Viễn
ảnh 2017
Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA
2017-01-11
2017-01-11
NGHE: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/EconomicForum/2017-perspectives-nxn-01102017143949.html/vien-anh-2017
Sau một năm 2016 đầy
bất ngờ chính trị, tình hình kinh tế thế giới sẽ ra sao trong năm 2017? Người
ta có thể lạc quan một cách thận trọng về viễn ảnh kinh tế của Hoa Kỳ với một
chính quyền mới, nhưng chờ đợi nhiều sóng gió từ Âu Châu và không mấy yên tâm
về kinh tế Trung Quốc trong kịch bản đối đầu với Hoa Kỳ.
Khó đoán
Hòa Ái: Thưa ông, năm 2016 vừa kết thúc đã có
quá nhiều bất ngờ chính trị và viễn ảnh 2017 có khi cũng dành cho thế giới
nhiều điều bất ngờ khác. Vì vậy, bước vào một năm mới, chương trình chuyên đề
của chúng ta sẽ cố gắng tìm hiểu tình hình kinh tế toàn cầu. Theo dõi những biến
chuyển vừa qua, ông thấy những yếu tố nào là đáng kể nhất?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin khởi đầu từ Hoa Kỳ, với sản
lượng kinh tế gần bằng một phần tư của toàn cầu và vừa bầu lên một chính quyền
mới sau tám năm lãnh đạo của một Hành pháp Dân Chủ. Dù là những gì xảy ra tại
Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng đến cả thế giới, mối quan ngại của các nước lại xuất phát
từ những bất trắc của một Chính quyền thành hình trong điều kiện quá đặc biệt
của nước Mỹ. Khoa kinh tế có khá nhiều mô thức để dự đoán tương lai, nhưng khi
tương lai lại do các chính trị gia quyết định thì người ta nên thận trọng vì
khó ai đoán ra sự tính toán bất thường của chính trị.
Trong cảnh ngộ ấy, bản
thân tôi thì chỉ có thể lạc quan một cách dè dặt về kinh tế Hoa Kỳ. Sở dĩ lạc
quan vì lần đầu tiên từ cả chục năm nay mà đảng Cộng Hòa kiểm soát được Hành
pháp lẫn Lập pháp sau nhiều năm gặp hiện tượng “ách tắc chính trị” vì có Tổng
thống bên đảng Dân Chủ và một Quốc hội lại chia hai, do đảng Cộng Hòa chỉ chiếm
đa số tại Hạ viện. Lý do lạc quan thứ hai là cử tri Mỹ đang trông đợi một chính
sách kinh tế mới, cho nên các tiểu bang bầu cho ông Donald Trump là người hứa
hẹn sẽ đem lại sức mạnh cho nước Mỹ, nhất là về kinh tế, sau tám năm cầm quyền
của Hành pháp Dân Chủ.
Hòa Ái: Trước hết là về lý do vì sao ông có vẻ
lạc quan với viễn ảnh lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Trong mọi cuộc tranh
cử tại một quốc gia dân chủ, các ứng cử viên đều có thể đưa ra chương trình
hành động cho cử tri chọn lựa, nhưng khi đắc cử thì chưa chắc họ áp dụng được
những gì đề nghị. Trường hợp của Hoa Kỳ càng cho thấy nghịch lý ấy, vì trái với
sự suy nghĩ của nhiều người và khác với hoàn cảnh của nhiều nước dân chủ, Tổng
thống Mỹ không có toàn quyền và thật ra còn có ảnh hưởng hạn chế về chính sách
kinh tế. Cụ thể thì Hiến pháp cho Hạ viện Mỹ thẩm quyền lớn nhất về ngân sách
và tài chính công quyền.
Lần này, với đảng Cộng
Hòa chiếm đa số tại cả Thượng và Hạ viện, người ta có thể hy vọng sự thống nhất
ý kiến về chính sách kinh tế giữa Hành pháp và Lập pháp, chứ không có chuyện
Tổng thống phủ quyết đề nghị của Quốc hội như đã từng xảy ra từ mấy năm qua. Đi
vào thực tế thì Tổng thống Tân cử Donald Trump và Quốc hội Cộng Hoà có ba điểm
đồng thuận đáng kể là muốn kích thích sản xuất qua biện pháp giảm thuế và cải
cách thuế vụ, giản lược hóa hệ thống kiểm soát thiết lập sau vụ khủng hoảng
2008 và thực thi nhiều dự án xây dựng hạ tầng. Có lẽ vì vậy mà thị trường cổ
phiếu vọt tăng giá sau khi ông Donald Trump thắng phiếu.
Hòa Ái: Nhưng vì sao ông lại chỉ lạc quan một cách dè
dặt? Lý do của sự thận trọng này là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Người ta vẫn phải dè dặt xem các đề nghị
được thảo luận và biểu quyết ra sao trong ba bốn tháng đầu của vị Tổng thống
thứ 45. Qua hơn trăm ngày đầu, nếu mọi việc hanh thông thì tình hình sẽ khả quan
suốt năm, với đà tăng trưởng có thể từ 2,1% lên tới 2,5% trong quý ba và mấp mé
3% vào đầu năm tới. Đấy là khi hai kế hoạch cải tổ hệ thống An sinh Xã hội và
Bảo dưỡng Y tế có hy vọng thành hình cho thập niên tới. Ngược lại, nếu chính
trường Mỹ lại nổi sóng ngay từ ba tháng đầu của Tổng thống Donald Trump, thị
trường sẽ thất vọng tuột giá và cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày sáu Tháng 11
năm 2018 khiến nhiều dân biểu nghị sĩ xét lại việc ủng hộ chính sách của Hành
pháp làm chính trường lại bế tắc nữa.
Ta nên nhớ Tổng thống
Mỹ không gây ra suy trầm kinh tế nhưng lại bị bó tay vì khó kích thích kinh tế
nếu không có hậu thuẫn của Quốc hội. Vả lại, sau vụ Tổng suy trầm 2008-2009,
Hoa Kỳ có nhu cầu xây dựng lại một nền móng kinh tế khác, chính là nhu cầu ấy mới
khiến một tay ngang như tỷ phú Donald Trump lai thắng cử một cách bất ngờ. Nhìn
theo viễn ảnh dài thì sau khi bầu cho một Nghị sĩ có rất ít kinh nghiệm chính
trị là ông Barack Obama vào năm 2008 thì Hoa Kỳ tìm đến một nhân vật cũng chưa
từng có kinh nghiệm chính trị là doanh gia Donald Trump. Nước Mỹ đang đi tìm
một giải pháp khác và phải mất nhiều năm.
Âu Châu không êm ả
Hòa Ái: Như vậy, có lẽ phải đợi đến Tháng Tư năm nay
thì chúng ta mới biết Hoa Kỳ có xây dựng được nền móng hay giải pháp của một
cuộc cải cách lớn lao cho cả chục năm tới hay không. Thưa ông, còn nhìn ra thế
giới bên ngoài thì sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thế giới bên ngoài Hoa Kỳ thì có khối
kinh tế Âu Châu với 500 triệu dân có sản lượng kinh tế gần bằng Mỹ mà là một
khối thiếu thống nhất, năm nay lại tiếp tục bị nguy cơ phân hóa. Chúng ta không
quên trào lưu ưu tiên bảo vệ quyền lợi quốc gia chống lại cơ chế hay thỏa thuận
quốc tế xuất phát từ Âu Châu với sự thắng thế của xu hướng cực đoan trước khi
người ta nói đến hiện tượng Donald Trump. Hoa Kỳ có 50 tiểu bang sống chung như
50 quốc gia đã chia quyền cho một cơ chế liên bang để bầu ra một Tổng thống
lãnh đạo cả nước. Liên hiệp Âu châu chưa được như vậy và mâu thuẫn giữa 28 quốc
gia thành viên với cơ chế quốc tế tại thủ đô Bruxelles là mối nguy khiến họ có
thể phân hóa thành nhiều mảnh.
Hòa Ái: Đã vậy, trong hệ thống Liên Âu có 28
thành viên, người ta còn có khối kinh tế Euro. Thưa ông, năm nay thì tình hình
kinh tế của khối Euro sẽ ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa là trong tập thể Liên Âu có khối
Euro dùng đồng bạc thống nhất gồm 19 hội viên lại bị chấn động từ vụ Tổng suy
trầm 2008-2009 làm các nước miền Nam bị hại nhất, chưa kể vụ khủng hoảng vì di
dân hay nạn khủng bố. Tại miền Nam, hệ thống ngân hàng của nền kinh tế có sản
lượng thứ ba của khối Euro đang rung rinh dưới một núi nợ xấu gần 400 tỷ Euro
là nước Ý mà Liên Âu không thể tìm ra giải pháp. Năm nay, bốn nước trong sáu
quốc gia sáng lập Liên Âu lại có bầu cử, là Pháp, Đức, Hà Lan và cả Ý. Nếu cử
tri lại tín nhiệm các chính đảng hoài nghi sự hội nhập Âu Châu thì sau vụ
Brexit năm ngoái, năm nay sẽ còn nhiều nước nói đến việc ra khỏi Liên Âu.
Chúng ta gặp một kịch
bản đáng sợ là các chính đảng truyền thống đã từng lãnh đạo Âu Châu từ 70 năm
nay đều bị thất thế vì không có giải pháp cho các vấn đề mới mà các chính đảng
cực đoan ở ngoài lề lại đề nghị xé chiếu ngồi riêng và còn kịch liệt chống di
dân và hội nhập nữa. Khi một khối kinh tế lớn như vậy mà gặp bế tắc chính trị
không lối thoát thì kinh tế dễ bị suy thoái khiến Hoa Kỳ cũng bị lây, chưa nói
đến hậu quả cho các nước đang phát triển cần xuất khẩu vào thị trường Âu Châu.
Ta trở lại hiện tượng là mọi mô thức dự đoán kinh tế đều bị nhiệt tình chính
trị đưa vào chỗ đoán sai nên càng dè dặt với sự lạc quan về một phép lạ kinh tế
tại Hoa Kỳ!
Kinh tế Trung Quốc sẽ
ra sao?
Hòa Ái: Trong khung cảnh ấy, người ta mới nhìn
vào nền kinh tế có sản lượng thứ nhì sau Hoa Kỳ, đó là Trung Quốc. Sau khi ông
Donald Trump đắc cử Tổng thống với lập trường khá cứng rắn về quan hệ kinh tế
với Bắc Kinh thì mọi người đều có thể e ngại một trận chiến mậu dịch giữa hai
nước. Thế thì viễn ảnh kinh tế 2017 của Trung Quốc sẽ là gì, thưa ông?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Tuần qua, hệ thống
thông tin chuyên đề về kinh tế là Bloomberg có trích dẫn một nguồn tin riêng,
rằng Chính quyền Bắc Kinh trù tính tăng cường kiểm soát các doanh nghiệp Hoa Kỳ
đang hoạt động tại Trung Quốc nếu Tổng thống Tân cử Donald Trump áp dụng các biện
pháp chống hàng hóa Trung Quốc. Họ còn cụ thể nói đến khu vực công nghệ cao cấp
của Mỹ sẽ bị thiệt, như hãng Apple đã kiếm được hơn 48 tỷ đô la, bằng 21% số
thu, nhờ bán hàng vào Trung Quốc. Loại tin tức mang tính chất hăm dọa như vậy
không gây ngạc nhiên vì từ năm nay, Tổng thống Hoa Kỳ sẽ không làm ăn theo các
điều kiện do Bắc Kinh đặt ra, nhưng dù quan trọng thì đấy không là chuyện
chính. Chuyện chính là từ năm nay, Trung Quốc sẽ khó xoay trở như trong mấy năm
qua vì những vấn đề nội tại của xứ này.
Thứ nhất, mùa Thu năm
nay, đảng Cộng sản Trung Hoa sẽ có Đại hội khóa 19 và nhiều phần thì Chủ tịch
Tập Cận Bình có thêm năm năm để tập trung quyền lực như Bắc Kinh vừa thông báo
khi tạp chí Cầu Thị loan tải bài diễn văn ông đọc trước Hội nghị Kỳ 6 cỉa Ban Chấp
hành Trung ương vào cuối Tháng 10 vừa qua. Tức là họ Tập sẽ tăng cường độc tài
vì phải giữ đà tăng trưởng trong ổn định chính trị mà lại gặp sự cưỡng chống
của các đảng viên cao cấp. Hai yêu cầu ấy có nghĩa là kinh tế vẫn cứ sản xuất
để tạo ra việc làm và tránh động loạn, nhưng sản xuất rồi thì bán cho ai nếu
kinh tế Âu Châu còn èo uột và Hoa Kỳ sẽ chẳng mua hàng như xưa?
Hòa Ái: Trong một kỳ trước, ông có nói kinh tế
Trung Quốc cần xuất khẩu qua Mỹ hơn là Hoa Kỳ cần nhập khẩu của Trung Quốc. Như
vậy, nếu tranh chấp mậu dịch bùng nổ giữa hai nước thì về dài kinh tế Trung
Quốc sẽ bị thiệt hại nhiều hơn. Sự thể có là như vậy không?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Tôi nghĩ sự thể còn
bất lợi hơn vậy và sẽ được thấy ngay năm nay. Tuần qua, phân lời trái phiếu của
đồng Nguyên trao đổi trên thị trường hải ngoại đã có lúc vọt lên mức cực kỳ bất
thường là 105%! Điều ấy có nghĩa là Bắc Kinh đang cố giữ giá đồng bạc cho khỏi
sụt chứ không tiếp tục chiều hướng phá giá để tìm lợi thế xuất khẩu, và muốn
vậy thì đã tốn mấy trăm tỷ đô la chứ không ít. Trước đây, Bắc Kinh còn có thể
ứng phó với các biện pháp ngoại hối khi có gần bốn ngàn tỷ dự trữ.
Ngày nay, tuần qua, họ
chỉ còn chừng ba ngàn và rơi vào cảnh lưỡng nan, cả hai giải pháp đều nan giải,
bất toàn. Hoặc là mất dự trữ bằng đô la để nâng giá đồng Nguyên, hoặc là tăng
lãi suất để tránh nạn tầu tán tư bản ra ngoài. Điều mỉa mai ở đây là cả Bắc
Kinh lẫn Chính quyền Trump đều không muốn đồng bạc Trung Quốc sụt giá quá mạnh
nhưng trong khi Bắc Kinh muốn xuất khẩu hàng hóa thì lại chẳng thể tránh được
nạn xuất khẩu tư bản khi giới có tiền chuyển ngân tài sản ra ngoài để khỏi bị
mất giá.
Chẳng hạn như hôm Thứ
Hai tuần qua, tôi đọc thấy trên trang mạng của Christine Duhaime tại Canada về
hiện tượng tham nhũng và rửa tiền thì người ta ước lượng rằng từ năm 1995 tới
2013 đã có hai ngàn tỷ đô la Canada, hay một ngàn 500 tỷ đô la Mỹ, là của tham
nhũng được tấu tán qua Hoa Kỳ, Úc, Canada và Hà Lan. Nếu kể thêm các khoản
chuyển ngân hợp pháp thì hóa ra tài sản từ Trung Quốc đang thổi lên bong bóng
đầu cơ tại các nước kia! Như thế làm sao lãnh đạo có thể tiếp tục xoay trở như
trước? Vì vậy, khỏi nói đến trận chiến mậu dịch Mỹ-Hoa, việc kinh tế Trung Quốc
tiếp tục tăng trưởng ở mức 6,5% một năm và Tập Cận Bình có thể cải cách để
thoát cơn khủng hỏang là điều khó tin trong năm nay. Suy đi nghĩ lại thì đáng
lạc quan hơn cả vẫn là kinh tế Hoa Kỳ mà có lẽ nhiều người Mỹ chưa thấy nên cứ
cãi nhau và sợ Tầu!
Hòa Ái: Xin cảm tạ chuyên gia kinh tế
Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn kỳ này.
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/EconomicForum/2017-perspectives-nxn-01102017143949.html