Thursday, October 29, 2015

Hải quân Mỹ-Trung bàn về Biển Đông



Hải quân Mỹ-Trung bàn về Biển Đông
Lãnh đạo hải quân Hoa Kỳ và Trung Quốc chuẩn bị hội đàm trực tuyến về các diễn biến mới ở Biển Đông và quan hệ hai bên.
Các nguồn tin chính thức cho hay cuộc hội đàm giữa Đô đốc John Richardson, Tư lệnh Tác chiến Hải quân Hoa Kỳ, và Đô đốc Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, sẽ kéo dài một tiếng đồng hồ trong ngày thứ Năm 29/10 qua đường video link.
Đây là cuộc hội đàm trực tuyến lần thứ ba giữa lãnh đạo Hải quân hai nước Trung-Mỹ. Hai cuộc trao đổi lần trước diễn ra vào tháng Tư và tháng Tám năm nay.
Hai bên sẽ thảo luận về "các hoạt động mới đây ở Biển Đông và quan hệ hải quân hai nước".
Cuộc hội đàm bất thường này diễn ra hai ngày sau khi Hải quân Hoa Kỳ cho tàu chiến tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh hai đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây ở quần đảo Trường Sa, gây phản ứng giận dữ từ Bắc Kinh.
Hành động nói trên được cho là thách thức thuộc loại trực diện nhất từ phía Mỹ đối với các hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, với lý do thúc đẩy tự do hàng hải.
Bên cạnh cuộc hội đàm, Đô đốc Harry Harris, chỉ huy trưởng quân đội Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, tuần tới sẽ đi thăm Trung Quốc. Tuy chưa rõ chi tiết, chuyến ̣đi của ông Harris có thể sẽ liên quan tới các diễn biến ở Biển Đông.
Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott Swift, cũng có kế hoạch thăm Trung Quốc.
Tự do hàng hải
Hoa Kỳ ra chỉ dấu rằng các chuyến tuần tra qua hải phận quốc tế ở Biển Đông sẽ tiếp tục trong tương lai.
Image copyright Reuters Image caption Bộ trưởng Ash Carter nói việc tuần tra là hoạt động bình thường
Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter, khi phát biểu tại Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, nói: "Chúng ta hoạt động nhiều hơn. Chúng ta hiện diện nhiều hơn".
Ông khẳng định Hoa Kỳ sẽ "hoạt động ở bất cứ đâu luật pháp quốc tế cho phép và theo nhu cầu của chúng ta".
Bộ trưởng Carter cho hay các hoạt động ở Biển Đông sẽ tiếp tục trong thời gian tới.
"Đây là các hoạt động mà chúng ta cần thực hiện một cách bình thường."
Trong chính giới Mỹ cũng đã có kêu gọi các đồng minh của nước này tham gia các hoạt động bảo đảm tự do hàng hải tại Biển Đông vì đây là "quyền tự do toàn cầu".
Báo Wall Street Journal trong một bài viết hôm 29/10 nói Australia, đồng minh chính của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, cũng đang cân nhắc cho tàu chiến di chuyển gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây.
Hiện Australia chưa làm việc này, nhưng Canberra được cho là đã thảo luận về tuần tra vì tự do hàng hải với Mỹ trong cuộc gặp giữa ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc phòng Australia cùng hai người đồng nhiệm Hoa Kỳ vào tháng này ở Boston.
Chính phủ Australia lâu nay vẫn khẳng định sẽ tiếp tục các hoạt động ở Biển Đông, như cho máy bay do thám bay tầm xa từ căn cứ không quân đặt tại Malaysia.
Chiến hạm Arunta của Hải quân Austrlia cũng đã vượt Biển Đông hai tuần trước đây cùng một tàu tiếp liệu.
Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/world/2015/10/151029_us_china_naval_talks

Nhạc Mất Quần Ngoài Đông Hải-Nguyễn Xuân Nghĩa



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt 151026
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Hoa Kỳ lánh mặt, Nhật Bản lên lưới!
Có hai chuyện chẳng liên hệ gì đến nhau lại khiến chúng ta nhìn vào Hoa Kỳ - từ Đông Hải….


Chỉ một tuần sau cuộc tranh luận đầu tiên của năm ứng củ viên Dân Chủ trong cuộc tranh cử Tổng thống năm tới, hôm 20 vừa qua, cựu Nghị sĩ Jim Webb tuyên bố rút lui. Chi tiết đáng chú ý không phải vì ông có vị hôn phối là gốc Việt mà vì ông là người duy nhất nói đến nhu cầu của nước Mỹ là phải có chiến lược về Đông Á trước đà bành trướng đáng ngại của Trung Quốc. Cùng với cuộc tranh cử, lời cảnh báo của ông tan vào hư vô… cho tới một ngày nào đó.

Chuyện thứ hai nằm tận… Đài Loan. Ở nơi xa xôi hơn nên cần nhiều chữ hơn.

Đầu năm tới, Đài Loan có bầu cử Tổng thống và ứng cử viên có ưu thế là bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-Wen) thuộc đảng Dân Tiến. Vì đối lập dẫn đầu tới 20 điểm nên hôm Thứ Bảy 17, Quốc dân đảng lật đật đưa Chủ tịch đảng là Eric Chu Lập Luận (Chu Li-luan) ra tranh cử thay bà Hồng Tú Trụ (Hung Hsiu-chu). 

Trong cuộc tranh cử, đảng Dân Tiến đả kích chính sách quỵ lụy Bắc Kinh của Tổng thống Mã Anh Cửu bên Quốc dân đảng và đưa ra chủ trương có tính cách độc lập hơn với Hoa lục và với lịch sử: “Đài Loan là Đài Loan, Trung Quốc là Trung Quốc, Đài Loan không đòi là đại diện của Trung Quốc (như lập trường xa xưa của Quốc dân đảng), mà cũng không coi Trung Quốc là đại diện của mình”. Đảng Dân Tiến đang tách rời khỏi nguyên tắc “nhất quốc lưỡng chế” do Richard Nixon mập mờ đề ra năm 1972 để kết giao với Bắc Kinh, và tiến dần đến việc thành lập Cộng Hòa Đài Loan. Về vụ này, xin quý độc giả xem chương trình “Bên Kia Màn Khói” của người viết với Bích Trâm trên đài Saigòn TV 57.5, vừa phát hình vào tối Thứ Bảy 17.

Chuyện ly kỳ là dù Bắc Kinh phản đối từ cuối Tháng Chín, bà Thái Anh Văn đã thăm Nhật Bản trong bốn ngày từ mùng sáu đến mùng chín Tháng 10 và còn ăn trưa với Thủ tướng Shinzo Abe vào mùng tám tại một địa điềm gần Quốc hội Nhật. Bắc Kinh lập tức tỏ vẻ giận dữ. 

Không như Chính quyền Hoa Kỳ mới chỉ - và vẫn cứ - bắn tín hiệu trong 20 ngày là sẽ gửi chiến hạn vào phạm vi 12 hải lý của cụm đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã củng cố trong vùng quần đảo Trường Sa, ngày mùng chín Tháng 10, Bắc Kinh lập tức đưa hai chiến hạm vào hải phận Nhật Bản! Mỹ nói mà Tầu làm….

Tin này chẳng thấy ai loan, cũng như chẳng mấy ai nhớ tới lời cảnh báo của ông Jim Webb!


***


Nhìn từ bên ngoài – không, nhìn từ Đông Hải của chúng ta – Hoa Kỳ đang thủ vai Nhạc Mất Quần.

Từ sáu tháng qua, chúng ta đã chứng kiến một trận đấu khẩu Hoa-Mỹ thiếu phần hoa mỹ. 

Trung Quốc cơi đá dựng đảo trong vùng Trường Sa có tranh chấp về chủ quyền với Việt Nam, Mã Lai Á và Phi Luật Tân. Lập trường của Bắc Kinh là chúng tôi có chủ quyền, từ lãnh thổ là các đảo nhân tạo mới củng cổ, đến lãnh hải đếm từ “lãnh thổ mới”, cho tới vùng đặc quyền kinh tế EEZ 200 hải lý, v.v…. Lập trường của Washington là quyền lưu thông tự do căn cứ trên luật lệ quốc tế, kể cả Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS) - mà Hoa Kỳ chưa ký. 

Đằng sau các cuộc tranh luận này là ảnh hưởng chiến lược của hai cường quốc ở hai bờ Tây-Đông của Thái Bình Dương.

Từ Thế chiến II, Hoa Kỳ coi Vành cung Thái Bình Dương là khu vực chiến lược mà nước Mỹ và các đồng minh như Nhật Bản hay Nam Hàn và cả Úc Đại Lợi lẫn vài nước Đông Nam Á cùng có nhiệm vụ bảo vệ để duy trì quyền tự do thông thương ngoài biển, nhất là qua các eo biển sinh tử của vùng biển Đông Nam Á. Bây giờ, Trung Quốc xuất hiện - và không chỉ nói mà làm – để kiểm soát khu vực này vì nhu cầu giao thương cũng sinh tử cho nền kinh tế Hoa lục, là chuyện chưa từng thấy trong lịch sử Trung Hoa. 

Trong cuộc “gặp gỡ” chiến lược ấy, khác biệt Mỹ-Hoa là cách diễn giải luật lệ quốc tế về đảo, cụm đá nổi, đá chìm hay đảo nhân tạo. Trong khi Mỹ cãi về luật thì Tầu lẳng lặng đem xi măng cốt sắt vào sửa lại địa dư hình thể. Rồi cắm cờ, dựng hải đăng và trí pháo trên vùng biển thuộc chủ quyền của nước khác, kể cả và nhất là chủ quyền của Việt Nam và Phi Luật Tân. Vì vậy mới có tranh luận về phạm vi 12 hải lý hay 200 hải lý, vốn dĩ nằm trong cái lưỡi bò chín khúc của Bắc Kinh, một biến thái ngang ngược, dữ dội và có thực chất hơn cái lưỡi bò 11 khúc của Trung Hoa Dân Quốc trước khi Tưởng Giới Thạch lưu vong qua đảo Đài Loan.

Hoa Kỳ đặt ra nguyên tắc tiên quyết là không đứng bên nào trong vụ tranh chấp về chủ quyền giữa các nước và viện dẫn Công ước UNCLOS mà mình chưa ký. Thế mạnh của nước Mỹ là khả năng quân sự có truyền thống tới trăm năm của mình. Nhưng cái thế còn cần cái lực về chính trị. Nôm na là phải có ý chí và chẳng sợ rủi ro, là điều nước Mỹ hiện không còn nữa. Chúng ta trở lại lời cảnh báo của Jim Webb.

Bắc Kinh thì đánh giá rủi ro theo kiểu “bát sành không sợ chén kiểu”, rồi vừa tung tiền mua chuộc các nước trong Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á ASEAN vừa đẩy pháo vào trận. Các nước có thể cùng chia chút cháo kinh tế có bầu dục với Con Đường Tơ Lụa hay Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Á châu AIIB, hoặc gặp sự thịnh nộ của ngư phủ và hải quân Trung Quốc trước những phản đối vu vơ của Hoa Kỳ, cho tới nay vẫn án binh bất động. 

Ưu tiên của Chính quyền Barack Obama nằm ở nơi khác. Nơi nào thì chưa ai biết rõ bằng… Bắc Kinh!

***


Tuy nhiên, trên Vành cung Thái Bình Dương không chỉ có Hoa Kỳ ở xa và Trung Quốc ở gần. Nằm ngay trong cuộc và không được sự bảo vệ của một đại dương là Nhật Bản.

Sau 40 năm phát triển trong thời Chiến tranh lạnh, tạm tính từ 1949 đến 1989 cho tiện, Nhật Bản đã qua 25 năm suy sụp kinh tế, từ 1990 đến nay. Và không thể yên tâm trước sự bành trướng của Trung Quốc ở ngay ngoài ngõ. Càng không thể yên tâm khi đã từng đánh gục nhà Mãn Thanh vào năm 1895 và xâm chiếm Hoa lục từ năm 1931 cho tới khi bị Hoa Kỳ khuất phục vào năm 1945.

Nhật vừa điều chỉnh bản Hiến pháp do Hoa Kỳ soạn thảo năm xưa, để tự giành lấy quyền can thiệp quân sự ở ngoài lãnh thổ nhằm “bảo vệ các đồng minh” và thực tế thì đã mở ra nhiều cuộc thao dượt với Phi Luật Tân cùng nhiều nước Đông Nam Á và cả Ấn Độ (cuộc thao dượt Malabar vừa qua tại Vịnh Bengale trên vùng Ấn Độ Dương). Vừa nhậm chức Thủ tướng vào cuối năm 2012, chuyến thăm viếng hải ngoại đầu tiên của ông Shinzo Abe là Việt Nam. Và từ đó ông đã tranh thủ các nước Đông Nam Á về cả kinh tế lẫn hợp tác quốc phòng. 

Bên cạnh Nhật Bản, Nam Hàn cũng không ngồi yên vì phải cân nhắc quyền lợi kinh tế lẫn rủi ro an ninh. Là một quốc gia dân chủ theo kinh tế thị trường và có ảnh hưởng kinh tế rất lớn, Nam Hàn vẫn không quên được những tai họa do Nhật Bản gây ra từ năm 1910. Chính quyền trung hữu mang đặc tính quốc gia của Tổng thống Phác Cận Huệ vẫn giữ thái độ lạnh nhạt trước thiện chí hòa giải của các chính quyền nối tiếp tại Tokyo, nhất là của Thủ tướng Abe. 

Tức là ngày nay, cả hai đồng minh chiến lược nhất của Hoa Kỳ tại Đông Á vẫn còn nghi ngờ nhau vì trong nhiều năm liền, nước Mỹ chỉ kết giao riêng lẻ với từng nước chứ không có một chính sách kết ước chung - cho tới khi mối nguy của Trung Quốc xuất hiện. 

Bên cạnh đó, nếu đảng Dân Tiến đắc cử Tổng thống tại Đài Loan, Chính quyền Thái Anh Văn sẽ công bố chủ trương đối ngoại rất độc lập và từ bỏ chủ quyền trên vùng biển Đông Nam Á, kể cả đảo Ba Bình mà Trung Hoa Dân Quốc thời Tưởng Giới Thạch đã cướp của Việt Nam vào cuối năm 1946 và cải tên thành đảo Thái Bình, đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa, duy nhất có nước ngọt và đã tiếp liệu cho Hải quân Công xưởng Bắc Kinh đi cơi đá xây đảo…. 

Bây giờ thì chúng ta hiểu ý nghĩa của chuyến thăm viếng Nhật Bản của ứng cử viên Dân Tiến và phản ứng hung hăng của Bắc Kinh. Trong khi Hoa Kỳ vẫn lặng thinh. Chúng ta không nên lặng thinh mà cần theo dõi nỗ lực của Bắc Kinh: đang vận động Hoa Kỳ gạt Nhật Bản ra ngoài vòng tranh chấp tại Đông Hải.

Vì vậy, trong khi nước Mỹ bận tranh cử, nhìn từ bên ngoài, ta nên chú ý đến việc Nhật Bản sẽ hợp tác với các nước Đông Nam Á, rồi cải thiện quan hệ với Nam Hàn, để ngay trên tuyến đầu của vòng lửa đạn, sẽ là đồng minh chiến lược của Nam Hàn và Đài Loan. 

Còn Hoa Kỳ? Thủ vai Nhạc Mất Quần Ngoài Đông Hải! Xin chờ 2017 xem nước Mỹ sẽ thay đổi y trang thế nào…
Nguồn: http://dainamaxtribune.blogspot.com/

Tham Vọng Năm Năm-Nguyễn Xuân Nghĩa



Phát Thứ Ba, Ngày 151027 

Kế hoạch kinh tế 5 năm sắp tới của Trung Quốc, dấu ấn của thời đại Tập Cận Bình có gì mới? Tiếp tục chuyển hướng, lấy tiêu thụ nội địa làm động lực tăng trưởng. Nâng cao trình độ sản xuất và mở rộng vai trò của đồng nhân dân tệ ngang tầm với đô la Mỹ hay euro của Châu Âu. Đó là một vài mục tiêu chính sẽ được đưa vào kế hoạch phát triển 5 năm (2016-2020) đang được soạn thảo tại Bắc Kinh.

Hai ngày trước khi khai mạc Hội nghị Trung ương 5 soạn thảo kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội, Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố: tăng trưởng 7 % một năm không nhất thiết là mục tiêu sinh tử. Phải chăng giai đoạn chạy đua với thành tích ở Trung Quốc đã đi qua? Hay đấy là một cách gián tiếp để chuẩn bị dư luận trước một chu kỳ khó khăn?

Hội nghị Trung ương 5 khóa 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra lúc nền kinh tế thứ nhì trên thế giới liên tục bắn đi những tin xấu: tỷ lệ tăng trưởng bị chựng lại, rơi xuống dưới ngưỡng tâm lý 7 %. Chỉ số sản xuất công nghiệp liên tục sụt giảm: đang từ 6,1 % của hồi tháng 8/2015 tuột xuống còn 5,7 % vào tháng 9/2015.

Hoạt động trong ngành xuất khẩu tăng chậm hơn so với dự phóng. Cơn sốt địa ốc bị bão hòa, gây khó khăn cho nhiều ngành nghề có liên quan, đứng đầu là công nghiệp sản xuất thép. Trên phương diện tài chính, cho dù Bắc Kinh đã tạm xua tan lo ngại vỡ bong bóng chứng khoán trên thị trường Thượng Hải và Thẩm Quyến, nhưng núi nợ của các chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nhà nước vẫn là những bóng đen đe dọa. Theo thẩm định của cơ quan tư vấn Mỹ McKinsey Global Institut, tổng nợ công của Trung Quốc vào quý 2/2014 tương đương với 282 % GDP của quốc gia này.

Ngày 23/10/2015, ngay sau khi Tổng cục thống kê Trung Quốc thông báo chỉ số tăng trưởng trong quý 3/2015 chỉ đạt 6,9 % và đây là mức tồi tệ nhất trong 5 năm trở lại, Ngân hàng trung ương lập tức thông báo hạ lãi suất chỉ đạo, nới rộng khả năng của các cơ quan tài chính ngân hàng cấp tín dụng cho tư nhân với mục tiêu khuyến khích tiêu thụ và đầu tư.

Quyết định của các giới chức tiền tệ Trung Quốc cho thấy quốc gia này đang tiếp tục theo đuổi chính sách «tái cân bằng» cỗ xe kinh tế lấy tiêu thụ nội địa là động cơ tăng trưởng. Đồng thời biện pháp nói trên cũng nhằm cho khu vực sản xuất khởi sắc trở lại, giảm bớt hàng tồn kho, giải quyết vấn đề sản xuất dư thừa.

Nhưng liệu rằng những lá chắn đó sẽ cầm cự được bao lâu nếu như Bắc Kinh không có chiến lược phát triển lâu dài?

Vào lúc Ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu bàn thảo về kế hoạch 5 năm thứ 13, RFI Việt ngữ đặt câu hỏi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa từ Hoa Kỳ, về những thách thức mà Bắc Kinh phải vượt qua trong giai đoạn 5 năm sắp tới, về tính thời sự của những kế hoạch được một nhóm các nhà lãnh đạo ở thượng tầng cơ quan quyền lực phác thảo ra cho cả nước. Liệu rằng những định hướng được đề xuất trong các kế hoạch liên tiếp như vậy được thực hiện tới đâu?

RFI: Gác bên ngoài những khó khăn trước mắt sau vụ vỡ bóng cổ phiếu vào mùa hè 2015 và sáu đợt bơm tiền để kích thích kinh tế kể từ gần một năm nay, lãnh đạo Bắc Kinh đang vạch ra một lộ trình phát triển cho năm năm tới. Sau bốn ngày thảo luận dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Hội nghị Kỳ 5 sẽ đưa ra Kế hoạch Năm năm cho giai đoạn từ 2016 đến 2020. Thưa anh, theo dõi việc chuẩn bị này, anh cho rằng đâu là những chi tiết đáng chú ý về Kế hoạch Năm năm sắp tới của Bắc Kinh?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Kể từ Kế hoạch Năm năm đầu tiên thời Mao Trạch Đông năm 1953 thì đây là kế hoạch thứ 13 của đảng Cộng sản Trung Quốc.

- Theo quy định thông thường, vài ngày sau khi Hội nghị kỳ 5 kết thúc, Bắc Kinh mới công bố một số điểm chính của Kế hoạch Năm năm. Sau đó mới là chiến dịch học tập để các đảng viên kiêm đại biểu nhân dân tìm hiểu, thống nhất ý kiến và đưa ra cho kỳ họp thứ 5 của Quốc hội Khóa 12 vào đầu tháng 3/2016, thông qua như một văn kiện có giá trị pháp lý cho toàn quốc.

- Trên đại thể thì qua những tiết lộ có chọn lọc - mà mỗi tiết lộ lại có một dụng ý vận động - ta có thể biết được một số điểm chính sau đây về Kế hoạch Năm năm sắp tới :

- Trước hết, nói về lượng thì Kế hoạch sẽ đề ra một mức tăng trưởng sản xuất hàng năm, kỳ này có thể là thấp hơn chỉ tiêu 7% như trước đây. Chi tiết đáng chú ý là hôm 23/10/2015, chính nhân vật đứng hàng số hai dưới Tập Cận Bình là Thủ tướng Lý Khắc Cường, nhắc nhở các đảng viên tại Trường đảng Trung ương ở Bắc Kinh, rằng đừng nên coi chỉ tiêu 7% như một điều gì sinh tử mà chỉ biết rằng kinh tế nên tăng trưởng vào khoảng đó mà thôi.

- Nói cách khác, lãnh đạo không muốn các cấp ở dưới chạy theo chỉ tiêu một cách máy móc và lấy quyết định sai rồi báo cáo láo. Nhưng ta không quên phép tính nhẩm của giới kế toán với con số 70: giả dụ muốn tăng cái gì đó gấp đôi trong 10 năm thì mỗi năm phải tăng 7%.

Vừa lên lãnh đạo vào cuối năm 2012, khi kinh tế Trung Quốc còn tăng được hơn 7% một năm, thì Tập Cận Bình đã đề ra mục tiêu cho đảng là tăng lợi tức gấp đôi trong 10 năm, kể từ năm 2010. Điều ấy có nghĩa là kinh tế vẫn phải tăng trưởng ít ra là 7% một năm cho đến kỳ hạn của Kế hoạch Năm năm là vào năm 2020. Mâu thuẫn về lượng này là chuyện lý thú.

RFI: Thưa anh, thế còn về phẩm thì Kế hoạch Năm năm này sẽ có gì là hay không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ngoài yêu cầu tăng trưởng về số lượng như đã nói, tôi nghĩ rằng Kế hoạch Năm năm được mở ra như những nan quạt rất rộng. Nhiều phần thì họ sẽ công bố gần 10 hướng phát triển mới, nhắm vào việc cải cách và chuyển hướng như những ưu tiên bao quát hơn trước.

- Đó là phải cải cách hệ thống bảo vệ môi sinh, hệ thống tài chánh và doanh nghiệp nhà nước, hệ thống công chi thu ngân sách, nhất là ngân sách địa phương đang bị thiếu hụt. Quan trọng nhất theo tôi có thể là cải cách cả chế độ hộ khẩu để giải quyết yêu cầu xã hội và đô thị hóa một cách quân bình và ổn định hơn.

- Về yêu cầu chuyển hướng thì như các Hội nghị Trung ương trước đã đề ra mà chưa tiến hành là phải lấy tiêu thụ nội địa làm lực đẩy thay thế dần đầu tư và xuất cảng và phải ra khỏi hình thái tăng trưởng nhờ chế biến hàng tiêu dùng với lương rẻ mà bước lên trình độ sản xuất những mặt hàng điện tử có giá trị cao hơn, với khí cụ kỹ thuật mới.

- Song song và ra khỏi nội tình Trung Quốc thì Kế hoạch Năm năm mới cũng sẽ vạch ra lộ trình thực hiện các sáng kiến được lãnh đạo đưa ra trước quốc tế, như Con Đường Tơ Lụa gồm có Nhất Đới trên đất liền và Nhất Lộ ở ngoài biển, hoặc dự án Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Á châu gọi tắt là AIIB.

- Ngoài ra, Bắc Kinh có thể nêu ra tiêu chí cụ thể cho việc nâng cao vị trí của đồng nhân dân tệ (yuan), thành ngoại tệ giao hoán phổ biến như đồng đô la Mỹ, đồng euro của châu Âu, đồng bảng Anh hay đồng yen Nhật.

- Trong tháng tới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế có thể thông báo quyết định chấp thuận cho đồng yuan được vào rổ ngoại tệ Trích xuất Đặc biệt như bốn đồng tiền kể trên. Khi đó Ngân hàng Trung ương và các doanh nghiệp sẽ phải làm những gì để tăng ưu thế và sức giao dịch của đồng bạc ?

- Sau cùng, có khả năng Kế hoạch Năm năm này cũng kết thúc đợt ba và sau cùng của chiến dịch diệt trừ tham nhũng mà Tập Cận Bình đã đề ra. Mục đích có thể là chính trị nội bộ mà cũng có thể nhắm vào việc trấn an quốc tế, các đảng viên và cả tư doanh vì sự xáo trộn quá lớn xuất phát từ những đợt thanh trừng các đảng viên cao cấp vì tội tham nhũng.

RFI: Như anh vừa trình bày Kế hoạch Năm năm này có nhiều tham vọng vì mở ra những nhiệm vụ bao quát hơn cho đảng viên và các cấp nhà nước. Chúng ta có thể hiểu ra tham vọng ấy của thế hệ lãnh đạo như Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường vì năm hoàn tất kế hoạch thứ 13, là 2020 cũng là thời điểm đảng Cộng sản Trung Quốc chuẩn bị Đại hội khóa 20 để đưa một thế hệ khác lên thay. Anh vừa nói đến mục tiêu của Tập Cận Bình khi mới nhậm chức là sẽ nhân lợi tức gấp đôi vào năm 2020, như vậy có phải Kế hoạch Năm năm này sẽ là một dấu ấn cùa Tập Cận Bình không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ như vậy, nhưng còn phải chờ xem hai chuyện. Thứ nhất là con voi trắng lù lù trong nền kinh tế Trung Quốc là khối nợ trị giá từ 25 đến 28 ngàn tỷ đô la. Nó chưa được giải quyết, chưa thể giải quyết và đang di căn thành một bong bóng trái phiếu khổng lồ sẽ có ngày vỡ.

- Thứ hai là trước khi đến Đại hội Khóa 20 thì Đại hội Khóa 19 vào cuối năm 2017 phải xác nhận ai là người sẽ lên kế vị Tập Cận Bình, có thể là Bí thư Hồ Xuân Hoa của tỉnh Quảng Đông. Khi ấy, lãnh đạo đảng xử trí ra sao về khối nợ này và sự nghiệp Tập Cận Bình sẽ được đánh giá từ đó, chứ không ở tốc độ tăng trưởng bề nào cũng phải thấp hơn 7% nếu họ thật sự muốn chuyển hướng.

RFI: Câu hỏi sau cùng thưa anh, nếu so sánh với các Kế hoạch Năm năm thời Mao Trạch Đông thì Kế hoạch Năm năm ngày nay có gì là tiến bộ hơn?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Mao Trạch Đông ngày xưa còn ngây dại và duy ý chí học theo mô hình Xô viết với ông thầy là các cố vấn Liên Xô nên muốn công nghiệp hóa bằng bước nhảy vọt vĩ đại: từ một nền kinh tế nông nghiệp còn khép kín với bên ngoài, qua các chỉ tiêu máy móc về kỹ nghệ nặng và làm cả nước chết đói.

- Ngày nay, lãnh đạo Bắc Kinh học theo Nhật Bản và Nam Hàn nên có chủ trương và đường hướng linh động hơn và càng ngày càng linh động của một nước tân tòng, mới công nghiệp hóa.

- Tuy nhiên, sự kiện đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn còn đề ra kế hoạch ngũ niên với chỉ tiêu tăng trưởng như vậy cho thấy hệ thống chính trị và cả tổ chức quyết định về kinh tế thật ra chưa đổi so với thời Mao. Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng có khuynh hướng đề ra các ưu tiên trường kỳ cho tư doanh phát triển với hậu thuẫn của bộ máy nhà nước, và đã từng bị khủng hoảng kinh tế hay tài chánh trên lộ trình đó. Nhưng Seoul và Tokyo không bị khủng hoảng xã hội và chính trị, và người ta chẳng thấy cái nạn dân chúng biểu tình bạo động chống chính phủ. Tại Trung Quốc, trung bình mỗi ngày có 500 vụ biểu tình lớn nhỏ mà báo chí không được quyền tường thuật rộng rãi. Cho nên lãnh đạo ở trên cứ vẽ họa đồ về con đường 5 năm trước mặt nhưng vẫn có thể bị ngạc nhiên bất ngờ
Nguồn: http://dainamaxtribune.blogspot.com/