Saturday, August 29, 2015

'Đàn chim nhạn và thoát Trung kinh tế'



'Đàn chim nhạn và thoát Trung kinh tế'
'Đàn chim nhạn' là một hình ảnh mô phỏng cách thức và cái bẫy lâu nay các quốc gia yếu thế, lạc hậu tiếp tục bị kìm giữ và kẹt vào tình thế bị động, lạc hậu và lệ thuộc so với các quốc gia tương đối mạnh hơn, hay các cường quốc về các mặt trong đó có kinh tế, tài chính, công nghệ.
Trong dịp nền kinh tế Trung Quốc vừa qua xuất hiện các diễn biến được cho là các dấu hiệu, chỉ báo ít nhiều bộc lộ 'bất ổn cấu trúc', 'rối loạn chức năng' thể hiện qua chao đảo, suy sụp trên thị trường chứng khoán, mất an toàn môi trường công nghiệp, lao động, sụt giảm tăng trưởng, kinh tế gia Lê Xuân Nghĩa lên tiếng với BBC về đường hướng và giải pháp để Việt Nam 'thoát Trung', giảm dần sự lệ thuộc kinh tế được cho là bất lợi lâu nay trong giao thương với cường quốc này.
Trao đổi với BBC hôm 27/8/2015 từ Hà Nội, người từng nắm chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia của Việt Nam, đề cập điều mà ông cho là 'tính cơ cấu và tính quy luật' của sự lệ thuộc này, đồng thời nhấn mạnh một giải pháp mà theo ông là Việt Nam nên hướng tới 'công nghệ nguồn' để giải quyết bài toán.
Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa nói:
Hiện nay chúng ta phụ thuộc nhiều vào công nghệ của TQ, giải quyết vấn đề này chỉ bằng tỷ giá hối đoái hoặc biện pháp tài chính không thôi thì không ổn, mà nó phải là một chương trình tái cấu trúc lại nền kinh tếTS. Lê Xuân Nghĩa
"Thực ra các chuyên gia của Việt Nam cũng đã đặt vấn đề này với chính phủ từ cách đây vài ba năm, sau vụ mà Trung Quốc mang giàn khoan vào, thế nhưng chuyện lệ thuộc kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc là một vấn đề có tính cơ cấu và nó có tính quy luật.
"Tức là nó giống như là đàn chim nhạn bay ở trên trời, thế thì muốn thay đổi thứ tự của đàn chim nhạn bay trên trời thì Việt Nam phải có một cải cách mạnh mẽ mà đặc biệt là phải cải cách hướng tới công nghệ nguồn.
"Chứ còn như hiện nay chúng ta phụ thuộc nhiều vào công nghệ của Trung Quốc, thế còn giải quyết vấn đề này chỉ bằng tỷ giá hối đoái hoặc biện pháp tài chính không thôi thì không ổn, mà nó phải là một chương trình tái cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng tiếp cận công nghệ nguồn của Nhật Bản hoặc của Mỹ."
'Tín hiệu tích cực'
Nhân dịp này, chuyên gia cũng bình luận về nhận thức và phản ứng của giới hoạch định chính sách của Việt Nam với các biến động kinh tế, tài chính gần đây của Trung Quốc sau vụ thị trường chứng khoán của TQ gặp rối loạn và nước này quyết định phá giá, thả nổi tỷ giá đồng nhân dân tệ.
TS Lê Xuân Nghĩa nhận xét:
"Chúng tôi dự đoán rằng chuyện Trung Quốc thả nổi tỷ giá hối đoái là một tín hiệu tích cực chứ không phải tiêu cực.
"Và chính vì thế cho nên việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái của Việt Nam cũng chỉ là phòng vệ trong các quan hệ thương mại với Trung Quốc, quan hệ thương mại song phương, rồi quan hệ hàng hóa với Trung Quốc, cùng với hàng hóa của Việt Nam bán ra các thị trường khác.
"Đồng thời chúng tôi cũng thấy rằng cũng đã đến lúc cần phải tính toán đến cả những yếu tố ví dụ như là Mỹ có thể điều chỉnh lãi suất... rồi việc thả nổi tỷ giá của Trung Quốc có thể dẫn đến có thể làm cho đồng tiền này có thể phải phá giá hơn chút đỉnh nữa.
"Cho nên Việt Nam tiến hành một đợt điều chỉnh tương đối mạnh và có thể duy trì trong một thời gian tương đối dài để tránh những ngân hàng thương mại của Việt Nam chuyển từ tài sản nội tệ sang tài sản ngoại tệ và có thể làm cho thị trường hối đoái trở nên căng thẳng hơn.
Nếu chúng ta mà công nghệ vẫn cứ lạc hậu, đương nhiên là chúng ta vẫn phải xếp hàng như một đàn chim nhạn bay trên trời thôiTS. Lê Xuân Nghĩa
"Thì phản ứng của chúng tôi nói chung cũng là một phản ứng có tính chất chiến thuật, cũng không phải là một phản ứng sốc tâm lý gì ghê gớm, nhưng mà do... thị trường chứng khoán Trung Quốc sụp đổ khá là nhanh, rồi thị trường chứng khoán toàn cầu cũng suy giảm rất là mạnh.
"Cho nên tác động tâm lý đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, cũng như thị trường hối đoái Việt Nam cũng tương đối lớn," nguyên Vụ trưởng vụ Chiến lược Phát triển Ngân hàng, thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV), nói.
'Phải đi từng bước'
Trở lại với vấn đề đâu là biện pháp có thể giúp Việt Nam chủ động hơn trong xử lý điều được cho là sự lệ thuộc thái quá và không hợp lý vào Trung Quốc, hay còn gọi là 'thoát Trung', riêng trong lĩnh vực kinh tế, với giải pháp điểm nhấn 'định hướng tới công nghệ nguồn', TS Lê Xuân Nghĩa nêu quan điểm:
"Muốn làm được điều ấy, tôi nghĩ rằng Việt Nam phải đi từng bước, đầu tiên ví dụ như là phát triển công nghiệp phụ trợ, rồi cùng với việc gia nhập các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) hoặc là TPP (Hiệp định Hợp tác Đối tác Xuyên Thái Bình Dương) chẳng hạn, tận dụng những cơ hội ấy để tiếp nhận công nghệ nguồn của Mỹ.
"Và hơn nữa, Việt Nam cũng phải có những chuyển hướng rất mạnh từ những doanh nghiệp khởi nghiệp, rồi từ hệ thống giáo dục, đào tạo, theo hướng phải thúc đẩy thị trường công nghệ phát triển thì mới có thể thay đổi được tình hình.
Image copyright EPA Image caption Kinh tế Trung Quốc liệu có phải là một mô hình mẫu để Việt Nam noi theo hay không vẫn còn là một câu hỏi.
"Còn nếu chúng ta mà công nghệ vẫn cứ lạc hậu, đương nhiên là chúng ta vẫn phải xếp hàng như một đàn chim nhạn bay trên trời thôi," kinh tế gia nói với BBC.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê của Việt Nam được truyền thông nhà nước loan báo cuối tuần này, nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm.
Các số liệu được các báo trong nước dẫn lại cho thấy từ đầu năm 2015 đến nay, tổng giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 32,7 tỷ USD, tương đương 29,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.
Con số này được cho là cao hơn 20,4% so với cùng kỳ năm trước, vẫn theo các báo cáo. Trong khi đó, Việt nam chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc 10,4 tỷ USD trong thời gian này, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước.
Điều này theo các đánh giá đã khiến Trung Quốc trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm, với giá trị khoảng 22,3 tỷ USD. Con số này cao hơn 29% so với mức 17,3 tỷ đôla cùng kỳ năm 2014.
Tuy nhiên, vẫn theo nhận định của Tổng Cục Thống kê, việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ 4,6% trong tháng này 'vẫn chưa ảnh hưởng lớn' đến xuất, nhập khẩu tháng Tám của Việt Nam.
Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/08/150829_lexuannghia_danchimnhan_thoattrung

Thursday, August 27, 2015

Hiệu Ứng Trung Quốc



Hiệu Ứng Trung Quốc
Nguyễn Lam & Nguyễn Xuân nghĩa, RFA
2015-08-26

NGHE:
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/EconomicForum/chinese-effect-08252015173006.html/08262015-chinese-effect.mp3

ĐỌC.
Sau nhiều hoài nghi, kịch bản Trung Quốc có thể tăng trưởng thấp hơn đang trở thành hiện thực, nhất là từ các biến động tài chính tại Trung Quốc đã làm thị trường thế giới chao đảo từ Á Châu qua Âu Châu đến tận Bắc Mỹ trong mấy ngày liền. Nếu kinh tế Trung Quốc hạ cánh nặng nề thì tình hình sẽ ra sao cho kinh tế thế giới? Xin quý thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn của Nguyên Lam với chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa về câu hỏi này.
Nguyên Lam: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, là một trong những người đã cảnh báo từ lâu rằng Trung Quốc không thể duy trì chiến lược phát triển cũ và sẽ bị suy trầm là hạ cánh nhẹ nhàng, hoặc suy thoái, là hạ cánh nặng nề, ông nghĩ sao về viễn ảnh kinh tế của xứ này sau những biến động tài chính vừa qua? Và về hiệu ứng của Trung Quốc cho kinh tế thế giới?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sản lượng kinh tế Trung Quốc có thể đứng hạng nhì sau Hoa Kỳ và trước Nhật Bản nhưng xứ này vẫn là một quốc gia lạc hậu về thông tin nên người ta mới ngạc nhiên về những tin xấu đang đồng loạt xảy ra từ hai tháng nay. Nhưng tin xấu này gây hốt hoảng toàn cầu, làm các thị trường cổ phiếu mất nhiều ngàn tỷ đô la trong mươi ngày, nhưng cũng xác nhận rằng kinh tế Trung Quốc chẳng là sự kỳ diệu và sau ba chục năm có mức tăng trưởng khoảng 10% thì cũng có lúc phải hạ cánh. Bây giờ, chúng ta sẽ tìm hiểu trước tiên về các chỉ dấu hạ cánh này.
Nguyên Lam: Trên diễn đàn chuyên đề của chúng ta, ông dự báo nhiều lần là kinh tế Trung Quốc sẽ bị suy trầm là tăng trưởng chậm hơn và thậm chí suy thoái là còn bị tăng trưởng âm, là hạ cánh nặng nề, với hàng loạt khủng hoảng tài chính, ngoại hối hay ngân hàng. Nghịch lý ở đây là kinh tế Trung Quốc có sản lượng rất cao, có khi bằng 15% của sản lượng toàn cầu, nhưng lại nghèo nàn về thông tin như ông vừa trình bày, thế thì làm sao thế giới bên ngoài có thể biết mà chuẩn bị?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thế giới bị mê hoặc, và nhiều người mất tiền oan, vì cái gọi là sự kỳ diệu kinh tế của Trung Quốc. Chúng ta sẽ khởi sự từ đó để nhìn trên toàn cảnh và dự đóan về hiệu ứng Trung Quốc cho thế giới.
- Người ta nông cạn mà cả tin vào thống kê kinh tế của Trung Quốc, vào những chỉ tiêu tăng trưởng như 7,4% hay 7% một năm được Chính quyền Bắc Kinh đưa ra, rồi từ đó lập kế hoạch đầu tư hay giao dịch với thị trường Trung Quốc. Diễn đàn của chúng ta đã nhiều lần đề cập tới tính chất thiếu minh bạch và bất khả tín của thống kê Trung Quốc dù Bắc Kinh đã nhiều lần cải sửa và tránh dùng số liệu báo cáo từ các địa phương.
- Năm 2007, khi còn là Bí thư tỉnh Liêu Ninh, đương kim Thủ tướng Lý Khắc Cường phát biểu rằng số liệu Tổng sản lượng GDP của Trung Quốc là “nhân tạo”, tức là không đáng tin. Ông còn nói thầm với Đại sứ Hoa Kỳ khi đó rằng bản thân thì ông tìm vào số liệu về tiêu thụ điện lực, lượng hàng hóa vận chuyển bằng hỏa xa và tín dụng cấp phát để ước tính sản lượng kinh tế của quốc gia. Cứ theo nguyên tắc thực tiễn ấy, nhiều trung tâm nghiên cứu của nước ngoài mới tính lại sản lượng thật của Trung Quốc. Gần đây nhất, trung tâm Capital Economics tại Anh quốc đưa ra mức tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chỉ có 4,8%, còn trung tâm Lombard Street Research cũng của Anh thì tính ra một đà tăng trưởng là 3,7%. Những biến động liên tục trên thị trường địa ốc, cổ phiếu rồi ngoại hối đã xác nhận rằng tình hình Trung Quốc không được khả quan mà thật ra còn nguy ngập.
Nguyên Lam: Cho đến nay, người ta chưa đánh giá được mức độ nguy ngập ấy và Nguyên Lam còn nhớ rằng ông đã cảnh báo về khối nợ rất cao của Trung Quốc, với hậu quả tai hại cho hệ thống ngân hàng xứ này. Thưa ông, bây giờ nếu quả thật là kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng bằng phân nửa tiêu chí chính thức thì sự thể sẽ ra sao cho thế giới?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước khi đi vào lớp mây mù kỳ ảo đó thì tôi xin phép nhắc lại vài chuyện có tính chất tiên báo cho sau này.
- Thứ nhất, kinh tế Trung Quốc bị nhiều nhược điểm nội tại, như cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo rồi cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã nói nhiều lần; là thiếu cân đối, không phối hợp, ít công bằng nên chẳng bền vững. Yếu tố không phối hợp ấy rất quan trọng vì chế độ cứ dành cho đảng và nhà nước quyền can thiệp vô giới hạn vào kinh tế. Người dân thì tin là nhà nước có thẩm quyền và khả năng giải quyết mọi vấn đề để đem lại thịnh vượng cho quốc dân. Vậy mà bộ máy đầy quyền hạn ấy lại chẳng phối hợp thì làm sao điều tiết được thị trường? Điều đó mới giải thích những lúng túng hốt hoảng bùng nổ từ Tháng Sáu trên thị trường cổ phiếu và lan qua thị trường ngoại hối.
- Thứ hai, Trung Quốc có núi nợ rất cao, bằng 280% Tổng sản lượng, gần như cao nhất trong các nền kinh tế lớn mà bên trong là nhiều nợ xấu, không sinh lời, khó đòi và sẽ mất. Đa số khoản nợ lại thuộc hệ thống kinh tế và ngân hàng của nhà nước, đã cấu kết với nhau nên dễ gây tác động dây chuyền và có thể dẫn tới vỡ nợ hay phá sản đồng loạt.
- Thứ ba, người ta lầm tưởng rằng lãnh đạo Trung Quốc có khối dự trữ ngoại tệ vĩ đại, tương đương với bốn nghìn tỷ đô la cho một nền kinh tế có sản lượng là 10 nghìn tỷ. Sự thật thì số dự trữ đã giảm từ năm 2013, nay chỉ còn khoảng ba nghìn 650 hay3 nghìn 600 tỷ, và đa số được đầu tư vào việc khác nên không dễ gì chuyển ra thanh khoản đề cấp cứu kinh tế khi hữu sự.
- Sau cùng, khi kinh tế thịnh đạt thì người ta có thể khỏa lấp hay đẩy lui các chứng tật nguy hại đó. Nhưng nếu đà tăng trưởng sút giảm, như một cơ thể bị suy yếu, thì ngần ấy vấn đề lập tức bùng phát và dễ gây ra khủng hoảng. Thí dụ như kinh tế Hoa Kỳ bắt đầu bị suy trầm từ cuối năm 2007 thì vụ khủng hoảng tài chính vào Tháng Chín năm 2008 đã dẫn tới tai họa lớn, bên Âu Châu cũng có vấn đề tương tự và tới nay vẫn chưa giải quyết được.
Nguyên Lam: Xin cám ơn ông Nghĩa về bối cảnh rất phức tạp này. Bây giờ chúng ta nhìn vào tương lai, thưa ông, khi mà nền kinh tế được đánh giá là “công xưởng toàn cầu” mà bị đình trệ hay suy thoái thì thế giới sẽ ra sao, các nền kinh tế khác sẽ gặp vấn đề gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi phải “giải ảo” nữa về sự lầm lạc của nhiều người nên dễ đưa tới kết luận sai. Tôi xin tạm dùng khái niệm gọi là “phân công lao động” giữa nền kinh tế tiêu thụ và nền kinh tế sản xuất.
- Một quốc gia có thể là đầu máy lôi kéo đà tăng trưởng của các nền kinh tế khác nếu tiêu thụ nhiều và tạo ra nhu cầu sản xuất cho xứ khác. Trung Quốc không là đầu máy lôi kéo đó vì xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu, và tiêu thụ ít hơn đầu tư cùng xuất khẩu. Chính là kinh tế Trung Quốc mới lệ thuộc vào sức tiêu thụ của thế giới. Cũng vì vậy, sau vụ sụp đổ tài chính Âu-Mỹ năm 2008 thì nạn Tổng suy trầm năm 2008-2009 làm nhập khẩu sút giảm - tức là xuất khẩu của Trung Quốc bị sụt. Vì vậy Bắc Kinh mới ào ạt tăng chi và bơm tín dụng vào kinh tế để kích thích sản xuất và chất lên núi nợ.
- Nói cho gọn, các nước tiêu thụ nhiều nên nhập cảng mạnh mới là đầu máy kinh tế của thế giới.
- Đầu máy mạnh nhất chính là Hoa Kỳ với tiêu thụ chiếm 70% của Tổng sản lượng và nhập siêu - là nhập cao hơn xuất - lên tới mức kỷ lục là 800 tỷ đô la cách nay mươi năm. Trái lại, Trung Quốc là xứ tiêu thụ ít mà xuất khẩu mạnh nên mới trông chờ túi tiền của xứ khác. Khi nhập siêu của Mỹ giảm từ năm 2006 thì Trung Quốc trông vào nhập siêu của các nước còn lại kể từ 2008. Khốn nỗi các nước đó lại mắc nợ và mắc nghẹn nên Trung Quốc mới chết kẹt. Ngày nay, nếu “công xưởng toàn cầu” là Trung Quốc mà suy sụp thì hậu quả cũng không bi đát như người ta thường nghĩ!
Nguyên Lam: Quả thật là ông Nghĩa đã giải ảo chuyện bất ngờ khi đảo ngược vấn đề như vậy. Nhưng Nguyên Lam xin hỏi ông hai điều. Thứ nhất,  trong chương trình kỳ trước ông nhắc đến, rằng thị trường thương phẩm sản xuất ra nguyên nhiên vật liệu bắt đầu sa sút từ năm 2011 chính là do Trung Quốc tiêu thụ ít đi. Như vậy, kinh tế Trung Quốc mới là đầu máy cho các nước sản xuất chứ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Các nước sản xuất đó, đa số tại Mỹ châu La tinh, hay Úc, Canada và vài xứ Đông Nam Á, cứ tưởng rằng họ là đầu máy mà thật ra lại giàng vận mệnh kinh tế của họ vào sức tiêu thụ của Trung Quốc về năng lượng, kim loại hay nông sản. Đà tăng trưởng và xuất khẩu của họ lên xuống là tùy theo giá thương phẩm và thật ra đã xuống từ lâu rồi. Ngày nay, khi kinh tế Trung Quốc suy sụp thì dòng tư bản trút vào các xứ này sẽ còn sút giảm nữa. Nhưng cũng vì vậy mà nhiều quốc gia lại có thể trám vào khoảng trống do Trung Quốc để lại, và hiệu ứng Trung Quốc sẽ là một trật tự sản xuất khác, trong đó vai trò của Trung Quốc bị lu mờ. Sau khi lầm tưởng rằng Trung Quốc là đầu máy, nhiều quốc gia nên nghĩ đến việc chính mình sẽ là đầu máy. Viêt Nam ở vào hòan cảnh đó nếu lãnh đạo thay đổi được tư duy và cải thiện được tổ chức.
Nguyên Lam: Câu hỏi thứ hai, thưa ông, sau khi Bắc Kinh tung ra hàng loạt biện pháp tiền tệ để bơm thêm tiền kích thích kinh tế vào ngày Thứ Ba 25 thì các thị trường tài chính thế giới đều có vẻ khởi sắc. Nếu như vậy thì Trung Quốc vẫn là một đầu máy đáng kể cho kinh tế thế giới chứ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta nên thận trọng về phản ứng nhất thời của các thị trường. Các thị trường tài chính thế giới đều biến động mạnh từ hai tháng nay và tuần qua còn hốt hoảng vì sự thăng trầm không thể kiểm soát được tại Trung Quốc. Một thí dụ về sự hốt hoảng là thị trường chứng khoán Mỹ ngày Thứ Hai 24 khi chỉ số Dow Jones mất hơn ngàn điểm và chỉ số Standard & Poor’s mất gần 7% vào lúc mở màn. Chính là sự hốt hoảng tài chính mới gây tai họa kinh tế chứ Trung Quốc đã có dấu hiệu suy sụp từ trước rồi,
- Chúng ta đều biết kinh tế toàn cầu có thể bị suy trầm sau nhiều biến động, nhưng nguyên nhân lần này xuất phát từ Trung Quốc và hàng loạt quốc gia đang phát triển và ngược với nhận thức của nhiều người, yếu tố ổn định lại đến từ Hoa Kỳ và các nước công nghiệp hóa. Sau cùng, cũng nên nói thêm rằng hệ thống tài chính Trung Quốc vẫn còn bị kiểm soát và khép kín chứ không tỏa rộng và đan kết với các nước bên ngoài nên nếu Trung Quốc có bị khủng hoảng tài chính thì hậu quả cho xứ khác cũng sẽ giới hạn thôi, vì vậy mà người ta đừng nên hốt hoảng hay lạc quan vì những chao đảo của Bắc Kinh!
Nguyên Lam: Câu hỏi cuối, thưa ông Nghĩa, ông tổng kết thế nào về hiệu ứng suy sụp của Trung Quốc?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ngày xưa, người ta thường nói du thuyền Titanic là con tầu không thể chìm được vậy mà nó vẫn vỡ đôi và chìm nghỉm. Trung Quốc ngày nay cũng vậy. Nhưng xứ này không là thủ phạm của nạn Tổng suy trầm sắp tới mà chỉ là nạn nhân của những sai lầm bên trong và cả sự hiểu lầm của thế giới bên ngoài. Và khác với các nước dân chủ tiên tiến đã từng vượt qua khủng hoảng kinh tế, Trung Quốc sẽ từ khủng hoảng kinh tế mà gặp khủng hoảng chính trị. Vì vậy, ta nên sợ rạn nứt chính trị tại Bắc Kinh hơn là cổ phiếu tuột dốc ở Thượng Hải!
Nguyên Lam: Xin cảm tạ ông Nghĩa về bài phân tích này.
Nguồn:  http://www.rfa.org/vietnamese/programs/EconomicForum/chinese-effect-08252015173006.html

2016: Kinh tế Trung Hoa tan vỡ



2016: Kinh tế Trung Hoa tan vỡ
Khuất Phong Nguyễn Đình Phùng
Nền kinh tế của Trung Hoa trong vài thập niên qua đã phát triển vượt mức và đưa xứ này lên hàng cường quốc kinh tế thứ nhì, qua mặt Nhật Bản và chỉ sau Hoa Kỳ, nhưng sự phồn thịnh này của Trung Hoa phần lớn dựa trên giả tạo và lừa bịp của chính quyền cộng sản Trung Hoa. Và sau cùng những gian dối cũng không thể kéo dài lâu hơn và sự thật sẽ đến. Là nền kinh tế của Trung Hoa nhiều phần sẽ tan vỡ trong năm 2016 sắp tới!
Dấu hiệu gần đây nhất là thị trường chứng khoán tại Shanghai và Shenzen bị sụp đổ. Dù chính quyền cộng sản Trung Hoa đưa ra hết biện pháp này đến biện pháp khác, tung tiền vào mua stock, cấm bán kiểu short sale, bắt các người có cổ phần nhiều trong công ty phải nhảy vào mua stock của công ty mình, cho người dân thường dùng nhà cửa cầm cố làm collateral để mua stock kiểu margin….. Nghĩa là đủ trò, đủ kiểu, không tiền khoáng hậu. Nhưng thị trường chỉ hồi lại chút đỉnh và tuần lễ vừa qua, tiếp tục đi xuống trở lại. Riêng ngày thứ hai 27 tháng 7, mất đi 8.5% và trong tuần còn xuống thêm. Hiện chỉ số của thị trường Thượng Hải đứng ở mức 3663, mất đi 1/3 kể từ tháng 6, 2015. Đây là chưa kể rất nhiều stock loại nhỏ bị chính quyền cho đông lạnh, người đầu tư nào lỡ mua rồi, muốn bán cũng không bán được. Nhưng điều đó có nghĩa khi nào cho phép mua bán lại, các stock nhỏ này sẽ bị bán ra ngay, còn xuống bạo hơn trước! Và việc sụp đổ crash của hai thị trường chứng khoán Shanghai và Shenzen sẽ còn kéo dài còn lâu, như một cuốn phim quay chậm và làm thiệt hại thêm cho uy tín của thị trường cũng như của chính quyền, đã đưa ra những biện pháp ngu xuẩn và vô hiệu quả! Dĩ nhiên lòng tin của người dân đầu tư sẽ mất đi nhiều hơn nữa, khi thấy stock của mình mỗi ngày xuống hơn 10% mà muốn bán để lấy lại chút vốn cũng bị cấm, chỉ còn ngồi nhìn đau xót!
Đặc điểm của thị trường chứng khoán tại Trung Hoa là đến 80-90% do cá nhân đầu tư, trái ngược với tại Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật, đa số là do các công ty hay các quỹ đầu tư mua bán stock, tư nhân ít hơn. Vì thế sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Hoa ảnh hưởng trực tiếp và lớn lao trên cả trăm triệu người chơi stock, sẽ làm những người này nghèo đi, không còn tiền mua sắm, làm kinh tế nội địa do tiêu thụ xuống dốc.
Từ trước đến nay, mô hình phát triển về kinh tế của Trung Hoa dựa trên xuất cảng hàng hóa, cũng như do việc xây cất hạ tầng cơ sở. Kinh tế nội địa do tiêu thụ được coi như không đáng kể, trái ngược với Hoa Kỳ, sự tiêu thụ của dân chúng chiếm đến 2/3 tổng sản lượng quốc gia GDP. Từ khi Tập Cận Bình lên nắm chính quyền, tay này đã muốn thay đổi nền kinh tế làm gia tăng mức tiêu thụ của người dân để thay vào sự đi xuống của việc xuất cảng và xây cất. Chính quyền của họ Tập đã khuyến khích dân Tàu nhảy vào chơi stock và cố gắng để làm thị trường chứng khoán chỉ có lên mà không xuống, nhằm kích thích kinh tế nhiều hơn. Và trong mấy năm trước, thị trường chứng khoán Trung Hoa lên vùn vụt do chính quyền khuyến khích và tạo nhiều điều kiện dễ dãi. Nhưng cũng vì thế đã gây ra quả bóng về stock căng phồng. Và sau cùng đã vỡ tan trong tháng 7 vừa qua!
Như vậy ảnh hưởng của việc stock crash, chứng khoán vỡ tan này sẽ làm ảnh hưởng rất nặng đến mức tiêu thụ mua sắm của dân Tàu và sẽ làm kinh tế đi xuống nhiều, như lịch sử trước giờ đã cho biết!
Cột trụ khác của kinh tế Trung Hoa là xuất cảng hàng hóa hiện cũng đang trên đường đi xuống. Điều giản dị là các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Tây Âu đã nhận thức hiểm họa là Trung Hoa đã tiêu diệt hầu hết các kỹ nghệ sản xuất bản xứ khi cho xuất cảng hàng hóa đủ loại với giá thành quá rẻ, không nước nào cạnh tranh được. Việc hạn chế nhập cảng hàng hóa từ Trung Hoa là điều đương nhiên sẽ xảy ra, dù dưới danh nghĩa tự do mậu dịch, Hoa Kỳ và Tây Âu không thể ra mặt trực tiếp cấm đoán. Nhưng những biện pháp ngăn cản hàng hóa từ Trung Hoa đã bắt đầu được áp dụng, như những than phiền về phẩm chất của hàng hóa từ Trung Hoa đã tạo khó khăn cho các công ty sản xuất Tàu, không theo đúng được các tiêu chuẩn khắt khe. Ngoài ra những luật ngăn chặn như anti-dumping, bắt phạt hay hạn chế khi Hoa Kỳ cho rằng Trung Hoa sản xuất dưới giá vốn, bán tống bán tháo hàng hóa sang Hoa Kỳ để nhằm chiếm giữ thị trường và tiêu diệt các nhà sản xuất nội địa.
Ngoài ra hiện nay phong trào bài hàng hóa của Tàu cũng đã lên cao tại Hoa Kỳ và Tây Âu. Những hô hào mua đồ nội địa như Buy America hay Made in America hiện đang lan rộng khi chính người dân Hoa Kỳ bắt đầu ý thức về tai họa Trung Hoa đang đe dọa thế thượng phong của chính Hoa Kỳ. Các công ty Hoa Kỳ cũng đã bắt đầu tìm cách để đưa công việc sản xuất trở lại Hoa Kỳ, một phần vì vấn đề quyền lợi. Hiện nay giá nhân công tại Trung Hoa đã lên cao nhiều, không còn rẻ như hai, ba chục năm về trước, nên giá thành cho hàng hóa làm tại Trung Hoa lên cao không còn lợi thế nhiều như trước. Hơn nữa, các công ty Hoa Kỳ này đã bị chính quyền Trung Hoa ép buộc để chuyển nhượng kỹ thuật cho các công ty Tàu hợp tác. Nếu không chịu sẽ bị làm khó dễ không làm ăn được. Ngoài ra còn bị ăn cắp các bí mật về kỹ thuật hay về quản trị nên nhiều công ty Hoa Kỳ đã trắng mắt, không thấy lợi đâu, chỉ bị thiệt hại nhiều khi thiết lập các hãng xưởng sản xuất tại Trung Hoa. Hiện nay chỉ mới bắt đầu nhỏ giọt, nhưng trong tương lai sắp đến rất nhiều công ty Hoa Kỳ sẽ rút chân ra khỏi Trung Hoa, hoặc đem công việc sản xuất về nội địa Hoa Kỳ hay đưa sang các quốc gia khác như Việt Nam với giá nhân công rẻ hơn hoặc điều kiện dễ dàng hơn, không sợ bị đè ép hay bị ăn cắp các bí mật kỹ thuật sản xuất của công ty.
Với đà rút ra khỏi Trung Hoa của các công ty Hoa Kỳ và đầu tư sang các quốc gia khác, Trung Hoa sẽ bị thiệt hại nặng về kinh tế vì xuất cảng là yếu tố chính cho phát triển của Trung Hoa. Mất đi cột trụ xuất cảng, Trung Hoa sẽ lụn bại dễ dàng. Đây là chưa kể một khi thỏa ước mậu dịch Thái Bình Dương, Trans Pacific Partnership được thỏa thuận xong xuôi và thi hành, Trung Hoa bị gạt ra ngoài sẽ còn ảnh hưởng nặng hơn nữa về sản xuất hàng hóa và mậu dịch. Đáng nhẽ cuộc họp tại đảo Maui của Hawaii cuối tháng 7 vừa qua giữa 12 quốc gia sẽ đưa đến ký kết thoả ước này. Nhưng vẫn còn một số điểm dị biệt chưa được đồng thuận nên thỏa ước TPP này chưa ngã ngũ hẳn. Tuy nhiên một khi xong xuôi và chính thức thi hành, tầm ảnh hưởng của TPP sẽ không nhỏ và làm thiệt hại cho kinh tế Trung Hoa rất nhiều.
Cột trụ khác cho phát triển kinh tế của Trung Hoa là xây cất hạ tầng cơ sở. Trong hai thập niên 80’s và 90’s, các công trình xây cất đường xá, cầu cống, buildings chung cư cho dân chúng từ vùng quê đổ về thành thị đã làm Trung Hoa phát triển nhanh vì đây là những việc cần thiết để tân tiến hóa và kỹ nghệ hóa. Việc xây cất này đã làm gia tăng tổng sản lượng GDP lên nhiều và làm Trung Hoa phát triển ở mức 15-20% mỗi năm. Nhưng sau đó đã chậm lại và mức tăng trưởng GDP xuống cỡ 10% thập niên qua. Hiện nay, chỉ còn 7% cho mức tăng GDP. Nhưng mấy năm sau này con số tăng trưởng 7% không tin được. Lý do là Trung Hoa muốn giữ mức phát triển cao để lòe và gạt gẫm đầu tư ngoại quốc, nên đã cho xây cất lung tung những công trình không cần thiết! Những đường xá, cầu cống ở nơi hoang vu gọi là bridge to nowhere, những buildings lớn lao cho dân chúng nhưng không có ai ở. Những shopping malls vĩ đại không một bóng người. Ngay cả dự án xây hẳn một thành phố cho một triệu dân ở cùng phía Bắc hiện nay hoàn tất xong nhưng bỏ hoang, không dân nào về ở! Ngoài ra còn những khu kỹ nghệ dọc suốt con đường từ Thượng Hải đến Tô Châu, hoàn toàn vắng người. Ngay cả phi trường xây cất lớn lao nhưng không có phi cơ nào đáp xuống vì không cần thiết! Những nhà máy làm xi măng, làm thép xây lên nhan nhản để nhằm xuất cảng nay phải bỏ hoang. Tất cả những việc xây cất này đã trở thành một thứ bịp bợm, trước hết để lường gạt đầu tư ngoại quốc và giữ tiếng là Trung Hoa vẫn còn phát triển. Sau nữa để tạo công ăn việc làm cho dân từ thôn quê đổ xô về thành thị kiếm việc.
Những xây cất và đầu tư vô dụng, vô hiệu quả này theo một bản tường trình của Ủy Ban Phát Triển Quốc Gia năm 2014 và của Academy of Macroeconomic Research đã lên đến 41.8 trillion quan hay 6.8 trillion Mỹ Kim cho 4 năm từ 2009 đến 2013. Số tiền vĩ đại này như thế được coi như mất hết! Vì không dùng được vào việc gì! Điều tai hại hơn cả là những xây cất hạ tầng cơ sở vô dụng này đều do chính quyền địa phương của vùng hay tỉnh, quận, vay nợ để thực hiện. Hiện nay số nợ chung cho các cơ quan của chính quyền địa phương này tính đến cuối năm 2014 lên đến 5 trillion hay 5000 tỷ Mỹ Kim!
Điều này có nghĩa kinh tế Trung Hoa hiện đang nằm trên lò thuốc súng vì món nợ khổng lồ do xây cất phi lý và vô dụng. Lò thuốc súng này có thể nổ bất cứ lúc nào và khi đó chính quyền Tập Cận Bình sẽ hết đường để xoay sở một khi cả ba cột trụ kinh tế thi nhau ngã rụng một lúc. Ba cột trụ này, xây cất hạ tầng cơ sở, chế tạo và xuất cảng hàng hóa, tiêu thụ nội địa tan tành do stock crash, hiện nay được coi như đã bị mối ăn thủng hết chân móng, chỉ chờ ngày mục rữa và tan hoang bất cứ lúc nào.
Hiện nay những cố gắng của chính quyền Tập Cận Bình làm ổn định thị trường chứng khoán mang đầy vẻ tuyệt vọng như không biết làm gì khác hơn! Thí dụ cụ thể là cho phép người dân dùng giá trị nhà đang ở để làm collateral đặt cọc cho mua stock kiểu margin, là một hình thức đánh bạc. Điều này chưa bao giờ xảy ra tại thị trường chứng khoán của một quốc gia tiền tiến nào. Có nghĩa chính quyền họ Tập đã bị điên hoảng panic, tìm cách giữ thị trường chứng khoán không bị sụp với bất cứ giá nào và phương pháp nào, dù vô nghĩa và khôi hài đến đâu chăng nữa!
Nhưng khi căn bản là kinh tế sắp bị sụp đổ toàn diện đến nơi, thị trường chứng khoán có vỡ tan chỉ là dấu hiệu báo trước, chính quyền Tập Cận Bình dù có thi hành biện pháp nào đến đâu cũng chỉ là vô ích! Như vậy nhiều lắm là đến năm 2016 này, chúng ta sẽ thấy một sự tan vỡ hoàn toàn của nền kinh tế giả tạo và bịp bợm của quốc gia hiện đang là tai ương cho toàn cầu. Đó chính là Trung Hoa, kẻ thù muôn đời truyền kiếp của chúng ta vậy!
2 tháng 8, 2015
Khuất Phong Nguyễn Đình Phùng
Nguồn: http://thoibao.com/2016-kinh-te-trung-hoa-tan-vo/