Saturday, October 12, 2019

BÀI 94: Đàn Hặc Cập Nhật - Vũ Linh


BÀI 94: Đàn Hặc Cập Nhật
Vũ Linh

Câu chuyện đàn hặc ngày một rắc rối, với cả hai phe, Hạ Viện do DC kiểm soát và Tòa Bạch Ốc của TT Trump, chẳng bên nào có vẻ chịu nhượng bộ, trái lại, cố tung mọi chiêu võ ra đánh đối thủ chí mạng.
Với cuộc bầu cử gần kề khi chỉ còn đúng một năm là tới ngày bầu cử, cả hai bên đều tố xả láng, được ăn cả ngã về không.
Cuộc chiến chỉ mới bắt đầu, chắc chắn sẽ kéo dài tới ngày bầu cử, hay nếu TT Trump tái đắc cử, sẽ kéo dài tới cuối năm 2024 không chừng.
        Dưới đây là những tin mới nhất. DĐTC sẽ tiếp tục theo dõi và cập nhật tùy theo nhu cầu.
Bên phiá Hạ Viện, bà chủ tịch Nancy Pelosi đã tự ý ra lệnh ủy ban tung ra cuộc điều tra, dĩ nhiên cùng với hàng loạt đòi hỏi điều trần. Ông Joseph Maguire, quyền giám đốc Tình Báo Quốc gia, đã là người đầu tiên, sau đó là ông Kurt Volker, cựu đặc sứ tại Ukraine, rồi tới ông Michael Atkinson, tổng thanh tra khối Tình Báo.
Dưới đây là tóm lược cuộc điều trần của ba vị này.

QUYỀN GIÁM ĐỐC TÌNH BÁO QUỐC GIA ĐIỀU TRẦN
Ông quyền GĐ Tình Báo Quốc Gia, Joseph Maguire là người đầu tiên bị tra hỏi. Ông bị tố là đã âm mưu bịt miệng người thổi còi bằng cách không chịu cho điều tra và công bố báo cáo của ông thổi còi.
Trước Hạ Viện, ông Maguire đã bác bỏ hoàn toàn những tố giác này. Ông nhắc lại việc ông đã cho phép Tổng Thanh Tra Tình Báo thông báo cho quốc hội biết là đã có một báo cáo có thể là báo cáo thổi còi, nhưng đã không thông báo cho quốc hội biết nội dung của báo cáo đó.
Ông Maguire cho biết ông đã không thông báo nội dung báo cáo của ông thổi kèn ngay, cũng như trì hoãn không báo và nộp cho quốc hội vì lý do ông không chắc báo cáo này đáp ứng tiêu chuẩn pháp lý của một báo cáo thổi còi. Ông đã phải tham khảo ý kiến các luật sư của bộ Tư Pháp và Tòa Bạch Ốc.
Theo ông, báo cáo này là của một người không trực tiếp can dự vào câu chuyện, không có bằng chứng chính mắt thấy tai nghe cuộc điện đàm và các thương thảo giữa TT Trump và TT Ukraine, mà toàn là những tin ‘nghe đồn’ qua lại từ nhiều người ẩn danh khác, không đáp ứng tiêu chuẩn pháp lý của việc ‘thổi còi’ –whistleblowing-. Việc ‘Cộng Đồng An Ninh Tình Báo’ chấp nhận loại thổi còi ‘nghe đồn’ này là thủ tục nội bộ của Cộng Đồng An Ninh, không phải là định nghiã chính thức và hợp pháp của việc thổi còi.
Ông Maguire xác nhận là ông tôn trọng quyền thổi còi và nhu cầu bảo vệ người đó, đã được ghi rõ trong luật pháp Mỹ.

ĐẶC SỨ KURT VOLKER ĐIỀU TRẦN
Cựu đặc sứ Mỹ tại Ukraine, ông Kurt Volker cũng ra điều trần trước Hạ Viện. Vì ông ta vừa từ chức nên đã có nhiều lời thì thầm ông chính là người đã ‘thổi còi’, và Hạ Viện hy vọng ông sẽ vạch trần tội lỗi của TT Trump.
Sự thật khác xa. Tuy vẫn chưa ai biết tại sao ông bất thình lình từ chức, nhưng cuộc điều trần của ông đã xác nhận những tố giác Trump toa rập với Ukraine đều là fake news.
Ông Volker khẳng định “đúng như nhiều tài liệu tôi đã cung cấp cho Hạ Viện, PTT Biden chưa khi nào là đề tài của các thảo luận giữa TT Trump và TT Ukraine trước đây… Tôi chưa khi nào hay biết, hay tham gia vào những nỗ lực ép Ukraine phải điều tra cựu PTT Biden”.
Ông Volker cho biết chính ông là người đã bày tỏ cho TT Ukraine biết ông có nhiều quan ngại về việc Ukraine bị mang tiếng dính dáng vào nhiều vụ tham nhũng, nên TT Ukraine đã yêu cầu cho ông được tiếp xúc với TT Trump. Sau đó, chính ông Volker là người đã đề nghị TT Ukraine nói chuyện với luật sư Giuliani là người thân cận của TT Trump và ông ta có thể nói chuyện với TT Trump. Không phải như TTDC và phe DC tố là TT Trump đã cử ông Giuliani qua Ukraine nhiều lần để làm áp lực với TT Ukraine.
Ông Volker cũng khẳng định chưa bao giờ ông được chỉ thị áp lực đổi chác viện trợ quân sự gì với việc điều tra PTT Biden hết.
Điều đáng ghi nhận nữa là theo ông Volker, chính quyền trước của Ukraine, đã có nhiều cố gắng can dự vào cuộc bầu cử TT Mỹ năm 2016 để ... giúp bà Hillary.
Trong tập tài liệu ông Volker nộp cho Hạ Viện, có một bức thư của một tham sự tòa đại sứ Mỹ tại Ukraine, Bill Taylor tỏ ý lo ngại việc TT Trump hoãn tháo khoán viện trợ quân sự đổi lấy cuộc điều tra về cựu PTT Biden. Nhưng cũng có thư của đại sứ Mỹ tại Liên Âu, Gordon Sondland, bác bỏ mối quan tâm này và cho rằng ông Taylor đã hoàn toàn hiểu sai ý định và chỉ thị của TT Trump.
Hạ Viện và TTDC dĩ nhiên khai thác tối đa thư của ông Taylor trong khi phớt lờ thư của ông Sondland.
Ông Sondland là người được đòi ra điều trần nhưng ông đã bị TT Trump chặn không cho ra điều trần. Không phải chỉ một mình ông Sondland mà tất cả quan chức chính quyền Trump. Ông Sondland đã lên tiếng, tỏ ý sẵn sàng điều trần để nói lên sự thật nhưng rất tiếc đã không được phép.

TỔNG THANH TRA TÌNH BÁO ĐIỀU TRẦN
Ông tổng thanh tra Tình Báo Michael Atkinson là người thứ ba bị lôi ra điều trần. Ông là người đã khai mào cuộc điều tra khi ông lên tiếng, cho biết ông thấy báo cáo thổi còi “đáng tin và có tính khẩn cấp”. Điều trần của ông Atkinson là điều trần kín nên không ai rõ đã có những trao đổi cụ thể nào.
Tuy nhiên, có một tin quan trọng ông tổng thanh tra đã cho biết.
Tổng Thanh Tra Atkinson đã tiết lộ người thổi còi là một cử tri đảng DC, có quan hệ mật thiết với một ứng cử viên tổng thống của đảng DC hiện nay. Nôm na ra, ông thổi còi không phải là CH của khối #NeverTrump, mà đích thực là một quan chức DC nằm vùng trong hệ thống ‘Nhà Nước Ngầm’, một đệ tử của một ứng cử viên tổng thống DC, dĩ nhiên là tìm mọi cách đánh phá TT Trump thôi. Có còn ai dám bênh vực anh thổi còi này là một quan chức có lương tâm và công tâm, chỉ muốn lên tiếng để bảo vệ thể chế dân chủ của Mỹ chống lạm dụng của một tổng thống ngông cuồng không?
Danh tánh anh thổi còi chưa được tiết lộ, nhưng một viên chức cao cấp làm việc lâu năm tại Hoa Thịnh Đốn chỉ có thể là ‘đệ tử’ của cựu thượng nghị sĩ và cựu phó tổng thống Biden thôi, chứ các ứng cử viên khác đều chẳng có ai là trụ trì tại Hoa Thịnh Đốn, có quan hệ mật thiết với một quan chức lớn nằm vùng trong Tòa Bạch Ốc hết. Nếu đúng như vậy thì toàn bộ câu chuyện báo cáo thổi còi và đàn hặc đều là chuyện phe đảng mánh mung bầu cử bố láo hết. Và cũng chính vì vậy mà phe DC đang cố giữ danh tánh anh thổi còi này bí mật càng lâu càng tốt.
Qua những tin được loan ra từ cả ba cuộc điều trần, chưa ai thấy TT Trump đã phạm tội gì hết. Ông Maguire chỉ hoãn việc nộp báo cáo thổi còi cho Hạ Viện vì còn chờ ý kiến của luật sư về định nghĩa chính thức của việc ‘thổi còi’ –whistleblowing, chẳng liên quan gì đến TT Trump hết. Ông Volker khẳng định không hề có chuyện trao đổi hay áp lực gì từ phiá TT Trump hết. Ông Atkinson thì không ai biết đã nói gì trong cuộc điều trần kín, nhưng ông này chỉ trả lời về tính hợp pháp hay phạm pháp của báo cáo thổi còi, chứ không biết gì về những trao đổi giữa TT Trump và TT Ukraine.
Phe DC ngỡ ngàng, cụt hứng, vì trước đó họ tin tưởng ít nhất ông Volker, là người bất thình lình từ chức, đã có lý do bất mãn nào đó, sẽ huỵch tẹt khai cả lô tội lỗi của TT Trump hay ít nhất cũng là tội lỗi của ông Rudolph Giuliani, luật sư riêng của TT Trump, là người trung gian bán chính thức giữa TT Trump và TT Zelenskiy của Ukraine. Trong khi điều trần của ông Volker lại giúp TT Trump nhiều nhất.
Hạ Viện cũng đã ra lệnh đòi phó tổng thống, ngoại trưởng, bộ trưởng Quốc Phòng, giám đốc Ngân Sách, đại sứ Mỹ tại Liên Âu, nộp cả vạn trang tài liệu và ra điều trần, cũng như đang chuẩn bị danh sách chắc có tới không ai biết mấy chục hay mấy trăm quan chức khác ra điều trần. Tất cả đã từ chối ra điều trần, ngoại trừ một người đã điều trần là bà Marie Yovanovitch, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine do TT Obama bổ nhiệm, nhưng bị TT Trump cách chức, nổi tiếng chống Trump nặng. Không cần đọc báo cũng biết bà sẽ nói gì.
Tuy nhiên, Tòa Bạch Ốc đã chính thức viết thư cho bà chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi thông báo việc Tòa Bạch Ốc sẽ không hợp tác với cuộc điều tra của Hạ Viện, và ra lệnh không viên chức nào được ra điều trần hết vì Tòa Bạch Ốc coi cuộc điều trần này như bất hợp Hiến –unconstitutional-, bất hợp pháp –illegal-, không chính danh – illegitimate-, một mánh chính trị, truy lùng phù thủy để lật đổ tổng thống. Tòa Bạch Ốc không nhìn nhận bà Pelosi có quyền tự ý đơn phương ra lệnh điều tra mà không cần toàn thể Hạ Viện biểu quyết như thông lệ và đang chuẩn bị hồ sơ kiện Hạ Viện lạm quyền.
Báo phe ta Washington Post bênh vực quyết định đơn phương của bà Pelosi với hai lý luận. Thứ nhất, không có luật nào bắt phải có cả Hạ Viện biểu quyết để mở cuộc điều tra chuẩn đàn hặc. Thứ nhì, cho dù có cả Hạ Viện biểu quyết thì phe DC vẫn thắng nhờ thế đa số của đảng này.
Lập luận của WaPo không vững gì hết.
Đúng là trong Hiến Pháp không có ghi muốn mở cuộc điều tra, phải có biểu quyết của cả Hạ Viện. Nhưng trên thực tế và theo tiền lệ, trong lịch sử Mỹ, cả ba lần Hạ Viện đàn hặc tổng thống (Andrew Johnson, Richard Nixon và Bill Clinton), cuộc điều tra đều được cả Hạ Viện biểu quyết. Nếu luật không ghi là không cần cả Hạ Viện phải biểu quyết như WaPo lý luận, thì cũng không có luật nào ghi là tổng thống bắt buộc phải hợp tác với cuộc điều tra. Do đó, việc ông bất hợp tác cũng như việc làm của bà Pelosi, chẳng có gì phạm luật.
Trong cuộc chiến này, bà Pelosi phá lệ và TT Trump cũng phá lệ.
Chuyện WaPo lý luận cho dù cả Hạ Viện biểu quyết thì cũng sẽ đi đến quyết định mở điều tra chỉ là ý kiến giả tưởng của WaPo, không phải là sự thật. Sự thật là không ai biết có bao nhiêu dân biểu DC ủng hộ ý kiến mở cuộc điều tra. Ta đừng quên theo Washington Post, có tới hơn 32 dân biểu DC đắc cử trong vùng CH kiểm soát, và thăm dò mới nhất của Politico cho thấy 83% cử tri CH chống việc đàn hặc TT Trump. Hơn 30 ông bà dân biểu này biểu quyết đàn hặc TT Trump thì bảo đảm năm tới sẽ có quyền về nhà đi câu cá làm vui.
Đảng DC hiện nay đang nắm đa số với 17 ghế. Nghĩa là chỉ cần 18 trong số 32 dân biểu trên không đồng ý là sẽ không có cuộc điều tra, và không có đàn hặc luôn. Sự thật là bà Pelosi không chắc đã có đủ đa số để mở cuộc điều tra nên nhẩy nhổm qua thủ tục ngay mà không cho phép cả Hạ Viện biểu quyết. TT Trump đã thách đố bà Pelosi dám cho cả Hạ Viện biểu quyết, nhưng dĩ nhiên là bà đã không dám nhận lời thách đố này.
Bà Pelosi không cho cả Hạ Viện biểu quyết vì không chắc chắn có đủ túc số phiếu, và quan trọng không kém, bà không muốn các dân biểu DC trong khối 32 vị nêu trên phải công khai chường mặt bỏ phiếu, có thể rất nguy hiểm cho việc tranh cử của họ năm tới. Mới đây, để trấn an những vị này, bà Pelosi đã xác nhận lại đây chỉ mới là ‘điều tra’, chưa phải là đàn hặc.
Việc để cả Hạ Viện biểu quyết hay không có ý nghĩa quan trọng khác. Nếu cả Hạ Viện biểu quyết thì phe CH và TT Trump có thể tham dự trọn vẹn vào cuộc điều tra, nghiã là cũng có quyền tham gia cuộc điều tra, nghe, chất vấn, đòi bằng chứng, và phản biện mọi nhân chứng của phe DC, và cũng có quyền đòi người ra điều trần. Tức là sẽ có một cuộc điều tra công bằng của cả hai phe. Nhưng bà Pelosi đã ra lệnh điều tra ‘một chiều’, tức là điều trần kín một chiều, không cho phép phe CH gọi nhân chứng ra điều trần, mà chỉ có nhân chứng do phe DC đòi hỏi, các luật sư của TT Trump cũng không biết chuyện gì đang được bàn, không được chất vấn, hạch hỏi gì, và ngay cả danh tánh người thổi còi cũng không được biết.
Giáo sư luật của Đại Học Harvard Alan Dershowitz cho biết các Cha Già Lập Quốc không bao giờ có ý nghĩ biến việc đàn hặc thành một công cụ chính trị một chiều để lật đổ tổng thống.
Nói về chuyện nhân chứng bị lôi ra điều trần, kẻ này có một ý nghĩ lẩn thẩn: TT Trump đang bị điều tra về tội ép Ukraine điều tra cha con cụ Biden, nghĩa là hai nhân vật chủ chốt trong vụ xì-căng-đan này không ai khác hơn là cha con cụ Biden. Vậy tại sao Hạ Viện không đòi cha con cụ Biden ra điều trần, chứng minh là họ đã không làm gì phạm pháp hay thiếu trong sạch hết nhỉ?
Tòa Bạch Ốc cũng đã công khai đòi tiết lộ danh tánh ông thổi còi và đòi TT Trump được đối chất ông này, theo đúng Tu Chánh Án thứ 6 của Hiến Pháp, theo đó bất cứ nạn nhân nào bị tố cáo phạm tội gì đều có quyền biết tên tuổi, và được đối chất trực tiếp với người tố cáo. Trong khi đó, Hạ Viện tìm mọi cách giấu lai lịch người này.
Công tố Robert Ray, người kế nhiệm công tố Kenneth Starr đã từng truy tố TT Clinton về vụ cô Monica, cho biết TT Trump có quyền hiến định để được biết danh tánh cũng như đối chất những người tố cáo ông.
Chuyện hiển nhiên là tên tuổi người này cũng như tất cả những người khác được báo cáo thổi còi nêu lên trong báo cáo, cuối cùng thì cũng sẽ phải công khai hóa, không có cách gì có thể giấu diếm lâu dài, vì không có cách nào Hạ Viện có thể đàn hặc rồi truất phế một tổng thống dựa trên những tố giác nặc danh của một hay nhiều người.
Tin mới: luật sư Mark Zaid của ông thổi còi đã cho biết ông sẽ đưa ra một ông thổi còi thứ hai, ông này đã nói chuyện với tổng thanh tra Tình Báo. Ông Zaid cũng cho biết còn nhiều ông thổi còi khác sẽ xuất hiện sau này.
Chưa ai biết những ông thổi còi này có bao nhiêu người, là những ai, có những tin bật mí nào, ... chỉ biết trong tình trạng phân hóa cùng cực của chính trị Mỹ hiện nay, kiếm ra vài ông/bà hay vài chục ông/bà thổi còi là chuyện không có gì khó khăn. Vấn đề là họ trình ra được những bằng chứng cụ thể nào, hay vẫn chỉ là những tin đồn của các ông Tám bà Tám trong khối cuồng chống Trump.
Chưa kể ông luật sư Zaid này cũng là luật sư chẳng những theo đảng DC công khai chống TT Trump, mà còn là loại luật sư nổ hơn pháo bông, còn hơn xa luật sư hiện đang ở tù Avenatti của cô đào đóng phim sex từng khoe ngủ với TT Trump cách đây cả chục năm.
Việc TT Trump ‘không hợp tác’, không cho các quan chức chính quyền ra điều trần có hậu quả nghiêm trọng vì không có ai ra điều trần thì cuộc điều tra sẽ tắc nghẽn, hạ Viện sẽ không có bằng chứng cụ thể nào hết, và không thể có chuyện đàn hặc một chiều mà không cần bằng chứng về một tội nào hết. Hạ Viện đe dọa đàn hặc vì tổng thống cản trở công lý và ‘bất tuân lệnh’ của Hạ Viện. Một lý luận mới lạ khi Hiến Pháp quy định thể chế chính trị Mỹ có ‘tam quyền’ ngang nhau, không quyền nào có thể ra lệnh cho quyền nào khác. Thế nếu như TT Trump ra lệnh cho Hạ Viện ngưng điều tra thì có được không? Nếu Hạ Viện tiếp tục điều tra thì có phải là Hạ Viện đã bất tuân lệnh tổng thống không?
Ta có thể tin rằng cuộc chiến ai phải tuân lệnh ai sẽ chỉ có thể được giải quyết bởi Tối Cao Pháp Viện, hay qua một cuộc điều đình trong hậu trường giữa bà Pelosi và TT Trump. Cho đến nay, tất cả mọi người, kể cả bà Pelosi và đảng DC, TT Trump và đảng CH, toàn thể TTDC và luôn cả các cụ vẹt tỵ nạn, chẳng ai biết tương lai cuộc điều tra sẽ đi về đâu, ai phạm pháp ai không, và tất cả mọi diễn giải đều chỉ mang tính phe phái vớ vẩn, đoán mò vô giá trị.
Tin mới cho biết TT Trump đã bổ nhiệm ông Trey Gowdy vào ban luật sư cố vấn cho ông. Ông Gowdy là dân biểu trong 8 năm từ 2011 tới 2019, đã từng làm chủ tịch Ủy Ban Giám Sát Hành Pháp –Government Oversight Committee- trong thời gian công tố Mueller điều tra về chuyện Nga can dự vào bầu cử tổng thống Mỹ, do đó, rất rành về thủ tục điều tra điều trần của Hạ Viện, cũng như mánh mung điều tra của khối DC.
Toàn bộ câu chuyện mà TTDC gọi là ‘xì-căng-đan Ukraine’ thật ra chẳng có gì là xì-căng-đan, cũng chẳng có gì mới lạ trong chính trị Mỹ. Đã có không biết bao nhiêu tiền lệ tổng thống Mỹ nhờ cậy ngoại nhân giúp đỡ trong các cuộc bầu cử, dần dà sẽ được phe bênh TT Trump khui ra, sẽ gây khó khăn không ít cho việc đàn hặc TT Trump.
Mới đây nhất, trong chương trình bình luận của anh Carlson Tucker trên đài Fox News, anh này đã công bố ghi âm một cuộc điện đàm chính thức của TT Clinton với thủ tướng Anh Tony Blair. TT Clinton yêu cầu thủ tướng Blair ‘coi lại giùm’ vài vụ tranh cãi giữa vài công ty Mỹ và Anh, có thể gây tai tiếng bất lợi cho việc tranh cử của đảng DC và tái tranh cử của TT Clinton. Trong cuộc điện đàm này, TT Clinton đã nói “Trong mùa chính trị này -tức là mùa tranh cử- sẽ là một chuyện lớn nếu vết thương nhức nhối này được giải quyết. Nếu ông có thể cho người coi lại giùm (nguyên văn: In a political season, it would be big over here to get this open sore resolved. If you could have somebody take a look at it).
Và đây là câu nói của TT Trump với TT Ukraine mà phe DC đang tố giác: “Tôi mong muốn ông giúp chúng tôi vì xứ chúng tôi đang trải qua nhiều vấn đề và Ukraine biết nhiều về những chuyện đó. Tôi mong muốn ông tìm hiểu xem chuyện gì đã xẩy ra trong toàn bộ câu chuyện với Ukraine (nguyên văn: I would like you to do us a favor though because our country has been through a lot and Ukraine knows a lot about it. I would like you to find out what happened with this whole situation with Ukraine)
Giữa hai câu “If you could have somebody take a look at it” của TT Clinton và câu “I would like you to find out what happened with this whole situation with Ukraine”, có gì khác nhau? Tại sao câu của Cinton thì chẳng có vấn đề gì, mà câu của Trump lại đáng truất phế? Cụ tỵ nạn thông thái nào hiểu rõ, xin vui lòng chỉ giáo.
Nhớ lại, TT Obama cũng đã xin Nga đừng nói chuyện hỏa tiễn vội, đợi sau khi ông tái đắc cử, ông sẽ dễ thảo luận hơn.
Cũng nhớ lại, bà Hillary trả bạc triệu để mua một hồ sơ bôi bác đối thủ Trump từ một điệp viên người Anh, mua lại từ một nguồn bí mật của Nga.
Câu hỏi cho các cụ cuồng chống Trump: như vậy có nghĩa là TT Clinton, TT Obama, và cả bà Hillary đã nhờ người nước ngoài giúp cho cuộc tranh cử của họ không nhỉ?
Thay lời kết, kẻ này xin trích lại câu của ông Hugh Hewitt, bình luận gia bảo thủ nhưng chống Trump kịch liệt của báo phe ta Washington Post: “Cuộc điều tra đàn hặc TT Trump là một thứ kangaroo court”, nghĩa là tòa án cuội.
  1.   



Vũ Linh: Tin Vắn Trong Tuần (Oct.12, 2019)


Vũ Linh: Tin Vắn Trong Tuần (Oct.12, 2019)

TT TRUMP RÚT QUÂN KHỎI SYRIA
TT Trump đã ra lệnh rút quân Mỹ đang đóng tại Syria về nước.
Dĩ nhiên tin này đã được thổi phồng lên như một bằng chứng của tính tráo trở, phản bội đồng minh của TT Trump. Những luận điệu công kích này vẫn chỉ là những luận điệu chống TT Trump đến cùng, bất kể ông làm chuyện gì hay không làm chuyện gì.
Muốn hiểu rõ vấn đề, phải đi ngược dòng lịch sử để hiểu cho rõ tại sao lại có lính Mỹ tại Syria.
Quyết định gửi lính Mỹ qua vùng bắc Syria là của TT Obama. Mục đích chính không phải là để giúp chính quyền độc tài của TT Assad của Syria, cũng chẳng phải để bảo vệ khối dân Kurds đang đánh nhau với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ để đòi tự trị. Mà là để đánh lực lượng ISIS khi đó hùng cứ, chiếm một nửa phiá bắc của Syria và của Iraq luôn. Mà cũng không phải là đánh trực tiếp, mà chỉ là giúp các tổ chức võ trang Syria đang đánh nhau với cả ISIS lẫn chính quyền Assad.
Hiện nay, Mỹ chỉ có vỏn vẹn khoảng 400 người, tất cả đều là chuyên viên kỹ thuật có trách nhiệm điều hành viện trợ quân sự của Mỹ cho các lực lượng kháng chiến chống Assad và ISIS, cũng như chuyên viên giúp định vị cho các cuộc tấn công của không lực Mỹ chống các căn cứ ISIS trong vùng, không có lính tác chiến nào hết.
Bây giờ, coi như lực lượng ISIS đã tiêu tan không còn manh giáp, lực lượng kháng chiến Syria chỉ lo đánh nhau với quân của TT Assad, cũng chẳng còn phi vụ đánh bom ISIS nữa, thì sự hiện diện của các chuyên viên Mỹ coi như thừa, nếu không muốn nói là chỉ còn mang tiếng là giúp đánh chính quyền Assad, là chuyện TT Trump không muốn trực tiếp can dự, hay muốn bảo vệ cuộc đấu tranh đòi tự trị của dân Kurds là điều TT Trump cũng không muốn can dự luôn. Trong chính sách quốc phòng và ngoại giao của TT Trump, không còn lý do chính đáng nào biện minh cho sự hiện diện của lính Mỹ tại đây nữa.
Trong vùng Trung Đông đó, đồng minh chính của Mỹ không phải là những bộ lạc Kurds đòi tự trị, cũng không phải là TT Assad hay các nhóm kháng chiến chống ông ta, mà là Thổ Nhĩ Kỳ, một nước đang trấn giữ cửa ngỏ của Nga xuống Trung Đông. Khối Kurds dĩ nhiên có đóng góp trong cuộc chiến chống ISIS của Mỹ vì vấn đề sinh tử của họ, nhưng chưa thể gọi là đồng minh theo nghĩa chiến lược địa chính trị -geopolitic strategy.
Quyết định của TT Trump bị một số chính khách CH chống (TNS Lindsey Graham) và mt số khác ủng hộ (TNS Rand Paul). Trong chính trị Mỹ, dù là đồng chí cùng đảng, không nhất thiết phải ‘trên hô dưới ứng’ như trong chế độ CS.
Một ngày sau khi TT Trump ra lệnh rút quân Mỹ về, Thổ Nhĩ Kỳ đã tung quân ra đánh vùng dân Kurds phía bắc Syria. TTDC dĩ nhiên đã đổ lỗi cho TT Trump đã rút lính về. Làm như thể 400 chuyên viên kỹ thuật Mỹ đã đủ để chặn không cho Thổ đánh Kurds vậy. Hơn nữa, tất cả những người nào có 5 phân khối óc trong đầu đều biết một cuộc hành quân của Thổ Nhĩ Kỳ tung cả ngàn quân vượt biên giới đánh Syria không thể xẩy ra trong vòng 24g sau khi TT Trump ra lệnh rút lính Mỹ về. Ít ra cuộc hành quân đó cũng đã phải được lập kế hoạch và chuẩn bị cả tháng trước.
Sự thật có lẽ TT Trump đã được Thổ thông báo sẽ đánh nên TT Trump ra lệnh rút quân để tránh tai bay vạ gió vô ích cho lính Mỹ, cũng như để tránh dính dáng vào một cuộc chiến cục bộ mới. Ta không nên quên TT Trump khi tranh cử đã hứa sẽ rút Mỹ ra khỏi các cuộc chiến Trung Đông.
Nghe TTDC hô hoán, ai cũng tưởng TT Trump rút 400.000 lính về để mở đường cho Thổ đánh Syria vậy.
Một cụ tỵ nạn cuồng chống Trump phê bình “Các vị chủ khách sạn và chủ sòng bài thường nghĩ rằng người nào làm ăn với mình chỉ nghĩ đến mối lợi cho chính họ. Việc nào có lợi thì làm, không thì bỏ”.
Cuộc rút quân ra khỏi Iraq và Afghanistan bắt đầu từ thời TT Obama. Không hiểu ông này là chủ sòng bài hay chủ khách sạn nhỉ? 
Cụ này cũng tố “nước Mỹ có duyên nợ lâu đời với dân Kurd; bỏ rơi họ thì tàn nhẫn quá!”. Thế thì khi các nghị sĩ và dân biểu của đảng DC liên tục biểu quyết bỏ rơi miền Nam VN, họ có “tàn nhẫn quá” không? Bây giờ dân tỵ nạn VN ta có nên ủng hộ cái đảng DC đó không nhỉ? Hay là vì đồng tiền già hay đồng tiền trợ cấp mà nên quên quá khứ đi chăng?
Một cụ bình loạn gia tỵ nạn khác, cũng bị bệnh DƯT nặng, đã viết bài phân tích, hay chính xác hơn, công kích quyết định của TT Trump.
Đây là vài đoạn lên án của cụ (chữ nghiêng):
-            Tổng thống Donald Trump bị công luận chỉ trích mãnh liệt.
-            Quyết định của Donald Trump bị lên án ngay trong nội bộ đảng Cộng Hoà.
Rồi cụ viết tiếp:
-            Tái đắc cử trước đã.
-            Donald Trump không có bạn, không có đồng minh mà chỉ có mặc cả và giao dịch. Thấy có lợi cho cá nhân thì ông làm.
Xin lỗi quý độc giả chứ kẻ này không biết mình có hiểu lộn hay không, nhưng hình như hai câu sau đá bể mặt hai câu trước thì phải. Nếu vì nhu cầu “tái đắc cử trước đã”, thì tại sao lại lấy một quyết định mà cả thế giới, kể cả các đồng chí CH cũng chống nhỉ? Có lợi gì cho cá nhân Trump vậy?
Trong  một tin liên hệ, TT Trump đã gửi 2.000 lính Mỹ qua Ả Rập Saoud giúp tăng cường phòng thủ xứ này, đề phòng Iran tấn công.

CẬP NHẬP BẦU CỬ
Những thăm dò mới nhất cho thấy cuộc vận động tranh cử tổng thống bên đảng DC ngày càng rõ nét, tuy không đúng như mong chờ của đa số chính khách của đảng.
Cụ Biden trước đây dẫn đầu rất xa cả khối hai tá ứng cử viên DC, bây giờ tiếp tục chìm xuồng, tuột xuống hạng nhì, trong khi bà Elizabeth Warren lẳng lặng tiến lên hạng nhất. Cụ xã nghĩa Bernie Sanders coi như tiêu tùng khi bị đột qụy.
Các ứng viên khác lè tè nối đuôi nhau ở mức 5% trở xuống.
Nôm na ra, bây giờ là cuộc đua giữa cụ ông Biden và cụ bà Warren.
Cụ Biden trong tam cá nguyệt thứ ba vừa qua, đã chỉ gây quỹ được có 15 triệu đô, thua ông Buttigieg thu được 20 triệu và hai cụ Sanders và Warren, mỗi người thu được 24 triệu. So với TT Trump thu được 125 triệu. Khả năng thu yểm trợ tài chánh sa sút đã đưa ra ánh sáng hậu thuẫn ngày càng yếu kém của cụ Biden. Câu hỏi nhiều người muốn biết câu trả lời: vụ xì-căng-đan Ukraine mà DC đang khua chiêng trống rùm beng có hại hay có lợi cho cụ Biden? Có khi nào vì thù ghét cá nhân Trump mà đảng DC sẵn sàng thí cụ Biden không nhỉ?
Nhìn chung, cụ Biden là ứng cử viên của khối đa số cấp tiến ôn hòa trong đảng cũng như của hệ thống cầm quyền của đảng DC, và của các cử tri trung và lão niên.
Trong khi đó, cụ bà Warren là ứng cử viên của khối cấp tiến cực đoan hơn, cũng là ứng cử viên của giới trẻ thiên tả quá khích, nổi loạn chống hệ thống cầm quyền cố hữu của đảng DC. Với tình trạng sức khỏe của cụ Sanders, có nhiều triển vọng cụ bà Warren sẽ thu hút gần hết phiếu của cụ Sanders và sẽ bỏ xa cụ Biden, trở thành đại diện cho đảng DC trong kỳ bầu năm tới.
Để tăng cường khí thế, bà Warren lại mới tung ra chiêu mới, hứa sẽ ra luật về tư cách đạo đức của các thẩm phán, kể cả các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện và luật đó sẽ có hiệu lực hồi tố, tức là sẽ áp dụng với tất cả các thẩm phán đang nhiệm chức. Ý của bà Warren là các thẩm phán sẽ phải bị điều tra về tư cách đạo đức trước và cả sau khi đã được bổ nhiệm. Hiển nhiên bà Warren đánh tiếng sẽ mở lại cuộc điều tra về vụ thẩm phán TCPV Kavanaugh bị tố sách nhiễu tình dục.
Bà Warren sau khi nổi lên, tất nhiên sẽ trở thành mũi nhắm của cụ Biden, của TTDC và của phe CH luôn.
Phe DC và TTDC sẽ phải đặt vấn đề bà Warren thật sự có khả năng hạ được TT Trump không, hay sẽ chỉ là một McGovern thứ hai? Thượng nghị sĩ George McGovern là ứng cử viên tổng thống cực tả của đảng DC đưa ra chống TT Nixon năm 1972. Kết quả bầu cử, ông McGovern thắng được đúng một tiểu bang trong khi ông Nixon thắng tại 49 tiểu bang.
Trong khi đó, phe CH sẽ chất vấn chi tiết tất cả các quà cáp bà Warren đã hứa hẹn, với câu hỏi hiển nhiên mà bà Warren cho tới nay vẫn loay hoay chưa trả lời được là câu hỏi “tiền đâu ra”? Tổng cộng quà cáp bà Warren hứa hẹn lên đến trên 50.000 tỷ đô trong khi ngân sách một năm của Mỹ hiện nay chỉ là khoảng 4.000 tỷ.
Tuy nhiên, chính trị Mỹ đầy bất ngờ, không ai dám quả quyết chuyện gì.
Cụ Biden dĩ nhiên sẽ chống đỡ mạnh, lo hạ bà Warren trong những năm tháng tới.
Tuy nhiên cụ Biden đang bị kẹt đạn trong vụ xì-căng-đan Ukraine. Việc đảng DC và Hạ Viện xúm lại đánh TT Trump đã đưa đến đại họa cho cụ Biden khi truyền thông thiên hữu ủng hộ TT Trump cũng như vài cơ quan của TTDC thân DC đã miễn cưỡng phải khơi lại chuyện cha con cụ Biden kinh doanh như thế nào với Ukraine và cả Trung Cộng.
Báo thiên tả của Anh, The Guardian viết bài bình luận dài, kêu gọi nên mở lại cuộc điều tra về các kinh doanh của ông con Hunter Biden tại Ukraine và Trung Cộng. [Những chuyện này đã được DĐTC bàn qua trong bài 74: Hành Trang Của Cụ Biden]
Cụ Biden hiện đang loay hoay kiếm cách gỡ rối, bằng cách hô hoán “Đây là chuyện Trump phạm pháp, không liên quan gì tới tôi hết”!
Mới đây, cụ vừa tố thêm nữa. Trong một cố gắng lái câu chuyện qua TT Trump, khỏa lấp chuyện kinh doanh mờ ám của cha con cụ, cụ đã kêu gọi đàn hặc TT Trump ngay.
Bà Kamala Harris tiếp tục bị nạn. Tin mới nhất, bà thượng nghị sĩ Diane Feinstein của Cali, dân cùng thành phố San Francisco với bà Harris đã công khai lên tiếng ủng hộ cụ Biden, khiến bà Harris mất một hậu thuẫn nặng ký nhất trong tiểu bang nhà.
Dưới đây là bảng xếp hạng hậu thuẫn của những ứng cử viên có từ 1%trở lên:
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEj0YiHouBe9xI1XegZwU7EXNW5q2THHXtEnmOaDlXjG3oaG5m7e4xFceQvgIJ-U_Gelnok3wsp7kRyixDw2TX3LQREoWKJsGauWqiWwMUjwvIlgDXKeGMtPO0iIjEFnuGRFZRXHxTdFoxQ/s400/Screen+Shot+2019-10-08+at+5.09.37+PM.png

BÀ WARREN NÓI LÁO
Bà Elizabeth Warren mắc phải cái tội ... hay nói láo. Chuyện bà tự nhận gốc dân da đỏ ai cũng biết. Bây giờ lại lòi ra thêm một chuyện nói láo khác.
Trong một cuộc vận động mới đây, bà vỗ ngực nhận đã từng là nạn nhân của nạn kỳ thị phụ nữ ... có bầu. Bà kể lại đâu hồi năm 1971, bà làm giáo sư trường trung học nào đó, có bầu, bụng phì ra nên bị sa thải vì thời đó, các trường học không thích mấy bà thầy có bầu. Ý bà muốn nói bà là một nạn nhân của nạn kỳ thị phụ nữ trước đây.
Tuy nhiên câu chuyện bà kể hoàn toàn trái ngược với cách bà kể cách đây nhiều năm. Một băng video thu năm 2007 bị lộ ra trong đó bà giải thích bà có bầu và tự ý xin nghỉ làm bà giáo để lo cho cái bầu, sau đó nghỉ làm hai năm để lo cho con mới sanh. Một tấm gương sáng của một bà mẹ, hy sinh sự nghiệp vì gia đình, vì con. Bà còn khoe khi đó trường học can gián bà và cuối cùng đành ‘rất tiếc’ chấp nhận cho bà nghỉ.
Thế thì tóm lại, câu chuyện thật sự như thế nào? Bà tự ý nghỉ hay bị sa thải?
Báo phe ta Washington Post, là báo đang cố cổ võ cho bà Warren đã có ngay ba bài viết bênh vực bà. Đại cương phe CH bảo thủ tố bà Warren nói láo, và WaPo bênh vực bà, tố ngược lại là khối này nói láo. WaPo diễn giải là sự thật cách đây nửa thế kỷ, các bà có bầu đã bị kỳ thị thật chứ không phải bà Warren phịa ra.
Xin lỗi ông WaPo, đúng là chuyện ‘ông nói gà, bà cãi vịt’! Mấy cụ bảo thủ CH chưa khi nào nói là bà Warren nói láo về chuyện kỳ thị các bà có bầu. Họ tố cáo bà Warren nói láo vì trước đây bà nói bà nghỉ làm để làm bà nội trợ gương mẫu, bỏ sự nghiệp ở nhà nuôi con, bây giờ thì bà lại nói bà là nạn nhân của việc kỳ thị mấy bà có bầu. Cùng một câu chuyện, hai lời giải thích: đó mới là cái tội nói láo của bà Warren.

ĐIỀU TRA CỦA BỘ TƯ PHÁP
Báo New York Times loan tin bộ trưởng Tư Pháp ông William Barr đã cùng với công tố đặc biệt John Durham qua Ý Đại Lợi, trong một chuyến du hành với mục đích điều tra về việc các quan chức FBI và CIA dưới thời TT Obama đã trực tiếp can thiệp vào cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 2016, với mục đích giúp bà Hillary Clinton chống ông Trump.
Như mọi người đã biết, trong thời gian đó, có nhiều chuyện mờ ám đã xẩy ra mà cho đến nay chưa ai biết rõ chuyện gì, tại sao, có ai vi phạm luật gì không. Dĩ nhiên không kể việc công tố Mueller đã bỏ hai năm ra điều tra việc ông Trump bị tố cáo có thông đồng với Nga, nhưng cuối cùng đã kết luận chẳng có thông đồng nào hết.
Nhiều chuyện khác không được điều tra, hay có điều tra nhưng không kỹ lưỡng, như chuyện bà Hillary sử dụng hệ thống emails riêng rồi tự ý xóa bỏ hơn 33.000 emails; FBI lấy tin xấu từ Nga do điệp viên Anh cung cấp để xin trát tòa FISA theo dõi ban vận động của ông Trump; hệ thống emails của Ủy Ban Quốc Gia của đảng DC bị xâm nhập và hàng vạn emails bị Wikileak công khai hóa,...
Bộ trưởng Tư Pháp William Barr đã ra lệnh điều tra nhiều chuyện, nhưng nội vụ được giữ kín nên không ai biết ông đang điều tra chính xác chuyện gì và đã khám phá ra cái gì. Chỉ biết đại khái là ông đang điều tra xem những tố giác Trump thông đồng với Nga xuất phát từ đâu, có nguyên do hay bằng chứng cụ thể nào đáng đặt vấn đề, đáng điều tra thật sự, hay chỉ là một cuộc tấn công ông Trump của bà Hillary với sự phụ giúp của chính quyền Obama.
Đã có dư luận cho vụ điều tra đàn hặc TT Trump hiện nay thật sự là do phe DC muốn đánh phủ đầu trước khi báo cáo của ông Barr và Durham được công bố rất có hại cho đảng DC.
Việc hai ông Barr và Durham đích thân qua Ý cũng nêu lên nhiều câu hỏi mà không ai có câu trả lời: tại sao qua Ý? Ý có liên quan gì đến bầu cử tổng thống Mỹ?
Trước đây, đã có tin một giáo sư của Đại Học Malta của Ý, ông Joseph Mifsud đã có quan hệ gì đó với anh George Papadopoulos đã từng là đối tượng của công tố Mueller. Ông Misfud bị nghi ngờ là nhân viên chìm của CIA thời đó, và đã từng bị phe ông Trump tố cáo có quan hệ với một số quan chức trong hệ thống ‘Nhà Nước Ngầm’ chống phá ông Trump.
Có tin là cuộc điều tra sẽ kéo vào cuộc cả Ukraine, Anh, và Úc nữa, ngoài Nga dĩ nhiên.
Báo phe ta New York Times đã mau mắn tố cáo ông Barr đang làm tay sai đi tìm bằng chứng đánh phe DC giùm TT Trump. Thật là quái lạCả hai năm điều tra tội tưởng tượng của Trump thì ô-kê, bây giờ điều tra những chuyện khác về đảng DC thì lại thành tay sai của Trump đi đánh đảng DC sao?

TIN KINH TẾ
Một phái đoàn của Trung Cộng do phó thủ tướng Lưu Hạc đã tới Mỹ để họp trong hai ngày thứ Năm và thứ Sáu vừa qua.
TTDC mau mắn tung tin fake news là đã có đổ vở ngay từ đầu và phái đoàn TC sẽ về nước ngay ngày thứ Năm. Cho đến khi TT Trump tuýt cho biết sẽ đích thân gặp ông Lưu Hạc tại Tòa Bạch Ốc ngày thứ Sáu.
Thứa Sáu, TT Trump cho biết đ₫Mỹ và TC đã đạt được thỏa thuận mậu dịch qua nhiều giá đọan, và chi tiết sẽ được thông báo sau. Hiện nay, chỉ biết trong giai đọan đầu, Mỹ sẽ ngưng tăng thuế quaqn trên một số hàng đổi lấy việc TC sẽ mua khoảng 50  tỷ ông sản Mỹ.
Trong một tin kinh tế khác của hãng thông tấn Reuters, thống kê chính thức cho thấy số người khai báo thất nghiệp để xin trợ cấp đã giảm bất ngờ trong tuần lễ đầu tháng Mười, còn có 210.000 người, so với dự đoán 219.000 người.
Tỷ lệ những người thất nghiệp xin trợ cấp tháng Chín vừa qua ở mức 3,5% so với 3,7% trong tháng Tám, với khoảng 1,7 triệu người.
Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong lịch sử cận đại là 10%, tháng Mười Một năm 2009, đúng một năm sau khi ông Obama đắc cử tổng thống, với 15,4 triệu người thất nghiệp ăn trợ cấp.

TIN TÒA ÁN
Tiểu bang New York truy đòi giấy khai thuế trong 6 năm qua của TT Trump. TT Trump kiện chống lại. Một quan tòa liên bang tại New York, Victor Marrero do TT Clinton bổ nhiệm, đã bác bỏ đơn kiện của TT Trump, cho rằng ông không có quyền từ chối đòi hỏi của tiểu bang khi tiểu bang thi hành đúng luật của tiểu bang. Luận này mới được tiểu bang New York thông qua với chủ đích truy lùng giấy khai thuế của TT Trump.
Tuy nhiên, ngay sau đó, các luật sư của TT Trump kháng cáo. Tòa phá án Khu Vực 2 đã ra phán quyết ngưng thi hành phán quyết của ông tòa Marrero trong khi chờ đợi tòa phá án ra quyết định.
Ngay sau đó, tòa phá án biểu quyết 2-1 quốc hội có quyền truy đòi giấy thuế 8 năm trước của TT Trump. Hai phiếu thuận là của hai thẩm phán do TT Clinton và TT Obama bổ nhiệm, một phiếu chống là từ thẩm phán do TT Trump bổ nhiệm.
Chứng tỏ các quan tòa ngày càng phe phái lộ liễu, chỉ khiến đảng DC lại càng sợ TT Trump ngồi trong Tòa Bạch Ốc tới đầu 2025, có thể bổ nhiệm không biết bao nhiêu thẩm phán có khuynh hướng bảo thủ nữa, và khối thẩm phán cấp tiến sẽ ngày một ít đi.
Dĩ nhiên, ta chờ xem TT Trump kháng cáo lên tòa trên nữa.

NHÀ NƯỚC NGẦM THÔNG ĐỒNG VỚI TTDC
Cơ Quan Tình Báo của bộ Quốc Phòng  -Defense Intelligence Agency- đã loan tin một nhân viên của cơ quan đã bị bắt. Đó là ông Henry Frese, 30 tuổi, chuyên gia phân tích chống khủng bố. Anh này bị bắt quả tang đã trao tài liệu tuyệt mật liên quan đến an ninh quốc gia cho bà tình nhân ở cùng nhà với anh ta. Bà này là một nhà báo.
Anh Frese bị tố không những đã cung cấp tin tối mật, mà còn làm việc theo yêu cầu của bà nhà báo, đi tìm những tin báo của bà này yêu cầu.

NHỮNG THÀNH PHỐ TỆ HẠI CỦA MỸ
Tạp chí Business Insider vừa thực hiện một nghiên cứu về 50 thầnh phố tệ hại nhất nước Mỹ.
Tin ‘hấp dẫn’ là gần một nửa những thành phố đó nằm trong hai tiểu bang lớn của đảng DC, nơi mà đảng DC thống trị tuyệt đối trong hệ thống cầm quyền, từ cấp liên bang đến tiểu bang đến địa phương. Đó là tiểu bang Cali với thống đốc Gavin Newsom, và hai thượng nghị sĩ Diane Feinstein và Kamala Harris. Và New Jersey với thống đốc Phil Murphy, và hai thượng nghị sĩ Cory Booker và Bob Menendez.
Bà Harris và ông Booker đang tranh cử tổng thống bên đảng DC. Hy vọng họ sẽ mang thành tích của tiểu bang nhà ra khoe!

BÀ HILLARY THẮNG NỮA?
Trong một cuộc phỏng vấn trên TV, bà Hillary đã công kích TT Trump vì ông này đã dám thách thức bà ra tranh cử chống lại bà Warren. Bà Hillary cảnh cáo ông Trump “Ông đừng thách thức tôi. Tôi mà ra tranh cừ thì sẽ thắng nữa thôi”.
Kẻ viết này xin thề danh dự chính bà Hillary có nói câu này chứ không phải kẻ này phịa tin để bôi bác bà.
Dĩ nhiên, ý của bà muốn nói đến việc bà thắng số phiếu phổ thông thôi. Nhưng cái đáng nói và đáng tội cho bà là cho đến bây giờ bà vẫn chưa nuốt trôi cục tức, và vẫn không hiểu bầu cử tổng thống Mỹ không phải dựa trên tổng số phiếu của dân mà là trên tổng số phiếu cử tri đoàn của các tiểu bang. Cho đến giờ mà vẫn chưa hiểu thủ tục bầu tổng thống thì dĩ nhiên thua liên tục hai lần là chuyện đương nhiên. Đi tìm phiếu lộn chỗ thì làm sao thắng được?