Thursday, June 25, 2015

Mỹ đang muốn chống Trung Quốc, Nga, Iran mà không tốn mồ hôi



Mỹ đang muốn chống Trung Quốc, Nga, Iran mà không tốn mồ hôi
Đăng Bởi Một Thế Giới - 05:50 15-05-2015
Phe đối lập thường hay chê bai rằng tổng thống Obama là một người chỉ đủ năng lực giải quyết các vấn đề quốc nội như kinh tế của Mỹ, và thường tỏ ra nhu nhược và thiếu quyết đoán trong các vấn đề đối ngoại. Họ đã nhầm.
Có thể Barack Obama không phải là một vị tổng thống thiên về cách thức giải quyết các vấn đề quốc tế theo kiểu cứng rắn, nhưng vị tổng thống da màu này đang chứng tỏ ông biết cách làm thế nào để phát huy quan điểm về địa chính trị của cá nhân mình. 
Cái thời mà nước Mỹ nắm giữ quyền bảo vệ an ninh trên thế giới bằng việc sử dụng vũ lực ở những điểm xung đột đã qua rồi, nước Mỹ giờ đây đóng vai trò là một siêu cường đặt mục tiêu duy trì thế cân bằng trên toàn cầu hơn là can thiệp quân sự trực tiếp như trong quá khứ. Thế giới, sau hai nhiệm kỳ của Barack Obama, sẽ là một thế giới hoàn toàn khác.
Những người thường chỉ trích chính sách đối ngoại có phần thiếu quyết đoán của tổng thống Obama trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình đã không hoàn toàn sai lầm. Quá chú tâm vào giải quyết các vấn đề trong nước, như sự hồi phục nền kinh tế sau dư chấn của cuộc khủng hoảng tài chính 2007, trọng tâm chính sách đối ngoại của chính quyền Obama là tránh hướng tiếp cận theo cách có thể khiến nước Mỹ lại bị kéo vào một cuộc tranh chấp quốc tế hao người tốn của khác. 
Cũng theo quan điểm đó, Nhà Trắng chính thức rút toàn bộ lực lượng quân đội Mỹ đang đồn trú ở Iraq như một phần lớn quân đội ra khỏi Afghanistan. Những cuộc rút quân này, cùng với việc tránh can thiệp sâu vào những vấn đề xung đột quốc tế, đã đem lại cho nước Mỹ những điều kiện thuận lợi về kinh tế và chính trị để hồi phục nền kinh tế vốn lâm vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng do hai cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq cũng như cuộc khủng hoảng tài chính 2007 gây ra.
Nhưng khi mà hai nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama đã sắp kết thúc, nền kinh tế Mỹ đã bắt đầu hồi phục mạnh cũng như các vấn đề quốc nội khác đã tương đối ổn định. Thì đây là thời điểm mà Barack Obama có thể hướng đến các vấn đề đối ngoại, như một cách để lại dấu ấn lớn nhất của mình sau hai nhiệm kỳ tổng thống, đồng thời tạo thuận lợi cho ứng cử viên của đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ tới đang diễn ra. 
Thế giới và các nhà phân tích tò mò về việc, một Obama từ trước tới nay chỉ tập trung vào các vấn đề quốc nội, sẽ xử lý các vấn đề quốc tế ra sao khi mà cục diện thế giới đang ngày một phức tạp. Không xác định trước trọng tâm chính sách đối ngoại rõ rệt như một số đời tổng thống trước đó của nước Mỹ, nhưng điều mà một số nhà nghiên cứu đang gọi là “học thuyết Obama” thực sự khiến chúng ta phải quan tâm. Để hiểu rõ hơn thứ “học thuyết Obama” này, cần phải điểm lại những nét chính trong sách lược đối ngoại của Mỹ trong những năm qua.
Trọng tâm của sách lược đối ngoại của Mỹ trong những năm qua, được xem là kế thừa quan điểm đối ngoại của giai đoạn chiến tranh lạnh. Theo đó nước Mỹ đảm bảo an ninh cho các quốc gia đồng minh của mình ở mức cao nhất có thể. Bất cứ một nước đồng minh nào bị đe dọa về an ninh và quốc phòng, thì Mỹ sẽ đảm nhận vai trò ngăn chặn nguy cơ đó xảy ra, kể cả bằng việc điều động lực lượng quân đội Mỹ tham chiến. Chính sách này vẫn được duy trì, và thậm chí còn được đẩy mạnh, sau khi chiến tranh lạnh kết thúc. 
Chiến tranh lạnh kết thúc, thế giới bước vào một thời kỳ ổn định và hầu hết các quốc gia đều giải trừ dần quy mô quân sự của mình và hướng đến phát triển kinh tế. Sự sụp đổ của Liên Xô và khối Đông Âu cũng khiến cho không còn mối đe dọa chủ yếu nào với nước Mỹ trên toàn cầu. Nước Mỹ đã thực sự trở thành siêu cường duy nhất của thế giới và không một quốc gia nào dám trực tiếp thách thức người Mỹ về mặt quân sự.
Điều này dẫn tới việc hầu hết các đồng minh của Mỹ trên thế giới đều giải trừ quân bị của mình một cách triệt để. Từ các nước châu Âu trong NATO, cho tới các quốc gia Ả Rập Hồi giáo và Nhật Bản. Khi đã có sự bảo đảm an ninh của Mỹ, và trên thế giới cũng không có thế lực nào dám thách thức Mỹ, thì việc duy trì quân bị quy mô như thời chiến tranh lạnh là điều không cần thiết với các quốc gia liên minh với Mỹ. 
Chính sách này đã giữ vai trò chủ đạo trong sách lược toàn cầu của Mỹ trong suốt những năm qua kể từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc. Nhưng nó đang đứng trước khả năng xáo trộn và thay đổi rất lớn, trước cục diện mới của thế giới đang dần hình thành. Sự trỗi dậy của các cường quốc khác trên thế giới, như Trung Quốc và Nga đang khiến cho cục diện không chỉ ở các khu vực, mà cả cục diện toàn cầu cũng đang thay đổi một cách chóng mặt.
Quả thực, nếu như trong chiến tranh lạnh người Mỹ phải đối đầu với một con voi khổng lồ, là khối Đông Âu xã hội chủ nghĩa. Thì ở thời điểm hiện tại, nước Mỹ đang phải đối mặt với một đàn sư tử. Sự trỗi dậy của Nga đang khiến tình hình ở Đông Âu thay đổi đáng kể, còn sự trỗi dậy của Trung Quốc đang khiến cả châu Á dậy sóng. Sự thách thức với nước Mỹ giờ đây đã không còn chỉ đến từ lĩnh vực an ninh quốc phòng như thời chiến tranh lạnh, mà còn đến từ kinh tế và địa chính trị.
 Nga đang không giấu diếm ý định mở rộng ảnh hưởng mình ở Đông Âu như trước, còn Trung Quốc thì ráo riết tiến hành sách lược để quay trở lại địa vị thiên triều ở châu Á như trong quá khứ. Cùng lúc đó là các vấn đề xung đột ở Trung Đông, Bắc Phi và sự trỗi dậy của Hồi giáo cũng đang khiến Mỹ phải cùng lúc đối mặt với vấn đề trên khắp toàn cầu.
Vì thế, việc Mỹ tiếp tục duy trì sách lược duy trì ổn định trên khắp toàn cầu theo kiểu đơn thương độc mã trước đây đã không còn phù hợp nữa. Có vẻ như Barack Obama cũng nhận ra điều này, khi mà ông đang đặt trọng tâm cho sách lược của mình bằng việc nâng cao sức mạnh của hệ thống các đồng minh của Mỹ trên khắp thế giới. Mỹ sẽ không giữ vai trò đảm bảo an ninh quốc phòng của các đồng minh từ A đến Z theo kiểu vú em như trước nữa, thay vào đó các quốc gia này sẽ phải tự mình tăng cường khả năng đảm bảo an ninh cho chính mình, và Mỹ sẽ chỉ trợ giúp khi cần thiết. 
Để thực hiện điều này, Mỹ đang bật đèn xanh cho Nhật tái vũ trang và thậm chí là tham gia vào thị trường công nghệ quân sự toàn cầu. Ở Trung Đông, các quốc gia Ả Rập Hồi giáo cũng đang được bật đèn xanh để xây dựng một lực lượng quân sự hùng mạnh, đủ sức đối phó với những bất ổn trong khu vực như sự trỗi dậy của IS hay vấn đề Iran.
Bằng việc thay đổi trọng tâm sách lược đối ngoại của Mỹ, Barack Obama đang tạo nên cả một bước ngoặt trong cục diện địa chính trị toàn cầu. Sẽ không còn chuyện Mỹ đem quân hùng hổ đến các khu vực có xung đột, thay vào đó Mỹ đang tạo nên một sự cân bằng lực lượng ở khắp các khu vực trên thế giới. 
Ở Đông Âu, EU sẽ là đối trọng với Nga, ở Trung Đông là khối các nước Ả Rập đối trọng với Iran, còn ở châu Á Thái Bình Dương Nhật và các nước đồng minh khác của Mỹ sẽ là đối trọng với Trung Quốc. Mỹ sẽ chỉ giữ vai trò đảm bảo thế cân bằng này không bị xáo trộn, và sẽ chỉ đích thân tham gia nếu như thế cân bằng này bị đe dọa mà thôi.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Nguồn: http://motthegioi.vn/quoc-te/ho-so/my-dang-muon-chong-trung-quoc-nga-iran-ma-khong-ton-mo-hoi-188824.html



Tuesday, June 23, 2015

Thực phẩm làm từ bột dế



Thực phẩm làm từ bột dế - nguồn protein thay thế mới xuất hiện tại Mỹ
Tom Banse
18.06.2015
PORTLAND, OREGON—
Cho dù đó là món sâu bướm rán ở Tanzania hay châu chấu nướng ớt ở Mexico hay món bọ nước khổng lồ giòn tan ở Thái Lan, tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc ước tính côn trùng là một phần trong chế độ dinh dưỡng của ít nhất hai tỷ người trên khắp thế giới. Giờ đây có khoảng hơn một chục các công ty mới thành lập hy vọng những người châu Âu và Mỹ e dè sẽ có thể chấp nhận và thử những món ăn làm từ côn trùng như vậy.
Thực phẩm làm từ bột dế - nguồn protein thay thế mới xuất hiện tại Mỹ
Tên của công ty này là Cricket Flours – có nghĩa là bột dế. Nhà sáng lập và giám đốc điều hành công ty Charles Wilson nói rằng anh bắt đầu chú ý đến loại thực phẩm bổ sung protein làm từ dế từ khi anh phát hiện ra rằng anh nhạy cảm với các loại thực phẩm làm từ bơ sữa, chất bột gluten, và nhiều chất khác. Anh Wilson cho biết:

“Một trong những loại thực phẩm tôi bị dị ứng là một loại bột protein mà tôi trước đây thường dùng để tạo cơ bắp, và tôi dùng nó khi bơi và tập thể hình. Tôi đã luôn luôn dùng nó nhưng rồi nhận ra rằng tôi không nên dùng nó nữa. Vì thế tôi bắt đầu tìm kiếm những loại protein và nguyên liệu thực phẩm thay thế, rồi tôi tình cờ biết tới bột dế.”
Anh Wilson nói rằng anh nhận thấy là bột dế không chỉ là một loại thực phẩm thay thế cho loại đồ uống protein trước đó của anh. Anh cảm nhận thấy có cơ hội kinh doanh từ loại thực phẩm này. Vào thời điểm đó, anh Wilson đang theo học luật tại trường Đại học Oregon. Anh đã tới gặp một người bạn cùng trường, là anh Omar Ellis, lúc đó đang học ngành kinh doanh. Anh Ellis vẫn còn nhớ như in cuộc trò chuyện hồi năm ngoái:
“Tôi lúc đó đã hỏi Wilson vậy ý tưởng của anh là gì? Anh ấy nói ‘Tôi muốn bán bột protein làm từ dế.’ Bạn gần như có thể nghe thấy tiếng dế kêu lúc ấy bởi vì tôi đã phải hỏi lại anh ấy ‘Cái gì cơ? Thật sao? Tôi không nghĩ là mình sẽ làm được đâu, Charles ạ.’ Tôi đã dành năm nhất của mình ở trường kinh doanh chỉ để nghiên cứu thị trường. Linh cảm của tôi mách bảo là dự án sẽ thất bại một cách thảm hại.”
Nhưng anh Wilson đã thuyết phục được người bạn của mình. Anh Ellis đã trở thành người đồng sáng lập và giám đốc điều hành của công ty Cricket Flours. Và hiện giờ anh không ngừng nói về những lý do nên ăn đồ ăn chế biến từ côn trùng.
“Nó có nhiều sắt hơn rau chân vịt và nhiều canxi hơn sữa,” anh Ellis nói.
Gần đây, anh Ellis mang những sản phẩm mẫu đến hội trường của một hội nghị về bền vững ở thành phố Portland, bang Oregon.
“Tại sao lại là dế? Vì chúng rất bền vững. Để có được cùng khối lượng protein thu được từ thịt bò, chúng ta chỉ tốn 1/10 thức ăn và 1/6 lượng nước khi nuôi chúng mà thôi,” anh Ellis giới thiệu sản phẩm với những người đến xem.
Doanh nghiệp của anh Ellis và Wilson mua dế khô, xay nhuyễn khối lượng lớn từ một vài nhà bán buôn của Mỹ. Hai doanh nhân này sau đó bán lại bột dế nguyên chất trên mạng cũng như bột hương socola và một số loại bột làm bánh khác. Nếu không được dán nhãn trên bao bì thì không thể nhận ra được nguồn gốc của những loại thực phẩm này sau khi chế biến là từ côn trùng.
Tại hội nghị có hai người tham dự là cô Amy Jarvis và anh Ben Kitoko. Họ vừa thử loại bột dế được trộn lẫn với món granola có nhiều gia vị.
Cô Amy nhận xét: “Nó hơi lộn xộn một chút, rõ ràng là không hợp cho người ăn chay. Nhưng rốt cuộc thì chúng ta luôn có một vấn đề là phải tìm một loại bột protein nào đó tốt mà không bị lẫn hương vị khác vào và loại bột này lại không như thế.”
Còn anh Ben nói: “Tôi sẽ không đời nào thử món này. Nhất định là nó có thể sẽ trở thành một thứ gì đó của tương lai. Bạn không bao giờ biết được.”
Sau một thời gian tìm hiểu về bột dế, phóng viên VOA Tom Banse đã tự mình thử loại thực phẩm này. Ellis mời anh nếm một chút món granola có trộn với bột dế đặc biệt này. Phóng viên Banse nhận xét rằng phần lớn anh chỉ nhận ra mùi vị của granola chứ không có vị gì bất thường trong hỗn hợp đặc biệt đó cả. Anh Ellis cho biết:

“Khi chúng tôi nhập bột, không hề có phần râu và chân dế vì chúng đều đã được loại bỏ trước khi đem xay. Về cơ bản thì bột dế được làm từ phần ngon nhất của dế, giống như phần ức của gà vậy.”
Anh Ellis chia sẻ rằng khi ăn chúng ta không nên nghĩ là mình đang ăn dế mà nên nghĩ là mình sẽ chuẩn bị nạp rất nhiều protein vào người.
Trong khi đó, đối tác kinh doanh Charles Wilson lại mô tả dế xay nhuyễn nguyên chất có mùi vị trung tính, có thể thiên về hướng các loại hạt.
Công ty Cricket Flours là một trong hơn một chục các công ty mới khởi nghiệp (startup) hoạt động trong mảng côn trùng có thể ăn được. Những công ty khác tập trung vào lĩnh vực nuôi dế, hoặc bán các thanh năng lượng hay đồ ăn vặt làm từ bột dế. Anh Ellis nói rằng cần khoảng 5.000 con dế để cho ra nửa cân bột, và do đó bất cứ sản phẩm cuối cùng nào làm từ dế đều khá đắt
Nguồn: http://www.voatiengviet.com/content/thuc-pham-lam-tu-bot-de-nguon-protein-thay-the-moi-xuat-hien-tai-my/2827696.html

ISIS mưu đồ lập đế quốc Islam!



Hà Nhân Văn –
KHÓ KHĂN CHỒNG CHẤT CỦA MỸ
Chưa một thời nào Mỹ gặp khó khăn chồng chất như hiện nay, kể cả trong chiến tranh lạnh và cuộc chiến VN. So với Mỹ, TC yên một bề.
Từ ngày thành lập Cộng hòa ND Trung Hoa, Bắc Kinh mới chỉ trải qua cuộc chiến biên giới Thượng du VN – 1979. Hoa Kỳ liên miên! Vào lúc này, Hoa Kỳ phải đối đầu cùng một lúc 5 trận liệt (theater): 1. Ukraine. 2. Khủng bố Bắc Phi. 3. A Phú Hãn vẫn chưa đi đến đâu. Taliban vẫn mạnh, khủng bố ngay giữa thủ đô Kabul. 4. Trung Đông vẫn là một lò lửa nguyên tử! Hoa Kỳ ở trong một tình huống rất khó xử ngay giữa các đồng minh, không phải chỉ một Do Thái đối đầu với Iran mà cả khối Sunni đối đầu với Hồi giáo Shiites (hay Shia) mà Iran là trung tâm và là đại thù nghịch của các nước Sunni đồng minh của Mỹ. Saudi Arabia dẫn đầu rồi đến Ai Cập, các nước Hồi giáo giàu có như Qatar, Kuwait, Bahrain, nơi đặt tổng hành dinh của Đệ Lục hạm đội Hoa Kỳ. 5. Chưa đủ, Hoa Kỳ còn phải với tay qua Tây phi, từ vùng sa mạc Sahara đến tận Gambia. Một tướng 4 sao làm Tư lệnh lực lượng Mỹ ở Phi châu, Tây Phi vẫn bất ổn. Pháp không thể đủ sức và tài chánh để cứu các xứ cựu thuộc địa như Mali tan nát vì Hồi giáo khủng bố, vẫn phải nhờ bàn tay Mỹ. Trường hợp Libya, lật đổ được bạo chúa Kadaffi đến nay vẫn chưa ổn định. IS hay ISIS tức Nhà nước Hồi giáo lại bùng lên. Tây phương, to mồm nhất là Pháp, bỏ mặc Libya, vào lúc này vẫn như vô chính phủ, trong tay các nhóm sứ quân Hồi giáo quá khích.
CÁCH MẠNG MÙA XUÂN THẤT BẠI
Cuộc cách mạng Hoa Lài hay Mùa Xuân Ả Rập khởi đầu từ Tunisia, coi như đã thất bại lớn ngay trên xứ Tunisia. Tháng trước NT Kerry đến thăm xứ dân chủ này, TT Tunisia kêu gọi Mỹ quân viện để bảo vệ xứ sở. Cuộc cách mạng ở Ai Cập lật đổ TT Mubarak, tương đối cởi mở nhất ở Bắc Phi và Ả Rập, đảng Huynh đệ Hồi giáo xuất thân từ khủng bố đẫm máu, đại thắng trở lại chính trường, chiếm đa số quốc hội, lãnh tụ của đảng Mohamed Morsi đắc cử lần đầu tiên ở Ai Cập tổ chức bầu cử Tổng thống được tự do (July 3-2013). Huynh đệ Hồi giáo nắm trọn quyền hành, cả 3 ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp nhưng chỉ ít lâu sau lại tráo trở dùng các biện pháp dân chủ và lập pháp để mưu toan Hồi giáo hóa Ai Cập, lấy Iran làm mẫu mực chính trị. TT Morsi trở thành nhà “độc tài dân chủ” và Huynh đệ Hồi mưu toan độc đảng, Hồi giáo Sunni toàn trị.
Nhìn từ quan điểm quân sự như các ông tướng Ngũ giác đài và phía diều hâu Mỹ, TT Obama và các cố vấn của ông đã sai lầm không dấn sâu vào chiến trường Trung Đông, đặc biệt là ở Syria và Iraq. Không sử dụng quân bộ chiến thì không thể giải quyết được chiến trường ở Bắc Syria và toàn bộ Iraq. Đến ngay Iran sát nách Iraq, tận sức ủng hộ chính quyền Shiites Iraq, Iran đã không thể thắng nổi ISIS. Vũ khí mà ISIS “chặt đầu người” là sự tàn bạo dã man hơn cả Taliban, Al Qaeda và CM bạo lực Khomeini Iran trước đây. TT Obama nhất quyết không cho TQLC, Lực lượng đặc biệt và bộ binh Mỹ đổ bộ vào Iraq (như ông Bush trẻ đã làm), theo tôi tổng hợp từ một quan điểm thực tế: TT Obama đã rất đúng. Nếu QĐ Mỹ tràn vào Iraq trong tình thế hiện nay, chỉ là con thiêu thân lao vào lò lửa, đánh thuê cho Do Thái, vô hình chung đánh thuê cho Iran Shiites muốn tiêu diệt ISIS Sunni!
TỪ IRAQ ĐẾN YEMEN
Trước sức tấn công ào ạt và thắng lợi của ISIS, tuần qua Bộ trưởng Ashton Carter tuyên bố thẳng: QĐ Iraq không muốn đánh chứ không phải kế hoạch và chủ trương của Ngũ giác đài sai! Theo tôi, không phải ông Carter biện minh mà là sự thực: Chính phủ đoàn kết 3 thành phần Iraq gồm thiểu số Kurds, Sunni và Shiites. Tướng lãnh và sĩ quan Sunni không hăng hái đánh lại ISIS Sunni, nếu không muốn nói là nhiều thành phần Sunni ở ngay thủ đô Bát Đa ngưỡng mộ ISIS! Giữa Hoa Kỳ, Tây phương và Iran, Sunni vẫn chống Mỹ và Tây phương nhưng cũng thù nghịch với Shiites. Iran giữ vai trò chính yếu giúp Iraq dẹp ISIS tự đã là sự thất bại, giúp ISIS lại bùng lên to. Xe tăng, đại pháo và vũ khí cầm tay Mỹ ào ạt đổ vào Iraq cuối cùng lại là quân viện của Mỹ cho ISIS. Trong cuộc tổng tấn công của ISIS tuần qua ở Tây Bắc Baghdad lại là do xe tăng, đại pháo và đạn dược của Mỹ mới quân viện cho chính phủ Iraq! Vùng thiểu số Kurds Iraq ở miền Bắc đẩy lùi được ISIS và giữ được lãnh thổ an toàn là do chỉ được quân viện và không tập của Mỹ mà không dựa vào Iraq. Sunni và Shiites vẫn là 2 kẻ thù “không đội trời chung”.
Sai lầm từ đầu của chính phủ Bush trẻ và Cheney vẫn là quá chủ quan loại bỏ Sunni chỉ dựa vào khối đa số Shiites để diệt Saddam Hussein. Văn hóa Sunni và văn hóa Shiites là bản chất bộ lạc và cung kiếm trên mình ngựa, vẫn là văn hóa bạo lực. Nhà nước Hồi giáo ISIS là kết tinh của bạo lực Sunni và Shiites. Do vậy, nếu Hoa Kỳ đổ bộ vào Iraq cũng sẽ thất bại thê thảm như ông Bush trẻ và Cheney.
Bế tắc của Hoa Kỳ trước sau vẫn là “tiến thoái lưỡng nan”. Vào lúc này, cánh đồng dầu hỏa phía Nam đã an toàn nằm trong tay chính phủ Iraq. Cánh đồng dầu hỏa phía Bắc vẫn nằm gọn trong khu tự trị Kurds. Tạm đủ cho sự tồn tại của chính phủ Baghdad. Tuy nói rằng mở rộng họp tác với khối Sunni và Kurds nhưng phía sau vẫn là bóng hình và túi đô la của Iran. Vấn đề nan giải là ở điểm này, vẫn chưa thể xóa được thù nghịch giữa 2 hệ phái Sunni và Shiites cùng một ông Tổ sáng lập Môhamét tiên tri. Cả 2 giáo phái cùng thờ một Allah, cùng một chủ trương theo giáo luật Sharia, cùng một tập tục lấy nhiều vợ ở cùng một nhà, tối thiểu là 4 vợ (mỗi bà được ông chồng ban phát cho một đêm chăn gối chung giường. Nếu trái ý chồng, sẽ bị phạt không cho ngủ với chồng khi đến lượt). Ấy thế mà, chỉ khác giáo lãnh và nghi lễ, sắc phục (như ở Iran) đã coi nhau như “quỷ sa tăng”! Làm sao giải quyết nổi “vấn đề Iraq”! Đó là cuộc chiến “văn hóa bạo lực”, cả hai phe Sunni và Shiites. Với Hồi giáo toàn cầu và nhất là Trung Đông, Bắc Phi và Nam Âu (như Thổ Nhĩ Kỳ), Sunni là đại đa số chính yếu.
Hầu hết các nước Hồi giáo Trung Đông, Bắc Phi và Nam Âu (như Thổ Nhĩ Kỳ, Kosovo, Albania …) không dung nạp Hồi giáo Shiites Iran, từ năm 1979 đã thành quốc giáo của Iran. Thật khó có thể hiểu nhà nước Hồi giáo Shiites “độc tài dân chủ” như Iran. Ông Đạo Khameini, kế thừa ông Đạo Khomeini lãnh đạo tối cao của Iran. Ông Đạo Khameini là một đại đế thống trị, toàn trị nước Iran. Ông Đạo Khomeini, sáng lập và lãnh đạo cuộc CM Iran 1979, bản thân ông có tới 7 vợ. Về già “gần đất xa trời”, ông Đạo Khomeini lấy thêm một cô trinh nữ vị thành niên 16, 17 tuổi! Đệ tử của ông tin rằng, Allah dạy như thế, viện dẫn giáo sử, ngài Tiên tri Mahômét cũng lấy một cô vợ vào cuối đời năm em bé mới 6 tuổi, đợi năm lên 9 mới giao tình vợ chồng với nàng! Cho đến nay, Iran vẫn duy trì ném đá cho chết chỉ vì tội trai gái ôm ấp hôn hít nhau trên ghế đá công viên! Nhìn lại cuộc chém giết tướng tá, viên chức chế độ cựu hoàng Shah Iraq năm 1979-1982 còn tàn bạo hơn nhà nước ISIS “chặt đầu người”!
TẠI SAO MỸ HÒA VỚI IRAN?
Có thể nói, Iran là một Cộng hòa dân chủ độc tài tôn giáo chỉ kém CSVN và Trung Cộng. Nhân danh thượng đế Allah để thống trị dân. Từ năm 1979, nhà nước Shiites Iran có 2 hệ thống cầm quyền và 2 quân đội dưới quyền một ông Đạo Khomeini và bây giờ là Khameini: Hệ thống chính quyền và hệ thống Shiites do các ông Đạo dưới quyền Khameini lãnh đạo trực tiếp các cộng đồng Islam. Giáo đường là trung tâm sinh hoạt văn hóa, xã hội, cộng đồng, chính trị. Song song với quân đội chính qui, còn một quân đội cách mạng, đạo quân này tinh nhuệ hơn cả quân đội chính qui. QĐ cách mạng có cả máy bay, chiến hạm, hoả tiễn và tướng lãnh riêng. Ưu đãi hơn QĐ chính qui. Nếu nói về nhân quyền một cách chung chung, Iran là nước vi phạm nhân quyền hàng đầu không kém Trung Cộng! Iran là xứ Ba Tư Persia “ngàn đêm lẻ” với một nền thi ca cổ lẫy lừng tựa như thơ Đường Trung Hoa. Iran canh tân, theo đà văn minh Tây phương từ đầu thế kỷ 20, triều đại hoàng đế Shah (vị Thái tử cuối cùng hiện đang lưu vong ở Falls Church, VA, Mỹ).
Sau tiểu bang Pennsy, Hoa Kỳ, Iran là nước do Mỹ và Anh đầu tiên khám phá ra dầu hỏa. Iran ảnh hưởng sâu đậm của Anh và Mỹ, cho đến năm cuối cùng của đại đế Shah, Iran là nước quân chủ cởi mở tuy Hồi giáo Shiites vẫn là chủ thể nhưng đế chế Shah chặn không cho tôn giáo khống chế đế quyền. QĐ Iran mạnh nhất Trung Đông trước CM 1979. Thế chiến thứ II, Iran là trung tâm cung cấp nhiên liệu cho hải quân Anh, Mỹ và Đồng minh, nơi mà Tứ cường đã họp thượng đỉnh Tehran, thủ đô Iran, để phân chia vùng ảnh hưởng của Mỹ, Anh, Nga, thêm Trung Hoa QG Tưởng Giới Thạch.
Trước đây, Iran giầu, mạnh hàng đầu ở Trung Đông. Sau nhiều năm bị Âu – Mỹ cấm vận và dưới một chế độ “tôn giáo trị” độc đoán khắc nghiệt, năm 2015, Iran tụt xuống hàng nghèo ở Trung Đông với dân số 79 triệu 500 ngàn, lợi tức đầu người đồng niên là 6,070 $US, kém xa Iraq dù Iraq vẫn trong chiến tranh khủng bố, lợi tức dân Iraq là 8,230 $US, trong khi Syria bị nội chiến tàn phá, lợi tức dân Syria hiện nay là 9,660 $US. Saudi Arabia, lợi tức dân Arabia năm 2015 này là 12,510 $US, lại càng không thể so được với Do Thái, 40,620 $US. Trong khi Libya triền miên xáo trộn vì họa sứ quân Islam và khủng bố, lợi tức dân Libya vẫn là 11,180 $US.
Vậy tại sao Iran xuống dốc đến như thế? Tại sao Iran thê thảm như vậy? Tại cấm vận chăng? Chỉ một phần thôi! Iran vẫn tiếp tục bán dầu lậu cho TC! Phần chính yếu của lợi tức quốc gia Iran dùng vào kỹ nghệ quốc phòng, tối tân hóa không quân và hải quân Iran. Trước đây có vào khoảng 1,500 kỹ sư và chuyên viên TC làm việc tại các hải quân công xưởng và không lực Iran. Thậm chí, Iran chế tạo HKMH và chiến hạm giả như của Hoa Kỳ để hải quân Iran thực tập, thử bắn hỏa tiễn để tiêu diệt Hạm đội 6 Hoa Kỳ ở Bahrain và vùng vịnh Persia.
NGUYÊN TỬ IRAN
Sau nhiều năm tháng thương thảo giữa Iran, 5 nước HĐBA LHQ Anh, Pháp, Mỹ, Nga, TC, thêm Đức quốc, NT John Kerry đi về như đi chợ giữa trục Hoa Kỳ – Trung Đông, Hoa Kỳ – Thụy Sĩ và Âu châu. Nhiều lần đình hoãn, mãi đến cuối tháng 6 vừa qua, hiệp ước khung 6 nước và Iran mới chỉ là tàm tạm. Cái tàm tạm ấy cũng tựa như ông Kerry bị té gãy chân phải vào bệnh viện (nay đã tạm bình phục). Khó khăn như núi vẫn còn chồng chất trước mặt HP Obama! Ông Kerry vẫn còn vất vả về nguyên tử Iran. Tại sao, với lý do chính yếu nào khi tiểu tiết đã thông qua? Một là phía Cộng Hòa, Quốc hội Mỹ vẫn quyết chống đối, ăn thua đủ. Thứ 2, Do Thái chống “một mất một còn”.
Từ nay đến cuối năm 2016 là cơ hội vàng của cộng đồng Do Thái Mỹ với trên 6 triệu dân đoàn kết như một, với túi tiền khổng lồ trong tay. Chưa kể cộng đồng Do Thái Canada rất giàu và “giàu ngầm”, CĐ Do Thái ở Ba Tây (Brazil), CĐ Do Thái Âu châu nhất loạt chống lại Hiệp ước nguyên tử Iran mà HP Obama tiên phong húc tới. Tôi gọi là húc vì khối dân cử Cộng Hòa Mỹ xếp hàng ngang, hàng dọc chống Obama, chặn hiệp ước nguyên tử Iran. Tuy ít năm nay, kể từ khi thị trường tài chính và phố Tường (the Wall Street), N.Y., sụp đổ năm 2008, tư bản Do Thái Mỹ lảo lảo! Nhưng đang phục hồi! Này nhé, kỹ nghệ y tế, bệnh viện, dược phòng cũng trong tay Do Thái Mỹ đến 60, 70%. Bảo hiểm mọi loại, nhất là bảo hiểm y tế cũng nằm trong tay đa số tư bản Do Thái Mỹ, chưa nói đến tập thể luật sư. Những tổ hợp luật sư vào hàng đầu ở Mỹ, hơn 50% trong tay Do Thái Mỹ. Thậm chí cả Nursing Homes loại 4, 5 sao, kể cả 7 sao, cũng trong tay Do Thái Mỹ! Kể cả văn phòng kiến trúc sư và địa ốc cấp cao, Do Thái Mỹ cũng giữ ưu thế. Ngân hàng Mỹ thì ôi thôi, con cháu vua David cũng dẫn dầu! Không thể ganh với họ được.
Đầu thế kỷ 20, dân Do Thái ở Mỹ vẫn bị kỳ thị kém gì da màu. Do Thái Mỹ vươn lên được từ thập niên 1950-1960 là do họ đoàn kết một lòng với nhau. Do bị kỳ thị từ thế kỷ 19, ở đâu đâu cộng đồng Do Thái cũng qui tụ lại với nhau, kể cả dựng nhà dưỡng lão riêng cho dân Do Thái. Thứ 2, họ làm việc “như kiếp trâu cày”, chưa kể yếu tố thông minh xuất chúng. Hãy lấy cuộc đời hàn vi của chàng Do Thái Đức Henry Kissinger làm thí dụ. Từ hàn vi lầm than, Kissinger lọt vào ĐH Harvard rồi cứ lần lượt tiến lên địa vị cao chót vót “trùm” mại bản chính trị, mậu dịch quốc tế, quyền uy tột đỉnh một thời, tự tung tự tác qua mặt cả TT Nixon, ngả giá bán VNCH cho Mao – Chu năm 1972!
Ai dám liều mình chống Do Thái ở Mỹ này? Không ai chống nổi, đánh bẹp nổi sự kiên nhẫn bền bỉ, cần cù của CĐ Do Thái Mỹ. Không ai hạ nổi CĐ Do Thái ở Mỹ và Canada, họ đoàn kết trong dị biệt, khác biệt. Tả phái Do Thái chống Hữu phái Do Thái càng khủng khiếp ở Tả phái, Hữu phái Tây phương. Chính thống Do Thái đấu đá Cấp tiến Do Thái còn hơn VN ta chống Cộng đến giờ thứ 25. Nhưng chỉ cần cái rụp, vì quyền lợi chung của dân tộc và CĐ, họ khôn khéo thỏa hiệp với nhau và nhất trí đoàn kết ngay. Trong cộng đồng và nhất là trong nước Do Thái, không có chữ “uncompromise” – không thể thỏa hiệp với nhau vì mục tiêu chung, thiêng liêng và sống còn.
Vấn đề “nguyên tử Iran” là vấn đề sống còn của dân tộc Do Thái, cũng như vấn đề Biển Đông là vấn đề sống còn của dân tộc VN. Hiểu như thế, ta sẽ thông cảm tại sao Do Thái chống lại Hiệp ước nguyên tử giữa Mỹ với 5 nước và Iran. Sự thực rõ rệt là Iran có tham vọng trở thành một nước nguyên tử, tích cực thực hiện. Dồn hơn nửa phần lợi tức quốc gia cho công trình nguyên tử, một là để trấn áp các nước Hồi giáo Sunni trong vùng Trung Đông. Hai là tiêu diệt Do thái nếu có cơ hội. Ba là, đè bẹp 3 cường quốc Sunni: Saudi Arabia, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ để làm sống lại đế quốc Persia xưa. Tình báo Do Thái, kể cả tình báo Âu Mỹ hầu hết biết rõ âm mưu và chương trình nguyên tử của Iran.
Vậy tại sao HP Obama lại nhắm mắt bước qua? Obama tin rằng có thể trấn áp Iran đồng thời muốn tách Iran ra khỏi quỹ đạo Nga Sô. Nguyên tử Iran không nguy hiểm cho bằng Nhà nước Hồi giáo ISIS và khủng bố Hồi giáo như một tập thể, trong đó Hamas Palestine là một. Taliban Pakistan là một, một cái bóng vô hình vĩ đại vô định hình ở khắp nơi. Nguyên tử Iran ư? Mỹ dễ dàng kềm chế và chận đứng. Hòa hoãn với Iran, Mỹ tháo gỡ được một trái mìn nổ chậm cực kỳ nguy hiểm ở vùng Vịnh mà Mỹ có trách nhiệm bảo vệ các tiểu quốc dầu hỏa giàu có như Kuwait, Qatar, Emmirates, Bahrain. Còn như Do Thái cũng phải có một điều kiện, không lẽ mãi mãi làm đầy tớ cho Do Thái. Do Thái phải công nhận Palestine là một quốc gia. Mỹ phải trút bỏ một phần gánh nặng Do Thái. Lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ dám cứng cựa đi ngược lại ý muốn của Do Thái, nhất là CĐ Do Thái Mỹ: Đó là huyền ngọc Obama.
TẠI SAO CỨNG CỰA VỚI DO THÁI?
TT Obama, kể cả NT John Kerry, cứng cựa với Do Thái là do 2 ông để quyền lợi nước Mỹ lên trên Do Thái – American First. Nhà nước Hồi giáo ISIS mới là nguy cơ số một ở Trung Đông, Nam Âu và Phi châu? ISIS vượt xa Al Qaeda và Taliban. Y vượt cả thánh chiến quá khích, y có tham vọng thừa kế Tiên tri Môhamết: Trùm ISIS là “đại giáo chủ vô hình”. Abu Bakr al-Baghdadi, Abu đang làm một đại thừa sai của Allahm, khẩu hiệu của Abu: “Hỡi người Muslims, hãy lẹ lên, tiến về quốc gia của anh” (Rush, O Muslims, to your state!” Mà quốc gia ấy ở đâu? Đó là một đế quốc mới của Hồi giáo thời đại như Đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ thế kỷ thứ 13 bao trùm khắp Trung Đông (gồm cả Iran tức Persia), Ai Cập Bắc Phi và Nam Âu, thống trị Hungaria, Bulgaria, Rumania, Kosovo, Seribia, Albania … Georgia, chiếm trọn Crimea… Sẽ xóa bỏ Iraq, xóa bỏ Do Thái, Palestine, chỉ còn một Syria bao trùm đến Yemen và Saudi Arabia, sẽ chỉ còn một Islam, xóa bỏ cả Shiites! Abu, lãnh tụ ISIS đưa bạo lực lên tầng cao tư tưởng, y như Lênin – Staline CS: Spreading Fears, để đạt mục tiêu. Hoa Kỳ đặt ISIS cao hơn nguyên tử Iran.
Nguồn: http://www.thegioimoionline.com/?p=4469

Iran cấm phụ nữ xem bóng chuyền



Iran cấm phụ nữ xem bóng chuyền
21.06.2015
Nữ phó tổng thống Iran chỉ trích việc cấm phụ nữ xem trận đấu bóng chuyền giữa hai đội Iran và Mỹ.
Ngày thứ Sáu, Iran hạ Mỹ 3-0 với tỉ số 25-19, 29-27 và 25-20 trong loạt các trận đấu tranh vô địch của Liên đoàn Bóng chuyền Quốc tế FIVB.
Phó Tổng thống Shahindokht Molaverdi, một chính trị gia cải cách phụ tránh những vấn đề phụ nữ và gia đình của nước Cộng hòa Hồi Giáo, tuyên bố là các ủng hộ viên nữ nên được cho phép miễn trừ lệnh cấm lâu nay để vào sân vận động xem trận đấu.
Tuy nhiên vào hôm thứ Ba, bộ trưởng nội vụ Iran được trích lời nói rằng “không có quyết định mới về việc phụ nữ vào sân vận động xem các trận đấu.”
Dù có khoảng 200 vé được dành cho phụ nữ tại khu liên hợp thể thao Azadi ở Tehran, các nhân viên an ninh chung quanh sân vận động từ chối không cho phụ nữ vào xem trận đấu.
Các nữ cổ động viên bóng chuyền bị gán danh hiệu “gái điếm” và “gái hư” trên truyền thông xã hội và trên các bích chương trưng bày ở trung tâm Tehran.
Bà Molaverdi nói những nhận xét như vậy của “những người tự xưng là theo Đức Chúa Trời …và sử dụng những từ mà nhiều người kinh tởm không muốn nhắc lại, rõ ràng là phạm tội theo luật.”
Phụ nữ bị cấm không cho tham dự các sinh hoạt thể thao kể từ cuộc Cánh mạng Hồi Giáo Iran năm 1979. Tuy nhiên chính phủ của Tổng thống Hassan Rouhani đã nỗ lực nới lỏng những hạn chế này.
Nguồn: http://www.voatiengviet.com/content/iran-cam-phu-nu-xem-bong-chuyen/2830751.html