Friday, March 4, 2016

Bí ẩn nào phía sau “Gạc Ma, vòng tròn bất tử”?

Bí ẩn nào phía sau “Gạc Ma, vòng tròn bất tử”?
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2016-03-03
NGHE: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/mystery-of-the-book-gac-ma-the-immortal-circle-ml-03032016082611.html/03032016-hoangsa-ml.mp3

Cuốn sách có tên “Gạc Ma, vòng tròn bất tử” có lẽ là một tác phẩm kỳ lạ nhất trong lịch sử in và phát hành sách của Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, vì nó được soạn thảo nhằm tôn vinh các anh hùng liệt sĩ Gạc Ma do một tướng lĩnh đương nhiệm biên tập và đích thân mang tới Nhà xuất bản nhưng hơn một năm sau vẫn không hề xuất hiện trên giá sách của độc giả khắp nơi có quan tâm về vấn đề chủ quyền biển đảo. Mặc Lâm tìm hiểu sự việc qua lời của thiếu tướng Lê Mã Lương, người trực tiếp biên tập cuốn sách, với các chi tiết sau đây.
Sách viết về lịch sử nước ta, dù là một giai đoạn mới đây hay những điều đã xảy ra hàng trăm năm trước nếu có dính tới yếu tố Trung Quốc thì hầu như những cụm từ được xem là “nhạy cảm” đương nhiên biến mất hay được chỉnh sửa thành “nước ngoài” hay “nước lạ” . Báo chí tuy dần dần quen với cung cách này trong nhiều năm qua nhưng đâu đó vẫn có những bài viết “lách” luật bất thành văn này cho tới khi bị phát hiện, khiển trách hay rút bài viết xuống.
Đối với sách thì việc nhắc tới vấn đề Trung Quốc có khó khăn hơn nhiều. Sách muốn phát hành công khai hợp pháp phải được Cục Xuất bản cấp giấy phép đó là chưa kể trong trường hợp có giấy phép rồi đôi khi vẫn bị cấm phát hành vì lý do “nhạy cảm”. Người đọc cũng dần dần quen với cung cách làm việc này và ít có người chú ý tới.
Tuy nhiên, đối với một cuốn sách viết về sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ chống Trung Quốc mà phải bỏ mình thì việc trù dập, ém nhẹm không cho xuất bản nó lại là một việc khác. Nó là sự phản bội lại xương máu người lính và không một công dân nào có lương tri lại chấp nhận cho việc làm tắc trách này.
Cuốn sách có tên “Gạc Ma, vòng tròn bất tử” nằm trong trường hợp này. Cuốn sách được soạn thảo dưới hình thức ghi lại toàn bộ sự việc xảy ra trong và sau trận chiến năm 1988 tại Gạc Ma, khi ấy 64 anh hùng liệt sĩ đã nằm xuống tại vùng biển quê hương, một số khác bị Trung Quốc bắt làm tù binh và trao trả sau nhiều năm trong trại giam khắc nghiệp của chúng.
“Gạc Ma, vòng tròn bất tử” được soạn thảo công phu và biên tập do chính tay thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, bỏ công sức xem xét. Bên cạnh đó nhà sử học Dương Trung Quốc, đương kim đại biểu quốc hội viết lời bạt, và đặc biệt hơn nữa cuốn sách được chính ông Đào Văn Lừng - Vụ trưởng Cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TPHCM - viết lời giới thiệu.
Sau một năm, cuốn sách vẫn không có một động tĩnh gì cho thấy đang được xem xét hay chờ đợi quyết định nào đó của giới chức trách nhiệm, thiếu tướng Lê Mã Lương bộc bạch với chúng tôi:
Thực sự mà nói tôi cũng không hiểu tại sao lại có cái chuyện như vậy. Khi tôi biên tập cuốn sách này sau đấy tôi đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu các loại tài liệu để bổ sung vào làm cho phong phú hơn. Phong phú chỉ có từ ngữ, kỹ thuật mà còn làm cho trang viết sinh động, chân thực gắn với lịch sử. Lịch sử diễn ra với những sự kiện sinh động hơn và có thể nói cuốn sách này chỉ nhằm để tôn vinh 64 anh hùng liệt sĩ cũng như những người bị Trung Quốc bắt hơn 3 năm mới trao trả.
Trước đại hội 12, mọi diễn biến chính trị trong nước tạm thời đóng băng một thời gian và sau khi đại hội kết thúc với kết quả một dàn nhân sự mới, người dân quan sát thấy có sự thay đổi đáng chú ý về cách mà báo chí loan tải vụ việc có liên quan tới Trung Quốc. Từ ngữ không còn né tránh, sự việc không còn mù mờ, ẩn dụ và nhất là có hẳn những bình luận đanh thép về các hành vi mà Trung Quốc biểu hiện trong vấn đề Biển Đông.
Tuy nhiên đối với cuốn sách “Gạc Ma, vòng tròn bất tử” hình như không có một cái nhìn toàn diện như các tác giả của nó. Thiếu tướng Lê Mã Lương kể lại tình trạng đông lạnh của tác phẩm này:
Tôi đã tham gia đưa đến một vài nhà xuất bản và cuối cùng tôi đưa đến nhà xuất bản Quân đội Nhân dân. Sau 5 tháng tôi cũng không thực sự theo dõi vì tôi cứ đinh ninh rằng nhà xuất bản Quân đội Nhân dân thành lập Hội đồng đọc và sau đó thì sẽ trình lên lãnh đạo Tổng cục Chính trị, lãnh đạo Bộ quốc phòng, nhưng sau đấy tôi có nghe nói Bộ trưởng Phùng Quang Thanh chưa có ý định phát hành cuốn sách này.
Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân biết vai trò của mình có giới hạn tới đâu khi nó đương nhiên nằm dưới quyền của ông Bộ trưởng Quốc phòng. Tuy nhiên, lời đồn đoán nào rồi cũng có lúc được bạch hóa. Cơ may tới cho Thiếu Tướng Lê Mã Lương, người theo dõi, đôn đốc cho số phận cuốn sách khi ông gặp chính người cần gặp là Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh. Thiếu tướng Lê Mã Lương thuật lại:
Trong một lần tình cờ làm việc với Bộ trưởng Phùng Quang Thanh tôi có nhắc lại câu chuyện này thì Đại tướng Phùng Quang Thanh nói ông hoàn toàn chưa hề biết. Ông nói “tôi còn không biết là anh tham gia vào việc viết cuốn sách này chứ chưa nói Nhà xuất bản Quân đội có báo cáo gì với tôi”. Khi ấy lập tức tôi đưa cái tập bản thảo cực kỳ nghiêm túc mà tôi đã biên tập và hy vọng nó thông qua bộ trưởng sẽ được xuất bản.
Thế mà suốt từ bấy cho đến giờ nó đã trải qua đến nửa năm rồi, tức là từ khi tôi chuyển cho nhà xuất bản Quân đội cho đến khi tôi gặp Bộ trưởng Bộ quốc phòng Phùng Quang Thanh cho đến bây giờ cũng đã một năm. Cho nên thực sự tôi muốn nói là không hiểu vì sao nó lại như thế. Trong khi đó vừa qua tôi có nhận được một cuốn sách viết về Đặng Tiểu Bình tôi thấy rất lạ và tôi không tự giải thích được.
Cuốn sách mà Thiếu tướng Lê Mã lương vừa nhắc tới có cái tên rất kêu: “Đặng Tiểu Bình, một trí tuệ siêu việt” đã được xuất bản và phát hành tràn lan tại Việt Nam.
Đặng Tiểu Bình chính là người nói câu nói nổi tiếng: “dạy cho Việt Nam một bài học” vài ngày trước khi xua quân tấn công vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc, giết chết hàng chục ngàn chiến sĩ, đồng bào Việt Nam.
Hai cuốn sách với hai mục tiêu rõ rệt. Một cuốn tôn vinh xương máu của anh hùng liệt sĩ Việt Nam, cuốn thứ hai lại tôn vinh người trực tiếp giết chết những người lính chiến ấy. Đây là tình huống mà Thiếu tướng Lê Mã Lương cho là khó hiểu, ngay cả khi ông là người được huân chương anh hùng của lực lượng vũ trang nhân dân.


Khinh dân hay trọng dân

Lại chuyện khinh dân hay quý trọng dân
03.03.2016
Bài báo trước đã nêu rõ tệ vô ân bạc nghĩa của ban lãnh đạo Cộng sản (CS) đối với một số nhân sỹ, trí thức, nhà kinh doanh yêu nước, người dân miền Nam, người dân không là đảng viên CS...và tình trạng họ bị đố kỵ, phân biệt đối xử ra sao. Không có họ đố mà đảng CS làm nên chuyện gì ra trò trong cuộc gọi là Cách mạng tháng Tám và cuộc Kháng chiến chống Pháp, với hàng triệu liệt sỹ ngoài đảng đã nằm xuống ngoài mặt trận, mang theo niềm tin hão huyền rằng đảng CS sẽ đem lại độc lập tự do hoàn toàn và phồn vinh hạnh phúc cho toàn dân.
Suốt 70 năm niềm tin đó đã dần dần xa vời, đã thế đảng còn nhận vơ rằng 70 năm nay ‘’mọi chiến công và thành tựu đều là công đầu của đảng CS’’!, và đảng CS tự phong cho mình cái quyền ‘’là lực lượng lãnh đạo duy nhất, không chia sẻ cho ai khác’’. Tình hình hiện nay tệ đến mức nhà thơ Bùi Minh Quốc phải thốt lên:
Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa
Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi.
Xin kể dưới đây vài câu chuyện sống động về đảng CS cư xử với người dân để các bạn, nhất là các đảng viên CS còn thật lòng yêu nước thương dân, suy nghĩ đánh giá về cái đảng CS đang suy thoái không sao kìm hãm nổi, trở thành cản trở nguy hiểm nhất cho đất nước phát triển, hội nhập, dân chủ và phồn vinh.
Câu chuyện này dân thủ đô Hà Nội đều biết. Sau Cách mạng tháng Tám, nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô, lúc ấy 31 tuổi, đã hết lòng ủng hộ chính quyền mới. Vợ ông là bà Hoàng Thị Minh Hồ cũng tham gia phong trào phụ nữ cứu quốc. Gia đình chuyên buôn bán tơ lụa, có quan hệ quốc tế rộng rãi với Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ... với những cửa hàng lớn phố Hàng Ngang như Phúc Đồng, Lợi Quyền, Lợi Hòa, Phát Đạt, Cự Hưng. Cửa hàng lớn nhất là Phúc Lợi ở số nhà 48 hàng Ngang. Ông Hồ Chí Minh khi từ Việt Bắc về Hà Nội cuối tháng 8/1945 đã ở đây, viết bản Tuyên ngôn Độc lập tại đây, nay đã thành di tích lịch sử loại 1. Bà Minh Hồ đã kể cho tôi nghe là bộ áo quần ông Hồ mặc trong ngày lịch sử ấy là do bà đo và may gấp từ vải của nhà, áo vét ông Phạm Văn Đồng và ông Võ Nguyên Giáp mặc hồi ấy là áo của ông Trịnh Văn Bô còn mới. Bà đã tham gia Tuần lễ Vàng với 117 cây vàng, đứng đầu sổ. Trước đó, hai vợ chồng đã góp cho Quỹ Việt Minh 8,5 vạn đồng Đông Dương, bằng 212 cây vàng và ngay sau đó là Quỹ Độc lập 20 vạn đồng Đông Dương, bằng 500 cây vàng. Ủy ban Nhân dân Hà Nội cho biết đóng góp của ông bà Trịnh Văn Bô cộng lại là 5.147 cây vàng, giá trị hơn gấp đôi ngân khố do Pháp để lại là 1,2 triệu đồng.
Cần nói sơ thêm về ông Trịnh Văn Bính, anh ông Bô. Ông là người VN đầu tiên tốt nghiệp Cao đẳng Thương nghiệp HEC (Hautes Études Commerciales, Pháp) và Đại Học Oxford (Anh), về nước là công chức cao cấp ngành thuế của Đông Dương, dân Hà Nội gọi ông là Ông Phó Đoan. Sau 19/8/1945 ông Phạm Văn Đồng cử ông là thứ trưởng Tài chính kiêm Tổng giám đốc ngành thuế vụ kiêm luôn Tổng giám dốc quốc gia Ngân hàng. Ông đã xây dựng ngành thuế trong chiến tranh, kiểm soát chặt các cửa khẩu giữa vùng tự do và vùng tạm chiếm, mang lại ngân sách đáng kể cho trung ương và các địa phương, một trong những điều kiện quyết định của phong trào tự túc, cho kháng chiến thắng lợi. Ông về hưu năm 1975 và mất năm 1985 trong cảnh nghèo nàn, đảng CS không hề nhắc đên công ơn của 2 anh em ông đã cống hiến to lớn ra sao.
Sau chiến thắng 30/4/1975, gia đình ông bà Bô gặp khó khăn về nhà ở vì con cái, dâu rể cháu chắt tăng lên, cả 60 người chỉ có 2 ngôi nhà cũ xuống cấp, không có nơi đặt bàn thờ đàng hoàng. Trước đó, cuối năm 1954, do sức ép ghê gớm của phong trào cải tạo tư sản do ông Đỗ Mười chỉ đạo, ông bà Bô đành cho ông Thiếu tướng Hoàng Văn Thái ‘’mượn tạm ngôi biệt thự, 34 Hoàng Diệu’’, với thời hạn là 2 năm ghi rõ trên giấy tờ. Năm 1983, tình cảnh gia đình quá gay go, ông bà tỏ ý ‘’xin lại’’ ngôi nhà trên, khi thời hạn đã quá hẹn 8 năm, gấp 4 lần hẹn. Ông chủ tịch thành phố Trần Duy Hưng rất thông cảm, hết lòng ủng hộ yêu cầu chính đáng này. Nhưng vô hiệu. Ông bà liền yêu cầu Bộ Quốc phòng và Tổng Cục Chính trị QĐND can thiệp, nghĩ rằng quân đội tử tế khi mang tên nhân dân, cũng vô hiệu, vì ông Thái đã là Thượng tướng lại thông gia với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Không thể còn tin ở những tướng lĩnh của QĐND, hai ông bà gửi một loạt đơn cho lãnh đạo đảng, từ Tổng Bí thư đến Chủ tịch nước và Thủ tướng, nhưng suốt 5 năm đều công cốc, không một ai hồi âm, một sự im lặng đáng sợ. Ông Võ Văn Kiệt ghi vào đơn tán thành trả lại sớm, nhưng không ăn thua vì vấp Đỗ Mười và Lê Đức Anh. Cho đến khi ông Võ Chí Công lên làm Chủ tịch Nước, ông Công mới can thiệp khá mạnh. Ông Công là dân Quảng Nam, nói toạc rằng, ‘’Định cướp không nhà người ta à?‘’. Phải có thêm công văn của ông Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ngôi nhà mới được trả cho chủ năm 1993. Bà Bô than rằng bà mừng khi được tin vui, chỉ tiếc cụ Bô mất năm 1988 cũng như cụ Bính mất năm 1985, không biết đến niềm vui quá trễ này!
Tôi cũng xin kể một chuyện khác gây ấn tượng ghê gớm trong suy tư của tôi suốt gần 40 năm ròng, không liên quan đến vài gia đình mà liên quan đến gần 1.600 con người. Tôi không thể không nhắc lại chuyện này khi trong cuộc bầu cử năm nay lãnh đạo đảng vẫn kỳ thị phân biệt đối xử giữa đảng viên và dân ngoài đảng một cách có hệ thống.
Đó là vụ Tàu Việt Nam Thương Tín tháng 5/1975 chở 600 bà con thuyền nhân di tản sang đảo Guam của Hoa Kỳ. Bà con chờ để vào Mỹ thì có một số người có ý muốn trở về nước. Động cơ chính là lo bố mẹ vợ chồng con cháu ở lại không biết ra sao. Đây là nét đẹp rất Việt Nam, không ai muốn hưởng an bình một mình, không lo cho người thân. Thêm nữa họ mở to đài Hà Nội nghe ngóng, thấy không có tắm máu, cuộc sống miền Nam vẫn dễ thở, đảng CS vẫn ba hoa về ‘’hòa giải và hòa hợp dân tộc’’. Người ghi tên trở về ngày càng đông, đến tháng 10 lên đến gần 1.600 người, già trẻ lớn bé. Họ đều có lo ngại, nhưng tin vào luận điệu tuyên truyền trên đài Hà Nội, bảo nhau rằng dân Việt ta rất nhân hậu, ‘’ đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại ‘’. Trung tá hải quân VNCH Trần Đình Trụ tình nguyện lái tàu trở về. Đến Vũng Tàu, tàu được lệnh ra Tuy Hòa/ Nha Trang. Tại đây chưa hỏi han gì, tất cả đều phải vào trại giam là Trung tâm Thẩm vấn cũ của Quân Đoàn II, quần áo cũ bị lột sạch, mang quần áo tù nhất loạt. Bộ Công an cử cả một đoàn lớn cán bộ vào do ông Sáu Hoàng (Cao Đăng Chiếm), Thứ trưởng lãnh đạo. Tôi gặp ông Hoàng, góp ý sao Bộ Công an lại ‘’đối xử phi lý, bất công, dại dột như thế, đẩy tất cả và gia đình họ vào thế chống đối thù hận không đáng có’’. Ông ta lạnh lùng nói: “Đây là nghiêm lệnh từ Bộ Chính trị, nhất là của các đồng chí Lê Duẩn và Lê Đức Thọ, sáng suốt đề phòng bọn Mỹ cấy người của chúng vào nước ta ‘’.
Từ đó tôi hiểu dần rằng Bộ Chính trị đảng CS là loại người không giống ai, tình cảm khô cạn, tư duy bệnh hoạn, nhìn đâu cũng e sợ là kẻ thù của đảng, không có khả năng phân biệt, đánh giá vô tư khoa học từng con người. Trung tá Trụ bị tù đến 13 năm, dân thường bị tù từ 3 năm trở lên, bị ghi hồ sơ cá nhân ‘’phạm pháp, từng bỏ nước, hợp tác đầu hàng đế quốc Mỹ ‘’, sẽ mãi mãi không ngóc đầu lên được.
Đó là hồ sơ thành tích trọng dân, quý dân, gần dân của lãnh đạo CS là như thế. Tôi mong tất cả các đảng viên CS còn có tư duy lành mạnh, có tâm huyết với đất nước , yêu nước thương dân thật lòng, hãy chào từ biệt đảng CS, chung sức lập ra đảng cách mạng mới theo Luật lập hội. Đảng CS nào cũng chung bản chất tư duy, lẫn lộn bạn thù ta, ngồi trên đầu nhân dân, coi quyền lực là trên hết theo nguyên lý chuyên chính vô sản là chân lý vĩnh cửu.
Hãy nhìn cho sâu, cho rõ, đảng CSVN nay đã trở thành vật cản nguy hiểm độc nhất cho đất nước ta trên con đường hội nhập, phát triển, dân chủ, đoàn kết thống nhất, bình đẳng, đi tới phồn vinh và hạnh phúc. Hàng trăm đảng CS hùng mạnh một thời ở Liên Xô, Đức, Ba Lan, Anh, Pháp, Ý, Nhật, Indonesia, Malaysia đã tan rã triệt để, số ít thoi thóp, đổi tên, từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lê, từ bỏ chuyên chính vô sản, không còn thế đứng nào trên toàn thế giới. Lý do chính là họ đã mất gốc dân tộc, mất gốc nhân dân, coi nhân dân như con số không, chỉ có đảng CS của họ là trên hết, trước hết.


Robot sát thủ của Nam Hàn

Quân sự: Robot sát thủ của Nam Hàn
Simon Parkin
·         24 tháng 8 2015

Tại thành phố Daejeon của Hàn Quốc, một nhà máy sản xuất vũ khí đã thiết kế và cho ra một loại súng đặt trên tháp pháo. Thứ vũ khí này có khả năng nhận dạng, tìm theo và nhắm bắn mục tiêu không cần có sự can thiệp của con người. Vậy ai sẽ là người dạy các chiến binh robot này nguyên tắc tác chiến?
Trên ngọn đồi xanh tươi nhìn xuống Daejeon, một thành phố miền trung Nam Hàn, một súng máy gắn trên tháp pháo đang tầm quét mục tiêu phía trước.
Cả bộ, gồm đế và súng, to cỡ bằng một chú chó lớn, trông trắng trẻo, sạch sẽ.
Băng đạn cỡ .50 đủ mạnh để chặn đường một chiếc xe tải được vắt sang một bên. Một sợi cáp ethernet nối từ đế dẫn xuống nền cỏ rồi chạy vào một lều vải.
Sợi cáp bò lên trên giá đỡ rồi luồn vào phía sau chiếc máy tính với màn hình hiển thị các hình ảnh khác nhau do camera truyền về.
Một camera mắt cá ghi hình góc rộng 180 độ cho thấy quang cảnh trước mắt. Một camera khác theo dõi từ trên không xuống, chiếu thẳng vào vị trí chúng tôi đang đứng.
Phủ trên những hình ảnh đó là một vùng có hình chóp nón màu đỏ, đánh dấu tầm tấn công của tháp pháo. Phạm vi này quy ra trên địa hình thực tế sẽ là một khu vực trải dài 4km, đủ để xâm nhập vào sâu trong thành phố nếu tính từ địa điểm quan sát trên cao đầy lợi thế này.
Cạnh bàn phím là một bộ cần điều khiển phức tạp, khá giống với bộ điều khiển các game máy tính hiện đại.
Một tấm gỗ gắn vào bàn ở phía trên bảng điều khiển cho biết chức nhăng của từng loại nút bấm khác nhau. Một nút là để ngắm bắn. Một nút khác để đo khoảng cách từ vị trí súng tới mục tiêu. Một để nạp đạn.
Nhóm các kỹ sư đứng quanh bàn tỏ ra do dự khi chiếc loa phóng thanh đặt trên chân đỡ bất ngờ phát ra những âm thanh cảnh báo. Một ô vuông nhấp nháy trên màn hình máy tính báo hiệu một mục tiêu vừa bị phát hiện đang di chuyển trong tầm theo dõi của camera - đó là một chiếc xe hơi.
Vị trí của nòng súng được thể hiện bằng một ô màu đỏ di chuyển trên màn hình máy tính.
gis II có tầm hoạt động tới 4km và đủ sức hạ được mục tiêu cỡ xe tải
Chiếc loa, bộ phận được gắn liền với hoạt động của tháp pháo, là một robot phát tín hiệu cảnh báo, với âm lượng có thể nghe được từ cách xa 3km. Âm thanh được phát đi với độ chính xác không thể tin nổi, nhằm cảnh báo mục tiêu trước khi nổ súng. Lời cảnh báo phải được đưa ra trước mỗi lần nhả đạn, theo đúng luật quốc tế, tôi được một trong các kỹ sư ở đó cho biết.
"Hãy quay lại," robot nói bằng một thứ tiếng Hàn khẩn trương. "Quay lại ngay, nếu không chúng tôi sẽ bắn."
Chữ "chúng tôi" ở đây có ý nghĩa quan trọng. Super aEgis II, tháp pháo tự động ăn khách nhất của Nam Hàn, sẽ không nhả đạn nếu như không có lệnh 'OK' từ con người nói ra.
Người điều khiển trước tiên phải nhập mật mã (password) vào hệ thống máy tính để kích hoạt chức năng nhả đạn của tháp pháo. Sau đó, người đó phải ra mệnh lệnh trực tiếp thì tháp pháo mới khai hoả. "Lúc ban đầu thì thiết kế đưa ra không phải là như vậy," Jungsuk Park, kỹ sư cao cấp của DoDAAM, hãng sản xuất ra tháp pháo cho biết.
Park làm việc tại bộ phận Robot Giám sát của công ty, được đặt tại quận công nghệ Yuseong của thành phố Daejeon. Bộ phận này có 150 nhân viên, hầu hết đều là các kỹ sư.
"Đời máy đầu tiên mà chúng tôi đưa ra có hệ thống nhả đạn tự động," ông giải thích. "Nhưng tất cả các khách hàng của chúng tôi đều yêu cầu phải thêm phần kiểm soát của con người. Về mặt công nghệ thì chúng tôi không thấy có vấn đề gì, nhưng họ lo rằng súng có thể nhả đạn lầm."
Super aEgis II lần đầu tiên ra mắt hồi 2010, là một trong những loại vũ khí tự động đời mới có khả năng xác định, bám theo và phá huỷ mục tiêu di động từ khoảng cách rất xa, mà về mặt lý thuyết là không cần tới sự can thiệp của con người. Thiết bị này rất được ưa chuộng và đem lại lợi nhuận lớn cho công ty.
 Daejeon là nơi có các hãng sản xuất robot quân sự của Nam Hàn (Hình: Getty Images)
DoDAAM nói họ đã bán được hơn 30 bộ kể từ khi ra mắt, mỗi bộ là một phần trong hệ thống phòng thủ trọn gói, mỗi bộ trị giá trên 40 triệu đô la Mỹ.
Tháp pháo hiện đang được sử dụng ở nhiều nơi tại Trung Đông, trong đó có ba căn cứ không quân tại Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (Al Dhafra, Al Safran, và Al Minad), tại Hoàng Cung ở Abu Dhabi, tại một kho vũ khí ở Qatar và một số sân bay, nhà máy điện, các đường ống dẫn, các căn cứ quân sự ở các nơi khác trên thế giới.
Trong 15 năm qua, công nghệ vũ khí tự động và thiết bị không người điều khiển đã có những bước phát triển to lớn. Quân đội Mỹ sử dụng các robot bán tự động tương tự để thả bom và do thám.
Hồi 2000, Quốc hội Hoa Kỳ yêu cầu một phần ba xe quân sự trên bộ và máy bay tiêm kích phải được thay thế bằng loại tự động. Sáu năm sau, hàng trăm robot di động chiến thuật PackBot (PackBot Tactical Mobile Robots) đã được triển khai tại Iraq và Afghanistan, nhằm mở đường cho việc chiến đấu ở các khu đô thị, đặt đường cáp quang, và làm các nhiệm vụ nguy hiểm khác thay cho con người.
'Các hạn chế tự đặt ra'
Hồi đầu 2005, tờ New York Times tường thuật về các kế hoạch của Ngũ Giác Đài nhằm thay thế lính bằng các robot tự động.
Lý do thật dễ hiểu.
Nếu có robot, nhu cầu phải đưa người ra mặt trận sẽ giảm, và do vậy giảm nguy cơ thương vong của binh lính.
Tuy nhiên, trong lúc các thiết bị như Super aEgis II với khả năng tự động tiêu diệt mục tiêu đã tồn tại cả hơn chục năm nay, công chúng vẫn chưa hề biết tới việc có bất kỳ loại robot gắn súng máy tự động nào được đưa vào sử dụng.Bắc Hàn đã nhiều lần đụng độ với Nam Hàn kể từ thời 1950 tới nay (Hình: Getty Images)
Isaac Asimov, tác giả cuốn truyện khoa học viễn tưởng Nguyên tắc đầu tiên của Robot (First Laws of Robotics), cho rằng 'một robot không thể làm tổn hại tới bất kỳ ai, hoặc không thể không hành động khiến một người có thể bị tổn hại' - thế nhưng có vẻ như quy tắc này sẽ bị phá vỡ.
Việc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi ra lệnh cấm đối với việc "phát triển, sản xuất và sử dụng vũ khí tự động hoàn toàn" dường như không thực tiễn. Những cỗ máy như thế thực ra đã tồn tại, đang được bán ra thị trường, dẫu cho, như Park từ DoDAAM nói, chúng được "tự đặt giới hạn" hoạt động.
"Khi khởi đầu mảng này, chúng tôi đã nhìn thấy cơ hội làm ăn," Yangchan Song, giám đốc điều hành phụ trách mảng lên chiến lược của hãng nói.
"Vũ khí tự động sẽ là thứ được dùng trong tương lai. Chúng tôi đã đúng đắn. Việc cải tiến diễn ra rất nhanh chóng. Chúng tôi đã chuyển từ các thiết bị chiến đấu điều khiển từ xa tới cái mà chúng tôi đang tiến cận: đó là các thiết bị thông minh có khả năng tự phán đoán và ra quyết định."
Nam Hàn đã trở thành người đi đầu trong lĩnh vực robot quân sự, bởi nước này có chung đường biên giới với kẻ thù không đội trời chung, theo lời Tổng giám đốc điều hành của DoDAAM, Myung Kwang Chang.
"Nhu cầu chính là cha đẻ của sáng chế," ông nói. "Chúng tôi sống trong một bối cách đặc biệt. Chúng tôi có kẻ thù hùng mạnh luôn hiện diện bên cạnh. Mối đe doạ thường trực khiến chúng tôi phải phát triển một quân đội mạnh và phải dùng đến sự hỗ trợ của công nghệ. Vũ khí của chúng tôi không bao giờ nằm yên, như con người vậy. Vũ khí của chúng tôi có thể nhìn vào bóng đêm, điều mà con người không làm được. Công nghệ giúp bù đắp những gì mà con người không làm được."
Tại khu phi quân sự (DMZ), một dải đất hẹp không bóng người nhằm phân cách hai miền Triều Tiên, DoDAAM và hãng Samsung cạnh tranh, vốn cũng từng thiết kế tháp pháo tự động nhưng nay bỏ cuộc, đã thử nghiệm Super aEgis II.
DMZ là nơi lý tưởng để thử nghiệm những thứ như thế này. Hai miền Triều Tiên chưa ký thoả thuận ngừng bắn kể từ sau khi chấm dứt sự thù nghịch chính thức hồi 1953 tới nay, cho nên DMZ là vùng đệm được hàng ngàn binh lính của cả hai bên canh phòng cẩn mật.
Tháp pháo không bao giờ ngủ, nó còn có khả năng nhìn vào bóng đêm nhờ có camera tầm nhiệt, và một khi được chĩa vào đúng hướng, nó sẽ đảm bảo biến tất cả các mục tiêu di động ở khu vực đó trở thành kẻ thù.
Tuy nhiên, sự việc phức tạp hơn khi cỗ máy được đặt tại nơi mà cả bạn lẫn thù đều đi lẫn vào nhau. Hiện loại vũ khí này vẫn chưa có cách nào phân biệt được bạn với thù.
"Bước tiếp theo là chúng tôi sẽ phát triển phần mềm nhằm phân biệt được bạn với thù, dân thường với binh lính," Song, một kỹ sư trẻ nói. "Hiện nay, tháp pháo cần có sự can thiệp của con người trong việc xác định một đối tượng nào đó có phải là mục tiêu hay không."

Park và các kỹ sư khác nói rằng họ sắp đạt được kết quả cần thiết để máy có thể hoạt động độc lập khỏi sự can thiệp của con người.
Nhờ được trang bị nhiều camera, Park nói, phần mềm của tháp pháo sẽ xác định được liệu đối tượng đang bị theo dõi có mang theo chất nổ trong mình hay không, và khả năng nhận dạng kẻ thù dựa trên quân phục người đó mặc.
Một khi vũ khí có thể phân biệt được giữa bạn và thù thì việc tiến tới tự động hoá hoàn toàn sẽ là điều đơn giản.
Các nguyên tắc phức tạp
Giả thuyết về đạo đức của Philippa Foot lần đầu tiên được đưa ra hồi 1967 là một kịch bản rất quen thuộc với các sinh viên.
Theo giả thuyết này, một toa tàu lao tới ngã rẽ thành hai hướng, đi về hướng theo dự định thì một toán năm nhân viên đang làm việc trên đường ray sẽ bị đâm vào và thiệt mạng, còn nếu bị bẻ lái sang hướng kia thì chỉ một người duy nhất đang làm việc sẽ bị chết. Vậy nếu bạn ngồi ở vị trí điều hành hướng di chuyển của toa tàu, bạn sẽ quyết định thế nào?
Cách phải đưa ra quyết định cho những tình huống như thế sẽ sớm được trả lời, nhưng không phải do con người mà là do các cỗ máy.
Chiếc xe hơi tự lái phải quyết định xem nó sẽ đâm vào chiếc xe hơi trước mặt và do đó rất có thể sẽ làm bị thương vài người trong xe đó, hay sẽ lái vòng ra, khiến cho hành khách ngồi bên trong nó bị thương.
Tương tự, phiên bản hoàn toàn tự động của máy bay không người lái Predator có thể sẽ phải quyết định liệu có nhả đạn vào một căn nhà trong đó có cả lính đối phương lẫn dân thường hay không.
Nếu bạn là kỹ sư thiết kế phần mềm, bạn sẽ đặt các bộ mệnh lệnh ra sao để thiết bị thực hiện trong các tình huống như thế?
Với nhiều người, giải pháp đơn giản nhất là hãy để những câu hỏi đó cho con người trả lời, thay vì để máy tự quyết.
Đó là lý do khiến Hiệp ước Ottawa 1997 cấm sử dụng mìn, bởi đó là những vũ khí tự động nguy hiểm, phát nổ khi có bất kỳ ai đạp phải.
Trong trường hợp đó, để con người quyết định có vẻ như là điều hợp lý.

Cũng có vẻ như việc để phi công có quyền chiếm kiểm soát đầy đủ đối với các hệ thống điều khiển máy bay tự động cũng là hợp lý.
Thế nhưng trong thảm hoạ hàng không của hãng Germanwings hồi 2015, cơ phó Andreas Lubitz đã cố tình cho chiếc phi cơ lao xuống dãy núi Alps ở Pháp, làm toàn bộ 150 hành khách thiệt mạng.
Có lẽ như thế thì lại phải là không nên để bất kỳ phi công nào có thể chiếm quyền kiểm soát hệ thống máy tính, ít nhất là khi máy bay bay vào vùng đồi núi?
"Có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau trong việc phát triển vũ khí phù hợp với các tiêu chuẩn đạo đức," Gary Marcus, khoa học gia từ Đại học New York và là CEO đồng thời sáng lập viên của Geometric Intelligence nói.
Một số người cho rằng câu trả lời nên là tìm cách để máy có thể đưa ra phán đoán và quyết định phù hợp với khuôn khổ đạo đức của con người, phản ánh được các quy tắc đạo đức khác nhau trong từng tình huống.
"Chúng ta có trực giác trong việc đánh giá xem điều gì là chấp nhận được về mặt đạo đức bằng cách xem cách người khác xử sự và phản ứng ra sao trong các tình huống khác nhau," Colin Allen, giáo sư chuyên về ngành khoa học nhận thức và triết học từ Đại học Indiana nói.
"Nói cách khác thì chúng ta học được điều gì nên làm, điều gì không nên từ những người khác, nhận thức được mối nguy hiểm diễn ra từ những hành vi xấu do những mô hình xấu thực hiện. Máy tự động phải có được khả năng phân tích tương tự, nếu không nó sẽ phải chịu sự kiểm soát một cách nghiêm ngặt."
Trở lại nhà máy của DoDAAM ở Daejeon, các kỹ sư chưa có câu trả lời rõ ràng cho các vấn đề phát sinh từ quá trình phát triển công nghệ của họ.
"Sinh mạng con người là thứ quý giá hơn bất kỳ thứ gì khác, và đó là lý do khiến chúng tôi cài đặt phần kiểm soát của con người lên các tháp pháo," Song nói.
Thế nhưng với Park và các kỹ sư khác trong bộ phận nghiên cứu thì đó chỉ là một giải pháp tạm thời.
Mục tiêu của họ là làm ra sản phẩm "thông minh hơn', nhờ việc tập trung "tăng chức năng nhả đạn tự động của súng", áp dụng khả năng "nhận diện mục tiêu" và tạo ra "những hệ thống được kết nối hoàn toàn" theo đó các tháp pháo được liên kết với nhau, tạo ra một vùng kiểm soát rộng lớn hơn.
Bất kể tương lai sẽ ra sao thì các cỗ máy có khả năng tìm, đeo bám, cảnh báo và tiêu diệt con người mà không cần đến sự can thiệp của con người cũng đã tồn tại trong thế giới của chúng ta.
Nếu không có những quy định quốc tế rõ ràng, thì điều duy nhất khiến các hãng sản xuất vũ khí không bán những cỗ máy như thế ra thị trường chỉ là đạo đức, không phải của các kỹ sư lập trình hay của robot, mà của các khách hàng đặt mua.
"Nếu có ai muốn mua tháp pháo không kèm phần kiểm soát như hiện chúng tôi đang cài đặt, thì tất nhiên là chúng tôi sẽ khuyên họ cân nhắc kỹ và nêu cho họ thấy các nguy cơ có thể xảy ra," Park nói.
"Nhưng họ rốt cuộc vẫn có quyền quyết định là họ muốn gì. Và chúng tôi sẽ phục vụ theo nhu cầu của khách hàng."