Monday, July 29, 2019

Vì sao phải cấp thiết bảo tồn ngôn ngữ của người Việt Nam? (Phần II)


Vì sao phải cấp thiết bảo tồn ngôn ngữ của người Việt Nam?
(Phần II)
RFA
2019-07-26

Đọc:
Bài 2: Tình trạng tiếng Việt bị “hỗn loạn” và những giải pháp bảo tồn
Một dự án có tên “Không gian Tôn vinh Việt ngữ” vừa được phổ biến trên truyền thông mạng xã hội trong những ngày trung tuần tháng 7 với lời kêu gọi cộng đồng người Việt trong và ngoài nước cùng chung tay bảo tồn và phát triển ngôn ngữ của người Việt Nam.
Đài RFA tiếp tục gửi đến phần cuối của loạt bài ghi nhận về thực trạng cũng như giải pháp nào cho tiếng Việt trước sự kêu gọi cấp thiết cần bảo tồn ngôn ngữ của người Việt Nam, kể cả từ phía Chính phủ Hà Nội.
“Hỗn loạn và phát triển hoang dã”
Qua bài ghi nhận trong phần I, một số những nhân sĩ trí thức mà Đài RFA tiếp xúc để tìm hiểu vì sao ngôn ngữ của người Việt Nam cần cấp thiết phải bảo tồn, chúng tôi được nghe các nhận xét tương đồng cho rằng tiếng Việt cũng giống như các ngôn ngữ khác cần có sự thay đổi liên tục theo quy luật phát triển của ngôn ngữ; tuy nhiên tiếng Việt lại đang bị rơi vào tình trạng đáng lo ngại vì được sử dụng khá bừa bãi.
Nhà báo Mạnh Kim trong phần trả lời với RFA còn nhấn mạnh rằng tiếng Việt được sử dụng ở Việt Nam đang bị “hỗn loạn” và phát triển theo hướng “hoang dã” khi ông chia sẻ về bài viết của mình với nhan đề “Hãy khóc cho tiếng Việt!” (Xem=> Hãy khóc cho tiếng Việt - Mạnh Kim) được đăng tải trên trang Facebook cá nhân vào hôm mùng 2 tháng 7.
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Hoàng Dũng, một nhà ngôn ngữ học giảng dạy tại Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cũng bày tỏ với RFA về quan điểm của ông:
“Người ta không hiểu rồi dùng từ ngữ bậy bạ thì phải nói rằng rất phổ biến và rất đau lòng. Đặc biệt tình trạng báo chí và nhất là trình độ tiếng Việt của một số ban biên tập và một số tờ báo có lượng độc giả lớn phải nói rằng không được tốt lắm, cho nên đầy rẫy lỗi sai. Ngày xưa truyền thông đại chúng không mạnh mẽ như bây giờ cho nên những cái lỗi không tạo ra một làn sóng như hiện nay.”
Cựu Biên tập viên Mặc Lâm của Ban Việt ngữ, Đài RFA cũng lên tiếng nhận xét tiếng Việt đang dần bị mất đi tính sinh động của ngôn ngữ vì câu chữ bị “tối nghĩa”:
“Tôi cũng nhận thấy một điều là nếu sử dụng tất cả những kiểu chữ như ở trong nước thường dùng thì sẽ có một vấn nạn mà chúng ta sẽ gặp sau này, có nghĩa là tiếng Việt từ từ sẽ bị ‘u tối hóa’ những chữ nghĩa mà những người dân sử dụng chữ đi theo những nhà báo trong nước, họ dùng từ không chính xác và họ dùng từ một cách tùy tiện. Họ sáng tạo ra những cụm từ rất tùy tiện có thể nói là không ai hiểu được, nhưng người dân cũng vô tình nghe theo và sau đó sử dụng theo thì tiếng Việt sẽ bị dẫn vào tình trạng không phải là không trong sáng mà rất là khó hiểu và trở thành rất kỳ dị. Chẳng hạn như từ vừa xuất hiện mới đây là ‘độ ta không độ nàng’.”
Tôi cũng nhận thấy một điều là nếu sử dụng tất cả những kiểu chữ như ở trong nước thường dùng thì sẽ có một vấn nạn mà chúng ta sẽ gặp sau này, có nghĩa là tiếng Việt từ từ sẽ bị ‘u tối hóa’ những chữ nghĩa mà những người dân sử dụng chữ đi theo những nhà báo trong nước, họ dùng từ không chính xác và họ dùng từ một cách tùy tiện. Họ sáng tạo ra những cụm từ rất tùy tiện có thể nói là không ai hiểu được, nhưng người dân cũng vô tình nghe theo và sau đó sử dụng theo thì tiếng Việt sẽ bị dẫn vào tình trạng không phải là không trong sáng mà rất là khó hiểu và trở thành rất kỳ dị
-Nhà báo Mặc Lâm
Theo quan sát của giới ngôn ngữ học và các nhà báo thì truyền thông quốc nội đang đóng góp một vai trò rất lớn trong việc truyền bá tiếng Việt. Bên cạnh đó, một yếu tố nữa cũng liên quan và tạo ảnh hưởng quan trọng đến ngôn ngữ tiếng Việt là giáo dục. Nhà báo Mạnh Kim đưa ra nhận định của ông:
“Đó là do hậu quả tất yếu của giáo dục, tức là trong rất nhiều năm kể từ sau năm 1975 thì giáo dục tại Việt Nam, đặc biệt là trong văn học mang tính tuyên truyền nhiều quá, chỉ có một số vốn từ cứ lặp đi lặp lại cho nên vô hình trung làm cho ngôn ngữ tiếng Việt bị nghèo nàn đi.”
Nhà báo Mạnh Kim cho rằng có một mắc xích không thể tách rời là khi những người làm việc trong lĩnh vực truyền thông ở Việt Nam, họ sống trong môi trường giáo dục mà tiếng Việt không được đề cao đúng mức và dùng sai cho nên mang lại hậu quả xấu cho xã hội.
Cùng với nhà báo Mạnh Kim, một vài nhà báo trong và ngoài nước mà Đài RFA có dịp trao đổi còn khẳng định các sinh hoạt văn hóa và âm nhạc cũng góp phần không nhỏ, bên cạnh giáo dục và truyền thông, tác động đến sự “hỗn loạn” của tiếng Việt đương thời.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, khi ông tham dự Hội thảo khoa học quốc gia “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông đại chúng”, diễn ra hồi đầu tháng 11 năm 2016, tại Hà Nội, đã phát biểu rằng việc giữ gìn tiếng Việt là nhiệm vụ được pháp luật quy định và là trách nhiệm của tất cả mọi người, đặc biệt là của giới nhà báo, nhà giáo và nhà văn. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam còn kêu gọi những người làm việc trong ngành báo chí phải rèn kĩ năng để giữ gìn sự trong sáng đi đôi với phát triển, làm mới tiếng Việt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập với thế giới.
Giải pháp nào để bảo tồn tiếng Việt?
Lời kêu gọi mỗi người Việt Nam có trách nhiệm giữ gìn tiếng Việt của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng được ông Phạm Văn Đồng, trong vai trò Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phát động phong trào “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” cách nay hơn 5 thập niên, vào năm 1966. Thế nhưng những nhân sĩ trí thức trong nhiều năm qua cứ phải gióng lên những hồi chuông báo động về bảo tồn và phát triển ngôn ngữ của người Việt Nam bởi vì không ít trong số họ không nhìn thấy được Chính phủ Hà Nội đã và đang làm được gì qua việc hô hào liên quan giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Tiến sĩ Hoàng Dũng giải bày:
“Nói là nói vậy thôi vì Việt Nam là cường quốc về nghị quyết, cường quốc về khẩu hiệu thành ra họ (Chính phủ) nói thế thôi chứ không làm gì được hết.”
Nhà báo Mặc Lâm còn viện dẫn một nguyên nhân chủ quan mà tình trạng tiếng Việt sẽ không thể nào được “trong sáng”:
“Tôi nghĩ còn một điều quan trọng nữa là từ ngữ trong những văn bản phát hành ra toàn quốc mà báo chí lưu truyền thì đa số đều có vẻ ‘chính trị hóa’ từ ngữ của tiếng Việt từ Ban Tuyên giáo Trung ương. Từ những nghị quyết hay văn bản mà Ban Tuyên giáo Trung ương đưa ra cho báo chí có phần nào ảnh hưởng và tuyên truyên lây lan đến suy nghĩ của người làm báo và họ bị sự khống chế vô hình làm cho họ không dám sáng tạo chữ nghĩa cho tiếng Việt, mà đi theo một lối mòn mà Đảng Cộng sản Việt Nam và Ban Tuyên giáo đưa ra. Vì vậy tôi cho rằng không có một khả năng nào để kêu gọi báo chí Việt Nam trong sáng tiếng Việt bởi bản thân họ không chịu rèn luyện, không chịu tư duy và nhất là không có sáng tạo thì làm sao mà tiếng Việt trong sáng được trong khi Ban Tuyên giáo vẫn đưa ra những từ ngữ hàng bảy mươi mấy năm nay?”

Mặc dù vậy, những nhân sĩ trí thức quan tâm đến tình trạng tiếng Việt hiện nay có đồng tư tưởng là phải cấp thiết bảo tồn chữ quốc ngữ, tiếng Việt trước khi quá muộn.
Trả lời câu hỏi của RFA rằng có những giải pháp nào để chấn chỉnh hay ngăn chặn tình trạng tiếng Việt ngày càng bị “hỗn loạn” hơn, Nhà báo Mạnh Kim nêu lên quan điểm của ông:
“Muốn chấn chỉnh lại thì trước truyền thông phải làm đầu tiên. Còn về giáo dục thì vấn đề lớn quá mà giáo dục hiện nay ở Việt Nam nhếch nhác như thế và những người cầm chịch trong ngành giáo dục lại không được như kỳ vọng của người dân thì làm sao mà sửa bây giờ? Tôi cho rằng cần phải có một ủy ban, một hội đồng riêng về tiếng Việt cũng giống như Viện Hàn lâm để bảo vệ, gìn giữ và phát triển ngôn ngữ như bên Pháp có một cơ quan như vậy. Đối với Việt Nam bây giờ điều đó thật sự là quan trọng. Việt Nam cần phải có một nơi như vậy, một tổ chức như vậy. Việt Nam có Viện Ngôn ngữ đó nhưng viện này đang làm gì thì mình không rõ. Trong khi tiếng Việt đang bị lộn xộn như vậy mà chưa hề thấy có một ý kiến của một vị nào đang làm việc trong Viện Ngôn ngữ hoặc ông Chủ tịch Viện Ngôn ngữ lên tiếng.”
Trong khi đó, Nhà ngôn ngữ học Hoàng Dũng cho rằng ông không quá bi quan khi ở Việt Nam vẫn có những hồi chuông cảnh báo về sự bảo tồn ngôn ngữ như các quốc gia khác trên thế giới. Tiến sĩ Hoàng Dũng nói rằng mặc dù chỉ mỗi ngành giáo dục không thể giải quyết được hoàn toàn vấn đề; nhưng là người làm việc trong lĩnh vực này, ông hy vọng ngành giáo dục ý thức được vấn đề của tiếng Việt hiện nay và tìm cách để thay đổi cho việc giảng dạy tiếng Việt có hiệu quả hơn dù việc làm đó chỉ là từ từ nhưng phải làm thì dần dần sẽ có kết quả.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, Chủ nhiệm Ban Cổ động Xây dựng không gian tôn vinh chữ quốc ngữ và tiếng Việt ở Thanh Chiêm, Quảng Nam cho biết hoài bão của những người tham gia Dự án “Không gian Tôn vinh Việt ngữ”:
Muốn chấn chỉnh lại thì trước truyền thông phải làm đầu tiên. Còn về giáo dục thì vấn đề lớn quá mà giáo dục hiện nay ở Việt Nam nhếch nhác như thế và những người cầm chịch trong ngành giáo dục lại không được như kỳ vọng của người dân thì làm sao mà sửa bây giờ? Tôi cho rằng cần phải có một ủy ban, một hội đồng riêng về tiếng Việt cũng giống như Viện Hàn lâm để bảo vệ, gìn giữ và phát triển ngôn ngữ như bên Pháp có một cơ quan như vậy
-Nhà báo Mạnh Kim
“‘Không gian Tôn vinh Việt ngữ’ sẽ là một không gian để người Việt tổ chức những sự kiện về văn hóa Việt, thí dụ những buổi ngâm thơ, hát chèo, hát cải lương, hát bội; những buổi thi câu đối, thi nói láy…Tất cả những sinh hoạt liên quan tới tiếng Việt. Rồi trong không gian đó sẽ có một thư viện đặt để những tài liệu liên quan đến tiếng Việt, nhất là chữ quốc ngữ để cho các bạn trẻ có thể tham khảo hay chuẩn bị luận văn ra trường…Chúng tôi sẽ liên lạc với những chỗ tàng trữ những sách vở để xin bản sao chuyển về từ những thư viện ở Pháp, ở Mỹ…mà có quan tâm tới chữ quốc ngữ, tiếng Việt. Chúng tôi mong mỏi được liên lạc với họ và có thể làm chỗ kết nối của họ tại Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ có một ban tu thư để theo dõi sự phát triển của tiếng Việt, để bảo tồn sự trong sáng của tiếng Việt…Chúng tôi mong mỏi tập hợp được một ban tu thư gồm những nhà văn tâm huyết, những nhà ngôn ngữ học lưu lâm về chuyện này để chúng tôi có thể lập ra một trang web nhằm để đưa ra những sáng kiến, những đề nghị, tu chỉnh những vấn đề nên có…”
Giáo sư Nguyễn Ngọc Yến, cựu giảng viên tiếng Việt tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, là người đã soạn thảo một bộ sách học tiếng Việt  theo phương pháp Nhóm âm cũng cho biết mong muốn của bà trong việc bảo tồn tiếng Việt:
“Tôi dự định làm một hội theo kiểu học viện (Academy), không phải đến mức đó nhưng là một hội nhỏ thôi. Tôi cũng muốn kêu gọi tất cả mọi người cùng tham gia để góp ý cái gì nên dùng và cái gì không nên dùng trong tiếng Việt, chứ còn cứ để như vậy hoài thì sẽ thành một bãi rác trong văn học của Việt Nam.”
Nhà báo Mặc Lâm chia sẻ ông ủng hộ những việc làm nhằm bảo tồn và phát triển tiếng Việt như của nhóm thực hiện Dự án “Không gian Tôn vinh Việt ngữ” mà Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng làm Chủ nhiệm Ban Cổ động hay như dự định của Giáo sư Nguyễn Ngọc Yến. Tuy nhiên, Nhà báo Mặc Lâm cho rằng với những nỗ lực của cộng đồng người Việt trong nước và hải ngoại sẽ là rất khiêm tốn khi so với một hệ thống quản lý và truyền thông quốc nội của Việt Nam, do đó bản thân ông vẫn lo ngại cho viễn cảnh ngôn ngữ của dân tộc Việt rồi sẽ đi về đâu.
Còn giáo sư Nguyễn Đăng Hưng tâm tình với RFA rằng dù ông có kỳ vọng lớn về những người Việt cùng nhau ngồi lại, vươn lên những dị biệt, thành kiến sau chiến tranh trong quá khứ để thực hiện chung với nhau vì mục đích bảo tồn chữ quốc ngữ tiếng Việt, và bảo tồn văn hóa, đất nước, tương lai dòng giống Việt; thế nhưng ở tuổi đời “gần đất xa trời” ông không biết có đủ thời gian để thực hiện một trong những ước nguyện sau cùng này hay không.
Tham khảo
 Bài 1:



No comments:

Post a Comment