Tập Cận Bình và Kết Quả Bàu Cử tại H.Kong
Ý NGHĨA, TÁC DỤNG VÀ CHỌN LỰA NÀO
DÀNH CHO TẬP CẬN BÌNH QUA CUỘC BẦU CỬ HỘI ĐỒNG QUẬN TẠI HONG KONG?
Trần Trung Đạo
Bầu cử Hội Đồng Quận (District
Council Election) là một trong năm cuộc bầu cử tiến hành vào các thời điểm khác
nhau tại Hong Kong. Hong Kong có mười tám quận, có nghĩa mười tám Hội Đồng Quận
được bầu lại hôm 24 tháng 11, 2019.
Theo Washington Post và USA
Today, phe dân chủ thắng 17 trong số 18 quận. Quận duy nhất thuộc vào phe thân
Bắc Kinh là Quận Đảo (Islands District). Phe dân chủ thắng 347 ghế tromg tổng
số 452 ghế Hội Đồng Quận. Phe thân Bắc Kinh thắng 60 ghế. Phe độc lập thắng 45
ghế.
Hội Đồng Quận trên nguyên tắc
không phải là cơ quan có nhiều quyền hạn lãnh đạo Hong Kong. Các đại biểu được
bầu chỉ có nhiệm vụ cố vấn cho các công việc trong quận, trong khu vực láng
giềng của họ. Tuy nhiên vào thời điểm nhạy cảm này, cuộc bầu cử trở thành một
cuộc trưng cầu dân ý trên thực tế (de facto referendum) giữa độc tài và dân
chủ. Đại đa số dân Hong Kong chọn dân chủ.
Trên thế giới chưa bao giờ có một
cuộc bầu tử cấp quận tại một hòn đảo 7.4 triệu người mà thu hút sự quan tâm,
theo dõi và tường thuật của báo chí quốc tế từng giờ như cuộc bầu cử Hội Đồng
Quận tại Hong Kong.
Hôm 11 tháng 6, 2019 khi phong trào
dân chủ vừa bùng nổ mạnh, người viết có viết trên Facebook: “Ngoại trừ một
phong trào có khuynh hướng độc lập Hong Kong khỏi lục địa đủ mạnh, có cả hai
khả năng bất bạo động và sẵn sàng bạo động, các cuộc biểu tình rồi sẽ tự động
tàn dần. Mọi người đều phải trở lại với đời sống áo cơm và đảng CS sẽ từ từ đe
dọa, mua chuộc, cô lập hóa, trung lập hóa các thành phần lãnh đạo phong trào
còn hoạt động.”
Nhận xét đó gồm hai ý (1) Phong
trào dân chủ Hong Kong cần được tổ chức hóa và đoàn ngũ hóa thành một khối đối
lập để thách thức một cách hợp pháp với các chính sách của Tập Cận Bình, (2) và
để chống lại bộ máy tuyên truyền của Tập sẽ diễn ra trong mọi lãnh vực của đời
sống (chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế , giáo dục) lâu dài và hữu hiệu.
Hôm qua, phát biểu tại Tokyo, Bộ
trưởng Ngoại Giao Trung Cộng Vương Nghị tuyên bố “Dù kết quả bỏ phiếu ra sao,
Hong Kong vẫn là phần của Trung Quốc và là đặc khu hành chánh của Trung Quốc.”
Câu nói cứng rắn nhưng cùng lúc
họ Vương cũng thú nhận tại Hong Kong đang hình thành một khối đối lập với cơ
chế CS lục địa. Một lực chính trị chủ trương thoát Trung Cộng đại diện cho
tiếng nói đích thực của người dân Hong Kong đang được hình thành.
Các cuộc biểu tình dù tập hợp
đông đảo bao nhiêu cũng sẽ tàn, chỉ có đoàn ngũ hóa, tổ chức hóa mới có thể
đương đầu với chế độ CS lâu dài.
Khi các cuộc biểu tình bùng nổ
lớn, họ Tập đánh hơi Hong Kong có thể sẽ trở thành một điểm nóng trong Chiến
Tranh Lạnh Thái Bình Dương so sánh với Chiến Tranh Lạnh Đại Tây Dương
(1947-1991) trước đây nên chọn lui vào thế thủ.
Tập không muốn thấy vấn đề Hong
Kong được “quốc tế hóa”.
Luật dẫn độ được thu hồi chắc
chắn do quyết định của Tập nhưng các lực lượng dân chủ Hong Kong nhất định
không dừng ở đó.
Tập tuyên bố hùng hổ, đe dọa
nhưng không dùng các biện pháp cứng rắn vì hai lý do:
(1) Tập tin rằng đại đa số công
chúng hành động theo cảm tính. Vui buồn, xúc động, phẫn nộ đều như nắng và mưa.
Mọi người đều phải trở lại với đời sống áo cơm và đảng sẽ từ từ đe dọa, mua
chuộc, cô lập hóa, trung lập hóa các thành phần lãnh đạo phong trào còn hoạt
động.
(2) Phát xuất từ gốc bí thư huyện
ủy, Tập Cận Bình đặt nặng vai trò của tuyên truyền quần chúng hơn các lãnh đạo
Trung Cộng khác sau Mao. Y tin với kinh phí khổng lồ Trung Cộng đổ ra cho chính
sách “sức mạnh mềm”, phong trào dân chủ có thể thắng vài trận đầu nhưng y sẽ
thắng cuộc chiến Hong Kong.
TẬP CẬN BÌNH HỌC GÌ TỪ ĐẶNG TIỂU
BÌNH?
Tập Cận Bình tranh giành vị trí
trong lịch sử CSTQ với Đặng Tiểu Bình và tự phong mình là nhân vật thứ hai sau
Mao, nhưng cho đến nay các phương án giải quyết Hong Kong họ Tập vẫn sao chép
gần như nguyên văn cách giải quyết “hậu Thiên An Môn” của họ Đặng.
Đặng Tiểu Bình giải quyết “hậu
Thiên An Môn” bằng hai cách: (1) Cám dỗ người dân bằng sức mạnh đồng tiền và
(2) đề cao chủ nghĩa dân tộc cực đoan đại hán.
(1) Cám dỗ giới trung lưu và
người dân bằng sức mạnh đồng tiền
Ngày 17 tháng 2, 1992, Đặng Tiểu
Bình đã 88 tuổi, cùng với con gái rời Bắc Kinh đi Vũ Hán để thúc đẩy các kế
hoạch hiện đại hóa và đổi mới kinh tế. Trên danh nghĩa ông ta không còn giữ bất
cứ một chức vụ gì trong đảng và nhà nước CSTQ, nhưng họ Đặng ý thức rằng một
“Thiên An Môn” khác sẽ sớm tái diễn nếu không chữa tận gốc nguyên nhân đã dẫn
đến Thiên An Môn ba năm trước đó. Kết quả, năm 1992, kinh tế Trung Cộng tăng
12%. Đầu tư nước ngoài tăng 50% so với năm 1991.
Lý thuyết cách mạng và các bài
học Cách Mạng Pháp 1789, cách mạng Đức 1848, cách mạng Nga 1905 cho thấy giai
cấp trung lưu thường đóng vai trò đầu tàu cách mạng. Giai cấp này thường có
khuynh hướng đòi hỏi các giá trị tinh thần tự do dân chủ một khi các nhu cầu
vật chất của họ tương đối đầy đủ.
Đời sống thay đổi và lòng người
cũng đổi thay theo. Xã hội Trung Quốc từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu chuyển
dần sang xã hội tiêu thụ và bị cuốn hút vào các nhu cầu vật chất.
2) Đề cao chủ nghĩa dân tộc cực
đoan đại hán
Ngoài việc vô hiệu hóa thành phần
trung lưu và dùng đồng tiền cám dỗ người dân, Đặng Tiểu Bình chuyển hướng của
bộ máy tuyên truyền từ tôn thờ ý thức hệ CS sang lòng yêu nước Trung Hoa dưới
sự lãnh đạo của đảng CSTQ.
Đặng Tiểu Bình và các lãnh đạo
Trung Cộng biết rõ hơn ai hết, cây cột duy nhất có thể giữ chế độ CS khỏi sụp
đổ trước mắt là xây dựng “tính chính danh” lãnh đạo của đảng CS. Đặng Tiểu Bình
phát biểu: “Hình ảnh một Trung Quốc hiện đại không phải được tạo ra bởi nhà
Thanh hay bởi các lãnh chúa quân phiệt, và cũng chẳng phải do Tưởng Giới Thạch
hay con trai của ông ta. Chính là do Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đã thay đổi
hình ảnh của Trung Quốc.”
CÁC ĐIỂM KHÁC NHAU GIỮA 1992 VÀ
2019
Tập Cận Bình áp dụng hai chính
sách của Đặng nhưng y không thấy rõ sự khác biệt kinh tế Trung Cộng trong tương
quan phức tạp với thế giới giữa hai thời kỳ 1992 và 2019.
Năm 1992, Trung Quốc là một thị
trường lao động rẻ mạt cung cấp cho các đại công ty Mỹ những sản phẩm với giá
thành thấp tới mức các nước nghèo nhưng thừa lao động khác như Ấn Độ, Mexico
cũng không thể cạnh tranh. Đặng Tiểu Bình thành công trong kế hoạch bịt miệng
giới trung lưu, nhưng giới trung lưu, tiểu tư sản tại Trung Cộng vào năm 1992
chỉ là một thành phần rất nhỏ. Mười năm sau, 2002, giới trung lưu tại Trung
Cộng cũng chỉ mới chiếm 4 phần trăm dân số.
Tổng Sản Lượng Nội Địa của Trung
Cộng chỉ tăng 6.2% trong ba tháng thứ hai của năm 2019. Trong suốt 27 năm,
Trung Cộng phát triển nhờ các bất ổn trong chính trường thế giới và biến động
quân sự tại Trung Đông, Á Rập. Tuy nhiên, thời kỳ “đục nước béo cò”, “ngư ông
đắc lợi” đã qua rồi, cộng với sự cạnh tranh ráo riết của các nước đang trỗi dậy
(Emerging Countries) như Ba Tây, Chile, Colombia, Tiệp, Ai Cập, Hungary, Ấn Độ,
Nam Dương, Nam Phi, Ba Lan v.v.. sẽ làm hàng hóa Trung Cộng trở nên đắt đỏ so
với các hàng hóa tương tự được sản xuất tại các quốc gia đang trỗi dậy.
HONG KONG KHÔNG PHẢI THIÊN AN MÔN
Chính sách tuyên truyền Đại Hán
của Đặng Tiểu Bình thành công vì người dân Trung Quốc vốn đã bị đầu độc bằng
luận điệu chống Tây Phương, chống Nhật ngay từ năm 1949 và dân chủ đối với đại
đa số dân Trung Quốc lục địa vẫn còn xa lạ, trong khi đó các thế hệ người dân
Hong Kong sinh ra và lớn lên với các giá trị tự do dân chủ.
Phong trào Thiên An Môn đòi hỏi
nhiều đổi mới nhưng về căn bản vẫn chấp nhận tính đại diện của bộ máy cầm quyền
CS trong khi phong trào dân chủ Hong Kong dứt khoát không chấp nhận chế độ CS.
Theo kết quả thống kê do Viện Đại
Học Hong Kong công bố cuối tháng 6, 2019, khi trả lời câu hỏi “Bạn có hãnh diện
mình là một công dân Trung Quốc?” 90 phần trăm người dân Hong Kong dưới 30 tuổi
đã trả lời “Không”.
TÁC DỤNG CỦA KẾT QUẢ BẦU CỬ
Kết quả bầu cử làm cho luận điệu
“thế lực thù địch” của bộ máy tuyên truyền CS không còn tác dụng. Không ai xúi
giục mà chính người dân Hong Kong vừa chính thức lên tiếng với 2.9 triệu người
hay 71 phần trăm cử tri đi bỏ phiếu.
Kết quả bầu cử cũng giúp cho các
quốc gia dân chủ như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada v.v.. có những biện pháp thích
nghi, chính đáng nhằm bảo vệ quyền tự do của người dân Hong Kong khi cần thiết.
Nói rõ hơn, Hong Kong không còn là “một khu hành chánh đặc biệt” như Vương Nghị
nói mà là một “trái độn” (buffer zone) trong cuộc Chiến Tranh Lạnh Thái Bình Dương
đa diện.
Chiến thắng lớn của phe dân chủ
trong cuộc bầu cửa Hội Đồng Quận không chỉ là một cái tát vào mặt Tập Cận Bình
mà còn là một khẳng định ý muốn được sống trong tự do dân chủ của đại đa số dân
Hong Kong.
CHỌN LỰA NÀO DÀNH CHO TẬP?
Cách giải quyết chiến tranh
thương mại với Mỹ trong giai đoạn đầu còn cho thấy Tập tỏ ra bối rối khi phải
đối phó với một nước vừa là đối tác thương mại số một, vừa là cường quốc kinh
tế số một và cũng vừa là kẻ thù số một.
Hoang tưởng về sức mạnh Trung
Quốc và ảo tưởng về “giấc mơ Trung Hoa” được dùng làm cơ sở lý luận cho “tư
tưởng Tập Cận Bình” đang bốc thành hơi.
Cách tổ chức kỷ niệm 70 năm thành
lập nhà nước CSTQ thu hẹp và co cụm năm nay so với lần kỷ niệm rầm rộ nhân dịp
60 năm cho thấy chính y cũng nhận ra những nguyên nhân có tính cơ chế đang làm
rung chuyển chế độ CS tại Trung Quốc.
Không có nhiều chọn lựa dành cho
Tập.
Trong thời gian tới Tập có thể
phải thay đổi chiến thuật. Một mặt, Tập sẽ nghiêng về đàm phán, thỏa hiệp, “hòa
giải” và mặt khác đổ thêm nhiều tiền của và nhân lực vào chính sách “sức mạnh
mềm” để từng bước phục hồi vị trí của đảng CSTQ, chinh phục trái tim, nhận thức
và cả bao tử của người dân Hong Kong.
Tờ The South China Morning Post,
tờ báo do đảng viên CSTQ Jack Ma làm chủ, chế ngự lãnh vực truyền thông tại
Hong Kong. The South China Morning Post rất khôn khéo để tránh lộ diện công
khai là phương tiện tuyên truyền của Bắc Kinh nhưng cũng luôn kết luận theo
kiểu “đồng tiền nào cũng có hai mặt” tức CS lục địa không chỉ toàn là xấu như
người ta nói.
Mọi chọn lựa của Tập mang đặc
tính trấn áp bằng bạo lực nếu có sẽ đồng nghĩa với tự sát.
CÓ LIÊN QUAN GÌ ĐẾN VIỆT NAM?
Chuyện gì xảy ra tại Trung Cộng
hay có ảnh hưởng đến cơ chế chính trị tại Trung Cộng cũng ít nhiều có liên quan
đến Việt Nam. Hong Kong cũng vậy.
Vì lý do địa lý chính trị và tư
tưởng CS, những biến động kinh tế chính trị tại Trung Cộng là một nhắc nhở cho
những ai còn quan tâm đến vận mệnh Việt Nam. Đừng ngồi im chờ Trung Cộng sụp đổ
mà phải tích cực hành động để khỏi bị cuốn vào cơn lốc và đi lên cùng thời đại.
Khát vọng tự do dân chủ là khát
vọng của con người dù là người Hong Kong hay người Việt. Cao trào dân chủ Hong
Kong lần nữa khẳng định dân chủ hóa Việt Nam là ngã “thoát Trung” duy nhất và
không có ngã nào khác.
Lịch sử nhân loại cho thấy, sự
suy tàn của một đế quốc thường là cơ hội dẫn tới sự hồi sinh và trỗi dậy của
các nước nhỏ từng là một phần, lệ thuộc hay bị đô hộ bởi đế quốc nhưng cũng có
nhiều trường hợp các nước nhỏ cũng suy tàn và biến mất theo bụi tro đế quốc.
Trần
Trung Đạo
No comments:
Post a Comment