Saturday, August 3, 2019

Cờ “Tổ Quốc” Cùng Ngư Dân Bám Biển!


Cờ “Tổ Quốc” Cùng Ngư Dân Bám Biển!
Trao cờ cho ngư dân 'bám biển' tác dụng đến đâu?

Biển Đông: Việc trao cờ cho ngư dân 'bám biển' tác dụng đến đâu?
Ben NgôBBC Tiếng Việt
·         7 giờ trước

Một luật sư nói việc trao cờ cho ngư dân bám biển ''cần nhưng trong tình hình hiện nay thì chưa đủ", trong khi một nhà báo nói việc làm này "vô tác dụng".
Trong bối cảnh căng thẳng tại bãi Tư Chính vẫn đang tiếp diễn, báo Người Lao Động cho hay hôm 29/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và tổng biên tập tờ báo này đã trao tặng 10.000 lá cờ theo chương trình "Một triệu lá cờ tổ quốc cùng ngư dân bám biển".
"Chương trình này có ý nghĩa tiếp sức, động viên tinh thần cho ngư dân ở 28 tỉnh, thành có biển; để ngư dân yên tâm ra khơi bám biển, cùng chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước. Đồng thời, chương trình còn có ý nghĩa tạo ra sự gắn bó, kết nối trong toàn xã hội nhằm chung tay bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc," báo Người Lao Động viết.
Trước đó, hôm 24/7, báo Tuổi Trẻ cho hay 50 tủ thuốc gia đình và 70 lá cờ đã được các chiến sĩ tình nguyện vượt sóng trao tận tay ngư dân trên đảo Thổ Chu, Kiên Giang.
Hồi đầu tháng 6/2019, 2.000 lá cờ cũng được trao cho ngư dân tỉnh Cà Mau với cùng mục tiêu "bám biển".
'Cần nhưng chưa đủ'
Hôm 31/7, Luật sư Hà Hải, người giúp ngư dân Kiên Giang làm thủ tục kiện cảnh sát biển Thái Lan hồi năm 2016 và các vụ kiện khác, nói với BBC:
"Theo tôi, việc trao cờ cho ngư dân bám biển là cần nhưng trong tình hình hiện nay thì chưa đủ."
"Ngư dân cần được cổ vũ để tiếp tục ra khơi, bám biển. Nhưng cái họ cần hơn là những con tàu là tài sản và tính mạng của họ phải được bảo vệ."
"Có thể thấy chưa bao giờ ngư dân được toàn thể xã hội quan tâm như hiện nay. Tàu cá của ngư dân hiện đã được chính phủ hỗ trợ rất tốt theo huớng hiện đại hoá, trang bị tốt thông tin liên lạc, có thể đánh bắt dài ngày, xa bờ. Việc này kết hợp với ngư dân với kinh nghiệm đi biển tốt, hiểu biết rõ về ngư truờng, ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo cao không thua kém ngư dân các nước trong khu vực nên họ đã, đang và sẽ là tai mắt, là lực luợng dân quân, là phên dậu trong tuyến đầu bảo vệ chủ quyền biển đảo."
Một thuyền trưởng bị bắt giam nói với chúng tôi là chủ tàu và ông ta đã từ chối đề nghị nhận tội, bỏ tiền chuộc tàu vì theo người này: Biết trị giá tàu gần 20 tỷ đồng nhưng nếu làm theo cách này thì chúng ta thừa nhận ngư trường truyền thống là vùng biển của họ và việc trả tiền chuộc sẽ tạo tiền lệ xấu. Do đó họ chấp nhận ngồi tù, chấp nhận nhìn tài sản của gia đình mình là con tàu bị đánh chìm.luật sư Hà Hải
"Thực tiễn hoạt động trợ giúp pháp lý cho ngư dân cho thấy cái cấp thiết ngư dân cần là cơ quan chấp pháp Việt Nam (cảnh sát biển, hải quân...) làm sao phải trợ giúp và can thiệp kịp thời khi ngư dân bị tàu chấp pháp nước ngoài xua đuổi hoặc bắt giữ ngay trên ngư trường truyền thống mà vùng biển này theo luật pháp quốc tế hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam."
"Những năm qua xảy ra việc tàu cá và ngư dân Việt Nam bị tàu chấp pháp nước ngoài đâm chìm, bị bắt giữ trái pháp luật, ngư dân Việt Nam bị buộc tội và bị xét xử oan sai, bị cầm tù trên đảo và gia đình họ phải mang tiền đi chuộc người; tàu thuyền và ngư cụ của họ thì bị tiêu hủy hoặc bị cưỡng đoạt."
"Các sứ quán Việt Nam tại những nước có ngư dân Việt Nam bị bắt giữ dù những năm qua có cố gắng nhưng chưa thật sự kịp thời, nên cần chủ động hơn trong việc nắm bắt thông tin, gặp gỡ ngư dân ngay khi họ bị bắt, trợ giúp ngư dân kịp thời và đấu tranh quyết liệt thì mới bảo vệ ngư dân và giúp họ yên tâm bám biển, tiếp tục là lực luợng quan trọng trong tuyến đầu bảo vệ chủ quyền biển đảo."
Luật sư Hà Hải cũng chia sẻ thêm:
"Những vụ tôi trợ giúp pháp lý cho ngư dân thì có thắng có thua. Tất cả chúng tôi đều làm hết sức mình. Khi trợ giúp pháp lý cho ngư dân, ngoài việc tập trung tài liệu chứng cứ, tiếp xúc trực tiếp với ngư dân, thuyết phục luật sư nuớc sở tại hợp tác, thường chúng tôi tranh thủ sự ủng hộ của công luận và đặc biệt là sự giúp đỡ, hỗ trợ từ phía sứ quán Việt Nam."
"Gần đây nhất, một nhóm ngư dân Kiên Giang bị tàu hải quân nước ngoài bắt trong ngư trường truyền thống, trong vùng biển của Việt Nam. Tàu cá và ngư cụ bị tiêu hủy. Ngư dân bị giam giữ và bị phạt tù, bị phạt tiền lên đến 300 triệu đồng. Toàn bộ ngư dân đều kêu oan. Luật sư đồng nghiệp người nước sở tại cùng làm việc với chúng tôi, qua nghiên cứu hồ sơ tài liệu và khi trình bày tại các phiên tòa cũng cho rằng ngư dân bị oan."
"Sau đó, họ được giảm một phần hình phạt tù và phạt tiền nhưng vẫn bị tuyên có tội, tàu cá của họ vẫn bị tiêu hủy."
"Có một thuyền trưởng bị bắt giam nói với chúng tôi là chủ tàu và ông ta đã từ chối đề nghị nhận tội, bỏ tiền chuộc tàu vì theo người này: Biết trị giá tàu gần 20 tỷ đồng nhưng nếu làm theo cách này thì chúng ta thừa nhận ngư trường truyền thống là vùng biển của họ và việc trả tiền chuộc sẽ tạo tiền lệ xấu. Do đó họ chấp nhận ngồi tù, chấp nhận nhìn tài sản của gia đình mình là con tàu bị đánh chìm."

'Vô tác dụng'
Cũng trong hôm 31/7, nhà báo tự do Cát Linh bình luận với BBC:
"Việc trao hơn 10.000 lá cờ cho ngư dân để bảo vệ biển đảo, chủ quyền quốc gia rất lãng phí và vô tác dụng."
"Cờ chỉ là một biểu tượng của quốc gia, nó không thể khẳng định chủ quyền, không thể giữ hay bảo vệ biển đảo."
"Chúng ta biết rằng gần đây xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc trên bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam chưa có dấu hiệu giảm bớt."
"Việt Nam cũng đã gửi công điện đến Trung Quốc để phản đối việc làm phi pháp của Trung Quốc."
"Trước đó, nhiều lần tàu cá của ngư dân cũng bị tàu Trung Quốc tấn công trên chính vùng biển Việt Nam."
"Đây là những vấn đề liên quan đến độc lập dân tộc, đến luật pháp quốc tế. Các vấn đề pháp lý phải được giải quyết trên cơ sở pháp lý."
"Hay là họ đang bất lực trước việc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia này? Tại sao chúng ta phải đến mức tặng 10.000 lá cờ cho ngư dân bám biển chỉ vì lý do bảo vệ chủ quyền?"
"Cái mà người dân cần là hành động rõ ràng với Trung Quốc, nước đang xảy ra xung đột với Việt Nam. Người dân đã ủy quyền cho chính phủ để giải quyết các vấn đề của quốc gia. Và họ có trách nhiệm làm việc đó dựa trên luật pháp quốc tế."
'Phối hợp chặt chẽ'
Năm 2017, trả lời BBC, bà Lê Thị Thu Hằng, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, nói: "Liên quan đến vấn đề ngư dân bị các nước, trong đó có Indonesia bắt giữ, qua nhiều kênh khác nhau, chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong nước và sở tại xác minh rõ những thông tin liên quan, có các biện pháp bảo hộ công dân phù hợp."
"Đồng thời, chúng tôi luôn đề nghị các nước khi xử lý ngư dân Việt Nam được xác định là vi phạm cần dựa trên tinh thần đối xử nhân đạo."
"Việt Nam không ủng hộ ngư dân xâm phạm vùng biển của quốc gia khác được xác lập phù hợp với Công ước Luật biển năm 1982. Việt Nam đề nghị các quốc gia khác phối hợp với Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề này".


No comments:

Post a Comment