Dân số già và gánh nặng y tế cho Việt
Nam
Hòa Ái, phóng viên RFA
2019-01-30
2019-01-30
Y tế toàn dân
Một báo cáo độc lập do
Ngân hàng Thế giới-World Bank thực hiện và công bố, cho biết tính đến thời điểm
năm 2015, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có thành tích hoàn thành nhanh
chóng các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) về y tế, mặc dù giữa các vùng
và các dân tộc vẫn tồn tại khác biệt lớn.
Trong Hiến pháp năm
2013, Việt Nam đã bổ sung quyền bảo hiểm y tế toàn dân và Chính phủ đưa ra chỉ
tiêu nâng tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế trên 90% vào năm 2020 và 95% vào năm
2025.
Mới đây nhất, tại một
hội nghị trực tuyến do Bộ Y Tế tổ chức vào trung tuần tháng 11 năm 2018, Bộ
trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đăng đàn tuyên bố rằng nhiều đoàn y tế của Liên
Hiệp Quốc đến thăm Việt Nam nhận xét mạng lưới y tế cơ sở chăm sóc sức khỏe ban
đầu ở Việt Nam là tốt nhất. Bà Bộ trưởng Y tế còn nhấn mạnh rằng trọng tâm của
ngành y tế là bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho toàn dân, làm sao để người dân sống
khỏe mạnh, chất lượng cuộc sống tốt, trí lực tốt và tuổi thọ cao.
Trên bề nổi thì nhóm
trội hiện nay hoạt động rất xôm trò. Căn cứ vào các hình thức hoạt động, căn cứ
vào những kiểu, loại hệ thống nhu cầu nọ kia thì dường như được ghi nhận là cải
thiện nhiều. Tuy nhiên, kỳ thực thì không cải thiện được nhiều đâu, cũng vừa
phải thôi. Nói chung vẫn đang đối diện rất nhiều thách thức
-Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình
-Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình
Già hóa dân số
Theo số liệu thống kê
của Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, thuộc Bộ Y Tế ghi nhận dân số Việt
Nam tính đến cuối năm 2017 là 93,7 triệu người, xếp hạng thứ 14 trong số các
quốc gia đông dân nhất thế giới. Số liệu của Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia
đình còn ghi nhận tuổi thọ trung bình của người Việt hiện là 73, 5; nữ khoảng
76 tuổi và nam khoảng 70 tuổi.
Trong khi đó, Liên
Hiệp Quốc, vào cuối tháng 11 năm 2018 công bố số liệu dân số Việt Nam chạm mốc
xấp xỉ 97 triệu người và trang danso.org thống kê chỉ sau 48 năm, độ tuổi trung
bình của người dân Việt Nam tăng đáng kể, từ 18 tuổi vào năm 1970 lên 31 tuổi
vào năm 2018 với tuổi thọ trung bình hiện tại là 76,6 tuổi.
Tuần báo The
Economist, trong bài viết có tựa đề tạm dịch “Việt Nam đang già trước khi
giàu”, phát hành vào ngày 08/11/18 ghi nhận lớp người trên 60 tuổi ở Việt Nam
hiện đang chiếm tỷ lệ 12% dân số và tỷ lệ này được dự báo sẽ tăng lên 21% vào
năm 2040, là một trong những tỷ lệ tăng nhanh nhất trên thế giới.
Qua các số liệu vừa
nêu, giới chuyên gia cho rằng dân số Việt Nam đang già đi nhanh chóng và dĩ
nhiên việc chăm sóc phúc lợi cho người già là một vấn đề khó khăn khi Việt Nam
vẫn còn trong nhóm những nước đang phát tiển.
Tiến sĩ xã hội học
Trịnh Hòa Bình nêu lên nhận xét của ông với RFA:
“Nếu nhìn thẳng vào
bức tranh xã hội Việt Nam thì xã hội Việt Nam vẫn đang trong sự chuyển đổi và
đang đối diện với rất nhiều thách thức. Có lẽ rằng với sự khủng hỏang tài chính
trên diện rộng của bình diện thế giới trong một thời gian, mặc dù đã được phục
hồi phần nào nhưng vẫn ảnh hưởng khá mạnh mẽ đến tổ chức đời sống cho người già
Việt Nam. Bởi vì tính thu nhập bình quân, nhóm người giàu thì không kể làm gì,
nói chung bức tranh thì không phải bức tranh sáng sủa, lạc quan lắm.
Trên bề nổi thì nhóm
trội hiện nay hoạt động rất xôm trò. Căn cứ vào các hình thức hoạt động, căn cứ
vào những kiểu, loại hệ thống nhu cầu nọ kia thì dường như được ghi nhận là cải
thiện nhiều. Tuy nhiên, kỳ thực thì không cải thiện được nhiều đâu, cũng vừa
phải thôi. Nói chung vẫn đang đối diện rất nhiều thách thức”.
Gánh nặng chi phí y tế
Trong bài xã luận của
ký giả David Hutt, đăng tải trên tờ Asia Times vào ngày 28/01/19 xoay quanh nội
dung người Việt Nam không thể kham nỗi chi phí y tế khi về già, tác giả trưng
dẫn số liệu báo cáo hàng năm của Ngân hàng Thế giới-World Bank cho thấy khỏang
hai triệu người tại Việt Nam rơi vào cảnh nghèo khó hàng năm bởi vì phải chi
trả cho những khoảng chi phí y tế không lường trước được. Đây là nguyên nhân
chủ yếu gây ảnh hưởng lên đời sống của những người không có bảo hiểm tại Việt
Nam.
Hơn thế nữa, người già
ở Việt Nam tiêu tốn nhiều cho chi phí chăm sóc sức khỏe. Chỉ 30% trong số những
người có độ tuổi trên 60 được nhận lương hưu và dưới 10% trong số này có tiền
tiết kiệm. Do đó, chi phí y tế là một gánh nặng đối với họ.
Nhà báo độc lập Võ Văn
Tạo, ở Nha Trang chia sẻ với RFA hiện ông đang điều trị bệnh ung thư phổi, giai
đoạn 4 và loại thuốc mà bác sĩ kê toa cho ông có giá rất cao:
“Thuốc mà tôi đang uống
hiện nay là Iressa và cứ uống tháng nào trả tiền tháng đấy. Hãng dược lấy 20
triệu thì Bảo hiểm Y tế Việt Nam chi trả cho loại thuốc này chỉ 50%, tức là bản
thân tôi mỗi tháng trả 10 triệu đồng suốt một năm qua. Trong khi đó, lương hưu
của tôi chỉ có 4,5 triệu đồng. May mắn là có con cháu phụ giúp cho tiền thuốc.
Chứ nếu những người khác thì tôi nghĩ họ phải chịu chết thôi hay bán nhà để mua
thuốc, được vài năm hết tiền rồi cũng chết.”
Một bệnh nhân lớn
tuổi, đang điều trị bệnh ung thư ở Sài Gòn cũng lên tiếng than thở với Đài Á
Châu Tự Do:
“Bệnh này là dạng
bệnh ngặt nghèo rồi. Mà bệnh lâu dài chứ không phải một ngày một bữa. Nếu Bảo
hiểm Y tế không hỗ trợ được thì chắc có lẽ là thua. Người dân nghèo là đều chết
hết.”
Thách thức
Ký giả David Hutt, trong
bài viết của ông, đã dẫn nguồn từ Chính phủ Hà Nội tuyên bố rằng Việt Nam có
mục tiêu nhắm tới gia tăng tỷ lệ bảo hiểm sức khỏe lên gần 88% trong năm 2019.
Tuy nhiên, Quỹ Bảo hiểm Xã hội chi trả cho chi phí y tế giảm xuống trong 3 năm
vừa qua. Cụ thể, theo số liệu của truyền thông quốc nội cho biết, trong năm
2018, Nhà nước chi ra 137 triệu đô la Mỹ (USD) cho y tế và con số này ít hơn so
với năm 2017.
Bệnh này là dạng bệnh
ngặt nghèo rồi. Mà bệnh lâu dài chứ không phải một ngày một bữa. Nếu Bảo hiểm Y
tế không hỗ trợ được thì chắc có lẽ là thua. Người dân nghèo là đều chết hết
-Bệnh nhân cao tuổi
-Bệnh nhân cao tuổi
Mặc dù nền kinh tế
Việt Nam phát triển với tỷ lệ gia tăng cao, khoảng 7% hàng năm; thế nhưng Chính
phủ bị thâm hụt ngân sách do nợ công và nợ xấu gia tăng trong những năm gần
đây. Vì thế, Việt Nam buộc phải áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng;
trong đó bao gồm chi tiêu cho y tế.
Một trong những biện
pháp mà Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh trong lãnh vực y tế là chủ trương tự chủ
hóa, qua Nghị quyết số 90/CP, ban hành hồi năm 1997 và được khởi động từ năm
2002 cho đến nay.
Ký giả David Hutt
trích lời của ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính, thuộc Bộ Y
Tế cho biết Việt Nam có 160 bệnh viện công hoàn toàn tự chủ về chi phí và doanh
thu tính đến cuối năm 2018, và có khoản gần 1400 bệnh viện khác tự quản lý 90%
nguồn tài chính của bệnh viện.
Trong khi Chính phủ
thực hiện chính sách cho bệnh viện công được tự chủ hợp tác với các nhà đầu tư
để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân, thì những
bệnh nhân nghèo lại không có khả năng chi trả khi chi phí y tế tăng tỷ lệ thuận
với chất lượng dịch vụ y tế.
Bên cạnh đó, để bù đắp
vào chi phí đầu tư trang thiết bị, các bệnh viện kéo dài thời gian lưu giữ bệnh
nhân không cần thiết và bệnh nhân bị buộc phải gánh chịu thêm chi phí y tế này.
Hơn thế nữa, ký giả
David Hutt còn chỉ ra một yếu tố quan trọng gây nên chi phí y tế cao tại Việt
Nam là tình trạng tham nhũng ở bệnh viện. Và yếu tố này được Tiến sĩ -Bác sĩ
Trung tá quân đội Đinh Đức Long, hiện làm việc tại Sài Gòn xác nhận:
“Trong bệnh viện chúng
tôi có trường hợp trục lợi bảo hiểm y tế: cũng một căn bệnh chữa bằng thuốc
ngoại hay thuốc nội đềuchữa khỏi cả. Nhưng người ta vẫn dùng thuốc ngoại vì sẽ
được ăn hoa hồng cao hơn hoặc được mời đi nước ngoài hoặc tài trợ việc khác.”
Tại buổi Tọa đàm với
chủ đề “Kiến tạo môi trường cho y tế tư nhân phát triển, nhìn từ chính sách”,
được tổ chức vào cuối tháng 11 năm 2017, đại diện của các cơ sở y tế tư nhân
tại Việt Nam lên tiếng phản ánh những tình trạng bất cập, trong đó cơ quan bảo
hiểm xã hội tự ý dừng hợp đồng, mà hơn 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế, dẫn
đến tình trạng các cơ sở y tế tư nhân phải đóng cửa, không thể tham gia vào
hoạt động cung cấp dịch vụ y tế trong lúc hệ thống bệnh viện công bị quá tải.
Trong buổi tọa đàm vừa
nêu, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tiến sĩ Vũ Tiến
Lộc phát biểu trước các quan khách trong ngành y tế rằng hãy biến Việt Nam
không chỉ là nơi chăm sóc sức khỏe cho người Việt mà còn trở thành trung tâm
chăm sóc điều trị cho cả thế giới và với mục tiêu bảo đảm chăm sóc sức khỏe y
tế cho toàn dân, giới chuyên gia cảnh báo Chính phủ Hà Nội cần quan tâm
đầu tư nhiều hơn cho các dịch vụ y tế vì sự đóng góp vào phát triển kinh tế
quốc gia, nên thay đổi quan điểm chi phí y tế là một gánh nặng của nền kinh tế
mà dân số già của Việt Nam là thành phần bị ảnh hưởng nặng nề, như nhận định
của Tiến sĩ-Bác sĩ Nguyễn Trung Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung
ương, được Báo Sài Gòn Giải Phóng Online dẫn lời rằng “chi phí y tế cho người
già cao gấp 7-10 lần người trẻ”.