Saturday, July 23, 2016

Nỗi khổ của hành khách tàu lửa Bắc Nam



Nỗi khổ của hành khách tàu lửa Bắc Nam
Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2016-07-20


Hành khách đi tàu lửa Bắc Nam, trên những chuyến tàu SE, tức là tàu hạng sang của đường sắt Việt Nam hiện tại sẽ khó quên cảm giác khi ngồi trên một con tàu hết sức lộn xộn và chẳng khác nào những chuyến tàu thời kinh tế tập trung bao cấp. Nếu có đủ tiền và đi sớm thì có thể mua được những tấm vé tốt, ngược lại, một khi có ít tiền hoặc đi muộn, chấp nhận mua ghế phụ thì cảm giác ngồi tàu sẽ là một kinh nghiệm tệ hại, khó tả.
Vật vạ giống thời bao cấp
Ngồi ghế phụ rất phiền phức, vì phải liên tục đứng lên, dẹp ghế để nhân viên người ta đẩy quầy thức ăn lưu động đi tới đi lui. Nguyên một đêm không ngủ được.
- Anh Năng
Gặp chúng tôi trên chuyến tàu SE7, xuất phát từ Hà Nội vào thành phố Sài Gòn, một hành khách tên Năng, mua vé ghế phụ đi từ Quảng Trị về ga Long Khánh, Đồng Nai, chia sẻ:
“Ngày có hai chiếc SE thôi nên nói hợp lý cũng không được mà không hợp lý thì cũng không được. Mình đi muộn thì phải ngồi nghế phụ, ngồi ghế phụ thì rất phiền phức, vì phải liên tục đứng lên, dẹp ghế để nhân viên người ta đẩy quầy thức ăn lưu động đi tới đi lui. Nguyên một đêm không ngủ được. Hành lý thì không biết bỏ đâu. Nói chung là không hợp lý, khó nói lắm!”
Ngồi ghế phụ rất phiền phức, vì phải liên tục đứng lên, dẹp ghế để nhân viên người ta đẩy quầy thức ăn lưu động đi tới đi lui. Nguyên một đêm không ngủ được.
- Anh Năng
Ông Năng cho biết là theo qui định của nhà ga, hành khách có thể mua vé trước khi tàu khởi hành nửa giờ trở lên, lúc ông đến ga vẫn sớm hơn một giờ đồng hồ so với giờ tàu khởi hành. Nhưng ông không thể nào mua được vé chính để lên tàu, người bán vé khuyên ông nên mua vé ghế phụ. Và khi lên tàu thì ông mới hiểu ghế phụ chính là những chiếc ghế nhựa đặt dọc hành lang các toa mà theo qui định của ngành đường sắt thì các đường hành lang bên ngoài phòng khách chỉ dành để đi lại chứ không phải là nơi đặt ghế cho khách.
Chính vì bị ngồi trái qui định nên mọi quyền lợi của một hành khách hoàn toàn không có đối với người mua vé ghế phụ. Mỗi khi các xe chở hàng ăn uống của nhà ga đẩy ngang qua hành lang, khách ghế phải đứng dậy, mang ghế đi chỗ khách nhường lối. Chuyện này lặp đi lặp lại khá nhiều lần trong một chuyến đi, người ngồi ghế phụ không tài nào chợp mắt mặc dù quá mệt mỏi.
Đặc biệt, những túi hành lý, người ngồi ghế phụ buộc phải mang lại nơi góc cửa lên xuống để chất thành đống ở đó rồi cử người thay phiên nhau ngồi canh, bởi nhà ga luôn khuyến cáo khách đề phòng mất cắp, móc túi và bán hàng đểu. Mỗi khi tàu dừng ở ga trung chuyển, những người ngồi ghế phụ lại loay hoay mang hành lý đi tránh để có đường khách lên xuống tàu.
Ông Dõng, một hành khách khác cũng lên tàu từ ga Đông Hà, Quảng Trị theo diện ghế phụ, cho biết thêm:
 “Nó bảo mua ghế phụ mà cuối cùng ngồi ghế nhựa chỗ hành lang người ta đi qua đi lại cả đêm. Khi khách xuống rồi, phòng trống, mình muốn vào trong nằm một chút cũng không được, nó khóa phòng hết. Mình mua vé 399.000 đồng đi từ Đông Hà vào Long Khánh, ngồi cả đêm làm sao chịu nổi. Cách hành xử của nhà tàu cũng khó nói lắm!”
Ông Dõng buồn bã đưa ra nhận xét, thái độ của nhân viên ngành đường sắt có thể nói là ở dưới mức văn hóa thông thường, bởi dù sao thì khách hàng cũng là thượng đế, không thể xem thường những người mua vé ghế phụ như ông được bởi ông cũng phải bỏ tiền ra mua vé như mọi hành khách khác. Ông không rõ thái độ của nhân viên đường sắt đối với người mua vé có phòng riêng, giường riêng như thế nào nhưng với người mua vé ghế phụ, họ rất xem thường và đôi khi có dấu hiệu hỗn láo. Bởi một nhân viên có thể nhỏ hơn ông vài chục tuổi, đáng tuổi con ông đã quát ông đứng dậy khi anh ta đẩy xe thức ăn đi qua hành lang như quát một đứa trẻ.
Ông Dõng bày tỏ sự bức xúc của mình và mong muốn ngành đường sắt phải có những điều chỉnh hợp lý để tránh tình trạng nhân viên có hình ảnh và hành động không đẹp với hành khách.
Không thể quản lý bởi hỏng từ gốc tới ngọn
Nhận xét về vấn đề cơ chế quản lý nhân viên cũng như tình trạng kinh doanh của ngành đường sắt hiện tại, một quan chức ngành đường sắt không muốn nêu tên, chia sẻ:
“Ngành này hết 90%, trước đây Hà Nội cũng vậy, Sài Gòn cũng vậy, bây giờ bán vé trên hệ thống điện tử, nhưng cũng không tránh khỏi nạn này, giờ Đà Nẵng cũng có chút chút…”
Vị này cho biết thêm là tình hình quản lý của ngành đường sắt Việt Nam nói chung đến nay hết sức lộn xộn, khó bề ổn định. Bởi hệ thống tổ chức quản lý không thể nào quan sát được lượng vé bán ra trên thực tế do nạn cò vé chợ đen, nạn ém vé và bán chỗ ngay trong chính nhân viên ngành đường sắt. Đây là chuyện không thể quản lý được.
Ra trực tiếp ngoài ga có người đó rồi, cứ gặp mấy bà giữ xe, cò bán hàng rong thì có liền. Nhiều vé có 50 ngàn đồng thôi, tùy vào từng nhà ga.
- Anh Cường
Lấy một ví dụ về nạn ém vé, vị này nói rằng tàu SE là tàu đặt biệt chạy xuyên Bắc – Nam nhưng lại bán vé cho từng chặng, vé do các ga mỗi tỉnh điều tiết. Người bán vé có thể thông đồng với nhân viên kiểm sát của các toa tàu để ém vé, ăn chia 50%. Và khi khách mua vé từ chặng A đến chặng B, nhân viên bán vé có thể báo với khách là đã hết vé theo loại khách yêu cầu nhưng lại báo về trung tâm là ghế đó bỏ trống. Thực ra thì ghế đó hoàn toàn không bỏ trống bởi các nhóm cò vé chợ đen trước đây sau bị bị ngành đường sắt xóa sổ ở các sân ga, họ chuyển sang cò người, họ sẽ tìm khách, hứa chỗ tốt và nhân viên bán vé sẽ đảm bảo giữ chỗ cho họ.
Điều này dẫn đến tình trạng tàu luôn đông khách, chật chội nhưng vé bán ra thì không được bao nhiêu. Bởi đã có sự ăn chia giữa nhân viên bán vé tàu với các cò khách và nhân viên kiểm sát. Đây là một hệ thống ăn chia khá nhịp nhàng.
Cường, một hành khách mua được chỗ ngồi giá rẻ nhưng không có vé trên chuyến tàu SE7, chia sẻ:
“Ra trực tiếp ngoài ga có người đó rồi, cứ gặp mấy bà giữ xe, cò bán hàng rong thì có liền. Nhiều vé có 50 ngàn đồng thôi, tùy vào từng nhà ga…”
Cường chia sẻ thêm là việc mua vé này không khó, kinh nghiệm đi tàu cho anh biết chỉ cần đến ga, tìm những quán bán hàng rong, quà vặt trong ga và đặt vấn đề, nhờ họ mua chỗ giùm, thậm chí có thể mua từ những cò chỗ qua mạng internet, khi họ đồng ý, giá vé sẽ rẻ còn 30% giá qui định. Ví dụ như đi từ Đồng Hới vào Đà Nẵng, nếu mua vé thì mất 330 ngàn đồng, nhưng nếu mua chỗ thì mất chỉ có 100 ngàn đồng.
Cùng đi với Cường có thêm một nhóm bạn hơn mười người, tất cả họ đều mua chỗ chứ không mua vé. Cường cho biết thêm là hiện tại, với khoản chi phí eo hẹp của một sinh viên năm cuối nên các bạn trong nhóm phải chọn cách mua chỗ mặc dù vẫn biết làm như vậy là tiếp tay cho tội ác. Cường nhận xét thêm rằng đi trên một chuyến tàu xuyên Bắc Nam lại cho thấy hình ảnh đất nước, đất nước giống như một đoàn tàu chở đầy những con sâu đục thân.

Về cội, về cùng cát bụi



Về cội, về cùng cát bụi
23.07.2016
Cuối tuần đọc báo tiếng Việt ở California thường thấy có đăng cáo phó, phân ưu. Đây là một nét đặc trưng của truyền thông Việt, đúng ra là của truyền thông Việt Nam Cộng hòa, vì ở miền Bắc Việt Nam trước đây, và sau ngày thống nhất đất nước dưới chế độ cộng sản, chỉ có các quan chức cao cấp của nhà nước khi qua đời mới được báo của đảng đăng cáo phó kèm chương trình tang lễ.
Đọc kỹ những cáo phó tôi thấy bây giờ nhiều người Việt qua đời được đem đi hỏa thiêu, và trong số những nhà quàn được nhiều người Việt ở California biết đến có Peeks Funeral Home ở Quận Cam và nhà quàn Oak Hill trên San Jose. Tại hai nơi đó cũng có nghĩa trang với những khu dành riêng cho người Việt để sống chết có nhau trong tình đồng hương.
Trong nếp sống Mỹ, sau khi chết, theo nguyện ước của người quá cố thì thân xác có thể được bảo quản như ướp xác, được chôn vào lòng đất, được hỏa táng hay có khi được hiến cho các trung tâm y khoa để nghiên cứu.
Báo tiếng Anh cũng có đăng cáo phó về người chết, trong những cột báo nhỏ, nhưng ít khi nhắc đến việc người quá cố được chôn cất ra sao, ở đâu.
Ngày mới qua Mỹ, nhà thơ Du Tử Lê viết bài thơ “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển” và bài thơ đã được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ thành ca khúc mang cùng tên. Lúc đó nghe qua tưởng lạ, nhưng đối với người Mỹ khi qua đời được hỏa thiêu và tro than đem rải ra biển là chuyện bình thường. Tro bụi lại trở về cùng bụi tro, như trong Thánh kinh Ki-tô giáo đã nói về con người xác phàm.
Lời thơ của Du Tử Lê mang mang nỗi đau cuộc sống lưu vong cùng niềm mơ ước được trở về quê cũ mà chưa được toại nguyện, vì đường qui cố hương khi đó còn quá xa xăm mờ mịt.
Vì muốn được trở lại quê nhà nên chỉ còn một cách như thế. Sau khi chết đem tro cốt thả trôi ra biển, cho sóng đẩy đưa rồi cũng cập bến cũ, nhập lại với hồn xưa, còn hơn nằm lại nơi đất khách quê người cô quạnh.
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Đời lưu vong không cả một nấm mồ
Vùi đất lạ thịt xương không tan biến
Hồn không đi sao trở lại quê nhà …
Nỗi lòng của nhà thơ, sự chết và biển cả, lại như điều tiên liệu cho sinh mệnh hàng trăm nghìn người Việt sau ngày 30 tháng Tư 1975 đã phải gửi thân xác vào lòng biển cả, không phải để được trở về mà chạy trốn.
Suốt hai thập niên kể từ tháng Tư oan nghiệt đó, biết bao xác người Việt đã nổi trôi trên biển, còn hồn vật vờ không đến được bến bờ. Chết trên đường tị nạn vào tháng Tư trên biển ở Đà Nẵng, ở Nha Trang, trên sông Sài Gòn vào cuối tháng Tư nghiệt ngã ấy.
Cho đến nhiều năm sau, xác người Việt vẫn nổi trôi trên biển. Năm 1988 một con tàu nhỏ rời bỏ Việt Nam ra đi với 110 người. Khi cập bến chỉ còn một nửa vì bị lạc phương hướng, thuyền nhân lần lượt chết khát, chết đói. Nhiều người được thủy táng, có thuyền nhân đã phải ăn thịt người để sống sót. Câu chuyện đau thương đó được đạo diễn Nguyễn Đức ghi lại trong phim Bolinao 52.
Đoạn đường thương đau giờ đã qua. Ra đi rồi cũng có ngày về cội vì giờ đây đường về đã thênh thang mở lối.
Nhưng được về cội có phải là sẽ chết, được chôn dưới gốc đa đầu làng, được an nghỉ bên cạnh mộ phần tổ tiên?
Nhiều người Việt cao tuổi ở Mỹ rồi cũng sẽ dần bước qua bến bờ tử sinh. Nhưng không biết có bao nhiêu người muốn được đem thân xác về chôn cất ở quê xưa? Đọc những trang cáo phó trên báo, tôi nghĩ là không nhiều.
Hồi đầu thập niên 1990, một người tôi quen có mẹ qua đời, và ước nguyện của cụ bà là được chôn cất ở Việt Nam. Khi đó chưa có bang giao hai nước nên thủ tục giấy tờ còn nhiều rắc rối, nhưng cuối cùng gia đình cũng thực hiện được điều trăng trối của người quá cố. Khi quan tài đưa cụ bà về đến Sài Gòn, báo chí đều đưa tin vì đó là một sự kiện lạ. Nếu chôn cất ở Mỹ, tổn phí ma chay cũng bằng với giá đem quan tài về nước.
Quan niệm “về cội” có trong văn hóa Việt từ nhiều đời qua, như trong câu nói “lá rụng về cội”. Như nhà thơ Nguyễn Chí Thiện từng mơ ước: “về với miếu đường / mồ mả gia tiên”, nhưng rồi ông đã mất ở Mỹ, được hỏa thiêu và tro than gửi trong một nghĩa trang ở Quận Cam.
Nhiều lãnh đạo của Việt Nam Cộng hòa qua đời ở nước ngoài cũng gửi nắm xương tàn nơi đất khách, từ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Đại tướng Dương Văn Minh, Đại tướng Cao Văn Viên, Đại tướng Nguyễn Khánh, Trung tướng Đặng Văn Quang, Trung tướng Nguyễn Chánh Thi, Thiếu tướng Bùi Đình Đạm đến Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn, Bộ trưởng Giáo dục Ngô Khắc Tỉnh.
Chỉ có Trung tướng Ngô Quang Trưởng sau khi qua đời ở Mỹ, xác được hỏa thiêu và gia đình đã mang tro than về rải trên quê hương Việt Nam.
Tướng Nguyễn Cao Kỳ đã có khoảng thời gian về với cội nguồn, tưởng sẽ được mồ yên mả đẹp nơi quê nhà nhưng ông qua đời ở Malaysia, được hỏa thiêu và tro cốt được đem về Mỹ gửi trong một ngôi chùa ở nam California.
Tôi biết một vài gia đình ở Mỹ đã đem tro than của người thân về gửi trong các chùa, nhà thờ trong nước.
Trong hơn 40 năm qua, người Việt ra nước ngoài sinh sống đã lên đến vài triệu, trong số đó có bao nhiêu người bây giờ muốn thực sự về cội để được yên nghỉ nơi quê cha đất tổ?
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi…
Đó là ca từ nhạc Trịnh mà nhiều người thường nghĩ đến khi dự đám tang. Cát bụi ở đâu cũng chỉ là cát bụi. Chết đi, thân xác con người dù ở đâu thì cũng trở về cùng cát bụi. Còn hồn về đâu nào ai biết được.

Trump đối đầu với Clinton: cuộc so đấu lịch sử



Trump đối đầu với Clinton: cuộc so đấu lịch sử
16.07.2016

Hoa Kỳ lại đang đứng trước một ngưỡng cửa lịch sử. Tám năm trước cử tri Mỹ đã làm nên lịch sử qua việc bầu Thượng Nghị sĩ Barack Obama làm tổng thống người gốc châu Phi đầu tiên của Hoa Kỳ.
Tháng Mười Một tới đây dù chọn ai, người dân Mỹ sẽ lại làm nên lịch sử. Bà Hillary sẽ là nữ tổng thống đầu tiên, hay Donald Trump chưa từng có kinh nghiệm chính trường sẽ là người lãnh đạo của Hoa Kỳ.
Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton trong những ngày tới đây sẽ chính thức được Đảng Dân chủ tiến cử ra tranh chức tổng thống, đối đầu với ứng viên Đảng Cộng hòa là thương gia tỷ phú Donald Trump.
Đây là lần đầu tiên một chính đảng Hoa Kỳ tiến cử một nữ ứng viên tổng thống. Tám năm trước Hillary Clinton đã ra tranh cử, có nhiều sự ủng hộ ban đầu, nhưng cuối cùng Barack Obama đã vượt qua bà để được đề cử và được bầu làm tổng thống đa đen đầu tiên trong lịch sử Mỹ.
Hoa Kỳ tuy là một quốc gia đã đặt vấn đề bình quyền, bình đẳng nam nữ lên hàng chính sách từ một thế kỷ qua, nhưng chưa một phụ nữ nào được bầu làm người lãnh đạo quốc gia.
Quốc hội Mỹ một thời đã có nữ chủ tịch hạ viện – người đứng thứ nhì với quyền kế vị tổng thống, chỉ sau phó tổng thống – là Dân biểu Nancy Pelosi, người giữ chức vụ này từ 2007 đến 2011. Còn bên hành pháp vẫn chưa có một nữ tổng thống hay phó tổng thống.
Hiện nay con số thượng nghị sĩ và dân biểu Quốc hội là phái nữ vẫn còn ở mức tương đối thấp là 20%. Thượng viện với 20 phụ nữ trong số 100 thượng nghị sĩ và tại Hạ viện có 104 trong số 435 dân biểu. Người của Đảng Dân chủ chiếm đa số nữ dân cử, với 14/20 ở Thượng viện và gần ba phần tư ở Hạ viện.
Nhìn ra thế giới, nhiều quốc gia tân tiến cũng như chưa phát triển đã có lãnh đạo là phụ nữ. Bên Đức hiện có nữ Thủ tướng Angela Merkel và bên Anh vừa có bà Theresa May lên nắm quyền thay ông David Cameron từ chức thủ tướng sau trưng cầu dân ý Brexit. Đầu thập niên 1980 nước Anh cũng đã có Margaret Thatcher làm thủ tướng.
Do Thái từng có lãnh đạo là bà Golda Meir, Ấn Độ có Thủ tướng Indira Gandhi. Thái Lan đã có nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra, Philippines có nữ Tổng thống Corazon Aquino, Nam Triều Tiên có Tổng thống Park Geun-hye, Đài Loan có Tổng thống Thái Văn Anh.
Argentina và Nicaragua ở Nam Mỹ cũng đã có nữ tổng thống. Bên châu Phi có Liberia và Cộng hòa Trung Phi có phụ nữ lãnh đạo quốc gia.
Nước Pháp đã có bà Ségolène Royal được Đảng Xã hội tiến cử ra tranh chức tổng thống vào năm 2007 nhưng không thành công.
Trong chính trường Hoa Kỳ đã hai lần có cơ hội để có một nữ phó tổng thống nhưng không thành hiện thực. Năm 1984 cựu Phó Tổng thống Walter Mondale được Đảng Dân chủ đề cử và đã chọn nữ Dân biểu Geraldine Ferraro làm ứng viên phó tổng thống. Nhưng cử tri Mỹ năm đó đã không chọn liên danh Mondale-Ferraro.
Đến kỳ bầu cử năm 2008, ứng viên cộng hoà là Thượng Nghị sĩ John McCain chọn nữ Thống đốc Alaska là Sarah Palin đứng chung liên danh nhưng kết quả cũng không thành công.
Điều đó cho thấy yếu tố phụ nữ không ảnh hưởng đến sự lựa chọn của cử tri Mỹ. Quan trọng nhất vẫn là những chủ trương và chính sách của hai đảng, đại diện bởi hai ứng viên, sẽ ra sao nếu được bầu làm người lãnh đạo quốc gia.
Năm 1984, sau một nhiệm kỳ làm tổng thống, Ronald Reagan đã phục hồi nền kinh tế Mỹ nên cử tri tiếp tục mạnh mẽ ủng hộ chính sách của ông, thể hiện qua kết quả bầu chọn với chiến thắng vẻ vang gồm 59% phiếu phổ thông và 525 trong số 538 phiếu đại biểu cử tri đoàn. Liên danh dân chủ Mondale-Ferraro chỉ thắng được ở Washington D.C. và Minnesota là tiểu bang nhà của Walter Mondale, còn lại liên danh cộng hòa Reagan-Bush thắng tại tất cả 49 tiểu bang.
Đến năm 2008 thì ngược lại, đa số dân chúng Mỹ không còn tiếp tục ủng hộ Đảng Cộng hòa sau 8 năm dưới sự lãnh đạo của Tổng thống George W. Bush (Bush con) nên liên danh Cộng hòa McCain-Palin đã không thắng được liên danh Dân chủ Obama-Biden. Năm đó, dù có ứng cử viên nữ nhưng McCain-Palin chỉ đạt 46% số phiếu phổ thông và 173 đại biểu cử tri đoàn, so với 53% bầu cho Obama-Biden và 365 đại biểu cử tri đoàn.
Năm nay có nữ ứng cử viên Hillary Clinton đại diện cho Đảng Dân chủ, trong khi đó Donald Trump đại diện cho Đảng Cộng hòa ra tranh cử.
Bà Clinton có nhiều kinh nghiệm chính trường vì từng là thượng nghị sĩ, từng là người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ nên am hiểu tình hình quốc tế và có quen biết, kinh nghiệm làm việc với lãnh đạo của nhiều quốc gia trên thế giới.
Tám năm trước bà Clinton tranh cử và đã gần đạt tới đích vì thế lần này bà được đảng Dân chủ tiến cử cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên.
Nhưng Donald Trump là một hiện tượng gây nhiều ngạc nhiên trên chính trường Hoa Kỳ trong kỳ bầu cử năm nay. Tỷ phú Trump bỏ tiền túi ra tranh cử chứ không trông đợi nhiều vào sự đóng góp của những người ủng hộ, của những tổ chức tài chánh hay những cơ sở vận động hành lang. Ông Trump chưa bao giờ tham gia chính trường mà chỉ có nhiều kinh nghiệm trên thương trường với những thành công nhờ đầu tư nhà đất, nhờ những chương trình quảng bá thương mại, những sô truyền hình. Thương hiệu Trump có trên những tòa nhà cao tầng sang trọng ở New York, Las Vegas, Hawaii.
Đảng Cộng hòa với 17 ứng viên tranh cử từ một năm trước, là những chính trị gia, những dân cử có tiếng tăm như các Thượng nghị sĩ Ted Cruz, Marco Rubio, Lindsey Graham; các Thống đốc Chris Christie, Jeb Bush, Mike Huckabee, Rick Perry, John Kasich, Rick Santorum, George Pataki nhưng chung cuộc Donald Trump là ứng viên đã được đa số cử tri Cộng hòa bầu chọn trong các cuộc bầu sơ bộ trên toàn quốc để ông trở thành ứng cử viên sẽ được chính thức đề cử trong đại hội đảng ở Cleveland vào tuần tới.
Tuy nội bộ Đảng Cộng hòa có nhiều bất đồng với Donald Trump, vì những phát biểu thẳng thừng gây sốc, những lời lẽ thóa mạ gây đụng chạm hay làm mất lòng một số người, nhưng rõ ràng là đa số cử tri Cộng hòa đã tin tưởng và tín nhiệm ông.
Với ứng cử viên Hillary Clinton được coi như có chủ trương tiếp nối chính sách hiện thời của Tổng thống Barack Obama thì hiện tượng Donald Trump được coi như biểu hiện của sự đột phá trong tương lai. Tâm lý cử tri Mỹ qua việc bầu chọn ông Trump ở vòng sơ bộ cho thấy nhiều người đã chán ngán với sinh hoạt chính trị nhiều bế tắc ở Thủ đô Washington và muốn có những thay đổi sâu xa từ gốc rễ. Donald Trump chính là người mà nhiều cử tri đang mong đợi.
Các thăm dò dư luận mới nhất cho thấy hai ứng cử viên ngang ngửa nhau. CBS News / New York Times vừa đưa ra kết quả khảo sát với mỗi ứng viên có sự ủng hộ của 40% cử tri.
Tuy Donald Trump thiếu kinh nghiệm chính trường, nhưng nhìn lại lịch sử Hoa Kỳ trong nửa thế kỷ qua, từ thời John F. Kennedy làm tổng thống, tâm lý cử tri Mỹ cũng không muốn thấy một tổng thống từ một đảng nắm quyền quá lâu.
Trong hơn nửa thế kỷ qua chỉ có Đảng Cộng hòa nắm quyền ba nhiệm kỳ liên tục từ 1981 đến 1993, với Tổng thống Ronald Reagan hai nhiệm kỳ rồi thêm một nhiệm kỳ nữa với Tổng thống George H.W. Bush, còn lại hai đảng đã thay nhau làm chủ Tòa Bạch Ốc chỉ tám năm hay ít hơn. Tổng thống Lyndon Johnson, Dân chủ, nắm quyền một nhiệm kỳ; Tổng thống Richard Nixon, Cộng hòa, chưa hết hai nhiệm kỳ đã phải từ chức và Tổng thống Gerald Ford được chỉ định thay thế làm hết nhiệm kỳ hai. Tổng thống Jimmy Carter, Dân chủ, một nhiệm kỳ; Tổng thống Bill Clinton, Dân chủ, hai nhiệm kỳ; Tổng thống George W. Bush, Cộng hòa, hai nhiệm kỳ; Tổng thống Barack Obama, Dân chủ, sắp hết hai nhiệm kỳ.
Nước Mỹ có sẵn sàng cho một nữ tổng thống, hay tâm lý cử tri đang thực sự bồn chồn muốn thay đổi, không muốn Đảng Dân chủ kéo dài lãnh đạo thêm bốn năm nữa và bầu một người chắc chắn sẽ đem lại không khí sinh hoạt chính trị mới cho Thủ đô Washington?
Vì thế cuộc tranh chức tổng thống Mỹ năm nay giữa Hillary Clinton và Donald Trump là cuộc đọ sức mang tính lịch sử.