Wednesday, August 21, 2019

ISIS tự xưng và CS tự hào! - Khuất Đẩu


ISIS tự xưng và CS tự hào! 
Khuất Đẩu

Khi trông thấy những đao phủ thủ của cái tự xưng là Nhà Nước Hồi giáo (Islamic State) bịt mặt hành quyết những con tin vô tội, và cảnh bọn chúng hò reo dưới lá cờ đen của quỷ, tôi biết rằng ngày ấy sẽ tới.

Ngày mà không chỉ một vài con tin mặc áo màu lửa bị chặt đầu, bị thiêu sống hay bị xe tăng cán qua, nhưng có thể là hàng trăm, hàng ngàn.

Ngày mà không riêng gì ở sa mạc Syria nắng cháy, ở Iraq đổ nát, nhưng có thể ở mọi nơi mọi lúc trên khắp trái đất...

Ngày mà sự yên bình, sự ngây thơ và cả sự lãng mạn bị xé toạc, bị giẫm đạp.

Ngày mà cả thế giới sững sờ, kinh hãi.

Ngày ấy đã tới. Đúng vào ngày thứ sáu 13, tháng 11, những con quỷ IS tự xưng đã xả súng vào một nhà hàng, một rạp hát và cả sân vận động (nếu không bị ngăn chặn từ ngoài cổng). Hơn 100 người chết và gấp ba số người ấy bị thương.

Máu đã đổ giữa trái tim hào hiệp và tự do của nước Pháp. Máu tưởng chừng bắn vọt lên đỉnh tháp Eiffel và nhuộm đỏ cả Khải Hoàn môn.

Cả thế giời bàng hoàng, thương tiếc. Hàng triệu ngọn nến được thắp lên trong đêm. Hàng triệu đoá hoa ngậm ngùi tưởng niệm.

Không nghi ngờ gì nữa, IS rất tàn bạo, rất man rợ.

Nhưng Cộng Sản cũng đâu có thua kém, nếu không muốn nói còn tàn bạo hơn, độc ác hơn, vì họ đã tàn sát những người vô tội, mà những người ấy chính là những người cùng một màu da, cùng một tiếng nói, những người anh em cùng một mẹ.

Hãy nhớ lại những đêm dài 70 năm trước đây. Biết bao người bị đập đầu bằng cán cuốc, bị chém bằng mã tấu hay bị nhét vào bao bố thả xuống sông gọi là cho mò tôm...

Hãy nhớ lại những đêm đấu tố, địa chủ bị bắt quỳ trên ổ kiến lửa, bị nhiếc mắng, bị đánh đập cho đến chết.

Hãy nhớ lại tết Mậu Thân với hàng ngàn người bị dẫn đi trong đêm tối, rồi chết chùm trong Bãi Dâu khi tay và chân vẫn còn bị trói.

Hãy nhớ lại những xác người trên đại lộ kinh hoàng khi cả vạn người di tản bị Cộng Sản bắn đuổi theo.

Hãy nhớ lại những học sinh tiểu học ở Cai Lậy bị pháo kích ngay trong giờ học.

Hãy nhớ lại những con thuyền tị nạn rách nát trên biển đầy bão tố và hải tặc.

Hãy nhớ, để thấy rằng khi con người bị đầu độc, bị quỷ ám bởi những tà thuyết, thì thế giới sẽ chìm đắm trong sợ hãi, trong ngu dốt.

Và nước Việt của tôi chìm sâu tận đáy. Mãi đến thế kỷ 21, vẫn còn có những kẻ tự hào về cái gọi là chiến công oanh liệt, vẫn có những kẻ cầm bút tê mê nhớ lại cái phút giây ngồi xe Honda để trái lựu đạn đã tháo chốt trên mu bàn chân rồi hất vào đám đông trước khi vụt chạy. Sau đó tếch vào một quán bên đường gọi la-de để uống mừng.

Trái tim hoa lệ của nước Pháp đang nhỏ máu. Và cả thế giới đang tỉnh thức. Những người đã chết dù sao cũng được tiếc thương, chắc chắn là không một ai không xót xa, ngoại trừ những con quỷ đen bịt mặt.

Nước Mỹ, nước Anh, nước Pháp rồi những nước khác sẽ phải đối đầu với cái bóng ma IS tự xưng. Sẽ còn nhiều Paris đổ máu. Sẽ có những siêu thị, rạp hát, sân vận động nổ tung. Những con người tươi tắn, thanh lịch, no đủ ở các nước mà trình độ văn minh đã vươn lên tận đỉnh, những trí thức, nghệ sĩ thường tả khuynh như mốt thời thượng sẽ cảm nhận được thế nào là nỗi kinh hoàng khi nghe những tiếng nổ xé tai, khi thấy máu đổ, thịt nát, xương tan... sẽ hiểu thế nào là nỗi đau khi mất người thân và cũng có thể mất một phần của chính thân thể mình. Cũng tại Paris, những ai đã từng cầm cờ "Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam" để ủng hộ cho những kẻ giết chính đồng bào mình, sẽ hiểu thế nào là sự mù quáng.

Và sẽ hiểu rằng bất cứ tổ chức nào, chế độ nào tự xưng thì cũng đều là sản phẩm của những tên giết người. Đã giết người mà còn tự hào nữa thì quả thực không còn gì để nói.

Hãy nhớ lấy.


20/11/2015Khuất Đẩu


Họa Sĩ Chóe


Ha Sĩ Chóe
Xem lại những hí họa của Chóe
Viết về hội họa có lẽ không ai có đủ “thẩm quyền” hơn các họa sĩ. Họ là những người trong nghề nên có những nhận xét chuyên môn mà những người “ngoại đạo” như tôi không thể nào có được. Muốn làm nhà phê bình hội họa lại càng khó hơn vì chưa chắc một họa sĩ tài hoa đã là một nhà phê bình xuất sắc.
Thế cho nên, bài viết này chỉ là một cái nhìn của người thưởng ngoạn những bức hí họa của họa sĩ Nguyễn Hải Chí (*) mà lâu nay ta biết đến qua cái tên Chóe trên báo chí.
Sự nghiệp hí họa của Chóe kéo dài qua hai thời kỳ, từ năm 1969 dưới thời VNCH và chấm dứt vào năm 2003 trong thời CHXHCN. 2003 là năm ông qua đời vì biến chứng của bệnh tiểu đường sau một thời gian bị lòa con mắt, đành phải “bó tay” xếp cọ. Họa sĩ mà mắt bị lòa thì cũng chẳng khác nào ca sĩ bị mất giọng. 
Họa sĩ Chóe(Ảnh Nguyễn Phong Quang) 
Bước đường dẫn đến nghệ thuật của Nguyễn Hải Chí quả là… đặc biệt. Người thanh niên sinh trưởng tại An Giang bước vào nghệ thuật qua lãnh vực văn chương chứ không phải bằng con đường hội họa. Ông tâm sự:
“Tôi đến với nghệ thuật vì... mê gái. Năm 20 tuổi, tôi thầm yêu trộm nhớ một cô gái Sài Gòn. Cô ấy có cả một tá sĩ quan chế độ cũ săn đón, còn tôi chỉ là một anh chàng thất học, không mong gì lọt vào mắt xanh người đẹp... Tôi biết nàng là độc giả của một tờ báo, vậy là tôi liều mạng sáng tác truyện ngắn với hy vọng sẽ được đăng...”
Chàng trai si tình làm liều thế nhưng lại có kết quả mỹ mãn: người con gái tên Nguyễn Thị Kim Loan đã trở thành vợ của ông cho đến ngày ông lìa đời. Và cũng nhờ si tình nên ông bước thẳng vào nghề viết lách, lại còn đoạt giải nhất về truyện ngắn của báo Tiền Tuyến năm 1969.
Cũng vào cuối năm đó, ông đã quen biết với nhiều nhân vật của làng báo Sài Gòn trong đó có nhà văn Viên Linh, chủ bút tờ Diễn Đàn. Khi họa sĩ chính của Diễn Đàn ra đi, bí quá, Viên Linh mới bảo: “Ông thử vẽ đi!”
Nguyễn Hải Chí kể tiếp, “Trước đây tôi chỉ mày mò học của một thầy giáo làng, nhưng nể bạn cứ vẽ liều. Vẽ xong, chẳng biết ký bút danh gì, Viên Linh lại bảo: “Ông tên Chí, vậy thì ký là Choé!”. Tôi nghe cái tên này thấy cũng kêu, vậy là thành bút danh…”
Từ tờ Diễn Đàn, ông còn vẽ cho tờ Báo Đen năm 1970, nhưng sự nghiệp vẽ tranh của Chóe vẫn chưa được độc giả lưu ý lắm. Thời đó, báo chí Sài Gòn đã có hai cây bút biếm nổi tiếng là Ngọc Dũng ký Tuýt và Đinh Hiển ký Hĩm. Phải đợi đến khi  chuyển qua cộng tác với báo Sóng Thần của Chu Tử ông mới bắt đầu được biết tới qua những bức hí họa.
Hí họa vẽ trong những năm 1972-1973 là những bức tranh lột tả tình hình xã hội tại miềnNam thời bấy giờ. Dĩ nhiên trong loại tranh biếm người họa sĩ chỉ vẽ ra những cảnh đáng phê phán, khác hẳn với loại tranh cổ động, tuyên truyền cho cái hay, cái đẹp của xã hội hoặc chế độ. Chính yếu tố này đã đi sâu vào suy nghĩ của người xem tranh, vì trông thì vui mắt thật nhưng vẫn có một cái gì đó nghèn nghẹn nơi cổ…
Dưới đây là những hình ảnh trong tranh của Chóe: từ chiếc cyclo thường thấy nơi thành thị xa hoa, đến hình ảnh người nông dân gầy giơ xương ở thôn quê và cuối cùng là một con gấu mang tên Prices (giá cả) to béo, ục ịch đang leo trên những bậc thang được kết bằng hình người…   
(Vẽ tháng 8/1972) 
 (Vẽ tháng 3/1973)
(Vẽ tháng 5/1973) 
Năm 1973 cũng là năm diễn ra Hiệp định Paris về Việt Nam nhằm chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình giữa 4 bên tham chiến: Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa ký kết tại Paris ngày 27/1/1973.
Lê Đức Thọ và Henry Kissinger, hai nhân vật chủ yếu trong cuộc đàm phán, cả hai ông đã được trao giải Nobel Hòa Bình năm 1973. Đây là đề tài thời sự nóng bỏng để báo chí khai thác và dĩ nhiên cũng là đề tài cho những bức hí họa của Chóe. Chân dung các nhân vật được lần lượt xuất hiện trên báo chí Sài Gòn.
Đầu tiên là Lê Đức Thọ của phía VNDCCH, người đã từ chối không nhận giải Nobel Hòa bình. Qua nét bút của Chóe, ông Thọ có hai chiếc răng cửa thật dài để chống đỡ cho bảnh Hiệp định (Agreement). Anh du kích thuộc Mặt trận Giải phóng miền Nam nhỏ bé đang lăm lăm khẩu súng nép mình dưới bản Hiệp Định…  
(Vẽ tháng 4/1973) 
Phía Mỹ có ngoại trưởng Henry Kissinger được Chóe vẽ với một cái miệng có hình lỗ khóa. Trong cặp mắt kính của Kissinger mang hình ảnh một bên là tháp Eiffel và bên kia là hình ngôi sao cũng có hình lỗ khóa. Chiếc mũi của Kissinger lại chính là chìa khóa, chắc là để mở miệng và mở mắt cho vị ngoại trưởng Mỹ gốc Do Thái này. 
(Vẽ tháng 6/1973) 
Cả hai nhân vận Lê Đức Thọ và Kissinger còn xuất hiện trong một bức tranh vẽ vào tháng 6/1973. Chóe vẽ hai người đang ngồi trên một con ngựa gỗ, một loại đồ chơi của trẻ em thời xưa để tạo cảm giác ngựa đang phi nhưng chỉ lắc lư tại chỗ chứ không hề chuyển động. Giữa hai nhân vật được che phủ bằng một tấm chăn có dòng chữ “Negotiations”, hay còn gọi là Đàm phán: 
(Vẽ tháng 5/1973) 
Bối cảnh chính trị thế giới vào thời điểm 1973 là cuộc “đi đêm” giữa Nixon và Mao Trạch Đông. Đó là nguyên nhân sâu xa dẫn đến Hiệp định Paris năn 1973. Cái “bắt tay hữu nghị” Hoa Kỳ - Trung Cộng được Chóe vẽ trên “chiếc cầu dựng bằng người”, tượng trưng cho hai miền Nam – Bắc Việt Nam. Chiếc cầu còn được đóng đinh vào chân của hai người dân để gia cố cho sự bền vững của tình hữu nghị Tư bản – Cộng sản: 
Chóe còn tiên đoán hòa bình cho Việt Nam bằng bức tranh một người Việt gầy giơ xương đón nhận hòa bình với chiếc nón lá. Khi “trái bom” hòa bình rơi xuống, chiếc nón lá bị rách toạc. Nhân vật trong tranh khiến có người liên tưởng đến một đệ tử của “cái bang” với chiếc nón lá xin tiền. Tác giả chỉ vẽ có vậy, ai muốn hiểu sao thì hiểu! 
Lúc sinh thời, họa sĩ Chóe cho rằng nghề của ông là vẽ “hí họa”, chứ không phải “biếm họa”. Ông nói: "Xin bạn hãy cùng tôi gọi con đường này là hí họa, vì hí họa là con đường rộng và lòng ta rộng theo… Trong hí họa cần cả nội dung lẫn hình thức. Không tạo được hình thức sẽ làm hỏng nội dung. Hình thức càng tốt, càng giảm được số chữ phải ghi trong tranh. Hí họa cần nhất là dễ nhìn, dễ phân biệt, tập trung làm nổi bật ý chính, tạo cho người xem chú ý ngay về sự khập khễnh của hình thức rồi mới dẫn dắt họ đến cái phi lý, cái lố bịch của nội dung”. 
Chân dung tự họa của Chóe (1992) 
Hí họa của Chóe được các báo danh tiếng thế giới như The New York Times, Newsweek... chọn đăng. Cũng trong năm 1973, cuốn The World of Choé (Thế giới của Choé) được nhà xuất bản Glade Publications ấn hành tại Mỹ do công trình thu thập của nhà báo Barry Hilton. Một trong những bức tranh trong cuốn sách này, tuy là hí họa nhưng lại mang nét buồn của đất nước chiến tranh khi thế giới bước vào mùa Giáng sinh vui vẻ trong năm 1972. 
Ông già Noel Việt Nam áo quần tả tơi, đầu đội nón lá và trên vai là chiếc đòn gánh với hai cái thúng thủng đáy, trống không, không quà Giáng sinh mà cũng chẳng nụ cười. Nếu quan sát kỹ hơn người xem sẽ thấy hai ngón chân cái của ông giao nhau vì ông vốn là người… Giao Chỉ.  
Năm 2004, Chóe mang 29 bức tranh chân dung sơn dầu về những người phụ nữ đoạt giải Nobel sang Stockholm nhân Ngày Việt Nam tại Thụy Điển. Giới thưởng ngoạn nghệ thuật ở Bắc Âu có dịp nhìn lại những khuôn mặt nữ nổi tiếng thế giới như Berthan Von Suttner (Nobel Hòa bình, 1905), Grazzia Deledda (Nobel Văn chương, 1926), Sigrid Undset (Nobel Văn chương, 1928), Emily Greene Balch (Nobel Hòa bình, 1946), Rosalyn Yalow (Nobel Sinh lý học & Y học 1977), Rigoberta Menchu (Nobel Hòa bình, 1992) và cả chân dung Afred Nobel, người sáng lập giải thưởng. 
Chân dung Afred Nobel 
Nhà báo Lê Minh Quốc nói về Chóe: “Tôi ấn tượng nhất Choé ở bức hí họa vẽ một người phụ nữ gánh trên vai cả trái đất mang tên Phụ nữ nước tôi. Đó là bức tranh đầy ý nghĩa về vai trò của người phụ nữ Việt Nam. Việc bức tranh ấy được chọn triển lãm hội hoạ quốc tế chứng tỏ tài năng của họa sỹ. Rất lâu nữa Việt Nam mới có được một họa sỹ biếm tài năng như Choé”.
Chóe đem bộ tranh Phụ nữ nước tôi đi dự triển lãm tranh quốc tế tại các thành phố lớn bên Nhật theo lời mời của lãnh sự Nhật Bản năm 1995. Theo tôi, bức tranh Chồng Con trong số tranh triển lãm mới “ấn tượng” nhất.
Tranh vẽ một người đàn bà mặc áo dài nhưng lại đi chân đất. Trên vai có đòn gánh nặng chĩu, một đầu là người chồng với chai rượu trong tay và điếu thuốc trên miệng. Đầu bên kia là 5 đứa con ngồi lọt thỏn trong một cái thúng. Tranh chỉ vỏn vẹn có hai chữ Children và Husband nhưng lại nói rất nhiều về sự tảo tần và chịu đựng của người phụ nữ Việt Nam. 
“Chồng con” (1995) 
Bà Kim Loan nói về người chồng quá cố: “Có thể nói là cuộc đời của chồng tôi rất nhiều thăng trầm. Trước giải phóng ông là quân nhân, sau được chuyển về làm ở Bộ Tổng tham mưu của chế độ cũ nhưng thời đó có luật cấm quân nhân làm báo. Tuy nhiên vì mê nghề báo nên ông vẫn lén lút viết và đến năm 1974 bị lộ, bị bắt, ở tù được mấy tháng thì miền Nam giải phóng thì ông được tự do. Sau năm 1975, ông làm cho báo Lao Động gần một năm thì bị đưa đi học tập cải tạo cùng một số văn nghệ sĩ miền Nam. Nhưng thời gian cải tạo quá dài, đến 9 năm, từ 1976 – 1985 mới trở về”. 
Những ngày cuối đời khi không còn nhìn rõ để vẽ, Chóe quay qua làm thơ. Những câu thơ dưới đây tuy không vần điệu nhưng đã nói lên nỗi lòng của người họa sĩ tài hoa:
Trót làm người vui tính.
Khi gặp chuyện đau lòng.
Ta không dám khóc.
Bằng nước mắt…
Cuối năm 2002, Nguyễn Hải Chí được đưa sang Mỹ với hy vọng những tiến bộ y khoa có thể giúp ông kéo dài tuổi thọ. Ngày 18/1/2003, bác sĩ ở Virginia đã chích thuốc phục hồi thị lực cho ông. Khi được nhìn bằng mắt của mình, chỉ trong khoảng nửa giờ, ông vẽ cấp tốc một mạch 6 bức tranh. Một trong số 6 tác phẩm đó, ông đã vẽ những khuôn mặt cười, tràn đầy lạc quan, lúc nào cũng… chí chóe: 

Chú thích:
(*) Nguyễn Hải Chí (1943 – 2003) là một họa sĩ vẽ tranh biếm nổi tiếng với bút danh Choé, ngoài ra ông còn có bút danh Trần Ai, Cap, Kit. Ông được coi là "họa sĩ biếm số một của ViệtNam" với những tranh biếm đặc sắc phê phán những thói hư tật xấu của xã hội qua nhiều thời kỳ. Ông vẽ chủ yếu là tranh sơn dầu, giấy dó và tranh lụa. Ngoài vẽ, Chóe còn được biết đến như một nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ.
Nguyễn Hải Chí sinh ngày 11/11/1943 tại Cái Tàu Thượng, Hội An, Chợ Mới, An Giang. Sau đó gia đình ông chuyển về xã Vĩnh Tế dưới chân núi Sam, Châu Đốc. Do hoàn cảnh gia đình rất nghèo, ông phải nghỉ học từ năm lớp 2, đi làm kiếm sống từ năm 9 tuổi. Ông làm đủ nghề: đập đá, đốn củi, chăn bò mướn...
Năm 1960, bị cán bộ Cộng sản ép lên núi hoạt động du kích nên ông bỏ trốn về Mỹ Tho, xin làm việc tại một phòng vẽ quảng cáo và học vẽ tại đây. Năm 1964, ông đi quân dịch, năm sau được chuyển về làm việc tại Bộ Tổng Tham Mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Lúc này ông bắt đầu làm thơ, viết truyện gửi đăng báo. Từ đó ông đã thâm nhập vào làng báo Sài Gòn.
Cuối năm 1969, ông chuyển qua vẽ hí họa cho tờ Diễn Đàn, ký tên Choé, nghệ danh do nhà văn Viên Linh đặt, lúc đó là chủ bút báo Diễn Đàn. Một số tranh của ông đã đụng đến vấn đề “nhạy cảm” do đó ông bị chính quyền VNCH bắt giam từ tháng 2 đến tháng 4/1975. Sự kiện 30/4/1975 diễn ra, Nguyễn Hải Chí thoát khỏi trại giam của An ninh Quân đội tại số 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Sài Gòn.
Mấy tháng sau ông được nhận vào làm báo Lao Động Mới với nhiệm vụ trình bày tờ báo. Tháng 4/1976, ông bị bắt đi học tập cải tạo cùng với các văn nghệ sĩ miền Nam cho đến cuối năm 1985 tại các nhà giam Chí Hòa rồi trại cải tạo Gia Trung, Pleiku. Sau đó ông vượt biên nhưng bị bắt và phải trở lại tù thêm lần nữa.
Từ năm 1990, do không xác định được thời hạn tù, ông bị từ chối đơn xuất cảnh theo diện H.O. Ông ở lại Việt Nam hành nghề vẽ tranh bán cho khách nước ngoài. Ông cộng tác với phòng tranh Tự Do tại Thành phố Hồ Chí Minh, để trưng bày và bán tranh lụa, giấy dó và tranh sơn dầu, ký tên Vân Bích. Ít lâu sau, ông được nhiều tờ báo trong nước đề nghị cộng tác trở lại. Tranh của ông tiếp tục xuất hiện trên nhiều tờ báo và tạo được phong cách riêng trong việc phê phán những thói hư tật xấu, những tiêu cực của xã hội.
Năm 1997, Choé bị đột quỵ, dẫn đến bại liệt một thời gian. Trước đó ông cũng đã mắc phải bệnh tiểu đường. Từ năm 1998 tới 2001, ông có 2 lần sang Pháp điều trị nhưng không thuyên giảm. Từ năm 2001, ông bắt đầu đi đứng khó khăn, mù mắt trái, mờ mắt phải, từ đó không vẽ nữa mà chuyển qua làm thơ, viết nhạc.
Cuối năm 2002, ông được bạn bè giúp đỡ đưa sang Virginia, Hoa Kỳ chữa bệnh. Ngày 22/2/2003, ông đột ngột bị ngộp thớ, 10 ngày sau đột quỵ và đứt mạch máu não. 3 giờ 50 phút sáng ngày 12/3/2003, ông qua đời tại bệnh viện Fairfax, Virginia. Lễ tang được cử hành tại nhà thờ các thánh tử đạo Arlington, sau đó được đưa về Việt Nam an táng tại nghĩa trang nhà thờ Thánh Mẫu, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.
Ngoài rất nhiều tranh biếm đã được đăng trên các báo, còn những tuyển tập thu thập các tác phẩm của Chóe:
Sách
The World of Choé (Thế giới của Choé), do nhà báo Mỹ Barry Hilton đã thu thập một số tranh biếm họa của ông, do nhà xuất bản Glade Publications ấn hành tại Mỹ năm 1973.
Lai rai vẽ viết - bút ký (nxb Lao Động, 1992)
Tử tội - tuyển tập tranh hí họa, thơ, văn, nhạc (nxb Tiếng quê hương, Hoa Kỳ, 2001) [9]
Nghề cười, tuyển tập tranh, thơ, văn, nhạc (nxb Văn hóa Văn nghệ, 2013) [10]
Một số ca khúc
Ngả lưng trên đồi
Gió
Mưa
Khi dứt cơn mưa
Dù ta xa nhau
Bên vườn nhà em
Khi đến cuối đời [3][11]

Nguồn : Wikipedia


Ngủ trưa giúp giảm nguy cơ cao huyết áp. – Theo Medical News Today


Ngủ trưa giúp giảm nguy cơ cao huyết áp. –
 Theo Medical News Today

Một giấc ngủ ngắn giữa trưa không chỉ giúp chúng ta phục hồi lại năng lượng, cải thiện tâm trạng, mà còn làm giảm nguy cơ bị huyết áp cao.
Manolis Kallistratos và các Cộng sự tại tại Bệnh viện đa khoa Asklepieion ở Voula, Hy Lạp, tiến hành một nghiên cứu để tìm hiểu mối liên hệ giữa việc ngủ trưa và tình trạng huyết áp của con người. Họ theo dõi 212 Tình nguyện viên có mức huyết áp tâm thu [áp lực của máu lên thành động mạch khi tim co bóp] trung bình là 129,9 mm Hg. Những người tham gia ở độ tuổi trung bình là 62 tuổi. Gần một phần tư trong số họ hút thuốc, hoặc được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường loại 2.<!>
Theo Viện Tim, Phổi, và Máu Quốc gia Mỹ, một người bị huyết áp cao nếu chỉ số huyết áp tâm thu là 140 mm Hg hoặc cao hơn, và chỉ số huyết áp tâm trương [áp lực của máu lên thành động mạch giữa các lần tim co bóp] từ 90 mm Hg trở lên. Huyết áp cao kéo dài có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh nghiêm trọng như:  Bệnh tim, đột quỵ, bệnh động mạch ngoại biên, phình động mạch chủ, bệnh thận, mất trí nhớ…

Kallistratos chia các Tình nguyện viên thành hai nhóm: Một nhóm ngủ trưa đều đặn hằng ngày, và nhóm còn lại không ngủ trưa. Để có được số đo huyết áp chính xác từ những người tham gia trong suốt cả ngày, các nhà Khoa học yêu cầu họ đeo các thiết bị theo dõi huyết áp lưu động.

Trong quá trình phân tích, nhóm Nghiên cứu đã điều chỉnh những yếu tố có thể ảnh hưởng đến chỉ số huyết áp bao gồm: Tuổi tác, giới tính, lối sống, và loại thuốc thường sử dụng. Không có sự khác biệt đáng kể giữa số lượng người tham gia dùng thuốc huyết áp ở hai nhóm.

Kết quả cho thấy, những người ngủ trưa có huyết áp tâm thu trung bình mỗi ngày giảm 5,3 mm Hg, hiệu quả tương tự những người uống thuốc hạ huyết áp. Ngoài ra, nhóm Nghiên cứu nhận thấy có mối quan hệ trực tiếp giữa thời gian ngủ trưa và huyết áp. Cụ thể là cứ mỗi 60 phút ngủ trưa, huyết áp tâm thu trung bình mỗi ngày giảm 3 mm Hg.

Giấc ngủ trưa dường như làm giảm mức huyết áp ở cùng mức độ so với những thay đổi lối sống khác. Ví dụ, cách thức ăn giảm tiêu thụ muối và rượu, có thể hạ thấp huyết áp xuống từ 3 đến 5 mmHg”, Kallistratos cho biết.

Kallistratos đã trình bày phát hiện mới tại Hội nghị Khoa học thường niên lần thứ 68 do Đại học Tim mạch Mỹ tổ chức. “Những phát hiện này rất quan trọng, bởi vì huyết áp giảm xuống 2 mmHg có thể hạ thấp nguy cơ tai biến tim mạch, chẳng hạn như đau tim lên tới 10%. Vì vậy, ngủ trưa là rất cần thiết, đặc biệt đối với những người bị huyết áp cao. Đây là thói quen có thể thực hiện được, mà không tốn kém gì”, Kallistratos nhận định. 
“Chúng tôi không khuyến khích mọi người ngủ nhiều giờ đồng hồ vào buổi trưa, nhưng họ không nên cảm thấy tội lỗi, nếu có thể chợp mắt một chút vì lợi ích sức khỏe ”, Kallistratos nói. 
(Theo Medical News Today).


Chuyện “Đỉnh Cao” ở “Thiên Đường XHCN!”


Chuyện “Đỉnh Cao” ở “Thiên Đường XHCN!”

Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2019
Nhà máy nước tiền tỷ cho ra… một xô nước sạch - San Hà (tổng hợp)

Công trình nước sạch phục vụ người dân bản Tà Dê và Lũng Xá bỏ hoang từ năm 2013 đến nay Công trình nước sạch ở bản Lũng Xá và Tà Dê, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ (Sơn La) làm hơn 4 tỷ đồng. Từ khi dự án đi vào hoạt động cũng là lúc người dân địa phương phải sống trong tình cảnh “khát” nước sạch, bởi nhà máy chỉ cho ra được một xô nước rồi… “đắp chiếu” luôn. Năm 2009, tỉnh Sơn La xây dựng công trình nước sạch tại hai bản Lũng Xá và Tà Dê, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng. Công trình chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 khu vực trạm bơm; giai đoạn 2 xây thêm 2 bể chứa 500m3. Công trình khi mới được làm, người dân rất vui mừng vì sẽ được dùng nước sạch. Nhưng niềm hy vọng này đã vụt tắt sau thời gian ngắn khi dự án tiền tỷ này đi vào hoạt động. Trưởng bản Tà Dê, ông Sồng A Tồng nói: “Giá công trình đừng xây dựng thì bà con dân bản còn có nước để dùng (?)”.


Đó là vì trước kia hai bản Tà Dê và Lúng Xá dùng nước tự nhiên để sinh hoạt, chưa bao giờ lo thiếu nước. Từ khi nhà máy nước sạch xây dựng, công trình này chặn mất nguồn nước tự nhiên khiến nước bị khan hiếm. Cuộc sống của người dân trong bản bị đảo lộn. Theo ông Giàng A Cở, Phó Chủ tịch UBND xã Lóng Luông: “Năm 2013 công trình nước sạch hoàn thành nhưng được một thời gian thì bị nứt nẻ. Công ty xây dựng cũng đã tìm cách giải quyết nhưng đến giờ thì bỏ hoang do không có nguồn nước vào.

Hơn 6 năm qua, công trình hoàn toàn bị bỏ hoang.

“Chết khát” bên công trình tiền tỷ
Docông trình nước sạch chặn mất nguồn nước nên nhiều năm qua nguồn nước tự nhiên người dân thường dùng bị mất. Vào mùa khô (từ tháng 10 năm này đến tháng 4 năm sau) người dân không đủ nước dùng, phải đi mua nước từ nơi khác về.
“Có lúc khan hiếm quá, dân bản phải đi ra tận quốc lộ 6 mua nước về dùng. Mỗi xe khoảng 4m3 nước có giá lên đến hàng trăm nghìn đồng. Dân phải chịu mua nước sạch giá “cắt cổ” trong khi công trình nước sạch đầu tư tiền tỷ lại không thể dùng được”, ông Giống chán nản nói.
Còn Trưởng bản Tà Dê – ông Sồng A Tổng than thở: “Từ giáp Tết Nguyên đán (mùa khô), người dân phải tích nước, dự trữ để dùng nhưng cũng không được mấy thời gian. Hết nước, bà con phải đi xa khoảng 7km để mua rất khổ sở. Nhiều gia đình hùn nhau khoan giếng dùng chung nhưng khi nước cạn, giếng cũng trơ đáy”.
Có hai bể nước lớn khoảng 500m3 được xây tròn cao chừng 3m bằng bê tông kiên cố. Nước lấy ngoài tự nhiên vào hai bể này từ đây sẽ được dẫn về trạm bơm, nhưng từ lâu hai bể này luôn trong tình trạng khô cạn, xung quanh cỏ cây mọc um tùm, nhếch nhác.

Trạm bơm cách đó chừng 100m để tiếp nhận nước từ hai bể lớn trên về, sau đó bơm công suất lớn sẽ cung cấp đến tận từng gia đình cũng trong tình cảnh tương tự, đang bị “đắp chiếu” bỏ hoang nhiều năm qua. Toàn bộ khu vực trạm bơm phủ đầy cỏ cây, rêu mốc. Những chiếc máy bơm lớn nằm phía sau cánh cửa ổ khóa hoen rỉ bị mạng nhện chăng kín, bên trong chẳng khác gì căn nhà hoang chẳng ai bén mảng vào.
2/3 phụ nữ bị xâm hại không được trợ giúp vì cán bộ… không “thuộc” chính sách
Phụ nữ, trẻ em, tàn tật… là những người yếu ớt, không thể tự bảo vệ được mình nên rất cần tới sự giúp đỡ. Nói cho ngay, nhà nước cũng có những chương trình này nọ giúp đỡ. Thế nhưng trong thực tế, những chương trình này không thực hiện được. Lý do rất đơn giản thuộc về cán bộ.

Hiện nay cả nước có hơn 11 triệu người lớn tuổi (trong đó 7,2 triệu người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn) và 6,5 triệu người khuyết tật. Phần lớn trong số này đang phải đối mặt với cuộc sống khó khăn, và không được hưởng phúc lợi từ các chính sách an sinh xã hội, hiện được gọi vắn tắt là “chính sách”.
Một con số khác đáng chú ý, trên 40% người lớn tuổi Việt Nam sau khi nghỉ hưu vẫn phải tiếp tục làm việc. Trong xu hướng già hóa dân số thì đây là vấn đề đáng quan tâm.
Mức trợ cấp xã hội của người lớn tuổi, người khuyết tật hiện nay rất thấp,chỉ bằng 30% chuẩn nghèo ở đô thị và 40% chuẩn nghèo ở nông thôn. Việc trị liệu cho họ, đặc biệt trị liệu về tâm lý, vẫn rất thấp. Họ hầu như không thể tiếp cận tin tức, di chuyển khó khăn. Một trong những điều dễ thấy nhất là ở nơi công cộng, vẫn không có làn đường riêng cho người khuyết tật.

Thực tế số lượng người khuyết tật được hưởng chính sách hiện nay rất ít. Đa số chịu thiệt thòi vì không được hưởng phần phúc lợi mà đang lẽ họ được hưởng
Báo cáo tốt đẹp cả, sao xâm hại trẻ em lại thành vấn nạn?

Thống kê cho thấy 40% phụ nữ và trẻ gái khuyết tật từng bị xâm hại tình dục ít nhất là một lần trong đời nhưng họ không hề được trợ giúp.

Thật ra, những người cần giúp đỡ cũng có được chú ý nhưng chỉ trên… giấy tờ. Tới phần thực hiện thì thua!Sở dĩ có tình trạng đó vì người ta coi người tàn tật, người lớn tuổi, người yếu thế là một gánh nặng. Giúp đỡ chỉ là công việc từ thiện được chăng hay chớ, chứ không phải là trách nhiệm xã hội đối với công dân.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội than thở: “Vậy nên nhiều chính sách đã có cả rồi nhưng việc thực hiện còn… lơ ngơ. Tôi đi kiểm tra thực tế thì thấy, 2/3 số phụ nữ, trẻ em gái từng bị xâm hại ít nhất một lần trong đời không được trợ giúp, hỏi lý do mới biết, cán bộ phụ trách cũng không biết, không nắm được chính sách.
Tức là kiểm tra, những lỗi này khi được phát giác đều được dễ dãi bỏ qua. Nhớ thì ban bố ân huệ, không thì thôi. Nhắc nhở chút đỉnh lần sau đừng quên chứ còn bao nhiêu thứ quan trọng hơn công việc từ thiện này!
Vậy nên mới có nghịch lý, trong khi hầu hết các nơi đều báo cáo tốt đẹp cả, không phát hiện sai phạm nào hết thì thực tế, chuyện xâm hại trẻ em đã thành vấn nạn báo động. Quốc hội VN cũng vừa phải quyết định giám sát tối cao về vấn đề xâm hại trẻ em, trong đó có trẻ em khuyết tật.


Các giáo viên khi dạy học thường được khuyến khích, đề cao nếu có giáo cụ đi kèm. Vì thế nhiều người cố gắng nghĩ ra các giáo cụ lôi cuốn trong giờ đứng lớp. Đây cũng là một cách “sáng tạo” giáo cụ của giáo viên, chỉ có điều nó vượt quá khả năng phòng cháy của cô. May là bị phỏng mới có… ba trẻ và chưa… cháy trường!
Cô giáo đốt cồn dạy phòng chống cháy nổ, 3 trẻ mầm non bị bỏng
Vụ việc trên xảy ra vào khoảng 15h40 ngày 9/8, tại nhóm mầm non tư thục Tuổi thơ, ở xã Duy Minh, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Nhóm trẻ này có 2 lớp gồm lớp nhỏ tuổi, từ 1 đến 2,5 tuổi, nhóm lớn hơn từ 3 đến 5 tuổi.
Chương trình giáo dục mầm non có giờ dạy kỹ năng sống. Trong đó có bài hướng dẫn trẻ kêu cứu và thoát hiểm khi gặp nguy hiểm. Trường tổ chức dạy bài này cho khoảng 25 trẻ ở cả 2 lớp. Việc các cô giáo đổ cồn vào mâm để châm lửa đốt nhằm tạo tình huống giả định cho giờ học này.

Ngọn cồn đã cháy loang thì bất ngờ lúc này có gió mạnh từ ngoài cửa sổ thổi vào mâm cồn đang cháy, tạt lửa vào ba cháu bé gây phỏng nặng.
Đó là các bé sinh năm từ 2014 đến 2016. Tin từ bệnh viện cho hay 3 cháu bị phỏng rất nặng lên tới 50-60%, sức khỏe xấu.

 Chị Tạ Thị Mai (mẹ bé Anh T.) kể: “Tôi đang làm việc thì cô giáo gọi điện bảo bây giờ về gấp, con gái bị bỏng. Đến trường thấy các cháu nằm la liệt trong phòng tắm chắc các cô đang dội nước lạnh. Tôi cũng không nhận ra con gái mình vì tóc, lông mi cháy rụi, da lột hết. Con gái tôi bị nặng nhất trong ba bé”.
Chị Mai hỏi: “Chúng tôi chỉ đặt ra duy nhất một câu hỏi là, như con gái tôi 3 tuổi, vậy những bé 2-3 tuổi đút cơm ăn còn chẳng xong nữa là học kỹ năng sống. Những thứ đó sao các bé biết được. Tôi cũng như các phụ huynh vẫn chưa hiểu nguyên nhân con bỏng và bỏng như thế nào. Tôi có mở lại camera nhưng nhà trường đã tắt hết camera và không xem được”.

Trong lúc đó, một phụ huynh có con học ở trường này thuật lại: “Tôi nghe một số cháu kể với cha mẹ là cô giáo đổ thêm cồn vào mâm đang có cồn cháy, bị lửa bắt vào chai nên hoảng hốt hất tay, văng cồn từ chai vào người các cháu rồi bị bén lửa, gây bỏng cho 3 cháu. Thấy nói camera tại lớp học cũng ghi được hình ảnh này”.
Nếu các cô không đổ thêm cồn vào thì sẽ không xảy ra sự việc đáng tiếc này