Friday, June 19, 2015

Chiến hữu




Chiến hữu 


“Tôi nhân danh sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hoà xin hứa sẽ trở lại với đồng bào.” 
 Trung úy Đỗ Lệnh Dũng.

Tưởng gì chớ sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hoà, cấp bực làng nhàng, như ông Dũng, tôi quen cả đống. Bạn cùng khoá độ vài trăm, cùng đơn vị khoảng vài chục, và cùng trại (tù) chắc... vài ngàn! 

Tôi đã nghe vô số thằng kể lại những giờ phút cuối cùng của đơn vị mình, nhưng chưa thấy ai bị lâm vào hoàn cảnh bi đát - và giữa lúc thập tử nhất sinh - vẫn “tuyên bố” một câu (ngon lành) dữ vậy. Cỡ Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu (vào giờ phút chót) cũng chỉ âm thầm... đào ngũ thôi, chứ chả hề có mở miệng nói năng gì ráo trọi - với bất cứ ai. Còn Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ thì ồn ào hơn chút đỉnh, cho nó đã miệng, rồi cũng chuồn êm - không lâu - sau đó.


Trường hợp của Đỗ Lệnh Dũng thì hơi khác. Cách hành xử của ông cũng khác. Bảnh hơn thấy rõ. Coi:

Đúng nửa đêm 24/11/1974, trái đạn 82 ly đầu tiên rót vào trong vòng đai Đồng Xoài. Với đại pháo và T-54 yểm trợ, hai trung đoàn của Sư Đoàn 7 của Bắc Quân - sử dụng chiến thuật tiền pháo hậu xung - đã chiếm được chi khu này, vào rạng sáng 7/12/1974. 

Buổi chiều cùng ngày, trong khi đang cùng những quân nhân còn sống sót tìm cách thoát khỏi vòng vây, trung úy Đỗ Lệnh Dũng (bỗng) thấy một đoàn người - toàn là đàn bà và trẻ con nhếch nhác, với tay nải hòm xiểng, lôi thôi, lếch thếch - nằng nặc đòi đi theo toán quân của ông, để trốn ra khỏi vùng đất (sắp) được... hoàn toàn giải phóng.

Tháng 6, 1965: Đồng Xoài, Vietnam. Nguồn: AP/Horst Faas

Trước nguy cơ dân chúng có thể bị thiệt mạng oan uổng trong lúc giao tranh, và để thuyết phục mọi người nên ở lại nhà cho được an toàn, trung úy Dũng đã dõng dạc nói với mọi người: 

“Tôi nhân danh sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hoà xin hứa sẽ trở lại với đồng bào.” 

Và Đỗ Lệnh Dũng đã trở lại thực, chỉ vài ngày sau, như là một... tù binh! Ngay sau đó, ông bị đấu tố trước Toà Án Nhân Dân Huyện Đôn Luân (một tên gọi khác, mỹ miều hơn, của Đồng Xoài) rồi bị đưa từ Nam ra Bắc - theo đường mòn Hồ Chí Minh - để... học tập cải tạo. Gần muời năm sau, năm 1982, Đỗ Lệnh Dũng lại được chuyển trại từ Bắc vào Nam (chắc) cho dễ thăm nuôi.

Cuộc đời rõ ràng (và hoàn toàn) không may của trung úy Đỗ Lệnh Dũng đã được ghi lại bởi nhà văn Lê Thiệp bằng một cuốn sách, dầy đến bốn trăm trang, lấy tên của chính ông làm tựa. Tác phẩm này được nhà xuất bản Tiếng Quê Hương viết lời giới thiệu như sau:

“Đỗ Lệnh Dũng không chỉ là câu chuyện về chiến tranh, dù nhân vật chính là một chiến binh mất tích giữa chiến khu D sau một trận đánh dữ dội. Đây là câu chuyện về những oan khiên khắc nghiệt mà người dân Việt Nam phải trải gần trọn thế kỷ qua cho đến ngày nay.” 

“Nhân vật chính giã từ cha mẹ khi tròn 18 tuổi và lúc được gặp lại cha mẹ thì đã gần tới tuổi ngũ tuần. Thời gian xa cách là lửa đạn, là những ngày lê gót trên con đường mòn vượt rừng núi Trường Sơn từ Nam ra Bắc, là những năm tháng đoạ đầy tại những trại tù...”

“Dù chỉ là một góc cạnh giữa muôn ngàn góc cạnh của một thời bão táp, câu chuyện vẫn là bằng cớ vô giá về thảm trạng con người bị tước đoạt trọn vẹn tuổi trẻ, tình yêu gia đình và mọi điều kiện an bình của cuộc sống.” 


                                                         Ảnh:NXB Tiếng Quê Hương
Cuốn Đỗ Lệnh Dũng đã được ra mắt tại thành phố San Jose, California. Hôm đó, tôi được hân hạnh nhìn thấy Trung Úy Dũng và Thiếu Tá Đặng Vũ Khoái - chỉ huy trưởng Chi Khu Đôn Luân - người mà không mấy ai tin là còn có thể sống sót, sau khi đơn vị này bị tràn ngập bởi địch quân. 

Thiếu tá Khoái cho biết nhờ tác phẩm này mà trong thời gian qua, một số những người lính năm xưa - đang tản mát khắp năm Châu - đã tìm lại được nhau. Và ông nghẹn ngào khi giới thiệu với mọi người, vài quân nhân khác của đơn vị hiện (cũng) đang có mặt trong buổi ra mắt sách.

Tôi ngồi ở cuối hội trường, không nhìn được rõ nét mặt của những nhân vật này nhưng có thể đoán được rằng mắt họ đều ngấn lệ. Tôi cũng là một cựu chiến binh, cũng có cái may mắn lớn lao còn sống sót sau cuộc chiến vừa qua, và thoát thân được đến một nơi an bình nên cảm thông (thấm thía) tình cảm xúc động này. 

Trong giây phút đó chắc chắn mọi người đều cảm thấy an ủi và ấm lòng, trước cảnh trùng phùng bất ngờ (và khó ngờ) đến thế. Cái cảm giác sung sướng vì sự may mắn (hiếm hoi) của mình đã theo tôi suốt cả buổi chiều hôm ấy, và đã cùng với tôi đi vào giấc ngủ. 

Nửa khuya, tôi thức giấc. Tôi vẫn luôn thức giấc vào giấc đó. Và đó cũng là lúc mà tôi hay lò dò trở về... chốn cũ! Như một công dân “part-time” của nước Hoa Kỳ, tôi chưa bao giờ sống hết mình và hết tình nơi quê hương mới. Hơn nửa đời lưu lạc, tôi vẫn cứ sống mộng mị - theo kiểu “ngày ở / đêm về” - như thế. 

Tôi thường trở về Đà Lạt. Đây là nơi mà tôi đã lớn lên, và đã ướp đẫm tuổi thơ (cũng như tuổi trẻ của mình) bằng rất nhiều đặc sản của núi rừng: nuớc hồ Xuân Hương, sương mù, phấn thông vàng, mùi cỏ khô của Đồi Cù, cùng với hàng trăm loại hương hoa man dại. 

Có dạo, tôi hay trở về những đồi trà, đồi bắp, đồi khoai mì - bao quanh trại cải tạo Tân Rai - ở Blao. Tôi cùng lũ bạn tù cứ đi trong nắng sớm, trên những con đường mịn màng (thơm nồng mùi đất) sau một đêm mưa. Cũng có khi tôi về lại Sài Gòn, ghé thăm một người bạn đồng đội, chỉ vừa mới biết sơ, qua một bài báo ngắn - của ký giả Bùi Bảo Trúc: 


                                                        Thương binh Nguyễn Văn Thìn
                                                      Nguồn: OntheNet 
“Sáng nay mở e-mail ra đọc, tôi nhận được từ một người không hề quen biết, không kèm theo một giòng chữ nào, bức hình một người đàn ông mà tôi cũng chưa gặp bao giờ. Hình chụp người đàn ông đang ngồi trên giường có trải chiếu, đằng sau là bức tường loang lổ, hoen ố những vết đen mốc. Ông có một bộ ria, tóc dầy và đen, một mắt to, một mắt nhỏ mà tôi nghĩ là bị hư, chỉ còn một con. Ông không còn chân tay. Hai chân bị cụt trên đầu gối. Và hai tay cụt ở trên khuỷu tay, gần nách.” 

“Trong hình có ghi tên ông. Ông tên là Thìn, Nguyễn Văn Thìn. Năm sinh được ghi là 1952. Hàng chữ phía dưới cho biết ông là thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa. Đơn vị cuối của ông là Trung Đoàn 49, Sư Đoàn 25 Bộ Binh. Cấp bậc của của ông là Trung Sĩ Nhất. Ông sinh năm 1952, tuổi Thìn nên tên cũng là Thìn. Ông không còn chân tay. Từ 30 năm nay, ông không có chân, cũng không có tay.” “Ông làm sao sống nổi qua bằng ấy năm không có hai chân mà cũng không có cả hai tay. Tôi tưởng tượng, không khó khăn lắm, cũng vẫn thấy ra được những khó khăn của ông. Trong một chế độ thân thiện với ông, ông cũng đã vô cùng bất hạnh vì thiếu con mắt, thiếu hai tay, lại thiếu luôn cả hai chân. Huống chi trong một khung cảnh không thân thiện nếu không muốn nói là thù nghịch, thì ông còn khổ biết là bao nhiêu nữa. Tôi không dám tưởng tượng thêm ra những chuyện khác trong đời sống hàng ngày của ông, nếu đó có thể gọi được là một đời sống.”

Người bạn đồng đội luôn luôn nhìn tôi với đôi mắt u buồn và lắc đầu ra dấu, như có ý nói là đừng đến thăm nhau nữa: “muộn mất rồi.” Mãi sau này tôi mới biết là... muộn thật! Trong những trang sổ tay cũ, khi viết về trung sĩ Nguyễn Văn Thìn, cách đây khá lâu, tôi đã có dịp phổ biến địa chỉ của ông: nhà số 9/8 đường Bông Sao, phường 5, quận 8, Sài Gòn. 

Độ một tháng sau, có độc giả báo cho tôi biết là họ đã gửi quà về biếu ông Thìn nhưng không còn... kịp nữa. Ông bạn của tôi đã qua đời, vài tuần, trước đó! 

Có đêm thì tôi về miền Trung, phần quê hương khốn khó mà trước đây tôi chưa bao giờ có dịp ghé qua, để thăm một đồng đội khác: 

“Tôi phải vượt đường xa tít tăp từ Huế tìm đến nơi 1 anh Thương Binh mù hai mắt, cụt 2 tay lẫn 2 chân gần Lăng Cô... Tôi nhìn thấy anh Dương Quang Thương nằm xấp ngay ngạch cửa. Tôi lên tiếng chào, anh bật ngồi dậy hỏi tôi là ai?” 


                                                           TPB Dương Quang Thương
      và tác giả Nguyễn Cảnh Tân.
Nguồn: Báo Việt Luận
 
“Qua những phút giây trao đổi, tôi thấy anh khóc, những dòng nước mắt lăn ra từ hai hố mắt sâu thẳm ấy làm tôi phải khóc theo. Nghe tiếng người lạ, vợ anh từ sau hè chạy lên trên tay còn cầm nắm rau dền hoang vừa mới ngắt về để lo bữa ăn chiều, chị chào hỏi tôi rồi rót nước mời tôi uống...” 

“Thoạt đầu tôi chỉ nói tôi là người mang tiền và thuốc tây đến cho anh do bà con từ bên Úc đóng góp gửi về. Tôi gởi anh 100 đô Úc và 5 hộp thuốc tây. Anh đã rưng rưng khóc lần nữa và cảm ơn nhiều lắm đến bà con ở Úc và Hội. Sau một hồi tâm sự anh nhắn gửi lời cảm ơn đến người điều hành Hội mà gia đình anh thường thư từ qua lại nhiều năm nay. Tôi xúc động quá và cho biết là: Thưa anh chị chính tôi đây… Nghe đến đó anh quờ quạng hai cái cùi tay còn lại lết thật nhanh về hướng tôi và ôm lấy tôi mà khóc.” 

“ Vợ anh cũng khóc. Tôi cũng khóc. Người chạy xe ôm cũng khóc theo… Sự hy sinh của anh quá lớn, hai mắt, hai tay và hai chân cho tổ quốc còn cá nhân chị đã hy sinh cả cuộc đời cho những người mà cả tổ quốc phải tri ân. Chị đã khóc nhiều lắm vì những khó khăn đè nặng thân phận của người phụ nữ ốm o gầy còm cố vươn vai suốt hơn ¼ thế kỷ gánh gồng, ẵm bồng tắm rửa, đút ăn và những cơn lũ lụt khủng khiếp phải cõng chồng chạy tìm sinh lộ… Ra tới đầu ngõ, tôi và anh xe ôm vẫn còn khóc... (Nguyễn Cảnh Tân, “Nỗi Sầu Riêng Hay Cái Đau Chung,” Việt Luận, 27 Oct. 2006). 

Những giọt nuớc mắt của ông Nguyễn Cảnh Tân (2) tuy muộn màng nhưng vẫn hơn không. Chả hiểu còn có bao nhiêu ông Dương Quang Thương, và bao nhiêu bà vợ (đã hy sinh cả cuộc đời cho những người mà cả tổ quốc phải tri ân) nhưng hơn một phần tư thế kỷ qua chưa bao giờ có ai nhớ đến họ - nói chi đến chuyện khóc thương, dù muộn! 



PHONG THỦY - Nguyễn Ngọc Tú

                                        
 Phong Thủy
Nguyễn Ngọc Tú              

Ngồi trong patio ngoài sân sau, Linh Hà hít một hơi dài thưởng thức mùi thơm nhè nhẹ, tinh khiết của buổi sáng sớm cùng làn gió se se lạnh mơn man da thịt.  Ôm ly cà phê trong hai bàn tay, đón nhận luồng hơi nóng truyền vào thân thể một cách sảng khoái, nàng thích thú ngắm nhìn quang cảnh trước mặt.  Phía cuối sân sau, mặt đất dốc xuống dẫn đến một con lạch khô nước.  Bên kia bờ lạch, con dốc thoai thoải đi lên một rặng cây um tùm như một khu rừng nhỏ tràn ngập tiếng chim hót ríu rít chào mừng một ngày mới.  Làn sương mỏng bao trùm lên cảnh vật tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ, hợp với âm điệu du dương, lời hát tha thiết của nhạc phẩm “Còn Một Chút Gì Để Nhớ” từ máy CD vọng tới, làm người thưởng ngoạn cảm thấy bồi hồi xao xuyến, hồi tưởng về những kỷ niệm êm đềm trong quá khứ.
Quay sang nhìn Dũng đang trầm tư suy nghĩ, Linh Hà sôi nổi:
- Em rất thích căn nhà này.  Từ ngày dọn về đây, em thấy cuộc sống rất thoải mái, hạnh phúc.  Phong cảnh đẹp và nên thơ quá!  Chắc căn nhà này ở vị trí rất hợp với phong thủy.
Dũng cười:
- Em biết gì về phong thủy mà nói.  Chỉ tin nhảm!
- Không hiểu sao em vẫn tin phong thủy anh ạ!  Những câu chuyện về phong thủy, nhất là về ông Tả Ao vẫn luôn luôn lôi cuốn em. 
Rồi nàng lảng qua chuyện khác:
- Khung cảnh nên thơ cùng với khí hậu mát mẻ trong lành khiến em nhớ tới Đà Lạt, thành phố sương mù, mà em có dịp đến thăm khi còn là học sinh Trung Học.  Thích quá anh nhỉ?
Dũng gật đầu:
- Khung cảnh, khí hậu, và nhất là mùi thơm thoang thoảng như mùi lan rừng cùng với lời hát trữ tình của nhạc phẩm về Pleiku khiến anh nhớ tới thành phố cao nguyên này, nơi anh từng đóng quân ở đó ngày xưa.
Linh Hà ngạc nhiên:
- Điều gì đó ở Pleiku, nơi đèo heo hút gió ấy, khiến anh phải nhớ tới vậy?
- Khi còn đang sống tại đó thì thực sự anh không thấy có ấn tượng gì với thành phố này cả.  Những cơn mưa rả rích, dai dẳng chỉ làm tăng thêm nỗi buồn của người lính xa nhà.  Chỉ khi rời xa rồi mới cảm thấy bâng khuâng lưu luyến.  Một chút nuối tiếc, một chút vương vấn nhè nhẹ như còn đọng mãi trong tâm hồn.
- Vậy thì điều gì ở Pleiku đã làm anh lưu luyến?
- Pleiku rất đa dạng với nét mộc mạc, chân chất, đặc thù của thổ dân miền núi.  Có nét dịu dàng của các nữ sinh trong những chiếc áo dài trắng ngây thơ, e ấp sau vành nón lá.  Có nét ăn chơi sa đọa của các quán bar, quán rượu, vũ trường mọc lên khắp nơi, tương phản với vẻ cổ kính nghèo nàn của các căn nhà rêu phong, và những con đường hẹp đầy ổ gà, nhầy nhụa bùn đất đỏ.  Có nét chiến tranh với bóng dáng những quân nhân thuộc nhiều binh chủng khác nhau, tiếng gầm thét của các loại máy bay, cùng những chiếc xe nhà binh vội vã xuôi ngược cuốn theo những lớp bụi đỏ dày đặc giữa cảnh hùng vĩ cao ngạo của rừng núi đại ngàn.  Có nét hoang dại đầy quyến rũ của từng nhóm thiếu nữ hồn nhiên khỏa thân tắm suối trong tiếng nước chảy róc rách, xen lẫn tiếng cười trong trẻo cao vút của những người con gái của núi rừng.
Nhìn xuống lạch nước dưới triền dốc sau nhà, Dũng nói tiếp:
- Nếu hồ Xuân Hương như người con gái đang thì, e ấp sau màn sương mỏng trong một buổi bình minh khí trời se lạnh; hồ Hoàn Kiếm mang vẻ đẹp cổ kính, quý phái của mệnh phụ một thời vang bóng; hồ Than Thở mặt nước phẳng lặng im ắng như Nữ Hoàng Sầu Muộn đang đắm mình trong nỗi sầu vạn cổ, hòa nhịp với tiếng lá thông  xào xạc như những lời thở than ai oán cho cuộc tình ngang trái; thì Biển Hồ của Pleiku vừa có cái cương mãnh của những rặng núi nhấp nhô hùng vĩ bao quanh, vẻ huyền bí âm u của rừng già nhiệt đới, vừa có nét dịu dàng, uyển chuyển của cành cây uốn khúc, nghiêng mình lả lơi soi bóng trên mặt nước trong xanh.  Biển Hồ như một viên ngọc bích nổi bật giữa rừng cây um tùm xanh thẫm.  Lãng mạn và hữu tình nên nơi đây thường là nơi hò hẹn của các tài tử giai nhân Phố Núi.
Ngưng một chút, Dũng nói tiếp:
- Chỉ tiếc rằng nhạc phẩm rất hay về thành phố cao nguyên này mà cô ca sĩ đó lại “tài lanh” sửa một chữ làm mất đi giá trị của bài hát rất nhiều.
Nhấp một ngụm cà phê, Dũng nói tiếp:
-  “Xin cảm ơn thành phố có em” thì cô ta lại hát là “xin cảm ơn thành phố của em."  Em thấy đó, chỉ thay đổi một chữ thôi làm hỏng cả ý tưởng lãng mạn, nên thơ của bài hát.  Âm điệu đang mượt mà, thanh thoát gặp phải âm “của” như bị khựng lại, mất đi nét du dương trầm bổng cố hữu của nó.  Em hát thử sẽ thấy!
Linh Hà khe khẽ hát rồi reo lên:
- Đúng rồi!  Hát tới chỗ đó thấy nó làm sao ấy.  Không được suông sẻ.  Giống như đọc một câu thơ lạc vận!  
Linh Hà gật gù nói tiếp:
- Vì thành phố đó có em nên mới vương vấn bước chân người lữ khách, chứ bản thân thành phố thì chả có một chút gì để nhớ cả.  “Cảm ơn thành phố của em” thì thật là…hỏng bét.  Làm sai lạc tình ý của tác giả.  Mất đi chất thơ của bài hát. 
Dũng gật đầu:
- Em nói đúng.  Những nhạc sĩ thành danh rất cẩn thận chau chuốt từng chữ, từng nốt nhạc trong tác phẩm của họ.  Không phải là tác giả mà sửa đổi không những làm mất giá trị của bài hát, mà còn là một xúc phạm đến cảm xúc của tác giả.
Nheo mắt nhìn Dũng, Linh Hà trêu chọc:
- Thế anh có để lại “một chút gì để nhớ” nơi ấy không?
Dũng mỉm cười, nhìn Linh Hà:
- “Đời vắng em rồi vui với ai?”  Không có em, cuộc đời chỉ là vô nghĩa.  Đến mạng sống anh còn không màng thì làm sao mà có thể “còn một chút gì để nhớ” được!
Linh Hà chớp mắt cảm động. Dũng và nàng yêu nhau được gần một năm thì mẹ nàng biết chuyện.  Sợ con gái mình phải khổ vì cuộc sống bấp bênh của một người vợ lính.  Viễn ảnh con gái bà có thể trở thành một “góa-phụ-hai-mươi” khiến bà sợ hãi.  Hơn nữa, bà đã hứa gả nàng cho một sinh viên y khoa, con trai độc nhất của một người bạn thân, nên bà hết sức ngăn cản tình yêu của hai người bằng mọi cách kể cả tự tử!  Thương mẹ, nàng đã hy sinh tình yêu đầu đời mà đau đớn chia tay Dũng!  Thất vọng trong tình yêu, Dũng đã từ Sư Đoàn 5 xin chuyển về Biệt Động Quân để liều mình trong lửa đạn cho quên đi mối tình ngang trái.
Cậu bác sĩ tương lai đang học năm cuối cùng tại Đại Học Y Khoa chưa kịp ra trường để cưới Linh Hà thì miền Nam thất thủ và cả gia đình cậu đã nhanh chân lên tàu Trường Xuân trốn thoát.  Nhờ đó Linh Hà và Dũng đã gặp lại nhau nối lại mối duyên xưa.
Cúi nhìn xuống ly cà phê, Linh Hà nhỏ nhẹ nói:
-  Sao hồi đó anh liều thân như vậy?  Anh có biết rằng nếu anh có mệnh hệ gì em sẽ chết theo anh không?
- Lúc đó anh không nghĩ đến điều đó.  Anh chỉ biết rằng chỉ có chiến trận và những cơn say mới làm anh tạm quên đi cuộc tình vô vọng.  Trận mạc và rượu như hai giai đoạn của một chu kỳ tiếp nối trong cuộc sống của anh lúc bấy giờ!
Dịu dàng nắm lấy tay Dũng, Linh Hà khẽ nói:
- Em cũng không hơn gì anh đâu.  Anh còn có rượu, có đồng đội, có cuộc sống hiểm nguy để tìm quên.  Còn em, em sống mà như đã chết.  Cô đơn giữa dòng người đông đúc.  Nhức nhối từng cơn với những kỷ niệm ngọc ngà của một tình yêu đã đi vào dĩ vãng.  Buồn lắm anh ạ!
 Khẽ thở dài, Linh Hà nói tiếp:
- Tới giờ em cũng không biết lúc đó mình đã làm đúng hay sai khi quyết định xa anh.  Nhưng dù sao cuối cùng chúng mình cũng đã có nhau, có một gia đình hạnh phúc nên em rất trân quý nó.  Em sẽ không bao giờ để nó vuột khỏi tầm tay lần nữa.
Nhìn những tia nắng đang nhảy múa trên cành lá, xôn xao đón chào một ngày mới, chợt à lên một tiếng, Linh Hà vui vẻ nói tiếp:
- Có điều này em muốn nói với anh mà quên khuấy đi mất.  Em thấy báo đăng là tháng tới sẽ có cuộc họp mặt của các cựu Sinh Viên Sĩ Quan Thủ Đức.  Tên gọi của buổi hội ngộ này nghe hay lắm.  Để em nhớ lại xem.  Đúng rồi “Thủ Đức Gọi Ta Về!” Nghe tha thiết quá phải không anh?  Anh đã ghi tên tham dự chưa?
Quay lại nhìn Linh Hà, ánh mắt Dũng như buồn bã, như đau đớn, uất hận.  Ánh mắt mà Linh Hà đã bắt gặp khi Dũng từ đơn vị trở về sau lệnh buông súng.  Dũng đứng lên, lặng lẽ bước vào nhà.  Linh Hà thầm trách mình đã vô ý khơi lại vết thương chiến tranh còn nhức nhối trong tâm hồn người lính chiến.  Thảm cảnh trên đường rút lui từ Pleiku về Tuy Hoà trên tỉnh lộ 7B sau khi Ban Mê Thuột thất thủ đã để lại trong Dũng nhiều dấu ấn đau thương ám ảnh chàng mãi mà cho tới nay, đã nhiều năm qua, vẫn chưa phai nhạt. Chàng thường ray rứt tự trách mình đã không làm tròn nhiệm vụ bảo toàn đơn vị của một cấp chỉ huy.  Không làm tròn trách nhiệm bảo vệ dân lành của một người lính.
Buổi tối, tình cờ Linh Hà thấy một mảnh giấy còn sót lại trên bàn computer với dòng chữ nguệch ngoạc: “Thủ Đức gọi ta về.  Ta không dám về.  Ta buồn.  Ta muốn khóc.”  Nét chữ sắc như dao chém, giận dữ hằn sâu xuống như muốn xé toạc trang giấy trong niềm uất hận nghẹn ngào, như vết thương chiến tranh sẵn sàng vỡ toang toé máu trong tâm hồn người đàn ông một thời chinh chiến.
Linh Hà thở dài chua xót.  Phải từ chối tiếng gọi tha thiết của ngôi trường thân yêu.  Phải từ chối gặp gỡ những người bạn một thời sống chết có nhau, Dũng đau khổ lắm.  Dũng đã quá nghiêm khắc với chính mình để quên rằng đó chẳng phải là trách nhiệm của chàng.  Có ai trong hoàn cảnh đó có thể làm khác hơn được!
Dũng nằm đó, khuôn mặt hằn lên nét ưu tư, chua xót của ước nguyện một đời không trọn.  Linh Hà khẽ thở dài, trìu mến đắp cái chăn mỏng lên người cựu chiến binh đang độ tuổi trung niên trong giấc ngủ nặng nề, như muốn mang hơi ấm tình yêu sưởi lên tâm hồn đã chịu nhiều sóng gió cuộc đời.
 “Dũng ơi! Bấy nhiêu năm tháng không đủ để quên đi ám ảnh buồn đau mà vui sống với hiện tại sao anh?”
X
XX
Linh Hà vừa thái thịt gà vừa hát nho nhỏ.  Nàng vẫn yêu những bài tình ca thời chiến.  Những bài hát có hồn, âm điệu êm ái, lời ca nhẹ nhàng tha thiết, nhưng không kém phần ray rứt, lồng trong khung cảnh chiến tranh, phản ảnh trung thực tâm trạng của tuổi trẻ thời bấy giờ mà hầu như bất cứ ai đã từng sống trong giai đoạn lịch sử đó đều cảm thấy xúc động như chính mình đang giải bày tâm sự.
Một vòng tay ôm lấy nàng từ sau lưng, giọng Dũng âu yếm:
-Hôm nay em cho anh ăn gì vậy?
Linh Hà nũng nịu:
- Anh!  Xém nữa làm em đứt tay rồi nè!
Rồi vui vẻ nói tiếp:
- Hôm nay em làm phở gà.  Món mà anh thích đó.  Chịu không?
- Chịu!  Phở gà mà do em nấu nữa thì “tuyệt cú mèo."
Rồi chàng ngậm ngùi:
- Ngày xưa Kim Sa cũng mê phở gà lắm.  Mỗi lần về phép, anh đều rủ nó đến ăn phở gà Lý Quảng trên đường Trương Tấn Bửu.
Linh Hà thở dài:
- Tội nghiệp nó!  Con nhỏ đẹp, dễ thương, và thông minh nữa.  Thế mà không ngờ kết cục lại bi thảm như vậy!
Dũng chép miệng:
- Bởi nó khôn ngoan nên cả nhà tin tưởng để nó được tự do.  Không ngờ nó lại đi sai hướng.  Nếu anh quan tâm đến nó nhiều hơn chắc đã không xảy ra như vậy!
 Linh Hà an ủi:
- Thôi anh ạ.  Dù sao cũng là số phận.  Anh đừng tự trách mình nữa.  Anh ở xa, lâu lâu mới về thăm nhà một lần thì làm sao mà biết được.  Hơn nữa, con nhỏ đó cũng kín miệng lắm.  Em là bạn thân mà nó có tâm sự cho em biết đâu!
Để xua tan nỗi buồn, Linh Hà chuyển đề tài hỏi:
- À!  Anh đến thăm má chưa?  Má có khỏe không anh?
- Má vẫn khỏe duy cái chân đau của má vẫn không bớt.  Mà có chuyện này anh muốn bàn với em.  Ba tuần nữa gia đình chú Cường sẽ dọn lên Tiểu Bang Ohio vì công ty của chú ấy dời lên trên đó.  Do đó, anh muốn mời má đến ở chung với vợ chồng mình.  Em tính sao?
Linh Hà nhoẻn miệng cười:
- Dĩ nhiên mình phải đón má về rồi.  Em tính thế này anh xem có được không nhé.  Chân má đau lên xuống thang lầu rất khó khăn.  Vậy mình sẽ dọn lên trên lầu, ở phòng bên cạnh phòng bé Lyli, để master bedroom dưới nhà cho má ở.  Như vậy rất tiện vì bathroom ở ngay trong phòng, má không phải di chuyển nhiều.
Dũng cười tươi nhìn vợ âu yếm:
- Được quá đi chứ!  Em tính nhanh và gọn quá.
Đột nhiên Dũng hét lên:
- Em thật tuyệt vờí!
Rồi bế thốc vợ lên quay vòng vòng.  Linh Hà cười khanh khách tận hưởng cảm giác bay bổng chơi vơi trong hạnh phúc.  Nhìn khuôn mặt tươi vui của Dũng, Linh Hà thầm hứa với chính mình sẽ cố gắng nhẫn nại, chịu đựng những khó khăn sắp tới để hạnh phúc mãi mãi hiện diện trong cuộc sống.  Nhờ đó có thể giúp Dũng xua đi ám ảnh đau thương của tháng tư oan nghiệt ngày nào chăng?
X
XX
Linh Hà lang thang trong mall, lòng buồn rười rượi.  Mới hơn sáu tháng từ ngày bà Năm dọn về ở chung với vợ chồng nàng mà đã xảy ra nhiều chuyện buồn.  Thưc ra bà Năm cũng không khó hơn những bà mẹ chồng cùng thế hệ.  Thoạt đầu bà chỉ trách móc nhẹ nhàng mỗi khi có điều gì không  vừa ý.  Nhưng càng về sau, do sự xúc xiểm của Hùng, người con trai trưởng, bà càng gay gắt hơn, khiến cuộc sống vợ chồng nàng bị ảnh hưởng rất nhiều.  Linh Hà biết người anh chồng không ưa nàng vì Hùng từng muốn làm mai Dũng cho người em gái của vợ mình.  Nhưng Dũng lại về Việt Nam cưới Linh Hà, người mà Hùng cho là không xứng đáng vì không có bằng cấp Mỹ, lại còn làm hỏng cả dự tính của Hùng.  Khi mới về nhà chồng, Linh Hà rất tôn trọng và kính phục Hùng vì những bằng cấp Hùng đã đạt được.  Nhưng thời gian trôi qua, Linh Hà thấy được ngoài bằng cấp, trong Hùng là một tâm hồn hời hợt, rỗng tuyếch.  Một nhân sinh quan ích kỷ.  Một quan niệm hôn nhân đầy tính toán.  Hùng từng tuyên bố là không để cuộc sống của mình bị ảnh hưởng bởi bất cứ ai.  Điều đó có nghĩa là Hùng bất cần người khác, chỉ cần thỏa mãn chính mình là được!  Mỗi khi bàn luận đến hạnh phúc gia đình, Hùng chỉ nhắm vào hai yếu tố chính: tiền bạc, và khả năng tình dục để đánh giá!  Đôi khi Linh Hà cảm thấy thương hại cho sự bất hạnh của Hùng vì như vậy chẳng bao giờ Hùng được hưởng tình yêu và hạnh phúc đích thực. 
Nàng không thể tưởng tượng nổi một người thường tự hào về bằng cấp mình đã đạt được lại có thể nói chuyện to tiếng khi đến dự buổi lễ tốt nghiệp đại học của một người cháu trong khi vị giáo sư khoa trưởng đang đọc diễn văn chào mừng và khai mạc buổi lễ, mặc cho những cặp mắt khó chịu đang hướng về phía mình!  Một lần, thấy người đàn ông mồ hôi nhễ nhại đang cắt cỏ trên sân nhà nàng dưới sức nóng của một buổi trưa hè.  Hùng đã cười khẩy, khinh bạc nói: “Không có bằng cấp phải chịu như vậy thôi!”  Linh Hà chợt nhớ tới một người trẻ thành đạt từng nói rằng: “Đừng khoe với tôi bạn có những bằng cấp gì, mà hãy khoe với tôi bạn đã làm được gì cho xã hội.”  Thật đúng.  Nếu bằng cấp chỉ dùng kiếm tiền để thỏa mãn nhu cầu bản thân và gia đình, thì có hơn gì những người lao động đổ mồ hôi và sức lực kiếm sống một cách lương thiện.  Do đó không thể dựa vào bằng cấp để khinh thị người khác.
Tư cách không tốt, tính tình nhỏ nhen, ích kỷ, hay xoi mói bơi móc chuyện gia đình người khác để đặt điều xuyên tạc, làm lòng tôn trọng Hùng của Linh Hà càng ngày càng giảm.  Từ đó, nàng chỉ giao thiệp với Hùng một cách miễn cưỡng, hời hợt, nhạt nhẽo.
Có lẽ cũng cảm nhận được sự khinh thường của Linh Hà nên càng ngày Hùng càng có ác cảm và nói xấu nàng nhiều hơn.  Một buổi tối, Linh Hà tình cờ nghe được Hùng đang tỉ tê áp lực mẹ phải làm thế này, phải làm thế kia để trừng phạt nàng.  Với tư cách là anh trai, Hùng có thể khiển trách các em mỗi khi họ làm lỗi.  Nhưng khổ nỗi, Hùng cũng tự biết mình chả có uy tín gì nên không được các em tôn trọng, đành phải nhờ bà Năm thực hiện ý đồ của mình.  Dũng không thể binh vực nàng được vì bà Năm rất tin tưởng người con trưởng.  Mỗi lần chàng mở miệng đều bị Hùng và bà Năm mắng xối xả là bị vợ xỏ mũi, là thờ bà!  Hơn nữa Dũng cũng phải nhịn vì ngoài cương vị anh lớn trong gia đình, Hùng còn có ơn bảo lãnh cũng như nuôi Dũng ăn, ở trong thời gian đầu khi chàng vừa tới Mỹ, dù rằng chỉ gần một năm sau Dũng đã phải dọn đến nhà một người bạn ở nhờ vì ngoài giờ đi học, Dũng phải làm những công việc nặng nhọc trong nhà mà vẫn không yên vì những lời mắng nhiếc cay nghiệt của Hùng!  Tuy vậy những trách móc, than phiền của mẹ cũng làm Dũng buồn lòng không ít, ảnh hưởng nhiều đến hạnh phúc gia đình, khiến Linh Hà rất khổ tâm.  Hùng như một bóng ma ám ảnh hạnh phúc gia đình nàng mãi không thôi.  Linh Hà biết, nếu nàng chịu thay đổi thái độ, xởi lởi, vồn vã, nịnh nọt thì có lẽ Hùng sẽ ít dèm pha mình hơn.  Nhưng bản tính quật cường, nàng không muốn khuất phục trước một người mà nàng không hề coi trọng.  Bằng mọi cách nàng cương quyết bảo vệ hạnh phúc gia đình.  Nhưng chưa biết phải làm thế nào.  Linh Hà khẽ thở dài.
Hôm nay là ngày Valentine’s, Linh Hà muốn nhân dịp này mua ít hoa về trang hoàng cho vui nhà vui cửa.  Mua quà tặng Dũng, và bà Năm đồng thời mời bà cùng gia đình nàng đến một nhà hàng Mỹ để mừng lễ.  Nàng muốn lợi dụng không khí ấm cúng, thân thiện của nhà hàng để giải bày tâm sự cho bà hiểu và thông cảm với nàng hầu xoá tan hiểu lầm bấy lâu nay.  
Linh Hà vừa hát nho nhỏ vừa cắm bông vào bình.  Nhìn thấy bà Năm từ phòng ngủ bước ra nàng vui vẻ hỏi:
- Bông đẹp không má?
Bà Năm không trả lời trách:
- Mua bông làm chi cho tốn tiền.  Má thấy lóng rày chồng con nó ốm lắm đó.  Tội nghiệp nó đi làm cực khổ.
Linh Hà khẽ thở dài, bà Năm vẫn thường ngụ ý trách móc nàng không chịu đi làm để mình con trai bà gánh hết trách nhiệm nuôi sống gia đình.  Tuy vẫn còn được lãnh tiền thất nghiệp, nhưng bản tính thích hoạt động, giao tiếp nàng vẫn cố gắng tìm việc.  Nhưng vận may chưa đến nên chưa tìm được việc làm thích hợp với khả năng của mình. 
Gượng cười nàng hỏi:
- Hôm nay là ngày lễ Valentine’s nên con mua bông về trang hoàng cho vui cửa vui nhà.  Mời má đi nhà hàng mừng lễ với tụi con cho vui má nhé?
Bà Năm cằn nhằn:
- Bây cứ bày đặt đi ăn tiệm làm chi cho tốn tiền. 
Như chợt nhớ ra điều gì bà hỏi:
- Mà bây muốn đi ăn ở đâu vậy?
Linh Hà vui vẻ trả lời:
- Mời má đến tiệm ăn Mỹ này lịch sự lắm má à!  Con và anh Dũng rất thích.
- Thôi, đồ ăn Mỹ có ngon lành gì đâu!  Má đâu có ăn được.  Đi ăn tiệm Việt Nam đi.  Mời luôn anh Ba bây luôn thể.  Tội nghiệp, vợ con nó không có ở đây.  Mà đi ăn ở cái tiệm bữa hổm có lẩu Thái Lan đó.  Nó ưng món đó lắm.
Linh Hà thất vọng.  Ngày lễ tình nhân mà ăn lẩu Thái!  Mà còn có Hùng đi theo nữa thì coi như hỏng cả dự tính.  Không biết Hùng còn ám ảnh nàng tới bao giờ!  Chán nản, Linh Hà khẽ đáp:
- Dạ, để con nói với anh Dũng!
Rồi uể oải bước lên lầu.
X
XX
Gắp đồ ăn bỏ vào chén cho con, Linh Hà đưa mắt nhìn quanh tiệm ăn.  Tiếng nói chuyện ồn ào cùng với mùi thuốc lá phảng phất đâu đây khiến nàng khó chịu.  Hùng đang hăng say nói về hoàn cảnh của một người bạn thân.  Sự thất bại trong nghề nghiệp, cùng những bất hòa trong cuộc sống vợ chồng của bạn là dịp tốt cho Hùng đưa ra những phê bình để khoe khoang sự khôn ngoan, từng trải của mình.  Bà Năm chăm chú nghe, thỉnh thoảng góp chuyện với những lời nhận xét.  Nhìn Dũng đang thờ ơ vừa ăn, vừa nghe chuyện, Linh Hà cảm thấy chua xót trong lòng.  Ngày tình yêu năm nay của tụi mình tẻ nhạt như vậy sao anh?
Hơi nóng từ nồi lẩu bốc lên như một màn sương, toả rộng ra che khuất khuôn mặt Hùng như che đi những ám ảnh đen tối của cuộc đời, đưa nàng về với những kỷ niệm của ngày lễ tình yêu năm trước.
Để có một ngày lễ Valentine thơ mộng,  Dũng gửi bé Lyli cho chị Hai giữ và đưa nàng đến một tiệm ăn của Mỹ để đón mừng ngày lễ của những người yêu nhau.  Khung cảnh lịch sự, trang nhã và yên tĩnh hợp với không khí lãng mạn dưới ánh sáng mờ nhạt của những ngọn đền cầy leo lét cháy khiến Linh Hà cảm thấy ấm cúng.  Rót rượu vang vào hai cái ly thủy tinh mỏng, miệng rộng, trong suốt, Dũng nói:
Cách thưởng thức rượu vang rất trang nhã khác hẳn khi uống rượu mạnh và càng không giống như khi uống bia.  Người uống vang phải dùng cả ba giác quan: thị giác, khứu giác, và vị giác để thưởng thức ba ưu điểm của nó là màu sắc, hương thơm, và vị.  Màu sắc của rượu vang là cả một công trình nghệ thuật.  Mỗi màu có một vẻ đẹp riêng cho người thưởng ngoạn cảm xúc khác nhau.  Mùi thơm nhẹ nhàng nhưng nồng nàn khiến lòng người uống sảng khoái, hồn ngất ngây.  Nhấp một ngụm cho hương vị của rượu thấm vào hai bên, và dưới đầu lưỡi, lan tỏa ra khắp miệng trước khi từ từ trôi xuống cổ họng để lại dư âm ngọt ngào mềm mại, hay nồng nàn mà êm dịu,  đôi khi nóng và khô tùy theo loại rượu.
Nhẹ nhàng cầm ly rượu lên chiêm ngưỡng một cách thích thú Dũng nói tiếp:
- Rượu nho đỏ có nhiều màu đậm lạt khác nhau.  Anh thích nhất màu đỏ Bordeaux vì nét đẹp quý phái của nó nổi bật trên nền trắng trong suốt như pha lê của ly rượu.  Quyến rũ như làn môi mọng đỏ của mỹ nhân, khiến rượu nồng chưa uống mà hồn đã ngất ngây!     
Lắc nhè nhẹ cho rượu bám vào thành ly.  Nhìn vào những dòng rượu nhỏ đang từ từ trôi xuống, Dũng nói tiếp:
- Người ta gọi đây là những giọt nước mắt của rượu.  Cũng có thể ví nó như dòng lệ hồng lăn trên gò má của người phụ nữ.  Đẹp não nùng trong nỗi buồn sâu kín làm người uống càng thêm ngây ngất trong sự cảm thương nỗi niềm u uẩn của giai nhân.  Có người còn cho rằng cuộc đời của rượu vang và cuộc đời của người phụ nữ có những điểm tương đồng lý thú.  Ở giai đoạn đầu, khi tuổi rượu còn non, vẫn còn nồng mùi trái cây tươi, ví như người con gái mới lớn mộc mạc, ngây thơ, đầy nhựa sống.  Qua giai đoạn hai, vị ngọt của trái cây mọng chín toả ra thơm ngát, hấp dẫn như thiếu nữ đang tuổi xuân thì.   Đến giai đoạn ba, rượu vừa đúng tuổi toát ra hương vị ngọt ngào, thoang thoảng hương thơm của những trái nho chín rục và của các hương liệu phụ khác nhau tuỳ theo loại rượu, quyện vào nhau, bổ sung cho nhau tạo nên mùi vị riêng biệt đặc trưng của từng loại rượu, như người phụ nữ đang độ tuổi đẹp nhất bộc lộ được hết những nét quyến rũ đặc biêt của riêng mình.
Linh Hà cười khúc khích nói:
- Anh cũng có tâm hồn thi sĩ nhỉ?
Dũng gật gù:
- Một chút mơ mộng, một chút tưởng tượng sẽ làm cuộc sống thêm đậm đà, phong phú.
Cụng ly với Linh Hà, Dũng tiếp:
- Bây giờ mời em thử nhắp ly rượu này rồi cho anh biết em cảm nhận được những gì.
 Nhấp một ngụm rượu, uống theo lời Dũng chỉ, Linh Hà cười xoà:
- Em chả thấy những gì như anh nói cả!
 Dũng cười:
- Người Pháp quan niệm thưởng thức rượu vang là một nghệ thuật nên rất cầu kỳ.  Tuỳ theo loại, rượu phải được ướp lạnh ở nhiệt độ thích hợp để đạt đến tột đỉnh của hương và vị.  Lạnh quá, những hương vị này sẽ bị giảm bớt.  Ấm quá rượu sẽ tăng vị chát, dậy mùi alcohol, và để lại cảm giác khô, gắt sau khi uống.  Do đó, người uống phải nâng cốc ở phần chân và đế ly, chứ không để bàn tay tiếp xúc với phần thân ly có chứa rượu vì như vậy hơi nóng từ bàn tay sẽ làm nhiệt độ rượu ấm lên.  Họ còn kết tội rất nặng những người uống rượu vang với nước đá!
 Linh Hà tròn mắt:
- Ơ!  Thế sao hôm nọ em đòi uống rượu vang với nước đá, anh không cản.  Đã thế anh còn uống chung với em nữa!
Nhìn Linh Hà âu yếm, Dũng nói:
- Em thích là được rồi.  Anh không muốn làm mất hứng thú của em.
Nhấp một ngụm rượu, Dũng nói tiếp:
- Thơ, rượu, và tình yêu đều có sức quyến rũ.  Nó đem đến cho ta những ngọt ngào, đắm đuối.  Nhưng nó cũng là nguyên nhân của đắng cay, phiền luỵ.  Ngọt ngào đắng cay, đam mê phiền luỵ tạo thêm mầu sắc cho cuộc đời khiến cuộc sống thêm đậm đà phong phú. Thơ càng thắm thiết khi thêm men rượu.  Rượu uống thêm say khi có dáng tình yêu.  Thơ, rượu, và tình yêu có sự tương quan hỗ tương chặt chẽ với nhau.  Điều này đã được thi sĩ Tản Đà đề cập đến trong bài “Thơ Rượu."
Rượu say thơ lại khơi nguồn
Nên thơ, rượu cũng thêm ngon giọng tình.
Hai thi sĩ ở hai quốc gia khác nhau có chung quan niệm: “rượu là thơ, thơ là rượu.”  Một người nói: “Rượu là thơ trong chai.”  Còn người kia: “Thơ là rượu bốc hơi.”

Linh Hà thắc mắc:
- Thế nhưng hai ông thi sĩ này chỉ đề cập đến thơ và rượu thôi, chứ chẳng đề cập gì đến tình yêu cả?
Dũng gật đầu:
- Em nói đúng, như vậy phải bổ sung thêm “Người yêu là chai đựng rượu."  Em thấy đó, người yêu chứa đựng cả một trời thơ để ta ca tụng!
Linh Hà cười dòn:
- Thế mà tới giờ em vẫn chưa nhận được một bài thơ nào của anh cả!
Dũng cũng cười:
- Anh có tâm hồn thi sĩ nhưng không phải là thi nhân nên không biết làm thơ.  Nhưng như thế lại hóa hay vì ý thơ không phát tiết ra được nên cứ tồn đọng mãi trong tâm tư, để luôn thấy em là một nguồn thơ bất tận.”…

 Linh Hà bật cười khi nhớ lại lời chống chế, mà nàng thường gọi là “ngụy biện,” của Dũng hôm đó. 
Đặt tay đặt lên vai Linh Hà, Dũng hỏi:
- Em cười chuyện gì vậy?
Linh Hà lúng túng:
- Ờ…Không có gì.  Em vừa nhớ tới một chuyện ngày xưa thôi.   À!  Mà sao hôm nay anh không uống rượu vang?
X
XX
Lang thang không chủ đích mãi cũng chán, Linh Hà ghé một tiệm nước gọi một ly sinh tố để giải khát và nghỉ chân.  Nàng thở dài chán nản vì những bế tắc trong gia đình mà nàng đã cố gắng nhiều lần mà vẫn không cứu vãn được, nếu không nói càng ngày càng tệ hại hơn.

“Tuần trước, Hùng gọi điện thoại cho bà Năm báo sẽ đến chơi và ngỏ ý muốn ăn bún bò xào.  Dĩ nhiên Linh Hà là người thực hiện ý muốn đó.  Thích ăn ngon, nhưng không biết nấu nướng lại thêm bản tính hà tiện nên Hùng vẫn thường lấy cớ đến thăm mẹ, thường là vào giờ cơm, để có dịp ăn uống, gào thét bắt Dũng mua bia nhậu nhẹt thoải mái.  Có hôm, chỉ còn sót lại vài miếng thịt kho nhỏ, Hùng cũng không ngượng ngùng mang về làm lương thực cho trưa hôm sau.  Nàng không ngại chuyện Hùng đến ăn, nhưng nàng rất ghét tính trịch thượng, thích chê bai, và hay hạch sách của Hùng.  Lần này cũng vậy, nhìn hũ nước mắm pha đường, dấm, tỏi để ăn với bún bò xào, Hùng bắt đầu phê bình:
- Nước mắm này phải sài nhiều đường nên rất có hại, mọi người có biết không?
Rồi thao thao bất tuyệt về những tác hại của đường để chứng tỏ sự hiểu biết của mình, dù điều đó chẳng có gì mới lạ cả.  Tuy đả kích, nhưng Hùng vẫn luôn luôn là người tiêu thụ nước mắm này nhiều nhất!
Linh Hà lạ lẫm nhìn Hùng.  Không ăn nưóc mắm pha với bún bò xào thì ăn với gì bây giờ?
Vừa làm bếp xong mệt mỏi, lại bị nhức đầu vì Hùng cứ lải nhải nói mãi, Linh Hà lẳng lặng vào bếp rót một chén nước mắm mặn, đem ra để trước mặt Hùng nói:
- Anh Ba sài nước mắm nguyên chất này, em không cho thêm chút đường nào cả, cho đỡ hại!
Hùng ngớ ra vì phản ứng bất ngờ của Linh Hà.  Chợt nhận thấy mình vô lý vội nói trớ:
- Không được!  Phải ăn với nước mắm pha chứ, nhưng anh có cách làm cho nó bớt hại.
Nói rồi, Hùng nhặt mấy lát chanh trên bàn vắt lia lịa vào chén nước mắm của mình.
Linh Hà nhíu mày.  Chẳng lẽ Hùng không biết rằng chanh chỉ có thể át đi vị ngọt thôi, còn lượng đường vẫn y nguyên trong chén chứ có suy suyển chút nào đâu mà bớt hại!
Trong bữa ăn Hùng vẫn luôn luôn là người nói nhiều nhất.   Bới móc, chê bai người khác kể cả người thân như vẫn thường làm.  Mọi người lơ đảng ngồi ăn.  Chỉ có bà Năm thỉnh thoảng đưa đẩy câu chuyện cốt để làm vừa lòng cậu con trai trưởng.  Cuối cùng, Hùng chuyển qua đề tài ưa thích nhất là chuyện về Việt Nam hưởng thụ.  Càng nói càng hăng, để cho câu chuyện thêm hấp dẫn (!), Hùng đã dùng những từ ngữ trơ trẽn, sống sượng, đầy khinh bạc để diễn tả cảnh ăn chơi của mình, bất kể sự có mặt của mẹ ruột và em dâu!
Mặc dù Hùng vẫn cố giấu, nhưng hầu như mọi người đều biết cuộc sống vợ chồng của Hùng có những đổ vỡ.  Do đó Hùng rất ít khi về nhà.  Hùng có quyền về Việt Nam để giải quyết những nhu cầu của một người đàn ông đang độ tuổi sung sức.  Nhưng phải kín đáo chứ không nên hãnh diện khoe khoang một cách lố bịch như vậy.  Nàng không thể hiểu được một người xa quê hương bao nhiêu năm trời, mà sự thôi thúc trở về quê mẹ lại là thân xác của những người con gái bất hạnh!  Khoe chán chê, Hùng tìm mọi cách để thuyết phục Dũng về Việt Nam một chuyến.  Thuyết phục không được, khích bác cũng không xong.  Cuối cùng chửi rủa Dũng ngu muội và sợ vợ.  
Nhớ đến những lần Hùng to nhỏ tỉ tê áp lực bà Năm thuyết phục Dũng bỏ vợ mà nàng tình cờ nghe được, Linh Hà không còn giữ bình tĩnh được nữa, đứng dậy nói:
- Anh Ba đến chơi tụi em rất hoan nghênh.  Anh muốn ăn gì.  Em sẵn sàng chiều theo ý anh.  Em chỉ yêu cầu anh một điều là đừng bao giờ nói những chuyện nhơ nhớp đó trong căn nhà này, vì em không muốn nghe, và cũng không muốn tâm hồn trong trắng của con em bị bôi bẩn!
Nói xong nàng quay bước lên lầu.
Mọi người quá bất ngờ vì phản ứng mạnh và quyết liệt của Linh Hà.  Hùng ngớ người ra một lúc rồi gào lên:
- Má thấy không.  Nó dám cấm con đến nhà.  Nhà này của thằng Dũng chứ đâu phải của nó!  Con đến thăm má không ai có quyền ngăn cấm con cả.  Tại sao ngày nghỉ con không về thăm vợ con con, mà ở lại đây?  Chỉ vì tình cảm gia đình chứ không phải vì bữa cơm.  Con đến vì muốn thăm má, thăm thằng Dũng chứ bộ lương kỹ sư của con không đủ để ăn tiệm hàng ngày sao.  
Rồi đứng giữa nhà lải nhải nhắc đến những tốn kém gửi tiền về Việt Nam giúp đỡ gia đình, bảo lãnh sang Mỹ, và nuôi ăn ở trong thời gian đầu.  Cứ mỗi lần cảm thấy bị coi thường, Hùng lại kể lể công ơn để lung lạc bà Năm, như một đứa con nít yếu thế cần sự che chở của mẹ.
Quả nhiên, cũng như những lần trước, bi thuyết phục bởi “chiêu” tình cảm đó, bà Năm phụ hoạ theo la mắng người con dâu thậm tệ, và chửi rủa Dũng không biết dạy vợ.
Từ hôm đó tới nay, như để trả thù, ngày nào Hùng cũng tới nhà nàng ăn uống, kiếm chuyện gây gổ với Dũng, sỉ vả, khích bác nhằm mục đích chia rẽ vợ chồng nàng.  Đôi khi Hùng còn rủ bạn bè tới ăn uống nhậu nhẹt um sùm, cãi vã ầm ỹ tới khuya rồi bỏ về để lại một đống chén bát ngổn ngang để nàng phải ra sức dọn dẹp!
Cuộc sống gia đình nàng hoàn toàn bị xáo trộn.  Một làn không khí nặng nề đen tối bao trùm, đe doạ hạnh phúc gia đình khiến nàng rất lo sợ.  Hùng như một bóng ma lẩn khuất ám ảnh vợ chồng nàng mãi không thôi khiến không khí trong nhà rất căng thẳng.  Nàng muốn thoát ra khỏi những ám ảnh đen tối đó để được hưởng lại những tháng ngày yên bình, hạnh phúc thuở trước.   Nhưng vẫn hoàn toàn bế tắc, không biết phải làm thế nào! 

Linh Hà thở dài cầm ly sinh tố lên uống.  Nàng chợt giật mình ngước đầu lên nhìn người phụ nữ trạc tuổi đang đứng trước mặt.  Mỉm cười thân thiện, người đàn bà hỏi:
- Xin lỗi, chị có phải Linh Hà, học Đại Học Sư Phạm Saigon ngày xưa?
Linh Hà ngẩn người ra nhìn một lúc rồi reo lên:
- Phương Thanh?   Phải mày không?
Cuộc gặp mặt bất ngờ sau nhiều năm xa cách khiến đôi bạn vô cùng xúc động, ôm nhau mừng mừng tủi tủi.  Rời nhau ra, hai người cùng hỏi:
- Mày giờ ra sao rồi.
Rồi cùng bật cười.  Phương Thanh nói:
- Tao nhận ra mày trước, nên tao có quyền ưu tiên.
Trở về bàn mình, mang ly nước tới ngồi đối diện với Linh Hà, Phương Thanh hỏi:
-Ngồi ở bàn bên kia quan sát, tao thấy hình như mày có chuyện gì buồn thì phải.
Phương Thanh nói tiếp:
- Mình là bạn thân.  Cứ cho tao biết.  Nếu tao không giúp được gì cho mày, thì ít nhất thổ lộ được tâm sự cũng giúp mày vơi bớt ưu phiền.
Linh Hà thở dài rồi tỉ mỉ kể hết cho Phương Thanh nghe chuyện đời mình từ khi đưa Phương Thanh ra bến Bạch Đằng theo tàu Việt Nam Thương Tín ra khơi, còn mình ở lại chờ Dũng cho tới vụ rắc rối vừa xảy ra tuần trước.
Phương Thanh hỏi:
- Tại sao bà cụ lại sống với vợ chồng mày?
- Trước đây bà sống với vợ chồng chú Sáu Cường, nhưng từ khi gia đình chú ấy theo job dọn lên Ohio thì bà về ở với vợ chồng tao.  Chi Hai Thủy cũng muốn mời bà cụ về sống chung, nhưng cụ không chịu vì sợ mang tiếng ở nhờ con gái.  Không ở với Hùng, anh Ba, được vì tình trạng gia đình của Hùng chẳng ra làm sao cả.  Ngay bản thân anh ấy cũng lông bông thì làm sao mà lo cho bà được!  Hơn nữa, chính bà cũng không chịu nổi tính lắm điều của Hùng.  Chú Năm Mạnh thì hình như cố tránh gặp gia đình. 
Linh Hà mỉm cười chua chát nhận xét:
- Có lẽ nhờ vậy mà gia đình chú ấy hạnh phúc nhất, không bị xáo trộn bởi những dèm pha, xoi mói!
Phương Thanh hỏi tiếp:
- Bà cụ còn khoẻ không?
- Tương đối khoẻ với tuổi của bà.  Chỉ có chân bà bị đau chữa mãi không khỏi.  Do đó tụi tao phải nhường phòng Master dưới nhà cho bà ở vì bà không lên xuống cầu thang được.
Phương Thanh tiếp tục hỏi thêm về cuộc sống cũng như công việc của hai vợ chồng nàng.  Cuối cùng, nàng nắm tay Linh Hà an ủi:
- Mày đã làm đầy đủ bổn phận, không có gì sai trái cả.
Khẽ thở dài Phương Thanh nói nhỏ như một lời tự thán:
- Có lẽ tuổi của tụi mình nó hẩm hiu như vậy đó!
Linh Hà nhìn Phương Thanh hỏi:
- Nói vậy có nghĩa là cuộc sống của mày cũng có nhiều không may?
Phương Thanh khẽ gật đầu:
- Sau khi chia tay mày ở bến Bạch Đằng, tao leo được lên tàu Việt Nam Thương Tín và may mắn tới được đảo Guam an toàn mặc dầu mới rời bến chưa bao lâu tàu đã bị bắn ba trái B40 tạo thành một lỗ hổng lớn trên thành tàu để nước tràn vào thành một vũng nước lớn như một hồ bơi. 
Sau đó, tao được định cư tại Tiểu Bang Pennsylvania làm công việc của một assembler trong một hãng bào chế thuốc.  Gặp Thành cùng làm chung, yêu nhau và lấy nhau.  Để cuộc sống được tốt đẹp hơn, chúng tao quyết định Thành nghỉ việc để tiếp tục Đại Học.  Tao làm thêm một job nữa để bù đắp vào những thiếu hụt trong ngân quỹ gia đình.  Hơn bốn năm sau, Thành tốt nghiệp Computer Science nên cuộc sống gia đình thoải mái hơn, và tao cũng không phải cày hai jobs nữa.  Khi có đứa con trai đầu lòng, Thành muốn tao nghỉ việc để chăm sóc con, vì lương của Thành có thể bảo đảm cuộc sống gia đình không bị thiếu thốn.  Rồi đứa con trai thứ hai chào đời trong nỗi vui mừng của hai vợ chồng.  Cuộc sống hạnh phúc êm đềm trôi.  Cho tới một hôm…
Uống một ngụm nước giải khát cho thấm giọng, Phương Thanh buồn rầu nói tiếp:
- Cho tới một hôm Thành rủ tao cùng về Việt Nam thăm bà chị ruột của Thành ở Hà Nội mà từ lâu lắm rồi, từ năm 1954, hai chị em chưa được gặp nhau.  Tao thấy Thành về thăm chị là một điều nên làm.  Nhưng nếu tao đi, phải mang theo hai thằng con thì rất tốn kém.  Do đó tao để Thành đi một mình.  Sau đó ít lâu, Thành lại kiếm cớ về Việt Nam lần nữa, và lần này khi trở về Mỹ, Thành có những dấu hiệu khác lạ mà chỉ có linh tính của người vợ mới cảm nhận được.  Để sáng tỏ vấn đề, nhân lúc Thành đi làm, tao lục lọi các ngăn tủ để tìm hiểu, và biết được Thành không còn chung thủy nữa!  Tính tao như mày biết đó, cứng rắn và nguyên tắc nên đã làm đơn xin ly dị,  không chấp nhận lời xin lỗi của Thành, cũng như  lời can ngăn của người thân.
Nén xúc động, Phương Thanh kể tiếp:
- Sau khi ly dị Thành, vì muốn rời xa nơi đã chứng kiến sự đổ vỡ của hạnh phúc, tao mang hai con về Dallas sinh sống và làm việc tại đó.  Đồng lương ít ỏi, và mặc dù tao đã nhận thêm đồ may gia công tại nhà, nhưng cũng không đủ để trang trải các chi phí.  Cuộc sống của ba mẹ con rất chật vật.  Tiết kiệm đủ thứ vẫn túng thiếu.  Thương các con thiếu thốn, nhiều đêm tao đã bật khóc.
Linh Hà ngắt lời:
- Thế Thành không phụ giúp gì cho mày nuôi con à?
Phương Thanh cười buồn trả lời:
- Giận con người bạc bẽo, tao lẳng lặng ra đi nên Thành không biết mẹ con tao ở đâu.
Rồi kể tiếp:
- Cuộc sống tưởng như bế tắc thì một hôm đi chợ, tao gặp người yêu cũ của người anh ruột.  Biết hoàn cảnh của tao, chị ấy khuyến khích tao đi theo chị để học nghề xem phong thủy.  Hình như tao có khiếu về nghề này nên chịu khó nghiên cứu qua sách vở, và qua kinh nghiệm của chị ấy.  Dần dần, chị ấy giới thiệu khách hàng cho tao để kiếm thêm tiền cũng như để thực tập.  Một năm sau, nhờ may mắn tao tìm được căn nhà “phong thủy tốt” cho vợ chồng một người rất có uy tín trong cộng đồng.  Được vợ chồng này quảng cáo và giới thiệu nên càng ngày càng có nhiều khách hàng hơn, và cũng gây được chút tiếng tăm.  Do đó, cuộc sống của mẹ con tao giờ đã “qua cơn bĩ cực.”
Linh Hà tròn mắt:
- Đúng rồi! Tao có thấy tên mày trên báo với rất nhiều lời khen.  Không ngờ lại là mày!
 Rồi mỉm cười nói tiếp:
- Không ngờ bây giờ mày lại là một nhà phong thủy.  Nếu không chính tai nghe mày nói chắc tao không tin đâu.
Phương Thanh cười chua chát:
- Ngày xưa thi vào Đại Học Sư Phạm với mộng ước làm thầy.  Bây giờ cũng được làm thầy, nhưng là thầy phong thủy!
Nắm lấy tay bạn, Phương Thanh tha thiết nói:
- Nghe chuyện của mày tao rất buồn.  Hay là để tao đến nhà mày xem phong thủy coi có gì bất ổn không.  Chỉ là góp ý kiến thôi, còn nghe hay không tùy mày.
Linh Hà mừng rỡ nói:
- Như vậy còn gì bằng.  Tao cũng đang định nhờ mày đây.
Phương Thanh cười nói tiếp:
- Đây là điều kiện của tao: Hoàn toàn miễn phí.  Đừng lo tiền mất tật mang.
Rồi cười dòn nói đùa:
- Tật có thể mang, nhưng tiền thì không thể mất.
Linh Hà cũng cười:
- Tao chỉ sợ Dũng không tin.
- Mày cứ thử thuyết phục Dũng xem sao, rồi cho tao biết để định ngày đến thăm gia đình mày luôn thể.
- OK.  Cứ như vậy đi.
    X
    XX
                        
Giới thiệu Phương Thanh với chồng xong, Linh Hà rót nước mời bạn.  Quay qua Dũng, Linh Hà vui vẻ nói:
- Phương Thanh là bạn rất thân của em ở Đại Học Sư Phạm Saigon.  Chính em đã đưa Phương Thanh ra bến Bạch Đằng để nó leo lên tàu Việt Nam Thương Tín bỏ lại em cô đơn.  Hôm đó về nhà em khóc mãi, phần thương nó thân gái dậm trường trong cuộc phiêu lưu vô định, phần tủi phận mình ở lại không biết tương lai sẽ ra sao, không biết có được gặp lại anh hay không?
Phương Thanh cười:
- Nhưng rồi cả hai đứa đều đạt được ước mong của mình phải không?  Tao thì thoát, mày thì gặp lại anh Dũng.
- Đúng rồi!  Và cũng nhờ chiếc Honda mày để lại trước khi lên tàu mà tao có tiền để lo cho Dũng vượt biển.
Dũng xen vào:
- Như vậy có thể nói anh đã vượt biển bằng Honda Dame phải không?
Cả ba cùng cười, xua đi không khí khách sáo ban đầu.  Chuyện vãn một lúc, Dũng kiếm cớ rút lui để đôi bạn được tự do hàn huyên.
Nhìn đồng hồ, Phương Thanh nói:
- Thôi, cho tao xem qua nhà mày một chút.
Phương Thanh đi theo Linh Hà xem xét rất kỹ lưỡng từ trước ra sau, từ trong nhà ra ngoài sân rồi hý hoáy ghi chép.
Trở lại phòng khách, nàng ngồi trầm ngâm suy nghĩ.  Sốt ruột, Linh Hà hỏi:
- Mày thấy sao?
- Có nhiều vấn đề tao thấy không ổn.  Ngoài những khuyết điểm có thể điều chỉnh được nên tao không đề cập tới mà chỉ nêu lên những điểm xấu không thể sửa chữa được vì nó thuộc về kiến trúc của căn nhà.
- Thí dụ?
- Thứ nhất:  số nhà của mày bắt đầu bằng số bốn.  Theo phong thủy số bốn tiếng Hoa phát âm là “tứ” tương tự như âm của chữ “tử” nên rất xui.  Đây là số xấu nhất trong phong thủy.
Thứ hai: cửa trước và cửa sau đối diện nhau trên một đường thẳng làm bao nhiêu năng lượng vào cửa trước thoát hết ra cửa sau. Ngôi nhà mà không giữ năng lượng được ví như một cơ thể không còn năng lượng sẽ bị kiệt quệ.
Thứ ba: restroom dưới nhà lọt vào hướng Tây Bắc của căn nhà.  Vị trí đó chủ về hung.  Đó là điều tối kỵ vì nó làm cho người chủ gặp nhiều chuyện không lành.
Thứ tư: con dốc dẫn xuống lạch nước cuối sân cũng là một điều rất xấu vì nó cuốn theo tất cả hạnh phúc, của cải, cũng như sự thịnh vượng trong gia đình. 
Quay qua Linh Hà, Phương Thanh hỏi:
- Từ ngày gia đình mày dọn về đây công việc làm ăn ra sao?
Linh Hà trầm ngâm:
- Về đây được một thời gian ngắn thì Dũng bị thất nghiệp.  Nhưng lại kiếm được job khác sau vài tháng.  Còn tao thất nghiệp cả gần một năm nay rồi!
Rồi lo lắng hỏi:
- Còn điều xấu gì nữa không?
Phương Thanh bật cười:
- Như vậy cũng quá nhiều rồi không cần phải tìm thêm nữa.
- Vậy thì phải làm sao?  Có cách gì hoá giải không?
Phương Thanh lắc đầu:
- Như tao đã nói, những điều xấu này thuộc về kiến trúc, về địa thế, nên không cách chi hoá giải được!  Chỉ có cách là kiếm một căn nhà khác tốt hơn mà thôi!
Linh Hà nhăn mặt:
- Nhưng vợ chồng tao rất thích phong cảnh thiên nhiên phía sau nhà.  Hơn nữa, đây là căn nhà đầu tiên nên có nhiều kỷ niệm.  Mày thử xem còn cách nào khác hơn không?
Phuơng Thanh trầm ngâm suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Như vậy chỉ còn cách này.  Để tao xem hướng của căn nhà có hợp với tuổi của cả mày lẫn anh Dũng không.  Nếu hợp thì may ra có cách hóa giải được. 
Sau khi hỏi tuổi của hai người, Phương Thanh lấy địa bàn xem hướng tính toán ghi chép một hồi, rồi lắc đầu nói:
- Cũng không được Linh Hà ạ!  Như vậy là hết cách rồi.  Để tao giải thích cho mày nghe.  Nhà này hướng Tây.  Theo cách tính “bát trạch” trong “bát quái” với hướng của căn nhà này và với tuổi của anh Dũng thì cung mệnh của anh ấy ứng vào quẻ Khảm trong “Đông Tứ Trạch” gặp sao “Họa Hại”.  Đây là sao xấu thứ tư trong bốn hung tinh tức là bốn sao xấu.
Linh Hà ngắt lời:
- “Họa Hại” nghĩa là sao?
- “Họa Hại” chủ về hung khí, tức là nhà có khí dữ.
 Linh Hà lo lắng:
- Còn tao thế nào?
- Cũng theo cách tính đó.  Cung mệnh của mày ứng vào quẻ Ly, gặp sao “Ngũ Quỷ” chủ về tai hoạ, là sao xấu thứ hai.  Ảnh hưởng của sao này làm mày luôn luôn cảm thấy bất ổn, lúc nào cũng căng thẳng, nặng chĩu ưu tư.
Nhớ tới những xung khắc với mẹ chồng và những ám ảnh của người anh chồng làm nàng luôn cảm thấy bất an, lo lắng cho hạnh phúc gia đình càng ngày càng tồi tệ, Linh Hà lo sợ hỏi:
- Theo mày tao phải làm sao?
- Như tao đã nói, cách tốt nhất là kiếm một căn nhà khác hợp với phong thủy hơn.  Mày và anh Dũng cứ bàn tính kỹ lưỡng để quyết định đi hay ở.  Nếu cần giúp gì cứ gọi cho tao.  Đừng ngại.  Bây giờ tao phải đi vì có hẹn với khách hàng.
Phương Thanh đứng dậy ôm bạn từ biệt ra về.

X
XX 

Linh Hà ngồi bên cửa sổ thích thú ngắm những bông tuyết bay phất phới là đà rơi xuống kết tụ lại thành những đốm trắng nhỏ lấp lánh như những hạt kim cương nổi bật trên nền cỏ vàng úa vì thời tiết.  Cảnh tuyết rơi luôn cho nàng cảm giác nao nao khó tả.  Như chợt thấy xao xuyến, chơi vơi trong nỗi buồn nhẹ nhàng sâu kín.  Như chợt thấy ấm áp, bồi hồi nhớ về một kỷ niệm êm đềm trong quá khứ.  Hai cảm giác trái ngược mà như đồng thuận với nhau tác đông vào tâm hồn khiến nàng lâng lâng như vừa nhắp một ly rượu nồng.
Gia đình nàng đã dọn tới nhà mới này được ba tháng nay.  Nàng đã phải cố công thuyết phục Dũng mãi mới được chàng đồng ý.  Dũng không tin ở phong thủy.  Nhưng phần vì Linh Hà cố thuyết phục, phần vì thương vợ.  Dũng biết thời gian gần đây tinh thần Linh Hà rất sa sút. Nhìn vẻ mặt tiều tuỵ, đôi mắt mệt mỏi thâm quầng của vợ, nghĩ tới không khí nặng nề trong gia đình bấy lâu nay, Dũng đồng ý để Linh Hà tìm nhà mới để chiều ý nàng, và vì nếu không tốt hơn thì cũng chẳng thế nào xấu hơn được.   Thuyết phục được Dũng xong, đến việc chọn được một căn nhà hợp phong thủy cũng không phải là chuyện đơn giản.  Nàng đã đi xem tất cả hai mươi sáu căn nhà.  Chọn được ba căn vừa ý nhưng đều bị Phương Thanh gạt đi vì những khuyết điểm trầm trọng.  Đến căn nhà thứ hai mươi bảy, sau khi quan sát kỹ lưỡng, và dùng la bàn xem hướng xong, Phương Thanh vui vẻ nói:
- Căn nhà này được lắm, không có điều cấm kỵ gì đáng lưu ý.  Hơn nữa, nhà hướng Đông Nam, tuổi của mày và anh Dũng đều hợp cả.  Mệnh của anh Dũng ứng vào sao “Sinh Khí” chủ về phước lộc.  Đây là sao tốt nhất trong bốn cát tinh.  Còn mày được sao Thiên Y, chủ về sự che chở, là sao tốt thứ hai.  Căn nhà này rất tốt cho cả hai vợ chồng.
Linh Hà ngần ngại:
- Nhưng có một điều không ổn là nhà hai tầng mà tất cả phòng ngủ đều ở trên lầu.  Như vậy rất bất tiện cho bà nội Lyli.
Phương Thanh trầm ngâm:
- Hiện giờ mày đang thất nghiệp.  Mày có thể mang cơm nước lên cho bà cụ.  Nếu bà muốn lên xuống lầu, mày chịu khó dìu bà là xong.  Tao thấy phải như vậy thôi vì không tìm được căn nhà nào thích hợp hơn đâu!
Bây giờ ngồi đây, nhớ lại cuộc nói chuyện với Phương Thanh ngày hôm qua khi nàng tới thăm bạn, Linh Hà mỉm cười, lòng ấm áp.
“Mày bây giờ thế nào?  Từ ngày về nhà mới có thoải mái hơn không?
Linh Hà cười:
- Cám ơn mày.  Nhà này tuy không đẹp như nhà cũ, nhưng tao thấy rất bình an.  Công việc của Dũng rất tốt.  Tao cũng gặp hên trong tiền bạc.  Bây giờ tao hoàn toàn bị phong thủy thuyết phục rồi.
 Khẽ thở dài, Linh Hà nói giọng bùi ngùi:
- Chỉ tiếc rằng bà nội Lily không chịu ở trên lầu nên đã quyết định về sống với chị Hai.
Phương Thanh nhìn Linh Hà chăm chú:
- Có thật mày tin vào phong thủy không?
Linh Hà mở to mắt ngạc nhiên:
-Thật chứ.  Sao mày lại hỏi vậy?
Phương Thanh cười:
- Mày khờ quá nhỏ ạ!  Hôm đầu tiên mình gặp lại nhau, nghe mày tâm sự và nhìn khuôn mặt buồn thảm của mày, tao thương quá nên quyết định giúp mày thoát khỏi tình trạng bế tắc đó.  Bởi thế, tao đã đưa đẩy câu chuyện để tìm hiểu những tin tức cần thiết cho kế hoạch của mình.  Sau đó, tao ngỏ ý xem phong thủy để thuyết phục mày dọn nhà, mục đích loại bỏ nguyên nhân chính gây tai họa, rắc rối cho mày là anh Ba Hùng.  Mày nhớ lại xem, có phải khi xem nhà tao đã thẳng tay loại bỏ những căn nhà có phòng ngủ ở tầng dưới, để sau cùng chọn căn nhà mà tất cả phòng ngủ ở trên lầu không? Vì tao biết bà đau chân lên xuống cầu thang rất khó khăn.  Do đó bà không còn chọn lựa nào khác là phải về sống với chị Hai.  Có như vậy anh Hùng không còn lấy cớ đến thăm mẹ để quấy rầy mày nữa.
Linh Hà ngắt lời:
- Nhưng sao mày dám chắc là bà sẽ không ở nhà tao.  Lên xuống lầu khó khăn thì đã có tao dìu.  Dũng còn hứa là sẽ mang cái tủ lạnh nhỏ, và microwave lên lầu để bà sử dụng cho tiện nữa mà!
- Điều này tao không dám chắc trăm phần trăm, nhưng tao rất tin tưởng vào xác xuất thành công của nó vì ba lý do:
Thứ nhất: Bà không ưa mày nên không muốn nhờ vả mày mỗi khi lên xuống cầu thang.
Thứ hai: Bà đã quá mệt mỏi vì những lời dèm pha của Hùng khiến bà bị đau đầu không ít.  Tự trong thâm tâm đôi khi bà cũng cảm nhận được những ngược ngạo, tai ác của Hùng.  Nhưng vì quan niệm “phu tử tòng tử”cổ xưa, chồng chết thì con trai trưởng nắm giữ quyền hành trong gia đình, nên bà phải phục tòng Hùng.  Ở tuổi này bà không chịu được những căng thẳng như vậy lâu dài.  Do đó, đây là dịp tốt để bà có lý do dọn đi chỗ khác vừa tránh căng thẳng, vừa không mất lòng Dũng.
Thứ ba: Chị Hai vẫn khẩn khoản mời bà về ở chung.
Và như mày thấy đó, tất cả đã không ngoài dự tính của tao.
Linh Hà vẫn còn thắc mắc:
- Nhưng nếu anh Ba cứ đến quấy rầy thì sao?
Phương Thanh khẽ lắc đầu:
- Theo tao ước đoán thì không, bởi vì không có bà cụ ở đó, không có mẹ để bám váy nên Ba Hùng không đến đâu!
Linh Hà nhìn bạn khâm phục:
- Tao không ngờ mày lại tính toán chu đáo như vậy.  Nhưng cũng may là từ ngày về sống với chị Hai, bịnh đau bao tử của bà cũng giảm bớt rất nhiều.
-  Tây y và Đông y đều cùng một quan niệm là suy nghĩ nhiều sẽ làm hại bao tử.  “Tư thương tỳ” mà.  Không còn phải suy nghĩ buồn bực nữa thì bao tử của bà sẽ bớt đau thôi!  Như vậy mày cũng chẳng phải ân hận gì nữa cả.
Linh Hà vẫn chưa hết thắc mắc:
- Thế nhưng tại sao từ ngày dọn về đây tao thấy nhiều điều may mắn lắm.   Thí dụ như tao vừa đươc gia hạn tiền thất nghiệp thêm sáu tháng nữa, và mới tuần trước đây, Dũng được thưởng một số tiền khá lớn vì project của anh ấy được kết quả tốt mang nhiều lợi nhuận cho công ty.
- Tiền thất nghiệp của mày là do quyết định của chính phủ cho tất cả mọi người chứ đâu phải chỉ riêng mày được hưởng.  Dù mày ở đâu cũng vẫn được lãnh đầy đủ như thường không thiếu một cent.  Còn với anh Dũng thì tao dám chắc là anh ấy bắt đầu project đó từ lâu rồi, trước khi dọn về nhà này, mới đủ thời gian để hoàn thành project đó,  rồi còn phải có thời gian đưa vào sử dụng kiếm lợi nhuận cho công ty.  Việc này chẳng dính dáng gì đến nhà mới cả!
Linh Hà gật gù:
- Đúng rồi!  Dũng hoàn thành project đó trước khi dọn về đây.
Phương Thanh tâm sự:
- Chỉ có với mày tao mới nói sự thưc, chứ với khách hàng ...
Nhìn khuôn mặt háo hức chờ đợi của Linh Hà, Phương Thanh bật cười:
- Với khách hàng đây là dịp tốt để quảng bá sự huyền diệu của phong thủy, và củng cố tiếng tăm của tao.  Tao sẽ không ngần ngại mà cả quyết như đinh đóng cột là nhờ phong thủy nhà mới tốt, chứ nếu còn ở nhà cũ chắc chắn sẽ xảy ra những trở ngại khiến vợ chồng mày chẳng được hưởng những may mắn như vậy đâu.
Linh Hà thích thú gật đầu:
- Đúng rối! Có ai mà kiểm chứng được điều đó một khi gia đình tao đã dọn đi!
Rót thêm nước trà vào tách của Linh Hà, Phương Thanh nói tiếp:
- Tao cũng đã gặp vài trường hợp tương tự.  Có người cứ cảm ơn mãi vì nhờ tao chọn được căn nhà hợp phong thủy nên việc làm của hai vợ chồng được vững vàng.  Nhưng sự thực là jobs của họ vẫn chắc chắn từ lâu rồi, trước khi dọn về nhà mới.  Công ty của họ càng ngày càng phát đạt vì có uy tín nên được nhiều hợp đồng với chính phủ.  Công ty đó còn đang tuyển thêm người thì jobs của hai vợ chồng không vững mới là chuyện lạ.   Nhưng cảm ơn thì tao “đành” phải nhận thôi, và cũng không hẹp hòi gì mà không phụ họa vài câu ca tụng sự màu nhiệm của phong thủy!
Linh Hà cười khúc khích:
- Như vậy có nghĩa là “phước chủ lộc thầy”?
- Chính xác!
Phương Thanh nói tiếp:
- Khách hàng phong thủy phần đông là những “tín đồ” cuồng tín.  Càng nói mơ hồ, huyền bí, họ càng tin.  Tin không thắc mắc.  Thí dụ như lý do phải tránh nhà có số bốn vì bốn tiếng Tàu là “t” phát âm gần giống “tử” nên rất xui.  Nếu chịu khó suy nghĩ một chút sẽ thấy sự vô lý trong đó.  Chỉ có người Tàu mới phát âm số bốn là “tứ” rồi nhập nhằng đánh lận con đen, bắt quàng nó thành “tử” để hù dọa thiên hạ, chứ mình là người Việt, sống tại Mỹ thì dù phát âm số đó bằng tiếng Việt hay tiếng Mỹ cũng chẳng dính dáng gì đến thần chết cả thì làm sao mà xui xẻo được cơ chứ!  Không lẽ cả thế giới đều phải thần phục “thiên triều” mà dùng tiếng Hán à?  Điều này chứng tỏ tinh thần nô lệ Tàu vẫn còn tồn tại trong đầu một số không nhỏ người Việt một cách vô thức.  Còn điều vô lý này nữa, như nhà cũ của mày chẳng hạn.  Nguyên một khu phố đó số nhà đều bắt đầu bằng số bốn.  Không lẽ tất cả hơn hai chục gia đình trong khu đó đều mạt hết hay sao?
Đưa tay vuốt mái tóc loà xoà trước trán ra phía sau, Phương Thanh nói:
- Trước đây tao có một bà hàng xóm rất mê phong thủy.  Được “thầy” phán số tám là một số rất tốt vì phát âm của nó là “bát” trùng với âm “phát” có nghĩa là phát tài, phát lộc.  Bởi thế, bất cứ cái gì liên quan đến số là bà ta không ngần ngại chọn ngay số tám.  Mới tậu một chiếc xe mới tinh bà cũng hoan hỉ bỏ tiền ra mua bảng số có tới bốn số tám để mong ước tài lộc dồi dào.  Một tháng sau khi mua xe, bà bị tai nạn giao thông thảm khốc đưa đến tử vong trên chiếc xe bốn số tám này.
Phương Thanh cười buồn nói tiếp:
- Nhiều khi tao nghĩ không biết “phát” đây có phải là “phát tang” hay không nữa?
Rồi tiếp tục say sưa nói về phong thủy:
- Để thuyết phục khách hàng, nếu có cơ hội, nhà phong thủy thường chỉ cho khách thấy ngôi nhà nào đó bị nhà băng kéo có ống cống ngoài đường đâm thẳng vào nhà, như một bằng chứng hiển nhiên hỗ trợ cho sự chính xác của “đại kỵ” này.  Nhưng nếu làm thống kê về những ngôi nhà có “đại kỵ” đó thì tao đoan chắc là tỷ lệ nhà bị xui rất thấp so với những nhà chẳng hề hấn gì.  
Ngưng một chút, Phương Thanh nhận xét:
- Dùng một trường hợp cá biệt để suy diễn cho toàn thể như vậy trong Triết học gọi là “suy luận phóng đại.”  Loại suy luận này phong phú nhưng không chính xác.
Vẫn còn thắc mắc, Linh Hà hỏi tiếp:
- Nhưng người Mỹ cũng tin vào phong thủy mà.  Tao nghe nói một sòng bạc ở Las Vegas cũng được kiến trúc theo phong thủy thì phải?
- Cứ cho là người chủ sòng bạc đó là Mỹ đi.  Nhưng không phải người Mỹ nào cũng đúng, và số người Mỹ tin vào phong thủy phỏng được bao nhiêu so với dân số trên ba trăm triệu người?  Bây giờ mình thử đặt vấn đề họ xây casino theo phong thủy với mục đích gì?  Nếu để có lợi cho khách hàng thì vô lý.  Không lẽ họ lại muốn phá sản à?  Còn nếu để có lợi cho họ thi cũng vô lý, vì quá lộ liễu giống như quảng cáo: “Mời quý vị vào chơi bài, rồi quý vị sẽ thơ thới hân hoan ra về với hai bàn tay trắng” sao?  Tao nghĩ có lẽ vì khách hàng của họ phần đông là người Tàu và người Việt nên họ muốn kiến trúc theo kiểu Á Đông vừa đẹp mắt, vừa mới lạ, lại còn làm vừa lòng hai đối tượng trên.
Linh Hà nghiêng đầu nhìn Phương Thanh rồi phát nhẹ vào vai bạn:
- Con nhỏ này.  Thế mà hôm đó mày đem phong thủy ra hù làm tao hết hồn.
Phương Thanh cười dòn:
- Nếu không thế thì làm sao mày quyết định đổi nhà để có được căn nhà “hợp phong thuỷ” như thế này?
Rồi vui vẻ nói tiếp:
- Hôm đó tao dạo đầu bằng bốn món ăn chơi là: số nhà, cửa trước cửa sau thông nhau, nhà vệ sinh, và con dốc sau nhà.  Thấy mày vẫn còn ngoan cố không muốn dọn đi, tao bèn giáng thêm một đòn nữa là xem hướng nhà, dùng những từ ngữ Hán Việt trừu tượng, đầy vẻ huyền bí như: bát quái, bát trạch, khảm, ly, ngũ quỷ, họa hại…cho mày lùng bùng lỗ tai, hoang mang đầu óc không còn tự chủ được nữa.
- Mày nói đúng.  Nghe mấy chữ đó sao cao siêu, bí hiểm quá không hiểu gì cả nên càng tin vào sự huyền bí của nó, và càng khâm phục kiến thức của thầy nên phải nghe lời thôi!
Mỉm cười Phương Thanh nói tiếp:
- Thấy đã đủ “đô” cho mày sợ rồi nên tao không dọa tiếp.  Nếu không tao giở đến chiêu “tử vi” phán thêm vài câu nữa thì bảo đảm mày chỉ muốn dọn ra khỏi căn nhà đó ngay lập tức mà thôi!
Linh Hà nhìn bạn thán phục rồi hỏi tiếp:
- Thế theo mày thì phong thủy hoàn toàn không có một tác dụng gì cả à?
Phương Thanh trầm ngâm:
- Theo tao, phong thủy chính thống ngày xưa có những cái huyền bí, có những giá trị riêng của nó.   Tiếc rằng vì bản tính ích kỷ, và nghi kỵ nên người Tàu chỉ truyền nghề cho con trai trong nhà mà không truyền cho con gái, hoặc người ngoài.  Bởi thế ngành này càng ngày càng mai một, rồi thất truyền.   Những nhà phong thủy sau này phần đông là tay mơ, hiểu biết giới hạn.  Để bù đắp vào khiếm khuyết đó, họ tùy tiện chế thêm điều cấm kỵ này, điều nên tránh kia, đôi khi đầy vẻ mê tín, mục đích hù dọa làm khách hàng hoang mang sợ hãi để trục lợi!
Phương Thanh bùi ngùi nói tiếp:
- Bất đắc dĩ tao phải theo nghề này để tồn tại và nuôi con.  Tao tính sang năm kiếm đủ tiền mở một tiệm ăn, tao sẽ giải nghệ.  Mà này, những điều tao nói hôm nay là giữa tao và mày thôi nhé.  Đừng phổ biến tùm lum mà bể nồi cơm của tao đó.
Linh Hà cười:
- Tao biết rồi.  Dù sao, cũng rất cám ơn mày đã mang lại hạnh phúc cho gia đình tao.  Trong mắt tao, mày là một nhà phong thủy đại tài.  Có điều tao hơi ân hận là đã trút trách nhiệm cũng như những rắc rối, nhức đầu cho chị Hai!
Phương Thanh cười dòn:
- Mày an tâm.  Nếu cần, tao sẽ đến xem phong thủy cho chị ấy.  Hoàn toàn miễn phí.”

Nhớ tới đây, Linh Hà bật cười lẩm bẩm:
- Con nhỏ thiệt tình!
Nhìn Dũng đang say sưa ngủ, nét mặt thư thái không còn hằn lên những nét ưu tư, Linh Hà mỉm cười rạng rỡ thầm nhủ:
- Phong thủy hay thật!


Bonaire, Tháng Sáu 2015

Nguyễn Ngọc Tú

Mời xem khởi đầu cuộc tình đầy trắc trở của Linh Hà và Dũng trong:
Click>>  Tình Thi Chinh Chiến-Nguyn Ngc Tú

Và các câu chuyện tình đẹp và nên thơ khác của cùng tác giả:
Click>> Lưới Nhn-Nguyn Ngc Tú
Click>>  Xót Xa-Nguyn Ngc Tú