Saturday, February 14, 2015

Blogger Đoan Trang: Cô gái thách thức những thử thách-VOA

Blogger Đoan Trang:
Cô gái thách thức những thử thách-VOA

Blogger Phạm Đoan Trang và các bạn. Ảnh chụp ở San Diego, California

14.02.2015
Nếu được sang Mỹ sinh sống, học tập và có cơ hội tạo dựng tương lai ở đây, ít có bạn trẻ nào lại quyết định từ bỏ để quay về nước. Nhưng đó lại lại sự lựa chọn của một ngòi bút trẻ từng làm việc cho truyền thông nhà nước nhưng rồi bị xem là thành phần ‘chống phá’ và trở thành mục tiêu của những vụ sách nhiễu, bắt bớ kể từ khi cô công khai dấn thân vào các hoạt động cổ xúy dân chủ-nhân quyền trong nước.
Cô gái ấy là nhà báo tự do-blogger Phạm Đoan Trang, một trong những thành viên tích cực của Mạng Lưới Blogger Việt Nam, người được quốc tế biết đến qua các chuyến đi vận động từ Châu Á, Châu Âu sang tới Châu Mỹ, gặp gỡ chính giới các nước và các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế để kêu gọi ủng hộ cho xã hội dân sự ở Việt Nam, đặc biệt là chuyến vận động hủy bỏ điều luật 258 mà Hà Nội thường dùng để trấn áp các ngòi bút bất đồng quan điểm với nhà nước.
Tại chặng dừng ở Mỹ trong cuộc hành trình, cô vinh dự nhận được suất học bổng nghiên cứu của Đại học Nam California và là một trong số 17 ngòi bút bênh vực nhân quyền trong năm 2014 được tài trợ chỗ ở tại Villa Aurora, tòa nhà sang trọng ở Los Angeles chuyên tiếp đón những nghệ sĩ tài hoa trên thế giới.
Hoàn tất khóa học, cựu phóng viên chuyên trang Tuần Việt Nam của VietnamNet đã quay về nước vào cuối tháng rồi và gặp rắc rối ngay tại cổng vào Việt Nam, với buổi làm việc kéo dài 15 giờ đồng hồ với lực lượng an ninh ở sân bay Tân Sơn Nhất. 
Vì sao một cây bút trẻ tài năng lại từ bỏ cơ hội gầy dựng một tương lai tốt đẹp hơn, một cuộc sống an toàn hơn ở nước ngoài để trở về đối mặt với những rủi ro, đe dọa? Trang về nước để làm gì và cô dự định con đường sắp tới của mình ra sao?
Tạp chí Thanh Niên VOA mời quý vị cùng chia sẻ những tâm tình của cô gái đã đánh đổi công việc ổn định của một phóng viên nhà nước để được làm một ngòi bút tự do về tư tưởng và rời bỏ một môi trường viết không bị kèm kẹp để trở lại nơi ‘hứa hẹn’ đầy những thử thách, chông gai.
Đoan Trang: Mỹ là môi trường dễ sống cho mọi người nên nhiều người đến Mỹ không muốn ra khỏi nước Mỹ, đặc biệt là những người đến từ các nước đang phát triển. Đã đến được Mỹ, đa số muốn ở lại để có cuộc sống thoải mái hơn, không bị đe dọa, ức chế. Em trước khi quyết định về Việt Nam cũng đã suy nghĩ rất nhiều. Đây là một quyết định khó khăn, dằn vặt. Ở các nước đang phát triển, cuộc sống người dân càng khó khăn, nhất là tình trạng vi phạm nhân quyền như Việt Nam. Thế nhưng, với một người viết, ở xã hội càng như vậy càng có nhiều chuyện đề viết, từ chuyện Biển Đông đến quan hệ Việt-Trung, Việt-Mỹ, đến vấn đề mất đất của dân oan, chuyện chà đạp nhân quyền trong lĩnh vực như tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được xét xử công bằng. Bọn em luôn cảm thấy muốn chứng kiến, muốn ghi lại, ‘sống để kể lại.’
Văn hóa chính trị Việt Nam là một văn hóa chính trị tồi tệ. Nó coi hoạt động của các đảng phái là cực kỳ nguy hiểm và xấu xa, chỉ mỗi đảng cộng sản là long lanh, đẹp đẽ thôi. Tất cả suy nghĩ lệch lạc như vậy từ thượng tầng đã lệch lạc rồi. Thượng bất chính, hạ tắc loạn. Vấn đề của xã hội Việt Nam không phải do dân tộc tính. Không dân tộc nào đẻ ra là xấu xa, mà nó xuất phát từ thể chế, từ văn hóa chính trị. Em tin là nếu có một thể chế khác, chắc chắn những thói hư tật xấu của người Việt Nam sẽ được sửa đổi rất nhanh.
Blogger Phạm Đoan Trang
Trà Mi: Tuy nhiên, để viết về Việt Nam không nhất thiết phải sống trong  nước mới viết được vì thực tế chứng minh là trong suốt thời gian ra khỏi nước, Trang không hề dừng bút. Thế thì, viết ở một nơi thoải mái hay ở một nơi gò bó, nên chọn nơi nào để được tự do thể hiện mình nhất?
Đoan Trang: Những suy nghĩ, hiểu biết của em góp nhặt, chắp vá ở trong nước khi ra nước ngoài được hệ thống hóa. Mình làm việc có phương pháp, bài bản hơn. Thế nhưng thiếu một cái là ‘hơi thở cuộc sống’, mình không cảm nhận được trực tiếp. Có những vấn đề mình phải cảm nhận trực tiếp, chứng kiến tận mắt mới viết được. Phương pháp tốt nhưng không bằng kinh nghiệm thực tế, trải nghiệm.
Trà Mi: Nhưng vấn đề là về nước có viết được hay không, Trang nghĩ thế nào?
Đoan Trang: So với thời ‘Nhân văn Giai phẩm’ thì không gian tự do ngôn luận của người Việt Nam bây giờ đã mở rộng rất nhiều, không phải là do đảng cộng sản nhân hậu hơn hay tôn trọng nhân quyền hơn, mà là vì đó là xu thế tất yếu của thời đại. Thời hội nhập có internet, có mạng xã hội thì người dân chủ động mở rộng được tự do của họ hơn. Những tác phẩm nào không đăng được trên báo chính thống của nhà nước thì có thể đăng trên mạng. Cho nên, em nghĩ không hẳn là không có lối thoát. Tất nhiên, đã về nước thì chấp nhận phải có rủi ro. Nếu mình viết đi quá lằn ranh mơ hồ nào đó là họ đàn áp, bắt bớ như đã xảy ra với Anhbasam, blogger Hồng Lê Thọ, và blogger Bọ Lập. Chuyện đó xảy ra thì phải chấp nhận thôi, vì đó là cái giá phải trả cho việc thúc đẩy tự do ngôn luận.
Trà Mi: Trang từng nói muốn về nước để chung sức xây dựng. Nhưng quay về chắc gì xây dựng được hay bị phí phạm tiềm năng, hoặc thậm chí vùi chôn khả năng, tương lai của chính mình khi bị kiềm hãm bằng mọi cách. Chi bằng ở bên ngoài mà còn đóng góp được chút gì, Trang cân nhắc lợi hại ra sao?
Đoan Trang: Cái đó là cái giá, mình trở về nghĩa là mình chấp nhận cái đó. Nếu chúng ta cứ lo lắng sợ không bình yên, sợ trả giá thì cũng không đáng. Đời người sung sức nhất chỉ có giai đoạn tuổi trẻ thôi. Cứ chấp nhận rủi ro một chút.
Trà Mi: Cũng có người nghĩ ngược lại rằng tuổi trẻ không bao lâu mà mình lao đầu vào nơi rủi ro nhất thì sẽ không làm được gì nhiều hơn.
Đoan Trang: Tùy mình đánh giá kết quả mình đạt được cái gì.  Có thể về nước em không làm gì được nữa thật, chuyện đó có khả năng xảy ra. Em phải cố gắng giảm thiểu khả năng không làm được gì cả. Không làm được gì cả thì đúng là thà ở nước ngoài còn hơn.
Trà Mi: Khi về nước, Trang có nói rằng sẽ cố gắng sống bình thường như mọi người bình thường. Hai chữ ‘bình thường’ ở đây nên được hiểu thế nào?
Đoan Trang: Em rất muốn mọi người nhìn nhận công việc của người viết hay người đấu tranh dân chủ là chuyện bình thường, không có gì là khác người hay dũng cảm. Em mong muốn được nhìn nhận như vậy. Bình thường ở đây là vậy, chứ không có nghĩa là bỏ cuộc hay gì.  
Trà Mi: Một Đoan Trang trước khi rời Việt Nam và sau khi trở về có gì khác?
Đoan Trang: Em không thấy có gì khác cả, hoàn toàn vẫn thế.
Trà Mi: Người ta nói đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Về nước lần này, hành trang bạn mang theo gồm có những gì?
Đoan Trang: Em học được nhiều, cách suy nghĩ mọi thứ có hệ thống hơn chứ không chắp vá như trước. Em trải nghiệm về đời sống của cộng đồng người Việt bên Mỹ và của xã hội Mỹ. Em chứng kiến sự quan tâm của bà con người Việt hải ngoại quan tâm đến đất nước. Rất cảm động khi thấy bà con đi xa hàng chục năm, sống trong xã hội phồn vinh-thịnh vượng như vậy mà vẫn rất có lòng đối với đất nước.
Trà Mi: Sau chuyến đi mở mang hiểu biết tại Mỹ_ quốc gia từng là cựu thù của Việt Nam, điểm khác biệt tiêu biểu nhất giữa hai nơi này, theo nhận xét của Trang, là gì?
Đoan Trang: Xã hội Mỹ tiến bộ, tôn trọng nhân quyền, có nền tư pháp tuyệt vời, thật sự là một nhà nước pháp quyền, bảo vệ công lý-nhân quyền. Còn Việt Nam là một xã hội bất bình thường, giờ có thay đổi thì thật sự chỉ là để trở thành một xã hội bình thường mà thôi. Hiện ở Việt Nam có rất nhiều cái bất bình thường, vô lý. Ví dụ như ở Việt Nam, người tốt và thật thà rất khó sống.
Trà Mi: Nguyên do vì sao có sự bất thường đó, theo hiểu biết của Trang, một người trẻ đã đi ra nhiều nước từ Châu Á tới Hoa Kỳ?
Đoan Trang: Tất cả là do ý thức, mà ý thức đó xuất phát từ thể chế. Đại đa số vấn đề ở Việt Nam hiện nay có thể giải quyết bằng một thể chế khác, một văn hóa chính trị khác. Văn hóa chính trị Việt Nam là một văn hóa chính trị tồi tệ. Nó coi hoạt động của các đảng phái là cực kỳ nguy hiểm và xấu xa, chỉ mỗi đảng cộng sản là long lanh, đẹp đẽ thôi. Tất cả suy nghĩ lệch lạc như vậy từ thượng tầng đã lệch lạc rồi. Thượng bất chính, hạ tắc loạn. Vấn đề của xã hội Việt Nam không phải do dân tộc tính. Không dân tộc nào đẻ ra là xấu xa, mà nó xuất phát từ thể chế, từ văn hóa chính trị. Em tin là nếu có một thể chế khác, chắc chắn những thói hư tật xấu của người Việt Nam sẽ được sửa đổi rất nhanh.
Trà Mi: Về Việt Nam, Trang dự định sẽ xoay sở thế nào trong môi trường mà những người không theo lề đảng, nếu không bị tù tội thì cũng khó mưu sinh vì những áp lực đối với một ngòi bút bị cho là ‘chống đối’? Trang chuẩn bị con đường phía trước về cả vật chất lẫn tinh thần thế nào?
Đoan Trang: Hiện em viết cho trang web Luật khoa, một tờ báo mạng về luật pháp mà em và một số bạn khác thành lập, viết về kiến thức pháp luật cho những người bình dân.
Trà Mi: ‘Có thực mới vực được đạo’, đời sống người cầm bút phải được đảm bảo thì sức viết của họ mới sung mãn và đóng góp những bài viết hay hơn, thiết thực hơn cho đời. Trong môi trường mà mình khó kiếm được công việc vững chải để đảm bảo đời sống, Trang xoay sở thế nào?
Đoan Trang: Cái đó bọn em cũng quen rồi. Những nhà báo như em cố gắng sống ‘lây lắt’. Em may mắn có vốn tiếng Anh, em có thể tham gia dịch sách báo, cũng đỡ phần nào khó khăn trong đời sống. Nhưng vẫn biết là khó khăn lắm.
Trà Mi: Ngay từ khi bước chân về sân bay, Trang đã gặp khó khăn với chính quyền sau nhiều giờ bị cầm giữ ở sân bay.
Đoan Trang: Thời gian làm việc với họ là 15 tiếng.
Trà Mi: Có những đề nghị, yêu cầu cần giải quyết giữa đôi bên thế nào mà thời gian làm việc kéo dài như thế?
Đoan Trang: An ninh muốn em về nước phải ‘ngoan’.
Trà Mi: Họ đưa ra yêu cầu như thế, Trang có đáp ứng không?
Đoan Trang: Em nói không thể hứa hẹn điều gì. Với hệ thống luật pháp Việt Nam đầy những điều mơ hồ, người viết và các nhà hoạt động rất khó mà không vi phạm pháp luật. Cho nên, em nói thành thật với họ là em không hứa hẹn điều gì.
Trà Mi: Có người cho rằng được trở về an lành sau thành tích ‘chống phá’ nhà nước, không lọai trừ khả năng có sự ‘thành khẩn với chính quyền’ . Phản hồi của Trang ra sao?
Đoan Trang: Không có ‘thành khẩn’ gì cả, em giữ đúng thái độ của một nhà báo thôi, không nói điều gì mình không biết, không liên quan, không bình luận về người thứ ba. Em chỉ làm đúng như thế.
Trà Mi: Trong thời gian tới, nếu có chuyện gì xảy ra, Trang có phương pháp tự vệ nào không?
Đoan Trang: Em nghĩ sẽ không có chuyện gì xảy ra vì em không phải là một nhân vật quá quan trọng hay quá nguy hiểm hay quá có ảnh hưởng để họ đưa vào danh sách hạn chế. Em nghĩ sẽ không có vấn đề gì xảy ra nên cũng không chuẩn bị gì.
Trà Mi: Một blogger được nhiều người biết đến và bị ‘để ý’ như Trang, ra nước ngoài rồi lại quyết định trở về, Trang muốn nói gì với những người trẻ Việt Nam?
Đoan Trang: Em luôn muốn khuyến khích những người viết tới Việt Nam để trải nghiệm, chứng kiến, viết, tham gia vào những hoạt động bảo vệ công lý ở Việt Nam, thúc đẩy nhân quyền cho Việt Nam. Như vậy càng có nhiều vốn sống hơn cho người viết. Em cảm thấy ở Việt Nam giờ có tâm lý ‘rã đám và bỏ cuộc’. Những chuyện chướng tai gai mắt, sai trái trong xã hội, họ lờ đi. Họ chỉ lo làm ăn, tìm cách du học và ở lại nước ngoài để đổi đời. Về góc độ xã hội, một nước có tâm lý như vậy phổ biến thì Việt Nam sẽ mãi mãi như thế. Trong khi đó, việc đáng làm hơn là ở lại để tìm giải pháp thay đổi tình hình thì không ai làm cả. Đó là tâm lý có hại cho sự phát triển xã hội. Nếu ai đó có thể chia sẻ được suy nghĩ này thì em rất mừng.
Trà Mi: Cảm ơn Trang đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.




Công ty Rand: 'TQ chưa sẵn sàng giành chiến thắng trong chiến tranh'-VOA



Công ty Rand: 'TQ chưa sẵn sàng giành chiến thắng trong chiến tranh'-VOA 
Rand Corp., một trong những công ty nghiên cứu nổi tiếng nhất
Tin liên hệ
14.02.2015
Trung Quốc chưa sẵn sàng giành chiến thắng trong những cuộc chiến tranh mặc dù chi tiêu nhiều để hiện đại hóa, theo báo cáo của Rand Corporation, một nhóm nghiên cứu ở California, thực hiện cho một ủy ban quốc hội Hoa Kỳ.
Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có những "điểm yếu nghiêm trọng tiềm tàng" có thể hạn chế khả năng tiến hành những hoạt động cần thiết để chiến đấu và giành chiến thắng trong các cuộc xung đột trong tương lai, theo báo cáo của Rand Corporation.
"Mặc dù khả năng của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã tăng lên đáng kể, những điểm yếu còn tồn tại làm tăng nguy cơ thất bại trong việc thực hiện thành công những nhiệm vụ mà các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể giao phó thực hiện," báo cáo nhận định.
Báo cáo nói những điểm yếu của quân đội Trung Quốc thuộc hai hạng mục lớn. Một là cấu trúc chỉ huy lạc hậu, nhân viên kém chất lượng, thiếu chuyên nghiệp, và tham nhũng. Một điểm yếu khác là khả năng chiến đấu, bao gồm những yếu kém về hậu cần, không đủ khả năng không vận chiến lược, ít máy bay thực hiện những sứ mạng đặc biệt, và yếu kém trong phòng không và chiến tranh chống tàu ngầm.
Những nhược điểm này góp phần vào “cách biệt lớn” giữa quân đội Trung Quốc và quân đội của những nước phát triển, đặc biệt là Mỹ, báo cáo nói.
Trung Quốc vẫn đang chi mạnh để hiện đại hóa quân đội của mình kể từ khi tăng trưởng kinh tế tăng tốc vào đầu những năm 1990, với những khoản chi ngân sách quốc phòng tăng ở mức hai chữ số. Trung Quốc cũng có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai trên thế giới sau Mỹ, dù kém bốn lần.
Báo cáo kết luận rằng Mỹ cần phải cải thiện hiểu biết của mình về những thiếu sót của quân đội Trung Quốc để có thể bảo đảm Mỹ và các đồng minh có thể để ngăn chặn Trung Quốc sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu chính sách của mình.
Nguồn: Bloomberg, USCC

Không ngăn cản bất cứ ai về Việt Nam?-RFA



Không ngăn cản bất cứ ai về Việt Nam?-RFA
Mặc Lâm - RFA
2015-02-13
GS. Nguyễn Hưng Quốc, Australia
Courtesy of vi-wikipedia.com
Đọc:
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam trong cuộc họp báo mang tên “Xuân Quê Hương” vào ngày 30 tháng 1 chào đón kiều bào đã nói rằng theo Nghị quyết 36 của Bộ chính trị thì đại đoàn kết dân tộc là mục tiêu cao cả, cuối cùng của toàn dân tộc Việt Nam.
Ông Thứ trưởng còn nói đối với người Việt Nam ở nước ngoài thì Bộ Ngoại giao có chính sách hàn gắn, đoàn kết dân tộc với những người còn có ý kiến khác, còn có những hoạt động chống đối, lời nói xâm hại lợi ích quốc gia, dân tộc. Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tiếp cận những kiều bào còn định kiến, cử các đoàn chuyên viên gặp gỡ, trao đổi với đại diện kiều bào ở các nước, có những chính sách cởi mở hơn nữa để vận động họ trở về...
Đối chiếu với tuyên bố này, thực tế có những bức tranh hoàn toàn khác đang gây ẩn ức từ việc công an cửa khẩu nhận được chỉ thị cấm hàng trăm người nhập cảnh mỗi năm theo danh sách mà họ gọi là thành phần chống đối. Trong các thành phần chống đối ấy công an không loại trừ các trí thức, chuyên gia, hay những người làm từ thiện mà hoạt động của họ hoàn toàn không có một sự chống đối nguy hiểm nào.
Trường hợp thứ nhất là chuyên gia an ninh mạng Hoàng Ngọc Diêu, anh bị nhà nước cấm cửa không cho vào Việt Nam mặc dù được mời tham dự một hội thảo chuyên đề về an ninh mạng vào cái tết năm 2012, anh Hoàng Ngọc Diêu cho biết thêm chi tiết như sau:
"Khoảng tháng 1 đầu năm 2012 tôi được mời về Việt Nam do một nhóm chuyên bảo mật an toàn thông tin của Việt Nam mời về dự cuộc hội thảo được gọi là “Tetcon” (Viết tắt của Tết Conference, do được tổ chức vào ngày gần Tết) mình nhận được giấy mời đàng hoàng, được đài thọ mọi thứ, coi như cái event đó nó được Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận đầy đủ hết rồi.
Ngày hôm đó mình chỉ lên máy bay, về tới nơi thì hải quan của phi trường Tân sơn nhất họ giữ lại, họ lôi vô trong phòng nói chuyện trên trời dưới đất họ tìm cách trì hoãn thời gian. Lúc đó mình chưa có hiểu rõ là mình không được vô Việt Nam mình chỉ nghĩ họ muốn biết mình về Việt Nam làm gì thôi không ngờ họ kéo dài ba bốn tiếng đồng hồ cuối cùng họ nói: thôi bây giờ anh ra máy bay, họ tống cổ lên chuyến bay kế tiếp bay ngược lại Úc!"
Ông Hoàng Ngọc Diêu - Ảnh từ goctroikhac.wordpress.com

Trường hợp thứ hai là Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc giảng dạy tại đại học Victoria thành phố Melbourne nước Úc. Giáo sư bị công an cửa khẩu từ chối không cho nhập cảnh hai lần, lần đầu tiên vào năm 2005 khi ông dẫn 14 sinh viên người Úc về Việt Nam để làm một cuộc du khảo vì các sinh viên này đã theo học tiếng Việt ở Úc và cuộc đi này nhằm góp phần mở mang kiến thức văn hóa Việt Nam cho các bạn sinh viên. Trong khi tất cả các sinh viên không có vấn đề gì thì chính bản thân người dẫn đầu lại bị chặn và không cho phép vào Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc bị buộc phải lên máy bay quay về Úc ngay sau đó.
Ba năm sau vào năm 2009 Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc được mời thuyết trình trong một hội thảo quốc tế về vấn đề giảng dạy ngôn ngữ do trường đại học Hà Nội và một trường đại học tại Úc đồng tổ chức. Ông được mời, được Việt Nam cấp Visa nhưng khi tới phi trường Nội Bài ở Hà Nội thì lại không được phép nhập cảnh.
Trở về Úc, Giáo sư hỏi đại sứ Việt Nam tại Úc và Bộ Ngoại giao Việt Nam tại sao lại có chuyện như vậy thì Bộ Ngoại giao không trả lời chỉ có đại sứ Việt Nam tại Úc trả lời là họ không biết.
Trường hợp thứ ba là của cô MiVan Lovstrom, vào tháng 10 năm 2011 cô cũng bị cấm nhập cảnh khi cùng hai người bạn Na Uy đi với cô vào Việt Nam mang quà tặng cho trẻ khuyết tật. Chỉ mình cô bị cấm vào và phải quay về Thái Lan mà không một lời giải thích. MiVan cho biết:
"Lúc đó thì họ nói là tạm thời MiVan không được nhập cảnh, MiVan có hỏi lý do thì không được trả lời lý do như thế nào. Sau đó MiVan hỏi nữa thì tòa đại sứ Việt Nam ở Thái Lan nói là chắc MiVan đi tới những vùng nhạy cảm họ cũng nói rằng ở Việt Nam muốn làm từ thiện thì phải qua Mặt trận tổ quốc hay Đoàn thanh niên.
MiVan cảm thấy nó không hợp lý vì vẫn không có câu trả lời thỏa đáng và lúc hỏi khi nào mới trở vào được thì vẫn không có câu trả lời rõ ràng. MiVan cảm thấy chuyện của mình làm là mang một chút nguồn vui tới những người kém may mắn hơn vì vậy MiVan mong được sự thông cảm đối với việc của mình."
Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc là một nhà phê bình lý luận văn học có tiếng ở hải ngoại. Ông là một trí thức hiếm hoi ở nước ngoài dấn thân lặn lội trong việc nghiên cứu văn học Việt Nam nhưng bắt đầu từ hai chuyến cấm nhập cảnh đó người theo dõi thấy chủ đề và cách viết của ông thay đổi một cách rõ ràng. Ông không viết về văn học nữa mà tập trung các bài phân tích chế độ cộng sản Việt Nam một cách sắc sảo mà trước đó ông chưa bao giờ làm. Khi được hỏi có phải sự thay đổi lớn lao này phát sinh từ hai chuyến về Việt Nam hay không ông nói:
"Tôi nghĩ là có anh ạ. Thật ra không phải tôi không quan tâm đến chính trị thế nhưng từ lúc vượt biên, lúc cầm bút vào cuối năm 1985 cho đến khoảng năm 2008 thì hầu như hoàn toàn tôi không viết về chính trị mà chỉ viết về văn học thôi. Không phải vì mình không băn khoăn, không suy nghĩ về chính trị nhưng có hai lý do: Lý do thứ nhất tôi muốn tập trung vào lĩnh vực văn học thôi vì tôi nghĩ đó là sở trường của mình, thứ hai, chuyện chính trị tôi nghĩ có thể có nhiều người khác có khả năng hơn mình họ có thể làm được và làm một cách xuất sắc hơn mình.
Thế nhưng sau khi bị trục xuất ra khỏi Việt Nam lần thứ hai thì tôi bị shock, rồi chính cái shock ấy tôi mới nghĩ rằng là mình muốn tránh né chuyện chính trị cũng không được. Ngay bản thân tôi hồi trước chỉ tập trung vào phê bình văn học, tậy trung vào nghiên cứu nhưng cuối cùng vẫn bị áp lực của chính trị buộc mình không được đặt chân vào ngay chính quê hương của mình để thăm gia đình, bạn bè cho nên thật ra mà nói tôi rất shocked."
Cò lẽ sự ẩn ức của Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc không phải từ cá nhân ông, nhưng việc cấm nhập cảnh giống như mảnh vải đen che mắt của ông bị lột bỏ để ánh sáng tri thức soi rọi vào một góc tối mà trước đó ông không để ý, giáo sư chia sẻ:
... có thể nói thế này, chính cái việc bị trục xuất ra khỏi Việt Nam nó làm như một cái cú shock về phương diện tâm lý và từ phương diện tâm lý như vậy nó thay đổi cả về phương diện nhận thức và cuối cùng tôi viết về chính trị một điều mà trước đó tôi nghĩ có lẽ mình sẽ không bao giờ nghĩ tới.
GS. Nguyễn Hưng Quốc
"Ngay cả khi mình sống ở hải ngoại mà mình còn chịu sự tác động của những quyết định độc tài độc đoán như vậy huống hồ gì những người trong nước họ hoàn toàn lệ thuộc vào các quyết định của chính phủ. Họ có thể sợ những công an trong khu vực ra đường thì sợ cảnh sát…cả đời họ sợ hãi bởi vậy cho nên tôi nghĩ nếu trong hoàn cảnh như vậy mà mình tiếp tục viết vể văn học nghệ thuật thì tự nhiên mình cảm thấy có gì nó hơi hờ hững quá, nó không phải cho nên tôi bắt đầu viết vể chính trị.
Thoạt đầu tôi định viết ít thôi, mỗi tuần viết trên blog của đài VOA thì tôi định mỗi tuần tôi viết hai bài vể văn học, một bài về ngôn ngữ học hoặc giáo dục và một bài vể chính trị nhưng mà càng đọc, theo dõi tình hình chính trị Việt Nam thì càng cảm thấy khó chịu, bức bối nó đòi viết bởi vậy dần dần về sau này thì gần như tôi viết hoàn toàn về vấn đề chính trị. Gần đây tôi có mở một trang Facebook thì ở trong đó tôi cũng viết về chính trị cho nên có thể nói thế này, chính cái việc bị trục xuất ra khỏi Việt Nam nó làm như một cái cú shock về phương diện tâm lý và từ phương diện tâm lý như vậy nó thay đổi cả về phương diện nhận thức và cuối cùng tôi viết về chính trị một điều mà trước đó tôi nghĩ có lẽ mình sẽ không bao giờ nghĩ tới"
Trong buổi họp báo vào trước Tết, Thứ trưởng Vũ Hồng Nam khẳng định với báo chí rằng “Việt Nam có chủ trương rõ ràng, đất mẹ Việt Nam mở rộng cánh tay đón tất cả những người con trở về, không phân biệt thành phần quá khứ, miễn là không chống lại đất nước, không chống lại
Rất tiếc thông điệp này, ít nhất theo những người bị cấm nhập cảnh vô cớ, chỉ có thể là thông điệp phát đi từ Bộ Ngoại giao, làm theo nội dung của nghị quyết 36 chứ Bộ Công an hoàn toàn không chia sẻ. Những cái nhìn quá nhạy cảm của Cục Đối ngoại thuộc Bộ Công an không phân biệt nổi đâu là sự chống đối nguy hiểm đến chế độ và đâu là các hoạt động thuần túy nghề nghiệp đã đẩy những người có tâm với đất nước trở thành đối đầu một cách kiên trì để từ đó mọi giải thích chỉ được đánh giá là tuyên truyền không hơn không kém.