Thursday, May 28, 2015

Ba Mươi Lăm Năm Một Chuyện Tình





Truyện ngắn
Nguyễn Duy An
Lời nói đầu: Tiến Sĩ Nguyễn Duy An là một thuyền nhân tị nạn đến Mỹ vào năm 1984. Như bao người Việt tị nạn khác, ông gặp rất nhiều khó khăn lúc ban đầu, nhưng vẫn quyết tâm vừa đi làm, vừa theo học đại học. Sau hơn 3 năm cố gắng, ông đã nhận được văn bằng BS in Computer Science tại đại học George Mason. Trước khi ra trường ông đã được nhận vào làm kỹ sư tại hãng TRW, mấy năm sau lên trưởng toán, rồi giám đốc kỹ thuật…. Như được khuyến khích, ông càng cố gắng thêm nữa, và ông đã nhận được các học vị MS, MBA và Ph.D. Information Technology năm 1997. Ngay sau đó, ông được mời làm Giám Đốc Kỹ Thuật của tổ hợp National Geographic tại Washington DC, và hiện nay ông là Senior Vice President của tổ hợp này. Trong cương vị này, ông điều hành phần kỹ thuật điện toán giúp cho tổ hợp nghiên cứu về đại dương, sa mạc, Nam & Bắc Cực, về DNA của các động vật hiếm… và cung cấp dữ kiện để hoàn thành nguyệt san National Geographic với 18 triệu ấn bản bằng 30 ngôn ngữ khác nhau, và các đài truyền hình National Geographic trên 160 quốc gia. TS Nguyễn Duy An cũng là tác giả của rất nhiều truyện ngắn và tuỳ bút đăng trên nhiều báo chí Việt ngữ tại Mỹ. Ông cũng rất tích cực trong những công tác phát triển cộng đồng, đặc biệt là các sinh hoạt giới trẻ và sinh viên học sinh tại vùng Washington DC.
Tôi uể oải trở về văn phòng lúc gần 1 giờ chiều, sau một cuộc họp kéo dài lâu hơn dự tính. Vừa đặt máy “laptop” lên bàn, chị thư ký đã theo vào:

- Duy ăn trưa chưa? Sao hôm nay họp lâu vậy?

- Chưa, mấy người kia rủ đi ăn nhưng mệt quá! Vả lại sáng nay bà xã đã chuẩn bị…

Tôi chưa nói hết câu, Christine đã chặn ngang:

- “Lão James” ghé qua lúc 11 giờ rưỡi, ngồi chờ cả tiếng đồng hồ để mời “xếp” đi ăn trưa, nhưng “lão già” ấy cút rồi. Duy ăn đi rồi tôi kể cho nghe chuyện lạ.

Tôi rất ngạc nhiên khi nghe Christine gọi James là “lão già” vì từ mấy năm nay chị ấy vẫn “o bế” James rất kỹ mỗi khi ông ấy có việc về văn phòng trung ương của National Geographic ở Hoa Thịnh Đốn. Đã có tiếng đồn trong sở là Christine “mê” James, nhưng ông ấy vẫn lững lờ theo kiểu “tình vờ”.

Với tôi, Christine và James đều là những nhân viên rất tốt và lớn hơn tôi cả chục tuổi. Christine là thư ký riêng của tôi từ hơn 9 năm nay, và lúc nào cũng xem tôi như “một đứa em trai dại khờ” bất kể là trong sở hay ngoài đường. James là trưởng phòng kỹ thuật của National Geographic ở Evanston, Illinois nhưng lúc nào cũng “thưa gởi” phân minh trong công việc, và thân tình như anh em bạn bè ngoài giờ làm việc. Ngày mới về làm giám đốc phụ trách khoa học và kỹ thuật cho National Geographic, khi tìm thuê thư ký, tôi đặt điều kiện với văn phòng phụ trách nhân viên (Human Resources) rằng tôi cần một người có bằng về văn chương và “quen biết” công việc của National Geographic để giúp tôi soạn thảo và sửa chữa văn bản vì tôi là người ngoại quốc. Lúc bấy giờ Christine đang làm bên thư viện của tòa báo, đã từng giúp biên soạn những bài viết về Thuyền Nhân Việt Nam vào đầu thập niên 1980, gọi điện thoại xin gặp tôi chứ không nộp đơn theo đúng thủ tục. Mấy ngày sau, đúng hẹn, vừa vào văn phòng, chị đã mở lời ngay: “Có lẽ Duy đã tìm hiểu về tôi qua văn phòng nhân viên trước rồi, phải không? Tôi đi thẳng vào vấn đề nhé: Tôi đã làm ở đây hơn 20 năm rồi, chồng tôi mới mất, hai con đã lớn, tôi có thể về hưu sớm nhưng thấy Duy xuất thân là một thuyền nhân tỵ nạn, và tôi tin chắc chắn mình dư khả năng và điều kiện làm thư ký riêng cho Duy nên tôi muốn giúp Duy thành công ở đây. Được không?” Lẽ ra tôi là người phỏng vấn Christine, nhưng ngược lại, chị ấy đã “phỏng vấn” tôi hơn một tiếng đồng hồ rồi kết luận: “Tôi sẽ nộp đơn đúng theo thủ tục, hy vọng Duy không từ chối chứ?” Và mấy tuần sau, Christine đã xin chuyển về làm thư ký riêng cho tôi. Mấy tháng sau, tôi sắp xếp đi thăm một số văn phòng của National Geographic ở nhiều tiểu bang khác nhau tại Hoa Kỳ. Lúc đến phi trường Chicago, ở quầy nhận hành lý, tôi đã sững sờ khi trông thấy một người Mỹ tuổi trung niên tươi cười, hớn hở, một tay vẫy chào, một tay cầm tấm bảng lớn viết tên tôi rất chuẩn: Chữ Nguyễn có dấu mũ và dấu ngã đàng hoàng!

Chiều hôm đó, trước khi rời văn phòng, James mở lời:

- Tôi sẽ đưa “xếp” tới khách sạn, sau đó về nhà dùng cơm tối với cha mẹ tôi vì ông bà cụ rất mong muốn được gặp “ông xếp Việt Nam” của tôi…. Chúng ta có thể làm bạn ngoài giờ làm việc được không “xếp”?

- Ông cứ gọi tôi là Duy được rồi. Chúng ta là bạn bè mà.

- Phải, chúng ta là bạn sau khi ra khỏi văn phòng! Còn tại đây, ông vẫn là “xếp lớn” đến từ trung ương. Xin mời “xếp”, ta đi.

- Ai chỉ cho ông viết họ của tôi có dấu vậy?

James vẫn nằng nặc:

- Bí mật mà “xếp”! Lúc về nhà gặp ông bà thân sinh, “xếp” sẽ biết!

- Hay chúng mình ăn tối ở khách sạn trước….

- Không được đâu “xếp” ơi. Ông bà cụ đã chuẩn bị hết rồi, “xếp” không ăn thì họ không để tôi yên đâu!

Tôi không còn cách nào từ chối nên đành theo James về nhà ăn tối với cha mẹ ông ta. Suốt bữa ăn, ông bà đã hỏi tôi rất nhiều về Việt Nam, về trại tỵ nạn, về sự thành công của người Việt trên đất Mỹ…. Sau cùng, ông bà và James dẫn tôi lên lầu. James nghẹn ngào:

- Đây là căn phòng của người em song sinh của tôi. Nó đã hy sinh bên Việt Nam vào mùa thu năm 1972. Cha mẹ tôi vẫn giữ nguyên như ngày nào.

Tôi sững sờ khi nhìn thấy tấm hình của “James” vào lúc chừng 20 tuổi trong bộ quân phục Thuỷ Quân Lục Chiến đứng bên cạnh một cô gái người Việt mặc áo dài, tay cầm nón lá, chụp bên hàng dừa cạnh một con kênh nhỏ, có lẽ ở Miền Tây Việt Nam. Tấm hình được đóng khung lớn, trịnh trọng đặt trên một chiếc bàn nhỏ như kiểu bàn thờ tổ tiên tại phòng khách của nhiều gia đình bên Việt Nam. Trên bàn có một bình hoa chưng mấy bông hồng màu trắng rất dễ thương. Tôi thẫn thờ, bùi ngùi xúc động không nói nên lời. James lên tiếng:

- Đây là tấm hình cuối cùng của em tôi. Em tôi rất thích hoa hồng trắng nên lúc nào mẹ tôi cũng tìm mua về chưng trên bàn thờ của “vợ chồng” nó. Em tôi tên John, giống tên Mỹ của ông đó, nhưng ở nhà vẫn gọi nó là Jack. Bên cạnh là vị hôn thê người Việt của em tôi, “cô ấy” cùng họ Nguyễn với ông, tên là Nguyễn Thị Minh-Thu. Đó là lý do tại sao tôi viết đúng tên họ của ông theo cách đánh dấu của người Việt. Hồi đó, đáng lẽ tôi phải lên đường sang Việt Nam nhưng Jack đã tình nguyện đi thay, và em tôi chẳng bao giờ trở về nữa! Nó đã gặp và yêu người em gái của viên sĩ quan Việt Nam cùng làm việc chung ở một tỉnh nhỏ nào đó trên quê hương ông. Tình yêu của họ gặp nhiều ngang trái vì gia đình và họ hàng cô ta phản đối! Em tôi đã kiên trì theo đuổi, học hỏi ngôn ngữ và phong tục tập quán người Việt suốt 3 năm trời, và cũng nhờ ông anh rể tương lai giúp đỡ thuyết phục cha mẹ và anh em bà con, tình yêu của họ mới được mọi người chấp nhận. Em tôi đã mãn hạn vào mùa hè năm đó nhưng tình nguyện ở lại làm việc trong khi tiến hành thủ tục giấy tờ và chuẩn bị làm lễ đính hôn để cùng Minh-Thu hồi hương…. Nhưng rồi cả Jack và ông anh rể đều hy sinh trong một cuộc tập kích vào mùa thu năm 1972. Gia đình tôi cũng không biết số phận Minh-Thu ra sao từ ngày ấy!

James và ông bà thân sinh còn nói với tôi rất nhiều về Jack và Minh-Thu, về những tấm hình và những lá thư từ vùng lửa khói, về cái chết của Jack, và nhất là những cố gắng của gia đình để tìm kiếm “người con dâu chưa về nhà chồng” mà lúc nào họ cũng nhớ thương. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi cảm nhận được ý nghĩa đích thực của câu nói “tình yêu không phân biệt ngôn ngữ, chủng tộc…”.

Càng ngày tôi càng quý mến James nhiều hơn khi biết được mỗi khi có dịp ghé về vùng Hoa Thịnh Đốn, ông ấy đều viếng thăm đài tưởng niệm Binh Sĩ Hoa Kỳ Trong Cuộc Chiến Việt Nam (Vietnam Veterans Memorial), và lần nào ông cũng đặt một bông hồng mầu trắng dưới bảng khắc tên em mình. Thêm vào đó, James cũng đã từng tâm sự với tôi về việc dọn về ở chung để phụng dưỡng cha mẹ sau khi họ về hưu, cả chuyện gia đình đổ vỡ và việc phụ cấp cho đứa con cho tới lúc nó đủ 18 tuổi nữa. Đó cũng là lý do ông ta “làm ngơ” với tình cảm của Christine vì James không muốn “chuyện tình mới” bị trục trặc vì vấn đề “child support” từ cuộc hôn nhân trước….

Ăn trưa xong, tôi định ra gặp Christine coi lịch trình công việc buổi chiều để tiện bề sắp xếp thời gian vì tôi đang tính dành vài tiếng đồng hồ tâm sự với James. Nhưng tôi chưa kịp lên tiếng, chị ấy đã nhanh nhẩu:

- Chiều nay không có gì quan trọng. Báo cáo Tam Cá Nguyệt I-2007 tôi đã viết xong rồi đây, lúc nào rảnh Duy xem lại nhé. Mà này, “Lão James” sắp tái giá… với một cô người Á Đông xinh xắn, ở đâu trên West Chester, Pennsylvania. Đúng là “Lão Già mắc dịch!” Làm phách bao nhiêu năm, tưởng lão đã….

Tôi giật mình khi nghe Christine nhắc về cô vợ sắp cưới của James nhưng đoán biết chị ta đang đau lòng và khó chịu nên tôi chỉ với tay nhận bản báo cáo rồi dịu giọng:

- Cám ơn Christine. Chiều nay chúng ta khá rảnh rỗi đấy. Nếu chị cần làm gì hay đi đâu, cứ tự nhiên nhé. Tôi ngồi nghiên cứu xấp hồ sơ này cũng hết mấy tiếng đồng hồ rồi.

- Thế nào “Lão James” cũng dẫn cô ả trở lại để khoe với “xếp”!

Rồi với giọng thê lương, chị ấy bộc lộ tâm sự:

- Ôi! Chán quá! Hay Duy cho phép tôi nghỉ chiều nay đi “shopping” cho khuây khỏa nhé? Tôi không muốn nhìn thấy bản mặt “câng câng” (quite impudent) của “Lão James” bên cạnh một người đàn bà khác!

- OK.

Trở vào văn phòng, nhưng thay vì xem lại bản báo cáo, tôi lại ngồi thẫn thờ suy nghĩ, thắc mắc tự hỏi không biết vợ sắp cưới của James có phải là “cô ấy” hay không.

***

Hơn nửa năm về trước, khi tôi triệu tập một cuộc họp đại diện các văn phòng kỹ thuật của National Geographic ở Hoa Thịnh Đốn, James đã năn nỉ xin tôi cho phép về Thủ Đô trước vài hôm vì một lý do riêng.

James là một trong những trưởng phòng xuất sắc nhất của sở nên tôi cũng chẳng tiếc gì mà không duyệt chi thêm vài đêm khách sạn và tiền ăn; thêm vào đó, tôi vẫn có thể nhờ James giúp thêm một số công tác chuẩn bị cho ngày đại hội. Với Christine, có lẽ chị ấy sẽ vui nhiều vì có dịp cho hai người gặp nhau nhiều hơn….

Tuy nhiên, ngay sau khi nhận phòng ở khách sạn, James đã gọi điện thoại cho tôi:

- Chiều nay “xếp” có rảnh không?

- Để xem. Ông định xin phép dẫn Christine bát phố, phải không?

- Không đời nào. Hôm nay là ngày giỗ của em tôi! Đó là lý do tôi xin “xếp” cho về Thủ Đô trước ngày họp. Tôi chỉ muốn dẫn “xếp” đến giới thiệu với em tôi rằng ông đã dạy cho tôi biết về phong tục tập quán của người Việt Nam lúc nào cũng tưởng nhớ ngày chết của người thân. “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” phải không “xếp”?

- Xin lỗi, tôi vô ý quá! Bây giờ ông đến văn phòng rồi cùng mình đi.

- “Xếp” đón tôi được không? Tôi ngại đụng đầu Christine lắm! Nếu chị ấy đòi theo,”xếp” sẽ khó xử nữa.

- OK.

Sau khi đậu xe ở góc đường 21 và Constitution, chúng tôi tản bộ theo dòng người hướng về phía bờ tường cẩm thạch khắc tên 58 ngàn binh sĩ Hoa Kỳ đã hy sinh thời chiến tranh Việt Nam. Hai tay James nâng niu một bông hồng mầu trắng, mắt hướng về một cõi xa xăm, thẫn thờ, lặng lẽ cùng tôi tiến gần tới chỗ có khắc tên người em song sinh tên Jack đã bỏ mình bên Việt Nam. Tôi đã từng theo James đến thăm nơi này vài lần nhưng chưa bao giờ đúng vào ngày giỗ như hôm nay.

Khi tới gần bờ tường có khắc tên của Jack, hai chúng tôi sững sờ khi nhìn thấy một phụ nữ Á Đông “mặc áo nâu sòng” đang nhắm mắt đứng yên như chìm vào cõi hư không vô định, một vài giọt lệ trào ra từ khóe mắt, long lanh nhỏ giọt trên hai gò má dưới ánh nắng vàng mùa thu. Người phụ nữ ấy cũng cầm trên tay một bông hồng mầu trắng, hai tay chậm rãi dò theo từng nét khắc trên bảng tên của Jack, miệng lẩm bẩm như đang nức nở nghẹn ngào…. James và tôi lặng lẽ vào đứng bên cạnh người phụ nữ. Tôi nghe thoang thoảng trong gió một giọng nói tiếng Việt thì thầm: “Em nhớ anh nhiều lắm…. Mãi mãi em vẫn yêu anh….”

Tôi giật thót người. James cũng quay phắt qua tôi, hai mắt nhớn nhác nhìn tôi như dò hỏi xem “cô ấy” nói gì. Tôi chưa kịp lên tiếng, nàng đã mở to mắt trợn trừng nhìn James một lúc thật lâu rồi oà lên khóc lớn: “John! Có phải anh đây không?” Tôi chưa kịp hoàn hồn thì chẳng hiểu sao nàng đã quay phắt lại, vừa khóc vừa chạy.

James thả vội bông hồng trắng dưới bảng tên của em mình, vừa rượt theo vừa hét lớn: “Minh-Thu. Minh-Thu…”

Phải mấy phút sau tôi mới nhớ lại câu chuyện gia đình James đã kể cho tôi nghe hôm đầu tiên tới ăn cơm tối với họ.

Tôi cố moi óc nhớ lại tấm hình phóng lớn treo trong phòng ngủ của Jack nhưng không thể nào mường tượng được một chút gì liên hệ giữa cô gái trong hình và người phụ nữ tôi vừa gặp. Tôi nhắm hướng đuổi theo hai người. Tôi bắt gặp nàng đang ngồi khóc bên bức tượng đồng “Ba Chiến Sĩ” -”The Three Servicemen” (also referred to as “Three Fighting Men” or “Three Infantrymen”) is not a war Memorial but a Memorial to those who served in the war, both living and dead – là đài tưởng niệm những chiến sĩ đã từng phục vụ trong cuộc chiến, người chết cũng như còn sống. James đang sững sờ đứng bên cạnh, hai mắt cũng chan hòa nước mắt.

Tôi không còn nhớ hai người, kẻ đứng người ngồi, khóc tới bao lâu, nhưng trước khi hoàng hôn xuống, chị Minh-Thu đã đồng ý cùng đi ăn tối với tôi và James.

Qua câu chuyện, tôi hiểu được lý do chị Minh-Thu nhìn lầm James với người em song sinh ngày trước chỉ nhờ cặp mắt chứ vóc dáng bề ngoài thì chị ấy không tài nào nhận ra. Phần James, ông ta cũng không giải thích được tại sao đã buột miệng gọi “Minh-Thu” khi nàng bỏ chạy. Phải chăng là hương hồn của người em đã khuất thôi thúc James phải chạy theo Minh-Thu như một nhân duyên tiền định?

Trong nức nở nghẹn ngào và nước mắt, chị Minh-Thu đã kể lại cho chúng tôi nghe về quãng đời gian nan của chị từ mùa thu năm đó. Chị đã quyết định để tang người chồng chưa cưới 3 năm cho trọn đạo rồi xin quy y cửa Phật. Tuy nhiên, tang chồng chưa mãn vận nước đã đổi thay và gia đình ly tán…. Minh-Thu theo gia đình người chị ruột về lập nghiệp tại một vùng “Kinh Tế Mới” gần biên giới Cao-Miên sau khi người anh rể đã khăn gói lên đường đi học tập cải tạo. Mấy năm sau, một lần nữa, nàng lại theo chị và các cháu chạy loạn vì chiến tranh Việt-Miên. Thôi thì trăm cay ngàn đắng dồn dập đổ xuống suốt bao nhiêu năm trường nhưng Minh-Thu vẫn một lòng “tu tại gia” thờ chồng.

Hơn 15 năm trước, gia đình chị nàng được qua Mỹ theo diện H.O.. Mấy năm sau, nhờ sự giúp đỡ của anh chị, Minh-Thu và đứa cháu còn kẹt lại vì “quá tuổi” đã xin xỏ, chạy chọt giấy tờ để dọn về Sài Gòn. Ở đó Minh-Thu an phận sống đời buôn thúng bán bưng trong các ngõ hẻm để sống qua ngày với cháu. Nhưng rồi bốn năm sau người cháu rồi cũng ra đi đoàn tụ gia đình. Minh-Thu không hy vọng gì nhiều vào giấy tờ bảo lãnh của chị mình nên dự tính sẽ thật sự “phát nguyện quy y”. Lâu nay chị cứ lưỡng lự không dám vào tu ở chùa vì thỉnh thoảng John vẫn còn hiện về trong giấc mơ và nàng không bao giờ quên được hình bóng người chồng chưa cưới đã vĩnh viễn ra đi!

Hơn một năm trước, Minh-Thu được qua Mỹ đoàn tụ với gia đình người chị ở tiểu bang Pennsylvania. Ngay khi vừa đến Mỹ, ước mơ duy nhất của nàng là tìm dịp về Thủ Đô viếng “mộ chồng” một lần cho thỏa lòng thương nhớ. Sau bao nhiêu ngày tháng chuẩn bị, Minh-Thu đã sắp xếp tới viếng “mộ chồng”, dù “mộ” chỉ là một tấm bảng ghi tên trên bức tường của đài tưởng niệm Binh Sĩ Hoa Kỳ Trong Cuộc Chiến Việt Nam, với một bông hồng mầu trắng, vào đúng ngày giỗ thứ 34 của chàng. Minh-Thu đã ngừng kể từ lâu nhưng nước mắt vẫn dầm dề. Tôi nhìn lên thấy James cũng đang nghẹn ngào xúc động. Tôi kể cho chị Minh-Thu biết về gia đình James…. Chị ấy đã bật khóc nức nở khi biết rằng từ mấy chục năm nay cha mẹ của John đã nhận nàng làm dâu và tấm hình cuối cùng của hai người cũng như tất cả thư từ, kỷ vật còn lại của John vẫn được giữ nguyên trong phòng như ngày nào John vẫn còn ở với cha mẹ. James vội vã gọi điện thoại về báo tin cho cha mẹ. Hai ông bà năn nỉ nhờ tôi thuyết phục Minh-Thu dọn qua ở với ông bà, nhưng nàng chỉ hứa sẽ tới thăm khi hoàn cảnh cho phép và nàng cũng rất muốn được nhìn xem nơi John đã được sinh ra và lớn lên, nhất là nhìn lại những tấm hình ngày xưa mà nàng đã đánh mất trong thời di tản. James và Minh-Thu trao đổi điện thoại, địa chỉ….

***

Tôi giật mình trở về với hiện tại vì một giọng nói tiếng Việt rất ngọng, ngượng nghịu và ồm ồm:

- Chào “ông xếp”. Tôi muốn giới thiệu “nhà tôi sắp cưới”.

Tôi nhìn lên thấy James đang “tươi rói” đứng chắn ngang cửa văn phòng và vài tiếng cười khúc khích mé ngoài. Tôi dí dỏm đáp lại bằng tiếng Việt:

- Chưa cưới thì vẫn là “nhà người ta” chứ không phải “nhà tôi” đâu James à! Vào đây, vào đây!

Chị Minh-Thu tay trong tay với ông James e thẹn bước vào văn phòng. Chị ấy đã hoàn toàn lột xác. Hình ảnh một người phụ nữ gầy còm ốm yếu, đôi mắt u uẩn đau buồn và lúc nào cũng sẵn sàng nhỏ lệ không còn nữa. Khuôn mặt của chị Minh-Thu bây giờ là biểu tượng của sự tươi trẻ, hồn nhiên và hạnh phúc mặc dầu chị đã trên 50 tuổi. James nâng tay Minh-Thu hớn hở tuyên bố bằng tiếng Anh:

- Chúng tôi mới đính hôn cuối tuần vừa rồi “xếp” ạ. Tôi đang hạnh phúc lắm!

Tôi đáp lại bằng tiếng Việt vì cố tình nói cho chị Minh-Thu nghe:

- Chúc mừng! Chúc mừng anh chị!

- Nói tiếng Anh đi “xếp”! Tôi chỉ mới học nói được vài câu tiếng Việt nhưng nghe thì không hiểu gì cả. Tuy nhiên, với “cô giáo” dễ thương này, tôi sẽ cố gắng nhiều hơn nữa.

Chị Minh-Thu chỉ tủm tỉm cười trong hạnh phúc chứ không nói tiếng nào. Tôi chưa lên tiếng thì James đã xổ một tràng dài, không kịp thở:

- “Xếp” phải đi đám cưới tụi tôi nhé. Cha mẹ tôi nói sẽ gọi cho xếp đó. Nhưng chuyện đó tính sau, tôi cần “xếp” giúp tôi việc này ngay vì Minh-Thu không chịu giải thích cho tôi. À quên, “xếp” có biết không? Tôi đã yêu Minh-Thu ngay sau lần gặp đầu tiên với “xếp” đó và tôi đã ngỏ lời ngay khi đón Minh-Thu qua Evanston thăm cha mẹ tôi; nhưng “cô ấy” cứ làm khó dễ hoài. Cha mẹ tôi qua Pennsylvania thăm gia đình Minh-Thu và phải năn nỉ mãi cô ấy mới đồng ý. Tuy nhiên, “cô ấy” lúc gọi tôi là James, lúc Jack, lúc John…. Tôi không quan tâm, miễn chúng tôi yêu nhau là được rồi. Nhưng sau hôm “đám hỏi”, ông anh rể của Minh-Thu đề nghị rằng chỉ cần gọi là “J” được rồi, vì cả 3 cái tên đều bắt đầu bằng “J”…. Nhưng vì tiếng Việt không có chữ “J” nên ông ấy bảo tôi sửa lại thành “Dê”, nghĩa là “goat” đó. Tại sao vậy “xếp”? Rồi ông ấy lại bảo theo phong tục Việt Nam, “Dê” tượng trưng cho số 35, rất phù hợp quãng đường 35 năm từ khi Minh-Thu và em tôi dự tính làm đám hỏi cho tới ngày tôi và nàng đính hôn. Ý Trời! Tôi mù tịt, chẳng hiểu gì cả!

James chưa dứt lời mà chị Minh-Thu đã nháy nhó ra hiệu cho tôi đừng giải thích. Tôi nghĩ chắc chị ấy sợ “người yêu” hiểu lầm về chuyện “dê cụ” lắt léo trong tiếng Việt. Tôi đánh trống lảng:

- Từ từ chứ ông bạn. Ông hỏi nhiều quá tôi biết làm sao mà trả lời?

- “Xếp” thông cảm nhé. Tôi đang yêu mà!

Tôi cũng cảm nhận được hạnh phúc của hai người nên đề nghị:

- Chúng mình kiếm chỗ ngồi uống nước rồi nói chuyện nhiều hơn.

- OK “xếp”. Em thích chứ, Minh-Thu?

Chị Minh-Thu nhỏ nhẹ:

- Duy đưa chị và “ông ấy” đến Eden được không? Chị nghe nói chứ chưa bao giờ tới.

Hai người vẫn tay trong tay theo tôi vào thang máy xuống nhà lấy xe. Trông họ thật hạnh phúc và đẹp đôi. Tôi nhớ lại một câu nói đã nghe ở đâu đó: “Khi đang yêu và được yêu, người con gái nào cũng trở nên xinh đẹp lạ thường!” Lần đầu tiên trong đời tôi thực sự cảm nhận được phép mầu của tình yêu nam nữ.

Tôi xin phép hai người để viết lại những dòng này như một lời chúc mừng cho tình yêu của họ. James chỉ xin tôi đừng tiết lộ “tên họ” (last name) của gia đình và “chị ấy” yêu cầu tôi đổi tên của chị thành Minh-Thu để người ta không biết chị là ai….

Sau 35 năm, một chuyện tình bắt đầu trong gian khổ và nước mắt từ Cái Sắn, Việt Nam đang bắt đầu “nẩy chồi đơm bông” tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, và trong tương lai rất gần sẽ “kết trái” ở vùng Evanston, tiểu bang Illinois, Hoa Kỳ….

Nguyễn Duy An
http://vietcatholic.net/News/default.htm

Phát hiện virus Ebola trong mắt của bác sĩ Mỹ



Phát hiện virút Ebola trong mắt của bác sĩ Mỹ
09.05.2015
Một chuyên san y học cho biết virút Ebola đã được phát hiện trong mắt của một bác sĩ người Mỹ, người đã hồi phục khỏi bệnh này. Đây là một phát hiện hiếm hoi trong nghiên cứu về Ebola.

Trong Chuyên san Y học New England, các nhà khoa học viết rằng vị bác sĩ nhiễm Ebola vào năm ngoái trong khi làm việc ở Sierra Leone và bị mờ mắt và đau hai tháng sau khi được tuyên bố sạch Ebola.

Những xét nghiệm cho thấy chất dịch trong mắt trái của ông chứa virút Ebola còn sống hoặc viêm màng bồ đào, một chứng viêm nguy hiểm bên trong mắt. Viêm màng bồ đào cũng đã được chẩn đoán ở những người Tây Phi khỏi Ebola.

Thị lực của bác sĩ này bắt đầu cải thiện sau ba tháng điều trị với steroid và thuốc kháng virút.

Trước ca bệnh này, hầu như không ai biết về khả năng Ebola tồn tại bên trong mắt. virút này có thể tồn tại trong tinh dịch suốt nhiều tháng, nhưng những chất dịch cơ thể khác được cho là không bị nhiễm virút này một khi bệnh nhân hồi phục khỏi căn bệnh.

Trong Chuyên san Y học New England, các nhà khoa học nói rằng cần thêm nhiều nghiên cứu nữa để kiểm tra virút Ebola trong những bộ phận "miễn nhiễm không đáp ứng" của cơ thể như hệ thần kinh trung ương, tinh hoàn và sụn.
 
Nguồn: http://www.voatiengviet.com/content/phat-hien-virut-ebola-trong-mat-bac-si-my/2760813.html


Cách mạng Dầu khí tại Hoa Kỳ



Cách mạng Dầu khí tại Hoa Kỳ
Nguyễn Lam & Nguyễn Xuân nghĩa, RFA
2015-05-27

NGHE:
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/EconomicForum/us-shale-revolution-05262015170522.html/05272015-us-shale-revolution.mp3

ĐỌC:
Hoa Kỳ lặng lẽ tiến hành một cuộc cách mạng về công nghệ chiết dầu từ đá phiến khiến sản lượng gia tăng đã làm giá giảm phân nửa, từ hơn trăm đô là một thùng xuống còn có khoảng 45 đồng. Thế rồi từ ba tháng nay, gía dầu lại tăng khi sản lượng quá lớn làm ứ đọng hệ thống tồn trữ và người ta nói đến những giới hạn, thậm chí sự chấm dứt, của công nghệ gạn cát ra dầu, hay “shale”. Sự thật ra làm sao và sản lượng dầu thô của Mỹ có còn tăng hay không? Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu vấn đề này để thấy ra hậu quả lâu dài của giá dầu thô trên thế giới. Sau đây là phần trao đổi của Nguyên Lam với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Nguyên Lam: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, một cách khá bất ngờ sản lượng dầu thô của Hoa Kỳ đã đột ngột tăng vào năm ngoái, lên tới hơn một triệu thùng một ngày nhờ công nghệ chiết dầu từ đá phiến. Biến cố ấy được đánh giá là chưa từng thấy kể từ khi các nước bắt đầu khai thác dầu thô hơn trăm năm về trước. Sản lượng gia tăng đã đánh sụt giá dầu trong một mức độ ít ai thấy kể từ ba chục năm qua. Tuy nhiên, từ Tháng Ba vừa qua cho tới Tháng Năm này, giá dầu đã từ khoảng 45 đô la một thùng nhích lên mức 60-65 vì nhiều nơi bị ứ dầu và cả trăm giếng dầu đã bị đóng. Vì vậy, người ta nêu ra câu hỏi là liệu cuộc cách mạng về kỹ thuật khai thác dầu từ các giai tầng đá phiến có chấm dứt tại Hoa Kỳ không nếu giá dầu gia tăng làm kỹ thuật mới sẽ bớt có lời? Ông nghĩ thế nào về câu hỏi này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: -Tôi xin trước hết nói về phương pháp tìm dầu và khí đốt trong đá phiến mà người ta gọi là “fracking”. Công nghệ tìm dầu này đã có từ lâu mà chưa được chú ý, sử dụng hay cải tiến vì giá thành quá cao. Một cách khái quát, nó nhắm vào việc xoi dọc xuống các giai tầng đá phiến nằm sâu dưới mặt đấy hay mặt biển, rồi xoi ngang, và bơm xuống một dung dịch nước cùng hóa chất với áp suất cực mạnh để làm vỡ các phân tử dầu khí nằm trong đá và hút lên thành nguồn năng lượng mới. Khi giá dầu thô trên thế giới gia tăng từ năm 2008 thì nhiều doanh nghiệp Mỹ đã tìm hiểu và khai thác kỹ thuật này với cải tiến liên tục. Kết quả là sản lượng dầu mới của Hoa Kỳ đã tăng đột ngột làm giá dầu sụt mạnh vì cung lớn hơn cầu. Cũng vì quy luật cung cầu đó, khi giá dầu giảm thì nhiều loại giếng dầu mới không còn có lợi nữa và bị khóa lại chờ thời cơ thuận tiện hơn. Trong khung cảnh ấy, các thị trường mới nêu câu hỏi là cuộc cách mạng về công nghệ chiết dầu từ đá phiến có còn giá trị không? Và Hoa Kỳ có hy vọng trở thành một đại gia mới nổi về dầu khí hay không?
Nguyên Lam: Khi theo dõi tình hình khai thác dầu và hậu quả kinh tế về giá cả thì ông có tìm ra giải đáp nào cho câu hỏi này không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau khi tìm hiểu về kỹ thuật mới thì ta nên biết thêm về hậu quả kinh doanh. Các nhà sản xuất dầu bằng công nghệ mới không là những tập đoàn dầu khí nổi tiếng toàn cầu với những giếng dầu trị giá bạc tỷ mà là doanh nghiệp nhỏ với sự hỗ trợ tài chính của giới đầu tư và không đào mà xoi dầu bằng loại thiết bị khá rẻ với khả năng di động cao theo kiểu du kích.
Công nghệ tìm dầu này...Một cách khái quát, nó nhắm vào việc xoi dọc xuống các giai tầng đá phiến nằm sâu dưới mặt đấy hay mặt biển, rồi xoi ngang, và bơm xuống một dung dịch nước cùng hóa chất với áp suất cực mạnh để làm vỡ các phân tử dầu khí nằm trong đá và hút lên thành nguồn năng lượng mới
- Họ tính là nếu “phí tổn biên tế” cho một thùng dầu được bơm thêm theo kỹ thuật mới mà thấp hơn giá bán trên thị trường thì còn nên bơm. Nhưng nếu giá thị trường sút giảm quá mạnh thì việc bơm thêm sẽ hết có lời và họ tạm ngưng việc sản xuất đó. Trường hợp này đã xảy ra từ nhiều tháng qua và gián tiếp làm dầu thô lên giá sau khi đụng đáy ở khỏang 45 đồng một thùng. Lý do là đa số các doanh nghiệp đào dầu theo công nghệ mới đã cải thiện được kỹ thuật khai thác để giảm phí tổn, từ khoảng sáu bảy chục đô la một thùng thì xuống tới bốn năm chục. Nhưng nếu giá hạ hơn nữa thì họ phải tính lại.
Tuy nhiên, và đây là một yếu tố mới, lồng trong cuộc cách mạng về phương cách khai thác dầu bằng công nghệ mới, các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng vừa hoàn thành một cuộc cách mạng khác. Đó là cách mạng về thông tin trong lĩnh vực địa chất để biết được khá chính xác tiềm năng dầu khí dưới lòng đất và khai thác có lời với phí tổn còn thấp hơn nữa, có thể là chỉ mất mươi đô la là đã ra một thùng dầu, tức là tương tự như hiệu năng rất cao của xứ Á Rập Saudi.
Nguyên Lam: Nếu như vậy, thưa ông, trong tương lai, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đào dầu và giữ vị trí số một về nguồn năng lượng này. Nhưng xin đề nghị ông trình bày thêm về cuộc cách mạng thông tin liên hệ đến dầu khí. Nó là cái gì vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta đều nghe nói đến kỹ thuật số hay “digital” với khả năng vận trù hàng triệu tỷ “bytes” trở lên, hay “petabytes”. Cuộc cách mạng về công nghệ tin học tại Hoa Kỳ và vài xứ khác không ngừng phát triển và cải tiến liên tục nên nhờ đó con người biết thêm rất nhiều điều trước đây không nhìn thấy hay đếm ra, như trong lĩnh vực điện toán, y tế, cơ thể học hay các chủng tố trong cơ thể. Kỹ thuật đó cũng được lĩnh vực năng lượng khai thác để biết rõ tiềm năng về dầu khí gần như trong từng mét vuông của lãnh thổ. Nhờ sự hiểu biết này, các doanh nghiệp có thể biết triển vọng đào dầu ở từng nơi, trong cả triệu giếng dầu sẽ khai thác được.
Nguyên Lam: Khi ông dùng chữ “sẽ khai thác được” thì điều ấy có nghĩa là gì? Là được phép khai thác, hay có đủ tư bản để khai thác hay khai thác mà có lời?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng mình có thể thấy ra tiềm năng từ cả ba yếu tố đó. Trước hết là từ yếu tố chính sách hay luật lệ để nhà nước cho phép doanh nghiệp tiến hành việc khai thác ở nhiều nơi trong lãnh thổ hay lãnh hải với quy chế thuế khóa khác. Thứ hai là yếu tố tư bản, là giới đầu tư thấy được tiềm năng mà liều lĩnh tài trợ việc khai thác và cải tiến công nghệ ấy. Thứ ba là yếu tố kinh doanh lời lỗ, là lần lượt chọn lựa nơi khai thác có lời nhất căn cứ trên giá cả. Cho tới nay, sau đợt cách mạng đầu tiên thì các mẻ dầu khai thác được đã bị ứ vì thiếu nơi tồn trữ. Nhưng song song, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục khảo sát, xoi ống bơm dầu mà cứ để đó và không bơm thêm. Trong một tương lai không xa là vài ba năm nữa thôi, cuộc cách mạng đợt hai nhờ kỹ thuật số và các thiết bị mới hơn sẽ giúp các doanh nghiệp đào thêm dầu nhanh hơn với giá thành còn thấp hơn. Khi ấy, nước Mỹ sẽ làm đảo lộn kỹ nghệ dầu khí và kinh tế năng lượng của thế giới.

Hoa Kỳ cũng vừa hoàn thành một cuộc cách mạng khác. Đó là cách mạng về thông tin trong lĩnh vực địa chất để biết được khá chính xác tiềm năng dầu khí dưới lòng đất và khai thác có lời với phí tổn còn thấp hơn nữa, có thể là chỉ mất mươi đô la là đã ra một thùng dầu
Nguyên Lam: Nếu kiểm điểm lại từng bước của việc khai thác dầu khí từ cả trăm năm nay thì người ta đã tiến tới trình độ khai thác gọi là hiện đại mà nay đang thành cổ điển với các giếng dầu bạc tỷ của các tập đoàn lớn. Thế rồi bỗng dưng người ta thấy xuất hiện các doanh nghiệp loại nhỏ với dàn khoan tốn chừng vài chục tới vài triệu đô la, có khả năng di động cao và có thể tìm tới nơi đào dầu mới, ở ngoài ba khu vực lớn nhất trong lãnh thổ Hoa Kỳ. Bây giờ thì coi bộ các doanh nghiệp còn có bước nhảy vọt nữa nên người ta mới có triển vọng đào ra dầu mà tốn chừng mươi đô la một thùng. Thưa ông, phải chăng Chính quyền Mỹ đã yểm trợ hai đợt cách mạng đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thật ra, Chính quyền Hoa Kỳ không yểm trợ công nghiệp dầu khí mà còn có ý ngược, là khai thác lĩnh vực quang năng làm giải pháp thay thế. Đó là lấy năng lượng bằng ánh sáng mặt trời và còn trợ cấp cho doanh nghiệp, như trường hợp công ty Solyndra tại California được giúp tới 500 triệu đô la mà lại phá sản. Thật ra, dù không được nhà nước chiếu cố, yếu tố cạnh tranh mới khiến tư doanh phát huy sáng kiến. Họ cải tiến năng suất để tốn ít tiền hơn mà vẫn có một thùng dầu theo tiêu chuẩn bảo vệ môi sinh còn cao hơn trước.
- Tôi thiển nghĩ là ta nên mường tượng ra sự thể chẳng khác gì cuộc cách mạng vừa qua trong lĩnh vực viễn thông. Người ta phát minh và sản xuất ra loại điện thoại di động, rồi “điện thoại khôn” với khả năng thông tin rất lớn và giá thành rất rẻ làm đảo lộn khu vực điện thoại. Cuộc cách mạng tự phát ấy xảy ra ngoài sự dự liệu của nhà nước và còn cải thiện gần như mỗi ba tháng phong cách sinh hoạt của con người. Lĩnh vực dầu khí cũng đang có các đợt cách mạng dồn dập như vậy nên giá thành sản xuất dầu khí còn chi phối tiến trình sản xuất của mọi ngành khác. Từ nhiều thập niên, kỹ nghệ chế biến của Hoa Kỳ đã sa sút vì phí tổn quá cao so với khu vực dịch vụ và gây tranh cãi về chính sách kinh tế hay thương mại. Nhưng với sự cải tiến bất ngờ của kỹ thuật dầu khí, khu vực chế biến tại Hoa Kỳ đang hồi sinh và tiếp nhận được nhiều nguồn đầu tư mới.
Trong một tương lai không xa là vài ba năm nữa thôi, cuộc cách mạng đợt hai nhờ kỹ thuật số và các thiết bị mới hơn sẽ giúp các doanh nghiệp đào thêm dầu nhanh hơn với giá thành còn thấp hơn. Khi ấy, nước Mỹ sẽ làm đảo lộn kỹ nghệ dầu khí và kinh tế năng lượng của thế giới
Nguyên Lam: Giới chuyên môn tại Hoa Kỳ có vẻ lạc quan tin tưởng vào triển vọng đó, ông nghĩ sao về câu hỏi này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thú thật là có đọc thấy nhận định của một Giáo sư Hoa Kỳ nên mới giật mình tìm hiểu thêm chứ làm sao mình có thế biết hết mọi chuyện được. Ông John Shaw là Trưởng ban Khoa học về Địa cầu của Đại học Harvard có lần phát biểu rằng “nói không sai, hình như ta không ở vào giai đoạn cuối của thời chiết đá ra dầu mà mới chỉ ở vào giai đoạn đầu thôi”.
- Khi tìm hiểu thêm thì mình mới thấy ra nhiều thay đổi gần như toàn diện, trong việc chiết đá ra dầu, như trù hoạch dự án, tiếp liệu hậu cần, định hình nơi khai thác một cách chính xác, dùng máy tự động hay “robotics”, kể cả máy bay “drone” cùng tia “laser” cực mạnh, xử lý dung dịch hóa chất cao cấp để thủy giải hay nhiệt giải với tốc độ nhanh hơn và phí tổn thấp hơn, v.v… Trong ngần ấy tiến bộ, có lẽ yếu tố quan trọng nhất là khả năng vận trù một lượng thông tin cực lớn để tìm ra giải pháp người ta gọi là tối hảo, tức là có giá trị kinh tế cao nhất với phí tổn tài chính hay môi sinh thấp nhất. Có lẽ chúng ta đang chứng kiến một đợt cách mạng mới đang xảy ra trước mắt.
Nguyên Lam: Một cách thận trọng, thưa ông, đâu có thể là những trở ngại hay khó khăn của cuộc cách mạnh này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Như trong mọi trường hợp của người đi tiên phong, họ thường bị bắn vào lưng vì sự khai phá có thể va chạm vào quyền lợi của người khác ở đằng sau. Tại Hoa Kỳ, người ta cứ gán cho kỹ nghệ dầu khí những hình ảnh xấu xa và điều ấy có thể ảnh hưởng đến chính sách, luật lệ và chế độ thuế khóa. Thứ hai, Hoa Kỳ vẫn còn bị ràng buộc bởi hai đạo luật cổ xưa là luật cấm xuất khẩu dầu thô đã ban hành từ hơn 40 năm trước và luật hạn chế việc chuyển vận dầu khí bằng thương thuyền căn cứ trên đạo luật Merchant Marine Act ban hành từ năm 1920. Chuyện thứ ba thì mới hơn, đó là sau vụ khủng hoảng 2008, Hoa Kỳ có thêm qua nhiều luật lệ kiểm soát doanh nghiệp khiến giới đầu tư ngần ngại lập ra doanh nghiệp mới và có lẽ đây là lý do khiến kinh tế chậm phục hồi. Sau cùng ta còn có luật lệ về quản lý đất đai hay công thổ của liên bang theo đó có nhiều khu vực không được quyền khai thác. Trào lưu bảo vệ môi sinh sẽ sử dụng hệ thống luật lệ ấy khiến cho dù người ta được biết là có tiềm năng dầu ở dưới thì vẫn không được thăm dò và khai thác. Có thể là sau cuộc bầu cử năm tới, tình hình sẽ thay đổi với một hệ thống lãnh đạo mới.
Nguyên Lam: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/EconomicForum/us-shale-revolution-05262015170522.html

Tuesday, May 26, 2015

Ảo Ảnh



 Hoà Mỹ
– Ông là Bác sĩ Hùng? Tôi là René Brisson, có hẹn với ông sáng nay.
– Vâng tôi là Hùng. Xin mời hai người vào phòng.
Khách chỉ cô gái và bảo:
– Bệnh nhân của ông là cô gái này. Nó là con gái tôi.
Tâm trí Hùng xao xuyến lạ! Chàng đã gặp người đàn ông này nhiều lần ở đâu mà chàng không nhớ rõ. Có điều chắc chắn là chàng đã gặp ông ta ở Việt Nam. Nhưng tại sao ông ta lại là dân “bản xứ” chính cống? Ông ta lại nói tiếng Pháp rất hay. Hùng rất muốn hỏi: “Ông có phải là ngườI Việt Nam không?”, nhưng sợ mất lòng khách, đành làm thinh. Chàng nhìn kỹ thiếu nữ thì thấy nàng có một thân hình cân đối, khoẻ mạnh. Mái tóc đen huyền chấm ngang vai, mũi dọc dừa, môi mọng đỏ và đôi mắt thì tuyệt diệu, vừa đẹp, vừa thông minh! Tất cả người nàng toát ra vẻ cao sang của một trang quốc sắc. Điều bất hạnh duy nhất là da mặt loang lổ những đám mụn quái ác, sần sùi.
Hùng hỏi:
– Ai đã giới thiệu tôi với ông?
Khách đưa ra một tờ giấy và trả lời:
– Bác sĩ Elizabeth Reichel, chuyên về da.
Hùng đọc: “Bội nhiễm kinh niên do mụn vị thành niên”. Hùng biết rõ bác sĩ Reichel. Nàng là một bác sĩ ngoài da nổi tiếng. Nàng cũng là một trong những bác sĩ hiếm hoi tin tưởng vào châm cứu. Nàng đã gởi cho Hùng rất nhiều bệnh nhân và rất hài lòng về các kết quả đạt được. Chính nàng cũng đến điều trị khi bị suy nhược thần kinh nặng vì làm việc quá sức và chấn động tình cảm sau khi ly dị. Nàng đã lấy lại sự vui tươi và lòng hăng say làm việc sau sáu lần chữa trị. Hùng cũng đã lấy cho nàng lá số tử vi và giải đoán gần đúng hết những thăng trầm của đời nàng trong quá khứ và cho nàng biết những việc sắp xảy ra.
Hùng hỏi khách:
– Trong quá khứ cháu có bị bịnh gì không?
– Cháu là một đứa trẻ khoẻ mạnh từ nhỏ đến lớn. Cách đây hai năm, cháu bắt đầu bị mụn. Chúng tôi đã đưa cháu đi hết mọi nơi, gặp hầu hết các bác sĩ danh tiếng về da và đã làm hết các thử nghiệm. Cuối cùng các bác sĩ đều dùng tétracycline để trị. Uống vào thì bớt. Thôi uống thì trở lại. Tôi biết tétracycline rất độc, nhưng không có sự lựa chọn nào khác, đành chịu. Điều đau khổ nhất là bệnh không lành mà càng ngày thuốc càng hết hiệu lực. Bác sĩ Reichel đã khen ông rất nhiều. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng. Xin bác sĩ vui lòng giúp cho. Đây là hy vọng cuối cùng của cháu.
Hùng bắt mạch thì thấy khí ở các kinh can, đởm, phế, đại trường mất quân bình. Chàng nói với cô gái:
– Nếu cô ráng chịu đau một tí, tôi sẽ gắng chữa lành bệnh và cô sẽ trở thành một thiếu nữ xinh đẹp như xưa.
Mắt cô gái long lanh niềm vui. Nàng bảo:
– Tôi chịu đau được!
Hùng đưa Suzanne, tên cô gái vào phòng. Khi chỉ có hai người, Hùng hỏi nhỏ cô gái bằng tiếng Việt:
– Có phải cô là người Việt Nam không?
Suzanne lấm lét nhìn về phía cửa như sợ cha cô nghe được. Hùng trấn an:
– Cô đừng sợ! Cha cô không nghe được câu chuyện của chúng ta đâu.
Suzanne sung sướng gật đầu:
– Cháu là người Việt.
Hùng vừa châm vừa hỏi:
– Cháu sinh ở đâu?
– Cháu sinh tại đây, nhưng được về Việt Nam một thời gian và rồi sang đây trở lại.
Hùng khen:
– Cháu nói tiếng Việt rất hay. Chú rất cảm động khi thấy cháu không quên tiếng mẹ đẻ. Đó là niềm hãnh diện cho gia đình cháu.
Nghe Hùng nói thế, Suzanne thoáng buồn. Nàng thở dài mà tiếng thở như bị gián đoạn. Hùng tự nhủ: “Cô bé này có điều gì u uất nhưng dấu kín. Đó là nguyên nhân của chứng bệnh”. Chàng bắt mạch lại lần nữa và châm kim. Năm phút sau chàng bắt mạch lại. Hùng bằng lòng mỉm cười bảo:
– Chú cam đoan sẽ chữa lành bệnh để cháu trở thành một thiếu nữ đẹp tuyệt vời, nhưng cháu phải xin với cha mẹ là lần sau sẽ đến một mình. Chú có nhiều điều quan trọng cần bàn với cháu.
Suzanne vui vẻ gật đầu.
Hùng trở ra phòng khách, gặp cha Suzanne đang lo lắng chờ đợi. Hùng bảo:
– Tôi đã tìm ra nguyên nhân căn bịnh và hứa chắc sẽ chữa lành. Xin ông an tâm.
Brisson mỉm cười, nhưng ánh mắt còn đầy vẻ nghi ngờ. Ông ta nói:
– Bác sĩ có thể cắt nghĩa cho tôi hiểu nguyên nhân căn bệnh và cách nào chữa lành không?
Hùng nói với vẻ mặt đầy tự tin :
– Khi nào Suzanne hết bịnh, tôi sẽ cắt nghĩa cho ông nghe.
Tuần sau, Suzanne đến một mình. Trong lúc châm kim Hùng nói:
– Theo chú biết thì cháu có một điều gì uẩn uất mà không làm sao giải bày cho cha mẹ hiểu được tâm trạng của mình nên sinh ra bệnh này. Có điều gì khó khăn cháu có thể trình bày với chú. Chú có cách giải quyết ổn thỏa.
Suzanne mỉm cười có vẻ thách thức:
– Chú căn cứ vào đâu mà dám kết luận như vậy?
Hùng ấn tay vào các huyệt đản trung, nhựt nguyệt, tiếp cân, túc lâm khấp trên thân thể nàng. Suzanne kêu đau liên hồi. Hùng bảo:
– Chú căn cứ vào mạch khí của các kinh can, đởm, phế, đại trường, các điểm đau trên thân thể cháu và thấy cháu thở dài luôn như muốn vứt bỏ một cái gì mà không được, để kết luận. Điều quan trọng là cháu phải nói ra nỗi uẩn ức trong lòng thì chú mới giải quyết tận gốc rễ căn bịnh được. Có phải cháu đã yêu một bạn trai và gặp khó khăn không?
Suzanne làm thinh không muốn nói. Hùng châm vào các huyệt thiên tĩnh, thần phong, linh khưu. Nàng cảm thấy một niềm cảm xúc tuôn trào và khóc nức nở. Hùng để cho Suzanne khóc trong khoảng năm phút và khi nàng hết tức tưởi, vẻ mặt trở lại bình thường, Hùng hỏi:
– Bây giờ cháu thấy thế nào?
Suzanne vui vẻ đáp:
– Cháu thấy điểm đau trên ngực tan biến, hơi thở dễ dàng và trong người khoan khoái như trút được gánh nặng ngàn cân. Sao chú tài thế?
Hùng cười:
– Bây giờ cháu đã tin hoàn toàn vào chú chưa? Vậy thì hãy cho chú nghe tâm sự của cháu đi!
Suzanne lặng thinh một lát rồi nói:
– Vâng, cháu xin kể cho chú nghe. Cha mẹ cháu là người Việt như chú. Ông bà được học bổng du học ở đây trước 1975, đã say mê chủ nghĩa cộng sản và hoạt động tích cực trong phong trào phản chiến để hổ trợ cho cuộc chiến tranh bên nhà và ước mong khi đất nước thanh bình sẽ về xây dựng lại một nước Việt Nam độc lập, phú cường. Ông bà đã lấy nhau và sinh cháu tại đây để có lý do hợp pháp ở lại sau khi tốt nghiệp. Cháu nói giỏi tiếng Việt vì cha mẹ đã hết lòng thương yêu và chỉ dạy cháu từ nhỏ. Năm 1977, cháu được bảy tuổi và có hai em trai thì cha mẹ cháu bán hết cửa nhà, lên đường trở về Việt Nam phục vụ nhân dân như lòng họ mong ước. Cháu rất thương yêu cha mẹ nên cũng vui mừng không kém. Nước Việt Nam trong trí tưởng tượng của cháu lúc bây giờ là một thiên đường hạ giới như trong các phim thần thoại của Walt Disney. Nhưng niềm vui của gia đình cháu tan vỡ nhanh chóng sau một năm sống ở quê nhà. Tuy còn nhỏ nhưng cháu cũng thấu hiểu những khó khăn của cha mẹ trong công việc làm và sự thương hại của những người thân tộc khi họ tròn xoe đôi mắt nhìn chúng cháu như những người mất trí. Tội nghiệp nhất là ông bà nội đến thăm ôm chúng cháu vào lòng mà nước mắt chảy ròng trên đôi má nhăn nheo. Cha mẹ chỉ biết làm thinh nhận lỗi. Tuổi trẻ thơ ngây, cháu hòa mình dễ dàng vào cuộc sống mới và cảm thấy rất thú vị trong tình cảm gắn bó với các bạn bè thân thiết chung quanh. Lúc đó cháu chưa biết phân tích, nhưng cảm tưởng chung cháu còn giữ lại được là một chuỗi ngày tràn ngập tình người vừa mong manh, vừa thắm thiết. Khi cháu được mười tuổi thì cha mẹ cháu lại đưa cả gia đình vượt biên sang đây. Bây giờ thì ông bà đã tạo được sự nghiệp vững chắc, chúng cháu có một đời sống sung túc. Điều khổ tâm duy nhất của cháu là khi sang được đến đây thì cha mẹ cháu cấm hẳn chúng cháu không được nói tiếng Việt, và không được nhắc lại những kỷ niệm cũng như những trò chơi học được ở Việt Nam. Đôi khi chúng cháu vô tình phạm những điều cấm kỵ thì bị cha mẹ phạt rất nặng. Chúng cháu rất thương cha mẹ nên tuy ấm ức mà đành cắn răng chịu đựng. Cháu cảm thấy như mất một cái gì quí giá mà tình thương cha mẹ không đền bù nổi. Vì thế, cháu cảm thấy bất an và bực bội. Một hôm cô giáo dạy Pháp văn nhờ cháu giúp đỡ các bạn Việt Nam mới vừa sang để họ khỏi bỡ ngỡ trong môi trường mới. Cháu từ chối thẳng tay. Cô giáo mời cháu lên phòng và bảo:
“Cô rất khâm phục sự thông minh và tài giỏi của người Việt Nam. Cô rất quí mến các em về hạnh kiểm cũng như học vấn. Có điều cô rất buồn khi thấy em từ chối nguồn gốc của mình. Cô là người Do thái. Cha mẹ cô đã sinh ra và lớn lên ở đây. Cô là dân Canadienne. Sau bao nhiêu năm hội nhập, cô vẫn thấy lạc lõng. Chỉ có không khí gia đình và cộng đồng Do thái mới đem lại cho cô những cảm xúc chân thành. Em hơn hẳn các bạn Canada vì trong em có cả hai nền văn minh Đông và Tây. Tại sao em nỡ bỏ nguồn cội của mình? Nếu em biết hài hòa cái đẹp của hai nền văn minh thì em sẽ thấy tâm hồn phong phú rất nhiều. Rồi có ngày em sẽ thấy lạc loài và hối hận. Cô có ý nhờ em giúp đỡ các bạn Việt Nam mới qua để cho em có cơ hội tìm lại nguồn cội của mình. Em có sẵn trong tay hai gia tài vô giá, em đánh mất một mà không hối tiếc sao? Bây giờ em đổi ý cũng chưa muộn”.
Cháu thưa lại với cô:
“Thưa cô, em có nỗi khổ tâm riêng. Xin cô hãy cho em giữ nguyên quyết định cũ”.
Từ đó về sau mỗi lần bắt gặp cái nhìn thương hại của cô giáo và cái nhìn khinh bỉ của bạn bè Việt Nam, cháu cảm thấy hối hận vô cùng. Một lần cháu mạnh dạn trình bày quan điểm đó thì cha mẹ cháu bảo: “Những điều con trình bày chỉ là ảo ảnh! Cha mẹ đã từng sống trong ảo ảnh đó và đã đau khổ nhiều rồi! Cha mẹ không muốn các con dẫm lại vết xe cũ. Hãy quên ảo ảnh Việt Nam đi và sống với thực tế Canada này!” Từ đó cha mẹ cháu càng khắt khe hơn khi gặp những gì liên quan đến Việt Nam. Củng từ đó mặt cháu bắt đầu lên mụn và kinh nguyệt trồi sụt bất thường.
Hùng bàng hoàng khi nghe Suzanne kể. Chàng không tưởng tượng nổi thái độ cực đoan của cha mẹ nàng từ thương yêu đến thù hận xứ sở một cách mù quáng đến thế! Họ là những người trí thức, là tinh hoa của dân tộc. Họ cứ tưởng với thông minh và tài trí, họ có thể làm bất cứ việc gì. Họ không ngờ sự độc đoán tư tưởng đem lại những thảm cảnh cho gia đình mà họ không hề hay biết. Bao nhiêu người tài giỏi Việt Nam đã phạm những lỗi lầm đó? Trong quá khứ đã có nhiều người tài giỏi mà không có tinh thần thực tế và độc lập, bị lóa mắt trước những tà thuyết ngoại lai, tuy lý luận là một án văn toàn bích, mà thực tế thì đem lại tang thương và đổ vỡ cho dân tộc. Họ dùng sự tài giỏi của để lừa bịp dân chúng theo họ và tàn sát không gớm tay những kẻ nào dám chống lại. Phải chăng sự thông minh và tài giỏi của người Việt là một tai họa cho dân tộc chứ không phải là một niềm kiêu hãnh?
Hùng nói tiếp:
– Chú đoán không lầm thì cha mẹ cháu mỗi người mang một chứng bịnh nan y mà không bác sĩ nào chữa khỏi. Họ đành cam chịu. Tuy không tin tưởng gì vào Đông y nhưng vì thương cháu họ đành vứt bỏ tự ái để tìm về nguồn. Trong thâm tâm họ vẫn tôn thờ tinh thần vạn năng của Tây phương.
Suzanne reo lên:
– Sao chú tài thế! Cha cháu bị mất ngủ kinh niên. Mẹ cháu bị nhiểm trùng đường tiểu kinh niên. Bác sĩ cho rằng cha cháu mắc bịnh tâm thần nên dùng thuốc ngủ thường xuyên. Cha cháu nhiều khi nóng giận vô cớ và chúng cháu là những nạn nhân của các cơn giận dữ bất chợt đó. Mẹ cháu thì dùng trụ sinh thường xuyên và sức khoẻ mỗi ngày một suy kém. Chú có cách nào giúp cha mẹ cháu không?
– Cháu muốn giúp cha mẹ cháu lành bịnh thì cháu phải tự chữa lấy. Chú là người giúp cháu thêm mà thôi! Hiện nay can khí của cháu bị nghẹt, chú khai thông, nhờ đó mà những u uất có đường thoát. Nhưng nếu cháu không tự chữa cho mình thì can khí lại nghẹt trở lại. Nếu cháu khỏi bệnh thì cha mẹ cháu mới tin tưởng vào Đông y và chú mới có cơ hội giúp họ chữa lành bệnh. Việt Nam không phải là một ảo ảnh mà là một thực tế bi thương đang cần những người dấn thân như cha mẹ cháu. Không phải dấn thân một cách kiêu ngạo và mù quáng, mà dấn thân với tất cả sự khiêm cung, sáng suốt và trái tim đầy ắp tình thương. Cháu phải được trở về nguồn, tắm mát trong tình thương Việt Nam thì tài năng, sắc đẹp và tâm hồn cháu mới phát triển phong phú được. Thực tế đau thương Việt Nam đang cần những người như cháu vừa có tinh thần dân chủ và khả năng kỹ thuật Tây phương, vừa có sự trầm tĩnh, sáng suốt Đông phương để xây dựng và kiến thiết. Chế độ cộng sản đang đến hồi tan rã! Nhưng phải có cái gì tốt đẹp thay thế vào. Cái tốt đẹp ấy đang tiềm ẩn trong thế hệ của các cháu. Cháu là người duy nhất giúp cha mẹ cháu khỏi bịnh.
Suzanne lắng nghe một cách thích thú. Nàng hỏi:
– Cháu phải làm gì để tự chữa?
– Cháu cứ sống như cũ để khỏi gây khó khăn cho gia đình, nhưng cháu tin tưởng chắc chắn là cháu sẽ tìm lại được nguồn gốc Việt Nam. Ngày đó thật gần. Với niềm tin ấy, mọi bế tắc được khai thông. Đó là cháu tự chữa cho mình vậy! Sở dĩ có bệnh vì chúng ta không tự hiểu mình. Chúng ta tự đầu độc lấy mình để tình trạng ngày càng tệ hại hơn. Nếu chúng ta biết tự điều chỉnh thì chẳng bao giờ có bệnh. Cháu xem, chú hiện nay đã gần sáu mươi mà vẫn tươi trẻ như tuổi ba mươi. Con người thật huyền diệu mà Tây y chỉ xem con người như một cái máy. Đó là một lầm lẫn tai hại! Vì thế khoa học càng tiến bộ thì bệnh tật càng khó chữa, vì con người đã lấy sự hiểu biết giới hạn của mình làm xáo trộn sự kỳ diệu mà tạo hóa đã đặt nơi con người. Chú khuyên cháu phải tự chữa là thế.
Dẫu không hiểu rõ những điều Hùng đã trình bày, nhưng với trực giác bén nhạy, Suzanne chân nhận những điều khuyên bảo của Hùng là đúng. Nàng không còn uất ức khi nghĩ về Việt Nam nữa. Nàng âm thầm, hăng say giúp đỡ những bạn bè Việt Nam mới đến. Nàng tìm lại niềm vui thanh thoát khi được bạn bè thương yêu và cái nhìn quí mến của cô giáo. Nhờ sự chữa trị của Hùng, bốn tháng sau nàng đã lành bệnh.
o O o
Hùng mời Brisson vào phòng khách. Chàng vẫn nói tiếng Pháp với Hùng:
– Tôi đến để cảm ơn bác sĩ đã giúp cho cháu khỏi bệnh. Tôi không ngờ Đông y lại kỳ diệu đến thế! Đúng là bác sĩ đã làm một phép lạ! Lúc Bác sĩ Reichel bảo thế tôi không tin! Bây giờ thì tôi tin thật rồi! Bác sĩ có thể cho tôi biết nguyên nhân căn bệnh của cháu không?
Hùng khiêm nhường :
– Ông quá khen! Tôi chỉ là người giúp cháu. Chính cháu đã tự chữa hết bệnh. Tôi nói tiếng Pháp không rành, thành thử khó mà diễn tả cho ông hiểu rõ cặn kẽ vấn đề. Năm giờ chiều mai, mời ông trở lại đây, sẽ có một người bạn tôi làm thông ngôn từ Việt ra Pháp thì tôi mới đủ khả năng diễn tả cho ông hiểu được.
Brisson hơi buồn. Ông đứng dậy ra về. Hùng tiễn khách và bảo:
– Xin lỗi đã làm phiền ông! Xin ông đúng hẹn năm giờ chiều mai!
Vừa ra đến cửa, Brisson chợt đổi ý, trở vào và nói:
– Tôi hiểu tiếng Việt, xin ông vui lòng trình bày cho!
Hùng thấy vui vẻ vì đã buộc Brisson thú nhận gốc gác của mình mà không làm cho ông ta chạm tự ái. Chàng biết Brisson rất ngại khi bày tỏ tình trạng gia đình mình cho một người Việt Nam thứ ba biết. Vì muốn nhờ Hùng chữa bịnh cho mình mà chàng phải nhượng bộ. Hùng nói tiếng Việt:
– Anh quên tôi rồi! Riêng tôi không bao giờ quên anh! Hôm trước mới gặp nhau tôi đã nhận ra anh ngay, nhưng không dám nói vì sợ anh buồn. Những ngày gian khổ ở nông trường Bình Dương của trường Đại học bách khoa làm sao tôi quên được. Tôi còn nhớ tên anh là Phong. Anh ở dãy A, tôi ở dãy B. Có thể anh không biết hoặc quên tôi, nhưng tôi thì không quên anh được. Một kỹ sư du học từ bỏ giàu sang phú quí để dấn thân về phục vụ nhân dân thì ai mà không khâm phục!
Brisson không ngờ Hùng hiểu rõ mình như thế nên đành thú nhận:
– Ba năm sống ở quê nhà là những ngày đau thương nhất của gia đình tôi. Thôi chúng ta hãy quên ảo ảnh đó đi. Đừng nhắc lại làm gì thêm buồn!
– Anh bảo hãy quên! Anh bắt các con anh phải quên! Nhưng tiềm thức của anh vẫn nhớ, vẫn uất hận thì làm sao quên được? Anh phải tìm lối thoát nào ổn thỏa hơn mới được. Anh như con đà điểu, thấy người đuổi bắt thì dấu đầu vào cát vì tưởng rằng nó không thấy người thì người không thấy nó!
Rồi Hùng thao thao bất tuyệt về những trăn trở mà Phong hằng ấp ủ mà không tìm thấy câu trả lời. Phong trầm ngâm như thấm dần các lý luận xác đáng của Hùng. Cuối cùng Phong tâm sự:
– Thực sự, khi du học tôi đâu biết gì về chủ nghĩa cộng sản. Tôi chỉ muốn học thật giỏi để trở về xây dựng quê hương. Tôi gặp Tú. Nàng vừa đẹp, vừa duyên dáng, vừa thông minh, hoạt bát lại vừa đảm đang. Nàng là hình ảnh trung thực nhất của bà mẹ Việt Nam. Chúng tôi nhìn thấy ở nhau nhiều điểm tương đồng và yêu nhau. Nàng là người cộng sản chính gốc. Cha và các anh nàng đều là các đảng viên cộng sản và đã tập kết ra Bắc. Mẹ nàng ở lại tảo tần nuôi con. Vì thương và khâm phục cha và các anh nên nàng tìm hiểu và say mê chủ nghĩa cộng sản. Vì yêu nàng, tôi trở thành cộng sản. Tôi khâm phục sự thông minh của ông Mác. Những lý luận có hệ thống của ông ấy đã đưa tôi vào một thế giới lý tưởng tốt đẹp.
Hùng chen vào:
– Những người anh em cũ của anh ở Montréal hiện nay có phải là những người cộng sản chính cống như vợ anh không?
Phong thành thật thú nhận:
– Một số cũng hăng say vì lý tưởng giống như chúng tôi. Một số khác thì cơ hội chủ nghĩa. Khi tốt nghiệp không muốn trở về xứ sở chiến tranh vì sợ chết. Họ muốn ở lại xã hội tư bản để thụ hưởng. Canada chỉ chấp nhận cho những người bị đàn áp chính trị ở lại. Cộng sản là con đường duy nhất giải thoát, nên họ theo. Họ là những người đầu cơ trục lợi. Thật sự chỉ có chúng tôi là khờ khạo nhất, xung phong về xây dựng quốc gia để làm gương cho những người khác. Thực sự chắng ai bắt chước làm theo. Tưởng với bầu nhiệt huyết mình sẽ thực hiện được giấc mơ ấp ủ. Nào ngờ chế độ cộng sản chỉ là một lớp vỏ hào nhoáng bên ngoài. Bên trong là cả một tập đoàn tham nhũng, ngu dốt, bất công, áp bức. Có một phái đoàn sinh viên ở Đức về gặp tôi, hỏi ý kiến có nên về xây dựng quê hương không. Tôi đã lấy kinh nghiệm bản thân mà cản ngăn họ đừng về. Có thằng cộng sản ăng-ten nghe được báo cáo lên trên. Thế là tôi bị đẩy đi nông trường.
Phong trầm ngâm một lát để lấy lại can đảm và thú nhận:
– Việc chối bỏ Việt Nam đối với chúng tôi bây giờ đã trở thành một thói quen rồi. Tám năm nay chúng tôi đã kiên trì giữ vững lập trường đó. Bây giờ nghe anh nói, tôi đâm ra hoang mang. Những quyết định của chúng tôi là sai à? Làm sao tôi có thể thuyết phục vợ tôi được?
Hùng thấy Phong tin tưởng ở mình hoàn toàn và đã nói hết những nỗi uẩn ức ở trong lòng, thì mừng lắm. Chàng cứ tưởng thuyết phục một người trí thức cực đoan như Phong sẽ rất khó khăn. Chàng đã gặp may vì tính trúng đường. Hùng cầm lấy tay Phong bắt mạch rồi nói:
– Tôi đoán không lầm. Bịnh của anh và vợ con anh cùng một nguyên nhân.
Phong ngạc nhiên:
– Anh cũng biết bịnh của vợ tôi à?
– Cháu Suzanne đã cho tôi biết và khẩn khoản nhờ tôi chữa. Cháu là một đứa trẻ rất có tâm hồn và can đảm. Anh chị rất có phước được một người con như thế. Bây giờ tôi xin phép nói hơi dài dòng một chút. Xin anh hãy bình tĩnh lắng nghe, đừng cắt ngang mà mất sự liên tục và đưa chúng ta lạc đề khi nào không hay. Khi tôi trình bày có gì bất mãn và thắc mắc xin anh hãy để lại sau. Tôi sẽ giải đáp và xin lỗi những xúc phạm nếu có.
Phong gật đầu đồng ý thì Hùng tiếp tục nói:
– Theo tôi, anh chị và tất cả những đảng viên cộng sản trên thế giới đều cùng phạm một lỗi lầm như nhau. Anh chị tin vào chủ nghĩa cộng sản mà không biết rằng xã hội cộng sản chỉ là một ảo ảnh. Rồi khi anh chị hận thù người cộng sản Việt Nam đã đem lại lầm than cho gia đình anh chị thì anh chị lại đi chối bỏ nguồn gốc của mình. Đó cũng là một ảo ảnh! Bọn cộng sản muốn làm cho mọi người thành đồng nhất: suy nghĩ như nhau, có cuộc sống như nhau, bận quần áo như nhau, ở trong những ngôi nhà cùng một kiểu như nhau, chia xẻ những lợi tức đồng đều như nhau… Nhưng tất cả cũng chỉ là ảo ảnh! Trong tiềm thức họ đã sẵn có tính giai cấp, tính cá nhân, ích kỷ. Họ càng lấy lý trí phấn đấu để thực hiện chủ nghĩa mà họ tin tưởng thì tiềm thức họ càng nổi dậy mạnh mẽ hơn. Cuối cùng mọi người đều mang bịnh. Bịnh mỗi người mỗi khác. Người thì biểu lộ bằng những hành động sắt máu, giết nhiều người để trấn áp tiềm thức của mình như Staline. Người thì nghiện rượu để quên đi những cơn khủng hoảng triền miên trong tâm hồn họ như dân Nga. Anh vẫn chưa chịu nhận mình sai lầm. Các nhà lãnh đạo cộng sản cũng có cùng quan điểm như anh. Tôi sẽ chứng minh cho anh thấy lý thuyết cộng sản sai từ gốc rễ. Đến khi nào mà các nhà lãnh đạo cộng sản chưa thừa nhận ảo ảnh sai lầm đó thì dầu có sửa đổi bao nhiêu đi nữa, dân chúng vẫn lầm than, đau khổ. Anh cũng vậy, đến khi nào mà anh chưa chối bỏ chủ nghĩa cộng sản thì bịnh của anh vẫn chưa khỏi được.
Hùng uống một ngụm nước, tiếp tục thao thao bất tuyệt về những sai lầm trong chủ nghĩa cộng sản và vui mừng thấy Phong vẫn yên lặng theo dõi những lý luận của mình. Cuối cùng Hùng kết luận ::
– Đông y là một phần nhỏ của triết lý Á Đông. Triết lý ấy lấy bốn chữ: “âm, dương, ngũ hành” làm căn bản. Âm dương chỉ là hai biểu tượng cho thấy mọi vật đều có hai mặt vừa mâu thuẫn, vừa tương trợ nhau để sống. Chủ nghĩa cộng sản dùng kinh tế để chứng minh và phát triển nguyên lý mâu thuẫn nội tại và đấu tranh giai cấp, và từ đó đi đến xây dựng một xã hội lý tưởng. Đó cũng là một phần nhỏ của nguyên lý âm dương áp dụng vào chính trị và kinh tế. Muốn phát triển và trường tồn, âm dương phải vừa đối kháng, vừa hòa hợp, tương trợ lẫn nhau. Chủ nghĩa cộng sản lại dùng hận thù, đấu tranh giai cấp để tiêu diệt đối kháng, nên cuối cùng đi đến mất quân bình. Xã hội cộng sản chỉ là một ảo ảnh vì không còn mâu thuẫn và đối lập âm dương nữa. Nghĩa là không có sự sống và phát triển. Mác là người cóp nhặt và diễn dịch sai lệch nguyên lý âm dương để thỏa mãn hận thù vì những thất bại triền miên trong cuộc đời của mình. Anh đã chóa mắt vì lý thuyết cộng sản mà không biết rằng tổ tiên chúng ta đã áp dụng thông minh và sáng tạo nguyên lý âm dương để xây dựng đất nước. Ông Hồ là người đã từng học triết lý Á Đông, nếu không tìm thấy được sự cóp nhặt sai lệch của Mác thì không phải là ngườI giỏi và sâu sắc trên những vấn đề lớn liên quan đến vận mạng của dân tộc. Nếu biết sai lệch mà vẫn dùng để bịp dân thì thuộc hạng lưu manh. Nói điều này chắc anh buồn lắm vì anh đã thần thánh hóa ông Hồ. Sự dằng co giữa lý thuyết tốt đẹp và thực tế bi thương làm cho anh khổ và mang bệnh. Muốn chữa bệnh anh cho tận gốc, tôi cần phải mổ xẻ kỹ càng mọi khía cạnh, đánh tan mọi nghi vấn. Tuy mất lòng, nhưng sau đó anh sẽ thấy cái lý của nó. Càng ngày anh sẽ thấy những điều tôi nói là thật. Âm dương luôn đối chọi nhau như tĩnh và động, như tối và sáng, nóng và lạnh, nhưng lại hổ trợ cho nhau như trên và dưới, cao và thấp, trong và ngoài, phải và trái, trước và sau. Bóng tối là mầm mống cho sự sáng cũng như trong ánh sáng đã ẩn tàng sự tối tăm. Đó là âm sinh, dương trưởng và ngược lại. Nếu anh chịu khó suy nghĩ thì sẽ thấy mọi khía cạnh của cuộc sống đa dạng này đều nằm trong nguyên lý âm dương. Ngày, đêm, bốn mùa là sự tuần hoàn bất tận của nguyên lý âm dương.
Trở lại căn bệnh của cháu Suzanne, can, đởm là hai cơ quan điều hòa sự luân lưu của tình cảm. Khi ta dùng lý trí để đè nén một tình cảm nào thì can khí sẽ nghẹt, từ đó dẫn đến sự xáo trộn của các cơ quan khác. Bệnh lý thể hiện theo từng cá nhân. Chỉ cần điều chỉnh can khí thì mọi việc xong xuôi. Tình trạng can khí nghẹt gây nên huyết áp cao là một quá trình lâu năm và có những nguyên nhân tình cảm. Vì thế muốn giải quyết tận gốc rễ thì phải tìm ra nguyên nhân tình cảm ấy và tìm cách giải quyết thì mới lành bệnh được. Trường hợp của anh chị và cháu thì ngoài phương pháp chữa trị bằng châm cứu, còn phải nhận chân rằng chủ nghĩa cộng sản sai từ cội rễ. Thêm vào đó, anh chị phải thành thực chấp nhận rằng chúng ta không thể chối bỏ cội nguồn Việt Nam được. Cháu Suzanne hết bệnh là vì trong bốn tháng qua, cháu đã tìm về nguồn cội Việt Nam và tắm mát trong tình thương của bạn bè. Chúng ta phải tìm về nguồn với các lối đi uyển chuyển và quân bình hơn. Đó là anh chị tự chữa cho mình vậy!
Phong mỉm cười bảo:
– Hình như anh hận thù người cộng sản lắm! Vì mọi diễn dịch của anh đều qui về sự sai trái của người cộng sản. Nhưng những điều anh vừa nói thật lý thú và giải đáp được hết những thắc mắc của tôi. Tôi cảm thấy thơ thới trong lòng. Cám ơn anh nhiều lắm. Tôi sẽ đến nhờ anh chữa bệnh. Sau khi tôi lành thì tới phiên vợ tôi.
Hùng không ngờ lại thuyết phục được Phong một cách mau chóng như thế. Hùng bảo :
– Tôi không hận thù ai. Nhưng tôi công nhận cộng sản là một tai họa lớn mà loài người phải gánh chịu vì sự tự kiêu và ích kỷ của mình. Tôi rất tiếc là nước ta gặp vận rủi khi người tài giỏi về khả năng vận dụng người như ông Hồ lại mắc nạn về tay lũ bịp để nhân dân lầm than. Ngoài ra điều bận tâm duy nhất của tôi bây giờ là thấy hầu hết giới lãnh đạo Việt Nam đều bệnh hoạn. Bệnh tự kiêu, thù hằn, ganh ghét, ích kỷ, ỷ lại và nhất là không có tinh thần độc lập, dễ dàng làm tay sai cho ngoại bang để đổi lấy tư lợi. Làm sao họ có thể điều khiển quốc gia tốt hay thành lập những phong trào chống cộng tốt được? Nếu mọi trí thức Việt Nam biết mình bệnh hoạn mà cố gắng tự chữa trị và cố gắng cùng nhau đồng tâm hiệp lực để nâng cao trình độ trí thức và chính trị của toàn dân thì tương lai Việt Nam mới khá được.
Phong gật gù như tán đồng những điều Hùng trình bày là đúng. Anh thấy lòng mình thanh thản, phải chăng vì Suzanne lành bệnh hay vì chính mình dường như thoát ra khỏi một ảo ảnh…
Hoà Mỹ
Montreal-Canada
Nguồn: https://pvbhoamy.wordpress.com/2015/04/26/ao-anh/