Sunday, April 19, 2015

Bội Ước-Nguyễn Thiên Ân






BỘI ƯỚC
                                                                   Nguyễn Thiên Ân (April 14th 2015)
Tháng tư hàng năm vẫn là thời gian nhắc nhở cho đa số người Việt tị nạn CS những kỷ niệm đau buồn và cuộc sống cực kỳ cùng khổ dưới chế độ CS. Đây cũng là dịp để nhiều người ôn lại thời gian 55 ngày kể từ đầu tháng 3/1975 với đầy những biến động trên cả mặt trận quân sự lẫn trong các hoạt động chính trị đưa tới sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ Cộng  Hòa ở Miền Nam Việt Nam. Mặt quân sự với những trận đánh bất cân xứng mà chung cuộc đều đưa tới thất bại của QLVNCH là điều đã được nói tới mãi bởi các giới chức quân sự có thẩm quyền. Dĩ nhiên cũng không cần phải biện minh cho lý do đưa tới thua thiệt bởi vì mọi người đều nhận rõ một lực lượng quân sự không được yểm trợ và tiếp vận đầy đủ quân trang, quân dụng -- thậm chí là lương thực -- thì không thể chiến thắng cho dù can trường và tinh nhuệ đến đâu chăng nữa. Huống hồ là sự can trường và tinh nhuệ đó đã phải được vận dụng bằng một tinh thần chiến đấu mà hiển nhiên là đã xuống thấp khi chính phủ VNCH coi như đã hoàn toàn thất bại về mặt chính trị. Cần xác nhận một sự thật là các chiến sĩ của QLVNCH vào giai đoạn đó đã chiến đấu và hi sinh đến mức không ai có thể  --  và nên --  đòi hỏi gì ở họ nữa bởi vì họ đã chiến đấu trong khi thừa biết cái giá cuối cùng mà họ phải trả là sinh mạng của chính họ. Và trong tình trạng đó, thử hỏi còn ai có thể làm gì hơn?
Sự kiện phe CS xâm lược được cả đế quốc CS yểm trợ tối đa trong cuộc chiến tranh VN là chuyện không cần phải bàn thêm. Và rồi đối đầu với làn sóng đỏ cuồn cuộn đổ xuống từ mạn bắc, qua vĩ tuyến 17 lẫn từ phía tây qua dãy Trường Sơn, thì QLVNCH cứ liên tục mất mát chiến cụ bởi quân dụng hư hỏng không được thay thế, bởi đạn được liên tục bị giới hạn trước khi bị cắt đứt và bởi viện trợ nhỏ giọt trước khi bị chấm dứt. Tình trạng đó cuối cùng đã đưa một số người  --  gồm từ các chính trị gia, các cấp chỉ huy quân sự lẫn các nhà phân tích thời cuộc được cho là thông thạo  --  đến chỗ đổ hoàn toàn trách nhiệm đánh mất miền Nam VN cho nước Mỹ và chính phủ Mỹ. Nhứt là cho TT Nixon và Ngoại Trưởng của ông là Henry  Kissinger. Nhiều người đã dùng những thậm từ để mô tả hai ông nầy mà gần như hoàn toàn không đếm xỉa gì đến những áp lực và những hạn chế quyền bính đến độ TT Mỹ dạo đó gần như bị loại ra khỏi hệ thống điều hành của quốc gia mà lúc đó ông vẫn là nguyên thủ. Nỗi tuyệt vọng không chỉ được cảm thấy ở Dinh Độc Lập tại Saigon mà còn ngay trong giới lãnh đạo đảng Cộng Hòa Mỹ ở Washington nữa.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất quyền hành -- ngay cả chẳng còn danh dự -- của nhà lãnh đạo hành pháp Mỹ là vụ tai tiếng Watergate mà thiết tưởng chẳng cần phải nhắc lại. Riêng đối với cuộc chiến tranh VN thì phải kể thêm:
1) Sự khuấy động, phần lớn bằng các luận cứ xuyên tạc, của giới truyền thông phản chiến châm ngòi cho các cuộc biểu tình phản kháng của dân Mỹ đòi chính phủ phải chấm dứt mọi can dự vào vấn đề VN và triệt thoái toàn bộ lực lượng quân sự Mỹ càng sớm càng tốt.
2) Áp lực của ngành lập pháp Mỹ xuất phát từ các Dân Biểu Nghị Sĩ chịu ảnh hưởng nặng nề của hệ thống truyền thông, đã ngày càng cắt giảm mọi phương tiện yểm trợ cho quân lực Mỹ và đồng minh VNCH tiếp tục cuộc chiến. Điển hình trong các biện pháp chặt tay hành pháp Mỹ là Tu Chính Án Case-Church được Quốc Hội Mỹ biểu quyết thông qua vào tháng 6/1973 cấm đoán mọi sự can thiệp quân sự của Mỹ tại VN, Lào và Cămpuchia nếu không có sự chấp thuận của Quốc Hội. Lực lượng bộ chiến Mỹ thật ra đã khởi sự triệt thoái ngay từ khi chính sách mệnh danh là "Việt Nam Hóa chiến tranh" được thi hành mặc dầu các cuộc không tập của Mỹ vẫn tiếp tục cho đến ngày 15 tháng 8 năm 1973 mới kết thúc đúng theo hạn kỳ đã được luật Case-Church ấn định.
3) Chính vì bị buộc phải chấm dứt chiến tranh bằng mọi giá nên chính phủ Mỹ qua các cuộc vận động của ông Kissinger đã thỏa thuận với Trung Cộng và CSBV đi đến chỗ ký kết bản hiệp định Paris ngày 27 tháng giêng năm 1973 dành cho CS quá nhiều ưu đãi mà căn bản là một cuộc ngưng bắn ngay tại chỗ (ngưng bắn da beo, quân bên nào ở nguyên vị trí đó) giúp cho lực lượng CSBV tiếp tục có mặt ngay trên lãnh thổ VNCH và dĩ nhiên sẽ giúp cho họ, như đã thấy 2 năm sau đó, thực hiện các cuộc tấn công dứt điểm kể từ tháng 3 năm 1975. Dĩ nhiên phía Mỹ thừa biết bản hiệp định đó đã đặt chính phủ và QLVNCH vào vị thế hoàn toàn bị động; nhưng một mặt, ông Kissinger vẫn cưỡng ép và mặt khác TT Nixon đã thậm chí viết bức thư, mà ông thừa biết là bịp bợm và hoàn toàn bất khả thi hành vì Quốc Hội sẽ không bao giờ cho phép. Bức thư đó đã được cấp lãnh đạo miền Nam bấm bụng giả vờ ca ngợi là "cam kết dứt khoát của TT Mỹ là quân Mỹ sẽ phản ứng quyết liệt nếu CS vi phạm hiệp định". Khi TT Nixon ngõ lời cam kết như vậy để gạt gẫm TT Thiệu thì ông vẫn còn ngồi trong White House và tu chính án Case-Church chưa được thông qua. Nhưng  khi thấy không thể đối đầu với viễn ảnh bị truy tố để truất quyền (impeachment) và trước những đòi hỏi ngày càng dồn dập của ngay cả các nhà lập pháp đồng đảng Cộng Hòa với ông, TT Nixon đã quyết định từ chức và rồi đã vẫy tay leo lên trực thăng rời White House sáng ngày 8 tháng 8 năm 1974.
Có vài điểm chính nên được nhắc lại:
1.     Quân cán chính VNCH đã được lịnh học tập để thấu đáo những "thắng lợi" mà VNCH đã giành được qua các điều khoản ghi trong Hiệp định Paris ký ngày 27/1/1973. Nghe mỉa mai nhưng đó là sự thật: các công chức của chế độ đã được giải thích rằng VNCH vẫn có lợi tuy ai cũng nhìn thấy các chi tiết bất lợi. Dĩ nhiên chính phủ của TT Thiệu không thể giải thích khác hơn mặc dầu các tin tức được loan báo về các chuyến đi mệnh danh là "con thoi" của ông Kissinger đã hé lộ cho những ai còn quan tâm tới thời sự thấy rõ là TT Thiệu đã bị bắt buộc phải ký bản hiệp định mà ông chẳng những không muốn ký mà còn đã đề nghị sửa đổi gần như hoàn toàn. Sự kiện phía Mỹ không đếm xỉa gì tới những đòi hỏi của TT Thiệu chứng tỏ Mỹ, bằng bản hiệp định Paris, đã chẳng còn mảy may quan tâm tới vận mệnh của vùng đất từng được họ gọi là tiền đồn của thế giới tự do nữa. Trong những chuyến đi tới Saigon, ông Kissinger đã có lần dọa sẽ cắt hết các khoản viện trợ Mỹ nếu TT Thiệu cứ nhứt định chống đối và không chịu ký. Nhà ngoại giao Mỹ nầy còn thẳng thắn xác nhận phía Mỹ vẫn sẽ ký hiệp định với CS cho dù chính phủ VNCH không đồng ý chăng nữa. Nói cách khác, chính phủ VNCH đã phải ký bản án tử hình cho mình. TT Thiệu và các viên chức chính phủ VNCH thừa biết điều đó.
2.     Khi tu chính án Case-Church được Quốc Hội Mỹ thông qua trong vòng 5 tháng sau khi hiệp định Paris được ký kết, bất cứ ai còn chú ý tới cuộc chiến tranh đang ngày càng gia tăng cường độ trên quê hương mình đều bắt buộc phải nhận thấy là người Mỹ chẳng những đã không còn để mắt đến miền Nam VN mà căn bản, đã quyết định bỏ mặc những người từng được họ gọi là "đồng minh" đơn độc đối đầu với cả đế quốc CS trong cái được gọi là "VN Hóa chiến tranh". TT Thiệu và các viên chức chính phủ VNCH thừa biết điều đó.
3.     Khi TT Nixon đưa đơn từ chức để tránh bị truy tố thì bức thư mà trong đó nhà lãnh đạo ngành hành pháp Mỹ cam kết với TT Thiệu là Mỹ sẽ quyết liệt phản ứng nếu CS vi phạm hiệp định Paris coi như đã tuột xuống hàng giấy lộn. Bức thư của ông Nixon dĩ nhiên không có tính cách cưỡng buộc TT Gerald Ford kế nhiệm phải chấp hành. Nó lại càng không thể buộc được Quốc Hội mà trước đó đã thông qua tu chính án Case-Church nhằm ngăn chận mọi quyền hạn sử dụng thực lực quân sự Mỹ ở 3 nước Đông Dương của TT Mỹ, phải tôn trọng. Ông Nixon đã rời khỏi chính trường và đã trở thành một chính khách bị khinh miệt. Vài người Mỹ -- trong đó có một số tướng lãnh sau nầy xác nhận họ cảm thấy như chính họ bị sỉ nhục vì bỏ rơi đồng minh từng sát cánh chiến đấu với mình -- cũng đã đành bó tay. Thậm chí có người Mỹ còn dè bỉu những người vẫn cả tin vào lời cam kết của TT đã bị thất sủng và từ nhiệm của họ. Có lẽ cũng cần mở một dấu ngoặc ở đây để ghi thêm ý kiến của ông Adlai Stevenson -- chính khách Đảng Dân Chủ đã 2 lần được đảng đưa ra tranh cử TT đối đầu với tướng Dwight Eisenhower và rồi đều đã thua đậm hồi năm 1952 và 1956  --  đã từng tố cáo ông Nixon, lúc đó là Phó TT Mỹ, về rất nhiều tội mà trong đó, quan trọng nhứt, là tội bất nhất (inconsistency). Có lần ông Stevenson nói về ông Nixon như vầy "Nixon is the kind of politician who could cut down a redwood tree then mount the stump for a speech on conservation" (Nixon thuộc loại chính trị gia có thể đốn cả cây cù tùng rồi leo ngay lên gốc cây đó để đọc một diễn văn hô hào bảo toàn sinh cảnh).  Ông Nixon đôi khi bị báo chí Mỹ khinh thị gọi là "Tricky Dick" (Anh điếm Dick). TT Thiệu và các viên chức chính phủ VNCH tất phải biết rõ cá tính của ông Nixon.
4.     Tam quyền phân lập trong nền dân chủ Mỹ là điều đã được xác định rất rõ trong hiến pháp. TT Mỹ không phải là Hoàng Đế trong các chế độ quân chủ những thế kỷ trước, cũng không như nguyên thủ các chế độ độc tài ở các nước chuyên chế, lại càng khác hẳn Tổng Bí Thư đảng trong các chế độ Cộng Sản. Nghĩa là TT Mỹ không bao giờ có thể một mình một đường,  tự tung tự tác muốn làm gì thì làm. Trái lại lúc nào ông cũng nằm dưới sự soi mói và kiểm soát của Quốc Hội và lúc nào cũng có thể bị đàn hặc nếu phạm luật. Vào năm 1974, khi Quốc Hội Mỹ đã quyết định ngăn chận thì TT coi như đã bị trói tay trong mọi hành động liên hệ tới cuộc chiến VN. Các vị Đại Sứ VNCH ở Mỹ không thể không biết như thế. Và do vậy, TT Thiệu và chính phủ VNCH cũng phải  biết như thế.
5.     Trong lễ nhậm chức, TT Mỹ nào cũng phải long trọng tuyên thệ tuyệt đối trung tín hành xử đúng quyền hạn và trách nhiệm của TT và phải làm hết khả năng để gìn giữ và bảo vệ Hiến Pháp. Giải thích một cách đơn giản thì TT nào của Mỹ cũng có trách nhiệm tiên khởi và quan trong nhứt là phải bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ và dân Mỹ. Nếu quyền lợi đó trùng với quyền lợi của các nước đồng minh thì đó là tai nạn chớ không phải là chính sách. Trong trường hợp quyền lợi của nước Mỹ và dân Mỹ khác với quyền lợi của nước đồng minh thì TT Mỹ bắt buộc phải lo cho quyền lợi của những người đã bỏ phiếu bầu ông ta làm TT. Những người đó nhứt định không phải là công dân của nước đồng minh của Mỹ. Mọi người đều biết ông Nixon, hay bất cứ ai ngồi trong White House, cũng không thể làm khác hơn thế. TT Thiệu và các viên chức VNCH tất đã biết như thế.
Nếu vì một lý do nào đó mà chúng ta cả tin vào một bức thư của một vị TT Mỹ đang trối chết lo cho số phận của mình, đang hàng giờ bị các nhà lập pháp và báo chí truy kích để truy tố và rồi dựa vào mấy hàng chữ "cam kết quyết liệt phản ứng" của một TT mà bản chất là "bất nhất" để đổ tội cho người Mỹ là bội ước hay bội phản đồng minh ... thì đó là quyền của chúng ta. Còn đối với chính người dân Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ thì TT của họ nhứt thiết và tiên thiên là phải lo cho quyền lợi và thực thi đúng ước muốn của dân; nghĩa là của những vị dân cử trong Quốc Hội Mỹ. Còn TT và nước Mỹ có trung thành hay phản bội bất cứ ai thì đó là chuyện thứ yếu, thậm chí có thể nói là không đáng kể. Lập luận của các chính khách Mỹ sau ngày 30 tháng tư năm 1975 cho thấy rằng đối với dân Mỹ thì một đế quốc CS tận cùng ở vĩ tuyến 17 hay trải dài đến mũi Cà Mau đều chẳng có gì khác biệt, hay quan trọng, so với quyền lợi mà nước Mỹ giành được từ 1 tỉ rưỡi người Tàu. Vả lại người dân Mỹ thật ra cũng không hề tin tưởng tuyệt đối vào cá nhân TT của họ. Bằng cớ là họ thay đổi TT mỗi 4 năm hay quá lắm là 8 năm. Đồng đô la Mỹ in "In God We Trust" chớ không phải "In Our President We Trust". Họ -- người Mỹ chính cống -- mà còn chẳng tin thì huống hồ mình, những "Mỹ giấy"!!
Thời gian nầy, sau khi miền Nam VN đã lọt vào tay đế quốc CS đến 40 năm mà chúng ta vẫn còn huyễn tưởng coi chuyện thất trận của mình là kết quả sự bội ước của nước Mỹ và thóa mạ các ông Nixon và Kissinger về tội phản bội đồng minh thì e là tầm nhận định thời sự của chúng ta vẫn chưa được khai mở mấy. 40 năm là một thời gian đủ dài để chúng ta rời bỏ "Câu Lạc Bộ HỒI ĐÓ". Rời bỏ để may ra nhận chân rằng chính chúng ta mới là những người có trách nhiệm thương yêu và bảo vệ quê hương mình chớ không phải người Mỹ hay bất cứ chính phủ nào của họ. Cả dãy đất hình chữ S bên bờ tây Thái Bình Dương rơi vào tay đế quốc CS là do lỗi của chúng ta: của những lãnh tụ và tướng tá bất tài vô tướng ngoài tài tham nhũng và chia rẽ, của những kẻ sống an toàn ở hậu phương dưới sự bảo vệ của các chiến sĩ chỉ để làm nội gián và "đâm sau lưng chiến sĩ", của những người lợi dụng thần thế để trốn khỏi cuộc tranh đấu chung và khi ra đến nước ngoài thì quay lại công kích chế độ đã sinh dưỡng họ và chí đến lúc đó vẫn tiếp tục nuôi họ bằng các khoản ngoại tệ quí báu dưới hình thức chuyển ngân hàng tháng, của những nhân vật khoa bảng đã lợi dụng địa vị khả kính của mình để làm lợi cho CS dưới danh nghĩa đối lập, của những tu sĩ đội lốt nhà tu được tôn trọng của mình để liên tục phá hoại cuộc trị an ở các thành phố, và của rất nhiều thành phần khác nữa, kể cả những kẻ mà sau năm 1975 đã lộ nguyên hình là cán bộ CS ngay trong hàng ngũ những người quốc gia ở miền Nam VN. Trong tình trạng đó, những người có thực tài và thực tâm yêu nước trong hàng ngũ lãnh đạo cả cao cấp lẫn trung cấp của miền Nam gần như đã phải cầm quyền trên một quốc gia khánh tận và bất khả cai trị (failed state). Sự thật đáng buồn là chúng ta đã không bảo vệ được cương thổ của mình và đã không ngăn chận được quân CS tự do xâm nhập và tấn công chúng ta bất cứ lúc nào. QLVNCH và những người thực tâm yêu nước ở miền Nam đã phải đánh một trận giặc không có quyền thắng mà cũng không thể thắng. Phần lãnh thổ thuộc quyền kiểm soát của chính phủ VNCH thu hẹp dần kể từ sau tháng 11 năm 1963 không phải là chuyện đáng ngạc nhiên.
Mỹ hay bất cứ nước nào cũng chỉ có mặt để giúp chúng ta hoàn thành trách nhiệm bảo vệ quê hương mình. Đặt tin tưởng trọn vẹn vào nước Mỹ hay vào bất cứ ngọn đèn xanh đỏ nào bật lên ở Washington chỉ là suy nghĩ và hành động của những người chưa suy nghĩ chín chắn và chưa biết cách hành động đúng. Dĩ nhiên cũng vì "chưa" như thế mà cho tới giờ nầy, một số người Việt ra nước ngoài lánh nạn CS vẫn cứ còn loay hoay chưa dám biết ai đã làm mình mất nước. Phần chính vì họ không muốn nhìn nhận thực trạng đất nước mình từ ngày 1/11/1963 đến 30/4/1975. Hay nói cho đúng, họ đã không dám nhìn nhận mình vô trách nhiệm đối với quê hương mình.
Một tu sĩ Tây Tạng, Lama Thubten Yeshe đã nói trong một bài giảng bên Thụy Điển nhiều năm trước, rằng "Chúng ta phải chịu trách nhiệm về tất cả những hành động từ thân, khẩu, ý của chúng ta. Chúng ta không thể đổ, không thể  trút (trách nhiệm đó) lên đầu người khác"(*). Nhà tu hành bàn tới nghiệp của mỗi cá nhân khi nói như thế. Nhưng nghiệp của cả dân tộc thì lại là cộng nghiệp của từng cá nhân trong đại khối dân tộc đó. Có lẽ chúng ta cũng nên bắt đầu tuyên nhận trách nhiệm của mình thay vì cứ ngồi đó đổ tội cho người Mỹ bội ước. Biết đâu chẳng nhờ vậy mà thay đổi được cái nghiệp của nước mình và dân mình trong tương lai. Lịch sử ngoại giao của Mỹ trong vùng Đông Á có 2 thí dụ có thể được dùng làm gương. Mỹ đã "bội ước" với Đài Loan khi hất hòn đảo vốn là đồng minh của Mỹ ra khỏi Liên Hiệp Quốc để Tàu Cộng vào thay; nhưng đến giờ nầy Đài Loan vẫn là một miền đất dân chủ tự do và không ngừng phát triển. Quá về mạn bắc, Mỹ không hề "bội ước" với Đại Hàn thành thử đến giờ nầy, 37 ngàn quân Mỹ vẫn còn trú đóng ở phía nam vĩ tuyến 38 và Đại Hàn Dân Quốc hiện đã là một cường quốc kinh tế ngày càng lớn mạnh. Thành ra bị Mỹ bội ước, hay được Mỹ không bội ước, không thể, và không bao giờ, nên bị coi là tai họa cho mình. Tất cả đều do mình có bản lãnh và trách nhiệm hay không mà thôi. Nên nhớ một tuyên bố xét ra không mỹ miều chút nào của Sitting Bull, tù trưởng bộ tộc Sioux sau các cuộc thương thuyết để cố bảo vệ dân da đỏ trước cuộc tây tiến của người da trắng hơn 200 năm cũ, rằng "Tất cả người da trắng đều là những kẻ cướp đầy dối trá" (All white men are liars and thieves). Xem như thế, nếu người Mỹ có bội ước thì cũng là chuyện hết sức bình thường.
(*) "Sống Chết và Sau Khi Chết" của Lama Thubten Yeshe do Vô Huệ Nguyên chuyển sang Việt ngữ và do Viet Nalanda Foundation ấn tống năm 2009.

No comments:

Post a Comment