Wednesday, November 25, 2015

Đàn Bà Là Gì?





Đàn Bà Là Gì ?
 Tác Giả: Tu Zai st
Đàn bà là thứ mà đàn ông không thể thiếu được. Anh có thể thiếu rượu, thiếu thuốc lá, thậm chí có thể thiếu cả áo mặc nhưng không thể thiếu đàn bà. Đàn ông tiếng là mạnh mẽ thế, cứng cỏi thế nhưng thiếu đàn bà là cô đơn.

Bận rộn như hoàng đế Napoleon, xông pha trận mạc khắp các chiến trường châu Âu mà vẫn không thể thiếu đàn bà.
Chiến tranh quyết liệt, căng thẳng như ở lòng chảo Điện Biên năm 1954 mà tướng Đờcattri (Christian de Castries) vẫn cần một cô nhà báo xinh đẹp làm thư ký riêng.

“Giai nhân tự cổ như danh tướng”. Người Trung Quốc xưa đã nói như vậy.
Đàn bà là một nửa cuộc đời của đàn ông. Đàn ông càng làm việc nhiều, càng kiếm tiền giỏi càng cần có đàn bà, nếu không họ sẽ bị stress.

Người Nhật Bản nói : “Vắng đàn bà nhà hóa mồ côi”.
Đàn bà là thiên thần hay quỷ dữ ? Thưa rằng trong mỗi người đàn bà có cả hai thứ đó, họ vừa là thiên thần, lại vừa là quỷ dữ. Đàn bà còn đẹp hơn tất cả các loài hoa. Lực hấp dẫn của đàn bà rất mạnh mẽ. Phái đẹp là thỏi nam châm mà giới mày râu là đám mạt sắt nhỏ nhoi.

Hễ người đẹp xuất hiện là những đôi mắt của cánh đàn ông sáng bừng lên, ham muốn, thèm khát và chỉ cần một cái vẫy tay, một cái liếc mắt là đàn ông có thể đổ ngay. Tất cả các hoàng đế mạnh nhất từ xưa tới nay đều thử sức với đàn bà và đều đã thất bại. Chính đàn ông làm cho đàn bà thành thiên thần, cũng chính đàn ông khiến đàn bà thành quỷ dữ. Nguy hiểm nhất cũng là đàn bà.

Trong 36 kế hiểm của người Trung Hoa thì mỹ nhân kế là hiểm nhất. Đổng Trác hùng mạnh thế mà phải chết vì Điêu Thuyền, Từ Hải anh hùng thế mà phải chết đứng vì Thúy Kiều, Phù Sai quyền lực thế mà phải chết vì Tây Thi…

Đại văn hào Victo Hugo đã viết rằng : “Ai cũng có thể tin, cái gì cũng có thể tin, trừ đàn bà”.
Khi đàn bà là thiên thần thì họ là người tuyệt vời nhất, hấp dẫn nhất. Nhưng khi đàn bà là quỷ dữ thì họ trở nên nguy hiểm nhất. Song cũng vì tính chất hai mặt này của đàn bà mà họ trở nên có sức hút mạnh mẽ hơn đối với đàn ông, vì đàn ông ham chơi mà trò chơi nếu thiếu tính mạo hiểm thì không hấp dẫn.

Đàn bà ma lực như thương trường, bất trắc như thương trường, nhiều rủi ro như thương trường. Vì tôn thờ tình yêu nên cuối đời đàn bà không biết ai yêu mình.
Vì chạy theo đàn bà nên cuối đời người đàn ông không biết là mình yêu ai.

Đàn bà là gì ? Đàn bà là ai ?
Những câu hỏi đó suốt đời đàn ông không thể trả lời được một cách trọn vẹn. Song cũng vì thế mà suốt đời đàn ông cứ si mê đàn bà. Nếu đàn bà như chiếc bánh, bóc lá ra là thấy được hết cả nhân lẫn bột thì đàn ông sẽ chán ngay và sự nhàm chán là kẻ tử thù của tình yêu còn sự bí ẩn là chất xúc tác của tình yêu.

Nếu không thèm khát đàn bà thì không phải là đàn ông. Nhưng nếu đánh mất sự nghiệp vì đàn bà thì cũng không phải là đàn ông. Người đàn ông thông minh xem đàn bà như bông hoa tươi trong phòng khách, là người bạn tâm giao trong phòng ngủ và là người cộng sự trong sự nghiệp.

Tu Zai

Xin bổ sung để ...tham khảo: (DVN sưu tầm và dịch )

- Đời sống không thể thiếu đàn bà, nhưng sống được với một người đàn bà không phải dể !
- Người ta thử thách lòng trung thành của người đàn bà khi người tình của cô  không có gì, và thử thách lòng trung thành của đàn ông khi anh ta có đủ mọi thứ !
- Vợ của những người đàn ông này thường mang lại hạnh phúc cho những người đàn ông khác !
- Chỉ khi Cha sở nghe các bà xưng tội ông mới cảm thấy  mình có lý để đi tu !
- Khi vợ của bạn không chê trách bạn thì cứ hiểu rằng cô ta không còn thương bạn nữa .
- Một người vợ trung thành  thường mang lại đau khổ cho những người đàn ông khác.
- Nguời đàn bà không trung thành thường có những hối hận, người đàn bà trung thành thì có những hối tiếc !
- Trong tình yêu cũng như trong phẫu thuật, không nên bày ra những dụng cụ trước khi mổ !
- Người phụ nữ đẹp làm vui mắt, người phụ nữ hiền làm vui lòng. Người trước là một nữ trang, người sau là một kho tàng.
- Đàn bà khôn hơn đàn ông bởi vì họ biết ít nhưng hiểu nhiều.
 
Nguồn: email

ĐẠO PHẬT VÀ CON SỐ 108



ĐẠO PHẬT VÀ CON SỐ 108 
Hoàng Phước Đại
 
Cây bồ đề được coi là một trong những biểu tượng của nhà Phật. Nơi Đức Phật thiền định để tìm ra nguồn gốc mọi khổ đau, con người phải hứng chịu. Gỗ của cây bồ đề được dùng làm tràng hạt sử dụng trong các buổi trì chú hoặc tụng kinh. Xâu chỗi tràng hạt thường có 108 hạt.
Xâu chuỗi tràng hạt
108 hạt bồ đề, tượng trưng cho 108 phiền não của con người. Theo thuyết nhà Phật, các phiền não xuất phát từ vô minh.
Con người có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý thức. Khi mắt tiếp xúc với cảnh vật; tai nghe được âm thanh; mũi nhận thức được mùi hương; lưỡi tiếp xúc và biết được vị mặn ngọt; thân thể cảm giác được sự nóng lạnh; ý thức nhận biết của não bộ sẽ làm cho con người khởi sinh cảm giác hoặc vui ( lạc ) hoặc buồn ( khổ ) hoặc không vui, không buồn ( vô ký ), làm cho thân, tâm chúng ta hoặc thanh tịnh hoặc bị ô nhiễm rối bời, từ đó gây ra 108 phiền ở trong cả 3 thời quá khứ, hiện tại và tương lai.

6 thức
3 cảm thọ
2 giới
3 thời

Mắt, tai, mũi, lưỡi thân và ý thức
Lạc, khổ, vô ký
Nhiễm, thanh tịnh
Quá khứ, hiện tại , tương lai.


6 x
3 x
2 x
3 x
108
Số 108 thường xuất hiện trong các công trình Phật giáo. Có 108 cuốn sách Luật, Luận ghi lại lời Phật dạy, để các môn đệ của Ngài noi theo tu học hàng ngày. Ngôi chùa Hải Ấn Tự hay còn gọi là Tàng kinh các ở Hàn Quốc, nơi cất giữ các Bộ Kinh, Luật, Luật của Phật được thiết kế với kiến trúc 108 cột độc đáo tượng trưng cho 108 phiền não. Các ngôi chùa lớn thường xây dựng 108 bậc thang để dẫn vào chánh điện. Hàm ý nhắc nhở chúng ta cần phải vượt qua 108 khổ đau để đến bến bờ an lạc.
Để thức tỉnh mọi người tinh tấn tu hành, vượt qua mọi đau khổ trong thế gian, hàng ngày tiếng chuông từ các ngôi chùa, đều được gióng theo thời khóa nhất định. Mỗi ngày hai thời. Mỗi thời đánh 108 tiếng chuông. Tiếng chuông được gióng lên cùng với lời cầu nguyện cho thế giới hòa bình, cho chúng sanh an lạc.

Tượng Phật và 108 biểu tượng trên bàn chân Phật
Con số 108 dường như không chỉ ý nghĩa với nhà Phật mà còn xuất hiện khá nhiều trong cuộc sống. Chuyến bay đầu tiên của Gagarin vòng quanh trái đất (ngày 12 thánh 04 năm 1962) hết 108 phút và hành trình chuyến bay được viết lại trong cuốn sách với tựa đề "108 phút và cả cuộc đời". Nếu chúng ta còn cho rằng con số 108 phút của chuyến bay nói trên của con người vào vũ trụ có thể chỉ là một sự trùng hợp với con số linh thiêng của nhà Phật, thì dãy Hymalaya với 108 ngọn núi hùng vĩ cao nhất thế giới, làm cho chúng ta chú ý nhiều hơn đến ý nghĩa của con số 108./.
Hoàng Phước Đại


Miến Điện và giới trẻ Việt Nam



Miến Điện và giới trẻ Việt Nam
Chân Như, phóng viên RFA
2015-11-18
 

Sau cuộc tổng tuyển cử hôm mùng tám tháng 11 vừa diễn ra tại Miến Điện, với kết quả Liên Đoàn Toàn Quốc Đấu Tranh Vì Dân Chủ do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo chiến thắng vẻ vang đã khiến cho nhiều người dân Việt Nam, đặc biệt là những nhà đấu tranh dân chủ, các trí thức cũng có ước mong Việt Nam sớm có được như vậy. Nhân sự kiện đặc biệt này, diễn đàn bạn trẻ sẽ cùng với ba bạn khách mời chia sẻ về những suy nghĩ của họ về cuộc bầu cử và liệu Việt Nam có dám noi gương Miến Điện hay không?
Gương sáng để Việt Nam noi theo
Chân Như: Đối với các bạn, kết quả của cuộc bầu cử ở Miến Điện có làm các bạn suy nghĩ về Việt Nam mình hay không?
Khải Tường: Em chào anh Chân Như và chào tất cả các bạn. Theo em Myanmar có lẽ là một bài học và cũng là một gương sáng để Việt Nam noi theo. Em đang rất phân vân không biết là Việt Nam họ có đang mở lòng ra để noi theo giống như Myanmar vì Myanmar đã làm một việc trước đây họ không bao giờ nghĩ tới. Họ nói thẳng là họ thoát Trung được. Em cảm thấy đây là một cái gương rất sáng và cũng là một điều rất đáng để học tập. Sau bao nhiêu năm, những độc tài chuyên chế đều chứng minh rằng nó sẽ không tồn tại với thời gian. Chỉ có những nguyện vọng chính đáng của người dân, những sự tư do, những gì thuộc quyền lợi cơ bản của con người đều sẽ chiến thắng.
Theo em Myanmar có lẽ là một bài học và cũng là một gương sáng để Việt Nam noi theo. Em đang rất phân vân không biết là Việt Nam họ có đang mở lòng ra để noi theo giống như Myanmar vì Myanmar đã làm một việc trước đây họ không bao giờ nghĩ tới.
-Khải Tường
Bảo Linh: Theo em kết quả bầu cử ở Miến Điện thì rõ ràng nó cả là một quá trình đấu tranh của bà Aung San Suu Kyi và những người ủng hộ đảng của bà trong suốt hơn hai thập kỷ qua. Em mong là Việt Nam mình cũng sẽ đi theo con đường của Miến Điện. Đó là để cho nhiều đảng đối lập cùng tham gia chính trị, cởi mở bầu không khí để cùng nhau điều hành Việt Nam thay vì độc tôn giống như hiện nay khiến nó cản trở cái con đường phát triển đất nước rất nhiều. Sự thành công của đảng đối lập của bà Aung San Suu Kyi ở Miến Điện trong những ngày vừa qua em thấy rõ ràng nó tác động rất nhiều đến những bạn trẻ ở Việt Nam về nhận thức chính trị. Theo quan sát trên facebook thì có rất nhiều bạn trẻ chia sẻ những tin tức và bà Aung San Suu Kyi và con đường đấu tranh cho dân chủ của bà.
Tuấn Văn: Dạ vâng, cũng như hai bạn đã nói khi nãy thì em cũng trả lời ngắn gọn. Theo ý kiến của em thì Myanmar đang thể hiện cách thoát khỏi Trung Quốc. Theo em nghiên cứu được từ xưa đến nay thì sau biến cô 8888 thì Myanmar dần dần là sân sau của Trung Quốc. Trung Quốc đầu tư nhiều vô Myanmar, khai thác một số khoán sản. Cuộc bầu cử dân chủ này, theo em nghĩ, Myanmar đang ra mặt thoát ly khỏi Trung Quốc.
Chân Như: Việt Nam có thể sử dụng phương thức đi đến dân chủ như Miến Điện không? Tại sao?
Bảo Linh: Em nghĩ hoàn toàn có thể sử dụng phương thức Miến Điện đã và đang làm. Tuy nhiên, cần làm rõ là các bên chính trị ở Việt Nam có chịu hòa giải dân tộc hay không? Có chịu hợp tác với nhau để vì lợi ích chung của đất nước hay không hay là vẫn kiên định theo lý tưởng của mình? Đó là vấn đề cản trở rất lớn ở Việt Nam. Đảng điều hành ở Việt Nam hiện tại chịu ảnh hưởng rất nhiều từ đảng CS Trung Quốc và giữa hai đảng có sự gắn bó mật thiết với nhau về ý thức hệ cũng như phương thức điều hành đất nước. Chính sự phụ thuộc này đã khiến Việt Nam khó có thể đi đến con đường dân chủ như Miến Điện. Nói khác hơn là phải thoát Trung Quốc từ giới lãnh đạo của Hà Nội, thì họa may mới có sự thay đổi. Mặt khác thì đảng CS đã triệt thoái các tư tưởng đối lập cũng như nền báo chí đối lập ở Việt Nam, nó làm cho sự phát triển dân chủ bị bóp nghẹt. Trong khi Miến Điện trước đó nền báo chí được quyền đăng tin, loan tin những thông tin về lực lượng đối lập của bà Aung San Suu Kyi hoặc là những tiếng nói của giới sinh viên. Ở Việt Nam thì hoàn toàn không có điều đó.
Khải Tường: Thật ra như em nói lúc đầu: Myanmar là một tấm gương sáng và cũng là một chiến thắng đầy rực rỡ để Việt Nam học tập. Tuy nhiên, theo như em tìm hiểu từ các trang mạng thì Myanmar để tiến được quá trình dân chủ này họ đã phải thực hiện đến bảy bước. Theo em biết bước thứ nhất, một đại hội quốc gia được triệu tập để thảo lập ra một bản hiến pháp mới, tuy còn nặng mùi quân phiệt nhưng vẫn được trưng cầu dân ý và thông qua năm 2008. Vấn đề này ở Việt Nam, chính quyền họ giao nhiều quyền cho lực lượng công an. Họ để lực lượng công an là lực lượng nồng cốt để bảo vệ nền độc tài chính trị của họ. Tiếp theo là bước thứ hai của Myanmar. Năm 2010 họ có một cuộc tổng tuyển cử bầu quốc hội được tổ chức theo hiến pháp mới, quốc hội này đã bầu tướng Thein Sein làm tổng thống đầu năm 2011 và phê chuẩn một nội các hầu hết là các tướng lĩnh khoác áo dân sự. Vấn đề này ở Việt Nam thì hầu như họ tách quyền lợi chính trị quốc phòng của bên quân đội nhân dân Việt Nam và các tướng lĩnh so với những vị thủ tướng và các nguyên thủ quốc gia, em thấy quyền lợi họ cũng khác; Có nghĩa họ chia nhỏ ra và không để cho quyền lực của quân đội nắm nhiều. Do vậy, Việt Nam để làm giống Myanmar vẫn còn rất khó tại vì họ không chịu thay đổi tư do. Họ vẫn duy trì một bộ máy chính trị bảo hòa, họ không quan tâm đến ý kiến của đại bộ phận dân chúng, nên em nghĩ sự thay đổi này chắc phải rất lâu và rất dài. Đây là cuộc đấu tranh rất lâu dài. Nhưng em và các bạn trẻ đây vẫn hy vọng rằng sẽ có một gì đó thay đổi tốt đẹp hơn giống như Myanmar ngày nay.
Khó thay đổi trong một sớm một chiều
Chân Như: Nói người phải ngẫm đến ta, chính thủ tưởng Nguyễn Tấn Dũng đã từng khuyên chính quyền quân phiệt Miến phải "dân chủ - đa đảng - hòa giải dân tộc" để ổn định và phát triển đất nước trong lần phát biểu trước đây. Vậy tại sao ông Dũng và đảng CSVN lại không làm được điều như vậy?
Tuấn Văn: Cũng đơn giản thôi anh. Có một người lãnh tụ cũng rất lớn của Việt Nam mình cũng từng nói là đừng nhìn vô những gì họ nói, hãy nhìn những gì họ làm. Nói thẳng ra nói thì ai cũng nói được hết nhưng làm được hay không lại là một vấn đề khác nữa. Em xin lỗi, nhưng họ không có đặt mục tiêu dân chủ và nhân quyền người dân lên hàng đầu. Lúc nào họ cũng muốn vơ vét tiền bạc tài sản vô túi riêng cho nên không thể nào họ làm như Myanmar được nếu họ làm như vậy thì chẳng khác nào họ chẳng còn gì.
Bảo Linh: Em đọc trên mạng thì người ta nói là những người nói dối nhiều nhất là những chính trị gia. Do vậy, để dối lòng dư luận và vì mục đích dành sự ủng hộ, họ có thể nói sướng miệng những câu mà nếu làm tổn hại đến lợi ích của họ và rồi nghĩ rằng dư luận thời gian sau sẽ quên đi. Lời nói của ông Thủ tướng hoàn toàn cũng sẽ đi vào quên lãng hoặc ông chỉ nói cho vui miệng lúc đó, theo phong trào, giống như đang diễn đàn của một hội nghị nào đó. Còn tư duy lãnh đạo của những người CSVN thì họ vì lợi ích cá nhân của họ nhiều hơn là lợi ích chung của đất nước, nên khó có thể thay đổi trong một sớm một chiều.
Khải Tường: Khi anh đặt ra câu hỏi này thì em nhớ đến một câu nói mà giống như bạn Tuấn Văn có nói. Là có một câu nói của một vị tổng thống đáng kính trước năm 1975 của mình. Đối với người cộng sản thì đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm. Họ nói thì họ nói rất là dữ; Họ nói kiểu rất là “đao to búa lớn”; Họ có thể làm được mọi thứ. Nhưng chính ngay cả con ông Dũng cũng sống ở bên Mỹ; Ngay cả người thân của họ cũng cần cái nền dân chủ. Ông cũng phát ngôn dân chủ này, dân chủ nọ. Tuy nhiên, đối với em vấn đề là những gì ông Dũng nói thì chắc chỉ là dân chủ rởm.
Tư duy lãnh đạo của những người CSVN thì họ vì lợi ích cá nhân của họ nhiều hơn là lợi ích chung của đất nước, nên khó có thể thay đổi trong một sớm một chiều.
-Bảo Linh
Trước tiên, em nói vấn đề em thấy nhiều nhất đó vẫn là vấn đề hòa hợp hòa giải dân tộc. Để tiến đến vấn đề dân chủ ngay cả bà Aung San Suu Kyi có nói với giới quân sự là không được truy cứu tội trạng, không tịch thu tài sản. Tại Việt Nam, theo những gì xảy ra sau năm 1975, khi mà cộng sản Bắc Việt bước vào miền Nam thì họ làm ngược lại hết họ truy cứu tội trạng của những người thuộc chế độ cũ, họ giam cầm, ho bắt cải tạo. Đối với những người bỏ nước đi thì họ cho là bán nước, phản bội tổ quốc. Đó là vấn đề ngay sau năm 75. Sau này, khi nhà nước mở cửa cho đến năm 1990 không bị cấm vận nữa, thì bắt đầu họ lại quay ngoắt ra họ nói là những người Việt Kiều qua nước ngoài thì là khúc ruột ngàn dặm rồi Việt Kiều yêu nước; Nghĩa là so sánh giữa hai quá trình thì những lời nói của những người làm chính trị của chế độ cộng sản có vẻ họ là những con rắn hai lưỡi. Vì thế, em nghĩ những điều ông Dũng nói em cũng chẳng tin được.
Chân Như: Thái độ của sinh viên, học sinh Việt Nam đối với nền dân chủ nước nhà hiện nay theo các bạn nó ra sao?
Bảo Linh: Theo em, một bộ phận giới trẻ ngày nay có nhận thức cũng khá sâu sắc về chính trị. Nhất là những bạn trẻ được tiếp xúc va chạm với xã hội nhiều, tiếp xúc với những thủ tục hành chính rườm rà và những bạn trẻ mà được đi ra nước ngoài du học hay du lịch thì họ sẽ nắm bắt được tình hình đất nước cũng như soi xét lại những thông tin về lịch sử của Việt Nam trong những năm chiến tranh. Họ có thể tiếp cận một cách đa chiều hơn, vì thế, làm cho nhận thức chính trị của giới trẻ ngày nay thay đổi và làm một số bạn trẻ tiếp cận được nên họ có thể thay đổi tư duy chính trị của mình cởi mở hơn. Xu thế đòi hỏi tự do ngôn luận và dân chủ ngày nay thì ngày càng gia tăng trong giới trẻ, tại vì họ ý thức được tương lai của họ gắn liền với sự thay đổi với chính trị. Khi chính trị thay đổi theo một chiều hướng tích cực thì nền kinh tế sẽ phát triển theo và cuộc sống của giới trẻ trong tương lai cũng sẽ thay đổi theo như vậy. Bên cạnh đó có một tín hiệu đáng buồn là vẫn còn một số các thành phần các bạn trẻ giống như là thiếu kiến thức về lịch sử; một số giống như bị nhồi sọ quá lâu. Do vậy, trong một sớm một chiều thì họ sẽ chưa nhận thức được, mà hy vọng trong tương lai, họ có thể thay đổi được tư duy của mình.
Khải Tường: Thật ra em và một số rất nhiều bạn ở trên facebook cũng như là trên các cộng đồng mạng, có những thay đổi về suy nghĩ, về chính trị, về những bài học lịch sử mà chúng em được học khi còn đi học có nhiều cái xa lạ. Những bạn trẻ ngày nay cũng có nhiều tiến bộ hơn trong đổi mới tư duy. Tuy vậy, em cảm giác được là chỉ có một bộ phận nào đó trên cộng đồng mạng chứ thật sự khi tiếp xúc các bạn ở ngoài thì các bạn( em không muốn dùng cụm từ rất là có mang tính đụng chạm) chỉ có thể là anh hùng bàn phím trên facebook thôi. Còn khi các bạn ra ngoài thì các bạn không dám nói những gì động chạm đến chính trị, động chạm đến thể chế độc tài này mặc dù họ cũng biết, họ cũng nhận thức được nhưng họ sẽ không dám nói. Khi mà nói đến thì họ sẽ lảng tránh đi hoặc là họ sẽ không đào sâu. Đôi khi em nói về những vấn đề liên quan tới vấn đề dân chủ hay là tự do trong ngôn luận, tự do báo chí thì họ nói là ăn cơm nhà mà vác tù và hàng tổng, ăn bo bo mà nói chuyện thế giới. Em rất lo ngại vấn đề các bạn trẻ ngày nay họ đang run sợ, họ không dám nói lên sự thật, và họ không dám nắm bắt lấy tương lai của mình. Tuy nhiên, bên cạnh đó thì mình vẫn hy vọng là với lối thay đổi tư duy cũng như các bạn trẻ ngày nay được tiếp xúc với nền văn hóa thế giới, cũng như những sự thật, những tài liệu về lịch sử thì họ sẽ có một suy nghĩ khác. Em hy vọng một ngày nào đó, giới trẻ mình sẽ biết đề cao tính dân tộc lên. Chỉ có tính dân tộc tự chủ, tự quyền và tự nắm bắt lắy số phận của mình thì mới có thể tiến tới quá trình dân chủ, và thành công rực rỡ như Miến Điện ngày nay.
Tuấn Văn: Em rất thích cách nói của bạn Khải Tường. Em cũng xin nói thêm ý kiến của em: hiện tại, nhìn không đâu xa, nhìn những người bạn của em, em thấy họ cũng không quan tâm gì lắm đến chính trị. Hầu hết họ đi học rồi đi làm như bình thường nhưng về nhậu là chủ yếu; Bia rượu Việt Nam bán rất là rẻ. Em không biết có phải là chiêu bài của ai hay không nhưng bia rượu thì rất rẻ nên họ vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu; Một tuần có bảy ngày nhưng họ đã nhậu hết bảy tháng rồi; Họ còn hơi sức đâu lo đến chuyện này chuyện kia nữa. Có một số bạn, cũng giống như các bạn nói là cũng tiếp xúc internet, tiếp xúc với những người đi trước nhiều, thì họ có một cái nhìn tốt hơn, một cái nhìn sâu sắc hơn nhưng lên tiếng thì em nói xung quanh em chưa ai dám lên tiếng; Nói có lên tiếng chẳng qua là những bất đồng tức thời, cãi nhau với mấy tên khu vực hay mấy ông tổ trưởng, mấy ông trưởng ấp. Thật sự, mình cũng không trách một số bạn ấy chẳng qua họ cũng còn có gia đình ở đây, tại vì mình đang sống với ho [CSVN]. Riêng bản thân em, em tin tới một lúc nào đó như người ta vẫn thường nói “tức nước thì vỡ bờ”, “bứt dây thì động rừng” thôi. Cũng tới lúc nào đó những người đã, đang và sẽ có ý định bán nước cũng sẽ tiêu tan thôi.
Chân Như: Xin cám ơn ba bạn Bảo Linh, Khải Tường và Tuấn Văn đã dành thời gian để đến với chương trình Diễn đàn bạn trẻ kỳ này.