Tuesday, March 8, 2016

THVN Vi Phạm Bản Quyền Trên YouTube

Cập nhật vụ VTV và bản quyền trên Youtube
Đại diện của VTV đã không xuất hiện trong buổi gặp mặt 'thương lượng bản quyền' với một chủ tài khoản trên Youtube, sau sự kiện một kênh Youtube của đài truyền hình này bị đóng vì bị chủ tài khoản 'báo cáo vi phạm' ba lần.
Trước đó, trong một phỏng vấn với BBC Tiếng Việt, ông Bùi Minh Tuấn, chủ tài khoản liên quan trong vụ tranh chấp cho biết Ban Kiểm Tra của đài VTV có gọi đến và hẹn sẽ gặp ông.
Ông Tuấn công bố thời gian cuộc gặp là tám giờ sáng, và tự làm tường thuật trực tiếp bằng kênh Youtube của mình.
Tuy nhiên, trong ngày 06/3, VTV đã có phản hồi và cho biết lý do vì sao đài này không xuất hiện tại cuộc gặp với ông Bùi Minh Tuấn.
Bài báo trên trang VTV.vn cho hay:
"Trưởng Ban Kiểm tra - Đài Truyền hình Việt Nam cho biết, vào ngày 02/3/2016, qua điện thoại, đại diện Ban Kiểm tra - Đài THVN có hẹn gặp ông Bùi Minh Tuấn để trao đổi về những vấn đề liên quan đến bản quyền, trên tinh thần cầu thị, chân thành, làm rõ hơn các trường hợp vi phạm, với mong muốn tìm ra những giải pháp hữu hiệu cho toàn bộ vấn đề. Cuộc gặp dự định diễn ra vào sáng 06/3/2016.
"Tuy nhiên, ông Bùi Minh Tuấn đã liên tiếp thông tin tới báo chí, thông báo sẽ tường thuật trực tiếp cuộc gặp gỡ giữa hai bên trên Youtube, mời cơ quan báo chí tới tham dự..., thậm chí ông Tuấn còn tuyên bố "nếu người đại diện của VTV có mang tiền đến bồi thường hay có ý định tiêu cực nào khác, tôi sẽ huỷ buổi làm việc"...
"Ngay sau đó, Trưởng ban Kiểm tra - Đài Truyền hình Việt Nam đã thông báo huỷ cuộc hẹn qua email với ông Tuấn và ông Tuấn cũng đã trả lời email...", VTV cho biết.
Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam xảy ra một cuộc thương lượng bản quyền giữa một cá nhân và đài quốc gia và được chính cá nhân đó tường thuật trực tiếp trên mạng.
Trước đó, ông Nguyễn Khoa Hồng Thành – Phó giám đốc Emerald – chuyên gia trên thị trường kỹ thuật số tại Việt Nam gọi đây là “vấn đề rất nghiêm trọng” vì “với tư cách là đài truyền hình quốc gia mà dính vào chuyện bản quyền đến bị đóng cả kênh YouTube”.
Tại nhà riêng, ông Bùi Minh Tuấn, tác giả kênh Youtube Yamaha Trung Tá, có một số khán giả đến xem buổi thương lượng này.
Tôi cần lời xin lỗi nên bằng tư cách công dân của tôi, tôi phải bảo vệ bản thân tôi. Điều đó hoàn toàn đúng pháp luật, tôi thực hiện tại nhà tôiÔng Bùi Minh Tuấn
Trả lời BBC Tiếng Việt, ông Tuấn nói khi ông đưa vụ vi phạm bản quyền ra công chúng, nhiều người cho rằng ông “rất muốn nổi tiếng” và “muốn đòi tiền từ phía VTV”.
'Bị đóng vĩnh viễn'?
Ông Tuấn cho biết tại buổi truyền hình trực tiếp: “Kênh Youtube của VTV bị khoá từ tối 28/2, sáng nay sẽ chính thức bị đóng không khôi phục được nữa, quá hạn 7 ngày và không thương lượng với tác giả sẽ bị đóng.”
Ông nói “không muốn bị nghi kỵ về các thương lượng tiền bạc” dù VTV muốn “gặp riêng”.
Trong buổi tường thuật kéo dài 30 phút, ông Tuấn phát lại các đoạn ghi âm được cho là từ các biên tập viên, nhân viên của đài VTV.
"Tôi cần lời xin lỗi nên bằng tư cách công dân của tôi, tôi phải bảo vệ bản thân tôi. Điều đó hoàn toàn đúng pháp luật, tôi thực hiện tại nhà tôi," ông Tuấn nói với BBC Tiếng Việt.
“Rất nhiều hình ảnh như thế mà còn có cái logo như thế làm “không đều hình” – thời lượng hụt quá không phát được” – Một người tự xưng là biên tập viên của đài giải thích vì sao không xin phép khi sử dụng đoạn clip của tác giả này.
Một người tự xưng là Diệp Anh – từ chương trình Chào Buổi Sáng – nói trong đoạn ghi âm giải thích là “thúc ép về mặt thời gian” nên “chưa lên được bản quyền”.
Từ tối ngày 28/2, khi người dùng truy cập vào tài khoản VTVGo trên YouTube đều nhận được thông báo: “VTV - Đài Truyền hình Việt Nam đã bị chấm dứt do chúng tôi nhận được nhiều khiếu nại của bên thứ ba về việc vi phạm bản quyền liên quan đến tư liệu mà người dùng đã đăng.”
VTVGo hiện vẫn chưa được cho phép hoạt động lại.
Đài Truyền hình Việt Nam đã tích cực làm việc với các bên liên quan để giải quyết triệt để vấn đề bản quyền khai thác và sớm khôi phục lại kênh YouTube bị tạm ngưngThông báo của VTV
Chủ tài khoản YouTube tên Yamaha Trung Tá (là cá nhân ông Bùi Minh Tuấn) cáo buộc: “Bên VTV vi phạm của tôi, phát hiện ra được là gần 20 vụ”.
Ông cho biết VTV đã “xóa luôn logo” và xóa luôn dòng chữ “Copyright by Yamaha Trung Tá của tôi”.
'Nhằm kiếm tiền'?
Tối ngày 29/2, VTV phát đi thông cáo:
“Nguyên nhân dẫn đến khiếu nại này là trong quá trình tác nghiệp, một số biên tập viên của VTV đã không thực hiện đúng quy trình sản xuất, sử dụng tư liệu trên mạng đưa vào nội dung chương trình mà chưa được sự chấp thuận của tác giả chủ sở hữu nội dung.”
Thông cáo này cũng nói:
“Đài Truyền hình Việt Nam đã tích cực làm việc với các bên liên quan để giải quyết triệt để vấn đề bản quyền khai thác và sớm khôi phục lại kênh YouTube bị tạm ngưng."
Ông Tuấn nói ông “yêu cầu tôn trọng tác giả, hãy điện cho mình nếu sử dụng clip, mình không lấy bất cứ kinh phí nào".
Chủ trang Youtube đã báo cáo vi phạm trang Youtube của VTV nói: "Không có thông báo nào đến nói VTV muốn hủy cuộc hẹn"
Buổi tường thuật trực tiếp kết thúc sau 30 phút, và đại diện từ phía VTV không đến.
Để thực hiện buổi tường thuật trực tiếp trên Youtube, ông Tuấn sử dụng chín camera, đường truyền internet, phần mềm miễn phí, và một máy tính Mac có bản quyền.
Sau sự kiện truyền hình trực tiếp cuộc gặp gỡ, trang tin ICTnews của Bộ thông tin và Truyền thông Việt Nam cho biết họ có liên lạc với Ban Kiểm tra của VTV để hỏi về yêu cầu của ông Bùi Minh Tuấn với đài truyền hình quốc gia.
Tờ này cũng trích dẫn lời "một biên tập viên kỳ cựu của VTV" cho rằng ông Tuấn "chẳng qua nhằm kiếm tiền của VTV cũng như muốn nổi tiếng."
ICTNews dẫn lời lãnh đạo VTV nói sẽ trả lời "vào tuần sau vì lý do đang đi công tác trong miền Nam."
BBC Tiếng Việt đã tìm cách liên lạc với VTV trong dịp cuối tuần để tìm hiểu thêm về sự việc cũng như quan điểm của cơ quan truyền thông này, nhưng chưa liên hệ được.


Hòn ngọc Viễn Đông 'mất duyên'

Hòn ngọc Viễn Đông 'mất duyên'
06.03.2016
Sài Gòn, nơi từng được mệnh danh là ‘Hòn ngọc Viễn Đông’, đang ngày càng kém duyên và biến thành một đô thị xô bồ, ô nhiễm. Những ngợi khen về con người Sài Gòn chân tình, hào sảng đang dần mất dạng để nhường chỗ cho một xã hội bon chen, trộm cướp hoành hành.
Vì đâu nên nỗi? Làm cách nào lấy lại được những tiếng thơm đã mất và khôi phục lại vẻ đẹp vốn có của thành phố năng động này?
Đó là chủ đề của Tạp chí Thanh Niên VOA hôm nay, với 3 khách mời là những cư dân trẻ của Sài thành: Phạm Văn Lộc, Nguyễn Trần Hoàng, và Hoàng Kim Sơn. Mời các bạn cùng gặp gỡ. Trà Mi: Các bạn thấy hình ảnh Sài Gòn ngày nay khác xưa thế nào?

Phạm Văn Lộc: Sài Gòn bây giờ đã thay đổi rất nhiều, một thành phố khói bụi ô nhiễm, và đã mất đi nét văn minh của Sài Gòn xưa từ cách ứng xử của từng người. Ra đường chỉ cần một va quẹt nhỏ là người ta ứng xử với nhau thiếu văn hóa.
Trà Mi: So sánh Sài Gòn xưa và nay, Lộc nghĩ ngay tới những hình ảnh chưa đẹp. Còn Sơn, cảm nhận của bạn về Sài Gòn thế nào?
Hoàng Kim Sơn: Xưa dưới thời Việt Nam Cộng hòa, Sài Gòn giữ được những nét cổ, đẹp theo văn hóa, quy hoạch của người Pháp. Nay, sau một thời quản lý của nhà nước này, có vẻ như hơi chệch choạt về quy hoạch đô thị cũng như về đạo đức con người. Dân ở đây giờ chủ yếu là dân nhập cư, chứ người gốc Sài Gòn rất ít. Do mặt bằng chung của xã hội và giáo dục đạo đức, không riêng ở Sài Gòn mà trên cả nước, đạo đức con người đã đi xuống, an sinh giáo dục cũng kém.  Nói chung do quản lý thôi.’
Trà Mi: Nói tới Sài Gòn, người ta nghĩ ngay tới các tòa cao ốc, khu mua sắm, dinh thự nguy nga tráng lệ, hay những hàng quán sang trọng. Những hình ảnh đó không là niềm hãnh diện của Sài Gòn hay sao?
Hoàng Kim Sơn: Sài Gòn lâu nay vẫn là nơi giàu nhất Việt Nam mà.

Phạm Văn Lộc: Bây giờ rất xô bồ, không có nét gì để hãnh diện hết.

Trà Mi: Đất chật người đông, khó tránh được sự xô bồ hay ô nhiễm. Các bạn có thông cảm điều đó không?
Phạm Văn Lộc: Người lãnh đạo phải sáng suốt thì thành phố mới sạch, đẹp, văn minh. Đó chính là điều gây trăn trở. Sau năm 1975, nền giáo dục của mình xuống cấp. Những thế hệ sau bị nhồi sọ. Những sự dối trá từ miền Bắc đem vào. Tất cả ảnh hưởng đến thế hệ trẻ rất nhiều, chủ yếu từ nền giáo dục.
Hoàng Kim Sơn: Môi trường xã hội ảnh hưởng con người. Đạo đức con người là do môi trường xã hội. Khi cuộc sống quan trọng đồng tiền trên hết, người ta không còn quan tâm đến đạo đức và tự trọng nữa. Người ta làm mọi giá để kiếm được tiền dù làm chuyện xấu.
Trà Mi: Nếu cuộc do sống kim tiền khiến con người thay đổi thì xung quanh cũng có nhiều nơi phát triển hơn mình, họ chạy theo đồng tiền còn vội vã hơn nhưng vẫn giữ được nét văn minh-lịch sử, chẳng hạn như Thái Lan hay Singapore?
Hoàng Kim Sơn: Bần nông không được học lại lên làm cán bộ. Cho nên, chiếm vị trí trong xã hội không phải là người giỏi nhất mà là những kẻ giang hồ nhất. Họ làm điều xấu để họ vươn lên. Từ cái gốc đã xấu rồi thì cái ngọn đâu có đẹp nữa?
Trà Mi: Có khách quan không khi đổ lỗi ở những người có vị trí, có trách nhiệm? Hay cũng có một phần nào đó do ý thức của từng cá nhân trong xã hội này?
Hoàng Kim Sơn: Đúng, mỗi người là một yếu tố trong xã hội. Bản thân mỗi người phải tự ‘vươn ra’, chứ cứ kiếm sống và an phận đến chết thì cuộc đời họ chỉ giống một con ốc trong một chuỗi ốc thôi, không được gì cả. Phải có ý chí ‘vươn ra ngoài’, vượt ra khỏi nhà tù nhỏ của cộng sản để đầu óc sáng sủa hơn, để biết cách sống và đóng góp cho xã hội, chứ không phải chỉ biết tích góp cho bản thân mà thôi.
Phạm Văn Lộc: Mình sống trong một xã hội không được tự do. Có rất nhiều nhân tài nhưng họ không được trọng dụng thì đất nước cũng khó phát triển. Sinh viên đại học bây giờ hai, ba bằng đại học vẫn không xin được việc làm vì không có thân thế. Con cháu của cán bộ thì được đưa vào. Nhân tài thì bị mai một. Đó là điều người trẻ trăn trở.
Trà Mi: Các bạn mong muốn những thay đổi như thế nào từ giới hữu trách?
Phạm Văn Lộc: Sống giữa chế độ độc đảng này, khó lắm, không thể nào nói được. Dân cất tiếng, họ vùi dập liền. Khi nào đất nước thật sự có tự do-dân chủ thì người trẻ mới phát huy được năng lực của mình.
Trà Mi: Ngoài những kỳ vọng ở giới hữu trách, trách nhiệm của người trẻ ra sao để thúc đẩy mọi việc khá hơn?
Nguyễn Trần Hoàng: Mỗi người trong xã hội đều phải có trách nhiệm. Từng người sống tốt thì xã hội tự nhiên sẽ tốt hơn. Đừng lường gạt, đừng hơn thua, đừng làm gì sai trái mà hãy sống một cách chân chính.
Phạm Văn Lộc: Mình mơ ước trước tiên thay đổi được nền giáo dục từ gốc thì mình mới tạo nên được những nét đẹp bên ngoài. Nếu vẫn theo nền giáo dục xã hội chủ nghĩa thì các thế hệ tiếp nối sẽ khó giữ được nét đẹp trong con người để từ đó có thể xây dựng được một thành phố tốt đẹp hơn. Ra nước ngoài thấy nhiều nơi họ treo bảng đề phòng người Việt trộm cắp, mình thấy xấu hổ cho một nền giáo dục dối trá.
Nguyễn Trần Hoàng: Ước muốn Sài Gòn ngày càng thay đổi tốt đẹp hơn phải từ con người thay đổi. Khi con người thay đổi, sống chân thật, tâm thiện, đối xử tốt với người khác thì xã hội mới đẹp hơn.
Hoàng Kim Sơn: Với Việt Nam, không đơn giản chỉ thay đổi giáo dục là được, mà phải thay đổi từ hệ thống nhà nước, từ luật lệ. Giống như Tổng thống Obama nói, muốn thấy sự thay đổi, bản thân mỗi người hãy tự thay đổi. Chỉ cần 30% dân Việt Nam thay đổi thì sẽ thấy được sự ‘cách mạng’ , không cần phải gì đâu.
Trà Mi: Cảm ơn các bạn rất nhiều đã đóng góp trong chương trình Tạp chí Thanh Niên VOA hôm nay.


Ngọc Lan, 15 năm tiếng hát về trời

Ngọc Lan, 15 năm tiếng hát về trời
Cát Linh, phóng viên RFA
2016-03-06

Ngày này, 15 năm trước (06/03/2001), làng âm nhạc Việt Nam chia tay một người con gái với tiếng hát được biết đến như một hiện tượng của văn nghệ Việt Nam đầu thập niên 90. Cô ra đi để lại nhiều giai thoại về những ngày cuối đời của mình.
Đó là Ngọc Lan, người ca sĩ với gương mặt khả ái và tiếng hát nhẹ như sương.
Cát Linh mời quí vị quay về những ca khúc đã mang cô đến với khán giả Việt Nam, nghe lại chính những lời tâm sự của cô trong những ngày chưa rời xa thế giới này, cùng những kỷ niệm trong thời gian làm việc với cô do ông Trần Thăng, giám đốc trung tâm ca nhạc Mây Production kể lại.
 “Mưa buồn mãi rơi trên biển xưa âm thầm
Ôi biển vắng đêm nao tình trao êm đềm
Cơn sóng nào khơi lên nỗi đau trong em bao nhiêu chiều
Lang thang một mình…” (Mưa trên biển vắng)
“Ngọc Lan rất muốn có cơ hội để phát triển khả năng của mình trên mọi lĩnh vực. Thứ nhất là để thoả mãn đam mê nghệ thuật của chính mình. Thứ hai là Ngọc Lan hy vọng sẽ đóng góp một phần nhỏ của mình vào lãnh vực thứ bảy của Việt Nam…”
Chắc có lẽ chúng ta, những ai đã từng có một thời nồng nàn với Mưa trên biển vắng, với Hai mươi năm tình cũ, với Mùa đông sắp đến trong thành phố, hay những ca khúc Pháp lời Việt như Joe Le Taxi, Mal De Toi, La Plus Belle Pour Aller Danser (Em đẹp nhất đêm nay)… thì sẽ không thể nào quên tiếng nói trong vắt, nhẹ như sương ấy, tiếng hát Ngọc Lan, người ca sĩ sở hữu gương mặt hiền như thánh nữ.
Cô chia sẻ giấc mơ nghệ thuật đó với khán giả và MC Nam Lộc cách đây 24 năm, trong đêm nhạc đầu tiên của Mây Production Hollywood Night 1. Đêm ấy cũng là lần đầu tiên cô trình bày Mưa trên biển vắng, một ca khúc lời Việt của cố nhạc sĩ Nhật Ngân.
15 năm sau, mơ ước ấy đã bay về trời cao, mang theo người ca sĩ tài hoa đoản mệnh.
“Chiều một mình qua phố âm thầm nhớ nhớ tên em
Có khi nắng khuya chưa lên mà một loài hoa chợt tím
Chiều một mình qua phố âm thầm nhớ nhớ tên em
Gót chân đôi khi đã mềm gọi buồn cho mình nhớ tên…” (Chiều một mình qua phố)
Những thuở ban đầu
Không khó để tìm thấy những bài viết về cô, người nữ ca sĩ tài sắc vẹn toàn nhưng vắn số. Thế nhưng, rất hiếm, nếu không muốn nói là không có, những bài phỏng vấn về cô. Tất cả những gì chúng ta có thể tìm được là những tình cảm chưa bao giờ dứt của người ở lại dành cho nữ ca sĩ tài hoa bạc mệnh này.
“Ngọc Lan là một người gần như là không có những sự bon chen về thương mại. Ngọc Lan rất ngại khi được người ta nói về mình, viết về mình. Gần như là Ngọc Lan trốn tránh hết những cái đó. Chính vì những cái đó tạo ra cho mọi người thấy rằng Ngọc Lan là một người mà người ta lúc nào cũng muốn tìm hiểu thêm, biết thêm.”
Người rất gần gũi trong suốt sự nghiệp của cô, ông Trần Thăng, giám đốc của Mây Production, khi nhớ về cô, ông luôn nói rằng “chúng tôi làm chương trình với Ngọc Lan, chứ không làm cho Ngọc Lan.”
Ông nhấn mạnh, đó là tính cách của cô. Ngọc Lan hoàn toàn không tạo ra điều đó. Sự bình dị ấy tự nhiên như tiếng hát của cô, không cầu kỳ, không phô trương kỹ thuật.
“Trong đôi mắt anh em là tất cả
Là nguồn vui, là hạnh phúc em dấu yêu
Nhưng anh ước gì
Mình gặp nhau lúc em chưa ràng buộc
Và anh chưa thuộc về ai…” (Như đã dấu yêu)
Tiếng hát nồng nàn, cao vút và nhẹ như sương khói ấy đi vào lòng người ngay từ những ngày đầu tiên trong nghiệp hát. Cô chinh phục khán giả không chỉ bằng chất giọng êm đềm, phong cách dịu dàng mà còn với cả sự chân tình trong lời nói.
“Lan nghĩ mọi người có một nghiệp dĩ. Và nghiệp dĩ của Lan đã gắn liền với cuộc sống ca hát. Cho nên từ sự tình cờ này nối tiếp sự tình cờ khác mà ngày hôm nay Lan trở thành một ca sĩ mang tên Ngọc Lan và được trình diễn trên đây cho tất cả quý vị.”
Đối với người con gái này, hình như tất cả đều là định mệnh. Cô nhìn cuộc đời và sự nghiệp của mình nhẹ như sương như khói. Cô càng nâng niu trân trọng khán giả bao nhiêu thì cô càng khắt khe với chính mình bấy nhiêu.
 “Trong suốt thời gian sinh hoạt văn nghệ, tôi chỉ thấy ca sĩ Ngọc Lan là một người có tinh thần làm việc có thể nói rằng không ai sánh bằng. Tất cả những thành quả mà Ngọc Lan có được phần lớn là do Ngọc Lan chứ không phải do trung tâm hay do ai mà có thể làm ra như vậy được. Ngọc Lan là một người ca sĩ rất hiếm quý của nền âm nhạc Việt Nam.”
Hình như khi nghe cô hát, nhìn cô trình diễn trên sân khấu người ta cảm thấy mọi sự hận thù không có chỗ đứng trong thế giới này. Cho dù, nhìn cô hát, chúng ta cứ ngỡ như đang chiêm ngưỡng một bức tranh hoạ người thiếu phụ buồn, buồn từ đôi mắt đến dáng người, và giọng hát.
“Chuyện tình mười mấy năm qua nay bỗng xót xa những khi sầu dâng.
Còn đâu ngày quen biết nhau đã yêu em rồi, yêu cả cuộc đời…” (Tình phụ)
Ngọc Lan đa tài. Đúng thế. Có nghe cô nồng nàn với những ca khúc Pháp trữ tình lời Việt mới thấy được vì sao Ngọc Lan là một hiện tượng của thập niên 90.
“Ngày đó cứ ngỡ với nhau ta muôn đời chung bước về / Tình mới đó quá đắm say thoáng đã nghe những ê chề / Người hỡi có nhớ tới em những đêm xưa ta say ân tình…” (Comme Toi - Người yêu dấu ơi)
Bao nhiêu là thế hệ thanh niên trưởng thành ở thập niên 90 thời đó từ phía bên kia bờ đại dương đã say mê bầu trời trong vắt với vô vàn vì sao, đắm mình nghe tiếng sóng biển giữa bãi khuya, chỉ qua tiếng hát ngọt ngào của cô
“Nha Trang ngày về, mình tôi trên bãi khuya
Tôi đi vào thương nhớ,
Tôi đi tìm cơn gió
Tôi xây lại mộng mơ năm nào
Bờ biển sâu, hai đứa tôi gần nhau…” (Nha Trang ngày về)
Nhà văn Đỗ Vẫn Trọn, trong bài viết “Ngọc Lan một vầng trăng” có nói rằng: “Ngọc Lan chưa phải là một nhan sắc rực rỡ đứng ở tiền trường. Ngọc Lan – chưa phải là một giọng ca dội cuốn năm châu – nhưng Ngọc Lan, từ nhan sắc đến giọng ca của nàng đã thực sự trở thành giấc mơ thầm kín, trở thành ao ước ngọt ngào, kín lặng của những tâm hồn trai mới lớn, của những gương thanh niên vào đời, hăm hở chân đi.”
Những ngày cuối…
Không dễ dàng chút nào khi nói về một huyền thoại.
Ngọc Lan là một huyền thoại. Một huyền thoại trong vắt mà người đời chỉ có thể tìm thấy những tì vết cho chính người đời thêu dệt.
Khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, cô phát hiện mình có bệnh, căn bệnh đa thần kinh hoá sợi tác động vào trung khu thị lực của cô. Nhưng không như những lời đồn đoán bên ngoài rằng người ca sĩ khả ái này đã bị mù, ông Trần Thăng cho biết những ngày sau đó, cô vẫn ngồi làm việc cùng ông trên những tác phẩm do Mây Production và Ngọc Lan cùng thực hiện.
“Ngọc Lan vẫn ngồi editing với tôi, vẫn xem được video. Nhưng Ngọc Lan nói rằng Lan chỉ nhìn thẳng được thôi, cũng như Lan nhìn vào cái ống nhòm. Lan không thấy được những gì xung quanh. Lan chỉ thấy phía trước thôi. Không phải là Ngọc Lan không nhìn thấy.
Ở ngoài thì người ta bắt đầu nói Ngọc Lan bị tiểu đường hay bị gì đó, hoàn toàn không có. Thậm chí có người gọi cho tôi nói là hôm nay tôi mới đi lễ cầu nguyện cho linh hồn cô ấy, người ta nói cô ấy mất rồi. Tôi không nói những điều đó với Ngọc Lan. Nhưng rồi cô ấy cũng biết. Và cô ấy chỉ nói rằng anh Thăng ơi, khi nào Lan không còn hát được nữa thì cho Lan biết để Lan ngưng, chứ Lan không muốn kéo dài mãi.”
Loài hoa bất tử
Ngọc Lan là một hiện tượng mà cho đến hơn mười lăm năm sau, kể từ ngày cô tạm biệt thế giới này, người ta vẫn còn nhắc, nói, nhớ về cô với vẹn nguyên hình ảnh một gương mặt đẹp khả ái, hiền hoà luôn phảng phất một nỗi buồn. Cái buồn làm cho người đối diện cảm thấy như cô có thể vỡ tan bất cứ lúc nào.
“Thực sự vì mình đang nói chuyện qua điện thoại, nếu mà bây giờ đang là video thì sẽ thấy mắt tôi đang ứa lệ. Vì mỗi lần nhắc đến Ngọc Lan thì nhắc lại cho tôi nhiều kỷ niệm.”
Mỹ nhân tự cổ như danh tướng.
Bất hứa nhân gian kiến bạc đầu.
Ngọc Lan, người con gái mong manh với tiếng hát nhẹ như sương đã đến một nơi rất xa. Nơi đó tuy không có bờ cát trắng, không có những tiếng vỗ tay đón chờ cô cất tiếng hát, nhưng chắc chắn, cô sẽ nghe được lời gọi của những người ở lại, luôn gọi tên cô với tình yêu chưa bao giờ dứt.


Điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc rút khỏi Công ước luật biển 82?

Điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc rút khỏi Công ước luật biển 82?
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2016-03-07

Trong khi tòa quốc tế La Haye chưa đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc tự tiện đưa ra đường chín đoạn xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế của Manila, thì câu hỏi là liệu Trung Quốc có thể rút tên ra khỏi Công ước luật biển năm 1982 vì bị phán quyết bất lợi hay không, Mặc Lâm phỏng vấn PGS-TS Hoàng Ngọc Giao, nguyên vụ trưởng Ban Biên giới chính phủ.
Mặc Lâm: Thưa ông, Giáo sư Stefan Talmon, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công pháp quốc tế thuộc đại học Bonn của Đức đã có bài viết được tờ Thời báo Hoàn cầu đăng lại có nội dung rằng có thể Trung Quốc sẽ rút tên ra khỏi Công ước luật biển năm 1982 nếu đường 9 đoạn của họ bị phán quyết là vô giá trị. Ông nghĩ thế nào về việc này?
PGS-TS Hoàng Ngọc Giao: Tờ Thời báo Hoàn cầu đăng ý kiến một học giả của viện nghiên cứu Công pháp quốc tế nói rằng nếu như phán quyết của trọng tài quốc tế La Haye lại có lợi cho yêu cầu của Philippines có nghĩa rằng việc Trung Quốc đưa ra yêu sách Biển Đông, gồm vùng chín đoạn, là vi phạm Công ước quốc tế về luật biển thì họ có thể rút ra khỏi Công ước quốc tế luật biển năm 82. Theo tôi hiểu tuy chưa phải là phát biểu chính thức của chính phủ Trung Quốc nhưng nó được phát ngôn từ học giả của một học viện nghiên cứu và lại được đăng trên tờ báo Hoàn Cầu ở Hong Kong, nó là tờ báo có thể nói là phát ngôn của chính phủ Trung Quốc thì ta có thể hiểu rằng đây là cái thông điệp từ phía chính phủ Trung Quốc dọa, hay có tính chất thăm dò công luận quốc tế nếu phán quyết này bất lợi với Trung Quốc thì họ sẽ rút khỏi Công ước quốc tế về luật biển năm 1982.
Mặc Lâm: Việc rút tên ra như vậy nếu xảy ra thì trách nhiệm của Trung Quốc tới đâu và liệu họ có bị ràng buộc gì không?
PGS-TS Hoàng Ngọc Giao: Trong quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế thì việc tham gia ký kết các công ước quốc tế là tự nguyện và chấm dứt hay rút khỏi Công ước về luật biển năm 1982 nó cũng thuộc về quyền của Trung Quốc. Về mặt pháp luật mà nói thì không ai có thể ràng buộc, áp đặt không cho Trung Quốc rút khỏi Công ước luật biển năm 1982.
Tuy nhiên trong quan hệ quốc tế thì hiệu lực của luật pháp quốc tế nó thể hiện sự lợi ích của các quốc gia đan xen và phụ thuộc lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực. Thế thì cái ý chí của Trung Quốc về mặt dưới góc độ chính trị pháp lý quốc tế là anh đã tham gia Công ước năm 82 nhưng bây giờ do phán quyết bất lợi mà anh rút ra thí chính cái uy tín chính trị và pháp lý của anh nó càng làm rõ hơn rằng Trung Quốc đang là một chủ thể vô trách nhiệm trong hợp tác quốc tế, trong những cam kết quốc tế và chính vì thế cho nên cái mất của Trung Quốc rất lớn.
Trung Quốc mất uy tín về chính trị là một đối tác đáng tin cậy. Bởi vì anh tham gia cam kết luật chơi nhưng bây giờ có chuyện bất lợi không đáp ứng lợi ích của anh, không phù hợp với quy chuẩn của quốc tế thì anh từ bỏ nó. Anh rút khỏi cái cam kết quốc tế này thì hành vi đó sẽ bất lợi rất nhiều về mặt ngoại giao cũng như về mặt quan hệ uy tín và độ tin cậy của các quốc gia trên thế giới đối với Trung Quốc.
Ta có thể đặt ra câu hỏi đối với Công ước luật biển 82, anh hành xử một cách tùy tiện, anh tham gia đến khi có chuyện bất lợi thì anh không chấp nhận giải quyết thông qua con đường tài phán quốc tế và anh rút khỏi công ước thì các quốc gia khác sẽ đặt vấn đề là gì?
Trong các lĩnh vực cam kết về quốc tế, lĩnh vực thương mại, lĩnh vực môi trường liệu có độ tin cậy với Trung Quốc hay không? Có nên chơi với Trung Quốc hay không khi mà anh chơi rồi tự tiện chơi rồi rút ra khỏi cuộc chơi thế thì cái mất của Trung Quốc sẽ là uy tín và sự tin cậy của cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc. Không những Việt Nam mà kể cả những nước Châu Âu, Hoa Kỳ và các nước trong tổ chức ASEAN, đấy là cái mất rất lớn của Trung Quốc.
Mặc Lâm: Khi rút tên ra khỏi Công ước luật biển năm 82 thì Trung Quốc có còn bị ràng buộc pháp lý một cách gián tiếp nào đó những gì họ đã đồng ý ký tên vào năm 1982 hay không?
PGS-TS Hoàng Ngọc Giao: Dù Trung Quốc có rút khỏi Công ước luật biển năm 1982 thì những giá trị pháp lý của những quy tắc quốc tế đối với việc phân định các vùng biển, quyền của các quốc gia đối với các vùng biển đã được thực hiện từ năm 1982 tới nay. Nó đã được tòa án công lý quốc tế áp dụng. Nó cũng đang được tòa án luật biển vận dụng thì những quy tắc đó không chỉ là những quy tắc công ước, mà nó còn là tập quán khác. Nó đã trở thành tập quán thông qua quan hệ quốc tế cho nên anh có rút khỏi đó thì luật chơi quốc tế nó vẫn là những quy tắc mang tính tập quán và các nước phải tuân thủ.
Mặc Lâm: Theo ông khi Trung Quốc đăng lại bài viết này thì ý của họ là gì? Mượn lời người khác nói lên ý định của mình hay chỉ là phép thử các nước trong khu vực?
PGS-TS Hoàng Ngọc Giao: Theo tôi đối với Trung Quốc đây là phép thử. Trung Quốc luôn luôn “tung cầu đo gió”, kể cả ở Biển Đông cũng vậy. Họ dấn lên một tí xong rồi để xem phản ứng dư luận thế nào. Việc họ đưa ra thông điệp này cũng là cái trò “tung cầu đo gió”, chứ không phải nói như vậy thì họ sẽ làm như vậy đâu. Bời vì bây giờ chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố đâu? Họ cho một viện nghiên cứu và một ông giáo sư nào đó nói và đăng trên tờ Thời báo Hoàn cầu tung vào dư luận như vậy để xem phản ứng của quốc tế như thế nào, nhận định của các học giả quốc tế ra sao.
Chứ còn để đi đến quyết định thì họ đủ thông minh để hiểu rằng họ sẽ mất rất nhiều. Họ sẽ không còn là thành viên thẩm phán của luật biển quốc tế, không còn là thành viên của Ủy ban thềm lục địa quốc tế….nhưng mà đây chỉ là sân chơi về luật biển thôi còn các sân chơi khác, những đối tác của Trung Quốc, các quốc gia khác người ta phải xem lại có nên hợp tác với Trung Quốc không bởi vì anh hành xử tùy tiện, luật rừng thích thì anh chơi, không lợi thì anh rút. Đó là cái mất lớn.
Mặc Lâm: Xin được một câu hỏi cuối. Liệu Trung Quốc có cho rằng họ không tham gia vào Công ước luật biển năm 1982 thì họ không còn trách nhiệm nào nữa và muốn làm gì thì làm hay không? Lúc ấy vai trò của tòa án quốc tế là gì?
PGS-TS Hoàng Ngọc Giao: Tòa án quốc tế vẫn có thể xem xét dựa trên nguyên tắc tập quán quốc tế. Những quy tắc trên biển mà luật biển quy định không những chỉ là quy tắc thành văn ở trong công ước mà nó đã và đang trở thành các quy phạm, tập quán quốc tế. Không nhất thiết là anh phải ký kết mà cả thế giới theo cách hành xử như vậy thì anh cũng phải theo cách hành xử như vậy.
Mặc Lâm: Xin cám ơn Phó giáo sư Hoàng Ngọc Giao.