Saturday, April 28, 2018

Ngôn ngữ người Sài Gòn nghe đã thiệt


Ngôn ng người Sài Gòn nghe đã thit
Hoàng Thạch

Tôi chuyển vào Sài Gòn cũng đã hai mươi mấy năm. Chừng ấy thời gian chưa dài lắm nhưng với đời người thì không thể nói là ngắn được. Tính tôi đi đến đâu cũng vậy, cứ thích tò mò ngóc ngách cuộc sống dân tình ở đó, dù là trong nước hay đi học hành ở nước ngoài. Đúng là có chuyện “văn hóa vùng miền” rất thú vị.

Sài Gòn mới hơn 300 năm so với Hà Nội hơn 1.000 năm văn hiến thì rõ ràng ngắn hơn nhưng lại có những nét văn hóa thật dễ thương. Qua những cuộc di cư từ Bắc vào Nam suốt mấy trăm năm nay đến vùng “Đất lành chim đậu”, có những điều không bị mai một đi mà con người còn làm đẹp hơn lên. Rồi “Đất phương Nam” an bình, phì nhiêu lại có thêm người Trung Hoa, người Ấn Độ đến sinh sống, tạo nên một miền đất nước đa sắc tộc sống chan hòa bên nhau.

Tết vừa rồi tôi có dịp trở lại Hà Nội, bạn bè anh em lâu ngày gặp nhau, câu đầu tiên “tay bắt, mặt mừng” là: “Hi, xin chào anh Hai Sài Gòn”, rồi những người đến sau cũng lại chào tôi là “anh Hai Sài Gòn mới ra hả”. Có chuyện gì muốn kết luận lại “anh Hai Sài Gòn cho ý kiến”… và tất nhiên cuối buổi nhậu nhiệm vụ của anh Hai Sài Gòn là… thanh toán. Phải chi tiền mà cũng thấy sướng cái bụng, bởi thấy cái tên “anh Hai Sài Gòn” mà bạn bè gọi tôi, tôi cũng thấy hay hay và có chút tự hào nữa. Có người hỏi:

- Tại sao có “anh Hai Sài Gòn” mà không có “anh Hai Hà Nội” nhỉ?

Tôi sực nhớ lại một thời đã có nhiều người đưa ra những giả thiết về cái tên gọi “anh Hai, chị Hai”, trong đó tôi nhớ có một giả thiết khá hợp lý và mang tính nhân văn cao. Tôi kể họ nghe:

- Ngày xưa phương Nam của đất nước mình đất rộng người thưa, cò bay thẳng cánh, nên dân tứ xứ kéo vào sinh sống, làm ăn, mà các cụ xưa người Bắc thì rất “tôn ti trật tự”, có nghĩa là trong nhà, ai có đi đâu thì đi nhưng chỉ những đứa con thứ! Người con cả (anh Cả) phải ở lại chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ già, trông coi đất đai, thờ phụng tổ tiên... Những người con thứ vào Nam, họ làm ăn phát đạt, sinh con đẻ cái, cháu con đề huề nhưng họ luôn nhớ về tổ tiên, cha mẹ và nhớ tới người anh cả của dòng họ ở lại ngoài Bắc nên khi sinh ra những đứa con đầu lòng, họ không gọi là “anh Cả” mà gọi là “anh Hai” để tránh “phạm húy”. Rồi từ “anh Hai, chị Hai” gọi riết từ đời này sang đời khác thì người ta hiểu đó chính là “anh Cả, chị Cả” trong nhà. Thật là nhân văn, đúng hông?

Cả đám bạn bè vỗ tay tâm đắc: “Các cụ nhà mình trong đó quá hay”. Tôi được thể nói luôn: “Ở trỏng người ta vậy cả mà”.


Có anh bạn trẻ cuối bàn hình như lần đầu nghe câu chuyện “anh Hai, chị Hai” thấy thú vị quá, cầm ly bia to tướng đi lại bắt tay và kêu: “Trăm phần trăm đi anh Hai Sài Gòn”, tôi “chơi luôn”, nhưng rồi cậu lại hứng lên: “Xin mời anh Hai Sài Gòn cốc nữa”, tôi buột miệng: “Bình tĩnh đã cưng”. Một tiếng xuýt xoa phía góc bàn: “Lại một từ cưng, nghe hay nhất trong ngày rồi anh Hai Sài Gòn ơi, dzô đi”.

Vô Nam sinh sống lâu năm rồi những từ “dễ thương” ấy cứ nhập vào gia đình tôi từ lúc nào không hay, các con tôi nhiều khi gọi nhau bằng “cưng ơi, cưng à”, mẹ nó cũng gọi các con “cưng à, cưng ơi”. Tôi còn nhớ có lần cậu con trai nhỏ của tôi có chuyện nghịch ngợm gì đó, bị mẹ rầy la, chị gái nó lại vỗ vỗ nhẹ vai em: “Chị Hai bảo cưng của chị nè, lần sau đừng vậy nữa nghe cưng, cưng hổng sợ ba mẹ buồn sao?”. Rồi một tiếng “Dạ” nhè nhẹ trong tiếng sụt sùi. Nói như vậy thì làm sao thằng em không nghe cho được, tôi nghe mà cũng thấy mát lạnh trong lòng.

Ngày xưa lúc còn sống ở Hà Nội tôi cũng đã được nghe từ “cưng” này, nhưng trong những hoàn cảnh hình như khác, như “Bà ấy cưng con chó quá” hoặc “Cậu ấm ấy là con cưng của nhà đại gia”... chứ không phải người ta dùng từ “Cưng” để gọi nhau như ở Sài Gòn. Tiếng “cưng” ở đây nghe nó tự nhiên, đằm thắm lắm và dễ thương làm sao.

Tất nhiên, đã là xã hội thì sẽ có người này người nọ, lúc này lúc nọ nhưng những câu xã giao thân tình với cái giọng của người Sài Gòn dễ thương thật. Vào các cửa hàng thấy cách giao tiếp trong mua bán giữa khách và cô bán hàng: “Hàng này đồ thiệt hôn cưng?”, “Thiệt mà, thưa cô”... Người nghe cũng thấy nhẹ lòng. Đi ngoài đường, nếu vô tình ta quên gạt chân chống xe máy, ta sẽ được một cô, cậu thanh niên nhắc rất nhẹ, đủ nghe: “Cô /chú ơi, gạt chân chống” và một lời đáp lại: “Cảm ơn nha”. Nghe mà thấy vui.


Cuộc sống muôn vẻ, cuộc sống còn nhiều bộn bề, lo toan nhưng cuộc sống cũng rất cần cái hương vị dịu dàng tưởng chừng như thường tình, vô vị nhưng không phải vậy, bởi vì từ những đứa trẻ mới lọt lòng cũng đã thích nghe những lời ru nhẹ nhàng êm ái của bà, của mẹ để đi vào giấc ngủ, cho đến khi tuổi cao sức yếu, gần đất xa trời con người vẫn mong nhận được những lời nói dịu ngọt của con cái, người thân và bạn bè. Ngôn ngữ của người Sài Gòn nghe đã thiệt.


Hoàng Thạch


Đạo đức. Nền tảng trong xã hội Nhật Bản


 Đạo đức. Nn tng trong xã hi Nht Bn
  Bộ môn Giáo dục đạo đức tại Nhật Bản đóng vai trò rất quan trọng trong nền giáo dục nước này. Môn đạo đức có mặt trong tất cả các kỳ thi vượt cấp và đại học. Học sinh muốn ứng tuyển vào trường đại học bắt buộc phải có bài luận về môn Đạo Đức.
                    Đạo đức là môn học cả đời
Một Việt Kiều đang sinh sống tại Nhật có con đang học tiểu học từng chia sẻ, lần đầu tiên đọc cuốn sách Đạo Đức của học sinh Nhật Bản, chị thật sự rất bất ngờ. Ngay trong trang sách đầu tiên của cuốn sách, nhà xuất bản có viết một lời nhắn nhủ rất tâm huyết:
Bất kỳ đâu, bất kỳ khi nào, bao nhiêu lần đi nữa, các em hãy mở cuốn sách đạo đức, để suy nghĩ xem trong cuộc sống, điều gì là quan trọng nhất đối với chúng ta, và hãy phát huy nó trong đời sống của mình.
           
Học sinh Nhật được dạy về sự trân trọng sự sống
Ở Nhật, ngay từ lớp 1, trẻ em đã học được cách chia sẻ suy nghĩ, thể hiện ý kiến cá nhân. Cô giáo chỉ đóng vai trò tổ chức lớp học, đưa ra câu hỏi, chứ không dạy đọc – chép. Cuốn sách Đạo Đức tại Nhật có 4 phần.
Phần 1 giúp học sinh khám phá bản thân, tạo thói quen sinh hoạt đúng quy tắc, tự giải quyết vấn đề không nhờ vả người khác, sống trung thực ngay thẳng, không nói dối, không làm điều xấu.
Phần 2 dạy cho các em cách chào hỏi, giúp đỡ và sống đoàn kết với mọi người.
Phần 3 giảng dạy về tầm quan trọng của sự sống như con người, động vật, cây cỏ. Đặc biệt, người Nhật luôn dạy học sinh trân trọng chính mình, dạy học sinh nghĩ rằng, bản thân mình cũng là điều kỳ diệu tuyệt vời và luôn biết ơn cuộc sống.
Phần 4 dạy về văn hóa công cộng. Công viên, nhà ga, đường phố… đều là của chung và cần có những quy tắc ứng xử phù hợp, giữ gìn cho cả cộng đồng. Ngoài ra, các em cần yêu lao động, tích cực tham gia hoạt động xã hội.
       
Cúi đầu cảm ơn là một văn hóa không thể thiếu ở Nhật
Ngoài ra, nhà trường yêu cầu gia đình giữ sách Đạo Đức từ lớp 1 đến lớp 9 của học sinh và các em không được phép vứt sách đạo đức cũ đi.
Cách đây không lâu, một video về văn hóa ứng xử của các em học sinh tiểu học Nhật Bản được đăng tải trên mạng đã khiến nhiều người bất ngờ và cảm phục trước cách giáo dục trẻ em ở Nhật.
Video ghi lại cảnh một nhóm học sinh tiểu học ở Nhật cùng nhau băng qua đường khi những chiếc ôtô đã dừng lại trước vạch đi bộ vì đèn đỏ. Ở các quốc gia khác, thông thường người ta sẽ đi qua luôn, tuy nhiên trẻ em Nhật Bản sau khi băng qua đường còn có hành động rất đáng trân trọng – tất cả các em đều quay lại và cúi đầu cảm ơn những chiếc xe đã nhường đường cho mình, mặc dù đây là việc họ phải làm khi có tín hiệu đèn giao thông.
“4 hành động im lặng” nuôi dưỡng tâm hồn
Năm 2013, khi thảm họa động đất và sóng thần xảy ra ở vùng Đông Bắc Nhật Bản, cả thế giới phải cảm phục hình ảnh những đoàn người bình tĩnh xếp hàng nhận đồ và di chuyển trong im lặng mà không náo loạn hay tranh giành. Đây là kết quả của sự chú trọng giảng dạy đạo đức ở đất nước mặt trời mọc. Trong đó có một triết lý giáo dục vô cùng sâu sắc là “4 hành động im lặng”, bao gồm: Đọc sách buổi sáng trong im lặng, vệ sinh lớp học trong im lặng, suy nghĩ trong im lặng và di chuyển trong im lặng.
Cô Yanaka Fumoshi (giáo viên Trường quốc tế Osaka) cho biết, các trường học tại Nhật dành 15 phút mỗi sáng để học sinh đọc sách trong không khí yên tĩnh. Các em được đọc những cuốn sách yêu thích, có thể tự mang đi, hoặc mượn từ thư viện. Việc này cũng giúp học sinh hình thành thói quen đọc sách từ nhỏ.
             
Ở Nhật, việc lau dọn lớp học là của học sinh.
Cô cũng cho biết thêm, tại “đất nước mặt trời mọc”, việc lau dọn lớp học là của học sinh. Đây là bài học để các em “biết suy nghĩ đến người khác”, “biết ơn mọi người”, và rèn luyện tính nhẫn nại, sự tinh ý, tinh thần vươn lên.
Đặc biệt, công việc này sẽ làm trong sự im lặng, tập trung của tất cả học sinh. Sau đó, cả lớp ngồi im lặng suy nghĩ trong vòng 1-2 phút, giúp học sinh chỉnh đốn tác phong, tĩnh tâm.
                      
Bài học “im lặng khi di chuyển”.
Cuối cùng là bài học “im lặng khi di chuyển”. Bất cứ ở nơi nào tập trung đông người, học sinh Nhật được dạy giữ im lặng, di chuyển nhẹ nhàng, nhanh gọn, giữ trật tự, tránh gây ồn ào, ảnh hưởng người xung quanh.
Đặc biệt, ở trường, học sinh tự trồng rau, khoai tây, cà rốt để ăn. Cuối giờ học, cả lớp đồng loạt đứng lên nói: “Cảm ơn thầy đã dạy học cho chúng em”. Trước bữa trưa, học sinh xếp hàng nói cảm ơn đầu bếp: “Cảm ơn bác đã nấu cho chúng cháu những bữa ăn ngon”.
     
 “Cảm ơn bác đã nấu cho chúng cháu những bữa ăn ngon”.
Ngoài ra, cha mẹ Nhật luôn dạy con “thấy bất cứ nơi nào vòi nước chảy, đóng vòi nước ngay, thấy ánh điện, quạt chạy không người dùng, phải tắt điện ngay”.
Do được giáo dục kỹ về lý thuyết, thực hành bài học gắn với thực tế mỗi ngày mà học sinh Nhật Bản đã hình thành văn minh công cộng từ rất sớm. Điển hình nhất là mới đây, một cư dân mạng đã đăng tải trên facebook cá nhân những bức ảnh về một nhóm học sinh Nhật ngồi im lặng đọc sách tại sân bay Thái Lan, đồng thời bày tỏ sự cảm phục về cách giáo dục trẻ em đáng nể của người Nhật.
Học sinh Nhật ngồi im lặng đọc sách tại sân bay Thái Lan. (Ảnh dẫn qua Facebook)
Học sinh Nhật Bản đã hình thành văn minh công cộng từ rất sớm. (Ảnh dẫn qua Facebook)
Những hành động, cách ứng xử hằng ngày tưởng chừng đơn giản và nhỏ bé nhưng thực chất là góp phần vô cùng quan trọng hình thành nên tính cách và phẩm chất của con người. Người Nhật hiểu được điều đó và họ luôn truyền dạy, tiếp nối cho những thế hệ sau trân trọng mọi sự vật, tôn trọng người khác, nâng niu sự sống, ứng xử văn mình trong từng việc nhỏ. Bởi vậy, dù đất nước Nhật nhiều thiên tai, nghèo tài nguyên nhưng họ vẫn là một dân tộc vĩ đại khiến cả thế giới nể phục.
Nguồn ảnh: saka. mekash.com
Hiểu Minh



Truyền thông Triều Tiên ca ngợi hội nghị liên Triều, Trump nói sẽ duy trì áp lực


                                      
Truyền thông Triều Tiên ca ngợi hội nghị liên Triều, Trump nói sẽ duy trì áp lực
28/04/2018
Thông tấn xã nhà nước của Triều Tiên hôm thứ Bảy gọi hội nghị thượng đỉnh liên Triều là bước ngoặt cho bán đảo Triều Tiên, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông sẽ duy trì áp lực chế tài đối với Bình Nhưỡng trước cuộc gặp gỡ chưa từng có của riêng ông với Kim Jong Un.
Thông tấn xã KCNA của Triều Tiên cũng phát đi một tuyên bố chung của lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in được công bố hôm thứ Sáu sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên trong hơn một thập niên giữa hai miền Triều Tiên.
Ông Kim và ông Moon cam kết sẽ nỗ lực để "giải trừ hạt nhân hoàn toàn" bán đảo Triều Tiên và nhất trí về một mục tiêu chung là một bán đảo "phi hạt nhân."
"Tại cuộc đàm phán hai bên đã trao đổi thẳng thắn và cởi mở về các vấn đề cùng quan tâm bao gồm các vấn đề cải thiện mối quan hệ bắc-nam, đảm bảo hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và giải trừ hạt nhân bán đảo," KCNA nói, nói thêm rằng đêm hôm đó khép lại với một bữa ăn tối trong "bầu không khí hữu hảo tràn ngập tình cảm họ hàng ruột thịt."
Truyền hình nhà nước Triều Tiên phát sóng những hình ảnh đầu tiên về hội nghị thượng đỉnh vào chiều ngày thứ Bảy.
Hầu hết các cam kết cụ thể được nêu ra trong tuyên bố chính thức tập trung vào quan hệ liên Triều và không làm sáng tỏ câu hỏi liệu Bình Nhưỡng có sẵn lòng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo của mình hay không.
Đưa tin về hội nghị thượng đỉnh, truyền thông nhà nước Triều Tiên có nhắc tới cuộc thảo luận về giải trừ hạt nhân, một điều hiếm hoi, nhưng không đi vào chi tiết cụ thể mà thay vào đó nêu bật các chủ đề rộng lớn là hòa bình, thịnh vượng và sự thống nhất bán đảo Triều Tiên.
Tuyên bố này giành được những lời ca ngợi dè dặt nhưng lạc quan từ các nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm ông Trump, người hôm thứ Sáu nói rằng chỉ có thời gian mới cho biết mọi chuyện sẽ ra sao, nhưng ông không cho rằng ông Kim đang "giỡn chơi."
"Chuyện này chưa bao giờ đi xa đến thế. Sự nhiệt tình của họ muốn đạt một thỏa thuận ... Hy vọng chúng tôi sẽ đạt được một thỏa thuận."
Tuy nhiên, ông Trump nói với các phóng viên rằng ông sẽ duy trì áp lực đối với Triều Tiên và "không lặp lại những sai lầm của các chính quyền trước đây."
Ngày thứ Bảy, ông Trump nói trên Twitter rằng ông "vừa có một cuộc nói chuyện dài và rất tốt đẹp với Tổng thống Moon của Hàn Quốc. Mọi thứ đang diễn tiến suôn sẻ, thời điểm và địa điểm của cuộc họp với Triều Tiên đang được ấn định."
Ông Trump nói thêm rằng ông cũng đã nói chuyện với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe để báo cho ông biết về các cuộc đàm phán đang diễn tiến.
Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết Singapore đang được xem là một địa điểm khả dĩ cho hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim, Reuters đưa tin.



Nam và Bắc Hàn cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên


Nam và Bắc Hàn cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên
RFA
Lãnh đạo hai miền Nam và Bắc Hàn hôm thứ sáu ngày 27/4 đã thỏa thuận theo đuổi một hòa bình vĩnh viễn và tiến tới phi hạt nhân hóa toàn bộ bán đảo Triều Tiên.
Thảo thuận này được đưa ra trong cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử của lãnh đạo hai nước tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm.
Theo thảo thuận, hai bên đồng ý sẽ đạt được hòa bình vĩnh viễn, chấm dứt tình trạng chiến tranh sau cuộc chiến Triều Tiên 65 năm về trước.
Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in sẽ thăm Bình Nhưỡng vào mùa thu năm nay và hai bên đã đồng ý sẽ có các cuộc gặp thường xuyên và điện thoại trực tiếp.
Lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un nói ông cam kết rằng hai miền Triều tiên sẽ không lặp lại lịch sử đáng tiếc.
Trung Quốc hôm 27 tháng 4 đã lên tiếng hoan nghênh thông cáo chung cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều.
Trung Quốc nói nước này hy vọng các bên sẽ có thể duy trì đối thoại và có thể thúc đẩy tiến trình giải pháp chính trị cho vấn đề bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc cam kết đóng vai trò tích cực trong quá trình này.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hôm 27/4 cũng hoan nghênh thượng đỉnh và gọi đây là bước đi tích cực. Ông bày tỏ mong muốn Bình Nhưỡng sẽ có những bước đi chắc chắn hướng tới thực hiện những lời hứa mà nước này đã đưa ra.
Thủ tướng Nhật Bản cho biết Nhật sẽ làm việc chặt chẽ với Mỹ và Nam Hàn về vấn đề Bắc Hàn, và chắc chắn là Nhật Bản sẽ không nằm ngoài tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Tin, bài liên quan
1- Toàn cảnh Cuộc gặp gỡ lịch sử Lãnh đạo Triều Tiên - Hàn Quốc 2018


Friday, April 27, 2018

LÚ LẪN và BỊNH LÚ LẪN ALZHEIMER (AD) - BS Võ Tấn Phát



LÚ LẪN và BỊNH LÚ LẪN ALZHEIMER (AD)

                                       A/ LÚ LẪN  (DEMENTIA- DM)

LÚ LẪN- đúng hơn gọi là chứng lú lẫn - là một hợp chứng lâm sàng (clinical syndrome) gây ra bởi nhiều nguyên nhơn, vá nó được đặc trưng bởi sự tăng tiến mất dần (progressive loss) các năng khiếu nhận thức (cognitive skills) đã có từ trước trong não bao gồm như trí nhớ (memory), ngôn ngữ (language), sự thấu hiểu vấn đề (insight), và óc phán đoán (judgment). 
Sự suy giảm của tiến trình nhận thức (cognition decline) cùng tổn hại quan trọng của nó gây cho sinh hoạt xã hội thường nhựt (social activities) cũng như công ăn việc làm của bịnh nhơn là các tiêu chuẩn cần phải có khi làm chẩn đoán DM.
Mặc dù trí nhớ, sự học hỏi (learning) và suy nghĩ (thinking) có hơi thay đổi chút ít khi ta lớn tuổi, nhưng sự mất trí nhớ cùng tổn hại về nhận thức (cognitive impairment) nêu trên không phải là những nét đặc trưng của mộttuổi già bình thường (normal aging).

1/ Dịch tể học (epidemiology)
DM xảy ra thông thường nhứt ở người lớn tuổi nhưng cũng có thể gặp thấy ở người trẻ (đặc biệt nơi cá nhơn mang yếu tố di truyền). Khoảng 5% người với tuổi giữa 65 và 70 có DM; và điều này tăng lên hơn 40% cho những ai vượt quá 85 tuổi.
Trong tổng số các trường hợp DM thì phần lớn bịnh Alzheimer (AD) chiếm tới 50-70% và kế đó là bịnh mạch máu não (cerebro-vascular disease) chiếm 15- 20%. Ngoài ra có một nguyên nhơn DM thường thấy sau AD là bịnh với thể Lewy (Lewy body disease -còn gọi là dementia with Lewy bodies). Những nguyên nhơn ít thông thường còn lại của DM có thể kể là: a/ do chất độc (toxins) như alcohol, kim loại nặng; b/ do nội tiết (endocrine) như tình trạng suy kém tuyến giáp trạng (hypothyroidism) và tuyến bán giáp trạng(hypoparathyroidism); c/ do thiếu sinh tố B12 và B1; d/ do chấn thương đầu(head trauma); e/ do nhiễm trùng như trong bịnh thần kinh giang mai (neurosyphilis), bịnh suy giảm miễn nhiễm ở người bi siêu vi khuẩn HIV,bịnh lao; f/ do biến dưỡng (metabolic) như suy gan (liver failure), nồng độ urea trong máu cao (uremia); g/ do tổn hại não như bướu, chảy máu não dưới màng cứng (subdural hematoma), đầu trướng nước (hydrocephalus); h/ dobịnh thoái hóa thần kinh (neurodegenerative diseases) như Huntington, Parkinson, chứng lú lẫn thùy trán và thái dương (fronto-temporal dementia), và các bịnh Prion (Prion diseases); i/ do tâm thần (psychiatric) như trầm cảm (depression) gây ra và lú lẫn trong trường hợp này được gọi là chứng lú lẫn giả (pseudo-dementia).

2/ Những biểu hiện lâm sàng (clinical manifestations) của DM
Tổng quát lúc khởi đầu DM, phần lớn người bịnh có vấn đề với trí nhớ ngắn hạn (short term memory); tiếp theo sau là những sa sút tệ hại trong chức năng nhận thức có thể liên quan tới ngôn ngữ hay sự thực hành (praxis) làm một việc gì đó (như không thể gọi điện thoại chẳng hạn).
Lúc ban đầu để nhận biết ra được DM thì khó khăn. Thường hầu hết trong các trường hợp là gia đình mang bịnh nhơn tới khám bác sĩ khi mà vấn đề đã xảy ra sau nhiều tháng hoặc nhiều năm. Tin tức quan trọng nhứt cần cho việc định bịnh DM là dựa vào bịnh sử (kể cả phúc trình từ thân nhơn người bịnh) và sự khám bịnh (gồm luôn sự khám rất kỹ chi tiết về tình trạng tâm thần - a very detailed mental status examination).
Tóm lại các điểm chánh lâm sàng của chứng lú lẫn bao gồm sự mất trí nhớ, các bất thường trong lời nói (speech abnormalities), những khó khăn gặp trong giải quyết vấn đề và trong suy nghĩ trừu tượng (difficulties with problem solving and abstract thinking), khả năng phán đoán tổn hại (impaired judgment), các thay đổi về cá tính (personality changes), tình cảm không ổn với thay đổi bất thường và quá trớn (emotional lability).

                                      B / BỊNH LÚ LẪN  ALZHEIMER (AD)                   

AD là rối loạn thoái hóa thần kinh (neuro-degenerative disorder) với nhữngthay đổi bịnh học (pathologic changes) sớm xảy ra trong não 20-30 năm trước khi có biểu hiện lâm sàng khởi sự bắt đầu bằng các dấu hiệu và triệu chứng.

I/ Dịch Tể Học  (Epidemiology) và Mức Độ Xảy Ra (Incidence)
AD với dạng xảy ra tản mác rời rạc (sporadic form) là nguyên nhơn thông thường nhứt của DM ở tuổi già, và nó không do bởi di truyền. Bịnh AD tăng triển một cách chậm chắc và từ từ, cuối cùng đưa đến cái chết trong vòng 8 tới 10 năm.
AD chiếm phần lớn (khoảng 50%- 70%) tất cả các trường hợp của DM.
Theo sách vở 2018, tại Mỹ có độ 5.6 triệu người bị AD; trong đó mức độ mắc bịnh AD cho người ở khoảng tuổi 65-74  là 6%, 44% cho người giữa 75-84 tuổi , và 46%  cho người tuổi 85 hay trên 85.
Bịnh nhơn AD chiếm 20% tổng số giường nằm trong các bịnh viện tâm trí tại Hoa Kỳ.
Thời gian trung bình kể từ khi định bịnh rồi bịnh tiến triển cho đến lúc bịnh nhơn trở thành hoàn toàn lệ thuộc (total dependency) vào sự trông nom săn sóc và đi tới kết thúc cuộc sống là khoảng 10 năm. Một sự chăm sóc toàn diện, xuyên suốt và điều hợp tốt bởi người bác sĩ gia đình là nền tảng căn bản cho cách đối phó hữu hiệu trong bịnh AD.

II / Nguyên nhơn (Etiology) và các yếu tố gây nguy hiểm (Risk Factors) mắc bịnh AD
Bịnh AD do nhiều nguyên nhơn nhưng chưa có nguyên nhơn nào được định rõ một cách đầy đủ. Dầu vậy, mọi nguyên nhơn nào cũng dẫn tới những tìm thấy (findings) về lâm sàng và bịnh học tương tự giống nhau.

Những yếu tố nguy hiểm gây mắc bịnh AD bao gồm lớn tuổi, nữ phái bị nhiều hơn nam giới, nồng độ homocysteine trong máu cao, có sự hiện diện của dạng biến thái di thể (allele) ApoE4 (apolipoprotein E4), tiểu sử trong gia đình có AD (yếu tố này độc lập với ApoE4).

Bịnh AD di truyền (hereditary) trong gia đình gọi là familial AD (FAD) thì hiếm khi xảy ra. Nó chiếm khoảng 2% tổng số các bịnh AD và có sự khởi đầu sớm (early onset AD) trước tuổi 65. Đột biến (mutation) trong di thể APP (amyloid-beta precursor protein), di thể Presenilin 1 và di thể Presenilin 2 là ba điển hình của bịnh FAD  khởi đầu sớm. Cũng có vài trường hợp ADvới sự khởi đầu sớm nhưng không kết hợp với các đột biến kể trên.

Binh AD dạng tản mác (sporadic AD) t có sự khởi đầu trễ (late onset) xảy rasau 65 tuổi và kết hợp với dạng biến thái di thể (allele) APOE4. APOE4 ảnh hưởng lên nguy cơ mắc bịnh nhưng không phải là nguyên nhơn sanh bịnhbởi lẽ có người tuy  APOE4 nhưng vẫn không bị  AD. N vậy AD dạng rải rác có thể do yếu tố đa di thể (polygenic factor) và/ hoặc yếu tố thuộc môi trường nữa (như tuổi tác, chấn thương đầu,...). Còn vấn đề tại sao APOE4 làmtăng nguy cơ mắc bịnh AD thì vẫn chưa biết được. APOE4 cũng là yếu tố nguy hiểm gây bịnh FDA   sự khởi đầu trễ (late onset). 


III/ Bịnh Học (Pathology) và Sinh Hóa Học (Biochemistry)


Những nét bịnh học (pathologic features) chánh yếu của AD gồm:
      a / teo não (brain atrophy)
      b / sự đóng tụ chất beta-amyloid protein bên ngoài tế bào thần kinh làm thành những mảng amyloid (amyloid plaques) còn gọi là mảng già (senile plaques, SP's) và các sợi nhỏ trong tế bào thần kinh (neurofibrils) xoắn lại làm thành những nùi rối (neurofibrillary tangles- NFT's). SP's và NFT's ban đầu xuất hiện trong cấu trúc thuộc phần phía mặt trong của thùy thái dương (medial part of the temporal lobe) rồi dần dà lan rộng ra tới nhiều vùng khác của vỏ não. SP's và NFT's là những tìm thấy quan trọng nhứt dưới kính hiển vi trong bịnh AD.
Trong não của người già bình thường cũng có SP's và NFT's nhưng với số lượng ít oi, còn ở người già có bịnh AD thì chúng hiện diện quá nhiều.
      c / Mất sự dẫn truyền thần kinh (DTTK) bởi acetylcholine (loss of cholinergic neurotransmission).
Có sự mất đáng kể của tổng hợp chất DTTK acetylcholine tại vỏ não, vùng não dạng hải mã (hippocampus), đặc biệt ở những vùng liên quan với trí nhớ và nhận thức. Điều này xảy ra bởi các tế bào thần kinh tiết acetylcholine của nhân đáy não Meynert (basal nucleus of Meynert) và nhân vùng vách ngănđáy não (basal septal nucleus) bị hư hại hơn 50% trong bịnh AD. Những tế bào này có trụ giác chạy tỏa rộng ra gần khắp vỏ não, tới vùng hippocampusvà hạch đáy não (basal ganglion).
Sự thiếu hụt acetylcholine kể trên có thể giải thích được sự đáp ứng trị liệu (therapeutic response) của các thuốc ức chế cholinesterase (cholinesterase inhibitors) dùng trong trị bịnh AD.
      d / Chất amyloid đóng tụ làm thúc đẩy gây tổn hại các tế bào thần kinh bởi sự gia tăng tiết ra chất glutamate ở não. Glutamate tác dụng vào điểm tiếp nhận NMDA (N-methyl-D-aspartate receptors) tạo nên sự kích thích tổn hại (excitotoxicity) lên các tế bào thần kinh tiết acetylcholine. Sự hoạt động quá độ của tế bào thần kinh tiết chất dẫn truyền glutamate là điều thông thường tìm thấy trong bịnh AD. Hiện tượng này giải thích tại sao thuốc đối kháng điểm tiếp nhận NMDA (NMDA receptor antagonist) được dùng trong chữa trị AD.


IV/ Hợp Chứng Lâm Sàng (clinical syndrome)
a/ Những biểu hiện lâm sàng có thể được giải thích như sau:

   1/ Suy giảm chức năng ở vùng hippocampus:
           - quên mất nhanh sự kiện mới xảy ra.
           - không tìm được đường về nhà dù đang ở trong khu phố quen thuộc.
           -  có những phán đoán sai lạc đáng báo động về tình huống lưu thông khi lái xe.
           - thiếu hụt sự chăm chú (attention deficit) mà biểu hiệu sớm nhứt làngười bịnh không thể chuyển đổi nhanh sự chú ý từ vật này sang vật khácđược.
Để duy trì sự cảm nhận về không gian (spacial sense) là chức năng thuộc thùy đỉnh (parietal lobe) đòi hỏi hoạt động của hippocampus cần phải có mặt.
     2/ Suy giảm chức năng thùy chẩm-thái dương (dwindling occipito-temporal function)
            - tổn hại vùng 37 (area 37) não dẫn tới sự không thể đọc và viết.
            -  tổn hại vùng cực thùy thái dương (temporal polar region) đưa đến thất bại thảm hại là không thể nhận diện ra gương mặt của người thân trong gia đình và bạn bè.
     3/ Suy giảm chức năng thùy trán (dwindling frontal lobe function)
Thường trong vòng 3 năm sau khi bịnh khởi đầu, người bịnh trông như sững sờ ngơ ngác, nhìn trân trân vào tường và dường như không biết những gì xảy ra xung quanh. Tình trạng 'trống vắng' này kéo dài 5- 6 năm trước khi chết.


b /Triệu chứng


Ví dụ bịnh sử sau đây tỏ rõ được các nét đặc trưng của bịnh AD:
" Bác sĩ, mẹ tôi 75 tuổi và trong 3 năm vừa qua tôi nhận thấy trí nhớ của bà có thêm nhiều khó khăn. Bà nhớ được đám cưới của mình 50 năm về trước nhưng không thể nhớ sự kiện ngày hôm qua khi tôi và bà đã có mặt tại phòng mạch nầy. Bà ta cứ hỏi cùng một câu hỏi không ngừng nhưng lại không nhớ câu trả lời của tôi. Bà không tính toán được số tiền tồn khoản trong trương mục ngân hàng mình, và ngay ngày hôm qua từ tiệm thuốc tây bà đã quên đường về nhà."


Lúc bắt đầu của bịnh, trí nhớ chỉ tổn hại liên quan tới tin tức vừa mới tiếp nhận (quên đi nhanh sự việc mới xảy ra) trong khi vẫn còn nguyên vn cho những biến cố xảy ra lâu cũ. Khám lâm sàng người bịnh không thấy có khó khăn trong vấn đề ngôn ngữ, suy luận, hay trong các hành động ứng xử bình thường của cá nhơn đối với xã hội. Chỉ những người gần gủi mới để ý thấy được những sơ xuất nhỏ nơi bịnh nhơn gợi ý cho thấy rằng có cái gì đó không đúng (lạc đường khi lái xe, để đồ vật không đúng chỗ, bếp núc quên tắt lửa, bỏ quên buổi hẹn, mất các tương tác-interactions- thuộc xã hội và giữa các cá nhơn với nhau).


Dần dà về sau, bịnh nhơn có nhiều khó khăn hơn trong mọi hoạt động hằng ngày (activities of daily living) và cần sự giúp đỡ hay giám sát. Với bịnh tiến triển thì những dạng khác của chức năng nhận thức sẽ bị mất bao gồm khả năng nói (như khó tìm ra chữ để diễn tả), hiểu, suy nghĩ, và làm những quyết định (make decisions). Một cách đặc trưng, trái với bịnh  nhơn bị lú lẫn do mạch máu (vascular dementia), những chức năng thần kinh sơ đẳng (vận động, thị giác, cảm giác cơ thể, và dáng đi đứng-gait) thì vẫn bỉnh thường cho tới giai đoạn thật trễ của binh AD. 


Giai đoạn trễ của bịnh, lúc này các biểu hiện thuộc tâm trí rất thường xảy ra: thay đổi cá tính (lãnh đạm thờ ơ hoặc bốc đồng), thái độ hung hãn qua lời nói hay hành động, lo sợ hoài nghi,  trầm cảm, niềm tin giả -delusions (tin là bịngược đãi hành hạ, đồ đạc bị mất cắp). Bịnh nhơn không còn nhận diện ra người thân quen nữa, tìm cách trốn chạy ra khỏi nhà đi lang thang ngoài đường không nục đích, giấc ngủ bị rối loạn, ban ngày im lặng thờ ơ, ban đêm thì lục đục quậy phá không yênKhi bịnh tiến xa (advanced AD) thì vấn đề ăn uống và vệ sinh cá nhơn hoàn toàn lệ thuộc, tiêu tiểu cần dẫn dắt hoặc không thể kiềm chế kiểm soát được, dáng đi tổn hại dẫn tới nằm liệt giường, người bịnh trở nên như câm không còn nói nữa.

Bịnh tiến triển không ngừng, thường trong vòng 10 năm sau khbịnh thìcuối cùng i chết đi đến thường là do sưng phổi bới hít vô thức ăn (aspiration pneumonia) hay trụy tim (heart failure).


V /  Việc Chẩn Đoán


        1/ Không có một thử nghiệm duy nhứt nào có thể xác quyết là có bịnh AD ngoại trừ làm sinh thiết não (brain biopsy) ở người còn sống hay mổ tử thixác nhận (autopsy confirmation) là hai việc ít khi thực hiện.  
         2/ Trí nhớ và sự định hướng (orientation) dần dà suy giảm thêm, kết quả thử máu bình thường, hình CT và MRI chụp chỉ cho thấy teo não trải lan rộng hay nổi bật ở phần vỏ não phía sau và teo vùng nhân có dạng hạt nhân (amygdala), tất cả các sự kiện trên cho gợi ý một cách cao độ về sự hiện diện của bịnh AD.
          3/ Định bịnh AD đòi hỏi sự lượng định y khoa bao gồm:
 - bịnh sử tỉ mỉ.
 - khám bịnh tổng quát, khám thần kinh, khám tình trạng tâm thần (mental status)và tánh khí (mood).
 - lượng định thần kinh tâm lý (neuro-psychologic assessement) xác nhận sự tệ hại trong trí nhớ, giải quyết vấn đề, chú ý, ngôn ngữ và đếm số.
 - thử máu, chụp hình não để loại trừ các nguyên nhơn chứng lú lẫn giống như binh AD.
  -  gần đây FDA chấp thuận phương pháp chụp hình não florbetapir PET scanphát hiện ra những mảng amyloid với sự chuyên biệt và nhạy cảm cao, nhưng cho tới nay (2018) hầu hết không được các bảo hiểm sức khỏe xem như là thử nghiệm thông thường (routine) và chỉ cứu xét căn cứ theo tùy từng trượng hợp một.

VI / Phòng Ngừa (prevention)

Không một can thiệp có mức độ chứng cớ hiển nhiên (level of evidence) cao (high) hay ngay cả vừa phải (moderate) nào làm giảm được nguy cơ mắc bịnh.
Có chứng cớ hiển nhiên với mức độ thấp (low) cho thấy những điều kể sau có thể làm giảm nguy cơ mắc bịnh AD như: chế độ ăn uống miền địa trung hải (Mediterranean diet), chất folic acid, thuốc statins giảm cholesterol trong máu, người có trình độ học vấn cao, mức uống rượu với lượng nhẹ, các hoạt động liên quan tới vận dụng nhận thức.
Có chứng cớ khoa học (scientific evidence) ở mức độ vừa phải cho rằng conjugated equine estrogen (hợp chất estrogens lấy từ thiên nhiên và nước tiểu ngựa cái mang thai) và methyl progesterone tăng nguy cơ vướng bịnh.
Ngoài ra cũng có chứng cớ khoa học (scientific evidence) ở mức độ thấp chorằng những thứ sau cũng làm tăng nguy cơ bị bịnh AD: một vài thuốc loại chống sưng không chất steroid (NSAID), bịnh tiểu đường, mỡ trong máu cao ở luống tuổi nửa đời (midlife), trong tình trạng hiện tại có hút thuốc, chấn thương não, nếp sống tương đối cô lập, rối loạn trầm cảm (depressive disorder), có tiếp xúc với thuốc giết sinh vật làm hại cây cỏ, người và thú vật (pesticide).

VII/ Chữa Trị

     A/ Không dùng thuốc men

              - Vấn đề an toàn cho bịnh nhơn, bao gồm những nguy hiểm kết hợp với lái xe không vững, thói đi rong lạc ngoài đường (wandering), quên tắt lửa bếp, và các tai nạn, tất cả cần được đề cập sớm cho gia đình cùng người bịnh và đề ra những biện pháp thích hợp để thi hành.
               - Đi rong, thu lượm tích trữ hay giấu giếm đồ vật, liên tiếp hỏi cùng câu hỏi, trốn tránh thu mình không tiếp xúc (social withdrawal), hành vi tiêu cực không thích hợp trong xã hội, tất cả thường đáp ứng với những trị liệupháp về thái độ (behavioral therapies).

     BDùng thuốc


Những chữa trị hiện nay không làm thay đổi được sự tiến triển bịnh lý căn bản của AD, và cũng chưa có một trị liệu chuyên biệt nào được biết dành cho nó cả- nghĩa là không thể chữa hết khỏi bịnh AD được (no cure).
Vấn đề chánh yếu trong chữa trị là cải thiện trí nhớ và làm chậm lại sự tiến triến của bịnh.

1/  Chữa trị triệu chứng (symptomatic treatment) của rối loạn trí nhớ  gồm thuốc chế ngự cholinesterase (cholinesterase inhibitors- ChEIs) và thuốc chống điểm tiếp nhận NMDA (NMDA receptor antagonist) như Memantine.
          a /  ChEIs gồm donepezil (Aricept), galantamine (Razadyne), và rivastigmine (Exelon).
FDA chấp thuận ChEIs trong chữa trị bịnh AD nhẹ (mild) và vừa phải  (moderate) ngoại trừ donepezil được dùng luôn thêm cho cả bịnh trầm trọng (severe).
           b / Memantine
FDA chấp thuận trong chữa trị bịnh AD có mức vừa phải và trầm trọng.


2/ Chữa những triệu chứng thuộc thái độ và thần kinh tâm trí (treatment of behavioral and neuropsychiatric symptoms).


3/ Thuốc đang thí nghiệm
Solanuzemab là loại kháng thể đánh vào mục tiêu beta Amyloid.Thuốc cho thấy có hiệu quả trong việc làm chậm lại sự tiến triển của bịnh AD lúc thời kỳ còn sớm, và hiện đang dùng trong giai đoạn 3 của những thí nghiệm thử lâm sàng (clinical trials).

VIII /  Phần Kết

Thảm kịch của bịnh AD là làm thay đổi hẳn đời sống của bịnh nhơn kể luôn cảđời sống người thân vì phải chịu đựng căng thẳng (stress) trong việc trông nom coi sóc. Căng thẳng quá mức có thể đốt cháy thiêu rụi sự kiên nhẫn và chịu đựng dẫn tới suy sụp tinh thần lẫn thể xác của người chăm lo trực tiếp. Chính vì vậy ngay từ đầu khi có chẩn đoán là AD, bác sĩ gia đình hay nhơn viên ngành y phải giới thiệu khái niệm về chăm sóc thay thế (respite care -RC)và thuyết phục cho mọi người có trách nhiệm trực tiếp săn sóc bịnh nhơn biết rằng sớm hay muộn gì rồi họ cũng phải cần tới RC. 
RC là bất cứ sự sắp xếp nào trong việc chăm sóc bịnh nhơn nhằm tạm thời làmngơi nghỉ nhẹ gánh cho người chịu trách nhiệm săn sóc trực tiếp chánh (SSTTC).
Nó có thể thực hiện dưới dạng không chánh thức như bạn bè hay thân nhơn tới nhà thay thế người SSTTC trong chăm sóc người bịnh, hoặc loại giúp đỡ tại nhà bán thời gian (part-time in-home aid), hay mỗi tuần lễ đem bịnh nhơnmột vài ngày tới trung tâm chăm sóc ban ngày (day care center). Cũng có thế xin cho bịnh nhơn vô nằm trong một thời gian ngắn hạn tại các cơ sở chăm sóc lâu dài (residential facilities).                                                                        Nhiều người SSTTC có mặc cảm tội lỗi vì không thể tự một mình mình chăm sóc cho người bịnh mỗi ngày lẫn đêm, nhưng họ cần phải nên hiểu và biết rằng mọi gia đình có bịnh nhơn AD đều phải nhờ tới thêm sự giúp đỡ trong việc chăm sóc người bịnh nữa.


Bác Sĩ Võ Tấn Phát