Saturday, December 22, 2018

Đóng Cửa Chính Phủ: Không Tránh Khỏi!


Đóng Cửa Chính Phủ: Không Tránh Khỏi!
11 hrs · 
Tóm tắt bài báo ở FOX:
1-Việc đóng cửa một phần của chính phủ liên bang dường như là không thể tránh khỏi, vì các dân cử đã rời Quốc hội vào thứ Sáu mà không có thỏa thuận tài trợ cho chính phủ trước thời hạn nửa đêm.
2- Dân biểu Debie Dingell, D-Mich., tuyên bố trước thời hạn nửa đêm: Không thể chấp nhận sự đóng cửa của chính phủ. Nó thiếu một sự lãnh đạo từ Tổng thống Trump và các nhà lãnh đạo Quốc hội đảng Cộng hòa. Người dân Mỹ mong muốn chính phủ của họ làm việc cho họ và lắng nghe. Đó là mùa lễ hội, chúng ta nên cho nước Mỹ thấy bản thân tốt hơn của chúng ta không khiến quốc gia rơi vào tình trạng đóng cửa vô nghĩa.
3-Thượng viện đã tranh luận để có ngân sách gồm hàng tỷ cho bức tường biên giới.
4-Sau khi giữ cho cuộc bỏ phiếu mở trong năm giờ để đảm bảo đủ sự hỗ trợ, Thượng viện vào tối thứ Sáu cuối cùng đã đưa ra một dự luật chi tiêu với 5,7 tỷ đô la cho một bức tường biên giới, sau khi Phó Tổng thống Mike Pence đến Tòa nhà Quốc hội để tháo nút, mở đường cho một cuộc bỏ phiếu cuối cùng tại Thượng viện. Nhưng cuộc bỏ phiếu đã không xảy ra trước khi hoãn lại. (Hoàng Lan Chi viết: Pence là người trung gian, đàm phán. Good)
5-Đằng sau hậu trường, các cuộc đàm phán đang diễn ra vào buổi tối, với cuộc họp của Pence với Lãnh đạo Thượng viện Dân chủ Chuck Schumer, cùng với các trợ lý WH Mick Mulvaney và Jared Kushner. Các nguồn tin nói với Fox News rằng các cuộc đàm phán đang diễn ra để đảm bảo có một số tiền khác cho vấn đề an ninh biên giới. ( Hoàng Lan Chi viết: không lẽ họ cắt còn 2 tỷ!! hahahaha)
6- Hạ Viện vào thứ năm đã phê duyệt 5,7 tỷ đô la cho một bức tường biên giới nhưng đảng Dân chủ cho biết họ sẽ không ủng hộ
7-Tổng thống - người nói rằng ngân sách phải bao gồm tài trợ khác cho an ninh biên giới - nói với các phóng viên hôm thứ Sáu rằng ông hy vọng sẽ không có sự shutdown nhưng ông đã sẵn sàng. Ông cũng đã tweet một bức ảnh của một "hàng rào thép đen" được đề xuất có thể được sử dụng ở biên giới thay cho bức tường.
8-Bây giờ tùy thuộc vào đảng Dân chủ về việc chúng ta có shutdown chính phủ tối nay hay không," Trump nói.
9-Trump đã tweet rằng ông đã hủy kế hoạch đi du lịch tới Florida vào thứ Sáu trong khi chờ đợi "để xem liệu đảng Dân chủ có giúp chúng tôi bảo vệ Biên giới phía Nam nước Mỹ hay không !"
10-Trước đó, tổng thống đã ca ngợi cuộc bỏ phiếu của Hạ viện là một chiến thắng lớn.Trước đó một ngày, tổng thống đã công khai kêu gọi McConnell triển khai cái gọi là “nuclear option”, có nghĩa là sẽ bỏ phiếu 51/100 thay vì 60/100 nhưng văn phòng của McConnell nói rõ rằng nhà lãnh đạo đa số sẽ không làm điều đó, và một số thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cho biết họ cũng phản đối.
11-Cả hai bên đang bận rộn đổ lỗi vào sáng thứ Sáu. Trong khi Schumer và bà Nancy Pelosi, đã tuyên bố kết quả này là sự đóng cửa Trump, tổng thống đã tweet vào thứ Sáu rằng "đó sẽ là một sự shutdown của đảng Dân chủ!" (Hoàng Lan Chi viết: ông thần lửa này thông minh, hay chơi chữ khi ông nói Dan Chủ shutdown)
12-Schumer, D-N.Y., nói " President Trump, you will not get your wall,” . Hãy từ bỏ kế hoạch shutdown đi. Ông sẽ không có bức tường hôm nay, tuần tới hoặc vào January tới khi Đảng Dân Chủ cầm quyền ở Hạ Viện!


Vạch Mặt Fake News về Lệnh Trục Xuất

 Vạch Mặt Fake News về Lệnh Trục Xuất 
BIỂU TÌNH CHỐNG TRUMP TRỤC XUẤT NGƯỜI VIỆT: "Nhóm thổ tả" ĐÃ TUNG FAKE NEWS GÌ:
LGT: bọn người ngợm này đã vu cáo sai cho TT Trump. Báo NV cũng tường thuật thổ tả. Hãy đọc bản tin của báo thổ tả NV và 4 fake nwes mà một thân hữu đã take note dùm HLC ( thank you T nhé). 

**********************
FAKE NEW #1: 
Hiệp ước với VNCS là những công dân VN sẽ không bị trả về VNCS nếu họ đến Mỹ trước ngày hai nước nối lại quan hệ ngoại giao, (July 12, 1995) dưới thời Clinton. 
Nhưng VN không chịu nhận, và phía Mỹ tạm thời chấp thuận, chứ không phải họ được "CHÍNH QUYỀN LIÊN BANG BẢO VỆ" hoặc "CHÍNH QUYỀN LIÊN BANG KHÔNG CÓ QUYỀN TRỤC XUẤT" như NV xuyên tạc (hoặc dốt). Hiệp ước cũng có điều khoản nói rõ là nếu trước khi qua Mỹ một công dân VN phạm tội đã từng là thường trú nhân (permanent resident) của một nước thứ ba thì Mỹ sẽ tìm cách trục xuất về nước đó trước khi thương lượng với VN. 
Đây chỉ là thoả thuận giữa hai nước chứ không dính gì đến luật pháp Mỹ, tức là thuộc khía cạnh thi hành phán quyết của toà di trú chứ không phải là luật mới, vì hành pháp không có quyền làm ra hay thay đổi luật. Cũng không hề có một sắc lệnh (executive order) nào từ TT Trump về vấn đề này. Tất cả đều thuộc bộ luật di trú đã có từ lâu, trước khi ông Trump thành Tổng Thống.
FAKE NEW #2: 
Trong tổng số (chỉ có bấy nhiêu thôi) 8600 người Việt nằm trong danh sách bị trục xuất vì PHẠM TỘI, không ai biết rõ có bao nhiêu người đến Mỹ trước 1995, vì ICE (thuộc bộ Nội An) không cho biết (họ nói là không theo dõi / track) năm đến của những người này. Khẳng định là tất cả đều thưôc diện đến Mỹ trước 1995 là dối trá hoặc DỐT.
FAKE NEW #3: 
"Năm 2017 Sở Di Trú đã trục xuất 17 người Việt tị nạn ở Mỹ từ trước năm 1995" cũng là láo khoét. Cái này chắc dựa vào một bài báo của NewYork Times viết về chàng con lai Nguyễn Chí Cường bị trục xuất vào tháng 12, 2017, cùng lúc với 17 người Việt khác, chứ không phải cả 17 người đều đến Mỹ trước 1995. Nhưng NYT cũng cố tình thêm mắm muối trích lời một tên luật sư di trú Việt thổ tả nói là 6 trong số 18 người này đến trước 1995, và Mỹ đã vi phạm thoả ước. Tay này phét láo vì: 1. ICE không cho biết năm đến. 2. Nếu có thật thì phải có sự đồng thuận từ phía VN. Nghĩa là Mỹ đã thuyết phục được VN nhận những người này KHÔNG CÓ CHUYỆN vi phạm thoả ước.
FAKE NEW #4:
Thoả ước nói rõ là chỉ có hiệu lực trong 5 năm. Sau đó nếu không có bên nào thông báo chấm dứt thì sẽ tự động gia hạn thêm 3 năm. Từ 2008 đến nay là 10 năm, tức là đã gia hạn hai lần, và GIỜ LÀ LÚC THƯƠNG LƯỢNG LẠI. Tất cả những người này, đến trước và sau 1995, đều đã phải đối diện với nguy cơ bị trục xuất từ lâu rồi, rất lâu trước nhiệm kỳ của ông Trump; Obama đã trục xuất tới 35 người Việt vào năm cuối của OBM 2016.
 
 
BÁO THỔ TẢ NV viết:
Tâm An/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Sáng Thứ Bảy, 15 Tháng Mười Hai, tại trung tâm Little Sai Gon, phía trước khu thương mại Phước Lộc Thọ diễn ra cuộc biểu tình “Bảo Vệ Người Việt Tị Nạn” với hàng trăm người tham dự.
Điểm khác biệt dễ thấy nhất so với các cuộc biểu tình của người Việt ở Bolsa là không chỉ có người trẻ gốc Việt tham gia, mà còn có người Cambodia, người Hispanic, Guatemala và các nước Mỹ Latin khác. Những người gốc Việt trẻ là thế hệ thứ hai sinh ra ở Mỹ, con của những người Việt tị nạn từ những thập niên 80-90 của thế kỷ trước. Số còn lại hầu hết là thế hệ người Việt thứ nhất tới Mỹ từ khi còn nhỏ theo cha mẹ trong hành trình đi tị nạn. Ngoài ra, cũng có một số người lớn tuổi và trẻ em tham dự.
Họ tới từ các tổ chức khác nhau trong cộng đồng Việt tại Orange County như API Rise, Viet Unity SoCal, Viet Rise, Viet Rainbow of Orange County. Cũng những người tự nguyện tới riêng lẻ. Có trường hợp người biểu tình đi cả gia đình.
Đoàn người giơ cao các biểu ngữ “Bảo vệ người tị nạn,” “Bảo vệ cộng đồng Việt Nam,” “Bảo vệ gia đình,” “Abolish I.C.E” (Hủy bỏ I.C.E).
 
Trước ống kính của nhiều hãng truyền thông lớn như CBN, LA Times, SBTN, RFA… cô Lan Nguyễn, thay mặt ban tổ chức, có bài phát biểu tuyên bố lý do của cuộc biểu tình: “Hôm nay chúng tôi tới đây để bảo vệ cộng đồng những người tị nạn ở Hoa Kỳ. Như quý vị đã biết, tuần trước Bộ An Ninh Hoa Kỳ đã họp với Bộ Ngoại Giao Việt Nam để đàm phán lại hiệp định đã ký kết năm 2008. Theo hiệp định này, chính quyền liên bang không có quyền trục xuất những người Việt tới Mỹ trước năm 1995. Nhưng chính quyền hiện tại đang đàm phán lại hiệp định này. Nếu cuộc đàm phán này thành công thì có thể hơn 8,500 người Việt tị nạn đến Mỹ trước năm 1995 sẽ đối mặt với nguy cơ bị trục xuất. Năm 2017, Sở Di Trú đã trục xuất 17 người Việt tị nạn ở Mỹ từ trước năm 1995 mà không được chính quyền liên bang bảo vệ. Chúng tôi không muốn người Việt tị nạn bị trục xuất. Chúng tôi không muốn tất cả người tị nạn ở đây bị trục xuất, bao gồm cả những người từ Đông Nam Á và từ các nước khác.”
Anh Tùng Nguyễn, một trong những người Việt tị nạn đến Mỹ trước năm 1995, có thể bị ảnh hưởng trực tiếp bởi lệnh trục xuất, đang kêu gọi mọi người hãy lên tiếng bảo vệ những người Việt tại Mỹ bị trục xuất.(Hình: Tâm An/Người Việt)
Anh Tùng Nguyễn, người sáng lập Asians & Pacific Islanders Re-Entry of Orange County (APIROC), một tổ chức giúp đỡ những người đã một thời lầm lỡ phải chịu án tù tội được có điều kiện hòa nhập trở lại với cộng đồng, kể câu chuyện của chính anh: “Tôi theo gia đình sang Mỹ tị nạn từ khi mới 16 tuổi. Vì môi trường Mỹ quá mới mẻ, tôi bị shock về văn hóa, lại bị bạn bè ăn hiếp, vì một phút nông nổi tuổi trẻ, tôi đã gây ra lỗi lầm. Điều đó đã khiến tôi phải trả giá bằng 18 năm tù giam. Sau khi ra tù, tôi đã cố gắng sống một cuộc sống lương thiện, đàng hoàng, có công ăn việc làm, có gia đình vợ con. Quá khứ đã trôi qua mấy chục năm rồi, tôi đã thay đổi thành người tốt, giúp ích cho cộng đồng và xã hội. Những cống hiến đó của tôi đã được Thống Đốc California là ông Jerry Brown tha thứ, xóa tội cho tôi.”
“Nhưng như thế không có nghĩa là tôi được sống yên ổn. Nay chính phủ của tổng thống hiện giờ lại muốn trục xuất những người như tôi về Việt Nam, như thể tôi bị trừng phạt lần thứ hai. Tôi sẽ phải xa gia đình, xa vợ con. Nước Mỹ mới chính là nhà của tôi. Trục xuất một người tới Mỹ từ khi còn là đứa trẻ, lớn lên trong môi trường Mỹ, thậm chí có nhiều người không nói được tiếng Việt nữa, làm sao họ có thể tồn tại ở Việt Nam? Vợ con họ sẽ sống thế nào? Đây là hành động ly tán gia đình, mà chính phủ không có một sự thương xót hay xem xét lại. Điều đó là vô nhân đạo, là vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Vì thế tôi tới đây xin mọi người hãy thương xót cho nhân quyền của người Việt ở Việt Nam và ngay tại Mỹ, cùng lên tiếng, giúp chúng tôi yêu cầu chính phủ ngừng việc xem xét lại hiệp định này,” anh Tùng nói.
Anh Vincent Phú Vinh Trần, ở Fountain Valley, một thành viên của tổ chức VietRise, có mặt tham gia biểu tình từ rất sớm. Anh cho biết, trong gia đình anh không có ai bị ảnh hưởng bởi chính sách này, nhưng anh vẫn tới đây để chia sẻ cùng những người Việt tị nạn có nguy cơ bị trục xuất.
 
Anh Vincent đã đọc lá thư tâm sự của một người đã bị trục xuất về Việt Nam năm ngoái: “Tôi là một người Việt trước đây bị giam giữ, tôi sống ở California, sau án tù tôi dọn tới Ohio. Nhưng khi ở đó được 13 tháng, thì Sở Di Trú và Hải Quan đã bắt và giam giữ tôi. Bốn tháng sau đó, họ trục xuất tôi về Việt Nam, vào ngày 27 Tháng Sáu năm 2017. Hơn 18 tháng qua, tôi đã sống ở nơi xa lạ này, tôi vẫn chưa tìm được việc làm, vì tôi không hiểu phong tục ở đây và không có bằng cấp. Ở Việt Nam nếu ai muốn thành công thì phải có họ hàng, bằng cấp, giấy tờ và tiền bạc. Tôi không có gì cả. Tôi không có người thân và không ai quan tâm tới tôi. Mỗi ngày tôi bị lừa đảo, chính quyền Việt Nam không giúp đỡ và không cấp giấy tờ cho tôi tìm sự sống, nếu tôi không cho họ tiền. Tôi muốn cho mọi người ở đây biết rằng, đây không phải là quê hương của tôi.”
Chị Julie Võ, một trong những nhà hoạt động tích cực trong cộng đồng Việt tại Orange County, bày tỏ ý kiến: “Tôi là một người Mỹ gốc Việt thế hệ thứ hai, con của những người tị nạn. Tôi cảm động với lời kêu gọi của những người trên đây mà tôi phải có mặt ở đây. Cộng đồng Việt Nam của chúng tôi rất mạnh mẽ, gắn kết. Vì vậy một thành viên bị trục xuất không phải là một thứ bị vứt bỏ. Một cá nhân bị trục xuất không chỉ ảnh hưởng tới họ mà còn ảnh hưởng tới cha mẹ, con cái bạn bè và mọi người trong cộng đồng chúng tôi. Trục xuất không phải là cách giải quyết. Cần phải chấm dứt mọi trục xuất và giam giữ người tị nạn.”
 
“Tôi là con của người tị nạn Việt Nam. Ba mẹ tôi đến Hoa Kỳ năm 1995. Tôi được sinh ra năm tháng sau đó. Tôi biết rằng không chỉ người Việt Nam bị trục xuất mà trong tuần tới có 47 người Cambodia cũng rơi vào trường hợp này. Chúng tôi kêu gọi chính quyền Donald Trump phải thận trọng thỏa thuận với chính quyền Việt Nam để bảo vệ những người tị nạn Việt Nam và Đông Nam Á.” Đó là ý kiến của cô Tracy La, giám đốc tổ chức VietRise.
Chị Linda Nguyễn đi biểu tình cùng chồng và một cậu con trai chừng tám tuổi. Chị cho biết đạo luật của chính quyền Trump không ảnh hưởng tới gia đình chị, nhưng có thể sẽ là mối nguy cơ chia rẽ gia đình của chồng chị, vốn là người di cư sang Hoa Kỳ từ Mexico.
Trong lúc đoàn người biểu tình hô vang câu: “Stop! Stop! Deportation! No more family separation!” (Cần dừng ngay việc trục xuất, chia cắt gia đình!), “We got power” (Chúng ta có quyền) trên đường phố Bolsa… thì một số người lái xe trên đường đã ấn còi xe hưởng ứng, tạo nên một không khí sôi động.
Xuất phát từ Phước Lộc Thọ, đoàn biểu vừa tình hô to các khẩu hiệu vừa diễu hành sang khu vực Bánh Mì Lee Sandwiches, sau đó đi về phía đường Moran và dừng lại ở trước tòa soạn Nhật Báo Người Việt. Người biểu tình tập trung theo hình vòng tròn để hội ngộ, lên tiếng, chia sẻ cùng nhau. Một số người Mỹ Latin, kể cả những người da trắng cũng tới đây để lên tiếng bảo vệ những người tị nạn có thể bị trục xuất, cho dù gia đình họ không có ai bị ảnh hưởng bởi điều luật này. Cuộc biểu tình kết thúc vào lúc gần 11 giờ trưa.
Như tin đã đưa, Hiệp Định Trục Xuất Công Dân Việt Nam, ký ngày 22 Tháng Giêng năm 2008 giữa chính quyền Mỹ và Việt Nam. Theo Hiệp Định này, những người Việt đến Mỹ từ ngày 12 Tháng Bảy, năm 1995 và sau ngày này nếu đáp ứng đủ các điều kiện bị trục xuất, phía Việt Nam sẽ tiến hành nhận lại những người này về Việt Nam. Toàn bộ chi phí trục xuất sẽ do phía Mỹ đài thọ.
Tuy nhiên, mới đây, chính phủ Donald Trump muốn đàm phán lại hiệp định năm 2008, trong đó muốn mở rộng việc trục xuất những người Việt đã đến Mỹ trước ngày 12 Tháng Bảy,1995. Đại diện Bộ Ngoại Giao hai nước đã đàm phán nhưng hiện chưa tiết lộ kết quả rằng liệu phía Việt Nam có đồng ý nhận lại những người bị trục xuất này hay không.
Nếu như cuộc đàm phán trên thành hiện thực, thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới những người đang cư trú tại Mỹ nhưng chưa là công dân Mỹ nhưng lại vi phạm một lỗi lầm nào đó. (Tâm An)
 

Chính phủ Mỹ đóng cửa: Tại sao và Như thế nào - TRỊNH HỮU LONG


Chính phủ Mỹ đóng cửa: Tại sao và Như thế nào
Posted on 20/01/2018
Chuyện thật như bịa: chính phủ Mỹ buộc phải đóng cửa kể từ 0h ngày hôm nay, 20/1.
Chuyện này chắc chắn là chưa từng xảy ra ở Việt Nam rồi. Làm sao một chuyện điên rồ như vậy có thể xảy ra được? Một đất nước mà không có chính phủ thì sẽ ra sao? Nhỡ khủng bố tấn công thì ai cứu?
Bạn không cần phải lo lắng đến thế. Không ai dại đến mức ném cả một cái chính phủ xuống ao. Nói là “đóng cửa” nhưng cũng không hẳn là “đóng cửa”. Bài này sẽ giải thích rõ hơn cái chuyện nghe như bịa này.
Tại sao lại có chuyện “đóng cửa”?
Một chính phủ muốn hoạt động được thì cần có tiền, hay còn gọi là ngân sách. Ngân sách này do thu thuế hoặc vay nợ mà có. Tất cả được bỏ vào Ngân khố Quốc gia (Treasury), mà ở Việt Nam ta được gọi là Kho bạc Nhà nước.
Nhưng không phải có tiền trong kho rồi thì cứ thế lấy ra mà xài. Ở Mỹ, cũng như ở Việt Nam và hầu hết các nước khác, Quốc hội là nơi quyết định một năm chính phủ được tiêu bao nhiêu tiền và tiêu vào việc gì. Không giống như Việt Nam, Quốc hội Mỹ có đến hai viện, Thượng viện và Hạ viện. Ngân sách hàng năm của chính phủ phải được cả hai viện này thông qua rồi tổng thống ký ban hành thì mới bắt đầu giải ngân được. Đây là cơ chế tam quyền phân lập vốn là một trong những trụ cột của thể chế chính trị Mỹ.
Năm ngân sách của Mỹ bắt đầu vào ngày 1/10 và kết thúc vào ngày 30/9 hàng năm. Về nguyên tắc thì trước khi năm ngân sách kết thúc, Quốc hội phải thông qua được ngân sách năm tới, nhưng ở Mỹ có hai chuyện: hoặc là việc thông qua ngân sách năm mới bị chậm lại, hoặc là Quốc hội sẽ thông qua những khoản ngân sách tạm thời để chính phủ hoạt động trong một thời gian ngắn, vài tuần hoặc vài tháng.
Suốt từ cuối năm 2016 đến nay, chính phủ Mỹ đã hoạt động nhờ những khoản ngân sách tạm thời như vậy. Và khoản tạm thời gần nhất đã kết thúc vào nửa đêm ngày 19/1.
Bởi vậy cho nên vào đêm 19/1 đó, Thượng viện Mỹ đã phải làm việc đến tận nửa đêm để cố gắng thông qua một gói ngân sách tạm thời hòng duy trì hoạt động của chính phủ.
Nhiều người nói bây giờ đảng Cộng hoà kiểm soát được cả hai viện của Quốc hội lẫn ghế tổng thống mà sao lại không thông qua được ngân sách?
Vướng mắc nằm ở chỗ một đạo luật của Quốc hội Mỹ yêu cầu muốn thông qua được ngân sách thì phải có ít nhất 60/100 phiếu ở Thượng viện. Trong khi đó, đảng Cộng hoà chỉ có 51 ghế, muốn thông qua thì 51 ông, bà đó phải thống nhất tuyệt đối và đồng thời phải chèo kéo thêm được 9 ông, bà thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ đối lập nữa mới được.
Do thủ tục là như vậy nên thường hai đảng lớn của Mỹ phải đàm phán, giao kèo, đổi chác với nhau thì mới thông qua ngân sách được. Ít khi nào họ không thoả hiệp được với nhau, trong lịch sử Mỹ mới có 12 lần như vậy. Lần đóng cửa gần nhất là năm 2013 dưới thời Tổng thống Obama. Lần này do chỉ có 50 thượng nghị sĩ đồng ý thông qua ngân sách nên dự luật này không “qua cầu” được, chính phủ hết tiền tiêu nên buộc phải đóng cửa.
Đến khi nào Quốc hội thoả hiệp được với nhau về một gói ngân sách mới thì chính phủ mới mở cửa trở lại. Thời gian đóng cửa các lần trước dao động từ 5 đến 21 ngày.
Đến đây, có mấy chuyện cần phải lưu ý: (i) vụ đóng cửa này chỉ ảnh hưởng tới chính quyền liên bang, (ii) không phải cơ quan nào của liên bang cũng bị đóng cửa, và (iii) có những cơ quan liên bang chỉ bị đóng cửa một phần.
Một chuyện rất quan trọng nữa là gói ngân sách không được thông qua này chỉ bao gồm cả khoản chi để duy trì hoạt động bình thường của chính phủ, bao gồm chi lương, đi lại, mua sắm, xây dựng và bảo trì các trụ sở chính quyền liên bang, và một số khoản chi thường xuyên khác. Nó không bao gồm các khoản tiền hưu trí, phúc lợi xã hội hay tiền trả nợ của chính phủ.
Chỉ ảnh hưởng tới chính phủ liên bang
Nghe chính phủ Mỹ đóng cửa nhiều người lại tưởng toàn bộ cơ quan công quyền đóng hết. Thực ra không phải.
Kết cấu chính quyền Mỹ chia làm chính quyền liên bang và chính quyền tiểu bang. Mỹ có 50 tiểu bang. Thế thì nó khác gì so với việc Việt Nam có 64 tỉnh, thành?
Khác ở chỗ mỗi bang trên thực tế gần giống như một quốc gia độc lập: họ có quốc hội riêng, toà án riêng, cơ quan hành pháp riêng, pháp luật riêng, cảnh sát riêng, quân đội riêng*, và… tiền riêng. Tiền ở đây là ngân sách chứ không phải tiền tệ, vì họ vẫn dùng đồng đô-la Mỹ.
Do có tiền riêng nên hoạt động của chính phủ tiểu bang không bị ảnh hưởng bởi vụ đóng cửa của chính quyền liên bang.
* Lưu ý: Quân đội riêng ở đây được gọi là Vệ binh Quốc gia (National Guards), hoạt động gần giống như lực lượng quân nhân dự bị địa phương, có quân thường trực nhưng hầu hết là khi cần mới huy động, và dù thuộc biên chế tiểu bang nhưng khi cần Tổng thống có thể huy động vào quân số liên bang.
Những cơ quan nào bị đóng cửa?
Khi xác định cơ quan, dịch vụ nào của chính quyền liên bang phải đóng cửa, pháp luật Mỹ chia chúng ra làm hai loại: “ngoại trừ” (excepted) và “không ngoại trừ” (non-excepted), mặc dù người ta hay dùng từ “thiết yếu” (essential) và “không thiết yếu” (non-essential) hơn.
Các cơ quan bị liệt vào nhóm “không thiết yếu” sẽ bị đóng cửa.
Vào năm 2013, các công viên quốc gia, bảo tàng, sở thú, thư viện liên bang bị đóng cửa, bao gồm cả Thư viện Quốc hội.
Một số chương trình hỗ trợ nhân đạo dài hạn, nhiều dự án nghiên cứu của chính phủ cũng chịu chung số phận.
Nhiều cơ quan liên bang có thể sẽ phải hạn chế hoặc gần như chỉ hoạt động cầm chừng do đa số nhân sự của họ phải nghỉ, ví dụ Uỷ ban Chứng khoán và Cơ quan Bảo vệ Môi trường.
Tiêu chí “không thiết yếu” không chỉ được xác định theo cơ quan, mà còn theo vị trí. Ví dụ mặc dù Quốc hội, toà án, cơ quan phòng chống tội phạm, cơ quan ngoại giao Mỹ vẫn làm việc nhưng họ sẽ phải cắt giảm một số nhân sự làm những việc “không thiết yếu” và có thể hoãn hoặc tạm dừng một số đầu việc. Một số vụ án dân sự sẽ bị đình lại, hồ sơ xin cấp một số phép không được xử lý, hồ sơ xin hộ chiếu và thị thực có thể bị chậm lại hoặc hoãn vô thời hạn, v.v. Do thiếu nhân sự hỗ trợ nên các dịch vụ “thiết yếu” cũng bị ảnh hưởng đáng kể.
Theo luật, những ai thuộc diện phải nghỉ làm thì dù có muốn tình nguyện đi làm không lương trong những ngày chính phủ đóng cửa cũng không được.
Những cơ quan nào vẫn hoạt động? 
Những cơ quan được cho là “thiết yếu” đối với việc bảo vệ sự sống và tài sản của con người vẫn sẽ hoạt động bình thường.
Quân đội, lực lượng điều tra chống tội phạm, nhà tù liên bang, cơ quan an sinh xã hội, bệnh viện dành cho cựu chiến binh, cơ quản kiểm soát không lưu, cơ quan vệ sinh an toàn thực phẩm, các cơ quan chi trả bảo hiểm y tế và trợ cấp giáo dục và một số cơ quan khác được cho là thiết yếu và vẫn hoạt động bình thường.
1,3 triệu quân nhân Mỹ vẫn làm nhiệm vụ bình thường, mặc dù một số chương trình huấn luyện sẽ phải huỷ bỏ hoặc hoãn lại.
Toà án liên bang vẫn làm việc, đơn từ nộp tới vẫn được xử lý và các phiên toà vẫn diễn ra theo kế hoạch.
Quốc hội vẫn hoạt động. Tất nhiên rồi, họ mà không hoạt động thì làm sao thông qua được ngân sách mới chứ.
Và nhóm điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Muller không bị ảnh hưởng gì.
Cần lưu ý rằng, một số cơ quan có nguồn thu riêng và không phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách sẽ vẫn duy trì được hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định nào đó. Bộ Ngoại giao sẽ duy trì được cơ quan lãnh sự vì có lệ phí cấp hộ chiếu và thị thực, hay các toà án vẫn có nguồn thu riêng từ án phí. Riêng ngân sách dành cho toà án thì còn được điều chỉnh bởi một số đạo luật cấp ngân sách dài hạn khác nên không bị ảnh hưởng nhiều bởi những lần chính phủ đóng cửa. Bưu điện Hoa Kỳ, một cơ quan liên bang, vẫn có nguồn thu từ phí dịch vụ để duy trì hoạt động của mình.
Nói cách khác, chính phủ Mỹ đóng cửa không có nghĩa là biên giới sẽ mở ra cho ai vào thì vào, hay máy bay trên bầu trời Mỹ sẽ bỗng dưng lạc lối đâm vào nhau, hay bang hội khủng bố nổi lên giết người hàng loạt không có ai ngăn chặn.
Tuy vậy, những ai vẫn phải đi làm trong những ngày chính phủ Mỹ đóng cửa thì có nguy cơ cao là sẽ chỉ được nhận lương khi nào chính phủ mở cửa trở lại, nếu cơ quan họ không thu xếp được nguồn thu nào khác. Việc họ có được tính lương trong những ngày chính phủ đóng cửa hay không hoàn toàn tuỳ thuộc vào gói ngân sách của Quốc hội, khi có khi không, người có người không.
Cùng với chính quyền tiểu bang, các dịch vụ thiết yếu này của liên bang sẽ giúp cho xã hội Mỹ vận hành tương đối bình thường, không có gì xáo trộn đặc biệt, cũng không có bạo loạn nổi lên khắp nơi như những người có óc tưởng tượng phong phú nghĩ ra.
Tóm lại, để hiểu rõ quy mô của lần đóng cửa này thì ta có thể hình dung là khoảng 850 nghìn viên chức chính phủ có thể phải nghỉ việc, trong khi khoảng 1,87 triệu viên chức dân sự khác cộng với 1,3 triệu quân nhân sẽ vẫn làm việc.
Tổng thống, các thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ, và các thẩm phán vẫn được nhận lương.
Lý do họ vẫn được nhận lương vì… Hiến pháp Mỹ nói thế. Có những điều khoản trong Hiến pháp quy định rằng họ được nhận lương và lương không bị giảm trong suốt thời gian tại nhiệm. Do đó, đạo luật nào cắt hay giảm lương của họ đều trái với Hiến pháp.
Tu chính án thứ 27 của Hiến pháp Mỹ còn quy định rằng mọi đạo luật điều chỉnh lương (tăng hay giảm) của thành viên Quốc hội chỉ có hiệu lực kể từ Quốc hội khoá sau đó.
Điều này có nghĩa là các ông bà trên có muốn không nhận lương hay giảm lương cũng không được. Thành ra lần trước khi chính phủ đóng cửa năm 2013, một số nghị sĩ tuyên bố sẽ đóng góp lương của họ trong thời gian chính phủ đóng cửa cho hoạt động từ thiện.
Biểu hiện của dân chủ
Việc chính phủ phải đóng cửa một phần đương nhiên không phải việc hay ho gì. Nó làm đình trệ nhiều hoạt động của xã hội, gây khó khăn cho người dân và gây hại cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, đây lại là một biểu hiện sinh động và lý thú của một nền dân chủ.
Cơ chế tam quyền phân lập (separation of powers) và cơ chế kiểm soát – cân bằng (checks and banlances) không cho phép ai, kể cả tổng thống, muốn làm gì thì làm hay muốn tiêu tiền ra sao thì tiêu. Tổng thống chỉ là một phần ba của chính quyền, bên cạnh đó còn có Quốc hội và toà án nữa. Tổng thống cũng chỉ là kẻ tiêu tiền, còn kẻ duyệt chi lại là Quốc hội.
Trớ trêu thay, hai cơ chế này không đủ để kiểm soát việc chính phủ tiêu tiền. Điều gì sẽ xảy ra khi một đảng duy nhất kiểm soát toàn bộ ba nhánh của chính quyền? Đảng đó sẽ chỉ đạo Quốc hội duyệt chi theo ý nó, tiêu tiền theo ý nó, và kiểm toán theo ý nó. Nguy cơ tham nhũng và tiêu tiền vô tội vạ vào những chính sách kém hiệu quả ở đây là không thể rõ ràng hơn. Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cuba và nhiều nước có hệ thống chính trị một đảng rơi vào tình trạng này.
Cơ chế tam quyền phân lập chỉ hoạt động được nếu nó dựa trên một thể chế chính trị dân chủ, nghĩa là người dân và các đảng phái được tham chính thông qua các cuộc bầu cử định kỳ, tự do và công bằng.
Nhờ có hai đảng phái chính trị chuyên kèn cựa và bới móc nhau là Cộng hoà và Dân chủ, nhờ quyền lực thực sự mà lá phiếu của cử tri mang lại mà người dân biết được chi tiết từng khoản trong dự luật ngân sách và buộc các chính trị gia phải cân nhắc cẩn thận trước khi bỏ phiếu. Việc bắt buộc phải có 60 phiếu mới thông qua được ngân sách cũng buộc hai đảng phải thoả hiệp với nhau vì lợi ích chung của quốc gia thay vì lúc nào cũng chạy theo lợi ích riêng của đảng mình.
Tài liệu tham khảo:
·        What closes when the government shuts down, Washington Post.
·        Federal budget 101, National Priorities.



TTDC VÀ CÂU CHUYỆN TRỤC XUẤT TỴ NẠN VIỆT (Tin Vắn Dec. 22)


TTDC VÀ CÂU CHUYỆN TRỤC XUẤT TỴ NẠN VIỆT
Tin Vắn Trong Tuần (Dec.22, 2018)Vũ Linh
TTDC Mỹ và nhất là VN tiếp tục khai thác đề tài ‘Trump trục xuất dân tỵ nạn Việt’, bất kể toàn bộ câu chuyện chỉ dựa trên … fake news.
Một tờ báo tỵ nạn loan tin “Biểu tình ‘Bảo vệ người Việt tị nạn’ tại Little Saigon”. Cũng tờ báo đó loan một tin khác “26 dân biểu Mỹ phản đối TT Trump đòi trục xuất người Việt Nam”.
Câu hỏi “Có chuyện gì không đúng trong những cái tít lớn đó?”. Câu trả lời “Cả hai cái tít đều gian trá, lập lờ đánh lận con đen”.
Cả hai cái tít rõ ràng là những cố gắng khích động dân tỵ nạn bằng hù dọa thiếu lương thiện. Người Việt tỵ nạn không có nhu cầu “bảo vệ” gì vì chẳng bị đe dọa gì hết. Không ai muốn hay có thể trục xuất “người Việt tỵ nạn” hết. Cả triệu di dân bất hợp pháp Nam Mỹ chưa ai trục xuất được, làm sao có chuyện trục xuất cả triệu di dân hợp pháp Việt được? TT Trump cũng chưa bao giờ “đòi trục xuất dân tỵ nạn Việt”.
Chỉ là luật Mỹ ghi rõ di dân hay dân tỵ nạn chưa có quốc tịch mà đã phạm pháp thì sẽ không được vào quốc tịch và không được ở lại Mỹ nữa. Báo Việt cũng chơi cái mánh của báo Mỹ, ‘quên’ không viết cho rõ là chỉ dân phạm pháp mới bị đe dọa trục xuất.
Trên căn bản, kêu gọi không trục xuất dân tỵ nạn phạm pháp là một việc làm có tính nhân đạo mà kẻ này có thể ủng hộ có điều kiện. Điều kiện đó là những tội vi phạm không phải là những trọng tội hình sự như cướp của, giết người, mà chỉ là những tội nhẹ có thể được hưởng tình trạng giảm khinh, như hút sách ma tuý, bán ma tuý vặt ngoài đường, trộm cắp vặt, say xỉn khi lái xe, vợ chồng đánh nhau, khai gian vài ngàn lợi tức để tránh thuế,…, nhất là khi họ đã vi phạm khi còn trẻ và đã bị tù tức là đã trả giá cho sai lầm của họ. Vì lý do nhân đạo sơ đẳng, những người này nên được phép ở lại và vào quốc tịch Mỹ, cho họ một cơ hội mới, làm lại cuộc đời.
Tuy nhiên, những dân tỵ nạn phạm trọng tội hình sự nặng thì khó châm chế hơn. Còn dân ‘Việt kiều’, tức là công dân VC qua đây du lịch hay du học, phạm tội thì tuyệt đối không có lý do gì mà không trục xuất đi, càng sớm càng tốt, k này… không care!
Trong vụ biểu tình, điểm quan trọng nữa, những người đi biểu tình chống Trump, cho dù có ý tốt, nhưng đã làm sai cách. Việc trục xuất di dân phạm pháp nằm trong luật Mỹ đã có từ trước thời Trump rất rất lâu. Muốn cứu những người này thì phải sửa luật, chứ không phải chỉ cần hô đả đảo Trump là xong. Đúng là làm chuyện ngớ ngẩn, bị xách động bởi những người bị bệnh Dị Ứng Trump, mà không biết mình đang làm gì. Điều những tổ chức này có thể và cần làm, là vận động quốc hội chỉnh sửa luật di trú lại, hay ra luật đặc miễn riêng cho dân tỵ nạn VN. Sửa luật hiện hành hay ra luật mới là trách nhiệm của quốc hội, muốn tranh đấu thì phải vận động quốc hội, chứ không phải đi biểu tình chống Trump.
Điều lạ lùng đáng nói là các báo Việt ngữ vẫn tiếp tục loan tin là Thỏa Ước 2008 dưới thời TT Bush bảo đảm hay xác nhận những người Việt tỵ nạn qua trước ngày 12/7/1995 sẽ không bị trục xuất về VN, nhưng bây giờ TT Trump đang lật ngược lại, không tôn trọng thỏa ước này nữa, muốn trục xuất dân tỵ nạn về VN.
Xin nhắc lại cho rõ: Thoả Ước 2008 không có một điều khoản nào ghi là Mỹ sẽ không trục xuất dân tỵ nạn phạm pháp qua trước 7/1995.
Một điểm mà TTDC Mỹ cũng như Việt im re là việc trục xuất tội phạm nằm trong luật di trú hiện hành. Khoan nói tới TT Bush, một phụ tá thứ trưởng ngoại giao như bà Julie Myers không thể nào có quyền ký một thỏa ước công khai vi phạm luật hiện hành như vậy được. Nôm na ra, ngay cả TT Bush dù muốn, cũng không thể ký văn kiện với CSVN, cam kết không trục xuất dân tỵ nạn phạm pháp VN qua trước 1995. Nói TT Bush đã đồng ý như vậy và bây giờ TT Trump lật ngược lại là NÓI LÁO.
Tờ báo Việt ngữ đó còn chơi trò gian trá hơn nữa là tung cái tít to tướng “Số người Việt bị trục xuất tăng 70%”, nghe tá hỏa tam tinh!  Sự thật là tăng 70% trên con số rất nhỏ trước, là 120 người, tức là tăng có hơn 80 người, lên tới tổng cộng hơn 200 người cho nguyên năm, toàn là dân Việt kiều, tức là VC, không có một người tỵ nạn nào hết.
Thiển nghĩ bênh vực, giúp những người Việt phạm pháp không bị trục xuất có thể là điều tốt, nhưng bênh vực bằng fake news thì sẽ bị phản ứng ngược thôi, không giúp được ai hết. Hơn thế nữa, truyền thông muốn đóng vai trò thông tin nghiêm chỉnh, bảo vệ uy tín của chính mình, và bênh vực hữu hiệu quyền lợi của cộng đồng tỵ nạn, không thể cố tình đăng tin phịa vì tính phe đảng, hay chủ ý đăng loại tít sốc để kiếm độc giả, trong khi gây hoang mang vô cớ cho đồng hương.
Ở đây, chúng ta cũng cần nhìn cho rõ tình trạng cư trú và xử dụng danh từ cho chính xác. Những người trốn chạy CSVN qua đây tỵ nạn, dù là qua năm 1975 hay 1978 hay sau đó, thì là “dân tỵ nạn” đã không còn là công dân VNCH nhưng không chấp nhận là công dân CHXHCNVN. Những người qua Mỹ sau này dưới dạng đoàn tụ gia đình cũng có thể được coi là dân tỵ nạn nếu họ đoàn tụ với gia đình tỵ nạn, từ bỏ quốc tịch CHXHCNVN. Những người qua Mỹ với thông hành –hay hộ chiếu, nói theo ngôn ngữ VC- của CHXHCNVN, đi du lịch hay du học hay kinh doanh, thì gọi là “Việt kiều”, không phải là dân tỵ nạn. Nếu họ đoàn tụ với một gia đình ‘Việt kiều’ được Mỹ cho vào sinh sống hợp pháp vì có cơ sở kinh doanh hay vì có con cháu du học được ở lại, thì họ vẫn chỉ là Việt kiều, không phải dân tỵ nạn.
Báo Việt ngữ cần viết cho rõ và cho đúng trường hợp, không thể chơi trò lập lờ đánh lận con đen thiếu lương thiện, viết chung chung “dân Việt”, bao gồm cả dân tỵ nạn lẫn Việt kiều.

Ghi chú: Vấn đề trục xuất dân tỵ nạn Việt vẫn gây phản ứng sôi nổi. Một độc giả Việt trẻ đã góp ý với DĐTC bằng một bài bằng tiếng Anh. Vì bài quá dài và đề tài quan trọng, nên DĐTC đã dành cho góp ý này riêng một trang tuần này, kèm theo lời phản biện của Vũ Linh và một bài viết bằng tiếng Anh cho dân tỵ nạn thế hệ 2 thông thạo Anh ngữ hơn. Xin quý độc giả truy cập trang “Extradition?” tuần này.

OBAMACARE VI PHẠM HIẾN PHÁP
Tuần rồi, Diễn Đàn này có đăng tin vắn tắt về việc một quan tòa phán Obamacare vi phạm Hiến Pháp. Có vài độc giả đã thắc mắc hỏi là chuyện gì. Xin viết thêm cho rõ.
Trong luật Obamacare nguyên thủy, có điều khoản nếu không mua bảo hiểm y tế sẽ bị phạt một số tiền. Điều khoản này bị thưa kiện là tiền phạt chính là thuế trá hình và chính quyền liên bang không có quyền áp đặt tiền phạt kiểu đó lên các tiểu bang. Chính quyền Obama phản bác, khẳng định đây không phải là thuế. Lên đến Tối Cao Pháp Viện. Nếu TCPV phán điều khoản tiền phạt này vi Hiến thì coi như Obamacare đóng cửa tiệm vì sẽ có nhiều người không mua bảo hiểm y tế nữa. Trong một phán quyết hoàn toàn bất ngờ, Tối Cao Pháp Viện xác nhận tiền phạt này chính là một hình thức thuế trá hình, tuy nhiên cũng vì đó là thuế nên chính quyền liên bang có quyền áp đặt lên tất cả các tiểu bang vì Hiến Pháp cho phép chính quyền liên bang đánh thuế trên tất cả các tiểu bang. Phán quyết này coi như cứu sống Obamacare.
Năm ngoái, quốc hội ra luật Cải Tổ Thuế, trong đó có điều khoản hủy bỏ việc bắt đóng tiền phạt nếu không có bảo hiểm y tế.
Bộ trưởng Tư Pháp của 18 tiểu bang và hai thống đốc thưa kiện cho rằng nếu liên bang không đánh thuế nữa thì liên bang không còn quyền áp đt Obamacare lên các tiểu bang nữa. Một quan tòa liên bang tại Texas đồng ý, phán nếu không còn điều khoản về ‘thuế’ nữa thì chính quyền liên bang không có quyền áp đặt Obamacare lên các tiểu bang nữa. Và như vậy, Obamacare đã vi phạm quyền tự trị nội bộ của các tiểu bang, tức là vi phạm Hiến Pháp.
Phán quyết này đang bị phe DC kháng cáo lên tòa phúc thẩm, có nhiều triển vọng sẽ lên tới Tối Cao Pháp Viện. Nếu TCPV phán Obamacare vi Hiến, Obamacare sẽ bị khai tử ngay và quốc hội sẽ phải thảo lại luật bảo hiểm y tế mới. Tháng tới đảng DC sẽ bắt đầu kiểm soát Hạ Viện, sẽ chịu trách nhiệm soạn thảo luật y tế mới, nếu phải có.
TT Trump nhân dịp này, đã kêu gọi phe DC hợp tác với CH thảo luật bảo hiểm y tế mới vẹn toàn hơn.

FBI PHỎNG VẤN TƯỚNG FLYNN
Văn phòng công tố Mueller đã công bố tóm lược cuộc phỏng vấn tướng Michael Flynn của FBI.
Việc công bố này được làm theo đòi hỏi của một quan tòa đang thụ lý vụ công tố Mueller truy tố tướng Flynn về tội ‘nói láo’. Vấn đề trở nên rắc rối vì FBI phỏng vấn tướng Flynn trong khi tướng Flynn không có luật sư nào hiện diện hay cố vấn theo đúng luật Mỹ. Một vài chuyên gia cho rằng việc đó vi phạm quyền công dân của tướng Flynn, có thể sẽ khiến quan tòa hủy vụ truy tố. Quan tòa đã yêu cầu công tố Mueller nộp toàn bộ tài liệu về cuộc phỏng vấn của FBI. Đó là lý do tại sao công tố Mueller công khai hóa bản tóm lược cuộc phỏng vấn. Theo tài liệu được công bố, tướng Flynn ‘nói láo’ hai lần với FBI.
 Lần thứ nhất khi được hỏi về việc ông đề nghị Nga nên hoãn việc biểu quyết chống Do Thái tại Liên Hiệp Quốc về vụ thành lập trại định cư mới cho dân Do Thái trên đất Palestine, tướng Flynn đã trả lời ông không có đề nghị Nga làm chuyện này. Nhưng qua điện đàm với đại sứ Nga, mà FBI thu thanh, tướng Flynn quả có đề nghị này.
Lần thứ nhì, tướng Flynn khai với FBI ông đã không khuyến cáo Nga không nên trả đũa quyết định của TT Obama trục xuất một số viên chức Nga, trong khi FBI thu thanh cuộc nói chuyện cho thấy tướng Flynn có làm chuyện này.
Nên ghi nhận, FBI đặt máy thu thanh tất cả các cuộc nói chuyện của tòa đại sứ Nga, nên thu được các cuộc nói chuyện của tướng Flynn với đại sứ Nga, chứ FBI không trực tiếp nghe lén tướng Flynn.
Tướng Flynn bị tố cáo nói láo và ông đã nhận tội. Công tố Mueller truy tố tướng Flynn nhưng xin miễn án tù vì ông này đã hợp tác chân thành với công tố Mueller, khai nhiều chuyện quan trọng.
Trong câu chuyện tướng Flynn, kẻ này thấy có hai vấn đề:
1)  Chuyện tướng Flynn nói láo là chuyện hoàn toàn dựa trên phúc trình và báo cáo một chiều của FBI và công tố Mueller. Việc tướng Flynn bị thẩm vấn mà không có luật sư hiện diện cũng như không có nhân chứng nào, có thể sẽ khiến toàn bộ cuộc truy tố bị liệng vào thùng rác.
2)  Nếu quả chuyện tướng Flynn nói láo có thật, thì tướng Flynn quả là vụng về, vô ý khi dám nói chuyện bí mật an ninh quốc gia với đại sứ Nga trên điện thoại, để rồi bị FBI thu được và công tố Mueller truy tố. Chuyện thật khó hiểu khi ta biết tướng Flynn là chuyên gia tình báo, từng làm giám đốc cơ quan phản gián của bộ Quốc Phòng – Director of Defense Intelligence Agency-, làm sao không biết Mỹ đang thu thanh các cuộc nói chuyện điện thoại của đại sứ Nga? Hay đại sứ Nga làm sao không biết Mỹ thu thanh điện thoại của tòa đại sứ? Biết bị thu thanh, sao còn dám nói chuyện về an ninh quốc gia? Đã vậy, sao lại còn ‘nói láo’ cho đến khi băng thu thanh được đưa ra? Có cái gì mờ ám, đáng nghi không?
Đi xa hơn, ta thấy cái tội của tướng Flynn là đã quá hấp tấp, lo chuyện quốc gia hơi quá sớm khi ông chưa chính thức được bổ nhiệm làm cố vấn An Ninh Quốc Gia. Cái tội này chẳng dính dáng xa gần gì đến chuyện thông đồng với Nga giúp ứng cử viên Trump trong cuộc tranh cử, cũng chẳng phải là tội lem nhem tham nhũng gì.
Tin giờ chót, vụ xử tướng Flynn đã được dời lại tới tháng Ba, 2019, để tướng Flynn có thêm thời giờ hợp tác với công tố Mueller và điều đình việc truy tố ông.

ARIZONA SẼ CÓ HAI NGHỊ SĨ MỚI
Tiểu bang Arizona có hai thượng nghị sĩ, Jeff Flake và John McCain. Cách đây khá lâu, ông Flake tuyên bố không ra tranh cử lại năm 2018 vì đã mất hậu thuẫn của đảng CH tại Arizona. Ghế của ông sẽ được bầu lại năm 2018, giữa hai bà Kirsten Sinema của DC và Martha McSally của CH. Ông McCain thì sau đó đã qua đời. Ngay sau khi TNS McCain qua đời, ông Jon Kyl đã được bổ nhiệm thay thế tạm. Ông Kyl nói ngay ông có thể sẽ từ chức sớm, trước cuối năm nay.
Ai cũng hiểu ngay việc ông Kyl có thể từ chức sớm là cách đảng CH chơi mánh để bảo vệ ghế nghị sĩ Arizona cho đảng CH. Đảng CH dự trù nếu bà McSally thua trong cuộc bầu thay thế TNS Flake, thì ông Kyl sẽ từ chức ngay, để thống đốc CH bổ nhiệm bà McSally thay thế. Bây giờ, sau khi bà McSally thua thật, ông Kyl đã từ chức và thống đốc CH Arizona đã mau mắn bổ nhiệm ngay bà McSally thay thế. Bà McSally sẽ ngồi ghế này cho tới năm 2020 thì sẽ chính thức có bầu cử lại. Dĩ nhiên không có gì bảo đảm bà sẽ trúng cử khi đó, nhưng ít ra việc bổ nhiệm bây giờ sẽ giúp bà có nhiều lợi thế.
Arizona là tiểu bang thứ nhì sau Cali, đã có hai thượng nghị sĩ liên bang đều là phụ nữ hết. Cali có bà Diane Feinstein và Kamala Harris, Arizona có bà Kirsten Sinema và Martha McSally.

TIN DI DÂN NAM MỸ
Chính phủ Mỹ vừa loan báo sẽ viện trợ 4,8 tỷ đô cho Mexico, và 5,8 tỷ đô cho các quốc gia Trung Mỹ để giúp họ phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho dân. Hy vọng sẽ giữ dân họ ở lại xứ, không nhất quyết đòi đi Mỹ nữa.
Chuyện hơi khó hiểu là trong khi TT Trump tìm tỷ đô xây tường không ra, thì lại có ngay 10 tỷ để gửi cho các xứ này. Kẻ này thật sự không hiểu một chục tỷ này lấy ở đâu ra quá dễ dàng vậy? Trước đó, ngoại trưởng Mễ đã tuyên bố xứ của ông và các xứ Trung Mỹ chắc cần tới 25 tỷ đầu tư của Mỹ. Phiên dịch ra tiếng Nôm: ông Trump ơi, chưa đủ đâu, cần hơn gấp hai lần nữa cơ. Nếu không thì di dân mấy xứ này vẫn muốn leo rào qua Mỹ thôi. Câu hỏi là nếu TT Trump cho 25 tỷ thì có gì bảo đảm Mexico sẽ không hét giá lên, đòi 50 tỷ?
Một câu hỏi nữa là để đổi lấy số tiền này, Mễ và các xứ trung Mỹ sẽ làm gì? Có cam kết gì trong vụ cản di dân của họ chạy qua Mỹ không?

TT TRUMP THẮNG VÀ THUA
Ngày 18/12 vừa qua, Thượng Viện đã biểu quyết 87-12 thông qua một dự luật cải tổ việc trừng phạt các tội phần lớn liên quan đến buôn bán và xử dụng ma tuý. Trên căn bản, các quan tòa sẽ được rộng quyền kết án hơn, các tội sẽ bị phạt nhẹ hơn, và Nhà Nước sẽ có nhiều biện pháp giúp việc phục hồi những tội phạm này, giúp họ trở về sống trong xã hội. Trên căn bản, luật này sẽ tiết kiệm bộn tiền cho Nhà Nước.
Một thiểu số nghị sĩ CH bảo thủ nhất đã chống lại dự luật này vì không đồng ý việc quá nhẹ tay này, có thể chỉ khuyến khích đám du đãng ma túy làm tới, tăng thêm mức phạm tội thôi. Dự luật này đã được Hạ Viện thông qua dễ dàng và TT Trump sẽ ký ngay trong vài ngày nữa.
Tuy nhiên luật này chỉ áp dụng cho các tội ở mức liên bang, không phải tội ở mức tiểu bang. Chỉ có khoảng 10% tội nhân trên cả nước được hưởng giảm khinh này.
TTDC và cả TT Trump đã coi như đây là thắng lợi cho TT Trump.
Trong khi đó, Thượng Viện cũng loan báo một ngân sách tạm sẽ được thông qua, có hiệu lực qua tới tháng Ba năm tới. Đổi lại, biểu quyết cấp tiền xây cất tường biên giới Mỹ-Mễ được tạm hoãn qua năm tới, bất kể việc TT Trump hăm dọa đóng cửa Nhà Nước nếu không được tiền này. Đây coi như là thất bại của TT Trump, đã bị ngay khối bảo thủ cực đoan chỉ trích mạnh.
Nhưng ngay sau đó, Hạ Viện vẫn do CH kiểm soát, đã phê chuẩn ngân sách mới, trong đó có 5 tỷ dành cho việc xây tường biên giới Mỹ-Mễ. Chưa ai biết Thượng và Hạ Viện sẽ điều đình với nhau như thế nào trong những ngày tới, trước khi Nhà Nước đóng cửa vì không có ngân sách mới. Chỉ biết chưa có quyết định gì hết. Thượng và Hạ Viện phải đồng ý với nhau thì mới có tiền cho ngân sách hay cho bức tường.
Về thái độ của TT Trump, tất cả tùy thuộc vào ưu tiên nào quan trọng nhất đối với ông. Có thể ông sẽ nhượng bộ việc xây tường đổi lấy chuyện gì khác quan trọng hơn như một luật quy mô mới về vấn đề di dân chẳng hạn, hay một luật bảo hiểm y tế mới, hay ngân sách để Nhà Nước mở cửa, hay tiền để trùng tu hạ tầng cơ sở. Ta đừng quên TT Trump là một nhà kinh doanh, chuyên môn ‘hét giá’, rồi sau đó cân nhắc lợi hại, ưu tiên và quyết định.
Cho đến khi tin này được viết, Thượng Viện đã không có đủ phiếu để đồng ý cấp tỷ xây tường biên giới, do đó, có nhiều trriển vọng sẽ không có ngân sách kịp thời và Nhà Nước sẽ bị đóng cửa, chưa ai biết bao lâu. Nhà Nước đóng cửa tiệm đã thành chuyện cơm bữa từ thời TT Clinton.

TƯỚNG MATTIS TỪ CHỨC.
Tướng Mattis, bộ trưởng Quốc Phòng cho biết ông sẽ từ chức cuối tháng Hai tới, và TT  Trump đã chấp nhận.
Trong thư từ chức, ông đã cho biết muốn từ chức để TT Trump “có dịp lựa người hợp ý với ông hơn”.
CNN đã mau mắn diễn giải ông Mattis từ chức vì ‘chống’ TT Trump. Trong những ngày tới, sẽ không phải là chuyện lạ nếu TTDC xúm lại ca tụng tướng Mattis ngất trời trong khi các cụ tỵ nạn chống Trump hớn hở gửi emails khắp nơi. Điều tiếu lâm là có cụ đã đặt câu hỏi “tại sao những người giỏi từ chức, không làm việc với TT Trump nữa?” Câu trả lời: trong con mắt của các cụ bị Dị Ứng Trump, họ chỉ trở nên giỏi sau khi từ chức thôi, khi còn tại chức không nghe cụ nào khen ai giỏi hết.
Trong một tin liên hệ, chính phủ Mỹ loan báo sẽ rút hết 2.000 quân ra khỏi Syria và đang nghiên cứu việc rút 7.000 (50%) quân ra khỏi Afghanistan.
Những quyết định này nằm trong sách lược của TT Trump ngay từ đầu. Ông không chủ trương ở lại khu vực này lâu dài để ‘xây dựng dân chủ’ tại đây, mà chỉ muốn tiêu diệt ISIS. Bây giờ thì mối nguy ISIS đã cáo chung, Mỹ không còn lý do tham chiến tại đây nữa. Càng không có lý do ở lại để bảo vệ hay lật đổ TT Assad của Syria. Theo báo ‘phe ta’ Washington Post, tướng Mattis đã từ chức vì không đồng ý việc rút quân này.
Tướng Mattis, cũng như tất cả các bộ trưởng khác, đều có cái nhìn cục bộ liên quan đến khu vực trách nhiệm của mình trong khi TT Trump phải lấy quyết định trong sách lược tổng quát. Khác biệt quan điểm  là chuyện có thể xẩy ra. Việc thay đổi nhân sự ở cái xứ Mỹ này cũng là chuyện thường tình. Trong năm của TT Obama, ông đã có bộ trưởng Quốc Phòng, trung bình một người làm hai năm. Tướng Mattis đã làm bộ trưởng hai năm.

CHỨNG KHOÁN TIẾP TỤC RỚT
Cách đây vài hôm, Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang tăng lãi suất từ 2,25% lên 2,5%. Dow Jones cuối ngày rớt ngay 350 điểm. Ngày hôm sau, TT Trump tuyên bố không chấp nhận dự luật ngân sách của Thượng Viện, Dow rớt thêm hơn 450 điểm. Ngày kế tiếp, trước viễn tượng Nhà Nước đóng cửa tiệm, Dow rới thêm hơn 400, xuống cỡ 22.500 điểm. Tính từ cao điểm đầu tháng 10/2018 là 26.800, Dow Jones đã rớt gần 4.300 điểm trong ba tháng. So với tuần lễ trước khi ông Trump được bầu, Dow Jones chỉ tăng gần 10% trong hai năm, thay vì tăng 45% như cách đây ba tháng.
Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang tăng lãi suất vì cho rằng kinh tế đang tăng trưởng quá nhanh, có nguy cơ khiến vật giá leo thang. TT Trump đã công khai tỏ ý bất đồng và cho rằng NHDTLB quá nhút nhát, đã cản tăng trưởng kinh tế. Trong khi NHDTLB nhìn vấn đề dưới khiá cạnh kinh tế thì TT Trump nhắm vào tình trạng chính trị, hai mục tiêu/nhu cầu có thể đối nghịch. Việc cân nhắc tăng trưởng với lạm phát là việc làm cực kỳ tế nhị. Chúng ta không phải ‘siêu’ chuyên gia kinh tế hay chính trị, không thể hấp tấp dựa theo phe phái đả kích NHDTLB là loại Nhà Nước Ngầm lo phá TT Trump.
Trong khi đó, giới kinh doanh cũng lo ngại lập pháp do DC kiểm soát sẽ ngăn chặn mọi kế hoạch của TT Trump, kể cả sách lược kinh tế nhắm tăng trưởng mạnh, cũng như phê chuẩn ngân sách. Qua năm tới, khi DC thực sự kiểm soát Hạ Viện, tích cực cản TT Trump thì thị trường chứng khoán sẽ còn rớt nữa.

Các cụ tỵ nạn chống Trump khoan ăn mừng. Chứng khoán rớt, các cụ mất tiền trong các quỹ hưu đấy.