Sunday, January 13, 2019

Đức Chúa Trời cũng thành gián điệp. -Phạm Duyên.


Đức Chúa Trời cũng thành gián điệp.
Phạm Duyên.
Năm 1984 Kevin Garratt và vợ Julia Garratt vừa làm đám cưới. Họ sống bình ổn tại thành phố Vancouver, tỉnh British Colombia, miền tây Canada.
Đang tuổi đôi mươi, tràn đầy sức sống, giàu nghị lực, thương người, mến yêu Đức Chúa Trời, họ dấn thân vào công việc tông đồ.
Có một ngày, một người Trung Quốc mời họ dậy tiếng Anh cho Đại học Kỹ thuật Quân sự Quốc gia Trung Quốc. Vợ chồng Garratts nhận lời.
Ông Garratt sau này hồi tưởng lại câu chuyện đùa “gián điệp” ngày vợ chồng ông tới nhận nhiệm sở. Viên sỹ quan bỗ bã: “Từ ngày Cách mạng Vô sản thành công, chưa có một người ngoại bang nào được đặt chân vào ngôi trường đào tạo sỹ quan này.  Nay, tụi bay còn trẻ, không có gan làm ‘gián điệp’. Nên tụi tao tin”.
Từ đó, vợ chồng Garratts chăm chỉ dạy tiếng Anh, mở quán café, giúp trẻ mồ côi, người tàng tật, vô gia cư ngoài phố. Họ tự nhận là những Cơ Đốc nhân, chỉ làm công việc thiện, bất vụ lợi, không thuộc tổ chức truyền giáo nào.
Bữa ăn cạm bẫy.   
Giữa 2007, vợ chồng Garratts dọn tới là thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh. Họ mưu sinh bằng cách mở một quán café. Lấy tên con trai đầu lòng đặt tên quán “Peter’s Coffee House”. Thời gian còn lại, họ nuôi con, làm việc bác ái, dạy tiếng Anh, giảng Thánh Kinh cho dân địa phương.
Peter’s Coffee House nằm bên bờ sông Áp Lục, dưới chân cầu Hữu Nghị, ngó qua bờ kia là Bắc Hàn. Cây cầu đã trở thành tâm điểm cho khách thập phương.
Café ngon, giá bình dân, ân cần, chu đáo, chẳng mấy chốc, Peter’s Coffee House trở nên nổi tiếng. Dân địa phương và cả du khách đến thăm sông Áp Lục đều ghé. Thỉnh thoảng có cả những công chức ngoại giao cao cấp của Mỹ, Canada, Úc, Âu châu ghé uống café, ngắm dòng Áp Lục, nhìn qua bờ bắc, chụp hình, tán dóc.
Một hôm, vợ chồng Garratts được một cặp vợ chồng người địa phương mời đi ăn tối. Họ muốn Garratts tư vấn, giúp đỡ cho con gái họ vào Đại học Toronto. Đúng hẹn, Vợ chồng Garratts tới, thấy họ đang chờ, nhưng không thấy cô “con gái”.
Bữa ăn tối sượng sùng qua mau. Chia tay về, vợ chồng Garratts định đi xuống bằng cầu thang. Cặp vợ chồng kia níu kéo và đẩy họ vào thang máy “cho đỡ mệt chân”.
Thang máy chạm đất.. Cửa mở. Hai xe an ninh chờ sẵn. Vợ chồng Garratts bị tách ra, bị sốc nách. Mỗi người bị tống lên một xe. Mỗi xe một hướng khác nhau, lao vào màn đêm mù mịt.
Hôm đó là ngày 14/8/2014 tròn 30 năm trên Hoa lục, 30 năm làm việc bác ái, 30 lăn lộn nuôi bốn đứa con, 30 sống thánh thiện.
Chuyện của Su Bin tại Vancouver
Sáu tuần trước ngày vợ chồng Garratts bị bắt, tại thành phố quê hương Vancouver, có một công dân Trung Quốc tên là Su Bin bị tư pháp Canada bắt theo lệnh truy nã của FBI.
Su Bin sinh 1965, sở hữu 13 triệu Mỹ kim, chủ công ty Lode-Tech chuyên về kỹ thuật hàng không dân dụng. Lode-tech có văn phòng đại diện tại Vancouver.
Năm 2012, Su Bin mua căn nhà 2 triệu Gia kim tại Vancouver và đưa gia đình đến Canada sống theo quy chế thường trú.
Su bị bắt vào tháng 7/2014, đang hưởng quyền tại ngoại, chờ đối mặt với phiên tòa dẫn độ qua Mỹ.
Trong lúc chờ đợi, Trung Quốc giăng bẫy, gài độ bắt vợ chồng Garretts. Dùng họ làm con tin, gây sức ép, mặc cả, chạy tội cho Su.
“Góc chụp” là nhậy cảm
Giữa đêm khuya, họ lệnh cho bà ký vào một tờ giấy đã viết sẵn. Bà Garratt hỏi ký cái gì? “Ký đồng ý bị “thẩm vấn,” họ trả lời. Bà hỏi tiếp: “Tại sao thẩm vấn?” “Tội gián điệp”, bà nghe qua giọng người phiên dịch.
Bà tái tê, run sợ, hoảng hốt, rồi ký.  Bà cho rằng họ nhầm. Rồi vợ chồng bà sẽ được thả, sẽ nhận được lời xin lỗi.
Còn ông Garratt kể: Mỗi nhóm gồm hai cai ngục, hai giờ một lần, họ thay nhau ngồi ngoài xà lim, nhìn chằm chằm vào ông qua song sắt, viết liên tục, tường thuật cả những động tác đơn giản giơ tay gãi ngứa. Đèn cao áp chói lòa, dọi thẳng vào đồng tử, suốt 24 giờ, bừng bừng thiêu đốt.
Bà Garratt chỉ còn biết cầu nguyện, vẽ, đọc sách do Lãnh sự Canada mang vào, đừng có viết gì nếu không muốn bị tịch thu.
Vợ chồng Garratts phải chịu đựng sáu tiếng thẩm vấn mỗi ngày, vào bất kể lúc nào. Mỗi nhóm thẩm vấn gồm ba người đàn ông. Họ đưa ra những e-mails, tin nhắn, băng thu lén những cuộc gọi điện của vợ chồng Garratts.
Nhóm thẩm vấn muốn chứng minh rằng vợ chồng bà là gián điệp nằm vùng, vâng lệnh tình báo Canada, đánh cắp những thông tin “vô cùng nhạy cảm” của Trung Quốc, rồi chuyển cho các điệp viên phương tây dưới vai nhà ngoại giao tại Peter’s Coffee House.
Ông Garratt cãi: “Bằng chứng đâu?”
Viên sỹ quan hỏi cung rút từ trong tủ ra một tấm hình Garratt chụp trên đường phố Đan Đông, phía sau là dòng Áp Lục, cây cầu Hữu Nghị vắt ngang, xa xa là đất Bắc Triều Tiên.
Garratt cãi tiếp: Mọi du khách đều chụp cây cầu này, có gì là “nhạy cảm?”
Viên sỹ quan lạnh lùng: “Nhạy cảm ở góc độ chụp”.
Vợ chồng Garratts luôn bị dọa: Hoặc bị tử hình hoặc bị đầy vào trại lao cải chung thân khổ sai bên Bắc Triều Tiên.
Cả hai vợ chồng thường xuyên bị ép cung, phải viết lời thú tội, nếu không họ sẽ bắt Peter con trai đầu lòng đang học tại đại học Trung Quốc vào thời điểm đó.
Rồi bỗng nhiên, tháng 2/2015, bà Garratt được tại ngoại, còn chồng vẫn bị biệt giam.. Thì ra, tại Vancouver, Su Bin đổi ý.
Bắc Kinh cứng họng bẽ bàng
Nếu xét thấy có tội, Su Bin phải đối mặt với bản án 50 năm tù giam. Lúc bị bắt, Su đã 50 tuổi.
Đột nhiên, Su không kháng án, mà mướn tới năm luật sư tài ba nhất Bắc Mỹ để đệ đơn thú tội, thương lượng với tòa giảm án xuống 5 năm, và giữ quy chế “thường trú nhân”.   
Su Bin công nhận đã cộng tác với tình báo quân đội Trung Quốc từ 2008 cho tới khi bị bắt 2014.  Su đã đánh cắp thông tin về động cơ của các dòng máy bay chiến đấu F-22, F-35, và Boeing’s C -17 vận tải quân sự rồi chuyển cho quân đội Trung Quốc. Tòa có trong tay, hình Su Bin chụp chung với sỹ quan tình báo quân đội Trung Quốc có số quân nhân, có quân hàm, quân hiệu.
Ngoài thời gian thụ án, Su phải bồi thường thiệt hại lên tới nhiều triệu Mỹ kim. Sau thời gian thụ án, Su phải đối mặt với lệnh trục xuất khỏi lãnh thổ Canada.
Mười ba triệu Mỹ kim và căn nhà hai triệu (bây giờ chắc lên tới bốn triệu) tại Vancouver cũng đi toi vào khoản đền bù và tiền luật sư.
Trung Quốc vừa cứng họng vừa mất mặt. Những thủ đoạn gán ghép, thêu dệt tội “gián điệp” cho vợ chồng Garratts thật bẽ bàng, nhục nhã cho thể diện của một “cường quốc”.
Đức Chúa Trời cũng thành gián điệp
Tháng 2/2015, Su chủ động thú tội. Cùng tháng bà Garratt được tại ngoại. Chồng bà vẫn bị giam.
Tháng 8/2015 Thủ tướng Canada Justin Trudeau tới dự Thượng đỉnh G-20, bà Garratt được phép rời Trung Quốc. Hai tháng sau, ông Garratt tới hầu tòa, được nghe một bản cáo trạng dài tám trang bằng tiếng Quan Thoại. Ông chẳng hiểu mẹ gì.
Sáng sau, ông được hướng dẫn phải nộp phạt 14,000 Mỹ kim, phải cam kết không được tiết lộ bất cứ điều gì cho truyền thông, rồi bị tống lên một chuyến bay trực chỉ Tokyo.
Sau 775 ngày cay đắng nhọc nhằn, vợ chồng, gia đình Garratts gặp lại nhau tại Vancouver. Họ ôm nhau trong nước mắt. “Nỗi buồn khôn tả cứ trùm lên gia đình tôi”, ông Garratt tâm sự.
Còn bà, trong cuốn sách “Two Tears on the Window” (Hai Giọt Nước Mắt Trên Cửa Sổ) vừa xuất bản với muôn vàn chi tiết sống động về những gì mà vợ chồng bà đã trải qua hơn hai năm trong nhà tù Trung Quốc.
Đến bây giờ, bà không dám đụng vào phone vì sợ bị nghe lén, không dám cầm máy chụp hình vì sợ buộc tội “chụp hình nhạy cảm”, thấy xe lạ trước nhà bà tưởng xe mật vụ. Ai ai cũng thấy hao hao như gián điệp.
Bà kể lại. Bà cố trình bày cho người thẩm vấn hiểu rằng vợ chồng bà chỉ làm một phần rất nhỏ công việc của Đức Chúa Trời giúp đỡ tha nhân.
Viên sỹ quan Trung Quốc đáp: Đức Chúa Trời cũng có thể thành gián điệp.
Queen East St. Toronto, Ontario, Canada
Mùa Vọng – Giáng Sinh 2018


BA BÓ, TÁM BÓ -Hoàng Hải Thủy


Posted on January 26, 2017 
Hoàng Hải Thủy

Buổi sáng đầu năm ở quê người, trước khung hình computer,  tôi buồn vời vợi. Buồn và tuyệt vọng. Cuộc sống không còn có gì cho tôi vui. Mùa đông Virginia, tuyết làm duyên, vườn đất Virginia mùa đông cũng có tuyết, nhưng tuyết làm cảnh, tuyết thoáng qua, như  không lẽ Virginia Mùa Đông lại không có tuyết.
Trong phòng ấm, ly cà phê nóng, màn ảnh TiVi trình diễn những khuôn mặt phụ nữ Mỹ trẻ, duyên, hấp dẫn, những chuyên viên xướng ngôn TiVi tiếng Mỹ được gọi là những anchor; người đàn bà sống với tôi trong 60 năm ngồi với ly cà phê bên tôi.
Lúc 5 giờ sáng, trong căn phòng Housing for Seniors Low Income  – tôi trở dậy. Tôi pha ly cà phê cho tôi, tôi làm sẵn ly cà phê đợi vợ tôi dậy là pha nước sôi. Chúng tôi bắt đầu một ngày sống bên nhau. Có nàng sống chung,  tim tôi vẫn nặng. Tim tôi nặng vì tôi biết tôi không còn được sống với nàng bao lâu nữa. Chúng tôi có thể vĩnh biệt nhau bất cứ lúc nào. Một sáng nào đó trong căn phòng người lưu vong già đầy ắp kỷ niệm, nàng không dậy nữa.
Nàng không dậy nữa…!
Thế là xong. Tôi biết cảnh đó sẽ đến, sắp đến, nó có thể đến với tôi trong bất kỳ buổi sáng nào, nhưng tôi không thể tưởng khi nàng không trở dậy, đứng bên giường nàng tôi sẽ nghĩ gì, tôi sẽ làm gì. Tôi sợ tôi phải sống không có nàng. Tôi không thể sống không có nàng.
Tôi nhớ lại những buổi sáng năm xưa tôi trở dậy trong sà-lim Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu, xương cốt mỏi rừ vì nằm co quắp trên bệ xi-măng. Tôi bị bắt giam hai lần. Lần thứ nhất tù trong sà-lim Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu, hai năm, lần thứ hai tù sáu năm, trong số có 4 năm tù trong Nhà Tù Chí Hòa.
Tôi nhớ những buổi sáng tôi  ngồi trong vùng sáng mờ từ bên ngoài lọt vào qua ô cửa gió – ô cửa gió trên cửa sắt sà-lim nhỏ bằng quyển sách –  ca nước lạnh để trước mặt, thèm ly cà-phê nóng, thèm khói thuốc lá, tù không biết ngày nào được trở về mái nhà xưa và vòng tay gầy của người vợ hiền, nhưng những buổi sáng trong sà-lim ấy tôi không buồn, không tuyệt vọng… như những buổi sáng năm nay tôi sống an ninh ở xứ Mỹ.
Buổi sáng hôm nay, tôi vào kho Ký Ức, tìm lại hình ảnh những người bạn tôi đã từ bỏ cõi đời này kể từ Ngày 30 Tháng Tư 1975. Tháng tận, năm cùng, Tết đến. Viết về những Người Bạn Đã Chết – theo tôi – là đúng Sách Vở. Tôi núp sau câu “Sinh Dữ, Tử Lành.” Ông cha tôi nói theo kinh nghiệm:
 “Nói chuyện Sinh Đẻ là không nên, nói chuyện Chết là tốt.”
Tại sao ông cha tôi lại quả quyết như thế? Tôi không biết.
Người bạn nào của tôi ra đi trước nhất sau Tháng Tư 1975? Tôi nhớ có thể không đúng. Đành nhớ ai viết về người ấy, đành nhớ chuyện gì viết về chuyện ấy.
“Tuổi phong sương anh vẫn gắng quay về..”
Anh Già Tám Bó vất vả gượng nhớ, gượng kể những chuyện xẩy ra từ 40, 50 năm xưa. Những chuyện xưa quá rồi, làm sao anh kề đúng chăm phần chăm? Nếu có kể sai, xin bỏ qua. Cám ơn.
Trước năm 1975 tôi đưa tiễn hai người đến nơi an nghỉ cuối cùng: anh Nguyễn Đức Quỳnh, và anh Từ Chung. Nhà Văn Nguyễn Đức Quỳnh là đàn anh tôi. Tôi không được thân với anh. Nên khi đưa anh đến nơi anh an nghỉ ngàn đời, tôi không có gì đáng gọi là xúc động, Đám tang anh có đông văn nghệ sĩ đi đưa.
Những năm 1968, 1969 – Tết Mậu Thân – tôi sống trong căn nhà nhỏ cạnh nhà Duy Sinh – Nhà  Số 19 hay nhà Số 21 đường Hồ Biểu Chánh – có lần anh Quỳnh đến ở chơi nhà Duy Sinh, con anh. Duy Sinh thường gọi tôi sang ăn cơm với anh. Một lần anh Quỳnh bảo tôi:
“Tôi nghe tiếng máy đánh chữ của anh; biết anh đang viết, tôi rất thích.”
Tôi bằng tuổi Duy Sinh, tôi mày tao với Duy Sinh. Lẽ ra tôi phải gọi anh Quỳnh là bác, nhưng anh vẫn  cho tôi gọi anh là anh. Ngôn ngữ trong giới văn nghệ là như thế. Mày tao với anh con, anh tôi với ông bố bạn.
Duy Sinh kẹt lại ở Sài Gòn, anh và gia đình vượt biên sang Mỹ khoảng năm 1978. Nghe nói những năm đầu Duy Sinh nổi tiếng với danh vị chủ báo. Năm 1995 tôi đến Cali, gặp lại nhiều anh em, nhưng tôi không gặp lại Duy Sinh. Từ mấy năm nay tôi nghe nói Duy Sinh yếu, lãng trí, hay mặc áo thun, quần cụt đi ra đường.
Qua Duy Sinh tôi được quen với Lê Trọng Nguyễn. Từ năm 1980 đến năm 1984 là năm Lê Trọng Nguyễn và vợ con anh sang Mỹ. Nguyễn và tôi rất thân nhau. Gần như chiều nào chúng tôi cũng gặp nhau. Chúng tôi thường trên hai xe đạp, đến ngồi uống rượu ở quán rượu nghèo ven đường xe lửa Cổng Số 6. Quán rượu này có thể được gọi là quán rượu nghèo nhất thế giới.  Rựơu đế 1 đồng một ly, nhâm nhi với lạc rang 1 đồng một gói. Mỗi chiếu-tối ngồi quán nghèo như thế chúng tôi chi khoảng 10 đồng: 4 ly rượu, 4 gói lạc rang.
Tôi có mấy câu thơ tặng Nguyễn:
“Xót mày dạ trúc, lòng tơ
Họa cung đàn mọi bây giờ hẳn đau.
Tóc chia hai thứ trên đầu.
Thương thì đã muộn mà sầu lại dư.
Này Lê, này Nguyễn đều hư.
Nắng Chiều mà gặp trời mưa thì phèo. “
Vợ Nguyễn được gia đình bảo lãnh sang Mỹ, Nguyễn đi theo vợ con. Năm 1995 khi vợ chồng tôi đến Cali, Nguyễn chỉ phone nói chuyện với tôi, tôi không được gặp lại Nguyễn ở Mỹ.
Từ Chung từng là bạn mày tao với tôi từ thời nhật báo Ngôn Luận. Ngôn Luận bị đóng cửa,  Nhật báo Chính Luận ra đời, Từ Chung và tôi xa nhau. Đời anh lên hương, lên dốc, đời tôi xuống dốc không phanh. Từ Chung có Chính Luận, tôi mấtSa2igoonmoi. Trong đám người đưa tiễn Từ Chung, tôi thấy tôi là người xa lạ, người khách không được trọng, người bạn bị bỏ quên.
Chính Luận là tờ báo duy nhất kể từ ngày Việt Nam có nhật báo cung cấp dịch vụ y tế cho nhân viên. Bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm được mời làm y sĩ điều trị cho nhân viên báo Chính Luận. Nhân viên Chính Luận đau ốm được đến phòng mạch của BS Phiếm, khám chữa bệnh miễn phí. Nhà báo đài thọ chi phí thuốc men cho nhân viên. Nhà báo vẫn tháng tháng trả lương Cố Thư Ký Tòa Soạn Từ Chung cho bà vợ của Từ Chung. Trả lương đều cho đến ngày bọn Bắc Cộng vào Sài Gòn. Trong lịch sủ nhật báo Việt Nam chỉ có nhật báo Chính Luận trả lương tháng cho vị Thư Ký Sáng Lập đã chết.
Cảm giác bị đời bỏ quên năm xưa ấy trở lại với tôi trong buổi ký giả Phạm Trần tổ chức buổi gặp lại anh Huyền Vũ. Trước ngày Nhật báo Sàigonmới bị bóp cổ chết – Tháng Tư 1964 – ký giả Huyền Vũ là biệp tập viên mục Thể Thao Nhật báo Sàigònmới. Mỗi tuần ít nhất là hai, ba buổi sáng tôi được gặp anh Huyền Vũ ở tòa soạn báo. Anh đến tòa báo viết tin. Anh đi khỏi Sài Gòn trước Ngày 30 Tháng Tư 1975. Sang Mỹ anh sống ở Ocean City, một thị trấn ven biển cách Washington DC khoảng ba giờ chạy xe. Ngày tôi mới đến anh gọi điện thoại hỏi thăm tôi.
Ngày tháng qua mau. Trong buổi gặp lại anh, tôi tưởng trong số người được ban tổ chức mời kể vài kỷ niệm xưa với anh Huyền Vũ thể nào cũng có tôi. Tôi là người duy nhất trong số người đến gập anh lần cuối ấy từng làm việc với anh trong một tòa báo. Nhưng tôi đã bị bỏ quên. Người ta mời nhiều người kể kỷ niệm với anh Huyền Vũ, người ta không mời tôi. Hôm ấy tôi đến gần anh Huyền Vũ, cúi xuống bên anh, nói nhỏ:
“Anh Huyền Vũ, tôi là Hoàng Hải Thủy. Anh nhớ tôi không?”
Anh nói bốn tiếng:
“Làm sao quên được.”
Anh ra đi vài tháng sau đó.
Một trong những người bạn đồng nghiệp của tôi ra đi sớm nhất sau Ngày 30 Tháng Tư 1975 là Trọng Nguyên. Anh cùng làm việc với tôi nhiều năm trong tòa soạn nhật báo Sàigònmới. chúng tôi trạc tuổi nhau. Khoảng năm 1976 gặp lại nhau, Trọng Nguyên cho tôi biết anh bị ung thư phổi. Tôi đến Bệnh Viện Hồng Bàng thăm anh. Rồi tôi đến Bệnh Viện Bình Dân thăm anh khi anh  đến đấy chờ giải phẫu. Lần thứ nhất tôi vào Khu Ung Thư Bệnh Viện Bình Dân thăm Trọng Nguyên. Khi ấy tôi đã sống 24 tháng trong phòng giam Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu, tôi thấy Khu Ung Thư, ở trên lầu Bệnh Viện Bình Dân, không khí ghê rợn hơn ở những phòng giam Số 4 Phan Đăng Lưu. Ở phòng giam tù có mùi hơi người, mùi lông tóc, mùi mồ hôi, mùi cống, ở phòng Ung Thư Bệnh Viện có đủ những thứ mùi vừa kể, thêm mùi máu, mùi mủ, những người bệnh đàn ông ở trần, khoác cái khăn trước bụng.
Buổi tối, tôi đến Tang Nghi Quán Quảng Đông chào vĩnh biệt Trọng Nguyên. Linh cữu Trong Nguyên quàn ở đấy. chị Trọng Nguyên kể:
“Buổi sáng nhà tôi bảo tôi mở tủ, lấy ra cái máy chữ và mấy quyển tiểu thuyết của anh, anh ngồi yên nhìn ngắm. Anh đi lúc bẩy giờ tối.”
Năm 1980 ở tù hai năm trở về, tôi được tin Minh Đăng Khánh bị liệt. Nghe kể anh hút điếu thuốc lào, bị sốc, ngã xuống, tỉnh lại, bị liệt nửa người bên trái. Anh ngã xuống là không tự đứng lên được,  anh vẫn lết chân trái đi lại được, nhưng đi rất chậm và vất vả. Anh vẫn dậy vẽ ở nhà. Anh nói ngọng nhưng còn nói được:
“Tao vào tiệm phở, người ta cho tiền tao. Tao nói: “Cám ơn.. Tôi không phải là ăn mày.”
Đưa đám Minh Đăng Khánh, tôi đứng bên anh Thiếu Lang. Anh hỏi tôi:
“Cậu có biết Hoàng Hải Thủy bây giờ ra sao không?”
Biết anh tưởng lầm, tôi hỏi lại anh:
“Anh thấy tôi là ai?”
Anh trả lời:
“Cậu là Hoàng Anh Tuấn chứ ai!”
Mạc Tử, kém Trọng Nguyên và tôi hai, ba tuổi,  làm phóng viên báo Sàigònmới cùng thời với chúng tôi. Tháng Tư 1964 Sàigònmới bị Nguyễn Khánh, Đỗ Mâu đóng cửa. Anh em chúng tôi tản lạc. Mạc Tử đi quân dịch. Tôi nghe kể trong một cuộc hành quân, người lính Mạc Tử bị tên VC bắn sẻ bắn trúng tim. Mạc Tử chết ngay. Mạc Tử không vợ, không con
Anh bạn bị bại liệt thứ hai của tôi là Văn Minh, chủ nhiệm Tuần Báo Con Ong. Xước danh của anh là Minh Vồ, dù cả đời anh chẳng vồ cái gì của ai. Minh bị nằm liệt khoảng ba năm trước khi hết nợ đời.
Trong đám tang Văn Minh, chị Minh bảo tôi nói lời vĩnh biệt anh. Đứng bên quan tài Minh, tôi nói:
“Minh ơi.. Khi người ta đi ra khỏi cõi đời này, người ta đi lên, hay người ta đi xuống. Khi chúng ta đi ra khỏi cõi đời này, chúng ta đi ngang. Minh sang bên ấy trước, chúng tôi sang sau.”
o O o
Chú Tư Cầu Lê Xuyên bị bại liệt khoảng năm 2000. Chú là người viết tiểu thuyết duy nhất kiếm được tiền đủ sống cho riêng chú trong kìm kẹp cộng sản. Sau 30 Tháng Tư 1975 chú bị bắt tù cùng một số ký giả Sài Gòn. Được thả ra khoảng một năm sau, chú bắt tay ngày vào việc đi xe đạp sáng sớm lấy bánh tiêu, bánh bò trong lò bánh của người Tầu ở Chợ Lớn, đạp xe đem đi giao khắp thành phố,  buổi chiếu chú đạp xe đi thu tiền. Rồi chú làm chủ tủ bán thuốc lá lẻ vỉa hè. Chú ngồi sau tủ thuốc từ 5 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Chú kiếm tiền tuy không nuôi được vọ con chú nhưng nuôi được thân chú.
Khoảng năm 1981, hay 1982, vợ tôi không ăn được cơm. Khoảng 8 giờ tối, tôi thường xách cái gà-men ra xe hủ tíu ở vỉa hè Ngã Ba Ông Tạ mua cho vợ tôi 10 đồng hủ tíu. Một tối trời mưa lất phất, đang đứng chờ lấy hủ tíu, tôi nghe tiếng người:
“Có tiền cho tôi..”
Tôi nhận ra ngay người xin tiền tôi là Bình Đô. Anh là một trong những người sống bằng việc viết truyện ngắn bán cho tuần bào Phụ Nữ Ngày Mai trong những năm tuần báo này bán chạy nhất. Bình Đô trạc tuổi tôi. Kể từ ngày nhật báo SGM bị đóng cửa Tháng Tư năm 1964 đến tối nay tôi mới gặp lại Bình Đô. Tôi hỏi anh:
Hoàng Hải Thủy, phóng viên nhật báo Saigonmới, ở phi trường Qui Nhơn năm 1960.
Hoàng Hải Thủy, phóng viên nhật báo Saigonmới, ở phi trường Qui Nhơn năm 1960.
“Ở đâu?”
Anh trả lời:
“Ở vỉa.”
“Ở vỉa” là đêm ngủ trên vỉa hè.
Phụ Nữ Ngày Mai là tuần báo của anh Sáu Khiết, anh con thứ sáu của bà Bút Trà. Sáu Khiết có cái tốt – tôi thấy  anh là người chủ báo tốt nhất trong đời viết, bán truyện tiểu thuyết của tôi: anh mua truyện ngắn, ký bông trả tiền ngay nhưng không đăng ngay, mua để dành. Truyện ngắn mua xong anh đưa cho Dương Hà giữ. Mỗi truyện ngắn được trả 500 đồng.
Nhiều lần ký bông trả tiền xong, Sáu Khiết bảo tôi:
“Anh đưa truyện cho Dương Hà dùm tôi.”
Dương Hà là người được giao việc nhận và sắp xếp những truyện đăng trên tuần báo Phụ Nữ Ngày Mai.
Tôi giữ truyện, đổi tên truyện, khoảng hai, ba tuầu sau tôi lại đem truyện ấy, với tên truyện mới, bán cho Sáu Khiết, anh dễ dàng ký bông trả tiền.
Dương Hà giữ truyện của chúng tôi nhiều đến nỗi nhiều lần anh bảo:
“Truyên của chúng mày tao giữ nhiều quá. Chúng mày đến tao, tao đưa lại cho.”
Dương Hà sống nhiều năm trong một phòng cho mướn trên lầu một tòa nhà nhiều phòng ở đầu đường Hàm Nghi. Từ nhà này anh chỉ đi trăm bước là tới tòa báo SàiGònMới. Dương Hà sống với vợ ở nhà ấy trong nhiều năm. Rồi chắc nhờ công thu vén của vợ anh là Kim Lệ, vợ chồng anh có căn nhà mặt tiền đường Cao Thắng, trước cửa rạp xi-nê Cao Đồng Hưng. Khoảng năm 1980 Kim Lệ sang sống bên Pháp. Dương Hà và các con sống trong căn nhà Cao Thắng này. Tôi nghe nói khoảng năm 1995 Dương Hà bán căn nhà này, chia tiền cho các con, anh gửi số tiền của anh vào ngân hàng, tháng tháng lấy tiền lời để sống. Anh sống yên bình ở vùng Thủ Đức, sáng, trưa, chiều, tối anh ngồi quán, quanh năm anh uống bia, ăn hột vịt lộn, tôm chiên, không ăn cơm.
Dưng Hà thành công, nổi tiếng ngay với tiểu thuyết Bên Dòng Sông Trẹm, tiểu thuyết phơi-ơ-tông đầu tay của anh. Bên Dòng Sông Trẹm đăng khoảng năm 1950 trên báo Sàigònmới. Từ đó anh viết truyện đều cho SGM đến khi báo bị đóng cửa.
Tôi gặp, quen Văn Quang khoảng năm 1955, 1956, khi anh là Trung Úy. Ngày chúng tôi mất nước, Văn Quang là Trung Tá. Anh – có thể – là vị sĩ quan Quân Đội VNCH duy nhất không đi Hát Ô sang Mỹ. Ở lại Sài Gòn, vào khoảng năm 2000 Văn Quang viết loạt bài “Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự” gửi sang đăng ở những tờ báo Việt ngữ hải ngoại. Nhờ Internet, anh dễ dang gửi bài viết ra nước ngoài, rõ hơn là sang Mỹ, Canada, Úc. Văn Quang là văn sĩ Sài Gòn trước 1975 thứ nhất viết và gửi tác phẩm  ra nước ngoài. Văn Quang sống được với công việc ấy. Anh là nhà văn Việt Nam Cộng Hòa kiếm được nhiều đô-la Mỹ nhất với việc Viết ở Sài Gòn Cờ Đỏ.
Tạ Quang Khôi cùng viết với tôi trên tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong Số 1, tuần báo ra đời năm 1956. Trên Văn Nghệ Tiền Phong Tạ Quang Khôi viết tiểu thuyết “Mưa Gió Miền Nam,” tôi viết “Vũ Nữ Sài Gòn.”
Nửa thế kỷ trôi qua, nay Tạ Quang Khôi tuổi đời Tám Bó Tám Que. 88 tuổi. Dòng đời đưa đẩy, nay Khôi và tôi cùng sống trong một nhà dành cho người già thu nhập thấp. Anh ở Lầu Ba, tôi ở Lầu Hai. Một mình trong phòng vắng, từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, Tạ Quang Khôi ngồi trước computer, moi móc tìm, rị mọ viết, gửi và nhận e-mail.
Nghe tôi nói tôi sợ tôi không sống được nếu cuộc đời này không còn vơ tôi, TQ Khôi nói:
“Mày tưởng chỉ có mình mày yêu vợ ư? Sau ngày mất nước, vợ tao chết, tao quyết định chết theo. Đêm khuya tao sắp uống thuốc để sáng mai không dậy nữa, tao nghe tiếng con tao:
“Bố ơi… Con khát nước..”
Tiếng thằng con út của tao Năm đó nó mới bẩy, tám tuổi. Tỉnh lại, tao vứt thuốc. Sáu tháng sau tao đưa các con tao vượt biên đi thoát.”
Đây là bài Thơ Cuối Đời của Tạ Quang Khôi:
Buổi tối vào giường chỉ ước mong
Sáng mai không dậy nữa là xong.
Cuộc đời lắm nỗi buồn tê tái,
Tha thiết chi cho nát cõi lòng.
Bao giờ tôi chết, xin đừng khóc
Để níu chân tôi vướng cõi trần.
Xin hãy cười vui giờ vĩnh biệt,
Mừng tôi đã thoát nợ gian truân.
Cảm khái cách gì.
Những ngày như lá, tháng như mây…! Sài Gòn 1960, Sài Gòn Ðẹp Lắm Sài Gòn ơi.., Virginia is for American Lovers, Xứ Tình Nhân Mỹ, Kỳ Hoa Ðất Trích.. Chiều  5 giờ trời đã tối… Thấm thoắt dzậy mà đã 50 muà lá rụng đi qua đời tôi kể từ ngày tôi bước chân ra khỏi tòa soạn Nhật báo Sàigònmới lần cuối cùng trong đời tôi.
Chiều nay, trong 234 sát-na tôi trở về đứng trên hành lang trên lầu toà soạn nhật báo Sàigònmới, nhìn trời Sài Gòn chiều chuyển mưa xanh sám trên chợ Bến Thành, tôi nghĩ:
– Trong một chiều trời đất buồn như thế này, Từ Hải dừng bước giang hồ để trở về với Kiều!
Tôi trở lại là tôi năm tôi ba mươi tuổi.
Năm nay tuổi đời qua giới hạn Bát Thập – nôm na là Tám Bó Lẻ Bốn Que – ở xứ người, một xứ cách nước tôi hai biển lớn, trong vài sát-na, tôi trở lại là tôi năm tuổi đời tôi Ba Bó.
Trong trí nhớ của tôi nay vẫn còn nguyên hình ảnh chàng phóng viên lãng tử nhật báo Sàigònmới năm xưa – năm 1960 – chàng phóng viên ăn dziện đúng mode Italie: sơ-mi hai túi ngực, hai cây bút Bi Parker cắm ở hai túi áo, một bút mực đen, một bút mực đỏ, đồng hồ tay Internamatic, mặt đen, mua ở Bangkok, quần sanspli, giầy mocassin Trinh’s Shoes Tự Do 500 đồng một đôi – 500 đồng năm ấy là giá tiền một chỉ vàng –  trong túi áo ngực có bao thuốc điếu Lucky Strike, hay bao Philip Morris Vàng, quẹt máy Dupont Trắng dắt ở túi đựng bật lửa nơi lưng quần. Chàng phóng viên mới ba mươi tuổi mà tóc đã “không bạc, tóc chàng là tóc argenté.”
Tôi già đi nhưng chàng phóng viên ấy cứ ba mươi tuổi mãi.
Cảm khái cách gì!



Kinh nghiệm của Apple và Việt Nam - Nguyễn Xuân Nghĩa


Kinh nghiệm của Apple và Việt Nam
Nguyễn Xuân Nghĩa
2019-01-09
Tuần qua, việc tập đoàn Apple sự báo số doanh thu sa sút trong quý một năm nay đã gây chấn động cho các thị trường cổ phiếu toàn cầu. Việt Nam có thể học gì từ kinh nghiệm của một doanh nghiệp thuộc loại tiên tiến nhất thế giới như vậy? Mục Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu câu trả lời cho bài tóan bất ngờ này…
Kinh nghiệm từ Apple
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, tuần qua, tập đoàn Apple vừa thông báo cho giới đầu tư dự phóng bi quan của họ về số doanh thu sắp tới khiến trị giá cổ phiếu của họ bị sụt và biến cố đó gây hốt hoảng cho các thị trường tài chính thế giới. Ông nghĩ gì về vụ này và cho rằng chúng ta có thể rút tỉa kinh nghiệm gì cho Việt Nam.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ đến hiện tượng xin tạm gọi là “sự thảm khốc của đổi mới” nếu chúng ta nhìn vào một bối cảnh trường kỳ, có thể tới trăm năm.
- Trước hết là sự sáng tạo về kỹ thuật - hay “thuật lý” là chữ tôi dùng để phiên dịch từ “technology”. Nhân loại thường xuyên phát minh ra các phương pháp sản xuất mới, với hậu quả là khả năng đảo lộn trật tự cũ. Trăm năm trước, người ta phát minh ra máy nổ, nó đảo lộn công nghệ vận tải, nôm na cụ thể là chiếc xe hơi. Việc sản xuất xe hơi hàng loạt trong các nhà máy đã làm thay đổi xã hội Hoa Kỳ rồi các quốc gia khác trên địa cầu kể từ đầu thế kỷ 20. Nhưng, chỉ nửa thế kỷ sau thôi thì kỹ nghệ sản xuất và buôn bán xe hơi cùng các phụ tùng từ đỉnh cao nhất đã suy giảm dần. Nếu nhìn vào sự biến đổi của trăm năm qua, chúng ta thấy ra tính chất đào thải của thuật lý, nó gây ra những thay đổi có thể làm sụp đổ trật tự cũ nhưng rồi chính nó, cái thuật lý mới, cũng thành cũ và sẽ bị đào thải.
Xứ nào cũng vậy, nếu không kịp đổi mới một lần nữa, lần thứ nhì hay thứ ba, thì sẽ bị lãng quên hay bị đào thải.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Thính giả của chúng ta đã quen với phương pháp phân tích của ông, nhưng vẫn hơi bị bất ngờ. Nguyên Lam xin đề nghị ông trình bày lại từng bước cho mọi người có thể hiểu ra.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ đến năm 1915, khi ông Henry Ford phát minh cách tổ chức hệ thống sản xuất xe hơi trong nhà máy tại Hoa Kỳ, với hàng ngàn nhân công, mỗi người phụ trách một phần nhỏ của một chu trình sản xuất lớn. Ít ai để ý rằng hệ thống sản xuất đó ảnh hưởng đến tư tưởng cách mạng của Liên bang Xô viết sau này, trong khi thế giới dân chủ của Tây phương than vãn về sự nhàm chán của lao động trong động tác rập khuôn. Yếu tố đáng nhớ là cái xe hơi đã trở thành một loại hàng hóa, sản phẩm, hay “thương phẩm”. Nhưng 50 năm sau, sản phẩm thông dụng đó bị đào thải, thậm chí lãng quên khi có ai phát minh ra cái máy tính cầm tay.
- Thời đó, tôi nhớ là khi phục vụ trong lĩnh vực ngân hàng, mình cần cả chục nhân viên làm công việc tính ra hiện giá của một sản phẩm tính theo chiết khấu suất trong vài chục năm tới, gọi là “discount cash flow” trong các dự án đầu tư. Cái máy tính cầm tay ấy giúp người ta tính ra nhanh hơn mà lại làm nhân viên mất việc, y như chiếc xe hơi đã làm người đánh xe ngựa mất việc. Cái được ở nơi này có thể là cái mất ở nơi khác. Nói về cái mất, người ta gọi là sự thảm khốc hay bóc lột; nói về cái được, ta gọi đó là đổi mới, với hàm ý là cái mới hay hơn cái cũ.
Nguyên Lam: Nguyên Lam hiểu ra chuỗi lý luận hàm ý so sánh của ông, từ cái xe hơi tới cái máy tính cầm tay. Xin đề nghị ông trình bày tiếp sự thể đó, khi ta nói đến doanh thu sa sút của hãng Apple.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chỉ ngẫu nhiên thôi, khi cái máy tính cầm tay trở thành sản phẩm thông dụng cách nay 50 năm thì các tổ hợp sản xuất xe hơi cũng hết dẫn đầu thị trường vì người ta nói đến các con bọ điện toán rồi máy vi tính. Sản phẩm bé tí này cải thiện năng suất con người và báo hiệu sự xuất hiện của máy điện toán nhỏ hơn, có bộ nhớ dày hơn và chạy nhanh hơn. Cái điện thoại cầm tay hay điện thoại khôn của Apple đã đảo lộn công nghiệp viễn thông và đào thải nhiều nhân công, nhưng cũng đi vào chu kỳ bị đào thải. Nói nôm na là sản phẩm đó hết đem lại doanh lợi cao nhất cho Apple và lãnh đạo công ty này vừa thông báo sự thật phũ phàng đó.
- Nếu nhìn trên toàn cảnh thay vì chỉ chú ý tới số doanh thu sa sút của Apple trên thị trường Trung Quốc, người ta hiểu ra vì sao trước đó, Samsung mất thị phần tại Trung Quốc và chuyển dịch cơ sở đầu tư qua xứ khác, thí dụ như Việt Nam. Cái mất của Samsung tại Trung Quốc là cái được cho Việt Nam.
Hà Nội phải nghĩ tới giáo dục và đào tạo để khỏi bị đào thải.
Hà Nội phải nghĩ tới giáo dục và đào tạo để khỏi bị đào thải. AFP
https://www.rfa.org/rfa_resources/graphics/icon-zoom.png
Nguyên Lam: Ông vừa nêu một lúc hai nhận xét. Thứ nhất là tập đoàn Apple có vẻ thiếu tiên liệu nên bị bất ngờ khi mà sản phẩm điện thoại cầm tay của họ hết chiếm lĩnh thị trường như trước. Thứ hai là Việt Nam lại nhận nguồn đầu tư của tập đoàn Samsung từ Hàn Quốc và nhờ đó công nhân Việt Nam có thêm việc làm. Ông kết luận thế nào từ hai nhận xét đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nhìn từ Hoa Kỳ và các xã hội trù phú ta thấy là giới tiêu thụ rất say mê các sản phẩm mới nhưng lại dễ quên vì họ có sản phẩm mới hơn.
-  Các doanh nghiệp sản xuất cần hiểu ra sự phũ phàng đó và sẽ bị lỗ nếu không kịp đổi mới. Nhìn từ các xứ nhược tiểu sống nhờ sự sáng tạo của thiên hạ - là trường hợp của Việt Nam và nhiều quốc gia khác - ta thấy ra bài toán của việc nâng cao năng suất. Từ chiếc xe thổ mộ hay khu vực nông nghiệp tới công nghiệp sản xuất xe hơi, và nay là công nghiệp cao cấp với máy điện thoại khôn - như sản phẩm của Apple và Samsung – chúng ta nên rút tỉa bài học của đổi mới.
- Xứ nào cũng vậy, nếu không kịp đổi mới một lần nữa, lần thứ nhì hay thứ ba, thì sẽ bị lãng quên hay bị đào thải. Vấn đề của Việt Nam còn nguy ngập hơn vậy vì sự hiện hữu của khu vực nông nghiệp, tới nay vẫn tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân.
Cảnh báo cho Việt nam
Nguyên Lam: Hình như là từ chuyện Apple, ông vừa nêu ra một cảnh báo cho Việt Nam. Xin đề nghị ông nói rõ hơn về cánh báo đó.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin trở lại phát minh của Henry Ford vào năm 1915 và những lý luận nhảm nhí loại Mác-Lê về sự bóc lột, khi Việt Nam ngày nay lại mong được các nước tiên tiến bóc lột qua dự án đầu tư trực tiếp! Xã hội con người tiến hóa là nhờ phát minh, càng nhiều phát minh thì càng tiến xa hơn dù mỗi sáng kiến  hay phát minh lại đảo lộn trật tự cũ và gây ra nhiều đào thải phũ phàng bên trong.
Bài học cho Việt Nam là làm sao cải tiến năng suất như thiên hạ để khỏi bị đào thải? Bài học đó phải khiến Hà Nội nghĩ tới giáo dục và đào tạo, thay vì triệt phá sự sáng tạo bằng đạo luật kiểm soát an ninh mạng vừa ban hành khi Apple thất thanh báo động sự đào thải của họ.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
- Sau khi giác ngộ và từ bỏ chủ trương tập trung quản lý kinh tế bằng kế hoạch, Việt Nam có một bước nhảy vọt về sản xuất kinh tế nhờ công trình đổi mới. Nhưng nhìn trên cái trục thời gian, nếu Việt Nam cho là đã khá hơn xưa thì nhìn theo trục không gian, Việt Nam vẫn là nước nghèo và lạc hậu nếu so với các nước Đông Nam Á giàu mạnh hơn, ví dụ như Indonesia, Malaysia, Philippines Singapore, Thái Lan chưa nói tới các nước Đông Bắc Á là Nam Hàn Đài Loan.
- Trong khi đó, Việt Nam vẫn có khu vực nông nghiệp với thành phần lao động rất đông đảo. Đã có lúc Việt Nam mơ rằng Apple có thể đầu tư một tỷ đô là vào ngành nghiên cứu và phát triển, Research & Development, để nâng cao năng suất lao động. Vụ Apple tuần qua nhắc nhở rằng Việt Nam cần một lúc hai chuyện, thứ nhất là theo kịp năng suất công nghiệp của các nước đi trước; chuyện thứ hai là khu vực nông nghiệp của mình cũng cần cải thiện, nếu không xã hội sẽ bị chia ba, là một thành phần chạy ra ngoài đem theo tư bản, một thành phần sẽ thao túng thị trường trong các đô thị và thành phần thứ ba là dân nghèo tại thôn quê. Họ chết kẹt khi mất đất và coi như mất cả tương lai. Việt Nam cần một đợt đổi mới khác, như mọi quốc gia đi trước, kể cả Trung Quốc là mẫu mực của Hà Nội.
Nguyên Lam: Không ngờ là kinh nghiệm của Apple có thể dẫn chúng ta đi xa như vậy. Ông kết luận thế nào về chuyện này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nếu kinh tế tăng trưởng, hay đà sản xuất gia tăng, bằng số nhập lượng ở đầu vào thì chắc chắn là đà tăng trưởng ấy có lúc sút giảm là trường hợp đang thấy tại Trung Quốc và sẽ thấy tại Việt Nam. Karl Marx diễn giài sai về hiện tượng sút giảm này mà lãnh đạo Việt Nam chưa dám công nhận.
- Yếu tố then chốt là năng suất, hay số lượng sản xuất gia tăng với cùng một đơn vị nhập lượng ở đầu vào. Các nước đi trước đều hiểu ra điều ấy và cố gắng tiến tới một trình độ sản xuất cao hơn nhờ thuật lý tân tiến. Họ làm được khi có tự do sáng tạo, dù sáng tạo lại có mặt trái là đào thải. Kỹ nghệ điện toán đã đào thải kỹ nghệ xe hơi trong các nước ta gọi là hậu công nghiệp và Apple đang ở trong tiến trình sẽ bị đào thải nếu không có sáng tạo mới. Bài học cho Việt Nam là làm sao cải tiến năng suất như thiên hạ để khỏi bị đào thải? Bài học đó phải khiến Hà Nội nghĩ tới giáo dục và đào tạo, thay vì triệt phá sự sáng tạo bằng đạo luật kiểm soát an ninh mạng vừa ban hành khi Apple thất thanh báo động sự đào thải của họ.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về kết luận bất ngờ này.


Titanic: Những Điều Chưa Tiết Lộ


Titanic: Những Điều Chưa Tiết Lộ
Giấu kín nửa đời người, cuối cùng thuyền phó tàu Titanic cũng tiết lộ bí mật chưa ai biết
8 Tháng Một, 2019
Những câu chuyện trên chuyến tàu định mệnh Titanic năm nào đã được phó thuyền trưởng Charles Lightoller tiết lộ sau hơn nửa cuộc đời giữ kín. Năm 1912, cả thế giới chấn động trước tin tàu Titanic gặp nạn. Suốt một thời gian dài sau đó, giai thoại về con tàu cùng
1.514 người đã thiệt mạng trong vụ đắm tàu kinh hoàng năm ấy. Nỗi đau đã khép lại hơn 100 năm, ngày nay, những gì người ta lưu lại về từ khóa “Titanic” có thể là: Vụ đắm tàu, thảm họa hàng hải nghiêm trọng nhất mọi thời đại hay mối tình lãng mạn của Jack và Rose, cũng có thể là tình ca bất hủ My heart will go on qua chất giọng cao vút của Celine Dion…
Những vị khách xấu số trên đó đã trở thành cảm hứng của không ít tác phẩm văn học và điện ảnh thời bấy giờ. Vậy nhưng, những tác phẩm nghệ thuật ấy mới chỉ được xây dựng thông qua cảm quan cá nhân của tác giả.
Ít ai biết rằng, những câu chuyện thực sự phía sau con tàu mang tên Titanic còn bi thương và cảm động hơn nhiều so với các thước phim trên màn ảnh nhỏ, hầu như tất cả đều không nhận ra, đằng sau bức màn đen tối của những nỗi đau và mất mát ấy là một kiệt tác vĩ đại của Lòng vị tha .
Charles Lightoller, khi ấy 38 tuổi, Thuyền phó thứ 2 trên con tàu Titanic, ông là người cuối cùng được kéo lên trên thuyền cứu hộ, cũng là người còn sống sót có chức vị cao nhất trên thuyền lúc đó.
Trở về từ cõi chết, sau rất nhiều năm giấu kín và im lặng, cuối cùng Charles quyết định viết 17 trang hồi ức, kể lại chi tiết vụ tai nạn kinh hoàng mà ông chứng kiến. Từng câu từng chữ của ông chưa bao giờ sống động và dồn dập đến vậy. “Chỉ cần tôi còn sống, tôi sẽ không bao giờ quên được cảnh tượng đêm đó!”
 “Phụ nữ và trẻ em lên trước!”
Khi mệnh lệnh vừa vang lên, nhiều người rời thuyền cứu hộ, họ lặng lẽ bước ra phía sau châm điếu thuốc và hút. Charles không thấy bất kỳ một phụ nữ hay trẻ em có ý định bỏ lại những người đàn ông thân yêu của họ. Tất cả mọi người dường như rất bình tĩnh… trước cái chết… dù đó là một thương nhân nổi tiếng hay người hầu vô danh.
Khi chiếc thuyền cứu hộ đầu tiên được đưa xuống mặt nước, Charles đã hỏi một người phụ nữ họ Straw khi ấy đang ở trên boong tàu rằng: “Bà có muốn tôi đưa bà lên thuyền cứu hộ không?”
Người phụ nữ lắc đầu: “Không, tôi nghĩ vẫn là ở lại trên tàu thì tốt hơn”. Người chồng của bà hỏi: “Tại sao em lại không muốn đi lên thuyền cứu hộ?” Người phụ nữ mỉm cười trả lời: “Không, em vẫn muốn ở bên cạnh anh”. Cũng kể từ đây, Charles không bao giờ còn gặp lại đôi vợ chồng này lần nữa…)
Astor đệ tứ (John Jacob Astor IV), một nhà kinh doanh, nhà phát minh, nhà văn nổi tiếng và là một trong những người giàu nhất thế giới lúc bấy giờ. Sau khi đưa người vợ mang thai 5 tháng tuổi lên thuyền cứu hộ, một tay dắt chó, tay còn lại châm điếu xì gà rồi hét to về phía chiếc thuyền cứu hộ đang trôi dần về nơi xa: “Anh yêu hai mẹ con”.
Thuyền phó I đã ra mệnh lệnh cho Astor đệ tứ lên thuyền, nhưng ông kiên quyết trả lời rằng: “Tôi thích cách nói cơ bản nhất (bảo vệ phái yếu)!”, Sau đó, ông nhường chỗ của mình cho một người phụ nữ ở khoang hạng 3.
Vài ngày sau, khi bình minh vươn lên trên mặt biển Đại Tây Dương, đội cứu hộ tìm thấy thi thể ông trong tình trạng đầu bị chấn thương nghiêm trọng do đập vào ống khói. Khối tài sản của ông đủ để chế tạo 10 con tàu Titanic, nhưng Astor đệ tứ đã từ chối tất cả. Ông chọn cái chết để bảo vệ người thân yêu của mình, bảo vệ  “phụ nữ và trẻ em”  và bảo vệ nhân cách của mình.
Ben Guggenheim, một nhà tỷ phú, một nhân vật nổi tiếng trong ngành ngân hàng. Trong giờ phút nguy nan nhất, khi tất cả mọi người đang hối hả và vội vã, ông thản nhiên thay một bộ vest dạ hội sang trọng và tuyên bố: “Tôi phải chết thật trịnh trọng, như một quý ông”.
Trong lời nhắn ông gửi cho vợ viết: “Trên con tàu này, không có bất kỳ một phụ nữ nào vì anh cướp chỗ trên thuyền cứu hộ mà bị bỏ lại trên boong tàu. Anh sẽ không chết giống như một tên khốn, anh sẽ giống như một người đàn ông chân chính”.
Một thủy thủ đề nghị với Strauss, nhà sáng lập công ty bách hóa Macy của Mỹ, cũng là người giàu thứ hai thế giới rằng: “Tôi bảo đảm sẽ không ai phản đối một người già như ngài bước lên thuyền cứu hộ đâu”. Strauss nói: “Tôi sẽ không đi khi những người đàn ông khác còn đang ở lại”. Khi ông cố gắng khuyên giải bà Rosalie vợ của mình lên thuyền cứu hộ thì bà vẫn một mực từ chối. Bà nói: “Bao nhiêu năm qua, anh đi đâu là em theo đến đó, em sẽ cùng anh đi đến bất cứ nơi nào mà anh muốn đi”.
Sau đó, ông choàng lấy cánh tay của bà Rosalie, thong thả bước đến chiếc ghế trên boong tàu, ngồi xuống và chờ đợi giây phút cuối cùng của cuộc đời. Ngày nay, tại Bronx thành phố New York, người ta xây một tượng đài để tưởng niệm vợ chồng ông Strauss, trên đó khắc hàng chữ: “Tình yêu không thể nào nhấn chìm dù có nhiều nước biển hơn nữa”.
Một doanh nhân người Pháp tên Nahuatl đưa hai cậu con trai của mình lên thuyền cứu hộ, nhờ một vài người phụ nữ chăm sóc cho chúng, và mình thì từ chối lên thuyền. Sau khi hai đứa con trai được cứu sống, báo chí khắp nơi trên thế giới đều rầm rộ đăng hình ảnh của hai đứa trẻ này, cho đến khi mẹ của chúng từ hình ảnh nhận ra được chúng.
Trong giờ phút nguy kịch, Lydepas ôm chặt lấy người chồng mới cưới, không muốn thoát chết một mình. Vì bất đắc dĩ, chồng Lydepas phải đấm cô ngất xỉu, khi cô tỉnh lại thì đã thấy mình trên một chiếc thuyền cứu hộ đang trôi lênh đênh ngoài biển. Về sau, Lydepas cả đời không tái giá, sống độc thân để hoài niệm người chồng đã mất của mình.
Trong buổi họp mặt những người may mắn sống sót tại Lausanne nước Thụy Sĩ, bà Smith kể lại: “Lúc đó hai đứa con của tôi được bế lên thuyền cứu hộ. Vì quá tải nên tôi không thể lên thuyền nữa, một người phụ nữ ngồi trên thuyền cứu hộ khi ấy đã đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi, rồi đẩy tôi lên và hét lớn với tôi một câu: ‘Ngồi đi, những đứa trẻ không thể thiếu mẹ!’.” Bà hối tiếc vì lúc đó đã không hỏi tên người phụ nữ đó.
Những người thiệt mạng trong vụ tai nạn này còn có tỷ phú Acid, nhà báo nổi tiếng Stead, Thiếu tá pháo binh Bart, kỹ sư Robble nổi tiếng v.v.. Họ nhường chỗ của mình trên thuyền cứu hộ, cho những phụ nữ nông dân không một đồng trên người.
Hơn 50 nhân viên cấp cao trên tàu Titanic, ngoài thuyền phó thứ hai Charles Lightollerchỉ huy cứu hộ may mắn sống sót, toàn bộ đều hết mình cứu người đến chết trong cương vị của mình.
Khoảng 2h sáng nhân viên điện báo số 1 John Philip nhận được mệnh lệnh bỏ tàu của thuyền trưởng, mọi người tự mình cứu mình, nhưng ông vẫn ngồi trong phòng thông báo, vẫn giữ tư thế phát tín hiệu SOS liên tục cho đến phút cuối cùng.
Khi đuôi tàu bắt đầu chìm xuống nước, Charles nghe thấy vào khoảnh khắc cuối cùng, khoảnh khắc của sinh ly tử biệt, những lời yêu thương vang lên: “ I love you! I love you!”
Trong bức màn đêm đen tối nhuốm đẫm đau khổ và chia ly, tinh thần quý tộc  nổi lên như ngọn đuốc rực sáng, khắc họa nên một tuyệt tác vĩ đại về nhân cách và đạo đức con người. Giáo dục lối sống không chỉ là lý thuyết; mà trong những hoàn cảnh thực tế, những bài học đạo đức ăn sâu vào tâm thức trở thành kim chỉ nam cho hành động của mỗi người.
Phụ nữ và trẻ em, những con người yếu đuối cần được tôn trọng và ưu tiên. Những người đàn ông lịch lãm không chỉ là kẻ nói lời hoa mỹ và tử tế trên bàn tiệc; mà ngay cả khi đối diện với thực tế rằng dù ngày mai tất cả đều trở thành vô nghĩa thì bài học về đạo đức và nhân cách hôm nay vẫn cần được thực hành một cách tuyệt đối.
Nhân sinh như cõi mộng, dù cho người đó giàu có bao nhiêu hay nghèo kém cỡ nào, đứng trước sinh tử cũng đều chỉ là một sinh mệnh bé nhỏ. Quan trọng hơn, khi ấy người ta mới thật sự nhận ra điều quan trọng nhất của cuộc đời: Không phải vật chất, không phải quyền danh càng không phải nhận lại điều gì cho mình mà là cho người khác, là vị tha.
Vị tha hàm chứa một sức mạnh vô tỉ, đã biến những con người xấu số trong cơn “bão biển” kinh hoàng năm ấy trở thành biểu tượng vĩ đại của tấm lòng thiện lương cao cả.
Hồng Tâm