Saturday, January 18, 2020

Vũ Linh: Tin Vắn Trong Tuần (Jan.18, 2020)


Vũ Linh: Tin Vắn Trong Tuần (Jan.18, 2020)

CẬP NHẬT ĐÀN HẶC
Ø  Bà chủ tịch Hạ Viện đã đầu hàng vô điều kiện. Thứ Tư vừa qua, bà Pelosi đã cho Hạ Viện biểu quyết đưa hồ sơ đàn hặc qua Thượng Viện, bỏ hết mọi điều kiện bà đã đưa ra trước đây. Phe đa số DC thắng cuộc biểu quyết dĩ nhiên dù không có một dân biểu CH nào bỏ phiếu thuận. Thượng Viện sẽ khai mạc phiên tòa Thứ Ba tuần tới. Giữa hai chính đảng, đã không có thỏa thuận nào về thủ tục tiến hành, do đó, chưa ai biết phiên tòa sẽ tiến hành như thế nào, có hay không có thêm nhân chứng. Phe DC đòi thêm 4 viên chức cao cấp của Trump ra điều trần. Phe CH đòi anh thổi còi và cha con cụ Biden, có thể đòi cả các ông dân biểu Schiff và Nadler ra điều trần. Hai bên kẹt cứng.

Ø  Bà Pelosi say sóng đã dán được cái nhãn hiệu “impeached” lên trán TT Trump trong lịch sử Mỹ. Bà làm một chuyện mà từ xưa đến nay chỉ có tổng thống mới làm: ký tên vào văn bản đàn hặc gửi qua Thượng Viện bằng 30 cây bút, rồi phát các bút đó cho các lãnh tụ DC trong Hạ Viện. Khiến kẻ này nhớ lại TT Clinton. Khi TT Clinton được hỏi ông nghĩ sao khi phe CH đã thành công dán cái nhãn “impeached lên đầu ông” thì ông đã trả lời “Đúng vậy, nhưng tôi đã hạ/đánh họ như đánh một con chó hoang (nguyên văn “Yeah, I will always have a asterisk after my name, but I hope I’ll have two asterisks: one is ‘They impeached him,” and the other is ‘He stood up to them and beat them, and he beat them like a yard dog”). Nếu TT Trump không bị truất phế, không hiểu câu nói bất hủ của TT Clinton có thể áp dụng lại được không nhỉ?

Ø  Bà Pelosi cho biết đã chọn xong 7 dân biểu sẽ đại diện cho Hạ Viện đóng vai công tố (impeachment managers), truy tố TT Trump trong phiên tòa của Thượng Viện. Chủ tịch Ủy ban Tình Báo Adam Schiff  là trưởng đoàn, và chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp Jerrold Nadler là thành viên. Tòa Bạch Ốc cũng cho biết đã chọn xong nhóm luật sư đứng ra biện hộ cho TT Trump. Gồm có hai đại luật sư của TT Trump Pat Cipollone và Jay Sekulow, nhưng được tăng cường thêm với ba cỗ đại bác Kenneth Starr và Robert Ray là hai công tố độc lập trước đây đã truy tố TT Clinton, và Alan Dershowitz, cựu giáo sư -professor emeritus- về Hiến Pháp của Đại Học Harvard. Ngoài ra còn có bà Pam Bondi, cựu bộ trưởng Tư Pháp tiểu bang Florida.
GS Dershowitz đã nhìn nhận ông thuộc đảng DC, đã bỏ phiếu cho bà Hillary, và ông tham gia cuộc đàn hặc này không phải để bào chữa cho TT Trump mà để bảo vệ Hiến Pháp, vì cuộc đàn hặc này theo ông, đã vi phạm hoàn toàn Hiến Pháp về đủ mọi khiá cạnh.
Đây là cuộc đấu vô cùng hào hứng: chính trị gia đấu võ cùng đại luật sư. Ta sẽ có dịp xem ‘phiên tòa’ của Thượng Viện sẽ bị chi phối bởi chính trị phe phái hay luật lệ vô tư.

Ø  Thứ Năm vừa qua, chánh thẩm phán Tối Cao Pháp Viện đã làm lễ tuyên thệ cho tất cả 100 thượng nghị sĩ sẽ phải phán quyết về việc truất phế TT Trump. Chuyện tiếu lâm là tất cả đều tuyên thệ sẽ xử một cách công tâm, đúng Hiến Pháp, nhưng ai cũng biết thực tế họ sẽ biểu quyết theo phe phái hết. Không hiểu các thượng nghị sĩ DC tranh cử tổng thống, suốt ngày ra rả đòi lật đổ TT Trump như các cụ Sanders, Warren và các ông/bà Booker, Klobuchar, Bennett, Harris, giơ tay tuyên thệ mà có cảm thấy lương tâm lấn cấn không nhỉ.
Nhân đạo nhất thì cũng phải nói xấp xỉ một nửa tổng số quý vị đó sẽ không giữ lời thề công tâm. Một nửa dân Mỹ sẽ nói đó là các ông bà DC, một nửa còn lại sẽ nói đó là các ông bà CH. Đó chính là thực trạng chính trị Mỹ hiện nay.

Ø  Phiên tòa của Thượng Viện chưa ai biết sẽ kéo dài bao lâu, chỉ biết các thượng nghị sĩ Sanders, Warren, Klobuchar và Bennet sẽ là những ‘nạn nhân’ đầu tiên. Họ sẽ bị kẹt trong phiên tòa, không đi vận động tranh cử được trong khi cuộc bầu sơ bộ đầu tiên tại Iowa và New Hampshire sẽ diễn ra đầu tháng tới. Cụ Biden và ông Buttigieg, không phải là thượng nghị sĩ, sẽ tha hồ múa võ Sơn Đông, nhưng cũng bị họa phần nào khi cả nước chú ý vào phiên tòa chứ chẳng ai rảnh nghe hai ông này rao bán thuốc tễ. Cụ Biden cũng không hẳn là thoát nạn vì suốt phiên tòa, phe CH sẽ bảo đảm tên của cha con cụ và công ty Burisma sẽ mỗi ngày nằm trên trang nhất của tất cả các bản tin. Tóm lại, ‘chị’ Buttigieg có vẻ được lợi nhất.

Ø  Theo Washington Post, cho đến nay, đã có 11 thượng nghị sĩ công khai đòi truất phế TT Trump (tt cả đều thuộc đảng DC), 38 vị lên tiếng chống truất phế (tất cả đều thuộc đảng CH 51 vị kín đáo chưa lên tiếng. Tin tức báo chí cho thấy có thể có 4 thượng nghị sĩ CH chao đảo lập trường, có thể đứng về phe truất phế TT Trump, là các ông Mitt Romney và Cory Gardner, và các bà Lisa Murkowsky và Susan Collins. Muốn truất phế, sẽ cần phiếu của tất cả các nghị sĩ DC và ít nhất 20 nghị sĩ CH, là điều không ai nghĩ có thể xẩy ra. Ta chờ xem.

Ø  Tin mới nhất cho biết một văn phòng ‘thanh tra’ của quốc hội (Government Accountability Office) đã công khai tố cáo TT Trump vi phạm luật lệ liên bang khi chặn lại việc tháo khoán tiền viện trợ cho Ukraine. Dĩ nhiên, kẻ này không ở trong tư thế hiểu rõ thực hư vấn đề. Tuy nhiên việc văn phòng này tung ra tin này đúng một ngày sau khi Hạ Viện chuyển hồ sơ đàn hặc qua Thượng Viện khét lẹt mùi Nhà Nước Ngầm thông đồng gì đó. Giám đốc GAO, ông Gene Dodaro do TT Obama bổ nhiệm năm 2010, với nhiệm kỳ 15 năm. Chưa ai có bất cứ bằng chứng nào TT Trump đã chặn viện trợ để áp lực Ukraine, sao GAO lại phán là phạm luật? Dù sao, cũng chỉ là phán quyết của một người, không phải là phán quyết của Tối Cao Pháp Viện hay của cả Thượng Viện.
Chính trị Mỹ chưa khi nào phe đảng thô bạo như bây giờ.

CẬP NHẬT TRANH CỬ
Ø  Cuộc tranh luận mới nhất trên TV đã được thực hiện tối ngày 14/1 vừa qua tại Iowa là tiểu bang đầu tiên có bầu sơ bộ theo kiểu hội thảo nhóm, caucus.
Còn ứng cử viên, tất cả đều da trắng hết.
Điểm khác biệt đáng nói so với các tranh luận trước là bây giờ các ứng cử viên có thời giờ nói về chính sách nhiều hơn, nhưng có một đề tài tối quan trọng mà vẫn chẳng một vị nào dám đụng tới: kinh tế Trump. CNN đứng ra tổ chức và điều hợp, cũng đồng loã với phe DC, không dám đặt tới một câu hỏi nào về tình hình kinh tế, sợ làm cho các ứng cử viên DC bối rối.
Anh bình loạn gia CNN, cựu đảng viên đảng CS Mỹ Van Jones phán một câu rất ý nghĩa: “Tối nay, tôi đã chẳng nhìn thấy gì khiến Trump có thể bị bứng đi được”. Anh đạo diễn cấp tiến cuồng chống Trump Michael Moore bạo miệng hơn nữa, phán “ngày hôm nay 13 tháng Giêng 2020 chính là ngày Trump đã tái đắc cử”.
DĐTC không bàn thêm vì những cuộc tranh luận này vẫn nhai đi nhai lại những lập luận đường mòn của các ứng cử viên, không kể việc hai đồng chí Sanders và Warren đã túm áo đánh nhau túi bụi.

Ø  ‘Trăng mật’ giữa hai cụ xã nghĩa Sanders và Warren dường như đã chấm dứt, khi ban vận động của cụ Sanders tố cáo bà Warren là ứng cử viên của giới thượng lưu trí thức sa-lông không hiểu biết hay lo gì cho khối dân nghèo và trung lưu. Bà Warren trả đũa, tiết lộ cụ Sanders đã từng khuyên bà đừng tranh cử vì nước Mỹ chưa sẵn sàng bầu một phụ nữ làm tổng thống đâu, một bằng chứng là cụ cấp tiến thiên tả nặng Sanders còn rất kỳ thị phụ nữ.
Hai người cãi nhau cực hăng trong cuộc tranh luận trên TV mới nhất. Đặc biệt là đến lúc ngưng nghỉ, bà Warren đến nói chuyện với cụ Sanders, cụ này chià tay ra nhưng bà Warren không bắt tay, rồi hai người thẳng thừng chửi lộn nhau.


Ø  Một con nhạn lớn đã gẫy cánh: thượng nghị sĩ New Jersey, ông Cory Booker đã cho biết ông chấm dứt cuộc tranh cử tổng thống.

Cho đến nay, 15 ứng cử viên DC đã rớt đài khi chưa có tới một cuộc bầu bán sơ bộ nào.



DƯ ÂM IRAN
Ø  Chiến tranh lạnh giữa TT Trump và phe DC về vụ lộn xộn với Iran tiếp tục gây tranh cãi. Phe DC càng ngày càng chứng tỏ thái độ ‘cuồng chống Trump’ một cách lạ lùng, đến độ gần như mất trí. Quyền lợi phe đảng bây giờ đã lấn át hết quyền lợi quốc gia.
Khi TT Trump thanh toán một tên tướng Iran đã bị Mỹ dán nhãn hiệu ‘khủng bố’ trên trán, người chịu trách nhiệm gây rối Trung Đông theo lệnh của các giáo chủ Iran, đã chủ động tổ chức cho một nhóm quá khích Iraq đánh tòa đại sứ Mỹ và hai căn cứ Mỹ, thì toàn thể đảng DC thay vì hoan nghênh thì lại xúm vào lên án TT Trump là đã có thái độ hiếu chiến, cố tình khiêu khích Iran để lái dư luận ra khỏi vụ đàn hặc.
Thậm chí, tính phe phái còn đi tới mức khùng điên là tiếp tay, lập lại luận điệu của chính quyền Iran, tố cáo TT Trump chính là thủ phạm gián tiếp đã gây ra tai họa Iran bắn rớt máy bay dân sự Ukraine khiến gần 180 người bị chết. Phe đối lập DC không nghĩ đến việc giết tên tướng khủng bố này sẽ giảm thiểu phần nào các hành động đánh phá của lực lượng Quds, ngăn cản được vài vụ tấn công các tòa đại sứ hay căn cứ quân sự Mỹ, tránh chết chóc cho lính Mỹ, tránh được vài vụ Benghazi mới. Thượng nghị sĩ CH Tom Cotton nhận định không sai khi ông cho rằng việc giết tướng khủng bố Soleimani được giới quân nhân tại Trung Đông nhìn dưới lăng kính hoàn toàn khác lăng kính của các chính trị gia đối lập ngồi phòng máy lạnh an toàn tại Hoa Thịnh Đốn.
Với phe cấp tiến, những thành quả chống khủng bố của TT Trump đều bị lên án. Như khi TT Trump giết tên lãnh tụ ISIS, al Baghdadi, thì báo Washington Post tố giác Trump giết một ‘học giả’.
Đi xa hơn nữa, họ cho diễn tấn tuồng Hạ Viện biểu quyết giới hạn quyền hành của TT Trump trong việc đối phó với chính quyền Iran. “Tấn tuồng” vì cả thế giới đều biết biểu quyết này tuyệt đối chẳng có hậu quả thực tế gì hết, sẽ không được Thượng Viện thông qua, mà có thông qua cũng chẳng được TT Trump ký, trong khi cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện đều không đủ phiếu để vượt qua phủ quyết của TT Trump.
Cái vô lý hơn nữa là biểu quyết của Hạ Viện, theo như thượng nghị sĩ Lindsey Graham nhận định, hoàn toàn vi phạm chế độ tam quyền phân lập được ấn định rõ trong Hiến Pháp. Quyền điều hành chiến tranh theo Hiến Pháp nằm trong tay tổng thống chứ không phải trong tay 535 ông bà dân biểu nghị sĩ chỉ biết đếm phiếu cử tri.

Ø  Tại Iran, cả vạn người đã biểu tình đòi giáo chủ Khamenei phải từ chức vì tội đã nói láo với dân khi ban đầu tuyên bố máy bay Ukraine bị rớt vì trục trặc kỹ thuật, để rồi sau đó phải nhận tội quân đội Iran đã ‘bắn nhầm’. Một nửa số nạn nhân bị chết là dân Iran, trong đó một số lớn là sinh viên Iran du học tại Canada, về nước nghỉ lễ lấy máy bay trở về Canada.

Giáo chủ Khamenei đã ngồi ghế Lãnh Tụ Tối Cao từ hơn 30 năm nay. Ít ai tin giáo chủ Khamenei sẽ từ chức, nhưng có triển vọng vài viên chức cao cấp sẽ thành con chốt thí.
Chuyện lạ là trong cuộc biểu tình, tại vài nơi, dân biểu tình đã tránh không dẫm lên cờ Mỹ và cờ Do Thái đã được chính quyền sơn lên mặt đường từ trước, hiển nhiên trong ý định muốn tìm hậu thuẫn của Mỹ. TT Trump đã hiểu ngay và đã tuýt bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Iran -Farsi- ủng hộ sự nổi loạn này, và cảnh cáo chính quyền Iran không được sát hại dân nổi loạn. Trong khi đó, cả đảng DC im re, không một người nào lên tiếng về việc cả vạn dân Iran đang xuống đường chống giáo chủ Khamenei.
Nhìn vào các cuộc biểu tình của dân Iran và phản ứng TT Trump và của đảng DC Mỹ, người ta có cảm tưởng như TT Trump đang đứng về phe dân Iran trong khi đảng DC Mỹ đang đứng cùng chiến tuyến với các giáo chủ Iran.
Hai chính phủ Ukraine và Canada đã đòi Iran giải thích rõ ràng hơn, trừng phạt thủ phạm cũng như bồi thường cho Ukraine và Canada.

Ø  Tiếp theo cuộc đụng độ với Mỹ, Iran tuyên bố hủy bỏ mọi thỏa thuận với Âu-Mỹ về việc kiểm soát vũ khí nguyên tử. Anh, Pháp và Đức đã cho biết đang nghiên cứu tái lập biện pháp trừng phạt Iran lại.

Ø  Tin mới cho biết cố vấn an ninh John Bolton đã khuyến cáo giết tướng khủng bố Soleimani từ 7 tháng trước. Nhưng TT Trump đã tự chế, bác bỏ ý kiến này, chỉ chấp nhận giết hắn nếu có người Mỹ nào bị Iran giết.
Mới đây, khi một nhóm quá khích Iraq tấn công tòa đại sứ Mỹ tại Iraq theo sự điều động của Soleimani, TT Trump đành ra lệnh giết Soleimani. Tin này nghe có vẻ hợp lý, nhưng phe DC đã vội vã viện vào tin này để tố giác TT Trump đã ‘nói láo’ khi nói tên tướng này  bị giết vì là mối đe dọa cấp bách cho Mỹ vì đang chuẩn bị kế hoạch tấn công bốn tòa đại sứ Mỹ.
Nói cách khác, phe DC tìm mọi cách kết tội TT Trump bất kể ông này làm gì.

Ø  Luận điệu mới của TTDC: báo Washington Post lên án việc giết tướng khủng bố Soleimani vì việc đó chỉ có lợi cho… Nga.
Trong một bài bình luận dài đăng trên WaPo, anh Dennis Ross lý luận lòng vòng cực kỳ khó hiểu là việc giết Soleimani sẽ mở rộng mâu thuẫn Mỹ-Iran, nhưng cả hai bên đều muốn tránh chiến tranh, do đó, sẽ bắt buộc phải dựa vào Putin, nhờ Nga làm trung gian để gỡ rối, từ đó tăng uy tín và ảnh hưởng của Nga tại Trung Đông. Anh Ross này quả xứng đáng nhận Nobel về tài vặn vẹo lý luận.


CHUYỆN DI DÂN
Ø  Tiểu bang Texas là tiểu bang đầu tiên từ chối không nhận thêm di dân hợp pháp, ít nhất là trong năm nay.
Theo một sắc lệnh mới của TT Trump, việc định cư di dân phải được sự chấp thuận của chính quyền tiểu bang và địa phương, chứ chính phủ liên bang không còn quyền áp đặt nữa. Quyết định này một phần được lấy theo đúng chính sách của đảng CH giảm thiểu quyền hạn của chính quyền liên bang trong khi trao cho các tiểu bang và địa phương nhiều quyền hạn hơn. Cho đến này, đã có nhiều quận -county- đã từ chối không nhận thêm di dân đến cư trú cho dù là di dân hợp pháp, với lý do không đủ tài chánh để lo cho họ. Texas là tiểu bang đầu tiên.
Thống đốc Texas đã giải thích Texas từ trước đến nay đã là tiểu bang nhận di dân tái định cư tại Mỹ nhiều nhất, nghĩa là đã mang một gánh nặng quá lớn, đã đến lúc các tiểu bang khác phải chia sẻ trách nhiệm này nhiều hơn. Texas là tiểu bang có biên giới dài nhất với Mễ và đã bị dân Mễ tràn lậu qua nhiều nhất, hơn xa Cali và New Mexico.
Tuy nhiên, sắc lệnh của TT Trump mới đây đã bị một quan tòa liên bang -do TT Clinton bổ nhiệm- bác bỏ vì theo ông, đó là vi phạm Hiến Pháp. Lại một chuyện khác sẽ lên tới Tối Cao Pháp Viện.


Ø  Theo lời yêu cầu của chính quyền Mễ, Mỹ đã bắt đầu trả di dân lậu Mễ hay di dân Mễ bị Tòa Di Trú từ chối không cho vào Mỹ, về những điểm xa biên giới. Từ trước đến nay, những người này bị đẩy qua biên giới thôi, bây giờ Mỹ dùng máy bay chở khoảng 250 người mỗi chuyến, hai chuyến một tuần, về tận Guadalajara, cách biên giới Mỹ hơn 1.000 dặm. Mục đích là để gây khó khăn cho đám người này nếu họ muốn qua Mỹ nữa.
Tại đây, chính quyền Mễ sẽ giúp họ trở về nguyên quán.


Ø  Báo Washington Post cho biết TT Trump sẽ chuyển 7,2 tỷ đô trong ngân sách tới vào quỹ xây tường biên giới Mễ. Quyết định này được lấy khi một tòa phá án phán TT Trump có quyền trích tiền trong ngân sách quốc phòng để xây tường.
Số tiền này có thể giúp xây 885 dặm tường mới. Số tiền này cũng sẽ đưa tổng số tiền TT Trump chi cho việc xây tường lên tới 18,4 tỷ.


Ø  Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Bệnh đã cho biết các hành khách vào Mỹ từ Trung Cộng, đặc biệt là từ Vũ Hán đến các phi trường San Francisco, Los Angeles và New York, sẽ bị kiểm tra kỹ về sức khoẻ, sau khi có tin một vi khuẩn mới cực nguy hiểm có thể gây chết người được khám phá ra và đang lan tràn từ Trung Cộng qua Đông Nam Á, đặc biệt là qua Thái Lan.
Không nghe nói gì về Việt Nam, nhưng dân tỵ nạn về quê ăn Tết nên cẩn thận và dự phòng trường hợp kiểm tra sẽ được nới rộng qua VN luôn.



TIN KINH T
Ø  Sáng Thứ Tư vừa qua, trong khi Hạ Viện chúi mũi vào việc lo truất phế TT Trump thì ông này đã ký thỏa ước mậu dịch, giai đoạn I với Trung Cộng. TC thỏa thuận mua 200 tỷ hàng Mỹ, trong đó có 32 tỷ hàng nông nghiệp, chấp nhận nhiều điều khoản liên quan đến kiểm soát tài sản trí tuệ, và cam kết không thao túng hối xuất đồng Nguyên nữa.
Trong ba đời tổng thống tiền nhiệm Clinton, Bush và Obama, Mỹ chống mắt nhìn thâm thủng mậu dịch leo thang lên tới gần 600 tỷ một năm mà không làm gì hết. TT Trump là người đầu tiên tìm cách lật ngược chiều hướng mậu dịch, giảm bớt thâm thủng để bảo vệ kinh tế Mỹ.
Một ngày hôm sau, Thượng Viện cũng đã phê chuẩn thỏa ước mậu dịch Mỹ-Mễ-Canada mới thay thế NAFTA của TT Clinton, với tỷ lệ phiếu áp đảo 89-10, một tỷ lệ hậu thuẫn hy hữu dưới thời Trump.
Hai thành công lớn của TT Trump.

Ø  Thống kê mới nhất cho thấy số người đang có việc làm đã leo lên mức kỷ lục là 158,8 triệu người. Trước đây, khi con số người có việc làm giảm mạnh dưới thời TT Obama, ‘phe ta’ đã giải thích đó là hậu quả của cái gọi là ‘baby boomer’, tức là hiện tượng một số lớn dân Mỹ sanh trong đợt tăng trưởng mạnh sau Thế Chiến chấm dứt, đã về hưu, trong khi các thế hệ sau không chịu sanh đẻ, nên số người có việc làm chỉ có giảm chứ không thể tăng.


Ø  Theo nghiên cứu mới của Bureau Of Economic Analysis, lần đầu tiên từ 26 năm qua (từ 1994), tất cả các thành phố Mỹ -metropolitan areas- đều ghi nhận mức lợi tức của dân đã đồng loạt tăng.

Ø  Trong khi giới chính trị và truyền thông làm rùm beng về chuyện đàn hặc, thì giới kinh doanh nhún vai coi như pha, chẳng có hậu quả gì hết. Các chỉ số thị trường chứng khoán tiếp tục leo thang không ngừng (đến độ… đáng lo ngại hơn là vui mừngvì hai thỏa ước mậu dịch với Mễ-Canada và với Trung Cộng mới được thông qua.
Dow Jones đã leo lên sát mức 29,400, tăng 90 điểm trong ngày TT Trump ký thỏa ước với TC, tăng thêm 270 điểm trong ngày Thượng Viện thông qua thỏa ước Mỹ-Mễ-Canada. Qua ngày thứ sáu cuối tuần tăng thêm 50 điểm qua tin thị trường địa ốc phát triển mạnh lại nhờ số người có việc làm tăng mạnh, nhiều người có thể mua nhà hơn. Trong khi NASDAQ cũng đã vượt qua mức kỷ lục mới 9,300, và S&P cũng vượt qua mức kỷ lục 3,300 điểm.

Ø  Dường như TT Trump đã có cái tài lạ là làm được nhiều chuyện mà ngay cả Đấng Tiên Tri Obama cũng đã nói không thể xẩy ra được. Chuyện nhiều dân có việc làm là một, chuyện khu vực sản xuất tạo thêm việc làm là hai, chuyện kinh tế chưa đi vào khủng hoảng là ba, chuyện chứng khoán chưa xụp đổ là bốn. Còn nhiều nữa, viết ra sẽ có nhiều người… không vui.


TỘI MỚI CỦA TT TRUMP
Theo thống kê mới được công bố, số hàng hóa bị các nhà sản xuất thu hồi lại vì ‘trục trặc kỹ thuật’ nào đó đã giảm xuống những mức thấp nhất từ gần hai chục năm nay. Thông thường, khi một món hàng nào đó bị khám phá ra có vấn đề, có thể gây hại cho người tiêu thụ, thì hãng sản xuất kêu gọi thu hồi lại gọi là recall, để chỉnh sửa.
Có hai cách nhìn vào vấn đề này.
Một là với tiến bộ của khoa học cũng như dưới chế độ cạnh tranh thị trường mạnh qua chính sách kinh tế của TT Trump, các hãng sản xuất đã cẩn thận hơn, sản xuất hàng với ít sai lầm hay sơ hở hơn, nên hàng ít bị thu hồi để chỉnh sửa hơn.
Hai là cách nhìn của Washington Post: báo cấp tiến này đã nhận định đây là hậu quả của việc TT Trump giảm thiểu thủ tục và điều lệ kinh doanh, chấp nhận mối rủi ro cao hơn cho người tiêu thụ.
WaPo dĩ nhiên không chấp nhận cách nhìn thứ nhất, nhưng lại ‘quên’ việc nếu hàng hoá gây hại cho người tiêu thụ, hãng sản xuất có thể bị kiện bạc triệu, bạc tỷ đến phá sản như chơi, do đó, việc các hãng sản xuất hàng bừa bãi hơi khó tin.




Vũ Linh 108: Đàn Hặc Trong Lịch Sử Mỹ


Linh 108:  Đàn Hặc Trong Lịch Sử Mỹ
Sat. Jan.18, 2020

Câu chuyện đàn hặc TT Trump đã ‘thống trị’ mục tin tức thời sự Mỹ từ mấy tháng nay. Như là một tsunami chính trị, có triển vọng chôn vùi … một trong hai chính đảng của Mỹ. Nếu TT Trump và đảng CH không bị nhận chìm thì bà Pelosi và đảng DC sẽ chết ngộp. Một canh bạc khổng lồ mà đảng DC đã tung ra. Nhất chín nhì bù, không có lằng nhằng ở giữa. Đó là thực tế cho dù bên nào thua thì cũng sẽ tìm cách… ‘rằng thì là mà’, biện giải lòng vòng.
Trong tháng này, Thượng Viện có thể sẽ biểu quyết truất phế TT Trump hay không sau khi Hạ Viện đã đàn hặc ông.
       Ta chờ xem.
Trong khi chờ đợi, diễn đàn này xin mời quý độc giả xem lại câu chuyện đàn hặc tổng thống trong lịch sử Mỹ. Ôn cố tri tân.
Tổng cộng cho đến nay, đã có chính thức 3 vị tổng thống bị đàn hặc, kể cả TT Trump, chưa ai bị truất phế không kể TT Trump mà số phận chưa được định rõ. Cũng phải mở ngoặc nói thêm TT Nixon đã bị áp lực chính trị nặng, từ chức khi thấy chắc chắn sẽ bị đàn hặc và bị truất phế luôn.
Tóm lại đã có các TT Andrew Johnson, Nixon, Clinton và Trump bị dính vào chuyện đàn hặc.
Hiến Pháp Mỹ ghi rõ tổng thống –hay các quan chức lớn khác- có thể bị đàn hặc vì các tội phản quốc (treason), hối lộ (bribery) hay các tội đại hình nghiêm trọng (high crimes) và những tội nhỏ (misdemeanors) khác. Những tội ‘high crimes and midemeanors’ là mấu chốt của vấn đề. Hiến Pháp cố tình được viết lờ mờ như vậy vì các Cha Già Lập Quốc hiểu rõ chính trị sẽ chi phối việc đàn hặc một tổng thống, do đó muốn để cửa ngõ cho các đại diện dân cử chứ không phải quan tòa lấy quyết định cuối cùng. Nhưng họ cũng hiểu tầm quan trọng của quyết định truất phế một tổng thống đã được dân bầu nên đã lập ra các rào cản rất cao: phải có phán quyết của cả 2 viện quốc hội, một viện luận tội và một viện kết án. Và bản án chỉ có truất phế hay không, không có biện pháp nào khác, và phải có tới 2/3 Thượng Viện đồng ý.
Vì những rào cản lớn như vậy mà trong 45 tổng thống, chỉ có 3 người bị đàn hạc và không có tới một người bị truất phế.

TT ANDREW JOHNSON
TT Johnson là phó TT khi TT Abraham Lincoln bị ám sát chết. Ông Johnson là chính trị gia chuyên nghiệp, đã từng là dân biểu tiểu bang, thống đốc, rồi thượng nghị sĩ liên bang. Năm 1864, TT Lincoln của CH, trong một nỗ lực hàn gắn sau nội chiến, ra tái tranh cử không phải như đảng viên đảng CH, mà dưới lá cờ của một đảng mới do ông thành lập, gồm có nhiều chính khách DC và của miền Nam thua trận. TNS Andrew Johnson của tiểu bang Tennessee, thuộc đảng DC, được đại hội đảng mới bầu vào liên danh làm phó cho TT Lincoln. Thời đó, các ứng cử viên do đại hội các đảng bầu, qua việc điều đình đổi chác giữa các tai to mặt lớn của đảng, chưa có bầu sơ bộ như sau này.
TT Lincoln tái đắc cử, ông Johnson thành phó tổng thống. Sau khi TT Lincoln bị ám sát chết tháng Tư năm 1865, ông Johnson lên làm tổng thống.
TT Johnson gặp nhiều khó khăn, bị phe CH chống đối ngay từ những ngày đầu. Cuộc chiến này leo tới đỉnh khi quốc hội thông qua Tu Chánh Án 14 nhìn nhận những người sanh ra trên đất Mỹ tự động là công dân Mỹ. TT Johnson phủ quyết nhưng bị quốc hội vượt qua. Mục đích Tu Chánh Án này là giúp dân nô lệ da đen sanh ra tại Mỹ được đầy đủ quyền làm công dân Mỹ. Tu Chánh Án này sau đó bị hiểu rộng ra và lạm dụng bởi di dân là tất mọi đứa trẻ sanh ra trên lãnh thổ Mỹ tự động là công dân Mỹ ngay, là điều nhiều chuyên gia cho là diễn dịch sai mục đích tiên khởi của Tu Chánh Án. Đây là Tu Chánh Án TT Trump đang muốn thu hồi.
Tình hình chính trị dưới TT Johnson rối loạn gấp vạn lần dưới TT Trump hiện nay. Chuyện nổi bật nhất là tranh chấp giữa TT Johnson và chính bộ trưởng Quốc Phòng của ông, đưa đến việc TT Johnson cách chức ông, nhưng ông này không chịu từ chức và quốc hội biểu quyết tín nhiệm ông bộ trưởng. TT Johnson từ chối không cho ông này làm bộ trưởng, bổ nhiệm một người khác. Đưa đến Hạ Viện do CH kiểm soát đàn hặc TT Johnson về tội lạm quyền. Qua Thượng Viện, tranh cãi trong hơn ba tháng và cuối cùng TT Johnson không bị truất phế, v thiếu đúng một phiếu.
Các sử gia cho rằng TT Johnson không có tội gì đáng đàn hặc và truất phế, chỉ là chuyện đấu đá phe đảng thôi.
So sánh trường hợp TT Johnson với TT Trump sẽ thấy ngay sự khác biệt lớn. TT Johnson công khai làm chuyện vi phạm Hiến Pháp khi bất chấp quyết định của Thượng Viện tái bổ nhiệm lại ông bộ trưởng Quốc Phòng khi thời đó, Thượng Viện có quyền này. TT Trump không làm gì có thể khẳng định là vi phạm Hiến Pháp hết.

TT RICHARD NIXON
TT Nixon là một người cứng cựa, chống cộng cực đoan, bị phe cấp tiến oán ghét từ những ngày ông còn làm PTT cho TT Eisenhower. Ông đã đóng vai chủ chốt trong thời kỳ Mỹ gọi là McCarthyism, là thời kỳ Thượng Viện dưới sự sách động của TNS Joseph McCarthy, truy lùng những công chức Mỹ có tư tưởng thiên tả thân cộng. Hàng vạn công chức bị mất việc, truy tố ra tòa về tội làm gián điệp hay tay sai cho Liên Bang Xô Viết. Cuộc truy lùng này kéo dài từ cuối thập niên 40 khi ông Truman còn làm tổng thống cho đến thập niên 50, dưới trào Eisenhower/Nixon.
Phe cấp tiến không bao giờ tha cái tội này cho PTT Nixon.
Năm 1960, ông Nixon ra tranh cử tổng thống, thua khít nút TNS John Kennedy.
Năm 1968, ông ra tranh cử lại, chống PTT Hubert Humphrey sau khi TT Lyndon Johnson không ra tranh cử lại. Ông Nixon thắng cử. Năm 1972, ông ra tái tranh cử lại và đắc cử vẻ vang, hạ sát ván ứng cử viên thiên tả cực đoan của đảng DC, TNS George McGovern.
Tuy nhiên, trước bầu cử đã xẩy ra một xì-căng-đan, khi một nhúm vài anh quan chức đảng CH biệt danh là ‘thợ sửa ống nước’ -the plumbers- bị bắt quả tang đang xâm nhập, ăn cắp tài liệu tại cao ốc Watergate, tổng hành dinh Ủy Ban Vận Động Tranh Cử của TNS McGovern của đảng DC.
Vụ án vớ vẩn nhưng đã đưa đến việc TT Nixon từ chức sau khi vừa đại thắng. Tất cả chỉ vì TT Nixon cố tìm cách chạy tội, hay đúng hơn, khỏa lấp vụ trộm tài liệu. TT Nixon không dính dáng và nhất là không chỉ thị, cũng chẳng hay biết gì về vụ trộm tài liệu. Nhưng sau khi nội vụ đổ bể thì ông tìm cách khỏa lấp, che dấu tội và bảo vệ đàn em. Trong khi quốc hội, cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện, trong tay đảng DC, đang cố điều tra moi móc tội, thì TT Nixon lại làm mạnh, công khai vi phạm những tội trầm trọng nhất.
Cao điểm cuộc chiến là khi John Dean, luật sư chính của TT Nixon, phản thùng, ra trước quốc hội khai hết tất cả những mánh mung, mưu đồ, kế hoạch của TT Nixon.
Các dân biểu và nghị sĩ CH bắt đầu bỏ TT Nixon và chấp nhận đàn hặc và truất phế ông. Các lãnh tụ CH trong quốc hội đến gặp TT Nixon và thuyết phục ông từ chức để khỏi mất mặt cho ông và cả đảng CH luôn. TT Nixon từ chức tháng 8 năm 1974.
Tuy TT Nixon chưa bị đàn hặc và truất phế, nhưng cũng có thể coi là ông đã bị rồi.
So sánh việc làm của TT Nixon và việc làm của TT Trump cho thấy hai câu chuyện khác nhau một trời một vực. Trong trường hợp TT Nixon, các đồng chí CH của ông có muốn bảo vệ ông cách mấy cũng không được. Có bằng chứng cụ thể về đủ chuyện: một đám tay chân của ông bị bắt tại trận đang xâm nhập trụ sở của đảng DC để ăn cắp tài liệu; có chỉ thị của TT Nixon đòi CIA chặn FBI điều tra nhân danh nhu cầu bảo vệ an ninh quốc gia; có băng thu âm những thảo luận của TT Nixon với các phụ tá, tìm cách bao che; có một đoạn thu âm bị xoá;  lấy tiền trong quỹ đen để bịt miệng nhân chứng; công khai cách chức cả công tố độc lập lẫn bộ trưởng và thứ trưởng Tư Pháp; có điều trần của luật sư chính của TT Nixon tố hết những âm mưu, toan tính của TT Nixon,... So sánh với TT Nixon thì TT Trump… hiền hơn ma sơ.
Trong trường hợp TT Trump, chẳng có yếu tố hay bằng chứng cụ thể nào hết. Chẳng có ai bị bắt liên quan trực tiếp đến việc làm của TT Trump, chẳng có băng thu âm gì, chẳng có ai bị cách chức vì vụ điều tra, chẳng có luật sư nào ra tố cáo chuyện cụ thể nào, ... Do đó, TT Trump vẫn được tất cả các đồng chí CH bảo vệ, không một dân biểu CH nào bỏ phiếu đàn hặc TT Trump. Cũng không ai nghĩ Thượng Viện sẽ có 20 thượng nghị sĩ CH phản để có đủ phiếu truất phế TT Trump.

TT BILL CLINTON
TT Clinton nguyên thủy bị điều tra về việc vay mượn tiền ngân hàng để đầu cơ mua đất, xây khu du lịch khi ông còn là thống đốc tiểu bang Arkansas. Điều tra để xem khi đó ông có lợi dụng chức vụ thống đốc để làm ăn với một ngân hàng địa phương mà các ông chủ tịch và tổng giám đốc đều là bạn bè thân thiết, cùng đảng.
Cuộc điều tra kéo dài lê thê cả mấy năm, đưa đến việc truy tố và đi tù của hơn 40 cộng sự viên của thống đốc Clinton, và ngân hàng bị đóng cửa vì lem nhem nhiều chuyện khác. Chủ ngân hàng và vài tổng giám đốc đi tù mọt gông. Tuy nhiên cả hai ông bà Clinton đều không bị truy tố tội gì hết vì không có bằng chứng cụ thể nào ông bà Clinton đã làm chuyện gì trái luật trong vụ vay tiền mua đất.
Trong khi điều tra thì TT Clinton bị hàng loạt mấy bà tố cáo đã bị sách nhiễu tình dục khi ông Clinton còn làm thống đốc, trong đó có một bà thưa kiện TT Clinton ra tòa.
Quốc hội ra chỉ thị cho công tố nới rộng điều tra, cứu xét luôn chuyện lem nhem sex của TT Clinton. Kết quả, ông bị công tố độc lập Kenneth Starr truy tố cả lô tội. Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện do phe CH kiểm soát truy tố TT Clinton về 4 tội: nói láo hữu thệ (hai lần giơ tay tuyên thệ không có... sex), cản trở công lý (nhờ bạn bè tìm việc ngon cho cô Monica để bịt miệng cô này), và lạm quyền. Ra trước toàn thể Hạ Viện, TT Clinton chỉ bị truy tố hai tội, nói láo hữu thệ một lần và cản trở công lý. 5 dân biểu DC bỏ phiếu ủng hộ đàn hặc trong khi 13 dân biểu CH bỏ phiếu chống đàn hặc. Nội vụ ra trước Thượng Viện, nơi CH có đa số 55 ghế và DC có thiểu số 45 ghế. Tất cả các nghị sĩ DC chống truất phế trong khi có tới 10 nghị sĩ CH cũng chống theo, do đó, phe truất phế không được tới 51% chứ đừng nói tới túc số 2/3 phiếu để truất phế.
Đa số dân Mỹ thấy ‘tội nghiệp’ cho TT Clinton đã yếu đuối vì chuyện sex lăng nhăng, không liên quan gì đến chuyện kinh bang tế thế, trong khi phe CH đã đánh ông quá tàn bạo. Chưa kể khi đó, TT Clinton đã đạt được nhiều thành quả kinh tế lớn và nước Mỹ ổn định, không có chiến tranh gì. Tỷ lệ hậu thuẫn TT Clinton vọt lên gần 70% khiến các nghị sĩ rét.
Đa số thượng nghị sĩ bị áp lực dư luận quần chúng ủng hộ TT Clinton nên không dám biểu quyết truất phế, mặc dù hầu hết các thượng nghị sĩ, CH và DC đều đồng loạt lên án các việc làm vô đạo đức của TT Clinton. Thượng Viện biểu quyết không truất phế TT Clinton, nhưng ông bị nhiều rắc rối. Phải trả 850.000 đô cho một bà thưa kiện để bà bãi nại. Luật sư đoàn tước bằng luật sư của TT Clinton vì tội nói láo.
So sánh vụ đàn hặc của TT Clinton với đàn hặc TT Trump cũng cho thấy nhiều điểm khác biệt lớn.
TT Clinton bị đàn hặc dựa trên một báo cáo 450 trang của một công tố độc lập được lưỡng đảng trong quốc hội biểu quyết, sau một cuộc điều tra kéo dài cả năm trời. Trong khi TT Trump bị đàn hặc dựa trên ‘điều tra một chiều’ do một ủy ban của Hạ Viện do đảng DC nắm đa số tiến hành, kéo dài hai tháng, với những nhân chứng do đảng DC lôi ra mà chẳng ai khẳng định đã chính mắt thấy tai nghe chuyện phạm pháp nào của TT Trump. Cũng chẳng có công tố độc lập nào điều tra chuyện gì. Cũng chẳng có ̣báo cáo gì của Hạ Viện luôn, mà chỉ có một đơn truy tố hai tội là lạm quyền và không hợp tác với quốc hội.
Lạ lùng hơn cả là trong cuộc đàn hặc TT Trump, các luật sư của TT Trump không được tham gia các cuộc điều trần, không biết trong đó, ai nói gì; rồi cũng không được lên tiếng biện hộ gì hết; phe CH trong ủy ban cũng không được quyền mời ai ra điều trần hết mà chỉ có phe DC trong ủy ban mới có quyền đó. Rồi Hạ Viện cho mời bốn chuyên gia về Hiến Pháp ra giải thích TT Trump vi phạm Hiến Pháp, lạm quyền ở điểm nào, mà cả bốn đều đã từng công khai bầu cho bà Hillary rồi sau đó chống TT Trump hết (dù vậy, một trong bốn chuyên gia đó cũng đã tố ngược là chính Hạ Viện đang lạm quyền).
Trong cuộc đàn hặc TT Clinton, phe CH khi đó nắm đa số đã giành cho TT Clinton nhiều cơ hội biện giải công bằng hơn nhiều. Đàn hặc TT Trump rõ ràng là một thứ đàn hặc cuội vì phe đảng chính trị thô bạo nhất. Chẳng khác gì một phiên tòa của CSVN trong đó có công an đứng bịt miệng bị can trước tòa.
Qua đến Thượng Viện thì tính phe phái trong vụ đàn hặc TT Trump cũng lộ rõ rệt. Phe CH đề nghị áp dụng trong ‘phiên tòa’ tất cả những thủ tục đã được cả hai đảng chấp nhận thi hành trong trường hợp TT Clinton, qua biếu quyết 100 phiếu thuận, 0 chống, nhưng phe DC bây giờ lại bác, đòi hỏi áp dụng thủ tục mới trong đó DC đòi thêm ít nhất bốn nhân chứng mới mà họ muốn gọi ra, trong khi bác bỏ không cho phe CH đòi thêm bất cứ nhân chứng nào khác nếu không có sự đồng ý của họ.
Công bằng mà nói, việc đàn hặc TT Clinton cũng có thể nói là một đàn hặc phe đảng, tuy được ‘hỗ trợ’ bởi điều tra và báo cáo của một công tố độc lập.
Đàn hặc TT Clinton mang tính phe đảng ở điểm ông bị điều tra về một tội vay tiền mua đất đầu tư, nhưng không ai tìm ra được bằng chứng cụ thể nào là hai vợ chồng Clinton đã phạm tội gì. Đáng lẽ ra, câu chuyện nên chấm dứt tại đây và TT Clinton không thể bị điều tra rồi đàn hặc tiếp tục. Nhưng phe chống đối ông lại kéo cuộc điều tra qua một tội hoàn toàn khác, không liên quan xa gần gì đến tội đầu tiên. Đó là tội gian díu với cô Monica, là chuyện không đáng để đàn hặc và truất phế. Hầu hết các tổng thống Mỹ từ Washington đến Johnson đều lem nhem tình dục.
Đàn hặc không chính đáng đã giúp cho hầu hết các đồng chí DC mặc dù chỉ trích cái lem nhem vô đạo đức của TT Clinton nhưng lại hăng say bảo vệ cái ghế tổng thống của ông. Chẳng những vậy, đại đa số dân Mỹ cũng bất bình, xúm lại ủng hộ TT Clinton mà họ thấy như là một nạn nhân đáng tội của chính trị phe đảng, nhất là cái tội lem nhem của TT Clinton là tội của 80% đấng mày râu, không hại gì cho đất nước, không đáng để truất phế. TT Clinton cũng được lợi thế là người dân mãn nguyện với cuộc sống khi kinh tế vững mạnh. Một điểm không thể bỏ qua là TT Clinton có tài thiên phú đóng kịch trong vai một nạn nhân đau khổ rất hội hận nên dân Mỹ nhẹ bóng viá thấy đáng tội và có cảm tình, khác xa với thái độ có vẻ phách lối của TT Trump chỉ khiến dân Mỹ bực mình thêm.

TT DONALD TRUMP
Đây là vụ đàn hặc ta đang xem.
Chi tiết đàn hạc này đã được bàn đi viết lại quá nhiều trên TTDC cũng như ngay trên diễn đàn này, ta không cần phải xét lại nữa. Chỉ cần nêu lên vài điểm ‘lạ lùng’ trong phần nhận xét chung dưới đây.

NHẬN XÉT CHUNG
Cả ba vụ đàn hặc các TT Johnson, Nixon và Clinton đều giống vụ đàn hặc TT Trump hiện nay ở điểm tất cả đều là chuyện đấu đá chính trị, chứ các tổng thống, không có ông nào phạm những tội như phản quốc hay hối lộ hay gì gì ghê gớm khác.
Trong trường hợp TT Johnson, ông chỉ là nạn nhân của việc tranh dành ảnh hưởng giữa các phe phái qua việc bổ nhiệm bộ trưởng Quốc Phòng. Với TT Nixon, ông không là thủ phạm trộm cắp tài liệu gì, trực tiếp hay gián tiếp. Cái ‘tội’ của ông là tìm cách che chở đàn em, cũng như muốn che dấu chuyện xấu, để được đắc cử với tỷ lệ cao nhất rồi đi vào lịch sử như một tổng thống ‘vĩ đại’ nhất, là giấc mộng của ông. Với TT Clinton, ông bị điều tra về một tội liên quan đến chuyện vay tiền ngân hàng đầu tư mua đất, nhưng không có bằng chứng gì, lan qua điều tra về chuyện dan díu sex cá nhân, khiến ông bối rối phải nói láo cả nước, kể cả nói láo các phụ tá và cả vợ con luôn. Gây ra cái tội đáng đàn hặc.
TT Trump cũng không khác gì, bị truy tố về những tội vớ vẩn, trước sau gì phe tố cáo cũng chẳng đưa ra được bất cứ một bằng chứng cụ thể nào ngoài những lời đồn nghe qua nói lại. Không có một lý do chính đáng nào để truất phế hết. Nói về bằng chứng cụ thể thì TT Trump là người bị tố vô lý nhất.
Một khác biệt quan trọng nhất giữa đàn hặc TT Trump và các đàn hặc trước là tính phe đảng. Trong vụ án TT Nixon, ông này đã bị chính những đồng chí cùng đảng CH áp lực từ chức. Trong vụ án Clinton, tất cả các nghị sĩ DC không nhìn nhận đó là những tội đáng truất phế, và cả chục thượng nghị sĩ CH cũng đồng ý. Nói cách khác, vụ án mang tính ít phe đảng hơn.
Trong vụ án TT Trump, không có tới một dân biểu hay thượng nghị sĩ CH nào lên án các việc làm của TT Trump, không có một dân biểu CH nào biểu quyết đàn hặc, và cho tới nay, không có một thượng nghị sĩ CH nào lên tiếng ủng hộ truất phế. Nghĩa là hoàn toàn mang tính phe đảng một chiều.
Dưới đây là hành xử của các chính khách DC trong vụ đàn hặc TT Clinton và TT Trump, để quý độc giả thấy rõ tính phe đảng giả dối thô bạo của họ (Xem chi tiết trong bài “Giả Dối Của Đảng Dân Chủ” trong trang Báo Mỹ tuần này):

1.     TNS Chuck Schumer, lãnh đạo khối thiểu số DC trong Thượng Viện:
Năm 1999: ông Schumer nằm trong phái đoàn thượng nghị sĩ DC thường xuyên làm việc với TT Clinton để thảo luận và thi hành sách lược chung đối phó với đàn hặc TT Clinton.
Năm 2020: ông Schumer kịch liệt lên án ông McConnell, lãnh tụ khối đa số CH tại Thượng Viện, đã phối hợp với Tòa Bạch Ốc về sách lược đối phó với đàn hặc.
Năm 1999: ông Schumer công khai tuyên bố “Tôi đã có tiên kiến và biết trước sẽ phải biểu quyết như thế nào”.
Năm 2020: ông Schumer công kích ông McConnell đã có thành kiến sẵn khi ông này tuyên bố “Tôi không phải là một quan tòa khách quan trong vụ đàn hặc TT Trump”.
Năm 1999:  ông tuyên bố “Chúng ta đã nghe quá nhiều nhân chứng lập đi lập lại ngần đó chuyện, không cần thêm một nhân chứng nào nữa”.
Năm 2020: ông đổi giọng “chúng ta cần thêm tài liệu và cần thêm nhiều nhân chứng ra chứng minh tội của TT Trump”.

2.     DB Adam Schiff, chủ tịch Ủy Ban Tình Báo, cầm đầu phe DC trong cuộc đàn hặc TT Trump tại Hạ Viện và Thượng Viện:
Năm 1999: “Tôi nghĩ đối với dân địa phương trong một quận hạt, đàn hặc là một bằng chứng cụ thể nhất là vị đại diện dân của khu vực đã đặt tính phe đảng ý thức hệ lên trên quyền lợi của cử tri của họ”.
Năm 2020: hoạt động toàn thời cho các vụ điều tra về TT Trump, và từ nửa năm qua cho việc đàn hặc TT Trump.

3.     DB Jerrold Nadler, chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện, thành viên ban công tố truy tố TT Trump trong ‘phiên tòa’ tại Thượng Viện:
Năm 1999: “Hậu quả của đàn hặc là lật ngược ý dân. Chúng ta không thể xóa bỏ kết quả bầu cử và lật đổ tổng thống nếu không có sự đồng ý toàn diện của dân. Chúng ta không thể chấp nhận một cuộc đàn hặc và truất phế chỉ có hậu thuẫn của một chính đảng”. 
Năm 2020: nhất quyết đàn hặc và truất phế TT Trump dù đây là chuyện phe đảng tuyệt đối khi không có tới một dân biểu CH nào biểu quyết  đàn hặc TT Trump.

Đúng là… ôn cố tri tân!