Wednesday, November 4, 2015

Thử xe tự lái trên đường phố Tokyo



Thử xe tự lái trên đường phố Tokyo
RFA
2015-11-03
Tổng Giám đốc Tetsuya Iijima của Nissan Motor Co buông tay lái trong một chiếc xe tự lái trong một lần lái thử nghiệm ở Tokyo vào ngày thứ ba 03 tháng 11, 2015
http://www.rfa.org/rfa_resources/graphics/icon-zoom.pngScreenshot Japantimes
Chiếc xe tự lái đầu tiên do hãng Nissan Nhật Bản chế tạo đã chạy thử ngay trên đường phố thủ đô Tokyo, một trong những thành phố nổi tiếng vì vừa đông người vừa đông xe, lại có nhiều đèn xanh, đèn đỏ.
Chiếc xe được đặt cho biệt danh là “xe thông minh” với những bộ phận vừa đặc biệt và vừa thông minh, biết chạy đúng tốc độ và tự giảm tốc độ nơi đông xe, biết ngừng lại khi đèn đỏ hay khi thấy có người băng qua đường. Dù vậy, chiếc xe cũng phạm một vài lỗi không phải là nhò, chẳng hạn như không biết tạt hết vào bên phải để nhường đường cho xe cứu thương.
Sau cuộc chạy thử kéo dài nửa giờ đồng hồ, ông Tetsuya Iijima, Tổng Quản Lý Công Ty Nissan cho hay ít nhất, đã thành công ở bước đầu, vẫn còn nhiều điều cần phải hoàn chỉnh trước khi được bày bán trên thị trường.
Ông Iijima ví von, cho rằng hiện giờ chiếc xe tự lái tựa như một đứa bé ba bốn tuổi, và sẽ có ngày trở thành một chàng thành niên hay một cô thiếu nữ ở tuổi đôi mươi.
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/nissan-test-drive-smar-car-11032015130811.html

Bát Bửu Bắc Kinh-Nguyễn Xuân Nghĩa



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Tuần báo Sống - Ngày 151103
Vùng Oanh Kích Tự Do

Và Chuyện Quỷ Nhập Tràng Tự Nuốt Trửng

Người viết này xin trửng giỡn mà thành thật khai báo rằng mình thiếu chữ khi nói về kinh tế. Chuyện khó tin nhưng có thật vì nói về kinh tế Trung Quốc!

Tuần này, truyền thông quốc tế bày ra một đĩa bát trân thơm lựng từ Bắc Kinh. Hãy nói chấm từng món ăn chơi này đã.

Một: Lần thứ sáu trong chưa đầy một năm, Ngân hàng Trung ương của Bắc Kinh - mà đảng ta núp dưới quần chúng nó gọi là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - lại cắt lãi suất và hạ mức dự trữ pháp định để bơm thêm tiền kích thích kinh tế. Thiên hạ bèn vui cảnh thái hòa và thị trường cổ phiếu tưng bừng nở hoa. Nhà nước vẫn còn bửu bối khích động sản xuất, chẳng có gì phải lo.

Hai: Cùng lúc đó, thế giới được biết Ban chấp hành Trung ương Khóa 18 sẽ nghiêm chỉnh học tập một văn kiện của Tiểu tổ Lãnh đạo Kinh tài. Có cái tên huê dạng là “Trung Quốc Trung Ương Kinh (tế) Tài (chánh) Lãnh Đạo Tiểu Tổ”, cơ chế này là do Chủ tịch Tập Cận Bình đích thân chỉ đạo và văn kiện đưa ra là Kế hoạch Năm năm Thứ 13, cho thời kỳ 2016-2020. Đấy là khung cảnh của Hội nghị kỳ 5 của Ban chấp hành Trung ương, sẽ họp từ Thứ Hai 26 đến Thứ Năm 29, để duyệt xét và đưa ra công tác cho quốc dân trong năm năm tới. Từ đấy các đảng viên kiêm đại biểu nhân dân sẽ học tập và nên nếm gia vị, để qua Tháng Ba năm tới, Quốc hội khóa 12 vào họp kỳ 4 và nghiêm túc ban hành kế hoạch cho cả nước.

Quen húp cháo rùa “Made in China”, truyền thông phe ta bèn đưa tin: “Dù phải kích thích kinh tế trong ngắn hạn, Bắc Kinh vẫn vạch ra một lộ trình sáng láng cho trung hạn”. Giới am hiểu nhồi thêm rằng đến kỳ hạn 2020, Trung Quốc phải đạt chỉ tiêu do Tập Cận Bình đề ra, là từ 2010 đến 2020 sẽ tăng gấp đôi lợi tức của người dân để tiến tới xã hội “tiểu khang”.

Ba: Giới kế toán vốn hay đếm cho kỹ thì nhắc thầm rằng muốn nâng lợi tức gấp đôi trong 10 năm thì mỗi năm phải tăng trưởng 7%. Người mắc bệnh “Mê Tầu” thì kết luận là “Không khó!” Vì trước đây, kinh tế Trung Quốc đã có đà tăng trưởng tới 10% một năm nên nhân đôi lợi tức trong có bảy năm. Cho nên, nếu Kế hoạch Năm năm có đề ra chỉ tiêu tăng trưởng trong năm năm tới là 7% thì cũng phải đạo thôi. Nhưng, hôm Thứ Sáu 23 vừa qua, Tổng lý Quốc vụ viện là Thủ tướng Lý Khắc Cường lại phát biểu tại Trường đảng Trung ương, rằng đừng nên coi con số 7% này là chuyện sinh tử, đấy chỉ là một hướng dẫn mà thôi. Ai muốn nói sao cũng được, kinh tế Trung Quốc vẫn sẽ vượt qua sóng gió và người người chờ Hội nghị kỳ 5 kết thúc để vỗ tay chào mừng Kế hoạch Năm năm mới. Đấy là lúc ta ngó qua món kia trên bàn tiệc.

Bốn: Vì cũng từ Bắc Kinh, có tin là trong Tháng 11 này, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF có thể đề nghị cơ chế tối cao gồm 24 Giám đốc Điều hành đưa đồng Nguyên vào loại ngoại tệ giao hoán, là được nằm trong cái rổ ngoại tệ ưu tú của bốn loại tiền sử dụng phổ biến nhất là đồng Mỹ kim, Euro, Anh kim và Yen Nhật. Vinh hiển vô lường!

Về bối cảnh, các thành viên của IMF đều phải chung tiền vào quỹ và khi cấp bách cần thanh khoản ngoại tệ để tránh khủng hoảng thì có thể vay tiền theo một tỷ lệ tương ứng với số vốn góp vào IMF. Người ta gọi đó là “quyền trích xuất đặc biệt”, hay quyền đặc trích cho gọn. Từ năm 1969, IMF lập ra một trương mục gọi là Special Drawing Rights hay SDR – Trích Xuất Đặc Biệt. Tính đến tháng trước thì trương mục SDR này trị giá khoảng 280 tỷ đô la, bên trong có bốn loại ngoại tệ quý tộc nói trên.

Khối dự trữ ngoại tệ của cả thế giới ngày nay trị giá tương đương với hơn 11 ngàn tỷ đô la, trong đó dẫn đầu là Trung Quốc với khoảng một ngàn 500 tỷ. Việc đồng bạc của nền kinh tế có sản lượng hạng nhì thế giới và khối dự trữ hạng nhất thiên hạ mà nằm trong cái rổ vàng SDR là chuyện thường tình. Bắc Kinh đã yêu cầu như vậy từ mươi năm trước và cứ năm năm một lần thì IMF lại cứu xét chuyện này mà lắc đầu. Năm nay có thể sẽ gật.

Tiêu chuẩn của các nước văn minh ở đây là đồng bạc ấy phải dược sử dụng phổ biến để thanh toán việc giao dịch mua bán giữa các nước. Tháng Tám vừa qua, đồng Nguyên đã vượt đồng Yen thành ngoại tệ phổ biến đứng hàng thứ tư, chiếm 2,79% các nghiệp vụ thanh toán, so với 2,76% của tiền Nhật. Nhiều cường quốc kinh tế như Mỹ, Đức hay Anh cũng đã đồng ý với việc nâng dồng Nguyên lên hàng quý tộc, nếu IMF đồng ý. Chúng ta sắp thấy cảnh tưng bừng khai trương! Nhưng các nước lại đi chậm hơn nước Anh.

Năm: Tuần qua, cả Hoàng gia lớn bé già trẻ lẫn Nội các và Quốc hội Anh đã bắn đại bác và trải thảm đỏ đón mừng quốc khách là Chủ tịch Tập Cận Bình. Đế quốc xưa kia đã từng khuất phục nhà Mãn Thanh bằng thuốc phiện và pháo hạm ngày nay lại khấu đầu trước thế lực kinh tế mới. Khi dự quốc yến thì họ Tập cũng đã đổi mới y trang. Vẫn áo đại cán y chang kiểu Mao, ra chiều cách mạng. Nhưng bây giờ ăn nên làm ra nên họ Tập cho thêu trên nẹp áo mấy hoa văn gấm vóc. Và còn đỏm dáng nhét chiếc khăn lụa vào túi trên.

Thủ tướng Cameron mất hai năm hàn gắn quan hệ với Bắc Kinh vì cái tội đã gặp đức Đạt Lai Lạt Ma, và nay được xoa đầu khen tốt. Lý do cũng đơn giản thôi.

Ai cũng thấy rằng Anh quốc già nua đang cần tiền và trong túi áo họ Tập lại có tấm chi phiếu to bằng cái mẹt, trị giá 50 tỷ Anh kim, bằng 45 tỷ đô la chứ không ít. Nhưng nói vậy là quên mất vai trò lịch sử của thủ đô Luân Đôn là một trung tâm tài chính quốc tế. Thủ tướng Cameron là người nhìn xa trông rộng. Ông muốn thắt chặt giao tình với Bắc Kinh để từ nay, đồng Nguyên sẽ có cửa ngõ ra vào Âu Châu là quầy tiền London. Mặc ai nói ngả nói nghiêng, kể cả những người Anh có hiểu biết và tự trọng, lãnh đạo Anh vẫn coi đồng tiền là trọng! 

Sáu: Cũng từ London, hôm Chủ Nhật 25, tờ Financial Times loan tin rằng từ Tháng Tám, Bắc Kinh đã chính thức xin gia nhập Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Âu Châu (European Bank for Reconstruction and Development), một định chế được thành lập từ năm 1991 để tái thiết và phát triển các nước Đông Âu sau khi khối Xô viết tan rã. Quy tụ 64 quốc gia Âu Á Phi Mỹ và hai tổ chức là Liên hiệp Âu châu và Ngân hàng Đầu tư Âu châu, Ngân hàng EBRD sẽ hoan hỉ đón nhận thêm một thành viên mới, đã nhiều tiền lại có sẵn họa đồ cho nhiều dự án nối liền Âu Á là Con Đường Tơ Lụa và có một đối tác là Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Á châu….

Quả thật là Bắc Kinh trúng mối với các tin tức rạng ngời như vậy. Khách có kẻ ngồi bên hậm hực. Nhưng hãy điềm điềm! Cái món bát bửu nhiều khi nặng bụng, nên hãy cố thưởng thức cho hết đã.

Bảy: Quả vậy, trong thực đơn huy hoàng của Bắc Kinh thấy như có cả món dồi trường thâm xịt. Nhìn cho kỹ khách mới biết là món rắn nhồi! Mà cớ sao con rắn lại giấu đuôi? Nào có rống rắn gì đâu! Đấy là các doanh nghiệp nhà nước mắc nợ quá nhiều, nên giải quyết yêu cầu thanh toán nợ nần bằng cách… đi vay thêm. Con rắn kinh doanh với màu sắc Trung Quốc đã ngốn luôn khối tín dụng dài ngoằng ở đằng sau nên đang thành sinh vật tròn vo không đầu không đuôi. Bên trong là một khối nợ sưng vù, và sẽ có ngày bể. Chuyện ấy, mấy ai biết được?

Thấy khách ngơ ngác trước món kỳ trân thì người viết đành giải thích: lãnh đạo Bắc Kinh muốn kinh tế vẫn tăng trưởng 7%, dù rằng chỉ là 7% nhân tạo tức là giả tạo theo cách giải thích của chính Lý Khắc Cường, thì họ mới bơm tiền kích thích sản xuất. Nhưng làm sao giảm được gánh nợ của doanh nghiệp? Hai mục tiêu mâu thuẫn ấy là chuyện hơi chuyên môn mà báo chí Mê Tầu ít rớ tới.

Giới kinh tế của IMF thì chỉ ra, tỉnh bơ, rằng không có gánh nợ thì doanh nghiệp không thể vận hành. Nếu phải trả nợ thì sản xuất sẽ giảm, mà ôm lấy khối nợ thì doanh nghiệp sẽ vận hành tới chốn vỡ nợ, tức là đà tăng trưởng sẽ sụt…. Cái vòng luẩn quẩn ấy mới dẫn tới hiện tượng doanh nghiệp nuốt thêm nợ thì cũng tựa con rắn nuốt trọn cái đuôi của nó, thành một khối tròn vo căng phồng như trái bóng!

“Hèn gì nhà bác bảo rằng viết về kinh tế Trung Quốc thì mình thiếu chữ!” Bấy giờ khách mới gật gù….  Nhưng đã muộn. Vì trên bàn tiệc đã thấy tiết mục bát bửu thứ tám.

Tám: Sau khi thưởng thức những sơn hào hải vị của một cường quốc kinh tế đang bước lên tấm thảm đỏ của tư bản chủ nghĩa, chúng ta nghĩ gì về Trung Quốc? 

Nghĩ gì? Làm sao với doanh nghiệp lê lết trong nợ và ra công tự ngốn mà kinh tế không sụp đổ và vẫn hiên ngang tăng trưởng 7%? Dễ lắm, phép lạ Trung Quốc là biến doanh nghiệp thành quỷ nhập tràng, thuật ngữ kinh tế gọi là “zombie”. Đấy là những xác chết chưa chôn, vẫn quờ quạng đứng dậy, dật dờ đi tới, và sờ tới cơ sở hay cơ thể nào thì biến cái đó thành quỷ nhập tràng.

Khách nhìn lên màn ảnh truyền hình thì thấy toàn phim ma quỷ cho mùa Halloween. Nào ngờ thời sự kinh tế tại Trung Quốc cũng kết thúc với hình ảnh còn kinh hoàng hơn vậy! Bên nhà hàng xóm bỗng có tiếng trẻ nhỏ đánh vần “sờ. sờ. em. xem”, làm khách co chân như sợ quỷ chạm vào người!

Nguồn: http://dainamaxtribune.blogspot.com/

IMF Kết Nạp Đồng Nguyên Vào Rổ SDR-Nguyễn Xuân Nghĩa




Nguyễn Xuân Nghĩa, Thanh Hà RFI Ngày 151103Tạp Chí Kinh Tế RFI
Đồng tiền Trung Quốc sắp được quyền trích xuất đặc biệt như đô la và euro?


Đồng yuan/nhân dân tệ của Trung Quốc sắp được kết nạp vào rổ tiền tệ của Quỹ Tiền Tệ Quốc tế IMF/FMI. Hãng thông tấn Bloomberg đã tiết lộ tin trên trong bản tin ngày 23/10/2015.


Quyết định đó có khả năng được đưa ra nhân cuộc họp của Hội đồng quản trị đại diện cho 188 thành viên của IMF trong tháng 11/2015. Bloomberg còn cho biết thêm các chuyên gia của Trung Quốc tự tin đến nỗi đã bắt đầu tập trung soạn thảo thông cáo loan báo tin vui nói trên một khi Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế chính thức công bố việc cho đồng yuan/nhân dân tệ được hưởng «Quyền trích xuất đặc biệt» cùng với đồng đô la Mỹ, euro của châu Âu, bảng Anh và yen Nhật Bản.

Trung Quốc lâu nay đã có nhiều nỗ lực để đồng nhân dân tệ được hưởng quyền trích xuất đặc biệt của IMF, ngang hàng với bốn đơn vị tiền tệ vừa nêu, nhưng dưới áp lực chủ yếu là của Hoa Kỳ, Bắc Kinh chưa được toại nguyện. Vậy thì lần này, đồng tiền của Trung Quốc có nhiều cơ hội hơn hay không? Nếu được tham gia câu lạc bộ khép kín đó của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, liệu trật tự tài chính thế giới có thay đổi gì?

Rổ tiền tệ do IMF quản lý dưới tên gọi chính thức là «Quyền rút vốn hay quyền trích xuất đặc biệt», hiện có trị giá chưa đầy 300 tỷ đô la. Trong rổ riền này, đồng đô la Mỹ chiếm 41,9%. Euro là 37,4% ; đồng yen là hơn 9 % và đơn vị tiền tệ của Anh là gần 12%.

Vào tháng 3/2011 tại cuộc họp của nhóm G20 ở Nam Kinh các bên đã thảo luận về khả năng cải tổ hệ thống tiền tệ quốc tế. Đáng chú ý hơn hết là sáng kiến của tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên G20. Paris đề nghị Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế mở rộng Quyền trích xuất đặc biệt (Droits de Tirage Spéciaux/ Special Drawing Rights) đến đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Washington đương nhiên không hưởng ứng sáng kiến của Pháp. Bản thân Bắc Kinh cũng không mấy mặn mà bởi Trung Quốc biết rằng sẽ phải mạnh dạn tiến hành cải tổ để đạt được những tiêu chuẩn của IMF. Quan trọng nhất là phải thả nổi đồng tiền.

Tuy nhiên trong bốn năm qua, Trung Quốc không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng của đồng tiền quốc gia, đặc biệt là qua các nghiệp vụ giao dịch hối đoái hoán đổi - currency swap - với nhiều đối tác thương mại Á châu, gần đây là với cả Anh Quốc.

Từ 2011 tới nay, Trung Quốc đã thay đổi một thế hệ lãnh đạo với những mục tiêu, tham vọng và tầm nhìn mới về vị trí của Trung Quốc, của đồng nhân dân tệ trên sân khấu chính trị, kinh tế và tài chính thế giới.

Trên thực tế, đồng tiền của Trung Quốc đã từng bước trở thành một ngoại tệ được sử dụng phổ biến hơn, và được dùng trong một số các dịch vụ thanh toán song phương.

Nhưng trước khi phân tích về tác động trong trường hợp đồng nhân dân tệ được hưởng quyền rút vốn đặc biệt, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa nhắc lại định nghĩa cơ bản của rổ tiền tệ do IMF quản lý dưới tên gọi chính thức là Droits de Tirage Spéciaux/Special Drawing Rights/Quyền trích xuất đặc biệt.


Rổ Ngoại Tệ của IMF

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Cái «rổ ngoại tệ» của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế FMI, gọi là Droits de Tirage Spéciaux hay Special Drawing Rights, mà Bắc Kinh muốn đưa đồng nhân dân tệ vào, tôi xin dịch là Quyền Trích Xuất Đặc Biệt, nói gọn lại là Quyền Đặc Trích. Mọi thành viên của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đều phải ký thác một ngân khoản nhất định vào quỹ chung để sử dụng cho việc ổn định tài chánh toàn cầu. Khi cấp bách cần ngoại tệ để giải quyết nhu cầu thanh khoản của mình thì căn cứ trên phần vốn góp, quốc gia thành viên có thể vay ngoại tệ từ một trương mục gọi là Quyền Đặc Trích DTS. Đấy là một ngân khoản tín dụng hay tín khoản nhưng cũng là một loại ngoại tệ dự trữ được các thành viên công nhận và sử dụng, nhưng là một ngoại tệ dự trữ bổ sung.

- Được lập ra từ 1969, Quyền Đặc Trích là một kho dự trữ gồm các loại ngoại tệ thông dụng nhất hòa chung làm một, và một đơn vị ngoại tệ được gọi là một Quyền Đặc Trích. Từ năm 1999 thì cứ 5 năm một lần, IMF quyết định về thành phần ngoại tệ nằm trong Quyền Đặc Trích. Tính đến tháng 9/2015 rổ Quyền Đặc Trích này trị giá tương đương với 286 tỷ đô la, một ngân khoản thật ra không lớn và bao gồm bốn loại ngoại tệ có sức giao hoán hay thanh toán thông dụng nhất là Mỹ kim, đồng Euro của Châu Âu, đồng Bảng của Anh và đồng Yen của Nhậtt. Bây giờ Bắc Kinh muốn đồng nhân dân tệ được đưa vào rổ ngoại tệ đặc biệt này vì đơn vị tiền tệ của Trung Quốc sẽ có giá trị như một ngoại tệ dự trữ của cộng đồng quốc tế.


Muốn được vào đó phải có những tiêu chuẩn nào?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trước hết, đồng bạc đó phải là một ngoại tệ giao hoán phổ biến, nghĩa là được nhiều nước sử dụng làm phương tiện thanh toán với nhau. Nhờ sức nặng kinh tế và lượng xuất cảng trong luồng giao dịch quốc tế, đồng tiền của Trung Quốc đã được các nước dùng nhiều hơn để thanh toán việc mua bán. Thí dụ như trong tháng 8/2015 đồng nhân dân tệ chiếm 2,79% trong tổng số nghiệp vụ giao dịch của thế giới và lần đầu tiên vượt qua đồng yen của Nhật chỉ có 2,76% mà thôi. Qua tháng 9/2015 tỷ lệ này có giảm, chỉ còn chiếm 2,45%, nhưng dù sao cũng chỉ là sự trồi sụt ngắn hạn và hình ảnh chung thì đồng Nguyên đang đứng hạng 5 hay hạng 4, tức là sau đồng Yen của Nhật, sau đồng Bảng Anh, Euro và Đô la Mỹ.

- Tôi nghĩ rằng điều này cũng tất nhiên thôi vì kinh tế Trung Quốc đứng hạng ba thế giới về kim ngạch xuất cảng trong suốt năm năm qua nên đồng bạc của họ là phương tiện giao hoán phổ biến.

- Tiêu chuẩn thứ hai của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế thì hơi rắc rối hơn, đó là được «tự do sử dụng» để thanh toán các nghiệp vụ quốc tế trên các thị trường hối đoái hay ngoại hối. Theo tiêu chuẩn này thì IMF có thấy rằng đồng nhân dân tệ/Yuan đã được các nước sử dụng ngày một nhiều hơn trước nhưng thật ra, tính đến 8/2015 thì vẫn chưa thông dụng bằng bốn loại ngoại tệ «quý tộc» kể trên và vẫn còn thua đồng đô la của Úc hay của Canada. Nói cách khác thì đồng bạc Trung Quốc có chiều hướng đi lên, nhưng chưa tới mức tự do như nhiều đồng tiền kia. Chính vì vậy, từ 9/2015 Bắc Kinh mới ra sức chứng minh rằng sẽ cho các ngân hàng trung ương của thế giới được tự do mua bán đồng bạc của mình.

- Thật ra, từ nhiều năm nay đồng nhân dân tệ đã được Bắc Kinh đưa vào nghiệp vụ giao dịch chéo, «currencies swap», với các đối tác Á Châu theo thỏa ước song phương và ngạch số giao dịch loại này đã tương đương với hơn 730 tỷ đô la nên đồng bạc của họ đã là ngoại tệ giao hoán rồi, Bây giờ, nếu được đem vào rổ Đặc Trích DTS thì chỉ có kết quả biểu kiến về tư thế của Trung Quốc mà thôi.


Nhưng vì sao IMF lại xét khả năng cho đồng yuan vào DTS ở thời điểm này?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Theo thông lệ, 5 năm một lần IMF mới quyết định về nội dụng rổ ngoại tệ DTS gồm những đồng bạc nào căn cứ trên hai tiêu chuẩn vừa nêu, gọi tắt là sức giao hoán qua xuất cảng và khả năng tự do sử dụng. Khi hạn kỳ năm năm đã tới cho tài khóa 2016, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế quyết định đình hoãn sự chọn lựa và trong một phúc trình phổ biến từ giữa tháng7/2015 đã cho một lượng định lững lờ hai mặt. Một mặt thì xác nhận tính cách giao hoán phổ biến của đồng nhân dân tệ, mặt kia thì chưa kết luận về tiêu chuẩn gọi là tự do sử dụng và trù tính kéo dài kỳ hạn quyết định cho tới cuối tháng 9/2016 tức là đồng yuan có vào rổ ngoại tệ Đặc Trích này hay không kể từ ngày 01/10/2016.

- Chính là quyết định lửng lơ ấy mới khiến Bắc Kinh lật đật tung ra những biện pháp hối đoái hồi tháng 8/2015 và cho thả nổi mức lãi suất ký thác.

- Thế rồi trong tuần cuối của tháng 10/2015, chính các viên chức Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế - dĩ nhiên là phát biểu với tính cách nặc danh - cho biết rằng định chế tài chính đa quốc gia này có thể đề nghị Hội đồng Điều hành gồm 34 Giám đốc đồng ý đưa đồng nhân dân tệ vào rổ DTS kể từ năm tới. Tin tức loan ra mới gây bàn tán trên các thị trường.


Tới nay, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đã từng trì hoãn quyết định, nếu vậy thì có gì mới để IMF kết nạp thêm một đơn vị tiền tệ vào rổ tiền của mình như Bắc Kinh mong đợi?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thực tế thì đồng tiền của Trung Quốc đã là ngoại tệ giao hoán phổ biến rồi, nhưng khi được nhận vào rổ Đặc Trích này thì có phải tuân thủ nhiều điều kiện mới về chánh sách quản lý, chứ không thể do Bắc Kinh tự nhiên định giá theo chủ trương của mình. Quyết định của IMF có thể là một cách khuyến khích lãnh đạo Trung Quốc cải cách hệ thống quản lý của họ theo quy luật thị trường. Nôm na là phải thả nổi cho đồng nhân dân tệ lên xuống theo quy luật cung cầu, với phần thưởng là biểu tượng, là uy tín. Cho tới nay, hầu hết các cường quốc kinh tế kia như Anh, Pháp, Đức và cả Nhật Bản cùng Hoa Kỳ cũng tỏ ý chấp thuận đề nghị ấy của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế.


Nếu đồng nhân dân tệ được gia nhập rổ tiền của IMF thì tác động kinh tế, tài chính và chính trị đối với Trung Quốc sẽ là gì? Và trật tự tiền tệ của thế giới có thay đổi hay không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Nếu đồng bạc Trung Quốc được quốc tế công nhận là một trong năm ngoại tệ thông dụng và căn bản nhất của luồng giao dịch tài chánh toàn cầu thì người ta sẽ có khuynh hướng lưu trữ tài sản dưới dạng đồng yuan nhiều hơn trước. Những người lạc quan thì cho rằng dự trữ tài sản của thiên hạ dưới dạng đồng tiền của Trung Quốc có thể lên tới cả ngàn tỷ đô la. Có thể là nước Anh dự đoán như vậy nên trải chiếu cạp điều đón Chủ tịch Tập Cận Bình như một quốc khách, với hy vọng là thủ đô Luân Đôn sẽ thành một trung tâm giao dịch nhân dân tệ tại Âu Châu.

- Lãnh đạo Bắc Kinh đang đi nước cờ nhỏ là làm mọi cách để vào được bên trong rồi thì dần dần nâng giá trị của đồng nhân dân tệ thành ngoại tệ dự trữ hầu mươi năm sau này còn có thể truất phế đồng Mỹ kim nữa.


Tham vọng này có tính khả thi hay không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng từ biểu tượng đến thực tế thì còn một khoảng cách dài hơn Vạn lý Trường thành! Hoa Kỳ đã vượt Đế quốc Anh để dẫn đầu kinh tế thế giới từ cuối thế kỷ 19 mà nửa thế kỷ sau, đồng Mỹ kim mới trở thành ngoại tệ dự trữ phổ biến sau Thế chiến II. Trung Quốc chưa có khả năng đó.

- Khi Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cho đồng nhân dân tệ vào rổ thì điều ấy có nghĩa là trong vòng một năm nữa, Bắc Kinh phải giải phóng chế độ hối đoái hay ngoại hối, thả nổi đồng bạc và bãi bỏ chế độ kiểm soát tư bản để bạc tiền tự do lưu thông ra khỏi lãnh thổ. Trong hiện tại, với nền kinh tế trì trệ và sáu lần hạ lãi suất trong có 12 tháng, Trung Quốc đang bị nạn chuyển ngân ra ngoài, nôm na là tẩu tán tài sản. Khi đồng nhân dân tệ là một ngoại tệ danh giá thì việc giải phóng hối đoái sẽ gây họa cho kinh tế Trung Quốc và làm đồng bạc sụt giá còn mạnh hơn nữa.

- Nhìn qua các nước khác thì với Ngân hàng Trung ương Âu Châu và Ngân hàng Trung ương Nhật còn phải bơm tiền kích thích kinh tế khiến đồng Euro và đồng Yen đều mất giá. Nếu đồng tiền của Trung Quốc cũng sụt giá nữa thì ta sẽ lại thấy cảnh «thi đua phá giá», hay trận chiến ngoại tệ ngay trong năm tới. Vì vậy, tin mừng cho uy tín hão huyền của đồng nhân dân tệ lại có thể là những biến động bất lợi cho Trung Quốc. Biết đâu chừng khi đó các phần tử thủ cựu của Bắc Kinh sẽ lại kết án âm mưu thâm độc của Tư bản Tây phương là cho mình ăn bánh vẽ! 

Nguồn: http://dainamaxtribune.blogspot.com/