Monday, November 1, 2021

ĐOẠN TUYỆT VỚI FACEBOOK ĐỂ VUN XỚI TÌNH NGƯỜI - Đại-Dương

 


                Oct 27 Đoạn tuyệt Facebook

 

Tài liệu tham khảo:

The story of Carol and Karen: Two experimental Facebook accounts show how the company helped divide America (USA Today)

Bombs, beheadings and masses of fake news: 21 days on Facebook in India (SCMP)

Time to stop Facebook, Google takeovers (Asia Times)

How Facebook neglected the rest of the world, fueling hate speech and violence in India (TWP)

Misinformation Free-For-All And A ‘Tepid’ Response To Capitol Riots: Here’s What The ‘Facebook Papers’ Allege So Far (Forbes)

Priscilla Chan: Mark Zuckerberg's moral compass (Sunday Times)

 

ĐOẠN TUYỆT VỚI FACEBOOK

 ĐỂ VUN XỚI TÌNH NGƯỜI

Đại-Dương

 

Facebook do Mark Zuckerberg sáng lập năm 2004 khi đang theo học năm thứ hai Đại học Harvard.

Zuckerberg ra mắt Công ty Facebook năm 2012 ở vai trò Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành và trở thành tỉ phú trẻ tuổi nhất thế giới được nằm trong danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất toàn cầu. Facebook hiện có 2.7 tỷ người tham gia. The Forbes xếp Mark Zuckerberg hạng 5 trong tốp 10 tỉ phú hàng đầu với tổng số tài sản lên tới 97 tỷ USD.

Kể từ 25/10/2021 đã có 17 tờ báo và cơ quan truyền thông quốc tế cáo buộc Mark Zuckerberg đã đích thân ký cam kết với chính phủ Việt Nam để hạn chế những bài viết được gọi là “chống nhà nước”.

Mạng lưới xã hội Facebook lan rộng không phân biệt thể chế chính trị trên thế giới đã ảnh hưởng thế nào tới cộng đồng nhân loại: Lợi hoặc Hại?

Lợi: Loài người kết hợp với nhau một cách nhanh chóng bất chấp thời gian, không gian về những ý tưởng tương đồng hoặc đối lập. Con người có điều kiện hiểu biết thêm về không gian, hệ thống chính trị, nếp sống, tâm tư, tình cảm, khát vọng của nhiều sắc dân khác nhau trên quả Địa Cầu. Sự hiểu biết rộng rãi có thể dẫn tới thông cảm về những suy tư khác biệt nhau. Hy vọng tình trạng xung đột, chiến tranh sẽ từ từ biến mất như mặt trời mọc ở đằng Đông, lặn đằng Tây.

Hại: Vì muốn chứng tỏ khả năng bén nhạy đối với bất cứ vấn đề nào mà có người đã vội vã đưa ra các phản ứng chưa được nghiền ngẫm thấu đáo. Không có thì giờ để hiểu rõ sự việc đã diễn ra khiến cho người ta đi tới kết luận võ đoán. Một bản “tin giả” loan truyền có thể triệu triệu người bị hoặc nhận được và hăng say chuyển tiếp làm xảy ra tình trạng “lộng giả thành chân”. Chống đối, sỉ nhục, đe dọa, bịa đặt, nói xấu, vẽ rắn thêm chân khiến cho xã hội mất niềm tin lẫn nhau, hận thù từ trong gia đình lan tới hàng xóm láng giềng và ngập tràn xã hội. Nhìn đâu cũng thấy kẻ thù rồi tìm cách phục hận. Con người đã và đang đắp mô hoặc đào rãnh cản trở tình nhân loại, nghĩa đồng bào.

Thành công của Mark Zuckerberg

Chỉ một trong vòng 9 năm, Zuckerberg từ bàn tay trắng đã xây dựng nên một Đế chế Truyền thông khổng lồ và bao trùm thiên hạ chưa từng thấy trong dòng lịch sử nhân loại.

-Thứ nhất, Zuckerberg khai thác tâm lý ích kỷ, ti tiện bị giấu kín hoặc che đậy kỹ lưỡng của loài người mà vùng lên đàn áp bất cứ ai không đứng cùng chiến tuyến. Hàng rào lịch thiệp trong giao dịch nhân loại bị Facebook giẫm nát.

-Thứ hai, bộ phận thuật toán của Facebook đã tạo ra hai nữ nhân vật cực hữu: Carol ủng hộ trang web “Donald Trump là Chúa Giê-su”, và cực tả Karen xuất hiện trên các trang “chống Trump”. Hai người phụ nữ này không có thật được Facebook tạo ra để làm trầm trọng thêm tình trạng chia rẽ chính trị ở Hoa Kỳ bằng cách đề xướng nội dung đầy rẫy thông tin sai lệch và chủ nghĩa cực đoan.

Từ Hoa Kỳ, làn sóng này lan khắp toàn cầu khiến cho loài người kết bè, kéo cánh để “choảng nhau” trong tinh thần một mất một còn với bất cứ sự kiện nào, lời nói nào. Yêu thương, bao dung do các tôn giáo rao giảng hoặc từ truyền thống dân tộc, thói quen gia đình bị Facebook tướt đoạt mà ném vào sọt rác. Loài người còn gì ngoài con tim héo chứa đầy hận thù. Cha mẹ, ông bà con cháu, anh em, họ hàng, bạn bè, láng giềng, đã trở thành kẻ thù bất cộng đái thiên vì những nguồn tin bịa đặt hoặc bóp méo.

-Thứ ba, Facebook khai thác tâm lý “mặc cảm thấp kém trong cuộc sống” của nhân loại để tiến vào lĩnh vực phê phán, chỉ trích, lên giọng dạy đời, kể cả những lĩnh vực mà mình mù tịt. Khi bị phản bác, họ càng tìm cách biện minh rồi lấy đà leo thang chỉ trích bất tận. Trường hợp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 cho thấy 2.9 triệu người dùng Facebook cứ như đang rơi vào cơn lốc bị cuốn đi không còn biết phương hướng. Họ như một đoàn người mù sờ voi nên cãi nhau như mổ bò làm cho con tim khô héo triền miên.

-Thứ tư: Facebook thường nhượng bộ các quốc gia độc tài tuyệt đối như Trung Quốc và Việt Nam vì lợi nhuận đã bị Frances Haugen từng làm việc trong tổ chức này tố cáo khi ra điều trần trước Quốc Hội khoảng 20 phút. Facebook thừa nhận từ tháng giêng đến tháng 6/2020, đã ngăn tiếp cận 834 nội dung chống Đảng Cộng sản để đáp ứng Nghị định số 72/2013/ NĐ-CP của Hà Nội.

Hãng tin AFP dẫn nguồn tin từ The Washington Post nói rằng đích thân Zuckerberg đồng ý giúp Việt Nam loại bớt các nguồn tin phê phán Nhà nước vì không muốn bị mất thị trường có khoảng 60-70 triệu người sử dụng. Facebook từ chối trả lời AFP.

Trong bài “The story of Carol and Karen: Two experimental Facebook accounts show how the company helped divide America” trên Nhật báo USA TODAY hôm 23/10/2921 đã viết “Tại Mỹ, Facebook bị cáo buộc gây ảnh hưởng tâm lý, bao gồm cả việc ảnh hưởng của nó với các cảm giác tiêu cực đối với các vấn đề xã hội, hội chứng nghiện mạng xã hội đang là một vấn đề nan giải đối với giới trẻ tại quốc gia này.[86] Vấn đề này cũng xảy ra rất nhiều nơi trên thế giới.

Thứ năm, Ấn Độ có 1.3 tỷ dân với 22 ngôn ngữ chính thức đã được Facebook coi như thị trường tăng trưởng chính và nơi thử nghiệm các sáng kiến mới của Facebook. Phát ngôn của Facebook cho biết: “Chúng tôi đã đầu tư đáng kể vào công nghệ để tìm lời nói căm thù bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, bao gồm cả tiếng Hindi và tiếng Bengali. Ấn Độ bị hệ thống tin giả của Facebook tạo ra môi trường hận thù và bạo lực như chặt đầu, đánh bom, bắt cóc gia tăng. Tội ác và tệ trạng xã hội gia tăng nhanh chóng trong vài năm qua cùng từ nguyên nhân “tin giả” do các mạng xã hội phát tán.

Phu nhân của Zuckerberg, Priscilla Chan biện minh cho chồng

Trả lời phỏng vấn của Ký giả Kirsty Lang đăng trên Sunday Times ngày 24/10/2021, Priscilla kể thuộc gia đình Việt gốc Hoa sống ở Sài Gòn đã vượt biển tìm tự do sau 30/04/1975, mở tiệm phở ở Boston. Bà sinh ra tại Massachussetts vào năm 1985, con gái một gia đình di dân Hoa - Việt lớn lên đã gặp cảnh kỳ thị (racism), và tuân theo nguyên tắc sống "Gặp khó khăn thì hãy cúi đầu, nỗ lực hơn”. Mark Zuckerberg gốc Do Thái thuộc gia đình trung lưu ở New York. Họ gặp nhau tại Đại học Harvard và kết hôn năm 2012 và hiện có hai con gái, August và Maxima.

Priscilla Chan đã kể khá nhiều về cuộc hôn nhân của hai người, về lối sống được giáo dục từ nhỏ, và cuộc sống gia đình hiện nay. Rồi cho biết đã “kéo chồng trở lại thực tại” qua công tác từ thiện nên đã lập ra “Quỹ CZI - Chan Zuckerberg Innitiative” như kim chỉ nam cho định hướng luân lý của chồng”.

Khi sinh con gái đầu lòng vào năm 2015, vợ chồng tỷ phú này cam kết sẽ hiến tăng 99% tài sản bắt đầu bằng việc mỗi năm sẽ hiến tặng 1 tỷ USD cho công tác từ thiện.

Nhưng, tác giả Kirsty Lang đặt câu hỏi liệu nó bù đắp được bao nhiêu cho những điều tai hại mà Facebook bị cáo buộc đã gây ra?

Nhà báo Lang hỏi người nhận giải Nobel Hoà Bình năm 2021, Maria Resa nói Facebook “là mối đe dọa cho nền dân chủ”.

Sai Lầm của loài người

Nhân loại hy vọng nhiều nguồn tin khác nhau có thể giúp mọi người hiểu rõ bối cảnh của sự kiện mà đưa ra nhận định hoặc hành động đúng đắn, chính xác. Nguồn tin giả sẽ làm cho các quyết định lạc hướng dẫn tới sai lầm khó cứu chữa.

Tin giả do Facebook loan truyền như một dây dẫn hoả làm cho đám cháy càng lúc càng lan rộng.

Chúng ta cần nhiều nguồn tin khác nhau, nhưng, phải chính xác mới có thể đối phó kịp thời. Tin giả là quả bom đã rút chốt sẽ nổ bất cứ lúc nào và cũng chẳng có ai ngăn được.

Trò chơi games điện tử đã dẫn nhiều người sống trong ảo mộng. Trẻ em, thiếu niên dối cha, dối mẹ để thả hồn với trò chơi điện tử mà quên nhiệm vụ trau dồi kiến thức cần thiết cho xã hội mai sau và tương lai bản thân. Người đi làm xao lãng công việc nên mất năng suất và có thể bị sa thải. Tất cả những người hữu ích cho xã hội, cho nhân quần đều làm việc chăm chỉ và tận tụy. Giải trí đối với họ cần thiết, nhưng, không phải là mục tiêu của cuộc sống.

Nhân loại cần thuốc để chữa căn bệnh “đầu độc tư tưởng”.

Trị tin giả cần lý trí, dũng cảm mới có thể thoát khỏi một căn bệnh vô hình mà rất nguy hiểm trong cuộc sống.

Hãy tạo môi trường thương yêu, đùm bọc lẫn nhau bất chấp màu da, sắc tộc, giàu sang, nghèo khó mới dẫn tới tình thương không bờ bến trong nền hoà bình vĩnh cửu của nhân loại.

Đại-Dương  

 

CON BỌ ĐÀI LOAN - Vũ Thế Khanh

 CON BỌ ĐÀI LOAN

Vũ Thế Khanh-K20


Một con bọ nhỏ có thể khiến một ông khổng lồ bị tê liệt. Với diện tích chưa đầy 20% của tỉnh Quảng Đông, Đài Loan được tất cả các siêu cường kinh tế thế giới ve vãn vì nắm giữ một phần vận mệnh kinh tế toàn cầu nhờ vào những con bọ nano. Phúc hay họa cho Đài Loan trong cuộc tranh hùng Mỹ - Trung Quốc ? Bắc Kinh lệ thuộc vào « bọ » Đài Loan đến mức độ nào ?

Trung Quốc – Đài Loan : Gã khổng lồ và những con bọ. Đây có thể là một câu chuyện ngụ ngôn về ông khổng lồ Trung Quốc đang ráo riết săn lùng những con bọ nano, tức chỉ bằng một vài phần ngàn của một mili-mét. Về phía Đài Loan, dù chỉ « bằng cái nắm cơm » nhưng hòn đảo này lại kiểm soát 50 % thị trường chip điện tử toàn cầu và đang dẫn đầu nền công nghệ bán dẫn trên thế giới.

Gót chân Achille của ông khổng lồ Trung Quốc

370 tỷ đô la chip nhập khẩu, mỗi năm Trung Quốc mua bọ điện tử nhiều hơn là dầu hỏa. Tháng 5/2020 chính quyền Mỹ thời Donald Trump cấm tập đoàn sản xuất linh kiện bán dẫn Đài Loan TSMC cung cấp một số « mặt hàng nhậy cảm » cho Trung Quốc, chính xác hơn là cho tập đoàn viễn thông Hoa Vi. Một phần lớn các hoạt động Hoa Vi bị chựng lại : điện thoại di động với logo hình hoa sen kém hấp dẫn. Hoa Vi đột ngột bị « hất khỏi » thị trường điện thoại thông minh cao cấp.

Đó mới chỉ là một thí dụ cụ thể trong số rất nhiều những thí dụ khác cho thấy chip điện tử « thế hệ mới » chiếm một vị trí quan trọng như thế nào trong đời sống hàng ngày của phần lớn nhân loại. Nguy hiểm đối với Trung Quốc là Đài Loan đang dẫn đầu ngành công nghệ bán dẫn, với mũi nhọn lợi hại nhất mang tên TSMC.

Chỉ nội một tập đoàn này đem về một phần tư GDP cho Đài Loan. Ở vào thời điểm hiện tại, TSMC gần như độc quyền sản xuất bọ thu nhỏ dưới 7 nano, tức là dưới 7/1000 mili-mét. Mà đó lại là bộ não của những chiếc điện thoại thông minh đời mới nhất. Không có chip của TSMC thì không thể có iPhone 13. Tập đoàn Apple của Mỹ sở dĩ trong năm 2007/2008 đã bán ra được hơn 1,3 tỷ chiếc điện thoại thông minh với logo hình quả táo là nhờ bọ của Đài Loan.

Trung Quốc ý thức rất rõ về vị trí chiến lược của Đài Loan không chỉ trên bàn cờ địa chính trị, mà cả về công nghệ mới. Trả lời đài RFI tiếng Việt, nhà nghiên cứu Marc Julienne Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI phân tích về vị trí chiến lược của Đài Loan chỉ nhờ những « con bọ » rất, rất nhỏ.

Marc Julienne : « Đài Loan là một quốc gia nhỏ bé mà bắt một ông khổng lồ như Trung Quốc phải phụ thuộc vào mình, đặt mình vào vị trí một đối tác không thể thiếu của rất nhiều các quốc gia khác trên thế giới, chỉ nhờ một vào một lĩnh vực. Rất nhiều nền kinh tế từ Hoa Kỳ đến Nhật Bản đều muốn sử dụng công nghệ của Đài Loan. Gần đây Tokyo vừa loan báo TSMC mở một nhà máy tại Nhật Bản. Ủy viên châu Âu đặc trách thị trường nội khối, Thierry Breton đang đàm phán với công ty Đài Loan này về một dự án công nghệ Nano trên lãnh thổ châu Âu. Cần nói thêm Liên Âu đang chậm trễ trong lĩnh vực này. Nhờ nắm giữ một công nghệ của tương lai, cho nên Đài Loan đang được tất cả các cường quốc công nghệ ve vãn ».

Trung Quốc, « tòa nhà chọc trời xây trên cát »

Năm 2019 sáng lập viên mạng xã hội Trung Quốc Tencent, ông Mã Hóa Đằng (Pony Ma) đã không vòng vo nhận xét : Thiếu « bọ », Trung Quốc thống lĩnh thị trường máy móc điện tử nhưng thực ra chỉ là một « tòa cao ốc xây trên cát ». Phần lớn tivi, tủ lạnh, máy điều hòa … trên thế giới đều là hàng « made in China » nhưng Trung Quốc chỉ đủ sức tự cung cấp cho chưa đầy 16 % linh kiện bán dẫn cần thiết mà đấy lại là những con bọ « thô sơ » ở kích cỡ 20 nano. Nói cách khác, thiếu chip nhập từ nước ngoài - đứng đầu là Đài Loan và Hàn Quốc thì lập tức cả chuỗi sản xuất của Trung sẽ bị chựng lại ngay. 

Thật ra Bắc Kinh biết rõ nhược điểm của mình hơn ai hết nên đã lao vào một cuộc chạy đua với thời gian : kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm trong giai đoạn 2021-2025  dự trù đầu tư gần 200 tỷ đô la với một mục tiêu rõ ràng và truyền thông Bắc Kinh nói đến một bước « Đại nhảy vọt của ngành công nghệ bán dẫn ». Nhưng theo hãng tin Bloomberg thì « kế hoạch kinh tế thứ 14 của Trung Quốc dành đến 1.400 tỷ đô la để phát triển chip điện tử thế hệ ba » bởi vì Bắc Kinh biết là bọ điện tử Trung Quốc đang bị các đối thủ Đài Loan và Mỹ bỏ lại phía sau từ « hai đến ba thế hệ » như phân tích của George Stieler, đồng sáng lập viên công ty tư vấn chuyên về thị trường điện tử Stieler Management Consulting, chi nhánh tại Thượng Hải.

George Stieler nhắc lại kế hoạch đầy tham vọng mang tên Made in China 2025 đề ra mục tiêu, Trung Quốc tự sản xuất đến 70 % bọ điện tử để không lệ thuộc vào bất kỳ một nguồn cung cấp nào, nhất là vào Đài Loan. Bốn năm trước kỳ hạn đó, tỷ lệ tự túc đó mới chỉ chưa đầy 16 %. Thêm một bài toán khó cho Trung Quốc là đội ngũ nhân sự chưa sẵn sàng làm chủ công nghệ mới và việc đào tạo đòi hỏi thời gian. 

Bản sao không bao giờ bằng được nguyên bản

Lợi thế của Trung Quốc là có nhiều phương tiện tài chính và quyết tâm của Bắc Kinh gây dựng cho tập đoàn quốc gia SMIC để đuổi kịp ông vua công nghệ bán dẫn TSMC. Thế nhưng SMIC của Trung Quốc vẫn đang chậm trễ mất từ « hai đến ba thế hệ » bọ điện tử so với TSMC của Đài Loan. Chip của tập đoàn Trung Quốc này vẫn còn to -  14 nano, nghĩa là lớn tối thiểu là gấp đôi, so với của các đối thủ Đài Loan hay Hàn Quốc. Nói cách khác, « nghệ thuật sao chép chưa đủ trình độ và vẫn chưa thể sánh được với nguyên bản ».

Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là vào lúc xuất khẩu Đài Loan lệ thuộc đến 40 % vào Hoa Lục và đã có cả trăm ngàn doanh nghiệp Đài Loan mở cơ sở hoạt động tại Trung Quốc, bản thân TSMC có nhà máy và cơ sở tại Hoa Lục : liệu mức độ gắn kết giữa hai nền kinh tế một lớn - một bé đó có là công cụ để Bắc Kinh tận dụng và gây sức ép với nhà sản xuất chip điện tử Đài Loan hay không ? 

Marc Julienne : « Bắc Kinh không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để gây sức ép : khi thì Trung Quốc dùng đòn kinh tế - chẳng hạn như là cấm nhập khẩu trái cây của Đài Loan vào Hoa Lục, lúc thì dùng đòn chính trị, hay quân sự với các chiến dịch uy hiếp Đài Loan trên không và trên biển. Riêng với TSMC, vấn đề không đơn giản, bởi vì công nghệ chip điện tử không lệ thuộc 100 vào Đài Loan. TSMC sản xuất chip nhưng lại sử dụng một số công nghệ của Mỹ. Linh kiện bán dẫn của Đài Loan một phần do các tập đoàn Hoa Kỳ thiết kế. Do vậy quyền sở hữu trí tuệ, bằng sáng chế thuộc về Mỹ. Thành thử Trung Quốc có gây sức ép với TSMC hay với trên dưới 100.000 công ty Đài Loan ở Hoa Lục cũng vô ích khi mà TSMC không được phép xuất khẩu các sản phẩm làm ra cho Trung Quốc. Chính vì thế mà Hoa Vi gặp nhiều khó khăn ».

Đằng sau các con số hàng ngàn tỷ đô la Trung Quốc dành để phát triển công nghệ bán dẫn, đơn giản là « chiến tranh lạnh về công nghệ cao » giữa Washington với Bắc Kinh. Trên mặt trận này, Đài Loan trở thành một lá chủ bài của cả Mỹ lần Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Marc Julienne cho rằng đây là một trong số rất nhiều những lý do khiến chính quyền Tập Cận Bình liên tục duy trì áp lực ở mức « cao chưa từng thấy » với Đài Loan từ hơn một năm qua.

Marc Julienne : « Công nghệ bán dẫn khiến Đài Loan càng trở nên « hấp dẫn » trong mắt Trung Quốc và đó là một trong những động lực khiến thúc đẩy Bắc Kinh muốn nhanh chóng thâu tóm Đài Loan. Nhưng đó không là lý do duy nhất, bởi vì còn có những yếu tố về mặt lịch sử, về tư tưởng và ông Tập Cận Bình muốn khẳng định vị trí của mình phải là ngang với Mao Trạch Đông. Chính vì thế mà Bắc Kinh gần đây đã cứng rắn hơn bao giờ hết trên vấn đề Hồng Kông rồi kế tới là với Đài Loan. Tuy nhiên nhắc lại là trong quá khứ, khủng hoảng giữa hai bờ eo biển Đài Loan đã nhiều lần xảy ra. Có điều lần này, rõ ràng là Bắc Kinh liên tục duy trì áp lực ở mức rất cao đối với Đài Loan từ hơn một năm nay ».

Xâm chiếm Đài Loan, một công đôi việc ?

Vậy phải chăng vì 80 % bọ điện tử trong những máy móc thuộc dòng « công nghệ cao » chúng ta đang sử dụng đều có dấu ấn của Đài Loan cho nên một mặt Trung Quốc muốn nhanh chóng thâu tóm hòn đảo này, nhưng mặt khác TSMC và những con bọ nano cực nhỏ cũng là một dạng « bảo hiểm nhân thọ » cho một nước Đài Loan độc lập ? 

Marc Julienne : « Tất cả mâu thuẫn trong trường hợp của Đài Loan nằm ở chỗ đó và đấy cũng chính là điều hết sức thú vị đối với giới quan sát. Qua Đài Loan là trường hợp của TSMC. Đài Loan và TSCM chiếm một vị trí quan trọng đến nỗi mà Trung Quốc có rất nhiều những lý do để thâu tóm cả hai. Nhưng cũng nhờ vị trí then chốt đó của Đài Loan và tập đoàn công nghệ bán dẫn này trên bàn cờ công nghệ quốc tế, và đối với cả một mảng công nghệ kỹ thuật số của các nền kinh tế phương Tây, của châu Á cho nên Trung Quốc không thể dễ dàng xâm chiếm Đài Loan, thâu tóm TSCM. Có khả năng là nhiều quốc gia trên thế giới, đứng đầu là Mỹ, sẽ không để Đài Loan rơi vào vòng kềm tỏa của Bắc Kinh, để rồi Trung Quốc làm chủ công nghệ bán dẫn ».    

Tính toán chiến lược trên bàn cơ kinh tế

Không chỉ có một mình Trung Quốc chạy đua tìm kiếm bọ nano. Ngày 14/10/2021 Tokyo thông báo dự án xây dựng nhà máy TSMC đầu tiên tại Nhật Bản. Xưởng sản xuất chip điện tử này sẽ bắt đầu hoạt động từ 2024 nhằm đáp ứng nhu cầu của các tên tuổi trong ngành công nghiệp Nhật Bản như Sony hay hãng xe Toyota. Báo chí tại Đài Bắc nói đến một khoản đầu tư 7 tỷ đô la Mỹ. Giới quan sát cho rằng thuyết phục được TSMC mở nhà máy trên lãnh thổ Nhật là một « thắng lợi lớn » của chính quyền Tokyo về mặt « chiến lược » trong bối cảnh từ « mùa xuân vừa qua, chính phủ đưa bọ nano vào danh sách những ưu tiên đối với an ninh quốc gia ». Điều đó có thể giải thích phần nào lập trường cứng rắn của Nhật Bản bảo vệ chủ quyền và an ninh cho Đài Loan trước các đòn uy hiếp của Bắc Kinh. 

Trở lại với trường hợp của Trung Quốc, Mathieu Duchâtel, giám đốc chương trình châu Á, Viện nghiên cứu Montaigne Paris được báo Les Echos trích dẫn nhấn mạnh công nghệ bán dẫn là lĩnh vực mà « khoảng cách giữa mục tiêu và tiềm lực thực sự của Trung Quốc còn rất lớn » ... và « hơn bao giờ hết tương lai của nền công nghệ cao Trung Quốc tùy thuộc vào những rào cản của Âu Mỹ ». Nhà nghiên cứu June Park, đại học George Washington nhi nhận « tại thủ đô Washington, nhiều người đã hiểu rằng, công nghệ bán dẫn là một yếu tố chiến lược để Hoa Kỳ dẫn đầu thế giới. Đầu hàng trên mặt trận này sẽ là dấu chấm hết cho thời đại vàng son của Mỹ ».

 Kính,

Vũ Thế Khanh, K20