Saturday, December 7, 2019

Vũ Linh-Tin Vắn Trong Tuần (Dec. 07,2019)


Vũ Linh-Tin Vắn Trong Tuần (Dec. 07,2019)

CẬP NHẬT ĐÀN HẶC
Đàn hặc TT Trump bước qua giai đoạn hai. Tiến trình điều tra coi như đã chấm dứt. Kết quả ra sao? Tùy quý độc giả đứng phiá nào thôi. Ủy Ban Tình Báo chấm dứt điều tra và ra báo cáo. Báo cáo 300 trang được biểu quyết theo đúng làn ranh đảng trong ủy ban: 13 dân biểu DC biểu quyết chấp nhận kết luận là đưa qua Ủy Ban Tư Pháp để tiến hành thủ tục đàn hặc, và 9 dân biểu CH biểu quyết chống hết. Không có được tới một phiếu CH trong báo cáo, làm sao hy vọng Thượng Viện sẽ truất phế được?
Kẻ này cũng dám cá trong 22 vị đó, không có tới một người nào đọc hết 300 trang đó. Đó là kỹ thuật viết báo cáo của chính trị gia: viết cho thật dầy để chẳng ai đọc hết. Họ chỉ đọc hai chữ “yes” hay “no” thôi.
Dân biểu Jerrold Nadler, chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp đang xử lý giai đoạn hai của đàn hặc, trước đây khi ‘đồng chí’ TT Clinton bị đàn hặc, đã dõng dạc tuyên bố “Không thể nào chấp nhận được một đàn hặc với một bên ủng hộ mạnh và một bên chống đối mạnh. Đàn hặc như vậy sẽ không chính danh, chỉ tạo phân hóa và cay đắng trong chính trị”. Bây giờ thì ông Nadler nghĩ sao khi 100% dân biểu DC chấp nhận đàn hặc trong khi 100% dân biểu CH chống? Có chính danh không?
Cựu thượng nghị sĩ DC Joe Lieberman, trước đây từng ra ứng cử phó tổng thống cùng liên danh với ông Al Gore chống liên danh Bush con - Cheney, đã nhận định đây là một cuộc đàn hặc ‘phe đảng’ nhất trong lịch sử Mỹ (nguyên văn: “the most partisan impeachment attempt in American history”).
Trong phúc trình của Ủy Ban Tình Báo, TT Trump đại khái bị tố cáo vi phạm 2 tội: 1) cản trở công lý khi bất hợp tác với Hạ Viện trong việc điều tra, và 2) đổi chác đòi Ukraine điều tra cha con cụ Biden đổi lấy viện trợ quân sự và việc TT Trump tiếp kiến TT Ukraine. Tội thứ nhất đe dọa đến uy quyền của lập pháp, tội sau đe dọa an ninh quốc gia. Xin lưu ý đây chưa phải là những tội sẽ bị đàn hặc.
Nếu kẻ này có tiếng nói, sẽ đàn hặc tất cả các dân biểu DC về 3 tội: 1) cản trở tiến trình dân chủ khi bất hợp tác với chính quyền do dân bầu một cách hợp pháp và chính danh; 2) vu khống TT Trump dựa trên những lời đồn vô bằng chứng; 3) tạo phân hoá trầm trọng trong chính trường, gây bế tắc, tê liệt hoàn toàn bộ máy chính quyền (Câu hỏi cho những vị dân biểu được bầu để làm luật: từ ngày đắc cử năm 2018, từ hơn một năm qua, quý vị đã ra luật gì giúp nước giúp dân, hay chỉ lo chuyện ‘đảo chánh’?)
Báo cáo được chuyển qua Ủy Ban Tư Pháp của ông Nadler, một trong những dân biểu đòi đàn hặc TT Trump từ ngày ông vừa tuyên thệ nhậm chức, do đó chẳng ai thắc mắc ủy ban này sẽ làm gì.
Thảo luận của Ủy Ban Tư Pháp bắt đầu giữa tuần rồi khi Hạ Viện mang 4 giáo sư chuyên gia về Hiến Pháp ra điều trần.
Vì không còn là điều tra mà bây giờ là xét xem kết quả điều tra đã đủ yếu tố pháp lý để đàn hặc không nên phe Hạ Viện đã phách lối ra tối hậu thư cho TT Trump phải đích thân ra trước Hạ Viện để biện giải những việc làm của ông, giải thích tại sao những việc làm đó không vi phạm luật. Nếu tổng thống muốn, có thể cho luật sư ra bào chữa thay thế. Dĩ nhiên là TT Trump đã ... cười té lăn xuống ghế vì trò hát bội rẻ tiền này.
Thứ nhất, Hiến Pháp không có ghi Hạ Viện có quyền ra tối hậu thư tổng thống phải ra trình diện để tự bào chữa bất cứ chuyện gì trước quốc hội hết.
Thứ nhì, chẳng ai biết, kể cả TT Trump, ông đã bị kết tội gì, ai là người tố cáo, dựa trên bằng chứng cụ thể nào, ai là nhân chứng chính mắt thấy tai nghe.
Thứ ba, Ủy Ban Tư Pháp bàn thảo về khiá cạnh pháp lý của đàn hặc là chuyện bá láp, vì ai cũng biết đàn hặc không phải là một vấn đề pháp lý, mà chỉ là đòn phép chính trị. Trong lịch sử nhân loại, không kể các tòa án cuội kiểu như tòa án nhân dân của VC thời đấu tố cải cách ruộng đất ở BV, thì không có một xứ nào trên thế giới chấp nhận những ‘lời đồn’, nghe qua nói lại làm căn bản để kết tội bất cứ ai, bất cứ tội gì.
Thứ tư, coi như phe đa số DC sẽ đàn hặc TT Trump bất kể chuyện gì xẩy ra, như vậy TT Trump có ra biện giải trước Hạ Viện cũng chẳng giúp gì ông, mà trái lại chỉ tăng uy tín cho Hạ Viện, được tiếng đã lôi được tổng thống đương nhiệm ra trước ‘vành móng ngựa’.
Một vài dân biểu DC đã nêu lên ý kiến lấy biểu quyết khiển trách TT Trump thôi, -censure motion- chứ không đàn hặc. TT Trump đã bác bỏ ý kiến này vì tất cả đều có tính cách một chiều. Ông muốn bị đàn hặc để phe đa số CH đồng minh có dịp ‘điều tra’ lại toàn bộ vấn đề dưới khiá cạnh thuận lợi cho ông hơn, đặc biệt là Thượng Viện sẽ lôi anh thổi còi, cha con cụ Biden ra chất vấn luôn.
Anh thổi còi là tép riu không đáng kể, nhưng cha con cụ Biden quan trọng. Đầu giây mối nhợ là cha con cụ có tham nhũng không, nếu có thì TT Trump và chính quyền Mỹ có toàn quyền yêu cầu Ukraine điều tra, giống hệt như PTT Biden đã yêu cầu Ukraine sa thải chánh công tố vì tham nhũng. Chuyên gia luật pháp của đài ABC cũng phải nhìn nhận đây là vấn đề đáng được quan tâm: tại sao anh Hunter Biden được cái job trong một công ty Ukraine?
Tham nhũng hay không, phải lôi cha con cụ Biden ra điều trần mới biết được, từ đó mới biết yêu cầu điều tra của TT Trump có chính đáng hay không. Cụ Biden từ chối ra điều trần sẽ giúp phe CH tại Thượng Viện có lý do chính đáng không buộc tội TT Trump gì hết.
Sự thật là đảng DC đã đi quá xa với đàn hặc, không còn đường tháo lui nữa. Chính bà Pelosi đã xác nhận sẽ đàn hặc.
Tin buồn cho bà Pelosi: trong vòng 72 tiếng sau lời tuyên bố của bà, ủy ban vận động của TT Trump đã nhận được ngay 15 triệu đô, toàn là tiền ủng hộ nhỏ của cử tri bình thường khoảng vài chục hay một hai trăm đô.

CHUYỆN BÊN LỀ ĐÀN HẶC
Bốn giáo sư, gọi là chuyên gia về Hiến Pháp, đã được Ủy Ban Tư Pháp mời ra điều trần. Có vài chuyện bên lề đáng nói.
-     Phe DC đưa ra 3 vị ủng hộ DC, xác nhận TT Trump vi phạm tội đáng bị truất phế, và chỉ cho phép phe CH đưa ra 1 vị tố cáo đàn hặc cuội. Nhìn vào tỷ lệ 3/1 thì thấy ngay ủy ban có công bằng hay không.
-     Câu tuyên bố đáng ghi nhớ nhất của GS Jonathan Turley do phe CH mời: trong khi Hạ Viện tố TT Trump lạm quyền thì ông Turley nói Hạ Viện mới chính là cơ quan đang lạm quyền khi truy tố và đàn hặc tổng thống mà không có bất cứ một bằng chứng cụ thể nào mà chỉ toàn là lời nghe qua nói lại.
-     Bà giáo sư Pamela Karlan của đại học cấp tiến Stanford của Cali bị tố đã gửi tiền yểm trợ cho các ứng cử viên DC như Obama, Hillary, và Warren. Bà cũng từng nhiều lần công khai công kích khối bảo thủ nói chung và miệt thị TT Trump.
-     Bà Karlan dở trò tiểu xảo hạ cấp, chơi chữ, chọc quê tên của chú Barron Trump, con út của TT Trump bây giờ mới 13 tuổi (Bà Karlan nói “TT Trump ôm mộng làm vua; ông đặt tên con là Barron –hai chữ ‘r’- không có nghiã con ông là baron thật –một chữ ‘r’. Baron là chức ‘Nam Tước’ trong các chế độ phong kiến Âu Châu). Trên nguyên tắc, vợ và con cái của các chính khách thường là bất khả xâm phạm, nhất là những con vị thành niên, nhưng với những vị cấp tiến văn minh, đánh vợ Trump và con Trump đều ô-kê tuốt. Nhớ lại năm xưa, TTDC đã bôi bác đứa con tật nguyền của bà Sarah Palin không nương tay.
-     Tin giờ chót, bà Karlan đã chính thức xin lỗi vì chuyện vô ý thức này. Xin lỗi là một chuyện, nhưng dân Mỹ đã nhìn thấu tính phe đảng và hạ cấp của bà. Chính bà đã phá hủy giá trị phần trình bày của bà. Giáo sư Đại Học Stanford đó.
-     Một dân biểu CH yêu cầu cả bốn giáo sư, người nào đã bỏ phiếu cho Trump, xin giơ tay. Bà Karlan phản đối ngay, nhưng chủ tịch ủy ban, db Nadler cho phép đặt câu hỏi. Ông dân biểu CH lập lại câu hỏi, không một ai giơ tay hết. Thật ra, ai cũng biết cả bốn vị, kể cả GS Jonathan Turley là người chỉ trích đàn hặc, đều là những người đã công khai công kích TT Trump.
-     Ý định hiển nhiên của Hạ Viện là mang họ ra giảng Hiến Pháp cho dân Mỹ hiểu tại sao họ phải đàn hặc. Nhưng trang mạng cấp tiến cực đoan Slate đã cho rằng Ủy Ban Tư Pháp đã mang lại thảm họa cho phe DC khi cho các chuyên gia diễn hành với những tranh cãi về luật lệ và thủ tục hiến định mà chẳng ai hiểu gì hết, với kết quả là chẳng thuyết phục được một người nào về ‘tội’ của TT Trump hết.
-     Cụ Biden khi nghe tin có thể sẽ bị Thượng Viện lôi ra điều trần, đã tuyên bố ngay “sẽ không ra”! Hoan hô cụ! Cụ vừa giúp cho phe CH có đồng minh để biện giải việc họ không ra điều trần trước Hạ Viện. Đố quý vị biết người đang run sợ nhất nếu đàn hặc bước qua giai đoạn tiếp, vào Thượng Viện là ai, ông Trump hay cụ Biden?

CẬP NHẬT TRANH CỬ
Tin chấn động dư luận dĩ nhiên là tin bà thượng nghị sĩ Cali, Kamala Harris đã bỏ cuộc. Bà Harris ban đầu được coi như thần tượng mới nổi của đảng DC tiến bộ vì vừa là phụ nữ, vừa là da màu, vừa có thành tích chống tội ác, vừa là dân của tiểu bang với nhiều phiếu cử tri đoàn nhất, cũng tốt mã và ăn nói khá.
Bà bắt đầu hơi lận đận, nhưng bốc lên như hỏa tiễn sau khi lên tranh luận trên TV, đấm cụ Biden bể mũi. Nhưng như lửa rơm, bốc đó rồi tàn đó. Bà thất bại vì chương trình tranh cử chẳng có gì đáng nói, không cấp tiến mạnh như bà Warren hay ông Sanders, cũng chẳng ôn hòa, nửa chừng xuân, không ai rõ bà muốn gì hay sẽ làm gì. Bà cũng chịu ảnh hưởng cái nghề công tố của bà, dùng ngôn ngữ tòa án nhiều nên cử tri nghe không vô lắm. Điểm khá đặc biệt là bà có cái cười rất... vô duyên và mất cảm tình, đúng như dân ta gọi là... cười hô hố, không có vẻ tổng thống lắm. Bà đã biểu diễn cái cười này hai lần trong hai cuộc tranh luận trên TV cho cả nước thưởng thức.
Những đệ tử của bà vẫn còn đang hy vọng bà sẽ là một ứng cử viên phó tông tông lý tưởng.
Cụ Biden, trong một hy vọng thu hút cử tri của bà Harris, đã mau mắn lên tiếng ông sẵn sàng cứu xét việc mời bà này ra làm phó của ông. Chính trị Mỹ là vậy, không có bạn hay thù, chỉ cần biết làm tính cộng trừ cử tri.
Hậu quả khá lạ lùng là trong cuộc tranh luận trên TV lần tới trong tháng Chạp này, cho đến nay, chỉ có ứng cử viên hội đủ 2 điều kiện 1) có hơn 200.000 người ủng hộ tiền và 2) có trung bình 4% tỷ lệ hậu thuẫn dựa trên một tá thăm dò lớn: các cụ Biden, Sanders, Warren, ‘chị’ Buttigieg, bà TNS Klobuchar và anh tỷ phú Steyer.
Đảng DC đang hết sức bối rối vì nhìn vào danh sách, tất cả đều trắng hơn trứng luộc, không có một anh hay chị da màu gốc Phi Châu, Mễ, Ấn Độ, Bà Tàu gì ráo. Cái túp lều đa dạng lớn của đảng DC chỉ là cái mồi câu cử tri đa dạng chứ còn trên bàn tiệc lớn, các đại quan đều da trắng hết.
Nhưng đó là chuyện nhỏ, chuyện lớn là dân da màu nản chí, nằm nhà không đi bầu thì TT Trump sẽ tái đắc cử 10 lần nữa!
Một con nhạn khác: thống đốc Montana, ông Steve Bullock đã tuyên bố chấm dứt cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc của ông. Nếu quý vị chẳng biết ông này là ai thì chẳng có gì lạ. Ông này chưa bao giờ có hậu thuẫn tới 1% ngay trong nội bộ đảng DC.
Đây là thống đốc DC thứ ba rút lui, sau ông John Hickenlooper của Colorado, và Jay Inslee của Washington State.
Sau khi tỷ phú Michael Bloomberg ra tranh cử, tổ chức truyền thông Bloomberg của ông cho biết sẽ ngưng mọi điều tra và công kích các ‘đồng minh’ DC đang tranh cử, nhưng sẽ tiếp tục công kích và điều tra TT Trump.
TT Trump đã mau mắn tố giác thái độ phe đảng của một cơ quan gọi là truyền thông mà không hành xử khách quan và công bằng với tất cả các ứng cử viên. Ông đã phản ứng bằng cách cấm cơ quan truyền thông Bloomberg không được tham dự/tháp tùng các chuyến công du hay đi vận động của ông. TT Trump giải thích lý do là khi Bloomberg có thái độ thiên vị như vậy thì họ không còn là một cơ quan thông tin nữa, mà đã trở thành một công cụ chính trị của một ứng cử viên, do đó, họ không còn chỗ đứng trong khối nhà báo có quyền tháp tùng TT Trump nữa.
Thăm dò mới nhất cho thấy ông Bloomberg đã được hậu thuẫn của khoảng 6% cử tri DC. Không tệ lắm tuy đường đi còn rất dài.
Sau cụ ông xã nghĩa Sanders tới phiên cụ bà xã nghĩa Warren lên tiếng công kích ông Bloomberg, cho rằng bà không tin Tòa Bạch Ốc là món hàng mà ai có nhiều tiền nhất có thể mua.
Ta chờ xem đảng DC sẽ đề cử ai.
Cụ Biden cố lên tiếng để khỏi bị lu mờ. Cụ tung ra một kế hoạch thuế mới, dự trù sẽ tận thu được khoảng 3.200 tỷ đô tiền thuế trong 10 năm tới. Chủ yếu sẽ là tăng thuế trên lợi tức công ty, dĩ nhiên tuyệt đối không dám tăng thuế trên dân trung lưu, cũng không đánh thuế trên tài sản các đại gia như bà Warren dự tính. Chẳng có gì mới lạ khi mà tất cả các ứng cử viên DC đều đưa ra những chương trình chi tiêu trên trời, tất cả đều do các đại công ty chi trả qua việc tăng thuế.
Điều các vị này không chiết tính vào các kế hoạch chỉ là hai chuyện. Thứ nhất, bao nhiêu công ty sẽ nấu nướng sổ sách để rồi cuối cùng chẳng trả một đồng xu thuế nào như các đại tổ hợp Amazon, Apple, GE,... dưới thời Obama. Thứ nhì, bao nhiêu công ty sẽ lại đóng cửa tiệm, dọn ra ngoài nước Mỹ để tránh thuế cũng trong những năm Obama? Hậu quả sẽ như thế nào trên tỷ lệ thất nghiệp? Trên tăng trưởng kinh tế?
Một điều chúng ta đừng bao giờ quên: khi các công ty -tiểu hay đại cũng vậy- phải trả thêm thuế thì họ tất nhiên sẽ tìm cách chuyển phụ chi thuế lên đầu người tiêu thụ là chúng ta thôi. Ví dụ như ông chủ tiệm phở ở khu Bolsa phải trả thuế thêm trên mỗi tô phở thì lẽ đương nhiên, ông ta sẽ tăng giá tô phở, hay bớt ít bánh phở, hay bớt một hai miếng thịt để bù đắp. Rốt cuộc thì chúng ta vẫn là người cuối cùng và thực sự đóng thêm thuế thôi.
Tỉnh ngủ đi các cụ ơi!

CỤ BIDEN GẶP VẤN ĐỀ
Trong một buổi họp mặt nói chuyện với cử tri Iowa, cụ Biden đã hùng hổ tuyên bố chính quyền của ông và Obama đã có chính sách không cách ly gia đình dân tỵ nạn từ năm ... 1976 rồi. Vài giây sau, cụ Biden sực tỉnh, xin lỗi rồi sửa lại cụ muốn nói năm 2014. Lại nhầm. Nhầm có khoảng bốn thập niên thôi. 
Một cử tri lên tiếng chất vấn tại sao con của cụ, anh Hunter Biden, có được cái job trả tiền thật hậu hĩnh trong một công ty dầu khí Ukraine khi anh ta chẳng có một ly kinh nghiệm nào về dầu khí hay về Ukraine hết. Có phải đó là cách để móc nối, lấy ảnh hưởng với PTT Biden không? Cụ Biden nổi giận, chửi anh cử tri này “You’re a damn liar!” mà không giải thích anh ta nói láo ở điểm nào. Rồi bất ngờ cụ thách anh ta chạy đua, thi hít đất và thi trắc nghiệm trình độ thông minh –IQ test- với cụ! Cả hội trường chưng hững chẳng hiểu tại sao cụ Biden lại có ý kiến lạ vậy. Có lẽ tại cụ Biden thấy anh cử tri hơi bự con, có ý chê anh ta mập và ngu? CNN mau mắn bênh vực, cho rằng cụ Biden đã chứng tỏ mình cứng cựa, không dễ bị ăn hiếp, xứng đáng làm tổng thống. Thế TT Trump có cứng cựa không, có xứng đáng làm tổng thống không nhỉ?
Cụ ơi, câu hỏi của anh cử tri đó không nghĩa lý gì so với các câu hỏi của các thượng nghị sĩ CH nếu cụ phải ra trước Thượng Viện đâu, cụ ạ.

TIN KINH TẾ
Tin mới nhất cho thấy trong tháng qua, kinh tế Mỹ đã tạo ra thêm 266.000 việc làm trong khi tỷ lệ thất nghiệp xuống thấp nhất trong nửa thế kỷ qua, 3,5%. Với những thành quả như vậy mà phe đối lập không coi ra gì, nhất định đòi lột chức thì đúng là đã coi quyền lợi đảng cao hơn quyền lợi của người dân rất nhiều.
Chính quyền Trump cho biết đang nghiên cứu trả đũa Pháp trong cuộc chiến thuế quan giữa hai ‘đồng minh’. Pháp khiêu chiến trước, khi đánh thuế quan 3% trên sản phẩm các công ty gọi là “GAFA”  (Google, Amazon, Facebook, Apple) đều là công ty Mỹ.
Chính quyền Trump cho biết sẽ đánh thuế quan 100% trên hàng nhập cảng từ Pháp trị giá 2,4 tỷ đô, nhắm vào hàng loại xa xỉ phẩm như phó mát –cheeze-, rượu đỏ, và mỹ phẫm. Dĩ nhiên trong những ngày tháng tới hai bên sẽ lại điều đình chứ chuyện không giản dị như vậy.
Mặt khác, có tin chính quyền Mỹ đang nghiên cứu lại chính sách nhập cảng hàng từ các nước Áo, Ý và Thổ Nhĩ Kỳ. Hôm đầu tuần, TT Trump cho biết sẽ tăng thuế trên sắt và thép nhập cảng từ Brazil và Argentina. Trong khi đó, TT Trump cũng cho biết thương lượng mậu dịch với Trung Cộng có thể sẽ kéo dài qua khỏi cuộc bầu tổng thống cuối năm tới luôn.
Hiển nhiên, TT Trump đang cố làm nhiều chuyện để giúp giảm thâm thủng mậu dịch của Mỹ với cả thế giới, giúp bảo vệ kinh tế Mỹ và công ăn việc làm cho dân lao động Mỹ. Nhưng gia tài thâm thủng mậu dịch từ các tổng thống mấy đời trước để lại không dễ gì có thể giải quyết mau chóng khi bạc trăm tỷ đang ở trên bàn cân. Cái lo ngại chung là nếu một người cứng cựa như TT Trump mà không giải quyết được thì một tổng thống ‘mềm mỏng’ hơn sẽ làm được gì?

CẮT PHIẾU THỰC PHẨM
Chính quyền Trump đã thông báo cho biết kể từ tháng 4/2020, tiêu chuẩn lãnh phiếu thực phẩm –foodstamps- sẽ bị xiết chặt lại để tránh lạm dụng. Những người khỏe mạnh, có thể đi làm muốn còn được nhận phiếu thực phẩm quá 3 tháng phải đưa bằng chứng đã theo học nghề gì đó ít nhất 80 tiếng đồng hồ (10 ngày) trong một tháng.
Biện pháp trên được dự trù sẽ khiến khoảng 700.000 người mất phiếu thực phẩm, tiết kiệm cho Nhà Nước trên 5,5 tỷ đô tiền thuế dân đóng trong 5 năm.
Bộ trưởng Canh Nông Sonny Purdue cho biết hiện nay, theo tất cả nghiên cứu, số việc làm cao hơn số người xin việc, có nghĩa là những người muốn đi làm có thể tìm ra việc không khó khăn lắm.

NEWSWEEK LẠI DẬP MẶT
Một trong hai tạp chí chính trị xuất bản hàng tuần lớn nhất của Mỹ là  NEWSWEEK, cùng với TIME. Cả hai đều cạnh tranh nhau tối tăm mặt mũi, tuy TIME có vẻ trên cơ hơn NEWSWEEK. Vì muốn trên cơ TIME, có tin dựt gân sớm hơn nên NEWSWEEK nhiều khi uống thuốc liều, đăng tin bừa, đi sớm hơn một bước, có khi sớm hơn cả tin thực sự, dựa trên phỏng đoán.
Trong kỳ bầu tổng thống năm 2016 vừa qua, TTDC tin chắc hơn đinh đóng cột là bà Hillary sẽ đại thắng. NEWSWEEK chơi trội, đúng ngày cử tri còn đứng xếp hàng chờ bỏ phiếu, phát hàng ngay số đặc biệt chào mừng bà tân tổng thống Hillary Clinton.
Dập mặt nhưng bây giờ vẫn chưa chừa.
Nhân ngày Lễ Tạ Ơn Thanksgiving, NEWSWEEK gửi tin khắp thế giới, công kích TT Trump ăn thanksgiving bằng cách đi đánh gôn và ngồi nhà tuýt chửi bậy chửi bạ thiên hạ. Ngay sau đó, Tòa Bạch Ốc loan tin và gửi hình TT Trump đang đứng bưng khay cho lính Mỹ tại Afghanistan ăn tiệc Thanksgiving.
NEWSWEEK có cái tật làm trứng mà đập trứng vào mặt mình.
Bị ê mặt, NEWSWEEK đã buộc lòng phải sa thải chị nhà báo viết bản tin bố láo đó, và giáng chức anh chủ bút trách nhiệm cái trang tin thời sự đó.
Thật ra, chị Mỹ con gốc Ba Tàu Jessica Kwong này bị sa thải cũng hơi oan vì chỉ là con thiêu thân tép riu, trong khi anh chủ bút cho trang tin tức bị giáng chức cũng chưa đúng là thủ phạm. Người có tội đáng bị trừng phạt không phải là chị nhóc và anh chủ bút tầm thường này, mà là ông chủ bút lớn của NEWSWEEK là người đã chấp nhận và nuôi dưỡng cái tinh thần phe đảng chống Trump bằng mọi cách trong một tạp chí tự cho là có uy tín lâu năm.



Vũ Linh 102: Buttieg, Ngôi Sao Mới


Vũ Linh 102: Buttieg, Ngôi Sao Mới
Dec. 6, 2019

Cuộc chạy đua bên đảng Dân Chủ tiếp tục xoay hướng đổi chiều bất tử. Khi cuộc  đua bắt đầu thì cụ Biden đè bẹp tất cả hai tá đồng chí đang hăm he dành giựt cái ghế đại diện đảng DC lên võ đài với TT Trump. Nhưng sau đó thì thiên hạ mất phương hướng, đầu óc bắt đầu rối bù khi các ứng cử viên thay phiên nhau, nổi lên rồi biến mất.
Khiến người ta nhớ lại cuộc chạy đua bên CH năm 2016. Cũng gần hai tá sao chổi vọt qua khung cửa sổ, đến rồi đi, để rồi cuối cùng, ông Trump, một người bắt đầu cuộc đua với tỷ lệ hậu thuẫn đâu 1%-2%, đắc cử làm đại diện cho đảng CH lên võ đài đấu với Hy Bà Bà. Lịch sử tái diễn với anh Buttigieg chăng?
       Bài này sẽ bàn qua ông Pete Buttigieg.
Trước hết, xin phép bắt đầu từ màn kịch đầu tiên.
Khởi đầu, cụ Biden hoàn toàn thống trị sân khấu DC với tỷ lệ hậu thuẫn đâu hơn một phần ba cử tri, với hai tá ứng cử viên còn lại chia nhau hai phần ba còn lại.
Sự thống trị đó bị sứt mẻ mạnh trong trận tranh cãi đầu tiên trên TV là nơi đã làm nổi bật bà thượng nghị sĩ Cali Kamala Harris. Bà này đúng là hiện thân của ứng cử viên lý tưởng của khối cấp tiến DC: cấp tiến không quá khích, phụ nữ, lại có máu da đen, đẹp, duyên dáng, ăn nói mạnh bạo, đến từ tiểu bang có nhiều phiếu cử tri đoàn nhất vừa ở cấp bầu sơ bộ trong nội bộ DC, vừa trong cuộc bầu tổng thống cuối cùng. Bà Hillary nhìn bà Harris với cặp mắt cay cay, như đang nhìn vào tổng thống phụ nữ đầu tiên của Mỹ.
Nhưng bong bóng Harris xì hơi khá nhanh vì chẳng có gì đặc biệt ngoài tài đấm bể mũi cụ Biden.
Khi đó, ông Buttigieg vẫn còn là một bóng mờ chưa ai để ý.
Ngôi sao mới của DC thay thế bà Harris là cụ bà xã nghĩa Elizabeth Warren. Nhưng bà này gặp hai cái trở ngại lớn, thứ nhất là cùng quan điểm, giống như sanh đôi với cụ ông xã nghĩa Sanders, khiến khối cấp tiến cực đoan nhất gặp bối rối, phân hoá giữa hai người. Bà Warren cũng bị chất vấn vì các chương trình quá đồ sộ, không tưởng, tốn kém tới hơn cả chục lần ngân sách của cả nước. Hậu thuẫn của bà hiện nay hình như đã ổn định, khó leo cao hơn, nếu không muốn nói là có phần bắt đầu suy giảm.
Cử tri DC Mỹ nhìn qua nhìn lại, chẳng còn bao nhiêu người, chợt thấy bóng dáng anh Buttigieg, là người có quan điểm tuy cũng cấp tiến nhưng ôn hòa và thực tế hơn xa hai cụ đồng chí xã nghĩa, mà có vẻ điềm tĩnh, chín chắn, đầu óc tỉnh táo hơn cụ Biden nhiều. Đã vậy, lại còn có một điểm rất ăn khách trong khối cử tri cấp tiến trẻ là... đồng tính.
Ông Buttigieg là thị trưởng thành phố South Bend, tiểu bang Indiana, là người ra mắt với tỷ lệ hậu thuẫn dưới cả 1% như ông Trump trước đây, nhưng bây giờ đã thành ngôi sao đang bừng sáng trong đảng DC tuy chưa lấn át được 3 lão đồng chí đang dẫn đầu cuộc chạy đua.
Ông Buttigieg là một ứng cử viên hạng rất xoàng khi mới bắt đầu cuộc chạy đua. Hầu như không ai để ý vì ông là thị trưởng một thành phố lớn hơn Kontum của ta một chút. Ông đắc cử thị trưởng với tổng số chưa tới 11.000 phiếu. Bây giờ, ông hy vọng sẽ có năm bẩy chục triệu người bỏ phiếu cho ông.
Ngoài ra, chẳng có một ly thành tích nào khác, lý do chính là còn rất trẻ, mới có 37 tuổi. Trong thời gian làm thị trưởng, chắc vì chẳng có việc gì phải làm tại thành phố tý hon này, ông đăng lính, tình nguyện gia nhập quân đội. Năm 2014, ông là trung úy tình báo hải quân, được gửi qua Afghanistan trong 7 tháng, nhưng phần lớn thời gian là làm tài xế lái xe cho đơn vị trưởng. Không phải lính tác chiến, cũng chẳng phải chuyên gia tình báo gì. Để hóa giải phần nào ‘thành tích’ ghê gớm này, ông Buttigieg thường nói đùa ông từng làm nghề lái xe Uber tại Afghanistan. Năm năm sau, ông trung úy tài xế cảm thấy dư sức làm tổng tư lệnh quân lực.
Ông Buttigieg theo học Đại Học Harvard rồi Oxford, nhưng chỉ có bằng cử nhân, bachelor.
Ông là người công khai đồng tính, có ‘chồng’ (hay vợ?) là anh (hay chị?) Chasten Glezman, có chính thức và công khai ‘làm đám cưới’. Đám cưới này đã gây xích mích gia đình lớn trong nhà anh Glezman, là một gia đình công giáo nặng, đã không nhìn nhận đám cưới và từ luôn ông Glezman.
Trả lời những thắc mắc về kinh nghiệm yếu kém của ông, ông Buttigieg tuyên bố ông là người đến từ một tỉnh nhỏ của tiểu bang Indiana, là tiểu bang đã bầu cho TT Trump, nên ông hiểu rất rõ tâm lý quần chúng tỉnh CH nhỏ, nên biết cách để hạ Trump. Nôm na ra, ông đã nhìn nhận chỉ có tự tin có thể hạ Trump chứ không biết nói gì hơn về kinh nghiệm kinh bang tế thế. Hiển nhiên, ông Buttigieg coi việc quản trị một thành phố với khoảng 100.000 dân cũng chẳng khác gì lãnh đạo cả nước Mỹ với hơn 300 triệu dân, hay thực tế hơn nữa, lãnh đạo cả thế giới luôn.
Ông Buttigieg nổi lên trong thời gian qua nhờ nhiều yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, như các cụ ta vẫn nói.
Thứ nhất, các đối thủ của ông hay nói chung, tất cả các ứng cử viên tổng thống của đảng DC đều chẳng ai lọt vào mắt xanh của đại đa số cử tri của đảng DC. Hai cụ xã nghĩa Sanders và Warren có vẻ quá thiên tả cho khẩu vị Mỹ. Cụ Biden ôn hoà và nhiều kinh nghiệm lớn nhưng hình như đã qua cái tuổi xuân quá lâu rồi, nên bây giờ lẩm cẩm, nói sai, làm lộn nhiều chuyện, đã vậy lại còn bị đạn lạc trong vụ Ukraine bắn trúng vài phát, chưa chết nhưng cũng bị thương, mà vết thương lại đang bị phe CH xé ra cho to cho đau hơn nữa. Ngoài những lão đồng chí trên thì chẳng còn ai ra hồn. Ngay cả ngôi sao Kamala Harris cũng chỉ là sao chổi, vụt qua rồi biến mất quá nhanh. Các ông da đen Cory Booker, da vàng Andrew Yang, da nâu Julian Castro thực tế chỉ đóng vai những chậu kiểng mang thêm màu mè vào cho cái đảng tự gọi là túp lều trăm hoa đua nở.
Nói trắng ra, ông Buttigieg không phải là một thần tượng được nhiều người say mê ủng hộ như ông Obama hồi mới ra tranh cử, nhưng cũng có công dụng trám lỗ trống vì không còn ai khác.
Thứ nhì, ông Buttigieg là người tương đối ôn hòa, nói năng nhẹ nhàng, ít công kích người khác quá mạnh. Một hình ảnh khiến một số lớn cử tri DC cảm thấy thoải mái hơn thái độ hung hăng đấm đá quá bạo của bà Kamala Harris hay anh Cory Booker hay bà Tulsi Gabbard chẳng hạn. Ngay cả các chương trình tranh cử của ông tuy cũng đượm màu cấp tiến, nhưng ôn hòa, cách xa các chương trình cực đoan của các cụ xã nghĩa. Ông công khai chỉ trích kế hoạch Medicare For All tuyệt đối, xoá bỏ mọi hình thức y tế tư nhân của cụ bà Warren và cụ ông Sanders, trong khi ông cũng chủ trương Medicare For All, nhưng vẫn duy trì một hệ thống y tế tư nhân để mọi người có quyền lựa chọn. Ông Buttigieg cũng chống lại việc giáo dục miễn phí cho tất cả vì ông chủ trương chỉ miễn phí cho những gia đình có lợi tức từ 100.000 đô một năm trở xuống thôi. Ông cũng là một chính khách có quan điểm cấp tiến theo DC mà thành công tại một tiểu bang bảo thủ theo CH, nghĩa là tương đối có quan điểm và cách làm việc khá uyển chuyển.
Thứ ba, ông Buttigieg cũng giống như ông Trump ở điểm không phải là sản phẩm của chính trị bẩn thỉu, hủ lậu của đầm lầy Hoa Thịnh Đốn mà là chính khách của tỉnh nhỏ, không lệ thuộc vào dàn máy chính trị của thủ đô, với những mánh mung, cấu xé, thủ đoạn, cạm bẫy đủ loại, càng không lệ thuộc vào tiền bạc của các đại tập đoàn hay đại tài phiệt. Cả hai ông Trump và Buttigieg đều đến từ ngoài vòng đai thủ đô, nhưng ông Trump là đại tài phiệt của thành phố lớn nhất thế giới, trong khi ông Buttigieg là chính khách nghèo kiết xác, đến từ một thành phố nhỏ chỉ bằng một khu phố của New York.
Thứ tư, ông Buttigieg cũng là một loại ‘người hùng’ được TTDC tung hô như là anh hùng đã dám bỏ ngang cái chức tỉnh trưởng một thời gian ngắn để tình nguyện ‘hy sinh xương máu’ đi tham chiến tận Afghanistan, cho dù chỉ là đi làm “tài xế Uber”.
Thứ năm, ông Buttigieg, mà diễn đàn này ‘phạm thượng’, thường gọi là ‘chị’ Buttigieg, là người đồng tính công khai, một người mà xu thế thời thượng cấp tiến muốn tôn vinh như những người hùng của xã hội tiến bộ, dám đi tiên phong, phá đổ những phong tục hủ lậu kiểu như tình yêu và cưới hỏi phải là giữa hai người khác giới tính.
Trong chính trị Mỹ hiện nay, khối đồng tính đã liên minh với các khối thiểu số khác như khối chuyển giới, khối lưỡng giới, để trở thành một liên minh chính trị rất mạnh tuy rất ít người. Khối người này đã thành công lật được một trang sử lớn khi họ ép buộc được TT Obama, PTT Biden, và cả bà ngoại trưởng Hillary phải thay đổi quan điểm, chấp nhận hôn nhân đồng tính ngay trong mùa tranh cử năm 2012.
Khối này rất nhỏ tính trên đầu người, nhưng ồn ào nhất và cũng là khối được giới cấp tiến ủng hộ mạnh nhất để chứng tỏ họ là những người văn minh, tiên tiến. Khối đồng tính đang được hậu thuẫn chính trị rất mạnh của TTDC và hậu thuẫn tài chánh mạnh hơn nữa của giới ca sĩ, tài tử Hồ Ly Vọng, cũng như hậu thuẫn tinh thần của giới trí thức trẻ.
Nếu đắc cử, ông Buttigieg sẽ là tổng thống đồng tính đầu tiên trong lịch sử Mỹ nói riêng và thế giới nói chung. Biết đâu có cụ tỵ nạn thích tổng thống phải là ‘người đầu tiên' gì đó, kiểu như tổng thống da đen đầu tiên, hay tổng thống phụ nữ đầu tiên, sẽ hồ hởi bầu cho ông Buttigieg để Mỹ có ‘tổng thống đồng tính đầu tiên’, bất kể kinh nghiệm, khả năng chăng?
Tóm lại, ông Buttigieg có nhiều điểm tích cực, giúp ông leo thang tuy chậm nhưng khá chắc, ít nhất là cho tới nay.
Đã vậy, gần đây một số tai to mặt lớn thời Obama đã nhẩy ngựa chạy theo ông Buttigieg, trong đó có cố vấn trưởng kinh tế là ông Austan Goolsbee, và cố vấn trưởng về Obamacare, bà Linda Douglass.
Dù vậy, ông Buttigieg cũng không phải là người hoàn hảo. Ông cũng có khá nhiều hành lý nặng nề lôi theo.
Hành lý lớn đầu tiên dĩ nhiên là cái kinh nghiệm thị trưởng một thành phố cỡ Kontum, chưa bao giờ phải nói chuyện với bất cứ lãnh đạo thế giới nào. Thử thưởng tượng cái tướng ông TT Buttigieg non choẹt đứng trước Putin hay Tập Cận Bình, hay ngay cả Cậu Ấm Ủn, hay tổng thống Pháp, thủ tướng Anh,… Kinh nghiệm lái xe Jeep bên Afghanistan có lẽ chưa đủ để đối phó với ISIS hay Taliban hay Al Qaeda. Kinh nghiệm đếm bạc cắc trong ngân sách vài triệu đô của tỉnh South Bend chắc cũng không đủ để quản trị ngân sách mấy ngàn tỷ của cả nước Mỹ.
Hay ngay cả việc đối phó với những tay ma đầu chính trị, tài phiệt hạng nặng của Mỹ cũng chưa có dịp thử lửa.
Mà cũng chưa biết mùi xảo trá của TTDC. Bây giờ ông Buttigieg có thể đang hưởng tuần trăng mật với TTDC, nhưng một khi đắc cử tổng thống thì bảo đảm TT Buttigieg sẽ được hưởng tuần dập mật với TTDC ngay.
Nhiều nhà báo đã bàn về cách ông Buttigieg trả lời các câu hỏi cụ thể liên quan đến kinh nghiệm và kế hoạch cụ thể của ông Buttigieg: trả lời theo kiểu Mỹ gọi là … bullsh…! Đại khái là nói bá láp, lòng vòng chẳng có nghĩa gì hết và chẳng trả lời gì hết.
Cái hành trang lớn thứ hai của ông Buttigieg là vấn đề tôn giáo. Chưa biết tương lai vài chục năm hay vài năm nữa ra sao, nhưng cho tới bây giờ, hình như chưa có tôn giáo nào chấp nhận đồng tính hết. Vì ông ý thức rõ công giáo không hồ hởi với chuyện đồng tính, nên vì muốn kiếm lại phiếu của khối công giáo, ông Buttigieg đã nhiều lần nhấn mạnh niềm tin tôn giáo của ông.
Ông Buttigieg mới đây đã chọn cách biểu dương niềm tin của ông bằng cách công kích PTT Mike Pence. Ông Pence trước đây là thống đốc tiểu bang Indiana là tiểu bang có thành phố South Bend của ông Buttigieg. Hai ông đã có nhiều xung đột từ thời đó. Đặc biệt trong vấn đề đồng tính của ông Buttigieg, là chuyện thống đốc Pence từng nhiều lần công kích. Ông Pence được hậu thuẫn rất mạnh của khối gọi là ‘Fundamentalist’ là khối Thiên Chúa giáo rất bảo thủ và rất mạnh trên phương diện chính trị với cả triệu cử tri trung kiên.
Bây giờ, ông Buttigieg khơi lại đống tro tàn. Công kích PTT Pence và khẳng định “việc tôi là đồng tính đã mang tôi lại gần với Chúa hơn; nếu ông Pence có vấn đề gì thì đừng chỉ trích tôi, mà hãy chỉ trích Đấng đã tạo ra tôi”.
Ông Buttigieg làm đám cưới với ông Glezman tại một nhà thờ, có một ông cha ban phước đầy đủ.
Nếu khối Fundamentalist chống, ông Buttigieg sẽ gặp trở ngại lớn khó vào được Tòa Bạch Ốc.
Hành trang thứ ba của ông Buttigieg còn lớn hơn cả hai cái rương hành trang trên: đó là xung khắc với khối dân da đen.
Điểm đầu tiên là khối dân da đen nói chung vẫn chưa chấp nhận đồng tính. Ông Buttigieg hiểu được chuyện này nên tìm cách xí xóa câu chuyện, đồng hóa tình trạng kỳ thị đồng tính với tình trạng kỳ thị da đen. Ông tuyên bố trong tư thế đồng tính, ông cũng đã là nạn nhân của kỳ thị không khác gì dân da đen đã từng là nạn nhân của kỳ thị, do đó, ông rất thông cảm nỗi ấm ức của dân da đen. Trong thời gian gần đây, ông đã tham dự nhiều lễ lạc tại các nhà thờ da đen, tìm cách hòa mình với khối dân này. Tuy nhiên, thăm dò tại South Carolina, là tiểu bang thứ ba có bầu sơ bộ tổng thống, cho thấy ông Buttigieg có tổng cộng đúng… zero hậu thuẫn trong khối dân da đen.
Thật ra, ông không được hậu thuẫn của dân da đen phần lớn không phải vì ông đồng tính, mà vì ông đã có một hành động mà dân da đen thề không bỏ qua khi ông còn là thị trưởng South Bend.
Khi đó, năm 2012, South Bend có cảnh sát trưởng da đen tên là Darryl Boykins. Ông này nghi ngờ các cộng sự viên da trắng của ông là kỳ thị da đen, đang âm mưu hại ông chuyện gì đó, nên ông cho gắn máy nghe điện thoại lén những cộng sự viên này. Ông thị trưởng Buttigieg khám phá ra, lột chức cảnh sát trưởng của ông Boykins vì chuyện phạm pháp này. Ông này thưa ông Buttigieg ra tòa về tội kỳ thị da đen. Không rõ việc thưa kiện đã đi đến đâu, chỉ biết dân da đen dĩ nhiên đã đứng về phiá ông cảnh sát trưởng và tố ông Buttigieg kỳ thị thật. Nhiều lãnh tụ khối da đen như mục sư Al Sharpton không cần biết sự thật ra sao, đã đổ dầu vào lửa như thường lệ, tìm cách khích động khối dân này.
Đã vậy, hồi tháng Sáu mới đây, lại xẩy ra một vụ xung đột khác với dân đa đen tại South Bend.
Một ngày đẹp trời, có người gọi cảnh sát, báo có một người đáng nghi ngờ đi lại trong một bãi đậu xe, có vẻ như muốn tìm cách ăn cắp xe hay ăn cắp đồ đạc trên các xe đâu tại đây. Cảnh sát tới và bắt anh da đen Eric Jack Logan, 53 tuổi. Theo báo cáo của cảnh sát, anh Logan cầm dao tấn công viên cảnh sát da trắng Ryan O’Neil, anh O’Neil rút súng bắn anh Logan. Anh này chết tại nhà thương.
Trong một cuộc họp với dân South Bend cùng với cảnh sát trưởng da trắng, ông Buttigieg tìm cách bào chữa cho cảnh sát, nhưng bị dân cư, phần lớn là dân da đen, phản đối, la hét lấn át không cho ông nói chuyện. Một lần nữa, ông Buttigieg lại bị khối dân da đen công khai và ồn ào tố là kỳ thị da đen.
Ngoài ra, khối dân da đen đa số càng ngày càng đi về phiá tả, ủng hộ chính sách xã nghĩa, trợ cấp và miễn phí đủ thứ của các cụ xã nghiã Sanders và Warren. Theo thăm dò mới, ba phần tư dân da đen ủng hộ giải pháp Medicare For All của hai cụ xã nghĩa. Số đông không ủng hộ xã nghĩa còn lại thì ủng hộ cụ Biden là cánh tay mặt của tổng thống da đen Obama, thần tượng của họ. Ngoài ra, khối dân da đen cũng còn ông Cory Booker là da đen thứ thiệt đang tranh cử. Nôm na ra, ông Buttigieg không có chỗ đứng trong khối dân da đen.
Nếu cuối cùng, ông Buttigieg trở thành đại diện cho đảng DC ra chống TT Trump, nhiều chuyên gia lo ngại đại đa số khối dân da đen sẽ nản chí, nằm nhà, không đi bầu. Mà không có phiếu dân da đen thì đảng DC hoàn toàn vô vọng.
Nhìn chung, ông Buttigieg rất khó qua được cuộc tuyển lựa nội bộ của đảng DC. Ít người nghĩ ông hiện đang đứng hạng tư, có thể hạ 3 cụ khủng long đang đứng trên top danh sách DC. Nếu vì các đối thủ DC của ông quá tệ khiến ông đột nhiên nhẩy lên top, trở thành đại diện cho đảng DC ra chống TT Trump thì hy vọng đắc cử của ông chắc nhỏ hơn hạt tiêu.
Không có hậu thuẫn của khối dân da đen, cũng chẳng có hậu thuẫn của khối dân da nâu vì ông chẳng có quan hệ gì với khối này, lại cũng không được hậu thuẫn của khối Thiên Chúa giáo, ông Buttigieg không thể trông chờ vào hậu thuẫn của một nhúm giới trẻ cấp tiến để mở cánh cửa Tòa Bạch Ốc cho ông.
Còn hai tháng nữa mới có bầu sơ bộ đầu tiên tại Iowa và New Hampshire. Ông Buttigieg đã đánh cá tất cả gia tài vốn liếng tiền bạc cũng như chính trị vào hai cuộc bầu này, và cho đến nay, có vẻ đã thành công khi ông ngoi lên hàng đầu, với tỷ lệ hậu thuẫn cao hơn tất cả các đồng chí DC. Cho dù ông đạt được số phiếu cao nhất thì cũng chỉ mới là hai tiểu bang ̣đầu tiên thôi. Còn 48 tiểu bang nữa. Và nhất là còn... TT  Trump.
Con đường vào Toà Bạch Ốc của ông Buttigieg còn xa vời vợi. Ta chờ xem.

  Một vài comments hay

Hoang_oanh  a day ago  edited

Xin tặng vài ba tấm hình của Mr ( Madame ) President and First Lady ( First Man ) of South Bend City. Trích : " Con đường vào Toà Bạch Ốc của ông Buttigieg còn xa vời vợi. Ta chờ xem. ". Rất tiếc là từ South Bend sẽ không có con đường nào đi vào Tòa Bạch ốc cả. Thôi thì ở lại South Bend làm President ... .

·         “You’re too old for the job."
"...Rồi bất ngờ cụ (Biden) thách anh ta chạy đua, thi hít đất và thi trắc nghiệm trình độ thông minh –IQ test- với cụ! Cả hội trường chưng hững chẳng hiểu tại sao cụ Biden lại có ý kiến lạ vậy..." (t/g Vũ Linh)
Lý do là vầy: Ông cử tri Dân Chủ đó chê Joe Biden già rồi, ở nhà ẵm cháu, chăn dắt đàn gà, ra ứng cử làm gì vì đầu óc mụ mị rồi, để cho bọn trẻ đi cụ ơi. Tức khí, cụ Biden trả lời phân bua như thế..
Nếu tôi là ông cử tri đó tôi sẽ chơi chạy đua và hít đất, thua cũng chơi, một cơ hội tuyệt vời đi vào lịch sử và lên TV, lấy điện thoại ra quay film bỏ Youtube, nhiều tiền lắm, Trump's supporters thế nào mà chẳng kéo nhau vào xem ..
Hễ nói tới ông con Hunter Biden là cụ Joe lại hờn, lại lẫy, lại nổi nóng.
Sau đó cụ còn chê ông cử tri, "You're too old to vote for me." Rồi cụ còn cho rằng đó là một tay ủng hộ Trump trà trộn vào phá cụ ...
Vụ Ukraine chưa biết hại cho Trump thế nào nhưng bắt đầu hại cụ Biden rồi ...
Former vice president Joe Biden got into a heated exchange with an attendee at a town hall event in Iowa on Thursday after the man told Biden he was too old to be president and brought up his son, Hunter Biden.
“You’re too old for the job. I’m 83, and I know damn well I don’t have the mental faculties I did 10 years ago,” the voter, who identified himself as a retired Iowa farmer, said before turning to Ukraine.
“We all know Trump has been messing around with Ukraine over there,” he said. “But you, on the other hand, sent your son over there to get a job and work for a gas company."