Sunday, May 29, 2016

Người trẻ và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama

Người trẻ và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama
Chân Như, phóng viên RFA
2016-05-29


Vào ngày 22 tháng 5 vừa qua, Tổng thống (TT) Hoa Kỳ Barack Obama đã đến Việt Nam trong chuyến công du 3 ngày tại đất nước một thời từng là thù địch. Tại đây ông đã có các cuộc gặp gỡ với chính quyền Việt Nam cũng như với các tổ chức hội dân sự và đặc biệt là với giới trẻ của cả hai miền Nam và Bắc. Ông cũng đã có bài diễn văn gửi đến nhân dân Việt Nam. Trong diễn đàn bạn trẻ tuần này, các bạn trẻ đang sinh sống tại Việt Nam sẽ chia sẻ cảm nghĩ của họ về chuyến công du này của TT Obama và họ có những hy vọng gì đối với một người quyền lực nhất thế giới này.
Chân Như: Tin tức về ông Obama đã được báo chí trong nước loan tải hầu như 24/24, rồi người dân hai miền Nam Bắc đổ nhau ra đường để chào đón ông. Và theo CN biết thì có lẽ chưa bao giờ có một vị quan chức nào trong nước được người dân chào đón “tự phát” như thế. Theo các bạn thì vì sao ông Obama lại được ưu ái đến mức đó tại Việt Nam?
Lê An: Cá nhân em, vấn đề rất đơn giản vì trong tình hình bây giờ, vừa qua khỏi vụ Formosa cá chết, người ta không còn tin tưởng vào nhà nước nữa, nên việc Obama sang Việt Nam cũng là việc để người dân cố bấu víu vào để mong một cuộc sống tốt đẹp hơn thôi. Song song đó em cũng nghe được việc Việt Nam sính ngoại, nói chung một người ra xem thì nhiều người ra do hiếu kỳ. Tuy nhiên, nếu hiếu kỳ thì không thể đông và hồ hởi vui vẻ như thế, thậm chí họ còn in sẵn băng rôn pa nô; xưa giờ ở Việt Nam đâu có chuyện đó xảy ra đâu. Em cảm giác được bây giờ họ đã thức tỉnh, sáng mắt nên trông chờ vào một điều gì đó tốt hơn thôi.
Tâm: Điều mà Chân Như hỏi cũng giống như bao sự thắc mắc của giới trẻ Việt Nam hiện nay và cũng là của riêng Tâm. Không hiểu sao sự nhiệt huyết “phải dùng từ cực kỳ đã” khi thấy được bao nhiêu người những thế hệ trước 19775, sau 1975 như Tâm hoặc những bạn trẻ sinh viên, họ có cái rạo rực và háo hức, đông đến mức không thể tưởng tượng nổi. Đây chắc chắn là sự khát khao cháy bỏng trong lòng mỗi người Việt Nam cũng giống như Tâm, khi họ đang xem Mỹ và riêng ông Obama giống như một vị cứu tinh, đem lại cho Việt Nam một cái gì đó thay đổi và cho họ cái tự do. Chính sự khao khát đó mà hôm nay ông Obama đại diện cho Mỹ đã đến Việt Nam thì không cần ai phải kêu gọi hết và tất cả mọi người đổ ra đường để chào đón và vẫy tay giống như chào đón một thiên thần. Phải nói rất là “cực đã” và sung sướng khi thấy những thế hệ như Tâm và trẻ hơn tâm, đặc biệt có những học sinh bỏ học để chờ đón Obama từ 11, 12 giờ trưa đến hơn 4 giờ chiều. Đó là một khát khao, rất khát khao từ bấy lâu nay và hôm nay người dân Việt Nam cũng như người dân Sài Gòn họ đã bắt được một tia lửa hy vọng nên họ mới đón ông Obama một cách nồng nhiệt như thế.
Bảo Linh: Từ lúc ông Obama qua hôm 22, nhiều báo chí trong nước liên tục đưa tin về hình ảnh TT Mỹ thì có thể thấy được sự ngưỡng mộ của người dân Việt Nam đối với ông TT. Sở dĩ như vậy vì người Việt Nam quan tâm đến Trung Quốc và Hoa Kỳ. Với Trung Quốc, họ lại ghét vì là nước láng giềng gây hấn thường xuyên với Việt Nam. Người Việt đặt niềm tin vào đất nước Hoa Kỳ hơn nên khi vị TT Hoa Kỳ đến Việt Nam, ông có được sự chào đón rất nồng nhiệt từ Hà Nội và đặc biệt là ở Sài Gòn. Rất nhiều người dân tập trung ra đường thậm chí đứng chờ từ sáng sớm để được gặp ông Obama với tâm trạng ngoài sự hiếu kỳ còn rất háo hức và ngưỡng mộ.
Chân Như: Tại Hà Nội ông Obama có bài phát biểu khá dài, hơn 30 phút, bài diễn văn khá hay, và điểm cuối ông nhấn mạnh “chính người Việt quyết định tương lai cho người Việt, nước Mỹ luôn luôn là đối tác và cũng là người bạn tốt của Việt Nam.” Các bạn đánh giá thế nào về thông điệp của ông Obama đem tới Việt Nam? Điều đó có ảnh hưởng đến tình hình chính trị - kinh tế - xã hội VN hay không? Nếu có thì mức độ thế nào? Vì sao ?
Bảo Linh: Ý của TT Obama nói chính người Việt Nam phải tự lo liệu cho tương lai của mình. Điều đó là hoàn toàn đúng. Trong bài phát biểu của TT Obama đều nhắc đến giới trẻ và ưu tiên tiếng nói của người dân cũng như nhân quyền. Trong cuộc họp báo ông có nhắc tới nhiều lần vấn đề đó; tuy nhiên, giới lãnh đạo Việt Nam vẫn theo lối mòn cũ phớt lờ những ý kiến của TT Obama. Chủ tịch nước Việt Nam vẫn cứ phát biểu theo những lời đã soạn sẵn mà chúng ta vẫn thường thấy khi Việt Nam trả lời những cuộc họp báo quốc tế: Việt Nam vẫn luôn khẳng định luôn tôn trọng nhân quyền. Tuy nhiên lời nói và việc làm của chính phủ Việt Nam thì cần phải xem lại vì họ nói một đường nhưng làm một nẻo. Tâm trạng của người dân cho thấy chính phủ không lắng nghe nhiều ý kiến của người dân mà họ tự quyết theo quyết định của đảng. Điều nầy sẽ làm cho tương lai của Việt Nam thêm khó khăn hơn, khó phát triển hơn, vì một đất nước muốn phát triển thì phải để cho dân tự quyết được quyền của mình.

Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay với khán giả sau khi phát biểu tại sự kiện Young Southeast Asia Leaders Initiative tại Sài Gòn vào ngày 25 tháng 5 năm 2016. AFP PHOTO
Tâm: Tâm muốn chia sẻ thế này. Câu nói của ông Obama rất hay. Đất nước Việt Nam, đương nhiên, chỉ có người Việt Nam làm chủ. Người Việt Nam muốn thoát ra cái khổ và sự đàn áp của một đất nuớc lớn đang ăn hiếp một đất nước nhỏ như Việt Nam hiện nay thì chỉ có người dân Việt đoàn kết và đứng dậy. Giống như ông Obama đang muốn đánh thức giới trẻ Việt Nam của chúng ta rằng hạnh phúc tự do lại chính nằm trong bàn tay của chúng ta chứ không phải do bất cứ một quốc gia nào hay một con người nào có thể ban bố cho chúng ta. Với câu nói này riêng cá nhân Tâm, Tâm cảm thấy ông Obama cực kỳ thâm thúy.
Giới trẻ của người Việt Nam cũng như con người Việt Nam, họ rất lo sợ một điều là giới cầm quyền Việt Nam nói một đường làm một nẻo. Do vậy,việc ông Obama qua Việt Nam là một tia hy vọng nhưng điều đáng lo sợ nhất là nhà cầm quyền Việt Nam không bao giờ lắng nghe ý kiến của người dân. Vì thế, Tâm không biết rằng chuyến đi thăm Việt Nam của ông Obama có làm cho Việt Nam thay đổi hay không. Tuy nhiên, niềm hy vọng và niềm tin thì chắc chắn rằng hầu như người Việt ai ai cũng đặt niềm tin và chờ đợi sự thay đổi khi ông Obama sang Việt Nam và cá nhân Tâm cũng vậy.
Lê An: Nói chung tất cả mọi người đều đồng ý với câu đó vì một vấn đề rất đơn giản: Đây là chuyện của nước mình và Mỹ vẫn không có cớ để xen vào. Trong khi đó, chính phủ vẫn đang tìm cách chơi hai mang, vẫn giữ mối quan hệ hợp tác với Mỹ nhưng song song vẫn chơi với Trung Quốc, đấy là điều cần phải suy nghĩ lại.
Thậm chí những nhà báo tự do đều bị chặn khi họ tìm cách nói chuyện với Obama mặc dù họ được mời. Tức là có rất nhiều vấn đề xảy ra trên đất nước này và ý đảng thì một đằng, lòng dân thì một nẻo. Do đó, bây giờ vấn đề rất đơn giản: người dân tự đứng lên bảo vệ mình thôi chứ không trông mong vào nhà nước nữa, vì nếu nhà nước tốt thì tất cả những chuyện này không xảy ra. Nói chung việc ông ấy qua đây nó cũng chỉ là một động thái để giúp người dân thức tỉnh và đó là chuyện tốt.
Chân Như: Quan điểm của bạn về việc Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí cho VN?
Lê An: Đó là một điều tốt để cho Việt Nam có thể bảo vệ lãnh thổ của mình. Tuy vậy, rõ ràng một điều không biết niềm tin của em có đặt ở chính phủ này hay không nhưng em vẫn thấy đó là điều đó tốt. Em lại suy nghĩ thêm một chiều hướng khác đó là lỡ như Việt Nam chơi theo kiểu xưa giờ vẫn làm ví dụ như đã mua được vũ khí của Mỹ rồi thì lại bán lại cho một thế lực thù địch nào đó thì lúc đó rất buồn cười. Cá nhân em suy nghĩ như vậy thôi. Thật sự mà nói đó là điều tốt cho Việt Nam mình thôi, bảo vệ lãnh thổ chủ quyền ai cũng muốn mà. Cũng giống như trong bài phát biểu của ông Obama đấy “Sông núi nước Nam vua Nam ở” thì rõ ràng đúng là như vậy.
Tâm: Vấn đề này nếu là người Việt thì đương nhiên cảm thấy rất hãnh diện khi được Mỹ tháo gỡ bỏ cấm vận bán vũ khí cho Việt Nam và cũng giúp cho Việt Nam và Mỹ ngày càng gần lại nhau hơn. Tâm cũng luôn hy vọng là nhà cầm quyền Việt Nam phải hiểu được thiện chí của Mỹ và làm sao để cho người Việt Nam cảm thấy tự hào, cũng như phải có tự do, dân chủ, phải có lập hội, phải có những gì tối thiểu tức là quyền con người, chứ nếu như bây giờ một tiếng nói cũng không được.

Nhiều khi thấy đất nước bạn, người ta nói chuyện về chính phủ hay là về thủ tướng, tổng thống rất bình thường nhưng khi về Việt Nam khi nhắc tên giống như thời vua chúa bị phạm húy, tức là đụng tên mấy ông là “bị chặt, bị chém, bị bỏ tù”. Tâm rất hy vọng khi Mỹ bỏ cấm vận cho Việt Nam thì phải làm sao để cho Việt Nam thấy rằng phải có tự do, nhân quyền và con người Việt Nam phải đúng là một con người.
Chân Như: Các bạn có đặt nhiều hy vọng về chuyến công du của ông Obama vừa qua hay không? Vì sao?
Lê An: Đối với cá nhân em chuyến đi của ông ấy chỉ là sắp hết nhiệm kỳ, ông ấy đi về đây, nói qua những vấn đề về dân chủ thì ông được mọi người ủng hộ, thậm chí, người dân cả nước Việt Nam ủng hộ. Sau này, dù cho có TT khác lên đi nữa thì mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ vẫn như thế thôi. Phải tùy vào chính phủ của mình như thế nào nữa, chứ Mỹ cứ tiến tới mà Việt Nam cứ lùi đi thì rõ ràng một điều là người ta sẽ không cứu mình được mãi. Vì thế, chuyến đi này của ông ấy là một chuyến đi bình thường thôi. Nói chung là nó tốt ở một chiều hướng nào đó nhưng rõ ràng một điều là chính phủ phải thay đổi và người dân cũng phải thay đổi, chứ cho dù có 10 tổng thống Mỹ qua đây mà nước vẫn vậy thì rõ ràng không giúp ích được gì hết.
Bảo Linh: Với bản thân em, em không đặt hy vọng nhiều vào chuyến đi của ông Obama. Có thể ông sẽ tác động đến một suy nghĩ khác đối với người Việt và giới trẻ. Tuy nhiên, nó chỉ là cảm giác nhất thời tiếp thêm một chút năng lượng thôi. Việc để đất nước Việt Nam muốn phát triển hơn thì phải chính người Việt, giống như ông nói, chính người Việt phải tự thay đổi. Vấn đề là giới lãnh đạo Việt Nam phải làm đầu tiên là họ phải quan tâm đến vấn đề dân chủ, lắng nghe tiếng nói của người dân và hòa giải dân tộc, xem nhân dân là trên hết, có lắng nghe ý kiến của nhân dân không. Và khi đó người dân biểu đạt, chính phủ lắng nghe cùng hợp tác thì đất nước mới phát triển.
Tâm: Riêng Tâm rất kỳ vọng với ông Obama vì đối với người dân Việt Nam thì hầu như 41 năm rồi họ sống không được thoải mái lắm, không được tự do, không được ngôn luận, tất cả mọi thứ đều hoàn toàn bị mù tịt. Tuy nhiên, bây giờ nhờ truyền thông internet, đặc biệt, Hoa Kỳ quan tâm vấn đề Việt Nam thì coi như tất cả người Việt cũng có một tí xíu gọi là hy vọng sau chuyến công du của ông. Lần đầu mình thấy tất cả người dân háo hức chào đón ông một cách nồng nhiệt như thế nào thì đó là sự “thay lời muốn nói” và dân ta họ hiểu được điều gì cần loại bỏ.
Đây là hy vọng không phải một sớm một chiều nhưng đây là một nấc thang bắt đầu để cho người dân Việt Nam chúng ta ý thức được chúng ta nên chọn gì tốt và nên loại bỏ gì xấu. Và chúng ta cần phải có một niềm tin vào một hy vọng để chúng ta tiến về phía trước. Tâm cũng rất cảm ơn ông Obama đa đến Việt Nam một cách rất thành công và tốt đẹp.
Chân Như: Xin cám ơn các bạn đã dành thời gian cho diễn đàn kỳ này.


Trung Quốc 'cực kỳ bất mãn' đối với tuyên bố của G7 về Biển Đông


Trung Quốc 'cực kỳ bất mãn' đối với tuyên bố của G7 về Biển Đông
29.05.2016
Trung Quốc cho biết họ hết sức bất mãn đối với một tuyên bố của các nhà lãnh đạo của khối G7 về vấn đề Biển Đông, nơi căng thẳng mỗi lúc một tăng vì những vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Bắc Kinh với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm thứ Sáu, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói “Hội nghị thượng đỉnh G7 do Nhật tổ chức xuyên tạc vấn đề Biển Đông, thổi phồng tình thế khẩn trương, không có lợi cho sự ổn định tình hình Biển Đông, cũng không phù hợp với vị trí của một diễn đàn về quản lý kinh tế của các nước phát triển. Trung Quốc hết sức bất mãn đối với hành động của Nhật Bản và G7.”
Trước đó trong ngày thứ Sáu, các nhà lãnh đạo G7 đưa ra thông cáo chung, trong đó có đoạn nói rằng “Chúng tôi rất quan tâm về tình hình ở biển Hoa Đông và Biển Đông, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát, giải quyết tranh chấp một cách hoà bình.”

Tuyên bố của Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Đức, Italy và Canada cũng khẳng định “Bất cứ tuyên bố chủ quyền nào cũng đều phải dựa trên luật pháp quốc tế và các nước cần tránh các hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực để tuyên bố chủ quyền.”
Cũng trong ngày thứ Sáu, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và cho biết Hà Nội và Tokyo chia sẻ quan tâm sâu sắc của cộng đồng quốc tế về tình hình Biển Đông gần đây, nhất là những hành động bồi đáp, xây đảo qui mô lớn. Đôi bên cũng lập lại lời kêu gọi các bên liên quan không có hành động thay đổi nguyên trạng, gây phức tạp, mở rộng tranh chấp và quân sự hoá Biển Đông.



Thêm 1 người Mỹ gốc Việt bị bắt giam tại Việt Nam

Thêm 1 người Mỹ gốc Việt bị bắt giam tại Việt Nam
RFA
2016-05-28
                                                              Bà Khưu Hiền Duyên tại Việt Nam trước khi bị bắt.
Courtesy FB Mã Tiểu Linh
Một người Mỹ gốc Việt bị bắt giam tại Việt Nam trong chuyến thăm của Tổng thống Obama.
Nguồn tin của chúng tôi cho biết Bà Khưu Hiền Duyên, chủ trang Facebook Mã Tiểu Linh đã bị công an bắt giữ vào ngày hôm qua 5 tiếng đồng hồ trước khi Bà lên máy bay về lại Mỹ sau khi về Việt Nam được hai tuần lễ.
Bà Duyên bị bắt cùng với ba người bạn Facebook khác và cả bốn người bị tạm giữ tại công an phường 14 quận Tân Bình, sau đó Bà Duyên bị tách riêng và không có tin gì sau đó.
Gia đình Bà tại Virginia đã nhận được tin và liên lạc với Đại sứ Mỹ tại Hà Nội cũng như Lãnh sự quán tại Sài Gòn để nhờ can thiệp.
Trang Facebook Mã Tiểu Linh có hàng chục video clip do chính Bà Duyên tự quay kể về những bất công, đàn áp, tham nhũng và cơ hội của hệ thống chính trị Việt Nam. Những video này có số người theo dõi kỷ lục và lan rộng trong mạng xã hội đến hàng triệu lượt xem.
Bà Duyên là thành viên của tổ chức thiện nguyện Love Foundation, đã nhiều lần quyên góp cho nhiều nơi xa xôi tại Việt Nam xây dựng những căn nhà tình thương, cơ sở hạ tầng các trường tiểu học và nhất là những giếng nước sạch tại các khu vực khó khăn của Tây nguyên.
Công dân Hoa Kỳ Nancy Nguyễn trước đó cũng bị bắt giam 6 ngày vì tình nghi về Việt Nam tổ chức biểu tình và gây rối.
Được biết Bà Khưu Hiền Duyên về Việt Nam lần này đại diện cho Love Foundation giúp cho vài giáo xứ vùng sâu xây dựng cơ sở và giếng nước cho dân nghèo.