Saturday, May 28, 2016

Quan hệ kinh tế Việt-Mỹ

Quan hệ kinh tế Việt-Mỹ
Nguyên Lam & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2016-05-24

Chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama được dư luận Việt Nam và quốc tế chú ý vì cả lý do an ninh lẫn kinh tế. Hơn hai chục năm sau khi bang giao Việt-Mỹ được tái lập.
Nguyên Lam: Xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, chuyến thăm viếng Việt Nam của Tổng thống Barack Obama cho thấy Hoa Kỳ đã bình thường hóa gần như toàn diện mối quan hệ với Việt Nam, nhưng tiến trình ấy phải qua một giai đoạn kéo dài mất hơn hai chục năm, là điều gì đó khá bất thường, ông nghĩ sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Hoa Kỳ vừa bình thường hóa quan hệ mọi mặt với một chế độ bất thường vì chế độ này chưa hề bình thường hóa quan hệ của nó với chính người dân. Về diễn tiến thì có lẽ chúng ta cần nhắc lại vài dấu mốc căn bản sau đây:
Sau khi bãi bỏ lệnh cấm vận kinh tế năm 1994, Hoa Kỳ tái lập bang giao với Việt Nam năm 1995. Từ đấy, các chính quyền cả Dân Chủ lẫn Cộng Hoà, đều tích cực giúp Việt Nam cải thiện kinh tế với cao điểm là năm 2001, khi Tổng thống Bill Clinton cho ký hiệp định thương mại song phương Mỹ-Việt gọi là BTA, bên trong có điều khoản tạm chấp nhận quy chế tối huệ quốc, là mậu dịch bình thường – hay NTR – được tái xét hàng năm. Sau đấy, quy chế NTR trở thành vĩnh viễn và thường trực từ năm 2007 khi Hoa Kỳ thời ông George W. Bush mở cửa cho Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Lý do chính thức là nếu cải thiện kinh tế sẽ cải thiện chính trị, nhưng Hà Nội lại gọi đó là "âm mưu diễn biến hoà bình" và chẳng hể cải thiện về chính trị mà bám chặt lấy ách độc tài! Đấy là một lẽ bất thường.
Nguyên Lam: Thưa ông, thế rồi từ những năm đó, tình hình kinh tế Việt Nam có thay đổi không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Từ đó, tình hình kinh tế Mỹ-Việt có đổi khác. Tôi xin được nêu vài con số về sự đổi khác nhưng nhấn mạnh rằng đời sống đa số người dân Việt Nam thì vẫn chưa.
Từ 1994 đến cuối năm 2008 là sau khi gia nhập tổ chức WTO, xuất khẩu của Việt Nam qua Mỹ đã từ 50 triệu Mỹ kim tăng đến hơn 12.000 triệu, tức là hơn 12 tỷ, gấp 250 lần. Ngược lại, xuất khẩu của Mỹ qua Việt Nam chỉ tăng từ 172 triệu Mỹ kim lên gần hai tỷ bảy - gấp 15 lần thôi.
Về đại thể, từ 1995 Việt Nam liên tục đạt xuất siêu - là xuất nhiều hơn nhập - với Hoa Kỳ. Kỷ lục là năm ngoái xuất gần 38 tỷ mà nhập có bảy tỷ, xuất siêu gần 31 tỷ Mỹ kim. Tức là Việt Nam có lợi lớn trong quan hệ buôn bán với Mỹ. Vắn tắt thì thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam chính là Hoa Kỳ, khốn nỗi, được xuất siêu bao nhiêu với kinh tế Mỹ thì Việt Nam bị nhập siêu bấy nhiêu với kinh tế Trung Quốc. Thực tế thì kinh tế Việt Nam là vệ tinh của kinh tế Trung Quốc và dần dần khối kinh tế Âu-Mỹ-Nhật đều biết điều ấy.
Nếu bảo rằng Hoa Kỳ bang giao với Việt Nam để tư bản của Mỹ trục lợi nhờ nhân công rẻ của Việt Nam thì người ta lại lầm nữa vì trong quan hệ kinh tế giữa hai nước, Việt Nam có lợi hơn và các doanh nghiệp Mỹ cũng chẳng dẫn đầu trong số đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Chuyện dân chủ
Nguyên Lam: Trở lại mục tiêu ban đầu của việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao, Hoa Kỳ có thể chủ trương là nếu giúp Việt Nam cải thiện kinh tế thì xã hội cũng sẽ cải thiện về chính trị và tiến dần sang chế độ dân chủ, ông nhận xét như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Đấy là một lầm lẫn lớn từ cả hai phía.
Hoa Kỳ có thể cả tin rằng sức mạnh kinh tế thị trường sẽ dẫn tới chuyển hóa chính trị là điều không tất nhiên, vì các chế độ độc tài vẫn có thể áp dụng quy luật thị trường có chọn lọc để củng cố chế độ, là điều đã thấy tại Trung Quốc và sẽ thấy tại Cuba. Ngược lại, Hà Nội cho rằng Mỹ có dụng ý chính trị để chuyển hóa chế độ theo kiểu diễn biến hòa bình. Thật ra Hoa Kỳ có nêu khuyến cáo hoặc thậm chí gây áp lực, nhưng chuyển hóa hay không thì vẫn là quyết định của Việt Nam. Hoa Kỳ đã từng có quan hệ khá chặt chẽ với nhiều chế độ độc tài, nếu có thêm một chế độ Hà Nội nữa thì cũng chẳng làm nước Mỹ thay đổi chính sách. Tổng kết lại thì có muốn dân chủ hay không là chuyện của dân Việt Nam, không là một yêu cầu tiên quyết của nước Mỹ.
Nguyên Lam: Trong trường hợp đó, ông giải thích thế nào về nỗ lực của Tổng thống Hoa Kỳ trong hiệp ước xây dựng đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta nên xét kỹ rằng nỗ lực đó có lợi cho Mỹ hay cho Việt Nam?
Nếu muốn gia nhập hệ thống TPP này mà Việt Nam cải thiện quy chế lao động, có công đoàn tự do và tôn trọng nền tảng luật lệ minh bạch thì điều ấy có lợi cho người Việt Nam hơn là cho nước Mỹ. Trong 12 quốc gia thành viên của hệ thống TPP, Việt Nam được đánh giá là có lợi nhất vì sẽ tăng xuất khẩu được hơn 30% và nhờ đó, sản lượng kinh tế được thêm 10% kể từ khi áp dụng cho tới năm 2030.
Ngoài ra còn có hai yếu tố quan trọng khác về phẩm hơn là về lượng. Thứ nhất, kinh tế Trung Quốc phải chuyển hướng với giá nhân công cao hơn và mất lợi thế là công xưởng toàn cầu cho nên giới đầu tư nhắm vào Việt Nam cùng khoảng 18 thị trường khác là giải pháp thay thế. Nếu là thành viên của TPP thì Việt Nam dễ khai thác lợi thế ấy với khả năng sản xuất và cung ứng các ngành dệt sợi, đồ gỗ, đồ da hay sản phẩm gia dụng của công nghiệp nhẹ lẫn hàng điện tử. Thứ hai, vì Trung Quốc không ở trong hệ thống TPP nên đây là cơ hội cho kinh tế Việt Nam ra khỏi tình trạng lệ thuộc kinh tế Trung Quốc.
Nguyên Lam: Nếu như vậy, thưa ông, phải chăng Chính quyền Obama muốn qua hiệp ước TPP mà yểm trợ an ninh của Việt Nam trước sức ép của Trung Quốc như nhiều giới chức ngoại giao Mỹ đã nói ra?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng đấy lại là một lầm lẫn khác. Hoa Kỳ đang làm ăn buôn bán với Trung Quốc có hơn một tỷ 350 triệu dân thì chẳng có lý do gì mà huy động 90 triệu người Việt vào chiến tuyến chống Tầu về mặt kinh tế. Tôi thiển nghĩ rằng an ninh của nước Việt, hay nhân quyền và dân chủ của người Việt, phải xuất phát từ Việt Nam, chứ không thể lệ thuộc vào chính sách thất thường của nước Mỹ.
Nhưng Hà Nội cũng chẳng thể quên rằng Quốc hội và dư luận Hoa Kỳ vẫn tiếp tục lên án nạn vi phạm nhân quyền và đàn áp dân chủ của Hà Nội vì dân Mỹ không muốn dân Việt mãi mãi là nạn nhân của một chế độ tồi tệ. Hoa Kỳ là nơi mà “quyền lực mềm” có sức mạnh thực tế, nó không xuất phát từ chính sách quân sự hay kinh tế của Chính quyền Obama mà một cách tự phát từ xã hội dân sự, trong đó có cả cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Quyền lực đó có thể giúp người ta thấy ra mối nguy của Bắc Kinh và lối ăn nói nước đôi của Hà Nội. Trong 20 năm qua, chính là những nỗ lực tự phát của xã hội Mỹ lẫn các tổ chức thiện nguyện về giáo dục, y tế và văn hóa đã làm xã hội Việt Nam thay đổi nhiều hơn là người ta thường nghĩ.
TPP sẽ tới đâu
Nguyên Lam: Cho tới nay thì hình như Quốc hội Hoa Kỳ vẫn chưa phê chuẩn Hiệp ước TPP dù 12 nước đã hoàn tất việc thương thuyết từ ngày năm Tháng 10 năm ngoái và chính thức ký kết vào Tháng Hai vừa qua. Thưa ông, diễn biến của hồ sơ này sẽ là gì trong thời gian tới?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Theo đúng thủ tục sau khi ký kết vào Tháng Hai vừa qua, 12 quốc gia sẽ có hai năm cứu xét và phê chuẩn, hạn chót là vào Tháng Năm năm 2018. Từ nay đến đó, từng nước cũng phải cải thiện luật lệ để áp dụng và có quyền yêu cầu điều chỉnh theo quan điểm quyền lợi của mình. Sau cùng, nếu các thành viên có sản lượng kinh tế cao bằng 85% của sản lượng toàn khối thì Hiệp ước đó vẫn thành hình. Điều ấy có nghĩa là nếu hai nền kinh tế giàu nhất khối là Hoa Kỳ và Nhật Bản mà đồng ý thì các nước kia sẽ phải theo.
Nguyên Lam: Thưa ông, trở ngại về phía Việt Nam là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng trở ngại lớn nhất là lãnh đạo Việt Nam thuộc trình độ bán hàng xén mà nghĩ là ta đã lên tới cấp bán hàng bách hóa để rồi sẽ mở siêu thị. Họ nghĩ rằng sẽ lại lừa được thế giới như trong thời chiến tranh - là điều tương đối dễ vì trình độ nhận thức nông cạn của trí thức và chiến lược gia Hoa Kỳ thời ấy - nhưng quên rằng thế giới đã thay đổi.
Trước hết, nói về quan hệ kinh tế Việt-Mỹ từ hai chục năm qua thì dù được các thành phần tả khuynh hay thân cộng nâng đỡ, Hà Nội vẫn chưa vượt qua rào cản của Quốc hội Hoa Kỳ nên chưa tranh thủ được quy chế đặc miễn GSP hay Generalized System of Preferences để bán vào Hoa Kỳ khoảng 5000 sản phẩm khỏi bị thuế quan, gọi là duty free. Lý do chính vẫn là nạn chà đạp nhân quyền, trong khi nhiều xứ nghèo hơn đã được quy chế này.
Quan trọng hơn vậy chính là hồ sơ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. Dù Việt Nam được lợi nhất về lý thuyết, về thực tế thì sự tình lại phức tạp hơn, nhất là trong bối cảnh của cuộc tranh cử tổng thống năm nay tại Mỹ. Muốn hưởng mối lợi ấy của TPP thì Việt Nam phải cải cách, là điều các nước mong muốn mà Hà Nội lưỡng lự vì sợ cơ sở mất đỉnh chung bổng lộc. Thứ nữa, dù có cam kết, Hà Nội vẫn giữ quyền bội tín và gặp phản ứng mạnh của xu hướng “chống toàn cầu hóa” và “bảo hộ mậu dịch” trên chiến trường và thị trường quốc tế. Trong khi ấy, vì cuộc tranh cử Tổng thống, cả ba ứng cử viên còn lại của hai đảng lớn đều nói khác và hết tin tưởng gì vào toàn cầu hóa mà lại còn nêu ra chủ trương bảo hộ mậu dịch. Vì vậy, việc Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn Hiệp ước TPP này là điều xa vời.
Nguyên Lam: Thưa ông, kết cuộc thì liệu Việt Nam có triển vọng tham gia vào Hiệp ước này hay không sau chuyến thăm viếng của Tổng thống Hoa Kỳ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi đoán rằng Tổng thống Mỹ đã kín đáo gây áp lực rất mạnh với lãnh đạo Hà Nội nhưng cũng chẳng muốn họ bị mất mặt mà công khai nói ra điều ấy, nhất là sau nạn vi phạm nhân quyền quá trắng trợn vừa qua. Nhưng Hà Nội lại chẳng biết rằng vì những nhược điểm nói trên, về cả nhân quyền lẫn bảo vệ môi sinh, mà Việt Nam có thể bị Quốc hội Mỹ gạt ra ngoài TPP như một điều kiện phê chuẩn, với thiệt hại rất cao cho người dân và các doanh nghiệp. Lý do là lãnh đạo Việt Nam vẫn không tuân thủ các cam kết trong khi lại có lợi nhiều nhất nhờ TPP. Đây sẽ là niềm thất vọng cho Tổng thống Barack Obama vì hiệp ước TPP là một di sản ông muốn để lại. Thêm một lần nữa, Hà Nội sẽ lại lỡ cơ hội và người Việt vẫn bị thiệt hại trong khi viễn ảnh khủng hoảng kinh tế vì vụ khủng hoảng môi trường nay đã cận kề.
Nguyên Lam: Xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.


Nancy Nguyễn trả lời RFA về việc bị an ninh VN bắt giữ 6 ngày

Nancy Nguyễn trả lời RFA về việc bị an ninh VN bắt giữ 6 ngày
Gia Minh, PGĐ Ban Việt Ngữ RFA
2016-05-27
Nancy Nguyễn kể lại thời gian bị giam giữ và thẩm vấn bởi an ninh Việt Nam với phóng viên Gia Minh Đài Á Châu Tự Do.
http://www.rfa.org/rfa_resources/graphics/icon-zoom.png RFA PHOTO

Cô Nancy Nguyễn, một người trẻ lên tiếng cho dân chủ- nhân quyền trong nước, vừa qua về Việt Nam bị an ninh bắt đi mất tích 6 ngày.
Khi ra khỏi Việt Nam, cô dành cho Gia Minh của Đài Á Châu Tự Do cuộc nói chuyện kể lại thời gian bị giam giữ và thẩm vấn bởi an ninh Việt Nam. Trước hết cô cho biết:
Nancy Nguyễn: Sự việc cũng chóng vánh lắm. Tôi nghĩ những người về Việt Nam và những người đứng ra kêu gọi biểu tình không bao giờ nghĩ mình có thể thoát khỏi sự truy lùng của an ninh Việt Nam đâu. Cho nên ai nghĩ mình không bị bắt, mình có thể trốn thì tôi nghĩ đó sẽ là chuyện sẽ không xảy ra.
Tuy nhiên thời điểm tôi về có chút nhạy cảm vì chỉ ngày hôm trước, hôm sau thì đến ngày bầu cử, và tổng thống Mỹ đến thăm.
Vắn tắt sự việc thì ngày 19 tôi còn ở trong khách sạn; họ lên đập cửa phòng và kiểm tra hành chính. Lúc đó khoảng 11 giờ khuya. Khi kiểm tra hành chính thì họ câu lưu luôn, theo lời của họ là ‘câu lưu  kiểm tra hành chính’ để làm rõ vấn đề ‘sử dụng giấy tờ giả’ mặc dù tất nhiên chuyện đó không có. Chứ nếu dùng giấy tờ giả thì tôi không được ngồi nói chuyện ở đây đâu, vẫn còn bị giữ trong đó.
 Tất nhiên họ không có bằng chứng hay cơ sở nào để giữ người hết nên họ phải thả.
Gia Minh: Đó là cái cớ để giữ người nhưng khi làm việc họ có làm việc gì về vấn đề giấy tờ giả hay không, và cô Nancy phản bác về cáo buộc đó thế nào?
Nancy Nguyễn: Khi họ đưa tôi về đồn gọi là câu lưu hành chính thì họ câu lưu từ 11 giờ khuya và họ thẩm vấn mãi cho đến 5 giờ chiều ngày hôm sau. Trong thời gian thẩm vấn như vậy phần lớn họ chỉ xoay quanh hoạt động của mình mà họ cho là chống đối chính quyền. Còn vấn đề sử dụng giấy tờ giả thì hầu như họ không nhắc tới.
Họ nói tôi làm những việc mà có cáo buộc liên quan đến hoạt động dân sự, về dân chủ.
Gia Minh: Khi họ cáo buộc như vậy thì cô có phản bác những điều đó ra sao?
Nancy Nguyễn: Trong khoảng hai ngày đầu khi bị câu lưu thì tôi không trả lời bất cứ câu hỏi nào. Tôi cự tuyệt trả lời. Họ hỏi tên, ở đâu, làm gì thì tôi nói cần gặp luật sư của mình chứ tôi không có nhu cầu trả lời những câu hỏi này.
Khi họ thấy không thể nào sử dụng biện pháp dân sự để yêu cầu mình khai được thì họ nhốt tôi vào trong một phòng khách sạn, có an ninh ngày đêm canh thẳng trong phòng. Rồi qua một đêm đến chiều hôm sau nữa họ kéo tôi trở lại về đồn và đọc lệnh bắt khẩn cấp luôn. Từ khách sạn họ đưa về đồn công an phường 10, quận 5.
Sau khi họ bắt khẩn cấp, lúc đó mình đã là bị can rồi nên họ đưa lên xe chuyên dụng chở về Trại tạm giam B34.
Gia Minh: Và trong trại tạm giam thì họ làm việc thế nào, giam ra làm sao?
Nancy Nguyễn: Khi bắt về Trại tạm giam cũng làm những thủ tục nhập trại như lăn tay, làm căn cước, lấy lời khai… Ở trong đó với tư cách là bị can rồi thành ra… Cũng tức cười lắm khi nhập trại họ nói với tư cách người bị tạm giữ, cô có những quyền như thế này: tự biện hộ, nhờ người biện hộ hoặc có luật sư. Nhưng tôi yêu cầu cần có người biện hộ thì họ nói không có. Ở Trại tạm giam họ giữ tôi từ 6 giờ chiều cho tới khuya và nhập vào ‘jail’ tức nơi ‘tạm giữ’.
Tất cả những câu hỏi liên tục của họ cho đến lúc đó thì tôi nói theo như những điều mà các anh vừa mới nói với tôi thì tôi có quyền có luật sư và người biện hộ nên tôi yêu cầu có luật sư và người biện hộ. Họ nói nếu như vậy thì làm đơn, và tôi cũng làm đơn nhưng họ cũng coi như tờ giấy lộn thôi.
Gia Minh: Khi ra khỏi Việt Nam họ có nói gì để có chuyện đó?
Nancy Nguyễn: An ninh họ làm công việc của họ và họ có một gửi gắm là nếu thấy không bị đánh đập, không bị nhục hình, không làm gì tôi thì cũng nên lên tiếng để ‘giải oan’ cho người ta vì tại sao vẫn có dư luận về đánh đập.
Tôi không biết lý do họ không đánh tôi vì tôi là người nước ngoài hay họ không có đánh đập. Họ có hỏi bởi vì cô là người nước ngoài nên chúng tôi không đánh hay là ai tôi cũng không đánh; tại sao cô không hỏi? Tôi nghĩ nếu có hỏi đi chăng nữa thì câu trả lời cũng quá rõ ràng rồi. Trước đó mình đã có nhiều bằng chứng rồi.
Cô Nancy Nguyễn, một người trẻ lên tiếng cho dân chủ- nhân quyền trong nước, vừa bị an ninh Việt Nam bắt mất tích 6 ngày. RFA PHOTO
Những người làm việc trực tiếp với tôi họ không xâm phạm về mặt thể chất; nhưng tôi nghĩ có những đe dọa về tinh thần. Chẳng hạn như khi tôi nhất quyết không chịu hợp tác, họ không nói sẽ đánh nhưng họ nói bây giờ còn ngồi ở đó vì hành chính chứ mai mốt đưa vào ‘trong kia’ rồi thì nói thật không chịu nổi ba ngày đâu. Họ không đánh mình nhưng nói ‘cứng cỡ nào’ cũng không chịu nổi ba ngày.
Rồi khi đưa vào trại tạm giam thì họ nói cô đừng bao giờ nghĩ có sự can thiệp từ bên ngoài. Tôi biết mình là người nước ngoài và không có làm gì phạm pháp thì không có căn cứ, không có cơ sở để giữ tôi. Họ nói đừng có hy vọng có sự can thiệp nào từ lãnh sự hay bất cứ đâu; chuyện đó không bao giờ xảy ra. Một khi đã vào đây rồi thì chúng tôi có trách nhiệm điều tra cho đến khi nào thấy cần. Cô có thể ở đây 3 ngày, 3 tháng, 3 năm hoặc 30 năm tùy vào thái độ của cô chứ không có bên ngoài nào có thể giúp được hết. Đó là những điều mà tôi nghĩ là một trong những đe dọa về tinh thần.
Họ không xâm phạm thể chất, không đánh đập, không đe dọa nhưng đối với một số người khi bị bắt cóc, mất tích và giam giữ như vậy và trong một thời gian dài (từ ngày 19 đến 25 tháng 5) đó không được quyền gặp gỡ bất cứ ai. Đối với một vài tiêu chuẩn thì đó cũng coi là tra tấn.
Gia Minh: Số người làm việc trong thời gian đó thế nào?
Nancy Nguyễn: Họ thay nhau khoảng chừng 30-40 người canh; nhưng trực tiếp thẩm vấn khoảng chừng 10 người, trong đó có 4 người chính chịu trách nhiệm hồ sơ của tôi. Tất cả đều là nam.
Gia Minh: Lúc này nếu dùng một vài tính từ để nói lại thời gian đó, thì cô dùng những từ nào?
Nancy Nguyễn: Nếu tôi không phải là người nước ngoài thì tôi không thể biết ở trong đó cảm thấy đến mức như thế nào; vì mình biết trước họ không thể có khả năng giữ mình. Những việc mình làm dù không hề có hành vi phạm pháp; nhưng mà theo họ không cần làm gì để lật đổ chính quyền mà chỉ có dấu hiệu có sự phản kháng là phạm pháp rồi theo qui định của pháp luật. Tức là không cần cấu thành hành vi, chỉ cần cấu thành hình thức. Xét về mặt pháp luật Việt Nam, họ có quyền khởi tố tôi rồi. Nếu tôi không phải là người nước ngoài thì với thái độ không hợp tác tôi sẽ phải bị truy tố.
Ở trong đó tôi nghĩ, mình là một người nước ngoài, hiểu chuyện đó thành ra phần nào yên tâm. Khi mà mình một phần nào có thể yên tâm mà họ còn có thể đe dọa đến mức như vậy thì thử hỏi những người trong nước họ lấy gì để bám víu vào, lấy gì để nuôi hy vọng!
Cảm giác của tôi không nghĩ nhiều về bản thân mình vì không có vấn đề gì; nhưng tôi nghĩ nhiều đến những anh chị em đã bị bắt trước và những anh chị em có thể sẽ bị bắt sau tôi. Cảm giác của họ như thế nào khi mà họ không có một ‘cái phao’, không có cơ quan nào đứng ra bảo vệ họ một cách hữu hiệu trước pháp luật!
Gia Minh: Được biết trước đây cô cũng từng đến những nơi như Hong Kong lúc tuổi trẻ, sinh viên đấu tranh và trước ngày 19 bị bắt cô cũng có gặp một số nhà hoạt động tại Việt Nam; như cô vừa chia sẻ bản thân có cái thế mà họ không thể làm quá mức, đồng thời rất ‘chia sẻ’ với những người dám công khai đấu tranh ở trong nước, cô có nhận định gì?
Nancy Nguyễn: Ở Hong Kong ít nhất họ có luật biểu tình, đó là hợp pháp và họ được pháp luật bảo vệ. Nếu chính phủ Hong Kong có những đàn áp, bắt bớ họ thì chính phủ sai, chứ còn người Hong Kong không sai.
Còn những bạn trẻ ở Việt Nam mà hoạt động không nhất thiết phải biểu tình, không nhất thiết phải xuống đường mà mới chỉ thể hiện ý chí phản kháng thôi thì đã là phạm pháp rồi như tôi vừa nói vấn đề ‘cấu thành hình thức’ chứ không phải ‘cấu thành hành vi’.
Tôi thấy giữa những bạn trẻ Hong Kong và những bạn trẻ Việt Nam thì những bạn trẻ Việt Nam ở vào tư thế rất nguy hiểm. Tôi rất phục tinh thần của họ.
Gia Minh: Dù vẫn còn quá sớm và còn những ‘ấn tượng’ khi ở Việt Nam, nhưng qua trải nghiệm vừa rồi có xuất phát những ý tưởng gì cho thời gian tới?
Nancy Nguyễn: Đó cũng là một phần lý do mà tôi muốn thử, gặp gỡ với các anh em an ninh. Ở Việt Nam để xác minh lại một số nghi vấn trước đây của tôi và hy vọng sẽ có được những cái nhìn thống nhất hơn trong tương lai. Hy vọng trong tương lai những gì tôi đã trải qua và các anh chị đã trải qua thì có thể đúc kết lại thành một kinh nghiệm nào đó cho những người đi sau.
Gia Minh: Cô Nancy còn có những chia sẻ gì nữa không?
Nancy Nguyễn: B34, Trại tạm giam và cũng có thể bị khởi tố- tôi là người nước ngoài nên không bị tra tấn, bị nhục hình; không biết các bạn có bị hay không, tôi không biết; nhưng đó là nơi mà tôi không muốn bất cứ ai tới trừ phi các bạn có nhu cầu đến đó tìm hiểu một vấn đề gì đó. Vì B34, Trại tạm giam là những nơi mà mình có thể có được rất nhiều thông tin mà mình làm sáng tỏ được nếu như mình hiểu mình đi đâu, mình làm gì. Tuy nhiên nếu như các bạn không có chủ đích đến đó để tìm hiểu một vấn đề nào đó thì tốt nhất là nên tránh. Vì đó là những nơi mà tôi không muốn bất cứ ai trong chúng ta bị đem tới.
Gia Minh: Thay mặt quí thính giả của Đài Á Châu Tự do cám ơn cô Nancy và chúc cô đạt được những điều mong muốn đạt đến.
Để biết them ve Nancy


Wednesday, May 25, 2016

Người hướng dẫn ông Obama ở chùa Ngọc Hoàng kể gì?

Người hướng dẫn ông Obama ở chùa Ngọc Hoàng kể gì?
·         20:19 25/05/2016
 Giáo sư tôn giáo học Dương Ngọc Dũng chia sẻ với Zing.vn hành trình trở thành người giới thiệu của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại chùa Ngọc Hoàng.
- Theo ông, tại sao chùa Ngọc Hoàng lại được chọn để trở thành điểm đến của Tổng thống Mỹ?
- Tôi đánh giá sự chọn lựa đó là hoàn toàn đúng đắn. Điều thứ nhất, chùa Ngọc Hoàng nhỏ, việc bảo vệ tổng thống khá dễ dàng. Nếu chọn ngôi chùa quá to như Vĩnh Nghiêm thì lực lượng đặc vụ không đủ để để bao phủ toàn bộ từ bên trong bên ngoài. Ở chùa Ngọc Hoàng thì rất gọn, tổng thống đứng ở giữa, xung quanh là đặc vụ, hai bên là nhà báo quốc tế và Việt Nam. Trước mặt là bàn thờ, không ai có thể ẩn nấp ở những chỗ như vậy.
Tôi và đặc vụ Mỹ đã làm việc suốt ba tuần trước chuyến viếng thăm của tổng thống Obama. Họ vào kiểm tra kỹ đến tận thùng rác. Thấy thùng cao, họ bỏ luôn vì sợ có người nấp được bên trong. Thùng phước sương, thùng công đức cũng được mở ra xem. Họ làm việc rất kỹ. Việc đó cho thấy sự lựa chọn ngôi chùa là đúng. Vì ngôi chùa rất bé, bảo vệ dễ hơn. Chùa không có chỗ ẩn nấp.
Nguoi huong dan ong Obama o chua Ngoc Hoang ke gi? hinh anh 1
Giáo sư Dương Ngọc Dũng giải thích cho TT Obama về ý nghĩa của việc thắp ba cây nhang. Ảnh: Hải An.
Điểm thứ hai, xung quanh chùa chỉ có mấy hộ dân, việc nhờ người ta di dời tạm thời buổi chiều, đóng cửa lại rất dễ. Đường Mai Thị Lựu cũng khá nhỏ, nối Bùi Hữu Nghĩa và Điện Biên Phủ, lực lượng an ninh khoá hai đầu rất đơn giản. Tôi cho rằng, đó là lựa chọn khôn ngoan của phía Mỹ. Sư thầy Thích Minh Thông trụ trì của Ngọc Hoàng cũng là một Việt kiều, có thời gian sống ở Mỹ. Tôi cũng học ở Mỹ về, chừng đó lý do để ráp lại thành một lựa chọn hoàn chỉnh.
- Ông đã phải chuẩn bị những gì trước giờ Tổng thống Obama ghé thăm chùa Ngọc Hoàng?
- Trong suốt ba tuần làm việc trước đó, họ đều nói với tôi là: “Giáo sư, ông đừng nên hi vọng quá nhiều về việc này. Mọi thứ có thể thay đổi. Ông không được nói với ai hết trừ vợ ông. Chúng tôi vẫn thường thay đổi vào giờ chót”.
16h Tổng thống Obama ghé chùa thì đến 10h30 họ mới thông báo chắc chắn tôi là người được chọn làm hướng dẫn viên. Ngay lập tức, tôi phải chạy tới họp ngay với an ninh và mật vụ, họp xong lại đến chùa để kiểm tra lần cuối cùng. Họ làm việc nghiêm ngặt từng giờ từng phút một. Đến 14h45, tôi phải có mặt ở chùa Ngọc Hoàng để đón Tống thống.
Thực tế, họ đã bố trí phương án dự phòng. Trong trường hợp tôi không thể thực hiện tốt hoặc có vấn đề về tâm lý, họ sẽ thay thế tôi bằng một chuyên gia Phật học người Mỹ, hiện đang giảng dạy và làm việc tại Đài Loan.
Trợ lý đặc biệt của ông Obama nói với tôi: Dũng, ông là người duy nhất ở đất nước này tiếp cận Tổng thống gần như vậy, trong thời gian lâu như vậy trong khi ông không phải là quan chức gì hết.
- Vậy, người hướng dẫn của Tổng thống Obama đã làm việc như thế nào trong khoảng 10 phút ông ghé thăm chùa?
- Theo kế hoạch của bên an ninh, tôi đứng đợi gần tượng hộ pháp ở sân chùa. Họ lấy băng nhựa đánh dấu chỗ, dặn kỹ không được vươn người nhìn ra hay có hành động nào tương tự. Tôi đứng đó, khi tiếng reo hò như trong một trận bóng đá từ bên ngoài vọng vào, tôi biết tổng thống đã đến. Năm phút sau, tôi thấy Tổng thống Obama đã đứng bên cạnh.
Tôi cũng căng thẳng, xúc động. Ấn tượng ban đầu là ông ấy quá cao lớn. Tôi đứng sững sờ mất mấy giây. Tổng thống quá khác với hình ảnh tôi đã nhìn trên phương tiện truyền thông.
Nguoi huong dan ong Obama o chua Ngoc Hoang ke gi? hinh anh 2
GS Dương Ngọc Dũng và sư trụ trì Thích Minh Thông bên cạnh TT Obama tại chùa Ngọc Hoàng. Ảnh: Hải An.
Tổng thống bắt tay nói: "xin chào, vui được gặp ông." Tôi nói: "chào mừng tổng thống đến Việt Nam và đến thăm chùa Ngọc Hoàng." Trợ lý của tổng thống cũng tới giới thiệu tôi là giáo sư tôn giáo học và sư trụ trì Thích Minh Thông của Chùa Ngọc Hoàng.
Khi trợ lý nheo mắt ra hiệu, tôi bắt đầu giới thiệu: Đây là ngôi chùa theo phái Hoa tông được xây vào cuối thế kỷ 19. Ông Obama hỏi một câu ngắn gọn: “when?” (khi nào?). Tôi nói: năm 1894. Khi tôi giới thiệu về lịch sử ngôi chùa, Tổng thống Obama lắng nghe và bày tỏ ông thấy rất thú vị.
Khi bước vào chính điện của chùa, ý của sư thầy Thích Minh Thông là Tổng thống Obama có thể đi vào bằng cửa chính. Nhưng ông Obama nói rằng mọi người đi như thế nào, ông sẽ đi đúng như vậy. Tổng thống đi từ cửa bên trái, đi qua bàn thờ Phật Thích ca đến thằng bàn thờ Ngọc Hoàng.
Trước đó, đặc vụ nói nếu tổng thống muốn thắp nhang thì có được không? Tôi nói, tổng thống là người theo đạo Tin lành, cho nên việc thắp nhang không tốt sau này cho ông ấy. Nguyên tắc Tin lành không thờ ai ngoài Thiên Chúa. Do vậy, tôi đề nghị tổng thống chỉ nên cúi đầu để bày tỏ sự tôn trọng với tôn giáo khác. Còn nếu tổng thống muốn thắp nhang thì sẽ nhờ sư thầy Thích Minh Thông. Việc này thực hiện đúng theo kịch bản.
Khi đó tổng thống Obama hỏi tôi ý nghĩa của ba cây nhang. Tôi nói: Nhang là tượng trưng cho tinh, khí và thần. Phải giữ lửa liên lục như là nguồn sống, do đó, đền chùa thường phải đốt nhang cả ngày.
Tiếp đó, tổng thống Obama đi ra cửa phụ bên phải để thăm tượng Phật. Tôi giải thích cho ông ấy ý nghĩa của Phật Thích ca, nguồn gốc ra đời của Đức Phật… Khi kết thúc, tổng thống Obama nói lời cảm ơn về những lời giải thích thú vị của tôi. Tôi cũng bày tỏ sự cảm ơn vì đã dành cho tôi vinh dự được làm người hướng dẫn.
- Có kỷ niệm nào thú vị trong buổi hướng dẫn đó?
- Theo quy định của trợ lý, khi tổng thống bước đi, tôi phải đếm từ 1 đến 8 giây mới bước theo. Tôi có hỏi lý do thì người trợ lý giải thích rằng: về nguyên tắc, phải giữ khoảng cách, tuyệt đối không đụng vào người tổng thống, không được trao quà, tặng quà, hay gợi ý chụp hình trong bất cứ trường hợp nào. Khi ra đến cổng, tổng thống đột ngột đứng lại, xoay qua nhìn ông thổ địa. Ông chỉ hình thổ địa hỏi, tôi nói đó là ông thổ địa, là thần tài. Sau đó chỉ sang môn thần, tôi nói đó là người canh cửa, để ma quỷ không vào nhà.
Nguoi huong dan ong Obama o chua Ngoc Hoang ke gi? hinh anh 3
Chùa Ngọc Hoàng là nơi đầu tiên TT Obama ghé thăm khi đến Sài Gòn. Ảnh: Hải An. 
 - Trở thành người hướng dẫn cho Tổng thống Mỹ Obama có ý nghĩa như thế nào với ông?
- Khi gặp, tôi giới thiệu mình là Dũng, ông nói: "Ồ Professor Dũng, ông đọc đúng tên với đúng dấu ngã và bắt tay tôi rất chặt." Ông hiểu công việc người khác làm cho mình rất nặng nề, căng thẳng. Khi tổng thống đứng trong chùa, tôi lùi ra sau một chút thì tổng thống gọi tôi đứng gần. Ông hiểu đây là vinh dự của mình chứ không phải của ông.
Trên đường đi ra khỏi tam quan, cô trợ lý trượt chân lảo đảo. Ông Obama nhanh chóng đỡ cô ấy và nói những lời động viên. Hành động an ủi động viên đó thì cô ấy có làm việc cả đời với ông ấy cũng vui lòng. Tổng thống Obama là người có khả năng kết nối nhanh bằng chính sự rộng lượng, hào phóng như vậy, ông chinh phục người khác ngay lập tức. Không phải sự ngẫu nhiên khi ông Obama vươn từ địa vị xã hội thấp như vậy lên làm tổng thống, tôi cho rằng một phần là thiên bẩm nhưng một phần là học tập và rèn luyện.
Tổng thống Obama: Tôi thích con gái
Khi tôi đang giải thích về Quan Âm, Tổng thống Obama hỏi tôi: "Hầu hết mọi người đến đây cầu xin điều gì?" Tôi nói chùa này nổi tiếng cầu con. Người hiếm muộn thường đến đây cầu xin và họ hay xin con trai vì tâm lý người Việt Nam thích con trai hơn. Đôi khi có con gái rồi, họ đến đây để cầu xin con trai nữa. Ông Obama bật cười nói: "I like daughters" (Tôi thích con gái). Tôi nói: "Me too" (Tôi cũng vậy).
Có tờ báo đăng trụ trì Thích Minh Thông gợi ý với Tổng thống Obama rằng ông hãy cầu xin một đứa con trai đi. Thông tin đó hoàn toàn sai sự thật. Tôi là người trong cuộc và sư thầy Thích Minh Thông không nói câu gì trong suốt hôm đó. Tôi là người giới thiệu về toàn bộ ngôi chùa từ đầu đến cuối, cũng hiểu rất rõ bối cảnh tại sao Tổng thống Obama nói câu đó. Tôi cảm thấy cần phải giải thích rõ để mọi người hiểu và không trách lầm thầy Thích Minh Thông.  
Ông Dương Ngọc Dũng tốt nghiệp Thạc sĩ khoa Đông Á học tại Đại học Harvard (Mỹ) năm 1995, tốt nghiệp Tiến sĩ khoa Tôn giáo học tại Đại học Boston (Mỹ) năm 2001, tốt nghiệp MBA của United Business Institute (Bỉ) năm 2007.


Tuesday, May 24, 2016

Blogger Đoan Trang: An ninh Việt Nam bảo ông Obama nói dối

Blogger Đoan Trang: An ninh Việt Nam bảo ông Obama nói dối
                                                                                        Blogger Phạm Đoan Trang.

Một nhà báo tự do ở Việt Nam cho biết an ninh trong nước thách thức bà đâm đơn kiện sau khi “chặn” bà tới gặp Tổng thống Barack Obama, đồng thời, theo lời bà, nói rằng người đứng đầu Nhà Trắng “nói dối”.
Blogger Đoan Trang cho biết, sau hơn một ngày bị giữ, bà được thả chiều 24/5, ít lâu sau khi Tổng thống Barack Obama có cuộc gặp với một số thành viên của xã hội dân sự Việt Nam.
Bà Trang kể lại rằng một số người mặc thường phục, tự xưng là từ "Cục Bảo vệ An ninh Chính trị, Tổng cục an ninh của Bộ Công an", đã giữ bà lại tại một nhà khách ở tỉnh Ninh Bình trong khi bà đang trên đường từ Sài Gòn trở về Hà Nội để tới gặp Tổng thống Mỹ.
Bà nói tiếp: “Mọi người đều hiểu bắt để chặn đi gặp ông Obama, nhưng mà họ không muốn nói như thế. Họ bảo là bắt để làm việc, liên quan tới các tài liệu ở trên Facebook. Họ giữ rõ ràng là vì mục đích khác, nhưng họ lại cứ nói theo kiểu là không phải vì chuyện ông Obama mà chuyện trên Facebook. Lúc mình nói rằng chúng ta không cần phải diễn kịch với nhau như thế này, và tôi nghĩ rằng việc chặn một người đi gặp tổng thống một nước khác là chuyện không đúng về mặt ngoại giao và nó không đàng hoàng. Họ nói rằng ‘chúng tôi không giữ chị vì việc của Obama, mà vì Facebook’. Chị muốn kiện tụng thì cứ việc kiện. Họ có nói thêm rằng thực ra cuộc gặp của ông Obama và khối xã hội dân sự độc lập là một sự dối trá của Obama bởi vì theo như nguồn tin của phía họ, thì trong lịch trình hoạt động thực sự của Obama ở Việt Nam thì không có màn nào là màn gặp các đại diện của xã hội dân sự độc lập cả, nghĩa là Obama nói dối.”
Theo đoạn video đăng tải trên trang web của Nhà Trắng, chỉ có một số nhà hoạt động ở Việt Nam tham gia cuộc gặp với ông Obama tại một khách sạn ở Hà Nội. Sau cuộc gặp, Tổng thống Mỹ cho báo giới hay rằng “một số nhà hoạt động đã bị ngăn không cho tới gặp ông”.
Nhà Trắng chưa đưa ra phản ứng sau các cáo buộc của phía an ninh Việt Nam, như theo lời của blogger Đoan Trang. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng chưa lên tiếng về tuyên bố của Tổng thống Obama.
VOA Việt Ngữ cũng không thể liên lạc với cơ quan công an mà bà Trang nêu ra để phỏng vấn.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A chuẩn bị đi gặp Tổng thống Obama. Ông post trên trang Facbook của mình: Có thể bị chặn, bị bắt. Báo trước để bà con được rõ. Khổ các bạn an ninh thức thâu đêm (23 giờ hôm qua cả chục cậu ngồi bên nhà đối diện).
Trong khi đó, tiến sỹ Nguyễn Quang A cho biết, ông “không có duyên với ông Obama”, sau khi sáng nay, 24/5, bị các nhân viên an ninh Việt Nam “quăng lên xe” rồi đưa ra khỏi Hà Nội cho tới khi Tổng thống Hoa Kỳ rời thủ đô của Việt Nam để vào TP HCM.
Trong bài phát biểu tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội hôm 24/5, Tổng thống Obama cũng nhắc tới vấn đề mà Việt Nam và Mỹ vẫn còn khác biệt, đó là nhân quyền.
Ông Obama cho rằng việc cho phép người dân tự do bày tỏ ý kiến, và tiếp cận thông tin chỉ làm cho xã hội tốt đẹp hơn.
Ông nói thêm: “Các quốc gia thường thành công hơn khi người dân được tự do bày tỏ suy nghĩ, được phép hội họp mà không sợ bị trấn áp, hay có thể tiếp cận Internet và mạng xã hội. Bảo đảm các quyền đó không đe dọa tới ổn định mà thực ra còn củng cố ổn định, và là nền tảng cho phát triển.”
Phát biểu của ông Obama được đưa ra một ngày sau khi nhà lãnh đạo Mỹ công bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí cho Việt Nam.
Thông điệp mình muốn nói với ông Obama nó không phải xấu như họ nghĩ. Nó có lợi chung cho lợi ích quốc gia. Họ không cần biết mình nói gì thì đã chặn rồi. Trước hết, mình hoan nghênh dỡ bỏ việc cấm vận vũ khí với Việt Nam. Trong bối cảnh, Trung Quốc tiếp tục gây hấn trên biển Đông, thì bắt buộc Việt Nam phải tăng cường vũ khí, càng hiện đại càng tốt, tốt nhất là từ Mỹ...Về vấn đề nhân quyền, mình muốn 4 quyền sau đây được cải thiện, một là quyền tự do ngôn luạn; hai là quyền tự do lập hội và tụ tập ôn hòa; ba là quyền tự do tham gia vào chính trị, và vấn đề thứ tư mà mình muốn đề nghị đó là thúc đẩy quyền được xét xử công bằng ở Việt Nam.
Blogger Đoan Trang nói.
Quyết định này sau đó vấp phải sự chỉ trích của một số tổ chức nhân quyền, trong đó có Human Rights Watch. Ông Phil Robertson, giám đốc phụ trách châu Á của cơ quan thúc đẩy nhân quyền này, nói với đài VOA rằng  Hoa Kỳ đã “tặng thưởng” Việt Nam ngay cả khi chính quyền Hà Nội chưa thực hiện điều gì nổi bật về nhân quyền.
Trong khi đó, blogger Đoan Trang cho biết bà ủng hộ việc dỡ bỏ lệnh cấm vận:
“Thông điệp mình muốn nói với ông Obama nó không phải xấu như họ nghĩ. Nó có lợi chung cho lợi ích quốc gia. Họ không cần biết mình nói gì thì đã chặn rồi. Trước hết, mình hoan nghênh dỡ bỏ việc cấm vận vũ khí với Việt Nam. Trong bối cảnh, Trung Quốc tiếp tục gây hấn trên biển Đông, thì bắt buộc Việt Nam phải tăng cường vũ khí, càng hiện đại càng tốt, tốt nhất là từ Mỹ. Do vậy, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí là cần thiết. Việc đó độc lập với chuyện cải thiện nhân quyền. Nó không phải là việc loại trừ nhau, anh chỉ được chọn một trong hai. Về vấn đề nhân quyền, mình muốn 4 quyền sau đây được thực hiện, một là quyền tự do ngôn luận; hai là quyền tự do lập hội và tụ tập ôn hòa; ba là quyền tự do tham gia vào chính trị, và vấn đề thứ tư mà mình muốn đề nghị đó là thúc đẩy quyền được xét xử công bằng ở Việt Nam.”
Ngoài ra, blogger này cho biết bà cũng tính sẽ kêu gọi chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama giúp điều tra vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung.
Vừa qua, có hơn 100.000 người đã gửi kiến nghị lên Nhà Trắng, đề nghị Tổng thống Mỹ nêu vấn đề cá chết và thảm họa tự nhiên ở miền Trung trong các cuộc gặp với giới lãnh đạo Việt Nam.
Hiện chưa rõ là trong các cuộc trao đổi kín, ông Obama nêu lên vấn đề như theo lời kêu gọi của người Việt hay không.


Tổng Thống Obama hoàn tất ngày thứ hai trong chuyến thăm Việt Nam

Tổng Thống Obama hoàn tất ngày thứ hai trong chuyến thăm Việt Nam
RFA
2016-05-24
Tổng thống Mỹ Barack Obama (bên phải) được chào đón tại sân bay Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 24 tháng 5 năm 2016.
http://www.rfa.org/rfa_resources/graphics/icon-zoom.png AFP PHOTO

NGHE: http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/president-obama-in-vietnam-day-two-05242016084601.html/052416-news.mp3
Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đã hoàn tất ngày thứ nhì của ông ở Việt Nam, với nhiều hoạt động kéo dài từ buổi sáng sớm ở Hà Nội cho đến chiều tối ở Sài Gòn, từ cuộc gặp gỡ với đại diện những tổ chức xã hội dân sự, bài diễn văn gửi nhân dân Việt Nam, cho đến bài nói chuyện trước các doanh nghiệp để thúc đẩy quan hệ thương mại song phương.
Trong bài diễn văn gửi nhân dân Việt Nam đọc trước 2,000 người ngồi chật cứng Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia Hà Nội, Tổng Thống Hoa Kỳ đã thu hút sự chú ý của cử tạo khi ông mở đầu bài phát biểu bằng hai câu “Xin Chào, Xin Chào Việt Nam”, trước khi cho hay sự thân thiện mà người dân Việt dành cho ông đã tạo niềm xúc động đến trái tim của ông và của phái đoàn.
Ông cũng nói đùa rằng trong đời, ông chưa bao giờ bao giờ thấy có nhiều xe máy chạy trên dường phố như ở Việt Nam, nói thêm ông chưa thử đi qua đường, nhưng khi nào có dịp trở lại đất nước này, thế nào ông cũng phải nhờ mọi người chỉ cho ông cách làm thế nào qua đường cho an toàn.
Sau những lời mở đầu duyên dáng, Tổng Thống Obama đi thẳng vào vần đề, cho biết ông không phải là vị Tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân đến Việt Nam, nhưng cũng như đa số người dân Việt, ông là vị tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên trưởng thành sau cuộc chiến, và ông cho hay những người trẻ bây giờ chỉ biết đến hòa bình, đến bình thường hóa quan hệ giữa 2 nước, bảo thêm rằng mọi người đều ý thức về quá khứ, ý thức về một lịch sử khó khăn, nhưng tất cả đều hướng về tương lai, hướng tới thịnh vượng, an ninh và ổn định, vì hòa bình bao giờ cũng tốt đẹp hơn chiến tranh.
Tổng Thống Hoa Kỳ cũng khiến cho mọi người xúc động khi ông mời mọi người cùng ông đi theo chiều dài của lịch sử, cho hay cá nhân ông trân quý quá khứ lịch sử huy hoàng của Việt Nam, lịch sử mà ông nói rằng “đã được viết lên những chiếc trống đồng Đông Sơn, Hà Nội đã đứng vững trên dòng sông Hồng hơn một nghìn năm, thế giới đều biết đến lụa và những bức tranh của Việt Nam và Văn Miếu là bằng chứng kiến thức của Việt Nam.”
Với lịch sử huy hoàng đáng kính trọng đó, nhà lãnh đạo nước Mỹ không quên nói đến chuyện từng có thời kỳ kéo dài nhiều thế kỷ, vận mệnh của người dân Việt Nam lại bị quyết định bởi người khác, đất nước thân yêu của người Việt có lúc không nằm trong tay của người Việt, ý muốn nói đến thời kỳ Việt Nam bị đô hộ bởi người Trung Hoa. Nhưng, ông bảo thêm rằng như những cây tre đứng thẳng ở các ngôi làng, “tinh thần bất khuất của người Việt Nam như Lý Thường Kiệt đã ghi lại: Sông núi nước Nam vua Nam ở-Rành rành đã định tại sách trời”.
Tổng Thống Hoa Kỳ không quên nhắc đến những hình ảnh của chiến tranh, và những gì còn sót lại, khi ông nói và chúng tôi xin trích dẫn nguyên văn như sau: “Trong các nghĩa trang liệt sĩ, trên bàn thờ của các gia đình Việt Nam chứa đựng đầy những nỗi đau. Có khoảng 3 triệu người Việt Nam, dân thường và binh sĩ ở cả hai phía, đã mất đi. Trên bức tường tưởng niệm ở đất nước chúng tôi, người ta có thể chạm vào tên của 58.315 binh sĩ vĩnh viễn không trở về. Hôm nay chúng ta cùng với nhau, người Việt và người Mỹ, cùng nhận thức nỗi đau và mất mát mà chiến tranh đem đến.”
Khi nói đến điều này, ông Obama đưa ra thí dụ của 2 người lính được xem là tiêu biểu cho nước Mỹ và Việt Nam là Thượng Nghị Sĩ John McCain và Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, những người đã đồng ý quên quá khứ chiến tranh để mở một trang sử thân tình mới, nhắc lại việc Thượng Nghị Sĩ John McCain đã gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nói rằng “Hai nước chúng ta không nên là kẻ thù, nên làm bạn”, giúp nhân dân hai nước cơ hội đến gần với nhau, như câu hát của Văn Cao: “Từ nay người biết quê người. Từ nay người biết thương người.”
Ông nói rằng với vai trò của người đang lãnh đạo nước Mỹ, ông muốn tiếp tục những sự tiến bộ này của quan hệ hai nước và với quan hệ đối tác toàn diện, nhấn mạnh mục tiêu của ông trong chuyến viếng thăm Việt Nam là 2 nước cùng nhau xây dựng nền tảng ngày càng vững chắc hơn cho quan hệ hai nước trong nhiều thập kỷ tới vì ngày hôm nay, hai nước đã trở thành bạn bè, đối tác của nhau.
Theo lời Tổng Thống Hoa Kỳ, quan hệ đối tác giữa Mỹ với Việt Nam dựa trên những điều căn bản: Việt Nam là một nước có chủ quyền độc lập và không có quốc gia nào khác có thể áp đặt lên ý chí của người dân Việt Nam. Độc lập, chủ quyền ấy, ông nói tiếp “do người dân Việt Nam quyết định”.
Liên quan đến Biển Đông, Tổng Thống Hoa Kỳ nhắc lại mặc dù nước Mỹ không phải là một bên tranh chấp, nhưng Washington khẳng định và đề cao quyền tự do hàng hải và hàng không; tự do thương mại không bị ngăn trở; giải quyết các tranh chấp thông qua pháp lý và luật pháp quốc tế. Vì vậy, Hoa Kỳ sẽ đưa tàu và máy bay di chuyển ở bất kỳ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, và ủng hộ quyền của các nước khác hành động như vậy.
Tổng Thống Obama cũng nhắc lại hôm qua (23/5/2016), ông đã tuyên bố Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh hoàn toàn cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, không chỉ để thể hiện Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ toàn diện với Việt Nam, mà còn nhằm mục đích đảm bảo Việt Nam có thể có vũ khí cần thiết để đảm bảo an ninh.
Bài diễn văn gửi nhân dân Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ cũng nhắc đến nhân quyền, điều được ông gọi là một trong những điểm quan trọng trong việc xây dựng quan hệ giữa 2 nước, thẳng thắn nhìn nhận “vẫn còn những khác biệt cần phải giải quyết”.
Theo lời Tổng Thống Obama, không một quốc gia nào hoàn hảo, ngay chính nước Mỹ cũng đang nỗ lực để đi đến hoàn hảo bằng cách chấp nhận, lắng nghe những lời phê bình của người dân, vì những lời phê phán đó giúp dất nước tiến bộ hơn về mọi mặt.
Vì thế, Tổng Thống Obama nói thêm rằng Hoa Kỳ không bao giờ áp đặt với Việt Nam, nhưng ông nhấn mạnh ở điểm những giá trị căn bản, quyền căn bản của con người phải được thể hiện, đặc biệt những quyền căn bản, giá trị căn bản đó được nêu trong hiến pháp của Việt Nam, như người dân có quyền tự do ngôn luận, quyền tự do bày tỏ tư tưởng hay quyền được lập hội, nhấn mạnh ở điểm quốc gia sẽ tiến bộ hơn khi nhân quyền được tôn trọng.
Tổng Thống Hoa Kỳ nhắc lại Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam đã trích tuyên ngôn độc lập của Mỹ, nói rằng mọi người sinh ra bình đẳng, tạo hóa cho họ các quyền không thể xâm phạm trong đó có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc, để giải thích thêm, và chúng tôi cũng xin trích dẫn nguyên văn lời ông như sau: “Khi có quyền tự do bày tỏ ý kiến, tự do ngôn luận, và khi mọi người có thể chia sẻ ý tưởng qua internet và mạng xã hội mà không gặp một cấm đoán nào thì điều đó sẽ thúc đẩy sự sáng tạo mà mọi nền kinh tế đều cần để phát triển. Chính như vậy mới có những ý tưởng mới. Chính như vậy mà Facebook đã bắt đầu. Những công ty lớn của chúng tôi đã ra đời như thế, bởi vì một ai đó đã có một ý tưởng mới mẻ. Ý tưởng này rất khác biệt. Và họ đã có thể chia sẻ những ý tưởng đó với nhau”.
Khi có tự do báo chí, khi các nhà báo và bloggers có thể đưa ra ánh sáng những nỗi bất công, những sự lạm quyền, điều đó bắt các giới chức có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm, và điều đó làm cho công chúng tin rằng chúng ta đang có một chế độ tốt.
Tổng thống Hoa Kỳ nói tiếp: “Khi mọi người có thể ra ứng cử, và vận động tranh cử một cách tự do, khi mà cử tri có thể lựa chọn người lãnh đạo của mình trong những cuộc bầu cử công bằng, thì điều đó làm cho đất nước ổn định, bởi vì dân chúng biết rằng tiếng nói của họ được lắng nghe, và những thay đổi hòa bình có thể xảy ra. Và xã hội sẽ giang rộng vòng tay đón những người mới”.
“Khi có tự do tín ngưỡng thì không chỉ giúp con người có điều kiệu biểu đạt tình yêu của họ đối với các tôn giáo lớn, mà các nhóm tinh thần khác nhau có thể phục vụ cộng đồng bằng các hoạt động giáo dục, giúp đỡ bệnh viện, những người nghèo, và những người dễ bị tổn thương của xã hội. Và khi người dân có quyền tự do tụ họp thì họ được tự do tổ chức trong xã hội dân sự. Điều đó sẽ giúp chính quyền giải quyết các thách thức mà đôi khi họ không thể một mình làm được. Vì thế nhân quyền không làm tổn hại sự ổn định mà giúp nền tảng xã hội ổn định hơn, và tiến bộ hơn”.
Ông bảo thêm: “Nói cho cùng, những điều đó đã làm cho mọi người khắp nơi trên thế giới lật đổ chế độ thuộc địa. Và tôi tin rằng tôn trọng nhân quyền là cách diễn đạt đầy đủ nhất nền độc lập, của một dân tộc tuyên bố tuyên bố rằng chính quyền của mình là của dân, do dân và vì dân”.
Bài diễn văn dài nửa giờ đồng hồ Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama gửi người dân Việt Nam kết thúc với lời nhắn gửi của ông là chính người Việt quyết định tương lai cho người Việt, nước Mỹ luôn luôn là đối tác và cũng là người bạn tốt của Việt Nam.
Ông bảo thêm rằng mai sau, khi người dân Hoa Kỳ và Việt Nam cùng nhau học hỏi, cùng phối hợp sáng tạo chung với nhau, ông hy vọng mọi người nhớ đến khoảnh khắc ông đứng ở Việt Nam để đưa ra cái nhìn hy vọng chung cho tương lai của 2 nước, như đại thi hào Nguyễn Du đã nói: "Rằng trăm năm cũng từ đây. Của tin gọi một chút này làm ghi”.