Saturday, August 29, 2020

Tóc trắng -Tiểu Tử


Tóc trắng
Tiểu Tử

Ông Hai vừa mở mắt thức giấc đã nghiêng đầu nhìn cái đồng hồ reo nằm trên bàn cạnh đầu giường. Đồng hồ quartz loại nhảy số. Ông nheo mắt đọc: “Chín giờ hai mươi”. Rồi nằm ngay ngắn lại, càu nhàu: “Đồng hồ gì mà không có một cây kim, không có một tiếng tích-tắc. Chẳng biết đâu mà rờ!”. Ông nhớ lại hồi còn ở bên nhà, ông cũng có một cái đồng hồ reo đặt ở cạnh đầu nằm. Nó lớn bằng bốn cái đồng hồ điện tử “mắc dịch” này. Nó hiệu Jaz, ông còn nhớ rõ. Nước xi bóng loáng, mặt dạ quang, “ban đêm thấy rõ như ban ngày”! Và khi nó reo thì… “hàng xóm còn nghe chớ đừng nói chi người nằm ngủ kế bên”. Như vậy mới gọi là đồng hồ báo thức. Chớ phải đâu như cái đồng hồ điện tử này, nó reo “bíp bíp, bíp bíp” nhỏ rí như sợ người ta nghe! Ngoài ra, cái đồng hồ reo của ông, không cần nhìn cũng biết nó đang chạy, bởi vì chỉ cần nghe tiếng “cộc cộc, cộc cộc” của nó là đủ. Phải công nhận là tiếng kêu của nó “có hơi lớn”, nhứt là về khuya, lúc thanh vắng, nghe giống như tiếng gõ mõ nhịp đôi.
Hồi xưa, hồi còn sanh tiền, bà Hai vẫn phàn nàn về vụ tiếng “cộc cộc, cộc cộc” của cái đồng hồ. Bà nói: “Cái đồng hồ reo của ông càng già càng kêu lớn. Nó giống như ông, càng về già ông càng ngáy to, chẳng để cho ai ngủ hết!” Rồi, chẳng lẽ đi chỗ khác ngủ sau mấy chục năm ngủ chung, bà Hai đã giải quyết vấn đề bằng cách… nằm ngược chiều với ông Hai, nghĩa là bà nằm xoay đầu về phía chân giường. Dĩ nhiên là ông Hai đã phật ý, không thèm nói chuyện với bà Hai hết một thời gian. Nhưng riết rồi cũng quen đi, nên không còn để ý đến tình trạng dị thường đó. Cũng như ông Hai đã quen nghe tiếng “cộc cộc, cộc cộc” của cái đồng hồ nên không nhận thấy là nó kêu lớn! Đối với ông, tiếng động quen thuộc đó chứng tỏ là cái đồng hồ còn “sống”, nghĩa là ông không có quên lên dây thiều. Và như vậy, ông mới yên lòng dỗ giấc ngủ.
Ông Hai đưa mắt nhìn quanh căn phòng nhỏ. Thời tiết đã sang xuân nên vào giờ này, trong phòng đã đầy ánh sáng. Căn phòng thật là “nhỏ xíu giống như một cái hộp”. Hồi ông mới tới Pháp, mấy con ông đi rước ở phi trường Charles de Gaulle, tíu ta tíu tít: “Tụi con đều ở chung một immeuble. Chỉ có chị Hai là ở tuốt dưới Tours. Mới đầu, tụi con định lấy một studio trong immeuble cho Ba ở, nhưng chị Ba không chịu. Nói Ba già rồi, ở một mình bất tiện, nên chị Ba dọn cho ba một phòng riêng trong appartement của chỉ, có vue xuống lac. Rồi ba coi. Dễ thương lắm!” Ông Hai chưa từng xuất ngoại nên chẳng hình dung được cái “appartement” bên Pháp nó ra làm sao, nhưng nghe các con diễn tả có vẻ “rất vừa ý cả bọn”, ông cũng nghe vui trong lòng.
Khi về đến nhà Kim – người con gái thứ nhì của ông Hai – ông tưởng như đi vào một cái hang chớ không phải một cái nhà! Cái gì mà mới bước vào là đã phải lo quẹo trái -bởi vì bên mặt là cửa vào nhà bếp- rồi bước vài bước phải quẹo mặt rồi lại quẹo mặt lần nữa để tránh nhà tắm và cầu tiêu nằm liền nhau ở góc đó, rồi đi tới mấy bước lại phải quẹo trái mới vào được căn phòng “có vue xuống lac dễ thương lắm”. Phòng nhỏ xíu vuông vức, bước có mấy bước là đụng tường, nhìn ra phía ngoài qua ô kiếng to thấy trời lồng lộng bởi vì không có nhà ở phía đối diện. Nhìn xuống bên dưới -vì nhà ở từng thứ tám- thấy toàn bộ cái hồ nhân tạo thật rộng với đồi cao trũng thấp và những con đường đất nhỏ uốn khúc quanh quanh. Thằng Út -con trai út của ông Hai, tên Tuân nhưng ở nhà quen gọi là Út, năm nay “trên hai mươi tuổi là ít”- ôm lấy lưng ông Hai đang đứng gần ô kiếng: “Ba biết không? Ở Paris khó kiếm được nhà có cái vue như vầy lắm. Và hướng này là hướng đông nam, sáng, nắng vào tận phòng. Ba có thể vừa ngồi đây sưởi nắng vừa nhìn xuống lac coi vịt, thiên nga… Tụi con biết thế nào Ba cũng thích”. Ông đưa tay vỗ vai nó – bây giờ nó cao lớn quá, không vỗ được đầu nó như hồi thuở ông đưa nó lên phi trường để “đi Tây”- gật gật đầu: “Ờ… Ba cũng thích lắm!” Nói như vậy, nhưng khi mấy con kéo hết ra phòng khách để cho ông thay đồ, ông ngồi xuống giường nhìn quanh rồi thở dài…
Mấy đứa con, vì “đi Tây” quá sớm, không biết cái nhà mà ông đã xây cất ở trên sở cao su của ông. Cái nhà đó, ông đã mơ nó từ thuở còn là thơ ký cho hãng cao-su Terre Rouge. Hồi đó mới có hai đứa con, mà đã hình dung trong đầu một cái nhà thật to, kiểu “colonial”, có hàng ba thật rộng vây quanh để tránh trời trưa hanh nắng… Cái nhà “trong mộng” đó phải to hơn đẹp hơn cái nhà của thằng chủ Terre Rouge. Mà muốn như vậy, không phải làm công suốt đời mà có được. Vậy là hai vợ chồng “thôi” Terre Rouge (bà Hai cũng làm việc cho Terre Rouge). Rồi vay nợ ngân hàng, gom góp từng đồng để xây dựng một đồn điền cao su riêng cho mình. Sau đó, phải đổ mồ hôi xót con mắt hết mười mấy năm để bắt đầu dư dả tiền bạc thực hiện “cái nhà trong mộng”.
Ông hãnh diện với cái nhà đó lắm. Ông thường nói: “Tôi đã vẽ nó trong đầu hồi tôi chỉ có hai bàn tay trắng”. Hôm ăn tân gia, ông Hai đã “mời hết cả tỉnh” đến dự, có cả mấy hãng cao su Terre Rouge, SIPH… Quan khách ai cũng trầm trồ khen ngợi, nhứt là cái phòng ngủ thật rộng trong đó có cả bộ xa long để ông Hai ngồi hút thuốc đọc báo nghe ra-dô!
Hồi 75, Việt Cộng về, vẫn cho ông ở cái nhà đó tuy rằng sở sùng đã bị tịch thu hết (Họ nghĩ tình hồi xưa ông đã “đóng góp” giúp cách mạng nên cho ông một chân trong tổ kế hoạch, suốt ngày ngồi… uống trà, hút thuốc. Vụ này đã làm cho bà Hai buồn rầu sanh bịnh rồi qua đời vào giữa năm sau…) Rồi lần lần, Việt Cộng “lấn” ông ra nhà bếp để lấy nhà trên làm trụ sở ủy ban nhân dân.
Nghĩ đến đó, ông Hai bật cười. Hồi mới đến tịch thu đồn điền, Việt Cộng chạy xe thẳng vào văn-phòng nằm cạnh con lộ cái. Ở đó, có khu nhà máy, khu nhà kho, khu cơ giới… Thấy đồ sộ như vậy, chúng nó bèn “đóng chốt” ngay ở văn phòng, ăn ngủ ở đó luôn mặc dù trong đồn điền còn có khu nhà ở, bịnh xá, trường học, câu lạc bộ… không thiếu gì nơi để ở. Đã gọi là hòa bình rồi mà tụi Việt Cộng vẫn còn lối sống dã chiến: lấn chiếm được đến đâu là “ta đóng chốt ngay ở đó thôi”. Về sau, khi chúng nó “báo cáo rằng mạng lưới tổ chức đã hoàn chỉnh” thì khu văn phòng đã biến thành nhà ở của mấy gia đình cán bộ, còn nhà ở của ông Hai được chia đôi, một bên làm văn phòng, một bên làm ủy ban nhân dân – nghĩa là làm việc ở cách nhà máy trên hai cây số!- nhà bếp của ông đã biến thành nhà kho sau khi chúng nó đã “lích” ông ra nhà kho để ở!
Cái gì cũng ngược ngạo hết. Ngược ngạo đến vô lý! Vậy mà hể mở miệng ra là chúng nó cứ tự hào là “đỉnh cao trí tuệ”!
Nắng đã bắt đầu vào đầy phòng. Căn phòng nhỏ bây giờ thật ấm. Ông Hai vẫn nằm yên, lắng nghe từng tiếng động (Đó là cái thú “nằm nướng” của ông hồi còn ở bên nhà vào những sáng Chủ nhựt rỗi rảnh). Bốn bề yên lặng. Lâu lâu nghe tiếng nước “giựt cầu” từ mấy từng lầu trên theo ống dẫn chảy ngang một cách âm thầm vội vã… Rồi hết. Yên lặng đến buồn thiu! Chẳng bằng ở bên nhà. Hừng sáng đã nghe gà gáy, không phải một con mà là ba bốn con, gáy “đối đáp” thật rộn rã. Những tiếng động đó, bây giờ, ông nằm đây trong cái yên lặng của căn phòng nhỏ, ông mường tượng như còn nghe rõ ở trong đầu. Không sót, không quên một tiếng động nào hết, kể cả tiếng đổ kiểng tòn-teng tón-teng mỗi mười lăm phút của cái đồng hồ Wesminster treo ở phòng khách nhà ông. Ờ… cái đồng hồ hồi đó ông mua ở Passage Eden đường Catinat. Thùng làm bằng gỗ quí chạm trổ thật khéo. Trên mặt có ba lỗ để lên dây thiều: một lỗ để cho máy chạy, một lỗ để đổ kiểng, một lỗ để đánh giờ.
Giờ này, nhà vắng teo. Vợ chồng Kim đã đi làm, chiều mới về. Thằng Tí, bốn tuổi, cháu ngoại của ông, đã được cô Út của nó rước về Antony hôm qua vì có ông bà nội nó từ dưới tỉnh lên chơi. Hồi ông mới qua Pháp, lần đầu gặp thằng Tí, nó thấy người lạ nên lấp ló núp sau váy của má nó, miệng cười lỏn lẻn. Má nó nói: “Ông ngoại nè con. Bonjour ông ngoại đi!” Ông ngồi xuống ghế xa-long đưa hai tay về phía nó: “Lại đây, lại đây ngoại cưng”. Má nó phải đẩy nhẹ nó mấy lần nó mới bước tới bắt tay ông Hai. Ông ôm nó vào lòng, hôn lên má phinh-phính của nó mà nghe thơm nghe ngon. Tình thương bỗng dâng tràn trong lòng.
Trong giây phút đó, ông bỗng thấy chẳng còn tiếc cái gì nữa hết, từ đồn điền cao su đến cái nhà trong mộng, mà Việt Cộng đã chiếm đoạt. Làm như đứa cháu ngoại mà ông đang ôm trong vòng tay đã mang đến cho ông một luồng sinh khí mới, một cái gì mà ngay bây giờ đã chiếm trọn tâm hồn ông. Lạ quá! Có bằng chút xíu như vậy – thằng Tí – mà đã có thể thay thế được những gì thật lớn lao thật sâu rộng mà ông đang mang mểnh trong lòng như quê hương, như sự nghiệp! Ông lại ôm hôn nó một lần nữa để nhận thấy rằng ông không lầm: tình cảm mới mẻ đó có thật như vậy. Lần này, chẳng ai bảo mà thằng Tí tự nhiên nhón chân lên hôn ông Hai. Nó hôn bằng mũi giống như ông hôn nó! Rồi nó quay lại nhìn mọi người, miệng cười lỏn lẻn.
Ông ứa nước mắt vì sung sướng và nghĩ rằng ở cái tuổi già và trong cuộc sống lưu vong, có được đứa cháu ngoại như vầy, thật là Trời còn thương ông nhiều quá! Rồi ông ví-von: quê hương của ông bây giờ là thằng cháu ngoại này. Ông sẽ vung-bồi nó như ngày xưa ông đã vun bồi chăm sóc vườn ương cao su con, để khi đem ra lô, nó sẽ lớn mau lớn mạnh. Nhứt là cái gốc Việt Nam, phải còn, phải có…
…Ông Hai vươn vai ngáp rồi ngồi dậy với lấy áo lạnh dài tay máng trên thành ghế mặc vào kỹ càng mới bước xuống giường.
Ông đốt điếu thuốc rồi vào ngồi trong cầu tiêu. Cái cầu này, ông đã để ý từ hôm mới đến, nước cứ chảy tỏn tỏn. Chắc cái clapet đóng không kín…
Ông Hai qua nhà tắm súc miệng rửa mặt, rồi vào nhà bếp kiếm cái gì bỏ bụng. Trên bàn ăn, Kim có dằn một miếng giấy chữ viết hơi to để ông đọc mà khỏi phải mang kiếng lão: “Hột gà để sẵn trong cái chảo nhỏ. Bánh mì trong four. Ba hâm cà phê sữa trong micro-ondes, nhớ vặn nút qua nấc thứ ba. Trưa, có cơm trong nồi điện, thịt kho rau sống trong frigo. Hôn ba.” Sáng nào cũng có miếng giấy dặn-dò từa-tựa như vậy, nhứt là cái điểm “nấc thứ ba trên micro-ondes”. Bởi vì hồi mới qua, ông đã làm trào sữa ở trong đó! Mấy đứa con đã chỉ thật kỹ, “làm như vầy… vặn như vầy… rồi đợi nghe một tiếng keng là xong, nhưng coi chừng phỏng tay”. Ông đã áp dụng đúng mấy cái “như vầy như vầy” nhưng khi nghe cái keng ông mở cánh cửa lò micro-ondes thì… sự đã rồi! Ông đã chùi lau rất kỹ vậy mà chiều về Kim cũng thấy. Vậy là mỗi sáng, có màn dặn dò khi cần nấu sữa nhớ để nấc số 3…
Ông ngồi ăn trứng chiên mà bỗng nghe thèm tô bánh canh của con Tư Liếu, con gái Sáu Tài thợ máy ở đồn điền (Sáu Tài có “nghề tay trái” là đờn ghi-ta cổ nhạc, nên đặt tên con là thằng Xang, thằng Xừ, con Liếu, con Xê…) Tô bánh canh của con Liếu thơm phức, nước trong veo, sợi bánh tròn đều trắng phau phau không dai không bở, thịt heo vừa mềm xắt không mỏng không dầy. Đặc biệt là mỗi miếng đều có đủ thịt mỡ và da. Chỉ cần nhai vài cái là đủ thấy cái thi vị của cuộc sống nằm hết trong răng trong nướu! Hàng bánh canh của con Liếu đặt nép dưới mái hiên của tiệm nước thằng Tỷ, người Việt gốc Hoa. Tiệm này không có bảng hiệu, nhưng vì nằm ngay dưới gốc cây điệp thật lớn nên người ta gọi là “quán Cây Điệp”. Nhưng riết rồi khách hàng chỉ gọi trổng bằng “Cây Điệp” hay “Thằng Tỷ” là hiểu ngay cái tiệm nước đó. Có lẽ tại vì chung quanh không còn cây điệp nào khác và chắc cũng không còn “thằng Tỷ” nào khác bán quán cà-phê trong cái tỉnh lỵ nhỏ xíu này!
Điểm đặc biệt là ở đây còn giữ nguyên nét “cổ điển” của tiệm cà phê: bàn gỗ vuông vuông đóng thô sơ, ghế đẩu mặt tròn, trên bàn có ống đũa bằng sành và hai chai bằng sành loại có vòi như bình trà, một đựng xì-dầu một dấm đỏ (Để phân biệt, thằng Tỷ có chấm một chấm sơn đỏ trên cái nút dẹp, cũng bằng sành, của chai dấm. Nhưng khách hàng không cần để ý tới điểm đó bởi vì đã có thói quen đưa vòi lên mũi hửi trước khi sử dụng). Cái bếp nằm ngay phía trước. Ở đó, nấu mì hủ-tiếu pha cà-phê bán thuốc lá và thâu tiền. Trên quầy có để hộp tăm xỉa răng và một hộp quẹt máy cột dính vào một cây đinh bằng sợi nhợ dài… để khách hàng đốt thuốc mà khỏi mang nó đi luôn! Hồi đó, ông Hai có cái thú dậy thật sớm lái xe xuống “Cây Điệp” uống cà-phê để nghe cái mùi tiệm nước nó đánh thức từ từ khứu giác và vị giác. Thật là đặc biệt, cái mùi tiệm nước. Mà phải là tiệm nước thuộc “loại cổ-điển” mới có cái mùi đó. Mùi ngây ngấy của bàn ghế gỗ thấm dầu mỡ lâu ngày mặc dù vẫn được lau tới lau lui. Mùi béo ngậy của giò cháo quảy bánh tiêu vừa mới chiên xong để trong dĩa trên bàn. Mùi nước lèo phất qua mỗi lần thằng Tỷ mở nấp để mút chan lên tô mì hay tô hủ-tiếu. Và đặc biệt là mùi cà-phê mà tía thằng Tỷ lược bằng dợt vải trong mấy cái siêu bằng sành da lán màu vàng sậm. Cà-phê do tía thằng Tỷ pha trộn và rang lấy theo “bí quyết gia truyền”, có phun rượu trắng và “áo” bưa Bretel, nên thơm một cách… mời mọc! Chen vào những thứ mùi đó, lâu lâu có mùi khói than trong bếp, nồng nồng cay cay… Thật là thú vị “cái mùi tiệm nước” buổi sáng sớm, khi mặt trời chưa ló dạng, khi bên ngoài không khí còn ướt lạnh sương đêm. Cái mùi đó nghe “thật ấm”, làm cho hớp cà-phê đầu ngày càng thêm đậm đà…
Đối với ông Hai, cái mùi tiệm nước đó cũng mang nét quê hương như mùi đống un, mùi rơm mùi rạ, mùi bông lài bông bưởi bông cau… Những thứ mùi mà dù đi xa mấy cũng không bao giờ quên và dù thời gian cách biệt mấy cũng vẫn còn nhớ rõ. Làm như nó thấm ở đâu trong xương trong tủy… mà chỉ có trong kiếp lưu vong, con người mới nhận thấy rõ sự hiện diện của nó thôi.
Ông Hai thay đồ ấm rồi xuống đi bộ chậm chậm quanh hồ. Giờ này cũng vắng người. Trên khoảnh đất trống cạnh hồ, một bé gái tóc vàng cỡ tuổi thằng Tí đang chơi một mình với quả bóng to. Phía sau nó, trên một băng gỗ, ba bà người Pháp vừa đan áo vừa nói chuyện với nhau, trong nắng. Ông Hai dừng chân gần đó, đứng hút thuốc cạnh bờ nước nhìn bầy thiên nga trắng phau bơi trên mặt hồ nhẹ nhàng như những đám bông gòn bị gió đưa đi. Trời đã sang xuân nên cây cối quanh hồ trổ chồi non mươn mướt. Cỏ xanh được cắt xén kỹ, trải dài từ đồi nhỏ qua đồi to. Rải-rác dọc theo chân đồi là những khoảnh đất trồng bông đủ màu sắc. Mùi cỏ mới cắt thoang thoảng trong không khí, ông Hai hít một hơi dài sảng khoái.
Bỗng một vật gì chạm nhẹ vào chân ông. Nhìn xuống thì ra là quả bóng của con bé tóc vàng. Ông nhìn nó, nó cười với ông. Thấy thương quá! Ông bèn đá bóng về phía nó, nó vỗ tay nhảy lên vui mừng. Rồi chận bóng đá trở lại, nhưng vì còn vụng về nên bóng đi xéo xéo làm ông Hai phải chạy vài ba bước mới chận kịp. Thấy ông Hai chận được bóng, con bé lại vỗ tay thích chí. Vậy là ông Hai với nó đá qua đá lại một lúc. Bỗng con bé giao bóng lệch đi khá xa. Ông Hai cố sức chạy theo nhưng không kịp. Quả bóng văng luôn xuống hồ. Ông vừa thở hổn-hển vừa “bật” ra bằng tiếng Việt: “Đá như vậy, ông nội tao giờ cũng chận không kịp nữa!” Sực nhớ ra, ông quay về hướng nó, nói bằng tiếng Pháp: “Mày giao bóng xa quá mà!”. Con nhỏ mếu-máo, rồi vừa khóc vừa chạy về mấy người đàn bà. Ông thấy nó chỉ ông và ông nghe rõ nó nói: “Thằng chệt già đó làm văng bóng của con xuống hồ rồi kìa!”. Một bà đứng lên nhìn quả bóng đang bập-bềnh cách bờ hồ độ một thước rồi cau mày nhìn ông. Có lẽ bà ta thấy mái tóc bạc của ông Hai nên nét mặt hơi dịu lại. Tuy nhiên, bà cũng đi nhanh về phía ông, vừa chỉ chỏ quả bóng vừa to tiếng: “Ông làm gì quả bóng của con bé vậy? Ông đá nó xuống hồ, hả? Sao ông ác quá vậy? Hả? Hả? Rồi bây giờ lấy gì cho nó chơi Nó khóc kìa, ông thấy không?” Đằng xa, con bé vừa dậm chân vừa khóc la: “Trả bóng lại đây! Trả đây! Ư…Ư…” Ông Hai vừa ngạc nhiên vừa tức giận, nhưng cố giữ trầm tĩnh để phân trần: “ Không! Không phải tại tôi. Tại con bé đó chớ!” Người đàn bà vẫn to tiếng: “Tại nó? Vô lý. Chính nó nói là ông đã làm văng quả bóng kia mà”. Ông lắc đầu, chỉ tay về hướng con bé: “Nó đá quả bóng chớ phải tôi đá đâu! Nó nói láo đó!” Bà ta vẫn gân gân: “Trẻ con tuổi đó mà nói láo à?” Ông chưa biết phải nói làm sao thì hai bà kia đã dẫn con bé đến “tiếp sức” với bà thứ nhứt. Cả ba bà tranh nhau nói, tranh nhau lý-luận để đổ lỗi cho ông Hai. Còn con bé bây giờ đã ngồi bẹp xuống đất tiếp tục khóc la đòi bóng!
Nghe to tiếng, ông làm vườn đang trồng bông gần đó chạy đến xem. Mấy người đàn bà lại tranh nhau phân trần cho ông làm vườn. Bây giờ câu chuyện đã trở thành như sau: ông Hai giành chơi bóng của con nhỏ rồi đá bóng xuống hồ để… trả thù! Ông làm vườn phá lên cười: “Tôi xin lỗi. Mấy bà nói quá lời, đó! Làm gì có chuyện như vậy? Tôi biết ông đây mà”. Rồi quay sang bắt tay ông Hai: “ Ông mạnh giỏi? Mấy lúc sau này sao không thấy ông đưa thằng Titi đi học?” (Ông ta gọi thằng Tí là “Titi”) Ông Hai vui vẻ trả lời: “Cám ơn ông, tôi vẫn mạnh. Dạo này, mẹ nó đưa nó”. Ông làm vườn “à” rồi quay sang mấy người đàn bà: “Ông đây ở cao ốc số 28. Ông thương trẻ con lắm. Tôi biết mà. Thôi các bà yên tâm. Để tôi vớt quả bóng cho”. Mấy bà nói “vậy à” lấy lệ rồi làm ra vẻ bận lo dỗ về con nhỏ để khỏi phải chú ý đến ông Hai. Ông cám ơn ông làm vườn rồi chậm rãi đi về nhà bằng con đường tắt dẫn lên lưng chừng đồi. Ông nghe lòng nặng trĩu, và thèm chửi thề một tiếng thật lớn!
Vào nhà, ông lấy rượu chát uống ực một ly. Ông rất thích rượu chát. Ngày xưa, lúc nào trong nhà cũng có rượu chát. Bây giờ ở Pháp, các con mua cho ông loại Chateauneuf du Pape là loại mà ông thích nhứt. Ngày nào ông cũng nhâm-nhi mấy lần, kể cả khi ăn điểm tâm. Ông thường nói:“Rượu chát, phải nhìn màu nâu đỏ của nó gợn lên trong ly, phải hít nhẹ mùi thơm của nó khi đặt vành ly lên môi. Chừng đó mới hớp một hớp, ngậm một chút để nghe chất rượu tròn lên trong miệng rồi mới nuốt từ từ…” Vậy mà bây giờ, ông ực một ly giống như uống nước lạnh! Để thấy “thiệt là bực mình biết bao nhiêu”! Qua phòng khách, ông đốt điếu thuốc rồi ngồi bập liên miên. Phải chi thằng Tí đừng về nội, giờ này nó ở trường, giờ này ông đã đến thăm nó… thì đâu có chuyện gì. Phải chi ông còn đưa rước thằng Tí như dạo trước thì ông đâu cần đi lang bang… Phải chi “con Kim nó nói thiệt để mình biết tại sao nó không để mình đưa rước thằng Tí”… thì ông đâu có thắc-mắc, bởi thắc-mắc nên cứ muốn đi vòng vòng… Phải chi hồi còn “vàng son”, bay qua đây tậu một villa to cho các con, có đất rộng vườn to… thì bây giờ ông đâu gặp chuyện bực mình ở nơi công cộng… Ờ… mà phải chi miền Nam đừng bị Việt Cộng chiếm đoạt… thì ông đâu trắng tay để phải lưu vong như vầy… Phải chi… Phải chi… Ông Hai thở dài, dụi điếu thuốc rồi đưa hai tay vuốt tóc như muốn phủi xuống những cái “phải chi” đang đè nặng trên đầu. Ông nghe ở kẽ mấy ngón tay dính vài sợi tóc. Đưa ra trước mặt, nheo mắt nhìn: sợi tóc nào cũng trắng phau như cước.
Đêm đó, sau khi đưa cha vào giường nằm giữa hai lớp drap, Kim vừa tấn mí couette vừa hỏi:
– Ba có đồ giặt không?
– Có. Cái quần với cái áo sơ-mi máng trên cửa đó, con.
Kim cầm lấy quần áo thọc tay vào mấy túi để coi “ông già có để quên gì trong đó không”. Từ trong túi quần, Kim móc ra một cái đồng hồ đeo tay cũ kỹ. Ngạc nhiên, Kim hỏi:
– Ủa, Đồng hồ nào đây?
– Đồng hồ của ba, à…
– Còn cái đồng hồ Seiko điện tử mà thằng Út mua tặng ba đâu rồi?
Ông Hai nghiêng đầu về phía cái bàn con đặt cạnh đầu giường:
– Đó! Nó nằm cạnh cái đồng hồ reo, đó. Ba vẫn đeo nó chớ!
– Vậy! Còn cái này?
Ông Hai ngập-ngừng một lúc:
– Ờ… thì… ba giữ nó làm kỷ niệm.
Kim cầm đồng hồ ngấm nghía rồi cau mày:
– Ủa! Đồng hồ gì mà chạy kỳ vậy? Bây giờ mà nó chỉ 5 giờ!
– Giờ Việt Nam đó con.
Kim phì cười:
– Ở bên Pháp mà ba còn giữ giờ Việt Nam làm gì?
– Để… nhớ…
Tiếng “nhớ” nghẹn ngang ở cổ. Mặt ông Hai bỗng nhăn lại. Ông nhắm nghiền mắt để kềm cảm-xúc. Trong một khoảnh-khắc, bao nhiêu hình ảnh hiện về trong đầu ông thật nhanh, chớp tắt không thứ-tự lớp-lang: bà Hai, cái nhà, sở cao-su, tiệm nước thằng Tỷ, con nhỏ tóc vàng đòi bóng, thằng Tí đứng sau hàng rào lưới kẽm, thằng Rớt tiển ông ở phi-trường… Một lúc sau, ông mở mắt nhìn con gái, giọng buồn vô hạn:
– Ba bỏ xứ ba đi, ba chẳng còn gì để đem theo hết. Chỉ có cái đồng hồ đó là còn giữ được chút gì của Việt Nam, lâu lâu lấy ra dòm coi mấy giờ ở bên đó. Để còn có cái gì nó nhắc nhở. Và để thấy làm như mình vẫn chưa cắt lìa cuống rún đối với quê hương. Con hiểu không?
Kim cảm động nhìn cha. Mái tóc trắng càng quá trắng trên nền áo gối màu xanh sậm. Bao nhiêu nếp nhăn trên mặt trông thật rõ nét vì niềm xúc động dâng lên. Kim thấy thương cha vô cùng. Cô đem cái đồng hồ cũ của cha đến đặt một cách trang trọng cạnh đồng hồ Seiko, rồi cuối xuống vừa hôn lên trán cha vừa nói:
– Ba đừng buồn. Ở đây còn có tụi con, còn có thằng Tí…
Ông Hai xẳng giọng:
– Thằng Tí! Thằng Tí! Có mỗi chuyện đưa rước nó đi mẫu giáo mà con còn giành thì lấy gì biểu ba vui đây?
Kim quỳ xuống cạnh giường, nhìn cha một lúc rồi nói:
– Chừng thằng Tí đi nội về, con sẽ giao nó lại cho ba đưa rước.
Ông Hai ngóc đầu lên, tròn mắt ngạc nhiên:
– Thiệt hả con?
Kim gật gật đầu nghiêm giọng:
– Nhưng mà với điều kiện là ba đừng cho nó uống rượu và ba phải bớt hút thuốc đi. Trong trường, người ta than phiền là sáng nào thằng nhỏ vào đó cũng nghe mồm miệng hôi rượu và quần áo tẩm mùi thuốc lá. Vậy, ba có hứa không?
Ông Hai nhớ lại sáng nào khi ông uống rượu chát ông cũng cho thằng Tí hớp một hớp giống như khi ông ăn vặt ông thường đút cho nó vài miếng. Thằng nhỏ khoái lắm, nhảy tưng tưng. Hình ảnh đó thật là dễ thương. Bây giờ thì… thôi! Điều quan trọng là được tiếp tục đưa rước thằng cháu ngoại. Nghĩ như vậy nên ông nheo mắt mỉm cười:
– Hứa chớ sao không, con.
Bỗng cái cười của ông méo đi. Ông chớp chớp nhanh mắt. Không kịp rồi! Hai giọt nước mắt đã lăn xuống hai bên thái dương. Kim ngạc nhiên:
– Ủa! Sao ba lại khóc?
– Ờ… già rồi, kỳ lắm. Buồn thì khóc đã đành. Mà vui cũng bắt chảy nước mắt nữa con! Ba đang vui lắm đó chớ!
Kim phì cười, cuối xuống hôn cha rồi đứng lên lấy đồ giặt bước ra. Đến ngưỡng cửa, Kim quay nhìn cha mà nghe tình thương càng dào-dạt trong lòng. Kim đưa tay tắt đèn rồi đóng cửa lại nhè nhẹ. Trong bóng tối, ông Hai tự nhủ thầm: “Rồi mình cũng phải tìm cách cai thuốc lá nữa chớ! Cho con nó vui…”
Đêm đó, ông Hai ngủ thật ngon, quên luôn rằng mình đang nằm giữa hai lớp drap chớ không có chui vào hai lớp mền như thường lệ!
Tiểu Tử


Vũ Linh: Tin Vắn Trong Tuần (August 29, 2020)


Linh: Tin Vắn Trong Tuần (August 29, 2020)

CẬP NHẬT THỐNG KÊ COVID
  
Ø  Tin vui lớn là tỷ lệ gia tăng số người bị nhiễm tiếp tục giảm khá nhanh. Giữa tháng gia tăng trong một tuần 14,4%, bây giờ chỉ còn có 5,1%. Trong khi tỷ lệ khỏi bây giờ đã lên tới hơn 55% số người bị nhiễm, nghĩa là trong số hơn triệu người bị nhiễm đã có tới hơn 3,3 triệu người khỏi bệnh.
Ø  Bà bác sĩ Deborah Birx, nhân vật thứ hai trong Ủy Ban Đặc Nhiệm của TT Trump để đối phó với dịch COVID đã lên tiếng cho biết đích thân đi bầu, thay vì ngồi nhà bầu bằng thư, không có gì nguy hiểm hơn là đi vào Starbucks mua một ly cà phê.
Đây là lần thứ nhì một viên chức y tế cao cấp tuyên bố như vậy. Trước đây, bác sĩ Fauci cũng tuyên bố tương tự, là đi bầu chẳng có gì nguy hiểm hơn đi siêu thị mua thực phẩm.
Hai câu tuyên bố này đi ngược lại lập luận của đảng DC là đi bầu nguy lắm, chỉ có cách ngồi nhà bầu bằng thư thôi.
Cái giả dối thô bỉ của đảng DC được thể hiện rõ nét nhất qua sắc lệnh của thị trưởng New York, Bill de Blasio, cấm tụ họp đông người, không cho mở cửa trường, cấm mở cửa kinh doanh, chống dân đi bầu, nhưng lại cho phép xuống đường biểu tình chống TT Trump hay ủng hộ Bờ Lờ Mờ.
 

Ø  Cơ quan kiểm dịch CDC đã cho biết họ đã thu hồi chỉ thị cấm cung 14 ngày những người từ ngoài nước vào Mỹ cũng như những người đi từ những tiểu bang bị nhiễm nặng qua các tiểu bang khác.
Nên ghi nhận đây là thu hồi khuyến cáo của CDC thôi, còn mỗi tiểu bang vẫn có luật cấm cung riêng của họ theo lệnh của các thống đốc mà mọi người vẫn phải tuân theo. Chắc ăn nhất, trước khi di chuyển, nên vào trang mạng của những tiểu bang mình muốn tới để xem có bị cấm cung hay không.

Ø  Báo Pháp France Soir nhận định số tử vong của Mỹ đã lớn hơn con số thật sự khoảng 72% hay 91.500 người, nếu thống kê về dịch của Mỹ được tính theo phương cách của Đức. Nghĩa là cho đến nay, đã chỉ có hơn 35.000 người chết chứ không tới 150.000 (đầu tháng 8).
Trong khi đó thì cơ quan BfArM, là cơ quan kiểm soát thuốc của Đức, tương đương với FDA của Mỹ, đã ra thông cáo chính thức hướng dẫn các bác sĩ Đức về việc dùng thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine để trị COVID.

Ø  Biểu đồ bên dưới trình bày tỷ lệ nrCFR tức tỷ lệ số người chết trên số người dính COVID đã được giải quyết (lành bệnh hay đã chết) trong một tuần (7 ngày)  ở Thụy Sỹ. Vào khoảng 27 tháng 5, Thụy Sỹ đình chỉ việc sử dụng hydroxychloroquine để trị cô-vi thì khoảng 13 ngày sau (thời gian ủ bệnh), tỷ lệ tử vong tăng lên rõ rệt. Sau đó Thụy Sỹ vội vàng rút lại lệnh đó, và khoảng 13 ngày sau thì tỷ lệ tử vong lại đi xuống.


ĐẠI HỘI ĐẢNG CỘNG HÒA
Một tuần sau Đại Hội Đảng DC, tới phiên đảng CH. Khác biệt lớn là các diễn giả CH được mời đến các hội trường huy hoàng, cờ quạt dựng đầy sau lưng, coi nghiêm trang hơn các diễn giả DC ngồi trong nhà.

NGẦY ĐẦU: 24/8/2020
ng hàng loạt diễn văn. Có hai diễn giả đáng ghi nhận:
-          Bà Nikki Haley, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc. Nếu bên DC có bà Kamala Harris gốc Ấn Độ thì bên CH cũng có bà Halley gốc Ấn Độ luôn. Đây là hai ngôi sao sáng của hai chính đảng Mỹ. Biết đâu chừng năm nào đó, ta sẽ thấy hai bà gốc Ấn Độ đại diện cho hai chính đảng Mỹ ra tranh cử tổng thống?
-          Bà Kimberly Guilfoyle, vợ cũ của thống đốc Cali Gavin Newsom lên đọc diễn văn mô tả đảng DC đã phá hoại Cali như thế nào, từ một thiên đường hạ giới biến thành thủ đô của dân vô gia cư, dân sống bằng trợ cấp, di dân lậu, dân nghiện ma túy,… với cuộc sống đắt đỏ nhất Mỹ, giá nhà cao nhất nước, thuế tiểu bang và địa phương cao nhất nước, chính quyền tiểu bang thâm thủng liên miên, chỉ vỉ cần quá nhiều tiền nuôi mấy loại dân trên.

NGÀY THỨ NHÌ: 25/8/2020
Ngày ít quan trọng nhất của đại hội, được dành cho gia đình TT Trump, với diễn văn của bà Melania, ông con Eric, và cô con Tiffany.
Chuyện lạ bốn phương, báo cấp tiến nặng The Atlantic ca ngợi bà Melania nói chuyện nghiêm chỉnh, đáng chú ý. Báo Washington Post không khen nhưng cũng không chửi, mà chỉ nhấn mạnh bà Melania kêu gọi dân Mỹ đoàn kết và lịch lãm hơn.
WaPo cũng đã có bài viết dài ‘khen’ Đại Hội đảng CH là một tuyệt tác về tiếp thị (chính trị) -masterpiece of marketing.
Ngoài ra, đáng nói là diễn văn của ngoại trưởng Mike Pompeo đọc từ thủ đô Do Thái Jerusalem. Bị WaPo công kích là mang chính trị vào chính sách đối ngoại. Kẻ này phải đọc hai ba lần để chắc ăn là mình không đọc lộn. Tổng thống thành lập nội các để thi hành chính sách của ông, sao bây giờ lại đòi không cho các bộ trưởng dính dáng vào? Trước đây thì tố TT Trump mang chính trị vào bộ Tư Pháp, bộ Quốc Phòng, … bây giờ thì tố mang chính trị vào bộ Ngoại Giao, mai này chắc cấm mang chính trị vào toàn thể nội các, nghĩa là nội các sẽ do lưỡng viện bầu từ khối không theo đảng nào, và họ tự do muốn thi hành chính sách nào cũng được , hoàn toàn độc lập với tổng thống sao? Tính phe đảng bôi bác càng ngày càng … cuồng điên.
Bộ trưởng Tư Pháp của Kentucky, một tiểu bang CH, ông Daniel Cameron tuyên bố rõ ràng, “Tôi là da đen nhưng tôi ủng hộ TT Trump. Tôi không chấp nhận bị đảng DC xiềng xích. Tôi không chấp nhận đảng DC ra lệnh cho tôi phải bầu theo màu da của tôi”.
Một câu nói mà kẻ này thấy có ý nghĩa nhất: “Không có một bà mẹ nào muốn con lớn lên trong những nơi loạn đả như Portland hay Seattle”. Của bà Kristi Noem, thống đốc tiểu bang South Dakota. Cụ tỵ nạn DƯT nào không đồng ý xin giơ tay!

NGÀY THỨ BA: 26/8/2020
Chủ chốt là bài diễn văn của PTT Pence. Ông Pence đã đưa ra một bức tranh về con người của TT Trump, khác xa hình ảnh TTDC mô tả: một con người thẳng thắn, ra tổng thống vì lý tưởng, một con người rất rộng lượng, nhân ái. Khác rất xa hình ảnh TTDC cố đưa ra.

NGÀY THỨ TƯ: 27/8/2020
Đây là ngày chính với TT Trump đọc diễn văn chấp nhận đề cử của đảng CH.
TT Trump được bà con gái Ivanka giới thiệu. Bà này đọc diễn văn tuyệt hảo, hay hơn bà mẹ Melania nhiều. Nhìn vào thì đó thấy tương lai chính trị của bà Ivanka còn rất dài.
Câu nói mà kẻ này thấy ấn tượng nhất là “Washington đã không thay đổi bố tôi. Mà bố tôi đã thay đổi Washington”. Chẳng những chính xác nhất, ý nghĩa nhất và còn giải thích rõ ràng nhất tại sao TT Trump đã bị đánh phá như chưa từng thấy, bởi đảng DC lẫn cả đảng CH và toàn thể hệ thống Nhà Nước Ngầm.
Bài diễn văn của TT Trump là một liệt kê đầy đủ nhất về những thành quả ông đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, cùng với những hứa hẹn cho nhiệm kỳ tới nếu đắc cử. Bài diễn văn hơi quá dài, hiển nhiên do các chuyên gia viết, không có ngôn ngữ hào nhoáng, sống động, và thách đố thông thường của ông Thần Trump. Nhưng đó là một diễn văn có tính cô động lại tất cả những gì ông muốn nói với dân Mỹ trong mùa tranh cử này. Sẽ là kim chỉ nam cho sách lược tranh cử trong những ngày tháng tới.
Cuộc tranh cử tổng thống trên thực tế bây giờ mới chính thức bắt đầu. Ta chống mắt xem hai bên tung những tuyệt chiêu nào.

CHUYỆN BÊN LỀ ĐẠI HỘI ĐẢNG CH
Ø  Trong những ngày đại hội, TT Trump cũng tung ra hai chiêu võ tuyệt hảo: a) chủ tọa lễ tuyên thệ của năm người nhập quốc tịch Mỹ: một ông gốc Bolivia, một ông gốc Ghana, một bà gốc Sudan, một bà gốc Ấn Độ và một bà gốc Lebanon, và b) ân xá bà Jon Ponder bị tù vì ăn cướp ngân hàng, sau đó bỏ cả đời tranh đấu cho quyền của người tù.
Trước đó ít ngày, TT Trump cũng đã ân xá bà Susan Anthony, một phụ nữ cả đời tranh đấu cho quyền bầu cử của phụ nữ. Bà Susan Anthony bị bắt năm 1872 và kết án vì tội gây rối loạn. Bà là người có hình trên đồng một đô-la, khá hiếm, ít người xài.

Ø  Điều đầu tiên phải nhấn mạnh, không khí chung và chủ đề hai đại hội của hai chính đảng khác nhau một trời một vực.
Trong khi bên DC thì các diễn giả ngồi nhà đọc diễn văn, trong một căn phòng đầy đồ đạc riêng tư lỉnh kỉnh thì hầu hết các diễn giả CH đến một hội trường trong không khí trang nghiêm, với đầy cờ Mỹ sau lưng.
Trong khi chủ đề của đảng DC là chống Trump, chống Trump, và chống Trump, vẽ ra một bức tranh đen tối nhất của nước Mỹ nhưng lại tuyệt đối không một câu nào về các cuộc bạo động cướp phá, thì đại hội CH đưa ra một bức tranh nước Mỹ hùng mạnh
Chuyện đáng nói là phản ứng của TTDC, trên nguyên tắc phải là cơ quan thông tin trung thực và vô tư, nhưng trên thực tế, đã tự xác nhận là cái loa của đảng DC. Toàn thể TTDC từ CNN tới New York Times, Washington Post đều viết bài bôi bác, chê bai đủ kiểu. WaPo có bài công kích nặng nề nhất, đặc biệt là với bài diễn văn của TT Trump (Xin đọc bài "WaPo & Trump" tuần này)

Ø  Vài anh nhà báo tố TT Trump vi phạm luật tranh cử khi đọc diễn văn nhận đề cử tại Tòa Bạch Ốc, xào xáo chuyện quốc sự với chuyện tranh cử. Chuyện bá láp. Chẳng có luật nào cấm TT Trump không được đọc diễn văn chấp nhận đề cử tại Tòa Bạch Ốc. Thứ nhì, trước đây, TT Franklin Roosevelt cũng đã đọc diễn văn tương tự tại Tòa Bạch Ốc rồi.

HẬU THUẪN TT TRUMP TĂNG
Ø  Báo Wall Street viết bài nghiên cứu, cho thấy tuy TT Trump thua cụ Biden tính trên hậu thuẫn chung của cả nước, nhưng không thể tin vào những thăm dò này. Có nhiều yếu tố cần ghi nhận: giờ này năm trước
·     hậu thuẫn của bà Hillary hơn ông Trump  điểm, trong khi bây giờ cụ Biden hơn TT Trump có 7 điểm, theo Real Clear Politics.
·     số người ghét ông Trump cao hơn số người thích ông cỡ 33 điểm, bây giờ chỉ là 12 điểm.
·     trong khối cử tri da trắng, là khối có tới hơn 70% cử tri đi bầu, tỷ lệ ủng hộ/chống ông Trump là 35%-54%, cách biệt 19 điểm. Bây giờ hai tỷ lệ này ngang nhau.
·     chỉ có 14% cử tri tin ông Trump sẽ thắng. Bây giờ, có tới 27% tin TT Trump sẽ tái đắc cử.
Tóm lại, so sánh năm 2016 với 2020, tỷ lệ hậu thuẫn TT Trump năm xưa tệ hơn nhiều, mà ông vẫn thắng cử.
·     Thăm dò trong khối cử tri lưỡng lự, chưa quyết định ủng hộ ai, cho thấy 22% nghĩ tốt (positive image) về TT Trump, trong khi chỉ có 11% nghĩ tốt cho cụ Biden. Đặc biệt hơn nữa, có tới 42% muốn đảng CH kiểm soát quốc hội trong khi chỉ có 25% muốn đảng DC kiểm soát.
·     Về chuyện kinh tế, yếu tố họ quan tâm nhất, 48% cử tri tin TT Trump có khả năng hơn, và 38% tin cụ Biden hơn.

DƯ ÂM ĐẠI HỘI ĐẢNG DÂN CHỦ
Thông thường, sau mỗi đại hội đảng, hậu thuẫn của ứng cử viên đảng đó tăng vọt rất đáng kể, ít nhất cũng 5-7 điểm, có thể tới cả chục điểm.
Thế nhưng đại hội đảng DC tuần trước đã có kết quả trái ngược hẳn: hậu thuẫn của cụ Biden rớt đồng loạt khắp nơi.
Dưới đây là bảng tỷ lệ hậu thuẫn theo Real Clear Politics, là trang mạng trung lập, đúc kết tin của tất cả các báo, đài TV, và cơ quan thăm dò (quý vị để ý mấy mũi tên chỉa xuống, nghĩa là thấp hơn so với tuần trước), ngay sau Đại Hội Đảng DC, trước Đại Hội Đảng CH:
  

CHUYỆN DÀI CỤ BIDEN

Ø  Nghề Chôm Chỉa
Báo Washington Examiner, công khai tố cụ Biden lại dở mánh chôm chỉa cũ ra xài.
Đây là nguyên văn một câu nói của cụ Biden trong bài diễn văn nhận đề cử: “Love is more powerful than hate. Hope is more powerful than fear. And light is more powerful than dark”.
Theo Washington Examiner, đó là chôm một câu trong bài diễn văn của lãnh tụ đảng thiên tả Tân Dân Chủ Canada -New Democratic Party-, ông Jack Layton mà đây là nguyên văn: “Love is better than anger. Hope is better than fear. Optimism is better than despair”.

Ø  New York Times Cảnh Báo
Cụ Biden tuần rồi đã hùng hổ tuyên bố nếu cần thiết, cụ sẵn sàng ra lệnh đóng cửa toàn diện kinh tế trên cả nước lại cho tới hết dịch, bất kể bao lâu.
Lời tuyên bố này đã bị New York Times chỉ trích ngay là cụ Biden hoàn toàn sai lầm, đã mở cửa cho phe CH tấn công cụ bất cần đời sống kinh tế và tinh thần của cả trăm triệu dân, không cần biết đóng cửa kinh tế toàn diện tai hại cỡ nào cho cả nước và toàn dân, nhất là đám dân trung lưu làm kinh doanh nhỏ. Các cụ đang làm chủ các tiệm phở, bánh cuốn, chạp phô ở Bolsa, Bellaire, Eden cần chuẩn bị đóng cửa sớm trong trường hợp cụ Biden đắc cử.
Quý vị ơi, đó là tuyên bố chính thức đầu tiên của cụ Biden sau khi được chính thức tấn phong làm đại diện cho đảng DC ra tranh cử tổng thống đó. Những tuyên bố sai lầm sẽ còn tiếp diễn mỗi ngày. Vị nào rảnh, xin bắt đầu thú vui sưu tập các nói nhầm này, mai này, đóng tập thành sách bán bộn tiền đó.

Ø  Bà Pelosi Khuyến Cáo Cụ Biden
Chủ tịch Hạ Viện, bà Pelosi đã lên tiếng khuyến cáo cụ Biden nên từ chối không tranh luận với TT Trump trên TV như trong tất cả các cuộc tranh cử tổng thống trước đây. Bà Pelosi cho rằng tranh luận với TT Trump nghĩa là ‘chính danh hóa’ -legitimize- việc ông Trump làm tổng thống.
Nghe thật quái lạ. Ý bà Pelosi muốn nói ông Trump không phải là tổng thống chính danh, phủ nhận hoàn toàn kết quả bầu cử năm 2016 sao?
Thật ra, không cần nói, cả thế giới cấp tiến đang run bần bật trước viễn tượng cụ Biden tranh luận nếu không nói nhầm, nói sai, cũng sẽ bị TT Trump bóp cổ chết tại trận.

Ø  Bà Hillary Khuyến Cáo Cụ Biden
Bà Hillary, hiển nhiên vẫn còn cay cú chuyện thất cử, đã lên tiếng khuyên cụ Biden nếu có thua cũng không nên tuyên bố chịu thua -concede- ngay nếu thua thật, mà phải tranh đấu bằng mọi cách, kiểm tra và đếm lại từng lá phiếu. Hình như bà Hillary nghĩ cụ Biden sẽ thua thật.
Chuyện tiếu lâm là trong thời gian gần đây, phe DC và TTDC liên tục viết bài kêu gọi dân chúng đề cao cảnh giác  trong trường hợp TT Trump thất cử, ông sẽ tìm mọi cách không chịu thua dễ dàng.
Chẳng biết TT Trump có tính làm như vậy hay không, chỉ biết bà Hillary đã công khai khuyến cáo cụ Biden không chấp nhận kết quả bầu cử nếu thua rồi đấy.

Ø  CNN Khuyến Cáo Cụ Biden
Đài CNN đã lên tiếng báo động dân Mỹ đang rất bực mình vì các vụ bạo động rối loạn đang xẩy ra tại Seattle, Portland, và mới đây tại Kenosha, Wisconsin. Trong khi trong bốn ngày Đại Hội đảng DC, tất cả đều đã vùi đầu xuống cát, không có tới một diễn giả nào giám hó hé nói một câu nào. Anh da đen đọc tin cho CNN, Don Lemon đã hô hoán cụ Biden cần phải lên tiếng ngay chứ không thể nhắm mắt im hơi lặng tiếng được nữa, vì tất cả các thăm dò đều cho thấy dân Mỹ rất bất mãn về bạo động và có vẻ chấp nhận thông điệp ‘luật pháp và trật tự’ -law and order’ của TT Trump và đảng CH.

Cả 3 khuyến cáo là bằng chứng hiển nhiên nhất là phe DC không tin vào các thăm dò mà trái lại đang phát rét vì viễn tượng đại bại. Đang cố hết sức bảo vệ cụ Biden.

Ø  Cụ Biden Đãng Trí Thật?
Sau khi CNN khuyến cáo phải chường mặt ra, cụ Biden đã lên tiếng trả lời phỏng vấn của MSNBC, chỉ trích tất cả bạo loạn là lỗi của TT Trump hết dĩ nhiên. Cụ nhắc lại là dưới thời Đấng Tiên Tri Obama, chẳng có bạo loạn nào hết, chẳng bao giờ thấy Vệ Binh Quốc Gia.
Nguyên văn: “For the last four years [DĐTC: 2013-2016] we weren't having riots, racial riots, When they occurred, we didn't have to call in the National Guard".
Vậy sao? Xin gửi quý độc giả hình chụp tại Ferguson, Missouri, tháng Chạp 2014:


Chưa kể các cuộc bạo loạn tại Baltimore tháng 4/2015, tại Charlotte tháng 9/2016. Đều là bạo loạn của dân da đen, đều có Vệ Binh Quốc Gia tới dẹp loạn. Đều là dưới thời Obama/Biden.
Đây là bằng chứng không thể nào rõ ràng hơn là cụ Biden nên tiếp tục tịnh khẩu trốn trong hầm, đừng ra mặt vì cụ cứ thò đầu ra nói câu nào là y chang nói nhầm câu đó.

Ø  Bị TT Trump Chọc Quê
Trong một chiêu chọc quê tiêu biểu, ông Thần Trump đã đề nghị cả ông và cụ Biden đều sẽ thử nghiệm trước khi tranh luận trên TV. Không phải thử nghiệm COVID, cũng không phải thử nghiệm ma túy như truyền thông tỵ nạn loan tin sai. Mà là thử nghiệm xem có vừa uống thuốc kích não cho đầu óc bất thình lình minh mẫn lên không. TT Trump nêu chuyện cụ Biden bất thình lình trong một lần tranh luận cuối cùng trên TV đã đối đáp rất nhạy bén chống cụ Sanders, rất là bất bình thường, làm như vừa uống thuốc đó xong.
Dĩ nhiên là sẽ chẳng bao gì có chuyện thử nghiệm như vậy hết, mà chỉ là cách ông Thần Trump chọc quê cụ Biden và nhắc nhở cho thiên hạ biết đầu óc của cụ có vấn đề thật.

TTDC KỲ THỊ DI DÂN?
Anh cựu nhà báo Kurt Eichenwald của New York Times tuýt một tràng công kích bà Melania về việc bà sửa lại Vườn Hồng -Rose Garden- trong Tòa Bạch Ốc.
Anh này hùng hổ viết anh cực kỳ bực tức việc một người ‘ngoại quốc’ mới được vào quốc tịch Mỹ dưới thời TT Bush con (2006) mà giám phá một báu vật quốc gia là Vườn Hồng để làm lại theo kiểu ngoại lai bà muốn.
Ngay sau đó, hàng loạt tuýt của chính phe ta đã công kích anh này về tội kỳ thị di dân. Ngay cả anh Jack Tapper của CNN cũng phải lên tiếng tố đây là chuyện bài ngoại, hoàn toàn sai lầm.
Một điều anh Eichenwald không biết hay muốn lờ đi, là bà Melania đã sửa lại vườn không phải theo kiểu ngoại lai Slovania là quê hương của bà, mà là sửa lại cho giống Vườn Hồng thời bà Jacqueline Kennedy.
Một ngày sau, bị tấn công quá, anh Eichenwald đã lên tiếng xin lỗi bà Melania.

DÂN DA ĐEN LẠI NỔI LOẠN CƯỚP PHÁ
Lịch sử tái diễn: một anh da đen bị cảnh sát bắn chết, dân da đen không chậm một phút, lợi dụng tràn xuống đường đi ăn cướp ăn trộm, đốt phá ngay. Đó là chuyện mới xẩy ra tuần rồi tại thành phố Kenosha, tiểu bang Wisconsin.
Khác với các tiểu bang khác, học được bài học loạn đả của Minneapolis, New York, Seattle, Portland,… sau hai đêm bạo động, thống đốc DC của Wisconsin đã kêu gọi TT Trump gửi Vệ Binh Quốc gia đến giúp dẹp loạn.
Ngay tại Minneapolis, nơi anh Floyd bị bắn chết, bạo loạn cướp phá lại tái diễn khi một anh đen bị lùng bắt bởi cảnh sát vì tội giết một anh đen khác, bị cảnh sát chặn, bí lối tự bắn vào mình tự tử.
Tin này được loan ra, ngay tối ngày 27/8, dân da đen lấy đó làm cớ, lại ào đi cướp phá một shopping mall ngay trong trung tâm thành phố.

HÌNH KHÔNG CẦN LỜI

“Mostly Peaceful” ???

CÁI CHẾT CỦA ANH FLOYD
Quý độc giả hẳn còn nhớ anh George Floyd, bị một cảnh sát da trắng dùng đầu gối chấn xuống đất chết.
Tin mới nhất, các bác sĩ khám nghiệm tử thi anh Floyd cho biết anh này trong người có đầy chất ma tuý fentanyl, nhiều đến mức chết người dễ dàng. Tuy nhiên các bác sĩ cũng khôn khéo tránh né búa rìu chính trị, không giám khẳng định anh Floyd chết vì ma túy. Trước đó, sau khi anh dùng tiền giả trả tiền mua thuốc lá, anh đã ra xe ngồi chịu trận vì không còn tỉnh táo để lái xe chạy trốn.
TTDC im re, không báo hay đài nào đăng tin này. Vì lý do chính trị, có nhiều triển vọng các quan tòa cũng vứt hết giấy tờ khám nghiệm để tiếp tục truy tố các cảnh sát viên về tội cố sát thôi.

THỐNG KÊ CẢNH SÁT
Trong thời gian qua, TTDC đã làm rùm beng tính tàn bạo vô nhân đạo của cảnh sát Mỹ, đặc biệt là với khối dân da đen. Đọc báo và coi TV, ai cũng nghĩ mấy anh Gestapo của Hitler hay KGB của Xít-Ta-Lin so với với cảnh sát Mỹ chắc hiền hơn ‘ma sơ’.
Sự thật không hẳn như vậy.
Theo thống kế chính thức của FBI, trong một năm qua, cảnh sát Mỹ đã bất giữ hơn 10  triệu người. Trong số đó có 1.004 vụ đụng chạm đưa tới chết người. Tuyệt đại đa số những vụ đụng chạm đưa đến chết người vì dân phạm pháp có súng bắn trả cảnh sát, chỉ có 41 vụ nạn nhân không có dao hay súng bị bắn chết vì tháo chạy hay chống cự mạnh. Trong số chết người đó, có 19 anh da trắng và 9 anh da đen.
9 anh da đen chết trong hơn một chục triệu vụ bắt giữ có là con số kinh hoàng như TTDC mô tả không? Tại Chicago, chỉ trong một cuối tuần tháng trước, đã có tới 19 anh da đen bị da đen khác bắn chết.
Một điều nữa mà TTDC không đủ lương thiện để viết ra: trong thời gian một năm qua, đã có tới 48 cảnh sát bị bắn chết. Blue Lives Matter hay không?
Thống kê chính thức về số người bị cảnh sát bắn chết cho thấy chiều hướng suy giảm mạnh trong tất cả các khối dân trắng, đen, nâu, vàng, từ 2017 là năm ông Trump nhậm chức. Hoàn toàn trái ngược lại những vu cáo của TTDC.

TT TRUMP BỔ NHIỆM ÔNG GỐC VIỆT GIÁM ĐỐC ICE
Tin từ báo Washington Examiner cho biết ông Tony Phạm, hiện đang là luật sư trưởng của ICE -Immigration and Customs Enforcement- là cơ quan kiểm soát di dân, sẽ được bổ nhiệm là giám đốc toàn thể cơ quan ICE luôn.

---------------
CỤ DƯT XUYÊN TẠC BẨN
Chiệng dzài nhăn răng tự dzận tiếp tục.
Tuần rồi, ô. NTN lại lên tiếng “bênh vực” cụ HCLân nữa. Lại một bài rất dài, nhưng tóm lại chỉ là diễn giải bóp méo, xuyên tạc, xoáy mạnh vào câu nói của ông Trump với anh Billy Bush, vì có hơi hám sex, dễ câu độc giả nhất và hợp khẩu vị của  ô. NTN và các đồng chí vái lạy ông ta.
Dựng đứng một chuyện bẩn thỉu, rồi thêm mắm thêm muối, dùng danh từ thô tục để khích động độc giả và phỉ báng VL chỉ phản ảnh khác biệt văn hóa và giáo dục giữa VL với ô. NTN, và giữa Diễn Đàn Trái Chiều với báo chợ của ông ta, để cả cộng đồng nhận định. Đúng như câu “Hãy nói cho tôi biết bạn thích nói về chuyện gì nhất, tôi sẽ nói bạn là người như thế nào."
Thật là chuyện đáng buồn khi những người chống TT Trump không đủ khả năng phản biện nghiêm chỉnh với VL về những chuyện chính sách và hậu quả quan trọng cho đất nước dung thân này, mà chỉ có khả năng bóp méo, phịa, xuyên tạc, bôi bác những chuyện nhảm nhí.
Tôi chấm dứt cuộc tranh cãi vớ vẫn này tại đây, sẽ không bàn tiếp với đám vô học vì càng bàn càng bị xuyên tạc, gián tiếp xúc phạm quý cụ Âu Châu, là điều tôi tuyệt đối muốn tránh.
------------------
Tuần qua, VL vẫn tiếp tục là ngôi sao sáng, được các cụ cuồng chống Trump, có lẽ vì hoảng sợ thấy quá nhiều người đọc VL, xúm lại tung emails ra công kích.
Cũng vui thôi ! Càng nhiều người xúm lại đánh VL, thì càng nhiều người ít nhất cũng vì hiếu kỳ, chạy vào đọc DĐTC!