Saturday, January 2, 2016

Người lính miền Bắc nghĩ gì về thương phế binh VNCH?

Người lính miền Bắc nghĩ gì về thương phế binh VNCH?
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2015-12-31


Những mất mát của thân thể không thể thay thế
Sau chiến tranh người thương phế binh VNCH bị phân biệt đối xử một cách công khai bởi những người chiến thắng, tuy nhiên đối với gần như hầu hết bộ đội miền Bắc thì cái nhìn của họ đối với người từng cầm súng phía bên kia chiến tuyến không vô cảm và cục bộ như của chính quyền hiện nay.
Cuộc chiến tranh Việt Nam chấm dứt đã 40 năm nhưng nỗi buồn vẫn đọng lại trên rất nhiều phần thân thể của những người thương phế binh chế độ cũ. Vết thương trên mình có thể lành nhưng mất mát của thân thể không có gì thay thế được.
Trong những cuộc chiến giữa hai quốc gia thì thương phế binh được đất nước của mình chăm sóc kể cả khi thua cuộc nhưng trường hợp Việt Nam thì khác, cả hai phía cùng một quốc gia nên kẻ thắng cuộc cũng là người thua mặc dù chỉ một một nửa dân số, trong đó có hàng chục ngàn thương phế binh của chế độ cũ.
Những người lính này không ai có trách nhiệm tới. Họ bị chính quyền mới xem như thành phần ngụy quân ngụy quyền, và cuộc sống có khó khăn cách mấy thì cũng phải tự bươn chải chiến đấu với cuộc sống mới.
Đại tá Phạm Xuân Phương, một cán bộ cao cấp của quân đội miền Bắc công tác tại Cục Chính trị trong thời gian chiến tranh nhận xét việc phân biệt, kỳ thị của chính quyền đối với thương phế binh VNCH mà ông gọi là khắc nghiệt như sau:
“Đứng về phương diện nhân đạo của cái khái niệm nhân đạo chung của thế giới thì tôi không ủng hộ cái việc đó đâu. Tôi cho rằng dù sao nữa thì những người thương phế binh mặc dù là họ bên kia chiến tuyến họ chiến đấu cho mục đích của họ nhưng phải thừa nhận rằng họ không đáng chịu chế độ khắc nghiệt như thế. Tôi nghĩ nếu những người thương phế binh của phía bên này nếu mà được hưởng ưu đãi này ưu đãi khác thì phía thương phế binh của phía VNCH có lẽ cũng nên được ăn ở cư xử một cách thỏa đáng hơn chứ không nên có sự phân biệt quá đáng như thế.”
Mới đây một bức thư chung của nhiều vị dân biểu, nghị sĩ Hoa Kỳ gửi cho Bộ Ngoại giao Mỹ đề nghị xem xét và nhận số sĩ quan thương phế binh của VNCH sang Mỹ định cư như đã từng có chương trình HO cách đây hơn 30 năm.
Tin vui này lập tức lan rộng và niềm hy vọng cho người thương binh ở quê nhà thêm vững chắc. Nhiều người tin rằng tuy cuộc vận động nhắm vào cấp sĩ quan nhưng trong hoàn cảnh của những mất mát chung thì vết thương của họ hoàn toàn không thể phân biệt giữa người lính và chỉ huy của họ, vì vậy chương trình khi đi vào thực hiện không ai tin quốc hội Mỹ lại phân biệt những thương binh đã bỏ một phần thân thể của họ trong cuộc chiến mà Hoa Kỳ là đồng minh lớn nhất.
Một thương phế binh VNCH sau buổi nhận tiền từ thiện tại chùa Liên Trì, TPHCM hôm 9/4/2015. AFP PHOTO.
Nhà thơ Bùi Minh Quốc mặc dù không khoác áo bộ đội nhưng ông theo sát người lính miền Bắc qua công tác phóng viên của tạp chí Văn nghệ giải phóng khu V luôn luôn trong tuyến đầu và vì vậy ông quan sát được rất nhiều trận đánh cùng các bi kịch chiến tranh mà cả hai bên chịu đựng. Ông chia sẻ với tin vui này:
“Chính sách của chính quyền Việt Nam lâu nay từ sau 75 tới nay rất tệ. Tức là họ phân biệt đối xử và họ không quan tâm tới cái quyền sống của số anh chị em thương phế binh của phía VNCH này. Cho đến lúc gần đây do những chuyển biến của cục diện, tình hình chính trị thế giới và quốc nội thì họ buộc phải có những chuyển hướng và bây giờ nghe tin chính phủ Mỹ có một chính sách như thế tôi rất mừng rất hoan nghênh.”
Nhà báo Nguyễn Tường Thụy, cũng là một bộ đội của quân đội Bắc Việt cho biết:
“Khi nghe thông tin này tôi rất ủng hộ. Vừa qua tôi có tiếp xúc với anh em thương phế binh VNCH tại nhà thờ 38 Kỳ Đồng tôi đã gặp rất nhiều anh em và đã phỏng vấn họ. Trong trường hợp này nếu có chương trình như vậy thì tôi rất ủng hộ vì thực ra họ là những người lính đã chịu rất nhiều thiệt thòi bởi vì kết cục của cuộc chiến tranh 55-75 là một kết cục hoàn toàn bất lợi cho anh em binh sĩ VNCH và đặc biệt là những người thương phế binh. Họ không được chăm sóc từ phía chính quyền. Họ không được hưởng một điều gì cả.”
Những người xứng đáng được trả công
Chiến tranh đã qua, người thắng trận tuy không phải ai cũng chia sẻ đồng đều quyền lợi an sinh xã hội nhưng dù sao thì những thương phế binh VNCH ngày ngày ngồi một mình trong bóng tối vì không di chuyển được hay đang phải đấu tranh kiếm sống ngoài chợ đời cũng đều chung một ý tưởng bị bạc đãi vì đã cầm súng chống lại phía bên kia. Đề nghị đưa họ sang định cư ở Mỹ có lẽ sẽ làm cho nguồn hy vọng bừng cháy trở lại không phải cho chính bản thân mà là cho con cái của họ, những người xứng đáng được trả công vì đã bỏ một phần thân thể cho đất nước Việt Nam.
Trong thời gian gần đây, Dòng Chúa Cứu Thế nằm tại nhà thờ đường Kỳ Đồng Saigon đã có những hoạt động từ thiện giúp đỡ cho anh em thương phế binh. Mặc dù sự chia sẻ của xã hội không nhiều nhưng những gói quà ít ỏi lại chứa rất nhiều tình cảm con người với nhau, khả dĩ vơi bớt những đau đớn mà họ và gia đình gặp phải hàng ngày. Thế nhưng những tấm lòng ấy cũng bị săm soi bởi chính quyền vì họ không tin trong những gói quà ấy không chứa đựng mầm mống bất ổn cho chế độ. Nhà báo Nguyễn Tường Thụy kể lại:
“Tôi được biết khi anh em đi nhận quà của chương trình tri ân thương phế binh VNCH thì họ bị cản trở ở các địa phương cho nên họ rất thiệt thòi và tôi đã tiếp xúc rất nhiều với họ rồi. Chương trình này diễn ra trong 10 ngày mỗi ngày có thể tặng quà cho 200 tới 300 người thôi trong khi đó thì danh sách rất nhiều người. Tôi đã thấy những hoàn cảnh mà vợ đưa chồng đi, những người thương phế binh cụt chân cụt tay…
Khi mà tôi phát biểu với anh em thương phế binh VNCH thì câu đầu tiên của tôi là tôi muốn gửi đến tình thương mến của tôi đối với anh em, những người đang thiệt thòi trong cuộc sống bởi vì kết cục cuộc chiến tranh nó là như vậy cho nên họ chịu số phận như vậy. Tôi là một người lính trong quân đội Bắc Việt trước tình cảnh ấy thì tôi cũng phải nói là rất xúc động, xúc động vô cùng.”
Đại tá Phạm Xuân Phương nhận xét về đề nghị cho chương trình định cư của anh em thương phế binh VNCH:
“Tôi cho rằng nếu nhà nước không đảm đương nỗi thì để cho họ đi là tốt chứ có gì đâu.”
Tất cả hy vọng vẫn còn phía trước và không người Việt Nam nào đành lòng nói không với đồng bào mình nhất là khi họ đáng được có đời sống không chật vật như hôm nay bởi những gì họ đã cống hiến từ chính thân thể của họ.
Xem thêm: Tri Ân Thương Phế Binh VNCH




Chương trình H.O tái định cư: Tất cả là bước khởi đầu

Chương trình H.O tái định cư: Tất cả là bước khởi đầu
Cát Linh, phóng viên RFA
2015-12-31

Những thương phế binh VNCH trong một buổi nhận tiền từ thiện tại chùa Liên Trì, TPHCM hôm 9/4/2015.
AFP photo

Tiếp tục loạt bài về Tái định cư thương phế binh VNCH, Cát Linh xin gửi đến quí vị những lời chia sẻ của nhạc sĩ Trúc Hồ và Bà Hạnh Nhơn, là hai người sáng lập Hội H.O Cứu trợ thương phế binh, goá phụ VNCH và cũng chính là hai người đã phát động hé mở lại chương trình định cư cho các thương phế binh VNCH.
Trước tiên Bà Hạnh Nhơn cho biết:
“Chúng tôi rất mong mỏi việc đó. Tuy nhiên, việc này, đầu tiên là nhạc sĩ Trúc Hồ của đài SBTN phát động ra, nói với hội chúng tôi cung cấp danh sách thì được 580 người. Chúng tôi đã cùng với SBTN đi gặp bà Lora Funseth, ông McCain, dân biểu Alan Lowenthal, dân biểu Ed Royce. Ai cũng hứa yểm trợ nếu việc này được đưa ra bàn cãi ở Bộ Ngoại giao.”
Năm 1990, chương trình H.O cho các tù nhân chính trị phải chịu cảnh tù đày sau biến cố 30 tháng 4 đã mở ra một chương lịch sử lớn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam với gần 300 ngàn sĩ quan viên chức chế độ cũ cùng gia đình định cư tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, vẫn là sức người có hạn. Vẫn còn rất nhiều những người lính sau khi kết thúc chiến tranh, dù là sĩ quan nhưng là thương phế binh nên họ không đi “học tập cải tạo”, không ở tù, và như thế, họ không đáp ứng được yêu cầu của dự luật H.O năm đó.
Từ tiếng kêu gọi của một người bạn bên kia bờ đại dương
40 năm sau, những phận đời lính oai hùng ngày nào, giờ đang trải qua những tháng ngày nhọc nhằn với một cơ thể không còn lành lặn. Không những khó khăn trong cuộc sống, con, cháu của họ cũng phải đối diện với những đối xử bất công trong xã hội. Họ chia sẻ nỗi niềm với những đồng đội cũ, những người may mắn hơn trong chương trình H.O hơn 20 năm trước. Và điều này đã làm cho nhạc sĩ Trúc Hồ cùng với nhóm những người H.O (Hội thương phế binh, cô nhi quả phụ do nhạc sĩ Trúc Hồ và Bà Hạnh Nhơn sáng lập từ năm 1992 đến nay)  nghĩ về việc vận động cho một chương trình tái định cư:
“Đây là tấm lòng thành thật của người Việt Nam ở hải ngoại từ tiếng kêu gọi của một người bạn ở bên kia bờ đại dương, là một thương phế binh sĩ quan gọi cho một người sĩ quan bên Hoa Kỳ, nói rằng có cách nào giúp cho họ đi không. Họ cũng là sĩ quan, gãy tay, gãy chân. Bây giờ con của họ bị đì, cháu của họ bị đì.”
Theo lời Bà Hạnh Nhơn, sau khi nhận được lời đề nghị từ nhạc sĩ Trúc Hồ, dân biểu Alan Lowenthal đã kêu gọi những dân biểu khác cùng đưa vấn đề này lên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Về phía nhạc sĩ Trúc Hồ thì ông cho biết mình đã tìm gặp ông John McCain, một trong hai tác giả của dự luật H.O để vận động mở lại chương trình tái định cư cho thương phế binh VNCH:
“Tôi gặp ông Alan, rồi đến ông Ed Royce, rồi đến ông John McCain. Tất cả những người dân biểu tôi gặp đều chỉ về ông John McCain hết, tác giả của đạo luât H.O. Tôi đã vận động ông McCain hai lần rồi, và sẽ tiếp tục vận động trong mùa bầu cử này.”
Chương trình được vận động từ hơn một năm nay. Cho đến ngày 17 tháng 12 vừa qua, năm vị Dân biểu Hoa Kỳ gồm các Dân biểu Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Hạ Viện Quốc hội Hoa Kỳ, Dân biểu Alan Lowenthal, Dân biểu Christopher Smith, Dân biểu Gerald Connolly và Dân biểu Zoe Lofgren đã kêu gọi Ngoại trưởng John Kerry xem xét về việc có thể dùng các luật lệ hiện hành để tái định cư các Cựu quân nhân thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa còn sót lại tại Việt Nam.
Cho đến ‘Chương trình H.O nối tiếp’
Những thương phế binh VNCH trong một buổi nhận tiền từ thiện tại chùa Liên Trì, TPHCM hôm 9/4/2015
Như lời Bà Hạnh Nhơn đã cho biết, Hội H.O Cứu trợ Thương phế binh VNCH đã gửi 580 bộ hồ sơ của cựu sĩ quan thương phế binh để chờ xem xét cho chương trình tái định cư. Nói về lý do vì sao đối tượng của các bộ hồ sơ chỉ là sĩ quan, cả nhạc sĩ Trúc Hồ và Bà Hạnh Nhơn đều cho biết bởi vì chương trình mà họ vận động là một chương trình nối tiếp cho dự luật H.O đã có sẵn vào năm 1990. Thời gian để dự luật H.O được thực thi năm 1990 là phải trải qua 7 ,8 năm thương thảo, thay đổi rất nhiều điều lệ. Chính vì thế, theo Bà Hạnh Nhơn, không ai dám chắc rằng sẽ không phải chờ đến 7 hoặc 8 năm để làm hết tất cả hồ sơ cho các thương phế binh còn lại ở Việt Nam:
“Chúng tôi không phải là phân biệt đối xử mà không lo cho anh em hạ sĩ quan, binh sĩ. Mà tại vì có chương trình H.O có sẵn, và trước đây chính phủ Hoa Kỳ đã cho chương trình H.O để sĩ quan qua đây trước chứ không có chương trình cho hạ sĩ quan, binh sĩ. Cái đó là do quyết định ở trên, chúng tôi không rõ. Bây giờ chúng tôi chỉ cho sĩ quan với cái số ít như vậy để cho người ta mở chương trình H.O đã có sẵn thì dễ hơn là mở ra 1 chương trình khác. chúng tôi xin hé mở chương trình H.O nối tiếp cho số sĩ quan thương phế binh qua trước cái đã rồi mình sẽ tính về sau.”
Nhạc sĩ Trúc Hồ cũng chia sẽ những ý tưởng của ông trong bước đầu của cuộc vận động này:
“Chúng tôi có nói với thượng nghị sĩ Việt Nam mình là bà Janet Nguyễn giúp một tay. Ý tưởng ban đầu là dựa vào dự luật H.O có sẵn. Mình chỉ muốn mở rộng thêm cái dự luật H.O thôi vì hồ sơ của thương phế binh, mà sĩ quan thì H.O đã có sẵn. Mình làm sao để người ta cộng thêm một số người mà dự luật này bỏ quên là những người sĩ quan mà thương phế binh. Những dân biểu mình gặp thì họ đã lên tiếng. Bà Janet Nguyễn thì lại muốn hết tất cả thương phế binh.”
Chưa có quyết định cụ thể
Cho đến thời điểm hiện tại thì chương trình này vẫn còn đang trong quá trình xem xét, chưa có một quyết định cụ thể nào từ phía Hoa Kỳ. Và theo như lời Bà Hạnh Nhơn cho biết, mặc dù lá thư của các vị dân biểu đã được gửi ra, nhưng thật sự đây chỉ là một sự khởi đầu:
“Hiện tại chưa có một quyết định nào hết. Chưa đưa ra bàn cãi gì hết. Chúng tôi rất dè dặt phổ biến, vì nếu đưa ra mà không được chấp thuận thì tội cho anh em ở Việt Nam người ta hy vọng quá. Cho nên chúng tôi vẫn âm thầm.”
Chính nhạc sĩ Trúc Hồ cũng nói rằng con đường phía trước còn rất dài, vì tất cả những gì mà ông và hội H.O cũng như chính lá thư của các vị dân biểu đều đang ở thời kỳ vận động cho việc mở lại chương trình tái định cư:
“Đây là những gì đang trong thời gian vận động, chưa có gì thật hết. Những người lính trong nước đừng nghe lời ai mà đưa tiền làm hồ sơ. Hiện giờ còn nằm trong vận động và những người dân biểu lên tiếng ủng hộ thôi.”
Bà Hạnh Nhơn bày tỏ sự lo lắng trước những thông tin không chính xác sẽ làm  cho số người thương phế binh VNCH ở Việt Nam hy vọng trong khi tất cả vẫn còn là bước khởi đầu:
“Hiện tại chưa có quyết định gì hết. mà bên này cứ tin đồn về Việt Nam làm rất tội cho anh em. Họ cứ tưởng là đã quyết định rồi, được rồi. Rồi có những dịch vụ đưa ra để làm giúp hồ với giá rẻ làm cho anh em rất tội nghiệp. Họ đang bình an, đang chấp nhận cuộc sống. Chúng tôi trấn an anh em là khi nào chính phủ Hoa Kỳ quyết định thì sẽ phổ biến rộng rãi, khi đó mới biết được chắc chắn.”
Vạn sự khởi đầu nan. 40 năm là một đoạn đường dài cho một cuộc đời, đối với những người lính thương phế binh VNCH năm xưa sẽ còn vô tận và gian nan hơn nhiều nữa. Cho dù tất cả chỉ là bước khởi đầu, nhưng chúng ta hãy cùng cầu chúc cho niềm hy vọng của những người lính ấy mau chóng thành hiện thực.



Công lý ở Việt Nam và lá thư 127


Công lý ở Việt Nam và lá thư 127
Kính Hòa, phóng viên RFA
2015-12-21

Sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha tại Tòa án Long An hôm 16/5/2013.
http://www.rfa.org/rfa_resources/graphics/icon-zoom.png AFP photo
Pháp luật nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
NGHE: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReadingBlogs/the-so-called-justice-in-vn-n-the-letter-of-127-kh-12212015101027.html/12212015-blog-kinhhoa
Luật sư Nguyễn Văn Đài bị bắt giữ theo điều luật 88 bộ luật hình sự của Việt Nam, phạt tù những người được cho là tuyên truyền chống phá nhà nước. Vậy là người luật sư vốn nổi tiếng với những vụ án chính trị, bước vào nhà tù lần thứ hai.
Báo chí chính thống của nhà nước đồng loạt đưa tin này.
Luật sư Lê Công Định, người từng là tù nhân chính trị nhận xét:
Trong tất cả bản tin được báo lề phải đưa về vụ bắt giam và khởi tố anh Nguyễn Văn Đài hôm nay, đều có đoạn: "Bản thân Nguyễn Văn Đài đã nhận 60.000 USD của các Tổ chức “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam”, “Họp mặt dân chủ”, “Ủy ban cứu trợ thuyền nhân Việt Nam” ở Mỹ."
Mục đích của lối đưa tin như vậy là nhằm định hướng dư luận (ngây thơ) rằng anh Đài đã câu kết và dùng tiền của "nước ngoài" để chống phá nhà nước.
Về phương diện pháp lý, việc nhận tiền như vậy (nếu có) hoàn toàn không vi phạm pháp luật Việt Nam hiện hành. Hành vi nhận tiền duy nhất bất hợp pháp và bị xem là tội phạm hình sự theo luật định, chính là tham nhũng.
Điều luật 88 của bộ luật hình sự vốn bị nhiều chỉ trích là không rõ ràng nhằm mục đích trấn áp các tiếng nói đối lập, những người bất đồng chính kiến với đảng cộng sản. Điều 88 cùng với nhiều điều luật khác được cho là đặt ra để tạo điều kiện cho sự lạm dụng quyền lực. Bình luận về cụm từ chống phá nhà nước trong điều luật này, blogger Nguyến Đình Ấm viết rằng nhà nước của đảng cộng sản hiện nay vốn chịu nhiều trách nhiệm về sự mất mát lãnh thổ của dân tộc, và làm hại dân, do vậy nếu căn cứ theo chính những lời nói của ông Hồ Chí Minh, người thành lập đảng, rằng dân có quyền đuổi nhà nước, thì việc chống đối lại nhà nước này là một điều chính đáng.
Trên nhiều trang mạng xã hội, các trang blog đã bắt đầu xuất hiện cuộc vận động đòi thả luật sư Đài.
Blogger Nguyễn Lân Thắng viết:
Quyền lực chỉ có giá trị khi có sự đồng ý...
Im lặng là sự đồng ý...
Nếu mỗi người không tự nói lên chính kiến của mình thì tức là bạn đã chấp nhận thứ quyền lực độc tôn, độc tài mà đảng cộng sản Việt Nam đang áp đặt lên đầu chúng ta thông qua nhà tù và còng số 8...
Càng nhiều người phản đối, chúng ta càng mạnh lên, kẻ độc tài sẽ đến lúc phải bỏ chạy...
Phản đối điều luật 88 bộ luật hình sự
Phản đối tất cả những điều luật hòng lấy đi quyền con người của chúng ta
Đảng cộng sản Việt Nam phải trả lại quyền lực cho nhân dân !
Trước khi luật sư Đài bị bắt một vài hôm, một vụ án khác cũng lôi kéo được sự chú ý của các blogger, đó là vụ án Nguyễn Viết Dũng. Anh Dũng tham gia cuộc tuần hành bảo vệ cây xanh tại Hà nội vào tháng tư năm nay, và trong cuộc tuần hành đó anh có đeo trên người huy hiệu của quân lực Việt Nam Cộng hòa. Người ta cho rằng việc đeo huy hiệu đó là lý do chính khiến anh bị bắt và truy tố. Nhưng trớ trêu một nỗi là trong pháp luật Việt Nam lại không có điều luật nào liên quan đến những huy hiệu này, vì thế tại phiên toàn anh bị xử tội gây rối trật tự công cộng.
Tại phiên tòa xử anh Dũng một luật sư của anh bị đuổi ra ngoài vì những yêu cầu trưng bằng chứng, ba luật sư còn lại bỏ ra khỏi tòa để phản đối. Người bị tòa án đuổi ra là luật sư Lê Văn Luân, ông viết rằng:
Phiên tòa không một nhân chứng, không vật chứng. Luật sư cũng không thể bào chữa, bị cáo thì đã báo không đủ sức khỏe tại phần đầu phiên tòa, dù được đo huyết áp ngay tại phiên tòa nhưng bác sỹ lại “báo kín” với chủ tọa mà không ra công khai tình trạng sức khỏe của bị cáo tại phiên tòa cho bị cáo và các luật sư được biết.
Luật sư Lê Công Định nhận định về tòa án và các quan tòa Việt Nam hiện nay:
Nghe tường thuật về phiên toà xử Nguyễn Viết Dũng hôm qua và qua kinh nghiệm đã có trong các phiên toà chính trị khác, thấy thật thương cho thân phận con rối của các thẩm phán Việt Nam.
Não thiếu kiến thức luật pháp, đôi mắt mù loà ánh sáng công lý, chân tay bị trói chặt vào định hướng hoang đường, thì có khác gì con lừa bị kéo lê đi giữa đêm tối?
Blogger Nguyễn Tường Thụy viết bài Nền tư pháp Việt Nam tiếp tục nhạo báng công lý. Trong bài viết này ông đặt câu hỏi tại sao anh Dũng đi tuần hành ôn hòa cùng hàng trăm người khác mà chỉ mỗi mình anh bị truy tố! Câu trả lời của ông là nhà nước Việt Nam bỏ tù những người làm cho họ khó chịu chứ không phải vì hành động họ làm. Trong trường hợp anh Nguyễn Viết Dũng, việc đeo phù hiệu Việt Nam cộng hòa đã làm cho nhà cầm quyền khó chịu. Blogger Nguyễn Tường Thụy viết tiếp:
Vâng, nền tư pháp của Việt Nam vốn là như vậy. Truy tố hay không, kết án ở mức nào lại còn tùy thích. Cáo trạng thì gần như sao nguyên kết luận điều tra, bản án lại gần như sao nguyên cáo trạng. Thế mà cũng bày đặt ra công an, kiểm sát, tòa án. Sống trong xã hội Việt Nam đầy những bất an, chẳng biết đằng nào mà lần.
Một vụ án khác không liên quan đến chính trị là vụ tranh cãi nhau giữa một người bán quán và công ty nước giải khác Tân Hiệp Phát. Người bán quán phát hiện thấy chai nước của Tân Hiệp Phát có chứa ruồi, và muốn Tân Hiệp Phát phải mua sự im lặng của ông bằng tiền. Ông bị bắt, và trong phiên tòa người ta thấy ông bị còng tay. Đây là một vụ việc dân sự, nhưng người ta cho rằng cơ quan chấp pháp đã đứng về phía kẻ có tiền là Tân Hiệp Phát để biến người bán quán thành kẻ phạm tội.
Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hay blogger Mẹ Nấm nhận xét là vụ án này được đưa ra với mong mỏi báo thù hơn là niềm tin công lý.
Trở lại với điều luật 88, một người tù chính trị từng bị truy tố bởi điều luật này vừa mãn hạn tù, đó là nhạc sĩ Việt Khang. Tác giả Thanh Tôn viết rằng chuyện nhà nước Việt Nam bỏ tù nhạc sĩ Việt Khang là đỉnh cao của sự ô danh và chà đạp nhân quyền ở Việt Nam.
Lá thư 127
Một sự kiện lớn khác gây sự chú ý trên không gian mạng, tuy không được báo chí nhà nước đưa tin, là 127 nhân sĩ trí thức Việt Nam ký tên một bức thư ngỏ yêu cầu đảng cộng sản Việt Nam từ bỏ chủ nghĩa cộng sản.
Nhiều người cho rằng đây là một sự kiện chưa có tiền lệ.
Những người đặt bút ký lá thư nêu rõ nguyên nhân làm họ thảo bức thư đó là:
Văn hóa xuống cấp; đạo đức xã hội bị băng hoại; nhân dân ngày càng mất lòng tin vào thể chế chính trị.
Sự phát triển của đất nước bị kìm hãm chủ yếu là do Đảng Cộng sản Việt Nam từ nhiều năm nay dẫn dắt cả dân tộc đi con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình Xô-viết dựa trên chủ nghĩa Mác - Lênin. Trên con đường đó, trong vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam bám giữ thể chế độc tài toàn trị với bộ máy cầm quyền hết sức nặng nề, thiên về dùng bạo lực và dối trá, vi phạm nhiều quyền tự do dân chủ và lợi ích chính đáng của nhân dân, tạo thuận lợi cho tệ tham nhũng, ức hiếp dân và sự thao túng của các nhóm lợi ích bất chính. Đường lối sai lầm theo ý thức hệ cùng với bộ máy cầm quyền nhiều khuyết tật cũng không dựa vào sức mạnh của toàn dân tộc để có đối sách đúng đắn bảo vệ độc lập, chủ quyền chống mưu đồ và hành vi bành trướng của Trung Quốc.
Trong một bài viết khác, Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một trong 127 vị nhân sĩ trí thức, giải thích rõ hơn nguyên nhân cộng sản của sự xuống cấp về đạo đức xã hội ở Việt Nam hiện nay:
Đảng Cộng Sản cũng nói đạo đức, nhưng đó là đạo đức cách mạng dựa trên sự đấu tranh để bảo vệ chế độ, bảo vệ đảng chứ không phải là đạo đức để làm người lương thiện.
Sự toàn trị của Đảng Cộng Sản, ngoài việc  tạo ra sự suy đồi đạo đức thì còn tạo ra một hệ thống luật pháp và đội ngũ  thi hành kém hiệu quả. Luật pháp thiếu trong sáng và nghiêm minh, tạo ra nhiều oan sai cho dân lành và tạo  điều kiện cho một số người lợi dụng. Không những thế ĐCS còn đặt mình cao hơn luật pháp, làm cho pháp luật mất tính thiêng liêng.
Không thấy lá thư yêu cầu một thể chế chính trị có nhiều đảng phái cạnh tranh với nhau, nhưng bức thư cũng nêu rõ là việc cải cách thể chế là từng bước, và đảng cộng sản Việt Nam phải xúc tiến ban hành Luật về các đảng phái chính trị và đảng cầm quyền.
Tuy nhiên có nhiều blogger không tin vào sự hữu hiệu của lá thư ngỏ của 127 nhân sĩ trí thức. Nhà văn Phạm Thành, hay blogger Bà Đầm Xòe viết:
Đặt hiện thực nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam qua 70 năm cộng sản cầm quyền  làm nền tảng cho bất kỳ một ý kiến hay một luận thuyết nào cho con đường phát triển của Việt Nam mới là người hiểu, người biết và người hành động. Còn cứ loay hoay với ước muốn mong đảng thay đổi, rồi góp ý chân thành, tâm huyết thì giá trị của những việc làm này còn thua xa với ước nguyện thay đổi của những dân oan ngày ngày bám trụ đòi quyền lợi trên các ngõ đường, góc phố của đất nước.
Một trí thức Việt Nam sống ở nước ngoài là ông Lê Minh Nguyên cũng không tin rằng lá thư có thể đưa đến một kết quả thực tế nào:
Giai tầng trí thức trong nước, nhất là trí thức của thế hệ đi trước, có lòng và có sự cố gắng trong khả năng của sự đối lập trung thành. Tuy nhiên sự thay đổi thực sự và ôn hoà thường bắt đầu từ đường phố như ở Ba Lan hơn là từ bàn phím, nhưng CS đã tìm cách ngăn chận điều này từ trong trứng nước. Người viết vẫn hy vọng lá thư này sẽ mang đến một sự thay đổi nào đó có ý nghĩa cho dân tộc Việt Nam chứ không phải là một câu chuyện tình trong Hồn Bướm Mơ Tiên.
Điều mà ông Lê Minh Nguyên cho rằng phong trào dân chủ tại Việt Nam còn thiếu cũng chính là điều blogger Nguyễn Vũ Bình hiện sống ở Hà nội quan tâm là tổ chức của các nhóm đối lập vẫn thực sự chưa tồn tại.
Hiện vẫn chưa thấy phản hồi gì từ phía nhà nước của đảng cộng sản Việt Nam về lá thư 127, và cũng có thể là đảng cộng sản vẫn sẽ im lặng như những kiến nghị yêu cầu sửa đổi Hiếp pháp trước đây.
Để kết thúc chúng tôi xin trích dẫn ra đây hai nhận định của hai blogger. Một người nói về bộ máy chính quyền, còn người kia nói về không gian xã hội.
Blogger Người Buôn gió quan sát thấy bộ máy cồng kềnh của đảng đã tạo nên những món nợ kinh khủng mà thời gian qua nhiều cơ quan đảng đã hết sạch tiền. Trước cảnh vỡ nợ, Người Buôn Gió nhận xét viễn cảnh bộ máy quyền lực của Việt Nam như sau:
Sớm muộn gì cũng phải đến hạn trả nợ, lúc ấy sẽ là hết Đảng CSVN. Các uỷ viên trung ương Đảng ở hội nghị lần thứ 13 này, tất nhiên hiểu rõ tính chất tương lai là như vậy. Nhiệm kỳ của các trung ương uỷ viên Đảng CSVN trong 5 năm tới đây sẽ chia làm hai loại.  Một loại chú trọng tích luỹ tiền bạc để trở thành những nhà tư bản khi chế độ CNXH sụp đổ. Một loại chú trọng làm việc minh bạch, khách quan, lấy tiếng để trở thành những chính trị gia cho một chế độ tương lai. Sẽ không ngạc nhiên khi thấy ở năm tới đây hàng ngũ cộng sản VN có nhiều kẻ vội vã vơ vét nhưng cũng nhiều kẻ tỏ vẻ thanh bạch, trong sáng, có nhiệt huyết. Một bức tranh nhiều mầu sắc trái ngược nhau sẽ diễn ra trên chính trường Việt Nam sau đại hội đảng lần thứ 12 trở đi.
Blogger thứ hai là Giáo sư Jonathan London cho rằng xã hội Việt Nam đang được tự do nhất kể từ khi đảng cộng sản cầm quyền đến nay, tuy nhiên không vì thế mà bộ máy đàn áp đã biến mất. Sau đây là nhận xét về cái mà ông gọi là phạm vi không gian chính trị công cộng ở Việt Nam:
Thứ nhất, rõ ràng sự nổi lên của Internet đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của nó. Thứ hai, không nên phóng đại sự phát triển của phạm vi công cộng chính trị Việt Nam. Bộ máy vẫn đang thống trị hầu như tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Dù công dân ngày càng sẵn sàng chia sẻ chính kiến​ ​thì vẫn có nguy cơ phải gánh chịu áp lực của bộ máy an ninh.
Ông kết luận rằng thực trạng ấy hiện nay phản ánh những căng thẳng xã hội trong một giai đoạn lịch sử quan trọng, và thực trạng ấy sẽ đóng góp như thế nào cho sự phát triển chính trị của đất nước là còn chưa chắc chắn.


Tư Bản Chủ Nghĩa và Bất Công Xã Hội

Tư Bản Chủ Nghĩa và Bất Công Xã Hội
Nguyên Lam & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2015-12-23


Năm 2016, Hoa Kỳ lại có tổng tuyển cử để dân chúng bầu lại chức vụ Tổng thống, toàn thể 435 Dân biểu Hạ viện, một phần ba các Nghị sĩ Thượng viện và vài chục Thống đốc Tiểu bang cùng nhiều chức vụ dân cử địa phương. Trong cuộc tranh cử, một vấn đề được nêu ra là nạn bất công xã hội khi một thiểu số làm giàu quá nhanh mà lợi tức của giới trung lưu và nghèo lại giảm sút. Sự thật ra sao, ta sẽ cùng tìm hiểu trong chương trình Diễn đàn kinh tế kỳ này với Nguyên Lam và chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin kính chào ông Nghĩa cùng quý thính giả. Thưa ông, tổng kết về năm 2015 và nhìn ra viễn ảnh của năm 2016, kỳ này chúng tôi xin được đề cập đến Hoa Kỳ. Năm 2016, nước Mỹ lại có bầu cử và một đề tài sẽ được chú ý là tình hình kinh tế xã hội với sự sa sút của thành phần trung lưu trong khi kinh tế Hoa Kỳ lại có dấu hiệu khả quan hơn các khối kinh tế khác, khiến tuần qua Ngân hàng Trung ương Mỹ đã lần đầu tiên nâng lãi suất khỏi số không kể từ bảy năm nay. Ông nghĩ thế nào về đề nghị này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cho rằng đây là đề tài lý thú và bổ ích, nếu chúng ta hiểu ra vài chuyện căn bản.
- Trước nhất, Hoa Kỳ là một quốc gia rộng lớn, gần như cả một lục địa với quá nhiều khác biệt bên trong, nên ta cần thận trọng khi tìm hiểu vì vấn đề không dễ tóm lược qua một câu hay một khẩu hiệu. Thứ hai, Hoa Kỳ là một nước tiên tiến nhất trong khối công nghiệp hóa Tây phương nên các vấn đề của nước Mỹ cũng hoàn toàn khác với những gì đang xảy ra tại Việt Nam. Chẳng những là khác, có khi còn trái ngược như khi ta nhìn vào một tấm gương, trái là phải và phải là trái! Thứ ba, Hoa Kỳ là xứ dân chủ, nên người ta có quyền đề cập tới mọi vấn đề chứ không có gì cấm kỵ, kể cả nhiều vấn đề rất lạ cho nước khác. Trên cơ sở của ba đặc điểm ấy, tôi xin đề nghị là ta sẽ nói đến một hiện tượng là sự khác biệt quá lớn về lợi tức khiến nhiều người Mỹ có thể phê phán sai, rằng tư bản chủ nghĩa dẫn đến bất công.
Nguyên Lam: Cám ơn ông Nghĩa nêu thẳng vấn đề này vì thế giới có nhiều người mong ước có được cuộc sống sung túc và tự do như dân chúng tại Hoa Kỳ và ngạc nhiên khi nghe thấy sự phê phán ấy. Thí dụ như trong cuộc tranh cử Tổng thống, Nghị sĩ Bernie Sanders bên đảng Dân Chủ nêu lý luận có vẻ xác đáng về chủ trương dân chủ xã hội của ông. Rằng thành phần giàu có phải đóng thuế cao hơn vì là những người giàu nhất, và tánh tham lam là cái gì đó chẳng ai chấp nhận được, thí dụ như trong hai năm khốn khó kinh tế vừa qua, tài sản của 15 người giàu nhất nước Mỹ đã tăng thêm 170 tỷ đô la và hơn tổng số tài sản của 130 triệu người thuộc thành phần nghèo nhất. Từ Việt Nam mà nghe như vậy thì người ta nên nghĩ sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta nên biết chính khách này từng tôn sùng chủ nghĩa xã hội Liên Xô và bây giờ nói ra một phần sự thật để tranh thủ cử tri. Nhưng nếu một phần của ổ bánh mì vẫn là bánh mì, một phần của sự thật thì chưa là sự thật. Và thống kê thì không gian dối chứ kẻ gian dối vẫn có thể trích dẫn thống kê để biện minh cho lập luận của mình. Cái khó của nền dân chủ là người dân phải có sự hiểu biết tối thiểu để khỏi bị giới chính trị gây lầm lạc.
- Trở lại sự thật khách quan thì người ta nghiệm thấy là trong 40 năm qua, thế giới đã có nhiều thay đổi lớn lao chưa từng thấy, xuất phát từ hai hiện tượng khác biệt mà bổ sung. Đó là cuộc các mạng về công nghệ tín học và toàn cầu hóa. Hoa Kỳ đi sớm nên gặp hậu quả mạnh nhất, loại hậu quả cũng tương tự như tại nhiều nước đã phát triển khác ở Âu Châu. Hậu quả ấy là thành phần trung lưu bị sức ép rất nặng của hình thái sinh hoạt mới và nhiều người đổi thay không kịp nên bị tụt hậu, lợi tức giảm sút, trong khi thiểu số năng động nhất, có khi thuộc thành phần trung lưu lại nhảy vọt lên trên, trong mươi năm trở thành tỷ phú giàu có nhất. Từ một chuyển động trường kỳ ấy mà vội kết luận rằng chủ nghĩa tư bản gây bất công xã hội là một kết luận sai. Lấy thống kê của hai năm qua như ông Bernie Sanders viện dẫn là điều sai hơn nữa vì những đổi thay ngắn hạn từ nạn Tổng suy trầm bảy năm về trước.
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin hỏi ngay rằng vì sao ông cho rằng người ta kết luận sai khi nói chủ nghĩa tư bản gây bất công xã hội?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Người Mỹ sống trong thế giới quá rộng của họ nên ít nhìn ra xứ khác và hay hiểu lầm mà cũng chẳng biết là mình lầm! Họ không thấy là từ bốn chục năm qua, chính tư bản chủ nghĩa mới tạo ra nhiều đổi thay lớn lao trên toàn cầu khiến cả tỷ người thoát khỏi tình cảnh đói khổ và có sự sung túc chưa hề thấy trong lịch sử nhân loại. Tôi cho là tư bản chủ nghĩa, chứ không phải dân chủ chính trị, mới đẩy ra cái trớn của sự thịnh vượng. Sau đấy, cái trớn ấy cần được bổ sung bằng nguyên tắc dân chủ thì mới tránh được hiện tượng tiêu cực và bất công là “chủ nghĩa tư bản thân tộc”, khi một thiểu số có chức có quyền lại trục lợi bất chính nhờ quy luật thị trường có hạn chế vì bị nhà nước quản lý. Đấy là đại thể của thế giới.
- Riêng tại Hoa Kỳ, tình hình lại hơi khác một chút mà nhiều người không nhìn ra. Hiện tượng toàn cầu hóa là tự do trao đổi trên toàn cầu có đặt ra quy luật mới, thí dụ như thay vì sản xuất lấy thì doanh nghiệp có thể mua sản phẩm ở nơi khác thì có lợi hơn. Ngày xưa, nơi đó là tỉnh bên hay tiểu bang khác, và tạo ra công ăn việc làm cho nơi khác. Ngày nay, nơi đó là xứ khác và gây phản ứng bảo hộ mậu dịch, là phản ứng đi ngược quy luật tiến hóa y hệt như trong buổi bình minh của cuộc cách mạng kỹ nghệ vào thế kỷ 19.
Nguyên Lam: Như ông vừa trình bày thì cùng với hiện tượng toàn cầu hóa, thế giới và Hoa Kỳ còn có cuộc cách mạng về công nghệ tin học với nhưng đổi thay lớn lao không kém. Hậu quả tích cực và tiêu cực của cuộc cách mạng ấy là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Khi ta có một hiện tượng mới, như “new technology” thì nên tìm ra từ mới để minh định nội dung và tránh hiểu lầm. Tôi gọi đó là “thuật lý”, là cái lý của kỹ thuật, tương tự như “triết lý”, “vật lý” hay “sinh lý”, nó bao gồm và vượt ra khỏi công nghệ tín học.
- Từ ba bốn chục năm nay, tư bản chủ nghĩa, chứ không phải là xã hội chủ nghĩa hay cộng sản chủ nghĩa, đã tạo ra cuộc cách mạng thuật lý như cách mạng công nghiệp cách nay hai thế kỷ. Cuộc cách mạng thuật lý cho phép con người vận dụng nhiều phương tiện mới lạ chưa từng có để giải quyết nhu cầu của mình. Thí dụ ai cũng thấy là doanh nghiệp điện toán hay thông tin bỗng xuất hiện và làm giàu rất nhanh trong khi cũng đem lại nhiều đổi thay lớn trên thị trường. Thí dụ như Microsoft, Intel, Google hay Toshiba, Samsung, v.v…
- Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tài chính, như các quỹ đối xung, hedge funds, hoặc y khoa hay sinh dược học,bio-pharmaceutical hay biogenetic cũng khai thác loại thuật lý chưa từng có để ngồi nơi này sản xuất phẩm vật hay sự giàu có từ nơi khác. Những ai kịp thay đổi tại “nơi này” hay “nơi khác” thì được lợi tức cao hơn, giả dụ như kỹ sư Việt Nam làm cho Intel. Những ai ở tại Mỹ mà học không kịp thì đành chấp nhận việc làm khác với mức lương thấp hơn. Nếu họ oán kỹ sư Việt Nam hay y tá Ấn Độ cướp mất việc làm của họ thì ta nghĩ sao? Giới chính trị thì không nghĩ hay giải thích mà chỉ khai thác tâm lý đó để bảo vệ nguyên trạng, là bảo hộ mậu dịch và chống toàn cầu hóa! Có khi với lý luận là công nghiệp và toàn cầu hóa hủy hoại môi sinh và làm nhiệt hóa địa cầu. Đấy chỉ là một biến thái mới của phản ứng cũ là chống tư bản chủ nghĩa dù chủ nghĩa này đã tự động giải quyết vấn đề và còn làm giàu thêm khi giải quyết các vấn đề ấy, thí dụ là môi sinh tại các nước tư bản tiên tiến đều ít bị ô nhiễm hơn các nước tân tòng đang phát triển.
Nguyên Lam: Có một vấn đề thường được nêu ra tại Hoa Kỳ là mức lương quá cao của giới lãnh đạo doanh nghiệp so với lợi tức sa sút của công nhân viên ở dưới. Ông nghĩ sao về hiện tượng này khi Chủ tịch hay Tổng quản trị một doanh nghiệp có lợi tức gấp 400 lần mức lương trung bình của các nhân viên ở dưới?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trong chuyện này, ta có ba vấn đề khác biệt. Thứ nhất là loại tư doanh với phần vốn tập trung vào thiểu số sáng lập. Nếu thành công thì mức lương của họ quả là rất cao, nhưng do chính họ quyết định ở bên trong. Mà đồng lương ấy chỉ là giá biểu của thị trường so với thành quả của sản xuất là doanh lợi. Thứ hai là loại doanh nghiệp gọi vốn trên thị trường cổ phiếu, và chủ đầu tư là các cổ đông có thể đề cử cơ chế đại diện là Hội đồng Quản trị để quyết định về thù lao thanh toán cho giới điều hành là những tay chuyên nghiệp về quản trị mà chưa chắc đã là chủ đầu tư. Thù lao ấy phải tương xứng với mức lợi nhuận họ đem lại cho chủ đầu tư và yêu cầu ở đây là thể thức quyết định phải công khai minh bạch để tránh lạm dụng là khi một thiểu số chia chác bạc tiền đáng lẽ phải phân phối đồng đều hơn cho các cổ đông.
- Chuyện thứ ba là nếu nhìn trong trường kỳ thì hiện tượng lương cao bổng hậu có tăng mạnh trong mấy chục năm liền nhưng lên tới đỉnh là năm 2000. Kể từ đấy thì mức lương “trung vị”, là có nửa cao hơn bằng với nửa thấp hơn, thật ra hết tăng mà giảm. Năm cuối có thống kê là 2014 thì lợi tức còn thua năm 2000. Chi tiết đáng chú ý bên trong là từ năm 2007 đến 2009, một phần trăm giàu có nhất nước lại thấy lợi tức giảm sút so với sản lượng kinh tế toàn quốc. Năm 2009 cũng là năm kinh tế hết suy trầm kể từ Tháng Bảy. Và trong viễn ảnh tăng giảm của mấy chục năm liền mà chọn hai năm cuối như ông Bernie Sanders vừa nói thì hoặc là ông ta không biết, hoặc cố tình nêu ra phân nửa của sự thật mà thôi!
Nguyên Lam: Quả thật như ông Nghĩa trình bày từ đầu, chuyện kinh tế và xã hội của nước Mỹ không đơn giản chút nào. Câu kết luận của ông trong dịp tổng kết này là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thứ nhất, trong nền dân chủ, người dân nên tập thói quen nghi ngờ các chính trị gia muốn xin phiếu để làm “đầy tớ” của mình, và suy xét kỹ từng thông điệp của họ vì dễ có sai lầm hay lung lạc. Thứ hai, trong kinh tế chính trị học – hai điều ấy là hai mặt của một đồng tiền – chính trị hay chính sách có khi gây hậu quả bất lường về kinh tế mà cả chục năm sau người ta mới biết được.
- Về cụ thể thì khi xét vào lợi tức người dân, ta nên phân biệt lợi tức trước và sau thuế vì ở giữa thì thuế khóa theo phép lũy tiến có phần nào giới hạn sự bất công và tạo ra mạng lưới xã hội cưu mang dân nghèo. Kế đó, xét về lợi tức thuần sau thuế thì quả là thành phần trung lưu tại Mỹ, khoảng 120 triệu người, có mức sống chật vật hơn từ 30 năm nay. Bên trong, giới trung lưu có thể cải tiến mức sống để thành thượng lưu thì ít đi mà nhiều hộ gia đình còn tụt xuống cấp dưới. Họ không theo kịp đà tiến hóa và hết là thành phần mà tư tưởng và lối sống đã từng là cột trụ văn hóa hay mẫu mực cho xã hội Mỹ. Đấy là một vấn đề nghiêm trọng cho Hoa Kỳ, theo tiêu chuẩn rất cao của nước mỹ, nhưng không thể giải quyết trong một chu kỳ bầu cử. Tuy nhiên việc bầu cử cũng là cơ hội nêu vấn đề để quần chúng quan tâm theo dõi các giải pháp được đề nghị.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á châu Tự do xin cảm tạ ông Nghĩa về bài tổng kết này.