VÀI KỶ NIỆM VỚI CA SĨ DUY TRÁC
Hát Tù Ca Với Anh Trác Ở Trại Z30D
Khoảng tháng 6 năm
1979 tôi bị giải từ Phước Long về trại Z30D Hàm Tân. Ngay ngày đầu tiên tôi đã
quen với Vũ Mạnh Dũng, một sinh viên văn khoa (trước 75) bị bắt vì tội tuyên
truyền phản cách mạng. Không biết Dũng hỏi ai mà biết tôi ở Phước Long thường “gầy
sòng” tụ họp anh em hát tù ca nên đến thăm và bắt chuyện làm quen với tôi
trước. Dũng trẻ hơn tôi mấy tuổi nhưng lanh lợi, ăn nói hoạt bát và đặc
biệt là ngôn ngữ giao tiếp rất “văn chương”.
Hôm sau Dũng dẫn tôi
về chỗ của mình ở một nhà khác và hai anh em “giao lưu” tù ca. Dũng đệm đàn
vững và giọng hát cũng truyền cảm, dễ thương. Trong lúc “xả hơi” Dũng cho
biết ở cùng nhà có ca sĩ Duy Trác (một trong hai nam ca sĩ nổi tiếng bậc nhất
của Miền Nam trước 1975) rất được bạn tù ngưỡng mộ và yêu mến vì đã sáng tác
hai bản tù ca rất hay. Dũng bảo tôi sẵn sàng để sáng Chủ Nhật tới sẽ sắp xếp
cho tôi gặp anh Trác ở chỗ của Dũng.
Chủ Nhật ấy, đã hẹn
trước nên khi tôi đến đưọc vài phút thì một “trung niên hán tử”, dáng người nhỏ
nhắn, khuôn mặt thanh tú, hiền lành, từ đầu nhà bước lại. Đó là ca sĩ Duy Trác,
người mà tôi chưa từng gặp mặt nhưng đã mến mộ từ lâu. Anh em bắt tay nhau rồi
cùng leo lên tầng trên và lui hẳn vào chỗ nằm của Dũng ở trong góc.
Sau vài câu thăm hỏi
xã giao Dũng cầm đàn dạo nhạc và hát nho nhỏ một bản nhạc tình để “khởi động”
rồi đưa đàn cho anh Trác.
Anh cầm đàn rồi kể
chuyện một đêm Giáng Sinh, nhìn qua khe vách, nghe tiếng chim hót trên bờ rào
kẽm gai, nghĩ đến thân phận tù đày, mủi lòng viết bản nhạc có tựa đề LỜI NGUYỆN TRONG TÙ. Và anh dạo đàn
rồi bắt đầu hát:
Có con chim nhỏ trên hàng
rào kẽm gai.
Đứng im than thở; cuộc
đời còn có ai?
“Này chim có biết nơi đây
sống kiếp đọa đày,
sống không ngày mai, như
kiếp cỏ cây?”
Có ngôi sao nhỏ trên bầu
trời giá đêm.
Suốt đêm không ngủ thương
ngục tù tối đen.
“Nhờ sao đem đến tin vui
tới khắp mọi người:
Chúa đã giáng sinh cứu
rỗi trần ai.”
ĐK:
“Xin Chúa hãy vỗ về, ru
no tròn giấc ngủ trẻ thơ.
Xin một giấc mơ lành cho
mẹ già từ lâu mong nhớ.
Xin nguyện cầu cho vợ
hiền lẻ bóng nơi xa.
Xin nguyện cầu, xin
nguyện cầu cho cuộc đời vang tiếng tình ca.
Hãy cho tôi khóc bằng mắt
Maria,
những cuộc đời khổ đau
tăm tối.
Hãy cho tôi khóc bằng mắt
Maria,
những cuộc tình bơ vơ tóc
rối.
Xin quét hết lũ người
sống hận thù, không óc, không tim.
Xin tiếng hát nụ cười cho
mọi người được sống bình yên”.
Anh trở lại điệp khúc
một lần nữa rồi chấm dứt ở Coda:
“Vinh danh Thiên Chúa!
Vinh danh Thiên Chúa! A – men”.
Tiếp theo, Dũng hát Mưa
Trên Ngục Tù của Nguyễn Hưng Đạo (“cư dân” trại Z30D), tôi hát Bò Đỏ - thơ
Nguyễn Văn Kỳ, Trương Văn Út phổ nhạc - thi sĩ và nhạc sĩ đều từ Phước Long.
(Vì đâylà bài viết về anh Trác nên phần trình bày của 2 “nhân vật phụ” xin được
“tiềm ẩn”)
Xong, chúng tôi trò
chuyện một lúc lâu rồi tôi trao đàn cho anh Trác.
Anh Trác ôm đàn và trước
khi hát, cũng kể lể chút nguồn cơn:
Một hôm, chúng tôi được
đưa đi đắp một con đường từ quốc lộ 1 vào trại Z30D. Đang lao động, tôi thấy
một cô gái khoảng 20 tuổi, đeo ba lô đi về phía trại giam. Lúc cô gái đến gần
chỗ mình tôi chào và hỏi thăm:
"Sài Gòn có gì vui
không em?"
Cô nhỏ nhẹ trả lời:
"Sài Gòn chỉ vui khi
các anh về".
Xúc động vì câu trả
lời của cô gái tôi đã viết bản nhạc có tựa đề SÀI GÒN CHỉ VUI KHI CÁC
ANH VỀ. Rồi anh bắt đầu dạo đàn và cất tiếng hát:
Tôi đã gặp em, bỡ ngỡ
tình cờ
Đôi mắt ngây thơ, đến từ
thành phố
Ngục tù tối tăm nói với
cuộc đời:
“Sài Gòn có vui? Sài Gòn
có vui?”
Em ngước nhìn tôi, cúi
đầu nói nhỏ:
“Còn gì nữa đâu, thành
phố mộng mơ
Thành phố đớn đau vẫn
thường nhắn nhủ:
‘Sài Gòn chỉ vui khi các
anh về’”
“Tôi sẽ về đòi lại quê
hương đã mất.
Tôi sẽ về cùng em lau khô
hàng nước mắt
Tôi sẽ mời em dạo chơi
phố xá tươi vui
những con đường tình
trường xưa công viên tràn nắng mới.
Tôi sẽ về qùy bên thánh
giá bao dung
Tôi sẽ nguyện cầu cho
tình yêu và cuộc sống
Đem tiếng khóc cười dâng
đời khúc hát say mê
Cám ơn Sài Gòn, tôi sẽ
trở về”.
Anh Trác lập lại điệp
khúc một lần nữa rồi kết thúc bằng CODA.
Ca từ của bản nhạc đơn
giản, dễ hiểu và dễ cảm. Đơn giản nhưng vẫn đủ đẹp để chuyển tải tâm sự của tác
giả. Có điều tâm sự của tác giả thì, do đối diện trực tiếp với cảnh đời, nên
rất thật, và dĩ nhiên, cảm xúc cũng rất thật. Đặc biệt, sức gợi của câu ca từ
(cũng là cái tựa của bản nhạc) - Sài Gòn Chi Vui Khi Các Anh Về - thật ghê
gớm:
Không cần tranh luận
ai chính nghĩa, ai phi nghĩa, không cần những tĩnh từ, trạng từ xấu xa để mô tả
thái độ, cách cư xử của những người cộng sản đối với người dân miền nam. Chỉ
cần một câu ngắn gọn “Sài Gòn Chỉ Vui Khi Các Anh Về” là đủ. Những gì còn lại sẽ
được hiểu ngầm, sẽ tự động thấm vào hồn người thưởng thức.
Từ một góc nhỏ ở tầng
trên của căn lán (nhà tập thể) khá lớn trong trại Z30D tiếng hát anh Trác - có
tiếng đàn Ghi-ta nho nhỏ phụ họa - đã trôi thẳng vào tâm hồn hai người tù trẻ
tuổi. Giọng anh Trác ấm quá, luyến láy điêu luyện quá, ca từ lại hợp cảnh hợp
tình nên một số bạn tù khác đang nằm thư giãn gần đấy cũng ngồi dậy lắng
nghe. Riêng tôi, nghe hết CODA:
“Sài Gòn mến yêu! Người
Tình dấu yêu! Tôi sẽ … trở … về”
lúc giọng anh Trác vẫn
còn ngân vang, đưa tay lên vuốt mặt thì không biết nước mắt đã ướt mi từ lúc
nào.
Anh em nói chuyện một
lúc nữa thì có tiếng lao xao chuẩn bị lãnh cơm trưa (Chủ Nhật không đi lao động
nên trại phát cơm trưa sớm). Anh Trác nhoài người ra cầu thang và trước khi vịn
tay vào móc sắt vừa trèo vừa đu xuống tầng dưới để bước xuống nền nhà còn nói
với một câu giã từ đầy hứa hẹn:
Khi nào “gầy được
sòng” cứ hú tôi. Cái gì chứ văn nghệ thì tôi không từ chối.”
Buổi “văn nghệ bỏ túi”
kế tiếp chưa thực hiện được thì tôi đã bị nhốt xà lim và sau đó bị giải về A 20
Xuân Phước. Anh Trác và Vũ Mạnh Dũng cũng có mặt trong đoàn tù này.
Anh Trác Hát Ở A20
Từ Z30D chuyển đến A20
được vài ngày, vào một buổi chiều se se lạnh (chúng tôi còn đang học nội quy,
chưa bị đi lao động) chợt có tiếng hát nơi phòng ăn. Tôi đến nơi thì thấy Rene’
Hanh và Toàn (rỗ), cựu sĩ quan trẻ, người đàn, người hát bài "Lá Đỏ"
(nhạc bộ đội Trường Sơn). Rene’ Hanh hát khá hay. Giọng ấm, phát âm rõ ràng, ăn
nhịp. Bài hát chấm dứt. Một số anh em thưởng ngoạn vỗ tay. Toàn cao hứng tiếp
tục với bài "Tình Đất Đỏ Miền Đông" của Trần Long Ẩn.
Khi Toàn hát xong tôi
bấm Vũ Mạnh Dũng định chiếm sân khấu làm một phùa văn nghệ “phe ta” thì đã thấy
anh Trác bước tới cầm đàn. Người ca sĩ được rất nhiều người ưa thích ở miền
nam, không một lời giới thiệu, dạo đàn và cất tiếng hát. Giọng anh còn rất ngọt
với bài Lời Nguyện Trong Tù do chính anh sáng tác. Mọi người lắng nghe say
sưa. Bài hát vừa hết thì Toàn kéo René Hanh đi và nói khá lớn tiếng:
“Mình đi thôi. Anh ấy
hát nhạc không đúng chính sách”.
Đụng vào chỗ nhột,
những người khác cũng bỏ đi. Và âm mưu “gầy sòng” của tôi thất bại.
Nhưng trong không khí
“ngột ngạt, khó thở” của A20 (tên gọi khác là Trại Trừng Giới) – nơi tập trung
những thành phần “cứng đầu, khó bảo” từ các trại khác dồn về - mà dám hát một
bản nhạc “không đúng chính sách” như anh Trác thì nếu độ lớn của lá gan không ở
mức “đáng nể” thì “cơn hứng của nghệ sĩ” cũng cao ngất để có thể phủ mờ nỗi lo
lắng, sợ sệt của lý trí.
Dù ở vào trường hợp
nào đi nữa đám tù trẻ chúng tôi đều nhìn anh với đôi mắt kính trọng và cảm
phục
Nhân Cách Của Một Nghệ Sĩ
Ở A20 vào thời điểm
đó, có chân trong đội văn nghệ, cơ hội sống sót để trở về với gia đình – so với
các anh em khác (trừ đội nhà bếp) – có thể nói là cao hơn rất nhiều. Ở các đội
khác mọi người phải dầm mưa dãi nắng, cuốc đất, gieo trồng, khuân vác nặng nhọc
suốt 8 tiếng mỗi ngày, ăn uống thiếu thốn, kham khổ, thân xác héo mòn. Còn ở
đội văn nghệ chỉ hát hỏng khoảng 3 tiếng trong hội trường mát mẻ rồi thì tự do
đi tìm rau hoang cỏ dại, nấu canh nóng sốt để bữa ăn có thêm chất bổ
dưỡng.
Vì thế, nhiều người
bon chen, cậy cục để có một chỗ “ngồi mát ăn bát vàng”.
Là một ca sĩ nổi danh
như anh Trác, làm sao tránh khỏi đôi mắt và đôi tai “tinh quái” của tay cán bộ
giáo dục (tên Hanh). Nội tình việc giới thiệu, đề cử (hay bắt buộc) anh vào đội
văn nghệ xảy ra như thế nào thì tôi không rõ. Nhưng anh đã vào đội văn nghệ và
đã có một số ngày lên hội trường tập tành với mọi người trong đội. Điều này thì
ai cũng biết.
Riêng tôi, một hôm
trên đường ra bãi tập họp chờ đi lao động, thấy đội văn nghệ cũng hàng lớp lên
hội trường tập dợt, không nhớ ai đó đã chỉ anh Trác vừa cười vừa nói:
“Nhìn ca sĩ Duy Trác
kìa! Lên hội trường ca hát mà mặt thểu não cứ như là đi đưa đám ma ấy”.
Tôi đưa mắt nhìn về
hướng anh đi và lặng yên thông cảm.
Thế rồi mấy ngày sau tôi
được lệnh không đi lao động để ở nhà “làm việc” với cán bộ Tri an ninh. Chờ hơn
một tiếng thì thấy anh Trác trên đường từ hội trường về nhà 3 (cùng nhà với
tôi), mặt mày tươi vui và vừa đi vừa nhảy chân sáo. Đi qua chỗ tôi anh cười
cười nói nhỏ:
“Bị đuổi rồi. Hát sai
nhịp.”
Tôi phì cười. Mừng cho
anh. Nhưng rồi lại ái ngại cho anh. Và sau cùng thì hết lòng nể phục anh.
Với vóc người nhỏ con
yếu đuối như thế, may mắn được vào chỗ mát mẻ, nhàn hạ, thỉnh thoảng được tặng
thêm miếng cháy, kiếm thêm lá rau dại, cơ hội sống còn để trở về với vợ con
nhiều hơn, lại vùng vằng không chịu, chấp nhận ra đội nắng, dầm mưa, chịu đói.
Để được cái gì? Để khỏi phải hát những lời không hợp với lòng
mình.
Với tôi, dám làm điều
đó, anh đã biểu lộ một nhân cách rất cao đẹp của người Nghệ Sĩ.
Hai Món Quà Tết Quý Giá
Sáng mồng 1 Tết năm
Nhâm Tuất (1982) tôi đang ngồi nhâm nhi mấy lát khoai mì H34 thì Ngọc Đen và
Hải Bầu chạy vào, mặt vô cùng phấn khích. Ngọc lên tiếng: “Ở trại giờ vắng hoe,
chỉ còn 1 thằng võ trang ở tít cổng ngoài; chắc tụi nó tụ họp ăn nhậu ở khu trung
tâm. Mày tính sao?”
Tôi vẫn chưa hiểu ý
Ngọc Đen nên hỏi lại: “Tính cái gì?”
Hải Bầu chêm vào: “Tụi
tui tính nói với ông (tôi không thân với Hải nên vẫn gọi nhau là ông, xưng tôi)
nhân dịp này làm một buổi văn nghệ long trời lở đất, không phải e dè gì nữa,
chơi tới bến luôn”
……………..
Tôi hỏi: “Chơi ở đâu?
Và bao giờ chơi?”
“Nhà 3 mình.” Ngọc Đen
trả lời ngay không cần suy nghĩ.
“Tụi tao tính một
tiếng nữa sẽ bắt đầu. Làm sao phải xong trước giờ lãnh cơm trưa.”
Như vậy tôi chỉ có một
tiếng đồng hồ để soạn một chương trình văn nghệ “tới bến”. Nhưng là tay chuyên
“gầy sòng” ở các trại cũ nên tôi cũng không nao núng. Những tiết mục khác của
chương trình thì đã có sẵn trong đầu. Tuy nhiên, nghĩ đến 2 bản nhạc của anh
Trác thì chợt nhớ ra là “Người đã về rồi” nên tôi hơi bối rối.
Trong trại có Vũ Trọng
Khải và Hải Bầu hát 2 bài này “có nét” nhất. Anh Khải giọng ấm hơn nên tôi đã
nghiêng về phía ông Đại Úy cảnh sát. Hơn nữa, Hải Bầu đã rất nhuyễn bản Tình
Yêu Từ Thung Lũng Khổ Sai của Trần Đức Long nên tôi cũng đỡ áy náy khi dành cả
2 bản nhạc của anh Trác cho Vũ Trọng Khải. Vả lại thời gian gấp rút quá nên tôi
đã tự quyết định chứ không bàn bạc với anh em.
(Những Tiếng Hát Bừng
Sáng A20) http://www.saimonthidan.com/?c=article&p=21513
Rất may, trong 5 buổi
văn nghệ của 3 ngày Tết năm đó – sau này được anh em truyền tụng là Những Tiếng Hát Bừng Sáng A20 - Vũ Trọng Khải đã thể hiện rất thành công
tâm tình của anh Trác trong Lời Nguyện Trong Tù và Sài Gòn Chỉ Vui Khi Các Anh
Về.
Có người đã phát biểu
“AnhTrác về mà còn để lại cho anh em hai món quà Tết thật quý giá” (Xin đọc Vũ
Trọng Khải thể hiện hai bản nhạc của anh Trác theo link đã dẫn ở phần trên).
Buổi Văn Nghệ Dở
Dang
Trong lúc chạy hàng
cho bà chị họ con ông bác ở quận 8, bán vải ở chợ An Đông tôi có quen một chị
cũng có sạp vải (rất khá giả), thích văn nghệ và cũng mê giọng ca Duy Trác.
Nghe tôi kể về tính nghệ sĩ của anh, chị nhờ tôi mời anh về nhà để làm một chầu
văn nghệ bỏ túi. Tôi đề nghị thì anh vui vẻ nhận lời ngay.
Anh bảo tôi: “Ông
chuẩn bị sẵn cây đàn. Tôi hát, còn ông vừa hát vừa đọc thơ là có thể ‘bao dàn’
một chương trình kha khá”.
Thế là vào tối Thứ Bảy
trong tuần lễ đầu tháng 3 năm 1984 tôi với anh mỗi người một chiếc xe đạp từ
cuối đường Lý Thái Tổ (Ngã 7 Cộng Hòa) nhắm hướng Cầu Chữ Y thẳng tiến.
Đến nơi, tôi và anh
Trác được chị tiếp đón vui vẻ và đưa lên một căn phòng rộng ở trên lầu. Cây đàn
Ghi-ta đã để sẵn cạnh chiếc ghế ở vị trí trung tâm. Chỉ vài phút sau là khán
giả bước vào tấp nập. Vì lý do an ninh nên không có màn giới thiệu “nghệ sĩ trình
diễn” và cũng không có MC dẫn chương trình.
Khán giả vào chỗ ngồi
thì anh Trác dạo đàn để không khí thêm chút tươi vui. Khi mọi người yên vị thì
anh cất tiếng hát. Bản nhạc MỜI TÔI BẠN NHÉ sẽ làm nóng chương trình.
MỜI TÔI BẠN NHÉ
Này bạn mời tôi ca tôi sẽ
ca ngay
Dù giọng khàn môi khô tôi
hát say sưa
Này bạn bảo tôi vui tôi
sẽ vui liền
Dù buồn phiền quanh đây
bao nhiêu năm tháng
Này bạn mời đi xa đã thấy
mê tơi
Vì từ nhiều năm qua vẫn
cứ loay hoay
Lòng cầu được bình yên
sao vẫn rối bời
Giờ ngồi thuyền ra
khơi“sướng như Thiên Đàng”.
ĐK:
Niềm vui ở đây đâu chỉ
riêng tôi
Mà là niềm vui tất cả mọi
người
Niềm đau ở đây đâu phải
riêng ai
Mà là niềm đau khắp cả
mọi miền.
Này bạn bảo tôi điên tôi
thấy vui vui
Vì cuộc đời quanh đây ai
đã không điên
Nhiều chuyện kể vui tai
nghe rất đau lòng
Chuyện kẻ ở người đi nghe
sao không chán
(Tôi quên mất một
phiên khúc)
Được nghe một ca sĩ
lừng danh hát bản nhạc vừa vui nhộn vừa có chút “nỗi niềm riêng tư” hợp với
lòng mình nên khán giả ai cũng mặt mày rạng rỡ, phấn khích. Thấy vậy, anh Trác
hát lại cả bài và kết thúc ở Điệp Khúc (Đoạn màu xanh).
Khán giả vỗ tay rất nồng
nhiệt. Có người còn la to “Hết sẩy”, “Quá độc”. Tôi vội đưa ngón tay lên miệng
và thì thầm hai tiếng “Nho nhỏ”.
Có thêm vài khách nữa
mới đến nên mọi người chen nhau ngồi lấn lên phía trước để gần ca sĩ hơn. Không
khí thật vui nhộn, hào hứng.
Anh Trác liếc nhìn tôi
có ý dò hỏi. Tôi nhẹ nhàng hất hàm nhép miệng (nói thầm không ra tiếng): “Anh
hát tiếp đi”.
Chờ cho những lời ngợi
khen, bàn tán của khán giả lắng dịu anh dạo đàn và hát bài Ở LẠI:
Ở lại để thấy người ra đi
rất nhiều
Ở lại để nghe những hận
hờn vọng mãi đêm thâu
Ở lại để thấy những đổi
thay trên nét mặt người
Ôi nếp nhăn nào tựa vết
roi
Ở lại để thấy đường đi
không lối về
……………..
(Phần còn lại của bài
hát tôi đã quên)
Bài hát nói đến hoàn
cảnh xã hội thay đổi (theo hướng xấu) mà người dân miền nam – không vượt biên
được, phải ở lại - đang căng mình chịu đựng.
Khán giả lại vỗ tay
vang dội. Anh đưa mắt nhìn tôi rồi định chuyển đàn Ghi-ta qua nhưng tôi xua tay
từ chối. Bởi “tranh tài với anh trong lời ca tiếng hát” lúc ấy thì chỉ có thua
thiệt. Tôi chọn lối chơi khác - sử dụng “chiêu độc” của mình là đọc thơ.
Và tôi hắng giọng rồi
nói với mọi người là sẽ đọc một bài thơ tình: SÀI GÒN MỘT CHIỀU EM LỖI HẸN
Bài thơ này là “hậu quả”
của một hiểu lầm. Tôi với Nàng hẹn nhau ở công viên Tao Đàn nhưng tôi lại đãng
trí ra quán nước quen ở gần chợ Bến Thành ngồi chờ. Dĩ nhiên, Nàng không đến.
Không gặp “người thương” nên buồn bã nổi hứng viết mấy vần thơ trách móc.
Nhưng trong cái không
khí của buổi văn nghệ hôm ấy khán giả có ý chỉ mong “tiết mục phụ” của tôi
chóng qua để được tiếp tục nghe anh Trác hát nên tôi “biết thân, biết phận” bỏ
cái phần “giải thích dài dòng” (chữ xanh) đó để đi thẳng vào bài thơ.
SÀI GÒN MỘT CHIỀU EM LỖI
HẸN
Sao em nỡ tiếc anh
một chiều hò hẹn
khi chúng mình đã nguyện
cho nhau hết cả những
ngày xuân?
Trời chiều nay trong xanh
lang thang ngoài phố
anh nghe lòng mình
ngập tràn thương
nhớ
Đây quán nước hôm nào hai
đứa
ngồi bên nhau
nhìn ly kem óng ánh mấy
màu
sao em nói “Em yêu chỉ
mình anh thôi” nhỉ?
Gió thổi tóc anh bay nhè
nhẹ
như chiều nào đứng đợi
trước công viên
Ồ kia rồi! Vóc dáng thân
quen
em như nàng tiên
mỗi lần đến mang một niềm
vui mới
Còn nhớ không?
Có lần anh lấn tới
cũng một buổi chiều em vẽ
một lằn ranh
“Đây là biên giới!
Đừng bao giờ vượt quá
nghe anh”
Đường chiều dập dìu áo đỏ
áo xanh
chẳng áo nào đẹp bằng
chiếc áo em thường mặc
hàng nghìn khuôn mặt
chẳng ai duyên dáng bằng
người anh yêu
Tình đôi ta đẹp quá những
buổi chiều
dù trời mưa hay nắng
cả Sài Gòn chiều nay im
vắng
chỉ vì bên anh
thiếu buớc chân em.
Cũng may, bài thơ tình tứ
ướt át nên cũng được khá nhiều tiếng vỗ tay tán thưởng. Tuy nhiên, ngay sau đó
mọi ánh mắt của khán giả đều đổ dồn về phía anh Trác. Anh mỉm cười cầm đàn dạo
nhạc và hát bản ÁO
DÀI.
ÁO DÀI
Ngày nào mới mặc áo dài
Tay em run quá chẳng cài
nổi khuy
Chuyện giờ kể có khác đi
Run run anh cởi hết khuy
em cài
Ngày nào mới thở hương
người
Em say ngây ngất rụng rời
ngón tay
Chuyện giờ kể có khác đi
Tay em buông thõng mỗi
khi nhớ người
Ngày nào anh cũng làm thơ
Dù em là chiếc gương mờ
đã lâu
Trước khi đi ngủ, chải
đầu
Ðể trong giấc mộng gặp
nhau đàng hoàng
Ngày nào mắt ngọc xanh
tình
Ðêm khuya anh nhớ dịu
hiền mắt em
Chuyện giờ kể có khác đi
Mi xanh mắt ngọc bút chì
tô quanh
Ngày nào mới mặc áo dài
Trông gương soi bóng tự
cài lấy khuy
Chuyện giờ kể có khác đi
Không đem bán áo lấy
gì nuôi nhau
Hai câu cuối của bản
nhạc còn có chút “hoàn cảnh xã hội”. Vào thời điểm đó cuộc sống của dân miền
nam thiếu thốn, cơ cực quá nên bàn ghế tủ giường, tivi radio máy hát - tất tật
mọi thứ - kể cả sách quý hiếm, quần áo đẹp (kỷ niệm) đều bị lôi ra bán để kiếm
chút bỏ bụng cho đỡ đói. Có lẽ lâu lắm mới được nghe những lời hát vừa đậm
chất tình, vừa dễ thương, vừa đúng với cảnh đời (chứ không phải toàn những lời
tuyên truyền) nên khán giả sướng quá, đồng loạt vỗ tay thật lớn, thật
dài.
Khi tiếng vỗ tay nhỏ
dần thì có một giọng Bắc dõng dạc cất lên:
“Anh hát như thế là ngầm
nói xấu chế độ đấy. Hát hỏng kiểu ấy ở nhà tôi là không được đâu.”
Chị chủ nhà mặt biến
sắc vội chạy lại vừa kéo tay ông lão vào phía trong vừa vẫy tay ra hiệu cho mọi
người giải tán. Tôi và anh Trác được mọi người nhường đường rút lui trước.
Hai anh em hai chiếc xe đạp vù qua Cầu Chữ Y rồi vừa cười vừa sóng đôi đạp về
nhà anh Trác ở Ngã Bảy.
Sau này mới biết ông
lão là bố của chị chủ nhà. Chị biết thái độ, lập trường của bố mình đối với
những lời nhạc kiểu này nên đã cho người chở ông xuống bà cô ở khu Chợ Bàn Cờ
để giúp họp bàn tổ chức đám hỏi cho cháu gái (con bà cô) vào tháng sau. Không hiểu
sao ông không chờ con đến đón mà đi xe ôm về sớm, làm bể chương trình văn nghệ
đang hấp dẫn.
Hôm sau gặp ở chợ An
Đông, chị xin lỗi tôi và nhờ chuyển lời xin lỗi đến anh Trác.
Sự kiện này làm tôi
nhớ đến “câu giã từ đầy hứa hẹn” của anh sau khi cùng hát tù ca với tôi và Vũ
Mạnh Dũng ở Z30D năm nào:
Khi nào “gầy được
sòng” cứ hú tôi. Cái gì chứ văn nghệ thì tôi không từ chối.
Quả đúng như vậy. Với
văn nghệ thì anh đã “rất chịu chơi” chứ không từ chối. Không những chỉ “rất
chịu chơi” mà còn có khả năng “chơi rất đẹp” nữa.
Một Buổi Đọc Thơ Đặc
Biệt
Một hôm có việc cần
gặp anh Phạm Chí Thành (cũng là bạn anh Trác, ở ngã tư Hồng Thập Tự - Lê Văn
Duyệt) mà không thấy anh ở nhà tôi bèn đạp xe thẳng ra nhà anh Trác ở gần đấy
tìm anh. Không thấy anh Thành nhưng anh Trác đã đon đả mời tôi vào nhà.
“Sao? Chiều Thứ Bảy
tuần này có bận gì không? Tôi định rủ ông đến nhà anh Sỹ chơi. Có cả Nguyễn Hữu
Nhật ở đấy. Hai thi sĩ tha hồ mà đọc thơ”.
Anh đã bóng gió nói
chuyện này với tôi từ lâu nhưng có lẽ tuần này mới tiện dịp. Tôi trả lời:
“Hôm ấy định ra Chợ
Lớn nhận ít hàng cho bà chị, nhưng không gấp. Có chuyện vui chơi thì để hôm sau
cũng đưọc”.
Tôi đến nhà anh Trác
khoảng1 giờ trưa Thứ Bảy. Thư thả uống trà một lúc rồi hai anh em hai chiếc xe
đạp ra đường Cộng Hòa (Nguyễn Văn Cừ), qua Đại Học Khoa Học một đoạn rồi rẽ
phải. Nhà anh Sỹ ở trong một con hẻm rộng trên đường này, đường An Dương
Vương.
Đến nơi, một người
đứng tuổi, dáng vẻ trí thức, mặt phúc hậu, ra cửa đón vào. Trong nhà đã có một
người nữa đứng cạnh bàn. Anh Trác lịch thiệp giới thiệu và mọi người vui vẻ bắt
tay nhau. Người đứng tuổi là nhà văn Doãn Quốc Sỹ (sinh năm 1923), người kia
trẻ hơn là nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật (1942), chồng nhà văn Nguyễn Thị Vinh (em
gái Nguyễn Tường Tam và là thành viên trẻ tuổi nhất của Tự Lực Văn Đoàn). Bên
cạnh anh Trác (1936), tôi trẻ nhất (1952) – năm đó mới 32 cái xuân
xanh. Anh Sỹ mời mọi người ngồi và rót trà tiếp đãi rất lịch sự. Sau vài
phút thăm hỏi xã giao là phần diễn đọc thơ. Anh Nhật được coi là người nhà (thơ
của anh đã rất quen thuộc với nhóm văn nghệ sĩ quen biết anh Sỹ) nên anh Sỹ mời
anh mở đầu chương trình. Anh Nhật nhắp một hớp trà rồi bắt đầu đọc bài
thơ HOA CÚC VÀNG
HOA CÚC VÀNG
Chỗ anh đứng chờ em ra
Bây giờ thiên hạ trồng
hoa cúc vàng
Mỗi lần có dịp đi ngang
Nhớ em anh tưởng áo vàng
lụa bay
Nghĩ hoài sống mũi
cay cay
Mấy năm chẳng được một
ngày gần nhau
Hạnh phúc thường hay qua
mau
Vắng nhau thì thấy ở đâu
cũng buồn
Tự dưng thương ghế thương
bàn
Nơi em đã để cho làn
hương rơi
Anh muốn kêu lên em ơi
Nhớ gì nhớ đến chết người
như không
Tay vò hoa cúc nát lòng
Vàng phai hay ý chờ mong
nhạt dần.
(Bài thơ này đã được
anh Đinh Văn Trang phổ nhạc tại trại Thanh Cẩm vào năm 1979) (1)
Đây là tâm tình của
anh trong những tháng năm cải tạo xa cách vợ hiền. Anh Trác đã kể tôi nghe về
chuyện tình của anh Nhật với chị Vinh - chị hơn anh 18 tuổi. Ở thời điểm ấy –
Nàng ra đời trước Chàng từng ấy năm - kể cũng hơi khác thường.
Nhưng phải công nhận
tình yêu và nỗi nhớ thương của anh với người tình đậm đà, sâu sắc, lãng mạn và
rất Thơ – nghe rất khoái. Chờ một lát cho chất tình, chất lãng mạn, chất
Thơ thấm vào hồn khán giả, anh Nhật nhắp một hớp trà nữa rồi đọc tiếp 4 câu
thơ:
Một ngày không thấy mặt nhau
Đã như phát ốm phát đau
một ngày
Xa nhau đã mấy năm nay
Mình không bỏ mạng là may
lắm rồi
Như đã nói ở trên, chị
hơn anh 18 tuổi nên nghe đoạn thơ rất sâu sắc, đậm tính lãng mạn đó, anh Sỹ,
anh Trác và cả tôi đều cười thích thú.
Đến đây anh Sỹ nhìn
tôi thân thiện nói:
Nghe anh Trác kể thơ
anh Nhì được anh em trong trại cải tạo rất ưa thích. Nhân dịp này cho chúng tôi
nghe vài bài nhé.
Tôi cũng cầm ly nhấp
một hớp trà thấm giọng rồi tự giới thiệu và đọc bài thơ HẸN MỘT NGÀY MAI. Tôi
viết bài này ở phân trại E năm 1981, lúc mới bước qua tuổi 30.
HẸN MỘT NGÀY MAI
Ai chẳng muốn có một mái
nhà êm ấm
khi đã bước qua tuổi ba
mươi
một cô vợ hiền lành duyên
dáng
một hai đứa con kháu
khỉnh tươi cười
Bắt tay vào xây dựng
tương lai
trong muôn nghìn việc
chung của quê hương dân tộc
ai chẳng có một đôi
khoảnh khắc
nghĩ về những riêng
tư
Tôi còn bà mẹ già
như ngọn đèn sắp tắt
mong đứa con trai từng
giờ, từng phút
sớm trở về nhà lấy vợ, đẻ
con
Mang trong lòng một hoài
bão sắt son
“Bồi đắp vun trồng những
mầm non nước Việt”
tôi cũng muốn mai đây
trong cánh rừng tươi đẹp
có một, đôi cây mang vóc
dáng của mình
ngạo nghễ giữa trời
xanh
Nhưng hôm nay nghĩ đến
chuyện gia đình
tôi như chạm phải vết thương
nhức nhối
đất nước vẫn chìm trong
đêm tối
lũ quỷ đỏ dã man vẫn đày
đọa muôn dân
đường đấu tranh sẽ còn
lắm gian nan
mà sự nghiệp chỉ đôi
bàntay trắng
Tôi biết mình chưa thể
chu toàn bổn phận
làm chồng, làm cha khi
chí vẫn tang bồng
vẫn chưa chồn chân lội
suối băng rừng
vẫn đôi tay muốn ghì chặt
súng
trên đầu tóc vẫn đang
dựng đứng
mắt vẫn in rõ mặt quân
thù
Và trái tim
vẫn hằng đêm
nhói đau trong ngực
khi xa xa vọng về tiếng
khóc
của những bà mẹ già,
những đứa trẻ thơ
Nên dù có lời hứa đợi chờ
của cô láng giềng tôi yêu
tha thiết
dù mẹ tôi khao khát
mong cô con dâu, mong đứa
cháu gọi bà
tôi vẫn lắc đầu và mỉm
cười vu vơ
khi có người hỏi
“Sao chưa lấy vợ?”
Tôi mơ đến một khoảng
trời rộng mở
có những đoàn quân
tiến về Sài Gòn
đòi lại quê hương đã mất
và hòa trong ào ào tiếng
thét
“Tiến lên! Hãy tiến lên!”
có bóng tôi lao vút như
tên.
Vâng. Đó là tâm sự của
tôi– một thanh niên sắp “tam thập nhi lập” nhưng hoàn cảnh trớ trêu, vẫn còn
nằm trong trại cải tạo, chưa được ra đời thực hiện những ước mơ - xây dựng gia
đình, tạo lập tương lai sự nghiệp.
Tứ thơ “nhất khí liền
mạch”, âm điệu chảy thành dòng làm chỗ dựa cho cảm xúc cùng những mảnh tâm sự
bám theo đi vào tâm hồn những người yêu thơ. Anh Sỹ đang gật gù như muốn nhờ
năng lượng từ sự chuyển động của cái đầu đưa cảm xúc thấm sâu vào tâm
hồn.
Không khí lặng đi một
lúclâu.
Rồi anh Sỹ ngẩng đầu
lên nhìn tôi nhẹ nhàng “ra lệnh”:
Một bài nữa đi anh
Nhì.
Tôi dùng vài phút kể
lể sự tình:
Sau khi bị đánh đập
dập xương sống, bị cùm kẹp đến liệt hai chân và rối loạn cơ tròn, không kiểm
soát được đường tiểu tiện và đại tiện, tôi nằm chờ chết trong xà lim. Nhờ sự
can thiệp tận tình của hai bác sĩ tù Trần Quý Nhiếp và Trần Văn Lịch, cộng thêm
đề nghị của một phái đoàn Thanh Tra Y Tế Trung Ương, tôi được chuyển vào một
bệnh xá nhỏ ở Phân Trại B, nơi giam giữ tù hình sự.
Tôi đã sống chung với
đủ mọi loại tội phạm: Giết người, trộm cướp, hiếp dâm, lừa đảo, xì ke ma tuý
v.v. Lúc ấy ở bệnh xá có khoảng 30 bệnh nhân, toàn là tù hình sự. Chỉ mình tôi
“lạc loài”.
Rồi tôi bắt đầu đọc
bài thơ TÔI ĐÃ GẶP Ở ĐÂY
Tôi đến đây
trong một lần đi trốn
khi đang trong cuộc một
trò chơi lớn
trò chơi đấu tranh
Nhìn quanh
tôi thấy toàn thú dữ
mắt tròn xoe đổ lửa
uống máu ăn thịt lẫn nhau
trong khi bên ngoài những
lớp rào và những hào sâu
bầy quỷ sứ đứng canh ngả
nghiêng cười khoái trá
Ở đây
một nắm rau dại một con
sâu, con dế
lắm khi tàn tạ thân xác
một con người
một mẩu tàn thuốc rơi
có thể làm máu đổ
Tử thần đang mừng rỡ
bước từng bước đến gần
những con người khốn khổ
họ không có gì chống đỡ
nên chỉ biết bán rẻ nhân
cách của mình
biến thành những con vật
đê hèn
ngụp lặn trong vũng bùn
tội lỗi
May mắn thay
tôi đã gặp ở đây
ân tình đong thật đầy
của những người bạn mới
(giữa rừng cỏ dại quanh
bờ suối
lác đác một hai khóm
trúcđào)
Tôi quên sao được hương
vị ngọt ngào
của cành hoa các anh trao
giữa muôn nghìn cay đắng
đàng sau những vệt máu,
những giọt mồ hôi, những tia nhìn thù hận
là màu xanh ước mơ
những nét nhạc, những vần
thơ
khung trời quê hương,
biển tình yêu và cuồn cuộn dâng nhựa sống
tâm hồn tôi như bay cao
giữa trời gió lộng
dù xác thân vẫn trĩu nặng
gông xiềng
Tôi cũng gặp những đứa em
còn chút dáng người giữa
bầy dã thú
đói thắt ruột và roi quất
trên đầu, trên cổ
vẫn chẳng nỡ ăn thịt đồng
loại của mình (ý nói không làm Ăng - ten)
tôi ôm các em vào lòng
thủ thỉ bên tai những lời
thân ái
để các em quen dần tiếng
nói
của loài người đã quên
mất từ lâu
Tôi đã bị đẩy xuống tận
đáy vực sâu
dù đường còn rất xa, và
rất nhiều khó nhọc
vẫn cố trèo lên miệng vực
dù bọn quỷ sứ muốn biến
tôi thành súc vật
trái tim tôi vẫn ăm ắp
tình người
vẫn quay quắt nhớ người
yêu
xa tít một phương trời
và vẫn niềm tin
ở một ngày mai.
Viết cuối năm 1982 ở Bệnh
Xá Phân Trại B
Tôi cũng giải thích
một chi tiết (coi như một chú thích) cho 2 câu thơ chữ nghiêng màu đỏ để có sự thông cảm của
khán giả:
Một ngày Chủ Nhật,
được nghỉ lao động, có 2 em tù hình sự đến "cà kê dê ngỗng" kể chuyện
tôi nghe. Số là cả 2 em đều ghiền thuốc nặng, lúc đang cuốc đất, thấy tên công
an võ trang đứng gần đấy vứt cái tàn thuốc mới hút xong, cùng xông tới giành
nhau. Đứa bị dộng báng súng lên ngực, chiều tối về phòng mới ói máu; đứa bị chân
giầy đạp lên mặt, máu răng, máu miệng bê bết "giữa trận tiền". Một em
vừa cười vừa nói với tôi: "Biết là ăn đòn nhưng ghiền quá chịu không nổi
anh ơi!"
Đến đây anh Trác chen
vào lên tếng mời anh Nhật đọc thơ tình để thay đổi không khí. Anh Nhật là tay
đọc thơ chuyên nghiệp nên dù đã sẵn sàng vẫn chờ thêm khoảng một phút nữa để
thu hút sự chú ý của khán giả. Rồi anh không giới thiệu mà, thật chậm rãi,
đi thẳng vào bài thơ:
Ngày nào mới mặc áo dài
Tay em run quá chẳng cài
nổi khuy
Chuyện giờ kể có khác đi
Run run anh cởi hết khuy
em cài
……………….
À thì ra đây là bài thơ ÁO DÀI được phổ nhạc mà anh Trác đã hát trong “buổi văn nghệ dở
dang” ở Quận 8 hôm nào. Phải công nhận tình yêu của anh với người tình tình –
hơn anh đến 18 tuổi - đậm đà, sâu sắc, lãng mạn và rất Thơ – càng nghe càng
thấy khoái.
Sau đó là giờ giải lao.
Chị con dâu của nhà văn
Doãn Quốc Sỹ đem chè đậu xanh lên mời khách. Đến chỗ tôi chị đặt chén chè lên
bàn rồi nhỏ nhẹ nói: “Cháu mời chú ăn chè”. Tôi giật nẩy mình. (Chị ít ra
cũng hơn tôi vài tuổi). Tôi nhìn anh Sỹ đỏ mặt, ngượng ngùng. Nhưng nhà văn
đáng tuổi cha chú tôi đã lịch thiệp lên tiếng:
Anh Nhì à! Anh Trác là
bạn tôi. Anh là bạn anh Trác tức cũng là bạn tôi. Hơn nữa, chúng ta là nhà văn,
nhà thơ – mà nhà văn, nhà thơ thì không có tuổi. Cháu xưng hô với anh như vậy
là đúng đấy. Anh đừng ngại. (2)
Tôi bỗng nghĩ đến câu
“Trong văn chương thì ‘gừng càng già càng cay’, nhưng cũng có khi ‘tài không
đợi tuổi’”. Như vậy câu nói của anh Sỹ cũng có phần đúng của nó. Nhưng rồi
cũng có câu “Hãy kính trọng người già khi bạn còn trẻ” rất hợp với truyền thống,
lễ giáo, cách xưng hô, giao tiếp của người Việt Nam - theo tôi, cũng không nên
coi thường. Bởi vậy cách xưng hô của chị con dâu có làm tôi áy náy đôi
chút.
Tuy nhiên, “nhập gia
tùy tục”nên tôi không có ý kiến gì thêm.
Ăn chè xong, chị châm
thêm một bình trà mới và chương trình đọc thơ lại tiếp tục. Tôi và anh Nhật cứ
xen kẽ nhau trổ tài. Tôi đọc 2 bài (HOA DẠI và VÌ THẾ TÔI RA ĐI), anh Nhật đọc
tiếp 3 bài nữa. Khi tôi đọc xong bài VÌ THẾ TÔi RA ĐI thì ba vị khán giả
yêu thơ lim dim mắt, gật gù như muốn thử tìm xem có chỗ nào có thể cảm thông
với nỗi niềm tâm sự hơi lạ đời đó không. Chắc là cũng có đôi chút nên ngồi uống
trà một lát, anh Sỹ lại nhìn tôi có vẻ thúc giục.
Anh Trác khuyến khích:
“Cứ chơi thoải mái đi
ông Nhì”.
Và tôi đọc thêm bài
thơ TẬP VẼ.
Bài này tôi cũng viết
lúc đang nằm ở bệnh xá phân trại B. Một em tù hình sự có học lại có hoa
tay, vẽ đẹp nên được ưu tiên cho về đội nhà bếp để thỉnh thoảng vẽ cờ,
hoa, khẩu hiệu trang trí cho phân trại. Em mến tôi và lúc bớt việc lại đến bệnh
xá đề nghị tôi hát mấy bản nhạc vàng mà em ưa thích.
Một hôm em tâm sự là
rất buồn, rất chán khi bị bắt buộc phải vẽ những hình, khẩu hiệu mà em “không
có cảm tình”. Bài thơ ra đời trong khung cảnh ấy.
TẬP VẼ
Thuở bé thầy giáo thường
khen em
có hoa tay, vẽ nhanh, vẽ
đẹp
chỉ vài nét
là có hình người muông
thú, cỏ hoa
Thế mà mấy năm qua
em luôn bị điểm 2 môn vẽ
chăm chỉ, miệt mài tính
em vẫn thế
chứ có đâu biếng nhác,
ươn hèn
Nhớ hôm vẽ cờ búa liềm
em đã ngắm kỹ từng đường
cong nét thẳng
em cũng ướm thử từng đoạn
dài đoạn ngắn
nhưng đến hết giờ
em vẽ cũng vẫn …
sai
Đưa lưng cho thầy quất
mấy roi
em ngỡ liềm cứa thịt da
em rách
thước kẻ thầy đánh vào
tay
em tưởng búa đập xương em
dập nát
Một hôm khác
lớp em vẽ hình Lê- Nin
em hết nhìn thẳng lại
nhìn nghiêng
để ý từ chòm râu, sóng
mũi
Nhưng lạ chưa!
Lê – Nin của em vào cuối
buổi
trông cứ như đang múa
vuốt, nhe nanh
xem bài em thầy giáo giật
mình
đánh em ngã lăn giữa
lớp
Hôm vẽ Bác Hồ lòng em hồi
hộp
thầy đứng bên em chẳng
phút nào rời
thầy nhắc em Bác nhân
đứcyêu người
thầy sánh Bác với vua
Hùng dựng nước
Em cố vẽ theo lời thầy
nhưng không sao vẽ được
tay chén chè tàu tay ly
rượu Vốt- Ka
Bác Hồ của em trông gian
ác, điêu ngoa
em lại bị thêm trận đòn
tím bầm thân thể
Bản đồ nước Việt Nam
một hôm em đang vẽ
này biển, này sông, này
rừng núi, ruộng vườn
này những thành phố quê
hương
em đặt hết tâm hồn vào
trang giấy nhỏ
Thầy đứng sau lung cầm
cây cọ đỏ
bôi kín tấm bản đồ tổ quốcem
yêu
đỏ biển, đỏ sông, đỏ
những đê điều
đỏ phố, đỏ phường
đỏ hết cả núi rừng, nương
rẫy
Em bỏ ngôi trường làng ra
đi từ dạo ấy
lang thang như một khách
giang hồ
Ôi! Nhớ làm sao những lần
tập vẽ ngày xưa
Ồ! Giá trường em giờ có
thầy giáo mới
Em sẽ chạy về ngay
không để lỡ một ngày, một
buổi
ngồi vào hàng ghế ngày
xưa
thầy đang dậy những câu
hát mẹ ru
còn em háo hức chờ đến
giờ tập vẽ.
Lúc viết bài thơ này,
dù còn đang bại liệt trong trại cải tạo, tôi đã mơ đến chuyện ra đi chứ không
như ngày 29 tháng tư năm 1975:
Khi đoàn tàu chở đơn vị
tôi
chuẩn bị rời Vũng Tàu
hướng ra Đông Hải
thương cha mẹ già, đàn em
dại
tôi bước lên bờ ở lại quê
hương.
(Bờ Vẫn Quá Xa, Phạm
ĐứcNhì)
Bởi thông tin truyền
vào qua thăm nuôi cho biết “sĩ quan cải tạo” trở về nếu không nhanh chóng tìm
đường ra đi thì ở lại sẽ bị tước đoạt hết mọi cơ hội kiếm sống, sẽ chỉ là gánh
nặng cho gia đình mà thôi.
Và đây cũng là bài
cuối của chương trình. Khác mấy bài trước, bài này được 3 khán giả đón nhận
nồng nhiệt.
Trong gần 3 tiếng đồng
hồ thả hồn vào thơ, anh Nhật đọc 7 bài. Tôi đọc 5 bài. Thỉnh thoảng cũng có
những “lời bình ngắn” rất uyên bác, điệu nghệ của anh Sỹ và anh Trác. Vì
đây là bài viết về anhTrác nên tôi chỉ đưa vào 3 bài thơ của anh Nhật và 3 bài
của tôi để độc giả có thể mường tượng ra phần nào khung cảnh, không khí của
buổi đọc thơ. Mục đích chính của đoạn này là làm nổi bật vai trò “đạo diễn
ngầm” của anh Trác.
Độc giả có thể đọc cả
5 bài thơ tôi đọc tại nhà anh Sỹ theo link sau đây:
https://maybaitho.blogspot.com/2023/10/may-bai-tho-oc-o-nha-anh-doan-quoc-sy.html
Còn 4 bài khác nữa của
anh Nhật, rất tiếc lâu quá, tôi đã quên.
Anh Nhật đọc thơ rất
có duyên. Anh để ý “luyến láy” từng chữ, từng câu. Anh đọc thơ của chính mình,
lại thuộc lòng, nên dễ dàng lột tả được những chỗ ý tứ sâu sắc, “chữ tình” đằm
thắm, thiết tha. Cái thú khi nghe thơ anh Nhật là không phải “ngẫm” cũng
có thể hiểu rồi cảm được ý tứ sâu sắc, cảm xúc dạt dào đằm thắm được gói ghém
khéo léo trong những câu thơ có ngôn ngữ, hình tượng tỏa ra nét đẹp văn chương
óng mượt.
Thơ tôi dễ đọc hơn.
Bài thơ dài, nhất khí liền mạch và tôi đã thuộc như cháo nên khi đọc cứ thả hồn
theo dòng chảy của tứ thơ, dòng cảm xúc và nhờ dòng âm diệu dẫn đưa về Bến
Đỗ.
Một người đọc thơ, 3
người còn lại cũng lặng yên thả hồn vào từng chữ, từng câu. Phòng khách thì
rộng rãi, thoáng mát nhưng cũng hoàn toàn im ắng như muốn cùng hòa điệu với
những người thưởng thức thơ ca toàn tâm, toàn ý.
Trước khi chia tay anh
Sỹ dặn tôi:
“Anh Nhì nhớ cho tôi
mấy bài thơ để gởi cho các anh ấy ở bên kia nhé.”
Được một người như nhà
văn Doãn Quốc Sỹ quý trọng, yêu mến thơ của mình và bộc lộ một cách tế nhị như
thế thật là một điều vinh hạnh. Điều đó đã giúp tôi tự tin hơn, thoải mái hơn
khi phóng bút viết những bài thơ sau này.
Ra về tôi không nói gì
thêm với anh Trác nhưng lòng thầm cám ơn anh đã có công “gầy sòng” rồi cùng anh
Sỹ “đạo diễn” để tôi có một buổi đọc thơ đáng nhớ trong đời.
Tôi chưa kịp “trao
thơ” thì anh Sỹ, anh Trác và một số nhà văn, nhà thơ khác đã bị bắt trong vụ
NhữngTên Biệt Kích Cầm Bút. (Chuyển “thơ văn chống đối chế độ” từ trong nước ra
hải ngoại) (3)
Gặp Lại Nhà Văn Doãn Quốc
Sỹ
Giữa tháng 2 năm 2003
anh Trác gọi điện thoại rủ tôi đi dự văn nghệ mừng Thượng Thọ 80 của nhà văn
Doãn Quốc Sỹ. Buổi lễ được tổ chức tại một hội trường lớn ở thành phố Houston.
Anh Trác và tôi chọn hai chỗ sát lối đi ở bên trái khán đài, anh Sỹ cùng gia
đình ngồi ở phía bên kia lối đi. Chương trình văn nghệ bên cạnh “cây nhà
lá vườn” tại Houston còn có vài ca sĩ từ xa đến chung vui. Người hát nhạc vàng
trước 75, người hát nhạc mới sáng tác tại hải ngoại. Cũng có người đọc bài thơ
“Mừng Bác 80” để chúc thọ nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Không khí thật rộn ràng, vui
vẻ. Được ngày nghỉ lên khu trung tâm thành phố chơi nên tôi thả hồn vào lời ca
tiếng hát.
Bỗng MC cao giọng:
“Để thay đổi không khí chúng tôi xin giới thiệu anh Phạm Đức Nhì. Anh sẽ
đọc một bài thơ do chính anh sáng tác. Xin mời nhà thơ Phạm Đức Nhì”.
Hơi bị bất ngờ, tôi
đứng dậy nhìn anh Trác thì thấy anh cười nói: “Ông cứ lên cho bà con thưởng
thức một bài cho vui.” Thì ra anh đã “gài độ” trước.
Năm 1996, sau khi dự
lễ khai mạc kỳ đài tại Houston, nhìn lá cờ vàng 3 sọc đỏ phất phới bay trong
gió, cảm xúc dâng trào, tôi đã viết bài thơ LÁ CỜ CHÍNH NGHĨA. Thời gian đó
chưa có Facebook, nhưng chỉ qua Emails bài thơ đã được loan truyền rộng rãi
trên các diễn đàn. Lễ mừng thượng thọ nhà văn Doãn Quốc Sỹ - một người
yêu tự do, đã bị chính quyền Cộng Sản bỏ tù – mà đọc bài thơ ấy thì rất hợp
cảnh hợp tình.
Nhưng đứng trên khán
đài nhìn anh Sỹ, rồi lại nhìn anh Trác ở bên kia lối đi giữa hội trường, kỷ
niệm buổi đọc thơ 19 năm trước tại nhà anh Sỹ lại hiện về. Qua những “lời
bình ngắn” ý nhị hôm ấy, tôi biết hai anh - đặc biệt là anh Sỹ - có lòng ưu ái
với bài thơ TẬP VẼ của tôi. Thế là sau một chút lưỡng lự tôi đã quyết định đọc
“bài thơ kỷ niệm” ấy.
Bài thơ được mọi người
nhiệt tình tán thưởng, tiếng vỗ tay lớn và kéo dài rất lâu. Xuống khán đài về
chỗ ngồi, lúc qua chỗ anh Sỹ, anh đứng lên kéo tôi lại gần rồi ghé sát tai tôi
nói nhỏ:
“Tôi vẫn nhớ mấy bài
thơ anh đọc năm nào tại nhà tôi. Riêng bài Tập Vẽ bây giờ nghe lại càng thấy
thấm thía”.
Tôi chỉ biết đứng yên,
miệng lí nhí “Cám ơn anh” nhưng trong đầu lại hiện ra khuôn mặt khả ái và nụ
cười ý nhị của ca sĩ Duy
Trác.
Tiệc Giã Từ Đời Ca Hát
Một hôm chị Trác gọi
điện thoại mời vợ chồng tôi vào chiều cuối tuần (lâu quá tôi đã quên ngày
tháng) đến dự buổi tiệc họp mặt gia đình và thân hữu để anh “rửa tay gác kiếm”
– giã từ đời ca hát. Buổi tiệc khoảng hơn trăm người tại một nhà hàng (hôm đó
không tiếp khách vãng lai) nên không khí gần gũi, thân tình và ấm cúng.
Trong phần văn nghệ
tôi có dịp nghe lại bản nhạc Lời Nguyện Trong Tù (đã được đổi tên thành Giáng
Sinh Trong Ngục Tù) do con gái của anh Trác hát. Tôi để ý thấy ở đoạn:
“Xin quét hết lũ người
sống hận thù không óc không tim. Xin tiếng hát nụ cười cho mọi người được sống
bình yên”
nhóm chữ “Xin quét hết lũ người” đã được đổi thành “Xin cứu vớt những người”.
Hai chữ “sân hận” màu đỏ máu lửa ngày xưa đã được buông bỏ. Thay
vào đó là hai chữ “nhân ái” màu xanh hiền hòa mát
dịu. Tôi bỗng thấy lòng thật vui. Và mừng cho sự đổi thay trong tâm hồn anh
Trác. Ở tuổi anh, như thế sẽ nhẹ lòng hơn, thanh thản hơn để sống những năm
tháng còn lại của cuộc đời.
Tôi cũng may mắn,
có“duyên” - gặp được “cao nhân đạt đạo”, giúp cởi bỏ hận thù trong tâm khảm –
đã bắt tay kết bạn với khá nhiều “kẻ thù xưa” trong chốn văn chương và cả ngoài
đời thường. Lại gặp cái “nghiệp” bị Nàng Thơ quyến rũ, mê hoặc suốt mấy chục
năm trời đến mức đã “dại dột” bước vào lãnh địa Phê Bình – “đưa ra lời khen,
tiếng chê, cái này ‘đường mới’ cái kia ‘lối mòn’, bài thơ này đúng hướng, bài
thơ kia lạc đường”. Bởi vậy, nếu còn khư
khư ôm giữ lập trường, phân
định “địch ta” thì làm sao có
được công tâm trong việc nhận định giá trị nghệ thuật của một thi phẩm.
Vào buổi họp mặt để
anh “giã từ đời ca hát”, tôi nhận ra anh với tôi còn có thêm một điểm tương
đồng nữa: Đó là hai chữ “nhân ái” hiền hòa màu xanh mát dịu
ẩn hiện đâu đó trên mặt của anh. Còn tôi, sau nhiều năm cởi bỏ được hai chữ
“hận thù”, thỉnh thoảng soi gương thấy mặt mình cũng “hiền” hơn xưa khá nhiều.
Có điều hai chữ “nhân
ái” trên mặt anh tự nhiên hơn, rõ nét hơn, còn của
tôi, do dính líu chút “tư ý tư dục” trong chuyện thơ văn nên mờ nhạt hơn.
Kết Luận
Tôi với anh Khuất Duy
Trác, tức ca sĩ Duy Trác, tuổi đời có đến hơn 16 năm cách biệt. Học vấn, kiến
thức, địa vị trong xã hội tôi kém anh rất xa. Cung cách ứng xử văn hóa trong
giao tiếp, so với anh, tôi thấy mình còn quá “bình dân”. Xưng hô thì anh gọi tôi
là Ông, xưng Tôi, tôi gọi anh là Anh, xưng Tôi – cũng không được gần gũi
lắm.
Chúng tôi gặp nhau trong
hoàn cảnh tội tù khắc nghiệt, giống nhau ở lòng đam mê âm nhạc, thi ca. Nhờ
“Duyên” đã có cơ hội “cùng nhau vui chơi” để lại vài kỷ niệm - những kỷ niệm in
đậm tính cách, nhân cách của anh - một Nghệ Sĩ Chân Chính.
League City tháng 11/
2023
Phạm Đức Nhì
CHÚ THÍCH:
1/ https://www.diendantheky.net/2012/06/tho-nguyen-huu-nhat-hoa-cuc-vang-tho.html
2/ Sau này nhờ tâm hồn cởi mở, phong
cách phóng khoáng trong giao tiếp với bè bạn văn chương của anh Sỹ và đặc biệt
là câu “Chúng ta là nhà văn,
nhà thơ - mà nhà văn, nhà thơ thì không có tuổi” tôi đã có cái nhìn tự do hơn, khách quan hơn
đối với các nhà văn, nhà thơ và tác phẩm của họ.
Tôi đã tìm tòi, học
hỏi, nghiên cứu để tạo cho mình một nền tảng kiến thức lý luận văn học và khi
nhận xét, đánh giá một bài thơ, một tác phẩm văn chương tôi chỉ dựa trên cái
nền tảng kiến thức đó.
Kết quả là tôi đã bỏ
được một “thói xấu” trong phê bình: Coi trọng đến mức tôn thờ tác phẩm của các
“cây cổ thụ văn chương” – không dám “đụng đến” những khuyết điểm, dù sờ sờ
trước mắt, của họ - và ngược lại, coi thường đến mức bất công tác phẩm của
những văn thi sĩ còn non trẻ.
3/ Còn tôi mấy tháng sau cũng bị bắt ở Bến Lức,
Long An vì tội vượt biên. Trong khi bị “tập trung cải tạo” ở Nhơn Hoà Lập thì
được công an thành phố HCM đến “đón” về traị giam Phan Đăng Lưu, Gia Định. Lý
do: Trong thời gian ở A20, một bạn tù hỏi xin và tôi có chép bài thơ Từ Ngục Tù
Cộng Sản cho anh đem về. Ít lâu sau anh vượt biên bị bắt cùng với bài thơ và bị
xử 12 năm tù.
Anh không khai gì để
tổn hại đến tôi, nhưng một thời gian sau nữa có ăng - ten khai báo và công an
truy xét nét chữ đã tìm ra tôi. Mấy cán bộ công an bắt tôi phân tích và “bình”
bài thơ của mình suốt 6 tháng trời. Cứ đến chỗ đụng chạm đến chế độ tôi lại bị
hạch sách đủ điều. Có lần còn bị công an võ trang len lén đến tát vào mặt, đấm
vào lưng vì đã xúc phạm đến Bác Hồ.
Vũ Văn Ánh, người sáng
lập và chủ biên tờ Hợp Đoàn, sau khi kết cung đã “lên đài” nói với tôi (hét to
trực tiếp từ xà lim này qua xà lim kia):
“Chắc không đến nỗi
‘dựa cột’ (tử hình) nhưTạ Vinh đâu; nhưng lịch thì chở cả (xe) GMC cũng không
hết”.
Tuy nhiên, khi ông
Nguyễn Văn Linh lên nắm quyền với chủ trương cởi mở chính trị, những người liên
quan đến vụ Hợp Đoàn ở A20, vụ của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, ca sĩ Duy Trác … và cả
tôi đều được thả về. Tôi về sau các anh vài tháng.