Friday, January 22, 2016

Đại hội Đảng và cái chết của một học sinh bị bức cung

Đại hội Đảng và cái chết của một học sinh bị bức cung
Nhà văn Võ Thị Hảo
2016-01-20
Em Nguyễn Tấn Tâm, học sinh lớp 9 trường THCS xã Tịnh Bắc, tỉnh Quảng Ngãi nằm ở nhà trong tình trạng nguy kịch sau khi bệnh viện trả về.
Courtesy photo
“Sống không bằng chết”. Đó là tiếng kêu oan thấu trời xanh của một thanh niên 17 tuổi vì oan ức, vì bị bức cung, nhục hình mà phải tự sát ngay trước thềm Đại hội Đảng.
Sống không bằng chết...
Trong khi Bộ chính trị và Trung ương Đảng CS VN mở hết cuộc họp này đến cuộc khác, tiêu tốn vô số thì giờ và tiền bạc của dân chỉ để chia chác các ngôi vị, chuẩn bị cho Đại hội Đảng 12,  người dân VN cứ tiếp tục phải sống trong tình trạng có nhiều người vô tội bị tra tấn đến chết hoặc phải tự sát dưới bàn tay bức cung nhục hình của công an VN.
Những tiếng kêu oan của người sống và người chết, tiếng cảnh báo và phẫn nộ của dư luận trong nước và quốc tế đã rơi vào thinh không. Trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của Đảng về dự Đại hội hôm nay đã không thấy ai làm gì để đáp lại tiếng kêu oan khẩn thiết, đớn đau quặn ruột của người dân VN!
Không kể mấy trăm vụ mà báo chí đã đưa tin trước đây, mới nhất, bản tin ngày 16/11/2016, báo Doisongphapluat.com cho biết,  em Nguyễn Tấn Tâm, đang ngồi học tại lớp 9 trường THCS xã Tịnh Bắc, tỉnh Quảng Ngãi thì bị công an xộc vào lớp bắt đưa ra trụ sở. Theo tố cáo của em Tâm trước khi chết thì em đã bị công an tra khảo, đánh đập, bức cung buộc em nhận tội ăn cắp tiền của người hàng xóm và 10 vụ trộm cắp khác rồi mới thả về nhà. Oan ức quá, lại bị làm nhục trước toàn trường cùng toàn xã, em đã phải uống thuốc diệt cỏ tự tử để minh oan rằng mình không trộm cắp.
“Ba má ơi, con xin lỗi con chưa báo hiếu được cho ba má. Con sống không được nữa. Mang nỗi oan ức vào người nhưng chẳng có ai tin con nên con xin lỗi ba má con đi trước đây. Sống không bằng chết.”
Đọc lá thư tuyệt mệnh của Tâm, biết rằng em là một người tử tế, hiếu thuận với cha mẹ. Người có lương tâm không thể không đau xé lòng và căm phẫn những kẻ đã vu cáo và truy bức em đến mức phải chết trong đớn đau quằn quại nhiều ngày.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sơn Tịnh, một Đảng viên, một “phụ mẫu của dân” đã làm gì trước những hành động gián tiếp giết người của những công an viên thuộc huyện ông ta quản lý? Ông ta có trái tim con người không?
Điều đầu tiên ông làm cũng chẳng khác gì nhiều Đảng viên cộng sản có chức quyền trước ông ta đã làm. Đó là dối trá và bao che cho những kẻ nằm trong bộ máy chính quyền đã giết dân trên đất nước VN dưới quyền lãnh đạo của đảng CS này. Ông ta nói rằng khi công an hỏi cung Nam, có mẹ và cậu ruột của em chứng kiến, không có chuyện đánh đập bức cung. Trong khi đó mẹ em khẳng định là không hề chứng kiến.
Công an ở Bộ, trung ương, tỉnh, huyện, công an thôn xã ở đâu cũng đều là Đảng viên CS. Chí ít, họ hoạt động dưới sự chỉ đạo nghiêm ngặt của tổ chức Đảng CS. Họ làm bất cứ điều gì Đảng cũng biết vì tổ chức mạng lưới Đảng là hết sức tinh vi và dày đặc, với kinh phí vô hạn định lấy từ tiền đóng thuế của dân.
Ngày 15/1/2016, một người dân vô tội cũng đã chết sau 10 ngày bị công an Quỳ Hợp – Nghệ An bắt tạm giam. Khi bị bắt, sức khỏe ông Đặng Văn Hạnh bình thường. Người nhà không được biết tin gì về ông. Họ được công an gọi đến để nhận xác ông đã bị bầm tím cùng nhiều vết thương trên thân thể, gan và dạ dày bị thủng.  (theo phapluatso.com, bài “Tử vong sau khi tạm giam, dạ dày bị thủng, mặt nhiều vết bầm tim”, 17/1/2016).
Công an Quỳ Hợp – những người đã tra tấn ông Hạnh đến chết, cũng là Đảng viên Đảng CS VN.
“Lập công dâng Đảng” bằng cách giết dân và đánh linh mục?
Chỉ trong hơn 10 ngày trước Đại hội Đảng 12 mà lực lượng công an đã dùng bức cung và nhục hình giết chết hai người dân vô tội.
Sự hành hung của đám tay chân thuộc hệ thống chính quyền Đảng trị là có hệ thống, liên tục và ngày càng tăng về mức độ tàn nhẫn.
Mục sư Tin lành Nguyễn Hồng Quang đã bị hành hung tới 4 lần chỉ trong 3 tháng đầu năm 2015 tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương bởi một nhóm “côn đồ” hơn 20 người. Máu ông chảy ướt đầm mặt và áo. Công an đến, chỉ lập biên bản và không làm gì “nhóm côn đồ”. (theo VRNs , 26/3/2015)
Ngày 31/12/2015, linh mục Anton Đặng Hữu Nam tại Nghệ An, trên đường đi từ bệnh viện về đã bị khoảng 20 tên côn đồ bao vây, đánh đập và đạp ngã xuống kênh nước ngay giữa trờ rét.  Công an xã đứng ngay đó mà vẫn để mặc! Đương nhiên dư luận không thể bác bỏ nhận định rằng công an với côn đồ là một trong vụ này.
Họ lập công dâng Đại hội Đảng bằng cách ra oai sinh sát vậy ư?
Lễ tế quỷ thần nào mà có tục hiến sinh dâng máu dân?
Một đất nước mà công an thì ngang nhiên giết dân và hành hung linh mục, giáo dân. Các luật sư lương thiện dám đứng ra bảo vệ người dân thì bị chính nhà cầm quyền vu cáo, hành hung và bắt giam, thì đất nước ấy đã thuộc về ác quỷ, đất nước của địa ngục.  Người lương thiện đương nhiên bị tước đoạt ngay cả chốn nương náu cuối cùng.
Họ lấy máu của dân để lập công dâng Đảng đấy.
Những Đảng viên giết dân hôm nay có khác gì cán bộ Đội cải cách giết dân thời Cả cách ruộng đất! Cũng vu cáo, cũng dùng bức cung nhục hình buộc họ phải nhận tội rồi giết chết, bỏ qua pháp luật, công lý và tòa án.
Họ làm thế vì tội vu cáo, tội giết người là được thể tất, được bao che. Nếu lỡ giết nhiều người quá, khi cấp trên bao che không nổi, thì cũng chỉ một lời xin lỗi hoặc một hình phạt nhẹ cho qua chuyện là xong.
Những kẻ giết người ấy đều là Đảng viên. Tầng tầng lớp lớp họ là Đảng viên, có chức có quyền, chí ít cũng có súng, nắm đấm và dùi cui trong tay.
Cái chính thể độc Đảng này đã ngầm cho phép họ muốn giết ai thì giết. Bằng cách khi có cướp và giết thì có cấp trên và đồng nghiệp cùng cả một hệ thống Đảng bao che thoát tội và họ vẫn nhơn nhơn hành nghề. Đó là bởi Đảng cộng sản đã đứng trên pháp luật và trên tất cả mọi người dân. Khi đã xác định địa vị như vậy, chẳng ai đụng được đến Đảng vì Đảng là tuyệt đối, là trời.
Không thể hiểu nổi tại sao các quan chức Đảng và nhà nước có thể vô cảm đến như vậy trước việc giết chóc dân ngang nhiên tại đồn công an, dưới sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước VN?
Trong số những Đảng viên chức trọng quyền cao tham gia ĐH Đảng hôm nay,  thật lạ lùng là không thấy họ xúc động, bày tỏ cảm xúc của một con người trước nỗi đau và oan khuất của đồng loại, chưa nói đến việc trách nhiệm của họ là phải lên tiếng, phải chấn chỉnh lại đội ngũ lẽ ra bảo vệ dân thì lại ngang nhiên giết dân như vậy. Họ là người phải chịu trách nhiệm đầu tiên và cuối cùng của tỉnh trạng này.
Phải chăng, ngầm cho phép giết dân là một cách ra oai của hệ thống chính trị này?
Để cho người dân và đất nước bị rơi vào tình trạng hiện nay, những người có trách nhiệm không còn lý do tồn tại trong hệ thống lãnh đạo, chưa nói đến việc lẽ ra họ phải ra trước vành móng ngựa và đứng sau song sắt vì phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và tham nhũng.
Các hội nghị của Bộ chính trị và Trung ương cứ liên tục diễn ra.  Và nội bộ Đảng chỉ lo đấu đá để tranh giành ghế chức cao bổng lớn. Nào ai quan tâm đến việc dân chết oan cũng như dân tuyệt vọng chém giết nhau ngày ngày!
Không ai quan tâm việc dân bị hóa chất TQ đầu độc, đến ngay cả đồ chơi trẻ em, mì ăn liền và băng vệ sinh phụ nữ cũng bị phát hiện có chứa chất độc chết người. Dân VN đang phải sống trong một cuộc đại diệt chủng lâu dài, tinh vi, tàn ác nhất và không tiếng súng.
Vì thế, TQ thả sức lập đảo nhân tạo trong  lãnh hải VN, thả sức bắt giết ngư dân VN. Ngay cả tại một khu vực nhỏ như Đà Nẵng, đã có tới hơn 264 lượt tàu thuyền TQ xâm phạm vùng biển. Chỉ từ đầu năm 2016 đến nay đã có hàng chục chuyến máy bay TQ xâm phạm vùng trời VN, đe dọa an toàn bay VN và quốc tế. Nhưng lãnh đạo Đảng và nhà nước không quan tâm, không lên tiếng. Họ chỉ tung quân đội và công an ra để đàn áp dân và bảo vệ đại hội Đảng.
Đại hội lộ diện “Trần Ích Tắc“?
Càng gần đại hội Đảng, nhiều vị lãnh đạo cao nhất của Đảng CS VN đang liên tục đưa ra những quy định vi phạm điều lệ do chính họ đã đề ra nhằm tiếp tục dùng áp lực bấu chặt lấy địa vị của họ, dù đã quá tuổi được ở lại ứng cử.
Những ngày này, người  dân VN và quốc tế đã thêm tận mắt chứng kiến và phát hiện những trò giả dối, dương đông kích tây, muôn vàn mưu mô thủ đoạn, trong đó có cả một nhóm  “Trần Ích Tắc đua nhau “cõng rắn cắn gà nhà“ chỉ để bám lấy quyền lực! Bên ngoài, họ vờ vịt là những cuộc đại hội và bầu cử dân chủ, đoàn kết trong Đảng.
Đảng và thể chế chính trị độc tài của Đảng là như vậy. Sau hơn 85 năm tồn tại, thể chế ấy đã chuyển sang chế độ độc tài cộng sản phong kiến tập quyền trong đó con cháu được ông bà cha mẹ đặt vào vị trí lãnh đạo bằng những cách giành giật và cướp bóc những cơ hội đó của người có tài và những cuộc bầu cử thực sự dân chủ.
Khi công an đã mặc sức ra tay giết người và không ai ngăn chặn, trừng trị những kẻ giết người tập thể ấy.
Khi các luật sư có lương tâm đứng ra bênh vực người dân oan ức, bảo vệ công lý mà còn bị hành hung như luật sư Lê Quốc Quân, Lê Công Định, Trần Vũ Hải, Trần Thu Nam, Lê Văn Luân, Võ An Đôn... đặc biệt là gần đây luật sư Nguyễn Văn Đài vừa bị bắt giam.
Những luật sư giỏi và có lương tâm nhất, hiếm hoi còn sót lại giữa một rừng luật sư vô cảm hoặc hèn nhát hoặc vô lương, thì bị chính những Đảng viên cộng sản hành hung hoặc bỏ tù họ. Mục đích của Đảng và chính quyền là để dọa dẫm các luật sư, tước đoạt của dân người bảo vệ cuối cùng cho sinh mạng mong manh của họ trước cả một núi côn đồ núp dưới bóng Đảng và chính  quyền.
Vậy thì dân cứ tiếp tục bị giết chết trong đồn công an hoặc bất cứ nơi nào khác.
Đại hội Đảng 12 sắp diễn ra. Và máu của người dân VN lại tiếp tục đổ ngay trong và sau ĐH để làm vinh thân phì gia cho một nhóm độc tài…
Cách hành xử của Đảng CSVN hiện nay chính là sự xỉ nhục đối những Đảng viên còn giữ được lương tâm và phẩm giá làm người. Một số Đảng viên biết phẫn nộ trước những việc làm sai trái, biết tự vấn lương tâm, thúc bách Đảng phải đổi mới. Vì nhu cầu này, họ đã bị rẻ rúng và bị gạt ra ngoài hệ thống quyền lực.
Đại hội Đảng này không phải là của họ.
“Sống không bằng chết”. Đó là tiếng kêu oan thấu trời xanh của một thanh niên 17 tuổi vì oan ức, vì bị bức cung, nhục hình mà phải tự sát ngay trước thềm ĐH Đảng.
Điều có ý nghĩa duy nhất mà ĐH này cần làm là phải giải tán Đảng CSVN, trả lại thể chế đa nguyên và dân chủ, tự do, nhân quyền cho người VN.
Thể chế độc tài này không có tư cách để tồn tại vì nó là cỗ máy càng vận hành càng nghiến nát nhân cách và nhân quyền. Nếu không nhanh chóng xóa bỏ thể chế độc tài này, sẽ đến lượt vô số dân VN khác là nạn nhân tiếp theo và phải kêu lên “sống không bằng chết”.
Nhà văn Võ Thị Hảo


Mỹ chặn giữ số lượng súng kỷ lục tại sân bay trong năm 2015

Mỹ chặn giữ số lượng súng kỷ lục tại sân bay trong năm 2015
22.01.2016
Giới chức Mỹ năm ngoái đã chặn giữ một con số kỷ lục những hành khách hàng không chuẩn bị lên máy bay có mang theo súng, hầu hết đều đã nạp đạn.
Cơ quan Quản lý An ninh Giao thông Hoa Kỳ (TSA) cho biết trong một thông cáo báo chí hôm thứ Năm rằng 2.653 khẩu súng đã được tìm thấy trong hành lý xách tay trong năm 2015, tăng 20 phần trăm so với năm trước, vốn đã là một kỷ lục. Hơn 82 phần trăm những vũ khí bị tịch thu đã được nạp đạn.
TSA rà soát 708 triệu hành khách trong năm 2015, nhiều hơn 40 triệu người so với năm 2014.
"Việc vận chuyển súng ống bằng đường hàng không thương mại trong hành lý xách tay là mối đe dọa đến sự an toàn và an ninh của hành khách hành không," Quản trị viên TSA Peter V. Neffenger nói.
Ông nói thêm: "Thông qua việc tăng cường huấn luyện ở những phương pháp phát hiện, nhân viên của chúng tôi đang trở nên thành thục hơn trong việc chặn giữ những vật bị cấm."
Hầu hết những khẩu súng được phát hiện trong năm 2015 là tại những sân bay quốc tế lớn. Sân bay Dallas-Fort Worth ở bang Texas đứng đầu danh sách với 153 khẩu súng; Hartsfield-Jackson Atlanta bang Georgia, 144; George Bush ở thành phố Houston bang Texas, 100; Denver ở bang Colorado, 90; và Phoenix ở bang Arizona, 73.
Bất kỳ loại vũ khí nào đều bị cấm đựng trong hành lý xách tay. Tuy nhiên, hành khách có thể đưa súng lên máy bay nếu họ để trong hành lý ký gửi, không nạp đạn, được đóng gói đúng cách và được khai báo với hãng hàng không.


Thống Kê Trung Quốc và Ảo Giác Quốc Tế

Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA Ngày 160120
"Diễn đàn Kinh tế" 



Sau mấy tuần đầu năm đầy biến động, các thị trường tài chính thế giới đã thở ra nhẹ nhõm khi Cục Thống kê Bắc Kinh thông báo rằng năm qua, kinh tế của Trung Quốc tăng trưởng được 6,9%, mức thấp nhất kể từ năm 2009. Sở dĩ như vậy là vì người ta chờ đợi các biện pháp kích thích sản xuất của lãnh đạo kinh tế Trung Quốc. Như mọi khi, người ta sẽ lại lầm. Vì sao như vậy?
Cần thận trọng với loại phản ứng ngắn hạn

Nguyên Lam: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, trong mấy tuần đầu năm, các thị trường quốc tế đều chú ý nhất đến hai bí ẩn là giá dầu thế giới và tình hình kinh tế của Trung Quốc. Giá dầu thì đã hạ, lần đầu tiên từ 14 năm nay, dưới mức 30 đô la một thùng và còn có thể hạ sau khi Iran hết bị cấm vận và bơm thêm dầu xuất khẩu. Về tình hình kinh tế Trung Quốc thì hôm Thứ Ba 19 vừa qua, Cục Thống kê Quốc gia của Bắc Kinh loan báo đà tăng trưởng bình quân của năm 2015 vừa qua là 6,9%, mức thấp nhất kể từ năm 2009 và riêng trong Quý 4 thì chỉ được có 6,8%. Điều đáng chú ý là sau khi các số liệu có vẻ không tốt đẹp như vậy được công bố thì các thị trường quốc tế lại thở ra nhẹ nhõm vì tin rằng Bắc Kinh sẽ ban hành biện pháp kích thích sản xuất. Ông nghĩ sao về nghịch lý này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cho rằng chúng ta nên thận trọng với loại phản ứng ngắn hạn và nhiều khi hồ đồ của thị trường. Nếu không đặt các biến cố ngắn hạn vào một bối cảnh rộng hơn thì chúng ta dễ lượng định sai tình hình. Riêng về thống kê của Trung Quốc thì người ta nên chú ý đến vài yếu tố sau đây.

- Thứ nhất, ngẫu nhiên sao, đà tăng trưởng năm ngoái là 6,9% chẳng có sai biệt lớn với chỉ tiêu do lãnh đạo Bắc Kinh đề ra cho năm 2015. Tức là Bắc Kinh có khả năng tiên báo cao, là một chuyện nhảm nhí khó tin!

- Thứ hai, chi tiết thật ra dễ hiểu, là trên một lãnh thổ rộng lớn với phương tiện thông tin còn lạc hậu ở nhiều nơi, làm sao họ có thể tổng kết tình hình sản xuất của cả năm trước để kịp thông báo vào đầu tuần thứ ba của năm mới?

- Thứ ba, mãi rồi thế giới cũng phải biết tính chất thiếu khả tín của thống kê Trung Quốc - nhưng biết rồi lại quên. Nhân sự phụ trách về thống kê, từ Cục Thống kê Quốc gia cho đến các cơ quan chuyên môn của trung ương như Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Ngân hàng Trung ương hay các cấp bộ địa phương không thuộc một bộ máy hành chính có quyền hạn độc lập và trình độ chuyên môn cao. Khác với đa số quốc gia trên thế giới, bộ máy hành chính này chỉ là công cụ của nhà nước, dưới sự lãnh đạo của một đảng độc quyền, nên nhân viên ở dưới được thăng quan tiến chức là nhờ thượng cấp ở trên, chứ họ không chịu trách nhiệm với người ở dưới, nhất là với người dân. 

- Vì vậy, khi thu thập số liệu thống kê để báo cáo lên thượng cấp, người nào cũng có xu hướng tô hồng dữ kiện vì điều ấy có lợi cho họ. Kết quả là qua từng cấp bộ hành chính từ dưới lên, dữ kiện thống kê lại thêm một “hệ số tô hồng” và lên tới trung ương thì đấy là con số ảo, không đáng tin. Chính Thủ tướng Lý Khắc Cường khi còn là Bí thư Ninh Hạ đã phàn nàn về tình trạng bất khả tín của thống kê về tăng trưởng.

Nguyên Lam: Trên diễn đàn này, và từ nhiều năm rồi, ông đã liên tục trình bày những lý do khiến thống kê kinh tế tài chính của Trung Quốc là loại dữ kiện không đáng tin mà lại còn có quá nhiều khác biệt giữa các cơ quan hữu trách với nhau. Một thí dụ ông nêu ra là sản xuất của một tỉnh không thể nào tăng khi số năng lượng tiêu thụ cho yêu cầu sản xuất ấy lại giảm, hoặc nếu tính kết số của 31 tỉnh và thành phố thì sản lượng luôn luôn cao hơn con số của Cục Thống kê ở trung ương. Tức là mỗi cấp hành chính lại thổi lên một bội số với kết quả sau cùng là một con số ảo. Bây giờ, trở lại tình hình kinh tế thật của Trung Quốc, ông đánh giá thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau nhiều thập niên lầm tưởng chiến lược kinh tế Trung Quốc là một phép lạ, một sự kỳ diệu, thế giới đã tỉnh giấc mê Tầu và nhìn xứ này một cách trung thực hơn. Nhưng vấn đề hết là tăng trưởng cao hay thấp, 6-7% hay chỉ 4-5%, thậm chí chỉ có 3,5% thôi, vì không ai có cơ sở khách quan để ước tính cho chính xác và tất cả chỉ là lượng định.

- Vấn đề là Bắc Kinh vừa đưa ra một con số cho thế giới nhặt lấy mà chơi mà tính, theo ý hướng là “đà tăng trưởng có giảm so với trước đây nhưng dù sao vẫn rất với chỉ tiêu của lãnh đạo”. Tức là họ tạo ra một ấn tượng là dù sao cũng chưa đến nỗi tệ và họ vẫn còn có thể xử lý được. Sau khi thấy ra sự khác biệt giữa “ấn tượng” hay cảm quan mà Bắc Kinh phóng chiếu cho thiên hạ với sự thật kinh tế, chúng ta nên tìm hiểu xem Bắc Kinh sẽ làm gì và có thể làm những gì trước các vấn đề quá lớn của cơ chế kinh tế, xã hội, chính trị và thậm chí quân sự.

Nguyên Lam: Thưa ông, những vấn đề ấy là gì? Trên diễn đàn này, từ nhiều năm qua, ông đã cảnh báo về tình hình kinh tế Trung Quốc nhưng chúng ta vẫn cứ phải nhắc lại.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ là chúng ta vẫn cố tìm hiểu sự thật bên dưới những sự kiện do chính lãnh đạo Trung Quốc đưa ra để khỏi bị hiểu lầm là mình có thiên kiến.

- Thứ nhất, khối dự trữ ngoại tệ của Bắc Kinh đã mất 513 tỷ đô la trong năm ngoái và riêng trong Tháng 12 thì mất 118 tỷ, tức là mỗi ngày có thể mất ba tỷ sáu. Chi tiết đáng chú ý hơn là chính Bắc Kinh đã lần đầu tiên đưa ra các con số ấy. Từ đó, ta nên chú ý đến vấn đề ngoại hối, tỷ giá đồng bạc, nạn tẩu tán tài sản và cả chế độ kiểm soát tư bản mà Bắc Kinh có thể ban hành.

- Thứ hai, cũng từ Bắc Kinh ra, Thông tin Lao động cho biết năm qua đã có nạn công nhân lãng công, đình công và biểu tình nhiều nhất kể từ năm năm trở lại. Kết hợp chuyện ấy với một tin khác thì ta thấy ra bài toán xã hội, tức là chính trị, của lãnh đạo Bắc Kinh. Tin ấy là từ nay doanh nghiệp nhà nước phải ra sức tuyển dụng bộ đội phục viên để góp phần giảm thiểu nạn thất nghiệp!

Kinh tế bất ổn xuất phát từ hệ thống chính trị 

Nguyên Lam: Việc doanh nghiệp nhà nước xưa nay đã nổi tiếng là kém hiệu năng và còn sản xuất dư thừa và để tồn kho ế ẩm chất đống mà ngày nay lại còn phải thu dụng thêm nhân công từ quân đội thải ra thì quả là chuyện rất đáng chú ý. Thưa ông, phải chăng vì vậy mà hồi nãy ông nhắc đến một vấn đề của lãnh đạo Bắc Kinh chính là quân đội?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Xưa nay, Trung Quốc theo đuổi một chiến lược sai lầm là tìm mọi cách giảm trừ thất nghiệp nên đầu tư mạnh, xuất khẩu nhiều để thu dụng nhân công mà bất kể lời lỗ. Sai lầm vì doanh nghiệp không có chức năng tạo ra việc làm của một sở xã hội mà là tạo ra của cải và nhờ vậy mới đem lại việc làm. Vì chiến lược ấy, kinh tế xứ này trở thành một công xưởng toàn cầu với nhân công nhiều và lương rẻ. Ngày nay, họ phải chuyển hướng là lấy tiêu thụ nội địa làm lực đẩy, nhưng muốn tiêu thụ thì phải có lợi tức, là bài toán chưa có giải đáp và còn gây mâu thuẫn chính trị khi trung ương đòi tái phân phối lợi tức từ các tỉnh trù phú tới các địa phương nghèo đói lạc hậu. Giữa lúc đó thì ta lại thấy lấp ló nạn thất nghiệp mà lần này là thất nghiệp từ một lực lượng chính trị và xã hội then chốt của chế độ là Giải phóng quân.

- Tức là có chuyện gì đó rất lạ đang xảy ra tại Trung Quốc! Khi ấy ta chú ý đến sự kiện Chủ tịch Tập Cận Bình có những phê phán nghiêm khắc vào buổi cuối năm hướng về tướng lãnh và ông cũng nhiều lần tái khẳng định rằng quân đội phải tuyệt đối trung thành với đảng. Có thể là trong nỗ lực cải cách quốc phòng để xây dựng bộ máy quân sự tiên tiến hiện đại, Tập Cận Bình đã gặp sự cưỡng chống của nhiều tướng lãnh. Nạn bộ đội thất nghiệp là chỉ dấu của một điều gì đó còn nguy ngập hơn ở bên dưới.

Nguyên Lam: Ngoài vấn đề tăng trưởng thấp, nạn thất thoát tư bản và nạn thất nghiệp, ông còn thấy ra những bài toán gì khác của lãnh đạo Bắc Kinh trong năm nay?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cho rằng bài toán kinh tế nghiêm trọng nhất của Bắc Kinh là làm sao quản lý được cơ năng rời rạc của một bộ máy hành chính công quyền tập trung về chính trị mà thiếu phối hợp về nghiệp vụ khi cần kích thích một bộ máy sản xuất bại xuội. Con số tăng trưởng 6,9% không là triệu chứng bên ngoài mà thật ra phơi bày bản chất bên trong của những thách đố năm nay.

- Bên cạnh đó, ta cũng không quên rằng tuần qua, Tập Cận Bình đã tham dự phiên họp của Ban Kỷ luật Kiểm tra Trung ương và nhấn mạnh rằng mọi đảng viên các cấp từ trung ương đến địa phương phải tuyệt đối trung thành với đảng. Dưới sự điều động của ông Vương Kỳ Sơn, cơ chế này của đảng đang tiến hành chiến dịch diệt trừ tham nhũng kéo dài từ gần bốn năm nay. Nhưng nó gây tác dụng ngược là làm tê liệt bộ máy hành chính công quyền vì ai cũng có thể liên hệ đến hành vi tham nhũng vốn dĩ là một thuộc tính của hệ thống kinh tế chính trị độc tài.
Nguyên Lam: Khi nhìn ra bên ngoài thì hình như các thị trường quốc tế vẫn còn quá lạc quan về khả năng ứng phó của lãnh đạo Bắc Kinh nên mới thở ra nhẹ nhõm và ông gọi tinh thần lạc quan ấy là hồ đồ, ngắn hạn, hay thiển cận. Xin ông giải thích thêm về chuyện này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nói về khung cảnh quốc tế, chúng ta không quên rằng mọi sự khởi đầu từ năm 2008, khi bộ máy sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc đụng phải một thực tế bất ngờ là thiếu người mua hàng vì khối kinh tế tiên tiến Âu-Mỹ-Nhật bị suy trầm và gây ra nạn Tổng suy trầm 2008-2009. Đấy là một cơn chấn động có kích thước toàn cầu khiến nước nào cũng ra sức kích thích sản xuất mà không thể xuất khẩu lên cung trăng. Khi ấy, Bắc Kinh tăng chi và ào ạt bơm tín dụng để giữ đà tăng trưởng cao, nhưng là tăng trưởng ảo trên một núi nợ sẽ sụp đổ. Bảy năm sau là ngày nay thì bài toán tăng trưởng vẫn đặt ra, với một sự thật mới là Bắc Kinh lúng túng phơi bày một khả năng phối hợp và quản lý rất kém.

- Nói về sự hàm hồ, đã có một thời mà trong sự hốt hoảng của thế giới, nhiều nhà lý luận Hoa Kỳ dại dột bảo rằng phải chi mà các nền dân chủ lại có toàn quyền quyết định như lãnh đạo Bắc Kinh thì bài toán kinh tế đã được giải quyết mau lẹ. Sự hàm hồ ấy đã có từ khi họ khâm phục mô hình kinh tế Xô viết ngày xưa, và ngày nay đang tiếp tục với mô hình Trung Quốc.

- Kết luận thô thiển của tôi là Bắc Kinh sẽ lại “kiến cơ nhi tác”, tức là lấy nhiều quyết định nhất thời, lụp chụp và mâu thuẫn nên gây nhiều biến động hơn, trong khi kinh tế toàn cầu có thể lại bị suy trầm nữa vì nhiều lý do khác nhau. Trong sự gập ghềnh chung của năm nay, kinh tế Trung Quốc sẽ có nhiều bất ổn nhất, và xuất phát từ hệ thống chính trị!

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á châu Tự do xin cảm tạ ông Nghĩa về bài phân tích này. 


Tuesday, January 19, 2016

Lễ tưởng niệm 74 tử sỹ Hoàng Sa

Lễ tưởng niệm 74 tử sỹ Hoàng Sa
·         9 giờ trước
Hàng chục người tham gia lễ tưởng niệm 74 tử sỹ Việt Nam Cộng hòa nhân ngày Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc 19/1.
Buổi lễ sáng thứ Ba ở Hà Nội diễn ra tại tượng đài Lý Thái Tổ dưới sự quan sát của chính quyền nhưng không bị can thiệp.
Tuy nhiên một buổi lễ được lên kế hoạch tại TP Hồ Chí Minh đã bị một số công nhân vệ sinh và vòi phun nước cản trở. Được tin một số người tham gia bị câu lưu.
Một nhân chứng có mặt trong lễ tưởng niệm ở Hà Nội cho BBC hay ước tính khoảng 60 người có mặt tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ ở trung tâm Hà Nội.
Buổi lễ bắt đầu lúc 8:30 sáng. Người tham gia cầm hoa và biểu ngữ mang dòng chữ "Nhân dân không bao giờ quên" cùng ngày tháng 19/1, 17/2 và 14/3, tức mốc dấu các sự kiện xung đột với Trung Quốc năm 1974, 1979 và 1988.
Một số người mang dải băng màu xanh có dòng chữ 'Nhân dân không quên' trên trán.
Một nhóm trẻ em cũng mang hoa đặt tại chân tượng đài, có em cầm lá cờ mang con số 74.
Riêng trong trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974, 74 chiến sỹ hải quân của VNCH đã ngã xuống và quần đảo này hoàn toàn rơi vào tay Trung Quốc.
Hiện trong nước bắt đầu có kêu gọi vinh danh các tử sỹ VNCH cùng những liệt sỹ khác đã "hy sinh vì Tổ quốc".
Hôm 17/1 ở đảo Lý Sơn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và chính quyền địa phương đã tổ chức lễ đặt viên đá khởi công Khu tưởng niệm Nghĩa sỹ Hoàng Sa, trong đó có các chiến sỹ VNCH.
Tuy nhiên cũng có tiếng nói phản đối của những người cho rằng VNCH phải chịu trách nhiệm đã "để mất Hoàng Sa".



'Cần công nhận VNCH và Liệt sĩ ở Hoàng Sa'

'Cần công nhận VNCH và Liệt sĩ ở Hoàng Sa'
·         3 giờ trước
Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa vừa được khởi công xây dựng trên đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, trùng dịp kỷ niệm hải chiến Hoàng Sa (19/1/1974) làm 74 chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa thiệt mạng và quân đội Trung Quốc chiếm hoàn toàn quần đảo này. Sang ngày 19/1, hai cuộc tuần hành tưởng niệm nghĩa sỹ Hoàng Sa đã diễn ra tại Hà Nội và TPHCM.
Hồi tháng 3/2010 khi còn ở tại Việt Nam, Tiến sỹ Luật Cù Huy Hà Vũ đã gửi đến Nhà nước Việt Nam "Kiến nghị xây dựng đài tưởng niệm Liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam".
Hiện là học giả tại Đại học Luật Northwestern, Hoa Kỳ, ông cho BBC biết về câu chuyện này.
Cù Huy Hà Vũ (CHHV): Ngày 4/3/2010, tôi đã gửi Quốc Hội, Chủ tịch Nước và Thủ tướng Việt Nam "Kiến nghị xây dựng đài tưởng niệm Liệt Sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam" trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng trong việc xâm phạm chủ quyền và lãnh thổ của Việt Nam ở Biển Đông, cụ thể là lăm le xâm lược nốt quần đảo Trường Sa của Việt Nam...

Trong văn bản này, tôi nêu đã nêu Điều 52 Hiến pháp Việt Nam quy định: “Mọi công dân đều bình đẳng trước Pháp luật” và Điều 11 “Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng quy định: “Liệt sĩ là người đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ Quốc, được Nhà nước truy tặng Bằng “Tổ quốc ghi công” và “Nhà nước và nhân dân xây dựng, quản lý, chăm sóc, giữ gìn các công trình ghi công liệt sĩ, bao gồm phần mộ, nghĩa trang, đài tưởng niệm, bia ghi tên liệt sĩ” để trên các cơ sở pháp lý đó kiến nghị Nhà nước Việt Nam “công nhận Liệt sĩ và truy tặng Bằng “Tổ Quốc ghi công” cho 58 Công dân Việt Nam hy sinh trong chiến đấu bảo vệ quần đảo Hoàng Sa ngày 19 tháng 1 năm 1974, và Xây dựng Đài tưởng niệm Liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam có khắc tên 122 Liệt sĩ”.
Tôi cũng đề nghị rà lại con số Liệt sĩ cho chính xác để không một chiến sĩ Việt Nam nào “vị quốc vong thân” có thể bị lãng quên và nêu kiến nghị:
“Trước tình hình lãnh thổ Việt Nam trên biển nói chung, quần đảo Trường Sa nói riêng, đang bị nước ngoài triển khai xâm chiếm bằng vũ lực một cách ráo riết và nghênh ngang chưa từng có, Chủ nghĩa Yêu nước của toàn thể người Việt Nam – Nhân tố quyết định thắng lợi của mọi cuộc chiến tranh ái quốc từ xưa tới nay, hơn bao giờ hết phải được phát huy cao độ.

Trong bối cảnh đó, việc xây dựng Đài tưởng niệm 122 liệt sĩ anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa nhằm biểu thị quyết tâm không gì lay chuyển nổi của toàn thể nhân dân Việt Nam, bảo vệ và giành lại chủ quyền biển, đảo và trên hết, bảo vệ độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, là vô cùng cấp thiết!"
Khi gửi Kiến nghị này cho Nhà nước Việt Nam tôi còn nhằm hai mục đích khác:
§  Thứ nhất, thực hiện hòa hợp, hòa giải dân tộc vì Nhà nước Việt Nam hiện nay vẫn coi Việt Nam Công hòa là “ngụy quân, ngụy quyền”, là kẻ thù dẫn đến hận thù dân tộc đã không thể khép lại cho dù cuộc chiến tranh Việt Nam đã kết thúc hơn 40 năm.
§  Thứ hai, Nhà nước Việt Nam có ‘chính danh’ Việt Nam Cộng hòa là một chính quyền Việt Nam thì mới “ngôn thuận” khi kêu gọi quốc tế ủng hộ Việt Nam bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa vốn thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa theo Hiệp định Genève 1954.
Thế nhưng không những tôi đã không nhận được bất cứ phản hồi nào từ Quốc Hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Việt Nam mà ngược lại, tôi còn bị chính quyền Việt Nam bắt giam vào ngày 5/10 cùng năm và sau đó bỏ tù về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 88 Bộ Luật hình sự.
Cáo trạng của Viện kiểm sát Hà Nội kết tội tôi ghi rõ: “Vũ bóp méo sự thật về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, phê phán Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gây chia rẽ, thù hằn dân tộc”.
BBCNhìn từ Hoa Kỳ, Tiến sĩ có nghĩ rằng số tiền 70 tỷ đồng mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bỏ ra để xây Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa có ý nghĩa nào đó với cộng đồng người Việt hải ngoại?
Trước tình hình lãnh thổ Việt Nam trên biển nói chung, quần đảo Trường Sa nói riêng, đang bị nước ngoài triển khai xâm chiếm bằng vũ lực một cách ráo riết và nghênh ngang chưa từng có, Chủ nghĩa Yêu nước của toàn thể người Việt Nam – Nhân tố quyết định thắng lợi của mọi cuộc chiến tranh ái quốc từ xưa tới nay, hơn bao giờ hết phải được phát huy cao độ.
CHHV: Trước hết, việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khởi công Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn đã khẳng định "Kiến nghị xây dựng đài tưởng niệm Liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam" của tôi gửi Nhà nước Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, đồng thời cũng cho thấy thành phần biết đặt Tổ quốc lên trên Đảng cộng sản cũng như quyết tâm chống Trung Quốc xâm lược đã bắt đầu mạnh lên trong ban lãnh đạo Việt Nam hiện nay.
Nói cách khác, đây là chỉ dấu cho thấy chính quyền Việt Nam bước đầu “phục thiện”, thừa nhận chỉ có đoàn kết tất cả mọi người Việt Nam trong và ngoài nước, bất luận chính kiến, bất luận đã từng ở bên kia chiến tuyến, thì mới có thể bảo vệ thành công Tổ quốc Việt Nam trước sự xâm lược Trung Quốc.
Do đó, giá trị của Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa không phải ở số tiền xây dựng là bao nhiêu mà là ở chỉ dấu chính quyền cộng sản có thể vượt qua chính mình để tôn trọng lịch sử, tri ân các chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa đã vì nước hy sinh và qua đó thừa nhận Việt Nam Cộng hòa cũng là chính quyền của người Việt Nam.
BBCCông việc hòa hợp hòa giải dân tộc giữa hai bên ‘thắng cuộc’ và ‘thua cuộc’ sau 1975 thực chất là gì?
CHHV: Chính quyền Việt Nam luôn nói đến “hòa hợp, hòa giải dân tộc” nhưng chính sách này là không thực chất, hay nói cách khác là mỵ dân.
Thực vậy, nói “hòa hợp, hòa giải dân tộc” tức phải thừa nhận chiến tranh Việt Nam chấm dứt vào 30/4/1975 là “nội chiến”, là chiến tranh giữa những người Việt Nam.
Thế nhưng, chính quyền Việt Nam cho đến nay vẫn không thừa nhận chiến tranh Việt Nam là “nội chiến”, vẫn coi Việt Nam Cộng hòa là “ngụy quân”, “ngụy quyền”, là tay sai, là lính đánh thuê cho Mỹ xâm lược Việt Nam mà thôi.
Không những thế, sau 30/4/1975, chính quyền cộng sản còn tập trung cải tạo trong rất nhiều năm trời hàng trăm ngàn quân nhân, viên chức Việt Nam Cộng hòa, thì rõ đó là một sự trả thù “bên thua cuộc”...
Tại Mỹ, có nhiều sĩ quan, viên chức cao cấp Việt Nam Cộng hòa tâm sự với tôi rằng sau 30/4/1975 họ đã quyết định ở lại Việt Nam vì nghĩ rằng chính quyền cộng sản thể nào cũng sẽ “hòa hợp, hòa giải dân tộc” mà không trả thù họ, thậm chí sử dụng năng lực chuyên môn của họ để tái thiết quốc gia thời hậu chiến.
Việc chính quyền cộng sản giam cầm họ rất nhiều năm trời cũng như vệc họ chứng kiến cái chết của những người đồng cảnh đã dập tắt trong họ le lói cuối cùng về “sự tử tế” nơi những người cộng sản và thay vào đó là sự hận thù khôn giải.
Tóm lại, đối với đại đa số người Việt hải ngoại, kể cả những người đã về Việt Nam thăm gia đình, thì “hòa hợp, hòa giải” chỉ là sự lừa bịp của chính quyền cộng sản Việt Nam, không thể có “hòa giải, hòa hợp dân tộc” chừng nào còn chế độ cộng sản ở Việt Nam.
Để có “hòa hợp, hòa giải dân tộc” thực sự thì chỉ cần chính quyền Việt Nam xóa bỏ những nguyên nhân đã gây ra hận thù dân tộc.
§  Thứ nhất, chính thức thừa nhận Việt Nam Cộng hòa là một chính quyền của người Việt Nam trước 30/4/1975, đồng nhất với thừa nhận chiến tranh Việt Nam là “nội chiến”, chấm dứt mạt sát chính thể Việt Nam Cộng hòa là “ngụy quân”, “ngụy quyền”.
§  Thứ hai, chính thức đưa ra lời xin lỗi đối với các cựu quân nhân và viên chức Việt Nam Cộng hòa đã bị chính quyền giam cầm trong các trại tập trung cải tạo sau 30/4/1975, kể cả những người đã chết ở các trại này.
§  Thứ ba, công nhận Liệt sĩ cho tất cả các chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa đã hy sinh trong chiến đấu chống Trung Quốc xâm lược tại quần đảo Hoàng Sa vào ngày 19/1/1974, dựng đài tưởng niệm Liệt sĩ có khắc tên của họ mà trong trường hợp này là tại Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa, nhằm bảo đảm bình đẳng với các chiến sĩ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã hy sinh trong chiến đấu chống Trung Quốc xâm lược trong chiến tranh biên giới năm 1979 và tại quần đảo Trường Sa ngày 14 tháng 3 năm 1988.
§  Cuối cùng và quan trọng nhất, tiến hành dân chủ hóa chế độ cộng sản bằng cách chấm dứt đàn áp nhân quyền, trả tự do cho tất cả những người bất đồng chính kiến bị cầm tù và thiết lập chế độ Dân chủ - Đa đảng ở Việt Nam.


Tưởng niệm 42 năm ngày mất Hoàng Sa


Tưởng niệm 42 năm ngày mất Hoàng Sa
RFA 18.01.2016

Hôm nay cũng là ngày cách đây 42 năm quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đoạt. Trong những ngày qua đã có nhiều hoạt động để kỷ niệm này lịch sử này.
Ông Huỳnh Kim Báu, chủ nhiệm câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng tại Sài gòn cho biết:
Như chúng tôi đã thông báo trên mạng là chúng tôi sẽ kỷ niệm ngày 74 chiến sĩ đã hy sinh tại Hoàng Sa vào năm 1974, chỗ tượng Trần Hưng Đạo nhìn ra sông Bạch Đằng. Việc phải làm thì chúng tôi làm, còn có cản trở hay không thì chúng tôi không quan tâm. Nếu họ cản trở thì đó là điều đáng trách, bởi vì chúng tôi là những người Việt Nam yêu nước, chúng tôi trân trọng những người đã bỏ mình vì Hoàng Sa, tôi nghĩ bất cứ người yêu nước bình thường nào cũng biết trân trọng.
Tại Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đại diện cho tổ chức dân sự No-U nói:
Về việc 74 chiến sĩ Việt nam cộng hòa hy sinh tại trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19 tháng giêng năm 1974, tại Hà nội những người yêu nước phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc sẽ tổ chức buổi tưởng niệm tại tượng đài Lý Thái Tổ khu vực hồ Gươm vào lúc 8h30.
Và cũng tại Hà Nội, cựu Đại tá quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Đăng Quang cho biết:
Tôi thấy việc đó là việc rất nên làm. Đã hơn 40 năm nay rồi, chính thức mà nói thì nhà nước chưa có thừa nhận hay có một hoạt động kỷ niệm nào cả. nhưng một tổ chức như câu lạc bộ bóng đá No-U đứng ra tổ chức một hoạt động vinh danh 74 chiến sĩ Việt Nam cộng hòa hy sinh thì tôi thấy việc đó là việc rất nên làm.
Dù ai chăng nửa thì trách nhiệm bảo vệ tổ quốc là trách nhiệm chung của mọi công dân Việt nam. Tôi cũng muốn nói thêm là đây là dịp một là vinh danh 74 chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh vì chống trả bọn Trung Quốc xâm lược đảo Hoàng sa của Việt nam, và đồng thời những hoạt động như thế này theo ý kiến cá nhân tôi cũng là để góp phần vào việc hòa giải hòa hợp dân tộc.