Thursday, June 16, 2016

Nghiên cứu: Tiêu thụ thức uống nóng có thể gây ung thư


Nghiên cu: Tiêu th thc ung nóng có th gây ung thư

16.06.2016

Với một ly trà hay cà phê nóng, để nguội một chút trước khi dùng sẽ giúp bạn tránh nguy cơ ung thư, theo kết quả cuộc nghiên cứu mới do cơ quan nghiên cứu ung thư Liên hiệp quốc thực hiện.

Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới hôm nay công bố có bằng chứng cho thấy tiêu thụ thức uống ở nhiệt độ trên 65 độ C có thể gây ra ung thư thực quản.

Kết luận được đưa ra sau khi phân tích các cuộc nghiên cứu từ các nước như Iran, Trung Quốc, và Nam Mỹ, nơi người ta thường uống trà hay cà phê nóng trên 70 độ C.

Tại các nước phát triển, nguyên nhân gây ung thư thực quản bao gồm hút thuốc và uống rượu, nhưng ung thư thường thấy hơn tại các khu vực trên thế giới nơi dân chúng có thói quen tiêu thụ các loại thức uống ở nhiệt độ cao.

Các loại thức uống nóng giờ đây được phân loại cùng với chì, xăng, và khói thải như những ‘chất có khả năng gây ung thư’.

Kết quả nghiên cứu là tin tốt đối với những người uống cà phê vì chỉ ra rằng nhiệt độ thức uống là yếu tố gây nguy cơ cao hơn là chính loại thức uống được tiêu thụ. Trước đây, cà phê từng bị WHO liệt kê là ‘chất có khả năng gây ung thư’ vào năm 1991.

Giám đốc IARC, ông Christopher Wild, nói với hãng tin AFP: ‘Kết quả nghiên cứu cho thấy tiêu thụ thức uống ở nhiệt độ quá nóng là một nguyên nhân có thể gây ra ung thư thực quản, nhiệt độ chứ không phải là bản thân loại thức uống.’

Hiệp hội Cà phê Quốc gia gọi đây là tin vui đối với những người uống cà phê.

Ung thư thực quản là loại ung thư phổ biến hàng thứ 8 trên toàn cầu. Năm 2012, căn bệnh ung thư này đã cướp đi sinh mạng của khoảng 400 ngàn người.



Hỏi đáp Y học: Bệnh ung thư gan


Hi đáp Y hc: Bnh ung thư gan

02.06.2016

Bệnh Ung Thư Gan

Thính giả Minh Nguyễn, ở San Diego, California, hỏi:

“Kính thưa Bác sĩ,

Tôi bị ung thư gan, đã chữa trị chemo đã hơn một năm rồi, mà không có kết quả.

Bây giờ gan tôi yếu, bí ứ nước trong bụng, bốn ngày phải đi lấy nước ra một lần.

Tôi hỏi bác sĩ Mỹ có thuốc nào uống cho không còn bị ứ nước hay không.  Bác sĩ Mỹ nói là không có thuốc nào.

Nhờ Bác sĩ chỉ cho thuốc nào uống để không còn bị ứ nước."

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

Hỏi đáp Y học: Bệnh ung thư gan

NGHE:


Tôi xin trả lời một cách tổng quát như thường lệ. Người duy nhất có thẩm quyền để giải quyết cho bệnh nhân là bác sĩ đang điều trị. Ước mong những nhận xét sau đây giúp cho quý vị thính giả hiểu thêm về vấn đề này để dễ cộng tác hơn với bác sĩ của mình.

1. Nếu bệnh ung thư đã được xác nhận, trong một số bệnh nhân, “nước” (đúng hơn là một chất dịch [fluid] với các chất protein và tế bào trong đó) ứ ở trong xoang bụng (abdominal cavity). Xoang bụng là khoảng không gian chứa các nội tạng như ruột, dạ dày, gan.., được bao bọc bằng một cái màng gọi là phúc mạc (phúc= bụng, mạc=màng) (peritoneum). Bình thường không có nước trong cái túi này, ở nam giới phúc mạc hoàn toàn khô, ở nữ giới cùng lắm vài chục phân khối dịch trong lúc có kinh. Lúc có nước trong không gian này, chúng ta gọi là bụng báng nước (ascites; nếu chảy máu trong không gian này, chúng ta gọi là "hemoperitoneum" (máu trong phúc mạc); nếu có hiện tượng viêm, nhiễm trùng thì gọi là viêm phúc mạc (peritonitis).

Trong một số trường hợp ung thư như: vú, dạ dày, ruột, ruột già, buồng trứng, tụy tạng, dễ xảy ra bụng báng nước (ascites). Trường hợp này bác sĩ hay dùng từ "bụng báng nước ác tính" (malignant ascites).

2. Ung thư có thể gây ra bụng báng vì:

- Ung thư lan vào phúc mạc (peritoneal carcinomatosis)
- Các kênh dẫn lưu lâm ba phụ trách đem các dịch thừa thải ra khỏi phúc mạc bị nghẽn hay chèn ép do khối u (obstruction of lymphatic drainage system)
- Hệ thống tĩnh mạch cửa đem máu từ ruột về gan bị tắc nghẽn do khối huyết (portal vein thrombosis) hay do xơ gan (cirrhosis) làm chặn máu lưu thông.
- Tim bị suy
- Màng bao tim bị viêm, co rút lại và ngăn cản tim làm việc bình thường (constrictive pericarditis).
- Thận bị hư, làm mất protein máu (nephrotic syndrome), do đó nước thoát ra màng bụng dễ dàng hơn.
- Nhiễm trùng phúc mạc.

3. Bác sĩ có thể xác định ascites bằng siêu âm, chụp XRay, MRI, CT scan, hay chọc vào xoang bụng và lấy nước ra để thử nghiệm (paracentesis).

4. Trong trường hợp bụng bác ác tính, chữa trị nhằm mục đích làm cho bệnh nhân dễ chịu hơn, ít thấy nặng nề hơn (symptomatic treatment, palliative treatment). Nếu lượng nước ít thôi và bệnh nhân không thấy khó chịu (“discomfort’) vì hiện diện của bụng báng, có thể không cần phải can thiệp. Bệnh nhân nên bàn với bác sĩ để biết lấy ra thì lợi gì và có hại gì, để cân bằng lợi hại cho mỗi biện pháp trị liệu ("risk versus benefit").

a. Ví dụ bác sĩ có thể cho uống thuốc lợi tiểu (diuretics) để thận của bệnh nhân thải nước ra nhiều hơn trong nước tiểu. Thuốc này có thể làm mất ngủ (thức đi tiểu), da khô, mệt mỏi, chóng mặt vì áp huyết thấp,một số người ngại vì phải đi tiểu nhiều.
b. Biện pháp chục rút nước bụng báng ra, nếu cần.
c. Đương nhiên là bác sĩ cũng phải chữa trị nguồn gốc gây ra bụng báng nếu thấy cần.

Chúc bệnh nhân may mắn.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền



Áp huyết thấp và chứng hạ áp huyết sau bữa ăn


Hi đáp Y hc: Áp huyết thp và chng h áp huyết sau ba ăn

16.06.2016

Thính giả Huỳnh Phượng, ở Việt Nam, hỏi:

“Thưa Bác sĩ,

Mẹ tôi, 50 tuổi, từ khi trẻ đã bị huyết áp thấp, thiếu máu và đã điều trị nhiều nhưng thỉnh thoảng vẫn vị hạ huyết áp trở lại.

Gần đây, có người bày cách uống rượi tỏi hàng ngày chữa thấp khớp.

Xin hỏi Bác sĩ rượu tỏi có kiêng kị gì với người huyết áp thấp không và ngoài ra những thực phẩm nào cần tránh đối với người bị huyết áp thấp?

Xin cảm ơn Bác sĩ."

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

Hỏi đáp Y học: Áp huyết thấp

NGHE:


Áp huyết thấp, rượu tỏi và chứng hạ áp huyết sau bữa ăn
(Hypotension, garlic liquor and postprandial hypotension)

Cũng như mọi khi tôi xin nói rõ trước là những nhận xét sau đây chỉ có tính cách thông tin tổng quát, không áp dụng cho cá nhân và không có mục đích giúp thính giả tìm cách tự chữa bệnh.

Áp huyết thấp (hypotension), thường được định nghĩa như là áp suất kỳ thu tâm = hoặc < 90mm thuỷ ngân (systolic pressure = or <90 mm Hg), áp suất trương tâm = hoặc < 60 mm Hg (diastolic pressure = or <60 mm Hg). Tuy nhiên cũng tuỳ theo bệnh nhân, tuổi bệnh nhân, áp huyết thông thường của người đó. Có nhiều nguyên nhân, giản dị như bệnh nhân thiếu nước, bị xúc động, ngâm nước nóng quá lâu (mạch máu dãn nở), có thai, ít vận động. Phức tạp hơn ví dụ bệnh nhân thiếu máu (bần huyết, lượng hồng cầu quá thấp), chảy máu đâu đó (ví dụ rong kinh, chảy máu bao tử, ruột), hay suy cơ năng tuyến giáp, nang thượng thận (bệnhAddison: đi đôi với da sậm màu, các vùng niêm mạc như miệng cũng đen hơn bình thường), nhiễm trùng máu, phản ứng thuốc, dị ứng, phản vệ (anaphylaxis=huyết áp hạ nhanh, shock kèm theo khó thở, nổi mẫn ngoài da). Cũng nên nêu rõ áp huyết thấp (hypotension) và thiếu máu (anemia) là hai bệnhkhác nhau, mặc dù thiếu máu có thể gây ra áp huyết thấp, chóng mặt, xỉu.

Nói chung chúng ta không muốn áp huyết cao và áp suất thấp là mục đích của chữa trị bệnhcao áp huyết. Tuy nhiên, nếu áp huyết thấp kèm theo các chứng như chóng mặt, muốn xỉu, mờ mắt, ói, ta chân lạnh, xanh xao, thở khó hay yếu, chán nản, trầm cảm, nên đi khám bác sĩ.

Trong tỏi có những chất chứa lưu huỳnh (sulfur compounds, vd diallyl disulphide) được cho là có khả năng giảm viêm (anti-inflammatory), chống oxýt hoá (antioxidant), và do đó có khả năng làm giảm nguy cơ ung thư, giảm cholesterol máu, giảm áp huyết và bệnh tim mạch, giảm viêm khớp.

Đó là những đặc tính được chứng minh trong khoa học. Rượu có thể làm dãn nở các mạch máu, hạ áp huyết thấp hơn. Tuy nhiên, tuỳ theo liều lượng tỏi được dùng, dạng thuốc, ngâm rượu loại gì, nhiệt độ nào, ngâm lâu bao nhiêu cũng ảnh hưởng đến đặc tính của các hoạt chất trong tỏi. Ngoài ra, như giải thích ở trên áp huyết thấp cũng có thể do nhiều lý do khác nhau, giải thích bằng nhiều cơ chế khác nhau. Cho nên không thể trả lời câu hỏi rượu thuốc ngâm tỏi có thể dùng được cho người bệnh áp huyết thấp hay không. Trường hợp này cũng như đa số các trường hợp dùng thuốc cổ truyền, không định lượng và định tính chính xác, cần kiến thức về thuốc, nghệ thuật và kinh nghiệm và suy xét của người chữa bịnh, cũng tương tự như nêm nếm thế nào cho ngon một tô phở hay phân biệt một củ sâm, một chai rượu đắt tiền.

Về câu hỏi người bị áp huyết thấp nên tránh những thực phẩm gì, đây là một đề tài khó trả lời. Vì thông thường, người ta chỉ lo cho bệnháp huyết cao, vì áp suất cao trong các mạch máu tạo một stress, một gánh nặng lên vách mạch máu và nhất là tim, vì tim phải làm việc trong điều kiện áp suất cao. Còn đối với người chỉ có áp huyết thấp đơn độc, không kèm theo bệnh gì khác đáng kể, thì có lẽ đây là một điều bất tiện hơn là một đe doạ về sức khoẻ. Có lẽ đối với họ, nên tránh dùng những chất kích thích quá nhiều, như trà, cà phê, thuốc lá, thuốc bổ (nếu không cần thiết) để cảm thấy sảng khoái hơn, vì sau khi bị kích thích, "hăng" quá” sẽ có giai đoạn chùng xuống, chóng mặt và mệt mõi, hoặc tuỳ thuộc vào các chất kích thích này.

Cuối cùng, tôi xin bàn về một chứng liên hệ, gọi là "áp huyết thấp sau khi ăn" (postprandial hypotension). Sau khi ăn, hệ tiêu hoá có nhiệm vụ "thanh toán" các thức ăn đó, và đó cũng làm một công việc đòi hỏi năng lượng do máu cung cấp. Có những cảm biến (stretch sensors) trong dạ dày cho biết là dạ dày đang đầy thức ăn và cơ thể sẽ tự động dãn nở các mạch máu dẫn tới gan, dạ dày, ruột. Đồng thời các mạch máu đi đến chỗ khác sẽ co lại, tim sẽ đập nhanh hơn để giữ áp suất trong mạch máu, cần thiết để giữ đủ máu bơn lên nuôi não bộ trên cao (lúc đứng). Ở một số người, nhất là người già, hệ thống cảm biến này trong hệ tim mạch không còn đủ nhạy càm, các mạch máu không co dãn đủ mức và nhanh chóng để thích ứng với nhu cầu máu vào hệ tiêu hoá, do đó áp suất của máu quá thấp, gây chóng mặt, nhất xỉu, có khi cơn đau tim hoặc tai biến mạch máu não sau khi ăn. Người ta từng khảo cứu xem các thuốc như cà fein (kích thích), chất làm giảm hấp thụ các chất đường, thuốc làm áp huyết cao lên (như midodrine) nhưng không hiệu quả vì lợi "bất cập" hại (phản ứng phụ). Cho nên:

1) Nên uống chừng 1-2 ly nước lạnh 15 phút trước khi ăn (⅓- ½ lit),
2) Ăn nhiều bữa ăn nhỏ thay vì nhịn đói thật lâu rồi ăn nhiều (để đường trong máu không dao động nhiều, tăng cao sau khi ăn, xong tuột xuống nhanh),
3) Tránh ăn nhiều quá, nhất là các chất "carbohydrates" như các nước ngọt, trái cây ngọt, tinh bột (trong bánh mì, cơm trắng, mì, bún hấp thụ đường vào máu rất nhanh) nhanh quá.
4) Ngồi xuống ăn.
4) Tránh những nơi quá nóng (mạch máu ngoài da dãn nở) có thể nguy hiểm nếu té như gần bếp lửa, chỗ cao chênh vênh, lúc lái xe, uống rượu...
5) Nằm xuống để máu dễ lên đầu hơn nếu chóng mặt sau khi ăn, tránh làm việc, lái xe, đi bộ mệt nhọc nếu có triệu chứng này.

Chúc bệnh nhân may mắn.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

-------------------------------------

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.

Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com> để sắp xếp hẹn trả lời cho buổi phát thanh kế tiếp.

Các bác sĩ của chuyên mục Hỏi đáp Y học Trực tiếp của đài VOA sẽ cố gắng giải đáp các thắc mắc về y học của quý vị.



Tuesday, June 14, 2016

Con cá, chủ nghĩa dân tộc với những lằn roi-Nhạc sĩ Tuấn Khanh


Con cá, chủ nghĩa dân tộc với những lằn roi

Nhạc Sĩ Tuấn Khanh

Trong phút chốc, con cá ở Việt Nam trở thành một hình tượng mang tính cấm kỵ. Từ cuối tháng 4, khi khu công nghiệp luyện thép Formosa, Hà Tĩnh, đầu độc biển Việt Nam và quan chức các cấp của chính phủ bày tỏ một thái độ che đậy đến kỳ cùng, con cá bỗng nhiên trở nên là một thứ dễ khích động cảm giác của người dân. Vì vậy, trong danh sách của muôn vàn thứ khác bị điểm danh, con cá bị chụp ảnh, lăn tay và đánh số như một tội phạm mới mẻ.

Trong tạp chí Đẹp số tháng 6/2016, diễn viên Hứa Vĩ Văn được mời chụp ảnh với chiếc áo có hình con cá. Thế nhưng sự tinh ý trước thời cuộc của những người kiểm duyệt, họ đã biến con cá thành con ốc. Dĩ nhiên, lý do ngụy trá ấy là “cho đỡ phần nhạy cảm”.

Sự kiện này làm tôi nhớ lại xiết bao, hơn 10 năm làm báo của mình trong hệ thống truyền thông nhà nước, mà cách kiểm duyệt – hay nói đúng hơn là sự sợ hãi dẫn đến điểm trung thành hèn hạ của rất nhiều người có chức vụ, khiến đời sống luôn trở thành những diễn tiến thô bỉ qua lưỡi hái kiểm duyệt.

Nhà thơ lừng danh người Nga Yevgeny Yevtushenko, từng cay đắng nói rằng “Khi sự thật bị thay bằng im lặng, sự im lặng đó chính là lừa dối” (When truth is replaced by silence, the silence is a lie). Dù là một tài năng vượt bậc của nước Nga thời Cộng sản, nhưng kể từ khi có ý kiến minh bạch về cuộc đời, về bạn bè mình, ông bị trục xuất khỏi Viện văn học Liên bang Xô Viết vì tư tưởng “chủ nghĩa cá nhân” vào năm 1956. Trong khoảng thời gian từ 1963 đến 1965, Yevtushenko bị cấm xuất cảnh vì dám mở lời khen ngợi Boris Pasternak, cũng như vì quan điểm chính trị của ông. Tên ông cũng bị đục khỏi báo chí Nga Sô, kiểm duyệt không khác gì những con cá vô danh của Việt Nam.

Quả thật, khi người ta im lặng, hay sự im lặng được diễn đạt bằng cách nói vòng vo, hăm dọa… đó cũng chính là dấu hiệu của sự lừa dối.

Cũng như những lời cấm kỵ về nhiều thứ mà trước nay không hề có văn bản chính thức nào, con cá Việt Nam trở thành tội phạm. Mọi ngày trong thành phố, những ai mặc những chiếc áo có hình cá, vẽ lên mặt một con cá hoặc diễn đạt một hình thức nào đó, có khái niệm cá, đều bị các thành phần an ninh chìm, lực lượng áo xanh, áo cứt ngựa nhìn ngó như kẻ thù. Không ít những người trong đó bị bắt giữ, đánh đập, ép nhận tội nào đó vu vơ cho thích hợp hoàn cảnh.

Năm 2014, trong tình hình giàn khoan HD981 của Trung Quốc kéo đặt gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, phong trào in các áo thun có chữ Hoàng Sa-Trường Sa-Việt Nam hoặc No-U rộ lên trong nhiều giới, để kêu gọi sự quan tâm của mọi người. Tuy nhiên, việc mặc những chiếc áo như vậy lại trở thành cấm kỵ. Đã xảy ra nhiều vụ công an bắt người mặc phải về thay áo, bỏ áo, thậm chí có người đã từng bị nghi ngờ, chận bắt lại để xét có những chiếc áo như vậy trong giỏ không. Hôm sau, Anh H., một người quen làm báo, từng mặc chiếc áo đó đi làm. Vừa đi được một đoạn, anh bị 2 thanh niên to khỏe, ép xe chặn lại giữa đường và buộc phải cởi chiếc áo đó ra. Giằng co được một lúc, anh H. sợ trễ giờ làm nên phải quay về thay chiếc áo khác.

Một chương trình ca nhạc được dự định tổ chức để gom quỹ cho các gia đình các liệt sĩ Gạc Ma, với các bài hát đã cố làm làm nhạt nhẽo, bởi chỉ hát loanh quanh về biển, cũng bị người phụ trách kiểm duyệt ở Sở Văn hóa Thông tin Sài Gòn là Võ Trọng Nam từ chối, với lý do “nhạy cảm lắm”. Trong suốt 74 ngày giàn khoan HD981 ngạo nghễ trụ trên biển, những người tức giận với cách ngang ngược của Trung Quốc đã xuống đường phản đối. Kết quả là họ bị bắt, bị đánh, bị công an đến nhà sách nhiễu, triệu tập… với mục đích để làm giảm sự nhạy cảm – mà cần hiểu ở đây là nhạy cảm phiền lòng cho Bắc Kinh.

Trớ trêu thay, lòng yêu nước, chủ nghĩa dân tộc lại phải nhận những lằn roi. Trong lịch sử Việt Nam, đi qua mọi thời kỳ, việc vẫn tồn tại được quốc gia hình chữ S bên bờ Thái Bình Dương suốt hàng ngàn năm dù vô vàn lần bị xâm lược từ nhiều phía, cũng chỉ bởi người Việt có được một tài sản trân quý vô giá, đó là chủ nghĩa dân tộc. Thật đau lòng khi hôm nay, mỗi ngày lại nhìn thấy lòng yêu nước, con người với chủ nghĩa dân tộc sôi sục từ ngàn năm trước truyền lại, vẫn không từ nan để dấn thân, mỗi ngày lại nhận những lằn roi càng nặng nề thú tính hơn.

Chủ nghĩa dân tộc là hành trang không ai bị bắt phải mang vác. Nhưng nếu là người của một quốc gia, nếu không có chủ nghĩa dân tộc chảy trong dòng máu,  ắt phận người chỉ là kẻ ăn bám, trục lợi, vong bản hoặc lưu cư cho một âm mưu. Đâu ai buộc Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng. Nguyễn Thái Học… phải chọn hy sinh thân mình vì những người không quen biết, vì những bờ cõi của tổ quốc mà họ chưa hề đặt chân đến. Thậm chí, Trương Công Định còn quyết liệt tuyên bố vào năm 1862, về một chế độ đã chấp nhận đầu hàng và thuận làm kẻ dưới của ngoại bang, rằng “Triều đình không nhìn nhận chúng ta, nhưng chúng ta cứ bảo vệ Tổ quốc chúng ta”.

Chủ nghĩa dân tộc cuộn trào trong dòng máu, khiến mỗi con người chỉ cần biết yêu cuộc sống và đất nước này thôi, cũng đã lẫm liệt, vượt lên mọi thứ quan lại với bổng lộc và những lời xảo trá.

Tháng 4/2016, tôi có nhận lời thiết kế giúp cho một chiếc áo thun, giúp cho một phong trào kêu gọi ý thức tiết kiệm nước ở nông thôn miền Tây. Áo sẽ phát cho nhiều sinh viên tham gia mặc trong ngày vận động về bảo vệ nguồn nước trong tình trạng hạn, mặn. Bản logo thiết kế in áo, tôi viết khẩu hiệu “Giữ nước như người miền Tây”, sau khi đưa đi cho ban giám đốc một trường đại học duyệt, đã bị đổi lại vô cùng đơn điệu là “Hãy tiết kiệm nước”. Khi dò hỏi, tôi ngẩn người khi biết được một vị trí thức, có chức có quyền, nói rằng “nghe giữ nước có vẻ nhạy cảm quá”.

Từ Hoàng sa, Trường sa rồi đến con cá, đến nguồn nước… những gì của quê hương này cứ như đang tuột dần ra khỏi bàn tay nắm tuyệt vọng của ý thức dân tộc. Hôm nay, đến “giữ nước” mà đã là nỗi sợ hãi của người có học thuộc chính quyền, thì mai sau, dân tộc này sẽ về đâu?

Tháng 5/2016, tôi nhìn thấy trên mạng xã hội, những thanh niên khỏe mạnh được chính quyền nuôi dạy, bịt mặt, giấu mình trong đám đông và xông vào đánh đập dã man những người biểu tình, chỉ vì họ đòi minh bạch một môi trường sống của những người cách xa họ cả ngàn cây số. Những người bịt mặt đó, nghiến răng, hét vào bộ đàm “ĐM, đập chết mẹ tụi nó”.

“ĐM, đập chết mẹ tụi nó”. Mẹ của ai? Mẹ của những người yêu nước? Mẹ của những người đã thề không phản bội quê hương này cần phải bị đập chết?

Trong các lý luận về sự hình thành các nhà nước. Chủ nghĩa dân tộc là đối trọng gay gắt với chủ nghĩa cộng sản mà Karl Marx đề ra. Bản chất của thuyết Karl Marx là dựng một nhà nước từ sự phân hóa giai cấp và cai trị, không cần phân biệt gì khác. Còn Chủ nghĩa dân tộc dựa trên tinh thần quốc gia và giống nòi để hình thành nhà nước phục vụ. Hôm nay, những lằn roi đang giáng xuống ở Việt Nam, có phải là chỉ dấu của sự xung đột đến hồi khốc liệt giữa Chủ nghĩa cộng sản và Chủ nghĩa dân tộc?

Có thể những thanh niên yêu nước xuống đường hôm qua và hôm nay rồi cũng sẽ chết một ngày nào đó trong cuộc sống rất đỗi phù du này. Nhưng trước họ, những người mẹ miền Trung cũng mòn mỏi chết với bờ biển đầy chất độc ngoại bang. Cá giẫy chết. Người thoi thóp. Những lằn roi hận thù tự dàn dựng vào cá-vào đảo-vào biên giới-vào ý thức-vào người cứ quất vào lịch sử đất nước này, có phải là những cú tát như cơ hội để người người cùng sực tỉnh, rằng, nếu không có ý thức về đất nước, tổ tiên, dân tộc, như những con cá vô danh vô định, mai này rồi chúng ta sẽ trôi dạt về đâu?









Trump, Clinton và tương lai của quan hệ Việt Nam-Mỹ


Trump, Clinton và tương lai của quan hệ Việt Nam-Mỹ

Roncevert Ganan Almond, ngày 11/6/2016

(Người dịch: Vũ Quốc Ngữ)



(VNTB) - Quan hệ song phương đã vượt qua một chặng đường dài. Mối quan hệ này tiến triển thế nào dưới thời tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ?






Sau chuyến viếng thăm lịch sử của Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam và trong bối cảnh của cuộc đua tổng thống đang diễn ra tại Hoa Kỳ, giờ là lúc thích hợp để xem xét tương lai của quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam. Cụ thể, sau bầu cử vào ngày 08/11/2016, nước Mỹ sẽ có một tổng thống mới.




Với việc Hoa Kỳ có hai đảng lớn, tổng thống tiếp theo rất có thể là Donald Trump, người vừa nhận được sự đề cử của đảng Cộng hòa, hay Hillary Clinton, người là ứng cử viên của đảng Dân chủ [Điều quan trọng cần lưu ý là thách thức của Hillary Clinton, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders của Vermont, vẫn còn tiếp tục tranh cử tại thời điểm viết của bài này, mặc dù Clinton đã đạt được những số phiếu cần thiết để khẳng định sự đề cử của bà. Đối với ý khác của bài viết, tôi sẽ giả định rằng Hillary Clinton là ứng cử viên của đảng Dân chủ.]



Nhận định về sự thay đổi trong mối quan hệ Mỹ-Việt dưới thời Tổng thống Hillary Clinton hay Tổng thống Donald Trump là cực kỳ quan trọng không chỉ đối với các bên liên quan tại Hà Nội và Washington, mà còn cho cộng đồng quốc tế, đặc biệt là cho vai trò nổi bật của Việt Nam trong vấn đề toàn cầu như  trong tranh chấp lãnh hải và lãnh thổ ở Biển Đông.



Xây dựng quan hệ đối tác toàn diện



Trước khi suy đoán về tương lai, chúng ta nên nhìn nhận mối quan hệ Hoa Kỳ-Việt đã phát triển đến đâu kể từ khi Hoa Kỳ cắt đứt ngoại giao khi Việt Nam thống nhất đất nước năm 1975. Mối quan hệ đã đi theo một tiến trình ba giai đoạn hướng tới một quan hệ đối tác toàn diện.



Trong giai đoạn đầu tiên, Hoa Kỳ và Việt Nam đã tìm cách xoa dịu căng thẳng và xây dựng lòng tin. Các bước thực hiện của Hà Nội trong những năm 1980: áp dụng các cải cách kinh tế theo hướng thị trường (Đổi mới), hợp tác về các vấn đề "di sản chiến tranh" như các vấn đề quân nhân mất tích, tử trận (POW-MIA), và rút khỏi Campuchia, tạo không gian cho cải thiện quan hệ với Washington. Những năm 1990 chứng kiến ​​thành quả của những cố gắng này. Tổng thống Bill Clinton đã dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại của Hoa Kỳ vào năm 1994, khôi phục quan hệ ngoại giao vào năm 1995, và bổ nhiệm đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên kể từ khi chiến tranh kết thúc vào năm 1997, và đã ký hiệp định thương mại song phương Hoa Kỳ-Việt Nam (BTA) năm 2000.



Trong giai đoạn hai, dưới chính quyền của Tổng thống George W. Bush, hai nước đã xây dựng những nền tảng của quan hệ đối tác. Với việc thực hiện Hiệp định năm 2001, Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ thương mại có điều kiện (NTR). Việt Nam bắt đầu trải qua hiện tượng tăng trưởng kinh tế dựa một phần vào tăng kim ngạch xuất khẩu và đầu tư đến Hoa Kỳ và nước khác. Từ năm 2000, tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam đạt mức trung bình hơn 6% mỗi năm, chỉ đứng sau Trung Quốc. Trong thời gian này Mỹ cũng đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2007, sau khi tự do hóa hơn nữa nền kinh tế, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), là một thành viên đầy đủ và nhận được sự đối xử bình thường trong quan hệ thương mại với Hoa Kỳ.




Quan hệ quân sự và an ninh cũng được tăng cường. Ví dụ, trong năm 2005, Hoa Kỳ nhận đào tạo sĩ quan quân đội Việt Nam và vào năm 2007, chính quyền Bush Hoa Kỳ giảm nhẹ Quy định Buôn bán Vũ khí Quốc tế (ITAR), cho phép xuất khẩu các mặt hàng quân sự không sát thương nhất định. Washington và Hà Nội cũng bắt đầu tổ chức hội nghị thượng đỉnh hàng năm bàn về cải cách chính trị và kinh tế, cũng như các vấn đề an ninh chiến lược ảnh hưởng đến cả hai nước. Đáng chú ý, các cuộc đối thoại chiến lược Hoa Kỳ-Việt Nam được tổ chức thường xuyên khi Trung Quốc ngày càng thể hiện sự hung hăng trong khu vực.



Giai đoạn thứ ba bắt đầu với cuộc bầu cử của Tổng thống Barack Obama và sự phát triển của quan hệ đối tác đầy đủ hơn và sâu hơn. Sau khi tham gia vào hai cuộc chiến tranh lâu dài ở Trung Đông, Obama cam kết sẽ chuyển sự chú ý của Mỹ đối với những thách thức và cơ hội trong tương lai ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chính quyền Obama đặc biệt xác định Việt Nam là một trong những đối tác được phát triển theo chiến lược "tái cân bằng" của tổng thống.



Phù hợp với cách tiếp cận này, Hoa Kỳ đã nâng cao vai trò của Việt Nam trong quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định thương mại khu vực với sự tham gia của 12 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương. Nếu được phê duyệt và thực hiện đầy đủ, TPP sẽ bao gồm khoảng 40% GDP của thế giới. Việt Nam sẽ được tiếp cận nhiều hơn với thị trường Hoa Kỳ và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại của Hoa Kỳ lớn thứ năm trong số các nước thuộc TPP và có vai trò như là một điểm đến quan trọng cho xuất khẩu và vốn của Hoa Kỳ. Chính quyền Obama cũng đã sử dụng TPP như phương tiện để thuyết phục Việt Nam thực hiện những cải cách bổ sung như bảo vệ mạnh mẽ hơn quyền lợi của người lao động, sở hữu trí tuệ, và nhân quyền. Nói rộng hơn, Hoa Kỳ xem TPP như một nền tảng cho việc mở rộng ảnh hưởng của mình trong khu vực và khuyến khích hội nhập khu vực lớn hơn. Trung Quốc bị lờ đi một cách có mục đích trong cuộc chơi TPP.



Ngoài ra, Việt Nam là một con bài nổi bật trong chiến lược của Hoa Kỳ ở khu vực. Đối mặt với sự leo thang chiến thuật của Trung Quốc ở Biển Đông, từ quấy rối hàng hải đế quân sự hóa ở khu vực đảo nhân tạo, Hoa Kỳ đã tăng cường ngoại giao và quân sự của mình trong khu vực. Chính quyền Obama đã tìm cách để thể chế hóa các cuộc tranh cãi chủ quyền tại các diễn đàn khu vực như ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, và thúc đẩy việc sử dụng các cơ chế hòa bình để giải quyết tranh chấp như sử dụng cơ chế trọng tài. Trong bài phát biểu gần đây của ông tại Hà Nội, Tổng thống Obama cảnh cáo rằng sẽ chống lại việc cường quốc lớn "bắt nạt" những nước nhỏ hơn. Để hỗ trợ cho những lời này, Washington đã tăng khả năng hiện diện của Hoa Kỳ để cổ súy cho tự do hàng hải và cam kết tăng cường năng lực hải quân của các đối tác như Việt Nam. Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí của Hoa Kỳ đối với Việt Nam của Tổng thống Obama có thể được xem trong bối cảnh an ninh này.



Tóm lại, chuyến thăm của Obama tới Việt Nam là đỉnh cao của một quá trình gồm ba giai đoạn theo đó Hoa Kỳ và Việt Nam đã xây dựng một quan hệ đối tác toàn diện. Chuyến thăm của ông cũng là một bước ngoặt trong quan hệ hai nước. Triển vọng lạc quan về tương lai - không quá chú trọng đến quá khứ, là nền tảng của mối quan hệ song phương. Trước mắt sẽ thấy cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Và cuộc đua tổng thống năm 2016 có ý nghĩa quan trọng cho quan hệ đối tác Hoa Kỳ-Việt và hơn thế nữa.



Với Hillary Clinton là tổng thống: Tính liên tục và tăng cam kết



Nếu Hillary Clinton được bầu làm tổng thống, bà ấy sẽ rất có thể tiếp tục cách tiếp cận của Tổng thống Obama với Việt Nam và thậm chí có thể tăng cam kết của Washington với Hà Nội. Hillary Clinton không chỉ phục vụ như Bộ trưởng Ngoại giao của ông Obama, nhưng bà cũng hoàn toàn thu mình trong truyền thống và tục lệ của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Về vấn đề này, bà sẽ là một tổng thống hay thăm viếng và có nhiều kinh nghiệm trong lịch sử Hoa Kỳ hiện đại, đặc biệt là trong quan hệ với Việt Nam. Ví dụ, với tư cách Đệ nhất phu nhân, bà đi cùng Tổng thống Bill Clinton trong chuyến công du lịch sử của ông đến Việt Nam vào năm 2000, chuyến thăm của tổng thống đầu tiên kể từ chuyến thăm của Tổng thống Richard Nixon năm 1969 tới nước Đông Nam Á.



Liên quan đến vấn đề kinh tế, bà Hillary Clinton sẽ tìm cách mở rộng các thỏa thuận thương mại của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Như Ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà đã hỗ trợ nhiều cho các cuộc đàm phán TPP. Ví dụ, trong năm 2012, trong khi ở Singapore, bà đã đưa ra một bài phát biểu nhấn mạnh tiềm năng cho TPP trong việc hạ thấp các rào cản, nâng cao tiêu chuẩn, và thúc đẩy tăng trưởng lâu dài trong khu vực. Sau khi kết luận chính thức của TTP vào tháng Hai, Hillary Clinton ra dấu hiệu phản đối các chi tiết của thỏa thuận, do đó có thể là một sự đảo ngược trong chính sách của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, cử chỉ này có thể đơn giản chỉ là một thủ đoạn chiến thuật trong bối cảnh không khí chính trị thù địch với tự do thương mại hiện nay ở Hoa Kỳ.



Trong suốt nhiệm kỳ của mình với chính quyền Obama, Hillary Clinton đã được biết đến là một trong những thành viên "diều hâu” của nội các. Ví dụ, bà đã vận động để can thiệp Libya và sự tham gia lớn hơn của Mỹ ở Syria, chẳng hạn như việc thực hiện vùng cấm bay của do NATO quản lý. Thật vậy, bà có thể mạnh mẽ hơn Obama trong việc khẳng định chính sách của Mỹ ở châu Á –Thái Bình Dương. Trong suốt chiến dịch, bà Hillary Clinton đã hứa sẽ buộc Trung Quốc "có trách nhiệm" về những hành động hung hăng của mình trong khu vực và tái khẳng định vai trò của Mỹ là một cường quốc Thái Bình Dương. Ngày 02/6/2016, trong khi nói về các vấn đề an ninh quốc gia, bà nhấn mạnh vai trò quan trọng của mạng lưới các đồng minh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Bà cũng đã lên án mạnh mẽ Donald Trump về những ý kiến của ông này về NATO và đồng minh của Hoa Kỳ ở châu Á (như được đề cập dưới đây).



Hillary Clinton cũng nhận thức được sự phát triển của các tranh chấp Biển Đông. Vào tháng 7/2010, tại Diễn đàn thường niên Khu vực ASEAN với sự hiện diện của bộ trưởng ngoại giao các nước thành viên tại Hà Nội, Ngoại trưởng Clinton khi đó tuyên bố rằng tự do trên biển là "lợi ích quốc gia" của Mỹ và Hoa Kỳ phản đối việc sử dụng hoặc đe dọa vũ lực bởi bất kỳ yêu sách nào ở Biển Đông. Để phản đối yêu sách chín đoạn Trung Quốc đối với toàn bộ biển, bà cho rằng "tuyên bố hợp pháp về không gian hàng hải ở Biển Đông nên được bắt nguồn chỉ từ tuyên bố hợp pháp trên các tuyên bố chủ quyền về đất đai." Theo Luật Hợp Quốc về Công ước Biển năm 1982 (UNCLOS), hòn đảo nhân tạo hoặc cấu trúc nhân tạo không có lãnh hải hoặc vùng biển.



Với lịch sử của mình và các bài nói trong chiến dịch tranh cử, sẽ là  hợp lý cho chúng ta mong đợi một tổng thống Hillary Clinton tiếp tục mở rộng quan hệ thương mại với Việt Nam, thúc đẩy thể chế hóa các tranh chấp Biển Đông trong tổ chức đa phương như ASEAN, tăng cường năng lực hàng hải và quân sự của các đối tác quan trọng như Việt Nam, thách thức Trung Quốc tuân thủ quy tắc được thừa nhận của tự do hàng hải, và mạnh mẽ duy trì quyền tự do hàng hải và hàng không.



Tổng thống Donald Trump: điều chỉnh và tính không chắc chắn



Nếu Donald Trump đã được bầu làm tổng thống, chúng ta có thể mong đợi những bất ngờ. Ông là một ứng cử viên độc đáo cho chức tổng thống Hoa Kỳ. Đây là chiến dịch đầu tiên của ông chạy đua vào một vị trí công quyền, trước khi công bố quyết định tham gia ứng cử, hình ảnh của ông gắn liền với bất động sản, trên truyền hình và các tờ báo lá cải. Có lẽ không ngạc nhiên, Donald Trump đã tiến hành một chiến dịch thách thức những giả định chung cơ bản chiến dịch tranh cử tổng thống Hoa Kỳ, cả về đề nghị giao thức và chính sách. Tóm lại, Donald Trump đang chạy đua như một "người ngoài" tìm cách phá vỡ tiến trình chính trị của Hoa Kỳ.



Trong bài phát biểu chính về chính sách đối ngoại của mình, Donald Trump đã công bố một chủ đề - Nước Mỹ đầu tiên – dường như mang tính tiêu chuẩn (tất cả các nước khẳng định lợi ích cá nhân của họ), nhưng các chi tiết của chính sách của ông khác biệt với các nguyên tắc truyền thống trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Ví dụ, trong một nỗ lực để chống nhập cư bất hợp pháp và tội phạm có liên quan, ông đã hứa sẽ "xây dựng một bức tường" giữa Hoa Kỳ và Mexico, một trong ba đối tác thương mại lớn nhất nước mình. Trong cuộc chiến chống khủng bố, Donald Trump đưa ra ý tưởng của việc tra tấn nghi phạm khủng bố và tấn công gia đình của chúng. Để đối phó với các cuộc tấn công khủng bố tại California vào tháng 12/2015, ông đề xuất một lệnh cấm tạm thời đối với người Hồi giáo vào nước này.



Đối với Việt Nam và rộng hơn là châu Á-Thái Bình Dương với, có ít nhất bốn lĩnh vực mà Donald Trump sẽ điều chỉnh lại trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, và do đó, tạo ra sự không chắc chắn.




Thứ nhất, về vấn đề thương mại, Donald Trump đã chống lại các hiệp định thương mại tự do. Ông đã kịch liệt phản đối TPP - mô tả nó như là "một thỏa thuận khủng khiếp" chủ yếu mang lại lợi ích cho Trung Quốc và gây hại cho nước Mỹ (mặc dù Trung Quốc không tham gia TPP). Donald Trump cũng nghi ngờ WTO và đã chỉ trích sự có mặt của Trung Quốc với tư cách thành viên trong tổ chức này. Để hỗ trợ các công ty và người lao động Hoa Kỳ chống cạnh tranh "không công bằng", ông đã cam kết thực hiện một loạt các biện pháp trả đũa chống lại Trung Quốc trong việc thao túng tiền tệ, trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước, và trộm cắp tài sản trí tuệ. Chính sách này có thể được mở rộng đối với các nước châu Á khác mà Hoa Kỳ có thâm hụt thương mại, chẳng hạn như Việt Nam.



Thứ hai, Donald Trump đã chỉ trích vai trò của hệ thống liên minh của Hoa Kỳ trên toàn thế giới, từ NATO đến Thái Bình Dương. Ông tin rằng các liên minh đang mất cân đối và đồng minh của Mỹ nên gánh thêm trách nhiệm hoặc Mỹ sẽ không tham gia nữa nếu quá tốn kém đối với Hoa Kỳ. Ví dụ, Donald Trump đã đề xuất rằng các đồng minh hiện đang được bảo vệ bởi những chiếc ô hạt nhân của Hoa Kỳ, như Saudi Arabia, Nhật Bản và Hàn Quốc, nên tìm kiếm vũ khí hạt nhân cho riêng mình.



Thứ ba, Donald Trump đã tuyên bố sẽ không can thiệp vào các cuộc xung đột mà không trực tiếp đe dọa an ninh Hoa Kỳ. Ông đã chỉ trích nặng nề sự can thiệp của Mỹ tại Iraq và Libya, coi đây là sai lầm và gây hại cho lợi ích của Mỹ. Donald Trump đã không đưa ra một quan điểm rõ ràng về vùng Biển Đông, nhưng cho rằng Hoa Kỳ không phải nước có yêu cầu chủ quyền và do đó không có cam kết với khu vực. Thái độ của ông là để cho các nước như Việt Nam và Philippines tự bảo vệ lợi ích của mình.



Thứ tư và rộng hơn, Donald Trump đã nhìn một cách hoài nghi về vai trò của Hoa Kỳ như người bảo lãnh của trật tự quốc tế. Kể từ khi chiến tranh thế giới thứ 2, Hoa Kỳ đã trở thành nước cung cấp các giá trị toàn cầu, chẳng hạn như phát triển các tổ chức quốc tế, duy trì sự tự do trên biển, phát huy giá trị dân chủ, và phục vụ như là lực lượng cân bằng trong các xung đột quốc tế. Các chính sách của ông trong “Nước Mỹ đầu tiên” chưa rõ ràng và có nhiều nghi ngờ liệu Donald Trump có tiếp tục đường lối như ông đã nói. Yếu tố này tạo ra sự không chắc chắn lớn cho tương lai của quan hệ quốc tế.



Cho dù Donald Trump hay Hillary Clinton, ngày 08811/2016, Mỹ sẽ chọn một tổng thống mới và sự lựa chọn này sẽ mang lại tác động lớn đến Việt Nam và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.



Roncevert Ganan Almond là một đối tác của Wicks Group, có trụ sở tại Washington DC. Ông làm việc với tư cách cố vấn các chính phủ ở châu Á, châu Âu, Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latinh về các vấn đề luật pháp quốc tế. Ông từng là trợ lý chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton năm 2008, nhưng hiện tại không liên kết với bất kỳ chiến dịch nào.