Saturday, August 3, 2019

Cờ “Tổ Quốc” Cùng Ngư Dân Bám Biển!


Cờ “Tổ Quốc” Cùng Ngư Dân Bám Biển!
Trao cờ cho ngư dân 'bám biển' tác dụng đến đâu?

Biển Đông: Việc trao cờ cho ngư dân 'bám biển' tác dụng đến đâu?
Ben NgôBBC Tiếng Việt
·         7 giờ trước

Một luật sư nói việc trao cờ cho ngư dân bám biển ''cần nhưng trong tình hình hiện nay thì chưa đủ", trong khi một nhà báo nói việc làm này "vô tác dụng".
Trong bối cảnh căng thẳng tại bãi Tư Chính vẫn đang tiếp diễn, báo Người Lao Động cho hay hôm 29/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và tổng biên tập tờ báo này đã trao tặng 10.000 lá cờ theo chương trình "Một triệu lá cờ tổ quốc cùng ngư dân bám biển".
"Chương trình này có ý nghĩa tiếp sức, động viên tinh thần cho ngư dân ở 28 tỉnh, thành có biển; để ngư dân yên tâm ra khơi bám biển, cùng chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước. Đồng thời, chương trình còn có ý nghĩa tạo ra sự gắn bó, kết nối trong toàn xã hội nhằm chung tay bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc," báo Người Lao Động viết.
Trước đó, hôm 24/7, báo Tuổi Trẻ cho hay 50 tủ thuốc gia đình và 70 lá cờ đã được các chiến sĩ tình nguyện vượt sóng trao tận tay ngư dân trên đảo Thổ Chu, Kiên Giang.
Hồi đầu tháng 6/2019, 2.000 lá cờ cũng được trao cho ngư dân tỉnh Cà Mau với cùng mục tiêu "bám biển".
'Cần nhưng chưa đủ'
Hôm 31/7, Luật sư Hà Hải, người giúp ngư dân Kiên Giang làm thủ tục kiện cảnh sát biển Thái Lan hồi năm 2016 và các vụ kiện khác, nói với BBC:
"Theo tôi, việc trao cờ cho ngư dân bám biển là cần nhưng trong tình hình hiện nay thì chưa đủ."
"Ngư dân cần được cổ vũ để tiếp tục ra khơi, bám biển. Nhưng cái họ cần hơn là những con tàu là tài sản và tính mạng của họ phải được bảo vệ."
"Có thể thấy chưa bao giờ ngư dân được toàn thể xã hội quan tâm như hiện nay. Tàu cá của ngư dân hiện đã được chính phủ hỗ trợ rất tốt theo huớng hiện đại hoá, trang bị tốt thông tin liên lạc, có thể đánh bắt dài ngày, xa bờ. Việc này kết hợp với ngư dân với kinh nghiệm đi biển tốt, hiểu biết rõ về ngư truờng, ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo cao không thua kém ngư dân các nước trong khu vực nên họ đã, đang và sẽ là tai mắt, là lực luợng dân quân, là phên dậu trong tuyến đầu bảo vệ chủ quyền biển đảo."
Một thuyền trưởng bị bắt giam nói với chúng tôi là chủ tàu và ông ta đã từ chối đề nghị nhận tội, bỏ tiền chuộc tàu vì theo người này: Biết trị giá tàu gần 20 tỷ đồng nhưng nếu làm theo cách này thì chúng ta thừa nhận ngư trường truyền thống là vùng biển của họ và việc trả tiền chuộc sẽ tạo tiền lệ xấu. Do đó họ chấp nhận ngồi tù, chấp nhận nhìn tài sản của gia đình mình là con tàu bị đánh chìm.luật sư Hà Hải
"Thực tiễn hoạt động trợ giúp pháp lý cho ngư dân cho thấy cái cấp thiết ngư dân cần là cơ quan chấp pháp Việt Nam (cảnh sát biển, hải quân...) làm sao phải trợ giúp và can thiệp kịp thời khi ngư dân bị tàu chấp pháp nước ngoài xua đuổi hoặc bắt giữ ngay trên ngư trường truyền thống mà vùng biển này theo luật pháp quốc tế hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam."
"Những năm qua xảy ra việc tàu cá và ngư dân Việt Nam bị tàu chấp pháp nước ngoài đâm chìm, bị bắt giữ trái pháp luật, ngư dân Việt Nam bị buộc tội và bị xét xử oan sai, bị cầm tù trên đảo và gia đình họ phải mang tiền đi chuộc người; tàu thuyền và ngư cụ của họ thì bị tiêu hủy hoặc bị cưỡng đoạt."
"Các sứ quán Việt Nam tại những nước có ngư dân Việt Nam bị bắt giữ dù những năm qua có cố gắng nhưng chưa thật sự kịp thời, nên cần chủ động hơn trong việc nắm bắt thông tin, gặp gỡ ngư dân ngay khi họ bị bắt, trợ giúp ngư dân kịp thời và đấu tranh quyết liệt thì mới bảo vệ ngư dân và giúp họ yên tâm bám biển, tiếp tục là lực luợng quan trọng trong tuyến đầu bảo vệ chủ quyền biển đảo."
Luật sư Hà Hải cũng chia sẻ thêm:
"Những vụ tôi trợ giúp pháp lý cho ngư dân thì có thắng có thua. Tất cả chúng tôi đều làm hết sức mình. Khi trợ giúp pháp lý cho ngư dân, ngoài việc tập trung tài liệu chứng cứ, tiếp xúc trực tiếp với ngư dân, thuyết phục luật sư nuớc sở tại hợp tác, thường chúng tôi tranh thủ sự ủng hộ của công luận và đặc biệt là sự giúp đỡ, hỗ trợ từ phía sứ quán Việt Nam."
"Gần đây nhất, một nhóm ngư dân Kiên Giang bị tàu hải quân nước ngoài bắt trong ngư trường truyền thống, trong vùng biển của Việt Nam. Tàu cá và ngư cụ bị tiêu hủy. Ngư dân bị giam giữ và bị phạt tù, bị phạt tiền lên đến 300 triệu đồng. Toàn bộ ngư dân đều kêu oan. Luật sư đồng nghiệp người nước sở tại cùng làm việc với chúng tôi, qua nghiên cứu hồ sơ tài liệu và khi trình bày tại các phiên tòa cũng cho rằng ngư dân bị oan."
"Sau đó, họ được giảm một phần hình phạt tù và phạt tiền nhưng vẫn bị tuyên có tội, tàu cá của họ vẫn bị tiêu hủy."
"Có một thuyền trưởng bị bắt giam nói với chúng tôi là chủ tàu và ông ta đã từ chối đề nghị nhận tội, bỏ tiền chuộc tàu vì theo người này: Biết trị giá tàu gần 20 tỷ đồng nhưng nếu làm theo cách này thì chúng ta thừa nhận ngư trường truyền thống là vùng biển của họ và việc trả tiền chuộc sẽ tạo tiền lệ xấu. Do đó họ chấp nhận ngồi tù, chấp nhận nhìn tài sản của gia đình mình là con tàu bị đánh chìm."

'Vô tác dụng'
Cũng trong hôm 31/7, nhà báo tự do Cát Linh bình luận với BBC:
"Việc trao hơn 10.000 lá cờ cho ngư dân để bảo vệ biển đảo, chủ quyền quốc gia rất lãng phí và vô tác dụng."
"Cờ chỉ là một biểu tượng của quốc gia, nó không thể khẳng định chủ quyền, không thể giữ hay bảo vệ biển đảo."
"Chúng ta biết rằng gần đây xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc trên bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam chưa có dấu hiệu giảm bớt."
"Việt Nam cũng đã gửi công điện đến Trung Quốc để phản đối việc làm phi pháp của Trung Quốc."
"Trước đó, nhiều lần tàu cá của ngư dân cũng bị tàu Trung Quốc tấn công trên chính vùng biển Việt Nam."
"Đây là những vấn đề liên quan đến độc lập dân tộc, đến luật pháp quốc tế. Các vấn đề pháp lý phải được giải quyết trên cơ sở pháp lý."
"Hay là họ đang bất lực trước việc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia này? Tại sao chúng ta phải đến mức tặng 10.000 lá cờ cho ngư dân bám biển chỉ vì lý do bảo vệ chủ quyền?"
"Cái mà người dân cần là hành động rõ ràng với Trung Quốc, nước đang xảy ra xung đột với Việt Nam. Người dân đã ủy quyền cho chính phủ để giải quyết các vấn đề của quốc gia. Và họ có trách nhiệm làm việc đó dựa trên luật pháp quốc tế."
'Phối hợp chặt chẽ'
Năm 2017, trả lời BBC, bà Lê Thị Thu Hằng, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, nói: "Liên quan đến vấn đề ngư dân bị các nước, trong đó có Indonesia bắt giữ, qua nhiều kênh khác nhau, chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong nước và sở tại xác minh rõ những thông tin liên quan, có các biện pháp bảo hộ công dân phù hợp."
"Đồng thời, chúng tôi luôn đề nghị các nước khi xử lý ngư dân Việt Nam được xác định là vi phạm cần dựa trên tinh thần đối xử nhân đạo."
"Việt Nam không ủng hộ ngư dân xâm phạm vùng biển của quốc gia khác được xác lập phù hợp với Công ước Luật biển năm 1982. Việt Nam đề nghị các quốc gia khác phối hợp với Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề này".


Không cần anh hùng-Hồng Phúc


Không cần anh hùng
Thứ ba, 23/7/2019
Hồng Phúc (Nhà báo)

Hơn mười năm trước, làn sóng tái cơ cấu ngân hàng và minh bạch hóa doanh nghiệp quốc doanh đang nước sôi lửa bỏng. Một buổi sáng, tôi nhận được cuộc điện thoại vào lúc hơn 7 giờ, ngay khi vừa bước vào cổng tòa soạn.
"Cô có muốn ngay ngày mai mất việc không? Các anh chị là ai mà dám phá hoại nền kinh tế quốc gia? Nếu không xóa bài báo và đăng công khai xin lỗi hàng nghìn cán bộ của chúng tôi thì cô và ban biên tập của cô đừng có trách, nhá... cạch", tiếng cúp máy.
Tôi leo lên tầng, vào phòng phát hành cầm lên số báo mới nhất. Chưa kịp mở ra đọc xem phóng viên đã viết gì, số điện thoại một phó thống đốc ngân hàng nhà nước gọi tới. Vị này cho biết chủ tịch ngân hàng quốc doanh lớn kia (người mới gọi cho tôi) đang rất giận dữ vì một bài trên báo chúng tôi vừa in đã cho rằng chất lượng tài sản của ngân hàng lớn này đang có vấn đề. Theo bài báo, giá cổ phiếu trên thị trường đang quá cao so với sức khỏe thật của nhà băng, kèm theo số liệu minh chứng.
Ông chủ tịch ngân hàng quốc doanh cho rằng bài báo là "sự xúc phạm lớn" với toàn thể nhà băng và cả chính phủ - cổ đông chi phối đang nắm hơn 95% tỷ lệ sở hữu cổ phần trong ngân hàng quốc doanh này. Theo ý ông, tác giả có ý định hãm hại giá cổ phiếu đang "bay lên" trong lời khen ngợi của giới đầu tư chứng khoán.
Cũng trong buổi sáng đó, tôi không kịp ăn uống, cầm cuốn sổ chạy tới ngân hàng kia, ngồi nghe và ghi kín hàng chục trang về thông số và các yêu cầu do một phó tổng giám đốc giảng giải. Ông trình bày trơn tru trong hơn 2 tiếng, nhưng sự thật thì có cái gì đó gờn gợn trong lòng tôi.
"Tình hình tài chính thế này mà anh bảo là tốt á?"-  cuối cùng tôi cũng thốt ra. Tôi cho anh thấy các khuyến cáo về chất lượng tài sản và chất lượng nợ tại ngân hàng được trích dẫn từ báo cáo tài chính do một tổ chức kiểm toán độc lập thuộc "Big Four" (nhóm 4 công ty kiểm toán uy tín nhất toàn cầu) thực hiện. Đó không phải là suy diễn của phóng viên. Tôi đồng thời gửi cho họ bản báo cáo tài chính thường niên được công khai trên chính website của ngân hàng theo quy định. Người tiếp chuyện nhìn tôi ái ngại. 
Ngân hàng đã gửi đơn khiếu nại đi hàng chục cơ quan, giọng văn căng thẳng, yêu cầu làm rõ "âm mưu phá hoại doanh nghiệp và nền kinh tế", đưa tác giả ra tòa. Chúng tôi mất vài tháng để giải trình với các bên, chạy đi chạy lại giữa đại diện ngân hàng, luật sư để chứng minh rằng nhà báo làm đúng luật. Bài báo tất nhiên không bị xóa và cũng không có chuyện đính chính xin lỗi công khai toàn bộ nhân viên như vị sếp kia muốn.
Người phó tổng giám đốc sau đó bị chuyển việc. "Ở đây, nhiều người bị gọi lên phòng chủ tịch đã để sẵn vali ngoài cửa, bởi rất có thể câu cuối là không làm được thì biến", anh kể lại.
Những ngày đó, phóng viên tài chính hối hả chạy khắp muôn nơi và ghi chép. Các chỉ tiêu của nền kinh tế, màu xanh hay đỏ trên bảng yết của thị trường chứng khoán thay đổi liên tục sau những ngồn ngộn thông tin về liên kết dọc, liên kết ngang, sở hữu chéo, nợ xấu, lạm phát, tỷ giá... và hàng chục tin đồn râm ram về ông chủ này, bắt bớ nọ. Làm sạch các ngân hàng quốc doanh là chủ đề lớn trong nhiều cuộc trà dư tửu hậu.
Những ngày đó, ông chủ tịch ngân hàng vẫn xuất hiện trước đám đông với thái độ ông đã dành cho tôi. "Tôi đố anh nói lại lần nữa", ông chỉ tay vào mặt cán bộ khi bàn về số liệu cuối năm. Ông hất hàm "Sao mày ngu thế?" với một nữ trưởng ban trong một sự kiện của ngành. Và nước mắt rơi trên mặt cô. Tôi sẽ nhớ mãi cái không khí đặc quánh ụp xuống căn phòng, ái ngại mà không biết ngại cho ai.
Gần chục năm sau, vị chủ tịch thét ra lửa kia phải nghỉ hưu sớm sau một vài lần bị kiểm điểm và khiển trách vì sai sót trong quản lý điều hành. Ngân hàng phải tái cơ cấu toàn diện ngay khi ông ra đi. Con trai, con gái, con dâu và rể, cháu ông đang ngồi ghế trưởng khắp các phòng ban và các công ty trực thuộc nhà băng lớn này cũng bị thuyên chuyển.
Chúng ta từng biết có những vị cầm đầu doanh nghiệp nhà nước được ví như ông vua con, đi đâu cũng kéo theo đoàn tùy tùng hoành tráng và được cung phụng. Vì thế mới có chuyện công chúng từng sốc khi phóng viên của hãng thông tấn nước ngoài đưa nguyên si đoạn băng ghi âm phỏng vấn qua điện thoại với một tổng giám đốc công ty nhà nước lên mạng vì vị này đã cao giọng "bởi vì tôi thích thế" khi được hỏi tại sao doanh nghiệp không làm thế này thế kia. Ông không ngờ rằng thói quen giao tiếp ở doanh nghiệp "của nhà" đã làm tên tuổi ông tưng bừng trên trường quốc tế.
Vì sao có những vị lãnh đạo doanh nghiệp của dân lại tung hoành đến thế? Tôi gặp nhiều người từng thốt ra câu hỏi này. Và cũng nhiều người từng tự lý giải. Lý do nhận được nhiều đồng tình nhất là, cơ chế quản lý kinh tế quốc doanh và giám sát quản trị doanh nghiệp còn nhiều lỗ hổng. Hệ thống quy phạm pháp luật về giám sát hành vi, đạo đức, tuân thủ quy trình và hệ thống quản trị rủi ro khu vực công còn khiếm khuyết.
Tôi đọc đâu đó rằng một thiết chế hoàn hảo thường không sinh ra những "anh hùng" bởi vì cơ chế ấy đủ liêm chính và công bằng khiến ai cũng có thể và đã, đang là ngôi sao theo cách họ muốn trong tổ chức. Một xã hội không có anh hùng đem đến thái độ tích cực cho công dân bởi họ được an ủi - vì mình không giỏi, mình sai, mình hèn, mình đôi khi vị kỷ, vô nghĩa và phi lý, nhưng sẽ tuân thủ điều đúng.
Ở đâu có những anh hùng dễ dàng nổi lên, thao túng được số đông (có thể vì họ thực tài, có người vì cơ hội và được ai đó ban trao) đều dễ dàng tạo ra sự lạm dụng quyền lực. Những sinh vật kiêu ngạo và ngốc nghếch bỗng được tôn sùng.
Sự phi lý nào cũng có lý của nó. Không phải tự nhiên xuất hiện những ông trời con, không phải tự nhiên quyền lực bị méo mó đi. Một sản phẩm lỗi chắc chắn phải có một mắt xích nào đó lệch chuẩn.
Thiết chế xã hội, với nền tảng cơ bản nhất là hệ thống luật pháp với sự bao phủ chi tiết ở nhiều tầng nấc, các quy tắc bất thành văn của tổ chức, cộng đồng, hay kể cả những chỉ đạo theo tình huống của người đứng đầu, chính là chìa khóa. Trong một thiết chế đủ công minh, những anh hùng dù có công trạng thật trong các doanh nghiệp quốc doanh, khi ấy sẽ bình đẳng với những người bình thường. Không ai tôn sùng ai, vì tất cả đều chỉ tôn sùng cái đúng.
Hồng Phúc


Những Gian Lận của Ilhan Omar - KTAH

Những Gian Lận của Ilhan Omar
KTAH

Chuyện gian lận của Ilhan Omar đã được trang mạng Powerline Blog công bố từ năm 2016, nhưng truyền thông dòng chính (TTDC) ém nhẹm từ đó cho đến nay. Riêng các chủ nhân của trang mạng Powerline Blog thì bị đại diện của Omar phê bình là những kẻ sợ Hồi giáo và cố chấp (xem tại đây). 

Tuần vừa qua, vì 4 nữ quái DC làm lộng quá mức khiến TT Trump phải lên tiếng phê bình. Nhân dịp đó 1 phóng viên tại Tòa Bạch Ốc đã hỏi TT Trump về chuyện hôn nhân với em mình của Ilhan Omar, TT Trump đã trả lời là ông hy vọng có ai đó sẽ ngó tới chuyện này. Ngay sau đó, Tucker Carlson, talk show host trên FoxNews, đã đưa việc này của Omar lên chương trình của anh ta. Hơn 3 năm nay trang mạng Powerline Blog đã tường trình về việc gian lận của Omar, nhưng không được tiếng vang, nay nhờ Tucker Carlson mà cả nước và có thể cả thế giới biết đến chuyện gian lận của Ilhan Omar. 


Phóng viên David Steinberg, sau 3 năm trời lần mò điều tra về nữ quái Dân biểu tiểu bang Minnesota, đã có viết ra bốn bài tường thuật về ả, 
tại đây (13/8 /2018), tại đây (23/10/2018), tại đây (30/10/2018) và tại đây (5/11/2018), để đưa ra những bằng chứng cho thấy Ilhan Omar bước vào một cuộc hôn nhân giả tạo với em trai mình vào năm 2009. Steinberg cũng vừa cho đăng bài thứ 5 nối kết những bằng chứng rời rạc trong cuộc điều tra đó lại để chứng minh lời cáo buộc Ilhan Omar lấy em mình và khai man không phải chỉ là vu cáo, xem tại đây

Theo Steinberg, có bằng chứng đáng tin cậy là Ilhan Omar và gia đình cô đã đổi tên để nhập cảnh bất hợp pháp vào Hoa Kỳ vào năm 1995, và có những cáo buộc cho thấy Ilhan Omar, từ đó trở đi cho đến nay, khi đã là một người trưởng thành, vẫn tiếp tục vi phạm luật pháp Hoa Kỳ. Những cáo buộc của Steinberg có thể được dùng để điều tra Omar về tám trường hợp khai man, gian lận di dân, gian lận hôn nhân, lên đến tám năm gian lận thuế của tiểu bang và liên bang, hai năm gian lận cho tiền vay dành cho sinh viên liên bang, và vi phạm luật cấm đa hôn. 


Nếu được chứng minh tại tòa án hình sự, các cáo buộc chống lại Ilhan Omar có thể khiến Omar nhận lên tới 40 năm tù hoặc thậm chí bị trục xuất. Dưới đây là những bằng chứng có thể dễ dàng kiểm chứng để chứng thực những thông tin trong đó: 


Năm 1995, Ilhan tới Hoa Kỳ với tư cách một thành viên gian lận trong gia đình Omar. Gia đình Omar không phải thật sự là gia đình của Ilhan. Gia đình Omar có không liên hệ gì với Ilhan, nhưng đã được Hoa Kỳ cho phép tị nạn. Họ Omars cho phép Ilhan, chị gái ruột Sahra và cha ruột Nur Said sử dụng tên giả để xin tị nạn với tư cách là thành viên của gia đình Omar.


Gia đình chính thức của Ilhan bị tách rời vào thời điểm này. Ba người trên đã được nhận cho tị nạn tại Hoa Kỳ, trong khi ba người khác, sử dụng tên thật của họ, đã được nhận cho tị nạn tại Vương quốc Anh. 

Tên của Ilhan Abdullahi Omar, trước khi xin tị nạn, là Ilhan Nur Said Elmi. Tên thật củacha Ilhan là Nur Said Elmi Mohamed. Tên thật của em gái là Sahra Nur Said Elmi. Ba anh chị em khác của Ilhan đã được Vương quốc Anh cấp tị nạn là Leila Nur Said Elmi, Mohamed Nur Said Elmi và Ahmed Nur Said Elmi. 


(Những bằng cớ chứng minh 6 người mang họ Nur Said Elmi có liên hệ với nhau được trình bày rất rõ ràng trên trang mạng 
Powerlineblog.com trên trang này

Ilhan và Ahmed Nur Said Elmi kết hôn hợp pháp vào năm 2009, có lẽ để được hưởng lợi theo quy chế bảo lãnh qua diện hôn nhân lừa đảo. Họ không ly hôn hợp pháp cho đến năm 2017. 


Năm 2017 vài tháng sau khi chuyện Omar sống với người đàn ông không phải người chồng trên giấy tờ bị phát giác và công bố trên mặt báo, Omar đã lặng lẽ nộp hồ sơ xin ly hôn với lý do không thể liên lạc được chồng mình là Ahmed Nur Said Elmi. 


Trong giấy tờ ly hôn ký năm 2017, Ilhan khai là không gặp mặt chồng kể từ tháng 6 năm 2011, địa chỉ cuối cùng của chồng là London và hiện tại không biết chồng mình hoặc bất cứ người thân của g/đ chồng mình cư ngụ nơi nào để liên lạc. 


 


 



Nhưng phóng viên Steinberg đã lấy ra từ Instagram account của Ilhan 2 tấm hình cho thấy Ilhan chụp chung với Ahmed Elmi vào năm 2015 ở London. (Tin lấy từ 
https://alphanewsmn.com/brother-ilhan-omar-married-send-email/

 



 
Theo lời Ilhan công bố, Ilhan cưới Ahmed Hirsi (người đàn ông đã có 3 con với Ilhan) vào năm 2002 trong buổi lễ theo phong tục Hồi giáo. Nhưng 2 người đồng ý ly dị năm 2008 cũng theo phong tục Hồi giáo. Qua năm 2009 thì Omar lấy Ahmed N. Elmi (dựa trên giấy hôn thú của 2 người thì hôn lễ được cử hành bởi được mục sư Kitô giáo). Qua năm 2011 Omar và Elmi ly dị theo phong tục Hồi giáo. Cũng năm đó Ilhan và Ahmed Hirsi trở lại với nhau. 

Ngày 11 tháng 6 năm 2012 , Ilhan cho ra đời đứa con mang họ Hirsi (theo giấy ly hôn, hình bên dưới) và 1 ngày sau đó trên Instagram của Ahmed Elmi có post tấm hình Ahmed Elmi ẵm bé gái và gọi là nó "cháu gái" (xem hình bên dưới). Cho thấy Ahmed Elmi xem Ilhan Omar là chị nên gọi con của Ilhan là cháu gái.

 


 

Đến năm 2017, Ilhan chính thức ly dị Ahmed Elmi trên giấy tờ. Và năm 2018 Ilhan và Ahmed Hirsi chính thức làm hôn thú. Nhưng trên những tài liệu công khai cho thấy Hirsi và Ilhan sống chung trong một ngôi nhà trong khu phố Cedar Riverside của thành phố Minneapolis vào năm 2009, năm mà Elmi và Omar kết hôn, và 2 năm trước khi Omar tuyên bố cô đã hòa giải với Hirsi.  


Thêm nữa, sau khi Omar bị điều tra và bị phạt bởi một khiếu nại được đệ trình vào năm 2018 với lời cáo buộc Omar đã vi phạm tài chính dành cho vận động tranh cử, thì các viên chức tài chính của vận đông tranh cử tiểu bang Minnesota đã tiết lộ rằng Omar và Hirsi đã cùng nhau nộp thuế dưới danh nghĩa vợ chồng (jointly married) vào năm 2014 và 2015, 2, 3 năm trước khi Omar và Elmi ly hôn hợp pháp. Luật liên bang và tiểu bang Minnesota đều tuyệt đối cấm nộp thuế chung với người không phải là vợ hay chồng hợp pháp. 


Với những bằng chứng Powerlineblog thu thập, chuyện gian lận của Ilhan Omar đáng được chính quyền ngó đến và điều tra. Không có lửa thì làm sao có khói. Có rất nhiều khói trong chuyện này, nhiều hơn rất nhiều chuyện TT Trump thông đồng với Nga để đắc cử. Nhưng những chuyện gian lận của người bên đảng DC như vầy, tại sao bọn TTDC không chịu ngó tới và đảng DC lại làm lơ, chỉ muốn ém nhẹm cho qua chuyện?  


Hỏi tức là trả lời!!!

"Tổ chức Judicial Watch đã đệ đơn lên Hạ Viện, khiếu nại việc bà Omar đã vi phạm hàng loạt luật như làm hôn nhân giả, khai gian trong đơn di dân, khai gian thuế, gian lận tiền nợ học đại học, … Đơn khiếu nại dựa trên điều tra trong 3 năm liền của nhà báo David Steinberg".
Mọi người chờ mong luật pháp sớm trừng trị nữ quái Ilhan Omar cùng bon gian nhân hiệp đảng gian ác.
·  1  
· 
·  Reply
· 
·  Share ›


Ăn vạ, nước cờ không đối thủ của Trung Quốc- Mặc Lâm


Ăn vạ, nước cờ không đối thủ của Trung Quốc
31/07/2019
·         Mặc Lâm

Theo bản tin của VOA, Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung     Quốc hôm 26 tháng 7 cáo buộc Việt Nam đã xâm phạm quyền chủ quyền của Trung Quốc tại bãi Tư Chính từ tháng 5 chứ không phải mới đây. Tuyên bố này không mới ở nội dung nhưng rất nghiêm trọng trong thời gian hiện tại, nó cho thấy Trung Quốc đã quyết định tiến xa hơn trong hành vi xâm lấn bằng thủ đoạn liên tục lên tiếng tố cáo Việt Nam mới là tác nhân xâm phạm quyền chủ quyền của nước khác.
Bắc Kinh đã dùng kinh nghiệm của Joseph Goebbels, bộ trưởng tuyên truyền của Phát xít Đức để áp dụng vào Biển Đông: "Một lời dối trá nếu được lặp đi lặp lại đủ mức thì nó sẽ trở thành sự thật".
Các nhà tâm lý học gọi đây là “ảo tưởng về sự thật” nhưng người cộng sản lại tin vào cái ảo tưởng này lâu dần sẽ trở thành chân lý đối với người quen nghe nó. Bà Hoa Xuân Oánh lại càng tin hơn khi nhất mực cho rằng chính Việt Nam mới là nước xâm chiếm chứ không phải Trung Quốc. Lời nói dối ấy đã ăn vào tâm trí của lãnh đạo Bắc Kinh và gây cho họ ảo giác của sự thật. Không may cho Việt Nam, tuy cùng học chung một người thầy Cộng sản nhưng có lẽ tâm cơ chưa tới nên không đạt được trình độ tự lừa mình như giới chức lãnh đạo Trung Quốc.
Chưa bao giờ thoát ra được hai chữ “quan ngại” bởi bị lệ thuộc khá sâu vào “đại cục” cả hệ thống chính trị Việt Nam cho tới giờ này vẫn cả tin rằng Trung Quốc không bao giờ dám dấn sâu hơn vào quyền chủ quyền của Việt Nam trên bãi Tư Chính, có chăng đây chỉ là động thái ném đá dò đường và Việt Nam lại theo con đường cũ tiếp tục đu dây trên đống lửa dưới chân. Nhưng qua tuyên bố lần này của bà Hoa Xuân Oánh người ta e rằng sức nóng của ngọn lửa bên dưới sợi dây không cho phép Việt Nam sang bên kia bờ “hữu nghị” như mọi lần, bởi nhiều lý do mà lý do lớn nhất là Việt Nam đang thất bại trên nhiều mặt trận trong lẫn ngoài nước.
Bên trong, Bộ chính trị còn vướng mắc những tranh cãi, so đo, trì kéo giữa thế lực chính trị lấy đảng làm tiêu chuẩn tiến thân, một bên khác là những nhóm khác nhau về nhận thức giữa lợi và hại nếu tiếp tục theo con đường cũ là chấp nhận sự căm ghét của người dân, chấp nhận sự tha hóa bên trong nội bộ và đồng thời chấp nhận luôn bàn tay thô bạo của Trung Quốc nhúng vào chính trường Việt Nam. Cái lợi trước mắt là nếu chấp nhận cải cách triệt để thì Trung Quốc không thể làm mưa làm gió như từ trước tới nay mặc dù chấp nhận hy sinh và mất mát.
Bên ngoài, Bộ ngoại giao Việt Nam không có tiếng nói dủ mạnh để thuyết phục thế giới về hành vi xâm lấn của Trung Quốc. Thiếu tiền, thiếu nhân sự giỏi, thiếu cả sự trung tín cần thiết với các nước có quan tâm, Việt Nam không đưa ra một chiến lược tuyên truyền với ý thức dân tộc đủ mạnh để làm các nước khác tin vào vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với một vùng biển mà Trung Quốc đang lăm le chiếm cứ.
Phương tiện duy nhất mà Việt Nam có thể làm lại phân vân trước nhiều lựa chọn đó là mang Trung Quốc ra tòa án Quốc tế như Philippines từng làm. Phân vân không phải vì sợ thua, sợ tốn kém mà sợ mất đi chỗ dựa cho Đảng, cho những cán bộ trung với Tàu, hiếu với Bắc Kinh và một mực cho rằng Trung Quốc luôn luôn tốt với nhân dân Việt Nam. Phân vân vì sợ sau này nếu có “mệnh hệ” gì thì làm sao sang Bắc Kinh tiếp tục xin chỉ đạo làm cái này hay thực hiện cái nọ. Những hệ quả ấy làm cho Việt Nam chùn bước trước một hành động đáng ra phải làm từ năm 2014 lúc Trung Quốc ngang nhiên đem giàn khoan 981 vào vùng biển của Việt Nam nằm lì ra đó hơn hai tháng trời.
Lần này e rằng con số hai tháng sẽ không còn thích hợp khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc chính thức “lên tiếng” về cái mà họ không sở hữu.
Nhiều nhà bình luận quốc tế cho rằng Trung Quốc không dại gì đánh Việt Nam vì họ đã khuynh loát hệ thống chính trị của nước này từ nhiều năm qua, nếu xảy ra chiến tranh thì công trình gây dựng của họ bao năm nay thành ra công dã tràng se cát. Lý thuyết này có thể đúng một phần vì dù sao thì Việt Nam cũng từng làm cho Trung Quốc điêu đứng trong các trận chiến tại các tỉnh biên giới phía Bắc vì vậy thay vì đánh nhau Trung Quốc sẽ áp dụng chiến thuật tầm ăn dâu với vùng biển mà Bắc Kinh tự ý vẽ ra đường 9 đoạn trong đó có bãi Tư Chính.
Lần này Trung Quốc sẽ dùng truyền thông để rêu rao rằng Việt Nam chính là kẻ xâm phạm quyền chủ quyền của Trung Quốc từ đó đưa ra các lý do nhằm thuyết phục người dân trong nước và sau đó là các nước được Trung Quốc bảo trợ và cuối cùng là các nước không liên quan.
Trung Quốc sẽ dùng luận điệu: “Tại sao Việt Nam chỉ biết lên tiếng một cách yếu ớt về vụ việc trong khi Trung Quốc lên tiếng nhiều lần, nhiều lúc, nhiều nơi trước công luận quốc tế về vấn đề này? Tại sao người dân Việt Nam không hề bức xúc trước việc bãi Tư Chính xảy ra tranh chấp mặc dù báo chí nhà nước hô hào hãy bảo vệ chủ quyền và phẩm giá dân tộc? Tại sao Việt Nam luôn nói rằng họ có đầy đủ chứng cứ về quyền chủ quyền của họ nhưng chưa bao giờ họ chính thức trưng ra bằng cớ trước dư luận thế giới……”
Đi kèm với những luận điệu vừa nói là hành động phá rối khu vực bãi Tư Chính khiến cho các giàn khoan của quốc tế đang hoạt động tại đây nản lòng và cảm thấy không an toàn. Kết quả dễ thấy nhất là yêu sách buộc Việt Nam phải bảo vệ cho họ trong lúc thực hiện hợp đồng trong khi Việt Nam không biết làm cách nào để đối phó với sự vô liêm sĩ của Trung Quốc. Thành công này Trung Quốc không cần một viên đạn trong khi cho kẹo Việt Nam cũng không dám bắn một phát nào về phía tàu hải cảnh của Trung Quốc.
Bài toán ăn vạ của Trung Quốc đã được giải mã qua tuyên bố của bà Hoa Xuân Oánh và có lẽ chính phủ Việt Nam cũng cần một hành động dứt khoát để đuổi người ăn vạ trước cửa nhà mình. Hành động ấy chỉ có thể là buộc Trung Quốc im tiếng bằng một phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế.
Người xưa nói chớ hề sai “Không thành công thì cũng thành nhân”. Chính phủ nên chứng minh mình là người trưởng thành, tức là thành nhân, dám đối phó với một kẻ gian manh và mạnh mẽ như Trung Quốc bằng một vụ kiện, chứ không phải là người chỉ biết đứng phía sau bức màn mang tên Chủ nghĩa Xã hội để biện minh cho tình hữu nghị viễn vông giữa hai đảng cộng sản với nhau.
Khi một chính phủ tự mình trưởng thành, dám vượt qua sợ hãi, thì không lý gì nhân dân của chính phủ ấy lại không đồng hành để bảo vệ chính đất nước của mình.


Hội nghị Bắc Đới Hà - Nguyễn Xuân Nghĩa


Hội nghị Bắc Đới Hà
Nguyễn Xuân Nghĩa
2019-07-30
Hội nghị tuyệt mật
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, giới quan sát quốc tế cho rằng lãnh đạo của Trung Quốc đang có hội nghị tuyệt mật tại khu nghỉ mát Bắc Đới Hà bên biển Bột Hải cách Bắc Kinh gần 300 cây số về hướng Đông. Theo dõi tin tức Trung Quốc, ông cho rằng nghị trình của cuộc họp này sẽ là những gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Người ta cho là hội nghị đề cập tới các hồ sơ nóng bỏng, như trận thương chiến với Hoa Kỳ, tình hình gay go tại Hong Kong và quan hệ căng thẳng với Đài Loan. Nhưng tôi lại nghĩ hơi khác một chút.
- Trước hết, lãnh đạo Bắc Kinh vẫn có hội nghị hàng tháng của Bộ Chính Trị dưới sự chủ tọa của Tổng bí thư Tập Cận Bình để thảo luận và giải quyết các hồ sơ nóng của Trung Quốc. Nhưng hội nghị tại Bắc Đới Hà lại do một bộ phận khác tổ chức và bảo vệ. Nó còn quy tụ các lão đồng chí đã về hưu nhằm góp ý với Bộ Chính Trị. Vì vậy, hội nghị tích lũy kinh nghiệm của nhiều thế hệ lãnh đạo trước sau và đề cập tới nhiều vấn đề sâu xa lâu dài.
- Sau hai Đại hội đảng thuộc Khóa 18 và 19 vào cuối năm 2012 và 2017, người ta thấy một chuyển biến lớn là lãnh đạo đảng dần dần trao phó tối đa quyền lực cho ông Tập Cận Bình nhằm giải quyết nhiều bài toán gai góc và đầy mâu thuẫn của Trung Quốc. Dưới sự lãnh đạo của họ Tập, chế độ độc tài này đang lui về trạng thái “toàn trị” như dưới thời Mao Trạch Đông với Tập Cận Bình là nhà tư tưởng lớn.
Lãnh đạo Bắc Kinh hiểu bài tóan muôn thuở là Hoàng đế ở trên có nhiều quyền lực mà thiếu thông tin về thực tế ở dưới và bộ máy hành chính của triều đình lại không chịu trách nhiệm về những tai họa mà Hoàng đế không biết. Ông Tập Cận Bình có thể trở thành Hoàng đế vĩnh viễn sau hai nhiệm kỳ năm năm mà cũng biết nhược điểm ấy.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
- Thứ hai, tôi ngờ rằng khi hội nghị Bắc Đới Hà có sự tham gia của các thế hệ lãnh đạo trước, từ Giang Trạch Dân tới Hồ Cẩm Đào, nghị trình đặt ra phải có viễn cảnh xa. Xa nhất là từ năm 1921, khi đảng Cộng sản Trung Hoa ra đời.
Nguyên Lam: Tức là ông dự đoán rằng các thế hệ lãnh đạo của Trung Quốc đang bàn về những chuyện xảy ra trăm năm về trước?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Khác với các chế độ dân chủ vài ba năm lại thay đổi sau mỗi kỳ bầu cử, lãnh đạo Trung Quốc nhìn sâu hơn về lịch sử và có nhiều dấu mốc lâu dài, như trăm năm sau ngày thành lập đảng vào năm 1921 hay 100 năm sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc ra đời vào năm 1949. Làm sao tuyên truyền và huy động quốc dân cho các nhiệm vụ lịch sử đó khi đảng đang phải đối phó với nhiều mâu thuẫn cơ bản mà ông Tập Cận Bình đã đề ra và nói tới? Tôi nghĩ hội nghị Bắc Đới Hà sẽ tập trung vào các bài toán này.
Nguyên Lam: Ông nêu ra một ý lạ là tham vọng lịch sử của Trung Hoa Cộng sản đảng đối chiếu với các mâu thuẫn thật ra lại khá nan giải của xứ này. Thưa ông, vì sao như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Có ý thức lịch sử sâu xa, lãnh đạo Bắc Kinh hiểu bài tóan muôn thuở là Hoàng đế ở trên có nhiều quyền lực mà thiếu thông tin về thực tế ở dưới và bộ máy hành chính của triều đình lại không chịu trách nhiệm về những tai họa mà Hoàng đế không biết. Ông Tập Cận Bình có thể trở thành Hoàng đế vĩnh viễn sau hai nhiệm kỳ năm năm mà cũng biết nhược điểm ấy. Nhưng làm sao giải quyết bài toán này?
- Chuyện thứ hai là thế giới đổi thay với nhiều thách đố kinh tế cho đảng đã được các thế hệ lãnh đạo thời Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo nêu lên từ gần hai chục năm trước, như không cân đối, không phối hợp, bất công và thiếu bền vững. Làm sao đảng có thể thay đổi để giải quyết các mâu thuẫn đó mà không mất quyền? Thí dụ cụ thể, trước khi bùng nổ trận thương chiến với Hoa Kỳ, thì đà tăng trưởng đã chậm lại và chính thức chỉ còn khoảng 6-7%, thực tế có khi chỉ bằng một nửa.
Mâu thuẫn bên ngoài và bên trong
Nguyên Lam: Nếu như vậy thì vấn đề không chỉ là mâu thuẫn mậu dịch với nước Mỹ mà còn là những mâu thuẫn bên trong của Trung Quốc.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Mâu thuẫn căn bản nhất mà có lẽ ông Tập Cận Bình cũng ý thức được vì ông nắm vững nhiều thông tin là làm sao dung hòa các yêu cầu trái ngược? Cụ thể là làm sao hiện đại hóa xứ sở, vừa du nhập quy luật tự do của thị trường vừa bảo vệ quyền kiểm soát của đảng? Tôi e rằng Tập Cận Bình vẫn cứ loay hoay trong các mâu thuẫn ấy khi đảng đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng để các đảng viên thực hiện cho bằng được với nhiều tham ô lãng phí và gây hậu quả xấu cho đà tăng trưởng thiếu phẩm chất. Tại hội nghị Bắc Đới Hà, nhiều lão đồng chí đã về hưu tất nhiên nêu ra các câu hỏi gay go ấy.
Sự thật thì “người dân Trung Quốc chưa giàu mà đã già” và “nhà nước Bắc Kinh chưa hùng mà đã hung” khiến các nước lại liên kết với nhau để phòng ngừa. Các thế hệ lãnh đạo trước đây của đảng sẽ nhắc nhở ông Tập Cận Bình về thực tế khá phũ phàng này.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Đấy là khi người ta không nêu ra nhiều vấn đề khác như gánh nợ quá nặng, tình trạng vỡ nợ của nhiều doanh nghiệp, vị trí bấp bênh của đồng bạc Trung Quốc, hoặc nạn lão hóa dân số với tốc độ nhanh nhất trong các nước đang phát triển và cái mà giới kinh tế gọi bẫy sập của lợi tức trung bình. Ông nghĩ sao về các vấn đề này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau bảy tám chục năm cải cách, các nước tiên tiến đều lên tới trình độ phát triển cao, với lợi tức bình quân một đầu người ở khỏang 40 nghìn đô la một năm. Trung Quốc chưa lên tới đó vì sản lượng hay năng suất của một người chỉ ở khỏang 12 ngàn đồng. Khi đảng chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày lập đảng trong một hai năm tới thì con số bình quân đó chưa thay đổi nhiều, cho tới năm 2025 may lắm lên tới 14 ngàn đô la một người. Nếu vậy, thành tích của đảng là gì? Thành tích đó là dời cột mốc nhằm đề cao thành tựu của chủ nghĩa quốc gia dân tộc, là chủ nghĩa Hán tộc ngụy danh và sự hùng mạnh quân sự làm các nước kiêng nể.
Nguyên Lam: Chúng ta bước qua khía cạnh quốc tế của hồ sơ Trung Quốc, với các bài toán nổi cộm như Hong Kong hay Đài Loan và vùng biển Đông Nam Á mà nhiều người cho rằng sẽ thuộc nghị trình của hội nghị tại Bắc Đới Hà. Ông nghĩ sao về những chuyện đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta có vấn đề thật và vấn đề giả! Bắc Kinh đã nắm Hong Kong trong tay từ năm 1997 mà thôn tính chưa nổi và nay còn hăm dọa sẽ thống hợp Đài Loan bằng giải pháp quân sự. Tôi cho là trong hội nghị tuyệt mật tại Bắc Đới Hà, các thế hệ lãnh đạo của Trung Quốc sẽ nói thật nói thẳng, rằng “Trung Quốc Mộng” do Tập Cận Bình đề ra nhằm xây dựng một trật tự mới của thế giới dưới sự lãnh đạo của Trung Quốc để “bình thiên hạ” chỉ là một ảo vọng.
- Sự thật thì “người dân Trung Quốc chưa giàu mà đã già” và “nhà nước Bắc Kinh chưa hùng mà đã hung” khiến các nước lại liên kết với nhau để phòng ngừa. Các thế hệ lãnh đạo trước đây của đảng sẽ nhắc nhở ông Tập Cận Bình về thực tế khá phũ phàng này. Một thí dụ ít ai nhắc tới là Trung Quốc có tỷ lệ học sinh trung học cao nhất thế giới làm ai cũng sợ, nhưng gần một phần tư lại phá ngang, bỏ học. Tuyên truyền về các thời điểm lịch sử như 1921 hay 1949 thì khá huy hoàng, nhưng thực tế lại chẳng như vậy và kinh tế xứ này vẫn quá lệ thuộc vào việc nhập khầu kiến năng hay “know how” của nhiều nước khác. Vì vậy, hội nghị Bắc Đới Hà sẽ là phút nói thật ở bên trong.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc trao đổi thú vị tuần này.
Tin, bài liên quan