Saturday, December 6, 2014

Truyện Ngắn: Nguyên Nọc



Nguyên Nc

(Nhận được qua email.  Không rõ tác giả và nguồn)

Kiếp sau xin chớ làm người
Làm con heo nọc để đời đón đưa.

Chẳng phải tự dưng tự lành mà chúng bạn lại gọi thằng Nguyên là Nguyên Nọc.
Năm đó sau Tết Nguyên Đán thì thằng Nguyên mặt xanh xao như tàu lá chuối, nó vừa thiếu ngủ vì thức đêm để đánh bài binh xập xám, vừa đói, vừa bị cắt bay hành quân liên miên tít mù.
Thấy nó hoa tàn nhuỵ héo quá, thằng bạn thân thiết mới đưa cho chùm chìa khoá xe Honda và năm trăm bạc, biểu ra phố kiếm cái gì mà ăn, chứ cứ ních gạo sấy hoài sống sao nổi.
Ánh mắt nó sáng rỡ, tót lên xe vù ra phố ngay lập tức.
Vài tiếng sau nó trở về, gương mặt bây giờ trông còn thất sắc, thảm não hơn lúc trước nhiều.
Hỏi nó bộ chưa ăn gì sao, thì nó thú thật là đã ra nạp mạng cho mấy em gà móng đỏ ở nhà bà Năm Khăn Bông hay chị Tư Nước Nóng gì đó rồi.
Chúng bạn kêu trời kêu đất, rồi đặt cho nó cái biệt danh, mà mới chỉ gọi lên thôi là tụi con gái nghe thấy đã mặt đỏ rần rần.
Sau ngày đứt phim tôi mất liên lạc với nó, chỉ nghe chúng bạn nói phong thanh là bây giờ nó đã có vợ con và trở thành một "ông chủ" ở Xóm Mới.
Ông Chủ Heo Nọc!
Trời ơi, thì ra cái tên do chúng bạn đặt cho ngày nào, đã vận vào cái phần số của nó!
Tôi về thăm lại Sài Gòn và đi tìm nó cũng không khó gì mấy, chỉ việc kêu xe ôm chạy lên Xóm Mới, tà tà hỏi thăm mấy nhà nuôi heo là tìm ra anh Nguyên chủ heo nọc ngay chóc.
Gặp tôi nó mừng, nó không ngờ mà tôi lại quí hoá quá, cất công đi tìm bạn xưa như vậy.
Bạn bè mấy mươi năm gặp lại thì có vô số chuyện để nói nhau nghe, nhất là lại kề cà bên chén rượu.
Cái thằng cà chớn này khi hỏi là vợ tôi bây giờ có phải là một trong những cô bồ ngày xưa không(?) Tôi chưa kịp gật đầu thì nó buông một câu gọn lỏn:
-Mấy con bồ của mày, tao coi bộ con nào cũng ... úi chà chà ... chậc chậc chậc ...
Vợ nó đang lăng xăng bên bàn nhậu mà nó nói vậy tỉnh bơ, chẳng kiêng nể chút nào. Thằng Nguyên bây giờ méo mó nghề nghiệp nặng quá rồi.
Khi hỏi tới nghề chuyên môn thì như gãi đúng chỗ ngứa, nó "tả chân" kỹ đến nỗi vợ nó đã già rồi, nhan sắc đã đến thời "Mày thuôn lá ổi, vú thõng dưa gang ..." rồi mà còn phải đỏ mặt, cười lên rinh rích rồi te tái đi ra phía sau bếp.
***
Mày biết không, khi tao đi tù về thì làm ăn cái gì cũng khó, cỡ như bọn mình thì chỉ chạy xích lô hoặc buôn bán vớ vẩn ở chợ trời mà thôi.
Tao dù sao bể cũng còn cành cạch, cái bộ vó Không Quân ngày trước vẫn còn có giá để tao lấy được vợ ngon. Nhà bả tương đối cũng khá vì có ruộng rau muống sau nhà, nuôi ít con heo và bả bán thịt ngoài chợ. Tuy thời điểm này cái gì cũng vào quốc doanh, nhưng người ta lén lút bán heo, bán thịt thiếu gì, chứ cứ đợi tem phiếu để mua thì có khi cả năm chưa được tí mỡ bôi mép.
Vì ở thành phố thịt rất hiếm nên mấy bà mấy cô đi theo xe đò về các tỉnh miền Tây, buôn bán lén lút, dấu diếm, bó thịt trong bụng trong đùi máu chảy tùm lum coi thấy mà ghê.
Còn cái này tức cười lắm, mấy nhà hàng trong Chợ Lớn ngày xưa sang trọng là thế, nhưng bây giờ người ta cũng nuôi "cải thiện" mấy con heo ngay chung quanh cầu thang máy. Cái thang máy đã hư rồi chẳng ai sử dụng hay sửa chữa gì được nên dùng mấy tấm ván "cơi nới" thêm ra, muôi vài con heo cho nó ăn cơm thừa canh cặn, khi bán thì công nhân viên cũng có tí tiền còm.
Ôi thôi cả cái nhà hàng luôn luôn có mùi cứt heo cho dù họ cũng ráng giữ vệ sinh, dội rửa thường xuyên.
Những chung cư dù mới hay cũ, mà đã cấp cho cán bộ thì khi vợ con họ vào tới SG cũng trở thành nhếch nhác vì đua nhau nuôi heo, nền bếp gạch bông bóng láng thế mà rồi cũng trở thành chuồng heo.
Họ không nuôi nhiều, một vài con thôi và từ ấy thiên hạ của cái đất Hòn Ngọc Viễn Đông cũng không còn lấy làm lạ, khi thấy từ ông thủ trưởng đến anh bảo vệ đi làm về, đều ghé mua đâu đó rồi chở tòn teng trên chiếc xe đạp một bó rau muống dài thòng lòng. Ngọn rau thì người ăn, gốc thì nấu với cám cho lợn! Cả người lẫn lợn sống đề huề chia xẻ từ thức ăn cho đến chốn ở.
Họ nuôi heo như nuôi chó kiểng, hễ đi về đến nhà là lo tắm rửa cho nó y như một đứa con cưng. Nó bỏ ăn hay ỉa chảy là hai vợ chồng xanh mặt cứ y như tai hoạ sắp đổ xập xuống cơ quan mình rồi.
Tao thấy "Trời Việt reo vui trong ánh hồng mênh mông. Người người lương hay giáo bên nhau cùng một lòng ..." quá; lòng dân quí mến cái vụ nuôi heo quá, nên nhảy ra mần nghề buôn bán heo con. Heo giống mắc, nên tao bàn với ông bà già vợ không nuôi heo thịt nữa mà nuôi toàn nái, mà nái thì lại cần nọc, bởi thế nên tao bèn mua một con giống Yorkshire đực.
Sau đó có dăm tháng thì ôi thôi tiền vô như nước, đã phục vụ cho đàn nái nhà bá thở, mà tao còn phải "nhảy dù" phục vụ gần xa mệt bở hơi tai.
Dài dài từ Xóm Mới tao chạy xe Lam xuống Hạnh Thông Tây, Xóm Gà, Hốc Môn ... đâu đâu trên bốn vùng chiến thuật cũng in dấu giày .. uở quên .. dấu dép của thầy trò tao, con heo giống Yorkshire của tao có giá lắm, mà công nhận nó khoẻ thực, một ngày mấy phùa rồi, mà cứ hễ mở cửa chuồng là cu cậu phóng lên xe Lam một cái rột, rất chi là hăng hái.
Có lần tao nghe bà kia hỏi bạn:
-Hồi này chị thả nọc ai vậy?
-Nọc ông Nguyên!
Kể xong nó ngoác miệng ra cười một cách khoái trá rồi tiếp:
-Mày đừng tưởng cứ dẫn chàng Nọc tới rồi thả vô chuồng, mặc kệ nó làm ăn ra sao thì làm! Vất vả cho ông chủ lắm chứ chả phải chuyện chơi đâu.
Trước khi lên xe Lam, tao thảy cho chàng hai hột gà sống -mà thời ấy chính tao cũng tiếc tiền không dám làm la-coóc mà ăn - Cái miệng nó bình thường nhễu nhão là thế, mà nó táp hai hột gà gọn bân, đố có rớt ra ngoài giọt nào.
Xe vừa ngừng là thằng đệ tử có cái mũi Trư Bát Giới ấy thính không thể tả, nó biết ngay cái nhà nào có heo nái đang động đực, đi xâm xâm vô nhà người ta rồi lao tuốt ra đằng sau, thân thể nặng nề thế mà phóc một cái là nó đã nhảy vào chuồng.
Khi con nái mới động đực, thì cái "hoa" nó đỏ au và sưng lên, nó kêu rống và ủi phá chuồng dữ lắm, ấy vậy mà khi con nọc vào, nó lại cắn, lại chạy xà quần ... làm cho anh kia chả làm ăn gì được sất.
Người nuôi heo có kinh nghiệm, thì phải đợi vài ngày sau, khi cái hoa đã héo, biến thành màu đỏ bầm và có nước nhờn rỉ ra mới cho "nhảy"  và lúc đó con cái mới chịu đứng yên, mắt lim dim, tai cụp xuống, cái đuôi ve vẩy quẹo qua một bên để phơi bầy của nả.
Mày hỏi ông chủ heo nọc "cực" là cực làm sao hả?
Là bởi vì khi con nọc còn nhỏ, mà con nái xề lớn quá, anh chủ phải kê ghế, phải bồng thằng đệ tử mình lên thì nó mới ngang tầm "tác xạ" cho trúng mục tiêu, chứ không thôi nó khóc ngoài quan ải thì cũng xôi hỏng bỏng không.
Nói đến đây, thằng Nguyên Nọc cười khà khà:
-Hồi đó tao phóng rocket như thảy bi vô lỗ, nên bây giờ còn lạ chi chuyện nớ!
Nhưng khi con nọc đã quá to, mà con nái mới động lần đầu, nếu mà con đực chồm lên thì với sức nặng đó, có thể nó đè con nái gẫy lưng hoặc gẫy hai chân sau, mình phải lòn một cái bao bố dưới bụng con nái, rồi chị chủ nái một bên, mình một bên, rinh con nái cho chổng mông lên cao, canh sao cho vừa tầm thì mới hoàn thành tốt công tác có lợi cho dân cho nước ấy.
Lạ lắm, con nái mới bị phủ nọc lần đầu, khi cái khoan kia xoáy vào, nó cũng đổ máu y như người vậy. Cái khoan sút ra rồi, con nọc thường chạy chung quanh chuồng một vòng, rồi lại hớn tớn nhảy lên lần nữa, lần này cũng lâu khoảng 15 phút.
Hèn chi người Pháp cứ cho rằng cu-son là dâm hạng nặng trong các loài vật.
Sau hai lần mây mưa, thì từ cơ quan sinh dục cái sẽ đùn ra chất gì sền sệt, giống như hột é hay chè bột báng, nó lấp lại để tinh trùng con heo đực không phì ra ngoài, người ta gọi là "xả".
Nếu nó bít kín thì lứa heo con mới nhiều.
Về sau này, dù kỹ thuật thụ tinh nhân tạo tiện lợi hơn nhiều, nhưng nếu tinh đông viên không bơm vô nhiều lần, thì số lượng bầy heo con cũng ít lắm.
Tôi tò mò:
-Ê mầy, con heo nó nhảy lên rồi có lộn ngược ra sau, dính lẹo như chó hay không?
-Ủa, mày dân quê mà chưa từng thấy heo nó làm ăn ra sao hả. Súng đạn của nó lạ lắm, nó xoăn xoắn như cái khoan gỗ của thợ mộc vậy. Tuy cặp lựu đạn của nó rất lớn so với thân thể, có khi nặng tới cả kí lô, nhưng súng của nó lại nhỏ như ngón tay cái mà thôi, thò ra ngắn chẳng tầy gang. Khi đã "dô gôn chú Tám" rồi, nó làm hùng hục thấy bắt ham, đến nỗi có khi chị chủ heo nái mặt đỏ nhừ đâu dám nhìn ngay trân, mà cũng cóc dám nhìn tao luôn. Chừng 10 phút rồi nó dừng lại, ôm lưng con nái đến 5 phút sau mới rời dàn phóng.
Như lúc nãy tao có nói, xong phát đầu là nó tụt xuống chạy một vòng nhỏ quanh chuồng như ta chạy tập thể dục, rồi lại hùng hục trèo lên ngay. Mẹ họ, tao mà có khả năng như thằng đệ tử này thì khối con mẹ chết với tao.
Tôi cười:
-Thôi đừng có giả nai nữa, bả ra đằng sau rồi, thành thật khai báo với tao đi. Từ hồi mày làm nghề này đến nay đã có bao nhiêu chị chủ heo nái kéo mày vô phòng? Mà nè, sao tao nghi mày quá, có khi mày nhìn thấy cái mông tròn vo dưới làn vải mỹ a, thì khỏi kéo đi đâu cho mất công, hai con heo xà quầng trong chuồng, còn hai anh chị chủ làm ăn ngay ngoài chuồng quá!
-Bậy mầy, ai làm ăn kiểu đó được.
-Sao lại không? Tao còn nhớ hồi mới vô Trung Tâm Nhập Ngũ, con bồ mày có cái dáng đi hây hẩy như bảo rằng "Nó đây nầy! Nó đây này" vô thăm ở vườn Tao Ngộ, dưới tàng cây bã đậu thằng nào đã kéo con bé vô nhúc nhích dưới cái poncho nắng nóng hừng hực?
Nguyên Nọc cười hộc lên:
-Mẹ! mầy nhớ dai tổ mẹ. Mà sao tao cũng lấy làm lạ, mấy người chuyên nuôi heo nái thì thường là bà goá, hoặc chồng phải đi công tác hay làm ăn nơi xa, bởi vậy mới tội nghiệp cho cái thân tao!
-Xạo! Khoái chí tử mà còn bày đặt nói tội nghiệp. Mà tao biết chắc rằng bà xã mày cũng đoán biết chuyện này, bộ bả không phản đối rồi bắt mày đổi nghề hay sao.
-Đổi nghề gì được, tiền vô ào ào ai không ham, mà cũng bởi cái vụ đó tao dữ dằn quá, nên bả cũng đành an ủi "Thôi! Để ổng đi cho đỡ mòn của nhà".
Đến tuổi này rồi, tao mới nghiệm ra rằng tao là một thằng "Nọc Lộ" còn mày thuộc dạng "lù khù xách cái lu mà chạy", hoặc nói theo kiểu miền trung là "lục lịt mà địt ra khói". Mày chính là một thằng "Nọc Kín"!
Mà mày biết tại sao con chó nó đi tơ thì dính lẹo, mà con heo lại không dính hay không?  Chiều nay tao dẫn mày ra chợ Xóm Mới, mua ít thịt chó và một cái cẩu pín để mày coi thì sẽ hiểu liền. Cái cẩu pín dài chừng một gang, trơn tuồn tuột thì làm sao nó mắc dính cứng ở trỏng được, là vì ở gần cậng của nó có hai cục cứng chìa ra hai bên, khi con chó đã "dô gôn chú Tám" rồi, máu nó sẽ dồn về hai cục đó nên cương lên cứng ngắc. Hai cục đó lại chui vào phía trong của xương chậu con chó cái như hai cái ngạnh, thế nên cho dù con chó đực có quay lộn ra phía sau cũng không sút ra được. Đôi khi con chó cái nhỏ quá, còn bị treo lên cao, hai chân sau hổng khỏi mặt đất nữa. Tao nhớ hồi còn nhỏ có lần cùng với một thằng bạn, xỏ một cái gậy vô giữa mà khiêng lên nó cũng không sút.
-Me, mày chơi ác quá.
-Thì hồi nhỏ con nít có mấy đứa không rắn mắc? Nè, tao nhớ hồi tụi mình còn học tiểu học, mày thường hay đái dầm và ngủ thì nghiến răng trèo trẹo, có ai đó chỉ cho má mày mua dái chó về cho mày ăn để trị bịnh, bây giờ mày còn đái dầm không?
-Sư mầy.
-Tao không biết dái chó mầy đã từng ăn có ếp-phê gì không, chứ ngọc dương, ngầu pín không thể nào quí bằng cặp lựu đạn của heo nọc. Con nọc khi về hưu rồi, bán cho người ta làm thịt ai cũng tưởng là bán theo kiểu vứt đi. Lầm to!
Nguyên cái cục nợ đời của nó đã là một đống tiền, đâu có phải ai muốn ăn là mua được đâu. Tao nhớ hồi lâu rồi người ta lấy hai cái trư hoàn đó, xé vỏ bọc ngoài rồi bóp nát nó ra, đánh chung với trứng gà, tiêu hành tỏi bột ngọt các cái, chiên lên thì nó thơm lừng bay đi hàng mấy trăm thước, món này gọi là món "Ông ăn bà la làng" đó mậy. Sau này tụi xì thẩu Chợ Lớn nó gôm hết, nó pha chế tẩm ướp theo bài bản rồi nào là ngâm rượu, phá lấu, tiềm thuốc Bắc.. v v... đem bán cho mấy ông quan tham, mấy ông đại gia mới giàu phất lên nhờ thời cuộc, tiền tiêu thả giàn nhưng muốn ăn chơi coi bộ khó, vì súng đạn của mấy ổng đã mềm như cộng bún thiu.
Còn thịt của con heo nọc cũng lạ, tuy nó hơi hoi nhưng toàn là da và nạc, ăn cứ dòn sần sật như thịt heo rừng. Khi nào gặp con quá già, thì họ lại bán cho cơ sở làm  lạp xưởng.
Thịt nái xề hay thịt heo chết kia mà tụi nó ướp ngũ vị hương rồi dồn vô thành lạp xưởng thơm tho thì có thánh mới biết, nói chi đến thịt heo nọc, vừa tươi lại toàn là nạc, quí lắm chớ.
Mày nhớ nghe, về đây chớ có bao giờ ăn món lạp xưởng hay thịt heo quay. Chẳng biết ở Mỹ thì sao, chứ ở đây thịt bán ế ba bốn ngày đã thúi hoắc, heo bịnh, heo ghẻ, heo chết gì mà họ ướp gia vị cho thơm, quay lên rồi quết mật ong, tô màu ... ăn vào có ngày trúng độc thì tiêu tán thoòng. Hôm trước báo chí còn đăng có người lấy màu vẹc-ni làm bàn ghế mà bôi lên thịt quay cho có màu vàng nữa đó. Thiệt kinh khủng y như  bánh phở ướp phoọc môn!
-Ớn quá vậy? Này, mày vừa nói là heo nọc nghỉ hưu, vậy thì sau khi hành nghề mấy năm nó mới hưu?
-Cũng tuỳ từng giống và tuỳ từng con, nhưng nếu nuôi lâu chừng ba năm thì heo nọc sẽ rất nặng cân, nó chồm lên con nái sẽ không chịu nổi, mà mình là sư phụ nó cũng vất vả theo. Sau này tao luôn luôn có một tổ tam tam chế: một con thuộc hạng thiếu niên, một con dạng trung niên và một ông hì hợm như tù trưởng, khi có ai gọi đi thì tao phải hỏi cho chắc là nái của họ nặng bao nhiêu để dẫn quân đi cho xứng tầm cỡ với đối tác. Chừng nào mình tẩy anh tù trưởng đi vô lò sát sinh, thì sẽ có thế hệ trẻ hơn đôn lên.
Bữa nhậu chiều hôm đó, câu chuyện nghề nghiệp của tôi ở bên Mỹ muốn khoe lắm mà vẫn không có cơ hội, vì thằng bạn quá nồng nhiệt về việc nuôi heo nọc của nó, nó nói lia lịa như bắn minigun.
Nguyên Nọc gắp một miếng dồi chó, lấy vài lá mơ cuốn chung dồi với ít lá thơm và một lát riềng, chấm đẫm vô chén mắm tôm chanh rồi nhồm nhoàm vừa nhai vừa nói:
Chẳng phải bò cũng chẳng phải trâu
Đầu đuôi không sủa sủa đầu đầu
Khi nằm với vợ thì lại đứng
Cả đời không ăn một miếng trầu ..
Mẹ, ai tả con chó hay quá, không hề có chữ chó nào trong câu thơ, mà đọc lên ai cũng biết là chó, chỉ có câu cuối hơi bị gượng ép. Mà này, con chó đực đúng là loài chó, chưa chi nó đã muốn chạy làng, mày coi nếu mà ông trời không bắt tội cho nó mắc lẹo, thì con chó đực khi xong việc là đã vọt mất tiêu ngay. Lúc nó lộn ra đằng sau, gương mặt nó rất chó, lưỡi thè ra, hai mắt trông gian ngoan đíu tả được; trong khi con heo nọc thì lại không thế, khi chị Nái mắt lim dim, thì anh Nọc cũng cùng bộ dạng, tui nó chia xẻ sự thung thướng với nhau rồi còn nằm im trên bệ phóng cả năm bảy phút mới tụt xuống.
Mày biết không, thằng con trai tao mới cưới vợ, tao cho nó ra riêng trên một miếng đất khá lớn trên Dĩ An. Hồi trước 75 thì đây là một quận của tỉnh Biên Hoà, nhưng bây giờ nó lại là Bình Chuẩn của tỉnh Bình Dương.
Mày ở đây chơi với tao, sáng mai tao chở lên đó. Chuyến này về đây mà không lên thăm trang trại nuôi heo rừng, heo mọi của thằng nhỏ, thì đối với một thằng tò mò như mày thật là một điều đáng tiếc. Thậm đáng tiếc!
Tuy chỉ là một anh chủ heo nọc, nhưng thằng Nguyên bây giờ mập ra, có tướng rất "Đại Gia" với mái tóc còn khá dầy, hơi bạc hai bên thái dương nên trông càng phong độ. Nó ngồi chễm chệ trên chiếc Honda bự bành ky, to lớn như tôi mà ngồi sau nó cũng cóc thấy gì đằng trước.
Hai thằng rời Xóm Mới chạy ra Xa Lộ Đại Hàn, nó phóng vun vút quẹo hai ba lần, xuyên qua mấy vườn cao su rồi chạy dọc khu rừng Cò Mi ngày xưa, bây giờ đã biến thành Khu Công Nghiệp Singapore coi tân tiến và rất xinh đẹp.
Tôi còn nhớ khu rừng Cò Mi này. Đây là nơi Liên Đoàn Biệt Cách 81 tập họp lần cuối cùng trước khi tan hàng.
Chúng tôi ghé vào một tiệm phở Bắc, nhưng thú thật so với phở ở Little Sài Gòn thì tô phở ở đây quá tệ, ăn không ra cái tướng báo gì. Đã thế chỗ ngồi, bàn ghế chén đũa gì coi cũng ghê gớm vì có quá nhiều xe chở đất cát chạy bụi mù, cuốn theo từng đợt gió mà lùa vô quán phủ đầy lên vạn vật.
Tuy chung quanh đây đã có rất nhiều cơ xưởng mọc lên, đất thổ cư bây giờ mắc như vàng, nhưng thằng Nguyên mua thửa đất này lâu rồi. Ngày xưa đất đầy gò nổng, chỗ thấp chỗ cao, vài cây điều cây xoài mọc lẫn với mấy bụi cò ke, sát hàng rào có vài bụi tầm vông còi cọc.
Xe chạy vào sân một ngôi nhà khá đẹp, bầy chó xồ ra sủa thì hai vợ chồng đứa cháu chạy ra. Cũng giới thiệu qua loa rồi Nguyên kéo tôi ra phía sau nhà.
Khu đất rộng chừng một ngàn thước vuông, có xây tường bao bọc cao hơn đầu người, phía trên lại có rào thêm kẽm gai.
Một bầy heo con có sọc trên lưng đuổi nhau chạy tán loạn.. Những con lớn hơn thì bị ngăn ra từng khu.
Con trai thằng Nguyên nuôi heo nối nghiệp bố nhưng theo cách khác, nó đi theo để giải thích cho tôi rõ:
-Chú à, những con heo lông vàng quạch có sọc đen kia là heo mọi, nó lớn tối đa cũng chừng ba bốn ký, bởi vậy cứ khoảng 3kg là cháu bán hết, có nuôi nữa chỉ thêm tốn hao mà không tăng trọng được bao nhiêu. Nó đẻ mắn như thỏ nên "rất có kinh tế". Loại này ngoài thức ăn công nghiệp, nó còn ăn củ mì củ khoai hay rau lá rễ cây, nên người ta nói trong thịt nó có vị thuốc. Trước khi bán ra, đực cái gì cháu cũng thiến hết, chứ nếu để nguyên người ta ai cũng có thì giá heo mọi bị tuột dốc ngay. Hiện nay các nhà hàng, các quán đặc sản nhiều quá, mình không đủ cung ứng đâu, nhưng nếu cung cầu bão hoà thì mình không lời nhiều được.
Như chú cũng biết, thú rừng bây giờ bị cấm săn bắt, mà chở đi cũng khó, bị công an hoặc bảo vệ Lâm Trường ách lại là chí nguy. Ngay như cháu đây, có giấy chứng nhận nuôi thú rừng rồi đó, mà cũng bị làm khó hoài.
Vừa nói nó vừa lấy hai ngón tay xoa xoa vào nhau, ý nói phải chi tiền đều đều để được yên thân làm ăn.
Có mấy xe tới lấy hàng, nên nó xin lỗi rồi chạy vội vô nhà tiếp khách.
Hai chúng tôi đi dài dài ra coi lũ heo rừng.
Heo trông không giống heo nhà, mà cũng chẳng giống loại heo rừng mà chúng tôi thường săn ngày xưa ở vùng Tuý Loan gần Đà Nẵng.
Thằng Nguyên nói:
-Cậu cả nhà tao khá lắm. Khởi đầu nó mua một con heo rừng đực của người ta đi săn về, con heo trông dữ dằn với hai cái nanh dài xọc chìa ra, mà chỉ còn có 3 chân, chân kia đã bị cụt khi vướng bẫy.
Về nhà nhờ ông Bác sĩ thú y chữa cho lành hẳn và còn cưa hai cái nanh cho bớt nhọn, rồi nó cho nhảy với giống heo nhà và người ta gọi lứa này là F1.
Nó lại đi tuốt lên Phước Long mua được một con heo con bị sụp hầm về lai giòng F1 ra lứa F2. Bây giờ đã được một loại heo nạc và kháng bịnh như heo rừng, nhưng lại mau lớn như heo nhà.
Thế là mày biết, thằng con bây giờ giàu lên cấp kỳ, vì thịt rừng bán mắc gấp bốn gấp năm lần thứ thịt khác. Còn may hơn nữa là gần đây có cái dịch lở mồm long móng, trâu bò heo bị tai hại rất lớn, nhưng với đàn heo mọi, heo rừng này, nó kháng bịnh rất cao nên chưa thấy con nào bị cả.
-Ê Nguyên, mày có nhớ hồi mình bay vô mỏ than Nông Sơn, thấy người dân họ nuôi một loại heo cỏ nhỏ híu mà cái bụng nó ỏng xuống gần chạm mặt đất không? Tao không hiểu nó được đưa qua Mỹ hồi nào, mà họ nuôi nó như một con pet, cưng như cưng chó mèo, có người còn cho nó ngủ chung nữa mới gớm. Cách đây không lâu, báo có đăng rằng con Vietnamese pig này rất thông minh, bà chủ nó bị stroke mà nó chạy ra đường chặn người ta lại, dẫn vô nhà mà kêu xe cứu thương. Bà chủ thoát chết lại càng thương nó hơn nữa.
Nhưng qua tới xứ Mỹ, con heo nhỏ bé ngày xưa ăn đồ bổ béo quá, nó nặng đến 250lbs nên thường thì chỉ ít tháng hay nửa năm là chủ vội đăng báo cho free. Mấy người bạn tao thường đến "xin về nuôi"!
-Trời ơi, chắc mấy chả nuôi trong nồi.
-Thì thế! Hồi mới qua Mỹ tao cũng thường đi lên farm mua bò heo dê với tụi bạn, thấy có nhiều con heo nặng tới 1500lbs nghĩa là 750kg thấy phát sợ, nó lớn như con bò mộng vậy, hèn chi thịt ham hay ba rọi bên đó bán rẻ rề.
-Thôi cũng gần trưa rồi, mầy đi với tao qua nhà kế bên kêu họ làm con heo mọi để ăn cho biết vị. Thằng con tao vì bận quá mà cũng không muốn sát sinh nên đem dịch vụ này phú cho nhà hàng xóm. Người khách nào muốn con nào, họ bắt làm cho con đó. Mỗi con cả công làm, rau thơm rau sống, nước chấm với bánh mì mà chỉ có 200 nghìn. Bởi vậy cứ mỗi chiều, quan lớn quan bé cùng các đại gia ghé vô đầy quán, một con heo mọi thì bốn năm người ăn mới hết. Đối với họ vài trăm ngàn thì cho là rẻ như bèo, nhưng đám công nhân ghé đây làm một phùa như thế là mất đứt một tuần lương. Thảm thật!
Chúng tôi qua và mua một con của họ nhốt trong lồng. Anh chủ quán tắm rửa con heo mọi cho sạch sẽ, đập cây búa nhỏ lên trán con heo làm cho nó giãy tê tê không kêu lên được một tiếng, rồi lấy ống trúc chọc huyết vô một cái ca có trộn muối bọt.
Nhấp nháy chưa tới nửa tiếng, con heo đã làm ra hai hộp lòng và tiết canh, nguyên con heo quay lên vàng ươm xếp vào một cái khay mốp.
Lúc rinh về nhà, vừa đến khoảnh vườn ngang hông, thấy một anh heo nhỏ có chút xíu, đang nhảy chồm lên dê chị nái xề, thằng Nguyên chép miệng:
-Tụi mình đã đến tuổi về hưu rồi, súng còn mà đạn hết.
Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu!

Friday, December 5, 2014

Nghi Án "Kỷ Vật Cho Em"



Posted on 08.10.2011 by quephuong2010
KỶ VẬT CHO EM… 


 
THƠ CỦA AI ?
Bài thơ liên-quan bản nhạc Kỷ-Vật Cho Em của Phạm-Duy
Hơn 40 năm dài, từ năm 1969. Tình cờ qua trang của lính, tôi đọc được một bài viết của anh Tr/Tá Bùi Đức-Lạc PB ND liên-quan đến người bạn ND quá-cố của tôi xin chia-xẻ cùng anh em.
Bài nhạc nổi danh của nhạc-sỹ Phạm-Duy đã được nhiều ca-sỹ hát đi hát lại, nói lên nổi lòng của anh em trẻ đi vào cuộc chiến thuở bấy giờ thật xúc-động và ngậm-ngùi !
Sự thật tác-giả không phải của Phương-Linh mà của Chuẩn-Nghị !
Chuẩn-Nghị tên thật là Nguyễn  Đức-Nghị người Phan-Rang. Đi khóa 26 Thủ-Đức, anh ta viết nhiều thơ đăng trên báo Văn-Nghệ Tiền-Phong trong trang thơ của Lý Thụy-Ý phụ trách.
Năm 1969, tôi  bị thương mới hồi-phục, Nghị đóng quân ở Bình-Điền khi  lại thăm Nghị và các anh em trong đơn-vị cũ trong đó có Nguyễn-Trọng-Nhi, Trần Chí Mỹ, và các anh em khác.


Khi tâm-sự riêng với nhau, Nghị rất bực-tức về bài thơ mà anh làm gởi đăng báo Tiền-Phong lại được Phạm-Duy phổ-nhạc với tên tác-giả khác ! Người sĩ-quan trẻ trong đơn-vị Nghị nhờ đưa bài thơ này cho Lý Thụy-Ý lại giao cho nhạc-sỹ Phạm-Duy, thấy hay nên ông này làm bài nhạc luôn !
Trong bài thơ của Nghị là lời nhắn lại cho Nga người tình mà khi hữu-sự Nghị biên thư cho tôi trao cho cô ấy. Hoàn-cảnh đang bị bế-tắc vì mẹ cô Nga không thích Nghị người miền Bắc ! Sau đó khi đi hành-quân ở Tây-Ninh Nghị tử trận.
Chuyện khiếu-nại với Phạm-Duy kể như im luôn và bài nhạc được phổ – biến với lời thơ của Phương Linh mãi cho đến nay chỉ có một bài viết của anh cựu Tr/Tá Nhảy Dù Bùi Đức-Lạc đưa ra trở lại.
Bài thơ này Nghị viết bằng mực đỏ, cho tôi xem, nhưng vì lời thơ quá chán đời, tôi không chịu lấy, chỉ đọc qua thôi ! Trước khi tôi bị thương ở Vên Vên Đá Hàn, Nghị có tặng cho tôi bốn câu thơ cũng giọng thơ chán đời chết chóc, Nghị viết trong một miếng giấy khổ lớn cũng bằng mực đỏ và trao cho tôi trong phòng ngủ của đơn-vị, tôi cho là điềm xấu xé đi sau khi đọc nó.
Nghị nói : “Tao cho mày bốn câu thơ này làm kỷ-niệm ! Nếu tao có chết mày lấy ra đọc để nhớ tao ! “
Tôi còn nhớ nó như sau :
“Ngày mai gục chết đau thương,
Thây ma vất-vưõng nơi phương trời nào .
Người yêu ai có nguyện cầu ?
Cỏ hoang xanh mọc lên màu lãng-quên ! “
(Chuẩn-Nghị)
Khi Nghi mất, đem xác về nghĩa-trang Quân-Đội Biên-Hoà, tôi và Nga có lên tiễn linh-cửu lần cuối-cùng để đưa về chôn ở PhanRang. Sau đây là bài thơ chánh mà Chuẩn Nghị viết lúc ấy gởi  báo Tiền-Phong nhưng không đến. Xin gởi các bạn xem :
        

                 
                                 
Em hỏi anh bao giờ trở lại ?
Xin trả lời mai mốt anh về.
Anh trở về không bằng Mũ Đỏ Áo Hoa,
Anh trở về không bằng huy- chương chiến-thắng.
Anh trở về trong chiều hoang chiếu nắng,
Trong hòm gỗ hoặc trên chiếc băng -ca.
Anh trở về nằm giữa vòng hoa,
Những vòng hoa tang chan-hòa nước mắt. 
Anh gởi về cho em vài kỷ-vật,
Đây chiếc nón sắt xuyên mấy lỗ đạn thù.
Nó đã từng che nắng che mưa,
Đã từng hứng cho anh giọt nước.
Chiều dừng quân nơi địa-đầu lạnh buốt,
Nấu vội-vàng trong đó nắm cơm khô.
Anh gởi cho em một tấm poncho,
Đã rách nát theo hình-hài năm tháng.
Lều dã-chiến trên đồi hoang cháy nắng,
Che cơn mưa gió lạnh buổi giao mùa.
Làm chiếc võng nằm nhìn đời lính đong-đưa,
Và….khi anh chết cũng poncho tẫn-liệm.
Nay anh gửi cho em làm kỷ-niệm,
Nhận không em chút tình lính này đây ?
Tình lính đơn-sơ vì chinh-chiến kéo dài,
Nhưng tình lính chỉ lạt phai
Khi hình-hài và con tim biến-thể.
Chuẩn-Nghị 1969.
Gởi các bạn một chút gì để nhớ lại thời son trẻ, mong những lời mọn này giải-tõa được u-uẫn của linh-hồn bạn tôi… Thân,
TT Phong
LỜI BÀN CỦA “CAO BỒI GIÀ” : theo lời bạn TT Phong xác nhận, nhạc phẩm “Kỷ vật cho em” do NS Phạm Duy phổ nhạc là từ bài thơ “Kỷ vật” của Chuẩn-Nghị. Nhưng từ nhiều năm nay trên diễn đàn văn nghệ, mọi người đều cho rằng Phạm Duy phổ từ bài thơ “Để trả lời một câu hỏi” của Linh Phương.
Cao Bồi Già xin trích dẫn bài viết từ Wikipedia (Bách khoa toàn thư) một bài khác “Kỷ vật cho em” thơ Linh Phương do Nguyễn Việt viết và đã post trên “Văn nghệ người Sài Gòn vào ngày 6/11/2009. Cuối cùng là lá thư của chính NS Phạm Duy viết cho “tác giả chính thức” bài “Kỷ vật cho em”, để rộng đường dư luận :
Bài trên Wikipedia :
Người phổ nhạc bài này là nhạc sĩ Phạm Duy, tuy nhiên về nguồn gốc bài thơ được phổ, suốt một thời gian dài từ khi ra đời nó đã là 1 nghi vấn.
Đầu tiên là vấn đề bản quyền. Trong các bản in ban đầu, Phạm Duy chỉ ghi tên tác giả bài thơ là “Vô danh”, khiến cho dư luận thắc mắc, báo chí đặt câu hỏi, có báo còn đưa tin Linh Phương sẽ kiện Phạm Duy ra tòa. Sau một thời gian ông Phạm Duy mới gặp Linh Phương để trả tiền tác quyền. Từ đó những bản in của Phạm Duy mới ghi tên tác giả phần lời là Linh Phương.
Nhưng Linh Phương là ai thì người ta chỉ đoán là 1 anh lính nào đó, còn sống hoặc đã mất, không những thế còn có nhiều người tự nhận là Linh Phương. Còn có ý kiến cho rằng bài thơ gốc là bài “Kỷ vật” của chuẩn úy Nguyễn Đức Nghị, bút danh Chuẩn Nghị xuất thân từ khóa 26 sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức, người này đã hy sinh vào năm 1969.
Không chỉ là nghi vấn về tác giả, người ta còn đưa ra 2 văn bản được cho là “bài thơ gốc”, hai văn bản này khác nhau nhiều nhưng đều có phần mở đầu là :
Em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời mai mốt anh về
Tuy nhiên, về văn bản, bài “Kỷ vật” của Chuẩn Nghị thì làm bằng thể thơ tự do còn “Để trả lời một câu hỏi” của Linh Phương làm bằng thể thơ thất ngôn. Nội dung cả hai bài cùng nói về sự mất mát của chiến tranh và nhiều hình tượng như trong bài “Kỷ Vật Cho em” đã được phổ nhạc, nên người ta đã sinh lưỡng lự trong việc xác định danh tính tác giả. Đến năm 2006, mọi việc dần sáng sủa khi tạp chí mạng Văn nghệ Sông Cửu Long cho đăng loạt bài khẳng định rằng bài này là của Linh Phương, và trong thời gian này chính nhà văn Linh Phương cũng đã viết hồi ký của mình và về bài thơ, nhận làm tác giả của bài.
Và bài trên Văn Nghệ người Sài Gòn http://my.opera.com/khaisang2002
CHUYỆN BÀI THƠ
ĐEM PHỔ NHẠC
- Bài Nguyễn Việt
Vào năm 1971 khi nhạc phẩm “Kỷ vật Cho em” được các ca sĩ Lệ Thu rồi Elvis Phương diễn tả trong những chủ đề băng nhạc mang tên Shotguns, đã làm rung động tâm hồn mọi người vì một lý do, tác phẩm nói đến một tâm tình một anh lính đã trở thành phế binh sau một trận chiến, qua những lời ca khúc :
Em hỏi anh bao giờ trở lại/ Xin trả lời mai mốt anh về/ Không bằng chiến thắng trận Pleime/ Hay Đức Cơ- Đồng Xoài- Bình Giả…/Mai anh về trên đôi nạng gỗ/ Bại tướng về làm gã cụt chân…
Lúc đó ai cũng nghĩ nhạc và lời của Phạm Duy, vì trên poster được in ấn để bán ra cho người hâm mộ chỉ có mỗi mình tên của Phạm Duy.
Nhưng đùng một cái bài “Kỷ vật cho em” trở thành scandal sau đó không lâu, không phải bị tịch thu, bị cấm hát vì mang tinh thần phản chiến trong thời gian đó. Nên nhớ người viết từng có bài viết “Ca nhạc sĩ Sàigòn trước năm 1975”, khi nói đến chính quyền thời bấy giờ luôn động viên các văn nghệ sĩ trong các sáng tác phẩm mang tính chiến đấu. Nhạc phẩm “Kỷ vật cho em” không nằm trong diện này, mà vì có một người làm thơ mang tên Linh Phương lên tiếng cho rằng bài thơ “Kỷ vật cho em” đã được anh gửi đăng trên nhật báo Độc Lập, lúc còn bận hành quân trên lãnh thổ Campuchia, có lẽ tình cờ nhạc sĩ Phạm Duy được đọc bài thơ trên nên đã phổ thành nhạc. rồi Linh Phương phát biểu tiếp “Phạm Duy đã “cầm nhầm “ bài thơ “Kỷ vật cho em” của tôi để phổ nhạc mà không cần biết tới tôi là ai…”

Tuy phát biểu như thế nhưng Linh Phương vẫn hoàn toàn giữ thái độ im lặng, không tìm đến Phạm Duy để đòi tiền bản quyền khi chưa xin phép anh phổ nhạc bài thơ này. Nhưng sau khi báo chí đăng tải nguồn tin trên, trên thị trường đã có những poster “Kỷ vật cho em” được tái bản, và hình như nhạc sĩ Phạm Duy đã cẩn thận in rõ ràng trên đó là “thơ Linh Phương – nhạc Phạm Duy”. Điều này ít ra cũng đã xoa dịu phần nào tự ái của nhà thơ vốn mang tính… ngông trong đời lính.
Nhưng một thời gian sau, nhà thơ Linh Phương đã khám phá được trò “ma giáo” (theo trang web của Linh Phương) của Phạm Duy. “Đàn anh văn nghệ” vẫn cố tình không để tên đàn em trong tập nhạc mang chủ đề “ Kỷ vật cho chúng ta “, trong đó đăng bài nhạc “Kỷ vật cho em”. Làm nhà thơ Linh Phương nổi giận.
Ký giả Phan Linh lúc đó cộng tác trên tờ “Sân Khấu Truyền Hình số 1 – bộ mới năm 1971” viết :
- “Thú thật, chúng tôi rất lấy làm ngạc nhiên khi nghe anh Linh Phương phàn nàn, khi nghĩ về thái độ không được đẹp của nhạc sĩ tài danh Phạm Duy, người mà gần đây được giới trẻ gán cho danh từ “ Bố già Hippy “.
Anh Linh Phương khẳng định, sở dĩ anh chưa thực sự lên tiếng trên báo chí về trường hợp “Kỷ vật cho em” là vì anh muốn chờ ở Phạm Duy có một cư xử văn nghệ. Vả lại, anh không muốn hạ một kẻ đã ngã ngựa như Phạm Duy, một nhạc sĩ tài hoa với “ Bà mẹ Gio Linh “, với những bài dân ca ngày xưa, nay đã bán linh hồn cho quỷ dữ sa tăng, dâm ô đồi trụy …” (sic)
Bài báo tiếp tục viết :
Bởi thế nhà thơ Linh Phương dự định tổ chức một đêm thơ nhạc “ Kỷ Vật Cho Em – Từ Vùng Đất Chết “ tại một quán văn nghệ ở Sài Gòn, sẽ mời Phạm Duy cùng một số anh em ký giả, văn nghệ sĩ đến chứng kiến cuộc nói chuyện công khai cùng nhạc sĩ Phạm Duy về bài nhạc “Kỷ vật cho em”.
Sau khi bài báo trên ra mắt, nhạc sĩ Ngọc Chánh ông bầu băng nhạc Shotguns đã cùng Phạm Duy tức tốc đi tìm nhà thơ Linh Phương để giải quyết bản quyền bài thơ “Kỷ vật cho em” dứt điểm, bởi Ngọc Chánh đâu ngờ ông mua độc quyền nhạc phẩm “Kỷ vật cho em” của Phạm Duy để khai thác trong các băng nhạc Nguồn Sống, lại đụng đến bản quyền của một người khác tức nhà thơ Linh Phương.
Mặc dù Phạm Duy phải chịu trách nhiệm, nhưng nhạc sĩ Ngọc Chánh là người làm ăn nếu để mang tai tiếng khi cơ sở của ông đang khai thác độc quyền bài “Kỷ vật cho em”, nên một lần nữa ông “bỏ tiền ra” trả bản quyền dùm cho Phạm Duy. Nghe đâu tiền tác quyền bài thơ khoảng 150.000đ tương đương giá trị của 5 lượng vàng lúc đó.
Sau đây nguyên tác bài thơ “Kỷ vật cho em” trước khi Phạm Duy phổ nhạc :
ĐỂ TRẢ LỜI MỘT CÂU HỎI
Nguyên tác bài thơ phổ nhạc “Kỷ Vật cho em”
Em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời mai mốt anh về
Không bằng chiến thắng trận Pleime
Hay Đức Cơ- Đồng Xoài- Bình Giả
oOo
Anh trở về hàng cây nghiêng ngã
Anh trở về hòm gỗ cài hoa
Anh trở về bằng chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng
oOo
Mai trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn liệm kín hồn anh
Mai trở về bờ tóc em xanh
Vội vã chít khăn sô vĩnh biệt
oOo
Mai anh về em sầu thê thiết
Kỷ vật đây viên đạn màu đồng
Cho em làm kỷ niệm sang sông
Đời con gái một lần dang dở
oOo
Mai anh về trên đôi nạng gỗ
Bại tướng về làm gã cụt chân
Em ngại ngùng dạo phố mùa xuân
Bên người yêu tật nguyền chai đá
oOo
Thì thôi hãy nhìn nhau xa lạ
Em nhìn anh – ánh mắt chưa quen
Anh nhìn em- anh cố sẽ quên
Tình nghĩa cũ một lần trăn trối
Và sau đó thì lá thơ của Phạm Duy được lên báo :
THƯ CỦA NS PHẠM DUY
Sài Gòn, ngày 11 Tháng Tám, 1971.
Kinh gởi anh Linh Phương.
Trước hết, tôi xin thành thật xin lỗi anh vì đã liên lạc với anh quá chậm trễ, nhưng cho mãi tới hôm nay tôi mới được biết anh ở đâu tên thực là gì, dù rằng đã từ lâu tôi đã nhờ thi sĩ Phổ Ðức, Du Tử Lê cũng như đã nhờ vài người bạn quân nhân cùng binh chủng với anh bằng cách đăng tin tìm anh trên nội san của binh chủng mà chưa có kết quả. Nay anh đã liên lạc được với tôi qua báo chí, thì tôi thấy đành phải nhờ báo chí để liên lạc với anh (trong khi tôi mong được gặp anh để đỡ phải làm phiền hà báo chí).
Là một người rất yêu quý tất cả những cái đẹp của quê hương xứ sở (trong đó có thi ca), tôi thường hay tìm cách để giới thiệu cái đẹp đó cho mọi người biết. Việc phổ nhạc bài thơ của anh cũng chỉ nằm trong mục đích đó. Tôi không nhớ đã đọc và thuộc lòng bài thơ của anh vào lúc nào và cũng quên hẳn không biết bài đó đăng ở đâu, nhưng chắc chắn phải là vào lúc mà người bạn thơ Trần Dạ Từ và tôi đồng ý với nhau rằng những kỷ vật mà chúng ta tặng nhau lúc đó chỉ có thể là những vỏ đạn, mảnh bom hay dây thép gai.
Tập thơ “Tỏ Tình Trong Ðêm” của Từ cũng mang rất nhiều ý tính đó. Cho nên bài thơ của anh được phổ thành ca khúc đã mang tên “Kỷ Vật Cho Em” trong khi, nếu tôi không lầm, nó được anh đặt tên là “Trả Lời Cho Một Câu Hỏi.”
Những điều anh trách tôi như : “Không đăng tên thi sĩ hoặc đăng sai năm ra đời” thì việc này xin được giải thích như sau :
1/- Tất cả những bài bản của tôi làm ra trong vòng 30 năm nay đều không do tôi ấn hành xuất bản. Thường thường, gần đây là những bạn thân bỏ tiền ra in, và thường tôi ít được duyệt lại lần chót trước khi hoàn thành tuyển tập. Do đó, ngoài lỗi lầm lớn lao đã không đăng tên anh, còn khoảng 12 lỗi khác cũng rất quan trong, và khi tuyển tập ra đời, tôi đã nói với anh bạn xuất bản nên in một “phụ bản đính chính” (erratum) tất cả những khiếm khuyết hay sai lầm. Dù sao tôi cũng nhận lỗi đã không cứng rắn đối với anh bạn xuất bản. Từ nay trở đi chắc tôi sẽ khó tính hơn.
2/. Việc đề niên hiệu của ca khúc rất có thể do trí nhớ kém cỏi của tôi hoặc do vội vàng đưa bài ca đó vào lúc chót : Xin thú thật với anh bài thơ bất hủ của anh được phổ thành ca khúc đã không được phép hát và ấn hành; nhà xuất bản cũng như những nơi phổ biến ca khúc đó không bị phiền hà cũng là một sự may rủi.
Tôi hiểu sự buồn giận của anh và mong anh sẽ hiểu cả sự vô tình mắc lỗi của tôi. Tôi tự nghĩ trong suốt cuộc đời sáng tác của tôi, ngoài sự gìn giữ sự tự do tuyệt đối của mình có thể làm cho nhiều người không ưa, tôi chưa hề bao giờ phải làm buồn lòng những người làm thơ mà tôi phổ nhạc. Tôi ước ao anh sẽ không phải chỉ làm một bài thơ đó để cho tôi phổ nhạc và mong anh sẽ còn cho cuộc đời nhiều thi phẩm bất hủ hơn.
Ngoài ra, tôi mong được gặp anh để người bạn xuất bản có thể thanh toán tiền tác giả.
Phạm Duy 215 B Chi Lăng Phú Nhuận Sài Gòn
Cao bồi già (tổng hợp)
nguồn:
https://cafevannghe.wordpress.com/2011/10/08/nghi-an-k%E1%BB%B7-v%E1%BA%ADt-cho-em/