Saturday, April 21, 2018

Câu chuyện đằng sau bài “Tha La xóm đạo”


Câu chuyện đằng sau bài “Tha La xóm đạo”
“Hận Tha La”- một bài hát đc nhiều người biết đến trước 1975, cùng với các bài ” Tha La xóm đạo”, ” Vĩnh biệt Tha La”, và Tha La cũng là tên 1 xóm đạo được nhiều nhạc sĩ trước 75 fổ nhạc từ 1 bài thơ nổi tiếng “Tha La xóm đạo” của 1 nhà thơ, nhưng đằng sau nó là 1 câu chuyện buồn, về những ngày đau buồn của đất nước khi bài thơ được ra đời:
“THA LA XÓM ĐẠO”

Cho tới nay thân thế của nhà văn Vũ Anh Khanh vẫn còn là một bí ẩn người ta chỉ biết ông tên thật là Võ Văn Khanh, sanh năm 1926 tại Mũi Né, quận Hải Long, tỉnh Bình Thuận. Trong giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1950, Vũ Anh Khanh là một cây bút chuyên viết truyện ngắn và tiểu thuyết. Tác phẩm của ông gồm truyện dài như Nửa Bồ Xương Khô, Bạc Xíu Lìn, Cây Ná Trắc và các truyện ngắn như Đầm Ô Rô, Sông Máu, Bên Kia Sông… Tuy nhiên bài thơ “Tha La xóm đạo” mới làm cho rất nhiều người nhớ đến tên tuổi của ông mãi tận sau này.
Xóm đạo Tha La nằm tại xã An Hòa, huyện Trảng Bàng tỉnh Tây Ninh. Xóm đạo này được thành lập vào khoảng năm 1863 nhờ sự cho phép và khuyến khích của người Pháp. Mặc dù họ đạo Tha La phát triển ngày một mạnh mẽ và vững vàng nhưng người Công giáo Tha La đã phản ứng khi thực dân Pháp ngày một lộ rõ dã tâm khống chế toàn bộ đất nước. Mùa Thu năm 1945 thanh niên Tha La tham gia phong trào kháng chiến ở đất Nam Kỳ và trong chính thời điểm này, nhà thơ Vũ Anh Khanh trong một lần thăm Tha La đã cảm tác tinh thần chống ngoại xâm ấy để bài thơ “Tha La xóm đạo” ra đời.
Vũ Anh Khanh có lẽ là một nhà văn có cuộc đời ngắn ngủi và số phận hẩm hiu nhất trong các nghệ sĩ cùng thời. Ông không được cả hai chế độ miền Nam và miền Bắc thừa nhận tài năng vì các hoạt động chính trị phát xuất từ lòng yêu nước. Vũ Anh Khanh tập kết ra Bắc năm 1954, bị chính quyền miền Nam kết tội là cộng sản do đó suốt thời gian1955-1975, tác phẩm của ông bị cấm không được tái bản, lưu hành, và ngay cả không có tên trong chương trình giáo dục như Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên …
Theo tiết lộ của ông Võ Hồng Cương, Cục phó Cục Tuyên Huấn quân đội nhân dân Việt Nam thì vào năm 1956, Vũ Anh Khanh được nghỉ phép ở Vĩnh Phúc nhưng ông đã sửa giấy phép thành Vĩnh Linh Quảng Trị để từ đó vượt tuyến, bơi qua sông Bến Hải vào Nam tìm tự do. Khi sắp vào được bờ bên kia thì bị phát hiện, bộ đội miền Bắc dùng tên có tẩm thuốc độc bắn chết. Lý do bộ đội phải dùng cung vì để tránh bị Ủy ban quốc tế làm biên bản vi phạm Hiệp định ngưng bắn. Cái chết của ông là một bi kịch cho những con người yêu nước trong một giai đoạn đen tối của lịch sử cận đại.
Bài thơ “Tha La xóm đạo” của Vũ Anh Khanh đi vào lòng người bao nhiêu năm qua phải nói là có sự đóng góp của hai nhạc sĩ Dũng Chinh và Sơn Thảo. Hai nhạc sĩ này đã phổ bài thơ thành hai ca khúc: “Tha La xóm đạo” và “Hận Tha La” khiến cho bài thơ lan rộng vào quần chúng.
“Tha La xóm đạo” được nhạc sĩ Dũng Chinh, cũng là người Phan Thiết phổ nhạc vào năm 1964 , sau đó một năm nhạc sĩ Sơn Thảo phổ thành bài hát mang tên “Hận Tha La” và cũng trong năm này nhạc sĩ Anh Tuyền phổ thành ca khúc mang tên “Vĩnh Biệt Tha La”.
Ngoài ra soạn giả cải lương nổi tiếng Viễn Châu cũng đã phỏng theo ý tưởng Vũ Anh Khanh để viết ca khúc tân cổ giao duyên “Tha La xóm đạo.
Bài thơ “Tha La xóm đạo” còn lưu hành tới ngày nay ngoài giá trị nghệ thuật nó còn có tác dụng nhắc nhở cho cả dân tộc về những ngày đau buồn đó.
“THA LA XÓM ĐẠO”
Đây “Tha La xóm đạo”
Có trái ngọt cây lành
Tôi về thăm một dạo
Giữa mùa nắng vàng hanh.
Ngậm ngùi Tha La bảo:
– Đây rừng xanh rừng xanh
Bụi đùn quanh ngõ vắng,
Khói đùn quanh nóc tranh.
Gió đùn quanh mây trắng,
Và lửa loạn xây thành.
– Viễn khách ơi!
Hãy dừng chân cho hỏi,
Nắng hạ vàng ngàn hoa gạo rưng rưng.
Đây Tha La, một xóm đạo ven rừng,
Có trái ngọt, cây lành, im bóng lá,
Con đường đỏ bụi phủ mờ gót lạ.
Ngày êm êm lòng viễn khách bơ vơ!
Về chi đây? Khách hỡi? Có ai chờ?
Ai đưa đón?
– Xin thưa, tôi lạc bước!
Không là duyên, không là bèo kiếp trước,
Không có ai chờ, ai đón tôi đâu!
Rồi quạnh hiu, khách lặng lẽ cúi đầu,
Tìm hoa rụng lạc loài bên vệ cỏ,
Nhìn cánh hoa bay ngẩn ngơ trong gió,
Gạo rưng rưng, nghìn hoa máu rưng rưng.
Nghìn cánh hoa rơi, lòng khách bỗng bâng khuâng.
Tha La hỏi:
– Khách buồn nơi đây vắng?
Không, tôi buồn vì mây trời đây trắng!
– Và khách buồn vì tiếng gió đang hờn?
Khách nhẹ cười, nghe gió nổi từng cơn,
Gió vi vút, gió rợn rùng, gió rít.
Bỗng đâu đây vẳng véo von tiếng địch:
Thôi hết rồi còn chi nữa Tha La!
Bao người đi thề chẳng trở lại nhà.
Nay đã chết giữa chiến trường ly loạn!
Tiếng địch càng cao, não nùng ai oán,
Buồn trưa trưa, lây lất buồn trưa trưa,
Buồn xưa xưa, ngây ngất buồn xưa xưa,
Lòng viễn khách bỗng dưng tê tái lạnh.
Khách rùng mình, ngẩn ngơ lòng hiu quạnh.
– Thôi hết rồi! Còn chi nữa Tha La!
Đây mênh mông xóm đạo với rừng già.
Nắng lổ đổ rụng trên đầu viễn khách.
Khách bước nhẹ theo con đường đỏ quạch,
Gặp cụ già đang ngóng gió bâng khuâng.
– Kính thưa cụ, vì sao Tha La vắng?
Cụ ngạo nghễ cười rung rung râu trắng,
Nhẹ bảo chàng:
” Em chẳng biết gì ư?
Bao năm qua khói loạn phủ mịt mù!
Người nước Việt ra đi vì nước Việt.
Tha La vắng vì Tha La đã biết,
Thương giống nòi đau đất nước lầm than. ”
Trời xa xanh, mây trắng nghẹn ngàn hàng,
Ngày hiu quạnh. Ờ.. ơ.. hơ tiếng hát.
Buồn như gió lướt lạnh dài đôi khúc nhạc.
Tiếng hát rằng:
Tha La giận mùa thu,
Tha La hận quốc thù,
Tha La hờn quốc biến,
Tha La buồn tiếng kiếm,
Não nùng chưa!
Tha La nguyện hy sinh.
Ơ.. ơ.. hơ.. có một đám chiên lành.
Quỳ cạnh Chúa một chiều xưa lửa dậy.
Quỳ cạnh Chúa, đám chiên lành run rẩy:
Lạy Đức Thánh Cha!
Lạy Đức Thánh Mẹ!
Lạy Đức Thánh Thần!
Chúng con xin về cõi tục để làm dân…
Rồi… cởi trả áo tu.
Rồi… xếp kinh cầu nguyện.
Rồi… nhẹ bước trở về trần…
Viễn khách ơi! Viễn khách ơi!
Người hãy dừng chân.
Nghe Tha La kể, nhưng mà thôi khách nhé!
Đất đã chuyển rung lòng bao thế hệ.
Trời Tha La vần vũ đám mây tan.
Vui gì đâu mà tâm sự?
Buồn làm chi mà bẽ bàng?
Ơ… ơ… hơ… ờ… ơ… hơ… tiếng hát
Rung lành lạnh ngâm trầm đôi khúc nhạc.
Buồn tênh tênh, não lòng lắm khách ơi!
Tha La thương người viễn khách đi thôi!
Khách ngoảnh mặt nghẹn ngào trông nắng đổ,
Nghe gió thổi như trùng dương sóng vỗ
Lá rừng cao, vàng rụng lá rừng bay…
Giờ khách đi. Tha La nhắn câu này:
– Khi hết giặc, khách hãy về thăm nhé!
Hãy về thăm xóm đạo
Có trái ngọt cây lành.
Tha La dâng ngàn hoa gạo,
Và suối mát rừng xanh.
Xem đám chiên lành thương áo trắng.
Nghe mùa đổi gió nhớ quanh quanh.



Friday, April 20, 2018

Một ngày rất lạ - Từ Thức


Một ngày rất lạ 
Từ Thức
Một buổi sáng chủ nhật, nắng rực rỡ, trời xanh và sạch như thủy tinh, mát mẻ. Y xách chiếc xe gắn máy ra đường, bà vợ chạy theo : "Anh phơi đầu trần, lại đau cho mà coi". Bà vợ cằn cỗi, nhăn nhó mọi ngày, dịu dàng chụp lên đầu y cái mũ vải, với nụ cười thật tươi. Y bắt gặp nụ cười đám cưới năm nào.
Y buột miệng "cám ơn em", ngạc nhiên không biết ba chữ rất lạ, kỳ cục ấy, không biết ở đâu rơi xuống. Bình thường, người ta chỉ dấm dẳn, gây gổ, cằn nhằn, đay nghiến nhau về chuyện tiền bạc, ăn uống. Đề tài trao đổi luẩn quẩn chung quanh cái dạ dầy. Những lời âu yếm, những câu tử tế nó trốn đâu đó, sâu trong tiềm thức, hôm nay tự nhiên bò ra.
Y cao hứng, huýt sáo một bản nhạc vàng tình tứ, tưởng đã quên, lơ đãng vượt qua đèn đỏ, ở một ngã tư.
Một viên cảnh sát giao thông dơ tay chặn y lại.
Y ngừng xe, lập cập kiếm giấy tờ, lập cập vuốt thẳng mấy tờ giấy bạc vợ đưa cho, để đong gạo và mua chai nước mắm, kẹp vào giữa mớ giấy tờ. Đau xót, giã từ tờ giấy bạc.
Viên cảnh sát trẻ đưa tay lên trán, lễ phép chào y, như cảnh sát Tây chào dân, trên TV.
Anh ta coi giấy tờ, đưa lại y mấy tờ giấy bạc : Tiền bạc, coi chừng. Để lung tung, rơi mất lúc nào không hay. Và hỏi, thân thiện như một người bạn : anh có biết đã vượt đèn đỏ ?
Bình thường, trước khi thương lượng giá cả với cảnh sát, y chối biến, mang trời đất, thánh thần, Phật Chúa, ra chứng giám cho mình là công dân gương mẫu, không bao giờ vi phạm luật giao thông.
Y ngạc nhiên thấy mình trả lời : Tôi vui quá, không để ý.
Viên cảnh sát trả lại anh giấy tờ, vẫn nụ cười trên môi : Thôi được. Nhưng lần sau, nên cẩn thận. Không nên vui quá, gây tai nạn". Anh lý nhí nói cám ơn. Viên cảnh sát lễ độ giơ tay chào : "Chúc anh một ngày vui".
Y ghé quán phở quen, kêu một ly cà phê đen, không dám nhìn chủ quán. Ông ta vẫn nhăn nhó mỗi lần y tới, chỉ kêu một ly cà phê đen. Y đã nghe nhiều lần ông ta bô bô nói với vợ : ĐM, lại đến ngồi ăn vạ.
Ông chủ quán, bình thường râu ria, tóc tai xồm xoàm, quần áo xốc xếch, dơ bẩn vì bụi và mỡ bò, hôm nay sạch sẽ, sáng sủa như một đồng xu mới, mặt mũi hồng hào, hỏi :
- Hôm nay có thịt tươi, bánh mới. Anh làm một bát nhé ?
Y lúng túng. Y thèm phở, kể cả phở bột ngọt, thịt thiu, bánh vữa, nhưng chỉ uống cà phê để ngửi mùi phở. Ông chủ đi guốc trong bụng khách, tươi cười :
- Đừng ngại chuyện tiền bạc. Hôm nay nhà hàng mời khách. Chỗ anh em với nhau cả.
Y không ngờ ông chủ quán cũng có óc khôi hài. Y đã thấy hai vợ chồng ông ta xỉ vả, xỉa xói một thằng nhỏ đói quá, kêu phở ăn xong mới thú thực không đủ tiền trả. Ông ta đấm mặt nó máu mê đầm đìa, nắm tóc, lôi ra khỏi tiệm, đá đít thằng nhỏ ngã vập đầu trên vỉa hè. Trước sự bàng quan của khách hàng, cúi đầu ăn uống. Không nhìn thấy gì, không nghe gì, không nói gì là nhân sinh quan của dân tộc này.
Nhưng ông chủ quán không giỡn chơi, ông ta trở lại với một tô phở nóng, thơm ngào ngạt, đặt trên một cái đĩa, rất sang. Rau xanh, ớt đỏ, Y không tưởng tượng nổi người ta có thể trình bày tô phở đẹp như một tác phẩm nghệ thuật. Bình thường, ông chủ quán quẳng một tô phở nước dùng đục ngầu, lổn ngổn những thịt, những mỡ, những bánh phở, trên vành bát còn ấn dấu tay đen thui, đầy mỡ của bà chủ, ông chủ. Như người ta ấn dấu tay làm giấy tờ.
Trong góc cuối tiệm ăn, vài người châu đầu, mắt dán vào màn ảnh TV, coi ông Nguyễn Phú Trọng.
Ông Trọng tuyên bố qua nụ cười nhân hậu, nhưng cương nghị của một lãnh tụ lớn : Để toàn dân góp phần vào việc xây dựng lại đất nước, chống ngoại xâm, đảng cộng sản tuyên bố tự giải tán. Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia dân chủ đích thực. Ông Trọng nói đất nước là đất nước chung, không phải của một đảng phái nào cả. Bắt trên chín chục triệu người đi theo một đảng mafia là dẫn dân tộc vào tử địa.
Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần thị Nga vừa được trả tự do, vòng hoa quành cổ, vui vẻ trả lời phỏng vấn trước sự reo hò, hoan nghênh của dân chúng hai bên đường. Bộ trưởng nội vụ nói, tay quàng vai Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Nguyễn Văn Đài : Tôi hãnh diện đứng bên cạnh các anh chị. Các anh chị là lương tâm của dân tộc này.
Trên một đài khác, cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố cống hiến 95% gia sản khổng lồ của gia đình vào việc chung.
Ông nói : Giống như Bill Gates, Warren Buffet, tôi nghĩ 5% gia sản của mình cũng đủ sống. Phần còn lại xã hội đã cho, tôi trả lại cho xã hội. Quốc gia đang khó khăn, mỗi người phải ghé lưng đóng góp.
Một chủ tịch xã nói : Tôi sẽ mở cửa căn biệt thự 15 phòng, xây được nhờ nuôi heo thối móng tay, lao động và tiết kiệm, cho đồng bào không nhà cửa có nơi trú ngụ.
Một lãnh tụ tối cao tuyên bố sẽ bán ngôi nhà mạ vàng, bàn ghế bằng vàng để xây trường học. Ông nói lãnh tụ không thể nhẫn tâm ngồi ngự trên ghế vàng trong khi giáo chức lãnh lương chết đói, học sinh đu dây, lội suối tới những trường học giột nát.
Một đại gia, không giấu được sự xúc động, đem bán đấu giá chiếc xe Mercedes mới và một trong những biệt thự nguy nga ở Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, lấy tiền mở một quán cơm miễn phí cho người nghèo, cho trẻ em đói, theo kiểu "Restos du Cœur "của Tây. Ông nói sống xa xỉ giữa cái biển nghèo đói là một điều đáng hổ thẹn, nhưng có gì đáng hãnh diện, vênh váo như ông vẫn sống cho tới hôm nay. Nghĩ lại, ông ta thấy mình trơ trẽn, thô bỉ.
Một cán bộ cao cấp nói, hai mắt ươn ướt : "Trước đây, nhiều đồng bào, vì yêu thương người của Đảng, đã tự hiến nhà cửa, vườn ruộng. Tôi đã bàn với vợ con : chúng tôi xin trả lại tất cả cho nhân dân. Chúng tôi sẽ sống thanh đạm, lấy việc phục vụ dân làm vui".
Kiến trúc sư Khánh Casa sẽ dành những ngày còn lại và gia sản để tranh đấu cho bình đẳng nam nữ, cho nhân phẩm phụ nữ. Ông nói một dân tộc đốn mạt là một dân tộc trong đó người hành hạ người, đàn ông đánh đập đàn bà. Khánh Casa trước đây đã nổi tiếng vì tát tai, đập mặt một nữ nhân viên bán hàng không làm ông hài lòng.
Tại Đồng Tâm, cán bộ, công an cởi trần giúp dân dựng nhà, dọn vườn trong không khí của một ngày hội. Không khí của những ngày kháng chiến chống Pháp ngày xưa.
Tin tức các nơi về dồn dập.
Ban quản lý các BOT cho hay đã gỡ các trạm thâu tiền mãi lộ. Thông cáo nói : chúng tôi đã thâu quá số tiền đã bỏ ra kinh doanh, ngày nay đường xá là của dân, của nước.
Người ta biến những trạm thu tiền thành những trạm phân phát đồ giải khát, sách báo cho người lái xe. Đó là những thư viện bỏ túi, người ta đến lấy những cuốn sách người khác tặng, và để lại những cuốn mình đã đọc. Trao đổi kiến thức, gởi nhau những bài thơ, những cái đẹp, những giấc mơ.
Hãng Formosa bị đóng cửa, những người liên hệ các cấp sẽ bị đưa ra xét xử.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến từ chức sau khi đã thành khẩn xin lỗi nạn nhân thuốc giả. Các nạn nhân thuốc giả sẽ được nhà nước lo chu đáo. Dân chúng thỉnh cầu bà bộ trưởng ở lại, nhưng bà Tiến nhất định từ chức. "Phục vụ dân phải có tinh thần trách nhiệm, bà nói. Chúng ta sẽ để lại cho lớp trẻ bài học gì, nếu chúng ta trốn tránh trách nhiệm ?".
Hàng hóa độc hại của Tàu bị dân tẩy chay, nhà nước tịch thu, chất như núi ngoài đường, đốt không kịp. Nông dân hân hoan, hết phải đổ xuống sông những hoa quả, rau trái đã đổ mồ hôi sản xuất. Một nông dân nói : sống được bằng ruộng đất, chúng tôi sẽ hết lòng giữ đất. Người Tàu dù tiền rừng, bạc biển cũng không tới đây mua được.
Thủ tướng chính phủ ra đón những chuyến bay đầu tiên tới các nước láng giềng chở về nước phụ nữ Việt bị gởi đi bán dâm. Chính phủ sẽ lo việc huấn nghệ, kiếm công ăn việc làm cho họ. Thủ tướng nói đi tới nước nào cũng thấy đàn bà Việt Nam bán thân để sống là một cái tát vào mặt một dân tộc còn đôi chút tự trọng.
Bộ nội vụ cho hay vừa mở một cơ sở mới, gọi là "Đồ Lượm Được", theo khuôn mẫu "Objets Trouvés" của Tây Mỹ, để thiên hạ mang tới những thứ lỉnh kỉnh, tiền bạc lượm được ngoài đường.
Mới mở cửa, người ta đã xếp hàng dài, mang tới một núi những iPhone, máy hình, máy quay phim, ví tiền. Trong ba tháng, sở hữu chủ có thể tới lấy, nếu không tiền bạc, vật dụng sẽ trao cho những hội đoàn từ thiện mọc ra như nấm ở mỗi góc đường.
Người ta không khỏi nghĩ đến chuyện xẩy ra ở Nhật. Một ông triệu phú vô danh Nhật, nghĩ đã hưởng thụ đủ, muốn có một thú vui khác : tạo thú vui cho người khác. Mỗi ngày, ông ta đặt một phong bì ở một nơi công cộng, tiệm ăn, rạp hát, trên xe đò, xe lửa. Trong mỗi phong bì một số tiền lớn và một câu nhắn : "Hãy thực hiện chuyện bạn vẫn mong muốn ; chúc bạn một ngày vui". Nhiều người mang những phong bì tới nộp cảnh sát, trao tiền cho những văn phòng giữ đồ lượm được.
Tại một công viên, y thấy một nhóm đàn ông ngồi đan áo, cười đùa như vỡ chợ. Đó là những công an, đan áo giúp nạn nhân bão lụt. Một anh nói : bây giờ dân không bị cướp đất, cướp nhà nữa, không còn bạo loạn. Thiên hạ cũng chẳng còn ai ẩu đả nhau. Đạp lên người khác không còn là một thú vui. Trộm cướp không còn. Công an, cảnh sát ngồi chơi cũng chán, phải bày chuyện làm. Có chuyện gì ý nghĩa hơn là giúp đồng bào thiếu may mắn hơn mình ? Chúng tôi khám phá ra mình đan áo không thua gì phụ nữ.
Trong một góc khác ở công viên, những đám học sinh, sinh viên tụ tập, chuẩn bị di cứu lụt miền Trung, cười đùa như vỡ chợ. Những tiệm quần áo H&M, Mango, Gap ngồi vêu chờ khách.
Ngoài biển, Trung Quốc gỡ các dàn khoan và rút khỏi Trường Sa, Hoàng Sa. Đại sứ Trung Quốc ở Việt Nam khuyến cáo Bắc Kinh : toàn dân Việt Nam đoàn kết. Rất khó, nếu không nói không thể, thôn tính một dân tộc đoàn kết, một lòng giữ nước. Cái giá phải trả sẽ rất đắt. Cách hay nhất là đối xử với họ như một quốc gia độc lập, một dân tộc có tư cách, đáng kính trọng. Từ nay, không thể tiếp tục đối xử chính quyền Việt Nam như tôi tớ, phải coi họ như những người có liêm sỉ.
Nguyên bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh tuyên bố bổn phận của quân đội là giữ nước, không phải làm ăn, buôn bán, xây khách sạn, khai thác siêu thị. Ông nói từ nay quân đội sẽ đổ tới giọt máu cuối cùng để giữ từng thước đất của ông cha để lại.
Trước đây, ông Thanh nói "tôi thấy lo lắng lắm, không biết ta tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ tới người già đều có khuynh hướng ghét Trung Quốc. Ai tích cực cho Trung Quốc là ngại. Tôi cho rằng cái đó rất nguy hiểm cho dân tộc".
Hôm nay, ông ta không thấy "cái đó" nguy hiểm, trái lại, là cái may mắn, cái hy vọng cuối cùng của dân tộc. Cũng chính ông ta (bộ trưởng quốc phòng !) đã tuyên bố : "quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trên các mặt đang phát triển tốt đẹp. Chỉ có… vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông", nhưng đó là hôm qua, là chuyện quá khứ.
Quốc hội triệu tập phiên họp khẩn cấp để xét lại những thỏa ước về biên giới, lãnh thổ, những giao kèo bán đảo, bán rừng, thuê đất ký kết với người Trung Hoa. Được dân ca ngợi, bà chủ tịch quốc hội khiêm nhượng trả lời : chúng tôi chỉ làm bổn phận của những người đại diện dân. Lúc nào chúng tôi cũng tự hỏi những người dân cử đã làm gì cho đất nước ?
Khắp nơi, từ Nam ra Bắc, thiên hạ tràn ra đường như trẩy hội. Những thiếu nữ thướt tha trong áo dài muôn mầu bên cạnh những đàn "trẻ con đi hát đồng dao ngoài đường".
Y ra khỏi tiệm ăn, bụng no, đầu óc thảnh thơi... Y thấy yêu mọi người, muốn ôm hôn bà chủ quán hôi mùi mỡ bò, nước mắm. Nghĩ tới tựa một cuốn sách trước đây không hiểu tại sao bị đốt : "Ở một nơi ai cũng yêu nhau".
Trên lề đường, một bà cụ già muốn qua bên kia nhưng không sao qua được. Mỗi lần đặt chân xuống đường, một biển xe gắn máy tràn tới, như những con quái vật chồm tới, nuốt sống bà già. Y lại gần, nói :
- Để con giúp bác.
Y nắm tay bà già tóc bạc phơ. Cái biển xe gắn máy ngưng lại, ngoan ngoãn nhường cho hai người, một già một trẻ, ung dung qua đường. Người ta có cảm tưởng ở Tokyo giờ tan sở, hàng triệu người ra đường nhưng không ai chen lấn, cãi vã, giành giựt.
Bà già móm mém cám ơn, móm mém hỏi :
- Con là Việt kiều về thăm nhà hả ?
Y nói không phải, và hỏi tại sao. Bà già nói bởi vì ngày nay người trong nước đã quên lễ độ, quên kính trọng người già cả, quên giúp đỡ người khác, quên tử tế, chỉ biết chụp dựt.
Y cười : bác lầm rồi, bác thấy không ?
Bà già cũng cười, nhe hàm răng chỉ còn hai vợ chồng cái răng cửa : "lần đầu, bác thấy vui khi biết mình lầm".
Về nhà, y tưởng lạc vào nhà người khác. Thay vì quần áo, rác rưởi ngổn ngang, một căn phòng gọn ghẽ, ngăn nắp. Và những bình hoa rực rỡ những mầu sắc. Y có lúc đã quên những bông hoa, đã quên tất cả những gì không nhậu được. Cô vợ nói hoa của bà hàng xóm tặng.
- Tưởng bà ấy thù ghét mình sau vụ chửi nhau vì mất gà năm ngoái, ai ngờ bà ấy dễ thương quá.
Y ân hận, nghĩ có lần đã muốn mua thuốc bả chó, lẻn vào trộn vại gạo bà ta để trong bếp :
- Bà ấy vui là phải, cô vợ nói tiếp. Hôm nay đi khám bệnh, không biết có tới lượt mình không, hay lại chờ suốt buổi rồi mang bệnh về. Đã bán sạch đồ đạc trong nhà, nhưng tiền bạc không bằng cái móng chân thiên hạ. Y tá nó cũng không thèm tiếp, nói gì tới bác sĩ. Ai ngờ ai cũng tử tế, tiếp đón niềm nở, khám bịnh tận tình. Đưa tiền, ông bác sĩ cười : đây là nhà thương công, nhà thương của dân, do dân đóng thuế, tiền bạc gì. Cô y tá cũng nhất định từ chối : bác giữ tiền, lo chuyện ăn uống cho đầy đủ, bệnh tật mà thiếu bổ dưỡng là hại lắm.
Y nói thảo nào bà ấy tử tế với mình, nghĩ tới một câu không biết nghe ở đâu nhưng vẫn nghĩ là rởm : hãy tử tế với mọi người, mọi người sẽ tử tế với bạn, cuộc đời sẽ dễ chịu hơn. Xã hội sẽ đáng sống hơn.
Y mở la de, phưỡn bụng coi TV. Ông bộ trưởng giáo dục tuyên bố từ nay trường học sẽ không dạy tư tưởng Hồ Chí Minh nữa. Ông nói dân tộc ta đã trưởng thành. Mỗi người có thể tự suy nghĩ, không cần Bác nghĩ giùm, cái gì cũng phải hỏi bác. Ông nói không thể tưởng tượng một dân tộc 92 triệu người, chỉ có một người suy nghĩ, chỉ có một người có quyền suy nghĩ. Anh nào nghĩ khác là đi ngồi tù, hay bị một đám côn đồ xúm lại đánh hôi, thân tàn ma dại. Sức mạnh của một dân tộc là chất xám. Tiêu diệt chất xám, bỏ tù sự thông minh, giam cầm óc sáng tạo, có dân tộc nào nào đần độn, quái dị đến thế ?
Y đang thú vị với bài diễn văn của ông bộ trưởng thì bị bà vợ đánh thức dậy.
Người đàn bà mặt mũi cằn cỗi như một trái táo khô, cằn nhằn :
- Đéo mẹ, sướng quá nhỉ, nằm ngủ thẳng cẳng, mơ cái gì, hết cười lại vỗ tay như thằng điên. Không dậy đi đong gạo thì tối nay ăn cám à ? (1).
Paris, tháng 9/2017
Từ Thức
(1) Tôi viết bài này, sau khi nghe một ông bạn tâm sự, giữa hai ly rượu đỏ : "tôi mong dân mình được sống như thiên hạ, dù chỉ một ngày".


Hôm nay tao đi học - Bùi Bảo Trúc

WESTMINSTER (NV) – Nhà báo Bùi Bảo Trúc, tên tuổi quen thuộc với người Việt hải ngoại, vừa qua đời lúc 11:45 tối 16 Tháng 12 năm 2016, tại Bệnh viện Fountain Valley, Quận Cam, California, Hoa Kỳ, ở tuổi 72.
Nhà báo Bùi Bảo Trúc, có bút danh khác là Bảo Lâm, sinh năm 1944 tại Bắc Việt, di cư vào Nam năm 1954, học trung học Chu Văn An, Sài Gòn. Ông đi du học tại Tân Tây Lan (New Zealand), về nước năm 1967 làm việc cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, sau đó là phát ngôn viên chính phủ đến năm 1974, rồi được cử qua London làm việc.
Năm 2002, ông rời đài VOA về sống tại Nam California, tiếp tục làm việc tại đài Little Saigon Radio, tuần báo Viet Tide đồng thời là gương mặt quen thuộc trên đài Hồn Việt TV.Sau biến cố 30 tháng Tư 1975, khi miền Nam thất thủ, ông từ London qua Canada sống một thời ngắn, rồi sang Washington DC làm việc cho Ban Việt ngữ đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA).
Nhà báo Bùi Bảo Trúc nhiều năm viết cho báo Người Việt trong mục Thư Gửi Bạn Ta bằng lối viết dí dỏm nhưng sâu sắc, ông được rất nhiều độc giả yêu thích. (Đ.Q.A.T)
Hôm nay tao đi học
Bùi Bảo Trúc
Hôm nay là hết những ngày lang thang bẻ me trèo sấu của bọn chúng tao, thế là lại phải quần áo để trở lại trường. Tao ghét nhất là cái khăn đỏ lúc nào cũng phải đeo trên cổ đã suốt mấy năm nay mà không đeo thì không được. Không đeo là bị kiểm điểm ngay. Mà tao biết ngay cả cái đứa đem tao ra kiểm điểm chính nó cũng chẳng ưa gì cái trò tròng cái khăn ấy vào cổ.
Tao biết điều đó vì chính thằng con của nó nói với bọn tao chứ đâu. Nó là con mụ chủ nhiệm một lớp trong cái trường này. Thôi thì quàng vào cổ cho đủ lệ bộ. Nhưng lần trở lại trường năm nay tao cũng vui hơn một chút: tao có đồ chơi mới trong túi. Không phải là mấy món đồ chơi Trung Quốc rẻ tiền đâu nhá, như những lần trước, mấy cái ghêm vớ vẩn chơi dăm ba ngày là hỏng mẹ nó đâu. Trong túi tao có con dế rất xịn. Mẹ tao gửi tiền từ Đài Loan về cho tao mua nó. Tao chắc mẹ tao muốn tao im mồm về chuyện mẹ tao gì gì với thằng đàn ông mẹ tao ấm ớ với nó ở Cao Hùng từ mấy năm nay. Ối giời ơi, làm gì thì làm chứ dính dáng gì với tao nữa. Tao lo được thân tao. Ông bà nội ngoại tao tháng tháng có ít tiền gửi về là vui rồi, con chị tao hát karaoke trong cái quán khu Cửa Nam son phấn kiểu sao Hàn Quốc thì kệ nó. Hai năm nay nó không còn làm phiền tao nữa. Con dế mới của tao là con Samsung 7.
Tao cũng chẳng cần dấu giếm gì bố tao như trước nữa. Hồi đó, có cái gì cũng phải nói dối cái này ai cho, lấy ở đâu về… bây giờ thì khỏi. Ông ấy ngày nào cũng mang về một đống đồ mà tao thừa biết là ông ấy lấy từ Nội Bài, nơi ông ấy làm việc bốc rỡ hành lý ở phi trường. Bố tao kiếm được khá lắm: bao nhiêu là quần áo, đồ điện tử, máy móc xịn cho con nhân tình của ông ấy bán ra ngoài chợ nên tiền bạc lúc nào cũng đầy túi có tiền đi ăn uống bia rượu, gái gú ngày nào cũng như ngày nào nên mẹ tao muốn làm gì với thằng ở Cao Hùng, Đài Loan cũng được. Tao chẳng cần phải dấu giếm gì cho mẹ tao nữa. Ông bà tao nói nhiều lần với bố tao là đừng ăn cắp nữa nhưng có ăn thua gì đâu. Thế là gia đình chúng tao sống toàn bằng nghề ăn cắp hết. Mẹ tao thì ngoại tình ở Đài Loan, bố tao thì ăn cắp ở sân bay Nội Bài. Tao đâu có thua đứa nào trong trường.
Bây giờ có dế Samsung Galaxy vào phây búc vui hơn nhiều. Hồi trước tao chỉ đi coi mấy con lớn trong trường đánh nhau, xé áo của nhau nhưng nay có dế Samsung tao có thể làm cờ líp rồi úp lên phây búc cho mọi người xem, chúng nó sẽ nể tao hơn. Mấy con như con Thảo, con Hương… sẽ hết làm bộ với tao như năm ngoái, phải chiều tao ngay. Tao sẽ rủ chúng nó đi Quảng Ninh chơi rồi tìm mối bán sang Tầu là có tiền tiêu như mấy thằng trong trường đã làm từ mấy năm nay, lại có tiền đầy túi đi ăn chơi ngay.
Năm nay tao không phải lưu ban, được lên lớp mới. Ở nhà, ông bà tao cùng với bố tao, mẹ tao cũng chẳng biết gì mà cũng… éo cần gì về chuyện ấy, mà tao thì lại hoàn toàn cóc cần về chuyện lên lớp hay ở lại hay lưu ban nữa. Tao năm nay 15 tuổi rồi. Xong năm nay tao tìm mối đi lao động xuất khẩu: Hàn Quốc, Nhật, Thái, Singapore… đi đâu cũng được, cứ ra khỏi cái nước này, kiếm ít tiền ăn chơi vài năm cho đỡ đỡ sầu đời là đủ rồi. Bởi thế đừng có hỏi tao về chuyện học hành trong cái năm học này.
Tao đang đứng trước cổng trường. Năm nay chúng nó treo thêm hai tấm bảng có hàng chữ “học tốt, dậy tốt” mà tao nghĩ là chẳng đứa chó nào tin vào những lời kêu gọi đó, hệt như lời kêu gọi học tốt, dậy tốt theo gương đạo đức chủ tịch Hồ Chí Minh treo trên các lớp học trong trường.
Còn nhớ trong cái cờ líp có cảnh một thằng thầy bị một thằng học sinh đánh tơi tả, lên gối ngay trong lớp dưới cái biểu ngữ thê thảm tao coi mà cười gần chết. Đạo đức bác dậy mà thế thì học theo bác làm con mẹ gì. Tao thấy bây giờ chỉ cần tiền như bố tao nói. Có tiền là muốn cái éo gì cũng có. Muốn có tiến sĩ, thạc sĩ cũng có ngay. Việc éo gì phải học. Có thằng chẳng bao giờ ra khỏi nước, mà vẫn có bằng ở Mỹ, có đứa trong rừng ra vẫn xưng có bằng cử nhân luật thì tại sao tao phải mài nát cái đũng quần ở cái trường khốn nạn này.
Nhưng hôm nay tao vẫn đi học.


Câu chuyện đồng-nghiệp y khoa - Phương Vũ VÕ TAM ANH


Câu chuyện đồng-nghiệp y khoa.
 Phương Vũ VÕ TAM ANH
Một bác-sĩ cách-mạng từ Bắc vào, hăm-hở đến tiếp-thu bệnh-viện Vĩnh-long sau ngày 30 tháng Tư năm 1975 đã thốt ra câu nói đầu tiên với chúng tôi : "Các anh là kẽ thù của nhândân, đáng tội chết..." Tuy mới mấy ngày sau khi "giải-phóng" nhưng tai chúng tôi cũng đã quen với câu nói đó, chỉ có khác là lần này được phát ra từ miệng một bác-sĩ mà chúng tôi chờ đợi để hy-vọng thấy được một nụ cười hay một chút thông-cảm trong tình đồng-nghiệp. Chẳng khác gì những cán-bộ khác, bác-sĩ cũng tuông ra câu học thuộc lòng: "Nhưng Đảng và Nhà-nước khoan-hồng tha tội chết cho các anh..." May thay, chúng tôi được tha tội chết, nhưng thay vào đó, phải lảnh cái án "dở sống dở chết " kéo dài năm này qua năm nọ trong các nhà tù, nhường sự-nghiệp lại cho các đồng-nghiệp mới, huênhhoang trong cái độc-quyền nhân-đạo với các bảng hiệu « Lương Y như Từ-mẫu » treo nhang nhản khắp xó xỉnh trong bệnh-viện. Có lẽ Cụ Hippocrate ở dưới suối vàng cũng không khỏi phẫn-nộ khi các môn-đệ ở Miền Bắc không chịu học lời thề Cụ dạy trước khi ra trường: "Tôi thề sẽ giúp đở các đồng- nghiệp và gia-đình họ trong cơn ngặc nghèo, tôi sẽ mất hết danh-dự và bi khinh-bỉ nếu tôi không giữ lời thề đó". Trước mặt thì đồngnghiệp gọi chúng tôi bằng "anh", nhưng quay lưng lại là "thằng", là "chúng nó" ngay, không hiểu là vì thói quen, vì văn-hóa, vì mặc-cảm hay vì chính-sách. Ngày đầu tiên mới đặt chân lên đất Bắc trên con đường lưu đày, khi mà tầm mắt đang còn ngỡ-ngàng với rừng sâu núi thẳm, khi mà thể xác và tinh-thần chưa lai tỉnh qua cuộc hành trình định-mệnh kinh-hoàng, thì chúng tôi được đón tiếp vồn-vã bởi một đồng-nghiệp. Vồn-vã không phải để thăm hỏi sức khỏe hoặc để an-ủi một lời nào, mà để tịch-thu thuốc men và dung cụ y-khoa mà chúng tôi mang theo, nhất là để tò mò tìm hiểu những điều mới lạ trong cuộc sống "phồn-vinh giã-tạo" ở trong Nam. Câu nói đầu tiên và gần như là câu chào hỏi ở cửa miệng mỗi khi gặp nhau: "Anh ăn mấy lạng?" (gạo mỗi ngày), làm chúng tôi bở ngở không biết đâu mà trả lời. Thì ra cái quan-tâm hàng đầu của nền y-khoa miền Bắc là cái bao-tử, và xã-hội được chia ra làm nhiều loại bao-tử khác nhau tùy theo đẳng-cấp và sự trung-thành với Đảng: 120 lạng ,150 lạng, 170 lạng.... cái hàn-thử-biểu để đo vị-trí mình trong xã-hội. Kế đó là thắc mắc về những phần thit đươc bồi-dưỡng trong những ngày lể, ngày Tết… Thấy chúng tôi không ở cù ngọn đèn dầu và đèn pin, mà nhờ trời chúng tôi cũng thành-công được trong nhiều trường hợp, những chấnthương vì tai-nạn lao-động, hay trường hợp anh N. bị tắc nghẻn ruột, phải giải-phẩu để tái tạo một hậu-môn tạm thời, phải theo dỏi và săn sóc từ A đến Z trong nhiều tháng với sự tận-tình của mọi người nên kết quả rất khả-quan, vân vân và vân vân. Chúng tôi đã đóng tất cả các vai trò trong việc điều trị, từ lao-công, y-tá, phụ mổ, gây mê, cầm dao, rồi hậu-phẩu, vệ-sinh, giặt giủ v...v...bù lại khỏi phải đi lao-động đốn vầu, đốn nứa, đẩy xe trong những lúc đó. Một sự tình cờ khiến chúng tôi phải giải-phẩu cấp cứu thành-công cho một tên cán bộ bị viêm ruột thừa cấptính mà không biết chở đi đâu. Mấy tháng sau, nhân dịp Tết Nguyên-đán 1978, có mấy cán-bộ trong ban chỉ- huy trại đến cám ơn chúng tôi, và tưởng-thưởng bằng một tấm hình chụp chung mấy anh em chuyên-môn trong bệnh-xá, một kỹ-niệm độc nhất vô nhị của những ngày tù ở Sơn La. Tiếng đồn lên tới Bộ chỉ huy Đoàn. Một số cán-bộ có thiện tâm muốn mở tầm hoạt động của chúng tôi cho dân chúng trong vùng Mường Thải, huyện Phù-yên, nơi mà xưa nay dân chúng chưa hề thấy đươc cục xà bông chớ đừng nói chi đến viên thuốc tây. Thế rồi dân chúng đến xin chửa trị mỗi ngày một đông, tuy thuốc men chẳng có gì nhiều nhưng cũng giúp ích được một số lớn trường hợp và ít ra cũng giúp họ làm quen với y-khoa ngày nay thay vì phải uống lá rừng suốt đời. Khi đặt ống nghe vào ngực, có người đã huênh-hoang khoe rằng là được... rọi điện. Đông nhất là phần chửa răng. Ngậm một cái răng sâu năm này qua tháng nọ như một cái đinh đóng vào óc, nay được nhasĩ nhẹ nhàng xoi xỉa với một cái máy quay đạp bằng chân, hoặc nhổ đi mà không đau đớn gì, thật là một điều mà dân Mường ở đó không bao giờ mơ tới. Một đêm nọ, đang lúc giữa khuya, một cán bộ VC cầm cây đèn bảo xăm xăm bước vào phòng giam chúng tôi, bảo rằng một người đàn bà trong bảng Mường đang nguy kịch vì đẻ không ra đã hai ngày nay. Anh Thức, chuyên môn về phụ-khoa được cử đi cấp-cứu. Trong môt gian nhà sàn rộng rải không có vách ngăn, ở giữa là cái bếp lửa cháy suốt ngày đêm, dăm ba người đàn ông ngồi quanh nói chuyện ồn ào tỏ vẻ lo lắng, ở trong góc một người đàn bà đang quằn quại rên la một cách tuyệt-vọng. Trong khi mọi người bu quanh chăm chú và nghiêm-nghị nhìn anh Thức khám bệnh như nhìn một phù thủy đang làm phép, anh Thức bình tỉnh khám thấy rằng đó là một trường hợp song thai, hai đứa bé ôm quàng lấy nhau mà lại nằm ngang, không đẻ ra bằng đường tự-nhiên được. Phải chở đi bệnh-viện để mổ lấy con ra, nhưng anh Thức quên rằng chuyện đó không thể có được ở đây. Không làm gì hơn được, anh bèn tạm thời dẹp sách vở qua một bên mà cố gắng xoay một đứa cho cái đầu ở vị trí thuận-lợi để ra trước, rồi đến đứa kia, cuối cùng được mẹ tròn con vuông, trong sự rối rít cám ơn của mọi người mà trước đó đã được học tập để coi chúng tôi như những kẽ ác ôn, lúc nào cũng sẳn sàng "cho một mũi tên độc". Từ đó các cô gái Mường trong bản cũng tự -nhiên hơn, cưới đùa mỗi khi tắm suối mà có chúng tôi đi lao động ngang qua, có khi còn chọc ghẹo nửa. Có anh trong phút chốc bốc đồng đã quên mình là tù đang đói rách, cũng gồng mình nhảy xuống tắm theo, chỉ tiếc là không có sẵn cục xà bông để tặng mấy cô Mường, lúc đó hẳn là muôn phần quý giá hơn cả viên kim cương đem tặng đào ở Sài–gòn nửa. Về sau mỗi cô gái Mường lại đươc đặt cho cái tên của một ca sĩ nổi tiếng, nào là MaiLệ-Huyền, Phương-Dung, Giao-Linh, Phương-Hồng-Quế v…v…, để rồi lúc chiều về, trong khi ngậm-ngùi nhai từng hột bo bo, thường kể cho nhau nghe rằng hôm nay đi rừng gặp được ca-sĩ nào, ai nghe tưởng như mới đi phòng trà về mà tạm quên trong giây lát cái cảnh nước sông công tù mình đang sống. Một hôm, một cô giáo hớt ha hớt hãi tìm tới chúng tôi, vì chồng cô, một bộ đội công-tác ở trong Nam được về nghỉ phép, bổng nhiên thấy mình mẩy nổi mề-đay lên đỏ rần, ngứa khắp cả người. Chúng tôi đoán là bị dị-ứng với trứng gà, vì thường ngày đi lao-động ngang qua trường học, thấy cô giáo cứ o bế mấy con gà để chờ ngày chàng về mà bồi-dưởng. Chúng tôi bèn lục lạo đươc mấy viên thuốc Phénergan đưa hết cho cô. Mấy hôm sau đi lao-động gặp lại, chúng tôi hỏi : "Sao? Anh nhà đã đở chưa?" Cô vui vẻ trả lời : "Thuốc các anh cho hay quá, khỏi ngay". Chưa kịp hỏi thêm thì bổng thấy cô cúi mặt e thẹn, ấp úng nói thêm như không muốn cho chúng tôi nghe: " Nhưng ngủ li bì, về phép có năm ngày mà ngủ như chết suốt cả năm ngày". Chúng tôi hối hận vì đã cho thuốc ngủ mà không dặn trước, làm cho cô phải bỏ lở một cơ-hội bằng vàng! Thế rồi trạm-xá càng ngày càng đông khách, dân chúng từ xa cũng nghe đồn kéo lại để cho trạm-xá được hoạt-động đúng với danh-nghĩa y tế của nó. Thiện-cảm và uy -tín càng tăng thì, ngược đời thay, cấp chỉ-huy Trại càng lo lắng. Cuối cùng, Uỷ-viên Chính-trị trên Đoàn lập tức ra lệnh không được khám bệnh cho dân nửa, vì trái với chính-sách, và ný-nuận rằng từ mấy ngàn năm nay họ đã chửa trị bằng lá rừng thì đã sao đâu! Chúng tôi trở lại lao-động, cũng đốn vầu đốn nứa như những anh khác. Phải cái tội cao giò, tôi thường được chọn đi công tác gánh hàng ở xa, để gánh luôn tất cả tủi nhục của kiếp làm… tôi mọi. Buổi sáng ra đi thì còn dể chịu, trời mát, gánh nhẹ. Nhưng buổi trưa lúc trở về, trời nắng gắt miền núi như đốt cháy da, lại phải leo đèo, mồ hôi chảy giọt, bụng đói cồn cào, cái đầu nặng trỉu, chiếc đòn gánh đè nặng trên vai đang nghiền nát da thịt như những con dao. Người cán-bộ đi theo cũng không quên máng thêm vào chiếc nón cối, cái áo trấn-thủ mà hồi sáng mang trong người vì trời lạnh, nay không cần nửa thì tội gì mà không để cho rảnh tay, vì tay đang bận cầm cây roi, một thứ thời trang của cán-bộ quản-giáo khi đi bên cạnh tù. Đã thế mà khi gặp một bạn đồng-hành, cán-bộ cũng không quên niềm-nỡ mời :"Đồng-chí có mang gì không, đưa cho nó gánh luôn". Tôi nghe mà rụng-rời, mắt hoa lên mà không dám nhắm lại vì sợ ngả sẽ không bao giờ dậy lại được, cũng không dám nhìn xa hơn mấy đầu ngón chân vì sợ không đủ can-đảm để bước thêm.... Một hôm vì nhu-cầu cấp-cứu một bệnh-nhân tù đang nguy kịch, tôi được cử theo một cán-bộ đến bệnh-viện Phù-yên để xin mấy chai nước biển. Đã lâu bị giam hãm giữa bốn bức tường núi, nay được dịp thấy lại làng mạc với cảnh sinh-hoạt của nhân-dân, lòng cũng không khỏi thích-thú vì tầm mắt đươc hé rộng ra một chút và thỏa -mãn thêm tánh tò mò nghề-nghiệp muốn biết tổ-chức y-tế miền Bắc ra sao mà các "đồng-nghiệp " đề cao như là đúng hàng đầu trên thế-giới. Huyện Phù-yên thuộc tỉnh Sơn La, nằm giữa một thung-lũng nhỏ, bốn bề là núi nhưng rất nên thơ. Từ trại tới huyện phải đi qua ngọn đèo Bang xinh xinh, có con đường mòn uốn quanh, có hoa rừng thơm ngát. Từ trên nhìn xuống gần giống như một bức tranh Tàu, mờ mờ ảo ảo., rải rát nơi nơi là nhũng túp lều lụp xụp bám theo sườn núi. Bước vào huyện phải qua một con suối lớn, mùa khô thì chỉ là một suối đá hiềnhòa thơ-mộng, nhưng khi mưa xuống thì trở nên một thác lũ kinhhoàng. Bắt ngang qua suối là một cây cầu treo, gió thổỉ đu đưa, mà lại được anh em tù gán cho cái tên rất hấp-dẩn để cho trí tưởng-tượng được nâng cao là cầu Golden Gate. Mỗi khi gánh hàng qua Golden Gate, tôi có cảm-tưởng như mình đang là một nghệ-sĩ đu giây trong một đoàn xiệc mà có thể hụt tay bất cứ lúc nào. Bên kia cầu là một túp lều không vách, gió lộng bốn phía, đó là trường học với dăm bảy em bé ốm tong teo, bụng ỏng thề lề, mỗi đứa cầm một que củi đang cháy quơ qua quơ lại trước người cho đở lạnh trong những bộ áo Mường mỏng manh. Trong khi các em nghêu ngao hát bài "Hôm qua em mơ thấy Bác Hồ..." thì cô giáo đang chăm chú ngồi vá áo, mắt đăm chiêu, hình như cũng đang mơ thấy những chuyện mà dĩ-nhiên khác hơn là thấy Bác Hồ. Hình ảnh đó làm cho tôi có cảm tưởng rằng Cụ Cao-Bá-Quát đã đi ngang qua đây để cảmhứng mấy câu thơ:"Một thầy một cô một chó cái, Nửa người nửa ngợm nửa đười ươi." Bên cạnh trường là một cái "cối giả gạo" có lẽ đã được sáng chế từ đời vua Thần Nông. Nước từ con suối nhỏ đươc dẩn qua một máng xối đục từ một thân cây, chảy xuống một thân cây dài khác, một đầu là cái chày, đầu kia đục thành một máng chứa nước. Hể máng đầy nước thì cái chày tự -động ngóc lên, rồi nước bị đổ ra ngoài để cho chày giả xuống cái cối ở đằng trước. Cứ thế mà tiếp-tục, cối cứ giả ngày giả đêm, tạo nên một tiếng đập nhịp nhàng khô khan để đánh thức cô giáo và lủ học trò khỏi ngủ gật. Năm thì mười họa, một năm vài lần cối mới có gạo để giả, vì dân phải đóng cho nhà nước hết ba phần tư số thu hoạch, vốn đã nghèo nàn trên những mãnh ruộng bằng bàn tay xếp thành từng tầng trên sườn núi. Khi đến cổng bệnh-viện, tôi được chứng-kiến một cảnh tấp-nập khác thường, nghỉ bụng rằng chương-trình ytế ở đây đã thành-công vì được dân-chúng hưởng-ứng đông đảo. Mọi người bu quanh một tấm bảng, hình như để theo dỏi một thông-báo gì quan-trọng của bệnh-viện về một biện-pháp y-tế nào đó chăng. Lại gần, tôi thấy rõ thông-báo như sau "Hôm nay bệnh-viện có mổ lợn, bán theo giá chính-thức. Đồng-bào nào muốn mua xin ghi tên ở phòng ngoại-chẩn". Tôi suýt té ngửa vì sau bao nhiêu năm hoạt động trong ngành y- tế tôi vẫn chưa biết được rằng cung-cấp thực-phẩm cho dân chúng cũng là một khía cạnh trong chương-trình y-tế. Trái với cảnh xôn-xao ngoài cổng, trong bệnh viện lại vắng tanh. Tìm cho ra người thủ-kho để xin thuốc thì được biết cô gái Mường này bận đi hái bông lau về làm nệm để tặng một cô bạn gái sắp về nhà chồng, một tục-lệ không thể bỏ được của người Mường. Lân la mãi mới gặp được bác-sĩ trực, vị này không mấy niềm-nỡ vì đang bận cải-hoạt (có nghĩa là cải-tiến sinh-hoạt để cho đời sống vui tươi hơn) bằng cách ngốn nghiến mấy củ khoai. Bác-sĩ trực cho biết "Chỉ có bác-sĩ thủ-trưởng mới có quyền quyết-định, nhưng bác-sĩ đang bận mổ." Tôi thất-vọng chán chường, nghỉ đến bệnh-nhân ở trại đang hấp-hối mong chờ mấy giọt nước hồi-sinh, nghỉ đến con đường về vừa nắng gắt vừa phải leo giốc, nghỉ đến cái dạ-dày đang cồn-cào vì sáng nay không may đọc được mấy chữ "thịt lợn" trên bảng thông-cáo mà nước bọt cứ chay dài (chẳng lẽ tôi lại biến thành con chó của Pavlov, hể nghe tiếng chuông là dịch tiêu -hóa cứ tuông chảy, rồi hay sao?) Tôi buồn rầu thất vọng, không biết bao giờ bác-sĩ trưởng mới mổ xong, vã lại áo quần lem-luốt thế này làm sao gặp được bác-sĩ ở khu giải - phẩu. Tôi đánh bạo tìm đến bác-sĩ trưc hỏi : "Thế tôi có thể gặp bác-sĩ thủ -trưởng được không?" Lần này vị ysĩ trực vui vẻ trả lời (vì đã ngốn xong mấy củ khoai): " Được chứ, có gì đâu, anh ấy đang bận mổ lợn dưới ao đấy mà". Tôi như từ cung trăng rơi xuống! Quả nhiên, cách đó không xa, cạnh bờ ao, năm ba người đang bao quanh một con lợn đã cạo lông trắng nõn nằm trên một tấm thớt lớn. Trong khi đó, bác-sĩ thủ-trưởng bệnhviện, mình trần, quần xắn tới bẹn, áo bờ-lu vắt ở hàng rào, đang nhanh nhẹn ra tay mổ bộ đồ lòng với tất cả sự nhanh nhẹn và khéo léo của một...đại giải -phẩu gia. Lẽ tất nhiên tôi phải chờ cho ông bạn đồng-nghiệp thanh toán xong con lợn để giải -quyết cho mấy chai nước biển rồi mới hân-hoan ra về. Ra tới cổng, tôi gặp lại đám dân-chúng cũng đang hân hoan thở phào nhẹ nhõm như tôi khi được tin bác-sĩ đã mổ xong...lợn. Trên đường về, lần này chiếc đòn gánh đè nặng lên vai không còn cho tôi cảm-giác đau đớn như trước nửa, vì đầu óc tôi đang bị ám-ảnh bởi một ý-tưởng muôn phần nặng-nề hơn, vì tôi đã nhìn thấy được sự thật, đã chứng-kiến tận mắt một hiện-tượng sinh-hoạt phản-ảnh lối sống của những "đồng-nghiêp" bên kia bức màn tư-tưởng.
 Phương-vũ Võ Tam-Anh

Người chứng trên Đại lộ Kinh Hoàng


Người chứng trên Đại lộ Kinh Hoàng

Quảng Trị Mùa Hè Đỏ Lửa 1972
Hốt Xác Đồng Bào Tử Nạn trên "Đại Lộ Kinh Hoàng"


Lời giới thiệu: Loạt bài bên dưới do ba người -- nhà văn Giao Chỉ, ký giả và phóng viên nhiếp ảnh NgyThanh, và cá nhân tôi, Trùng Dương -- viết từ ba góc nhìn về ba thời điểm khác nhau, song cùng một chủ đề:
“Đại Lộ Kinh Hoàng”, nơi gần 2.000 con người chạy loạn đã bị Cộng quân pháo kích chết thê thảm, không bút nào tả siết được, vào Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 khi Cộng quân từ phiá bắc tràn qua sông Bến Hải đánh chiếm Quảng Trị, trắng trợn vi phạm Hiệp Định Ngừng Chiến Genève 1954.

Nhân chứng sống, cựu Trung sĩ Phan Văn Châu, người đã sống và chứng kiến tận mắt cảnh đồng bào bị pháo kích Cộng sản tàn sát trên cái mà phóng viên chiến trường của nhật báo Sóng Thần, NgyThanh, đã đặt tên là "Đại Lộ Kinh Hoàng" sau khi anh và đồng nghiệp Đoàn Kế Tường là hai người đầu tiên đật chân lên đọan đường này hai tháng sau cuộc tàn sát, và Chương trình hốt xác đồng bào tử nạn trên ĐLKH do nhật báo Sóng Thần phát động-- (Trùng Dương).



Nhân chứng qua đêm
(Giao Chỉ)

Khi đi tìm nhân chứng của một chiến trường hết sức oan nghiệt và thê lương, hết sức dũng mãnh và hào hùng, tôi vẫn không quên đoạn đường đầy xác người trên Quốc Lộ số 1.

Ngay khi chiến trường còn vương khói súng, cây bút nhẩy dù, đại úy Phan Nhật Nam đã viết “Mùa hè đỏ lửa”. Tác phẩm đem vinh quang cho tác giả đồng thời cũng làm khổ ông sau 1975. Nhưng trước sau “Mùa hè đỏ lửa” đã gắn liền vào tên tuổi Phan Nhật Nam.

Phải chờ đến 32 năm sau, Hà Nội mới xuất bản cuốn “Mùa hè cháy” của đại tá pháo binh “quân đội nhân dân” viết về trận pháo kích của trung đoàn pháo Bông Lau, trận pháo dã man trên đường di tản của dân Quảng Trị, giết chết hàng ngàn người và làm đoạn đường trên 2 cây số giữa con sông Thạch Hãn và Mỹ Chánh trở thành “Ðại Lộ Kinh Hoàng”.

Chúng tôi vẫn đi tìm xem ai là người đặt tên cho đoạn đường của trận thảm sát mùa hè năm 1972. Có lẽ chỉ trong chiến tranh Việt Nam mới có cái đại lộ mang tước hiệu kinh hoàng.

Anh phóng viên của bộ thông tin có mặt tại Quảng Trị nói rằng bác đi hỏi ông Lê Thiệp trên Washington, D.C. Khi quân ta phản công ở Mỹ Chánh, ông nhà báo Lê Thiệp có đi theo trên Quốc Lộ 1 qua lối này. Năm 2005 tôi có nhân dịp gặp ông Thiệp tại DC, ông nói rằng không biết tay nào đặt cái tên “Ðại lộ Kinh Hoàng” thật hay. Câu chuyện dừng tại đó.

Một lần khác, chúng tôi rao lên là muốn tìm gặp những ai đã chạy trên con đường ác độc vào đúng lúc địch pháo kích. Tôi biết có trung tá Lê Huy Linh Vũ của Tổng cục Chiến tranh Chính trị là người đã trải qua và đã viết lại thành cuốn sách. Con gái của Trung tá Vũ là họa sĩ Hương, Alaska, có cho phép chúng tôi in lại cuốn này để tặng các bạn. Nhưng ông Vũ nay không còn nữa.

Ðại tá Hà Mai Việt, tỉnh trưởng Quảng trị thời kỳ 1972 đã nói rằng: “Tại ông không lưu tâm đọc sách của tôi. Mở trang này ra mà xem, nhân chứng sống là ông Phan văn Châu. Tôi đã viết rõ từng trường hợp của trận Quảng Trị trong tác phẩm Thép và Máu. Ông nhân chứng này không những chịu đựng trực tiếp trận pháo trên quốc lộ mà còn nằm lại một đêm giữa các xác chết.” Sau cùng nhờ ông Hà Mai Việt, chúng tôi đã gặp nhân chứng sống. Trung sĩ Phan văn Châu, năm nay 68 tuổi, quả thực là một người dân tiêu biểu của miền đất Quảng. Qua máy điện thoại, dường như cả một trời tâm sự tuôn tràn. Những hình ảnh quê hương, chiến tranh, loạn lạc, pháo kích, khói lửa, lẫn lộn giữa trận 1972 và trận 1975.

Nói đến chuyện đất nước biết bao nhiêu địa danh: nào là Nhan Biều, Cầu Ga, Ái Tử, Mai Lĩnh, Cầu Dài. Rồi đến biết bao nhiêu con sông, bao nhiêu rạch nước. Âm thanh đất Quảng của người dân chân chỉ hạt bột, vòng qua quay lại để sau cùng trở về với cái ngày cả gia đình bỏ Nhan Biều mà đi.

Ông Châu nói rằng, lúc đó dường như mọi người đã chạy hết. Phan văn Châu là trung sĩ thông dịch viên cho ngành tình báo tại Ðà Nẵng đang đi công tác về Ái tử.

Ðến khi thiên hạ bỏ chạy hết, thầy thông ngôn trẻ tuổi mặc đồ dân sự cùng một đứa cháu, dẫn vợ có bầu với ba đứa con nhỏ, năm một, 6, 7, và 8 tuổi. Tất cả vội vàng ra đi bỏ lại phía sau căn nhà mới cất tại Nhan Biều bên bờ bắc của sông Thạch Hãn.

Vợ con đi trước một đoạn với gia đình bà chị. Thằng cháu và ông Châu đi xe gắn máy kéo theo một chiếc xe gỗ hai bánh. Hành trang chất đầy, người kéo, người đẩy, chiếc xe qua khỏi cầu Ga, đi được một đoạn dài đến 9 giờ sáng thì pháo nổ ngay trên đường. Con đường đầy người chạy loạn. Cả dân cả lính với đủ mọi thứ xe. Ða số đi bộ vì đường tắc nghẽn nên không thể đi nhanh. Ðạn rơi chỗ nào cũng có người chết. Xác bắn tung lên trời. Khói lửa mù mịt. Mạnh ai nấy chạy. Vợ con thất lạc ngay từ lúc đó. Ông Châu nghĩ rằng vợ con có thể đang ở phía trước. Nhưng phía trước hay phía sau thì cũng bị pháo. Khi pháo tạm ngưng thì có người lại tràn ra đi tới. Nhưng phần lớn nằm yên chịu trận. Có nhiều người không chết ở đợt pháo đầu nhưng rồi bị chết ở các đợt pháo sau. Nhiều xác chết trên đường bị pháo đi pháo lại nhiều lần. Bị thương rồi lại bị pháo rồi cũng chết. Biết bao nhiều người cố chạy cho thoát bỏ lại cả gia đình vợ con. Những đứa nhỏ nằm khóc bên xác mẹ. Những em bé sơ sinh bú vú mẹ đã lạnh khô. Có người còn sống thấy đó mà phải bỏ đi. Ông Châu và đứa cháu chạy về phía đông quốc lộ, vùi thây xuống cát mà chịu đựng một ngày pháo kích. Ðủ loại pháo của cộng sản thay phiên bắn phá suốt một ngày dài. Pháo 122, pháo 130 và pháo 155. Chỉ khi nào có B52 đến thả bom mới thấy địch im tiếng súng được một lúc. Toàn thân ông tê liệt dưới trời nắng gắt. Phải bò đến các vũng nước có cả phân trâu và máu người để uống.

Khi trời tối dần, tất cả đều im lặng và ghê sợ. Ông Châu và đứa cháu bắt đầu bò quanh lật các xác chết đàn bà và trẻ em lên xem có phải vợ con. Lật một xác phụ nữ mà ông nghĩ rằng người vợ, đầu óc ông mê muội. Thằng cháu còn tỉnh táo nói rằng không phải mợ. Mợ có bụng mà cậu. Mấy người khác còn sống cũng làm như vậy. Tất cả đi tìm xác thân nhân. Nhưng rồi trời tối hẳn, bộ đội Việt Cộng bắt đầu xuất hiện. Chúng tìm đến các xe nhà binh và tìm các quân nhân mặc quân phục bắt đi hết. Cậu cháu ông Châu khai là dân thường nên được lệnh phải nằm yên tại chỗ. Ðêm hôm đó, ông Châu thức trắng trên bãi cát đẫm máu của Ðại lộ Kinh Hoàng. Hình như có đôi lúc ông cũng thiếp đi. Cũng chẳng còn nhớ rõ.

Chung quanh toàn xác chết. Người chết nhiều hơn người sống. Những xác chết cháy như than củi . Ông nghĩ rằng chắc xác vợ con cũng quanh đây. Sáng hôm sau, từ sớm mai những người còn sống đành phải bỏ lại một cánh đồng xác ở đằng sau để chạy về miền Nam. Ði đến cầu Dài gần sông Mỹ Chánh thì gặp toán tiền sát của thủy quân lục chiến Việt nam chận lại. Khi biết chắc là không phải quân địch, ông trung úy thủy quân lục chiến phất tay cho qua. Vừa đi khỏi một đoạn đường thì thấy ông sĩ quan bị du kích phía sau bắn sẻ chết ngay tại chổ. Ðó là cái chết cuối cùng ông chứng kiến tại Quảng Trị.

Tìm xe quá giang về Huế với tâm trạng hết sức não nề. Nhưng rồi phép lạ đầu tiên đến với cuộc đời ông. Ngay tại khu vực tạm cư Phú văn Lâu, thuộc thành phố Huế, ông gặp lại đầy đủ vợ con. Bà vợ mang bầu đã dẫn ba đứa con nhỏ đi xuống đường ven biển theo dân địa phương. Ðoàn người đi xa quốc lộ nên tránh được pháo kích.

Vợ con dắt díu nhau đi suốt một ngày một đêm về đến Mỹ Chánh, rồi được xe cho bà bầu quá giang về Huế. Hai năm sau người vợ đầu tiên của ông Châu qua đời, sau khi sinh cho ông thêm ba ngưới con nữa. Cô gái còn nằm trong bụng mẹ trên đại lộ kinh hoàng năm nay đúng 37 tuổi, tốt nghiệp đại học và đã có gia đình, hiện cư ngụ tại miền đông Hoa kỳ.

Những bước chân trần ai trên bãi cát Quảng Trị mùa hè năm 1972 của bà mẹ mang bầu không biết có còn vương vấn chút nào trong lòng cô bé nghe pháo kích từ lúc chưa ra đời. “Tụi nhỏ chẳng biết gì đâu,” ông Châu nói. “Chỉ có đứa lớn nhất năm nay ngoài 40 tuổi là còn nhớ đôi chút.” Hỏi rằng thế ông có được bao nhiêu con tất cả. Ông tính nhẩm rồi nói rằng tất cả 10 con. Bà đầu tiên sáu con. Bà thứ hai ba con. Bà này bỏ tôi đi lấy chồng nên bây giờ vẫn còn ở Việt Nam. Tôi đưa cả ba cháu sang đoàn tụ bên này. Bà hiện nay ở với tôi có một cháu, năm nay cháu 24 tuổi rồi. Bà sau này có một con riêng. Như vậy là chúng tôi có 11 con. Thế bác có hạnh phúc không? “Hạnh phúc chứ. Tất cả là số trời,” ông Châu nói, “Cái đêm nằm ở đại lộ kinh hoàng, uống nước máu người và phân trâu tôi không bao giờ giờ nghĩ đến có ngày đi Mỹ như bây giờ. Tôi nghĩ bấy giờ vợ con chết hết thì mình sẽ ra sao. Làm sao tìm xác? Rồi chôn ở đâu? Hàng trăm xác người chung quanh, biết bao nhiêu xác trẻ con, vợ con tôi đều trong số đó. Không hiểu nó bắn pháo đạn gì quá ác. Tất cả xác chết như than củi chẳng làm sao biết được người nào là người nào.”

“Năm 1973 tôi có trở lại, đi qua con đường thấy có đài tưởng niệm, rồi có các mồ chôn tập thể, có mồ chôn riêng rẽ. Lòng tôi hết sức xúc động,” ông Châu nói. “Cho đến bây giờ tôi vẫn còn xúc động. Con cháu tôi thì nhiều nhưng mà làm sao các con hiểu được những gì tôi đã trải qua. Trận 72 quân ta mới lấy lại một nửa Quảng Trị. Ðứng bên này dòng Thạch Hãn, bên kia là Nhan Biều, nơi tôi ra đời còn cả ngôi nhà thân yêu. Bên ta đã bị địch chiếm bờ Bắc, chỉ giữ được bờ Nam, đến 75 thì bờ Nam cũng chẳng còn.”

“Vâng thưa bác, năm nay em 67 tuổi,” ông Châu nói tiếp, “Quê ở Nhan Biều, bờ bắc sông Thạch Hãn, ngay dưới cầu Ga. Nhà em thi vào làm trung sĩ thông dịch viên năm 1966 khóa 11 tại Quân đoàn I . Sau 75 em trốn được. Nếu khai thật chắc là bị buộc tội CIA. Sau đó em vượt biên rồi đoàn tụ. Trước sau ba vợ, 11 người con. Bà sau này là bà bền chặt nhất đã sống với nhau 25 năm. Vâng, thưa bác, đây chắc chắn là bà sau cùng. Gia đình em rất hạnh phúc. Phần em, dù có bị kinh hoàng nhưng cũng chỉ có một ngày một đêm. So với người ta có người cả đời kinh hoàng thì nỗi khổ của chúng em có thấm vào đâu.”

Ðó là câu chuyện của ông Châu, nhân chứng số 1 của chúng tôi. Tôi hỏi ông Châu câu cuối cùng.

“Ông có biết ai đặt tên Ðại Lộ Kinh Hoàng.” “ Không đâu,” bây giờ ông gọi tôi là cụ. “Cụ với cụ Việt không biết thì ai mà biết. Nhưng quả thực là kinh hoàng thực đấy các cụ ạ.”

Tuy hỏi vậy, nhưng tôi đã tìm ra ai là người đặt tên …



"Đại Lộ Kinh Hoàng"
(NgyThanh)


Năm ấy tôi 23 tuổi, mặc đồ lính mới được một năm, chịu trách nhiệm phòng nhiếp ảnh của Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 10 Chiến Tranh Chính Trị, KBC 3463, đóng tại bờ biển Thanh Bình, Đà Nẵng. Với số tuổi oắt con của thời chiến sau khi vừa rời quân trường chỉ một năm, tôi còn ngu ngốc lắm, lại ham vui, và hiếu thắng, ngày nào không ra mặt trận để chiều về làm bản tin hành quân, là một hổ thẹn với tất cả đạo quân phóng viên nằm tại Huế, một thành phố lỏng lẻo vì phần lớn thường dân và vợ con lính đã chạy vào Đà Nẵng, sau kinh nghiệm “di tản chiến thuật” khỏi Quảng Trị Đông Hà.

Bấy giờ, phía Nhảy Dù vẫn giữ cánh trái giữa Quốc Lộ 1 trải dài lên phía Động Ông Đô và căn cứ Barbara, đánh cuốn chiếu ra từ sông Mỹ Chánh. Thủy Quân Lục Chiến cặp sườn QL1 bên trái giăng hàng ngang theo sông Mỹ Chánh ra tới các làng Mỹ Thủy, Gia Đẳng ở trên bờ biển, cùng nhắm hướng tây bắc.

Hôm 1-7-1972 , đám phóng viên chiến trường "ăn cơm tháng ở quán ăn trước khách sạn Hương Giang Huế" không đi tập trung như mọi ngày, mà tản mác theo các đơn vị Nhảy Dù và TQLC bố phòng hơn là theo các mũi dùi tấn công chính trên đường đánh về Quảng Trị. Cái ngày rất dễ nhớ vì vừa chẵn 2 tháng sau khi ông anh họ tôi ném trái CBU-55 xuống cầu Đông Hà để diệt sống đoàn xe tăng T-54 đang qua cầu để tấn công phía sau lưng của quân Việt Nam Cộng Hoà đang "di tản chiến thuật", bỏ ngỏ phần đất tỉnh Quảng Trị, và̀ tái bố trí ở bờ sông Mỹ Chánh. Hôm ấy tôi đi chung với Đoàn Kế Tường, cả hai chúng tôi là phóng viên chiến trường của báo Sóng Thần. Bên cạnh tình bạn, Đoàn Kế Tường là người Quảng Trị, anh cũng là quân nhân của một đơn vị pháo binh Sư Đoàn 3 Bộ Binh, nên rành rẻ đường đi nước bước trong thành phố, nếu chúng tôi có may mắn lọt vào được thành phố tái chiếm trong tư cách là phóng viên đầu tiên -- nhưng chuyện ấy sau mới xẩy ra trên đường Lê Huấn.

Khoảng 10 giờ sáng, đầu cầu Bến Đá vắng lặng và không có lính trấn thủ khi chúng tôi đến: những mũi dùi tấn công của Nhảy Dù và TQLC đã được trực thăng vận vượt sông đánh lên quá sông Trường Phước. Bến Đá bấy giờ có hai cầu. Cầu xe hơi trên QL1 bị phá sập, hoàn toàn không qua được. Chiếc cầu sắt xe lửa nằm ở phía núi gảy gục đoạn giữa cắm xuống sông thành hình chữ V, khu đất đầu cầu do quân VNCH trấn giữ trước đó đã được cài nhiều mìn chống chiến xa.

Thấy yên lặng và không có người, cả ta lẩn địch, hai chúng tôi bò theo khung cầu sắt gẫy qua bên bờ bắc, len lách giữa đám mìn chống chiến xa, để quay trở lại QL1.

Trước mắt chúng tôi, ngay trên bề mặt QL1, là xác xe chiếc ngược chiếc ngang, phần lớn giở mui không biết vì lý do gì. Trong nhiều xe cứu thương đã bị bắn cháy nhưng còn đọc được phù hiệu Hồng Thập Tự hai bên hông, chúng tôi nhìn vào cánh cửa xe hé mở và thấy xác thương binh chết nằm chết ngồi trong đó, mùi tử khí đã dịu thành mùi thối, thay vì mùi tanh nồng của xác người như khi mới chết ít hơn hai tuần. Chúng tôi tiếp tục lội xuống bãi cát hai bên đường, bãi phía biển có nhiều xác chết hơn bãi phía núi, có lẽ vì khi bị tàn sát, người ta có khuynh hướng chạy ra phía đông là khu vực có thể có người tiếp cứu mình, trong khi phía núi chỉ là vùng hoang vu, không có ai sinh sống. Trên bãi cát nầy chúng tôi thấy xác người lớn và xác trẻ em, xác quân nhân và xác thường dân, cảnh sát. Nhiều xác úp mặt chồng lên nhau, có lẽ bị bắn chết khi đang chạy tới để thoát hiểm và bị bắn từ sau lưng.

Vì không có xe cộ lưu thông, hai chúng tôi luẩn quẩn dọc đoạn đường xác người nầy trong vòng khoảng non cây số. Chúng tôi đã chụp (bằng phim) rất nhiều ảnh của đoạn quốc lộ nầy, khi công binh VNCH chưa bắc cầu dã chiến qua sông Bến Đá, nên hình chúng tôi chụp còn nguyên vẹn bãi chiến trường.

Vào xế trưa, công binh bắc xong cầu, và mang xe ủi qua, gạt các xác xe dạt xuống hai bên vệ đường, mở một lối đi nhỏ trên mặt nhựa cho các xe tiếp tế đạn dược lên phía Quảng Trị, cũng như lấy thương binh và xác tử sĩ về. Do đó, ngoài hình ảnh của chúng tôi, những hình chụp sau khi xe ủi qua, đã không còn cảnh nguyên thủy của nét kinh hoàng.

Buổi tối về tới Huế, như mọi khi, tôi gọi cho anh Đỗ Quý Toàn bên Phú Nhuận để nhờ anh ghi lại tin tức về hoạt động của chúng tôi trong ngày, để sau đó anh ấy chuyển cho anh Đỗ Ngọc Yến, là người ngồi cạnh anh Uyên Thao, tổng thư ký tòa soạn. và các anh Trương Cam Vĩnh, Đường Thiên Lý để làm tin và̀ chọn tin. Anh Yến vẫn chuyển tin của chúng tôi tới anh UT như thế mỗi ngày. "Đại Lộ Kinh Hoàng" là cái tên tôi chọn làm đề tựa bài viết ngày hôm ấy. Chọn "Đại Lộ Kinh Hoàng" thật ra cũng chỉ do một phút ngẩu hứng thôi, như một vế cho câu đối "Con Phố Buồn Thiu" (La rue sans joie) mà Bernard Falls đặt cho hương lộ 555 chạy dọc bờ biển Quảng Trị, cách đó vài cây số, trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương Lần thứ nhất, 1946-54.

Vài tuần sau, chị chủ nhiệm Trùng Dương và anh chị em Sóng Thần tổ chức chiến dịch thu lượm xác người trên "Đại Lộ Kinh Hoàng". Tòa báo bỏ chi phí ra làm việc nầy.

Đích thân chủ nhiệm từ Saigon ra ăn chay nằm đất với chúng tôi, hàng ngày kết hợp với anh Nguyễn Kinh Châu, trưởng văn phòng đại diện Sóng Thần Huế, và các thân hữu, chúng tôi liên tục tới hiện trường thu nhặt xác chết gói vào từng bao nylon, trước khi bỏ vào quan tài bằng gỗ thô sơ, mai táng ở một khu đất xin được ở phía đông của QL1, ở làng Mỹ Chánh. Khi làm việc nầy, chúng tôi không treo băng dựng bảng để khoe công. Tấm bảng thật lớn cắm ở đầu cầu bên trái sau khi qua khỏi cầu Bến Đá (trước ngày mất nước) là do lệnh của Tổng thống Thiệu. Bốn chữ "Đại Lộ Kinh Hoàng" là chữ của tôi, nhưng bên dưới tấm bảng ghi là "Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu".

Những chuyện vụn vặt quanh cái tên ĐLKH đã cũ quá rồi, tôi không nhớ hết. Anh Uyên Thao còn sống. Anh Đỗ Quý Toàn còn sống. Ký giả Anh Điển còn sống. Chị Trùng Dương còn sống. Đoàn Kế Tường còn sống (đang làm báo Công An TP HCM). Tôi quý anh [Giao Chỉ, trong nhóm thực hiện phim tài liệu Quảng Trị] nên ghi lại một ít chi tiết để anh đọc chơi, nhưng nếu có ai muốn nhận bốn chữ "Đại Lộ Kinh Hoàng" là của họ, thì cứ giao cho họ, anh ạ. Mất nước, nhưng chúng ta còn nhiều việc phải làm hơn là tranh nhau cái chức vị "tác giả" của bốn chữ sáo rỗng ấy.
Houston, Tháng 9, 2009




Hốt xác đồng bào
Trùng Dương


Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân và Việt Nam Cộng Hòa với trụ sở đặt tại San Jose, California, qua nhà văn Giao Chỉ Vũ Văn Lộc, vừa chuyển đến chúng tôi lời mời tham dự vào việc thực hiện cuốn phim tài liệu về trận phản công tái chiếm Quảng Trị của quân đội Việt Nam Cộng Hòa vào Mùa Hè 1972. Đây là một trong một loạt phim tài liệu nhằm viết lại lịch sử 20 năm của Việt Nam Cộng Hòa trong đó, theo Viện BTTN&VNCH, loạt phim Chân Dung Người Lính Việt Nam Cộng Hòa gồm bốn DVD, tổng cộng 8 giờ, được coi là “sản phẩm tiêu biểu".

Ông Lộc cho biết Viện BTTN&VNCH hiện đang xúc tiến thực hiện một bộ phim tài liệu về trận Quảng Trị 1972, còn gọi là "Mùa Hè Đỏ Lửa", khi Bắc quân đem quân và chiến xa tràn qua Vùng Phi Quân Sự tại vĩ tuyến 17, trắng trợn vi phạm Hiệp Định Geneve 1954, xâm chiếm Quảng Trị vào tháng 3-1972, song bị quân đội VNCH đẩy lui sáu tháng sau đó.

"Trong chiến tranh VN có ba trận đánh quy mô cần quan tâm. Đó là trận Mậu Thân, Hoa Kỳ gọi là Tet Offensive 1968. Trận thứ hai là trận Quảng Trị 1972, Hoa Kỳ gọi là Easter Offensive. Trận thứ ba là 30-4-1975," Ông Lộc cho biết trong lá thư gửi tới thân hữu. "Lịch sử chiến tranh Việt Nam cần có một phim tài liệu về Quảng Trị. Ðây sẽ là phim đầu tiên."

Được biết cuốn phim tài liệu về Quảng Trị sẽ gồm hai đĩa. Ðĩa thứ nhất dành cho thời gian từ ngày lui binh sau khi thất thủ Đông Hà - Quảng Trị từ cuối tháng 3 đến đầu ngày 1-5-1972; và đĩa thứ hai dành cho thời gian phản công từ tháng 5 đến tháng 9-1972. Bộ phim Quảng Trị là một phần của chương trình sản xuất các tài liệu song ngữ của Viện BTTN&VNCH để phổ biến khắp thế giới và dành cho thế hệ tương lai.

Chúng tôi được ông Vũ Văn Lộc mời đóng góp vì những bài báo của các phóng viên chiến trường của nhật báo Sóng Thần tường thuật tại chỗ về Mùa Hè Đỏ Lửa, mà một trong những tác giả của những bài tường thuật bấy giờ hiện có mặt tại Hoa Kỳ, là NgyThanh, có thể đóng góp cho dự án phim tài liệu với tư cách một nhân chứng.

Nhật Báo Sóng Thần, do tôi làm chủ nhiệm và chủ bút, cố nhà văn nhà báo Chu Tử làm chủ biên và ký giả Uyên Thao, hiện định cư tại Virginia, làm tổng thư ký, ngoài phần vụ thông tin, đã có những đóng góp ngoài nghề nghiệp mà chúng tôi, vì tính chất nhân đạo của những việc này, ít khi đề cập tới.

Trước hết, về mặt thông tin: Khi chiến trận bùng nổ, văn phòng đại diện Sóng Thần Quảng Trị do anh Nguyễn Quý coi sóc phải di tản vào Huế, sáp nhập với văn phòng đại diện Sóng Thần Huế do anh Nguyễn Kinh Châu điều hành, cộng với NgyThanh đặc phái viên Sóng Thần Quân Khu I từ Đà Nẵng ra tăng cường. Kết quả là nhờ số nhân sự đông đảo của văn phòng ba tỉnh nhập lại, chúng tôi may mắn có đủ lực lượng để bao sân nhiều lãnh vực. Đặc biệt là nhờ văn phòng trưởng Nguyễn Kinh Châu, vốn là một "thổ công" địa phương, có nhiều móc nối quen biết từ cấp tỉnh trưởng trở xuống; Đoàn Kế Tường, quân nhân đồng thời cộng tác với văn phòng Sóng Thần Quảng Trị, vì “đánh mất” Quảng Trị nên ngày nào cũng bám theo các mũi dùi tái chiếm với lời thề sẽ là nhà báo đầu tiên đặt chân trở lại thành phố thân yêu; Trần Tường Trình theo chân Sư Đoàn 1 kiên cường trấn thủ Bastone, Birmingham và Tà Rầu ở cạnh sườn phía tây; và Ngy Thanh, phóng viên và cũng là một nhiếp ảnh viên xông xáo, ra bám trụ tại Huế để hằng ngày theo các mũi tiền quân của QLVNCH săn tin. Trong khi nhiều ký giả trong nước cũng như ngoại quốc, lúc ấy vì bất ngờ, chưa kịp trở tay, thì Sóng Thần đã có tin cập nhật hàng ngày do các đặc phái viên “nằm vùng” của các văn phòng này gửi về. Do đấy, báo Sóng Thần có số bán lớn nhất trong thời kỳ này.

Song có lẽ một trong những điều đáng nói hơn cả, và cũng ít người biết tới, là chương trình hốt xác của ngót 2.000 đồng bào thiệt mạng vì pháo kích lẫn bom bay đạn lạc trên đoạn Quốc lộ 1 từ cầu Bến Đá tới cầu Trường Phước – đoạn đường máu mà NgyThanh trong bài tường thuật qua điện thoại tối 1-7-1972 đã gọi bằng tên "Đại Lộ Kinh Hoàng", và bốn chữ đó trở thành tên của đoạn quốc lộ của Tử Thần này.

Ngay sau bài tường thuật tại chỗ và những hình ảnh do NgyThanh chụp cảnh máu đổ thịt rơi của các nạn nhân, anh chị em Sóng Thần chúng tôi ở mỗi nơi không hẹn mà gặp trong tâm tư dằn vặt về vô số xác chết phơi nắng dầm mưa trên Đại Lộ Kinh Hoàng. Hồi ấy Nhật Báo Sóng Thần đang thực hiện chương trình "Sống Một Mái Nhà" và tòa soạn ủy thác việc trông coi cho Vũ Ngọc Long, một sinh viên trẻ tới với nhóm ST từ khi còn phôi thai. Hàng tuần hay tháng, tôi không còn nhớ rõ, Long đều đặn dẫn một số sinh viên học sinh tình nguyện đi xây lại nhà cho một gia đình nghèo ở quanh thành phố Saigon. Khi chúng tôi ngồi lại bàn với nhau về việc phải làm một cái gì cho các nạn nhân chiến cuộc này, ký giả Đường Thiên Lý đề nghị quyên tiền để giúp hốt xác nạn nhân và đặt tên cho chương trình này là "Thác Một Nấm Mồ", có lẽ là cho có được tính liên tục với chương trình do Long trông coi. Trong khí đó ngoài miền Trung, không hẹn mà Nguyễn Kinh Châu cũng bàn bạc với cố bác sĩ Phạm Văn Lương, người trông coi văn phòng Sóng Thần Đà Nẵng. Hai anh đồng ý nhân danh tập thể Sóng Thần để tiến hành thu nhặt xác, và anh Lương gọi vào Saigon đúng lúc chúng tôi cũng vừa bàn xong, và định gọi ra xin quyết định của các văn phòng địa phương.

Máu chảy ruột mềm, đáp ứng của độc giả đối với lời kêu gọi đóng góp của Sóng Thần cho chương trình "Thác Một Nấm Mồ" vừa mau mắn vừa đông đảo, cho thấy tính nhân bản và tình thương rất cao của người Việt miền Nam đối với các đồng bào ruột thịt miền Trung thiếu may mắn chết mà chưa yên, thân xác còn phơi nắng dầm sương ròng rã đã nhiều tháng trời, khiến không ai là không khỏi đau xót. Tôi được anh chị em trong nhóm chủ trương tờ báo đề cử đem gói tiền đầu tiên góp được ra Huế trao anh Nguyễn Kinh Châu để xúc tiến chương trình hốt xác.

Tôi không bao giờ quên được một tuần lễ ở Huế dạo ấy. Hồi ấy, tôi không nhớ đích xác tháng nào, quân Cộng hoà đã lấy lại được phần đất phía dưới Quảng Trị, nơi có đoạn đường có hỗn danh là Đại Lộ Kinh Hoàng, song chưa mở ra cho dân chúng vào vì chiến cuộc vẫn còn diễn ra, với đạn pháo tầm xa 130 ly của quân Cộng sản vẫn thỉnh thoảng rót xuống vùng này từ trên dãy Trường Sơn. Và hễ mỗi lần có pháo kích từ núi xuống là sau đó không bao lâu ta có thể nghe tiếng rung chuyển trời đất của máy bay bỏ bom B-52 dội bom phản kích.

Qua sự dàn xếp của anh Nguyễn Kinh Châu, chúng tôi – gồm anh Châu, NgyThanh, tôi, và cả chị Châu cũng không bỏ lỡ dịp xin đi theo trong một, hai chuyến đầu – vào được khúc đường này, mướn đem theo mấy người phu chuyên nghiệp cải táng. Đối với các ông thợ này – tôi để ý thường họ đem theo vài chai rượu đế, vừa để uống vừa để khử trùng – hốt xác không phải là việc xa lạ: Họ đã trở thành các tay chuyên nghề sau khi phía Cộng Sản chôn sống quá nhiều người trong vụ Tết Mậu Thân 1968 để họ thực hành việc hốt xác của nhiều ngàn người bị chôn trong những hố tập thể.

Ngày đầu nhặt xác dọc hai bên Đại Lộ Kinh Hoàng, tôi như đi trong một cơn mộng dữ, không uống rượu mà như say, bước đi mà chân như không chạm đất, giữa một bầu không khí đầy mùi tử khí trong một khung cảnh với nhiều chiếc xe, kể cả chiến xa, cháy rụi nằm ngang dọc đó đây, áo quần đồ đạc vương vãi bên những xác người đã rữa nát nằm chết đủ kiểu la liệt, trong đó có nhiều đàn bà và trẻ con.

Trong khi NgyThanh bấm máy không ngừng, tôi đi quan sát những xác người. Một trong những hình ảnh tôi nhớ nhất, tới tận bây giờ, là cảnh một người mặc đồ lính đã rách nát, nằm xoãi hai chân hai tay, đầu gối trên một khúc cây gẫy, khuôn mặt gần như chỉ còn xương với tí thịt rữa còn vương dính lại, hai hốc mắt là hai cái lỗ đen ngước lên như chất vấn trời cao. Tự dưng tôi nghĩ anh ta đã chỉ bị thương, chưa chết, đã cố lết tới đây nằm vật ra, mặt ngửa lên trời, và chết dần. Tôi tự hỏi anh đã nghĩ gì trước khi trút hơi thở cuối cùng. Mẹ cha, anh chị em, vợ con hay người tình ở đâu? Lớn lên trong chiến tranh và sống phần lớn ở Sàigòn, thỉnh thoảng có thấy người ta chết vì súng đạn, vì pháo kích, nhưng đây là lần đầu tôi thấy nhiều người chết như vậy, và chết đủ kiểu. Tôi có mô tả những cảnh này trong bài phóng sự đăng làm nhiều kỳ trên báo Sóng Thần, như một báo cáo lại với những nhà hảo tâm đã mau mắn đóng góp tiền bạc để chúng tôi thực hiện công tác nhân đạo này.

Những ngày kế đó chúng tôi hàng ngày, sau khi ăn sáng rất thanh đạm, chất nhau lên một cái xe cam-nhông nhà binh do anh Châu điều đình mượn được, cùng với mấy người thợ bốc xác, trở lại Đại Lộ Kinh Hoàng. Có lúc tôi ngồi xem mấy người thợ bốc xác làm việc, vừa nghe họ kể chuyện hồi hốt xác nạn nhân Tết Mậu Thân, như thể những gì đang diễn ra chưa đủ kinh hoàng bằng. Nào là có linh hồn nọ, linh hồn kia về than còn thiếu bàn tay, khúc xương, cái sọ, vv. Thỉnh thoảng có ông thợ ngưng tay lôi chai rượu đế ra nốc một ngụm. Vì họ làm việc bằng tay trần, không có bao tay, nên ruợu cũng còn được dùng để mấy ông thợ rửa tay trước khi ăn trưa.

Những gì có thể giúp để nhận diện xác chết, như thẻ căn cước, hay một món đồ đặc biệt nào đó tìm thấy gần xác đều được anh Châu ghi lại trong sổ tay, bên cạnh số của xác đã được ghi trên bọc plastic đựng xác. Tôi xem và ghi chép. Khi nào mỏi mệt, tôi ra đứng ngoài lộ nhìn lên rặng núi Trường Sơn, nhớ lại những mẩu chuyện nhà văn hồi chánh Xuân Vũ kể trong Đường Đi Không Đến, tự hỏi sao con người ta ở đâu không chịu ở yên đấy để xây dựng xã hội, phát triển kinh tế, vun sới đời sống và con người, như các nước khác trong vùng Đông Nam Á này? Sao gây ra chiến tranh? để chi? được chi? Rồi tôi ngóng về phía bắc lắng nghe tiếng súng vẳng lại từ phía Quảng Trị, nơi quân Cộng Hòa đang đánh chiếm lại từng thước đất đã bị Cộng quân chiếm đóng, và thầm cầu nguyện cho những người lính Cộng hoà.

Có lần, chúng tôi đang làm việc thì nghe mấy người lính Cộng Hòa gọi nhau ơi ới, và vẫy gọi cả chúng tôi. Anh Châu ra lệnh cho mọi người ngưng tay chạy tìm chỗ ẩn náu vì pháo kích từ trên Trường Sơn bắt đầu rót xuống quanh chỗ chúng tôi. Ai đó kéo tôi xuống một hố bom bảo bám chặt vào thành hố bằng cát, đã hẳn là dù vậy vẫn thấy mình từ từ tuột xuống vì cát rời. Tôi đang thắc mắc sao không xuống hẳn lòng hố cho chắc ăn thì có người chỉ cho tôi thấy một trái bom bi chưa nổ ở dưới lòng hố.

Mỗi chuyến xe chúng tôi chở xác về xếp trong ngôi trường của thị trấn Mỹ Chánh, nhiều người có thân nhân trong đám nạn nhân trên Đại Lộ Kinh Hoàng chờ chực sẵn ở đó xúm lại tíu tít hỏi thăm, mặt ai cũng bơ phờ, thất thần, thấy thương tâm hơn cả người đã chết nay không còn gì để phải vương vấn nữa. Trong một cuộc điện đàm gần đây với NgyThanh, anh Châu cho biết con số đích xác của những xác người đã được hốt về từ Đại Lộ Kinh Hoàng năm ấy: 1.841 xác. Một ngàn tám trăm bốn mươi mốt xác người, anh nói không một giây do dự hồi tưởng, như thể con số ấy đã được ghi tạc trên phiến đá của ký ức anh từ 37 năm qua chỉ chờ dịp bật ra khi được hỏi tới! Những xác người bất hạnh này đã được ch ôn tại một khu đất sau lưng trường tiểu học Phong Nguyên ở Mỹ Chánh, được biết tới với tên Nghĩa trang Đồng bào Chiến nạn Quảng Trị.

Cứ vậy mà một tuần trôi qua đến ngày tôi phải về lại Saigòn, trước sự bịn rịn của anh chị Châu. Tôi mất ngủ nhiều ngày sau đó, vì sợ thì ít mà vì những gì đã thấy đã khiến tôi như tê dại hẳn đi – cảm giác tê dại mà tôi lại được biết tới vào ba năm sau đó, ngày 30 tháng 4, năm 1975 ...

Vì nhận thấy đây là một sinh hoạt có tính cách nhân đạo, nếu đưa vào phim có thể làm loãng đi chủ đề của phim, đó là về cuộc chiến đấu dũng cảm của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà nhằm tái chiếm lại Quảng Trị, nên chị em chúng tôi bàn nhau viết bài này để ghi lại một sinh hoạt mà nếu không ghi lại cho các thế hệ tới thì sẽ bị mai một đi, cùng với bao nhiêu câu chuyện khác của một thời Việt Nam Cộng Hoà nhân bản, đầy tình người, dù những hạn chế không tránh được của một chế độ vừa lo phát triển vừa phải lo chống lại tham vọng của những người quyết tâm áp đặt chủ nghĩa Cộng sản phi nhân lên phần đất tự do cuối cùng của Việt Nam.

Bài này cũng xin được coi là thêm một lần nữa, tri ơn những vị hảo tâm đã đóng góp để chương trình "Thác Một Nấm Mồ" được hình thành cách đây đã gần 40 năm. Đồng thời như một nén hương tưởng niệm những người đã bỏ mạng trên Đại Lộ Kinh Hoàng, xác phơi nắng mưa tới hơn hai tháng trời trước khi chúng tôi xin được phép vào tới nơi để làm cái việc hốt xác.
Oregon, Tháng 9, 2009)



Bảy tháng giữa xác người

(NgyThanh ghi lại, các chi tiết dựa theo buổi nói chuyện qua điện thoại với Nguyễn Kinh Châu từ quận Bình Thạnh, Saigon vào tháng 10-2009)

Ba mươi bảy năm sau khi cùng nhau cầm bao nylon lom khom lội vào vùng chiến sự để thu nhặt xác đồng bào bị thảm sát bởi đạn của Sư Đoàn Pháo Bông Lau mà cứ như lén lút vào kho tội ác của Cộng sản để đánh cắp, câu đầu tiên anh Nguyễn Kinh Châu nhắc đi nhắc lại với tôi (như cứ sợ chính mình cũng sai sót) là tên đầy đủ của nghĩa trang mà nhật báo ST đã mai táng 1,841 xác, “Ngĩa Trang Đồng Bào Chiến Nạn Quảng Trị̣ do nhật báo Sóng Thần và thân hữu phụng lập”.

Một lần đi hốt xác đồng bào bị Việt Cộng chôn sống trong tết Mậu Thân ở Huế, và lần thứ nhì hốt xác đồng bào bị Việt Cộng tàn sát trên Đại Lộ Kinh Hoàng ở Quảng Trị, những hình ảnh ghê rợn đã khắc chạm thật sâu vào ký ức anh Châu, như một thứ đền tưởng niệm Cánh Đồng Chết của nạn nhân Pol Pot ở Cam-Pu-Chea – “trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Trả lời câu hỏi của tôi, anh Nguyễn Kinh Châu nhắc lại con số 1,841 xác nạn nhân một cách dễ dàng như không cần khui một gói thuốc lá để biết trong đó có 20 điếu. Tôi hỏi tiếp, làm sao anh nhớ được chính xác như thế, anh tâm sự, “Làm sao không, có ngày nào là áo quần không thấm mùi hôi của xác chết, có xác nào không là xác đồng bào, anh em?”

Khi mới bắt tay vào việc, chính quyền và quân đội chưa cho phép thường dân qua sông Mỹ Chánh vì vấn đề an ninh (sợ Việt Cộng trà trộn để hoạt động) và vì vấn đề an toàn (sợ đạn pháo binh Việt Cộng bắn trúng làm chết nhóm người đi lượm xác đồng loại). Vấn đề mang một nhóm thường dân vượt qua phòng tuyến quân sự Mỹ Chánh để tìm và thu nhặt xác là chuyện chưa từng xảy ra trước đây trong chiến tranh Đông Dương. Mặt khác, anh em báo ST ngại một khi đăng lời kêu gọi xin độc giả tiếp tay đóng góp, tiền tới tay rồi mà lỡ xác đồng bào lấy về không được sẽ bị mang tiếng lừa phỉnh, nên anh Châu hội ý với anh em phóng viên ST đang có mặt tại Huế, rồi vào Đà Nẵng bàn thêm với bác sĩ Phạm Văn Lương. Kết quả: chúng tôi quyết định thử nghiệm trước bằng cách tự lực. Anh Châu đã mang chiếc xe gắn máy Honda 68 tới xin cầm cho một thân hữu là anh Huỳnh Văn Phúc, chủ tiệm vàng Phúc Ân kiêm tổng thư ký Hội Đồng Tỉnh Thừa Thiên, lấy 50 ngàn đồng để làm vốn liếng khởi công. Ngạc nhiên thấy anh Châu cầm xe, anh Phúc hỏi dồn, nên đã biết sự thật là anh Châu cần tiền để trao cho thầy Thích Đức Tâm ở chùa Pháp Hải bên cồn Hến đóng quan tài để ra Quảng Trị lượm xác đồng bào bị pháo chết. Biết việc chúng tôi làm như thế, anh Phúc bảo anh Châu cứ mang xe về, và cho anh chị em ST mượn 50 ngàn tiền mặt, một số tiền không nhỏ lúc bấy giờ, để khởi công. Bên cạnh đó, anh em ST vào Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn 1 tiếp xúc với Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương. Chỉ huy trưởng, thiếu tá Nguyễn văn Cơ đã cho nhóm Sóng Thần 200 bao nylon loại dùng để tẩm liệm quân nhân tử trận. Ngoài ra, nhóm mượn được một xe GMC của Tiểu Khu Thừa Thiên làm phương tiện vận chuyển đoàn hốt xác và xác hốt được. Về sau khi số xác lượm được tăng lên tới con số gần hai ngàn, anh Cơ vẫn cung cấp đầy đủ để gói ghém tử thi đồng bào, đồng thời phía Tiểu Khu Thừa Thiên tăng cường cho mượn thêm một xe GMC nữa, và phía Tiểu Khu Quảng Trị cho mượn 2 GMC khác, để di chuyển xác chết.

Sóng Thần đã tiến hành hốt xác tất cả 3 đợt. Khi chị chủ nhiệm Trùng Dương từ tòa soạn ra tham dự để ăn đạn pháo kích là đợt một. Đợt nầy đoàn hốt xác có 4 tổ, mỗi tổ 4 người, thu được trên 800 xác. Về sau đoàn hốt xác tăng lên thành 7 tổ. Sợ mùa mưa tới xác đồng bào bị vữa và trôi hết phần thịt, chúng tôi đã tăng gấp đôi số nhân công để rút ngắn thời gian.

Khởi đầu, thầy Đức Tâm thuê đóng và giao cho đoàn 20 quan tài để mang theo, xem thử đủ thiếu thế nào. Lên đường, anh em ST chúng tôi chỉ dám cầu mong lượm được tới 20 xác như mong muốn của thầy Đức Tâm, vì khu vực giữa hai cầu Bến Đá và Trường Phước là đụn cát trắng không nhà cửa cây cối, hễ thấy bóng người di chuyển là tiền sát viên Việt Cộng gọi pháo tầm xa từ Trường Sơn bắn xuống. Kết quả của ngày đầu thật bất ngờ với con số 96 xác. 20 xác đầu tiên được xếp vào quan tài, phần xác còn lại gói tạm vào bao nylon mang về đặt trong các phòng học của trường Mỹ Chánh.

Dạo 1968, anh Nguyễn Kinh Châu là ký giả đã theo chân đoàn người đi khai quật các hố chôn tập thể và đã có loạt hình chạy 8 cột bề ngang trên báo Hòa Bình tường thuật tội ác rùng rợn nầy. Cũng nhờ quen biết cũ từ 4 năm về trước, lần nầy đề xuất việc đi lượm xác, anh Châu đã quay lại Phú Thứ để tìm gặp và thuyết phục các người chuyên về di dời xác chết bốn năm trước, sau Tết Mậu Thân, để họ bằng lòng tham gia công việc nghĩa tử dưới làn đạn pháo của Sư Đoàn Pháo Bông Lau. Đúng là Việt Cộng đã dành cho những người nầy những việc làm có một không hai trong lịch sử tội ác chiến tranh. Nhưng vì lãnh thổ Quảng Trị vẫn còn giao tranh và bom đạn, nên những người phu chỉ bằng lòng nhận lời với chi phí 1.600 đồng mỗi ngày, so với giá thuê mướn làm công nhật ở thành phố Huế lúc bấy giờ là 100 đồng/ngày, và giá vàng 1.600 đồng một chỉ. Sở dĩ giá cả cao như thế mà nhóm ST phải chấp nhận vì khu vực “Đại Lộ Kinh Hoàng” vẫn còn rất kinh hoàng, phu hốt xác ra đó để thu lượm xác không những phải làm việc giữa điều kiện mất vệ sinh giữa những xác chết, mà còn phải đưa lưng đội đạn pháo từ Trường Sơn bắn xuống. Những tay làm báo chúng tôi vì nghiệp dĩ của mình mà lăn lưng ra chốn tên bay đạn lạc, nhưng người dân họ có lý của họ, nhất là khi phải đổi bát máu lấy bát cơm để nuôi thân và nuôi gia đình. Khi tới bãi xác người, những phu lượm xác nầy mỗi người đều mang theo một lọ mắm ruốc. Họ đã lấy ngón tay chấm mắm ruốc bôi lên mũi, dùng mùi thối của mắm để mong át đi mùi thối của xác chết, và cũng để đánh lừa khứu giác của mình.

Sau những ngày đầu vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đoàn hốt xác buổi tối về hay tập trung ở nhà từ đường của chị Tôn Nữ Mộng Nhiên ở số 100 đường thuận An, là nơi “đóng đô” của đám phóng viên ST trẻ Trần Tường Trình, Đoàn Kế Tường và NgyThanh. Nghe đám nhà báo bàn bạc chuyện lượm xác, ban đầu hai cô chủ nhà là chị Mộng Nhiên và chị Lẫm góp ý. Từ từ bén chuyện, hai cô tình nguyện tham dự trò chơi với đạn pháo kích. Thế là đoàn hốt xác có thêm hai khuôn mặt hoàng phái, đảm nhiệm việc ghi chép sổ sách và ghi số mỗi xác, cùng những giấy tờ hay di vật gì chúng tôi lấy được trên thi thể của họ̣. Những vật dụng và tư trang cá nhân ấy được cho vào bao nylon có ghi số trùng với số của quan tài, để về sau trả lại cho thân nhân người quá cố.

Công tác hốt xác kéo dài ròng rã tới bảy tháng mới hoàn tất.

Sau khi thu nhặt hết xác trên hai bãi cát dọc hai bên đoạn quốc lộ̣ mang tên “Đại Lộ Kinh Hoàng” và mai táng xong, anh em ST còn giữ lại nửa triệu, tức một phần sáu tổng số tiền lạc quyên được từ đọc giả hảo tâm, chúng tôi đã dùng số tiền nầy dựng một bức tượng Đức Địa Tạng rất lớn ngay chỗ có nhiều xác chết nhất, lập một đền thờ oan hồn, và tổ chức một lễ cúng do anh Lý Đại Nguyên từ Saigon đại diện tòa soạn ra chủ tọa. Đền thờ này vẫn còn cho đến ngày nay.



Lời cuối:

Cuộc chiến nào mà không có thảm sát, chiến tranh nào mà chẳng có nạn nhân. Nhưng hình ảnh của một đứa bé ngồi khóc bên xác mẹ giữa một chiến trường thảm khốc đầy xác thường dân như ở Đại Lộ Kinh Hoàng vẫn là một hình ảnh đau thương nhất mà chúng ta không thể nào quên được.

Vì vậy tôi cố tìm cho được câu chuyện của một nhân chứng đích thực, còn sống để kể lại hầu quý vị và riêng tặng cho đại tá Nguyễn Việt Hải, chỉ huy trung đoàn pháo Bông Lau của Quân đội Nhân dân của nước Cộng hòa Sã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Trong tác phẩm “Mùa hè cháy”, xuất bản năm 2005, tác giả đã viết thật rõ ràng là đơn vị của ông khai hỏa tập trung pháo 122, pháo 130 và pháo 155 mà ông gọi là trận địa pháo cường tập trên Quốc lộ 1 vào đám ngụy quân trên đường bỏ chạy.

Ông đại tá pháo binh tác giả của tác phẩm “Mùa hè cháy” đã đích thân quan sát trong vai trò tiền sát viên để trực tiếp chỉ huy bắn.

Bài báo ngắn ngủi và khiêm nhường hôm nay hy vọng sẽ đến tay các pháo thủ miền Bắc ngày xưa để họ nhớ lại thành quả vào ngày 1 tháng 5 trong chiến dịch Nguyễn Huệ 1972.

Ðịnh mệnh nào đã dành cho ông Phan văn Châu còn sống để định cư tại Hoa Kỳ với 11 người con thành đạt, hàng năm vẫn gửi tiền về giúp cho miền quê nghèo khổ xứ Nhan Biều. Bây giờ, những mộ phần tập thể của dân oan chết vì trận mưa pháo Bông Lau năm 72 đã chẳng còn dấu vết. Những đứa bé đói sữa nằm bên xác mẹ rồi cũng đã chết hết trên đại lộ kinh hoàng 37 năm về trước.

Nhưng mà sao tiếng khóc của em vẫn còn nghe văng vẳng đâu đây …
Giao Chỉ, San Jose