Saturday, February 22, 2020

Người Bạn Tàu - Trần Thi


Người Bạn Tàu
Trần Thi

Hôm 26 tháng 11 vừa qua, các đài TV xôn xao nói đến việc NASA đã đưa phi thuyền đáp xuống được Hỏa Tinh (Mars) sau bảy tháng du hành qua hơn 301 triệu dặm (> 484 triệu km) trên không gian. Tuy vậy, thành tựu đáng phục đó dường như chỉ để mọi người ngưỡng mộ khen thưởng và không có gì phải bàn cãi thêm. Cho nên, sang hôm sau thì TV lại trở lại với các bình luận sốt dẻo về các cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa vào cuối tháng 11 tại hội nghị thượng đỉnh G20.

Nhưng cũng nhờ thế mà Hùng lại được dịp nhớ đến anh bạn người Tàu với câu chuyện khá lâu trước đây về việc Trung Hoa phóng phi thuyền lên không trung. Anh bạn này tên là Xu Đông, lúc trước làm cùng sở với Hùng. Hai bên quen nhau nhiều vì trong chỗ làm có bàn ping pong; Xu Đông thích đánh bóng bàn và Hùng thích trốn việc; nên cả hai thường rủ nhau ra đánh ping pong. Và Xu Đông cũng hay cùng với Hùng đi ra ngoài ăn trưa chung.

Có một lần cùng đi ăn trưa, không biết nhân chuyện gì đó Hùng nói với Xu Đông là bây giờ Trung Hoa cũng giỏi quá, từ năm 2003 đã phóng được lên không trung một phi thuyền có người điều khiển. Thực ra thì lời khen này của Hùng cũng chỉ đúng một nửa thôi, nếu so với việc Hoa Kỳ đã phóng phi thuyền đáp xuống được mặt trăng vào năm 1969, sớm hơn Trung Hoa đến 34 năm. Đó là chưa kể  lên được không trung rồi, nhưng có đáp được xuống mặt trăng và cuối cùng có trở về lại được trái đất hay không thì lại là một chuyện khác. Dù vậy, công bằng mà nói, Trung Hoa cũng đạt được những tiến bộ lớn trong lãnh vực không gian.

Nghe Hùng khen nước Tàu của anh, Xu Đông cám ơn và nói thêm:

Dạo đó, tôi cũng nghĩ như anh. Nghe tin như vậy, mừng quá, từ Canada tôi gọi điện thoại về cho người bạn học cũ đang làm việc tại Bắc Kinh để chúc mừng và hỏi thăm thêm.

Xu Đông cho biết năm 2003 là lúc anh đang theo học chương trình tiến sĩ ngành điện tử bên Canada. Trước đó, khi còn ở bên Tàu thì anh làm việc tại một học viện khoa học, kỹ thuật gì đó tại Bắc Kinh.

Hùng hỏi tiếp:  Bạn anh thể nào mà lại chẳng rủ anh về lại Bắc Kinh làm việc sau khi học xong?

Thay vì trả lời câu hỏi, Xu Đông lại nói tiếp đến chuyện phi thuyền:

Người bạn học cũ đó nói với tôi là đừng nhìn vào những hình ảnh trên TV mà tưởng lầm. Anh ta nói là chương trình phóng phi thuyền lên không gian chính yếu là do các khoa học gia người Nga thực hiện. Sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, các khoa học gia Nga không có việc làm. Thì chính phủ Tàu tuyển dụng họ về làm việc, nhờ vậy chương trình không gian mới thành công tới đó. Còn các người đứng ra họp báo, tuyên bố kết quả thì dĩ nhiên phải là các viên quản lý người Tàu.

Xu Đông nói với Hùng, với một âm hưởng vẫn còn mang vẻ thất vọng. 

Nhìn người lại nghĩ đến ta, bỗng dưng Hùng nhớ đến chuyện Việt Nam cũng là quốc gia Á Châu đầu tiên có người lên không trung chứ kém gì ai?  Còn nhớ là vào năm 1980 trong chuyến bay lên không gian, Liên Xô có cho một "anh hùng" người Việt Nam đi theo quá giang. Sau đó người hùng có tên là Phạm Tuân này còn được ân thưởng danh hiệu cao quý nhất của Liên Xô là “Anh Hùng của Liên Xô” (Hero of the Soviet Union) chứ đâu phải chuyện đùa. Trong khi cả nước Việt Nam thì cho đến hết năm 2018 và chắc chắn là còn tiếp tục dài hạn, vẫn không chế tạo ra nổi một chiếc máy bay trực thăng, chứ nói gì đến chuyện chế ra phi thuyền!

Nếu nhìn vào “lịch sử nhân loại” để xem ai lên được không trung sớm, thì "ta" chỉ kém “anh cả Liên Xô” và hơn xa “chị hiền Trung Quốc!”  Thế mới biết là Việt Nam "ta" lúc nào cũng lắm người tài!

Không muốn làm anh bạn đồng nghiệp người Tàu này bị bẽ mặt thêm, nên Hùng giữ im lặng không dám đem ra khoe cái thành tích của một anh Việt Nam chỉ cần "đu" theo phi thuyền Liên Xô là cũng đủ để trở thành "anh hùng." Bởi thế, Hùng rất thông cảm với Xu Đông trước nỗi bẽ bàng kiểu này.

Nỗi niềm như vừa được khai thông, Xu Đông nói như tâm tình:

Anh biết không, lúc còn làm việc ở Bắc Kinh, tôi cũng hay được mời tham dự các buổi hội thảo chuyên môn, trong đó tham dự viên đại đa số toàn là khoa học gia, nhà nghiên cứu hoặc là chuyên viên.  Còn diễn giả thì tất nhiên là quý vị có chức quyền hoặc học vị cao.  Bình thường thì mấy lúc đó là lúc để phô trương những thành quả đạt được hay những viễn kiến được đề ra nhằm để đưa Trung Hoa vượt trội lên. Họp xong, thì từ tham dự viên cho đến diễn giả, ai cũng vui vẻ ra về với một niềm vui là nước Tàu trong nay mai sẽ đứng đầu thế giới.

Xu Đông tự nhiên im lặng, và Hùng cũng để yên cho Xu Đông đang suy nghĩ.

Được một lúc, anh bạn Xu Đông nói tiếp:

- Tuy nhiên, khi có một tham dự viên nào có câu hỏi gì đặt ra cho diễn giả và câu đó hơi khó trả lời, thì diễn giả chỉ vào tham dự viên đó hỏi: Anh tên gì, học ngành gì, bằng cấp đến đâu, tiến sĩ hay cao học, tốt nghiệp từ trường đại học nào?

Hùng nghe đến đây thì thực sự là quá đỗi kinh ngạc vì không thể tưởng tượng được lại có chuyện như vậy xảy ra tại một diễn đàn của buổi hội thảo quy tụ các thành phần ưu tú của một đất nước, nhất là vào thời điểm của những năm cuối thế kỷ 20 tại Trung Hoa.

Rồi Xu Đông và Hùng phải ăn nhanh để trở về sở.

Xem ra vẫn còn ấm ức, trên đường về Xu Đông hỏi Hùng:

- Nếu ở vào trường hợp đó, thì anh trả lời như thế nào?

Hùng nói:

- Tôi cũng không biết sẽ trả lời ra sao. Nhưng để tôi kể cho anh nghe chuyện của xứ tôi, lúc xưa có một người học rất giỏi, 10 hay 11 tuổi gì đó đã đỗ Trạng Nguyên. Lúc Trạng được đưa vào gặp Vua, thấy Trạng còn bé tí, Vua hỏi Trạng giống giống như câu của các ông xếp lớn các anh hỏi. Thì ông Trạng 10-11 tuổi của xứ tôi trả lời là: Mới đẻ ra ông ấy đã biết chữ rồi, không phải học ai hết cả; có chữ nào không biết thì đem ra hỏi sư ở chùa.

Xu Đông rất ngạc nhiên, hỏi: Có như vậy nữa à, thật không? Sau đó thì ông Trạng thế nào?

Hùng nói:

- Chuyện có thật chứ. Ông Trạng đó có tên là Nguyễn Hiền. Còn sau khi nghe ông Trạng trả lời, thì Vua nổi giận, đuổi ông Trạng về nhà bắt học lại lễ nghĩa cho đúng cách.

Xu Đông lắc đầu: Chuyện này mà xảy ra tại xứ tôi, thì nguyên dòng họ Nguyễn đó chắc bị xóa sạch.

***

Rồi đến một hôm khác, cũng đi ăn trưa, bàn chuyện “thiên hạ sự”, Hùng và Xu Đông lan qua phần kiếm hiệp nói đến các truyện của Kim Dung. Rồi lân la sang đến chuyện phim ảnh võ thuật. Xu Đông cũng phải công nhận là mấy tay viết phim và đạo diễn người Mỹ, đâu có tập “kung fu” ngày nào đâu mà họ làm phim nói được nhiều cái tinh túy của võ thuật Trung Hoa.

Như trong phim Kung Fu Panda, đạo diễn cho anh chàng gấu Panda chết lên chết xuống, cuối cùng mới đoạt được bí kíp truyền đời của môn phái.  Nhưng đến khi cả hai thày trò Panda nghiêm trang trịnh trọng mở bí kíp ra xem, thì trong đó chỉ thấy trống trơn và chẳng có ghi bất cứ điều gì bí truyền!

Ngạc nhiên đến độ "tỉnh người," khi ấy Panda mới “ngộ” được bí quyết “vô chiêu thắng hữu chiêu.” Và sau đó thì anh chàng gấu Panda lè phè luộm thộm này đánh bại được mọi thứ hổ quyền, hầu quyền, và đủ thứ quyền...

Đang tắc lưỡi khen lấy khen để các cố vấn phim ảnh của Hollywood đã “tuyệt vời” trong việc giới thiệu giùm võ thuật Trung Hoa đến khắp thế giới, thì Xu Đông nói:

- Anh biết không, vậy mà lúc đó phim Kung Fu Panda bị cấm không cho chiếu tại Trung Hoa.

Hùng rất đỗi ngạc nhiên:

- What? Có cái gì trong phim Kung Fu Panda là chống cộng đâu? Mà ngược lại, còn nói lên được tinh túy của võ thuật Trung Hoa và đem lại hãnh diện cho người Tàu nữa, thì tại sao lại cấm?

Xu Đông cho biết:  Chính quyền nước tôi cấm phim này bởi vì nó... hay quá!

Hùng: Gì mà lạ vậy?

Xu Đông:

- Nó là như thế này, thời đó Trung Hoa mới “mở cửa." Cho nên cho chiếu phim của Hollywood, nhưng bước đầu thì ưu tiên cho các phim họa hình. Lại đúng lúc phim Hoa Mộc Lan (Mulan) cũng mới được sản xuất ra. Mặc dù là phim Mỹ làm, nhưng nói về huyền thoại Hoa Mộc Lan (Hua Mulan) quá hay, cho nên dân Trung Hoa đi xem rất đông. Rồi kế tiếp là tới phim Kung Fu Panda cũng lại quá hay. Nếu cho chiếu nữa, thì dân Tàu sẽ chẳng ai đi xem phim nội địa. Vì sợ như thế, cho nên phải cấm phim Mỹ để dân Tàu phải xem phim Tàu.

Hùng giả vờ ngốc nghếch:

- Nói là cho dân Tàu được tự do, nhưng họ không có chọn lựa nào khác thì đâu thực sự có tự do?

Xu Đông nói:

- Nhưng trong nước thì đâu có ai biết. Lúc còn ở Bắc Kinh, tôi đọc được bài báo của một ông professor người Tàu của đại học Hồng Kông viết về người Tàu. Đọc xong, thì cũng như rất nhiều người khác, tôi nổi giận và xem ông giáo sư đó là ăn phải bả Tây phương và phản bội người Tàu.

Hùng tò mò hỏi: Ông professor đó viết gì vậy bạn?

Xu Đông:

- Ông giáo sư Hồng Kông đó viết là với cá tính đặc biệt của dân Tàu, thì người Tàu chỉ giỏi nhất được có hai nghề: Đầu bếp nấu ăn (chef cook) và Thày dạy võ (kung fu master). Hai loại người này thì chỉ lo giấu nghề để đem lợi và danh cho cá nhân họ. Với một tinh thần như vậy, người Tàu không thể cạnh tranh với thế giới bên ngoài trong các lãnh vực khoa học kỹ thuật hay kinh tế.

Lần này thì Hùng thật sự là tò mò:

- Còn bây giờ ra tới ngoài, bạn thấy ông giáo sư Hồng Kông đó nói sao?

Xu Đông nói:

- Thì ông giáo sư đó nói đúng quá chứ còn gì nữa. Đi làm lâu rồi, bạn có thấy được bao nhiêu đồng nghiệp người Tàu sẵn lòng chia sẻ sự hiểu biết của họ cho cả nhóm để tất cả cùng tiến? Trong khi bạn thấy người Mỹ không, ngoại trừ những chuyện tối mật, còn ngoài ra biết điều gì là họ sẵn sàng chia sẻ, chỉ dẫn cho người khác và sẵn sàng học hỏi từ người khác. Họ it có mang trong người tinh thần của một kung fu master muốn giấu nghề và vì quá tự cao, ngại mất thể diện nên cũng không muốn học hỏi từ người khác.

Anh nói thêm:

- Bởi vì quá tự cao không muốn thẳng thắn hỏi người khác để học vì sợ mang tiếng là kém cỏi, cho nên người Tàu rất hay thich lén lút copy...

Hùng chưa hiểu trọn ý, nên nói: Thì Mỹ thì cũng là tổ sư copy, nhất là sau thời Đệ Nhị Thế Chiến...

Xu Đông ngắt lời Hùng:

- Đúng là cả hai đều copy lúc ban đầu nhưng sau đó rất khác nhau. Người Mỹ họ copy được thứ gì, thì việc đầu tiên là tháo gỡ các thứ đó ra ngay, rồi lo tìm hiểu nguyên lý vận động. Hiểu được nguyên lý vận động rồi, họ mới làm lại giống hệt, hoặc cải tiến, và sau đó có thể chế ra cái khác hay hơn. Còn người Tàu thì thích copy theo kiểu "sao y bản chánh," làm giống hệt và copy ra thành nhiều bản. Sau đó, càng sản xuất ra được nhiều, càng thu lợi được nhanh thì càng được tiếng là giỏi. Thành ra về lâu về dài thì số lượng có cao nhưng phẩm chất không bảo đảm.

Nghe thấy Xu Đông nói cũng có phần hợp lý, nhưng Hùng cũng chưa hoàn toàn đồng ý, anh nói:

- Nhưng thấy Trung Hoa cũng chế tạo được các phản lực chiến đấu cơ xem ra cũng cao cấp, chứ đâu phải chuyện chỉ đơn giản là copy.

Xu Đông xác nhận là anh không biết gì về các bí mật quốc phòng và vì là người Tàu anh cũng mong muốn và hy vọng là kỹ nghệ quốc phòng của người Tàu rồi ra cũng sẽ ngang hàng và cuối cùng sẽ vượt hơn của Nga, của Mỹ.  

Nhưng qua những gì mà anh đã biết về người Tàu của anh, Xu Đông vẫn chưa tin tưởng, anh nói:

- Làm được chiến đấu cơ phản lực là chuyện giỏi, đáng khen. Nhưng cho tới nay, chiến đấu cơ siêu thanh của Trung Hoa chưa thực sự tham dự trận không chiến sinh tử nào thì cũng không biết khả năng tránh né hỏa tiễn, hay nhào lộn chiến đấu của các máy bay này ra sao.

Thấy anh bạn Xu Đông này có những nhận xét rất thật tình về sự “ưu việt” của nước Tàu của anh, cho nên Hùng cũng không muốn làm anh buồn lòng thêm khi đưa thêm ra ví dụ điển hình khác là chiếc hàng không mẫu hạm Liaoning mà Trung Hoa mua lại của Ukraine. Đó là chuyện của năm 1998. Trong khi Hải quân Hoàng gia Nhật đã có hàng không mẫu hạm từ thời Đệ Nhị Thế Chiến.

Thực sự là không mấy ai trong số các bạn đồng nghiệp người Trung Hoa lại thích Xu Đông. Họ xem anh như một gã gàn, cứ hay nghĩ xa xôi không thực tế, nhất là có cái nhìn rất “tiêu cực” về chính xứ sở mẹ đẻ của anh, nơi đã đưa anh đi du học, một nơi mà đúng ra anh phải hết lời khen ngợi.

Nhưng Xu Đông thì lại có quan niệm hơi khác. Anh nghĩ rằng nếu Trung Hoa mà chỉ gồm toàn những thành phần chuyên tung hô xưng tụng lẫn nhau về những thành tựu “ghê gớm” của Trung Hoa mà không chịu nhìn vào những khuyết điểm sinh tử của mình, thì khi chạm trán với một sức mạnh không cần thổi phồng, không cần phô trương như Mỹ, thì Trung Hoa sẽ không có cách gì để đương đầu với “sự thực cuối cùng” và sẽ lại ngã gục thê thảm như những lần trước đây trong lịch sử Trung Hoa.  

Vì quan niệm như thế, nên Xu Đông hơi khe khắt với những nhận xét hay phê bình của anh về Trung Hoa với hy vọng là nhắc nhở được đồng hương của anh là đừng quá sống trong huyền thoại.  

Nghe Xu Đông bày tỏ ý nghĩ anh muốn cải thiện Trung Hoa bằng cách giúp người dân từ bỏ được căn bệnh kiêu ngạo thái quá để Trung Hoa tiến được thật xa, tự nhiên Hùng chợt đâm lo.

Hùng lẩn thẩn nghĩ là nếu như Trung Hoa càng có ít những người như anh bạn Xu Đông này, thì có lẽ sẽ tốt hơn cho Trung Hoa và đồng thời tốt hơn cho cả thế giới.  

Vì lẽ một Trung Hoa mà thiếu vắng đi sự ngạo mạn của dòng máu Đại Hán, thì đó sẽ không còn phải là một Trung Hoa chân chính.

Còn đối với thế giới bên ngoài, với một Trung Hoa đầy tham vọng mà lại lịch sự và tế nhị thì đó sẽ lại càng là điều nguy hiểm gấp bội lần so với một Trung Hoa xấc xược và kiêu ngạo.

Trần Thi

Video SWAT Team Tàu (Lực Lượng Phản Ứng Nhanh) bắt dịch như bắt khủng bố.

Video SWAT  Team Tàu (Lực Lượng Phản Ứng Nhanh) bắt dịch như bắt khủng bố.  
 
Click>>https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=10162875654305705&id=646720704

Biển Đông: Tổng thống Duterte mở cổng cho Bắc Kinh


Biển Đông: Tổng thống Duterte mở cổng cho Bắc Kinh
Đăng ngày: 20/02/2020 - 15:33
https://ethongluan.org/index.php/doc-bai-luu-tru/4399-bi-n-dong-t-ng-th-ng-duterte-m-c-ng-cho-b-c-kinh-tu-anh
Tú Anh
Một pháo đài chiến lược cản đường Trung Quốc khống chế Biển Đông sắp bị vô hiệu hóa. Ngày 11/02/2020, tổng thống Rodrigo Duterte chính thức kết liễu một thỏa thuận lịch sử cho phép quân đội Mỹ tự do luân lưu sử dụng các căn cứ quân sự ở Philippines.
Quyết định này làm suy yếu liên minh quân sự truyền thống Mỹ-Philippines và tác hại đến cán cân lực lượng trong khu vực. Trừ phi có thay đổi bất ngờ trong 6 tháng tới, con đường nam tiến của Trung Quốc sắp khai thông.
Sau bốn năm thịnh nộ, tổng thống Philippines thực hiện lời đe dọa. Thỏa thuận VAF ký kết vào năm 1998, liên quan đến quyền luân lưu đóng quân của Mỹ tại Philippines sẽ chấm dứt hiệu lực trong 180 ngày tới đây.
Tổng thống Phillipines xé thỏa thuận liên minh quân sự sau khi Thượng Viện Mỹ biểu quyết nghị quyết cấm visa nhập cảnh đối với những quan chức Philippines chà đạp nhân quyền. Cựu giám đốc cảnh sát quốc gia Ronald Dela Rosa, chỉ huy cuộc chiến đẫm máu chống ma túy bất chấp luật lệ, do tổng thống Duterte phát động, bị Mỹ cấm visa nhập cảnh.
Vì sao tổng thống Philippines đơn phương hủy bỏ thỏa thuận về an ninh với Mỹ bất chấp các ý kiến chống đối trong nước ? Hệ quả sẽ ra sao cho bàn cờ Biển Đông và nhất là đối với Việt Nam ?
Báo chí Philippines cực lực lên án quyết định độc đoán của vị tổng thống : « Trục phòng thủ chiến lược trong khu vực của chúng ta, tại Đông Nam Á đến tận Đông Á để đối đầu với Trung Quốc đã bị lay chuyển. Chúng ta không phải là loại chính quyền như thế », The Manila Times công kích.
Chia sẻ quan điểm này, nhà báo Lưu Tường Quang nhấn mạnh đến mối nguy trước mắt :
« Đây là một vấn đề rất quan trọng. Nếu liên minh Mỹ-Phi đổ vỡ thì nước được lợi nhiều là Trung Quốc. Cho nên, nó ảnh hưởng đến nhiều đến các nước khác nhất là Việt Nam với tư cách là chủ tịch luân lưu của ASEAN trong năm 2020. Và nó cũng có thể ảnh hưởng đến nước Úc vì Úc cũng có một hiệp định VFA (Visiting Forces Agreement) với Philippines, tương tự như VFA Mỹ-Phi, chấp nhận sự hiện diện của quân đội Mỹ và Úc đến trợ giúp Philippines. Đây không phải là vấn đề nhỏ, nó cũng là một vấn đề gây nhiều thắc mắc và câu hỏi.
Giới lãnh đạo quân sự Philippines tỏ ra bất ngờ về quyết định này. »
Manila bắt đầu chuyển trục từ 2016
Không ít nhà bình luận cho rằng ông Duterte với tính khí nóng giận thất thường tìm cách ép Hoa Kỳ đàm phán lại thỏa thuận VFA.
Tuy nhiên, Manila dường như khóa chặt cánh cửa thương lượng. Trong một tuyên bố được xem là tín hiệu ngầm ngày 10/02/2020, tổng thống Philippines chỉ trích Mỹ xem thường đồng minh : Tập trận xong là họ đem vũ khí tối tân đi mất không để lại cho chúng tôi một thứ gì. Còn Trung Quốc thì không bao giờ hại chúng tôi nếu chúng tôi không làm gì chống lại họ ».
Duterte dứt khoát từ chối các lời mời viếng thăm Washington tuy hai nước vẫn gắn kết với nhau qua hiệp định phòng thủ chung 1951.
Thái độ xa lánh Mỹ của Manila đã được thể hiện ngay từ khi Rodrigo Duterte kế nhiệm tổng thống Aquino năm 2016.
Nhà báo Lưu Tường Quang phân tích các giả thuyết khả tín nhất :
« Quyết định ngưng hợp tác với Mỹ là quyết định của ông Duterte và có thể được các cố vận thân cận ủng hộ. Nhưng, tôi có cảm tưởng bà phó tổng thống Philippines (Leni Robredo,55 tuổi, dân bầu trực tiếp), người đắc cử với tư cách riêng có thể không ủng hộ. Những người có liên hệ gần gũi với Hoa Kỳ, đặc biệt là trong giới tướng lãnh quân đội, người thì công khai, người thì âm thầm, bằng cách này hay cách khác, cũng đã lên tiếng chỉ trích quyết định.
Lý do tại sao ông Duterte quyết định như thế ?
Quyết định làm áp lực với Hoa Kỳ để tái thương thuyết thỏa thuận VFA là giả thuyết có thể đúng nhưng cũng có thể không đúng. Nhưng giả sử nó đúng thì còn tùy thuộc vào thái độ của Hoa Kỳ. Tổng thống Donald Trump có thể sẽ không thương lượng lại. Tuy nhiên, nếu nhìn từ phản ứng của bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper thì lập trường của Mỹ có vẻ hòa dịu nhiều hơn bởi vì Mark Esper nói đây là một quyết định « đáng tiếc », Philippines đi con đường trái ngược với thực tế.
Giả thuyết thứ hai mà tôi cho rằng có thể có nhiều tín lực hơn là ông Duterte, trong chính sách đi lại gần gũi với Trung Quốc từ khi đắc cử vào năm 2016. Thì rõ ràng đây là một bước tiến nữa tạo ra những cơ hội để cho Philippines đi lại gần với Trung Quốc.
Điều này lợi hại như thế nào ?
Nhìn từ quan điểm của Duterte thì ông bảo rằng quan hệ với Mỹ không có lợi gì và còn có thể gây ra một cuộc chiến tranh Mỹ-Trung thì càng không có lợi cho Philippines. Cho nên, ông hầu như hoàn toàn hạ cấp bang giao với Washington và nâng cấp bang giao với Bắc Kinh. Tôi nghĩ điều này có vẻ đúng với thực tế. Một điểm nữa không kém phần quan trọng là ông đi gần lại với Nga và sẵn sàng mua vũ khí của Nga thay vì mua vũ khí của Mỹ.
Dù thế nào đi nữa, nhìn từ quan điểm chung của các nước Đông Nam Á và Úc, thì sự suy sụp, sự căng thẳng trong bang giao Washington-Manila sẽ tạo ra nhiều yếu tố tiêu cực cho toàn vùng. Quốc gia được lợi nhiều nhất vẫn là Trung Quốc ».
Mỹ cũng đã dự tính trước biện pháp đối phó
Theo nhà bình luận Lina Sankari của báo Pháp l’Humanité thiên tả, Hoa Kỳ đã phòng ngừa trước diễn biến này cho nên đã chuẩn bị phương án đối phó.
Washington quyết định giảm bớt lực lượng ở vùng sa mạc châu Phi và Trung Đông chuyển sang tái phối trí tại châu Á-Thái Bình Dương. Cụ thể, Donald Trump thực hiện bước thứ hai, hoàn tất chiến lược « tái định vị » của tổng thống Barack Obama, đưa hai phần ba lực lượng hải quân về châu Á vào năm 2020.
Thái độ bất hợp tác của tổng thống Duterte có thể sẽ gây tác hại cho nhiều đồng minh khác của Mỹ trong vùng, từ Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc cho đến nước Úc, những nước cần hỗ trợ của Mỹ trong hồ sơ an ninh quốc phòng.
Thái độ biến đổi của Manila còn là tin xấu đối với Hà Nội. Trong lúc Trung Quốc gia tăng hoạt động hù dọa tàu cá, lấn áp công tác thăm dò mỏ dầu Việt Nam ở Biển Đông thì Philippines được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa đầu tư 22 tỷ đô la cũng như đã ký với Manila thỏa thuận hợp tác khai thác dầu hỏa và khí đốt ở vùng tranh chấp.
Duterte giúp Bắc Kinh củng cố thế thượng phong.
Nhà báo Lưu Tường Quang :
« Trong bàn cờ chính trị, Philippines có vai trò quan trọng trong bang giao với Mỹ, cho Hoa Kỳ một chỗ đứng, một căn cứ quan trọng tại Biển Đông hay gần Biển Đông. Với lý do đó, thời tổng thống Aquino, sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông rất rõ nét nhưng bây giờ tình thế trái ngược lại, khó khăn hơn.
Tất nhiên, Hoa Kỳ có những căn cứ khác như ở Úc hay bang giao chặt chẽ với Singapore nhưng nếu bây giờ thỏa thuận về luân lưu quân sự của Mỹ tại Philippines bị bãi bỏ trong 180 ngày sắp tới thì các hiệp ước hợp tác quân sự khác kể cả Hiệp Định Quốc Phòng Chung 1951 sẽ trở thành vô nghĩa.
Nhìn từ quan điểm này thì nó sẽ gây nhiều khó khăn cho Việt Nam, theo nghĩa, năm 2020, Việt Nam làm chủ tịch hiệp hội ASEAN với tiêu đề có vẻ gợi nhiều ý nghĩa : gắn kết và chủ động. Gắn kết như thế nào nếu Philippines đi hẳn với Trung Quốc và không hợp tác nữa với Mỹ trong vấn đề Biển Đông ? Việt Nam sẽ bị thiệt hại rất nhiều, Úc và các nước khác trong vùng cũng rất quan tâm. Đây là một biến chuyển rất là quan trọng cho tương lai ổn định của toàn vùng Đông Nam Á.
Hoa Kỳ không còn căn cứ quân sự ở Philippines thì thế đứng của Trung Quốc càng ngày càng lên mà Trung Quốc có những chính sách rất táo bạo về vấn đề Biển Đông. Cho nên trong năm 2020 nó sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đối với tất cả các nước trong khu vực kể cả đối với Việt Nam, nhất là Việt Nam trong vai trò chủ tịch ASEAN ».
Đi ngược lòng dân và quân đội
Bất chấp cảnh báo của Thượng Viện Philippines, và thái độ bất bình của giới tướng lãnh, tổng thống Duterte tặng cho Trung Quốc một món quà vô giá. Theo nhận định của nhà phân tích Lina Sankari trích dẫn bên trên, sau khi đã củng cố các tiền đồn ở Hoàng Sa và Trường Sa, Bắc Kinh đã được một số đặc quyền sử dụng hải cảng, phi trường của Cam Bốt, Miến Điện, Sri Lanka và Pakistan. Chiến lược « chuỗi trân châu » tiến hành thuận lợi cho phép Trung Quốc bảo đảm con đường nhập khẩu nhiên liệu từ Trung Đông và dự án Con đường tơ lụa trong tương lai.
Trong một chương trình truyền hình Pháp cách nay hai hôm, về chiến lược từng bước làm bá chủ thế giới của Trung Quốc, nhà báo Hervé Gattegno, tổng biên tập tuần báo Pháp Journal du Dimanche nêu câu hỏi then chốt : Khi nào Bắc Kinh lập cái « trạm thu phí » (BOT) trên Biển Đông ?
Tuy nhiên, có ít nhất bốn cản lực đang chờ trước mặt Bắc Kinh và Duterte. Theo The Washington Post, quân đội Philippines tiếp tục được Mỹ viện trợ, tập luyện chung. Ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc Phòng Philippines không kêu gọi xé thỏa thuận VFA. Thứ hai là người dân Philippines ý thức trục Mỹ-Phi rất cần thiết để bảo vệ an ninh, độc lập cho đất nước họ. Công luận Phi cũng không mặn mà với đầu tư Trung Quốc vì cái giá phải trả rất nặng. Thứ ba, bản thân tổng thống Duterte có được Hiến Pháp cho thẩm quyền đơn phương hủy bỏ hiệp định quốc tế do Thượng Viện quyết định hay không ?
Lý do thứ tư, theo Le Monde, giới quân đội thân thiết với Hoa Kỳ không chấp nhận quyết định của tổng thống Philippines. Nội tình Philippines khó tránh khỏi căng thẳng. Tư lệnh hải quân Giovani Carlo Bacordo đã tuyên bố mạnh mẽ : Chiến hạm Philippines tiếp tục giương cao ngọn cờ quốc gia tuần tra trong vùng Biển Đông.
Nhiều nhà phân tích xem đây là lập trường công khai ủng hộ Hoa Kỳ và rất có thể viên tư lệnh này sẽ « đương đầu » với thái độ bốc đồng cuối cùng của tổng thống Duterte.


Bọn Cơ Hội Chính Trị - Phạm Đình Trọng


Bọn Cơ Hội Chính Trị
Phạm Đình Trọng

 Tháng 2 22, 2020 
 Lượt xem: 119
‘…Thế lực đảng đưa Thái Thanh Quí vào nguồn qui hoạch cán bộ cấp chiến lược của đảng chưa biết con người thật Thái Thanh Quí nhưng người dân Nghệ An, người dân cả nước đã thấy rõ con người thật phản dân hại nước của Thái Thanh Quí...'
Chú ngựa non rời háng mẹ ra với bày đàn. Tự tin và hiếu thắng, ngựa non tin rằng bầy đàn già nua, cũ kĩ, an phận phải sửng sốt về sự mới mẻ, trẻ trung, đầy sức sống của nó. Chẳng được cặp mắt nào ngó đến, ngựa non liền gây sự, tung vó đá lung tung, buộc bầy đàn phải biết đến sự có mặt của nó. Đá gã ngựa tơ ngơ ngác. Đá cả cụ ngựa già trầm ngâm. Dân gian có câu thành ngữ “ngựa non háu đá” là vậy.
Như chú ngựa non, kẻ vô danh, thiếu vắng công trạng và tài năng nhưng thừa tham vọng chính trị, nhờ cơ may chen được vào chính trường, trở thành chính khách liền tìm cách taọ ấn tượng, gây vốn liếng chính trị ganh đua với những chính khách khác bằng những việc làm khác người, đầy ranh ma, láu cá.
Anh lính tẩy võ biền thời bình Trương Minh Tuấn, không biết đến trận mạc, chỉ có mớ xác chữ chết khô lí luận Mác Lê của trường chính trị cấp thấp, cấp quân khu, binh chủng, chỉ có lèo tèo vài thuật ngữ chính trị nghèo nàn, mòn cũ cũng leo lên được đến hàng Bộ trưởng, thành viên Chính phủ.

Chẳng cần thông minh, tinh ý, chú ngựa non Trương Minh Tuấn cũng biết thủ lĩnh đảng cầm quyền Nguyễn Phú Trọng đang nơm nớp lo ngại trong đám đảng viên cấp cao đang nắm vận mệnh của đảng có sự tự thức tỉnh, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong tư tưởng từ độc tài cướp quyền dân sang dân chủ, trả quyền làm chủ đất nước cho dân. Sự tự diễn biến, tự chuyển hóa đó là qui luật vận động, phát triển tất yếu của lịch sử tự nhiên cũng như lịch sử xã hội, đã dẫn đến sự tự sụp đổ không thể cứu vãn của nhà nước cộng sản hùng mạnh Liên Bang Xô Viết, làm tan rã cả hệ thống nhà nước cộng sản Đông Âu. Phải ngăn chặn được mạch ngầm tự diễn biến, tự chuyển hóa, đảng cộng sản Việt Nam mới không bị tan rã, sụp đổ.
Nhạy bén nắm bắt cơ hội, ngựa non Trương Minh Tuấn liền thể hiện lập trường vững vàng ghi điểm với đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng, thi thố bản lĩnh chính trị trong cuộc chạy đua quyền lực với đồng cấp bằng hai trò. Một mặt Tuấn ra uy cảnh sát tư tưởng, vu tội tờ báo này, qui kết nhà báo kia đi chệch định hướng của ban Tuyên giáo trung ương mà Tuấn vừa là bộ trưởng Truyền Thông, vừa là phó ban Tuyên giáo. Nhiều tờ báo bị Tuấn phạt vạ, bị đình bản, Hàng loạt nhà báo bị Tuấn rút thẻ nghề nghiệp. Một mặt Tuấn lôi mớ lí luận Mác Lê chưa kịp tiêu hóa, không thể tiêu hóa, còn nguyên xác chữ chết khô trong bụng, tãi ra giấy thành sách xuất bản mau lẹ làm đẹp ý đấng quyền lực tối cao, đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng “Phòng, Chống Tự Diễn Biến, Tự Chuyển Hóa Về Tư Tưởng Trong Cán Bộ, Đảng Viên Hiện Nay”.

Không do người dân phát hiện, không do lá phiếu người dân bầu chọn, những chính khách cộng sản đều do những thế lực nhà nước cộng sản dựng lên. Không cần biết đến dân, không cần dốc tâm trí chăm lo cho dân, những chính khách cộng sản chỉ cần đón ý làm hài lòng những thế lực trong triều đình cộng sản nắm vận mệnh chính trị của họ. Và hầu hết chính khách cộng sản non trẻ, lưng vốn chính trị còn trống rỗng đều gầy dựng vốn liếng chính trị bằng cách ranh ma, láu cá của Trương Minh Tuấn.
Từ cán bộ đoàn vô danh, thủ lĩnh của những hội cờ đỏ, những tổ chức hồng vệ binh của cách mạng văn hóa Nghệ An, 44 tuổi trẻ, Thái Thanh Quí tót lên ghế bí thư tỉnh ủy Nghệ An. Tỉnh có đất đai rộng nhất nước. Có địa lí tự nhiên phong phú, giàu có ở hàng nhất nước. Có rừng quí bạt ngàn. Có biển giàu mênh mang. Có cảng biển lớn tấp nập tàu buôn đến từ khắp năm châu bốn biển. Có đồng bằng phì nhiêu. Có biên giới quốc gia. Có hành lang buôn bán thương mại quốc tế, hàng hóa nhộn nhịp lưu thông với Lào, Thái Lan. Nhưng do lãnh đạo kém cỏi, tham lam, làm quan chỉ lo vơ vét, Nghệ An vẫn là tỉnh kinh tế kém phát triển cũng thuộc hàng nhất nước. Dân nghèo đông nhất nước, suốt mấy chục năm từng đoàn, từng lũ rời bỏ quê nghèo lang thang kiếm sống khắp đất nước, khắp thế giới. Mới gần đây, ba mươi chín người Việt Nam chết ngạt trong xe đông lạnh trên đường trốn chui, trốn lủi vào nước Anh kiếm sống, phần lớn là người Nghệ An.
Tỉnh nghèo mặc tỉnh. Dân đói kệ dân. Quí tót lên được Bí thư tỉnh ủy, tót lên được quan toàn quyền một vùng lãnh thổ chiến lược quan trọng không do dân bầu mà do đảng qui hoạch, sắp đặt. Vậy thì Quí chỉ cần làm hài lòng đảng chứ không cần được lòng dân. Thứ đảng cần hàng đầu không phải là dân giầu, nước mạnh mà là kiên định chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Cần cho đảng thấy rằng Quí có thừa thứ đảng đang cần.
Trung tâm thành phố Vinh đã sừng sững tượng Hồ Chí Minh lớn nhất nước nhưng chưa có tượng Lênin. Nghệ An là quê hương của Xô Viết Nghệ Tĩnh thì không thể thiếu tượng Lênin, người thầy của cách mạng vô sản thế giới, người vận dụng sáng tạo học thuyết của Mác làm cách mạng vô sản thành công ở nước Nga, tạo ra chủ nghĩa Mác Lênin cho cách mạng thế giới. Thời Quí là quan toàn quyền, Nghệ An phải có tượng Lênin để thể hiện lập trường kiên định Mác Lê của Quí.
Quí sẽ cho người sang Nga đón bức tượng đồng Lênin cao 3 mét mà tỉnh Ulyanovsk phế bỏ đưa về Vinh. Chuyển hộ khẩu tượng đồng Lênin về Việt Nam, Quí không chỉ làm cho Nghệ An mà là việc làm thể hiện ý chí kiên định chủ nghĩa Mác Lênin của đảng cộng sản Việt Nam. Đó là việc làm ra mắt của bí thư tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quí lập công với đảng.
Trương Minh Tuấn và Thái Thanh Quí đều là nguồn cán bộ cấp chiến lược được đảng qui hoạch.
Vì được qui hoạch, Tuấn phải mau lẹ rặn ra quyển sách “Phòng, Chống Tự Diễn Biến, Tự Chuyển Hóa Về Tư Tưởng Trong Cán Bộ, Đảng Viên Hiện Nay” để tỏ ra xứng đáng với sự qui hoạch của đảng. Nhưng “Phòng, Chống Tự Diễn Biến, Tự Chuyển Hóa Về Tư Tưởng Trong Cán Bộ, Đảng Viên Hiện Nay” chỉ là con người Trương Minh Tuấn giả, con người cơ hội chính trị Trương Minh Tuấn. Còn con người Trương Minh Tuấn thật đang ở trong tù.
Vì được đảng qui hoạch, Quí đã phỉ báng lương tâm người Nghệ An, Quí đã thách thức người dân nghèo Nghệ An khi Quí đổ ra hàng chục, hàng trăm tỉ tiền mồ hôi, nước mắt của dân nghèo Nghệ An đưa tượng Lê nin bị nước Nga vất bỏ về dựng ở Nghệ An. Nhưng dựng tượng Lê nin ở Nghệ An chỉ là con người Thái Thanh Quí giả, con người cơ hội chính trị Thái Thanh Quí. Còn con người Thái Thanh Quí thật?

Thế lực đảng đưa Thái Thanh Quí vào nguồn qui hoạch cán bộ cấp chiến lược của đảng chưa biết con người thật Thái Thanh Quí nhưng người dân Nghệ An, người dân cả nước đã thấy rõ con người thật phản dân hại nước của Thái Thanh Quí. Từ khi còn là cán bộ đoàn, Quí đã lập những hội cờ đỏ và tổ chức cho những người mắc áo đỏ hung hăng xông vào nhà thờ đập tượng Chúa, xông vào nhà dân đập phá tài sản của giáo dân ở Nghệ An.
Phạm Đình Trọng


Vũ Linh: Tin Vắn Trong Tuần (Feb.22, 2020)


Vũ Linh: Tin Vắn Trong Tuần (Feb.22, 2020)

CẬP NHẬT TRANH CỬ

Ø  Thăm dò mới nhất của báo Washington Post đã cho thấy một biến chuyển động trời ngay trong một tháng đầu sau khi cuộc chạy đua thật sự bắt đầu với hai cuộc bầu sơ bộ tại Iowa và New Hampshire. Cụ Biden mất một nửa hậu thuẫn, từ 32% rớt xuống còn có 16%, trong khi cụ Sanders vọt lên từ  23% tới 32%. Lạ hơn nữa, tỷ phú Bloomberg nhờ tung ra hơn 300 triệu mua quảng cáo trên TV, báo, trang mạng và emails đã thấy hậu thuẫn của mình nhẩy từ 8% lên tới 14%, lên tới hàng thứ ba, đẩy cụ bà Warren xuống hạng tư.
Sự trổi dậy bất ngờ của cụ xã nghĩa đang làm cho các nhà lãnh đạo DC điên đầu, cuống cuồng tìm cách ngăn chặn vì họ biết rõ nước Mỹ này không bao giờ có thể chấp nhận một chế độ xã nghĩa hết, dù là màu đỏ nhạt. Đưa cụ Sanders ra bảo đảm ông Trump nằm nhà ngủ cũng tái đắc cử. Tệ hơn nữa, có thể sẽ khiến cho đảng DC mất luôn cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện.
Các cựu lãnh tụ DC như cựu lãnh đạo khối DC tại Thượng Viện Harry Reid, hay cựu ứng cử viên tổng thống John Kerry đều cho rằng cụ Sanders ra làm đại diện đảng DC sẽ tiêu diệt cả đảng luôn.
Trong khi bình loạn gia Lawrence O’Donnell của MSNBC khẳng định Trump là cán bộ nằm vùng của Putin, thì báo phe ta Washington Post đã loan tin bộ An Ninh Mỹ đã họp riêng với cụ Sanders để thông báo và đưa tài liệu cho cụ biết Nga đang tích cực vận động giúp cụ Sanders. TT Trump và một số lãnh đạo trong lưỡng viện cũng đã được thông báo.
https://www.foxnews.com/politics/bernie-sanders-surge-has-party-elders-increasingly-nervous

Ø  Tối thứ tư vừa qua đã có cuộc tranh luận nữa trên TV giữa các ứng cử viên DC, lần này tại Las Vegas.
Phải nói ngay đây là cuộc tranh luận hào hứng nhất từ trước tới nay. Sáu vị còn lại túm tóc đánh đập nhau không nương tay. Quên bẵng đi là họ sẽ phải ra tranh cử chống ông Trump, trong khi ông Trump ngồi ghi chép tất cả những đả kích để dành làm bửu bối sau này.
Mở đầu với trận đánh hội đồng nhắm vào tỷ phú Bloomberg, nhưng rồi sau đó, tất cả đều đánh lẫn nhau hết. Những lập luận tấn công chẳng có gì mới lạ, ngoại trừ trường hợp ông Bloomberg vì đây là lần đầu tiên ông xuất hiện, mà cũng vì ông này là ngôi sao đang nổi nhờ vung cả 300 triệu đô tự quảng cáo cho mình.
Ông Bloomberg ra trận lần đầu, bị đánh trọng thương. Anh bình luận gia Tucker Carlson của Fox đã chọc gai ông này, cho rằng ông Bloomberg đã bỏ ra hơn 400 triệu đô để có dịp bị hạ nhục trước cả nước. Nếu tỷ phú Bloomberg đắc cử thành đại diện cho đảng DC ra chống TT Trump thì ta sẽ chứng kiến một màn xiếc chính trị độc đáo nhất lịch sử chính trị của nhân loại.
Đảng DC dùng chiêu võ ‘dĩ độc trị độc’ thuộc loại siêu nhất. Tìm cách bứng ‘một tỷ phú, già, da trắng, xấc lối, kỳ thị da đen, khinh thường phụ nữ, ăn nói thô bạo, đến từ ổ tham nhũng New York, không chịu công bố giấy thuế, phản đảng DC để nhẩy qua CH…’ của đảng CH là ông Trump, để thay thế bằng ‘một tỷ phú, già, da trắng, xấc lối, kỳ thị da đen, khinh thường phụ nữ, ăn nói thô bạo, đến từ ổ tham nhũng New York, không chịu công bố giấy thuế, phản đảng CH để nhẩy qua DC…’ của đảng DC là ông Bloomberg!!!
Một cuộc bầu cử mà những người không đảng phái sẽ phát khùng, không biết phải chọn ai trong cái cặp song sanh đó.

Thật ra sự lựa chọn của dân Mỹ không khó khăn như vậy đâu.

Một thăm dò mới nhất của Hill/Harris cho biết 62% cử tri dự định đi bầu sẵn sàng bầu cho TT Trump. Cách đây một năm, trước khi xẩy ra ra vụ lùm xùm đàn hặc, chỉ có 54% sẵn sàng bầu cho TT Trump. Sau đàn hặc, số người hậu thuẫn TT Trump đã tăng vọt 8%. Đó chính là hậu quả cụ thể nhất của đàn hặc, đúng như TT Trump đã tiên đoán.


Ø  Báo mạng Politico có bài viết đáng chú ý. Nhìn vào các ứng cử viên tổng thống năm nay của cả hai đảng, việc tuyển lựa phó tổng thống chưa bao giờ quan trọng như năm nay.
Bên CH với TT Trump và bên DC với 3 ứng cử viên hàng đầu, tất cả đều là các cụ da trắng trong tuổi thất thập cổ lai hy hết. Đã vậy, ai cũng có vấn đề sức khỏe.
TT Trump thì tuy được giấy bảo đảm sức khỏe của bác sĩ nhưng lại bị nhiều bác sĩ chê quá mập, lại thích ăn đồ ăn Mỹ gọi là junk foods, đồ ăn tạp nhạp rất hại cho sức khỏe như hăm-bơ-ghơ McDonald. Mới đây, ông đã bất ngờ vào nhà thương mà không chịu công bố để làm gì.
Bên DC thì cụ Biden đầu óc có vẻ có vấn đề, nhất là sau khi đã bị mổ óc hai lần mới đây vì bệnh sưng mạch máo não. Cụ Sanders thì mới bị đột qụy cuối năm ngoái và bây giờ từ chối không công bố giấy khám sức khỏe. Cụ Bloomberg thì đã bị đặt hai ống plastic -stents- trong mạch máu gần tim.
Bên CH thì ai cũng biết TT Trump có mệnh hệ nào thì đã có PTT Pence. Bên DC thì vai chính chưa tuyển xong nói chi đến vai phụ.

NÓI CHUYỆN KINH TẾ
Cựu TT Obama bất thình lình tuýt cho thiên hạ, nhắc nhở lại ông đã là tác giả ký luật Recovery Act, đưa đến tăng trưởng kinh tế lâu dài nhất lịch sử cận đại Mỹ, ý muốn nói TT Trump chỉ là người thừa kế cái gia tài kinh tế thành công tột đỉnh của Obama. Recovery Act là bộ luật bơm 800 tỷ vào kinh tế để kích động lại tăng trưởng kinh tế, khác với luật bơm tiền cứu các ngân hàng hay luật bơm tiền cứu các hãng xe Mỹ. Ba bộ luật hoàn toàn khác biệt.
Trong khuôn khổ rất hạn hẹp của bản tin này, xin phép được lượt qua công và tội của các tổng thống Mỹ trong nửa thế qua trong cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất lịch sử cận đại, và những chuyện xẩy ra sau đó.
-       TT Carter: ông này chính là thủ phạm số 1. Chẳng những ông là tác giả của một nền kinh tế thảm hại nhất lịch sử cận đại, tiêu biểu bởi kỷ lục thất nghiệp, kỷ lục lạm phát, kỷ lục lãi suất ngân hàng, kỷ lục trì trệ kinh tế, mà hơn thế nữa, cũng là tác giả luật gọi là ‘Tái Đầu Tư Vào Cộng Đồng’ –Community Reinvestment Act hay CRA- bắt buộc các ngân hàng phải nới rộng tiêu chuẩn cho vay tiền mua nhà để giúp dân da đen có thể vay tiền mua nhà dễ dàng hơn.
-       TT Reagan và Bush Cha: lật ngược đà xuống dốc của kinh tế. Chặn việc thi hành luật CRA.
-       TT Clinton: thủ phạm số 2. Ông ra lệnh tích cực áp dụng CRA lại, đồng thời hủy bỏ luật Glass-Steagall kiểm soát ngân hàng, thả lỏng cho ngân hàng tha hồ cho vay dưới tiêu chuẩn tín dụng, sau này được gọi là ‘sub-prime loans’, bắt hai ngân hàng bán công Fanny Mae và Freddie Mac mua lại tất cả các nợ xấu của các ngân hàng thương mại để các ngân hàng này có tiền tiếp tục cho vay nhiều hơn nữa.
-      TT Bush ConTrong 8 năm, cả chục lần, ông đã yêu cầu quốc hội do phe DC kiểm soát siết chặt tín dụng mua nhà lại vì ‘quá nóng’. Tất cả đều bị phe DC bác bỏ và tố cáo “Bush tìm cách không cho dân nghèo mượn tiền mua nhà” (dân biểu DC Barney Frank). Để đến cuối trào thì khủng hoảng gia cư nổ bùng, cả triệu nhà bị sai áp, đưa đến khủng hoảng tài chánh với cả ngàn ngân hàng bị đe dọa phá sản. TT Bush con đã là người lấy những quyết định đầu tiên chặn đứng khủng hoảng như tung ra luật kích cầu kinh tế gọi là Economic Stimulus Act, tháng Hai 2008, bơm tiền vào cứu cả ngàn ngân hàng tháng 10, 2008, rồi lấy tiền trợ cấp cho hai hãng xe lớn General Motors và Chrysler khỏi khai phá sản tháng 12, 2018.
-       TT Obama: nhậm chức tháng Hai 2009, lãnh đạn khủng hoảng tài chánh và kinh tế xẩy ra một tháng trước ngày bầu cử, nhưng cũng là người thừa hưởng chính sách chặn khủng hoảng của TT Bush con. Ngay sau khi nhậm chức, tung ra luật kích cầu kinh tế đợt 2 (tiếp theo đợt của TT Bush con), gọi là Recovery Act bằng cách bơm 800 tỷ vào một loạt các dự án do Nhà Nước tài trợ. Trong ngắn hạn, năm 2009, luật này đã là một đại họa, tăng công nợ và thâm thủng ngân sách, tăng tỷ lệ thất nghiệp từ 6% lên ngay tới 10% trong vòng 5 tháng. Lý do là tiền đã bơm vào không đúng chỗ, không giúp mở lại hãng xưởng tạo công ăn việc làm cho dân để kích động kinh tế, mà chỉ nhắm tăng tiền trợ cấp an sinh, trợ cấp thất nghiệp, và những dự án ‘phải đạo chính trị cấp tiến’ như cải thiện các nhà tù. Tuy nhiên, trong dài hạn, đã giúp ổn định tình hình và kinh tế bắt đầu phục hồi lại. Đó là công không ai phủ nhận được của TT Obama. Nhưng vấn đề là sự phục hồi đó cũng là phục hồi chậm nhất, yếu nhất và lỏng lẻo nhất trong lịch sử khủng hoảng kinh tế Mỹ (theo CNNcho dù ông đã bơm thêm 10.000 tỷ công nợ vào kinh tế trong khi lãi suất ngân hàng liên bang được duy trì ở mức gần zero trong suốt 8 năm để khuyến khích kinh doanh vay mượn tiền làm ăn.  
TTDC bênh vực Obama đã khẳng định tỷ lệ thất nghiệp đã liên tục hạ từ nhiều năm trước khi ông Trump làm tổng thống. Không sai. Nhưng TTDC đã cố tình không đi vào chi tiết để nói cho rõ hơn đại đa số những việc làm mà TT Obama ‘tạo’ ra là những việc a) tạm thời ngắn hạn hay bán thời không có quyền lợi gì chẳng hạn như không có bảo hiểm y tế, không có nghỉ hè ăn lương, có bầu cũng không được giúp gì,…, b) những việc làm trả ít lương hơn trước, c) những việc làm trong các ngành dịch vụ -services- không sản xuất gì, đặc biệt là trong ngành ‘ăn nhanh’ fast food services như McDonald, Burger King,…, d) những việc làm trong hành chánh Nhà Nước Vú Em.
-       TT Trump: Không sai là ông đã thừa hưởng sự ổn định kinh tế của TT Obama. Nhưng hiển nhiên là đã đi xa hơn TT Obama rất nhiều. Ông đã làm hai việc có hậu quả kinh tế quan trọng nhất: giảm thuế đồng loạt để kích động đầu tư lại, và hủy bỏ cả ngàn luật lệ và thủ tục kinh doanh đã trói tay các doanh gia Mỹ. Phục hồi kinh tế ển ển xìu xìu của Obama chấm dứt, thay thế bằng tăng trưởng kỷ lục về đủ phương diện như kỷ lục số người có việc làm, kỷ lục tăng trưởng tổng sản lượng, kỷ lục thị trường chứng khoán, và kỷ lục thất nghiệp thấp nhất. Đại đa số công việc TT Trump tạo ra là trong các ngành sản xuất, trong khi số công chức sáng xách ô đi chiều vác cặp về suy giảm. Trên phương diện kinh tế, đây là khác biệt khổng lồ, một trời một vực so với kinh tế Obama. Nói kinh tế là  tiếp nói của kinh tế Obama là nói mà không biết mình nói gì, hay nói láo mặt trơ trán bóng nhất.


PHE DC TẤN CÔNG BỘ TRƯỞNG TƯ PHÁP

Ø  Bộ trưởng Tư Pháp William Barr đã trở thành đối tượng của chiến dịch chống phá TT Trump mà phe DC mới tìm ra. Vẫn chuyện thua me gỡ bài cào. Hạ Trump không được bây giờ tìm cách chặt tay chân.
Câu chuyện bắt đầu khi các công tố của bộ Tư Pháp khuyến cáo phạt một cựu phụ tá của TT Trump, ông  Roger Stone, năm tù vì tội ‘nói láo quốc hội’ khi ra điều trần.
Năm 2016, Hạ Viện muốn biết rõ hơn câu chuyện Wikileaks xì emails của đảng DC ra. Ông Stone khoe ông biết Wikileaks có bằng chứng rõ rệt bà Hillary đã phạm tội. Hạ Viện lôi ông ra điều trần hỏi ông bằng chứng gì từ đâu ra. Ông Stone cho biết từ ông bình luận gia trên radio tên là Randy Credico. Hạ Viện lôi anh Credico ra và anh này cải chính, nói anh chưa hề nói chuyện với ông Stone. Không ai biết ông Stone nói láo hay anh Credico nói láo. Chỉ biết công tố Mueller chộp lấy cơ hội, truy tố ông Stone nói láo quốc hội. Ý đồ thực sự của công tố Mueller là tìm cách đổi chác, bắt ông Stone là cộng sự viên thân tín của TT Trump để áp lực ông ta phải khai ra tội nào đó của TT Trump. Ông Stone không khai gì hết. Thế là bị trừng phạt, đưa ra tòa thật.
 Sau khi nghe tin các công tố khuyến cáo phạt tù tới 9 năm, TT Trump đã tuýt mấy câu, công kích việc trừng phạt quá đáng này. Ngay sau đó, có tin bộ trưởng Barr cũng đã bác bỏ khuyến cáo của các công tố và khuyến cáo phạt nhẹ hơn. Bốn công tố truy tố ông Stone phản đối khuyến cáo của ông bộ trưởng và từ chức, cho là ông bộ trưởng đã bị áp lực của tổng thống, khiến các công tố mất mặt. Tất cả đều là công tố lâu năm của bộ Tư Pháp, nghĩa là đều là những công tố kỳ cựu được bổ nhiệm từ thời Obama hay trước đó nữa. Chứng tỏ ảnh hưởng của Nhà Nước Ngầm vẫn còn rất nặng trong chính quyền Trump.
Phe DC và TTDC ồn ào tố TT Trump ‘dẫm đạp’ lên Tư Pháp, vi phạm nguyên tắc tam quyền phân lập, và cũng bôi bác ông bộ trưởng Barr chỉ là tay sai gọi dạ bảo vâng của Trump. Vài cụ tỵ nạn cuồng chống Trump chăm chỉ dịch và phổ biến lại.
Quốc hội lôi ông Barr ra điều trần và thậm chí còn đòi đàn hặc ông luôn. Ở đây, có vài việc cần phải nói cho rõ:
-       Khai không đúng sự thật với quốc hội là một tội thông thường bị phạt vài tháng tù, gia trọng lắm thì tù một vài năm. Việc các công tố khuyến cáo phạt tới năm tù chỉ vì một câu nói láo vu vơ chẳng có một hậu quả chết người gì là chuyện quá quắt chưa từng thấy trong lịch sử tư pháp Mỹ. Nhất là trong câu chuyện, giữa hai lời khai của ông Stone và ông Credico, chẳng ai biết ai là người nói láo mà chỉ là chuyện ông này nói A, ông kia nói B.
-       Việc bộ trưởng Barr bác bỏ khuyến cáo của các công tố và đề nghị phạt nhẹ cho hợp với tiền lệ tư pháp hơn cũng là việc ông đã làm TRƯỚC khi có tuýt của TT Trump, qua một văn thư chính thức của ông cho quan tòa chứ không phải là ‘nghe theo lệnh’ của TT Trump. Cả ông bộ trưởng lẫn TT Trump đều khẳng định hai người chưa một lần nào thảo luận về chuyện ông Stone. TTDC moi móc nhưng không tìm ra bằng chứng ông bộ trưởng đã đến Toà Bạch Ốc hay điện thoại gì với TT Trump trong thời gian qua. Dù vậy, vẫn cố tình gian trá, dựng một kịch bản theo đó TT Trump than phiền án quá nặng rồi sau đó ông Barr đề nghị giảm án ‘theo lệnh’ của TT Trump.
-       Tất cả chỉ là một ý kiến của tổng thống và khuyến cáo của ông bộ trưởng. Ngoài ra không có một hành động nào để có thể nói là TT Trump đã ‘dẫm đạp’ lên Tư Pháp. Án quyết do quan tòa định chứ những ý kiến hay khuyến cáo của TT Trump, bộ trưởng Barr, hay các công tố chẳng phải là lệnh cho quan tòa. Tất cả những người có một ly hiểu biết về thủ tục tòa án Mỹ đều hiểu chuyện này. Không giống như 'khuyến cáo' của tổng bí Trọng cho một tòa án nhân dân đâu. Bà quan tòa chưa tuyên án, sao lại có chuyện hành pháp dẫm đạp lên tư pháp?
-       Quả nhiên, bà quan tòa Amy Berman Jackson do Obama bổ nhiệm, đã từng nhiều lần phán quyết rất bất lợi cho Trump, đã tuyên án ông Stone 3 năm + 4 tháng  tù, và cũng nhận định khuyến cáo 9 năm tù là quá đáng. Một lần nữa, hình như ông thần Trump hiểu luật hơn xa các công tố của Nhà Nước Ngầm.
-       Phe DC và TTDC đang cố đi tìm con dê tế thần mới là ông Barr, bôi bác ông này như là một thứ nô lệ, tay sai của TT Trump mà quên đi nhiều lần ông Barr đã đi ngược lại ý muốn của TT Trump như cương quyết không can dự vào cuộc điều tra của công tố Mueller chống TT Trump, không kết tội cựu giám đốc FBI ông Andrew McCabe, tiếp tục điều tra về ông Giuliani, một đồng minh lớn của TT Trump. Đi xa hơn nữa, chính ông Barr đã công kích TT Trump tuýt quá nhiều gây trở ngại lớn cho việc làm của ông.  Một ‘tay sai’ mà dám làm vậy sao?
-       TTDC loan tin hơn 2.000 cựu viên chức bộ Tư Pháp đã ký tên vào kiến nghị yêu cầu bộ trưởng Barr từ chức, trong khi hơn 1.000 công tố liên bang đang chuẩn bị họp bất thường để thảo luận việc TT Trump ‘can dự vào tư pháp’. Ông Barr là bộ trưởng Tư Pháp, bác bỏ ý kiến của công tố của bộ Tư Pháp, sao lại là ‘dẫm đạp’ lên bộ Tư Pháp? Phe DC đòi đàn hặc ông Barr. Đàn hặc vì tội gì? Tội đã dám không đồng ý với nhân viên thuộc cấp sao?
-    Việc tổng thống và bộ trưởng Tư Pháp bác bỏ khuyến cáo của công tố và có khuyến cáo riêng là chuyện bình thường như cơm bữa trong lịch sử Mỹ, theo giáo sư Jonathan Turley của Harvard. GS Turley đơn cử ví dụ năm 2008, các công tố khuyến cáo trừng phạt nặng một số thành viên của tổ chức da đen thiên tả cực đoan Black Panthers vác súng ra đứng trước phòng bầu cử hù dọa những người không bỏ phiếu cho Obama. Tân TT Obama khuyến cáo tội không có gì quan trọng, nên tha hết. Tân bộ trưởng Tư Pháp Eric Holder sau đó bác bỏ khuyến cáo của các công tốvà khuyến cáo tha bổng hết. Kết quả, tòa tha bổng hết thật. Khi đó, hành pháp có ‘dẫm đạp’ lên tư pháp không vậy? TTDC khi đó có nhao nhao công kích TT Obama và bộ trưởng Holder không?
-       TTDC qua bản tin của Bloomberg rầm rộ xì tin bí mật ông Barr đã đe dọa TT Trump là ông sẽ từ chức nếu TT Trump tiếp tục tuýt lung tung. Ngay sau đó, phát ngôn viên bộ Tư Pháp đã cho biết ông Barr không có kế hoạch từ chức gì hết và đây chỉ là fake news. Vẫn chỉ là một cố gắng ‘xào xáo gia cang CH’ rẻ tiền. Bloomberg là tổ chức truyền thông của tỷ phú Bloomberg là người đang tranh cử chống TT Trump.
-       Toàn bộ câu chuyện chỉ là cố bới rác tìm sâu thật bẩn và thật hèn.


TT TRUMP ÂN XÁ
TT Trump đã ký lệnh ân xá hay giảm án cho gần một tá tội phạm. Trong đó có ba nhân vật nổi bật: Rod Blagojevitch, Bernie Kerik và Michael Milken, trong khi những người khác đều là vô danh, phạm tội lắt nhắt. TTDC, đặc biệt là Washington Post và CNN, đã mau mắn viết bài mạt sát quyết định của TT Trump. Trước hết, ta coi lại từng trường hợp.
Ông Blagojevitch là cựu thống đốc tiểu bang Illinois. Khi thượng nghị sĩ của Illinois, ông Obama đắc cử tổng thống năm 2008 thì ông thống đốc này có quyền bổ nhiệm người tạm thời thay thế. Ông bị truy tố đã ‘rao bán’ cái ghế của Obama cho ai trả ông nhiều tiền nhất. Sau đó, ông đã bổ nhiệm bộ trưởng Tư Pháp tiểu bang Illinois, ông da đen Roland Burris thay thế cho dù ông này chẳng phải trả một xu nào. Tuy  nhiên, trong cuộc điều tra sau đó, FBI đã khám phá ra cả chục tội tham nhũng khác của ông Blagojevitch, khiến ông này bị phạt 14 năm tù. Ông đã ở tù đừ đó đến nay. Bây giờ TT Trump giảm án, ông được trả tự do ngay tuy bản án vẫn còn đó.
Ông thống đốc này thuộc đảng DC của Illinois là thành đồng DC. Ngay sau khi TT Trump tha, tất cả 5 dân biểu CH của Illinois trong Hạ Viện liên bang đã lên tiếng phản đối. Như vậy, TT Trump lấy quyết định này có lợi chính trị nào cho ông?
Ông Bernie Kerik là cựu cảnh sát trưởng New York. Ông bị kết án 3 năm tù vì tội trốn thuế. Ông đã mãn hạn tù từ lâu rồi, nhưng TT Trump ký lệnh ân xá trọn vẹn, xóa hết hồ sơ tội phạm và án quyết của ông. Ông này già, đã về hưu từ lâu, chẳng có một ly ảnh hưởng chính trị gì, vậy ân xá ông ta có lợi chính trị nào cho TT Trump?
Ông Michael Milken, có một thời là vua đầu tư, sáng chế ra cách đầu tư vào trái phiếu của các công ty nhỏ, gọi là ‘junk bonds’, trở thành triệu phú. Nhưng bị bắt năm 1989 và kết án tù 2 năm vì tội vi phạm luật đầu tư gì đó. Ông đã ra khỏi tù từ gần 30 năm rồi. Bây giờ TT Trump ân xá trọn vẹn, bạch hóa hồ sơ. Cái tội hai năm tù là tội tép riu, chẳng có nghiã lý gì. Ông Milken cũng chẳng là nhân vật chính trị gì, thế thì ân xá cho ông có lợi chính trị như thế nào cho TT Trump?
TTDC xúm vào tố cáo TT Trump đã lấy những quyết định hoàn toàn chính trị, nhằm mục đích có lợi cho cá nhân ông ta, phản ảnh một lần nữa khuynh hướng lạm quyền của ông. Washington Post viết thẳng thừng TT Trump ân xá cho các đồng minh chính trị -political allies. Quý độc giả nhìn lại xem ba người nêu trên, ai là ‘đồng minh chính trị’ của TT Trump? Cũng xin nghĩ lại xem ân xá những người này có lợi cho cá nhân TT Trump chỗ nào. Xin giải thích giùm, kẻ này sẽ vểnh tai nghe.
CNN tố Trump xé nát công trình của những năm dài khổ cực của các công tố truy lùng tội phạm. Hiến Pháp cho tổng thống đặc quyền ân xá và tất cả các tổng thống Mỹ từ George Washington cho tới Obama đều đã ân xá hàng trăm, hàng ngàn người. Các tổng thống đó có vứt vào thùng rác công trình khổ sở của cả vạn công tố không?
Theo Hiến Pháp, tổng thống có đặc quyền ân xá bất cứ ai đã bị án của liên bang, bất kể tội gì, không cần giải thích lý do. Con số ân xá của TT Trump cho đến nay chẳng nghĩa lý gì hết, nhưng TTDC đã hô hoán hơn cháy nhà. Dưới đây là con số những người được ân xá trong lịch sử cận đại Mỹ:
·        Harry S. Truman: 1,913
·        Dwight D. Eisenhower: 1,110 
·        John F. Kennedy: 472 
·        Lyndon Johnson: 960 
·        Richard Nixon: 863 
·        Gerald Ford: 382 
·        Jimmy Carter: 534 
·        Ronald Reagan: 393 
·        George H.W. Bush: 74 
·        Bill Clinton: 396 
·        George W. Bush: 189 
·        Barack Obama: 212 
·        Donald Trump: 21 (trong 3 năm đầu, so với TT Kennedy, ân xá 472 người cũng trong ba năm trước khi bị ám sát)
Không cần phải có nghiên cứu của Harvard mới thấy tính phe đảng thô bạo của TTDC. Các cụ tỵ nạn trước khi dịch tin của TTDC cũng nên vào Google tìm hiểu cho kỹ trước nhé.

ÔNG BOLTON LÊN TIẾNG
Còn nhớ phe DC ồn ào công kích Thượng Viện khi biểu quyết không cần thêm nhân chứng cho vụ đàn hặc TT Trump, khiến ông John Bolton, cựu cố vấn An Ninh của TT Trump không có dịp ra điều trần.
Ông Bolton mới lên tiếng cho biết cho dù ông ra có ra điều trần thì những điều ông nói cũng sẽ chẳng thay đổi được gì hết và TT Trump vẫn sẽ không bị truất phế.
Ông cho rằng chính phe DC đã điều hành cuộc đàn hặc từ Hạ Viện một cách quá phe đảng lộ liễu đến độ làm mất hết ý nghĩa của đàn hặc, biến thành một trận đấu phe đảng và phe DC tất nhiên thắng tại Hạ Viện nhưng sẽ phải thất bại tại Thượng Viện khi không có được hậu thuẫn của các nghị sĩ CH.