Wednesday, March 16, 2016

Lam Phương và Những Cuộc Tình Vây Quanh

 LAM PHƯƠNG & NHỮNG CUỘC TÌNH VÂY QUANH
Nhạc sĩ Lam Phương đóng phim Chân Trời Mới

LAM PHƯƠNG & Những cuộc tình vây quanh


Nguyễn Ngọc Ngạn

Văn nghệ sĩ lớp trước thường có những chuyện tình bên lề để tô điểm cho cuộc sống và làm nguồn cảm hứng sáng tạo. Điều này cũng dễ hiểu: Họ có tên tuổi, có hoàn cảnh gặp gỡ dễ dàng, có điều kiện giao tiếp rộng rãi và nhất là tự bản chất, người nghệ sĩ vốn rất nhạy bén trong rung cảm cho nên đôi khi khó cưỡng lại được sức quyến rũ của một bóng hồng.
Nói tổng quát thế thôi, chứ thật ra thì vẫn là do bản tính trời sinh, hay đúng hơn là định mệnh an bài ở mỗi cá nhân. Có người mang số đào hoa, cả một đời ngụp lặn trong bao nhiêu mối tình. Người khác thì lại sống khô khan lúc nào cũng thui thủi một mình. Chỉ có điều, đối với tôi, thì người mang số đào hoa chính là loại người trời bắt khổ chứ chẳng sung sướng gì, vui trong chốc lát rồi thường xuyên nặng trĩu ưu tư:
Chém cha cái số hoa đào.
Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi!”
Cổ nhân đã than như thế thì chứng tỏ đào hoa không phải là điều đàn ông nên mơ ước
!
“Đường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần buồn.”
Câu hát của Trúc Phương chắc chắn là một định luật không cần bàn cãi. Ca dao có câu:
“Ông trời sao nỡ bất công
Người hai ba vợ, người không vợ nào!”
Câu này, thoạt nghe ta cứ tưởng là tiếng than của người đàn ông không lấy được vợ! Nhưng thực ra đó là tiếng kêu thống thiết của người đàn ông đau khổ vì phải chịu đựng đến mấy bà vợ trong khi nhìn những chàng trai độc thân thảnh thơi rong chơi không chút vướng bận!
Nhưng đã tin là định mệnh an bài thì đành chịu. Chúng ta không hoan nghênh nhưng cũng chẳng nên trách người đa mang bởi đó hoàn toàn là số mệnh!
Dân gian thường cho rằng nghệ sĩ nói chung đều đa tình. Điều ấy không đúng. Trên thực tế, chẳng phải nghệ sĩ nào cũng giống nhau. Điển hình là Phạm Duy và Văn Cao, hai nhạc sĩ tài hoa vào bậc nhất Việt Nam, là bạn của nhau và cùng đặt chân vào con đường nghệ thuật một thời điểm với nhau. Trong khi Phạm Duy thì chằng chịt chuyện tình mà Văn Cao thì suốt đời cơm nhà quà vợ, không để ý đến bất cứ người đàn bà nào khác từ khi ông cưới cô Nghiêm Thúy Băng năm 1947, khi ông 24 tuổi, rồi cứ thế thủy chung bên nhau đến mãn đời.
Nhà văn Lê Văn Trương lấy khá nhiều vợ. Nhưng ông tha thiết nói với bà vợ cả:
– Trong tim anh chỉ có em thôi. Những người đàn bà khác anh chung sống, chẳng qua chỉ là tình văn nghệ, chứ lúc nào anh cũng chỉ yêu có mình em!
Câu nói huề vốn ấy chẳng biết có xoa dịu được chút nào những buồn phiền trong lòng bà vợ cả hay không, chỉ biết một điều là xã hội Việt Nam vốn không có cái nhìn quá khắt khe đối với lối sống phóng khoáng của nghệ sĩ. Nhà văn Hồ Trường An, người biết nhiều và viết nhiều về thế giới sân khấu, trong cuốn Theo Chân Những Tiếng Hát, khi nhắc lại chuyện tình tai tiếng của Phạm Duy năm 1955, đã đề nghị rằng:
Chúng ta nên thông cảm! Họ là nghệ sĩ, họ sống bằng trái tim đam mê, cho nên đôi lúc họ sống lệch qua khuôn phép và lề thói!”
Tôi thấy cần thêm vào một câu là chúng ta phải cám ơn những bà vợ bao dung, biết duyên phận mình khi lấy chồng nghệ sĩ là phải rộng lượng mắt nhắm mắt mở, làm ngơ cho ông chồng bay bướm. Mà cũng nhờ vậy, chúng ta mới có bao nhiêu tác phẩm tuyệt vời để lại, những tác phẩm được tạo thành hoàn toàn do sự rung động của trái tim bên lề! Phạm Duy thú nhận trong Hồi Ký: “Tôi cần tình yêu để viết nhạc.” Và ông đã làm đúng như thế. Bằng những mối tình “ngoài luồng”, ông cho chúng ta một loạt tình ca thật đặc sắc như: Ngày Đó Chúng Mình, Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài, Nghìn Trùng Xa Cách, Đường Em Đi, Cỏ Hồng, Nha Trang Ngày Về, Phượng Yêu…
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ cũng nổi tiếng hào hoa và cũng nhờ nguồn cảm hứng ở những bóng hồng đi qua đời ông mà ông viết Tà Áo Cưới, Tạ Tình, Ai Buồn Hơn Ai. Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm yêu cô gái đang mang bầu mà người bạn ông gửi ông nuôi trên Đà Lạt, nhờ vậy khi chia tay ông mới viết được ca khúc tuyệt tác là Gọi Người Yêu Dấu. Tương tự như thế, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có bài Một Đời Yêu Em và Người Yêu Của Lính viết riêng cho Hoàng Oanh, nhạc sĩ Thanh Sơn viết Đà Lạt Hoàng Hôn riêng cho Thanh Tuyền, nhạc sĩ Trúc Phương viết Hai Chuyến Tàu Đêm cho cô gái tên Thắm ông tình cờ gặp trên xe lửa, nhạc sĩ Trường Sa viết Rồi Mai Tôi Đưa Em để chia tay một người tình ngắn hạn.
Còn nhiều lắm, nhưng tôi không thể kể hết bởi đó không phải là nội dung chính của bài này.
Tôi đã có lần thưa với khán giả và độc giả: Tôi may mắn được làm việc chung với hầu hết các nhạc sĩ của Miền Nam, trong đó có nhạc sĩ Lam Phương là người gần gũi và thân quí nhất. Không thân sao được khi mà Thúy Nga đã thực hiện cho riêng ông đến 5 chương trình Paris By Night thu hình, chưa kể hàng loạt live shows trên khắp thế giới. Gần đây, trong nước cũng rầm rộ tổ chức những chương trình chủ đề Lam Phương. Những bản nhạc một thời bị nghiêm cấm gắt gao, bây giờ hầu như mỗi ca sĩ nổi tiếng quốc nội đều có trong tay một CD nhạc Lam Phương. Bầu show mời Lam Phương về, nhưng dĩ nhiên anh từ chối. Anh cười bảo:
– Chừng nào anh Ngạn về thì tôi về!
Chưa về Việt Nam, nhưng tháng 7/2016 tới đây, Thúy Nga sẽ đưa anh về làm 2 shows lớn ở Singapore. Ca sĩ đi show là chuyện bình thường. Nhạc sĩ đi show nhiều như anh Lam Phương là chuyện độc nhất vô nhị xưa nay chưa từng có. Lý do đơn giản là vì nhạc của anh được mến chuộng một cách rộng rãi và cá nhân anh là một huyền thoại mà ai cũng muốn gặp.
Tiểu sử và cuộc sống của nhạc sĩ Lam Phương thì mọi người đều đã biết. Hôm nay, tôi chỉ viết lại vài chuyện tình, và dĩ nhiên, cũng chỉ những chuyện tình có tác động trực tiếp tới sự nghiệp sáng tác của tác giả mà thôi. Tôi tin rằng, khi hiểu rõ xuất xứ của từng nhạc phẩm, chẳng những ca sĩ hát sẽ hay hơn mà thính giả cũng sẽ thưởng ngoạn một cách sâu sắc hơn vì cảm thông nỗi niềm với tác giả. Những chuyện tình này, tôi cũng đã từng đề cập đến trên sân khấu Paris By Night, nhưng thường chỉ lướt nhanh qua vì không đủ thì giờ. Hôm nay xin viết lại một lần, nhân nhạc sĩ Lam Phương bước vào tuổi 80, và từ nay chắc sẽ không phải nhắc đến nữa!
6
*Người con gái đầu tiên đi vào cuộc đời tình cảm của Lam Phương là nữ ca sĩ Bạch Yến, thua anh 5 tuổi. Bạch Yến cùng quê ở Miền Tây, 11 tuổi đoạt giải nhất Huy Chương Vàng giọng ca nhi đồng do Đài Phát Thanh Pháp Á tổ chức. Lớn lên, Bạch Yến hát cho phòng trà Hòa Bình, cùng thời điểm với Bích Chiêu, chị của Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Lưu Bích. Thời ấy, Đệ Nhất Cộng Hòa cấm nhảy đầm, nên khách đến chỉ ngồi nghe và say mê tiếng hát Bạch Yến qua những nhạc phẩm ngoại quốc ăn khách nhất của thập niên 1950 và 60 như Bernadine, It’s Now Or Never, Calypso Italiano, The River of No Return, April Love v.v… Về phía nhạc Việt, Bạch Yến cũng hát nhiều như Bến Cũ, Đón Xuân, nhưng nổi bật nhất, trở thành dấu ấn của Bạch Yến, là bài Đêm Đông của Nguyễn Văn Thương viết từ năm 1939.
Bạch Yến được mời qua Mỹ biểu diễn trên chương trình truyền hình Ed Sullivan
Bạch Yến được mời qua Mỹ biểu diễn trên chương trình truyền hình Ed Sullivan

Anh Lam Phương lúc ấy đã khá nổi đình nổi đám bởi anh có vóc dáng cao, khuôn mặt đẹp trai và đóng phim từ khi mới lớn. Cá nhân tôi, mười mấy tuổi, cũng đã từng say mê anh trong phim Chân Trời Mới bên cạnh nữ tài tử Mai Ly và kịch sĩ Vũ Huân. Anh lại là tác giả một loạt ca khúc rất phổ biến. Ngay cả bản nhạc vui là Nắng Đẹp Miền Nam cũng bán ra ồ ạt sau khi Kim Hoàng hát trên các sân khấu và đài phát thanh. Từ một cậu bé xác xơ ở Rạch Giá, lang thang lên Sàigòn vừa đi học vừa đi làm, Lam Phương mau chóng làm giàu sau khi sáng tác bài Kiếp Nghèo! Cái thế của anh lúc ấy mạnh lắm, quen cô nào cũng dễ dàng. Bạch Yến có thể nói là tình yêu buổi đầu rất trong sáng của anh.
Năm 1961, Bạch Yến 19 tuổi, sang Pháp để học hỏi thêm về ca nhạc. Bốn năm sau, cô được Ed Sullivan mời sang Mỹ. Show Ed Sullivan lúc ấy cực kỳ ăn khách, giới thiệu tất cả những ban nhạc và ca sĩ hàng đầu của Mỹ, Anh và thế giới, có show thu hút đến 35 triệu người xem. Bạch Yến lên hát show này và rồi được mời nán lại đi lưu diễn khắp Mỹ châu thêm 10 năm nữa, bên cạnh những nghệ sĩ lừng danh của Hoa Kỳ như Bob Hope, Bing Crosby, Pat Boone v.v… Có thể nói, Bạch Yến là ca sĩ Việt Nam duy nhất hiện diện bên cạnh những nghệ sĩ quốc tế trong hơn một thập niên. Ai đã xem phim Green Berets do tài tử John Wayne đóng vai chính, chắc hẳn vẫn còn nhớ tiếng hát Bạch Yến trong cuốn phim chiến tranh đó.
Ở lại Việt Nam, anh Lam Phương tuy có nhớ Bạch Yến nhưng chắc rồi ngày tháng trôi qua cũng làm phôi phai hình ảnh cô gái Miền Nam xinh xắn ấy.
5
Bỗng dưng Bạch Yến trở về, làm sống dậy mối cảm xúc tưởng đã chết hẳn trong lòng người nhạc sĩ đa cảm. Nghe tin Bạch Yến trở về sau hơn 10 năm xa cách, Lam Phương xao xuyến viết bài Chờ Người rất đặc sắc. Tôi nhớ khoảng năm 1973, ngồi ở quán café tại Mỹ Tho, tôi giật mình nghe Elvis Phương trình bày ca khúc này mà lúc đầu tôi không ngờ là của Lam Phương, bởi giai điệu của nó lách thoát hẳn ra khỏi dòng nhạc quen thuộc của anh, nhất là một bài buồn viết theo hợp âm trưởng (major) là chuyện ít có:
Chờ em, chờ đến bao giờ
Mấy thu thuyền đã xa bờ.

Mười năm trời chẳng thương mình
Để anh thành kẻ bạc tình
Cầu xin cho mây về vui với gió
Dù có qua bao đắng cay
Muôn đời anh vẫn chờ em.”
Bạch Yến về nhưng không ở lại. Cô trình diễn một vài shows lớn tại Sàigòn rồi lại đi. Tôi nhớ lúc ấy tôi vừa được biệt phái về Sàigòn dạy học sau mấy năm ở lính, tôi hăm hở đi coi show Bạch Yến và mua băng về nghe vì rất thích những bản nhạc ngoại quốc cô hát, cộng với lối trình diễn đầy đam mê của Bạch Yến trên sân khấu. Những ca khúc mà thế hệ tôi ai cũng biết như La Vie En Rose, Malaguena, Ne me quitte pas (If You Go Away)… Cùng thời gian ấy, tôi cũng được nghe Chờ Người của Lam Phương nhưng không hề biết Lam Phương viết bài này cho Bạch Yến!
Nỗi xót xa khi chia tay lần thứ hai này thúc đẩy Lam Phương viết thêm một loạt tình khúc lời ca rất não nề như: Tình Bơ Vơ, Thu Sầu, Trăm Nhớ Ngàn Thương, Tiễn Người Đi, Tình Chết Theo Mùa Đông. Bài nào cũng thống thiết bi ai:
Về làm chi, rồi em lặng lẽ ra đi
Gom góp yêu thương quê nhà
Dâng hết cho người tình xa!

(Tình Bơ Vơ)
Hoặc:
Người từ ngàn dặm về mang nỗi sầu
Nhịp cầu Ô Thước tìm đến mai sau…

(Thu Sầu)
Hoặc:
Rồi đây chốn xa xăm biết người nhớ tôi những gì!”
(Tiễn Người Đi)
Hồi thập niên 1970, nghe những bài này, tôi đâu có hiểu tại sao tác giả lại viết toàn những lời chia ly như vậy! Mãi 20 năm sau, gặp Lam Phương lần đầu tiên năm 1993 ở Paris, tôi mới được anh giải thích là những lời ấy anh nói với Bạch Yến khi Bạch Yến giã từ Sàigòn quay lại Mỹ. Tôi cười bảo anh:
Như thế thì anh và tôi và tất cả thính giả đều phải cám ơn Bạch Yến đã bỏ anh đi lần thứ hai, anh mới có những nhạc phẩm này. Giá như Bạch Yến ở lại, chưa chắc anh đã giải quyết được gì!
Chắc là vậy! Anh Lam Phương cũng đồng ý ngay với tôi. Mộng không thành thì mộng mới đẹp. Con cá bắt hụt bao giờ cũng là con cá lớn! Bởi vì lúc Bạch Yến từ Mỹ trở về sau hơn 10 năm xa cách, thì Lam Phương đã lập gia đình với kịch sĩ Túy Hồng rồi. Vậy còn níu chân Bạch Yến ở lại làm gì nữa! Thôi thì cứ giữ mối quan hệ trong sáng từ thuở nhỏ, chẳng đẹp hơn hay sao! Anh đã từng hãnh diện viết cho duyên vợ chồng của anh với Túy Hồng bài Ngày Hạnh Phúc chan hòa tình yêu:Từ khi sánh vai nên đôi bạn hiền
Đêm về nghe con khóc vui triền miê
n…”
(Ngày Hạnh Phúc)
Bài hát này đã trở thành ca khúc tiêu biểu được hát trong bất cứ đám cưới nào ở Việt Nam. Đó cũng là một thành công lớn mà chính Lam Phương không ngờ tới.
Nhắc đến Bạch Yến, tôi nhớ có lần tôi được mời làm MC cho show Lam Phương ở San Jose, cách đây hơn 10 năm. Hôm ấy có Bạch Yến từ Paris qua. Chị lên sân khấu không hát mà chỉ kể chuyện cũ về anh Lam Phương. Chị nói rất khéo, rất duyên và nhất là không hề cho khán giả biết Lam Phương đã từng say mê mình và viết bao nhiêu bản nhạc cho mình. Chị chỉ nhận là người quen của Lam Phương từ thuở mới lớn mà thôi! Tôi rất nể Bạch Yến ở điểm đó, khác hẳn với nhiều bà, nhiều cô cứ tự nhận là người yêu của Trịnh Công Sơn. Tôi đã gặp ít nhất ba bà cùng nói với tôi một câu:
– Trịnh Công Sơn viết bài Biển Nhớ để tiễn tôi đi xa!
*Bóng hồng thứ hai xâm chiếm trái tim Lam Phương và cũng nhờ đó, Lam Phương để lại cho chúng ta nhiều bài hát xuất sắc, đó là nữ ca sĩ Minh Hiếu.
Ca sĩ Minh Hiếu
Ca sĩ Minh Hiếu

Theo nhà văn Hồ Trường An thì Minh Hiếu có khuôn mặt đẹp tựa như nữ tài tử Elizabeth Taylor. Giọng cô trầm và lạ, nghe rất quyến rũ. Thời ấy, buổi đại nhạc hội nào mà có Thái Thanh, Minh Hiếu, Thanh Thúy, Duy Khánh, Hùng Cường và Nhật Trường thì có thể bảo đảm bầu show hốt bạc. Tài tử Nguyễn Long say mê Thanh Thúy, nhưng Thanh Thúy hờ hững không đáp lại. Nguyễn Long viết truyện phim “Thúy Đã Đi Rồi” và nhờ Minh Hiếu đóng vai chính tức là vai Thúy. Phim không thành công lắm vì Nguyễn Long chưa có kinh nghiệm về kịch bản lại kiêm luôn đạo diễn. Từ đó, Minh Hiếu không đóng phim nữa.
Một buổi trình diễn văn nghệ ở Nha Trang, Lam Phương rủ Minh Hiếu ra bãi biển sau buổi hát. Lam Phương lưu lại kỷ niệm buổi gặp gỡ lãng mạn ấy bằng bài Biển Tình:
Nằm nghe sóng vỗ từng lớp xa
Bọt tràn theo từng làn gió đưa
Vầng trăng sáng với tình yêu chúng ta
Vượt ngàn hải lý cũng không xa…”
Mỗi lần nghe bài này, tôi đều nhớ đến “Nha Trang Ngày Về” của Phạm Duy. Hai cuộc tình cũng diễn ra ở một bãi biển và cùng được ghi lại bằng ca khúc. Nhưng lời ca của Lam Phương rất thơ mộng trong khi lời ca của Phạm Duy nặng hẳn về trần tục:Lớp sóng mơn man thịt mềm da ngát hương…”
(Nha Trang Ngày Về)
Điều này thì chính nhạc sĩ Phạm Duy nêu lên trong Hồi Ký của ông. Trong Nha Trang Ngày Về, ông viết rõ:
“Bờ biển sâu hai đứa tôi gần nhau…”
Ngược lại, trong Biển Tình cũng hai đứa gần nhau, nhưng nhạc sĩ Lam Phương và người tình chỉ “nằm nghe sóng vỗ từng lớp xa” chứ không nhắc gì đến da thịt cả!
Bài thứ hai Lam Phương viết tặng cho Minh Hiếu là một bài rất hay lồng trong hoàn cảnh thời chiến, đó là Biết Đến Bao Giờ:Đời là vạn ngày sầu, biết tìm vui chốn nào
Đôi ta quen bao lâu, nhưng tình đã có gì đâu

Từ khi anh là lính chiến, ít về thăm ghé nhà em…”4
Lam Phương tuy không phải là lính tác chiến, nhưng từ ngày mới lớn đi quân dịch cho đến ngày mất Miền Nam năm 1975, anh đều ở trong quân đội. Từ Ban Văn Nghệ Bảo An, đổi thành Hoa Tình Thương và sau cùng là Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương. Vì công tác liên tục nên quả thật anh cũng khó khăn lắm mới có dịp ghé thăm người tình. Anh viết Biết Đến Bao Giờ là viết cho anh, cho Minh Hiếu, nhưng cũng là viết cho cả triệu người lính Miền Nam lúc bấy giờ.
Cao điểm nhất của Lam Phương để ghi dấu chuyện tình với Minh Hiếu là bài Em Là Tất Cả:
Em ơi suốt đêm thao thức vì em.
Vì lời giã từ lúc anh ra về…
Bài này quá phổ biến, quá nhiều ca sĩ hát, nhất là trong các đĩa karaoke. Nó nổi tiếng đến độ nhiều người tự động đổi tên nó thành: “Thao Thức Vì Em”! Tôi nhớ có lần đi show, tôi hỏi cô ca sĩ sắp ra sân khấu:
Cháu hát bài gì để chú giới thiệu?
– Thưa chú bài Thao Thức Vì Em của Lam Phương.
Tôi ngạc nhiên bảo:
– Theo chú biết thì Lam Phương không có bài nào tên là Thao Thức Vì Em…
Mà quả thật, trên nhiều đĩa karaoke và thậm chí trên bản nhạc in lại, người ta thản nhiên ghi tựa là Thao Thức Vì Em! Hễ có dịp, tôi đều đính chính lại để tôn trọng tác giả, bởi tác giả đã đặt tên bài hát đó là Em Là Tất Cả.
*Người đẹp thứ ba mà Lam Phương gặp gỡ và say đắm là ca sĩ Hạnh Dung trong Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương. Cô không nổi tiếng lắm bởi cô là nhân viên dân chính do Biệt Đoàn tuyển dụng và chỉ hát cho lính nghe. Tuy vậy, chuyện tình Lam Phương – Hạnh Dung cũng để lại cho chúng ta những tình khúc rất đặc sắc mà giờ này vẫn được tán thưởng nồng nhiệt như buổi ban đầu Lam Phương mới sáng tác. Chẳng hạn như bài Bọt Biển ghi dấu kỷ niệm hai người hẹn hò bên bờ đại dương, hoặc bài Giọt Lệ Sầu, Lam Phương viết khi thấy tình yêu bế tắc. Bế tắc có nghĩa là sẽ chẳng đi đến đâu, cho nên ngay từ buổi đầu gặp gỡ, Lam Phương đã không giấu được niềm lo âu qua các tác phẩm anh viết tặng Hạnh Dung:
Nhè nhẹ đôi chân lại gần đây em
Tựa vào vai anh nghe sóng xô trên biển xanh
Nhè nhẹ đôi tay nâng lấy mộng lành
Vì tình đôi ta tha thiết nhưng quá mong manh!”
(Bọt Biển)
Đã biết là tình quá mong manh nhưng hai người vẫn lao vào! Thậm chí có lúc anh đã phải chán nản sáng tác bài Tình Nghĩa Đôi Ta Chỉ Thế Thôi:
Thôi là hết em đi đường em
Tình duyên mình có bấy nhiêu thôi
…”
Bài này thật ra anh viết để tự nhắc nhở hay đúng ra là thúc giục mình nên chấm dứt mối quan hệ éo le ấy, chứ lúc anh viết thì hai người vẫn chưa chia tay nhau.
Quyết định chấm dứt cuộc tình nhưng có những lúc anh thấy mình khó cưỡng lại được trái tim yếu mềm của mình nên anh phải cầu xin ơn trên giúp anh chịu đựng. Đó là lý do anh viết bài Lạy Trời Con Được Bình Yên:
Lạy trời con được bình yên
Tình yêu đó giết con trong ưu phiền

Ôi! Mấy đêm nay, tôi cố quên người
Lại càng yêu thêm!”
Một lần, Lam Phương theo Biệt Đoàn ra công tác ngoài Côn Đảo, trình diễn cho các đơn vị quân đội ngoài ấy. Đêm cuối cùng mọi người gặp nhau họp mặt liên hoan để tiễn chân các cô ca sĩ sáng mai về Sàigòn trước. Lam Phương tạm biệt Hạnh Dung vì anh phải tạm nán lại Côn Đảo vài hôm nữa. Anh viết bài Phút Cuối rất cảm động:
Chỉ còn gần em một giây phút thôi
Một giây nữa thôi là xa nhau rồi
Người theo cánh chim về vui với đời
Để lòng thương nhớ cho kiếp đơn côi!”
Đáng nói nhất là một lần Lam Phương đi công tác trên Đà Lạt. Anh đi một mình không có Hạnh Dung. Anh ray rứt nhớ người yêu bởi Hạnh Dung và anh đã từng hẹn hò nhiều lần tại thành phố sương mù này. Ngồi trong căn nhà trọ lưng chừng đồi nhìn xuống khu phố đìu hiu ngày chủ nhật, anh tha thiết nhớ Hạnh Dung và viết ngay bài Thành Phố Buồn, ca khúc mà tôi vẫn giới thiệu là đã mang lại nguồn lợi tức khổng lồ cho tác giả. Anh bán được hơn 12 triệu, có lẽ là con số kỷ lục trong rừng nhạc tại Miền Nam. Không biết anh có chia cho Hạnh Dung vài triệu hay không, bởi chính Hạnh Dung là nguồn cảm hứng cho bài hát này!
Thành phố buồn nhớ không em
Nơi chúng mình tìm chút êm đềm

Quỳ bên em trong góc giáo đường
Tiếng kinh cầu dệt mộng yêu đương
Chúa thương tình, sẽ cho mình, mãi mãi gần nhau”.

Ba dòng nhạc Lam Phương viết cho ba người tình đều hay như nhau, nhưng lời ca thể hiện rõ ba hướng khác nhau: Nhạc viết cho Bạch Yến thì đau xót nuối tiếc, viết cho Minh Hiếu thì nồng nàn nhớ nhung, viết cho Hạnh Dung thì lo âu mệt mỏi vì viễn ảnh tương lai tăm tối. Tâm trạng của Lam Phương khi ở bên cạnh Hạnh Dung thật giống với ý thơ của Thanh Tâm Tuyền:
Ôm em trong tay
Nhớ em ngày sắp tớ
i!”
Mà Lam Phương lo âu là phải! Khi mất Miền Nam, Lam Phương quyết định ra đi vào phút chót. Thật ra thì ngày 28 tháng 4, Hạnh Dung đã rủ anh đi. Nhưng anh gạt nước mắt khước từ. Sáng 30 tháng 4, thấy cả thành phố nhốn nháo, anh mới cùng Túy Hồng và các con vội vã lên tàu Trường Xuân. Đặt chân đến Mỹ, Lam Phương rơi lệ viết bài Chuyện Buồn Ngày Xuân để tự trách mình đã bỏ rơi người tình Hạnh Dung, mặc dù việc này cả anh và Hạnh Dung đều đã đoán trước. Khi chỉ mới tạm biệt nhau ở Côn Đảo, anh đã viết trong bài Phút Cuối một câu tiên tri:
Biết em sẽ buồn vì mình chẳng có ngày mai!”
Nghe nhạc tình Lam Phương, có lúc tôi đã tự hỏi: “Lam Phương thật sự có đắm đuối trong tình yêu như anh diễn tả qua các nhạc phẩm của anh hay không? Theo tôi đoán thì không! Đó chỉ là cách bày tỏ cảm xúc đôi khi quá mãnh liệt, bằng lời ca quá bi lụy khiến người nghe có cảm tưởng lúc nào Lam Phương cũng “khóc thầm” vì yêu mà chưa chắc anh đã thật sự nhỏ nước mắt vì tình! Khi chúng ta nghe Chuyện Tình Buồn do Phạm Duy phổ thơ cho Duy Quang hát, có những câu ray rứt:
Ngày nhà em pháo nổ
Anh cuộn mình trong chăn
Như con sâu làm tổ
Trong trái vải cô đơn!”
Chúng ta hình dung ngay tác giả bài thơ ấy ắt phải đau đớn phờ phạc lắm khi nghe tin người yêu đi lấy chồng! Nhưng chưa hẳn! Hồi còn ở tuổi thanh niên, tôi có quen một ông thi sĩ làm bài thơ rất não nề trong ngày người yêu lên xe hoa. Bài thơ gửi đăng báo làm tôi mủi lòng đến rơi lệ! Tôi xót xa chạy lại thăm để an ủi thì thấy ông đang mặc quần đùi ngồi nhậu ngoài sân, miệng cười oang oang, rõ ràng chẳng nhớ nhung gì người tình vừa sang ngang. Cho nên, cái rung động của người nghệ sĩ đôi khi chỉ chợt đến chợt đi, chứ chưa chắc đã sâu thẳm như thiên hạ lầm tưởng.
Trường hợp nhạc sĩ Lam Phương, tôi biết chắc một điều là anh rất dễ xúc động, nhưng không hẳn anh đã lụy tình như những lời ca anh viết. Nguồn cảm hứng sáng tác thường đến với anh quá nhanh, quá dễ, dù nguồn cảm hứng ấy chỉ là một giai nhân lướt qua cuộc sống của anh trong khoảnh khắc! Có lẽ nghệ sĩ khác người thường ở điểm đó. Đây nhé: Anh quen một cô nữ sinh ở Sàigòn, anh viết ngay bài Xin Thời Gian Qua Mau:
Buồn nào hơn đêm nay
Buồn nào hơn đêm nay
Khi ngoài kia bão tố đầy trời!”
Sau này, sang Paris, anh chỉ nghe nói nữ ca sĩ Họa Mi chia tay chồng nhưng anh chưa hề gặp Họa Mi. Thế mà anh cũng xúc cảm viết bài Em Đi Rồi thật sướt mướt!
Rồi cũng ở Paris, người ta đặt anh viết nhạc cho cuốn phim kể chuyện một cô gái ở Miền Nam đi theo Mặt Trận Giải Phóng, về sau quá hối hận vì biết mình lầm đường một thời gian dài. Câu chuyện rất đơn giản mà Lam Phương sáng tác được bài Cho Em Quên Tuổi Ngọc vào hàng tuyệt tác. Chưa hết, cũng ở Paris, anh đang chung sống với bạn gái, thì tình cờ một hôm người bạn anh dẫn về một cô bạn gái khác. Anh giật mình thấy cô bạn kia xinh đẹp quá, rồi ngay sau đó anh đẩy trí tưởng tượng đi xa y như anh vừa gặp tiếng sét ái tình! Nhờ vậy, anh mới viết được bài Tình Đẹp Như Mơ thật hay:
Tình yêu từ đâu mà tình yêu vội vã chiếm tim ta?
Chỉ một lần qua mà đêm đêm hình bóng mãi bên ta!”
Như thế thì đủ thấy sự nhạy bén trong trái tim Lam Phương lúc nào cũng sẵn sàng rung động, sẵn sàng nhỏ máu. Anh chưa bị mổ tim là may lắm rồi!
Nếu lùi lại xa hơn, năm 19 tuổi, Lam Phương đi quân dịch (bây giờ trong nước gọi là đi nghĩa vụ quân sự). Đêm mãn khóa, anh viết bài Tình Anh Lính Chiến có những câu tràn ngập tình cảm như sau:
Mai nếu đời ngăn chia ngàn lối
Đừng quên nhé những ngày bên nhau
Nói gì cạn niềm vui rồi ngày mai ta lên đườn
g”.
Những lời gắn bó như thế, ai cũng tưởng là anh viết cho người tình, hóa ra chỉ là mấy ông bạn cùng dự khóa huấn luyện ở Quang Trung! Như thế thì đủ thấy thấy trái tim Lam Phương dễ rung động tới mức nào! Đó cũng là cái tài trời ban cho anh để anh biến những cảm xúc trong tim, dù rất nhỏ, thành những nốt nhạc có sức làm say đắm lòng người.
*Người đàn bà thứ tư cho Lam Phương một khúc rẽ triệt để, một bước ngoặt lớn lao trong sự nghiệp sáng tác, chính là vợ anh, kịch sĩ Túy Hồng. Tôi cứ nhắc anh là phải cám ơn chị Túy Hồng vì nhờ sự hắt hủi của Túy Hồng anh mới viết được một ca khúc hay nhất hải ngoại, đó là bài Lầm:
Anh đã lầm đưa em sang đây
Để đêm trường nghe tiếng thở dài!..”
Rồi từ bài Lầm ấy, anh mới giã từ nước Mỹ, trắng tay ra đi lần thứ hai. Có thể xác quyết rằng, đây là giai đoạn đau khổ nhất trong cuộc đời Lam Phương. Đau khổ vì đang từ một người có thừa tiền tài danh vọng trong nước, anh sang Mỹ bắt đầu lại bằng những nghề lao động chân tay thấp kém nhất. Thế mà chuyện gia đình lại đổ vỡ, làm như số mệnh muốn trả thù anh, đem cái khổ tinh thần nhồi thêm vào cái đau vật chất đang vây chặt lấy anh. Anh bi quan đến độ toan tìm cái chết:
Thà cuộc đời im trong lòng đất…”
Anh tủi thân đến nỗi viết bài Say trong đó có câu:
Ta biết ta đã già…”
Mất miền Nam anh 38 tuổi. Sang Mỹ, mất gia đình, anh 40 mà phải than già thì cay đắng quá!
12
Túy Hồng tên thật là Trương Ánh Tuyết, là kịch sĩ nổi tiếng của truyền hình và truyền thanh Sàigòn. Từ thuở còn là học sinh trung học, Túy Hồng đã bắt đầu bước lên sân khấu thoại kịch (kịch nói) của ban Dân Nam. Vì trong đoàn có Kim Cương, nên Túy Hồng luôn luôn chỉ được giao vai thứ nhì, dù rằng khán giả và báo giới ngày ấy rất chú ý đến Túy Hồng sau lần xuất hiện trong vở Áo Người Trinh Nữ từng làm khán giả đổ nhiều nước mắt. Mãi đến sau Tết Mậu Thân 1968, Túy Hồng mới tách khỏi đoàn Kim Cương để thành lập ban kịch Sống. Trong mỗi vở kịch, Túy Hồng đều cố đưa vào một bài hát của chồng là Lam Phương, do chính Túy Hồng hát, chẳng hạn: Đèn Khuya, Kiếp Nghèo, Thu Sầu, Tiễn Người Đi, Tình Nghĩa Đôi Ta Chỉ Thế Thôi. Túy Hồng không phải ca sĩ chuyên nghiệp, nhưng giọng hát thuộc loại hay, lại có lối diễn tả của một kịch sĩ nên bài nào cô trình bày trên sân khấu kịch Sống cũng đều gây tiếng vang ngay. Bản Phút Cuối khi vừa sáng tác, Lam Phương giao cho Túy Hồng thu đĩa chung với Diên An, bán chạy như tôm tươi. Túy Hồng hát bài này với cả trái tim rung động vì không hề biết bài này chồng mình viết cho người khác!
Tất nhiên, những chuyện tình bên lề của Lam Phương, Túy Hồng đều biết cả, anh không thể giấu hết được. Trực giác nhạy bén của người phụ nữ là vũ khí tự vệ trời ban cho, nên khó có ông chồng nào ngoại tình mà che mắt được vợ! Túy Hồng buồn lắm, nhưng xã hội Việt Nam không đặt nặng vấn đề này. Đàn ông, mà lại là nhạc sĩ nổi tiếng, có đèo bòng thêm một vài bóng dáng khác thì cũng chỉ là vui chơi qua đường mà thôi! Túy Hồng chôn giấu nỗi sầu cho tới khi ra hải ngoại. Ra hải ngoại tức là bước vào một thế giới mới. Mọi thứ giá trị vừa bị đảo lộn hết. Cộng đồng người Việt nhỏ bé đang thành hình là một xã hội mất quân bình vì đàn ông quá dư khiến phụ nữ trở thành “hàng khan hiếm”! Có những cô nhan sắc rất èo uột, giá còn ở Việt Nam thì khó có thể lấy được chồng, giờ sang Mỹ tự động được nâng cấp, kẻ đưa người đón tấp nập! Huống chi Túy Hồng vừa nổi tiếng vừa xinh đẹp! Bao nhiêu săn đón chung quanh làm Túy Hồng xiêu lòng. Hình ảnh người chồng nhạc sĩ mới hôm nào ở Sàigòn lớn lao quá, vĩ đại quá, giờ này đi quét dọn, làm thợ hàn, thợ mộc! Huống chi có thể Túy Hồng đã nuôi sẵn mối hận trong lòng, cay đắng nhịn nhục bao nhiêu năm qua, bây giờ mới có cơ hội vùng lên! Sự thay đổi rõ ràng ở Túy Hồng làm Lam Phương đành phải ngậm ngùi ra đi!
Khăn gói qua Paris lại còn vất vả hơn nhiều. Cái nghèo, cái khổ và nhất là cái lạnh của Mùa Đông Paris làm anh vô cùng điêu đứng. Ngày còn ở Việt Nam, nghe Paris là kinh đô ánh sáng, là phương trời mơ mộng mà Nguyên Sa mô tả:
Hôm nay tôi đi Paris đang vào thu
Dòng sông Seine đang mặc áo sương mù
Đang nhìn tôi mà khoe nước biếc
Khoe lá vàng lộng lẫy lối đi xưa!”

Chao ơi! Đẹp biết bao! Nhưng thực tế thì Paris thiếu rất nhiều phương tiện cho người nghèo, chứ không như bên Mỹ. Lam Phương qua Paris năm 1980, cộng đồng người Việt còn rất thưa thớt và đang ngơ ngác vừa nhớ nhà vừa cố gắng hội nhập. Không ai giúp đỡ được anh. Trung tâm Thúy Nga tuy cũng mới dựng lại bảng hiệu ở quận 13 nhưng còn nghèo xác xơ. Ông Tô Văn Lai đi học sửa xe và cùng con gái đứng bơm xăng thì làm gì có việc cho Lam Phương làm!
Sau này, khi Lam Phương kể lại với tôi, tôi hỏi:
– Hồi anh 17 tuổi, sống trong xóm lao động ở Tân Định, anh sáng tác được bài Kiếp Nghèo thật hay, rồi nhờ bài ấy mà anh hết nghèo! Khi sang Paris, anh còn nghèo hơn lúc ở Tân Định, sao anh không viết thêm một bài Kiếp Nghèo nữa?
Anh cười buồn bảo tôi:
– Ở Tân Định tôi nghèo nên mới viết được bài Kiếp Nghèo. Nhưng sang Paris, nếu viết thêm một bài nữa, thì phải đặt tên là Kiếp Mạt mới chính xác!
*Nhưng anh chưa kịp viết Kiếp Mạt thì cuộc đời anh lại thay đổi, lại gặp một khúc rẽ mới ở người đàn bà thứ 5. Rõ ràng là anh có số đào hoa! Đó là một giai nhân tên là Lê Thị Cẩm Hường mà tôi đã có lần nhắc đến trên Paris By Night. Lam Phương như ngọn cây thiếu nước suốt cả một mùa Hè, bây giờ mưa mới đổ xuống cho ngọn cây sống lại, nhất là Cẩm Hường từng nức tiếng về nhan sắc. Có tờ báo tả cô là “một hoa khôi đẹp mê hồn”! Lúc ấy, Lam Phương đã bước vào tuổi trung niên nên anh viết ngay bài Nửa Đời Yêu Em, rồi nối tiếp luôn một loạt tình ca chan hòa hạnh phúc như: Bài Tango Cho Em, Thiên Đường Ái Ân, Mùa Thu Yêu Đương, Chỉ Có Em… Lời ca của anh bây giờ vui tươi và thực tế lắm bởi anh vừa phục sinh sau những ngày dài mất hết niềm tin trong cuộc sống:
Từ ngày có em về
Nhà mình ngập ánh trăng thề”
Hoặc:
“Đường vào Paris có lắm nụ hồng”
Anh nhắc đến những nụ hồng bởi đó là tên người tình mới (Hường) của anh. Nói chung, giai đoạn này nhạc Lam Phương chuyển sang một hướng mới, tìm lại được niềm tin yêu trong đời, bỏ lại sau lưng tất cả chuỗi ngày vất vưởng đã qua.
Hai người sống bên nhau được gần 10 năm rồi lại chia tay. Lam Phương mệt mỏi viết bài Tình Vẫn Chưa Yên trong đó có hai câu cuối:
Lạy Chúa! Con yêu đời xót xa nhiều
Bao năm qua con mãi đi tìm mà tình vẫn chưa được yên”!
Ở Paris tình vẫn chưa yên cho nên Lam Phương thấy nhớ nước Mỹ. Anh bỏ đi từ 1980, mãi 15 năm sau mới quay lại, tức là 1995. Bốn năm sau, anh bị tai biến mạch máu não, phải ngồi xe lăn và từ đó u sầu nhìn quanh một mình, tính đến nay đã 17 năm!
Không tin số cũng không được! Lâu rồi, anh Lam Phương có kể với tôi rằng: Một hôm anh thả bộ trên bờ sông Seine, có bà thầy bói ngồi dưới tàn cây, mời anh ghé vào coi. Bà chuyên coi bằng trái cầu pha lê (crystal ball) là thứ rất thịnh hành ở Pháp. Anh không tin lắm nhưng vì tò mò, anh tạt vô cho bà xem. Bà nghiêm mặt hai ba lần bảo anh:
– Cuối đời ông sẽ sống cô đơn!
Câu nói ấy anh nghe qua rồi quên hẳn, cho đến khi bị nạn ngồi một chỗ, anh mới nhớ lại lời bà thầy bói. Nhưng cũng nhờ biết trước nên anh không bi quan, không tuyệt vọng vì biết đó là định mệnh đã an bài cho mình.
Tôi sang Paris rất nhiều lần, nhưng chưa thấy chị Cẩm Hường lần nào bởi khi tôi gặp anh Lam Phương năm 1993 thì anh đã chia tay Cẩm Hường rồi. Mãi đến mùa hè 2013, tôi mới nhìn thấy chị lần đầu khi tôi cùng nhạc sĩ Lam Phương được mời sang Paris làm show Tình Ca Lam Phương. Chúng tôi ở hotel Ibis trong khu Place Italie. Nghe tin anh Lam Phương về Paris, chị Cẩm Hường chạy lại thăm. Thấy tôi ở lobby, chị từ phòng anh chạy ra chào và cám ơn tôi đã nhắc đến chị trên sân khấu Paris By Night. Trước đó, chị cũng đã một lần viết thư cho tôi để cám ơn chuyện này.
Nghe chị giới thiệu tên, tôi giật mình nhìn chị, cố hình dung ra người phụ nữ đã từng đem bao nhiêu nụ hồng đến với anh Lam Phương, từng được gọi là “hoa khôi có sắc đẹp mê hồn”! Nhưng dĩ nhiên, tôi không thấy. Trước mặt tôi giờ đây chỉ là một người đàn bà vừa thấp vừa tròn trịa theo qui luật tàn nhẫn của thời gian mà ai cũng phải trải qua! Chính vì thế, cứ lâu lâu chúng ta lại nghe một ca sĩ gào lên một cách nuối tiếc:
Ngày ấy đâu rồi! Ngày ấy đâu rồi…!
Chị Cẩm Hường tái ngộ anh Lam Phương như thế cũng là đúng lúc, vì chỉ hơn một năm sau, tôi nghe tin chị qua đời tại Paris!
Để tổng kết bài này, tôi xin cám ơn tất cả những người tình một thời của nhạc sĩ Lam Phương. Những nguồn vui, những nỗi sầu, những hạnh phúc, những giận hờn mà họ đã mang lại cho Lam Phương, để anh kết thành hàng loạt nhạc phẩm đặc sắc lưu lại mãi mãi cho đời.
Ngày 21 tháng 5 tới đây, Quỹ Cộng Đồng Thời Báo sẽ đón nhạc sĩ Lam Phương trở lại Toronto một lần nữa, để chúng ta được nghe lại những bài tình ca tôi vừa lược kể, những bài tình ca mà chắc chắn có lúc Lam Phương đã phải viết bằng những dòng nước mắt.
Nhân dịp này, Quỹ Cộng Đồng Thời Báo cũng muốn cùng với khán thính giả yêu mến Lam Phương, chúc mừng ông vừa bước vào tuổi 80 mà người ta thường gọi là “bát tuần khánh thọ”. Chúng ta cầu chúc ông luôn mạnh khỏe vì biết đâu sau tuổi 80, ông sẽ lại gặp vài người đẹp, vài mối tình nở muộn để ông lại sáng tác thêm một loạt tình ca đặc sắc nữa!
Nguyễn Ngọc Ngạn
Toronto 2/2016


Chuyển Trục Long Đong


 Chuyển Trục Long Đong


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 160314
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Nhìn lại sự thật sau khái niệm “chuyển trục” của Tổng thống Mỹ
Tháng 10 năm 2011, Ngoại trưởng Hoa Kỳ khi ấy là Hillary Clinton có bài tiểu luận trên tạp chí Foreign Policy giới thiệu chách sách “chuyển trục” của nước Mỹ về Á Châu. Một tháng sau, Tổng thống Barack Obama nói về chánh sách “pivot to Asia” ấy khi thăm thủ đô Canberra và thành phố Darwin của nước Úc. Sau này, chính quyền Obama cho điều chỉnh khái niệm “chuyển trục” thành “tái cân bằng”, rebalancing, có vẻ chính xác hơn, mà cũng chẳng rõ nghĩa hơn. Ngày nay, ta có thể thấy Hoa Kỳ không có trục mà quay tựa chong chóng, từ pivot lại xoay như pirouette.

Nhìn từ bên ngoài thì đấy là điều hợp lý! Chúng ta nên tìm hiểu nghịch lý này qua một bài xin phép là dài hơn mọi khi…

***

Nói về chuyện ngắn hạn, như một hai nhiệm kỳ tổng thống, nước Mỹ tốn nhiều công sức cho hai khu vực chiến lược – của quyền lợi Hoa Kỳ - là tại Trung Đông, ít ra từ cuộc chiến chống phong trào khủng bố Hồi giáo vào năm 2001 và tại Âu Châu từ cuộc khủng hoảng năm 2008 và từ vụ Liên bang Nga tấn công Ukraine năm 2014.

Khi lên nhậm chức từ đầu năm 2009, Tổng thống Barack Obama quyết định sẽ triệt thoái khỏi hai chiến trường Iraq rồi Afghanistan để chú ý nhiều hơn đến khu vực Á Châu, nơi mà đà bánh trướng của Trung Quốc gây quan ngại cho các đồng minh của Mỹ và cho quyền lợi lâu dài của Hoa Kỳ. Ngày nay, Obama sắp hoàn tất hai nhiệm kỳ mà ngần ấy chủ trương hay chánh sách đều dậm chân tại chỗ, trong một cái hố sâu hơn. Còn mối lo về Trung Quốc thì đang được mọi người nêu ra….

Nhìn vào chuyện dài hạn, ít ra từ cả trăm năm nay, chiến lược đối ngoại của Hoa Kỳ có một sự mạch lạc thuần nhất vượt khỏi chánh sách hay chủ trương cùa từng thế hệ lãnh đạo. Đó là làm sao để không cường quốc nào có thể thách đố quyền lực và đe dọa quyền lợi của nước Mỹ.

Chân lý khó hiểu ở đây là khi tranh cử thì mọi lãnh tụ đều đòi ban tham mưu chuẩn bị một “chánh sách” cho mình áp dụng nếu đắc cử và lên lãnh đạo. Nhưng dù thuộc bất cứ chính đảng hay theo một chủ thuyết chính trị nào, nếu thật sự khôn ngoan thì người lên lãnh đạo đều sớm thấy tính chất vô dụng của chánh sách – hay chương trình tranh cử. Chỉ vì thế giới không vận hành theo các chánh sách xuất phát từ những bộ não cứ tưởng là ưu tú nhất.

Chánh sách là sản phẩm của trí tưởng tượng về thực tế, với tham vọng cải tạo thực tế - theo định nghĩa của người cộng sản hay của Obama về chữ “cải tạo”. Còn thực tế về địa dư, chiến lược hay ngoại giao, kinh tế của thế giới lại xoay chuyển theo nhiều hướng khác, thường thì khá bất ngờ và bất lường. Chỉ vì thế giới không chỉ có Hoa Kỳ hay ứng cử viên Tổng thống Mỹ, mà các nước khác hay lãnh tụ xứ khác cũng căn cứ trên địa dư, lịch sử hay chiến lược về quyền lợi của họ để hành xử và đặt ra những bài toán hay thách đố mới cho Hoa Kỳ.

Khi ấy, bài toán ngàn đời hay trăm năm của lãnh đạo Hoa Kỳ vẫn là làm sao để không cường quốc - hay lãnh tụ anh minh hoặc chế độ hung đồ nào - cho thể đe dọa quyền lợi của nước Mỹ. Chánh sách “chuyển trục” của Barack Obama chứng tỏ là ông chậm hiểu thực tế của địa dư lịch sử, hoặc lầm tin vào tài hùng biện của mình để làm thay đổi bộ mặt thế giới. Nếu Obama không lầm tưởng thì nhiều người trong chúng ta lại lầm tin vào cái trục đó.

Nhìn từ bên ngoài, xin nói về chuyện ngắn hạn và gần gũi đã.


***

Liên hiệp Âu châu là một tập thể các quốc gia bán đảo hay quần đảo nằm tại vùng cực Tây của đại lục địa Âu-Á, tiếp cận với Trung Đông ở phía Nam, Liên bang Nga ở phía Đông và xa hơn nữa thì có Trung Quốc trên vùng Viễn Đông hay Đông Á. Sản lượng kinh tế của khối này đã vượt 18 ngàn Mỹ kim một năm, cao hơn sản lượng của Hoa Kỳ và hơn sản lượng tổng cộng của Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Sức nặng kinh tế ấy là bài toán về địa dư vả chính trị cho Hoa Kỳ.

Nói cho gọn, nước Mỹ chẳng dễ dàng chuyển trục từ Tây Âu về Đông Á.

Việc thay đổi tầm nhìn, sức tập trung hay phương tiện để chuyển trục về từ Tây Âu về Đông Á là điều bất khả vì bất lợi cho quyền lợi của nước Mỹ khi tập thể thống nhất và mạnh nhất Tây Âu là Liên Âu đang bị cùng lúc bốn cuộc khủng hoảng: 1) của khối Euro; 2) của di dân; 3) của khủng bố xuất phát từ Trung Đông; và 4) sự vẫy vùng trong tuyệt vọng của Liên bang Nga khi tấn công Georgia năm 2008 rồi Ukraine năm 2014 và đưa quân vào Syria từ Tháng Chín năm ngoái. Bốn vụ khủng hoảng nhồi làm một có thể gây phân hóa cho Liên Âu đang mất dần lý tưởng tự do dân chủ, và làm Tây Âu rã thành nhiều mảnh. Khi ấy, Minh ước NATO do Hoa Kỳ lập ra từ sau Thế chiến II sẽ là gì? Và Đông Bán Cầu của nước Mỹ trôi về đâu?

Vì vậy, khi chúng ta còn điểm quân đếm tiền xem Obama chuyển trục ra sao về Đông Á thì Chính quyền Obama đã dự chi gần 800 triệu đô la trong tài khóa 2016 cho Sáng kiến Trấn an Âu châu (European Reassurance Initiative - ERI). Sáng kiến được Quốc hội chuẩn chi từ năm 2014 sau khi Vladimir Putin tấn công Ukraine và thôn tính bán đảo Crimea. Hôm mùng hai Tháng Hai, Chính quyền Obama còn thông báo sẽ dự chi ba tỷ tư (ba ngàn 400 triệu đô la) cho sáng kiến ERI trong tài khóa 2017. Tức là khi ông Obama chuẩn bị về hưu thì đã tăng cường bảo vệ cái trục Âu Châu của Mỹ gấp hơn bốn lần. Nước Mỹ không bấn chút nào về chuyện Trung Quốc tại Đông Á nên vẫn giữ cái trục Âu Châu. Chẳng những vậy, tin từ Ngũ Giác Đài cho biết Bộ Quốc Phòng chuẩn bị đưa thêm một hai lữ đòan tác chiến vào Âu Châu, trong và ngoài khuôn khổ của sáng kiến ERI.

Bước qua chuyện Trung Đông, xưa nay, nhiều người lầm tưởng Hoa Kỳ can thiệp vào Trung Đông vì nguồn lợi dầu khí. Sự thật nó rắc rối hơn gấp bội vì khu vực này tiếp cận với Âu Châu, khối Hồi giáo và cả lục địa Phi Châu, ở giữa có biển nóng Địa Trung Hải, một cửa thông thương của Đế quốc Nga.

Năm năm trước, Chính quyền Hoa Kỳ muốn thi hành chánh sách “đi vái tứ phương” của ứng cử viên Obama, là nhận lỗi về những can thiệp của nước Mỹ để cải thiện quan hệ với khối Hồi giáo và sẽ triệt thoái khỏi hai chiến trường Iraq và Afghanistan. Sau hai bài diễn văn mang tính chất hòa giải để hòa hợp với các nước Hồi giáo của Tổng thống Obama tại Cairo của Ai Cập và Ankara của xứ Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Clinton trong bài tiểu luận vừa nhắc trên tờ Foreign Policy cũng nói đến việc rút quân. Và thế giới bèn kết luận rằng Hoa Kỳ chuyển trục về Đông Á.

Ngày nay, Hoa Kỳ vẫn duy trì một số đơn vị tác chiến tại Afghanistan sau khi chấm dứt nhiệm kỳ Obama và đang thực tế tham chiến tại Iraq, Syria mà chưa biết làm sao giải quyết chế độ hiếu sát Bashar al Assad tại Syria, hay làm sao cứu vãn nổi tình hình Lybia sau khi dại dột can thiệp để lật đổ chế độ Muamar Ghadaffi. Còn mối nguy khủng bố Hồi giáo thì vẫn nguyên vẹn và gia tăng cường độ với sự xuất hiện và tung hoành của lực lượng ISIL. Chính quyền Obama đã lấy rủi ro lớn hơn Chính quyền Bush 43 (George W. Bush) khi vừa đối thoại vừa đối đầu với xứ Iran và sau khi kết ước với Tehran thì gây hoài nghi cho các đồng minh trong khu vực là Saudi Arabia, Jordan và Israel.

Hi vọng bất ngờ của Obama – nằm ngoài chánh sách Hồi giáo nguyên thủy, là xứ Turkey của dân Thổ, theo hệ phái Hồi giáo Sunny, sẽ gánh thêm trách nhiệm để ổn định Syria, chặn đường tiến của Nga và tái cân bằng lực lượng với Iran trong mâu thuẫn gia tăng giữa Iran và Saudi Arabia cùng Israel.

Ngày nay, Hoa Kỳ đang thành một đại gia dầu khí – biến cố nằm ngoài chánh sách đối ngoại hay kinh tế và trái với sự mơ ước của Barack Obama – mà chưa thể chuyển trục khỏi Trung Đông. Ngược lại, mâu thuẫn giữa chánh sách (là tránh đổ quân vào trận địa) và thực tế là bán cái cho các nước Hồi giáo giải quyết lấy các xung đột trong khu vực sẽ là một “di sản Obama”, được trao lại cho vị Tổng thống thứ 45.

Khi ấy, ta trở về cái trục long đong kia: Châu Á.

Sau thời lập quốc đúng 140 năm, Hoa Kỳ đã cắm trục tại Á Châu sau khi khuất phục một cường quốc Âu Châu là Đế quốc Tây Ban Nha năm 1898 và chiếm lấy thuộc địa Phi Luật Tân. Khi Thế chiến I bùng nổ, Hoa Kỳ đã giao tranh với Hải quân Đức trên vùng biển Thái Bình Dương rồi đại thắng quân Nhật cũng trên vùng biển này từ 1941 đến 1945, và can dự vào hai cuộc chiến lớn trong khu vực là Chiến tranh Cao Ly trên bán đảo Triều Tiên (1950-1953) và Chiến tranh Việt Nam (1965-1975). Ngày nay, Hoa Kỳ vẫn có những hiệp ước giao kết với các nước bản đảo hay quần đảo Á Châu như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Úc, Singapore, Phi Luật Tân, và cả Ấn Độ, v.v....

Về thực tế địa dư chiến lược, Hoa Kỳ có khả năng quân sự kiểm soát được mọi ngả thông thương trên biển của đại cường lục địa đang muốn thành đại cường hải dương là Trung Quốc.

Y như lãnh đạo Liên bang Nga là Vladimir Putin, lãnh đạo Bắc Kinh là Tập Cận Bình hiện gặp rất nhiều mối nguy trong nội bộ, về cả kinh tế lẫn xã hội và chính trị, nên bán cho người dân “ảo giác đại cường” để củng cố ngôi vị của mình. Ảo giác ấy có vẻ hiện thực, giống như thật, vì sự loay hoay lúng túng của Chính quyền Obama khi nói tới trục này rồi nắm lấy trục khác mà cứ xoay như chong chóng. Không chỉ hiện thực, ảo giác ấy là một rủi ro lớn vì hai chế độ Nga Tầu đều bị suy yếu ở bên trong nên có những tính toán phiêu lưu tới bất ngờ. Bất ngờ trước tiên là cho Chính quyền Hoa Kỳ sau khi Obama hòa gỉải với Putin về hồ sơ Syria từ năm 2011, lao vào Ukraine năm 2014 rồi tháo chạy khỏi Syria sau sáu tháng tưng bừng. Gây bất ngờ hơn nữa là sau khi Obama tin vào lời hão huyền của Tập Cận Bình về Đông Hải vào năm 2014.

Thực lực của hai chế độ này chưa thể trực tiếp thách đố nước Mỹ về quân sự hay kinh tế, nhưng đe dọa các quốc gia bị kẹt ở giữa và nếu mâu thuẫn dẫn tới xung đột và tranh chấp thì sau cùng, Hoa Kỳ vẫn phải nhập cuộc. Rủi ro lớn nhất không phải là cho nước Mỹ mà cho các nước khác.

***

Y như Nghị sĩ Obama năm xưa, các ứng viên tranh cử Tổng thống tại Hoa Kỳ năm nay có thể nói này nói khác về chánh sách họ sẽ áp dụng nếu đắc cử. Khi đắc cử, họ vẫn phải thấy ra một thực tế: Hoa Kỳ là một cái trục.

Đấy là trung tâm nằm giữa bánh xe có những nan hoa chĩa ra tứ hướng và xoay vần theo những động lực mà lãnh đạo giỏi thì phải cố gắng kiểm soát được, là trường hợp của Abraham Lincoln, Theodore Roosevelt, Franklin Roosevelt, Harry Truman, Dwight Eisenhower, Ronald Reagan và cả George W. H. Bush (ông Bush 41). Họ đều dám lấy những quyết định đảo điên và đi ngược những lý tưởng đã đề cao là tìm thế quân bình dù bất ổn nhưng có lợi cho nước Mỹ. Hai vị sau này là thần tượng về đối ngoại của Barack Obama như ông ta đã xác nhận.

Nếu các chính khách lại chủ quan duy ý chí nhìn vào mọi sự từ chánh sách của mình thì sẽ có “hiện tượng Obama”, như người ta có thể đọc thấy trên tờ The Atlantic tuần qua, trong một bài phỏng vấn dài tới mấy chục trang của Jeffrey Goldberg. Như tên tựa của bài viết, “Chủ thuyết Obama” là điều rỗng rang


Và “tai họa Obama” đang chờ đợi các ứng cử viên đang gây sóng gió trên chính trường và đường phố Hoa Kỳ…. Còn tai họa cho xứ khác? - Không là một ưu tiên của nước Mỹ, nhất là trong mùa bầu cử!

Tuesday, March 15, 2016

Chạy Đâu Cho Thoát

CHẠY ĐÂU CHO THOÁT

Tác-Giả: Nguyễn Thị Thanh Dương
 Chạy Đâu Cho Thoát
Có lúc giận nhau, lúc muộn phiền, 
Vợ chồng là nợ cũng là duyên,
Chạy đâu cho thoát, tìm đâu nữa? 
Đàn bà nào thì cũng…như em.
Tình cờ anh Tư Chuột gặp anh Ba, một người bạn cũ ở cây xăng, Anh Ba ngắm nghía anh Tư Chuột rồi thốt lên:
- Chà, lâu mới gặp, từ ngày lấy vợ trông khác hẳn ra.
Tư Chuột giật mình, không biết mặt mũi mình có biểu hiện điều gì khác thường ? hay anh Ba chỉ nói một cách chân tình.?
- Trông mày có da có thịt chẳng bù ngày xưa như thằng ốm đói. Chắc vợ mày mát tay lắm?
Tư Chuột cười, nửa nạc nửa mỡ:
- Đời làm chồng cũng có vui có buồn bạn ơi…
Đổ xăng xong, Tư Chuột chào tạm biệt bạn lái xe về nhà. Hôm qua hai vợ chồng mới cãi nhau một trận, chuyện bé xé ra to, chỉ toàn là những nguyên nhân vớ vẩn. Con vợ anh thì nói dai, nói dài, anh hiền thì hiền nhưng cục tính chịu không nổi, thế là to chuyện.
Cãi nhau xong là tới màn hòa bình thân ái và lần sau lại cãi nhau tiếp, làm như đó là những gia vị chua cay, mặn ngọt của cuộc sống, không có không được. Vẫn biết rằng hết giận lại thương, mà sao mỗi lần cãi nhau anh Tư Chuột thấy ghét cái bản mặt của vợ qúa. Nó giận mặt nó chảy ra như cục bột người ta ủ cho nở để làm bánh, nước mắt nước mũi sụt sùi, miệng thì không ngớt kể tội anh, nào là không thương vợ, không lịch sự với vợ, không chiều vợ.
Tư Chuột phải quát lên:
- Cô nói nhiều qúa, hơn cả cái đài radio nữa , mà đài người ta còn ngừng nghỉ để quảng cáo, còn cô thì không, cứ xa xả bất tận…
Những lúc như thế anh bực mình tự trách mình sao cách đây 3 năm anh lại yêu nó, mê nó qúa trời? cái đôi mắt nhạt nhòe tùm lum nước mắt đó mỗi lần nhìn anh là anh cảm động bối rối. Cái miệng nói dai như đỉa đói đó anh đã từng ao ước được đặt lên một nụ hôn rồi có chết cũng đành. Còn cái tên Nguyễn Thị Bông của nó, hồi chưa cưới về, anh thấy đơn giản dễ thương, bây giờ những lúc gận hờn nhau chưa có cái tên nào quê mùa thô kệch đến thế.
Khi chưa tỏ tình anh chỉ sợ thất bại chua cay, cuộc đời không có nó thì sẽ vô nghĩa, vậy mà anh được nó đáp lại tình yêu, cưới nó, sống với nhau mấy năm nay, cuộc đời anh có ý nghĩa gì đâu?
Nó bước vào đời anh và làm đảo lộn mọi thứ trong cuộc sống của anh bấy lâu. Hồi chưa cưới nó hiền lành dễ thương, ăn nói nhỏ nhẹ, những ngày đầu sống chung nó đúng là người tình trong mộng, anh nói gì nó nghe nấy ngoan ngoãn như một cô em bé bỏng, mỗi tuần anh mang cái check lương về, nó lịch sự chẳng cần nhìn xem là bao nhiêu, và nói:
- Anh cứ để trong tủ cho em.
Nên anh vẫn tiêu xài thoải mái như thuở còn độc thân, cà phê thuốc lá, bia bọt lai rai…
Khi còn là người yêu, nó đã nói bằng tấm lòng thông cảm bao la:
- Tiền bạc không thành vấn đề, miễn là mình thương nhau, cùng lo xây dựng hạnh phúc gia đình
Anh sung sướng đã gặp người vợ lý tưởng. Nhưng cưới nhau xong, chỉ sau một thời gian ngắn thì “người vợ lý tưởng” của anh đã biến mất. Cuối tuần anh chưa kịp đưa cái check lương ra thì nó hỏi huỵch toẹt:
- Check đâu?
Rồi nó nhìn con số, hỏi tiếp:
- Sao lâu quá chưa được lên lương? Anh sắp được interview lên lương nữa chưa?
Hoặc có lần nó hỏi:
- Hãng anh có bonus mỗi quarter không?
Nó cũng làm hãng xưởng như anh nên rành lắm ba cái vụ này, anh khó mà qua mặt được nó.
Rồi nó bắt anh dẹp bỏ checking account, không xài check book nữa.
Mỗi tuần nó phát cho anh 10 đồng để tiêu xài …tùy ý thích ( dĩ nhiên là trong phạm vị 10 đồng). Nó nói mình phải để dành tiền mai mốt down nhà, sinh con, mỗi tuần mình chừa ít tiền mặt đủ đi chợ, tiêu dùng, còn bao nhiêu deposit vào bank, nếu để check book anh cao hứng xài bừa, không ai kiểm soát được.
Tư Chuột buồn bã than:
- Em à hồi xưa má anh còn sống, anh ở với má, lãnh lương về biếu má ít tiền má còn không lấy, nói thôi con để dành mà xài. Còn em, người dưng nước lã bỗng nhảy vô đời anh với danh xưng “Người vợ” và bóc lột anh tới tận xương tủy.
Nó khẳng định:
- Má khác, em khác. Mỗi người có một lý lẽ riêng.
Chưa hết, nó còn kiếm đâu ra khu apartment rẻ tiền. Hồi độc thân Tư Chuột xài sang, ở khu apartment đẹp, khang trang, nay lấy vợ, anh phải…xuống cấp ở khu chộn rộn lu bu để tiết kiệm hơn trăm đồng mỗi tháng.
Từ đây Tư Chuột biết là đời mình đã có chủ, ban đầu anh phản đối chuyện nó đưa anh 10 đồng một tuần, thì nó lý giải:
- Mọi thứ khác như ăn ở em …bao hết rồi, còn đòi gì nữa?
- Nhưng 10 đồng không đủ cho anh uống cà phê !
Thì nó nạt:
- Mắc mớ gì anh phải ra tiệm uống ly cà phê cộng tiến típ thành 3-4 đồng? Để em ra chợ mua một hộp cà phê thượng hạng pha cho anh được mấy gallon tha hồ mà uống cả ngày.
Anh cố trình bày:
- Em ơi, uống cà phê phải nhâm nhi từng giọt và nghe nhạc mới sảng khoái tâm hồn…
Nó cũng trình bày:
- Anh ơi, nhà mình cũng có nhạc nè, và có cả em nữa nè…không đủ sao?
Thế là anh đành chấp nhận 10 đồng còn hơn là uống cà phê với nhạc và…em ở nhà.
Nó còn chủ trương hai vợ chồng không nên ăn nhà hàng, dơ thấy mồ, hồi mới đến Mỹ em làm phụ bếp nên rành lắm, mỡ màng, bột ngọt, hàn the…người ta xài thoải mái, miễn là ăn ngon và đẹp mắt, khách hàng bịnh ráng chịu. Cái bảng dán trong nhà bếp mỗi lần nhân viên đi restroom nhớ rửa tay, nhưng dường như để cho nhân viên vệ sinh của thành phố đến kiểm tra thì đúng hơn, vì chẳng ai có thì giờ nhớ tới điều nhắc nhở vệ sinh tối thiểu ấy, cứ việc làm đồ ăn, bưng đồ ăn cho khách mà chưa thấy ai thưa kiện bị đau ốm hay chết chóc gì cả.
Nên nó ra tay trổ tài làm món nọ, nấu món kia cho Tư Chuột vừa miệng để quên đi cái thói quen đi ăn nhà hàng từ thuở độc thân. Anh đã vô tròng dần dần cái luật lệ của nó hồi nào không hay, trước kia anh sống thoải mái, phóng khóang, ở phòng đẹp, ăn xài sang, lãnh lương check nào là bay luôn check đó, cuộc sống hoang đàng chưa ngừng nghỉ bao giờ cho tới khi anh lấy nó.
Bây giờ anh đã kinh ngạc khi nhìn thấy món tiền trong bank của hai vợ chồng kha khá, dù nhiều lúc bực mình anh cũng phải công nhận nó tính toán hay thật, chẳng cần tốt nghiệp trường đại học kinh tế, tài chánh nào mà nó biết tính toán, biết cách chi tiêu đâu ra đấy, có của ăn của để.
Anh Tư Chuột bước vào nhà, lòng dịu lại muốn làm lành với vợ, nhưng vừa thấy mặt anh nó làm mặt lạnh quay đi, anh đến gần, nó…né ra như sợ đụng phải lửa. Cái điệu giận hờn này thì tối nay chắc cũng giống tối qua, hai người nằm quay lưng vào nhau, lạnh lùng xa cách như hai quốc gia chung một biên giới nhưng không có hòa bình. Anh cụt hứng, cơn giận anh trở về vị trí cũ, anh vào bếp thấy nồi phở đang hầm trên bếp chắc là chưa xong. Cuối tuần nào nó cũng nấu món, không phở thì cơm tấm, bún riêu thay phiên nhau cho đỡ ngán. Nó nói trống không:
- Chưa có phở đâu.
Nghe câu nói trống không anh Tư Chuột càng sôi gan, không thèm đáp lại, dù chỉ là một câu nói trống không “khinh người” như nó. Tư Chuộc lấy rổ quần áo dơ đem ra xe để đi giặt, mặc kệ nó mặt sưng mày xỉa ngồi nhà canh nồi phở, mà chưa chắc lát nữa anh thèm ăn, cho nó ế luôn.
Anh đi giặt đồ và tận hưởng chút hạnh phúc riêng tư, nghĩa là anh quẳng đồ vào máy giặt, trả công cho chủ vài đồng để họ sấy giùm. Trong thời gian đó anh sang qúan cà phê bên cạnh, ở đó có một mối tình cảm ỡm ờ, lơ lửng….
Như tất cả những người đàn ông trên cõi đời này, anh ngồi mơ màng bên khói thuốc lá, bên mùi cà phê thơm và ngắm các em nhân viên trong quán xinh tươi để tạm quên đi con vợ nhà. Đây là cái thú vui cuối tuần của anh, vì đời còn gì vui nữa đâu từ khi anh lấy vợ?
Trong quán cà phê có một cô em rất dễ thương, chẳng hiểu sao cô có vẻ cảm tình với anh, mỗi lần anh đến đây cô đều tiếp đãi tận tình, ưu tiên . Vì anh đẹp trai hay vì anh ngồi trầm ngâm bên ly cà phê hàng giờ để đợi quần áo xấy khô, cô em cà phê tưởng anh ngồi…trồng cây si cô nên cảm động?
Tư Chuột và cô thường chuyện trò qua lại, những lúc vắng khách cô còn ngồi cùng bàn với anh. Chuyện tâm tình ở quán cà phê rồi cũng bay đi theo khói thuốc lá, theo dòng đời. Anh nghĩ thế nên cứ tặng nhau những nụ cười, những lời nói đẹp, lãng mạn tuyệt vời cho vừa lòng nhau.
Anh thấy mình trẻ ra, lòng tự ái anh được vuốt ve, con vợ ở nhà hành anh bao nhiêu, ra quán cà phê anh được cô em chiều chuộng bấy nhiêu. Dần dần anh thấy mến cô, những khi hờn giận vợ, anh tiếc rẻ nếu như còn độc thân thì anh sẽ chọn cô, sẽ cưới cô làm vợ.
Dưới mắt cô em cà phê anh vẫn là một anh chàng độc thân bay bướm.
Tuần trước anh bị một phen hú vía. Hôm đó là ngày thứ bảy, hai vợ chồng anh đi chợ Việt Nam , anh đẩy xe chợ theo chân vợ như một cái đuôi, anh có thích thú gì chuyện chợ búa đâu, nhưng nó bắt anh đi cho có đôi có cặp, cho mọi người thấy hai vợ chồng hạnh phúc.
Đến dãy bán gia vị, trong lúc vợ anh đang mải tìm mấy gói nấu bún bò Huế thì anh đứng ngáp ruồi nhìn ông đi qua bà đi lại. Bỗng anh giật mình khi thấy bóng dáng cô em cà phê vừa lướt qua, may qúa, cô không quẹo vào dãy này, nhưng anh cũng phải chuồn thôi, kẻo đụng độ tay ba thì con vợ anh sẽ ghen lên làm bể tung cả chợ và người tình cà phê kia sẽ đau khổ chừng nào !
Thừa lúc vợ không để ý, anh “bỏ của chạy lấy người”, nghĩa là anh bỏ xe, bỏ vợ đi như chạy, như bị ma đuổi ra khỏi chợ, mắt anh không dám liếc dọc liếc ngang, chỉ sợ gặp cô em cà phê, gọi anh lại thì cũng chết.
Ra tới bãi parking, chui tọt vào xe anh mới hoàn hồn, ngồi thở phào thoải mái, mặc dù anh biết rằng chốc nữa vợ ra sẽ giận dữ lắm.
Đúng như anh nghĩ, vợ anh đã sồng sộc đẩy xe chợ ra, chưa kịp bỏ đồ vào xe, nó nhào ra la anh trước:
- Tại sao anh bỏ ra đây làm em kiếm anh khắp chợ mỏi cả chân?
Anh vờ nhăn nhó:
- Nhức đầu qúa em ơi, anh cảm thấy choáng váng nên phải chạy ra đây ngồi nãy giờ mới tỉnh. Ôi, mà em lo gì, anh có là con nít đi lạc đâu mà em phải kiếm? Nó tin lời anh, không la lối nữa, sau khi hì hục chất đồ vào xe, nó còn âu yếm bảo anh:
- Anh chắc còn mệt, ngồi qua bên kia để em lái xe cho.
Hôm ấy anh thầm cám ơn hai người đàn bà, cô em cà phê đã không nhìn thấy anh và vợ đã tin lời nói dối của anh.>/p>
***************
Tư Chuột vừa ngồi vô bàn, như thường lệ cô em cà phê bưng ra một tách cà phê đen. Cô thủ thỉ:
- Sao hôm nay anh ra trễ vậy?
Trời, cô đếm từng giờ để gặp anh sao? Anh cảm động qúa:
- Sáng nay anh đi đổ xăng và rửa xe xong là tới đây gặp em nè.
Giọng cô nũng nịu:
- Anh ơi, nếu anh thật lòng thương em thì…
- Ờ…ờ …anh cũng thật lòng thương em mà.
- Thì mình phải tính tới đi anh, không lẽ mỗi tuần mình chỉ gặp nhau một lần thôi sao?
Tim anh đập loạn xạ, không phải vì sung sướng khi được người đẹp tha thiết muốn chuyện lâu dài, mà vì anh sợ, anh đang bị dồn vào ngõ cụt, mối tình cà phê lơ lửng theo tháng ngày sắp đến hồi hạ màn.
Anh tìm cớ thối lui:
- Nhưng em ơi, anh chỉ là một công nhân quèn lương không đủ sống nên chưa dám nghĩ gì.
- Anh đừng lo, tiền bạc không thành vấn đề, miễn là chúng mình thương nhau lo xây dựng hạnh phúc gia đình.
Tư Chuột giật bắn người, câu nói này nghe quen quen, anh đã nghe rồi, thì ra từ miệng Nguyễn Thị Bông lúc hai người đang tìm hiểu, chưa cưới nhau.
Cách đây 3 năm anh đã nói câu này với Nguyễn thị Bông, với tất cả chân tình để mong nó thông cảm, chịu lấy anh. Và hôm nay anh cũng nói ý đó để mong cô em cà phê chê anh, chán anh, cô rút lui cho được việc, để anh có cái thú đau thương của mối tình dang dở, có cớ hờn trách cô, nhưng ai ngờ cô lại nói y chang câu vợ anh đã nói. Anh hồi hộp hỏi cô em cà phê:
- Em có họ hàng gần xa gì với Nguyễn Thị Bông không?
Cô cà phê ngạc nhiên hỏi lại:
- Nguyễn thị Bông nào? tại sao anh lại lôi cô Nguyễn thị Bông vào đây?
Anh thở ra nhẹ nhỏm:
- À, hồi nào tới giờ anh thấy em giống như chị Nguyễn thị Bông, là vợ của thằng bạn anh ấy mà, bây giờ anh chợt nhớ ra nên hỏi em vậy thôi
Cô cà phê âu yếm mắng yêu anh :
- Vô duyên, người ta đang bàn chuyện tình cảm mà hỏi câu lãng xẹt. Anh có muốn tính tới chuyện chúng mình không nào?
Anh mắc nghẹn chưa biết trả lời sao thì lúc đó trời cứu anh, có vài người khách vào cô phải ra bán hàng. Anh nhìn đồng hồ đã hơn một tiếng qua rồi, chắc đống quần áo ở tiệm đã xấy xong, anh liền ra quầy trả tiền cô em cà phê và để lại một câu chẳng liên quan gì đến câu hỏi lúc nãy của cô cà phê:
- Anh về nghe. Trời coi bộ muốn mưa rồi.
Anh biết chẳng bao giờ anh tới đây nữa, vì anh không thể trả lời câu hỏi của cô. Và cũng nhân dịp này anh phát hiện ra một chân lý: “Đàn bà nào cũng giống nhau” Bằng cớ là cô em cà phê đã nói câu y chang vợ anh đã nói, hiền dịu, tử tế biết bao, rồi bây giờ vợ anh đã thay đổi nhanh như con tắc kè đổi màu. Thì dù anh có còn độc thân, có cưới cô em cà phê chăng nữa, chẳng sớm thì muộn, cô lại quản lý toàn diện cuộc đời anh như vợ anh bây giờ. Chạy đâu cho thoát?
Vợ anh quản lý hiệu qủa trông thấy, tuy đời anh bị mất tự do nhưng tiền bạc có dư, cơm nóng canh ngon đầy đủ, anh không phải lêu lổng đi ăn hết nhà hàng này đến nhà hàng khác như ngày còn độc thân, và nhất là vợ thương anh thật lòng, tất cả những vụ cãi nhau, chung quy nó đều hờn trách anh không quan tâm đến nó, không yêu thương nó nhiều như nó đã yêu thương anh. Thôi thì anh cứ an phận trong vòng tay vợ cho chắc anh, tiếc rẻ gì mối tình qua đường trong quán cà phê!
Lát nữa về tới nhà anh sẽ làm huề với vợ, sẽ ăn tô phở ngon lành. Nghĩ tới đó, Tư Chuột vừa lái xe vừa reo lên một cách sung sướng:
- Nguyễn Thị Bông, anh đang về với em đây. Em vẫn là người vợ lý tưởng của đời anh.
Nguyễn Thị Thanh Dương