Friday, October 9, 2015

Giáo dục giới tính có hiệu quả?



Giáo dục giới tính có hiệu quả?
Hạ Vũ, thông tín viên RFA
2015-10-04

NGHE: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/gender-educate-havu-10042015110313.html/10042015-tapchiphunu-hvu
Giáo dục giới tính đã được đưa vào trong chương trình học phổ thông ở Việt Nam nhiều năm trước. Mặc dù vậy, tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên của Việt Nam vẫn “được” xếp thứ 5 thế giới  và số 1 trong khu vực với hơn 300.000 ca nạo phá thai hàng năm.
Nguyên nhân
Xã hội Việt Nam trong những năm gần đây đã cởi mở hơn rất nhiều trong vấn đề tình dục. Trên các mạng xã hội, người dùng thảo luận, chia sẻ các câu chuyện về tình dục một cách thoải mái, giáo dục giới tính cũng đã được đưa vào trong các trường học từ 2 thập kỷ gần đây.
Tuy nhiên, như để bù lại cho rất nhiều thế kỷ đã bị “kìm kẹp” bởi những luân thường – đạo lý, chuẩn mực xã hội, sự kín đáo, v.v., sự “cởi mở” của người Việt trong vấn đề tình dục cũng lệch lạc như tất cả những vấn đề khác mà họ cho rằng do ảnh hưởng của văn hóa phương tây sau những năm mở cửa.
Tháng 8 năm 2015, cộng đồng mạng Việt Nam xôn xao chia sẻ hình ảnh, clip về một cuộc “chơi xăm”, trong đó một cô gái đã có quan hệ “bầy đàn” với 10 người đàn ông. Báo chí lề phải vô tư đăng hình, chia sẻ thông tin, v.v. họ còn tìm ra Facebook của chính những người tham gia cuộc chơi và vô tư copy, chia sẻ đường link, những hình ảnh khác cũng như thông tin đời tư của mỗi thành viên trong cuộc chơi đó với thái độ rất “công bằng” của người đưa tin – nghĩa là không có bình luận, không có đánh giá, chỉ có đưa toàn bộ những thông tin “chân thật”, bất chấp có được sự đồng ý của chủ nhân hay không, bất chấp việc đăng tải thông tin có thể sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của những người trong cuộc.
Phụ nữ cũng không vừa. Những người có tiền thì bao trai, có sắc thì yêu cầu chu cấp tiền bạc; công khai “ông ăn chả - bà ăn nem” được coi là “tiêu chí đánh giá” sự “cởi mở”, “tân tiến” của phụ nữ, v.v…
Chưa bao giờ, cộng đồng mạng Việt Nam lại có nhiều tên gọi phong phú cho các mối quan hệ liên quan đến tình dục như ngày nay. Ngoài “gái gọi”, “cave” còn có “rau”, “máy bay”, “hàng”, v.v.. Ngoài “trai bao” còn có “trai coong”, “phi công”, “cò”, v.v.. mỗi tên gọi phân định một dạng quan hệ rõ rệt.
Em không thấy có lỗi gì với bạn gái vì đã cưới nhau đâu. Em ở đây, nó ở trong Sài Gòn thì biết làm sao được, tin tưởng làm sao được.
- Một 9x
Cả xã hội giống như đang trong một cơn loạn lạc. Pháp luật thiếu nghiêm minh, giáo dục thiếu đứng đắn, truyền thông thiếu định hướng trong khi đó, mọi cánh cửa mở ra thế giới bên ngoài đều bị đóng kín bởi kiểm duyệt và việc “tiêu diệt” mong muốn khám phá, tìm tòi của mỗi người từ khi còn trên ghế nhà trường khiến cho mỗi người đều hối hả chạy theo nhu cầu của bản thân, dẫm đạp lên nhau để thỏa mãn cái tôi của mình cho bằng thiên hạ.
“Tân tiến” là thế, “cởi mở” là thế, được giáo dục tốt như thế, tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên của Việt Nam lại cao nhất khu vực, dịch vụ “vá màng trinh” nở rộ khắp muôn nơi, tha hồ cho các “bác sỹ tài năng” kiếm bộn tiền. Ngược lại, các bài báo dạy nam giới “nhận biết màng trinh giả” cũng được share đi với tốc độ chóng mặt. Các cô gái trẻ, mặc dù dấn thân vào cám dỗ “tân tiến” nhưng vẫn sợ hãi, lẩn tránh những hệ quả tất yếu của sự “tân tiến” đó bằng vỏ bọc truyền thống. Phụ nữ trưởng thành, người nào còn giữ được vỏ bọc “truyền thống” thì chê bai, dè bỉu những phụ nữ dám “vượt rào”. Họ quay cuồng trong vòng xoáy đó, dù ở vị trí nào cũng rất đau đớn.
Trong mối loạn lạc đó, nam giới vẫn luôn luôn có quyền ưu tiên, cho mình là “chúa tể” và được sự ủng hộ, hướng dẫn của truyền thông để luôn luôn đạt được vị trí chúa tể của mình. Họ luôn chủ động tìm, xây dựng cho mình con đường đưa phụ nữ tới đúng mục đích của họ, như những gã thợ săn lành nghề. Hết thành lập các diễn đàn trao đổi “rau sạch”, lập hội “chơi săm”, các quý ông bắt đầu để ý tới hội những bà mẹ đơn thân, với lòng tin vào “kinh nghiệm”, “sự không ràng buộc” và “sự thiếu thốn” của những thành viên trong hội.
Trong vai một bà mẹ đơn thân, Hạ Vũ có cuộc trao đổi với một 9x tự xưng là kỹ sư công trình, đã nhắn tin lên một nhóm các bà mẹ đơn thân đề nghị làm “bạn tâm sự”. Trong tin nhắn đề nghị, nam 9x nọ có đề xuất việc hỗ trợ tài chính như một thiện chí đáng được trân trọng.
Các câu hỏi tại sao, như thế nào, có cảm thấy có lỗi với bạn gái không, v.v. của Hạ Vũ được trả lời tóm tắt để chuyển qua chủ đề chính, như sau:
Cho dù thiếu thốn thì lựa chọn của họ cũng làm cho họ thanh thản. Single mom là single mom chứ, thiếu gì đàn ông mà phải.
- Chị Lê Hoa
“Em có bạn gái chứ. Nhưng bạn em ở trong Sài Gòn rồi. Tuần sau em vào Sài Gòn với bạn em. Công việc của em là làm xây dựng nên phải di chuyển nhiều. Về lâu dài em cũng tính vào trong Sài Gòn vì trong đó ngưới ta sống cũng thoải mái hơn. Mình ở ngoài này, bạn gái làm sao biết được. Nhưng nếu biết thì cũng không ảnh hưởng gì, không sao. Lựa chọn bà mẹ đơn thân vì thấy thoải mái. Nếu muốn có quan hệ lâu dài cũng được, không vấn đề gì cả. Em không thấy có lỗi gì với bạn gái vì đã cưới nhau đâu. Em ở đây, nó ở trong Sài Gòn thì biết làm sao được, tin tưởng làm sao được”.
“Hẳn những bà mẹ đơn thân phải tủi thân lắm, thấy chưa, chồng mình không giữ, để cho đàn ông nó xem không ra gì”, v.v. là những binh luận phổ biến khi câu chuyện này được chia sẻ trên trang cá nhân của Hạ Vũ. Tuy nhiên, ngược lại với phán đoán của rất nhiều phụ nữ đang có chồng khi được chia sẻ nội dung tin nhắn đề nghị của nam 9x nọ, cho rằng làm mẹ đơn thân thật tội nghiệp, bị đàn ông lợi dụng, bị hạ nhục, v.v. phản ứng của các chị rất tích cực. Lê Hoa, một bà mẹ đơn thân chia sẻ:
Dở. Lạy hồn. Biến thái hả. Một thằng nó hỏi như vậy thì chỉ cảm thấy nó như là đồ biến thái. Tự nhiên, thằng đó 9x mà lại nhảy vào với các mẹ đơn thân thì chỉ có bị làm sao đấy. Không, bình thường. Đó là vấn đề của xã hội, có gì to tát đâu mà bực mình. Đại loại là mình không có hứng thú thì mình không quan tâm thôi, chứ những thứ như vậy là chuyện bình thường. Nó phải biết, đúng là suy nghĩ thật trẻ con, người ta đã xác định là single mom thì họ sẽ phải độc lập hết tất cả mọi thứ. Cho dù thiếu thốn thì lựa chọn của họ cũng làm cho họ thanh thản. Single mom là single mom chứ, thiếu gì đàn ông mà phải.”
“A smooth sea never made a skillful sailor – một vùng biển phẳng lặng sẽ không bao giờ đào tạo nên một thuyền trưởng tài năng”. Những con người thiếu trải nghiệm, không phải đánh đổi, không biết mất mát sẽ chẳng bao giờ biết trân trọng các giá trị thực, biết đánh giá thực giả - vàng thau cũng như biết khẳng định giá trị của bản thân mình.
Ai cũng có thể hiểu chân lý đó. Tuy nhiên, nền giáo dục tại Việt Nam, đặc biệt là trong vấn đề giáo dục giới tính, bình đẳng giới, lại chỉ lấp lửng, nửa vời. Thơ văn, các bài học ở nhà trường, v.v. chỉ vẽ ra những viễn cảnh tươi hồng. Các bé gái được dạy biết tuân phục, nhỏ nhẹ, dịu dàng, yếu đuối, v.v. để được che chở. Trong gia đình, mẹ dạy con gái cách tô điểm cho xinh đẹp, cách quyến rũ đàn ông. Cả gia đình hy sinh cho con gái học hành đàng hoàng, có công việc tử tế chỉ mong các cô sẽ có được tấm chồng “ưng ý”.
Tất cả những biến cố, rủi ro, đau khổ mà mẹ cô phải gánh chịu trong cuộc sống hôn nhân, mẹ (cũng là phụ nữ) sẽ im lặng như một sự hy sinh cho con cái. Họ, những người phụ nữ tội nghiệp, tin rằng xã hội sẽ tự nó tốt lên với con gái họ mà quên mất giải pháp thẳng thắn trao đổi, chỉ dạy cho con những cách thức phòng tránh rủi ro cũng như tự thân trở nên mạnh mẽ, độc lập. Cũng chính họ dị nghị, đàm tiếu, gây áp lực lên những người phụ nữ mạnh mẽ, dám vượt qua mọi rào cản để được tự do, hạnh phúc. Cứ như vậy, họ tự trói buộc nhau trong một xã hội rối bời, ngày một siết chặt họ.
Tạp chí trang phụ nữ tuần này kết thúc tại đây. Mọi ý kiến đóng góp cho chuyên mục, xin gửi về địa chỉ email: havu082008@gmail.com.
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/gender-educate-havu-10042015110313.html

Vỡ ống này ta bày ống khác



Vỡ ống này ta bày ống khác
Cánh Cò
2015-10-03

NGHE: http://www.rfa.org/vietnamese/blog/canh-co-blog-100315-10032015095411.html/vcc100315.mp3
Sống lại những kỷ niệm thơ ấu
Lâu lắm, chiếc xe "tẹc" chở nước lại xuất hiện tại Hà Nội, chiếc xe tưởng đã yên phận ở Viện bảo tàng bởi từ sau ngày giải phóng hầu như rất hiếm khi thấy nó trên đường phố cả nước nữa.
Chiếc xe làm sống lại những kỷ niệm thơ ấu của nhiều người khi quây chung quanh nó nhận từng can nước. Có người không có can mà dùng thau, nồi... bất cứ vật gì có thể chứa được nước ra xếp hàng chờ tới lượt mình. Nước, một loại chất lỏng bình thường nhất nay bỗng đỏng đảnh như các ngôi sao trên sân khấu.
Hơn 70 ngàn hộ dân thủ đô lâm vào cảnh nước mất nhà ...khô. Mấy đứa con đi học về thay nhau chờ mua nước về sinh hoạt. Ông chồng hớt hơ hớt hãi thay vội bộ quần áo, mặc chiếc quần cộc chạy ra ngồi xếp hàng với hàng xóm mà trong cái tập thể hàng xóm lâu năm không gặp nhau ấy, có người lạ hoắc ngồi bên cứ lầm lì chờ tới phiên mình. Chả ai buốn hỏi vì mắt cứ nhìn chiếc vòi nước và dòng chảy mạnh hay yếu từ chiếc xe bồn nhà nước ban phát với giá nước rất "vừa phải".
Nước sinh hoạt dẫn từ sông Đà về Hà Nội từ vài năm qua là nguồn tranh cãi vô tận của người dân với thành phố. Hà Nội thức giấc nhiều lần vì nước, nước uống chứ không phải nước non. Nước uống có vẻ quan trọng và sát sườn hơn vì thiếu nước một ngày là người ta dám nổi loạn chứ không nhẩn nha như chuyện nước non. Mà lạ, người dân thủ đô hình như ngày càng kiên nhẫn hơn trước những việc mà đáng ra họ phải tranh đấu cho mình, cho gia đình và cho cả xã hội nữa.
Nước sạch cung cấp cho người dân Hà Nội là bổn phận, trách nhiệm của nhà nước, của UBND thành phố chứ không phải của ai khác.
Vậy mà đường ống dẫn nước sạch từ sông Đà về ngay từ những ngày đầu tiên đã cho thấy việc làm tắc trách của cả một tập thể lãnh đạo từ trên cao nhất cho tới anh thấp nhất là giám đốc công trình. Anh cao nhất là Thủ tướng, người ký quyết định thành lập đường ống, kế đến là Chủ tịch UBND thành phố, người trực tiếp chịu trách nhiệm mọi thứ giấy tờ cũng như kế hoạch, dự án trước khi giao cho Vinaconex làm chủ đầu tư.
Anh trực tiếp là Vinaconex, tập đoàn chịu trách nhiệm xây dựng và điều hành đường ống sông Đà. Anh này không nhận kinh phí từ ngân sách, anh bỏ tiền ra để xây dựng đường ống để sau đó thu tiền nước từng gia đình sử dụng đường ống do anh lắp đặt.
Nói là anh bỏ tiền ra nhưng đồng tiền mà anh có vẫn là tiền nhà nước và nhà nước trách nhiệm quản lý nó, anh chỉ là người điều hành đồng tiền ấy.
Và anh Vinaconex này làm đủ thứ việc, kinh doanh đủ loại mặt hàng. Khuôn mặt của anh có thể nói không sợ quá lời: Tiệm chạp phô cao cấp thời @
Vinaconex là tập đoàn kinh tế nhà nước trong thời điểm nhận công trình ống dẫn nước sông Đà Vinaconex đã được cổ phần hóa và được chuyển về cho Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thuộc Bộ Tài chính quản lý phần vốn nhà nước của doanh nghiệp này. Theo quảng bá thông tin trên website của Tổng công ty thì lĩnh vực kinh doanh của nó là đầu tư, kinh doanh bất động sản, xây lắp công trình. Nó còn tư vấn thiết kế cho những công trình lớn mang đẳng cấp quốc gia. Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp Vinaconex tuyên bố đây là nơi nghiên cứu và sản xuất những vật liệu xây dựng công nghệ cao, xứng tầm với các quốc gia tiên tiến khác, ngoài ra Vinaconex còn kinh doanh xuất nhập khẩu và rồi tất cả mọi dịch vụ khác như du lịch, khách sạn, bảo hiềm, bóng đá, giáo dục đào tạo, dịch vụ bảo vệ và cả dịch vụ đô thị.
Khi nhìn vào các danh mục mà Vinaconex đang kinh doanh người bình thường sẽ tự hỏi: Vinaconex chỉ thiếu một dịch vụ là cung cấp Osin nữa là trọn gói. Từ việc lớn tới việc nhỏ tập đoàn này đều làm hết thì việc gì là chuyên môn nhất?
Thiếu chuyên môn cụ thể
Thiếu chuyên môn cụ thể mà ai cũng thấy nằm ở chỗ khi xây dựng đường ống dẫn nước, Vinaconex dùng loại ống cốt sợi thủy tinh và không tính đúng độ giãn nở của loại vật liệu này. Vinaconex  không đủ chuyên môn để tính sức chịu đựng khi áp suất nước lên cao khả năng chịu được áp lực của ống tới đâu.
Mà lạ, khi vụ việc vỡ lở người ta mới biết cũng chính Vinaconex là nơi sản xuất loại ống sợi thủy tinh cho dự án chứ không phải là nơi nào khác.
Một việc lạ khác: sau nhiều lần ống sợi thủy tinh bị vỡ Vinaconex lại được UBND thành phố Hà Nội chấp nhận cho tiếp tục thực hiện dự án đường ống số 2 nhằm thay thế nếu đường ống hiện nay trục trặc. Vinaconex hứa là lần này sẽ mua loại ống gang dẻo để dẫn nước.
Cả Hà Nội ngậm bồ hòn làm ngọt. Cả Hà Nội đặt dưới bàn tay của một gã Vina.
Được chân lân đầu, hay nói đúng hơn "sức mạnh mềm" của "quả đấm thép" đã khiến tập đoàn này không còn biết sợ ai, trong lần vỡ đập thứ 16 Vinaconex không "nhịn" như 15 lần trước nữa, đã phản pháo lại với dư luận.
Báo chí trích lời ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch Vinaconex cho rằng việc bị mất nước dài ngày không phải là do lỗi của Công ty Vinaconex.
“Chúng tôi cũng là người bị thiệt hại nhiều. Người dân mà bị ngừng cấp nước trong vòng 1 ngày cũng không ảnh hưởng lắm. Còn những đợt ngừng cấp nước kéo dài thì do bên phân phối chứ có phải do chúng tôi đâu. Chúng tôi chỉ ngừng cấp nước để xử lý trong vòng 1 ngày, chưa bao giờ xử lý sang ngày thứ 2 cả.
Luật cũng cho phép được ngừng cấp nước trong vòng 1 ngày. Giờ cứ xem lại khi đường ống nước vỡ đến khi sửa chữa xong hết bao nhiêu giờ, còn người dân không có nước trong bao nhiêu ngày thì sẽ biết là do ai”.
Ông Tốn xác định chỉ một ngày thì người dân Hà Nội than van nỗi gì? Đó là ông còn khiêm nhượng nếu không ông sẽ như Phạm Quang Nghị: Dân Hà Nội cái gì cũng dựa vào nhà nước, lười biếng không biết tự cứu mình.
Người Hà Nội có kinh nghiệm từ lời "răn dạy" nghiêm khắc này nên khi thiếu nước họ ngoan ngoãn xếp hàng chờ “mua” nước. Báo chí chưa đưa ra một vụ va chạm, chống đối hay bạo hành nào tại các nơi xe "tẹc" đang bán nước cho dân.
Người Hà Nội không có máu hài hước như dân Sài Gòn. Nếu vụ ngập vừa qua tại thành phố mang tên Bác đã nảy sinh bao bài hát châm chọc chính quyền thì hàng chục ngàn người xếp hàng mua nước tại Hà Nội hôm nay lại âm thầm đến tội nghiệp. Hay họ đã hết hơi vì mất nước đến nỗi một nụ cười héo hắt cũng không còn?
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/blog/canh-co-blog-100315-10032015095411.html

Cơ hội và thách thức của TPP đối với Việt Nam



Cơ hội và thách thức của TPP đối với Việt Nam
Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2015-10-08

Đại diện 12 nước tham gia đàm phán TPP tại Atlanta, Mỹ ngày 5/10/2015
AFP

NGHE: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/last-chanc-for-chang-to-vn-10082015060319.html/vgm100815.mp3
Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, TPP, được 12 nước tham gia đàm phán đúc kết vào ngày 5 tháng 10 vừa qua. Giới chuyên gia Việt Nam cho rằng đây là một cơ hội cho Việt Nam, đồng thời cũng là thách thức lớn buộc Hà Nội phải có những cải cách thực sự. Một lĩnh vực phải có những thay đổi cho phù hợp với qui định chung của quốc tế là luật pháp.
Luật sư Lê Công Định trong bài trả lời phỏng vấn biên tập viên Gia Minh đề cập đến lĩnh vực tư pháp hiện đang lạc hậu của Việt Nam cần phải thay đổi ngay vì theo vị luật sư này đây là cơ hội cuối cùng cho Việt Nam.
Trước hết luật sư Lê Công Định nói đến cơ hội và thách thức của TPP đối với Việt Nam.
Luật sư Lê Công Định: Cơ hội thì có nhưng chắc chắn thách thức cũng nhiều, nhất là việc tuân thủ các luật lệ thương mại quốc tế chung. Thí dụ TPP tạo ra một sân bình đẳng và tìm cách phá bỏ mọi rào cản về thương mại giữa các nước thành viên; như vậy vấn đề thuế quan là vấn đề đặt ra hàng đầu do đó tôi nghĩ những thay đổi về luật pháp của Việt Nam trong tương lai cũng sẽ tập trung vào vấn đề đó.
Và một trong những yêu cầu của TPP là quyền lập hội và đặc biệt là thành lập công đoàn độc lập cũng đặt ra một thách thức lớn đối với chính phủ Việt Nam. Tất nhiên, những thay đổi này có lợi cho người lao động ở Việt Nam nhưng đối với chính quyền thì đó là một khó khăn đối với họ. Và cuộc thương lượng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về vấn đề này tôi nghĩ cũng có nhiều chông gai nhưng cuối cùng chính quyền Việt Nam đã chấp nhận điều đó. Và chúng ta chờ đợi xem trong một năm tới đây thì những luật pháp liên quan đến quyền lập hội, quyền lập công đoàn độc lập sẽ được ban hành như thế nào, và những cơ hội nào có được cho người lao động trong tương lai. Đó là điều tôi nghĩ cũng là một thách thức và nếu Việt Nam không tuân thủ một lộ trình và cam kết của mình như vậy thì tôi nghĩ sự chế tài của cộng đồng quốc tế, mà ở đây trong phạm vi các nước thành viên TPP, sẽ rất rõ ràng và cụ thể. Chúng ta không thể tìm cách lẩn tránh hoặc trì hoãn sự chế tài đó được đâu.
Tôi nghĩ cơ hội có và thách thức cũng nhiều.
Gia Minh: Luật sư thấy đến nay đội ngũ những người trong ngành luật để khi có xảy ra những vụ việc và Việt Nam phải đối mặt với những biện pháp chế tài mà luật sư vừa nhắc đến, thì theo luật sư được đến đâu và công tác đào tạo phải thế nào để có thể đáp ứng được yêu cầu?
Luật sư Lê Công Định: Hơn mười mấy năm nay, ở Việt Nam có một đội ngũ luật sư chuyên môn về thương mại quốc tế, họ càng ngày càng có nhiều kinh nghiệm hơn. Tôi tin nhóm luật sư này sẽ đóng góp nhiều trong tương lai. Tuy nhiên số lượng quá ít và có thể nói có những cơ hội sắp mở ra và rất, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội đi ra thị trường nước ngoài hơn cả thời tham gia WTO nữa. Thế nhưng những luật sư và các hãng luật chuyên môn về luật thương mại quốc tế nói thật đếm trên đầu ngón tay. Do đó sự thiếu hụt về đội ngũ luật sư giỏi và có kinh nghiệm, phải nói thật, là điều mà tôi thấy lo lắng.
Tôi nghĩ với chương trình và giáo trình đào tạo theo kiểu của các đại học luật ở Việt Nam hiện nay thì hoàn toàn không có khả năng đáp ứng được nhu cầu mở rộng trong tương lai. Do đó theo tôi hơn bao giờ hết, các đại học luật Việt Nam phải tập trung thay đổi tận gốc rễ chương trình và các giáo trình của mình. Nếu không chúng ta không có cách nào để bắt kịp đà phát triển mới như vậy.
Cách đây hơn 10 năm tôi có dịp sang Kampuchia, đến Phnom Penh tham quan Đại học Luật ở thủ đô Phnom Penh, tôi thấy chương trình của họ vào năm 2003 đã phát triển rất mạnh mẽ rồi. Còn chúng ta 12 năm nay, tôi nhìn lại vẫn thấy rằng chương trình Đại học Luật Việt Nam vẫn thua Đại học Luật Phnom Penh 12 năm về trước. Cứ nghĩ xem 12 năm qua họ càng phát triển hơn thế nào.
Do đó nếu lúc này chúng ta không cải cách một cách triệt để, chắc chắn một điều ngay cả Kampuchia chúng ta cũng thua chứ chưa nói đến cộng đồng ở trong TPP.
Gia Minh: Luật sư vừa đề cập đến từ ‘cải cách triệt để’; lâu nay người ta cũng nói đến ‘cải cách thể chế’, những cải cách liên quan; mặc dù người ta thấy bức thiết nhưng có thể thực hiện trong thời gian đến?
Luật sư Lê Công Định: Tôi nghĩ thay đổi cả một truyền thống đào tạo ngành luật ở Việt Nam như vậy phải nói rất khó khăn nhưng chúng ta không thể không làm được. Bởi vì để đào tạo ra một đội ngũ luật sư thực sự có năng lực ít nhất phải có 10 năm: trong đó 4 năm đào tạo ở bậc đại học và sau đó họ phải có ít nhất năm năm nữa để hành nghề chuyên nghiệp trong một hãng luật chuyên nghiệp. Như vậy theo tôi nghĩ phải có gần 10 năm hay hơn 10 năm để có được đội ngũ luật sư chuyên nghiệp. Chứ bây giờ không cải cách liền mà chờ 1 năm nữa sau đại hội đảng mới làm thì mất đi một năm. Nếu lại vì một biến cố chính trị nào đó phải trì hoãn nữa, thì nói thật cơ hội của mình ngày càng chậm dần và nếu so với đội ngũ luật sư ở Kampuchia chẳng hạn thì tôi thấy bây giờ mình hoàn toàn đã thua xa rồi thì không còn cách nào khác mà ngay từ lúc này phải làm.
Muốn làm nhưng tôi nói thật chương trình đào tạo của mình lạc hậu quá. Bây giờ mà còn học những môn lý luận nhà nước về pháp quyền, trong đó đặt rất nặng về vấn đề triết học Mác- Lênin, trong nghiên cứu về nghiên cứu về nguồn gốc của nhà nước, nguồn gốc của luật pháp. Tôi nói thật những tư tưởng đó chả đúng tí nàoĐiều đó phải thay đổi.
Gia Minh: Luật sứ nói đó vừa là cơ hội vừa là thách thức, thúc bách phải thay đổi có thể là một cơ hội, có đúng không thưa luật sư?
Luật sư Lê Công Định: Tôi thấy đây là một cơ hội lớn, vì nếu không có cú hích mạnh mẽ của TPP thì chắc hệ thống luật pháp của chúng ta sẽ không thay đổi đâu. Cho nên đây là lúc chính quyền buộc lòng phải thay đổi hệ thống luật pháp. Ở đây tôi không nói riêng về vấn đề công đoàn độc lập, mà toàn bộ hệ thống luật pháp, cùng với vấn đề thực thi, rồi vấn đề thi hành các phán quyết của tòa án của mình. Bởi vì trong tương lai những tranh tụng như vậy có thể xảy ra tại tòa án của mình. Nếu tòa án của mình xử không công minh và khi có bản án rồi mà không thi hành được, hoặc thi hành một cách chậm trễ khiến gây thiệt hại cho giới đầu tư hoặc thương mại nước ngoài, thì mang một tiếng xấu rất nghiêm trọng đối với các nước thành viên TPP; như vậy không thể nào hòa nhập trong nền kinh tế quốc tế được.
Do đó tôi nghĩ toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam, hệ thống tư pháp bắt buộc phải thay đổi bởi cú hích TPP này.
Gia Minh: Hẳn nhiên luật sư cũng chia xẻ ý kiến này với các luật sư và giới luật gia ở Việt Nam, họ có ý kiến gì không?
Luật sư Lê Công Định: Vấn đề này anh em trong giới luật sư, luật gia và thậm chí tòa án người ta cũng đã nhận thấy chứ không phải không. Bởi vì chúng ta biết năm 2000 khi Việt Nam ký hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ, sau đó năm 2007 tham gia WTO; nhưng cơ hội đó cũng đòi hỏi chúng ta phải cải cách hệ thống luật pháp và quả nhiên Việt Nam cũng đã có một sự cải cách nào đó. Tuy nhiên vẫn chưa đủ và do việc cải cách nửa vời đó khiến làm trì trệ sự phát triển kinh tế. TPP này là cơ hội thứ ba và tôi nghĩ đây là cơ hội cuối cùng để Việt Nam có thể hòa nhập thực sự và thay đổi hệ thống luật pháp cho giống với hệ thống mà cả thế giới chấp nhận và có quan điểm tương tự. Như vậy đây là cơ hội cuối cùng, nếu không theo tôi chúng ta sẽ không bắt được nhịp phát triển mà còn bị đẩy lùi ngược trở lại và chúng ta mãi mãi là một nền kinh tế gia công. Theo tôi nghĩ nếu với một hệ thống luật pháp lạc hậu nữa thì Việt Nam cứ là nơi để người ta đến kiếm tiền rồi người ta đi. Bao nhiêu cơ hội chúng ta có thể tận dụng sẽ lại bị trượt một lần nữa.
Gia Minh: Cám ơn luật sư.
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/last-chanc-for-chang-to-vn-10082015060319.html