Friday, May 31, 2019

Công an viên trần tình việc còng tay, đánh bầm tím bé gái 12 tuổi


Công an viên trn tình vic còng tay, đánh bm tím bé gái 12 tui

Bé gái bị đánh tím đen khắp hai mông nhưng công an viên Nguyễn Song Thao nói chỉ cầm gậy cao su "đánh nhẹ" vài cái.
Ngày 31/5, ông Nguyễn Song Thao, công an viên thôn Trần Phú, xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) thừa nhận đã hành xử không đúng quy định với bé gái 12 tuổi. Đáng lẽ khi nhận được thông tin nghi vấn bé gái trộm tiền của hàng xóm, ông phải báo cáo lên cấp trên chứ không hành động như vậy.
"Tôi có còng tay bé gái lại vì sợ em chạy mất, rồi dùng gậy cao su đánh nhẹ vài cái", Thao nói và bảo giờ  "thấy rất buồn, hối hận". Sau hôm xảy ra sự việc, ông đã tới bệnh viện thăm hỏi, mong gia đình cháu bé thông cảm.
Mẹ em bé bị đánh cho biết chiều 27/5, khi con gái bị hàng xóm tố cáo trộm 50.000 đồng, ông Thao đến nhà bà để làm rõ sự việc song vợ chồng bận việc nên không gặp.
"Sau đó ông Thao dùng còng số 8 khống chế, đưa con tôi sang nhà hàng xóm tra hỏi. Ai cũng nghĩ việc này chỉ là hù dọa, không ngờ ông ấy đánh con tôi thật. Hiện, cháu rất hoang mang, sợ hãi", bà cho hay.
Bé gái đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh với vùng mông phù nề, có lớp dịch dày từ 5 mm đến 12 mm. Theo kết quả xác minh, khoảng 9h ngày 27/5, ông Thao nhận tin báo của một người dân trong thôn, tố cáo bé gái lấy trộm 50.000 đồng. Bị tra hỏi, đứa trẻ thừa nhận lấy trộm tiền của hàng xóm để mua kẹo nên ông này dùng gậy cao su đánh nhiều phát vào mông. Bé gái sau đó phải nhập viện điều trị. Tại bản tường trình, ông Thao thừa nhận việc đánh cháu bé là để răn đe, song đã hơi nặng tay.
Theo một luật sư thuộc Đoàn luật sư Hà Tĩnh, với tình tiết còng tay cháu bé rồi đưa sang nhà hàng xóm tra hỏi và gây vết bầm tím, ông Thao có dấu hiệu phạm tội Bắt giữ người trái pháp luật và Cố ý gây thương tích, theo điều 157, 134 Bộ luật Hình sự 2015.
"Ông Thao là công an viên, ít nhiều am hiểu luật pháp, nạn nhân lại là trẻ em nên việc xử lý càng phải nghiêm", luật sư đề nghị.
Đức Hùng

https://vnexpress.net/phap-luat/cong-an-vien-tran-tinh-viec-cong-tay-danh-bam-tim-be-gai-12-tuoi-3931727.html

Báo Mỹ phơi bày 4 ‘mánh khoé’ kinh doanh xấu của Huawei-Kiều My


Báo Mỹ phơi bày 4 ‘mánh khoé’ kinh doanh xấu của Huawei
Kiu My

Tờ Wall Street Journal Hoa Kỳ đã công bố một báo cáo điều tra dài vào ngày 25/5, tiết lộ Huawei đã “không từ thủ đoạn đánh cắp bí quyết thương mại” và “cạnh tranh không lành mạnh để chiếm lấy thị trường”, giải thích vì sao Huawei đã nổi lên như một hiện tượng trong ngành kỹ thuật số.
The Wall Street Journal tiết lộ lịch sử trộm cắp bí mật kinh doanh của Huawei, bằng cách phân tích các tài liệu tư pháp Hoa Kỳ và phỏng vấn các cựu nhân viên Huawei.
Một trong những mánh khoé Huawei hay sử dụng để đánh cắp là thông qua các nhân viên của họ ở nước ngoài.
Ví dụ, Robert Read, cựu kỹ sư tại văn phòng Huawei Thụy Điển tiết lộ, họ sẽ đánh cắp thiết bị được sản xuất ở nước ngoài, giấu nó trong một “căn phòng bí mật” thường được tìm thấy trong các cơ quan tình báo và sau đó vận chuyển về Trung Quốc, bàn giao cho các kỹ sư Huawei để tháo dỡ.
Huawei cũng yêu cầu nhân viên giả mạo danh tính, trà trộn vào các hội chợ thương mại ở nước ngoài, lén lút chụp ảnh nhằm đánh cắp bí quyết thương mại, một số nhân viên từ chối hợp tác đã bị sa thải.
Mánh khoé thứ hai được Huawei sử dụng là “trong ứng ngoài hợp” với các nhân viên của các doanh nghiệp khác.
Ví dụ, tỷ phú Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei), người sáng lập Huawei, đã đánh cắp công nghệ trạm gốc nhỏ SC300 của Motorola thông qua người thân của ông, Pan Shaowei, người làm việc tại Motorola.
Mánh khoé thứ ba là lợi dụng “hợp tác kinh doanh”, yêu cầu các công ty khác để chia sẻ bí quyết công nghệ, sau đó hai bên không thể “hợp tác” nữa, và công nghệ được Huawei độc chiếm sử dụng.
Đối tượng mục tiêu của Huawei bao gồm công nghệ liên quan đến 5G từ nhà phát triển ăng-ten Quintel và bằng sáng chế máy ảnh điện thoại thông minh do Rui Oliveira của Bồ Đào Nha phát minh.
Mánh khoé thứ tư là thông qua các thủ đoạn kỹ thuật trực tiếp lấy cắp tài sản trí tuệ của đối thủ.
Vào tháng 1/2003, Tập đoàn công nghệ đa quốc gia Cisco Hoa Kỳ đã cáo buộc Huawei, sao chép phần mềm bộ định tuyến và hướng dẫn sử dụng của họ, thậm chí gồm cả lỗi chính tả trong đó. Trong khi đó, ông Nhậm Chính Phi tuyên bố, đây là “sự trùng hợp”.
Bài báo cũng đề cập, hành vi ăn cắp quy mô lớn của Huawei đã được Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) che chở. Đơn cử, sau khi Motorola cáo buộc Huawei ăn cắp bí mật bí quyết kinh doanh, họ đã bị ĐCSTQ trả thù.
Tờ báo Hoa Kỳ cũng giải thích tại sao giá cả thiết bị Huawei đều thấp hơn 20-30% so với các đối thủ, vì ĐCSTQ đã cung cấp hỗ trợ tài chính cho Huawei.
Thông qua kiểu cạnh tranh không lành mạnh này, Huawei đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường chỉ sau 20 năm và trở thành nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới.
Đầu năm nay, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã đệ đơn kiện Huawei và giám đốc tài chính toàn cầu Huawei, bà Mạnh Vãn Châu (trưởng nữ của ông Nhậm Chính Phi) về 23 tội danh hình sự đánh cắp bí quyết thương mại, trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ và vi phạm lệnh trừng phạt Iran v.v.
Vào tháng 15/5, Tổng thống Trump ban hành một mệnh lệnh hành pháp viện dẫn Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế, trao cho chính quyền quyền hạn chế mọi giao dịch với “đối thủ nước ngoài” liên quan đến công nghệ thông tin và truyền thông. Ngay lập tức Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã liệt Huawei cùng công ty con của họ vào danh sách “kiểm soát xuất khẩu”, khiến các chuỗi cung ứng phụ kiện cho Huawei trên toàn cầu lần lượt “cắt đứt” quan hệ kinh doanh với Huawei, vì không có sự cho phép của Washington.

Kiều Mi



Ông Trọng để Phó Chủ tịch nước thay mặt đọc tờ trình ở QH


Ông Trọng để Phó Chủ tịch nước thay mặt đọc t trình QH
30 tháng 5 2019

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng không xuất hiện mà ủy nhiệm cho Phó Chủ tịch Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày về Công ước lao động trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa 14, theo các báo Việt Nam.
Tờ Thanh Niên hôm 10/5 cho hay TBT, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ là người trình bày Tờ trình về việc Việt Nam gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Nhưng đến hôm 29/5, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh "nhận được sự ủy nhiệm" để đọc tờ trình do ông Trọng ký trước Quốc hội.
Nội dung tờ trình nhấn mạnh sự quan trọng của việc gia nhập Công ước 98 trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do như CPTPP hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA), nội dung giống với tờ trình mà ông Nguyễn Phú Trọng đã ký ngày 12/4.
"Công ước xác lập nguyên tắc tự nguyện, thiện chí trong thương lượng tập thể, đồng thời quy định về trách nhiệm của nhà nước trong việc thúc đẩy thương lượng tập thể được thực hiện một cách tự nguyện, thiện chí", bà Thịnh đọc tờ trình.
Lại 'vắng mặt'
Hôm 14/5, ông Trọng chính thức xuất hiện trở lại trong cuộc họp với các lãnh đạo cấp cao sau một tháng không có tin tức hình ảnh hoạt động của ông trên truyền thông và nhiều tin đồn về sức khỏe của ông đã xuất hiện.
Công ước 98 xác lập nguyên tắc tự nguyện, thiện chí trong thương lượng tập thể, đồng thời quy định về trách nhiệm của nhà nướcBà Đặng Thị Ngọc Thịnh
Trước đó có tin cho rằng ông nhập viện sáng 14/4 khi thăm tỉnh Kiên Giang.
Hình ảnh cuộc họp hôm 14/5 đã được quay phim và phát sóng rộng rãi, dường như là để chấm dứt những tin đồn về sức khỏe của ông.
Tuy nhiên, khi đó dư luận lại chú ý đến chi tiết dây đai ở chiếc ghế ông ngồi, và chiếc đồng hồ thông minh trên tay trái của ông.
Ông Trọng sau đó tiếp tục xuất hiện, phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10 hôm 16/5. Bài phát biểu cũng được trình chiếu trên VTV.
Có vẻ như các hình chỉ cho thấy nhà lãnh đạo Việt Nam ở vị trí ngồi chứ không có hình ảnh ông đứng hoặc đi lại.
Hôm 19/5, hôm bế mạc Hội nghị, Tuổi Trẻ khi đó có bài viết phát biểu của ông, kèm theo hình ảnh của Thông Tấn Xã.
Nhưng cũng trong ngày 19/5, ông không có mặt trong đoàn lãnh đạo Đảng và Nhà nước vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Các nhân vật thay mặt hoặc hỗ trợ công việc
Đến ngày 21/5, Thường trực Ban bí thư, ông Trần Quốc Vượng thay thế ông Trọng chủ trì một cuộc họp về phòng chống tham nhũng.
Hôm 29/5, ông Vượng tiếp tục ra mặt đón tiếp Chủ tịch Quốc hội Campuchia và "chuyển lời thăm hỏi, lời chúc mừng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới các nhà lãnh đạo Campuchia".
Trước đó hồi tháng Ba, chính ông Trọng đã ra tiếp đón Chủ tịch Quốc hội Lào.
Nhưng trong nửa sau tháng 4 và sang tháng 5, đài báo VN chỉ nói ông gửi điện thư giao lưu với lãnh đạo các nước mà không đăng hình xuất hiện ở đâu.
Cũng trong ngày 29/5, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã tiếp đón ông Paul de Jersey, thống đốc bang Queensland của Úc.
Lịch làm việc của bà Đặng Thị Ngọc Thịnh tại Phủ Chủ tịch có vẻ khá bận rộn, vì cũng trong ngày 29/05, tại trụ sở này bà đã "tiếp đoàn đại biểu nữ là bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến" thời kỳ kháng chiến.
Trước đó, hôm 23/05, cũng tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tiếp Đoàn đại biểu chức sắc tôn giáo tỉnh Ninh Bình, theo báo Việt Nam.
Theo Hiến pháp Việt Nam, điều 88, khoản 6, một trong những nhiệm vụ của Chủ tịch nước là "trình Quốc hội phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế quy định tại khoản 14 Điều 70" và "quyết định phê chuẩn, gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế khác nhân danh Nhà nước".
Điều 92: Phó Chủ tịch nước giúp Chủ tịch nước thực hiện nhiệm vụ và có thể được Chủ tịch nước uỷ nhiệm thay Chủ tịch nước thực hiện một số nhiệm vụ.
Điều 93 Khi Chủ tịch nước không làm việc được trong thời gian dài thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước. Trong trường hợp khuyết Chủ tịch nước thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới.


Đi xa hơn trận thương chiến - Nguyễn Xuân Nghĩa


Đi xa hơn trận thương chiến
Nguyễn Xuân Nghĩa
2019-05-28
Một hậu quả đầu tiên của trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là trong Quý 1 năm 2019 số xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ giảm gần 14% mà xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ lại tăng hơn 40% so với năm ngoái. Trước tin mừng đó, có lẽ chúng ta nên nhìn xa hơn. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu tại sao.
Lợi thế của Việt Nam
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, trang kinh tế hôm 27 của Bloomberg đã trích dẫn dữ kiện của văn phòng U.S. Census Bureau rằng Việt Nam là một trong các nguồn xuất khẩu hàng hóa nhanh nhất tại Châu Á vào Hoa Kỳ vì trong ba tháng đầu năm nay số hàng nhập vào Mỹ đã tăng hơn 40% so với năm ngóai mà số hàng của Trung Quốc lại giảm gần 14% khi trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc leo thang. Ông nghĩ sao về biến cố đáng mừng này?
Nguyễn-Xuân  Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ rằng chúng ta rất nên thận trọng vì bốn lý do.
Việt Nam nên kiểm lại xem là trong lượng hàng bán qua Mỹ, có bao nhiêu là của doanh nghiệp Trung Quốc hầu khỏi có hiện tượng “Hồn Trung Hoa, da hàng Việt”, nôm na là dán nhãn “Chế tạo tại Việt Nam” lên hàng Trung Quốc để bán cho Mỹ.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
- Thứ nhất, do trận thương chiến Mỹ-Hoa, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư mạnh hơn vào Việt Nam, trong bốn tháng đầu năm, số đầu tư lên tới 65% của cả năm ngoái: họ dời cơ sở sản xuất vào Việt Nam để tránh thuế của Hoa Kỳ. Vì vậy, Việt Nam nên kiểm lại xem là trong lượng hàng bán qua Mỹ, có bao nhiêu là của doanh nghiệp Trung Quốc hầu khỏi có hiện tượng “Hồn Trung Hoa, da hàng Việt”, nôm na là dán nhãn “Chế tạo tại Việt Nam” lên hàng Trung Quốc để bán cho Mỹ. Nếu tỷ lệ này quá lớn, Việt Nam sẽ hết được Hoa Kỳ ngầm nâng đỡ như chúng ta đã thấy mà còn bị vạ lây vì được coi là một chi nhánh của Bắc Kinh.
- Thứ hai, Việt Nam không thể quên là ngoài lượng hàng rất lớn được xuất khẩu qua Mỹ thì còn số nhập khẩu quá nhiều từ Trung Quốc, tức là còn lệ thuộc hơn vào nước láng giềng này
Thứ ba, Việt Nam tưởng được lợi thế nhân công của mình rẻ hơn Trung Quốc, nhưng lợi thế đó không bền và lực lượng lao động trong khu vực công nghiệp của Việt Nam chỉ có 14 triệu rưởi so với 200 triệu của Trung Quốc. Chưa kể rằng đầu tư gia tăng sẽ gây thêm đắt đỏ cho giá đất và các loại chi phí sản xuất và thu hẹp khả năng cạnh tranh nếu so với doanh nghiệp của các nước Á Châu ngoài Trung Quốc.
- Thứ tư, về quyền lợi trường kỳ thì chiến lược thu hút đầu tư ngoại quốc để xuất cảng dẫn đến sự lệ thuộc vào luồng xuất nhập khẩu và đầu tư do nước ngoài quyết định trong khi lại cố ép lương công nhân của mình. Lời thì doanh nghiệp ngoại quốc hưởng phần lớn, trong khi tay nghề và điều kiện lao động của công nhân Việt Nam chưa chắc đã được cải thiện vì nhược điểm trong giáo dục và đào tạo. Sau vài năm hồ hởi với cơ hội mới của trận thương chiến, có khi doanh nghiệp Việt Nam mất khả năng cạnh tranh với Malaysia, Indonesia hay Bangladesh và kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.
Nguyên Lam: Theo như ông nghĩ thì đâu là những lợi thế của Việt Nam?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đây là câu hỏi bạc tỷ và câu trả lời thật không dễ!
- Đầu tiên, Việt Nam cần thấy ra mục tiêu lâu dài của xứ láng giềng khổng lồ này. Lãnh đạo Trung Quốc không hề che giấu mục tiêu, kể cả qua khái niệm “thao quang dưỡng hối”, là phát huy các điểm tích cực mà ghìm bớt ý đồ âm mưu để khỏi gây hãi sợ. Xưa nay, họ vẫn nói tới “phú quốc cường binh” mà ta tưởng là dân giàu nước mạnh, tức là lấy kinh tế làm đòn bẩy trợ lực cho quân sự và giờ này thì ai cũng e ngại đà bành trướng quân sự đó. Sau mấy thập niên tăng trưởng, Tổng bí thư Tập Cận Bình vẽ ra một viễn ảnh vĩ đại hơn. Đó là chẳng những vượt qua Hoa Kỳ mà còn thiết lập một trật tự quốc tế khác do Trung Quốc lãnh đạo. Viễn ảnh đó mới là chuyện đáng sợ cho tương lai Việt Nam.
Trật tự của Trung Hoa
Nguyên Lam: Ông vừa trình bày khái quát cái viễn ảnh lãnh đạo thế giới của Bắc Kinh, thế Việt Nam nên làm gì hoặc không nên làm gì trong cái trật tự Trung Hoa đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Lãnh đạo Bắc Kinh vẽ ra một trật tự quốc tế trên cơ sở luật pháp được các nước cùng tôn trọng mà chính họ lại không hề tuân thủ.
- Về kinh tế họ tham gia các định chế quốc tế với rất nhiều cam kết, chẳng hạn như Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, hay Liên hiệp quốc, mà lại lần lượt vi phạm những cam kết đó và đấy là cái gốc của trận thương chiến với Hoa Kỳ, nhưng ta đừng quên rằng các nước khác cũng bị thiệt hại và đang đứng ngoài giám trận để cân nhắc về quyền lợi của mình sau khi Hoa Kỳ đẩy lui Trung Quốc. Việc trợ cấp doanh nghiệp nội địa, bảo vệ khu vực kinh tế nhà nước, không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, nhập nhằng sử dụng doanh nghiệp có quy chế tư nhân mà chính là nơi tiếp thu hay đánh cắp công nghệ của thiên hạ cho mục tiêu an ninh và quân sự là các tệ nạn đang bị phơi bày.
- Về an ninh và quân sự, Bắc Kinh công khai bành trướng và uy hiếp các nước lân bang mà phủ nhận mọi phán quyết của các tổ chức quốc tế. Điển hình là việc tranh chấp chủ quyền trên các quần đảo từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á và khống chế các dòng hải lưu từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương tới Trung Đông và Âu Châu. Bắc Kinh không chỉ thách thức sức mạnh của Hoa Kỳ mà còn đòi khống chế các nước khác, từ bên trong là Tân Cương, Tây Tạng đến bên ngoài là Đài Loan và Hong Kong, xuống tới Nam Thái Bình Dương. Đấy là “trật tự quốc tế” đích thực của Trung Quốc.
Việt Nam nên làm gì?
Nguyên Lam: Khi đó Việt Nam nên làm gì, thưa ông?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Việt Nam nên nhìn xa hơn trận thương chiến hiện nay mà tự xác định là một quốc gia biết tôn trọng trật tự quốc tế, và đấy là ưu thế cạnh tranh của mình. Muốn như vậy, nên kiểm điểm lại quá nhiều sai lầm đã qua.
- Trước hết, các nước đều ưu lo về nạn ô nhiễm môi sinh và hiện tượng nhiệt hóa địa cầu mà Trung Quốc lại không tôn trọng và còn liên tục gây họa cho thiên hạ. Việt Nam nên ưu tiên tham gia vào nỗ lực chung và cải tiến môi trường sinh sống của mình cho người dân được hưởng và khỏi bị quá nhiều thiệt hại chồng chất như hiện nay. Đấy là biểu hiện của văn minh và tiến bộ bên cạnh một Trung Quốc ngang ngược tàn phá môi sinh của nhân loại.
Tôi cho rằng Việt Nam không cần ra tuyên ngôn chống Tầu hay Thoát Trung hoặc công khai dựa vào Hoa Kỳ mà chỉ lặng lẽ đổi mới thể chế để cho thấy rằng mình khác và nhất là đáng tin hơn.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
- Thứ nhì, sau môi sinh, hãy nghĩ tới quyền lợi của giới lao động mà ban hành rồi thực thi các luật lệ bảo vệ thích hợp, điển hình là sự cam kết trong khuôn khổ của Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương với 10 nước kia. Vai trò của công đoàn tự do và độc lập sẽ là một ưu thế cạnh tranh, khác hẳn vai trò hiện nay của các chi bộ đảng trong mọi doanh nghiệp công, tư và nước ngoài tại Trung Quốc.
- Thứ ba là cải cách hạ tầng cơ sở vô hình mà then chốt là hệ thống luật lệ nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng cho mọi doanh nghiệp, là điều không hề có tại Trung Quốc, vì vậy mới gây mâu thuẫn gay gắt trong trận thương chiến hiện nay.
Nguyên Lam: Có lẽ thính giả của chúng ta thấy rằng Việt Nam nên cố gắng làm khác Trung Quốc. Phải chăng đấy là những đề nghị chính yếu của ông?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta nên ý thức ra một sự thật là cái trật tự quốc tế hình thành từ 75 năm nay, từ Thế Chiến Hai, đang cần cải thiện vì nhân loại đã bước vào một hình thái phát triển khác. Nhưng thay vì cùng các nước từng bước cải thiện trật tự đó thì Bắc Kinh muốn lập ra một trật tự mới, với Trung Quốc là trung tâm.
- Khi ấy, Việt Nam nên xác định rằng mình không là một thuộc quốc cỏn con của Trung Quốc, với mọi nhược điểm đã thấy trong quốc gia láng giềng đáng sợ này. Càng làm rõ cái khác, Việt Nam càng có thêm bạn hàng và đồng minh để khỏi đơn phương đứng trên tuyến đầu, dưới tầm đạn của Bắc Kinh và cầu mong xứ khác bảo vệ, hay lại phải đu dây giữa hai thế lực đối nghịch ở hai bờ Thái Bình Dương.
- Thành thử, tôi cho rằng Việt Nam không cần ra tuyên ngôn chống Tầu hay Thoát Trung hoặc công khai dựa vào Hoa Kỳ mà chỉ lặng lẽ đổi mới thể chế để cho thấy rằng mình khác và nhất là đáng tin hơn. Từ việc đổi mới thể chế, Việt Nam nên cải cách chiến lược vận động đầu tư nước ngoài vì không chỉ thiếu vốn nên cần thiên hạ mà còn gây lãng phí khi đi vay và sử dụng vốn. Bây giờ lại còn dùng vốn của Tầu để ngầm bán đồ vào Mỹ là một quyết định tai hại từ đầu vào là Trung Quốc cho tới đầu ra là Hoa Kỳ!
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn tuần này.


ĐBQH kiến nghị: Việt Nam cần thiết một nền giáo dục không nói dối - Hòa Ái,


ĐBQH kiến nghị: Việt Nam cần thiết một nền giáo dục không nói dối
Hòa Ái, RFA
2019-05-30
Phát biểu tại nghị trường Quốc hội vào ngày 30 tháng 5, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Lân Hiếu nêu lên kiến nghị liên quan triết lý giáo dục của việt Nam rằng trước mắt cần thiết đưa ra nguyên tắc giáo dục là một nền giáo dục không nói dối.
Giới chuyên gia giáo dục nói gì trước khiến nghị vừa nêu?
Giáo dục không trung thực
Trong phiên thảo luận Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội vào sáng ngày 30 tháng 5, Đại biểu Thái Trường Giang, của tỉnh Cà Mau lên tiếng rằng những gì diễn ra trong thời gian qua cho thấy có sự lo lắng, thậm chí còn nghi ngờ vai trò là quốc sách hàng đầu của Giáo dục-Đào tạo.
Đại biểu Quốc hội Thái Trường Giang khẳng định bệnh thành tích trong ngành giáo dục không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng, dẫn đến chất lượng giáo dục không thực chất, qua dẫn dụ về một lớp học có 43 học sinh mà trong đó có 42 em học sinh giỏi và duy nhất 1 em học sinh khá. Vị Đại biểu đến từ Cà Mau nhấn mạnh là “Bây giờ tìm một em học sinh yếu kém khó như mò kim đáy bể.”
Lướt qua trang fanpage của các báo mạng quốc nội, Đài RFA ghi nhận rất nhiều ý kiến của độc giả bày tỏ sự đồng tình với phát biểu của Đại biểu Quốc hội Thái Trường Giang. Không ít ý kiến cho rằng ông Thái Trường Giang đã nói hộ cho ý kiến của nhân dân và kêu gọi Bộ Giáo Dục cần nghiêm túc tiếp thu và phải xóa bằng được bệnh thành tích trong ngành giáo dục thì mới được văn minh và có chất lượng thực chất.
Có lẽ tôi nhìn theo cái nhìn của một người già trải nghiệm thì tin nó tới đáy là phải thay đổi để được khá lên. Tiếp đến là diễn biến ra sao, đường đi như thế nào…thì tôi không tiên đoán nữa bởi vì cũng mệt mỏi rồi. Nhưng tôi nghĩ đó là dấu hiệu của sự thay đổi buộc phải đến, không thể không thay đổi
-Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh
Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Phó giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ Chất lượng giáo dục (EQTS), thuộc Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam vào tối cùng ngày chia sẻ với RFA rằng bà không lấy làm ngạc nhiên và có phần vui mừng trước lời phát biểu tại nghị trường Quốc hội của Đại biểu Thái Trường Giang. Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh nói:
“Tôi không có gì ngạc nhiên hết. Tôi mừng là đến bây giờ người ta nhận ra vấn đề. Nhưng mà tôi cũng tiếc, thậm chí phải nói là đau khi những lời cảnh báo của chỗ này chỗ khác bền bỉ trong nhiều năm qua và trong đó có tôi, tuy là yếu ớt thì không ai nghe. Hoặc là người ta biết mà người ta không dám nói. Chính tôi đã nói về những điều này, đã nhiều lần công khai ở nhiều chỗ khác nhau rằng không nên nói dối về sự thật, dù rằng nó đau nhưng nên nói ra để sửa. Đến bây giờ đưa ra giữa hội trường Quốc hội thì rất là muộn. Tôi nghĩ có lẽ đã 20 năm nay rồi đó. Nhưng tất nhiên là muộn còn hơn không.”
Qua trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh nhấn mạnh những việc làm sai trái trong ngành giáo dục nhiều năm qua đã và đang gây ra nhiều tổn thất cho xã hội mà những hệ lụy đó tính theo thế hệ, chứ không phải theo năm hay theo ngày tháng. Tuy vậy, qua những thông tin dồn dập liên quan về các tiêu cực của ngành giáo dục mà truyền thông trong nước đăng tải gây chú ý trong dư luận, đặc biệt về gian lận thi cử trong mùa thi năm 2019, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh cho rằng có lẽ đến thời điểm bắt đầu của một sự thay đổi:
“Có lẽ tôi nhìn theo cái nhìn của một người già trải nghiệm thì tin nó tới đáy là phải thay đổi để được khá lên. Tiếp đến là diễn biến ra sao, đường đi như thế nào…thì tôi không tiên đoán nữa bởi vì cũng mệt mỏi rồi. Nhưng tôi nghĩ đó là dấu hiệu của sự thay đổi buộc phải đến, không thể không thay đổi.”

Kiến nghị khả thi?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, của tỉnh An Giang, cũng tại phiên thảo luận Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội vào sáng ngày 30 tháng 5, nhắc lại phiên thảo luận về Luật Giáo dục sửa đổi đã có nhiều ý kiến bàn về triết lý giáo dục và bản thân ông kiến nghị trước mắt rất cần thiết phải đưa ra nguyên tắc giáo dục là một nền giáo dục không nói dối.
Nhận định về kiến nghị của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, Giáo sư Hoàng Dũng, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng không thể khả thi:
“Giáo dục ở Việt Nam có thể nói rằng cực kỳ khó để giải quyết. Tại vì nhà trường không tách rời khỏi xã hội, mà cả xã hội được điều hành trên cơ sở của những nguyên lý hoàn toàn dối trá. Tôi lấy ví dụ, nói rằng là ‘Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất’, nhưng trên thực tế thì ai cũng biết cơ quan quyền lực cao nhất là Bộ Chính trị, không phải là Quốc hội gì cả; hay nói rằng ‘nhà nước là của dân, do dân, vì dân’ nhưng trên thực tế nó không phải như vậy. Toàn bộ cả một hệ thống chính trị được xây dựng trên những nguyên lý mà nghe thì tốt đẹp lắm nhưng ai cũng thấy là dối trá. Dối trá từ việc xây dựng Nhà nước cho đến việc thực hiện những chính sách cụ thể. Cho nên trong điều kiện đó mà đòi giáo dục thành ốc đảo riêng có sự trung thực được coi là hàng đầu thì tôi thấy đấy là một mơ ước và khó lòng thực hiện lắm.”
Giáo dục ở Việt Nam có thể nói rằng cực kỳ khó để giải quyết. Tại vì nhà trường không tách rời khỏi xã hội, mà cả xã hội được điều hành trên cơ sở của những nguyên lý hoàn toàn dối trá…Toàn bộ cả một hệ thống chính trị được xây dựng trên những nguyên lý mà nghe thì tốt đẹp lắm nhưng ai cũng thấy là dối trá. Dối trá từ việc xây dựng Nhà nước cho đến việc thực hiện những chính sách cụ thể. Cho nên trong điều kiện đó mà đòi giáo dục thành ốc đảo riêng có sự trung thực được coi là hàng đầu thì tôi thấy đấy là một mơ ước và khó lòng thực hiện lắm
-Giáo sư Hoàng Dũng
Một vài chuyên gia giáo dục Đài RFA tiếp xúc thì khẳng định ngành giáo dục Viêt Nam không những bị lạc hậu, lạc đường mà còn có quá nhiều tiêu cực vì sự không trung thực của ngành và do đó ngành giáo dục phải cấp thiết thay đổi.
Hồi đầu tháng 11 năm 2018, trong phiên trả lời chất chất vấn Đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi Đại biểu Quốc hội góp ý cho Luật Giáo dục sửa đổi.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục bày tỏ họ không thấy có sự lạc quan nào cho viễn ảnh của ngành giáo dục khi triết lý giáo dục được cô đọng trong Bộ luật Giáo dục năm 2005 cũng như cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam về giáo dục, chủ yếu lấy Chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, đào tạo con người toàn diện về đạo đức lẫn trí tuệ; nhưng phải trung thành với lý tưởng xã hội chủ nghĩa.
Trong khi đó cũng có ý kiến cho lối ra của ngành giáo dục Việt Nam hiện nay là nên kế thừa di sản giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa trước đây, như ý kiến của Phó Giáo sư-Tiến sĩ Mạc Văn Trang, cựu viên chức làm việc hơn 30 năm ở Viện Khoa học Giáo dục rằng “nên đưa ra triết lý dân tộc, nhân bản, khai phóng thì mới đúng bản chất của giáo dục”.

Thêm tai tiếng về hành xử của quan chức Việt Nam - Trung Khang,


Thêm tai tiếng về hành xử của quan chức Việt Nam
Trung Khang, RFA
2019-05-30

Dư luận Việt Nam lại bất bình về hành xử của quan chức trong nước trước tin chuyến bay VN31 của Vietnam Airlines, từ Sài Gòn đi Frankfurt, Đức vào đêm 28/5/2019, đã phải cất cánh trễ 72 phút. Lý do bị phát hiện là chỉ để chờ một vị khách VIP theo yêu cầu của ông phó tổng giám đốc VN Airlines.
Theo biên bản lý do ‘delay’ (trễ) của chuyến bay làm hơn 200 hành khách phải chờ này được trang tin VietTimes ghi nhận, là do yêu cầu chờ 1 khách VIP của Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà.
Vị khách đặc biệt khiến cả chuyến bay VN31 phải chờ đợi, theo điều tra của VietTimes, có tên Đ.T.M. Ông M không phải quan chức hay là ‘VIP’ theo quy định của ngành hàng không, mà chỉ là một hành khách đi hạng thương gia.
Điều 278 quy định về ‘Tội cản trở giao thông hàng không’ có hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù giam và bị phạt tiền có thể đến 100 triệu đồng.
-Luật sư Đặng Đình Mạnh
Luật sư Đặng Đình Mạnh trao đổi với chúng tôi qua tin nhắn từ Sài Gòn hôm 30/5 về vụ việc này như sau:
“Bộ luật Hình sự hiện hành quy định 04 loại tội danh liên quan đến các tội phạm trong lĩnh vực hàng không. Trong đó, điều 278 quy định về ‘Tội cản trở giao thông hàng không’ có hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù giam và bị phạt tiền có thể đến 100 triệu đồng.
Sự kiện chuyến bay VN31 của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (VNA) khởi hành từ TP.HCM đi Frankfurt vào đêm 28/05/2019, đã phải hoãn chuyến bay 72 phút, chỉ để chờ một khách VIP là ông Đỗ Trường Minh - TGĐ Tập Đoàn Bảo Việt theo lệnh của Phó Tổng Giám Đốc VNA, nếu là tin chính xác, thì hành vi hoãn chuyến tùy tiện, không có cơ sở pháp luật này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều luật 278 dẫn trên.”
Vào trưa ngày 30/5, một số báo chí nhà nước như toquoc.vn, Kinh tế môi trường có đăng bài cho biết khi trả lời báo Kinh tế môi trường, lãnh đạo của Tập đoàn Bảo Việt đã phủ nhận thông tin Tổng giám đốc Đỗ Trường Minh liên quan tới vụ việc chuyến bay quốc tế phải hoãn cả tiếng đồng hồ để chờ, và cho rằng thông tin này là bịa đặt, thất thiệt. Vị này còn cho biết những ngày qua ông Minh vẫn đang ở Hà Nội…
Chưa rõ sự việc thực hư như thế nào nhưng cho đến tối ngày 30/5, các trang báo vừa nêu đã cắt bỏ thông tin phủ nhận của lãnh đạo của Tập đoàn Bảo Việt.
Trao đổi với RFA hôm 30/5, nhà báo độc lập Đàm Ngọc Tuyên từ Sài Gòn nhận định:
“Nếu mà phải hoãn chuyến bay theo lệnh của Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines để đợi một vị khách cho dù bất kể vị khách đó là ai, là không đúng. Làm như vậy sẽ ảnh hưởng rất nhiều theo hiệu ứng domino khi giờ bay bị thay đổi, trong khi không phải vì yếu tố thời tiết hay những vấn đề khác. Đặc biệt khi báo chí đưa tin thì bên đó lại chối bay chối biến, là không hợp lý vì người ta có thể dễ dàng lấy mọi dữ liệu liên quan chuyến bay đó như thời tiết có thật sự ảnh hưởng làm chuyến bay trễ như vậy.”
Theo ông Đàm Ngọc Tuyên, lẽ ra Bộ giao thông phải vào cuộc điều tra ngay vì sao chuyến bay đình trệ như vậy, sau khi điều tra ra thì phải xử lý người ra lệnh. Một người có lòng tự trọng, thượng tôn pháp luật, một đất nước pháp quyền, thì phải xử lý kết án với một mức án đúng chứ không chỉ là từ chức.
Chúng tôi liên lạc ông Phùng Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Giám sát An toàn Hàng không để tìm hiểu về việc xử lý khi vi phạm cản trở giao thông hàng không, và được trả lời như sau:
“Về vấn đề này… nếu là báo chí thì… vui lòng trực tiếp lên gặp ở cơ quan… chứ còn trả lời qua điện thoại thì không chính xác… câu chữ rất là ngại… anh lên gặp trực tiếp thì cơ quan sẽ phân công người trả lời bằng văn bản.”
Chúng tôi nhiều lần cố gắng liên lạc cơ quan Cảng vụ Hàng không Việt Nam nhưng không thành công.
Một sự việc tương tự, xảy ra ở đất nước Mexico xa xôi, nhưng đáng cho chúng ta suy ngẫm. Vào hôm 25/5, Bộ trưởng Môi trường Mexico  bà Gonzalez Blanco bất ngờ từ chức sau khi đã yêu cầu một chuyến bay thương mại hoãn cất cánh khoảng 40 phút để chờ mình.
Trong đơn từ chức, bà Gonzalez Blanco nói: ‘Không có lời biện minh nào cả. Sự chuyển đổi thực sự của đất nước Mexico đòi hỏi phải có sự thống nhất giữa giá trị của công bằng và công lý. Không ai được quyền đặc cách và có lợi ích riêng, ngay cả khi mục đích hành động đó là để thực hiện nhiệm vụ của họ. Không được đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích của đa số.’
Trước đó, vào năm 2014, Phó chủ tịch hãng hàng không Korean Air cũng đã từ chức, sau khi bà đuổi tiếp viên trưởng khỏi máy bay chỉ vì không vừa ý, khiến cả chuyến bay bị chậm giờ.
Cả chuyến bay phải chờ đợi lâu như thế vì một khách VIP, thì theo tôi nếu nói về mặt lý thì đã sai rồi, vi phạm rồi, để bao nhiêu người phải chờ, để thiệt hại lớn về kinh tế như thế, thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đó.
-Ông Lê Văn Cuông
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng, các quan chức Việt Nam chưa bao giờ chọn giải pháp từ chức sau tai tiếng cả:
“Như trường hợp ông bộ trưởng công thương là ví dụ điển hình. Sau tai tiếng về việc lạm quyền đưa xe đón người nhà ông bộ trưởng ngay tại ngay chân thang máy bay, sau nhiều ngày im lặng trước làn sóng chỉ trích dữ dội của công chúng, ông ấy chỉ “xuống nước” bằng cách gởi cho công chúng một lá thư xin lỗi là xong.”
Theo Luật sư Mạnh, sự kiện ông Phó Tổng giám đốc VNA ra lệnh hoãn chuyến bay để chờ một khách VIP, thì công chúng cũng không hề mong chờ một cung cách hành xử văn minh như bà Gonzalez Blanco, cựu Bộ trưởng Môi trường Mexico.
Trả lời RFA hôm 30/5, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, nhận định:
“Theo tôi chậm chuyến bay thì có nhiều nguyên nhân, kể cả chủ quan và khách quan, nhưng cả chuyến bay phải chờ đợi lâu như thế vì một khách VIP, thì theo tôi nghĩ mang tính chất cá nhân tình cảm chứ không mang tính chất pháp luật. Nếu nói về mặt lý thì đã sai rồi, vi phạm rồi, để bao nhiêu người phải chờ, để thiệt hại lớn về kinh tế như thế, thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đó.”
Theo ông Lê Văn Cuông, ở Việt Nam, thường những việc như vậy chưa được giải quyết một cách thấu đáo, nghiêm túc nên mới xảy ra tình trạng tùy tiện như vậy, cuối cùng làm cho dân bị thiệt thòi.
Còn Luật sư Đặng Đình Mạnh thì cho rằng, việc chế độ dung dưỡng, không chế tài xứng đáng đối với những quan chức cao cấp đã có hành vi lạm quyền, đã làm ảnh hưởng đến uy tín của chính chế độ.


Lên tiếng vì quyền tự do đi lại bị xâm phạm - Diễm Thi


Lên tiếng vì quyền tự do đi lại bị xâm phạm
Diễm Thi, RFA
2019-05-29
Hôm 24/5/2019, Bản tuyên bố chung của những người bị xâm phạm quyền tự do đi lại, bị cầm giữ tại nhà trái pháp luật được công khai trên mạng xã hội.
Ngăn cản đi lại trong nước
Bản tuyên bố đưa ra thực trạng hiện nay đối chiếu với Hiến pháp Việt Nam hiện hành để yêu cầu chính phủ Hà Nội chấm dứt việc xâm phạm quyền tự do của công dân để pháp luật được nghiêm minh, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.
Điều 23 Hiến pháp Việt Nam quy định “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Tuy Hiến pháp quy định rõ như thế nhưng việc công an mặc sắc phục lẫn thường phục, dân phòng và các lực lượng an ninh khác lởn vởn trước nhà của những người bất đồng chính kiến và ngăn cản việc đi lại của họ diễn ra đã từ nhiều năm nay. Thực tế này được ghi nhận bắt đầu từ năm 2011 khi các cuộc biểu tình chống Trung Quốc diễn ra mạnh mẽ trên khắp cả nước.
Kỹ sư Trần Bang ở Sài Gòn, một trong những người thường xuyên bị canh chặn không cho ra khỏi nhà nhận định:
“Tôi cho rằng họ sợ biểu tình. Họ sợ những người có uy tín ở đám đông nên họ ngăn chặn không cho mình có cơ hội lên tiếng cho công lý và sự thật hay các vấn đề bức xúc trong xã hội.
Tôi thường bị chặn vào những dịp chẳng hạn như tưởng niệm tử sĩ Hoàng Sa 19/1; chiến tranh biên giới 17/2; tưởng niệm Gạc ma 14/3… Họ có thể chặn từ những ngày trước đó kéo dài đến sau ngày tưởng niệm. Nếu chúng tôi muốn đi thì vẫn có cách mà chúng tôi gọi là ‘dạt vòm’ để thực việc nghĩa của mình.”
Những trường hợp bị ngăn chặn không cho ra khỏi nhà bằng nhiều cách được các nhà bất đồng chính kiến hay các nhà đấu tranh chia sẻ trên facebook rất nhiều, như đi theo rồi ép xe vô lề, yêu cầu về phường làm việc hoặc khóa luôn cửa ra vào từ bên ngoài.
Tôi cho rằng họ sợ biểu tình. Họ sợ những người có uy tín ở đám đông nên họ ngăn chặn không cho mình có cơ hội lên tiếng cho công lý và sự thật hay các vấn đề bức xúc trong xã hội. - Trần Bang
Một trong những vụ gần đây được Luật sư Lê Công Định chia sẻ trên trang facebook cá nhân của ông xảy ra ngay trước ngày ông được phái đoàn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mời gặp để trao đổi ý kiến trước cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt 2019. Lực lượng an ninh đông đảo chặn ông ngay khi ông ra khỏi nhà và cấm ông ra khỏi nhà trong hai ngày liên tiếp. Lý do được một an ninh của Sở Công an TPHCM giải thích rằng các nhà ngoại giao Mỹ đã không xin phép nhà nước Việt Nam trước khi gặp ông.
Ông Scott Busby, cố vấn cấp cao của Ngoại trưởng Mỹ, người dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ về Việt Nam cho vòng đối thoại nhân quyền Mỹ Việt lần thứ 23 tại Hà Nội ngày 15/5/2019 nói với RFA sau chuyến đi:
“Điều đáng quan tâm là trước khi có vòng đối thoại thì chúng tôi đã tìm cách gặp gỡ với một số nhà hoạt động được coi là đại diện những tổ chức xã hội dân sự ở thành phố Hồ Chí Minh, thế nhưng có 3 nhà hoạt động đã bị ngăn chận và cấm đoán không được đến gặp chúng tôi. Chúng tôi e ngại là cầm quyền Việt Nam đã không muốn cho chúng tôi gặp những người ấy.
Và chúng tôi cũng được biết trước giờ hẹn với những nhà hoạt động mà chúng tôi muốn gặp thì tư gia của họ đã bị cảnh sát bao vây, hậu quả là họ không được tự do đến gặp chúng tôi. Tôi đã nêu vấn đề này với chính quyền Hà Nội, họ đã nghe chúng tôi nói rõ về việc này.”
Ngăn chặn ra nước ngoài
Không chỉ ngăn chặn những người bất đồng chính kiến đi lại trong nước. Một số người còn bị thu hộ chiếu, tức tước quyền đi ra nước ngoài.
Nhà báo Võ Văn Tạo ở Nha Trang cho RFA biết trường hợp của mình:
“Giữa tháng 5/2015 tôi có chuyến đi Singapore. Lúc đi thì bình thường nhưng lúc về thì họ giữ tôi lại Tân Sơn Nhất từ 9 giờ tối đến 9 giờ sáng ngày hôm sau nhưng họ vẫn trả hộ chiếu cho tôi về.
Ba tháng sau tôi qua Phnom Penh thăm đứa cháu thì an ninh sân bay chặn tôi lại không cho tôi đi và lấy luôn hộ chiếu của tôi với lý do ‘an ninh quốc gia’. Cho đến bây giờ họ vẫn chưa trả.”
Ông Võ Văn Tạo cho biết lần gần đây nhất là hôm 4/5/2019, trước ngày anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh được thả, ông có dịp ra Hà Nội và ghé thăm vợ con anh Vinh. Lúc ra về ông bị theo dõi, bị bắt vô phường, bị thu giữ chứng minh nhân dân và điện thoại sau khi thả ông về.
Trên đây chỉ là một vài trường hợp trong số hàng trăm trường hợp người dân bị chính quyền xâm phạm quyền tự do đi lại.
Chỉ sau 5 ngày, bản tuyên bố đã có 100 người ký tên. Họ là những người từng bị xâm phạm quyền tự do đi lại, bị cầm giữ tại nhà.
Ông Trần Bang cho biết bản tuyên bố chung là một cách để họ lên tiếng, rằng họ không bị tòa án kết tội nhưng họ lại bị biến thành tù nhân. Ông  nói thêm:
“Bản tuyên bố chung này tố cáo việc vi phạm nhân quyền, vi phạm công ước quốc tế về quyền dân sự chính trị; vi phạm tuyên ngôn nhân quyền 1948; vi phạm các điều luật hình sự, tố tụng hình sự, vi phạm hiến pháp…”
Với nhà báo Võ Văn Tạo thì việc ký vào bản tuyên bố chung chứng tỏ những người tranh đấu đều bất bình với việc bị ngăn chặn đi lại. Họ ký để lên tiếng với công luận trong và ngoài nước, cũng như cho các nước có quan hệ với Việt Nam biết được và đưa vào hồ sơ nhân quyền Việt Nam.
Dự thảo cải cách thủ tục xuất nhập cảnh
Chiều 28/5/2019, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam từ Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.
Ông Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh một số điểm mới của Dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; trong đó nêu rõ ‘ Dự án Luật đã cụ thể hoá, thể hiện một bước tiến rất dài trong việc thực hiện quyền tự do, dân chủ của người dân được quy định trong Hiến pháp; trừ một số trường hợp, còn lại đại đa số người dân đều được cấp hộ chiếu, đều có quyền xuất cảnh, nhập cảnh.’
Vậy liệu những người bất đồng chính kiến từng bị thu hộ chiếu vì lý do ‘an ninh quốc gia’ có được nhà nước trả lại hộ chiếu nếu dự luật của ông Tô Lâm vừa nêu được thông qua hay không, nhà báo Võ Văn Tạo khẳng định ngay rằng tuyên bố của ông Tô Lâm nói về những trường hợp khác chứ không phải trường hợp như của ông. Ông giải thích:
“Lâu nay thủ tục hành chính trong lãnh vực xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam quá rườm rà, rối rắm khi họ đi thăm thân nhân hay du lịch thì bây giờ họ cải tiến, chứ với những trí thức phản biện như chúng tôi thì họ xếp vào dạng nguy hiểm cho chế độ độc tài của họ. Cho dù dự luật có thông qua thì họ cũng không trả lại hộ chiếu cho chúng tôi đâu.”
Ông Trần Bang nhắc lại tuyên bố của bà luật sư Ngô Bá Thành ‘Việt Nam có rất nhiều luật, một rừng luật, nhưng khi thực hiện thì theo luật rừng.’