Saturday, April 25, 2015

Thế hệ trẻ sau 75 và những nhìn nhận về lịch sử



Thế hệ trẻ sau 75 và những nhìn nhận về lịch sử
Cát Linh, phóng viên RFA
2015-04-23


Việc ít học sinh đăng ký thi môn Sử phản ánh việc dạy và học môn Sử có vấn đề và cũng có thể phản ánh sự e ngại của các em.Thí sinh Phạm Khánh Linh làm bài thi Lịch sử chiều 2/6 tại hội đồng thi trường THPT Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội)
http://www.rfa.org/rfa_resources/graphics/icon-zoom.pngPhoto Nhu Y/Tienphong

NGHE:

DOC:
Thế hệ trẻ Việt Nam lớn lên và trưởng thành sau chiến tranh, qua những năm tháng đèn sách trong trường phổ thông và cả đại học, họ được giáo dục thế nào về lịch sử? Và nay qua phương tiện Internet họ có thể tiếp cận những nguồn thông tin khác hẳn mà họ được học ở nhà trường cũng như các kênh tuyên truyền chính thống, họ có thắc mắc, đặt vấn đề và đi tìm câu giải đáp cho những nghi vấn của bản thân và bạn bè đồng trang lứa ra sao?
Từ những trang sách về lịch sử của cuộc chiến
Thế hệ những học sinh, sinh viên ở miền bắc cũng như tại miền nam sau năm 1975 luôn được nhà trường giáo dục niềm tự hào về đất nước Việt Nam qua những chiến thắng oanh liệt chống Pháp, đánh tan đế quốc Mỹ… dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Bác Hồ vĩ đại…
Họ, những người trẻ ấy đã mang niềm tự hào và tiếp nhận giá trị lịch sử từ nhà trường, qua các phương tiện tuyên truyền chính thống của nhà nước cho đến khi những phương tiện truyền thông hiện đại được phổ biến giúp họ cơ hội tiếp cận nhiều hơn, sâu hơn về những bài học lịch sử được nhồi nhét thuở còn thơ. Từ  đó, họ bắt đầu đặt câu hỏi và đi tìm câu trả lời…
Châu Quyên, một người trẻ nói về điều này:
“Tất cả những cái gì được nói trong sách giáo khoa, được tuyên truyền trước đây thì bây giờ người ta đều đặt câu hỏi là có thật hay không có thật.”
Niềm tin của những người trẻ này hoàn toàn không còn bị buộc chặt với những gì họ được truyền nhận qua sách vở ở nhà trường. Bên cạnh họ còn có những thế hệ lớn hơn, những người đã trải qua  gần trọn vẹn hai cuộc chiến kể cho họ biết về những gì đã xảy ra. Thêm vào đó, với thực tế những gì đang diễn ra trong xã hội họ đang sống, niềm tin của họ bắt đầu lung lay, họ phải đặt câu hỏi và đi tìm.
Sách giáo khoa sau thời điểm chiến tranh dạy như thế thì trẻ con hiểu như thế thôi. Sau 1975 đến giờ thì những đứa trẻ đó đã trưởng thành rồi. Họ bắt đầu so sánh, đặt câu hỏi và đi tìm tòi, thì bây giờ người ta có những câu trả lời cho chính câu hỏi của mình
Trên trang tài khoản facebook cá nhân của một người tên là Bạch Cúc có ghi: “Rồi lịch sử trong những trang sách giáo khoa đã nuôi dưỡng trong tôi sự thù hận, tôi hận bọn Mỹ, bọn Ngụy ghê ghớm. Tuổi thơ đầy ắp những dấu hỏi sao bọn Mỹ, bọn Ngụy lại ác đến thế?
Khi phải đọc và thuộc lòng những đoạn mô tả hình phạt tra tấn khủng khiếp bọn Mỹ Ngụy dành cho các chiến sĩ cách mạng là hầu như tôi đều sợ đến mức nổi da gà, rùng mình và ám ảnh mãi với những hình ảnh khủng khiếp…Chúng khiến cho tâm hồn tôi, tuổi thơ tôi nhuốm đầy máu bạo lực, sự sợ hãi và cả sự hận thù sâu sắc…”
Những lời ghi nhận của tác giả Bạch Cúc vô tình làm gợi lên câu chuyện về bức ảnh tướng Nguyễn Ngọc Loan chĩa súng vào đầu một tù nhân Việt Cộng trên đường phố Sài Gòn năm 1968, một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất về chiến tranh Việt Nam.
Có lẽ không một ai, dù là thế hệ trước hay sau chiến tranh mà không biết đến tấm ảnh nổi tiếng này, trên sách giáo khoa hoặc truyền thông chính thống trong nước.
Nhưng không phải ai cũng được biết rằng 30 năm sau, trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Times năm 1998, nhiếp ảnh gia chiến trường Eddie Adwards, tác giả của bức ảnh lịch sử ấy phải thốt lên rằng “Tôi đã giết chết vị tướng ấy bằng cái máy ảnh của mình.” và ông khẳng định: “Ảnh chụp là vũ khí quyền lực nhất trên thế giới.”
Báo VNExpress đăng bài - Lịch sử không phải để thù hận.

Là người thuộc thế hệ chuyển giao giữa hai chế độ, Châu Quyên, với một tuổi thơ gắn liền sông nước của miền Tây Nam bộ cũng tự nhận mình đã đọc và tìm hiểu rất nhiều ngoài những gì được học trong nhà trường, nhất là lịch sử:
“Sách giáo khoa sau thời điểm chiến tranh dạy như thế thì trẻ con hiểu như thế thôi. Sau 1975 đến giờ thì những đứa trẻ đó đã trưởng thành rồi. Họ bắt đầu so sánh, đặt câu hỏi và đi tìm tòi, thì bây giờ người ta có những câu trả lời cho chính câu hỏi của mình.”
Với một xa lộ thông tin truyền thông hiện đại như hiện nay, không quá khó để tìm thấy sự bày tỏ thương tiếc về một xã hội mà 40 năm trước, trong những trang sách giáo khoa gọi là ‘nguỵ quân nguỵ quyền, độc ác, đánh chiếm một nửa đất nước Việt Nam’ có nhiều điều phải xem lại.
Cô Châu Quyên tiếp lời:
“Không phải người ta thương nhớ không thôi mà người ta luyến tiếc thời đó. Thời điểm đó người ta tôn trọng tính nhân bản rất nhiều. Đến thời điểm này sau 40 năm, xã hội Việt Nam nhiễu nhương quá nên người ta bắt đầu đặt những câu hỏi ngược lại về lịch sử. chứ cách đây 10 năm chắc không có ai đặt câu hỏi đó làm gì.”
Chị Thư Nguyễn, người sinh ra và lớn lên giữa núi rừng Gia Lai bạc ngàn sau năm 1975 có nhận định tuy khá nhẹ nhàng, nhưng tựu trung vẫn là những câu tự hỏi lòng:
Liệu có anh hùng Núp không? Có Phan Đình Giót lấp lỗ châu mai không? Có Lê Văn Tám tự thiêu không? Tôi suy nghĩ lại phải chăng đó chỉ là những hình nộm hoặc những hình ảnh quá cao siêu được xây dựng nên?
“Tôi may mắn được sống và lớn lên trong thời bình, nghĩa là trong cảnh quê nhà không có bơm rơi đạn nổ. Thật sự nói về lịch sử cuộc chiến 1975 thì anh hùng hay kẻ thù của hai bên chiến tuyến chỉ được biết đến thông qua sách giáo khoa từ văn thơ, lịch sử hoặc xem báo đài, tivi. Nhưng điều đó chỉ dừng lại ở sự tiếp nhận. Bên cạnh đó, mình được sự chia sẻ, dạy dỗ, minh chứng từ những người thương yêu xung quanh, những người mà mình rất tin tưởng. Do đó, với tôi, chiến tranh đổ máu mới độc ác. Còn lại chỉ là cuộc chiến giữa hai chế độ.”
Cho đến những anh hùng và và sự kiện
Không thể phủ nhận hoặc không tự hào về hình ảnh Hoài văn hầu Trần Quốc Toản với lá cờ thêu sáu chữ vàng “Diệt cường địch, báo hoàng ân” đã tức giận bóp nát quả cam vì không được vào tham dự bàn việc nước. hình ảnh đó thấm sâu vào tâm trí của chúng ta từ thuở nhỏ và chưa bao giờ chúng ta có nghi vấn để mày mò đi tìm sự thật.
Phòng thi môn sử chỉ có hai thí sinh tại HĐT trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai Q3, TP.HCM chiều 2-6 (Ảnh: Như Hùng/TT)
Vẫn là lịch sử, nhưng, hình ảnh của anh hùng Núp, của Nguyễn Văn Trỗi, Lê Văn Tám ngày nay đang trở thành những câu hỏi lớn cho thế hệ trẻ.
“Càng nhìn nhận lại anh hùng hay kẻ thù thì tôi nhìn nhận ra là liệu có anh hùng Núp không? Có Phan Đình Giót lấp lỗ châu mai không? Có Lê Văn Tám tự thiêu không? Tôi suy nghĩ lại phải chăng đó chỉ là những hình nộm hoặc những hình ảnh quá cao siêu được xây dựng nên?”
Và họ khẳng định, sau khi trải qua những buổi học thuộc lòng trong quãng thời gian cắp sách đến trường:
“Đúng đó là những hình nộm. Hình nộm được dựng lên để có mục đích trong việc tuyên truyền cho đấu tranh giải phóng miền Nam, cách nói theo phía bên kia người ta bảo như thế.”
Không phải người trẻ chỉ đi tìm sự thật về những người anh hùng mà họ được dạy phải học thuộc lòng, bây giờ họ đi tìm cả sự thật về những những sự kiện tiêu biểu trong từng giai đoạn lịch sử.
“Thời gian thực hiện cải cách ruộng đất rơi vào thập niên 50, 60. Lứa tuổi của tôi không chứng kiến được. Sau này học lịch sử của nhà trường cũng không đề cập vấn đề này. Nhưng có một sự bắc cầu ở đây là chúng ta đặt quá nhiều câu hỏi vì có quá nhiều bất cập so với sách vở và thực tế. người ta bắt đầu tìm thông tin trên mạng.….Phong trào đó được chỉ đạo và người ta phải làm theo.”
Vậy, thời điểm này họ đã có câu trả lời cho mình chưa?
Cũng từ tài khoản facebook của người tên là Bạch Cúc có ghi: “Tôi đã bị bịt mắt quá lâu trong một đường hầm đen tối để rồi tôi hoang mang, hụt hẫng, đau đớn khi phải lần mò từng bước, lần mò tìm lại từng chút ánh sáng của sự thật để trở thành như ngày nay, tôi thật sự tiếc vì đã mất quá nhiều thời gian…”
Với Châu Quyên thì cô cũng cho rằng nhiều người ở thế hệ trẻ hiện nay cũng đã có câu trả lời cho những thắc mắc của họ.
“Đúng, tại thời điểm này ai cũng có câu trả lời cả. Có điều nó nằm trong suy nghĩ của mỗi người,chưa chuyển thành hành động mà thôi. Giới trẻ thế hệ 9X, 8X cũng đặt câu hỏi mà, chứ không nói cái thời 7X hay thời chuyển giao giữa hai chế độ.”
Sự thật mà bị che dấu dưới bất kỳ hình thức nào đi nữa thì cũng không tốt, bởi vì sự thật được phơi bày quá muộn thì sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ
Khi mà: “Trăm năm bia đá cũng mòn. Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ” thì sự thật của lịch sử đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nhất là những trang sử đó là những sách giáo khoa góp phần xây dựng một ý thức hệ cho tương lai của một dân tộc. Thế nhưng, chính những người đã được tiếp nhận ý thức hệ đó đang phải đi tìm minh chứng sửa lại những gì họ được học.
Và, với nguồn tài liệu không giới hạn của truyền thông internet, thế hệ trẻ ngày nay có nhiều cơ hội để đi tìm câu trả lời cho những thắc mắc xuất phát từ thực tế của xã hội xung quanh.
Phần lớn họ là những người sinh ra khi cuộc chiến vừa kết thúc. Như nhận định sau đây của một thanh niên sinh ra ở Hà Nội nhưng lớn lên và có cuộc sống ở miền Nam Việt Nam:
“Thật ra giới trẻ bây giờ không quan tâm. Nhưng bắt đầu tầm khoảng từ ba mươi mấy trở lên bắt đầu tìm đọc xem cái gì thật sự đang diễn ra trên nước mình trước đây. Mình bỏ qua bước đánh giá lịch sử là đúng hay sai, họ làm đúng hay sai, mà trước mắt hãy đọc để biết xem cái gì đã diễn ra.”
Qua những gì diễn ra trong xã hội đang sống, và phương tiện truyền thông hiện đại, họ tìm đến dòng lịch sử và thừa nhận giá trị của lịch sự bằng chính tư duy của mình.
“Có những người tìm đọc lại từ thời chính phủ Trần Trọng Kim trước năm 45 trước đây gọi là chính phủ bù nhìn. Bây giờ người ta đọc lại thì thấy rằng với thời điểm đó, những người đó phải hoà hoãn với chính phủ nhật để giữ hoà bình cho Việt Nam, mà sau này bị kết luận là chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim đi theo người Nhật. bây giờ mình đọc lại tất cả và mình nhận xét cái nào thật cái nào không.”
Lịch sử của một dân tộc là niềm tự hào của dân tộc ấy. Con người và sự kiện đã diễn ra trong lịch sử sẽ là nguồn gốc cơ bản cho văn hoá và tư tưởng của những thế hệ kế thừa về sau. Chính vì vậy, họ có quyền tự hào và có quyền đòi hỏi sự thật. Xin mượn lời của Châu Quyên thay cho lời kết thúc về nhìn nhận của những thế hệ trẻ sau năm 75 về lịch sử Việt Nam:
“Sự thật mà bị che dấu dưới bất kỳ hình thức nào đi nữa thì cũng không tốt. Còn sự lừa dối hay không lừa dối thì không đánh giá ở đây. Tôi chỉ muốn nói khía cạnh nếu sự thật mà bị che dấu quá lâu thì sẽ không tốt bởi vì sự thật được phơi bày quá muộn thì sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ sẽ bị mập mờ về những giá trị đó, không biết cái nào là đúng cái nào là sai.”

Tình sử của Hoàng Thi Thơ và Lam Phương



Tình sử của Hoàng Thi Thơ và Lam Phương
Đăng bởi truongvan - February 27, 2013 
Chuyên mục
Bài viết, Khảo cứu âm nhạc

Trong đời sống âm nhạc trước 1975, có nhiều mối tình nghệ sĩ mà câu chuyện của nó cũng ly kỳ và ngang trái không khác gì nội dung các bài hát thời đó, trong đó phải kể đến mối quan hệ giữa Hoàng Thi Thơ và Lam Phương và nữ ca sĩ Thúy Nga.
Nói về tài năng thì chưa có ai đặt Lam Phương và Hoàng Thi Thơ lên bàn cân để đo đếm, nhưng nói về sự đào hoa thì Hoàng Thi Thơ có thể chấp Lam Phương cả 2 tay. Trong khi rất thành công về mặt thương mại với nhiều bài hát được nhiều thế hệ khán giả yêu thích thì nhạc sĩ Lam Phương lại luôn được xem là nhạc sĩ bất hạnh nhất trong tình yêu. Cho đến cuối đời Lam Phương vẫn sống trong cô đơn và “sớm mai thức giấc nhìn quanh một mình” cho dù nét nhạc của ông thuộc loại tài hoa bậc nhất. Những sáng tác của Lam Phương đa số có đề tài về tình yêu tan vỡ, cả khi ở trong nước lẫn ra hải ngoại. Đó là các bài Cỏ Úa (Bão tố triền miên ngày em về nhà đó, buồn hắt buồn hiu ngõ đêm sầu cô liêu), Tình Nghĩa Đôi Ta Chỉ Thế Thôi (Thôi là hết, chia ly từ đây, người phương trời kẻ sống bơ vơ), Biết Đến Bao Giờ (Đời là vạn ngày sầu biết tìm nơi chốn nào, ta quen nhau bao lâu nhưng tình đã có gì đâu), Như Giấc Chiêm Bao (Em ơi còn những gì, ngoài một đời chia ly)… Cũng có 1 thời gian ông tràn trề hạnh phúc khi cưới vợ lần 1 với nữ ca sĩ, kịch sĩ Túy Hồng và cho ra đời nhiều bài lạc quan tin yêu như Ngày Hạnh Phúc, Em Là Tất Cả, hoặc lần cưới người vợ thứ 2 ở hải ngoại để cho ra đời các tác phẩm Bài Tango Cho Em, Tình Đẹp Như Mơ, Mùa Thu Yêu Đương… Tuy nhiên rốt cuộc cả 2 mối tình đều tan vỡ, âm nhạc của ông lại nhuộm 1 màu đau thương như trong Một Đời Tan Vỡ (Tình một đời tình mang lừa dối. Còn tình một đêm sóng vỗ ra đi), hoặc Lầm (Anh đã lầm đưa em sang đây)Một Mình (Sớm mai thức giấc nhìn quanh một mình).
Trong các mối tình không thành của Lam Phương, có tình yêu đơn phương dành cho nữ ca sĩ tài sắc Thúy Nga (không phải Thúy Nga Paris). Tới năm 1955, khi mới 17 tuổi, Lam Phương đã trở nên nổi tiếng với loạt bài ăn khách là Kiếp Nghèo, Chuyến Đò Vĩ Tuyến, Trăng Thanh Bình. Còn Thúy Nga lúc đó đã 18 tuổi với chất giọng Alto đã chinh phục được hầu hết Saigon khi đó, và được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đem lòng yêu mến, ông đã trở thành 1 người thầy, người anh dẫn dắt trong con đường âm nhạc và cũng là người tình đầu tiên của Thúy Nga. Đến năm 1957, khi Thúy Nga chính thức là vợ Hoàng Thi Thơ, Lam Phương khi ấy đang hành quân ở vùng thôn vắng nghe được tin đã vô cùng đau đớn và viết bài hát cuối cùng tặng người trong mộng:
Một chiều hành quân qua thôn xưa lúc nắng xuân chưa nhạt màu,
Chạnh lòng tìm người em gái cũ: Em tôi đã đi phương nào?
Nghẹn ngào nhìn qua hàng tre xanh ngắm bóng chim đua trên cành,
Giờ tìm đâu hình bóng cũ: Em ơi em về đâu?
(Chiều Hành Quân)
Để đáp lễ, Hoàng Thi Thơ đã viết bài:
Ai cấm được tình yêu
Ai ép lòng cô liêu
Khi lòng còn say nước non tình tứ

Tha thiết tình người ơi
Ao ước tình tình vơi
Mong tình còn mãi
Đến hơi tàn cuối
Tha thiết tình người ơi
Ao ước tình tình vơi
Mong tình còn mãi thiết tha trong đời.
(Yêu Mãi Còn Yêu)

Vợ chồng Hoàng Thi Thơ – Thúy Nga năm 1969 (sau khi cưới 12 năm)
Trong khi Lam Phương đau khổ vì người yêu đi lấy chồng, thì ở bên kia chiến tuyến tại Hà Nội, khi nghe lén trên Đài phát thanh Sài Gòn về thông tin nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ cưới ca sĩ Thuý Nga thì ca sĩ nhạc đỏ Tân Nhân đã xỉu lên, xỉu xuống và bỏ ăn mấy ngày vì đau khổ.
Tân Nhân và Hoàng Thi Thơ có cùng quê ở Quảng Trị, học cùng trường, sau này cùng đi theo kháng chiến. Tân Nhân theo kháng chiến từ lúc mới 16 tuổi, theo đoàn văn công Bình Trị Thiên. Năm 1949 trong 1 lần bị Pháp càn, đơn vị tan tác, các thành viên đoàn chạy vào rừng sâu thoát và mất liên lạc… Tin đồn về trận càn Phong Lai dù được cải chính của Việt Minh nhưng vẫn lan truyền về đất Nghệ Tĩnh. Tin Tân Nhân bị giết làm bàng hoàng thầy trò ngôi trường nổi tiếng một thời bà theo học. Trường Huỳnh Thúc Kháng đã làm lễ tưởng niệm cô học trò Tân Nhân. Người bạn học cùng quê trước đó là Hoàng Thi Thơ – lúc này đang công tác ở Nghệ An – nghe tin như tan nát cả cõi lòng. Anh đã thể hiện nỗi nhớ thương Tân Nhân bằng bài hát Xuân chết trong lòng tôi:
Xuân ơi Xuân
Chim xa đàn
Xuân ơi Xuân
Ngờ đâu Xuân chết trong lòng tôi
Trong tiếng đàn…
Ôi chim xa cành
Bướm lìa hoa
Trùng phùng xa lắm…
Khi trở về và nghe được bài hát này, Tân Nhân đã rất xúc động.
Nỗi thương nhớ dành cho người (ngỡ) đã chết của Hoàng Thi Thơ đã làm động lòng cô nữ sinh. Bà lại lên đường ra Nghệ An và gặp lại Hoàng Thi Thơ lúc đó cũng đang tìm bà, rồi bắt đầu một tình sử đẫm nước mắt.
Hoàng Thi Thơ một lần về công tác và thăm quê nhà đã bị Pháp bắt  giam 1 thời gian và ở lại luôn miền Nam sau hiệp định Geneve 1954 chia cắt đất nước. Chàng đã bỏ lại Tân Nhân với đứa con trong bụng và vào Sài thành. Tân Nhân ôm hận, nén nhớ thương về lại Bắc, tự nguyện dấn thân cho kháng chiến và trở thành 1 ca sĩ huyền thoại của nhạc đỏ với bài Xa Khơi của Nguyễn Tài Tuệ. Bài hát nói về nỗi nhớ thương của người con gái đất Bắc đối với người trai nơi miền Nam. Bài hát hợp cả với chất giọng lẫn hoàn cảnh nên Tân Nhân trình bày đạt cảm xúc cao độ:
Nắng tỏa chiều nay
Thuyền về mái động chiều nay
Nhìn phương Nam con nước vơi đầy thương nhớ
Nhớ thương anh ơi
(Xa Khơi)
Đứa con kết quả của mối tình lãng mạn ấy sống cùng mẹ trên đất Bắc với hai nỗi đau riêng là không được biết mặt cha và chịu một lý lịch có cha là nhạc sĩ dưới chế độ Sài Gòn… Đứa con lúc đầu lấy họ mẹ, mang tên Trương Nguyên Việt, sau đó lấy tên khác là Lê Khánh Hoài với họ của người cha kế. Ngoài ra còn có bút danh Triệu Phong (là quê quán của Hoàng Thi Thơ) khi viết báo.

Nói thêm về Hoàng Thi Thơ, cả 2 lần đất nước biến động, ông đều di cư không chủ đích. Lần đầu năm 1954 khi ông được phân công công tác ở quê nhà rồi bị Pháp bắt và kẹt lại luôn khi đất nước chia đôi. Lần 2 năm 1975 thì khi đó ông đang cùng đoàn nghệ sĩ Việt Nam lưu diễn ở Nhật vào tháng 4. Sau đó thì đoàn tụ lại với vợ con tại Hoa Kỳ. Cuộc đời Hoàng Thi Thơ dù trải qua nhiều biến cố nhưng ông vẫn được toại nguyện của mình khi “tình còn mãi đến hơi tàn cuối” năm 2001. Còn Lam Phương đến gần cuối đời vẫn đang còn ôm nhiều mối tình tan vỡ trong cô độc.
Trương Văn

Friday, April 24, 2015

Hễ chút là bị bỏ tù, tội dân lắm các vị ơi!



Hễ chút là bị bỏ tù, tội dân lắm các vị ơi!
20.04.2015
Cả tuần qua, dư luận lại một phen chao đảo khi 8 người ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) bị tuyên án tù vì chặt 12 cây tràm. Thật ra nếu so sánh một cách khách quan, việc chặt cây dẫn đến tù tội là chuyện không hiếm ngay ở các nước có nền kinh tế phát triển, đặt “thành phố sinh thái” làm trung tâm như Nhật Bản, Singapore hay châu Âu. Nhưng nếu bạn thử đào sâu hơn vào nội dung vụ án, thì chuyện chặt 12 cây phải đi tù vừa xảy ra tại Đồng Nai vừa qua không khỏi khiến người ta “cười…ra nước mắt”.

Quan tòa cố đấm ăn xôi?

Không còn cụm từ nào có thể thích hợp hơn “cố đấm ăn xôi” để mô tả những vị “cầm cân nảy mực” trong vụ án 12 cây tràm này. Phải thừa nhận rằng, cả tám người dân bị cáo trong vụ án đã nhận chuyển nhượng (trái phép) đất lâm nghiệp của Nhà nước. Tuy nhiên theo thông tin điều tra, thái độ của bị cáo và phản ánh từ báo chí, lẽ ra những bậc “quan tòa ăn trên ngồi trước” phải thấy rằng chính tám người này cũng không biết bản thân họ phạm luật. Đây là một trong những tình tiết rất đáng được xem xét, thông cảm, nhất là khi các cơ quan ban ngành giáo dục pháp luật hiện vẫn “bất lực” trước thực trạng phổ cập, tư vấn luật cho dân.

Đó là chưa kể, việc khắc phục hậu quả của tám bị cáo, theo luật quy định là hoàn toàn tương xứng với những gì mà họ đã vô tình gây ra (do thiếu hiểu biết). Trung tâm đã thu hồi 12 cây tràm này, bán và lấy lại đúng số tiền hơn 10 triệu đồng thiệt hại mà cơ quan tố tụng đã quy kết. Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa cho biết không còn thiệt hại nữa. Những thiệt hại đã được các bị cáo bồi thường một cách “sòng phẳng” ấy không nghiêm trọng như số tiền trăm tỉ, nghìn tỉ đồng trong các vụ bê bối tham nhũng, lót tay, lại quả mà “quan chức Việt Nam” – theo báo chí Hàn Quốc, Nhật Bản, Ngân Hàng Thế Giới – đã bị cáo buộc trong các vụ đấu thầu dự án ODA hay các dự án đầu tư các công trình khủng tại Việt Nam. Ấy mà 8 bị cáo liên hệ vẫn bị xử tù. Không biết để răn đe, hay hạch sách?

Nhưng điều khiến cho người ta xót xa nhất chính là việc Hội đồng Xét xử Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Nai vẫn tuyên y án sơ thẩm phạt tù tám bị cáo, trong đó năm người bị tù giam và ba người bị tù treo, bất chấp đại diện Viện kiểm Sát nhân dân tỉnh Đồng Nai khẳng định không xác định được hành vi phạm tội của các bị cáo nên đề nghị tòa hủy án để yêu cầu điều tra lại. Tòa ơi là tòa! Sao lại có chuyện các ngài vẫn “cố đấm ăn xôi” để xử tù bằng được bà già tóc bạc, lũ trẻ tóc xanh thấp cổ bé họng dù đơn vị điều tra – viện kiểm sát – đã rút quyết định truy tố?
Nếu ở nước ngoài thì có lẽ hiện giờ các ngài “vua tòa” Đồng Nai đã phải nộp đơn nghỉ việc, thậm chí là đang bị “tạm giam” để điều tra xem động cơ các ngài ép dân là gì, bởi bên công tố (viện kiểm sát) đã phán “không đủ căn cứ thành tội”. Làm như các ngài khác nào kiểu “phong kiến”, trong đó tòa án như vua, “vua xử thần tử thần bất tử bất trung”. Mà đã bất trung thì phải “trảm”. Đường nào thì tám phận đời cơ cực kia, có cố sức chịu khó thì sau cùng cũng vì các “vua tòa” mà chịu khổ.

Luật nặng cho dân, luật nhẹ cho quan?

Vụ án 8 người chịu tù tội vì chặt 12 cây tràm khiến tôi thắc mắc về vụ hàng trăm cây – gấp mấy trăm lần 12 cây tràm – bị đốn hạ. Lần trước khi đi taxi ở Hà Nội, anh tài xế bức xúc “Bọn nó dọn sạch hàng trăm cây trên đường Nguyễn Chí Thanh, vốn xanh mướt một màu, trong vòng một buổi sáng. Rồi chúng nó trồng vội trồng vàng hai hàng cây bé xíu, trơ trụi mà chúng nó bảo là cây Vàng Tâm – trong khi con nít cũng biết là cây Mỡ. Chúng nó ăn uống nhiều đến nỗi chẳng phân biệt được đâu là Mỡ, đâu là Vàng Tâm. Phá hết rồi, còn vài chỗ nữa cũng bị chặt. Chán! Ngán! Nhưng chẳng làm gì được”.

“Những chỗ khác” mà anh chàng taxi đề cập chính là đường Nguyễn Trãi 500 cây, các phố Giải Phóng, Lý Thường Kiệt, Phan Đình Phùng… đều có gốc cây bị chặt. Ước tính khoảng 2000 cây – theo Đại tá Nguyễn Như Phong đã nêu trên báo PetroTimes. Tôi lẩm bẩm tính nhẩm rồi nhân lên theo như cái cách  mà đứa cháu học lớp 4 nhà tôi chỉ - nếu dùng phép tỉ lệ thuận – thì chặt 2000 cây như các quan chức Hà Nội đã chặt, thì có lẽ không chỉ họ mà cả “tam tộc” của các vị ấy có ra ngồi tù thế chắc cũng mất… cả đời.

Vụ đi tù vì 12 cây tràm còn khiến tôi lại nhớ đến một vụ án mà dân bị phạt nặng “quá mức bình thường” liên quan đến tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai. Cuối tháng 3/2015, bị cáo Trần Đình Mỹ Lân (ngụ huyện Định Quán), Trần Đình Lập (em trai Lân) và Nguyễn Quốc Hoàng (lái xe cho Lân) bị tòa án Đồng Nai tuyên phạt mỗi người sáu tháng tù về tội làm nhục một vị “cán bộ thuế”. Vốn mâu thuẫn trong việc cưỡng chế nợ thuế, Trần Đình Mỹ Lân có va chạm và tạt ly bia vào người vị cán bộ “quyết dùng luật làm cho ra chuyện”. Dù giới luật sư, chuyên gia lẫn báo chí cho rằng không đáng xử tội hình sự, nhưng “vua tòa” Đồng Nai vẫn quyết “để dân đi tù” vì dám đụng “danh dự” của “quan thuế”, dù “danh dự” ấy không được quan tòa định nghĩa một cách thuyết phục.

Chợt nghĩ, nếu quan tòa Hà Nội không xử đến nơi đến chốn vụ 2000 cây xanh bị chặt, phải chăng Nhà nước nên cử quan tòa Đồng Nai ra phân xử. Nếu quan tòa Đồng Nai vẫn cứng rắn xử quan chức Hà Nội theo kiểu 12 cây tràm, thì quả thật dân chúng sẽ được nhờ. Nhưng tin tôi đi, giả thuyết này chỉ để bạn cười và trút bớt đi sự ức chế mà thôi, và sẽ chẳng có một phiên tòa “nghiêm khắc” (nhưng vô lý) nào tương tự vụ “12 cây tràm” diễn ra tại Hà Nội để xử lí các quan “cây tặc”. Ngay cả “tòa phúc thẩm” còn ra sức bảo vệ “tòa sơ thẩm” như vụ 12 cây tràm để giúp “tòa dưới” né kiểm điểm, giải trình, hủy án… thì nói chi đến chuyện xử “tru di tam tộc” những quan chức như mình. Với các quan, họ có luật riêng của họ, và có lẽ nó sẽ dễ thở hơn rất nhiều. Thế nên có người mới bảo “luật nhẹ cho quan” rất nhiều, và “luật nặng cho dân” thì không thiếu.
Bao giờ mới hết thấp cổ bé họng?

Chẳng biết từ khi nào, “thấp cổ bé họng” lại thành giai thoại trong nhiều vụ án mà nhiều quan chức luôn đóng vai phản diện, còn dân thì trong thế yếu mềm. Người ta vẫn tin rằng cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu rất có tầm nhìn khi nói về một Việt Nam giàu mạnh trong khu vực; nhiều chuyên gia cũng có cơ sở để tin vào các chỉ số hạnh phúc cao ngất mà Tổ chức Phi quốc gia đo được ở Việt Nam; càng tự hào về không ít người Việt hôm nay có tâm và có tầm không chỉ trong nước mà còn trên diễn đàn thế giới. Nhưng tình trạng “thấp cổ bé họng” dường như vẫn cứ tồn tại và phát triển song song. Nếu nhìn lại, họ đều là những người thiếu tiền, thiếu địa vị, thiếu thân thế.

Nhưng thế giới chưa bao giờ từ chối hay phủ nhận quyền người nghèo khó được bảo vệ trước pháp luật. Các vị cứ mãi chèn ép những kẻ yếu kém, rồi gán cho họ những cái tội vô hữu vô thực để rồi gia đình họ nát tan, còn các vị được tiếng “nghiêm minh” và ngẩng cao đầu nhận bằng khen của chính phủ - vốn cũng được in từ tiền mồ hôi nước mắt của người dân. Dẫu biết đôi lúc cái nghèo sinh ra cái thiếu hiểu biết, như vụ 12 cây tràm bị chặt. Nhưng xin các vị hãy công bằng với dân, để họ không phải “hở tí là tù tội”, còn các vị thì rung đùi nâng ly chúc mừng vì: “Hôm nay tao vừa hạ hàng ngàn cây đại thụ, còn mày vừa cho lũ dân nghèo lại dám chặt 12 cây tràm vào tù”. Làm vậy tội dân lắm, các vị ơi!
Nguon: http://www.voatiengviet.com/content/he-chut-la-bi-bo-tu-toi-dan-lam-cac-vi-oi/2726835.html



Sinh trưởng ở Việt Nam và học tập tại Hoa Kỳ. Là một đại diện cho thế hệ sinh ra và lớn lên sau bước ngoặt lịch sử 1975. Luôn theo dõi sao sát những diễn biến xảy ra trong nước và nêu lên cảm nghĩ của một thế hệ hậu bối thông qua blog dưới một lăng kính trong vắt và đa chiều.