa là một cây cầu được đầu tư theo hình thức BOT.
Theo Thanh Niên, cầu bị sập nhịp giữa cầu và khiến một xe tải chở hàng hóa và tài xế rơi xuống sông, đồng thời khiến một xe ba gác và hai người khác rơi theo.
Cầu sập đã đè lên một ghe sắt đang lưu thông trên kênh. Cầu sập cũng khiến giao thông tê liệt.
Sài Gòn Giải Phóng trích lời ông Lê Chí Trung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Nghĩa cho biết cầu sập không gây thiệt hại về người và hiện chưa thống kê được thiệt hại tài sản.
Tuy nhiên theo Thanh Niên, cầu sập đã khiến người điều khiển xe ba gác bị thương ở phần ngực và phải vào bệnh viện.
Cầu Tân Nghĩa qua kênh Tháp Mười ở xã Tân Nghĩa, có tổng vốn đầu tư 5 tỉ đồng, được đầu tư theo hình thức BOT và hoàn thành vào tháng 12 năm 2007. Vào tháng 2 năm 2019, chính quyền địa phương đã mua lại dự án này từ nhà đầu tư và tạm ngừng thu phí sau hơn 11 năm.


Thiết kế trang phục “Bàn thờ” cho cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ gây tranh cãi gay gắt


Thiết kế trang phục “Bàn thờ” cho cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ
gây tranh cãi gay gắt
Dân trí 

Thiết kế “Bàn thờ” - bài thi tuyển chọn trang phục dân tộc cho Hoàng Thùy tại Miss Universe do thí sinh Phạm Quang Minh thực hiện, lấy ý tưởng từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt đang gây tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội.
Tối ngày 28/5, Ban tổ chức (BTC) Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đăng tải thiết kế Bàn thờ lọt vào top các thiết kế được bình chọn để Hoàng Thùy làm trang phục dân tộc khi tham gia cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ thế giới năm nay.
BTC giới thiệu về bài thi Bàn thờ: "Bài thi này có ý tưởng từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Là sự kết hợp hình ảnh thân quen: ảnh thờ, bát hương (là điểm nhấn cho trang phục, lấy cảm hứng từ gốm sứ Bát Tràng), lọ hoa (đem đến không gian tự sự, đầy thanh tịnh cho người xem), mâm cỗ (sự tâm linh, lòng thành tâm hiếu nghĩa đối với người đã khuất).
Để lột tả hết ý nghĩa của trang phục này, người trình diễn cần một phong thái trang trọng, với một thái độ thành tâm. Đến giữa sân khấu thể hiện cái tâm, lòng thành bằng cách thắp 3 cây nhang để vái và xá 3 cái.
Sau đó, người trình diễn xoay lưng lại phía sau để giúp người xem thấy được vật phẩm dâng lên bàn thờ (mâm cỗ dần dần hạ xuống nhờ vào động cơ). Mặt sau trang phục có khung thờ thể hiện sự bất ngờ cho người xem nên trang phục có thiết kế động cơ vào mâm cỗ giúp nâng lên hạ xuống trong lúc trình diễn.
Thiết kế Bàn thờ ngay khi được đăng tải đã nổ ra cuộc tranh luận khá gay gắt từ cộng đồng mạng.
Thiết kế “vô tiền khoáng hậu” này nhanh chóng nhận được sự quan tâm của dư luận, thu hút được 40 ngàn like, 20 ngàn bình luận và 10 ngàn lượt chia sẻ.
Một số ít cho rằng sự sáng tạo là không có giới hạn, tuy nhiên, phần lớn khán giả đưa ra nhận định tiêu cực về thiết kế này.
Á hậu Hoàng Thùy – người sẽ được mặc các thiết kế do khán giả bình chọn cũng phải thốt lên khi chia sẻ lại thiết kế này: “Cho mình lên hương sớm thế bạn gì ơi”.
Ngay sau thiết kế được đăng tải, cộng đồng mạng đều dậy sóng, nhiều người không đồng tình và cho rằng thiết kế này đang xúc phạm đến sự linh thiêng của tổ tiên nhiều hơn là sự tôn vinh. Như anh H.L nhận định: “Dùng bàn thờ thi sắc đẹp. Tôi cho rằng đây là sự điên rồ chứ không sáng tạo gì cả. Loạn chuẩn là đây, sự tụt dốc thảm hại về thời trang và nghệ thuật biểu diễn”.
Khán giả A.T cũng đồng quan điểm với anh H.L khi cho bình luận: "Bàn thờ với lư hương không thể đặt ở mông hay ngực được. Đó là đồ linh thiêng, tôn nghiêm nên không thể đem ra câu view một cách rẻ tiền".
Anh cũng đưa ra nhận xét về thiết kế đang gây sóng gió này: "Mới nhìn thì thấy buồn cười vì hình ảnh bạn này lấy ý tưởng không phải từ hoa sen, tre hay ẩm thực mà là một hình ảnh quen thuộc nhưng ít ai dám nghĩ đến để làm thành quốc phục.
Nhìn một lúc thì lại muốn khóc vì cách bạn ấy chuyển tải thành bộ trang phục thật sự thô và hơi phản cảm ở chỗ để mặt người mẫu vào ảnh thờ. Hình ảnh bàn thờ thiên về tâm linh tín ngưỡng nên rất khó chuyển tải vào trang phục, đòi hỏi người thiết kế phải khéo léo để tránh phản cảm".
Chị Q.N đưa ra lời nhắn nhủ với BTC: "Không thể thẩm thấu nổi sự sáng tạo kiểu này, nhất là phần khung ảnh. Ban tổ chức nên cân nhắc thật kỹ".
Một trong số những thiết kế được giới thiệu trước đó nhận được lời khen từ khán giả
Tuy nhiên, với sự quan tâm và chia sẻ nhanh chóng của cộng đồng mạng, nhiều người e ngại thiết kế sẽ lọt top 15 trang phục cho đại diện Việt Nam tại Miss Universe.
Hoàng Thùy phải thảng thốt vì sự quan tâm của khán giả: “Like và share với tốc độ “bàn thờ” là có thật mọi người ah”.
Ban tổ chức sẽ tiếp tục nhận bài dự thi thiết kế quốc phục đến hết ngày 15/6. Top 15 bài thi được chấm điểm và bình chọn cao nhất sẽ được thuyết trình trước ban giám khảo và có cơ hội trở thành quốc phục của Việt Nam tại đấu trường nhan sắc Miss Universe 2019.
Băng Châu


Lính Mỹ, quân phục, quân trang “made in China” và án tù - Trân Văn


Lính Mỹ, quân phục, quân trang “made in China” và án tù
03/06/2019


Tuần trước, Ramin Kohanbash, 49 tuổi, chủ một doanh nghiệp chuyên bán sỉ quần áo ở New York, chính thức bị cáo buộc phạm hai tội: “Buôn bán hàng giả” và “Âm mưu lừa đảo”. Ngày 12 tháng này, Tòa án sẽ xem xét cáo buộc và công bố hình phạt. Người ta ước đoán, Kohanbash sẽ ở tù ít nhất cũng 15 năm.
Vụ án liên quan đến Kohanbash được công chúng chú ý vì nó liên quan tới quân đội Mỹ. Kohanbash và một số đồng phạm đã gửi một số mẫu quân phục, quân trang của quân đội Mỹ cho các đối tác ở Trung Quốc. Các đối tác này dựa vào đó để sản xuất hàng loạt rồi gửi chúng cho Kohansbach. Sau khi nhận hàng, Kohansbach rót các lô hàng vào hệ thống phân phối nhiều tầng nấc để tẩy rửa nguồn gốc “made in China”, chuyển hóa thành quân phục, quân trang sản xuất tại Mỹ (1).
Trị giá số quân phục, quân trang “made in China” bị Kohanbash biến thành sản xuất tại Mỹ, rồi bán cho quân đội Mỹ, từ tháng 1 năm 2013 đến tháng 10 năm 2018 lên tới 20 triệu Mỹ kim. Tại sao Kohanbash phải dụng công tẩy rửa nguồn gốc quân phục, quân trang do Trung Quốc sản xuất? Khi “lộ” thì bị phạt tù?
Do quân đội Mỹ nói riêng và chính phủ Mỹ nói chung hoạt động bằng tiền do dân chúng Mỹ đóng góp qua các loại thuế, luật pháp Mỹ qui định, cả chính phủ lẫn quân đội phải sử dụng hàng hóa, dịch vụ do các doanh nghiệp Mỹ sản xuất hay cung cấp. Nếu các doanh nghiệp Mỹ không thể hoặc không đáp ứng đủ nhu cầu, chính phủ Mỹ và quân đội Mỹ chỉ có thể sử dụng hàng hóa, dịch vụ của một số quốc gia đã được cân nhắc, lựa chọn kỹ từ danh sách được soạn sẵn. Trung Quốc không nằm trong nhóm này (2).
Tại sao? Có thể dùng một scandal cách nay sáu năm như câu trả lời…
Tháng 3 năm 2013, Thượng sĩ Steve Adachi thuộc lực lượng dự bị của Không quân Mỹ đẩy từ Không quân Mỹ đến hệ thống hậu cần của quân đội Mỹ vào thế dở khóc, dở cười.
Steve nằm trong nhóm những quân nhân dự bị tình nguyện sang phục vụ tại Afghanistan. Giống như tất cả những quân nhân khác, Steve được cung cấp hàng loạt quân phục, quân trang để sử dụng trong chín tháng ở mặt trận. Chàng Thượng sĩ này phát giác, trong mớ quân phục, quân trang cấp phát cho chàng có ba đôi giày do Trung Quốc sản xuất. Steve đòi bộ phận hậu cần phải đổi ba đôi giày đó thành giày “made in U.S.A” nhưng những người có trách nhiệm không thể đáp ứng.
Steve không ưng với cách giải thích: Do chính phủ cắt giảm chi phi dành cho quốc phòng, Quân đội Mỹ phải tìm mua những hàng hóa tương đương về chất lượng với giá rẻ hơn, không may mua nhầm hàng hóa “made in China”! Đó cũng là lý do, sau đó, ở chiến trường Afghanistan, có một chàng Thượng sĩ, nai nịt gọn gàng, vũ trang tới tận răng nhưng chân chỉ mang… vớ đi tới, đi lui, dứt khoát không mang giày vì quân đội Mỹ không cung cấp giày đúng qui định pháp luật.
Khi trò chuyện với một số cơ quan truyền thông dành cho lính tráng, Steve giải thích tại sao chàng lại “cứng đầu, cứng cổ” như vậy: Luật đặt định quân đội, chính phủ phải mua sắm, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do người Mỹ sản xuất, cung cấp là để tạo – giữ việc làm cho dân chúng Mỹ. Tôi cầm súng vì quyền lợi của nước Mỹ, bảo vệ dân chúng Mỹ nên tôi tự thấy phải chiến đấu và phải giành chiến thắng trong chuyện này. Hành động của tôi có thể khiến các cơ quan hữu trách gặp rắc rối nhưng họ có lỗi thì phải sửa.
Chàng Thượng sĩ lì hơn… trâu ấy có thắng không? Có! Bộ phận hậu cần của quân đội Mỹ buộc phải gửi sang Afghanistan cho Steve những đôi giày “made in USA” (3).
Các tin tường thuật về vụ Ramin Kohanbash bị cáo buộc “Buôn bán hàng giả” và “Âm mưu lừa đảo” có một vài chi tiết cho thấy, dường như scandal mà Steve tạo ra đã kích hoạt cuộc điều tra: Từ việc phát giác các lô hàng là quân phục, quân trang được quân đội Mỹ mua để cung ứng cho chiến trường Afghanistan là hàng giả, sản xuất ở Trung Quốc, hệ thống tư pháp bắt đầu lần mò, tìm manh mối…
***
Mỗi năm, “chi thường xuyên” (chi để duy trì hoạt động của hệ thống công quyền) chiếm khoảng 70% tổng chi ngân sách tại Việt Nam. Ngoài trả lương, con số 1,21 triệu tỉ đồng (tương đương 54,5 tỉ Mỹ kim) đã dùng cho “chi thường xuyên” còn bao gồm chi trả cho các loại hàng hóa, dịch vụ mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền sử dụng. Đã có ai từng nghe các hệ thống “của dân, do dân, vì dân” đề cập tới việc phải sử dụng hàng hóa, dịch vụ của người Việt như một cách đáp trả sòng phẳng việc sử dụng sức dân chưa?
Ngoài “chi thường xuyên”, mỗi năm, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam còn… vay thường xuyên để đầu tư vào đủ loại dự án. Đến giờ, tổng nợ đã lên tới ba triệu tỉ đồng. Năm ngoái, số tiền phải trả cho cả nợ gốc lẫn lãi đối với những khoản đã vay cả trong lẫn ngoài Việt Nam là 250.000 tỉ đồng. Sắp tới, nợ nần sẽ còn tăng thêm vì nhiều dự án khác, trong đó có các dự án nhằm hoàn tất tuyến cao tốc Bắc – Nam, sẽ ngốn thêm chừng vài trăm ngàn tỉ nữa.
Cho dù đã có nhiều người, nhiều giới nhìn những dự án liên quan tới cao tốc Bắc Nam như một cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam và cho lao động người Việt (4) nhưng hết chính phủ (4) rồi quốc hội (5) đều công khai phản bác đề nghị này. Nói cách khác cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền vẫn tiếp tục tín nhiệm vốn, năng lực, sự thiện lương của các nhà thầu Trung Quốc, bất kể vô số trái đắng đã cũng như đang phải nếm, kiểu như trái đắng “Metro Cát Linh – Hà Đông”.
Tại sao Steve dẫu đơn độc nhưng vẫn có thể thắng còn cả trăm triệu người Việt thì luôn luôn thua khi muốn bảo vệ các quyền hợp pháp và lợi ích chính đáng của mình?
Chú thích


Mexico điều quân tới chặn di dân ở biên giới phía Nam


Mexico điều quân tới chặn di dân ở biên giới phía Nam
07/06/2019
Binh sĩ Mexico, cảnh sát vũ trang và các giới chức di trú đã chặn hàng trăm người di dân sau khi đoàn người vượt biên từ Guatemala vào miền nam Mexico hôm thứ Tư. Hàng chục người đã bị bắt giữ, một người chứng kiến thuộc một tổ chức hỗ trợ di dân và một giới chức cho biết.
Ông Salva Cruz, điều phối viên của tổ chức Fray Matias de Cordova, nhận định rằng hành động mới nhất của Mexico tại thị trấn biên giới Metapa, với sự tham gia của hàng chục binh sĩ, đánh dấu phản ứng cứng rắn trong các nỗ lực của chính phủ Mexico nhằm kiềm hãm làn sóng di dân, chủ yếu đến từ Trung Mỹ.
Từ Metapa, thuộc bang Chiapas ven biên giới miền nam Mexico, nơi đại đa số người di dân từ Trung Mỹ vượt biên giới vào Mexico, ông Cruz nói rất nhiều người là người xin tị nạn, chạy trốn bạo lực và nghèo đói ở Honduras, Guatemala và El Salvador.
Những gì diễn ra tại Chiapas trùng hợp với cuộc họp giữa các quan chức Mexico và Hoa Kỳ tại Toà Bạch Ốc hôm thứ Tư nhằm đi đến một thỏa thuận sẽ giúp Mexico tránh bị đánh thuế hàng loạt đối với các mặt hàng mà nước này xuất khẩu sang Hoa Kỳ, là biện pháp mà Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tuần trước hăm dọa sẽ mang ra áp dụng.
Ông Trump loan báo mức thuế đồng loạt đánh trên hàng hóa Mexico xuất sang Mỹ để gọi là trừng phạt Mexico vì đã không chặn được dòng người di dân đi từ Trung Mỹ tới tận biên giới Hoa Kỳ.


Bán công khố phiếu để trả đũa?-Nguyễn Xuân Nghĩa


Bán công khố phiếu để trả đũa?
Nguyễn Xuân Nghĩa
2019-06-05
Trong cuộc thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, liệu Bắc Kinh có thể trả đũa bằng cách bán Công khố Phiếu của Mỹ hay không? Đâu là sự lợi hại của việc sử dụng võ khí tài chính ấy? Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu sau đây.
Các cách trả đòn của Bắc Kinh
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, trong quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, phía Trung Quốc mua hàng Mỹ ít hơn là bán hàng vào thị trường Hoa Kỳ, cho nên khi trận thương chiến leo thang, biện pháp trả đũa cúa Bắc Kinh là áp thuế trên hàng hóa của Hoa Kỳ bán vào Trung Quốc có những giới hạn nhất định nếu so với số thuế phía Hoa Kỳ đánh trên hàng Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ. Vì hoàn cảnh đó nhiều người nói tới một ngón võ tài chính khác của Bắc Kinh là bán ra hoặc bớt mua vào Công khố phiếu của Mỹ, ông nghĩ sao về cách trả đòn này?
Bắc Kinh cho Mỹ vay tiền bằng cách mua Công khố phiếu của Hoa Kỳ vì mua Công khố phiếu Mỹ có lời và an toàn, lại làm hạ lãi suất trên thị trường Hoa Kỳ khiến dân Mỹ tiêu thụ nhiều hơn và nhập khẩu nhiều hơn.
-Nguyễn Xuân Nghĩa.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin được nói về bối cảnh trước, rồi sẽ phân tích sự lợi hại của ngón võ này. Trung Quốc hiện đang làm chủ khoảng một ngàn tỷ 120 triệu Mỹ kim dưới dạng Công phố phiếu của Hoa Kỳ. Đấy là biện pháp cho Mỹ vay tiền để kiếm lời an toàn cho Bắc Kinh. Hoa Kỳ hiện mắc nợ công chúng ở trong và ngoài nước chừng 16 ngàn 200 tỷ đô la. So với khối nợ đó thì món nợ của Bắc Kinh thật ra không đáng kể, chỉ hơn món nợ do Nhật Bản đang nắm trong tay. Hai quốc gia này thay nhau làm chủ nợ lớn nhất của Hoa Kỳ và nếu cho Mỹ vay tiền là để họ kiếm lời chứ cũng chẳng để viện trợ hay giúp ích gì nước Mỹ. Nếu Bắc Kinh có thể trả đũa trận thương chiến bằng cách bán ra Công khố phiếu Mỹ như một vài viên chức đã hăm dọa làm nhiều người e ngại thì ta nên tìm hiểu về các hậu quả của biện pháp đó….
Nguyên Lam: Ông nói về các hậu quả thì phải chăng người ta thấy ra nhiều hậu qủa khác nhau?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Người ta cứ e rằng nếu Bắc Kinh bán tháo Công khố phiếu Mỹ thì thị trường trái phiếu sẽ bị chấn động và gây thiệt hại cho Hoa Kỳ. Sự thật lại không như vậy.
- Nhưng ta cần biết thêm vài chi tiết chuyên môn khác là trị giá của trái phiếu trên thị trường chuyển dịch ngược với phân lời, hay yields. Nếu phân lời Công khố phiếu loại dài hạn lại sụt vì hiện tượng trái phiếu bị bán ra, như người ta vừa thấy, và nếu sụt thấp hơn phân lời trái phiếu ngắn hạn thì đấy là một trong nhiều chỉ dấu tiên báo về nguy cơ suy trầm kinh tế trong khoảng một năm nữa. Chính là sự chuyển dịch ấy mới làm thị trường lo ngại và khiến nhiều viên chức Bắc Kinh hăm he sử dụng võ khí tài chính này. Nhưng, Bắc Kinh sẽ làm gì sau khi bán Công khố phiếu của Hoa Kỳ?
Nguyên Lam: Nhưng trước đó, thưa ông, vì sao Bắc Kinh lại cho Mỹ vay tiền bằng cách mua Công khố phiếu của Hoa Kỳ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Câu hỏi rất hay! Mua Công khố phiếu Mỹ có lời và an toàn, lại làm hạ lãi suất trên thị trường Hoa Kỳ khiến dân Mỹ tiêu thụ nhiều hơn và nhập khẩu nhiều hơn. Do đó, Bắc Kinh mới cho Mỹ vay tiền vì có lợi cho họ. Bây giờ ta nhìn trên toàn cảnh của trận đánh xem Bắc Kinh có thể làm những gì?
- Thứ nhất, Bắc Kinh có thể bán ra hay ít mua vào loại sản phẩm đầu tư an toàn này, rồi mua nhiều tài sản khác của Mỹ vẫn trong mục tiêu kiếm lời thì luồng tư bản của Trung Quốc chảy vào thị trường Hoa Kỳ vẫn chẳng thay đổi về cơ bản vì Bắc Kinh chỉ thay việc đầu tư an toàn qua trái phiếu của nhà nước Mỹ bằng các khoản đầu tư bị rủi ro hơn. Trên thị trường Hoa Kỳ, tình hình chẳng thay đổi, cùng lắm thì phân lời trái phiếu loại an toàn có thể tăng chút đỉnh mà không nhiều.

- Giải pháp thứ hai là Bắc Kinh có thể ít mua Công khố phiếu hay các loại tài sản đầu tư khác của Mỹ, nhưng doanh nghiệp Trung Quốc, công và tư, vẫn bỏ tiền đầu tư vào thị trường Hoa Kỳ để kiếm lời cho họ thì lượng tư bản của Trung Quốc chảy vào Mỹ vẫn không có thay đổi. Hai kịch bản này có chung một hậu quả là không làm thay đổi thị trường Trung Quốc, từ trương mục vãng lai tới số thặng dư về mậu dịch của Bắc Kinh.
Nguyên Lam: Thưa ông, Bắc Kinh còn có giải pháp nào khác nữa không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Kịch bản thứ ba, hơi rắc rối và khó hiểu hơn, là Bắc Kinh hay doanh nghiệp Trung Quốc ít mua tài sản của Hoa Kỳ mà dùng tiền đó đầu tư vào thị trường của các nước công nghiệp hóa, ví dụ như Liên hiệp Âu Châu, thì kết quả sẽ là gì? Là dòng tư bản của Trung Quốc bớt chảy vào Hoa Kỳ mà chảy qua các thị trường công nghiệp khác với cùng số lượng. Nhưng chưa chắc các thị trường đó, như của Âu Châu, Nhật hay Anh quốc, đã có thể hấp thụ được số đầu tư lớn lao mà không gặp bất lợi như tiết kiệm giảm, tỷ giá đồng bạc tăng và xuất khẩu sụt, thất nghiệp sẽ cao hơn.
Hậu quả cho Hoa Kỳ
Nguyên Lam: Thưa ông, còn hậu quả cho Hoa Kỳ sẽ là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nghịch lý ở đây là đầu tư tại Mỹ không thay đổi gì nhiều, nhưng tiết kiệm có thể tăng vì thất nghiệp giảm hay vì nợ tiêu thụ giảm và thiếu hụt về ngoại thương cũng giảm. Nói vắn tắt thì cái đòn tài chính này chẳng đem lợi lộc gì cho Bắc Kinh mà còn giúp ích cho kinh tế Hoa Kỳ. Vấn đề nó rắc rối khó hiểu vì liên hệ đến các trương mục hay tài khoản tư bản, vãng lai, đến đầu tư và tiết kiệm.
Nguyên Lam: Nếu Bắc Kinh muốn trả đũa mà lại giúp Hoa Kỳ cải thiện kinh tế thì rõ là lợi bất cập hại. Thế Trung Quốc còn giải pháp nào khác hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Bắc Kinh có thể rút tiền đầu tư vào Hoa Kỳ mà đưa vào các nền kinh tế đang phát triển, như Ấn Độ, Brazil, Nga, Nam Phi hay Pakistan, v.v…. Đối với Hoa Kỳ thì hậu quả vẫn tương tự như giải pháp thứ ba mình vừa thấy ở trên, chứ luồng đầu tư này có thể giúp cho kinh tế của các nước kia. Tuy nhiên, ta chẳng quên kinh nghiệm khá tiêu cực của Bắc Kinh khi đầu tư vào các nước chưa phát triển còn thiếu cơ chế tiếp nhận an toàn và lại gây tai tiếng về chính trị. Hãy nghĩ tới trường hợp rất nóng tại Việt Nam hay nhiều xứ khác trong kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ thì ta biết.
Bắc Kinh có thể dùng Công khố phiếu Mỹ như một võ khí trong trận thương chiến với Hoa Kỳ nhưng hậu quả là chỉ làm mọi người cùng thấy rằng đấy không là biện pháp trả đũa hữu hiệu. Có đạn mà không bắn thì người ta còn ngại, chứ bắn rồi thì thiên hạ thấy rằng đấy chỉ là đạn giấy!
-Nguyễn Xuân Nghĩa.
- Bắc Kinh và doanh nghiệp Trung Quốc còn một giải pháp thứ năm là rút tiền khỏi thị trường Hoa Kỳ nhưng chẳng đầu tư vào thị trường nào khác. Nghĩa là Trung Quốc giảm số xuất khẩu tư bản và Bắc Kinh phải hoặc giảm mức tiết kiệm nội địa hay tăng số đầu tư nội địa, và sẽ giảm trương mục vãng lai và thặng dư mậu dịch. Nếu tiết kiệm nội địa sụt nhanh và mạnh, số xuất khẩu giảm lại gây nguy cơ thất nghiệp, là một bài toán chính trị bất lợi cho lãnh đạo.
Nguyên Lâm: Ông kết luận thế nào về việc Bắc Kinh có thể dùng Công khố phiếu Mỹ như một võ khí trong trận thương chiến với Hoa Kỳ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng lãnh đạo Bắc Kinh đã cân nhắc chuyện này và chỉ dám dọa chứ không dám làm. Bắc Kinh có thể ra lệnh cho Ngân hàng Nhà nước của mình bán ra 20 tỷ đô la Công khố phiếu Mỹ vào Tháng Ba vửa qua mà chẳng có tác dụng gì. Nay có ra lệnh không mua thêm Công khố phiếu Hoa Kỳ thì cũng vậy mà thôi. Hậu quả là chỉ làm mọi người cùng thấy rằng đấy không là biện pháp trả đũa hữu hiệu. Có đạn mà không bắn thì người ta còn ngại, chứ bắn rồi thì thiên hạ thấy rằng đấy chỉ là đạn giấy!
- Giải pháp sau cùng là dùng lời hăm dọa để lung lạc dư luận thiếu am hiểu của Hoa Kỳ hầu có thể đổ lỗi cho Chính quyền Donald Trump về trận thương chiến. Và rằng trận thương chiến có thể làm kinh tế Mỹ sẽ bị suy trầm vào một năm có bầu cử. Giải pháp đổ lỗi ấy có vẻ công hiệu hơn cả nếu ta theo dõi các bình luận khá nông nổi của truyền thông báo chí Hoa Kỳ. Nhưng chuyện ngược đời là nếu thị trường Hoa Kỳ e ngại rủi ro suy trầm thì Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể sẽ hạ lãi suất như nhiều người đang dự đoán, lúc đó, chẳng còn ai quan tâm đến động thái kinh tế của Bắc Kinh nữa!
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích tuần này.


Bàn Về Công Nghệ 5G


Bàn Về Công Nghệ 5G

Thế giới đang bước vào giai đoạn công nghệ viễn thông 5G
Trước tiên, xin mạn phép giải nghĩa cho những người bình thường, ít quan tâm đến những thuật ngữ. Chữ G trong 2G, 3G, 4G và 5G mà chúng ta thường nghe gần đây, là viết tắt của chữ Generation, nghĩa là thế hệ. 5G là thế hệ thứ 5 của công nghệ điện thoại di động. Mạng 5G, nếu hiện giờ được phát triển ở VN thì cũng không khác nào việc xây dựng đường cao tốc cho bò đi như một số nơi ở ngoài Bắc hiện nay. Có bao nhiêu người VN hiện nay đang có nhiều hơn một chục thiết bị thông minh, luôn kết nối với internet tại nhà? Không phải tôi có ý xem thường người dân Việt, nhưng đây lại là sự thật.<!>


Cũng có nghĩa rằng nó là một bước tiến mới của một công nghệ đã có từ cách đây vài chục năm, chứ không phải là một phát minh mới mẻ gì - như cách mà một số bài báo hoặc cá nhân thường hay ca ngợi, rằng Huawei là một hãng dẫn đầu trong công nghệ này. Thực tế là họ chỉ sản xuất và bán hàng giá rẻ hơn rất nhiều so với các đối thủ cạnh tranh trong cùng lĩnh vực mà thôi. Bạn nào muốn phản bác điều này và cho rằng Huawei là nhà phát minh hàng đầu đối với 5G thì tôi xin có lời khuyên là, hãy tìm hiểu về các sản phẩm cũng như giải pháp công nghệ của hãng Cisco, rồi tìm hiểu thêm xem Huawei có sử dụng bao nhiêu phần trăm công nghệ của Cisco - trước khi phản bác những điều tôi vừa nói.

Khác biệt giữa 5G và các thế hệ trước đó


Với ước muốn nội dung của bài viết được mọi giới đón đọc rộng rãi, không phân biệt nghành nghề. Tôi sẽ không đi quá sâu vào chi tiết mà chỉ nhấn mạnh vào những thứ căn bản nhất để mọi người cùng hiểu về 5G.

Cái khác căn bản nhất về mặt kỹ thuật, là mỗi khi chúng ta dùng điện thoại để truyền đi một cái gì đó, như âm thanh hoặc hình ảnh, thì cái điện thoại sẽ mã hóa cái ta muốn truyền, trước khi phóng chúng vào không trung. Nói một cách dễ hiểu là những hình ảnh và âm thanh ấy được "phiên dịch" sang một loại "ngôn ngữ" trước khi truyền đi trong không gian. Các trụ antenna sẽ nhận những thông tin đã được mã hóa rồi truyền đi tiếp, ở phía người nhận thì cái điện thoại của họ sẽ nhận rồi "phiên dịch" ngược trở lại, cho ra âm thanh hoặc hình ảnh như lúc ban đầu.


Các thế hệ của công nghệ điện thoại di động đều sử dụng các loại " ngôn ngữ" khác nhau. "Ngôn ngữ" của mỗi thế hệ mới đều được cải tiến và phát triển để có thể chuyển tải nhiều hơn loại "ngôn ngữ" thường dùng của những thế hệ trước đó. Các máy điện thoại đời mới thì phải có khả năng tương thích ngược, nghĩa là biết nghe và hiểu loại ngôn ngữ của thế hệ trước đó, trong khi những loại điện thoại của thế hệ trước thì không có khả năng này. Đó là lý do mà một cái điện thoại 4G có thể bắt được sóng 4G nếu ở trong vùng phủ sóng 4G, nhưng khi ra khỏi vùng phủ sóng 4G thì nó tuột xuống thành 3G hoặc 2G. Điện thoại 2G thì dù có ở giữa vùng phủ sóng 4G, cũng chỉ có thể gửi và nhận thông tin ở tầm 2G mà thôi.

Tại sao các nhà cung cấp dịch vụ không dùng những trụ thu phát sóng đã có sẵn?


Mỗi một thế hệ của công nghệ thông tin di động đều sử dụng một vài loại tầng số khác nhau. Riêng với thế hệ thứ 5 này, sóng thu phát của nó có đặc điểm là không thể đi xa như các thế hệ trước đó mà chỉ giới hạn trong phạm vi vài trăm thước mà thôi, như một thứ luật bù trừ cho khả năng truyền dữ liệu nhanh và nhiều của nó.

Các điểm thu phát sóng, tức các trụ antenna, đối với những thế hệ trước đây, là những tháp cao ngất hàng trăm mét và to lớn, có khả năng phát sóng đến vài kilomet, thì ở thế hệ thứ 5 này, các trụ thu phát sóng sẽ nhỏ hơn và được gắn trên những cột đèn điện dọc theo đường phố - và thật nhiều. Đây cũng sẽ là khuyết điểm của công nghệ 5G. Dân cư bên ngoài những thành phố lớn sẽ khó mà có cơ hội được sử dụng loại đường truyền internet thế hệ mới này. Một hệ thống antenna thu phát sóng của 5G sẽ cần đến hàng ngàn antenna nhỏ thay vì chỉ vài trụ antenna to lớn như hiện nay. Lắp đặt và nhất là bảo dưỡng hệ thống này tốn kém hơn nhiều so với các thế hệ trước đó.


Đó cũng chính là lý do mà người Mỹ đã nghiên cứu và phát triển một cách thức truyền tải thông tin mới, đưa các trạm thu phát sóng lên không gian, thay vì gắn chết dưới mặt đất. Google thử nghiệm bằng các khinh khí cầu, rồi đến Facebook với những loại máy bay không người lái cỡ nhỏ xài năng lượng mặt trời và bây giờ là SpaceX với các vệ tinh mini. Trong lúc Trung cộng vẫn loay hoay với các trụ thu phát sóng gắn dưới mặt đất và bị hạn chế trong những thành phố lớn. Đó là lý do mà trong một bài viết cách đây mấy ngày, tôi đã mĩa mai rằng người Tàu bay lên mặt trăng chỉ để ... trồng khoai lang.


5G có cần cho Việt Nam hoặc người Việt có cần đến 5G hay chưa?

Từ nhiều tháng qua, chắc các bạn đã đọc rất nhiều những bài báo nói về 5G, thậm chí là có tin 5G đang được thử nghiệm ở Hà Nội. 

Như đã nói ở đầu bài, tôi sẽ tránh đi quá sâu vào chi tiết với những từ chuyện môn như tốc độ Gb là gì và nó nhanh cỡ nào. Chỉ xin được đơn giản hóa bằng cách thí dụ để so sánh. 

  
Mạng 5G, nếu hiện giờ được phát triển ở VN thì cũng không khác nào việc xây dựng đường cao tốc cho bò đi như một số nơi ở ngoài Bắc hiện nay. Có bao nhiêu người VN hiện nay đang có nhiều hơn một chục thiết bị thông minh, luôn kết nối với internet tại nhà? Không phải tôi có ý xem thường người dân Việt, nhưng đây lại là sự thật. 

Có bao nhiêu người ở VN đang xài Ring hay các sản phẩm tương tự ( Một thứ chuông cửa có video và thường trực kết nối internet). Có bao nhiêu người có mỗi phòng trong nhà một cái TV và mỗi cái TV đều có Chromecast hoặc Roku hay Apple hoặc Fire Stick để xem phim độ phân giải cao trực tuyến? 

Có bao nhiêu gia đình VN hiện tại đang trang bị những thiết bị như Amazon Echo hay Google Home nhận lệnh bằng giọng nói? Có bao nhiêu thiết bị Nest dùng cho hệ thống máy lạnh và sưởi tự động trong nhà ở VN hiện nay? Bao nhiêu gia đình có nhà để xe trang bị cửa đóng mở bằng hệ thống điều khiển qua internet...?


Tất cả những thứ mà tôi vừa kể là những món vật dụng của thời đại Vạn Vật Kết Nối (Internet of Things). Ở giai đoạn đầu tiên của thời đại này, trung bình mỗi nhà sẽ có khoảng vài chục thiết bị luôn được kết nối với mạng internet ở tốc độ cao. Chuyện này chưa hiện hữu ở VN, dù cho chúng ta đã có vài chục triệu người đang xài FB.

Cũng cần biết rằng, hiện có khoảng phân nửa dân số Mỹ vẫn đang xài 3G chứ khoan nói tới 4G, huống hồ gì chuyện 5G? Ngay cả người viết bài này, vốn đang sinh sống tại một thành phố lớn, thủ phủ của một tiểu bang lớn nhất nhì nước Mỹ, bao vây bởi các đại công ty như IBM, Samsung và là nơi tập trung của nền công nghệ kỹ thuật cao, vậy mà chỉ cần ra xa lộ chạy vài chục cây số thì vẫn có khả năng rớt vào khu vực chỉ có mạng 2G mà thôi. Cơn sốt 5G dâng cao độ, phần lớn đến từ nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của những đại công ty và các chiến dịch quảng cáo của họ. Vào những ngày đầu của tháng 6 năm 2019 này, hiện giờ thị trường thế giới cũng chỉ có chưa tới 10 loại điện thoại có trang bị 5G. iPhone XI của Apple sắp sửa ra mắt cũng sẽ không có 5G.

  
Trong toàn bộ những vật dụng linh tinh của thời đại Vạn Vật Kết Nối. Thứ quan trọng nhất cần phải có 5G chính là những loại xe tự động lái vì chúng có nhu cầu "nói chuyện và trao đổi thông tin" với nhau ngay lập tức trên đường phố và 5G thỏa mãn được điều này. 

Một hệ thống đường phố với hàng ngàn chiếc xe cần phải luôn luôn và lập tức kết nối với nhau để tránh gây ra tai nạn. Các trụ antenna thu phát sóng dày đặc theo cột đèn đường và trụ điện, luôn kết nối với nhau ở trong một chu vi thật gần, bảo đảm được cho mạng lưới này, thay vì hành khách của những chiếc xe không người lái phải đánh cược mạng sống của họ vì nguy cơ bị mất sóng từ những tháp antenna truyền thống, vốn ở xa hàng kilomet và luôn bị các tòa nhà cao tầng cản trở.

Tóm lại, với nhu cầu kết nối vài cái điện thoại, dăm cái máy tính bảng, thêm cái TV và máy tính để bàn. Người VN chưa cần đến mạng 5G trong một tương lai có thể nhìn thấy được. Hãy nhớ lại cái thí dụ của đường cao tốc và những con bò.


Còn Huawei với những lời ca tụng lẫn hăm dọa, rằng họ sẽ thống trị và dẫn đầu thế giới với công nghệ 5G? Hãy để cho người Tàu được vui với giấc mơ của họ. Có câu "Ước mơ không bị đánh thuế, hoặc không tốn tiền.". Hãy tin tôi, riêng giấc mơ 5G của người Tàu sẽ tốn bộn bạc chứ không ít đâu.