Thursday, July 14, 2016

Tình thơ Nguyên Sa



Tình thơ Nguyên Sa
Thy  Nga
Nhà thơ Nguyên Sa được nhắc đến nhiều qua tác phẩm “ Paris có gì lạ không em ” và những dòng thơ tình khác. Người bạn đời của ông chia xẻ về những tình huống của những cảm hứng ấy nhân ngày giỗ của người nghệ sỹ.

Từ mươi năm nay, vào thời điểm này của tháng Tư bạn hữu với thi sĩ Nguyên Sa lại nhắc nhớ đến ông.
Nguyên Sa Trần Bích Lan từ trần ngày 18 tháng Tư 1998. Thời gian trôi qua như thế là đã 10 năm. Đối với người thân yêu thì hẳn là những tháng năm đó dài … dài lắm. Irvine, thành phố mà ông cùng gia đình tới định cư, nơi ông sinh hoạt báo chí, thơ văn trong hai mươi năm cuối cuộc đời, chỉ cách đường Bolsa một quãng xa lộ.
Từ xa lộ vào con đường này một chốc là thấy ngay thảm cỏ xanh mướt và khung cảnh êm ả của nghĩa trang, nơi an nghỉ của hầu hết người Việt vùng này. Thi sĩ Nguyên Sa được chôn cất tại đó, “hạt cát nguyên vẹn” óng ánh giữa chốn hồng trần, đã trở về với cát bụi.

“Tiễn biệt” Hải Lý hát …
Từ ngày Nguyên Sa qua đời, vợ ông - nhân vật trong bài thơ độc đáo mang tên “Nga” - đã đóng cửa nhà in, và trung tâm băng nhạc. 
  
Với bà, Thy Nga có mối cảm tình đặc biệt, phải chăng vì cùng tên? Hay vì có một số điểm tương đồng? Lần này điện thoại sang thăm, Thy Nga yêu cầu bà đọc cho nghe thơ của ông. Bài gì thì chỉ nói tựa đề, là bà biết ngay ở trang mấy trong cuốn nào, như về bài thơ “Sợi tóc” khắc trên mộ Nguyên Sa, bà Nga thuật lại:
“ Mộ của Nguyên Sa gần một hồ nước nhỏ, như là trong góc một khu rừng nhỏ. Khi anh ấy làm bài thơ này, không ngờ nó lại giống nơi anh ấy được nằm ở đó:
‘Nằm chơi ở góc rừng này 
Chưa thiên thu cũng đã đầy cỏ hoang
Xin em một sợi tóc vàng
Làm hoa khởi sự cho ngàn kiếp sau
Biết đâu thảo mộc bớt đau
Biết đâu có bản kinh cầu dâng lên? ’
Những vần thơ cuối
Khi biết là mình sắp ra đi, tinh thần vẫn bình thản, chấp nhận, anh ấy làm bài thơ “Thủy chung”. Thường thường, các cụ cứ dặn dò là chôn cất ra làm sao, nhưng mà Nguyên Sa vẫn tếu trong cái bài dặn dò như thế này:
  ‘ … Anh nói anh muốn Saigon, 
       anh muốn đường Phan Thanh Giản,
       anh muốn nước Mỹ, vùng biển Thái Bình,
       anh muốn Montpellier, muốn Nice, 
       muốn Cannes, muốn Saint Tropez,
       muốn tất cả những thị trấn miền Nam nước Pháp,
       nhất là những thành phố quanh Địa Trung Hải,
      nhưng anh chỉ có hai chân,
      anh chỉ xin em ném dùm anh 
      xuống những mảnh đất đầu đời:    
      chỗ bãi phù sa anh tắm mỗi chiều,
      con lộ mỗi ngày chúng mình cùng nhau đi học.’ 
        
Đó là khi người thi sĩ tếu dặn vợ là chôn cất ra làm sao.”
Đọc đến câu này thì bà Nga đã rất xúc động. Thời gian cùng học ở Paris, gặp gỡ rồi yêu nhau, là quãng đời đẹp nhất của hai người. Do đó, những nơi mà sau khi từ trần, Nguyên Sa muốn linh hồn mình tìm về, là những địa điểm từng ghi dấu kỷ niệm một đời.
“Paris có gì lạ không em”

( âm thanh bài hát do Ngô Thụy Miên phổ nhạc,Tuấn Ngọc hát …)
Thy Nga: Hay là mình đừng nói chuyện buồn nữa … Chị kể lại tình cảnh viết nên các bài thơ nhé, nhất là các bài mà nhiều người yêu thích, như “Paris có gì lạ không em” Vì sao đang học mà lại có chuyện người phải ra đi, kẻ ở lại “Kinh thành hoa lệ ” ?
Bà Nga: Năm 1953, ông cụ thân sinh anh Lan mất tại Hà Nội. Anh Lan thấy cần phải ngưng học ở bên Pháp để về giúp đỡ gia đình, thế nhưng mà chị đang học đại học ở Paris thành ra anh ấy mới làm bài thơ :
             “ Paris có gì lạ không em? 
               Mai anh về, em có còn ngoan …”
tức là anh ấy đi Việt Nam rồi sẽ về lại Paris. Anh ấy mới hỏi:
      “Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm
       Chả biết tay ai làm lá sen?”
là Chị có chịu theo anh ấy không?
Đến lúc mà Chị bằng lòng thì mới là có cái bài “Nga”
“Nga” qua giọng hát Duy Quang …
Bà Nga: Tụi này chỉ có đi ra Mairie 15è làm đám cưới. Sinh viên du học mà lại sau khi Hiệp Định Genève chia cắt đất nước (gia đình không gửi tiền qua được) sinh viên Việt Nam ở bên ấy nghèo lắm. Tụi này không có nhẫn nữa mà. Thành ra in bài thơ Nga đề là thay cho thiệp báo hỷ. Cái bài thơ thì mọi người nghe thích quá, nói là ngộ nghĩnh. Xong rồi, bạn bè đông lắm, sinh viên thì đông lắm, kéo nhau sang cái quán cà-phê trước cửa, uống cà-phê, mọi người chung tiền trả phần cho cô dâu chú rể. Thế thôi!
Cuối tháng 12 đó (năm 1955) là xuống tàu tại Marseille đi về Saigon.  Về đến Sài Gòn thì cả hai vợ chồng đều đi dạy học. Cứ bước vào lớp là bị học sinh nó hát mấy câu đó, mình phải làm rất là nghiêm trang.
Kế tiếp, Nguyên Sa cùng với vợ mở tư thục. Trong nắng ấm chan hòa ở Saigon, hình ảnh những tà áo dài, lụa   nội hóa, gợi cảm hứng cho Nguyên Sa viết nên bài thơ “Áo lụa Hà Đông”.
“Áo lụa Hà Đông” Quang Dũng hát …
Thơ Nguyên Sa là thơ của những rung động tình yêu đầu đời, chân thành đến vụng dại, những xúc cảm mà ta khó thể có lại về sau.

      “Không có anh, lấy ai đưa em đi học về
       Lấy ai viết thư cho em mang vào lớp học …
  
              Ai cầm tay cho đỏ má em hồng
       Ai thở nhẹ cho mây vào trong tóc …
              Không có anh, lấy ai cười trong mắt
       Ai ngồi nghe em nói chuyện thu phong
       Ai cầm tay mà dắt mùa Xuân
       Nghe đường máu run từng cành lộc biếc …”
                                       (trích đoạn bài thơ “Cần thiết”)

Đã biết bao chàng trai nhờ thơ Nguyên Sa để ngỏ ý với cô bạn mà mình thầm yêu trộm nhớ. Và cũng đã biết bao thiếu nữ học thuộc, hay là nắn nót chép, rồi ướp tập thơ Nguyên Sa để dưới gối mà dệt mộng:
   “ … Sài Gòn gối đầu trên cánh tay
          Những năm mười sáu, mắt nhìn mây
          Cánh tay tròn ánh trăng mười bốn
          Tiếng nhạc đang về dang cánh bay
                 Sài Gòn nắng hay Sài Gòn mưa
          Thứ Bảy Sài Gòn đi Bonard
                 Guốc cao gót nhỏ mây vào gót
          Áo lụa trăng mềm bay xuống thơ …”
                                     (trích đoạn bài thơ “Tám phố Sài Gòn”)
Dòng thơ và giòng đời
Nhưng rồi, biến cố 1975 xảy tới, Nguyên Sa và vợ lại phải 
từ giã thành phố thân thương, lần này là Sài Gòn. 
Bà Nga cho biết là ông bà ra đi ngày 24 tháng Tư đến đảo Guam, rồi tới trại Pendleton miền Nam California.
Bà Nga: Chúng tôi ra khỏi Camp Pendleton từ tháng 7 năm 1975, sang Pháp để đoàn tụ với hai đứa con đang du học bên ấy.  Chúng tôi được học bổng của Đại học Pháp, hai vợ chồng cùng đi học Cao học Kinh Tế tuy nhiên, được hai năm thì tôi sang Mỹ định cư. Nhà tôi ở lại học cho xong Cao học Kinh Tế, sang Cali sau đó một năm (năm 1978) nhưng rồi lại không xài cái bằng đó.

Đầu tiên thì tôi đi làm tại Đại học UC Irvine. Nhà tôi lại còn đi học nghề điện tử, thì có cái bài thơ “Thi sĩ qua Mỹ làm thợ điện” đó. Ông ấy đi làm Electronic technician hai, ba tháng gì đó thì ông ấy chán cái sự đi làm, sáng đi chiều về, thành ra ông ấy đi làm báo Việt Nam từ năm 81. Tạp chí Đời đến khắp các nơi mà có người Việt tỵ nạn định cư, gửi sang Úc nữa. Đến năm 82 thì chúng tôi thành lập công ty (corporation). Tới năm 98 nhà tôi mất thì tôi đóng cửa cái business đó, tôi dẹp hết.   
   
Nguyên Sa Trần Bích Lan từng dạy học (nhất là về Triết), mở tư thục, làm báo, viết văn, thành lập nhà in, và trung tâm băng nhạc, nhưng được biết đến nhiều nhất là về thơ, và nổi bật là các bài thơ tình của lứa tuổi đôi mươi. 
Được coi là “Thi sĩ của Tình Yêu”, Nguyên Sa qua bài “ Chia tay ” gửi lời “ cám ơn những người yêu nhau, những người làm trăng thành trăng, biển thành biển, núi non thành núi non, làm suối trở thành ngọn suối tuyệt vời ca hát …”

Và qua bài “Có phải em về đêm nay”, Nguyên Sa nói lên 
ý muốn được làm thơ đến hơi thở cuối cùng:
   “… Vì lòng anh (em đã biết)
         có bao giờ thèm khát vô biên
         có bao giờ anh mong đừng chết, dù để làm thơ
         nên tất cả chỉ vì yêu em
         và làm thơ cho đến chết.”
Thật thế, khi lâm bệnh nặng, Nguyên Sa vẫn làm thơ, các bài thơ chở đầy ký ức những ngày xa xưa, lẫn vào là các bài với chút hoang mang trước cái chết. Và trong bệnh viện, ông vẫn gắng điện thoại, dặn dò nhà in về việc in quyển thơ tập 4.

Nga, người yêu và là người bạn đời, luôn luôn bên cạnh ông qua những trôi nổi của thế sự cho đến giây phút cuối của cuộc sống. Và như thế, câu hỏi của Nguyên Sa trong bài thơ “Paris có gì lạ không em” :

      “Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm
       Chả biết tay ai làm lá sen ?”
đã được trả lời một cách trọn vẹn. Không chỉ là cái gật đầu, ưng thuận kết hôn, mà Nga nguyện làm chiếc lá sen ấp ủ hương cốm Nguyên Sa mãi mãi.
   
Sau khi Nguyên Sa qua đời, chính bà đã tiến hành, in tất cả các tập thơ, sách, truyện, và cuốn hồi ký của ông.
Ca khúc “Paris có gì lạ không em” kết thúc chương trình tưởng nhớ nhà thơ Nguyên Sa. Thy Nga tạm biệt quý  thính giả và các bạn.

PARIS CÓ GÌ LẠ KHÔNG EM

Điều tra của Hội Ân Xá Quốc Tế về "Nhà tù trong nhà tù" tại Việt Nam



Điều tra của Hội Ân Xá Quốc Tế về "Nhà tù trong nhà tù" tại Việt Nam
Tường An, thông tín viên RFA
2016-07-14


Trong buổi họp báo ngày 12 tháng 7 vừa qua, tại trụ sở của Amesty International tại quận 19, Paris, Hội Ân xá Quốc tế đã công bố lần đầu tiên Bản Báo Cáo về tình trạng hành hạ, ngược đãi của các Tù Nhân Lương Tâm tại Việt Nam.
Bản Báo cáo có tựa đề "Nhà tù trong nhà tù: Tra tấn và ngược đãi các Tù Nhân Lương Tâm tại Việt Nam" dày 52 trang, một công trình nghiên cứu của ông John Coughlan, (nhân viên Amnesty Intenational, đặc trách nghiên cứu về Việt Nam) được thực hiện từ tháng 11 năm 2015 qua 150 giờ phỏng vấn 18 nam và nữ cựu Tù Nhân Lương Tâm đã được thả trong 5 năm qua, chủ yếu là qua điện thoại, email. Để giữ an toàn cho người được phỏng vấn, một số tên của các Cựu Tù Nhân Lương Tâm đã được thay đổi.
5 hình thức tra tấn trong nhà tù Việt Nam
Trong khoảng 1 tiếng đầu của buổi họp báo, ông John Coughlan trình bày 5 hình thức tra tấn phổ biến nhất được áp dụng trong hơn 17 nhà tù tại Việt Nam :
1/ Giam cách ly và cưỡng bức mất tích:
Người bị giam giữ mà không có bất kỳ tiếp xúc nào với thế giới bên ngoài, đặc biệt là gia đình, bạn bè, luật sư và bác sĩ độc lập. Thủ tục này tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra tấn và các cách đối xử tồi tệ đối với tù nhân. Thời gian giam cách ly kéo dài cũng chính là một vi phạm về lệnh cấm tra tấn. Hình thức tra tấn này gắn liền với cách đối xử tồi tệ của hệ thống nhà tù đối với tù nhân lương tâm, nó được áp dụng một cách tự động ngay sau vụ bắt giữ. Tất cả những người được phỏng vấn đều cho biết họ đã trải qua các giai đoạn cách ly, có khi đến hơn 2 năm.
Quản giáo và cán bộ giáo dục không áp chế được tinh thần của tù nhân thì họ chuyển sang cho an ninh trại làm việc. Những an ninh trại là người người vi phạm nhân quyền và đàn áp tù nhân ác liệt nhất.
- Ông Nguyễn Văn Hải (Blogger Điếu Cày)
Các cuộc phỏng vấn của Ân xá Quốc tế cũng nêu lên những trường hợp mất tích cưỡng bức, tức là nhà cầm quyền không hề thông báo cho gia đình cũng như luật sư biết nơi giam giữ và tình trạng sức khỏe của thân nhân hay thân chủ của họ, qua đó họ đã đặt tù nhân nằm ngoài sự bảo vệ của pháp luật.
2/ Gây ra những đau đớn nghiêm trọng về thể xác:
Ân Xá Quốc Tế dẫn chứng một số trường hợp lạm dụng thể xác tù nhân lương tâm mà có thể được coi là tra tấn hoặc đối xử tồi tệ. Bản báo cáo cũng nêu trường hợp một tù nhân tên Lu (tên đã được đổi. RFA) bị tra tấn trong 4 tháng liền và quản giáo trại giam đã hạ nhục ông bằng cách bắt ông ăn thức ăn thừa của chó.
Công an và cán bộ trại giam cũng như một số tù nhân chính là những người phạm tội lạm dụng cấu thành tra tấn và đối xử tồi tệ với Tù Nhân Lương Tâm. Một số người trong số các tù nhân này là "ăng ten", đánh đập các tù nhân khác dưới sự xúi giục hoặc với sự đồng thuận bằng cách làm ngơ của quản giáo nhà tù.
3/ Biệt giam:
Biệt giam là một hình thức cô lập chủ yếu do các cán bộ nhà tù Việt Nam sử dụng để khiến tù nhân lương tâm cảm thấy cô đơn và bị bỏ rơi. Họ cảm thấy nơi giam giữ họ là một "nhà tù trong nhà tù". Họ bị biệt giam trong những tình trạng vô cùng tồi tệ do những hoạt động cổ vũ của họ trong tù hoặc trước khi đem ra xét xử. Ân Xá Quốc Tế dẫn chứng một số trường hợp trong đó có người bị biệt giam đến hơn 10 tháng. Nhân chứng kể lại họ có cảm giác hoàn toàn bị bỏ rơi và chỉ mong được chết.
4/ Quyền về sức khỏe và từ chối điều trị y tế:
Bản báo cáo nêu lên một số trường hợp các Tù Nhân Lương Tâm chỉ nhận được thuốc kém phẩm chất sau hàng tuần, hàng tháng khiếu nại với cán bộ tù. Một số trường hợp khác cho biết họ chỉ nhận được thuốc men, điều trị nếu họ chịu nhận tội.
Sự khước từ điều trị y tế là một hình thức tra tấn, thụ động nhưng rõ ràng, vì đây là sự cố ý gây đau đớn về thể xác cũng như tinh thần, với mục đích ép buộc tù nhân thú tội.
5/ Chuyển nhà tù như một hình thức trừng phạt:
Ông John Coughlain trình bày yếu tố cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng trong việc lạm dụng có hệ thống trong các trại tù Việt Nam là việc di chuyển các Tù Nhân Lương Tâm liên tục qua các nhà tù: một thủ tục có tính toán nhằm cách ly họ xa hơn với gia đình, làm mất tinh thần và trừng phạt họ vì họ đã tham gia những hoạt động cổ vũ trong nhà tù. Không hề có thông báo trước đến họ hay gia đình họ, các tù nhân lương tâm thường xuyên bị chuyển từ trại giam hay nhà tù này sang nơi khác, mang họ đến khắp nơi trên đất nước, cách xa gia đình hàng ngàn cây số.
Hầu hết các cựu Tù Nhân Lương Tâm trong bản báo cáo đều cho biết họ phải trải qua nhiều đợt chuyển trại giam. Việc chuyển trại thường xảy ra đối với các Tù Nhân Lương Tâm không nhận tôi, dám chống lại chính sách "cải tạo" của quản giáo hoặc các Tù Nhân Lương Tâm nổi tiếng có thể ảnh hưởng đến các tù nhân khác. Những lần chuyển trại giam này có thể kéo dài hơn 24 giờ, trong khoảng thời gian đó, tù nhân bị cùm và không được cho ăn uống. Bản báo cáo đề cập đến trường hợp của ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải như một chứng minh cho hình thức trừng phạt này: trong vòng 6 năm rưỡi giam giữ, ông đã bị di chuyển 20 lần qua 11 nhà tù.
Ông Nguyễn Văn Hải, biệt danh Điếu Cày, một cựu Tù Nhân Lương Tâm, hiện định cư tại Hoa Kỳ, cũng được mời trao đổi trong buổi họp báo, ông cho biết đó là một hình thức để bẻ gãy ý chí các Tù Nhân Lương Tâm có bản lĩnh qua việc gây khó khăn cho việc thăm nuôi của gia đình cũng như cắt đứt sự chuyển tải thông tin từ trại giam ra bên ngoài. Qua hệ thống viễn liên skype, Ông Nguyễn Văn Hải cho biết :
"Khi một tù nhân mới bị chuyển đến 1 trại giam, các quản giáo và giám thị trại giam muốn áp đặt ngày lập tức các quy định của trại cho các tù nhân mới, trong đó có nhiều quy định trái pháp luật. Họ muốn ngay lập tức áp đảo tinh thần của tù nhân mới: đầu tiên là quản giáo rồi đến cán bộ giáo dục. Có trường hợp quản giáo và cán bộ giáo dục không áp chế được tinh thần của tù nhân thì học chuyển sang cho an ninh trại làm việc. Những an ninh trại là người người vi phạm nhân quyền và đàn áp tù nhân ác liệt nhất. Tù nhân nào mà nhà tù không khuất phục được họ thì lại có tác động tốt đến các tù nhân khác, các tù nhân khác sẽ noi gương họ để tiếp tục đấu tranh, không còn sợ hãi nữa.
Khi một tù nhân bản lĩnh dùng các căn cứ pháp lý hiên ngang đấu tranh bảo vệ quyền con người của mình thì các tù nhân khác cũng nhận thức được các quyền ấy để tự bảo vệ. Các tù nhân còn liên kết với nhau để đấu tranh tập thể. Nhưng việc không khuất phục được một tù nhân cứng đầu như vậy sẽ làm cho uy quyền của quản giáo giảm sút trong mắt các tù nhân khác. Vì vậy cách cuối cùng là quản giáo sẽ chuyển các tù nhân đi các trại giam khác để họ dễ làm việc và cũng để gửi một tín hiệu đến các tù nhân khác là nếu các anh không nhận tội, không chấp hành thì chúng tôi sẽ chuyển các anh đi thật xa, khi đó gia đình của các anh sẽ rất vất vả, tốn kém tiền bạc và thời gian để đi thăm các anh. Và người tù nhân cứng đầu đó trong trại giam mới sẽ lại tiếp tục đầu tranh cho quyền của mình, lại liên kết bạn bè để tiếp tục đấu tranh trong nhà tù mới.
Việc chuyển tù nhân từ miền Bắc ra miền Nam và từ miền Nam ra miền Bắc đã khiến gia đình họ vô cùng vất vả. Việc tù nhân không được thăm nuôi thường xuyên và giam giữ cách lý hoàn toàn với bên ngoài khiến mọi thông tin về cuộc đấu tranh trong nhà tù không đưa ra bên ngoài được. Không nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ bên ngoài, các cuộc đấu tranh trong tù sẽ rất đơn độc và dễ bị đàn áp. Đó cũng chính là lý do vì sao tôi liên tục bị chuyển trại và anh Trần Huỳnh Duy Thức cũng lần lượt đi qua các trại giam đã từng giam giữ tôi. Đây cũng là cách đối xử với những tù nhân không chịu khuất phục họ trong các trại tù."
Bản Báo Cáo "Nhà tù trong nhà tù: Tra tấn và ngược đãi các Tù Nhân Lương Tâm tại Việt Nam"
Hiện nay, tại Việt Nam vẫn còn 84 Tù Nhân Lương Tâm đang bị giam giữ, một số lượng lớn so với các nước á châu khác. Mặc dù vào ngày 5 tháng 2 năm 2015, Việt Nam đã phê chuẩn công ước UNCAT về việc chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt, hạ nhục con người, thế nhưng bản báo cáo cho thấy hơn 1 năm qua, trên thực tế Việt Nam vẫn không đáp ứng được những đòi hỏi bởi UNCAT, trong đó có việc sửa đổi bộ luật tố tụng hình sự và luật tạm giữ và tạm giam. Ân Xá Quốc Tế kêu gọi Việt Nam sửa đổi các luật này trước khi được thông qua.
Báo cáo được viết một cách xây dựng để chính quyền Việt Nam dựa vào đó mà cải thiện chính sách của họ và để giúp cộng đồng thế giới có tài tiệu nói chuyện với chính phủ.
- Ông John Coughlan
Những trường hợp được ghi lại trong bản báo cáo này là bằng chứng thực tế cho thấy Việt Nam không tôn trọng công ước UNCAT, bản báo cáo nêu bật khoảng cách giữa những cam kết của Việt Nam đối với quốc tế và những sự thật đang diễn ra trong các nhà tù tại Việt Nam. Qua bản báo cáo này, Ân xá quốc tế hy vọng sẽ gióng lên tiếng nói để các nước khác có thể gây áp lực yêu cầu Việt Nam cải thiện điều kiện giam giữ đối với các Tù Nhân Lương Tâm. Ông John Coughlan cho đài Á Châu Tự Do biết mục đích của bản báo cáo này:
"Mục đích của Hội Ân Xá Quốc Tế khi đưa ra bản báo cáo này là để góp phần gia tăng quyền làm người của mọi cá nhân, để đóng góp và việc giảm sự tra tấn, không riêng gì cho các Tù Nhân Lương Tâm mà cho toàn thể các tù nhân. Báo cáo được viết một cách xây dựng để chính quyền Việt Nam dựa vào đó mà cải thiện chính sách của họ và để giúp cộng đồng thế giới có tài tiệu nói chuyện với chính phủ. Mục tiêu tối thượng của Hội Ân Xá Quốc Tế là nâng cao quyền lợi cho từng cá nhân. Đó là mục đích của chúng tôi."
Cuối cùng Bản Báo cáo đưa ra 23 kiến nghị cho Việt Nam, trong đó có các điểm chính như sau :
-         Chấm dứt việc bắt bớ và lập tức trả tự do cho các Tù Nhân Lương Tâm.
-         Chấm dứt việc tra tấn và đối xử tàn bạo tại các đồn công an, trại giam.
-         Điều tra các khiếu nại và báo cáo của các tù nhân một cách nhanh chóng và có biện pháp với cán bộ vi phạm.
-         Sửa đổi các bộ luật hình sự, luật tố tụng hình sự và luật về thi hành tạm giữ và tạm giam.
Bản Báo Cáo "Nhà tù trong nhà tù: Tra tấn và ngược đãi các Tù Nhân Lương Tâm tại Việt Nam" sẽ được tiếp tục giới thiệu ở trụ sở chính. của Hội Ân xá quốc tế tại Luân Đôn và các nơi khác trong thời gian tới.