Wednesday, December 3, 2014

Cảnh Giới Bên Kia Cửa Tử






Cảnh Giới Bên Kia Cửa Tử
Do Người Chết Hồi sinh Kể Lại
Nguyên Ngọc biên soạn


Hiện nay luân hồi tái sinh là một đề tài nóng bỏng ở xã hội Tây Phương nói chung và Hoa Kỳ nói riêng. Chương trình 60 Minutes ngày 30 tháng 10, năm 2005 có đề cập đến vấn đề luân hồi tái sinh và báo cáo hiện nay có đến 78% người Mỹ - vào khoảng 200,000,000 dân -- tin có kiếp trước kiếp sau. Ông Raymond Moody, một giáo sư tiến sĩ và bác sĩ y khoa mà cũng là một nhà nghiên cứu tiền phong về vấn đề luân hồi tái sinh, nói rằng sự hiểu biết về hiện tượng có đời sống khác sau đời sống này (life after life) đã được giấu nhẹm rất kỹ cho đến bây giờ. Nếu ai tò mò muốn tìm hiểu xem người Mỹ nghĩ thế nào về luân hồi chỉ việc vào thăm GOOGLE website, ghi chữ “books on reincarnation” thì thấy một con số khổng lồ là hơn 2,000,000 tài liệu gồm sách và các bài luận giải về nhân quả và luân hồi (karma and reincarnation).
 
Năm 1975 khi cho in cuốn sách đầu tiên Life After Life sau nhiều năm tiếp xúc với những bệnh nhân chết đi sống lại, bác sĩ Moody nói ông chỉ ghi lại trung thực những câu chuyện này mà không cố ý chứng minh là có một đời sống khác sau khi chết. Ông cũng nói thêm rằng hiện nay chưa ai có thể đưa ra một bằng chứng cụ thể để chứng minh có một cảnh giới bên kia cửa tử nhưng người ta cũng không thể phủ nhận kinh nghiệm của hơn 8 triệu người lớn ở Mỹ và mấy triệu trẻ con, chết đi sống lại đã kể những gì họ thấy được sau khi lìa khỏi xác thân vật lý.
 
Bác sĩ Moody kể lần đầu tiên ông được nghe tả về cảnh giới bên kia cửa tử do người chết hồi dương kể lại (Near Death Experience) là khi ông còn là sinh viên ban triết ở Univ. of Virginia. Một giáo sư y khoa dạy môn tâm thần học (psychiatry) kể cho sinh viên nghe chính ông đã “chết” đi rồi sống lại hai lần, cách nhau 10 phút. Ông kể lại những chuyện ly kỳ ông được chứng kiến trong thời gian ông “chết”. Thoạt nghe thì anh sinh viên Moody cũng lấy làm lạ nhưng không có ý kiến gì. Anh chỉ cất cái băng thu thanh câu chuyền này để làm tài liệu thôi. Mấy năm sau, ông Moody bây giờ là giáo sư tiến sĩ dạy môn triết ở một trường đại học ở North Carolina. Trong một buổi giảng dạy về thuyết bất tử (Phaedo) của Plato, một nhà hiền triết nổi tiếng của Hy Lạp, một sinh viên xin gặp riêng để hỏi thêm về vấn đề sống chết vì bà của chàng ta đã “chết” trên bàn mổ, sau đó hồi sinh và kể những chuyện bà đẵ chứng kiến rất hấp dẫn. Giáo sư Moody yêu cầu anh sinh viên này kể lại từng chi tiết và ông rất đỗi ngạc nhiên khi thấy những chuyện xẩy ra cho bà già này gần giống những mẩu chuyện ông được nghe từ miệng ông thầy của ông mấy năm về trước. Từ đó ông cố ý thu thập tài liệu về hiện tượng chết đi sống lại. Ông cũng đưa vấn đề này vào trong các bài giảng của ông, nhưng ông không đề cập gì đến hai trường hợp ông được nghe. Ông nghĩ rằng nếu có nhiều người chết đi sống lại thì thế nào sinh viên cũng sẽ nói ra trong các giờ triết. Quả vậy, trong mỗi một lớp học chừng 30 sinh viên khi nào cũng có một anh xin gặp riêng sau giờ học để kể cho ông nghe một câu chuyện chết đi sống lại. Có điều lạ là những mẩu chuyện này có nhiều tình tiết giống nhau tuy người có kinh nghiệm chết đi sống lại gồm nhiều thành phần khác nhau, khác về tôn giáo, về học vấn, và địa vị xã hội. Khi ông Moody theo học y khoa năm 1972 thì ông đã có một hồ sơ dày cộm về những trường hợp chết đi sống lại. Ông bắt đầu nói đến công cuộc nghiên cứu của ông với nhũng người ông gặp ở trường y. Sau đó, theo lời yêu cầu của một người bạn, ông nhận lời thuyết trình về hiện tượng chết đi sống lại tại một hiệp hội y sĩ và nhiều hội đoàn khác. Và sau mỗi buổi thuyết trình, thế nào cũng có người đứng lên kể lại kinh nghiêm chết đi sống lại của chính mình. Dần đà ai cũng biết tiếng ông nên nhiều bác sĩ đã giới thiệu những bệnh nhân họ cứu sống được mà có những kinh nghiệm lạ lùng trong thời gian họ “chết”. Sau khi vài tờ báo đăng tải tin tức về công cuộc nghiên cứu của ông thì nhiều người tự động gởi những mẩu chuyện xẩy ra cho họ. Ông quyết định chỉ chú ý đến trường hợp những người do bác sĩ chứng thực là đã chết (clinical death tức là tim ngừng đập, óc ngưng hoạt động) rồi được cứu sống lại, và trường hợp những người bị tai nạn, hồn lìa khỏi xác ngay nhưng sau đó lại hoàn hồn, đã kể những sự việc họ chứng kiến.
 
Trong mấy trăm câu chuyện chết đi sống lại mà tác giả được trực tiếp nghe, bác sĩ Moody nhận thấy tuy kinh nghiệm của mỗi người có điểm khác nhau nhưng tựu trung thì có thể nói có chừng 15 điểm mà ông thấy người ta hay nhắc nhở. Ông dựng lên một trường hợp điển hình như sau:
 
Bệnh nhân đang giẫy chết, cảm thấy đau đớn vô cùng trong phút giây hồn lìa khỏi xác, rồi đương sự chợt nghe bác sĩ tuyên bố mình đã chết. Y bắt đầu nghe một tiếng động khó chịu, một tiếng kêu ù ù trong tai và đồng thời cảm thấy mình đang lướt đi thật nhanh qua một đường hầm dài tối thui. Sau đó y chợt nhìn thấy thân thể mình bất động nằm đằng kia. Y đứng nhìn bác sĩ, y tá đang cố cứu tỉnh cái thân thể bất động ấy và y cảm thấy tâm thần bị xúc động mãnh liệt. Sau một lúc, y lấy lại bình tĩnh và bắt đầu để ý đến tình trạng kỳ cục đang xảy ra. Y thấy mình vẫn có một “thân thể ” nhưng thân thể này khác hẳn với thân thể mà y vừa trút bỏ lại đang nằm bất động ở đằng kia. Rồi y thấy có nhiều người bước đến thăm hỏi, và trong thâm tâm y hiểu rằng đây là hồn ma của bà con, bạn bè đã qua đời đến giúp đỡ đón tiếp. Y cũng thấy một vị toàn thân tỏa ra một thứ ánh sáng kỳ diệu, dịu dàng hỏi han y nhưng không bằng lời nói, chỉ như theo thần giao cách cảm thôi. Vị này gợi ý cho y tự đánh giá cuộc đời của mình ở cõi trần, giúp y thấy lại những biến cố đã xẩy ra trong đời rõ ràng như nhìn chúng trên màn ảnh. Rồi y thấy mình bước về hướng một hàng rào hay một ranh giới ngăn chia hai cõi: cõi giới bên này và cõi trần. Đồng thời y cũng vừa được biết rằng y phải trở lại cõi trần vì “chưa đến số.” Nhưng y không muốn trở lại chút nào vì y thấy thích thú cõi giới bên này. Y đang cảm thấy được phúc lạc và bình an vô cùng. Tuy nhiên không muốn cũng không được, tự dưng y thấy mình nhập vào cái thân xác vật chất kia và trở lại cõi trần. Sau đó y muốn kể lại những sự việc y chứng kiến nhưng cảm thấy khó khăn. Thứ nhất là chữ nghĩa của thế gian không thể dùng để diễn tả cảnh giới ngoài thế gian. Thứ hai là bị người ta cười, cho là y bịa đặt câu chuyện hoang đường cho nên y ngưng, không muốn kể cho ai nghe nữa. Tuy nhiên cái kinh nghiệm “chết” này đã ảnh hưởng sâu đậm con người y, ảnh hưởng nhất là lối suy nghĩ về sự sống chết ở đời.
 
Đây chỉ là tổng hợp những chi tiết mà nhiều người nói đến. Không phải ai cũng trải qua những kinh nghiệm như thế. Tác giả nhấn mạnh là không có trường hợp nào giống hệt trường hợp nào, không có ai kinh qua hết 15 điều, nhiều lắm là 12 thôi. Có người chỉ kinh nghiệm chừng tám hay chín điều. Có người khi tỉnh lại thì không nhớ gì hết. Thứ tự những sự việc xảy ra mà họ nhớ được cũng thay đổi, thí dụ có nhiều người nói họ thấy “người ánh sáng” (the “being of light”) khi gần chết, hay ngay sau khi hồn lìa khỏi xác chứ không phải về sau mới gặp. Tuy thế, đây là trường hợp rất hiếm. Phần đông đều kể những sự việc xảy ra theo thứ tự trên.
 
Sau đây là tóm lượt 15 điều thường xẩy ra:
 
1. Ngôn ngữ bất đồng
Người nào cũng tỏ vẻ bực bội rằng ngôn ngữ của cõi trần (3-dimensional world) không thể diễn tả đúng những sự việc xẩy ra ở cõi giới kia. Một bà nói rằng “Tôi biết thế giới mà tôi được thấy là một thế giới có hơn 3 chiều nên không thể nào diễn tả được hết những điều tôi muốn nói với thứ ngôn ngữ của thế giới 3 chiều của chúng ta.”
 
2. Nghe tin mình đã chết
Nhiều người kể rằng họ nghe được chính bác sĩ hay những người ở bên cạnh họ tuyên bố họ đã chết. Sau đây là câu chuyện của bà Martin: “Tôi vào bệnh viện nhưng họ không tìm ra bệnh. Dr. James đưa tôi sang phòng quang tuyến để soi gan tìm bệnh. Vì tôi bị dị ứng với nhiều thứ thuốc nên họ thử trên cánh tay tôi trước. Thấy tôi không có phản ứng gì, họ liền chích cho tôi thứ thuốc ấy. Nhưng lần này thì tôi phát dị ứng liền và chết ngay. Tôi nghe bác sĩ quang tuyến, người vừa chích thuốc cho tôi, bước đến dở máy điện thoại. Tôi nghe rõ tiếng ông quay từng con số và nghe ông nói, 'Dr. James, tôi đã giết bệnh nhân của ông. Bà Martin chết rồi.' Nhưng tôi biết tôi không chết. Tôi cố cử động, cố tìm cách nói cho họ biết là tôi chưa chết nhưng tôi không thể làm gì được. Rồi thấy họ làm thủ tục cấp cứu. Tôi nghe họ nói cần bao nhiêu dung lượng (cc -- centicube?) thuốc chích cho tôi nhưng tôi không cảm thấy gì khi ông chích đâm vào da. Tôi cũng không có cảm giác gì khi họ chạm vào người.” Trường hợp một thanh niên “chết” sau một tai nạn xe cộ nhớ lại rằng anh ta nghe một bà đứng gần đó hỏi, “Ông ấy chết rồi há?” và một người khác đáp, “Vâng, ông ta chết rồi.”
 
3. Tâm an bình và tịch tịnh
Số đông kể rằng họ tận hưởng được một cảm giác thật an lạc, thật khoan khoái khi mới thoát ra khỏi cái xác phàm của mình. Một người bất tỉnh ngay sau khi bị thương nặng ở đầu kể rằng khi mới bị chấn thương thì anh cảm thấy đau nhói nhưng chỉ một thoáng thôi, rồi sau đó anh có cảm tưởng như mình đang bình bồng trôi trong một phòng tối. Mặc dù hôm ấy trời lạnh lắm mà anh cảm thấy rất ấm áp trong khoản không gian âm u này. Anh thấy tâm thần mình bình an thoải mái lạ lùng và anh chợt nghĩ “chắc là mình đã chết rồi.” Một bà vật vã, đau đớn và ngất đi sau một cơn đau tim. Khi được cứu tỉnh bà kể, “Tôi bắt đầu cảm thấy sung sướng lạ, mọi lo âu buồn phiền biến mất, chỉ còn lại một cảm giác bình an, thoải mái, thanh tịnh. Tôi không còn cảm thấy đau đớn nữa.” Một người lính “chết” trận ở Việt Nam kể khi bị trúng đạn tự nhiên anh thấy như trút được một gánh nặng. Anh không cảm thấy đau đớn gì mà trái lại anh thấy khoan khoái, an lạc vô cùng.
 
4. Âm thanh
Nhiều âm thanh lạ được tả lại, hoặc khi sắp chết hoặc khi vừa tắt thở. Người thì nghe một thứ tiếng rất khó chịu như trường hợp một người đàn ông “chết” trong thời gian 20 phút trên bàn mổ (mổ bụng) nói là ông nghe một tiếng kêu ù ù rất khó chịu. Tiếng kêu như phát ra từ trong đầu mình chứ không phải từ bên ngoài. Ông không bao giờ quên được tiếng kêu rù rù quái ác ấy. Một người đàn bà kể khi vừa ngất đi thì bà nghe một tiếng rì rì lớn và bà đang chơi vơi bay lộn lòng vòng trong không gian. Bà còn nghe một thứ tiếng khác cũng khó chịu lắm như tiếng động lạch cạch, tiếng va chạm hay tiếng rống mà cũng như tiếng gió hú. Những người khác thì nghe một âm thanh dễ chịu như âm nhạc như trường hợp một bệnh nhân “chết” trên đường đến bệnh viện, khi được cứu tỉnh lại ông kể là ông nghe một âm thanh như âm ba của nhiều cái chuông nhỏ từ đằng xa theo gió vọng lại làm ông nghĩ đến mấy cái chuông gió (wind bells) của Nhật và ông chỉ nghe một âm thanh này thôi. Một người đàn bà trẻ thì kể khi vừa bất tỉnh, cô nghe một thứ âm nhạc kỳ diệu mà cô không tả được.
 
5. Đường hầm tối
Đồng thời vừa khi nghe tiếng động thì người ta cảm thấy như bị hút mạnh vào một khoảng không gian u tối. Người thì nói giống như vào một hang động; người thì bảo sâu hút như một cái giếng; người khác thì tả như một khoảng không, một đường hầm, một ống xoắn, một cái chuồng, thung lũng, ống cống, hoặc khoảng không của một vật thể hình trụ. Tuy được diễn tả khác nhau nhưng điều này cho thấy người nào cũng trải qua kinh nghiệm này. Một người đàn ông 36 tuổi kể lại kinh nghiệm chết của ông lúc còn là đứa trẻ 9 tuổi. Ông nói tuy đã 27 năm rồi nhưng không bao giờ ông quên được kinh nghiệm lạ lùng này. Người nhà đưa đứa nhỏ vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ quyết định mổ liền nên chụp thuốc mê (ether) vào mặt. Khi đứa nhỏ ngửi thuốc mê thì tim ngừng đập ngay. Người ta kể cho nó nghe sau này chứ lúc đó nó nói nó chỉ nghe tiếng reo brrrrrrnnnng - brrrrrnnnng - brrrrrnnnng đều đặn, rồi thấy như mình di động qua một chỗ tối tăm, nghe thì có vẻ kỳ cục vì chỗ ấy dài và tối như ống cống hay cái gì đó mà nó không tả được. Trong khi nó bị đẩy đi trong chỗ tối ấy thì tai nó vẫn nghe tiếng reo. Một bệnh nhân khác kể khi tim anh ngừng đập vì bị dị ứng với thuốc mê thì anh thấy mình như bay qua một quãng không tối tăm có thể ví như một đường hầm với một tốc độ cực nhanh như một con tàu đang lao đầu bay xuống ở một công trường giải trí (roller coaster train at an amusement park). Một đứa trẻ khác kể kinh nghiệm chết của nó sau khi bị té xe đạp, “tôi có cảm tưởng như đang đi qua một thung lũng rất tối, tối đến nỗi không nhìn thấy gì khác nhưng trong tâm lại cảm thấy bình yên phúc lạc lạ lùng, một tâm vô quái ngại không còn sợ hãi điều gì nữa.” Một bà “chết” vì bệnh viêm phúc mạc (peritonitis), nói, “Khi ấy, bác sĩ gọi anh và em gái tôi vào nhà thương nhìn mặt tôi lần cuối. Y tá chích cho tôi một mũi thuốc để tôi được đi một cách nhẹ nhàng. Tôi thấy mọi sự vật bắt đầu chập chờn lùi ra xa và thấy mình chui đầu vào một đường hầm rất tối và hẹp chỉ vừa đủ chỗ cho một người. Và cứ thế tôi trượt dần xuống...” Một bà khác kể sau khi “chết” vì tai nạn xe cộ, bà thấy mình êm đềm chui qua một đường hầm vòng tròn. Về sau khi thấy một chương trình TV có nhan đề “Đường Hầm Thời Gian (The Time Tunnel) mà người ta phải chui qua để đi ngược về thời quá khứ thì bà nói đường hầm mà bà đã đi qua có thể ví như đường hầm hình xoắn ốc này.
 
6. Giây phút bước ra khỏi xác phàm
Tuy ai cũng biết rằng cái “ta” gồm hai phần, thân thể và trí óc (body and mind), nhưng ít ai để ý đến phần trí óc vì cho rằng có thân xác vật lý thì trí óc mới hoạt đông được. Vì vậy nên nhiều người cho rằng không thể nào có một đời sống nào khác ngoài đời sống với tấm thân vật lý này. Cho nên trong quá trình chết đi sống lại, ai cũng bị ngạc nhiên quá mức khi họ được ngắm nghía thân xác bất động của họ như một khách bàng quan. Một bà kể, “Tôi nhập viện vì đau tim. Sáng hôm sau, khi cảm thấy đau nhói ở ngực, tôi vội bấm nút gọi y tá. Họ chạy vào và bắt đầu làm thủ tục cấp cứu. Đang nằm ngửa khó chịu quá nên tôi trở mình muốn nằm sấp, và khi vừa trở mình thì tôi thở hắt và tim ngưng đập. Tôi nghe mấy bà y tá la lên, 'Code pink! Code Pink' báo hiệu tôi vừa tắt thở. Khi nghe mấy bà la lối thì tôi cũng vừa thấy mình bước ra khỏi thân thể, tụt dần khỏi tấm nệm xuyên qua mấy song chắn ở giường và tụt xuống sàn nhà. Khi đã đụng sàn rồi thì tôi bắt đầu bay lên, cũng vừa lúc tôi thấy nhiều y tá khác chạy tới, bác sĩ gia đình của tôi đang đi thăm bệnh nhân trong nhà thương nên họ gọi ông đến. Tôi thấy mình bay lên gần chạm trần nhà rồi dừng lại và nhìn xuống. Tôi cảm thấy mình nhẹ như một tờ giấy bị ai thổi lên trần nhà. Lơ lửng ở trên ấy, nhìn xuống tôi thấy mọi người đang loay hoay lo cứu sông thân xác bất động của tôi trên giường. Một bà y tá nói, ‘Lạy Chúa tôi, bà đi rồi!’, một bà y tá khác cúi xuống miệng áp vào miệng tôi cố chuyền hơi thở cho tôi. Tôi chỉ nhìn thấy phía lưng bà. Tôi vẫn còn nhớ mái tóc ngắn của bà, vừa lúc ấy thì người ta đẩy vào phòng một cái máy cứu cấp chạy điện và người ta để bàn xốc lên ngực tôi. Tôi thấy toàn thân tôi giật nẩy lên và nghe xương cốt trong người kêu răng rắc, một cảnh tượng hãi hùng! Bỗng dưng tôi nghĩ sao họ phải nhọc nhằn như vậy chứ, tôi vẫn yên ổn ở đây mà.” Một người trẻ tuổi kể rằng hai năm trước khi anh vừa 19 tuổi, anh lái xe đưa một người bạn về nhà. Khi đến một ngã tư, anh thắng lại, nhìn hai bên rồi nhấn ga thì vừa nghe người bạn hét lên và anh thấy ánh đèn pha thật chói của một chiếc xe chạy quá tốc độ đang đâm sầm vào xe anh và anh nghe cả tiếng “rầm” chát chúa khi xe kia húc bên hông xe anh; và trong chớp mắt anh thấy mình như đang đi vào một vùng tăm tối, nhưng chỉ một thoáng thôi, rồi anh thấy mình chơi vơi bay bổng lên hỏng mặt đất chừng một thước rưỡi, và cách chiếc xe bị bẹp dúm chừng hơn bốn thước. Anh thấy nhiều người chạy đến xúm xít quanh chiếc xe, anh thấy bạn anh bước ra khỏi xe ngơ ngác như người mất hồn. Anh cũng thấy cả người anh bị kẹt trong xe và người ta đang cố tìm cách kéo anh ra; hai chân anh quyện vào nhau và máu vung vãi khắp nơi.
 
Thật là khó mà tưởng tượng được tâm trạng của những người này khi họ thấy mình đứng đây mà sao lại còn có thân hình mình nằm bất động ở đằng kia! Khi hồn vừa lìa khỏi xác, họ chưa ý thức được mình đã chết nên ngẩn ngơ không hiểu được hiện tượng này. Nhiều người muốn nhập vào xác mình lại nhưng không biết làm sao. Có người hoảng sợ lắm nhưng cũng có người không sợ như người bệnh nhân này kể: “Bệnh tôi trở nặng, bác sĩ bắt phải vào nhà thương. Sáng hôm ấy tôi thấy một lớp như sương mù bao phủ quanh tôi và cùng lúc ấy tôi thấy mình bước ra khỏi xác. Tôi thấy mình bình bồng bay lên phía trên và nhìn xuống cái xác mình nằm ở giường nhưng tôi không thấy sợ. Tôi không thấy sợ chút nào, chỉ thấy một cảm giác bình yên trong một khung cảnh êm ả thanh bình. Và tôi nghĩ có lẽ tôi đang đi về cõi chết. Và tôi tự nhủ rằng nếu tôi không nhập trở lại được vào cái xác kia thì tôi chết thật rồi và như vậy cũng không sao.” Một bà bệnh nhân khác, sau một hồi ngơ ngác cố tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra cho mình thì chợt nghĩ ra chắc mình đã chết và thốt ra, “Ô, tôi chết rồi! Thật là êm ái!”
 
Có một hai trường hợp, người “chết” kể sau khi hồn, ý thức, hay thần thức (soul, mind, consciousness) lìa khỏi thân xác vật lý rồi thì họ biết họ không hiện hữu trong một thân xác nào khác nữa. Mặc dầu họ thấy được hết mọi sự việc chung quanh nhưng không phải thấy qua một thân xác mà chỉ như cảm biết vậy thôi. Có người thì nói họ không nhớ là mình có một tấm thân khác không khi họ lìa khỏi tấm thân vật lý vì họ quá bàng hoàng với những sự việc kỳ lạ đang xảy ra. Nhưng phần đông thì nói rằng vừa lìa khỏi thân xác vật lý thì họ thấy mình có một thân xác khác liền và ở đây thật khó mà diễn tả tấm thân mới này. Mỗi người nói mỗi cách vì ngôn ngữ của thế gian không thể diễn tả cho đúng những hiện thượng ngoài thế gian. Có người dùng chữ thể hồn (spiritual body) để tả tấm thân mới này. Sau một lúc họ nhận ra rằng với thể hồn, mặc dầu họ thấy được, nghe được nhưng những người kia (cõi trần) không thấy họ, không nghe họ. Một bà chết giấc vì ngột thở được đưa vào phòng cấp cứu. Bà lấy làm lạ tại sao bà lại lơ lửng bên trên nhìn về phía mọi người đang cứu cấp cái xác của bà. Bà cố nói chuyện với họ mà chả ai nghe, chả ai để ý đến bà cả!
 
Nhiều người nói rằng sau giây phút hoang mang lúc đầu, dần đà họ thấy giác quan mới của thể hồn bén nhạy hơn. Họ có thể nhìn thật xa, nghe thật rõ, đọc được ý nghĩ của người khác và chỉ nghĩ đến chỗ nào họ muốn đi thì đã thấy mình ở đó rồi. Nhưng vì họ không trao đổi gì được với những người chung quanh nên họ thấy cô đơn buồn tủi.
 
7. Gặp những thể hồn khác
Nhiều người kể họ chỉ cảm thấy cô đơn trong chốc lát thôi vì sau đó họ gặp và chuyện trò được với những thân nhân bạn bè đã quá cố đến tiếp đón họ. Một bà kể trường hợp đẻ khó, bà bị mất máu rất nhiều trong khi sinh. Bà nghe bác sĩ nói là bà không sống được nhưng bà thấy mình vẫn tỉnh táo và ngay lúc đó bà thấy nhiều người ở trong phòng xúm xít quanh bà nhưng lạ là chỉ thấy mặt thôi. Đông người lắm,ï lơ lửng ở phía trần nhà. Bà nhận ra đó là những người đã qua đời, bà thấy bà ngoại và một cô bé bạn học hồi nhỏ cùng nhiều người bà con quen biết khác. Ai cũng có vẻ tươi cười như chào đón bà ở xa về. Một ông khác kể rằng sau khi người bạn thân tên Bob chết vài tuần thì ông cũng suýt chết. Ông thấy mình bước ra khỏi thể xác vật chất và có cảm tưởng như Bob đang đứng cạnh mình. Ông biết đó là Bob nhưng một Bob không giống như hồi còn sống, tuy ông nhìn thấy Bob nhưng không phải nhìn bằng mắt vì chính ông cũng không có mắt! Nhưng lúc ấy ông không nghĩ đến điều này là lạ vì ông không cần có mắt mà vẫn thấy. Ông hỏi dồn Bob, “Bây giờ tôi phải đi đâu, chuyện gì đang xảy ra? Có phải tôi chết rồi không? Nhưng Bob không nói gì cả. Suốt mấy ngày tôi ở bệnh viện, Bob vẫn ở bên cạnh tôi nhưng vẫn không trả những câu hỏi của tôi cho đến ngày bác sĩ tuyên bố là tôi đã thoát chết thì Bob bỏ đi.
 
8. Đối diện với với “người ánh sáng“
Tuy tình tiết về kinh nghiệm “chết” của mọi người khác nhau nhưng ai cũng nói đến cuộc gặp gỡ một vị thân toàn ánh sáng. Đây có lẽ là một chi tiết lạ lùng nhất đã làm thay đổi cuộc đời của những người chết đi sống lại. Lúc đầu vị này hiện ra trong một thứ ánh sáng lờ mờ, rồi ánh sáng trở nên rõ dần và sau cùng thì hiện toàn thân trong một thứ ánh sáng rực rỡ. Có điều lạ là tuy rực rỡ mà không làm chói mắt (có lẽ họ không thấy chói vì họ không còn có con mắt trần tục nữa). Tuy vị này hiện ra như một tòa ánh sáng mà ai cũng hiểu đây là một người (being) với đầy đủ cá tính nhân phẩm của một cá nhân và vị này đã ban phát cho họ một tình thương yêu không thể dùng lời nói mà diễn tả được và ai cũng quyến luyến muốn kề cận vị này. Có điều lạ là hầu hết mọi người đều tả dung mạo, phong cách của người ánh sáng này giống nhau nhưng khi được hỏi người ấy là ai thì mỗi người nói một cách khác tùy theo niềm tin tôn giáo của họ. Mấy người Do Thái cho rằng họ đã gặp “thiên thần”, người theo đạo Cơ Đốc (Christians) thì nói người ánh sáng này là đấng Christ, người thì cho là mình đã gặp Thượng Đế. Sau khi hiện ra đối diện với thể hồn, vị này bắt đầu hỏi hồn đã sẵn sàng ra đi chưa và trong đời họ đã làm được những gì hay ho đáng nói không. Nói là hỏi và trả lời nhưng không ai dùng ngôn từ bình thường hay nghe giọng nói bình thường. Vị kia hỏi nhưng có vẻ không chờ đợi câu trả lời, làm như vị ấy biết hết rồi. Đặt câu hỏi chỉ như để nhắc nhở hồn nhớ lại những việc mình đã làm trong đời thôi.
 
9. Nhìn lui quãng đời mình
Sau câu hỏi của “người ánh sáng” nhắc nhở hồn tự kiểm thảo đời mình, vị này cho hồn xem lại quãng đời của mình rõ ràng như được chiếu trên màn ảnh lớn, từ lúc còn nhỏ ở với cha mẹ, lớn lên đi học, đỗ đạt, công danh sự nghiệp vân vân đều hiện lên rất rõ mà dường như “người ánh sáng” nhắc nhở rằng ở trên đời không có gì quan trọng ngoài tình thương. Ai cũng nói khó mà diễn tả quang cảnh này. Làm như họ nhớ lại rõ ràng như thấy nhưng không phải thấy bằng mắt. Họ thấy mình là vai chính đang diễn xuất trên màn ảnh. Họ xúc động, buồn bã, ân hận hay vui cười với diễn viên. Tuy nói là như xem một đoạn phim về đời mình nhưng từ đầu đến cuối chỉ chừng vài phút thôi hay có thể vài chục giây thôi. Họ không khẳng định được thời gian bao lâu. Khi hình ảnh trên màn ảnh bắt đầu xuất hiện thì họ không thấy “người ánh sáng” nữa nhưng họ biết người ấy vẫn ở gần và vẫn chuyện trò với họ. Một người kể rằng khi ông được xem lại quãng đời niên thiếu của ông với cô em gái, người mà ông rất thương yêu; “người ánh sáng” cho ông xem những lúc ông hành động một cách ích kỷ với em mình, nhưng ông cũng thấy những lúc ông tỏ lòng trìu mến săn sóc em. “Người ánh sáng” nhấn mạnh đến việc nên giúp đỡ người khác. Dường như vị này rất chú tâm đến sự học hỏi, cứ nhắc nhở ông phải lo trau dồi sự hiểu biết của mình và nói rằng sau này khi ông thật sự giã từ thế gian (lần này thì ông phải trở lại cõi trần) để sang cõi này ông cũng vẫn phải tiếp tục học hỏi vì đó là một qui trình không gián đoạn.
 
10. Ranh giới giữa hai cõi
Nhiều người nhớ rằng họ đi dần đến một chỗ giống như một bờ ranh. Người thì nói như đến một bờ sông, một cánh cửa, một vùng sương mù màu xám, một hàng rào, hay chỉ như một đường vẻ dưới đất. Một người kể mình “chết” vì bệnh tim: “Sau khi lìa khỏi xác tôi thấy mình đang đi trên một cánh đồng thật đẹp, toàn một màu lục nhưng khác hẳn với màu lục của thế gian và chung quanh tôi tràn ngập một thứ ánh sáng kỳ diệu. Xa xa đằng trước là một cái hàng rào, tôi vội rảo bước về phía đó thì thấy có một người phía bên kia đang tiến về hàng rào như để gặp tôi nhưng bỗng nhiên tôi có cảm tưởng bị kéo thụt lùi và người phía bên kia thì ngoảnh lưng lại đi về hướng xa hàng rào.” Một thiếu phụ kể kinh nghiệm chết của bà sau khi sinh đứa con đầu lòng. “Mới được tám tháng nhưng bác sĩ bắt vào bệnh viên cho đẻ sớm vì tôi bị nhiễm độc. Sau khi sanh, máu ra nhiều quá (sản hậu?). Là một y tá, tôi hiểu tình trạng này rất nguy hiểm. Ngay lúc đó thì tôi ngất đi. Tôi thấy mình ở trên một chiếc tàu nhỏ đang chạy sang bờ bên kia của một con sông lớn. Rồi tôi thấy những người thân của tôi đã qua đời, cha, mẹ, chị và nhiều người khác nữa, đứng trên bờ vẫy tay như muốn kêu tôi về với họ nhưng tôi lắc đầu nói rằng tôi chưa sẵn sàng về theo họ, tôi chưa muốn chết. Có điều lạ là khi thấy mình đang đi trên thuyền, tôi vẫn thấy quang cảnh trong phòng bệnh viện rất rõ ràng, bác sĩ, y tá đang bận rộn cố cứu sống tôi. Tôi nhìn thấy mọi sự như mình là khách bàng quan. Tôi cố hết sức nói cho họ biết là tôi không chết nhưng không ai nghe tôi cả. Trong khi ấy thì chiếc tàu vẫn di chuyển nhưng khi tàu sắp đến bờ thì bỗng dưng quay lại và đi trở về. Và khi ấy thì tôi vừa tỉnh lại. Bác sĩ nói tôi mất máu nhiều quá đã tưởng không cứu được.”
 
11. Trở lại cõi trần
Dĩ nhiên tất cả những người có kinh nghiệm chết này đều sống lại. Và điều đáng nói là tất cả đều đổi khác sau khi nhìn thấy thế giới bên kia. Phần đông nói rằng khi vừa tắt thở, họ tiếc nuối thân xác vật chất lắm và cố tìm cách chui vào lại. Nhưng dần đà khi thấy được nhiều điều mới lạ ở cảnh giới bên kia thì họ không muốn trở về nữa, nhất là những người đã được gặp gỡ “người ánh sáng) (being of light) và cảm thấy mình được vị này ban cho một thứ tình thương bao la vô điều kiện. Tuy cảm thấy hạnh phúc trong tình thương mới này, nhiều bà mẹ trẻ muốn trở về cõi trần vì con còn nhỏ. Có người thì muốn trở về để tiếp nối một công việc đang dở dang. Có người nghĩ rằng vì người thân của họ níu kéo, cầu nguyện nên họ không “đi” được như câu chuyện sau đây: “Tôi săn sóc một người cô già. Cô bị bịnh lần này khá lâu. Đã mấy lần cô tắc thở nhưng lại đước cứu sống có lẽ vì mọi người trong gia đình ai cũng thương cô và cầu nguyện cho cô bình an. Một hôm cô nhìn tôi và bảo, 'Joan, cô đã thấy cõi giới bên kia đẹp lắm. Cô muốn ở lại bên đó nhưng con và mọi người cứ cầu nguyện cố giữ cô lại bên này nên cô không đi được. Thôi, con nói mọi người đừng cầu nguyện cho cô nữa.” Và chúng tôi ngưng cầu nguyện thì cô mất một cách bình yên sau đó.”
 
Phần đông nói rằng họ không nhớ đã “trở về” như thế nào. Họ nói họ chỉ thấy buồn ngủ, rồi mê đi và khi tỉnh dậy thì thấy mình nằm trên giường bệnh như trước khi được chu du sang thế giới bên kia. Nhưng cũng có người nhớ rõ chi tiết khi bị lôi trở về. Một ông kể lại là khi hồn vừa lìa khỏi xác, ông thấy mình bị cuốn đi nhanh qua con đường hầm tối. Khi sắp ra khỏi đường hầm thì ông nghe ai gọi giật tên mình ở phía sau và bất thần ông bị lôi tuột trở lại. Một ông khác kể là hồn ông bay lên trần nhà nhìn xuống bác sĩ y tá đang cuống quýt cứu chữa. Khi bàn sôốc đặt vào ngực, toàn thân ông giật nẩy lên và đúng lúc đó ông bị rớt xuống thẳng đứng như một tảng đá và chui tuột vào thân thể trên giường. Có người kể thể hồn có hình dáng giống như hai trái cầu, một đầu lớn và một đầu nhỏ. Ông nhớ là khi hồn lìa khỏi xác thì đầu lớn thoát ra trước nhưng đầu nhỏ lại nhập vào trước khi hồn trở về. Một ông khác kể là ông thấy hồn thoát ra từ đỉnh đầu như được tả trong cuốn Tử Thư Sống Chết của Tây Tạng.
 
Thường thường ai cũng tiếc nuối cảnh giới bên kia nên khi tỉnh lại họ buồn bã trong một thời gian. Có người nói họ buồn đến phát khóc vì họ thật sự không muốn trở lại cõi Ta Bà sau khi được thấy cõi giới bên kia.
 
12. Kể lại kinh nghiệm“chết”
Những người đã trải qua kinh nghiệm này nhớ rất rõ là họ đã ngạc nhiên sửng sốt khi chứng kiến những sự việc đang xảy ra cho họ. Họ bảo chúng đã thật sự xảy ra chứ không phải do trí tưởng tượng hay ảo giác. Tuy thế, nhiều người không dám kể hay chỉ kể cho một vài người thân thôi vì họ biết ở xã hội này không ai tin những chuyện như thế mà còn cho là họ bị bệnh tâm thần. Một cậu bé kể cho mẹ nghe nhưng vì em bé quá nên bà mẹ không để ý đến những lời em kể. Từ đó em không kể cho ai nghe nữa. Người thì cố kể cho mục sư của mình nghe nhưng bị vị này phê bình là ông ta bị ảo giác nên ông im luôn. Một cô học trò trung học muốn kể cho bạn nghe kinh nghiệm lạ lùng của mình nhưng bị cho là điên rồ nên cô đành nín lặng. Cô nghĩ, “Tuy lạ lùng nhưng chính tôi đã được sống qua kinh nghiệm này, tôi chỉ muốn nói với các bạn rằng có nhiều khía cạnh về đời sống mà xưa nay tôi không hề biết, tôi chắc chắn các bạn cũng không ai biết.” Một người khác kể cho mấy bà y tá nghe thì các bà này bảo không nên tưởng tượng bậy bạ. Vì vậy nên ai cũng câm nín và cứ tưởng chuyện này chỉ xảy ra cho một mình mình thôi. Một người kết luận: “Tôi đã đi đến một nơi mà xưa nay chưa ai biết.” Khi bÿc sĩ Moody nói với họ rằng có nhiều người đã có kinh nghiệm tương tự thì họ có vẻ mừng vì thấy không phải mình “điên”, không phải chỉ một mình mình thấy những chuyện lạ lùng của cõi giới bên kia.
 
13. Thay đổi tâm tư
Như đã trình bày trên, những người trải qua kinh nghiệm này thường không muốn kể lể với ai nhưng họ cảm thấy những gì họ kinh nghiệm đã để lại một dấu ấn sâu xa trong đời họ, đã mở rộng tầm mắt của ho, đã thay đổi hẳn lối nhìn của họ về cuộc đời. Một ông tâm sự, “Kể từ ngày ấy, tôi thường tự hỏi tôi đã làm gì với cuộc đời của tôi, và khoảng đời còn lại này tôi sẽ phải sống như thế nào. Ngày trước muốn gì là tôi làm liền, không suy nghĩ đắn đo. Nay thì tôi thận trọng lắm. Trước khi hành động tôi tự vấn tâm xem việc này có đáng làm không hay chỉ có lợi cho tôi thôi, có ý nghĩa gì không, có ích lợi gì cho đời sống tâm linh không v.v... Tôi không phê phán người khác, không thành kiến, không tranh cãi. Và tôi thấy hình như mình hiểu rõ mọi sự việc chung quanh một cách đúng đắn hơn, dễ dàng hơn.” Người thì nói rằng họ như sực tỉnh thấy xưa nay mình chỉ “lo sống”, lúc nào trong tâm cũng lo lắng, mưu cầu, sắp đặt cho ngày mai hay luyến tiếc quá khứ mà quên sống với giây phút hiện tại. Họ khám phá rằng đời sống tinh thần thật sự quí báu hơn đời sống vật chất nhiều, rằng thân xác vật chất chỉ là nơi tạm trú cho phần tâm linh. Ai cũng nói một bài học từ “người ánh sáng” là ở trên đời chỉ có tình thương không vị kỷ là quan trọng. Tiền tài, danh vọng, hay bằng cấp cao cũng không đáng gì, chỉ có tình thương, ý tưởng phụng sự người khác mới đáng kể. Thông điệp thứ hai từ vị này là người nào cũng phải lo trau dồi kiến thức, tiếp tục học hỏi vì đây là một quá trình được tiếp nối không ngừng. Khi thần thức rời ngôi nhà tạm trú (thân xác vật chất) chỉ có thể đem qua cõi giới khác tình thương và kiến thức tích lũy được mà thôi. Vì vậy, nhiều những người chết hồi sinh thường quyết định đi học trở lại.
 
Nói tóm lại, người nào trở về cũng thấy đời mình có một mục đích rõ ràng hơn, tâm tư thoải mái hơn, đầu óc rộng rãi cởi mở hơn, mọi hành động hướng về đời sống tâm linh hơn, họ nhấn mạnh đời sống tâm linh (spiritual life) là quan trọng chứ không phải đạo giáo (religious life). Một anh chàng trẻ tuổi đang học làm tu sĩ Tin Lành kể trước kia anh nghĩ chỉ có những người theo giáo phái của anh mới được cứu rỗi, còn ngoài ra là tà đạo cả và sẽ xuống hỏa ngục hết. Sau khi gặp “người ánh sáng” mà anh cho là đấng Christ thì anh thay đổi hoàn toàn. Anh thấy vị này hiền hòa, nhân từ chứ không như đấng Christ mà anh được học trong nhà tu, một đấng Christ hay trừng phạt như được tả trong thánh kinh mà anh thường sợ hãi. Vị này không hề hỏi han gì về giáo phái của anh mà chỉ hỏi anh có biết yêu thương người khác không, thế thôi.
 
14. Quan niệm mới về cái chết
Sau khi được thấy cảnh giới đẹp đẽ bên kia, không còn ai sợ chết nữa. Nói như thế không phải là họ chán sống và muốn đi tìm cái chết. Trái lại họ thấy quí đời sống hơn và hiểu rằng đời sống này là một môi trường tốt cho họ học hỏi. Họ hiểu là họ còn nhiều việc cần phải làm nên mới “bị” trả về và họ lo làm cho xong để được ra đi một cách nhẹ nhàng sau này. Một người kể, “Kinh nghiệm này đã thay đổi hẳn cả cuộc đời của tôi mặc dù chuyện xảy ra lúc tôi mới 10 tuổi. Từ đấy tôi tin tưởng hoàn toàn rằng có một đời khác sau đời sống này và tôi không hề sợ chết. Tôi thường tự cười thầm mỗi khi nghe có người nghi ngờ về sự hiện hữu của cõi giới bên kia, hay cho rằng chết là hết. Có một lần tôi bị người ta dí súng vào màng tang dọa bắn mà tôi cũng không sợ lắm. Tôi nghĩ nếu hắn bắn mình chết, thì mình cũng sẽ sống ở một nơi khác thôi”. Có người nói họ vui vẻ trở lại cõi trần vì “người ánh sáng” (the light) hứa sẽ có mặt để đón họ khi họ thực sự từ giã cõi đời sau này. Có người thì ví cái chết như một sự di chuyển từ một nơi này sang một nơi khác, hay từ một con người vật chất sang một thể tâm linh cao hơn. Có một bà, sau khi thấy nhiều người thân đến chào mừng, có cảm tưởng như mình được đón tiếp về nhà sau một thời gian đi chơi xa. Người khác thì nói rằng dùng danh từ chết để tả lại cảnh tượng này là không đúng vì đây chỉ giống như học xong tiểu học thì lên trung học, và khi xong trung học thì lên đại học thôi. Một người khác nữa thì ví thân thể mình như nhà tù và khi chết thì được thoát ra khỏi cái ngục tù đó!
 
15. Chứng cớ cụ thể
Dĩ nhiên có nhiều người đặt câu hỏi những chuyện do những người chết hồi sinh này kể lại có thể tin được không, có chứng cớ gì không. Và câu trả lời là có. Thứ nhất là các bác sĩ thấy rõ ràng tim bịnh nhân đã ngưng đập, bệnh nhân đã tắt thở nên họ mới dùng phương pháp cấp cứu, vậy mà sau khi hồi sinh, bệnh nhân đã dùng danh từ y khoa kể lại đầy đủ chi tiết những gì xảy ra trong khi họ nằm bất động trên giường! Một cô gái sau khi lìa khỏi xác đã đi qua phòng bên cạnh và thấy chị mình đang ngồi khóc và kêu thầm “Kathy, đừng chết, em ơi đừng chết”. Sau khi hồi tỉnh cô kể lại chi tiết này và chị cô không hiểu sao cô biết rõ như vậy. Một nạn nhân kể lại đầy đủ tình tiết từ khi một người đàn ông kéo cô ra khỏi chỗ tai nạn, quần áo của người ấy mặc, những người chung quanh đã nói những gì v.v... và cha cô đã chứng nhận những tình tiết ấy rất đúng mà sao cô biết được vì cô đã bất tỉnh trước khi được kéo ra ngoài, trừ phi cô đã thoát xác và hồn cô chứng kiến mọi sự việc xẩy ra nơi ấy. Một bà kể khi bay lên gần trần nhà, bà thấy một chùm chìa khóa trên một góc tủ. Chùm chìa khóa này của một bác sĩ trong lúc vội vàng đã vứt lên đó mấy ngày trước và đã quên bẵng đi.
 
Các bạn nào muốn tìm hiểu chi tiết về cánh giới bên kia cửa tử có thể tìm đọc tài liệu nghiên cứu của nhiều tác giả người Mỹ. Chỉ cần vào Google website và ghi "the life beyond", "life after death", hay "near death experience” thì sẽ thấy vô số tài liệu. Tôi cũng đã được đọc cuốn Tử Thư Tây Tạng (Tibetan Book of the Dead) và thấy có nhiều điểm tương đồng với cảnh giới được diễn tả trong cuốn Life After Life của bác sĩ Raymond Moody. Có một điều lạ là những người chết đi sống lại đều nói đến một luồng ánh sáng (the light), hay một người sáng (being of light) mà họ cho là thiên thần, hay thượng đế tùy lòng tin tôn giáo của họ còn cuốn Tử Thư Tây Tạng thì nói đó là đức Phật Tỳ Lô Giá Na ngự trong biển sáng.
 
Người ánh sáng được tả trong cuốn sách của bác sĩ Moody không nói mình là ai. Vị này dường như thương mến tất cả mọi người và dạy mọi người rằng làm người phải biết thương thân mình, và thương người khác, rằng hành trang mà người chết có thể mang theo chỉ là tình thương thôi, một thứ tình thương vô vị kỷ. Tôi thấy những lời dạy này cũng quen thuộc như những lời Phật dạy.
Nguyên Ngọc Hoàng thị Quỳnh Hoa
                Nguồn: http://art2all.net/tho/quynhhoa/qh_canhgioibenkiacuatu.htm

No comments:

Post a Comment